Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Tư liệu: Thảo luận giữa Chu Ân Lai Đặng Tiểu Bình Khang Sinh Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh Ngày 13-04-1966


Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam trong khi chỉ ra [những điểm] có vẻ ngờ vực từ phía Việt Nam; Việt Nam dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình: các ông đã nói về sự thật cũng như đề cập đến sự công bằng. Vậy các ông vẫn còn sợ cái gì? Tại sao các ông lại sợ không làm vừa lòng Liên Xô vậy còn Trung Quốc thì sao? Tôi muốn nói thẳng với các ông những điều hiện tại tôi cảm nhận: các đồng chí Việt Nam có những suy nghĩ khác về phương pháp giúp đỡ của chúng tôi nhưng mà các ông chưa nói với chúng tôi.
Tôi nhớ đồng chí Mao phê bình chúng tôi các viên chức Trung Quốc tham dự buổi nói chuyện giữa đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Lê Duẩn tại Beidaihe (2) -  về việc "quá nhiệt tình" đối với đòi hỏi của Việt Nam. Bây giờ chúng tôi thấy đồng chí Mao nhìn xa trông rộng.
Lê Duẩn: Bây giờ khi các ông nói lại điều đó lần nữa chúng tôi đã rõ. Tại thời điểm đó tôi không hiểu những gì đồng chí Mao nói bởi vì thông dịch quá dở.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi hiểu rằng đồng chí Mao phê bình chúng tôi đó là đồng chí Chu Ân Lai tôi và những người khác. Dĩ nhiên không có nghĩa là đồng chí Mao không làm hết sức mình để giúp đỡ Việt Nam. Với các ông đã quá rõ là chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của các đồng chí bởi vì nằm trong khả năng của chúng tôi.
Bây giờ có vẻ như đồng chí Mao Trạch Đông nhìn xa trông rộng trong vấn đề này. Trong những năm gần đây chúng tôi đã có kinh nghiệm trong các mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Sự thật là sự quá nhiệt tình của chúng tôi đã gây nghi ngờ cho các đồng chí Việt Nam? Hiện tại chúng tôi có 130.000 quân lính đang ở nước các đồng chí. Việc xây dựng [căn cứ] quân sự ở Đông Bắc cũng như xây dựng tuyến đường sắt là các dự án mà chúng tôi đề xuất và hơn nữa chúng tôi đã gửi hàng chục ngàn quân lính tới biên giới.
Chúng tôi cũng đã thảo luận khả năng chiến đấu chung bất cứ khi nào cuộc chiến bùng nổ. Các ông có nghi ngờ chúng tôi vì chúng tôi quá nhiệt tình hay không? Người Trung Quốc có muốn kiểm soát Việt Nam? Chúng tôi muốn nói thẳng cho các ông biết rằng chúng tôi không hề có ý định đó. Ở đây chúng tôi không cần bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào. Nếu chúng tôi mắc phải sai lầm đã làm cho các ông nghi ngờ có nghĩa là đồng chí Mao thật sự nhìn xa trông rộng.
Hơn nữa hiện nay nhiều người làm cho Trung Quốc bị mang tiếng: Khrushchev (*) là người theo chủ nghĩa xét lại và Trung Quốc thì theo chủ nghĩa giáo điều và mạo hiểm.
Vì vậy chúng tôi hy vọng trong vấn đề này nếu các ông có bất kỳ vấn đề gì làm ơn nói thẳng cho chúng tôi biết. Thái độ của chúng tôi cho đến nay và từ bây giờ sẽ là: các ông đang ở tiền tuyến còn chúng tôi đang ở hậu phương. Chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của các ông trong khả năng của chúng tôi. Nhưng chúng ta không nên có quá nhiều nhiệt tình.
Việc xây dựng ở các đảo phía đông bắc đã hoàn thành. Hai bên đã thảo luận việc xây dựng dọc bờ biển sẽ do những người lính trong quân đội của chúng tôi thực hiện. Gần đây đồng chí Văn Tiến Dũng (3) đề nghị sau khi hoàn thành việc xây dựng ở phía đông bắc những người lính trong quân đội của chúng tôi sẽ giúp các ông xây dựng các địa điểm pháo binh ở vùng đồng bằng trung tâm. Chúng tôi vẫn chưa trả lời. Bây giờ tôi đặt một câu hỏi để các ông cân nhắc: các ông có cần những người lính trong quân đội của chúng tôi làm điều đó hay không?
Chu Ân Lai: [Đề nghị về] việc xây dựng 45 địa điểm pháo binh gần các vị trí tên lửa của Liên Xô.

Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi không biết liệu có tốt cho mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước hay không khi chúng tôi đã gửi 100.000 quân đến Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho những người lính trong quân đội của chúng tôi trở về nhà ngay sau khi họ hoàn thành công việc. Trong vấn đề này chúng tôi không có bất kỳ ý định xấu nào nhưng kết quả không phải là những điều mà cả hai (nước) chúng ta muốn.
Cách đây không lâu có một chuyện đã xảy ra mà chúng tôi nghĩ không phải là ngẫu nhiên: Trên đường đến Hòn Gai để lấy than đá một con tàu Trung Quốc đã không được phép cập cảng. Nó đã ở lại ngoài khơi 4 ngày. Yêu cầu để gọi từ bờ bị từ chối. Con tàu này đang thi hành nhiệm vụ theo một thỏa thuận thương mại không phải là một tàu chiến.
Lê Duẩn: Chúng tôi không biết điều này.
Đặng Tiểu Bình: Bộ ngoại giao của chúng tôi đã gửi một bản ghi nhớ cho các ông nhưng chính phủ Việt Nam vẫn chưa trả lời. Những chuyện như thế này chưa từng xảy ra trong 10 năm qua.
Chu Ân Lai: Ngay cả tàu Trung Quốc yêu cầu được vào cảng Việt Nam trốn máy bay Mỹ để được cung cấp nước ngọt và gọi điện thoại cũng bị từ chối. Một trong những cán bộ của chúng tôi người phụ trách việc mua bán với nước ngoài sau đó đã thảo luận với các nhà chức trách ở cảng nhiều lần và sau đó con tàu mới có thể vào cảng của các ông. Các đồng chí phụ trách cảng Cẩm Phả thậm chí nói: Đây là chủ quyền của chúng tôi các ông chỉ có thể vào khi được phép. Trong khi đó chúng tôi nói rằng tất cả các tàu và máy bay của Việt Nam có thể vào các cảng và sân bay của Trung Quốc bất cứ lúc nào nếu bị máy bay Mỹ truy đuổi.
Đặng Tiểu Bình: Bây giờ tôi muốn nói về một khía cạnh khác trong mối quan hệ giữa hai đảng và hai nước. Trong số 100.000 quân lính của quân đội Trung Quốc những người hiện nay đang ở nước các ông có thể có người nào đó làm sai. Và về phía các ông cũng có thể có những người muốn sử dụng những sự cố này để gây chia rẽ giữa hai đảng và hai nước.
Chúng ta nên thẳng thắn nói về vấn đề này bây giờ bởi vì điều này không chỉ là mảng tối mà còn gây một số thiệt hại trong các mối quan hệ của chúng ta. Nó không chỉ là những vấn đề liên quan đến sự đánh giá của chúng tôi về sự trợ giúp của Liên Xô. Các ông có nghi ngờ Trung Quốc giúp Việt Nam là vì mục đích riêng của chúng tôi? Chúng tôi hy vọng rằng các ông có thể nói trực tiếp cho chúng tôi biết nếu các ông muốn chúng tôi giúp đỡ. Vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng. Chúng tôi sẽ rút quân ngay lập tức. Chúng tôi có rất nhiều thứ cần làm tại Trung Quốc. Và những người lính trong quân đội đóng quân dọc theo biên giới sẽ được lệnh quay trở lại lục địa (4).
Lê Duẩn: Tôi xin trình bày một số ý. Khó khăn là sự phán đoán của chúng ta khác nhau. Theo kinh nghiệm trong Đảng của chúng tôi cho thấy cần có thời gian để làm cho các ý kiến khác nhau đi đến sự đồng thuận.
Chúng tôi không nói chuyện công khai về các ý kiến khác nhau giữa chúng tôi. Chúng tôi chắc rằng sự hỗ trợ của Liên Xô cho Việt Nam một phần là chân thành cho nên chúng tôi không hỏi liệu Liên Xô sẽ bán đứt Việt Nam cũng như chúng tôi không nói Liên Xô vu cáo Trung Quốc trong vấn đề vận chuyển viện trợ của Liên Xô. Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi nói điều này vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn. Đó là do hoàn cảnh của chúng tôi.
Vấn đề chính là làm thế nào để đánh giá Liên Xô. Các ông đang nói rằng Liên Xô đang bán đứng Việt Nam nhưng chúng tôi không nói như vậy. Tất cả các vấn đề khác bắt nguồn từ sự phán đoán này. Liên quan đến sự trợ giúp của Trung Quốc cho Việt Nam chúng tôi hiểu rất rõ và chúng tôi không có bất kỳ mối quan ngại về điều đó. Bây giờ đang có hơn 100.000 quân lính của quân đội Trung Quốc tại Việt Nam nhưng chúng tôi nghĩ rằng bất cứ khi nào có chuyện nghiêm trọng xảy ra có thể cần hơn 500.000. Đây là sự hỗ trợ từ một đất nước anh em.
Chúng tôi nghĩ rằng là một đất nước xã hội chủ nghĩa anh em các ông có thể làm điều đó các ông có thể giúp chúng tôi như thế này. Tôi đã có một cuộc tranh cãi với Khrushchev về một vấn đề tương tự. Khrushchev nói rằng người Việt Nam ủng hộ Trung Quốc sở hữu bom nguyên tử để Trung Quốc có thể tấn công Liên Xô. Tôi nói rằng điều đó không đúng sự thật Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Liên Xô.
Hôm nay tôi nói rằng sự đánh giá của một đất nước xã hội chủ nghĩa đối với một đất nước xã hội chủ nghĩa khác phải dựa trên chủ nghĩa quốc tế đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng tôi [nếu] cuộc cách mạng Trung Quốc không thành công thì cách mạng Việt Nam khó có thể thành công. Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng tôi chắc rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc là trực tiếp và rộng rãi nhất.
Như các ông đã nói mỗi quốc gia nên tự bảo vệ mình nhưng họ cũng nên dựa vào sự trợ giúp quốc tế. Vì vậy chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng sự nhiệt tình của các ông có thể gây nguy hại trong bất kỳ tình huống nào. Ngược lại các ông càng nhiệt tình sẽ càng có lợi cho chúng tôi. Sự giúp đỡ nhiệt tình của các ông có thể giúp chúng tôi cứu sống 2-3 triệu người. Đây là một vấn đề quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao sự nhiệt tình của các ông. Một đất nước nhỏ như Việt Nam rất cần sự trợ giúp quốc tế. Sự trợ giúp này tiết kiệm cho chúng tôi rất nhiều máu.
Các mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tồn tại không chỉ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà còn trong tương lai dài lâu ở phía trước. Ngay cả khi Trung Quốc không giúp chúng tôi nhiều chúng tôi vẫn muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc vì điều này đảm bảo cho sự sống còn của đất nước chúng tôi.
Đối với Liên Xô chúng tôi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Nhưng chúng tôi cũng chỉ trích Liên Xô nếu họ tiếp nhận những lời chỉ trích của chúng tôi.
Trong quan hệ giữa hai đảng chúng ta chúng ta cảm thấy tốt hơn khi có nhiều sự đồng thuận và chúng ta lo ngại nhiều hơn khi có ít sự đồng thuận. Chúng tôi quan tâm không chỉ về sự trợ giúp của các ông mà còn quan tâm đến một vấn đề quan trọng hơn đó là quan hệ giữa hai nước. Ủy ban Thường trực Trung ương Đảng của chúng tôi luôn luôn nghĩ đến việc làm thế nào để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai đảng và hai nước.
Về sự cố của tàu Trung Quốc gặp khó khăn khi vào cảng Việt Nam tôi không biết vấn đề này. Chúng tôi không quan tâm đến vấn đề 130.000 quân lính của các ông ở nước chúng tôi thì tại sao chúng tôi lại quan tâm đến một con tàu? Nếu đó là sai lầm của người phụ trách cảng người này cũng có thể là một đại diện tiêu cực cố gắng kích động. Hoặc sai lầm của người này có thể được những kẻ khiêu khích khác sử dụng. Đó là một sai lầm cá nhân. Điều chúng tôi nghĩ về Trung Quốc không bao giờ thay đổi.
Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải có một nghĩa vụ đạo đức đối với các ông và đối với phong trào Cộng sản quốc tế. Chúng tôi tiếp tục đấu tranh chống Mỹ cho đến chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi vẫn duy trì tinh thần quốc tế vô sản. Vì lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế và tinh thần quốc tế chẳng hề quan trọng nếu quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam kéo dài trong 30 hoặc 40 năm.
Tôi muốn thêm một số ý kiến cá nhân của tôi. Hiện nay có một phong trào cải cách tương đối mạnh mẽ trên thế giới không chỉ ở Tây Âu mà còn ở Đông Âu và Liên Xô. Nhiều quốc gia áp dụng một trong hai con đường: chủ nghĩa cải cách hay chủ nghĩa phát xít là những quốc gia bị giai cấp tư sản cai trị. Vì vậy tôi nghĩ rằng nên có một số quốc gia cách mạng như Trung Quốc để đối phó với các quốc gia cải cách chỉ trích họ và đồng thời hợp tác với họ để dẫn họ vào con đường cách mạng.
Họ là những nhà cải cách do đó một mặt họ là phản cách mạng đó là lý do tại sao chúng ta nên phê bình họ. Nhưng mặt khác họ chống đế quốc đó là lý do tại sao chúng ta có thể hợp tác với họ. Trong lịch sử cách mạng Trung Quốc các ông đã làm điều tương tự. Đồng chí Mao Trạch Đông thành lập Mặt trận Thống nhất chống Nhật với Tưởng Giới Thạch.
Vì vậy ý kiến cá nhân của tôi là Trung Quốc trong khi giữ nguyên các biểu ngữ cách mạng cần hợp tác với các quốc gia cải cách để giúp họ thực hiện cuộc cách mạng. Đây là phán đoán cũng như chính sách của chúng tôi. Điều này không nhất thiết là đúng nhưng đó là cam kết của chúng tôi chân thành với cách mạng. Dĩ nhiên vấn đề này rất phức tạp. Như các ông đã nói rằng ngay cả trong một đảng cũng có ba thành phần: hữu khuynh trung dung và tả khuynh do đó tình hình nằm trong một phong trào cộng sản lớn.
Sự khác biệt trong việc phán đoán mang lại những khó khăn cần có thời gian để giải quyết. Cần thiết để có thêm nhiều mối liên hệ để đạt được thỏa thuận trong nhận thức.
Mối quan tâm của chúng tôi không phải là Trung Quốc đang cố gắng để kiểm soát Việt Nam. Nếu Trung Quốc không phải là một đất nước xã hội chủ nghĩa thì chúng tôi thực sự quan ngại. [Chúng tôi tin rằng] các đồng chí Trung Quốc đến để giúp chúng tôi ra khỏi quốc tế vô sản.
Đặng Tiểu Bình: Về câu hỏi về "sự nhiệt tình " làm ơn hiểu thêm yêu cầu của Mao Chủ tịch muốn nói đến thực tế mối quan hệ giữa hai nước và các bên không đơn giản. Mối quan hệ giữa các đồng chí cũng không đơn giản.

Ghi chú:
1. Khang Sinh (Kang Sheng) lúc đó là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và là thành viên của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu Cách mạng Văn hóa ông ta sớm trở thành thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là cố vấn cho "Nhóm Cách mạng Văn hóa " cơ quan hàng đầu trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
2. Beidaihe [Bắc Đới Hà?] là một nơi tham quan ven biển phía đông bắc của Bắc Kinh nơi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên nghỉ mát và có các cuộc họp quan trọng trong mùa hè.

3. Văn Tiến Dũng (1917 -) (**) là người giữ vị trí lãnh đạo thứ hai trong quân đội Bắc Việt sau tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1953-1978 chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tấn công năm 1974-1975. Ông là ủy viên Bộ chính trị từ năm 1972-86 Thứ trưởng cho đến khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1978-1980. Nghỉ hưu năm 1986.
4. Trong một cuộc trò chuyện riêng cùng ngày Chu Ân Lai nói: "Sau khi Kosygin (***) đến thăm Việt Nam và hứa sẽ giúp đỡ Việt Nam chúng tôi có những bất đồng mới với Liên Xô về yêu cầu của họ sử dụng hai sân bay của chúng tôi và đề nghị của họ để vận chuyển vũ khí tới Việt Nam. Các ông ca ngợi Liên Xô đã giúp viện trợ rất nhiều cho các ông thì được. Nhưng mà các ông đề cập nó cùng với viện trợ của Trung Quốc là một sự xúc phạm đến chúng tôi". Đặng Tiểu Bình nói thêm "Vì vậy từ bây giờ các ông không nên đề cập đến sự viện trợ của Trung Quốc chung với sự viện trợ của Liên Xô".

Người dịch: Ngọc Thu
----
Ghi chú thêm của người dịch:
(*) Khrushchev: tức Nikita Khrushchev hay Nikita Sergeyevich Khrushchyov là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô kế vị Stalin sau khi ông này mất năm 1953. Khrushchev cũng giữ chức thủ tướng cùng với chức TBT từ năm 1958-1964. Đến năm 1964 Khrushchev bị chính những người đồng chí của mình hạ bệ và từ đó cho đến những năm còn lại của cuộc đời Khrushchev luôn bị sự giám sát chặt chẽ của cơ quan tình báo KGB.
(**) Bài nói chuyện này có từ năm 1966 lúc đó Văn Tiến Dũng còn sống do đó người ghi chú bản chính không để năm mất của Văn Tiến Dũng là 2002.
(***) Kosygin: tức Aleksei Nikolayevich Kosygin là Thủ tướng Liên Xô từ năm 1964-1980 dưới thời Tổng bí thư Leonid Brezhnev.

Nguyễn Quốc Minh

Tài liệu tham khảo đặc biệt :

Trang 10-11 của cuốn sách "Mao Trạch Đông ngàn năm công tội" của nhà nghiên cứu Trung Quốc Tân Tử Lăng :
"
… Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết đây là một mệnh đề do người sáng lập chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10-1847 Ăngghen viết tác phẩm “Nguyên lý cộng sản” phác họa ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11-5-1893 khi 73 tuổi nói chuyện với phóng viên Pháp “Le Figaro” Ăngghen đã phủ nhận mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ. Ông nói:
“Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng. Chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển. Không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào. Còn cách nhìn dự định chi tiết trên phương diện tổ chức xã hội tương lai ư? Ngài không thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi ngay cả hình bóng của chúng.”
Theo hồi ức của Liuba cháu gái của cố Tổng bí thư Brezhnev sinh thời Brezhnev từng nói với người em trai: “Chủ nghĩa cộng sản là cái quái gì đều là những lời nói trống rỗng lừa bịp dân chúng.” Sai lầm của nhà lãnh đạo Liên Xô cũ không phải ở chỗ từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa Cộng sản mà ở chỗ ông tiếp tục lấy cái lý luận mà bản thân không còn tin nữa làm ý thức hệ chính thức để lừa gạt nhân dân. Một chính đảng lãnh đạo nhân dân tiến lên phải như Ăngghen điều chỉnh mục tiêu phấn đấu của mình cho kịp thời đại và trịnh trọng công bố trước nhân dân.
Trong một bức thư tháng 9-1890 Ăngghen viết: “Theo quan điểm duy vật nhân tố mang tính quyết định trong quá trình lịch sử nói cho cùng là sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực. Mác và tôi đều chưa khẳng định được gì nhiều hơn thế.” Trước khi ra đời chủ nghĩa tư bản đã tạo ra năng suất lao động cao hơn chế độ phong kiến nên chế độ tư bản đã hoàn toàn chiến thắng chế độ phong kiến. Chế độ xã hội chủ nghĩa bạo lực – giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản – trải qua hơn 70 năm nỗ lực hết sức mình để đuổi kịp và vượt các nước tư bản chủ nghĩa chỉ riêng Liên Xô và Trung Quốc đã phải trả giá 50 triệu người chết đói (Liên Xô 13 triệu Trung Quốc 37 triệu) mà cũng không đuổi kịp các nước tư bản chủ nghĩa chủ yếu trên phương diện “sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực.” Chế độ xã hội chủ nghĩa bạo lực của Lênin Xtalin và Mao Trạch Đông thi thố hết tài năng cũng không tạo ra nổi năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản đương nhiên bị lịch sử đào thải giai đoạn cao hơn của nó là chủ nghĩa cộng sản tất nhiên cũng diệt vong."

Theo vanchuong
Email : saovietvvt@yahoo.com.vn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

THỜI MẠT


Tranh: Bửu Chỉ
Ngồi đọc sử Triều mạt, thấy buồn tê tái. Viết bài thơ để ghi nhớ cảm xúc lúc này.
THỜI MẠT
Vua kém tài thiếu đức
Quan thả sức lộng quyền
Coi dân như tôi tớ
Công lý thì đảo điên
Chức từ to đến nhỏ
Mua bán thành chợ đêm
Làm giàu bằng dự án
Làm mõ cũng moi tiền
Thi nhau xây biệt phủ
Đâu chỉ đám “hòa thân”
Những đại án nghìn tỷ
Chung thân cũng đếch cần
Nay chia bè kéo cánh
Mai lập hội ủ mưu
Ghét nhau không nhìn mặt
Vẫn kính thưa kính mời
Dân ngửa mặt kêu trời
Trời làm ngơ làm điếc
Chén rượu trên bàn tiệc
Thuốc độc đã sủi tăm
Một vương triều nát tan
Nước chia ba chia bảy
Dân đầu rơi máu chảy
Sặc tiếng cười ngoại bang
Thời mạt vết mực đen
Bôi bẩn vào pho sử
Ai là người chăn dân
Thoát con đường “tử lộ”?…
Advertisements

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi phóng viên gặp nạn


Phạm Lan Phương - Một phóng viên của Thông Tấn Xã tử nạn khi đang tác nghiệp lũ lụt. Tin buồn đó rất nhiều bạn bè chia sẻ. Và đó thực sự là tin buồn với người đi viết như tôi – khi bạn đang ở tuổi nghề sung sức. Có một điều nhiều năm qua tôi chưa bao giờ đề cập đến, đó là: Các tòa soạn quan tâm đến sinh mạng của phóng viên mình ra sao?

Mô tả lại nghề báo cho những sinh viên mới ra trường như sau: Bạn còn là sinh viên, nhờ quan hệ cá nhân nào đó hoặc trường giới thiệu, bạn trở thành cộng tác viên của một tờ báo. Có những cộng tác viên tôi quen bắt đầu công việc của họ từ năm 21 tuổi, và 9 năm sau, khi 30 tuổi, họ vẫn chưa được ký phóng viên, đồng nghĩa với việc không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe, tai nạn. Họ vào nghề bằng đôi chân trần và khát vọng đi viết thực sự.

Như mọi tòa soạn trên thế giới, phóng viên trẻ bắt đầu bằng tin tức trong thành phố: cướp, hiếp, giết, nếu bạn nào ở địa phương có ngập lụt, lở đá, xe lật đèo, chém giết… thì đều sẽ là họ làm. Chuyện này không có gì đáng bàn, đó là việc các phóng viên đều trải qua việc này để trưởng thành. Có mặt ở điểm nóng trên trang báo là điều mọi phóng viên trẻ đều cần làm và mong muốn đạt tới. Nhưng đáng sợ là rất ít người trẻ được đồng nghiệp lớn dắt đi, chỉ cho họ thấy các nguy cơ ở hiện trường, các tiềm ẩn nguy hiểm.

Một nhà báo chuyên làm mảng đường dây nóng kể tôi nghe ông và nhiều đồng nghiệp vẫn tiếp cận hiện trường vụ Phương Khói Lửa khi phía công an còn nghi trong nhà có thể vẫn còn chất nổ. Nhưng người kể tôi nghe là một nhà báo đầy kinh nghiệm, ông biết phải dừng ở đâu, đứng ở đâu, nhận biết cái gì nguy hiểm. Hàng trăm phóng viên trẻ đang lăn thân thể trên hiện trường không hề biết những thứ như ông. Họ sẽ làm gì nếu một vụ nổ tiếp theo xảy ra? Họ sẽ làm sao nếu cây cột điện đổ xuống tiếp tục gây giật điện? Họ sẽ làm sao nếu khu vực cần tiếp cận đang nằm bên kia dòng nước chảy xiết?

Không có câu trả lời.

Nhiều phóng viên rất giỏi nói: họ tự học mọi thứ, tự đọc kiến thức chữa lửa, tự đọc xem điện giật và nước ra sao, tự tìm hiểu sấm sét hay nguy cơ khi lụt. Không có tòa soạn nào có đào tạo về an toàn cho phóng viên trẻ, và phóng viên trẻ thực sự chưa hiểu nguy cơ nào đang ẩn chờ họ trước mặt.

Họ sẽ làm gì khi đứng trước một dòng nước chảy vào làng? Họ sẽ làm gì khi hầm lò bị lở và tòa sọan liên tục gọi điện hỏi hình đâu? – Họ sẽ chui vào hầm đá lở, và lần mò bước theo một người bản địa chỉ họ qua suối. Phóng viên là vậy, đặc biệt phóng viên trẻ, họ có niềm tin mãnh liệt vào bản tin cần phải tới tay độc giả – và sẵn sàng liều mình vì bản tin đó.

Họ có cơ hội từ chối không? – Mọi biên tập đều nói các em có thể từ chối. Nhưng ngôn ngữ ngầm là sẽ không đứa phóng viên trẻ nào được nhận thực hiện tiếp tin tức tại điểm nóng nữa, nếu nó dám từ chối. Luật chơi ngầm là không từ chối. Không có sự quay đầu cho phóng viên trẻ. Nhưng làm sao trách được thị trường báo chí, nó y hệt nhau trên toàn thế giới, các phóng viên trẻ ở Thái, Indonesia, Mỹ, Myanmar, Anh, đều chọn điểm nguy hiểm nhất để khởi phát sự nghiệp báo chí – nơi có thể đem lại cho họ danh tiếng và hi vọng một vị trí trong nghề. Và đó một phần là bản ngã của người viết báo – những kẻ muốn chinh phục nguy hiểm.

Nhưng song song với đó, tôi nghe rất nhiều than phiền từ đồng nghiệp trong khoảng 5 năm gần đây, các sinh viên trẻ không chọn nghề báo nữa. Họ tốt nghiệp. Bỏ nghề. Họ làm truyền thông hoặc PR. Vậy họ có phải là những kẻ phản bội nghề nghiệp không?

Tôi từng nghe một em sinh viên khóc nức nở khi tường thuật một cái tin 200 chữ về một bà cụ bị xe container cán. Tôi đã nghe những đồng nghiệp kể một em không thể chịu nổi hàng chục đêm lăn lê ngoài đường cho những cuộc đua xe để làm một bài viết về tội phạm – và sau đó phải lẩn tránh nhiều tháng trời vì bọn đua xe dọa giết. Tôi cũng đã nghe những phóng viên nữ đến cơ quan công quyền làm việc, xong bị sếp của họ sờ mó trên xe hơi, gạ tình, rủ đi khách sạn, rồi “cung cấp tin”. Không thể khác được, nghề báo sẽ gặp những thứ như vậy cả đời, nếu họ muốn viết thực sự.

Điều tôi đặt câu hỏi là: Các tòa soạn ở đâu khi sinh mạng phóng viên của họ nguy hiểm? – Không có một đào tạo nào về các giới hạn nguy hiểm, các vùng nguy hiểm, các giới hạn mà biên tập viên không được ép phóng viên nhảy vào. Không có quy chế nào về bảo vệ đồng nghiệp trong tác nghiệp, mọi trường hợp đều chỉ cầu may dựa vào sự tử tế của tổng biên tập, đặc biệt trong các vụ phóng viên phải đi tù. Không có một nhắc nhở nào để tạo ra một cơ chế bảo vệ giữa các phóng viên trong tòa soạn chống lại sự tiết lộ danh tính, tấn công, nặc danh, khủng bố tinh thần bằng điện thoại, dọa giết. Không có huấn luyện phù hợp nào về lửa, bão lụt (và đây là mảng năm nào cũng cần tường thuật), an toàn cháy nổ… thực sự có thể xài cho tác nghiệp. Các tòa soạn coi nhẹ sinh mạng của phóng viên trẻ, bởi thị trường báo chí quá cạnh tranh, ghế thì ít mà đít thì nhiều, ai cũng cần phải nhảy vào một tòa soạn nào đó, nên sẵn sàng liều mình để làm việc.

Khi tôi làm việc cho một hãng tin, có một kỳ huấn luyện môi trường nguy hiểm trong một tuần. Ở đó, những huấn luyện viên thực sự am hiểu hiện trường có đe dọa, bão lụt, lửa, bạo động, đã dạy phóng viên về cách phải làm sao ứng phóng khi bị đẩy vào từng cấp độ của nguy hiểm. Khi nào phóng viên được từ chối tường thuật. Khi nào họ phải vứt bỏ thiết bị để bảo vệ bản thân. Khi nào họ có thể tiếp tục tường thuật. Họ cần có gì để kích hoạt bảo hiểm, cứu trợ, giúp đỡ, hỗ trợ từ tòa soạn…. 


Tôi còn nhớ trong đó có một bài học mà đồng nghiệp Indonesia được chỉ dẫn nếu bạn phóng viên nữ bị cả đám đàn ông xông vào lôi cô đi, thì quay phim, tài xế hay người đi kèm phải làm gì, cô cần mang theo gì và không được sử dụng vũ khí ra sao. Cô nói: “Đó là bài học rất thực tế, vì trong nhiều trường hợp đi làm ở các đảo cô lập, là nữ giới tôi luôn cảm thấy bị đe dọa.” – Tất cả những bài học đó không phải để tạo đường lùi đẩy phóng viên ra khỏi hiện trường sự việc, mà nó dạy tôi hiểu về sinh mạng mình, giới hạn cần dừng lại, hoặc khi nào có thể tiến về phía trước. “Có khi nó cũng chẳng giúp được gì đâu”- Một giảng viên thừa nhận với chúng tôi, nhưng ông cũng nói chúng ta trang bị tốt nhất những gì cần thiết để tránh tối đa nguy cơ có thể làm tổn thương phóng viên.

Ở đài SBS của Úc, tôi từng trò chuyện với một phóng viên ở Sydney. Cô kể ở tòa soạn cô có khuyến khích cơ chế “buddy” – nghĩa là nếu cô đi tường thuật cháy rừng, thì đồng nghiệp nào từng làm cháy rừng ở nhà nên gọi hỏi thăm cô, hoặc gọi điện gợi ý cho cô nên chuẩn bị gì cho an toàn, dù hai người không phải bạn thân. Cô kể có lần phải tường thuật cháy rừng suốt hai tuần, quá căng thẳng và thương tâm vì nhiều người mất hết nhà cửa. Hôm đó, tự dưng cô nhận được điện thoại từ một bạn ở nhà, hỏi cô có ổn không, làm có cực không, khói cháy rừng tới đâu rồi. Cô kể lúc đó đã cảm thấy được trấn an, như có ai đó ở nhà nhớ tới mình, không phải gọi điện đòi bài, mà chỉ là có ai đó biết mình đang gặp gì trên hiện trường. Cơ chế “buddy” này được Đại học Columbia thực hiện cùng nhiều tờ báo, chỉ dẫn phóng viên bảo vệ nhau, thấu hiểu nhau, nếu biên tập của họ không thể thấu hiểu vì áp lực bài vở.

Tháng trước, khi các phóng viên CNN nhảy vô bão tường thuật cơn bão xảy ra sau lưng họ, điều đáng ngạc nhiên là họ không được ca ngợi như anh hùng trong mắt đồng nghiệp mà hành động này bị coi như là có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân. (1)

Có lần một anh biên tập hỏi tôi: “Em hay đi dạy sinh viên, em có biết vì sao sinh viên giờ không yêu nghề báo như tụi anh nữa không? Họ bỏ nghề nhanh quá.”

Tôi dùng bài này để trả lời các anh: Các anh coi nhẹ phóng viên trẻ, coi nhẹ sinh mạng và sự an toàn của họ, coi nhẹ nỗi sợ của họ, không trang bị thêm cho họ kỹ năng để chống lại áp lực họ phải trải qua mỗi ngày. Áp lực của hình ảnh máu me. Áp lực bị đe dọa. Áp lực làm việc không lương, không bảo hiểm, không có chỉ dẫn sự nghiệp rõ ràng, không minh bạch trong công nhận công sức và sự trả giá của họ.

Hãy đi hỏi các phóng viên kỳ cựu đang đối mặt với nguy hiểm hàng ngày đi, họ đã bao giờ được các anh hỏi đến là phải huấn luyện thường kỳ cho phóng viên trẻ cách tự bảo vệ họ ra sao chưa?

FB Phạm Lan Phương

(1) TV correspondents face danger they told others to avoid (AP).
(1) As Irma’s Winds Rise, So Does a Debate Over TV Storm Reporting (NYT)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

VTV1 phỏng vấn cụ Lê Đình Kình sau khi công an Hà Nội kêu gọi dân Đồng T...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

nhắc nhở cả bè lũ những kẻ như chú Thăng:


Với tư cách một người cùng quê (Ý Yên), mình vẫn coi Đinh La Thăng là một chú em (vì ít tuổi hơn) ngu ngốc (vì theo đảng), tham lam (vì ham làm quan), hư hỏng (vì bám theo 3X) tội lỗi (vì phá hoại đất nước) và đồng phạm (vì tiếp tay cho bọn khốn như mụ vợ bé Nông Đức Mạnh ăn cắp túi dân hàng nghìn tỷ)...
Tuy nhiên, mình vẫn thương chú, càng thương chú như thương một chúng sinh. Bởi nghiệp chú quá nặng và chú sẽ phải gánh chịu, bắt đầu ngay từ kiếp này.
Biết chú đã và lại sắp "từ thiện" 1 ngày lương cho đồng bào bị lũ lụt. BácNguyễn Trọng Tạo bảo mình "ném đá". Vậy xin... ném bom luôn. Nhân tiện nhắc nhở cả bè lũ những kẻ như chú Thăng:
CHÚ THĂNG ƠI
Trải non kiếp quan trường khao khát
Nẻo công danh lạnh ngắt hơi đồng
Xa gần muôn kẻ ngóng trông
Người xin dự án, kẻ mong chức quyền
Gặp thời thế mưa tiền gió bạc
Tự Sông Đà chững chạc mà đi
Anh hùng đâu quản điều chi
Những khi cách chức, những khi... vớt bèo
Đường quan lộ cheo leo mấy dạo
Dựa phúc nhà lãnh đạo nhân dân
Rải cơn mưa móc xa gần
Lâu la có miếng, người thân có phần...
Bỗng chốc đâu mưa Tần gió Sở
Thủy Diệu tinh rụng ở phương Nam
Cũng loài thờ một chữ Tham
Vì chưng ghét mặt nên làm hại nhau
Ngán phận đời lên cao xuống thấp
Lối cửa Đông đã lấp hay còn
Để mong có một lối mòn
Đuổi con thỏ ngọc, dắt con chó vàng...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bạn có trả lời được không?

Tại sao lương thiện hiếm, quý và… khó?
Có facebooker thực hiện ngay một thử nghiệm nhỏ làm nhiều người thích thú: Đem chai đến hai cây xăng, một của Petrolimex, một của IQ8 mua xăng. Tuy giá bán xăng ở hai nơi bằng nhau và khoản tiền trả cho mỗi nơi như nhau (25.000 đồng) nhưng lượng xăng mua từ cây xăng của Petrolimex ít hơn hẳn so với lượng xăng mua từ cây xăng của IQ8.

Hiroaki Honjo, Tổng Giám Đốc IQ8, cây xăng
 vốn ngoại 100% đầu tiên tại Việt Nam.
Trân Văn - Tuần này, dư luận Việt Nam nghiêng ngả trước sự kiện Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam. IQ8 là một liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật. Do góp vốn đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, IQ8 trở thành doanh nghiệp ngoại quốc đầu tiên được phép tổ chức bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam như một phương thức nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo IQ8 thì sau cây xăng đầu tiên tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ở Hà Nội, IQ8 sẽ phát triển hệ thống trạm bán lẻ xăng dầu của liên doanh này trên toàn Việt Nam.

Thông tin IQ8 cam kết bơm đủ xăng (sai biệt 0,01 lít), cấp hóa đơn cho người mua, nhận thanh toán bằng thẻ ATM, huấn luyện nhân viên để bảo đảm hoạt động bán lẻ xăng dầu đúng tiêu chuẩn của Nhật về dịch vụ, kèm hình ảnh ông Hiroaki Honjo – Tổng Giám đốc IQ8 – cầm dù, đứng dưới trời mưa, cúi gập người chào khách… không chỉ tạo ra sự phấn khích nơi công chúng mà còn chủ đề để hệ thống truyền thông tham gia luận bàn.

***
Ngoài việc chia sẻ những thông tin vừa kể, hàng chục ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam bày tỏ hy vọng giống như Minh Tran, mong sớm thấy cây xăng của IQ8 ở nơi họ cư trú. Minh gọi IQ8 là “bạn”, anh nhấn mạnh không hy vọng giá xăng dầu của “bạn” rẻ hơn vì “bạn” có muốn cũng… không được, song “sự tử tế và trung thực trong kinh doanh” của “bạn” sẽ làm cho những doanh nghiệp đang bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam “phải tự nhìn lại mình”.

Tomado Le thì khẳng định, chừng nào cây xăng của IQ8 hiện diện ở Sài Gòn anh sẽ đổ xăng tại đó dù có phải sắp hàng chờ cả tiếng để “các quan nhà ta bớt than lỗ”. Tuy giá xăng ở Việt Nam đã cao ngất nhưng năm nào dân chúng cũng phải nghe các quan than “lỗ” rồi phải móc thêm tiền trả cho xăng. Tomado Le mong mau tới ngày doanh nghiệp ngoại quốc được cung cấp cả điện lẫn nước cho “dân nhờ”.

Giống như hàng trăm video clip cùng loại, video clip mà Trần Nhật Quang ghi lại cảnh nhân viên cây xăng thuộc IQ8 lau chùi sạch sẽ các tấm kính chắn gió, kính chiếu hậu của một chiếc xe hơi trước khi bơm xăng kèm nhận định: Mô hình cây xăng này sẽ phát triển nhanh chóng và được mọi người ủng hộ. Nếu không thay đổi thái độ phục vụ, không bơm đúng – bơm đủ thì Petrolimex, Mipec, PVO,…chuẩn bị đặt in decal để dán khắp nơi kêu cứu nhé ! – có hàng ngàn “like”

Có facebooker thực hiện ngay một thử nghiệm nhỏ làm nhiều người thích thú: Đem chai đến hai cây xăng, một của Petrolimex, một của IQ8 mua xăng. Tuy giá bán xăng ở hai nơi bằng nhau và khoản tiền trả cho mỗi nơi như nhau (25.000 đồng) nhưng lượng xăng mua từ cây xăng của Petrolimex ít hơn hẳn so với lượng xăng mua từ cây xăng của IQ8. Sáu tấm ảnh mà facebooker có nickname gọn lỏn là Tuyền – thành viên của nhóm Otofun - đưa lên facebook minh họa cho thử nghiệm này đã được một số tờ báo khai thác lại ngay lập tức.

Một sự trùng hợp thú vị mà cả người sử dụng Internet lẫn hệ thống truyền thông tại Việt Nam cùng lưu ý là vào thời điểm IQ8 khai trương cây xăng đầu tiên, hệ thống cây xăng của Petrolimex đồng loạt căng banner nhắc nhở ““Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sự trùng hợp ấy dẫn tới thắc mắc, phải chăng Petrolimex cũng muốn “bóp” IQ8 như các hãng taxi đã tìm đủ cách “bóp” Grab và Uber – những dịch vụ vận chuyển công cộng có giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo hơn đang làm các hãng taxi điêu đứng. Tuy ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, việc treo banner nhắc nhở “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ nhằm hưởng ứng một chương trình do Bộ Công Thương Việt Nam phát động, không liên quan tới chuyện IQ8 chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh nhưng ít ai tin lời ông Năm.

Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ngo Luc cho rằng nếu vì Việt Nam, “các ông” đã không tăng lên, hạ xuống tùy thích như vậy. Theo Ngo Luc thì “độc quyền” của “tụi tư bổn” là tạo ra “cái tốt độc nhất vô nhị” và đó là lý do “người ta theo chúng”. Còn các ông thì “độc quyền” ép buộc, thao túng thị trường, vô trách nhiệm, không sòng phẳng. Càng độc quyền càng giàu, càng trở nên ghê gớm, ngồi trên pháp luật. Ngo Luc đòi: Hãy cho chúng tôi lý do để chúng tôi ủng hộ

Tương tự, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu bình luận “Người Nhật đã vào bán xăng, đừng cạnh tranh bằng khẩu hiệu!”. Bài bình luận nhắc lại điều mà ai cũng biết và ai cũng cảm thấy phiền, đó là dù tại Việt Nam có tới 29 doanh nghiệp đầu mối nhập cảng, kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cây xăng nhưng trên thị trường, giá xăng gần như đồng nhất, không có sự cạnh tranh về giá và về chất lượng dịch vụ. 


Tuổi Trẻ cho rằng, sự quan tâm và thiện cảm mà công chúng dành cho IQ8 không chỉ là giá mà còn nằm ở nhiều tiêu chí khác: Phục vụ ân cần, cam kết rõ ràng về đong đo - điều mà xưa nay khách hàng tìm kiếm ở các cây xăng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa thấy. Tuổi Trẻ cảnh báo, sẽ không còn kiểu hưởng ứng phong trào vì Việt Nam mà “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như ngày xưa. Giờ, người tiêu dùng cần “sự tử tế trong kinh doanh chứ không phải là khẩu hiệu”.

Một số doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp nhập cảng – kinh doanh xăng dầu phân trần, sở dĩ cả giá lẫn dịch vụ trong lĩnh vực xăng dầu “có cạnh tranh mà như không” vì “nhà nước can thiệp quá sâu” (giá bán lẻ xăng dầu chỉ được phép dao động trong khung, lợi nhuận cũng phải theo định mức – 300 đồng/lít và nhà nước dựa vào đó thu phí cho “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Họ hi vọng nhà nước – vài năm vừa qua đang ráo riết vận động cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền “kinh tế thị trường” hoàn chỉnh - để thị trường xăng dầu tự định đoạt giá cả, loại bỏ khung giá, loại bỏ định mức về lợi nhuận và tất nhiên loại bỏ cả cái gọi là “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”…

Tuy nhiên những đề nghị như vừa kể sẽ rất khó được chấp nhận, một phần vì nguồn thu và lợi nhuận từ “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” quá lớn (theo thông báo của Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, gộp cả số dư lẫn lợi nhuận, “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” góp cho ngân sách tới 2390 tỉ đồng, phần khác vì vẫn còn những doanh nhân như ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cảnh báo, “xăng dầu là mặt hàng chiến lược, động chạm đến tất cả mọi người, vì thế nhà nước phải giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật, không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu” vì “nếu để các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu, trong tương lai sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường”.
***
Hành xử tử tế, kinh doanh trung thực, tôn trọng lợi ích chung vì trong đó có cả lợi ích của mình, giữ gìn tinh thần dân tộc vốn đâu có xa lạ với tâm thức của người Việt, vậy thì vì lẽ gì mà chuyện IQ8 khai khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam khiến dư luận nghiêng ngả tới mức có facebooker như Nguyen Son nhận định là sự chú ý của công chúng dành cho sự kiện này vượt cả kết quả Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 lẫn thiên tai?
Vì lẽ gì mà Trần Chí Hiếu buột miệng chửi thề trên facebook kèm thắc mắc, tại sao bây giờ, trong xã hội này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là “đã được tôn vinh và coi như anh hùng, chẳng hạn không nhận tiền hối lộ là cảnh sát giao thông sẽ được tôn vinh, bán xăng đúng chuẩn sẽ trở thành hiện tượng? Hiếu nói thêm, lúc này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là sống được nhưng khẳng định “Khó lắm! Tôi đố!”

Tại sao xã hội Việt Nam lại trở thành kỳ quái như vậy? Bạn có thể trả lời không?

Trân Văn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lấy ý kiến cư dân về cấp phép quy hoạch chưa sát thực, mất nhiều thời gian


13/10/2017 Những ngày qua, câu chuyện thay đổi quy hoạch tại Khu Đoàn Ngoại giao (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) được cư dân rất quan tâm. Sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Trong đó có ô đất tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng 3-4 lần tầng cao công trình. “Khi hỏi ý kiến cộng đồng phải phân tích chứ không phải hỏi cho có. Phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh chứ không phải mang tính hình thức".


Câu chuyện thay đổi quy hoạch tại Khu Đoàn Ngoại giao (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) đang được cư dân rất quan tâm.
Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), mẫu “Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan” về cấp phép quy hoạch có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch, dẫn đến việc lấy ý kiến chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến hình thức, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến hình thức

HoREA vừa có văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM, các sở ngành liên quan về góp ý trình tự, cách thức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trong công tác cấp giấy phép quy hoạch.

Theo đó, ngày 16/08/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản lấy ý kiến Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện về trình tự, cách thức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư trong công tác cấp Giấy phép quy hoạch.


Theo HoREA, “Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan” về cấp phép quy hoạch có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch, dẫn đến việc lấy ý kiến chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến hình thức, mất nhiều thời gian và công sức.

Trong thời gian qua, để chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư được cơ quan chức năng thực hiện khi chủ đầu tư xin cấp giấy phép quy hoạch. Sau khi đã được cấp giấy phép quy hoạch, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch thì phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư. Đối với dự án đang được xây dựng dở dang, nếu chủ đầu tư đề nghị có sự thay đổi một số nội dung quy hoạch, thiết kế hạng mục thì cũng phải làm lại thủ tục lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư.

Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về cấp giấy phép quy hoạch là công tác cần thiết nhằm bảo đảm cho đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến đóng góp về dự kiến quy hoạch, dự kiến triển khai dự án có tác động đến quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, mẫu “Phiếu góp ý của cộng đồng dân cư liên quan” có quá nhiều nội dung nặng về chuyên môn quy hoạch (như cơ cấu sử dụng đất; các chỉ tiêu sử dụng đất; mật độ xây dựng; hệ số sử dụng; khoảng lùi công trình so với ranh lộ giới các tuyến đường tiếp giáp khu đất; các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật; các yêu cầu về hạ tầng xã hộị…) mà chỉ có những chuyên gia về quy hoạch xây dựng mới am hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư chưa thật sự sát thực, có thể dẫn đến hình thức, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Với nội dung phiếu góp ý, hiệp hội đề nghị chỉ giữ lại các nội dung cần thiết, như về phạm vi, ranh giới dự án; về chức năng công trình; về quy mô dân số; về tầng cao công trình; về các vấn đề có liên quan khác, để lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư thì thiết thực hơn và người dân hoàn toàn có thể tham gia ý kiến được.

Cử tri Hà Nội đề nghị phải công khai lấy ý kiến khi duyệt cao ốc

Mới đây, trong văn bản do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký về việc trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV) theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nhiều câu hỏi được đề cập xung quanh việc quản lý đô thị hiện nay của Hà Nội.

Các cử tri quận Long Biên, đề nghị UBND Thành phố xem xét điều chỉnh quy hoạch xây dựng trên địa bàn quận Long Biên và phường Ngọc Lâm. Đồng thời thực hiện nghiêm việc công khai lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt các dự án chung cư thương mại.

Nêu về vấn đề này, lãnh đạo thành phố cho biết, các khu vực đề nghị điều chỉnh quy hoạch đô thị thuộc địa bàn quận Long Biên đều tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh, chính quyền địa phương trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt. “Ý kiến cộng đồng dân cư là một trong các cơ sở để UĐND Thành phố xem xét, quyết đinh nội dung điều chỉnh quy hoạch đô thị, do đó việc công khai lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt luôn được UBND các phường, UBND quận Long Biên phối hợp thực hiện nghiêm túc”, lãnh đạo Hà Nội nêu rõ.

Những ngày qua, câu chuyện thay đổi quy hoạch tại Khu Đoàn Ngoại giao (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) được cư dân rất quan tâm. Sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Hà Nội quyết định tiếp tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Trong đó có ô đất tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng 3-4 lần tầng cao công trình.

Cư dân Khu Đoàn Ngoại giao cho biết: “Việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị theo cư dân biết đều được làm theo đúng quy trình trong đó có cả việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Nhưng những dân cư đó là ai khi mà nhiều cư dân đang sống tại KĐT gần đây mới biết về quyết định điều chỉnh quy hoạch này”.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) – chủ đầu tư dự án khẳng định dự án Khu Đoàn Ngoại giao cho biết đã thực hiện theo quy định trong đó có ý kiến của cư dân.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngày 26/9/2016, Ban Quản lý các dự án Phát triển nhà và đô thị (đại diện chủ đầu tư Hancorp) đã có buổi làm việc với UBND phường Xuân Tảo về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch kiến trúc các ô đất ĐMKT1, CC2, CC3-4, CC5 thuộc dự án Khu Đoàn Ngoại giao.

Ban quản lý phối hợp cùng UBND phường Xuân Tảo tổ chức trưng bày công khai hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch kiến trúc các ô đất nêu trên tại trụ sở UBND phường Xuân Tảo từ ngày 27/9- 27/10/2016 (30 ngày).

Đến ngày 4/11/2016, đã có buổi làm việc về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc các ô đất ĐMKT1, CC2, CC3-4, CC5 thuộc dự án Khu Đoàn Ngoại giao. Tham gia buổi làm việc có 29 thành viên trong đó có đại diện UBND phường Xuân Tảo, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Xuân Tảo, đại diện tổ dân phố I, II; các bộ Ban quản lý các dự án (đại diện chủ đầu tư) và 10 hộ dân.

Biên bản làm việc ghi rõ: “Ý kiến các hộ dân tham gia cuộc họp: Thống nhất với nội dung của phương án điều chỉnh. Tuy nhiên phải điều chỉnh theo đúng quy định và quy trình của pháp luật đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Trao đổi về việc lấy ý kiến cộng đồng khi phê duyệt, điều chỉnh dự án TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc quy hoạch xây dựng được điều chỉnh là chuyện bình thường, mục đích để phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Việc lấy ý kiến cộng đồng cũng đã được quy định.

Theo ông Liêm, phải xác định ở đây đối tượng hỏi lấy ý kiến là những ai. “Đây là chuyện lớn, là cả một vấn đề điều tra xã hội học. Không phải hỏi hời hợt một vài người mà nói là điều tra” – ông Liêm nói.

Cũng theo vị Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, “UBND TP cần nghiêm túc nhìn lại chuyện này. Qua dân cư phản ánh HĐND TP phải lên tiếng giám sát, đòi hỏi phải xem xét lại, báo cáo tình hình”.

“Khi hỏi ý kiến cộng đồng phải phân tích chứ không phải hỏi cho có. Phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh chứ không phải mang tính hình thức. Đây là chuyện lớn, là cả một vấn đề điều tra xã hội học. Không phải hỏi hời hợt một vài người mà nói là điều tra” – TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Hồng Khanh

http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/lay-y-kien-cu-dan-ve-cap-phep-quy-hoach-chua-sat-thuc-mat-nhieu-thoi-gian-404548.html

Hoãn cuộc đối thoại tại dự án Khu Đoàn Ngoại giao

Hoãn cuộc đối thoại tại dự án Khu Đoàn Ngoại giao

Buổi đối thoại về các vấn đề xung quanh dự án Khu Đoàn Ngoại giao từ kết nối hạ tầng giao thông đến điều chỉnh quy hoạch…sẽ không diễn ra vào chiều mai (12/10) như giấy mời thông báo trước đó.
Khu Đoàn Ngoại giao: Cận cảnh những ô đất điều chỉnh quy hoạch

Khu Đoàn Ngoại giao: Cận cảnh những ô đất điều chỉnh quy hoạch

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao (22/5/2017), 4 ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 tiếp tục được điểu chỉnh cục bộ.
Hà Nội: Cử tri đề nghị phải công khai lấy ý kiến khi duyệt cao ốc

Hà Nội: Cử tri đề nghị phải công khai lấy ý kiến khi duyệt cao ốc

Lo ngại trước tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông, ngoài việc đề nghị dừng cấp phép cao ốc ở các quận nội đô, cử tri Hà Nội đề nghị thành phố xem xét việc cấp phép xây chung cư ở các ngõ

Phần nhận xét hiển thị trên trang