Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, giấc mơ Trung Hoa và Đại hội Đảng


Ảnh Tập Cận Bình trong cuộc triển lãm thành tựu 5 năm qua, trước Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh chụp ngày 10/10/2017.

Le Monde hôm nay dành hẳn 8 trang báo cho việc « Trung Quốc quay lại với tư cách đại cường », với dòng chữ Hán trên trang nhất « Trung Quốc, cường quốc quật khởi » - tên một bộ phim tài liệu dài đến 12 tập chiếu trên truyền hình nước này năm 2006. « Hoàng đế đỏ » Tập Cận Bình, nhân danh « Giấc mơ Trung Hoa »,từ khi lên ngôi đã siết chặt xã hội dân sự cũng như nền kinh tế.
Giấc mơ Trung Hoa thay cho giấc mơ Mỹ

Tờ báo nhận xét, cách đây mười năm, khi chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính quyền đã phân phát nhiều cassette cho các tài xế taxi để họ ráng tập nói vài câu tiếng Anh. Năm 2017, đến lượt bé gái cháu nội của tổng thống Mỹ Donald Trump hát và đọc một bài thơ tiếng Hoa trước mặt Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago. Le Monde cho rằng đây là một biểu tượng : chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa. 

Sau ba thập niên cất cánh, Trung Quốc nay muốn cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn khoe « Giấc mơ Trung Hoa » để thay cho « American Dream ». Giấc mơ này được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược. Chính sách âm thầm phát triển của cuối thập niên 70 đã kết thúc. Tại châu Á, Tập Cận Bình yêu sách chủ quyền Biển Đông, bất chấp những quan ngại của các láng giềng. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP là một món quà từ trên trời rơi xuống cho ông Tập, nhân đó ông quảng bá « Con đường tơ lụa mới ».

Trong nội bộ, Tập Cận Bình áp đặt nhân sự của mình trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhân danh chống tham nhũng, trong quân đội và xã hội dân sự. Đừng mơ đến cải cách chính trị : ông Tập là một người chống Gorbatchev. Các luật sư và nhà báo « láo xược » đã bị bỏ tù. Cứng rắn trong đối nội, bành trướng với bên ngoài, đó là tôn chỉ của ông Tập, với hy vọng mang lại cơ hội tuyệt vời cho ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021, một năm trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Tập Cận Bình trên quảng trường Thiên An Môn, 30/09/2017.
Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ

Tại Đại hội Đảng khai mạc vào thứ Tư 18/10 tới, Tập Cận Bình không chỉ được giao tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà còn muốn nối gót hai lãnh đạo đã đi vào lịch sử là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với việc đưa vào điều lệ đảng tư tưởng của ông ta. Cho đến nay, chỉ có Mao (với tư tưởng Mao Trạch Đông) và Đặng (với lý thuyết Đặng Tiểu Bình) là có được vinh dự này, nhưng không phải trong lúc sinh thời. 

Ông Tập đưa ra khái niệm « Quản trị ». Tác phẩm « Quản trị Trung Quốc » dày trên 500 trang xuất bản tháng Giêng năm 2015 tập hợp các bài diễn văn và tiểu luận, là đóng góp của Tập Cận Bình, bên cạnh những chuyến công du 56 nước, vượt 570.000 km, được tiếp đón trọng thị. Trên thảm đỏ, ông luôn tươi cười, biểu tượng cho một Trung Quốc kiêu hãnh và tự tin, đối chọi với nước Mỹ của ông Trump cô lập và khuấy động.

Để hiểu vì sao nhấn mạnh « quản trị », chúng ta cần quay lại với năm 2012 của Đại hội Đảng 18, khi Tập Cận Bình mới được đề cử. Chế độ Bắc Kinh đang còn sững sờ trước sự lan rộng của Mùa Xuân Ả Rập, thì lại xảy ra xì-căng-đan đình đám Bạc Hy Lai, và sau đó đến lượt luật gia mù Trần Quang Thành đào thoát, gây khủng hoảng ngoại giao với Mỹ. Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào dường như thất thế trước sự thu hút của tổng thống Barack Obama và sự cương quyết của ngoại trưởng Hillary Clinton. Trên toàn quốc, xuất hiện nhiều lời kêu gọi trên các mạng xã hội, vạch trần bộ máy tuyên truyền và đòi hỏi chia sẻ quyền lực chính trị. Báo chí Hoa lục gọi đây là «cuộc khủng hoảng quản trị».

Khẩu hiệu: "Đoàn kết chặt chẽ quanh Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân. Ảnh chụp ngày 15/10/2017.
Pháp trị của quân chủ chuyên chế thay cho Nhà nước pháp quyền

Khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã gây thất vọng cho những người vẫn mong mỏi có được cải cách chính trị. Một nhà trí thức ẩn danh nói với Le Monde : « Cách đây bốn, năm năm, tôi rất lạc quan, như nhiều người cùng thế hệ. Cứ ngỡ rằng sẽ hướng đến một mô hình kiểu phương Tây, rằng xã hội chúng tôi sẽ trở nên tự do hơn. Nay thì phải từ bỏ ảo tưởng ấy ».

Ông Tập « Hán hóa » tất cả, vận dụng nền văn minh Trung Hoa cổ, Khổng Tử và một loạt truyền thống chính trị, chẳng hạn thuyết « pháp trị » của Hàn Phi Tử (Han Fei) thời quân chủ chuyên chế, khác hẳn với Nhà nước pháp quyền của phương Tây. 

Sự quản trị độc đoán của Tập Cận Bình nhằm duy trì độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản, và tham vọng quốc tế trở thành siêu cường. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận xét : « Mao muốn xuất khẩu cách mạng, còn Tập Cận Bình muốn xuất khẩu tư bản. Ông ta mơ một đại cường đỏ. Nền kinh tế là vũ khí hiệu quả nhất, « Con đường tơ lụa mới » và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là các phương tiện chiến lược. Thế nhưng những thứ đó cần đến sức mạnh quân sự hỗ trợ. Như vậy, Bắc Kinh sẽ mở rộng dấu ấn quân sự trên thế giới, như đã làm với căn cứ đầu tiên ở Djibouti. Đầu tư vào quân sự là trọng yếu, vì Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trở thành cường quốc biển, trong khi hiện nay còn yếu kém ».

Theo Le Monde, những thử thách đối với ông Tập không ít : nền kinh tế chao đảo, và ông nổi tiếng có nhiều kẻ thù bên trong. Ở bên ngoài, Hồng Kông và Đài Loan nổi loạn trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với một Donald Trump nóng nảy, bất định, là trắc nghiệm cho « chính sách ngoại giao nước lớn » của Bắc Kinh. 

Tất cả đều ngưng đọng trước Đại hội Đảng

Trong bài « Trung Quốc dừng mọi hoạt động trước Đại hội Đảng », tờ báo cho biết, trong khi thủ đô Bắc Kinh rợp những băng-rôn đỏ « Nhiệt liệt chào mừng Đại hội 19 », các nhà hàng gần quảng trường Thiên An Môn buộc phải tạm đóng cửa vì không được sử dụng các bình gaz. 

Airbnb thông báo cho khách hàng là tất cả các căn hộ trong bán kính 20 km xung quanh quảng trường bị cấm cho thuê đến cuối tháng 10. Một điều bắt buộc nữa là bầu trời xanh : các nhà máy thép của tỉnh Hà Bắc kế cận phải ngưng sản xuất từ ngày 12/10. Giá một số hóa chất tăng cao bất thường vì cấm vận chuyển hàng nguy hiểm trên sông Dương Tử (Yangzi) tuy nằm cách thủ đô cả ngàn cây số.

Lãnh vực giải trí cũng không thoát : một kênh truyền hình đã phải ngưng chương trình tranh luận về những khó khăn của đất nước. Thay vào đó là loạt phim tài liệu mang tên«Vinh quang Trung Quốc».

Đại hội 19 : Tập Cận Bình sẽ khống chế ?

Với 2.287 đại biểu, Đại hội 19 sẽ « bầu ra » Ban chấp hành Trung ương, và sau đó Trung ương chỉ định Bộ Chính trị gồm 25 thành viên và 7 ủy viên thường trực, nắm giữ quyền lực tối cao. Kỳ này có nhiều ghế trống do về hưu hay do bị thanh trừng : 5/7 ủy viên thường trực, 12/25 ủy viên Bộ Chính trị, 5/11 trong Quân ủy Trung ương. Vấn đề là Tập Cận Bình sẽ áp đặt được bao nhiêu người thân tín. Ông Tập chỉ tin tưởng vào những ai đã từng làm việc chung với mình.

Ông phải thỏa thuận với Đoàn Thanh niên, phe của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tuy đã yếu đi nhưng vẫn còn nhiều cán bộ tài năng và giữ vị trí quan trọng. Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), vừa được ông Tập đẩy lên làm bí thư Trùng Khánh, có hy vọng trở thành ủy viên thường trực.

 Nhưng đáng chú ý nhất là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trưởng ban kỷ luật trung ương đầy quyền lực, người chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng. Ở tuổi 69, trên nguyên tắc ông Vương không thể tiếp tục là ủy viên thường trực, nhưng cánh tay mặt của Tập Cận Bình có thể được đặc cách. Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập sẽ tránh giới thiệu người kế nhiệm cho Đại hội 20, năm 2022. 

Le Monde cũng đề cập đến « đạo quân Chi Giang » của Tập Cận Bình, gồm khoảng hai chục quan chức, là những người đã chịu ơn mưa móc của ông Tập nên đã thăng tiến vùn vụt.

Siết chặt kinh tế tư nhân

Trên lãnh vực kinh tế, mặc dù đề cao chủ trương tự do hóa, nhưng chế độ lại tăng cường kiểm soát lãnh vực tư nhân, với mục đích giữ ổn định, dành ưu tiên cho quốc doanh.

Những tập đoàn quá nhiều tham vọng bị chặn bước, mà người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) đã học được một bài học : phải bán đi 77 khách sạn và phần hùn trong 13 dự án du lịch, trị giá tổng cộng 7,7 tỉ đô la ; từ bỏ ý định mua khu đất 4 hecta bên dòng sông Thames, cách Buckingham Palace không đầy 1 km. 

Tương tự đối với các tập đoàn Phục Tinh (Fosun), An Bang (Anbang). Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), chủ tịch An Bang, chồng của cháu gái Đặng Tiểu Bình, ngỡ như bất khả xâm phạm, bị bắt vào tháng Sáu và từ đó đến nay không hề thấy xuất hiện hay được nhắc đến.

Chuyên gia Fraser Howie nhận xét : « Khi ra lệnh cho doanh nghiệp tư nhân, Tập Cận Bình cho thấy không có ranh giới công-tư như ở phương Tây. Cũng có những vấn đề như rủi ro tài chính, chảy máu vốn nhưng chỉ là thứ yếu. Ông Tập đặc biệt muốn chứng tỏ không có bất kỳ lãnh vực nào của xã hội mà ông hoặc đảng Cộng Sản không có quyền can thiệp. Đây là xu hướng đang lo ngại ở Trung Quốc, vì lãnh vực quốc doanh vốn kém hiệu quả, trong những năm gần đây lại càng sa sút ».

Trong thời buổi đồng nhân dân tệ yếu kém so với đô la, các đầu tư ra nước ngoài bị coi là một cách chuyển tiền ra ngoại quốc, thay vì là sự phát triển mang tầm chiến lược. Ông Howie nói thêm : « Trước mắt, nếu kiểm soát thị trường tiền tệ, chứng khoán và thậm chí cả mức độ hoạt động kinh tế, có thể có được sự ổn định. Nhưng về trung và dài hạn, sẽ gây căng thẳng nhiều hơn cho nền kinh tế.»

Treo cờ chào mừng Đại hội Đảng, 15/10/2017.
Internet bị bóp nghẹt

Về mặt xã hội, hàng loạt biện pháp khắc nghiệt được đưa ra để siết chặt internet. Gần đến đại hội, WhatsApp không còn hoạt động được. Tại Tân Cương, khi sử dụng VPN để vượt tường lửa thì công an được báo động ngay. 

Ngay từ năm 2013, tất cả những ai đăng tin tức « có hại » lên mạng Vi Bác (Weibo), được xem 5.000 lần hay chia sẻ 500 lần đều có nguy cơ bị tù giam. Nhiều blogger đã bị bắt. Một nhà báo trẻ Trung Quốc cho biết : « Từ khi ra quy định này, ai nấy đều thận trọng, đó là hồi kết của việc mở cửa internet ». Các luật về an ninh mạng được thông qua tháng 11/2016 trao quyền cho an ninh lập hồ sơ khởi tố các cư dân mạng muốn « lật đổ chính quyền » hay « gây rối trật tự công cộng ». Một blogger trẻ đã lãnh án bốn năm tù vì đăng clip cảnh người dân biểu tình. Một người dân Quảng Đông cũng bị 9 tháng tù giam vì lập trang web bán các phần mềm để né « Vạn Lý Hỏa Thành ».

New York nay đã trở thành thủ đô của một « Trung Quốc tự do », nơi các nhà ly khai và trí thức Trung Quốc nói lên những tiếng nói đòi dân chủ. Tại đây họ tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị về tương lai đất nước, đăng bài trên những trang tiếng Hoa. Mới đây, một phóng viên Ý thường trú tại Bắc Kinh đã phải sang New York phỏng vấn một giáo sư người Hoa vì tại Hoa lục, chẳng ai dám trả lời.

Người lao động nghèo vất vả mưu sinh.
Đảng đứng trên Nhà nước

Nhà Trung Quốc học Sebastien Veg nhận xét, mỗi tân lãnh đạo ĐCSTQ đều phải đối mặt với việc giữ ba thăng bằng căn bản, để bảo vệ chế độ. Đó là thăng bằng giữa định chế hóa và cải cách chính trị, giữa trọng dụng nhân tài và phe nhóm, giữa tự do hóa và kiểm soát xã hội.

Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm ở chỗ tăng cường quyền lực của Đảng, đứng trên Nhà nước. Dựa trên phe « thái tử đỏ », thay vì giúp Nhà nước hiệu quả hơn nhờ tách biệt với Đảng và ý thức hệ, ông Tập lại khẳng định vai trò lãnh đạo đảng như công cụ kỷ luật, điều tiết nền kinh tế và xã hội, tiêu chuẩn chính trị. 

Chiến dịch chống tham nhũng do đảng lãnh đạo đã tấn công 1 triệu cán bộ từ 2013, trong đó khoảng 200.000 bị điều tra, trong đó có 130 mang hàm thứ trưởng trở lên. Từ 2017, chiến dịch mở rộng sang lãnh vực tư nhân. ĐCSTQ còn tăng cường vai trò tổ đảng trong các công ty tư, tổ chức phi chính phủ, thậm chí công ty liên doanh với nước ngoài.

Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông dự báo trên Le Figaro : những kẻ thù của ông Tập, đang yếu đi và chia rẽ, chỉ đợi một dịp khủng hoảng lớn để phản công. Cuộc khủng hoảng đó có thể là kinh tế hay ngoại giao - nếu hồ sơ Triều Tiên nóng bỏng diễn tiến xấu đi, trở thành xung đột.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú


XUÂN DƯƠNG



(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...
Liên tiếp 2 ngày (8-9/10/2014) báo Vietnamnet đã đăng tải các tin tức về lao động Trung Quốc (TQ) tại Hà Tĩnh: “Hàng nghìn lao động TQ ở Vũng Áng chưa có phép [1]; Lao động TQ ở Vũng Áng: Phó mặc Nhà nước Việt Nam? ”.  [2]
Theo các bài báo, hiện số lao động Trung Quốc đang có mặt tại các công trường ở Formosa (Vũng Áng) là trên 4.000 người, tuy nhiên số được cấp phép mới chỉ khoảng trên 800 lao động. 
Nhiều nhà thầu TQ chây ì, không chịu hợp tác làm thủ tục đăng ký xin cấp phép mặc dù đã đưa lao động sang từ lâu. 
Cty CP kỹ thuật công trình CISDI Trung Quốc, đang thi công gói thầu lò cao số 1 và số 2 Dự án Formosa chỉ có 200 lao động được cấp phép, 300 hồ sơ đang trình và trên 500 lao động chưa có thủ tục gì. Trong lúc đó, 1000 lao động của công ty  này đã làm việc trên công trường từ lâu nay.
Các đoàn muốn vào kiểm tra thì bắt buộc phải làm việc với Formosa (chủ đầu tư) trước rồi mới đi kiểm tra công trường, chứ không kiểm tra đột xuất được. Có thể khi đó, họ (lao động trái phép) sẽ tránh, đây là ý kiến một cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh trật tự ở Formosa.
Tại sao các công ty của TQ lại có thể xem thường luật pháp Việt Nam như vây? Những lao động không phép này nhập cảnh vào Việt Nam bằng cách nào và ai cho phép họ? Là một quốc gia có chủ quyền tại sao các cơ quan chức năng lại không thể kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất trên đất nước mình?
Để trả lời câu hỏi này hãy đọc đoạn văn sau đây trên Vietnamnet: “VietNamNet đã liên lạc với ông Lê Thành Long, Phó bí thư tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo bảo đảm ổn định tình hình tại Khu kinh tế Vũng Áng (BCĐ 881) và ông Đặng Quốc Khánh, PCT UBND tỉnh để rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên cả hai vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều bảo đang ở Hà Nội và chưa thể trả lời thông tin gì”. [2]
Một số người Việt phải bỏ ra nhiều tiền mới sang được xứ “ruồi vàng” Angola, hay vùng có dịch bệnh Ebola ở Tây Phi (Nigeria, Sierra Leone và Liberia…) kiếm việc làm. Khi có xáo trộn chính trị, nhiều người trở về tay trắng.
Trong khi đó ông Hồ AnhTuấn - Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “lao động trong nước không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực nên không được tuyển  dụng” (Laodong.com.vn 26/8/2014). 
Thực tế cho thấy số lao động phổ thông người Trung Quốc hiện diện nhan nhản trong các dự án do Trung Quốc trúng thầu, phải chăng ông Tuấn không biết điều này hay biết mà không dám nói?
Về phía nhà nước, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chẳng lẽ không biết đến tình trạng thất nghiệp của hàng chục vạn cử nhân, thạc sĩ, của gần một triệu lao động đang mòn mỏi tìm việc làm? 
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do chính Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê công bố,  cuối năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ.  [3]
Nếu Bộ thành lập một trung tâm dữ liệu, cập nhật thông tin những người có nhu cầu tìm việc làm theo cách cho đăng ký qua Internet thì không sợ thiếu lao động. Chẳng lẽ gần một triệu lao động trong đó có hơn 7 vạn cử nhân, thạc sĩ  lại không đủ cho một vài khu công nhiệp của Hà Tĩnh lựa chọn?
Theo số liệu thống kê của Tân Hoa Xã, mười năm trước (năm 2004) số người tìm việc làm ở Trung Quốc là 111 triệu người, năm 2011 con số này là 250 triệu người (baotintuc.vn  24/7/2012).
Đưa lao động phổ thông sang Việt Nam, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược một mũi tên hai mục đích, một mặt giải quyết nạn thất nghiệp trong nước, đẩy khó khăn sang Việt Nam, làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp tại Việt Nam, mặt khác trong số hàng vạn lao động đó ai mà biết được có bao nhiêu người dùng vỏ bọc lao động để che giấu các hoạt động không được pháp luật Việt Nam cho phép?.
Một bài đăng trên báo Đời sống và Pháp luật viết: “Mặt khác, ý thức kỷ luật của lao động Trung Quốc kém, gây mất an ninh trật tự địa phương như: trộm cắp, say rượu, tranh chấp công việc... Một số lao động Trung Quốc lấy vợ Việt Nam nhưng không làm thủ tục đăng ký kết hôn’. [4]
Công nhân Trung Quốc tại Dự án Formosa, đa số là lao động phổ thông (Laodong.com.vn)
Tình trạng hôn nhân bất hợp pháp như nêu trên  đã dẫn tới việc hình thành các xóm, phố người Hoa mới tại Việt Nam, điều này đã được đề cập trên báo Daibieunhandan.vn trực thuộc Văn phòng Quốc hội: “Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hồng nêu thực trạng: “lao động phổ thông người Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một làng ngay gần khu vực nhà máy. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu”. [5]
Sự xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị cả thế giới lên án, sự gặm nhấm trên biển theo kiểu “lát cắt xúc xích” cũng không thể che đậy trước những cặp mắt cảnh giác. Vấn đề là tại sao sự gặm nhấm theo kiểu chim “tu hú”  lại dễ dàng được chấp thuận như vậy?

Cách hành sử tàn ác của chim tu hú non Endynamis scolopaceav Ảnh: Phùng Mỹ Trung
Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Khi con tu hú” năm 1939 đã cho người đọc cảm nhận về chim Tu hú như một loài chim thân thương, gắn với những hình ảnh thật đẹp:
Khi con tu hú gọi bầy,
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần...
Có lẽ Tố Hữu cũng không ngờ ông đã đưa vào thơ hình ảnh một loài chim mà ngày nay người ta buộc phải gọi là loài gian hùng, xảo quyệt, ác điểu: “Tu hú mái tìm một tổ chim chích đã đẻ trứng đẻ vào đó một quả trứng của mình. Tu hú non mặc dù mới nở còn đỏ hỏn, mắt còn chưa nhìn thấy ánh sáng đã thể hiện bản lĩnh của một ác thủ. Nó nhanh chóng dùng sức mạnh cơ bắp, đôi cánh và phần lưng để đẩy những con chim chích non tội nghiệp mới nở cùng những quả trứng còn lại văng ra khỏi tổ. Âm mưu của nó là độc chiếm nguồn thức ăn của cặp chim chích bố mẹ nuôi dưỡng bầy con”. [6]
Một điều kỳ lạ là hễ bị hỏi, hễ bị chất vấn thì người trả lời luôn nêu những sự không đồng bộ của pháp luật, luôn đổ cho chưa có chế tài xử lý như ý kiến của Giám đốc Sở LĐTB & XH Bình Thuận Nguyễn Thanh Hồng: “việc quản lý người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc ở Bình Thuận rất khó khăn bởi thiếu nhiều chế tài; việc xử phạt cũng khó bởi trong Nghị định 102 và Thông tư 03 chỉ nói không đủ điều kiện thì trục xuất, nhưng ai trục xuất thì không nói rõ”. [5]
Những người có trách nhiệm ở Hà Tĩnh, Bình Thuận và nhiều nơi khác phải chăng chỉ vì muốn khu công nghiệp trên địa bàn sớm hoàn thành mà buông lỏng quản lý hay còn vì lý do nào khác? Phải chăng chính những lãnh đạo địa phương chứ không ai khác đang tiếp tay cho tình trạng lao động chui tràn lan trên địa bàn mình quản lý?
Nếu các cấp chính quyền còn chần chừ, còn đổ cho pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu chế tài xử lý người lao động nước ngoài thì người lao động Việt sẽ như chim Chích, sẽ còn bị hất văng khỏi cái tổ mà chính mình dựng nên để nuôi nấng bầy con của mình.
Hãy làm ngay bất kỳ việc cần thiết để ngăn chặn Tu hú tiếp tục đẻ trứng vào tổ của loài chim Chích, hãy chỉ cho chim Chích bố mẹ biết con ác điểu non đó không phải là con mình để kịp làm cái tổ mới, để mà duy trì nòi giống.
Tài liệu tham khảo:


LUẬN VỀ KHUÔN MẶT VÀ SỰ GIẢ TRANG


Paul Nguyễn Hoàng Đức

Kết quả hình ảnh cho hình mặt nạ

Người Việt có câu “Trông mặt mà bắt hình dong” hay “Trông mặt đặt tên”. Nghĩa là nhìn khuôn mặt là cái nằm cao nhất trên cơ thể, cũng là bộ tham mưu của não bộ, người ta hoàn toàn đoán định và đặt tên cho người đó. Khoa tướng mạo có câu “Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” có nghĩa là: kẻ ác tà gian manh thì không thể có khuôn mặt hiền lương thật thà.
Mỗi ngôi nhà đều có “sổ đỏ” để xác định khuôn viên ngôi nhà. Mỗi quốc gia đều phải vẽ đường biên giới để xác định diện mạo lãnh thổ của mình.
Người Việt còn có câu “Trông giỏ bỏ thóc”, rồi “Chọn mặt gửi vàng”, nghĩa là người ta không thể gửi vàng cho những kẻ gian manh có khuôn mặt độc địa tham tàn.
Nhà mỹ học Nga Bakhtin bàn rất kỹ về vũ hội hóa trang của Tây. Trong lễ hội diễn ra buổi tối đó, người ta hân hoan vì được xóa đi ranh giới về danh phận, nào vua, tướng, nhà giầu, ông chủ, bộ trưởng hay đầy tớ không còn bị phơi ra diện mạo thật của mình, vua không phải đạo đức cao, đầy tớ không còn sợ sệt… nhưng lễ hội hóa trang có vui cũng không thể kéo dài qua một ngày. Tại sao? Bởi vì khi người ta không có khuôn mặt thì cũng không có bổn phận, và cũng không phải chịu trách nhiệm về việc mình làm.
Tại sao phường trộm cắp khi tiến hành đầu tiên chúng phải tìm cách bịt mặt? Mà không bịt tay chân hay bụng? Vì khuôn mặt sẽ làm chúng phơi ra diện mạo thật của mình. Diện mạo đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn những loại lên mạng, trình ra diện mạo là mấy hòn bi, một hình tam giác, hay đàn ông nấp sau chân dung đàn bà, thì loại này có định dấu diếm khuôn mặt tàn độc của mình không? Và loại này liệu có bao nhiêu trách nhiệm trong lời nói?
Đàn ông đeo mặt nạ chân dung đàn bà thì thể hiện những gì:
1- Hắn muốn được đẹp hơn bản thân mình?!
2- Nấp sau tranh chân dung nổi tiếng, hắn tưởng sẽ nhanh nổi tiếng hơn?!
3- Hắn thoải mái ném đá dấu mặt mà không phải chịu trách nhiệm nào cả.
Tôi không bao giờ tin bọn không có khuôn mặt, vì ông cha ta dạy “chọn mặt gửi vàng”. Vậy những kẻ không có mặt thật chuyên gia chọc sàn, đấy muốn chứng minh sự tài giỏi của mình, thì viết một bài vài trăm chữ cho. Việc này có khó gì đâu, nhưng than ôi, cái giỏ thủng thì làm sao đựng được cái gì, nó chỉ còn tháo nan ra đi chọc sàn thôi.
Nào ta chờ đợi các vị, xem không có mặt thì có đáng chấp không?
Paul Đức 15/10/2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Câu chuyện về người thầy vĩ đại lay động hàng triệu người trên thế giới



Giáo sư Randy Pausch sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Brown, lấy bằng tiến sĩ trong ngành khoa học máy tính tại Trường Đại học Carnegie Mellon. Ông bắt đầu sự nghiệp giảng dạy vào năm 1997. Ngoài việc giảng dạy bộ môn Khoa học Máy tính, Tương tác Người – Máy và bộ môn Thiết kế tại trường Đại học, ông còn cộng tác với nhiều tên tuổi nổi tiếng như Adobe, Google, Electronic Arts (EA), Walt Disney Imagineering và cũng là người khởi xướng đề án Alice…
Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.
“Bài giảng cuối cùng” là một dự án của trường Carnegie Mellon, dành cho những giáo sư tiến sĩ trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giáo dục của mình. Và đây không phải là một buổi giảng tại một giảng đường nhỏ dành cho một lớp học 30-40 sinh viên mà là dành cho hàng trăm người tham dự. Vì lý do sức khỏe, Giáo sư Randy Pausch đã thực hiện “Bài giảng cuối cùng” vào ngày 18/9/2007 khi ông 47 tuổi.
Không chỉ người dân ở Mỹ mà khắp thế giới đều dõi theo bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch
Bài giảng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ với sự tham gia của hơn 500 người gồm các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Carnegie Mellon. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bài giảng của thầy Pausch đã được ghi hình và đăng tải rộng rãi lên trang Youtube. Tính tới nay, video clip này đã thu hút hơn 18 triệu lượt xem.
Thầy Pausch được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối vào năm ông 47 tuổi. Vì thế, ông chỉ có một thời gian ngắn ngủi để chuẩn bị bài giảng đầy tâm huyết cho thế hệ trẻ về việc làm thế nào để không đánh mất ước mơ.
Vài tháng sau buổi giảng đáng nhớ đó, Giáo sư Randy Pausch đã vĩnh viễn rời khỏi thế giới này. Trước khi qua đời, ông cũng hoàn thành và xuất bản cuốn sách “Bài giảng cuối cùng”. Tác phẩm này đã được dịch ra 18 thứ tiếng và từng được xuất bản tại Việt Nam.
Cuốn sách Bài giảng cuối cùng được dịch ra hơn 18 thứ tiếng.
Thông điệp ý nghĩa trong bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch
Chỉ trong hơn một giờ đồng hồ, thầy Pausch đã trình bày bài phát biểu sâu sắc về chủ đề “thực sự đạt được những giấc mơ của mình”. Các sinh viên ví bài giảng của ông vào ngày hôm đó chẳng khác nào một bữa tiệc tràn ngập các cung bậc cảm xúc bao gồm cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt. Vậy, nội dung mà ông đã truyền tải là gì?
“Bài giảng cuối cùng” được bắt đầu với hình ảnh chụp CT lá gan của ông với hơn 10 khối u khác nhau. Giáo sư Pausch đã xin lỗi những người đang ngồi phía dưới giảng đường nếu họ lầm tưởng rằng, ông ta đang yếu đuối và buồn chán. Ngay sau đó, ông thực hiện động tác hít đất và giải thích rằng, đây là cách ông vượt qua bệnh tật. Không những vậy, ông còn bông đùa rằng, ông có thân hình thon gọn hơn tất cả mọi người.
Trong suốt quá trình giảng bài, ông lần lượt trình chiếu những hình ảnh từ thơ bé của mình và không ngừng nhấn mạnh đến từng ước mơ cũng như tham vọng của ông vào thời điểm đó. Giáo sư Pausch giải thích về cách ông đã đạt được ước mơ, cách ông giúp bạn bè mình cùng đạt được ước mơ của họ.
Không giống mọi người, giáo sư Pausch không đề cập tới vấn đề tâm linh hay tôn giáo, ông lấy góc nhìn từ một người đàn ông đang đối mặt với cái chết và đánh giá lại những điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. “Đừng bao giờ đánh mất sự kỳ diệu của một đứa trẻ”… “Hãy tỏ lòng biết ơn… “Đừng than phiền”… “Hãy làm việc chăm chỉ hơn”… “Không bao giờ bỏ cuộc”, đó là các thông điệp mà giáo sư Pausch nhắn gửi tới người xem.
Hầu hết, những ước mơ thuở bé của Pausch đều đã trở thành hiện thực và thật vinh quang. Chẳng hạn như, tên ông ấy xuất hiện trong cuốn Bách khoa toàn thư thế giới. Ông đã được bay lơ lửng trong môi trường không trọng lượng và gặp William Shatner, một diễn viên, MC, nhà biên kịch… Chương trình Rescue 911 do Shatner làm MC đã dành được giải chương trình truyền hình được khán giả yêu thích nhất.
Bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch: Câu chuyện về người thầy vĩ đại lay động hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 4.
Giáo sư Pausch giải thích về cách ông đã đạt được ước mơ, cách ông giúp bạn bè mình cùng đạt được ước mơ của họ.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu như không thể đạt được ước mơ thì chúng ta cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú khác. “Kinh nghiệm là những gì bạn nhận được khi bạn không thể chạm tay vào ước muốn của mình”, Giáo sư Pausch chia sẻ.
Cũng trong buổi giảng bài này hôm đó, ông tiết lộ rằng, mình chưa bao giờ làm thủ môn trong một trận bóng bầu dục. Vậy nên, ba tuần sau buổi thuyết trình, Pittsburgh Steelers, một đội tuyển bóng bầu dục ở nước Mỹ, đã mời ông tham gia buổi tập của họ để ông có thể hoàn thành giấc mơ gia nhập Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia dù chỉ trong một ngày.
Mái ấm gia đình – Động lực cho những quan điểm tích cực của Giáo sư Randy Pausch 
Quan điểm tích cực của ông dường như đến từ mái ấm gia đình. Một vài hình ảnh trong bài thuyết trình cho thấy, ông và người mẹ thân yêu đã cùng nhau chạy xe đua vào sinh nhật lần thứ 70 của bà. Không những vậy, khán giả còn được chiêm ngưỡng hình ảnh bố của Giáo sư Pausch ngồi tàu lượn khi ông đã bước sang tuổi 80.
Người mẹ thân yêu của Giáo sư Pausch chạy xe đua vào sinh nhật lần thứ 70 của bà.
Khoảnh khắc cảm động nhất trong buổi thuyết trình là khi Pausch mang ra chiếc bánh sinh nhật và thông báo hôm nay là ngày sinh nhật của vợ ông. Pausch cùng hơn 500 người đã hát vang bài “Chúc mừng sinh nhật” khi vợ ông thổi nến.
“Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc”, biên tập viên Zaslow của tờ The Wall Street Journal nói. “Tôi đã xem lại giây phút ấy cả trăm lần và tôi chưa bao giờ thấy thế là đủ. Đó là một hành động thật ngọt ngào và lãng mạn mà Giáo sư Pausch đã dành cho vợ mình, bà Jai.
Giây phút cảm động khi Giáo sư Pausch chúc mừng sinh nhật vợ tại giảng đường
Bà Jai kể với tôi rằng, khi bà ấy ôm hôn chồng mình để cám ơn, bà đã thì thầm với ông rằng: “Anh Pausch, xin anh đừng ra đi”… Mặc dù người xem đoạn video clip không thể nghe được câu nói ấy, nhưng nó đã được đưa vào cuốn sách mà Giáo sư Pausch viết trong những tháng cuối cùng. “Bài giảng cuối cùng” đã được hoàn tất gấp gáp trong thời gian kỷ lục bởi những lý do mà ai cũng hiểu.
Giáo sư Pausch nói về sinh viên, bạn bè và đồng nghiệp của mình theo lối thật hài hước nhưng cũng thấm đẫm yêu thương. Và đương nhiên, họ cũng dành cho ông thật nhiều tình cảm trân trọng.
Giáo sư Pausch bên gia đình nhỏ của mình.
Ông kết thúc bài giảng với vài lời giải thích rằng: Thứ nhất, bài giảng của tôi không thực sự nói về việc “phải làm thế nào để đạt được ước mơ”. Nó chỉ đơn giản nói về cách bạn nên sống ra sao mà thôi. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời mình theo đúng hướng, bạn sẽ nhận được những “trái ngọt” và nhiều ước mơ sẽ tự đến với bạn. Thứ hai, để kết thúc bài thuyết trình của mình, Giáo sư Pausch phát biểu rằng: “Bài thuyết trình này không dành cho các bạn mà nó dành cho 3 đứa con của tôi”.
Tạp chí Time đã vinh danh Tiến sĩ Pausch là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tờ báo ABC từng công bố, ông là một trong ba người đạt danh hiệu “Nhân vật của năm” vào năm 2007. Oprah Winfrey, nữ MC nổi tiếng đạt giải Emmy đã hứa dành cho ông 10 phút để trò chuyện và Giáo sư Pausch sử dụng nó để làm một phiên bản ngắn gọn cho bài thuyết trình của mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

RA RÀNG, RA VỚI THẾ GIỚI...


Một khi ra với thế giới, muốn được bầu bán để điều hành các tổ chức thế giới, tổ chức của toàn cầu thì đừng quá nhấn mạnh đến "(ngồi) vào thì có lợi ích cho nước mình". Nói thế ai người ta muốn bầu cho mình, muốn lựa chọn mình nữa.

Ngồi vào cái ghế chót vót kia (của tổ chức thế giới, toàn cầu nào đó) thì không những cần có đủ năng lực mà cần nhất là sự vô tư, trong sáng, minh bạch. Phải vì cái chung, vì quyền lợi của chính tổ chức toàn cầu mà mình tham gia - phụng sự, vì quyền lợi của (các) nước thành viên khác... chứ không chỉ nhăm nhăm giành quyền lợi về cho nước mình - mặc dầu ngầm ý cũng là có quyền lợi nước mình.
Tháng 5 sơ tuyển (chọn bầu) cho chức TGĐ tổ chức UNESCO đã có chuyện ứng cử viên (ƯCV) của ta mang chai nước uống của một doanh nghiệp VN sản xuất đặt lên bàn trước ghế ngồi của mình. Dư luận rộ lên như thế ƯCV ta liệu có ý tiếp thị, tức mang lợi ích cho doanh nghiệp của VN hay không, một điều dễ bị ban giám khảo "soi" và giảm cảm tình khi quyết định cho điểm...

Nay chẳng biết sao khi vào vòng cuối lựa chọn cho cái chức cao ở trên nói tới, nước mình lại để báo chí nói đậm, viết nhiều nào là vào được chức này thì sẽ góp phần quan trọng "đẩy mạnh cả hợp tác song phương và đa phương của VN chúng ta trên trường quốc tế...", cứ đều đều một giọng quá "vơ vào" cho ta như thế, như thế.

Vun vén cho nước mình nhiều quá (trong khi tranh chức cao của một tổ chức có uy tín toàn cầu nào đó) là một hành xử không khôn ngoan, nếu không muốn nói là dại dột. Làm thế vô hình chung gây hại đến ƯCV của nước mình. 
 Mới biết để đi ra và bay cao cùng thế giới là khó. Phải hiểu biết toàn diện, chứ cái cách nói, chỉ đạo, rồi thông tin tuyên truyền kiểu cũ lâu nay, nặng về vụ lợi, ích kỷ, nói hoặc viết lấy được, thì nhiều khi vô tình làm mất điểm cho chính ứng viên của chúng ta cũng nên.

Nhưng thôi, con chim muốn bay được, bay cao không tránh được thời khắc "ra ràng". Đó là thời gian con chim tập luyện bay, tiếp đến tự đi kiếm mồi...

Rồi thời gian, (những) thực tiễn, cọ xát - cạnh tranh quốc tế...sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm cho chúng ta để một mai chúng ta "vững bước hơn trên con đường vào thế giới hội nhập".

NGUYỄN VĨNH 


Phần nhận xét hiển thị trên trang