Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Tin vắn 29.11.2017



Cựu lính SS Oskar Gröning trước đây và bây giờ.
(AFP) –  Đức : Cựu phát-xít 96 tuổi vẫn phải vào tù

 Oskar Gröning, cựu kế toán trại tập trung Auschwitz năm nay 96 tuổi, rốt cuộc sẽ phải vào trại giam thi hành bản án bốn năm tù, được tuyên cách đây hai năm. Tòa án Celle ở miền trung nước Đức hôm nay 29/11/2017 cho biết sau khi tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, nhận định rằng bị cáo vẫn phải thụ án dù tuổi cao.

Hoàng tử Miteb tại điện Elysée, Paris năm 2014.
(AFP & Reuters) – Hoàng tử Ả Rập Xê Út chấp nhận nộp 1 tỉ đô la để được tự do

Theo các nguồn tin Ả Rập Xê Út hôm nay 29/11/2017, hoàng tử Miteb, con của quốc vương Abdallah quá cố, đã chấp nhận nộp hơn 1 tỉ đô la để được trả tự do sau ba tuần lễ bị giam giữ. 

Năm nay 64 tuổi, hoàng tử Miteb có thời gian được cho là người sẽ kế vị. Trước khi bị bắt, ông đã bị tước chức vụ người đứng đầu Vệ binh Quốc gia Ông bị bắt vào đầu tháng 11 cùng với vài chục thành viên khác của hoàng gia, bộ trưởng, doanh nhân, trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng thấy tại Ả Rập Xê Út. Ba người khác trong vụ này cũng đã thỏa thuận nộp tiền cho chính quyền để đổi lấy tự do.

Hai du khách Mỹ bị bắt ở Thái Lan.
(AFP) – Hai du khách Mỹ bị bắt tại Thái Lan vì « khoe mông » trước chùa

Hai người đàn ông Mỹ khoảng 30 tuổi tối qua 28/11/2017 đã bị bắt giữ tại sân bay Bangkok, do đăng lên mạng Instagram hình chụp trước ngôi chùa Wat Arun nổi tiếng với bộ mông trần. Hai du khách này đã nhận tội và chấp nhận nộp 5.000 baht tiền phạt (gần 130 euro) vì có « thái độ bất xứng » nơi công cộng, tuy nhiên vẫn bị giam giữ trong khi chờ đợi quyết định của tư pháp. Nếu bị coi là vi phạm bộ luật nghiêm khắc về « tội phạm tin học », họ có thể bị lãnh án nhiều năm tù.

Năm 2015, ba du khách Ý, Achentina và Hà Lan cũng đã bị bắt vì « khoe mông » trước đền Angkor, Cam Bốt. Ba khách du lịch Pháp và hai chị em người Mỹ bị Cam Bốt trục xuất vì lý do tương tự, sau khi lãnh án 6 tháng tù treo và cấm nhập cảnh 4 năm.

Trường mẫu giáo nơi cô giáo dùng kim chích trẻ.
(AFP) – Trung Quốc : Cô mẫu giáo dùng kim hành hạ trẻ em

Một cô giáo làm việc tại một trường mẫu giáo tư nhân ở Bắc Kinh đã dùng kim may để phạt các em bé không chịu ngủ trưa. Công an quận Triều Dương (Chaoyang) tối qua 28/11/2017 cho biết cô giáo 22 tuổi của trường mẫu giáo song ngữ RYB Education New World đã bị bắt giữ, sau khi phụ huynh nộp đơn kiện.

Phi trường quốc tế Bali ngày 29/11/2017.
(AFP & Reuters) – Phi trường quốc tế Bali mở cửa

Chính quyền Indonesia hôm nay 29/11/2017 loan báo đã mở cửa lại sân bay quốc tế Bali, sau ba ngày đóng cửa vì tro núi lửa Agung. Có khoảng 120.000 du khách đang bị kẹt lại ở Bali, do những cụm khói đen lớn phun ra từ núi lửa Agung đe dọa an toàn bay, gây lo sợ núi lửa sẽ hoạt động bất kỳ lúc nào. Khoảng 440 chuyến bay đã bị hủy, 100.000 người dân địa phương phải sơ tán.

Lần phun lửa gần đây nhất của núi Agung là vào năm 1963, làm gần 1.600 người thiệt mạng. Khoảng 1 tỉ tấn mảnh vụn đã bị hất tung lên không, bay đến tận thủ đô Jakarta cách đó 1.000 km, khiến bầu trời tối mù và làm nhiệt độ trái đất bị giảm 0,3 độ trong vòng một năm.

Bên cạnh mối đe dọa từ núi lửa, đến hôm nay đã có ít nhất 19 người chết vì đất lở và lụt lội tại miền đông và miền trung Indonesia.

(AFP & Reuters) – Anh và EU sắp thỏa thuận được chi phí « ly dị »

Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm qua 28/11/2017 cho biết, Luân Đôn sẵn sàng chi trả phần lớn số tiền mà EU đòi hỏi để ra khỏi Liên hiệp, lâu nay vẫn là vướng mắc chính trong thương lượng Brexit. 

Theo báo chí Anh quốc, số tiền này khoảng 50 tỉ euro, tương đương với cam kết đóng góp cho đến ngày 29/03/2019, thời điểm Anh chính thức rút khỏi EU, trong khi EU đòi 60 tỉ euro. Tuy nhiên hôm nay ông Michel Barnier, trưởng đoàn thương thuyết EU đính chính rằng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về tài chính.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lý Phương, người tù muốn la-tinh hóa tiếng Trung Quốc




Tôi muốn giới thiệu với các bạn một đoạn ghi chép trích trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, về một người Trung Quốc rất chăm chỉ nghiên cứu ngôn ngữ Việt được la-tinh hoá ngay khi anh ta ở trong nhà tù Việt Nam. Tôi nhắc lại chuyện này, nhân có một quan chức ngành giáo dục Việt Nam coi thường thành tựu đã có được trong ngôn ngữ Việt, để chế ra một thứ chữ Việt mới nhang nhác cái pinyin mà người Trung Quốc nói trên coi là kém cỏi, so với ngôn ngữ Việt được la-tinh hóa. 

“… Trong những người tù Phong Quang mà tôi quen đầu tiên, tôi đặc biệt nhớ một thanh niên Trung Quốc bởi ý chí kiên cường của anh ta. Theo anh ta tự giới thiệu thì ở Trung Quốc anh là sinh viên một trường đại học ở Vũ Hán. Mấy ông già biết phiên âm Hán Việt gọi anh ta là Lý Phương, phiên âm từ tên Trung Quốc Li Fang hay Li Feng, không biết phiên âm thế có đúng hay không. Những người Trung Quốc mới sang trong đợt chạy cách mạng văn hóa vô sản nói chung không có tên gọi theo âm Hán Việt. Tên Việt của họ là do các cán bộ coi tù đặt theo kiểu hầm bà lằng, miễn sao dễ gọi. 

Không hiểu nghe ai nói tôi là nhà báo, Lý Phương tự tìm tới tôi:

- Tôi có việc muốn nhờ anh. - Lý Phương nói bằng tiếng Việt, rất rõ ràng, rất chuẩn, do đó không được Việt lắm.
- Có chuyện gì vậy?
- Tôi muốn anh giúp tôi trong việc tìm ra cách la-tinh hóa tiếng Trung Quốc.
Tôi ngần ngừ:
- Tôi không biết tiếng Trung Quốc, không biết những đặc điểm của cách phát âm Trung Quốc, làm sao giúp anh?
- Anh giúp được. Tôi chỉ hỏi anh khi cần thôi. Tự tôi nghiên cứu là chính. Anh người Hà Nội, phát âm tiếng Việt chuẩn, lại có hiểu biết về ngôn ngữ, thế là tốt cho tôi lắm rồi. Anh biết không, tôi thấy tiếng Việt được la-tinh hóa rất hay. Cần phải bắt chước cách la-tinh hóa tiếng Việt để ký âm tiếng Trung Quốc, la-tinh hóa nó... 

Không một lời nào nói tới cuộc sống tù tội, không một câu hỏi thăm về án hình, vốn là đề tài muôn thuở trong những cuộc làm quen ở chốn này. 

Trung Quốc không bao giờ hết những con người vĩ đại. 

Cho đến lúc rời Phong Quang tôi vẫn không biết chính xác lý do Lý Phương rơi vào nhà tù Việt Nam. Có người nói anh ta ở trong một tổ chức chống Mao. Trong cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản, Lý Phương bị bắt, vượt ngục chạy sang Việt Nam. Trong trường hợp một người ở nước mình nhân thân bị đe dọa vì lý do chính trị đến xin tá túc một nước khác, gọi là xin cư trú chính trị, thì nước nọ thường cho phép anh ta cư trú, lại còn giúp đỡ điều kiện sinh sống. Trừ Việt Nam. Những người Trung Quốc tị nạn đến Việt Nam, nếu may mắn không bị trả về Trung Quốc thì họ được Việt Nam cho tị nạn trong tù. 

Lý Phương không bị trả về Trung Quốc là may. Nhưng có thật anh ta chống Mao không thì tôi không biết. Chỉ biết trong trại Phong Quang Lý Phương kết nghĩa anh em với một người tù, cũng rất đặc biệt, là Lý Cà Sa. 

Về Lý Cà Sa tôi đã được nghe tiếng từ trại Tân Lập. Người tù rất đặc biệt này đã qua nhiều trại, do đó được anh em tù biết đến nhiều. Anh ta hình như là thổ phỉ thì phải. Tôi nói hình như vì chính tai tôi chưa nghe Lý Cà Sa nói về tội trạng mình lần nào, cũng không nghe cán bộ trại giam nói, hoặc nghe người ta đọc tội danh của anh trong khi kiểm kê tù hàng năm. Theo tôi quan sát thì Lý Cà Sa giống tù số lẻ hơn tù số chẵn. 

Đó là một người Trung Quốc hoàn toàn, nhưng không phải một người Trung Quốc hiện đại, mà từ thời hòa thượng Lỗ Trí Thâm, thời đầu mục Lâm Xung, lạc vào đây. Cao, to, cân đối, gương mặt sáng sủa, với đường nét ngay thẳng, trông thoáng cũng thấy anh là người tính tình cởi mở, trung thực, Lý Cà Sa nổi tiếng là người có sức khoẻ kỳ lạ. Tám người tù lẻo khoẻo ì ạch kéo một cái xe bò lên dốc không nổi, Lý Cà Sa chạy lại giúp, anh xua mọi người ra, lôi nó đi băng băng bằng một tay. Hơn một chục tù tát từ sáng tới trưa không cạn một cái giếng, Lý Cà Sa cũng xua họ đi, một mình một gầu thau xong giếng trước khi trời tối. 

Vì sức khỏe, và vì cả nết chăm làm của anh, Ban giám thị các trại đều trọng nể anh. Họ cho anh một đặc ân không người tù nào có được là suất ăn hàng ngày gấp đôi tù thường. Có điều, với sức khoẻ của Lý Cà Sa, suất ăn như thế chẳng đi đến đâu. 

Lý Cà Sa rất thương Lý Phương. Kiếm được cái gì anh cũng nhường cho Lý Phương. Lý Phương nhận sự nhường nhịn của đàn anh như lẽ đương nhiên, suốt ngày chỉ chăm chú vào việc cải tiến chữ Trung Quốc. Trông cách làm việc của Lý Phương thì có thể nghĩ rằng anh thanh niên này không phải bị tù, mà anh ta sang Việt Nam để có điều kiện nghiên cứu cho việc hoàn tất một công trình ngôn ngữ học rất quan trọng. 

Không biết rồi công trình của nhà ái quốc Lý Phương có giúp ích gì cho ngôn ngữ Trung Hoa hay không, nhưng anh ta đã làm việc, như chúng ta thường nói, quên mình”.

FB VŨ THƯ HIÊN 28.11.2017


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐÊM THÁNG MƯỜI




Đêm tháng mười một mình thao thức
chỉ còn gió ngoài sông thổi thông thốc cánh đồng
còn ai đó trông vườn cây chín quả
được mùa mà rớt giá
kể bằng không!
Tự trấn an mình mai ngày tìm được
tin yêu ngày nào, bằng hữu thủy chung?
tóc thưa dần lâu không cần đến lược
khát ngày quê
nắng mới say cuồng..
Nhớ thời ước ao phố dài xanh thắm
Đi dưới hàng cây ấm áp tay người..
Người đã xa phố bây giờ đã cũ
tiếng cười năm nao
chìm đâu phương trời?
Với ta bây giờ vui buồn thế cả!
quan trọng gì đâu cuộc chơi không dài?
Còn chút e dè nào sót lại
ta cởi ra
gửi theo gió may!
Đêm tháng mười trăng trời cũng nhạt
chỉ là trăng suông trên nước non này!
Thức trọn đêm mới hay đời có thật:
- Đêm từng đau hơn,
ngày vui với người!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 thiên tài vĩ đại chìm trong bi kịch bị lãng quên


authorLinh Trang (Theo Nautil) 

(Dân Việt) - Trong hầu hết các bảng xếp hạng những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại, bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều cái tên quen thuộc như Einstein, Newton, Maxwell,... Những thiên tài dưới đây có đóng góp không hề nhỏ nhưng dường như lại bị lịch sử lãng quên.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 1
1. Amalie Emmy Noether (Đức, 1882-1935) là nhà khoa học nổi tiếng với những đóng góp cơ bản và đột phá trong lĩnh vực đại số trừu tượng và vật lý lý thuyết. Bà là 1 trong những nhà toán học nữ có nhiều đóng góp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, vào thời điểm bà đang sống, phụ nữ không được chấp thuận bất kỳ 1 vị trí hàn lâm chính thức nào. Bởi vậy, mặc dù được mời gia nhập khoa Toán ở trường Đại học Göttingen, một trung tâm nghiên cứu toán học nổi tiếng thế giới, bà vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của của những người thuộc khoa Triết học và phải giảng dạy 4 năm tại đây dưới tên của Giáo sư Hilbert.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 2

2. Emile Borel (Pháp, 1871-1956). Năm 11 tuổi, tài năng toán học vượt trội của Borel đã được bộc lộ. Sau khi chuyển đến Paris sinh sống và học tập, ông đã có nhiều đóng góp lớn cho lý thuyết đo lường và xác suất.
10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 3
3. William Kingdon Clifford (Anh, 1845-1879) là 1 nhà toán học xuất sắc khi giới thiệu mô hình đại số hình học. 30 tuổi ông kết hôn với tiểu thuyết gia, nhà báo nổi tiếng thời đó, Lucy Clifford. Tuy nhiên do làm việc quá độ, ông đã mất sớm để lại người vợ góa và 2 đứa con nhỏ.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 4

4. Adolphe Quetelet (Bỉ, 1796-1874) là nhà toán học, thiên văn học, nhà tự nhiên học và thống kê học người Bỉ. Ông là 1 trong những người đầu tiên khởi xướng việc nghiên cứu dân số và là người sáng lập của Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ. Ông đặc biệt coi trọng việc đưa lý luận thống kê vào việc kiểm chứng các vấn đề khoa học xã hội. Adolphe Quetelet cũng là tác giả của công thức Body Mass Index (BMI), giúp xác định chính xác cân nặng tiêu chuẩn của một người.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 5

5. Mary Somerville (Scotland, 1780-1872) là 1 trong những nhà khoa học nữ nổi tiếng nhất thế kỷ 19. Từ khi còn nhỏ, bà luôn tò mò về trục tung và trục hoành bởi vậy đã tự học đại số và hình học. Tuy nhiên, những nghiên cứu của Mary vấp phải sự ngăn cản của cha bà và dừng lại sau khi bà kết hôn với 1 đại úy hải quân Nga, năm 104. Sau khi chồng bà qua đời, Mary quyết tâm quay lại tiếp tục theo đuổi đam mê toán học. Sau đó bà bắt đầu nghiên cứu và viết những tác phẩm về thiên văn học, vật lý, hóa học và toán học. Những tác phẩm này được nhiều độc giả đón nhận và khen ngợi vì tính ứng dụng cao của nó.
10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 6
6. Antoine Parent (Pháp, 1666-1716) là nhà khoa học có nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực vật lý, thiên văn học, bản đồ, hình học, hóa học, sinh học và thậm chí cả âm nhạc. Ông là người đưa ra nghiên cứu về sức ảnh hưởng của lực ma sát tới các dầm kết cấu.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 7
7. Thomas Harriot (Anh, khoảng 1560-1621) là 1 nhà thiên văn học, nhà toán học nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp đại học Oxford, ông đã đến châu Mỹ thực hiện 1 chuyến thám hiểm tới đảo Roanoke. Ông đã phát hiện ra các điểm trên mặt trăng và sao Mộc, thậm chí trước cả Galileo. Tuy nhiên, tiếc rằng những phát hiện của Thomas Harriot không được công bố khi ông đang sống, nhiều nhà khoa học sau này đã khám phá ra nhiều điều được cho là Harriot phát hiện và hoàn thành nghiên cứu.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 8

8. Nicole Oresme (Pháp, khoảng 1320-1382) là nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà kinh tế học, chính trị gia và linh mục người Pháp. Ông là một trong những nhà khoa học lớn thời kỳ Trung cổ. Về thiên văn học, Oresme đã ủng hộ cho thuyết nhật tâm trong một tác phẩm của mình, tức là đi ngược lại quan điểm của Aristotle.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 9

9. Robert Grosseteste (Anh, 1170-1253) là nhà khoa học, nhà triết học, nhà thần học. Ông đề xuất một lý thuyết chỉ có thể được xác thực bằng cách kiểm tra các hệ quả của nó với phương pháp thực nghiệm, một sự chệch hướng đáng kể khỏi trường phái triết học Aristotle và là sự khởi đầu phương pháp khoa học phương Tây. Trong các tác phẩm của ông về thiên văn học, Grosseteste khẳng định dải Ngân Hà là sự tập hợp ánh sáng phát ra từ nhiều ngôi sao nhỏ, ở gần nhau.

10 thien tai vi dai chim trong bi kich bi lang quen hinh anh 10
10. Brahmagupta (Ấn Độ, 598- 670 trước Công Nguyên) là nhà toán học và thiên văn học. Nhưng ông có nhiều đóng góp lớn nhất cho lĩnh vực toán học. Ông là người đầu tiên giải thích về sự tồn tại của số âm, khái niệm bị cho là vô lý vào thời đó. Ông cũng là người chỉ ra rằng, tích của 2 số âm cho kết quả là 1 số dương.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ: CŨNG GÂY NGHIỆN, CŨNG NHIỀU ĐỘC CHẤT!



E-CIGARETTE CONTAINS NOT ONLY NICOTIN BUT ALSO TOXIC SUBSTANCES!  
TS.BS Trần Bá Thoại    Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM


 Lời bàn Tưởng rằng thuốc lá điện tử hoàn toàn vô hại, nhiều người nghiện thuốc lá, nhất là những người bỏ thuốc thất bại vì “hội chứng cai nghiện”, quay sang dùng thuốc lá điện tử như là “phao cứu sinh”. Đặc biệt, một số thanh niên thử giải trí bằng thuốc là điện tử.
 Thật ra, loại “thuốc hút không lá” này cũng chứa nicotin gây nghiện và lắm nguy cơ..
Những tác hại do hút thuốc lá  
 Khoa học chỉ rõ, trong khói thuốc lá ngoài chất độc chính là nicotin, còn có chứa đến 7.000 hóa chất độc hại khác. Các chất này tác hại lên nhiều cơ quan, hệ thống khác nhau trong cơ thể người nghiện hút.
 TLĐT 3.jpg   
 Thống kê y học cho biết, mỗi năm khói thuốc lá gây 6 triệu người chết do hút trực tiếp, 200.000 trẻ em chết vì hút thuốc lá thụ động. Số người chết vì thuốc lá cao gấp 2 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông cộng lại.
  Khoảng 70-90% người bỏ hút bị hội chứng cai thuốc lá: Phiền muộn, Cáu gắt, Chóng mặt, Rối loạn giấc ngủ, Mất tập trung, Bồn chồn, Nhức đầu, Mệt mỏi, Khô miệng, Tức ngực Những triệu chứng này có thể làm cho người hút thuốc hút thuốc trở lại, tái nghiện, để tăng nồng độ của nicotine trong máu và mất đi triệu chứng cai nghiện.
 Lịch sử phát triển thuốc lá điện tử
  Năm 1963, Herbert A. Gilbert, được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế cho “Thuốc lá không khói, không sử dụng cây thuốc lá”. 
   Do bố chết vì ung thư phổi và bản thân nghiện thuốc lá, Dược sĩ Hon Lik, Trung Quốc, đã nghiên cứu, phát triển và chính thức được cấp bằng sáng chế thuốc lá điện tử (electronic cigarette,  e-cigarette, e-cig) như ngày nay vào năm 2003. Đến năm 2015, hầu hết thuốc lá điện tử được sản xuất tại Trung Quốc và phân phối ra toàn thế giới.
  Kể từ lần đầu tiên được tung ra thị trường năm 2004, việc sử dụng toàn cầu của họ đã tăng lên theo cấp số nhân, dù những nghiên cứu về tác hại của chúng chưa được quan tâm đúng mức. Số thanh thiếu niên “tuổi teen” hút  thuốc điện tử tăng lên rất nhanh, năm 2012 tăng gấp đôi so với năm 2011. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, hơn 20 phần trăm người mới lớn đã thử hút thuốc điện tử, những người nghiện cũng có xu hướng sử dụng chúng. Tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, việc sử dụng chúng rộng khắp với lý do sử dụng là bỏ thuốc lá, giảm nguy cơ, tiết kiệm tiền, hoặc để giải trí. Hiện có khoảng 500 nhãn hiệu thuốc lá điện tử, với doanh thu toàn cầu vượt quá 7 tỷ USD/ năm.
  Vì chồng chéo với luật về thuốc lá và các chính sách về thuốc men, luật về thuốc lá đã được thảo luận ở nhiều quốc gia. Năm 2016, châu Âu đã đưa ra các tiêu chuẩn về chất lỏng, chất làm khô, các thành phần và các hộp chứa chất lỏng. Tháng 8 năm 2016, Cơ quan quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đã mở rộng quy định về thuốc lá điện tử.
 Thuốc lá điện tử hoạt động như thế nào?
TLĐT 4.gif
  Trong điếu thuốc điện tử bộ phận nung nóng sẽ làm nicotine và dịch chất lỏng bay hơi sương mù và người dùng hít vào. Một điếu thuốc lá điện tử có ba phần chính:
(1) Pin lithium để khởi động. Pin này có thể sạc được như pin điện thoại di động,
(2) Buồng hơi là một ống rỗng chứa các bộ phận điều khiển bằng điện tử và bộ phun khí dung. Khi sử dụng, người hút thuốc sẽ gắn một hộp thuốc chứa chất nicotin vào buồng làm bay hơi và
(3) Phần đầu của hộp thuốc đóng vai trò là tẩu ngậm điếu thuốc.
 Dung dịch để hút, “tinh dầu” hay “juices”, thường có chứa nicotin hòa tan trong propylene glycol, glycerin, hương liệu tạo mùi với nhiều hương vị trái cây khác nhau, và các hóa chất tạo màu. Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử từ 0mg tới 26mg (một điếu thuốc lá thường chứa khoảng 1 mg nicotine, nếu người hút dùng với liều lượng cao từ 30-60 mg nicotine có thể gây tử vong).
 Tóm lại, trong khí dung (aerosol) của hơi thuốc lá điện tử cũng có nicotine cuốn theo hơi nước thay vì khói. Nhờ đó, người hút thuốc lá điện tử cũng có cảm giác “phê” như khi hút thuốc lá bình thường.
 Thuốc lá điện tử và sức khỏe
  Ngoài nicotin là chất gây nghiện có nhiều tác dụng độc hại, trong hơi khí dung của điếu thuốc lá điện tử còn chứa nhiều hóa chất khác có thể gây độc cho cơ thể như:
 * Propylene glycol
 Là một loại cồn không màu, không mùi, không vị, thường được dùng làm chất chống đông, giảm nhiệt độ đóng băng của nước. Propylene glycol tuy an toàn và được phép sử dụng trong thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm…Tuy nhiên, dùng nhiều có thể kích ứng da, mắt, phổi và có thể gây hại cho người bị bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, viêm phổi tắt nghẽn….
 * Glycerin
  Một hóa chất không màu, không mùi và có vị hơi ngọt. Cơ quan Quản lý Thực Dược phẩm Hoa Kỳ FDA xác định glycerin an toàn, có thể dùng trong thực phẩm, dược và mỹ phẩm. Tuy nhiên, TS DS Maciej Goniewicz, chuyên viên nghiên cứu về thuốc lá và thuốc điện tử Viện Ung thư Roswell Park, vẫn cảnh báo không dùng nhiều, lâu dài các hóa chất này.
* Các chất tạo mùi
  Hiện đang có hàng trăm loại mùi “tinh dầu” thuốc lá khác nhau, như mùi hạnh nhân, táo, cam, chocolate,… và cả mùi thuốc lá thật.
 Về hóa học, đa số chất tạo mùi thường có nhân vòng nhiều phân tử cacbon, nhân thơm (aromatic ring). Theo thống kê y học, các hợp chất có chứa nhân thơm thường có khả năng sinh ung bướu khá cao (carcinogenic effect) 
  Theo các nhà nghiên cứu Đại học Harvard, đến 75% số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử đều có chứa diacetyl một chất gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính….
* Acetaldehyde:
  Thường sản sinh từ sự oxy hóa rượu ethanol. Acetaldehyde là chất độc gây kích ứng da, mắt, niêm mạc, cổ họng, và đường hô hấp. Acetaldehyde là chất stress oxy hóa, tổn thương DNA, protein cơ và gây ung thư ở người. Từ năm 1988, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC xếp acetaldehyde vào nhóm I chất gây ung thư.
* Acrolein
 Sản sinh từ đốt nóng glycerol trong dịch tinh dầu thuốc lá điện tử. Acrolein rất độc cho niêm mạc hô hấp, tiêu hóa, dùng lâu dài có thể gây ung thư tiêu hóa và ung thư vòm họng những người hút thuốc.
 Formaldehyde
 Tạo ra từ sự cháy không hoàn toàn của các hợp chất có cacbon như khói củi than, khí thải ô tô, khói thuốc lá.  Formaldehyde kích ứng mắt, màng nhầy, cổ họng, đường thở. Liều phơi nhiễm cao hơn, formaldehyde chuyển hóa thành axit formic ảnh hưởng tim mạch, hô hấp dẫn đến chết người. Formaldehyde tác động lên AND. Do đó, IARC xếp loại là chất gây ung thư.
 * Các gốc tự do (free radicals)
  Các nhà nghiên cứu y học ở ĐH Penn State đã phát hiện ra rằng thuốc lá điện tử khi hút sẽ sản sinh ra các gốc tự do phản ứng cao (high reactive free radical), thủ phạm hàng đầu gây stress oxy hóa dẫn đến nguy cơ các bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn, lão hóa và ung thư… Giáo sư Richie, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết “Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng trong khí dung thuốc lá có nhiều gốc oxy hóa tự do” và kết quả được công bố trên tạp chí Nghiên cứu hóa trong độc lực học (Chemical Research in Toxicology).
* Bụi mịnbụi nano
  Trong thuốc lá điện tử cũng có thể chứa các hạt bụi mịn (particulates matter PM) thường ở đây là bụi nano PM0.1. Các bụi nano này có khả năng xâm nhập sâu vào đến cả nhân tế bào, gây ra các tổn thương phổi, phế nang, mạch máu….và gây cả đột biến ung thư.
 * Kim loại và chất phóng xạ
  Một số kim loại độc như thiếc, nickel, catmi, chì và thủy ngân và chất phóng xạ cũng có thể hiện diện trong hơi khói thuốc lá điện tử.
 Đôi điều bàn luận
  Hiện đang có cuộc tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia sức khỏe, quan niệm thuốc lá điện tử vẫn có hại, với các doanh nghiệp sản xuất, cho rằng thuốc lá điện tử tương đối an toàn.
 Thuốc lá điện tử dù không “đốt” như thuốc lá truyền thống, nhưng đa số các chất tinh dầu để tạo khí dung đều có chứa nicotin cho nên nó vẫn gây nghiện như thuốc lá điếu. Do đó, hiện nay nhiều nước trên thế giới cấm hút thuốc lá điện tử tại một số khu vực công cộng, trên xe tàu…
 Theo các phân tích khoa học, tuy đếm về số lượng, các chất gây hại trong hơi thuốc lá điện tử ít hơn hẳn so với điếu thuốc lá thường, nhưng hầu hết các chất hiện diện đều có độc tính cao và hàm lượng rất lớn. Theo Giaó sư  Benowitz: “Hiện vẫn còn quá ít nghiên cứu về tác động của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe của người hút và người không hút”. Một số chuyên gia so sánh, việc dùng thuốc lá điện tử để thay thế điếu thuốc lá thông thường giống như cho người nghiện heroin dùng methadone. Vì việc thay thế cũng có những rủi ro, tác hại riêng, chứ không an toàn tuyệt đối, không khéo “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
  Theo tôi, cần theo lời khuyên của các chuyên gia kinh nghiệm: “Thuốc lá điện tử cũng chứa nicotin và cũng gây nghiện. Đây không phải là một sản phẩm dành cho những người không hút thuốc. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử nó. Đồng thời, nó cũng không phải là sản phẩm sẽ giúp bạn cai được thuốc lá”.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nicotin – Bài Toán Nan Giải Khi Cai Thuốc Lá
[2] Electronic cigarette
[3] Dangerous Molecules Detected In E-Cigarettes Which May Make Them More Harmful Than The Real Thing
[4] Chemical evaluation of electronic cigarettes
[5] Chemical Composition of Aerosol from an E‑Cigarette: A Quantitative Comparison with Cigarette Smoke
[6] More cancer-causing chemicals found in electronic cigarettes
[7] Chemical evaluation of electronic cigarettes

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam là nơi tốt nhất để sống: Một cách hiểu khác


Đến hôm nay mới đọc bài báo "Sốc vì Việt Nam vào tốp 20 nơi đáng sống nhất thế giới!" Nếu chỉ xem qua cái kết quả bình bầu và đối chiếu tình trạng môi trường xuống dốc thê thảm hiện nay thì đúng là sốc thật. Nhưng thật ra, nếu xem kĩ nguồn thông tin (2) thì cũng không đến nổi sốc đâu.


Nguồn thông tin là " The 20 Best Places To Live Overseas" (Hai mươi nơi tốt nhất để sống ở nước ngoài" trên BusinessInsider (2). Tại sao "nước ngoài"? Tại vì đây là một cuộc điều tra xã hội mà đối tượng tham gia là những thương gia làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Những người này được công ti gửi đi khắp thế giới để làm ăn, nên họ có cơ hội trải nghiệm và so sánh. Nhóm thực hiện là ngân hàng HSBC. Họ hỏi đối tượng tham gia về trải nghiệm cuộc sống, tình hình kinh tế, nuôi con cái ở nước ngoài. Dựa vào các tiêu chí này, Việt Nam được bình bầu là một trong 20 nước tốt nhất để sống ở nước ngoài.

Đọc xong bản tin này tôi thử tưởng tượng mình là một doanh nhân (hạng "executive") đang sống ở Sài Gòn. Và, tôi sẽ bầu VN vào một trong 10 nước tốt nhất để sống như là một doanh nhân nước ngoài. Lương của tôi là khoảng 200K USD một năm, và tôi sống trong một nước mà thu nhập bình quân ~2K một năm thì dĩ nhiên là tôi thấy thoải mái quá đi chứ.



Này nhé, tôi đâu có sống ở những nơi chật chội trong nội thành như đám dân đen kia; tôi sống ở Phú Mĩ Hưng hay những khu đô thị mới, thoáng mát và có nhiều cây xanh. Tôi đi làm đâu phải bằng xe Honda để phải chật vật với "triều cường" như đám dân địa phương; tôi đi làm bằng xe hơi, "four-wheel car" cao ngông nghênh trên đường phố được thiết kế cho xe ngựa là chính. Tôi không cần lái xe như bọn Việt Nam; công ti mướn tài xế lo cho tôi từng bước đi, thậm chí đi ăn trưa và uống cà phê! Đến văn phòng thì máy lanh đã bậc xong, tôi không biết cái nóng hừng hực bên ngoài là gì. Thật ra, sống ở VN chứ tôi có biết cái nóng nhiệt đới là gì đâu, vì dù ở nhà hay office tôi đều có máy lạnh.

Vợ tôi không bận bịu với con cái như đám nữ nhân viên của tôi; tôi có đã oshin người Việt lo đưa đón con tôi đi học. Con tôi cũng cảm thấy thích đất nước này, vì chúng không chung đụng với đám học trò Việt Nam đầy cạnh tranh kia. Oshin Việt Nam thì rẻ bèo, chỉ 200 USD/tháng là có một cô gốc miền Tây phục vụ cực kì tốt, kể cả nấu ăn ngon. Chúng tôi chẳng cần sợ bọn Tàu đầu độc với những thực phẩm độc hại, vì oshin chúng tôi toàn mua cá sống, gạo hảo hạng, bánh mì nhập từ Singapore, bơ sữa nhâp từ Pháp, Úc, Mĩ. Chúng tôi không cần nấu ăn, vì oshin lo. Chúng tôi không biết đến mấy quán nhậu bầy hầy mà đám dân địa phương lui tới, vì chúng tôi đã quen với buffet ở Caravelle, New World, Pullman, InterContinental, Sheraton, Sofitel, Nikko. Rex? Ồ, đó là khách sạn của Nhà nước, tồi lắm. Chúng tôi không phải lo chuyện lau nhà hàng tuần, bởi vì hàng ngày đã có oshin làm việc đó. Vui vui, chúng tôi đi ăn ở ngoài quán, và dĩ nhiên, chúng tôi đâu có dám léo hánh đến mấy chỗ vớ vẩn và mất vệ sinh ở trong hẽm. Xe four-wheel của tôi làm sao vào được mấy cái hẽm đó?! Lương 200K USD/năm thì việc đi ăn tối ở hàng quán up-market ở VN chỉ là chuyện nhỏ. Mà, món ăn VN lại cực kì ngon, chắc chắn ngon hơn tất cả những nước như Mĩ, Úc, Canada, Ý, Saudi Arabia, v.v.

Tôi cũng chẳng quan tâm gì đến mấy chuyện quyền con người này nọ; chuyện đó chẳng dính dáng gì đến tôi, vì đó là chuyện của đám oshin và anh tài xế của tôi. Tôi đâu có lo VN sẽ lệ thuộc hay mất vào tay của Tàu ở phương Bắc, vì đối với tôi, chỗ nào cũng là kinh doanh, kiếm lời. Tôi đâu có hiểu mấy chương trình văn nghệ và những bản tin tức tuyên truyền vớ vẩn đó; tôi xem đài BBC, NBC, CNN. Trong khi đám dân đen đó chẳng biết gì tình hình đằng sau chính trường VN, tôi biết khá tốt! Vì thế, chẳng ai làm phiền tôi, và tôi thấy thoải mái về tinh thần. Ngày cuối tuần, chúng tôi bay ra Đà Nẵng chơi, xuống Hội An tắm biển, bay về Hà Tiên làm một chuyến du ngoạn sang Kampuchea, bay ra Hà Nội thưởng thức tô phở 800 ngàn đồng (chuyện nhỏ), và bay về sân golf ở Tân Sơn Nhất đánh một phát với mấy đồng nghiệp nước ngoài đang chờ. Buồn buồn, tôi đổi không khí bằng cách bay qua Singapore mua đồ điện tử, và dĩ nhiên tôi đời nào để ý đến cái Sim Lim Square chết tiệt đó. Tôi cũng chẳng cần chen lấn, vì tôi đi máy bay hạng 1 của Singapore Airlines, chứ Vietnam Airlines, thì xin lỗi, tồi quá. Nhìn như thế, tôi đang sống một cuộc sống vương giả, một cuộc sống mà nếu tôi ở Mĩ có mơ cũng không có được.

Ôi, tôi yêu cái đất nước Việt Nam này quá. Tôi thấy mình như anh thực dân Tây ngày xưa ở Sài Gòn. Thật ra, tôi còn hơn mấy anh Tây ngày xưa, vì ngày nay tôi có tất cả tiện nghi mà mấy ảnh không có trước kia. Mấy anh ấy thời đó còn bị xua đuổi liên miên, còn chúng tôi thời nay thì được chào đón nồng nhiệt. Môi trường làm ăn ở VN có phần khó khăn vì nạn tham nhũng ư? Ồ, chúng tôi chỉ cần áp dụng triết lí dùng tiền của Năm Cam, một người vĩ đại trong nhóm những triết gia vĩ đại. Có tiền là cái gì cũng có ở VN, và hàng rào nào cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Bọn Bio-Rad còn chỉ 2.5 triệu USD, thì việc các tập đoàn Nhật chi 10 lần con số đó cũng chỉ là "bỏ con tôm bắt con cá" thôi. VN có câu "nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế", và tất cả 4 yếu tố đều có thể mua bằng tiền. Chúng tôi cũng áy náy khi dùng tiền cho mục tiêu như thế, nhưng thử hỏi, ở cái nơi này mà người ta có câu "rừng nào cọp nấy" thì chúng tôi cũng phải chơi theo luật chơi địa phương thôi.

Ngày xưa, Graham Greene ngồi uống cà phê ở Tự Do viết "Người Mĩ trầm lặng", ngày nay tôi viết những chương sách huy hoàng cho Samsung, LG, Hyundai, Kumho, Mercedes-Benz, BMW, Ford, Volvo, Toyota, Mitsubishi, Novartis, Merck, Pfizer, sanofi, novo nordisk, HSBC, Deutsche Bank, Huawei, IBM, v.v. Vinh quang thay, đội doanh nhân nước ngoài ở VN. Chúng tôi xứng đáng có một bài tráng ca! Có lẽ phải mướn một tay nhạc sĩ nghèo VN sáng tác thôi.

OK, tôi đã đóng vai doanh nhân nước ngoài ở VN, bây giờ tôi quay về tôi: một người Việt Nam. Tôi nghĩ với quan điểm của những doanh nhân nước ngoài sống ở VN, thì VN đúng là một trong những nơi sống rất thoải mái nhất. Do đó, cái kết quả survey của BusinessInsider không hề sốc chút nào. Tuy nhiên, thay vì kết quả đó nói Việt Nam là nơi tốt nhất để sống, tôi đề nghị nên hiểu một cách khác: Việt Nam là một trong những môi trường lí tưởng nhất cho doanh nhân nước ngoài, vì họ có thể khai thác con người Việt Nam hữu hiệu nhất.

====






Phần nhận xét hiển thị trên trang