Theo đó, sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Đá vôi xây dựng là tài nguyên khoáng sản không tái tạo, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, khai thác và sử dụng đá vôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 31 giấy phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực với công suất cấp phép là 3.722 triệu m³/năm. Trong đó, có 03 giấy phép chưa được đầu tư khai thác, công suất thực tế được huy động khai thác 3.422 triệu m³/năm.
Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-UBND ngày 08/9/2015, thì nhu cầu đá xây dựng đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh: 3.6-3.65 triệu m³/năm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, xây dựng nhiều dự án trọng điểm, nên nhu cầu sử dụng đá xây dựng tăng. Trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, theo đó “Dự kiến chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2020: Thực hiện đóng cửa một số mỏ đá ảnh hưởng đến các khu vực được định hướng du lịch và dịch vụ cao cấp; Giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2025 đóng cửa toàn bộ các mỏ đá, chấm dứt khai thác đá; nghiên cứu các nguồn vật liệu khác thay thế… Đồng thời đề xuất chính sách bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp đã đầu tư khai thác, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua”. Đồng thời, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đã được phê duyệt thì sản lượng khai thác của các mỏ đá được cấp phép trên địa bàn được cân đối vào nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Căn cứ vào kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện một số việc sau đây: Không cấp phép khai thác mới đối với đá vôi đủ tiêu chuẩn nguyên liệu làm xi măng, vôi công nghiệp làm vật liệu xây dựng thông thường; Chỉ xuất khẩu các sản phẩm đá vôi đã qua chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; Rà soát các hợp đồng xuất khẩu đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường của các doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất phương án xử lý.
Tuyết Hạnh