Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Ẩn số tâm lý


Thành Nam

(TBKTSG) - Chứng khoán luôn vận động theo những quy luật tâm lý riêng mà không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng hiểu được.

Tuần trước những số liệu tích cực được công bố rộng rãi như tăng trưởng GDP quí 3 đạt 7,46%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; lạm phát chín tháng mới ở mức 1,83% so với cuối năm ngoái; tín dụng hết quí 3 theo Tổng cục Thống kê ước tăng hơn 11%... Với một nền tảng vĩ mô tương đối tốt như vậy, lẽ ra VN-Index phải đi xa hẳn khu vực 800 điểm và hướng tới vùng 820-850 điểm, nhưng đầu tuần này, chỉ bằng hai phiên giao dịch đỏ lửa, chỉ số chứng khoán lại mất mốc 800 điểm, vốn dĩ phải khó khăn lắm mới đạt được.

Đáng ngại hơn, thanh khoản của cả hai sàn sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 100-150 triệu đơn vị/ngày. Thanh khoản cho thấy tiền đã rút ra khỏi thị trường, nhất là khỏi hàng loạt mã đầu cơ. Nhiều cổ phiếu đầu cơ sau khi tăng 50-100%, thậm chí 200% chỉ trong vòng vài tuần, nay đang tiến gần trở lại đích xuất phát như HAI, FIT, TSC, AMD... Trong khi đó, các cổ phiếu có vốn hóa lớn và cơ bản đã bứt phá khá mạnh vừa qua và buộc phải trở lại nhịp điều chỉnh để tìm điểm tăng mới.

Một tỷ lệ đáng kể MidCap đã rơi về vùng giá thấp nhất trong vòng 12 tháng, hoặc 18-36 tháng. HT1 đang ở vùng giá thấp nhất của ba năm - thị giá tỏ ra hấp dẫn để đầu tư trung hạn. SBT rớt mạnh từ quanh 42.000 đồng về sát 24.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm 43% và đang “vùng vẫy” ở đáy của 13 tháng bất chấp thông tin hỗ trợ nước ngoài đã thương lượng  xong việc mua 30% cổ phần. Cổ phiếu ngân hàng - chứng khoán lình xình. VCB chỉ quẩn quanh 37.000-38.000 đồng/cổ phiếu suốt nhiều tháng khiến ngay cả những nhà đầu tư nhẫn nại cũng phải tự hỏi lý do nào đang “trói” cổ phiếu ngân hàng tốt nhất này bị “đóng đinh”?

Bỏ qua một bên những câu chuyện riêng, thị trường đứng trước thử thách tâm lý. Điều mà những nhà đầu tư bám trụ các sàn đều cảm nhận được, nhưng khó giãi bày, đó là việc xét xử các vụ án kinh tế, hầu hết có liên quan đến ngân hàng, vẫn nối tiếp nhau. Chưa có thời điểm nào kể từ sau những vụ án như Tamexco, Minh Phụng - Epco, việc xét xử các vụ án kéo dài thành nhiều giai đoạn và danh sách các bị can có mặt tại tòa dài đến thế. Qua các vụ án cũng cho thấy một số bất cập của chính sách trong quá khứ và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi trong kinh doanh.

Cổ phiếu dầu khí là một thí dụ về sự biến động của chứng khoán chịu tác động gắn kết của yếu tố tâm lý. Việc một số quan chức PetroVietnam đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại ngân hàng OceanBank, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVX), dù muốn hay không cũng làm nhà đầu tư đắn đo khi giải ngân vào “những cánh chim đầu đàn” PVS, PVD, GAS. PetroVietnam đang tái cơ cấu không chỉ về mặt tổ chức, mà cả nhân lực. Gần đây khối ngoại liên tục bán ròng PVS cho dù doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này được dự báo cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt cũng không giúp thị giá PVS hay PXS tăng bao nhiêu. Với việc giá dầu thô quốc tế đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu năm, có thời điểm vượt 52 đô la Mỹ/thùng, cổ phiếu dầu khí đáng lẽ phải ghi nhận một phản ứng tích cực như nó từng diễn ra trong quá khứ. Đằng này, PVD, PVS, GAS, PXS... chỉ tăng được đúng một phiên và không phải tất cả đều tăng kịch trần ấn tượng.

Trước mắt là kỳ họp Quốc hội kéo dài một tháng từ ngày 23-10-2017 và chứng khoán, theo tính chu kỳ, thường đi ngang, không điều chỉnh sâu cũng không chạy vượt lên. Tìm kiếm lợi nhuận trong những ngày này phụ thuộc chính vào việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư. Những cổ phiếu đã điều chỉnh sâu có khả năng cao sẽ phục hồi, đặc biệt những cổ phiếu nằm trong VN30 - chỉ số đang được sử dụng để giao dịch phái sinh. Ngoài ra cũng nên lưu ý việc Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn trong quí này nhằm đạt được chỉ tiêu cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nên chứng khoán, theo một cách nào đó, sẽ vận động theo chiều hướng hỗ trợ quá trình trên. Còn nhớ trước khi Nhà nước thoái vốn ở VNM lần trước, cổ phiếu sữa đã điều chỉnh khoảng 15% kể từ mức đỉnh, và phục hồi nhanh sau khi việc thoái vốn thực hiện xong. Liệu lần này biến động như vậy có lặp lại?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội tưng bừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô

Trong những ngày này, Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-thể thao mừng kỷ niệm lần thứ 63 Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2017).
 
bac Hai
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thắp sáng đài lửa của Đại hội Thể dục thể thao Thành phố lần thứ IX. Ảnh: Hà Nội Mới

Tối 7/10, tại Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình, UBND TP. Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao Thành phố lần thứ IX năm 2017.

Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ IX là dịp biểu dương lực lượng quần chúng và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động thể dục thể thao, nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Thành phố Hà Nội.

Đại hội thu hút khoảng 9.000 lượt vận động viên của 30 quận, huyện, thị xã và 82 đơn vị trường trung học phổ thông tham gia với 22 môn thi đấu theo chương trình kéo dài đến ngày 4/11.

Sau phần diễu hành của khoảng 1.000 vận động viên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã thắp sáng đài lửa của Đại hội.

*Cũng trong tối 7/10 tại Nhà hát Lớn, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức chương trình “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 10, tôn vinh 5 nhạc sĩ của Thủ đô được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là Nguyễn Đình Bảng, Đinh Quang Hợp, Đức Minh (đã mất), Lê Tịnh, Cát Vận.

Tại đây, khán giả đã được thưởng thức 15 tác phẩm tiêu biểu của 5 nhạc sĩ như “Tiếng hát sông Lam”, “Trường ca biển trời đất Việt” (Đinh Quang Hợp); “Thời hoa đỏ” (Nguyễn Đình Bảng); “Em là hoa pơ lang”, “Trên biển quê hương” (Đức Minh); “Hương trầm tháng Chạp”, “Ngồi hát mùa đông” (Lê Tịnh); “Mơ sóng biển Việt Nam” (Cát Vận)...

 
PHO
Tác phẩm “Vui hết mình” của tác giả Nguyễn Xuân Lộc (Hà Nội) đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh "Phố phường Hà Nội được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hà Nội Mới

Tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 47 với chủ đề "Phố phường Hà Nội".

Cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 47 - năm 2017 của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội được phát động từ tháng 6-2017, thu hút hơn 2.000 tác phẩm của 343 tác giả thuộc 31 tỉnh, thành phố.

Ban Tổ chức đã chọn 150 tác phẩm trong số 2.000 tác phẩm dự thi để giới thiệu với công chúng vẻ đẹp phố phường Hà Nội và cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô với cách thể hiện mới mẻ.

*Kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn “Hà Nội của những giấc mơ” vào tối nay (8/10) tại Nhà hát Lớn.

Chương trình gồm 3 phần: “Hà Nội mùa thu”, “Nhớ về Hà Nội”, “Hà Nội của tương lai” với các tiết mục xiếc đặc biệt, từng đoạt giải thưởng trong nước, quốc tế được liên kết, lồng ghép trên nền nhạc gồm những ca khúc về Hà Nội.

 
7 ao
Tác phẩm "Lễ hội áo dài" của Duy Linh được trưng bày ở "Triển lãm Hà Nội trong tôi 2017". Ảnh: Hà Nội Mới

Diễn ra từ ngày 9-13/10, Triển lãm “Hà Nội trong tôi - năm 2017” với chủ đề “Nhịp sống Thủ đô” giới thiệu 80 bức ảnh về các hoạt động văn hóa xã hội, kinh tế, đô thị, sinh hoạt của người dân Thủ đô và các hình ảnh đẹp về phố phường Hà Nội với 4 chủ đề chính: Phong cảnh, văn hóa, đời sống, làng nghề.

Hoạt động này được xem là bức tranh lớn khắc họa một Hà Nội với những trầm tích văn hóa nghìn năm văn hiến, được thể hiện qua các tác phẩm như: “Hội làng” của Trần Quang Hưng, “Thổi cơm thi” của Văn Phúc, “Truyền nghề” của Hoàng Như Thính, “Giữ nghiệp - nghề gò phố Thiếc” của Lương Phương Bình, “Hoàng thành mở hội” của Hồng Hạnh…

80 tác phẩm trong triển lãm này là món quà tặng người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội của các “tay máy” thuộc Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội, các phóng viên, cộng tác viên của Báo Kinh tế & Đô thị thực hiện.

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ (Thanh Phương)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

1,3 triệu quan chức Trung Quốc tham nhũng bị trừng phạt


Khoảng 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt trong gần 5 năm qua với nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong số những người bị trừng phạt vì tham nhũng kể từ năm 2013 có 648.000 quan chức cấp làng xã và hầu hết các vụ phạm tội liên quan đến tham nhũng quy mô nhỏ, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm nay thông báo, theo Reuters.
Trung Quốc cũng làm việc với cộng đồng quốc tế để truy lùng nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, trong chiến dịch “Lưới Trời” và các chiến dịch khác. Đến tháng 8, 3.339 nghi phạm lẩn trốn bị bắt tại hơn 90 nước và khu vực, trong đó 628 người là cựu quan chức. Khoảng 1,41 tỷ USD được thu hồi, Xinhua dẫn tuyên bố của CCDI.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” nhằm vào các quan chức cả cấp thấp và cao, một ưu tiên chính sách cốt lõi trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 vào tháng này, một sự kiện tổ chức hai lần mỗi thập kỷ. Tại đây, Chủ tịch  Tập Cận Bình dự kiến củng cố quyền lực và thúc đẩy lập trường chính sách.
Dù hầu hết nỗ lực chống tham nhũng tập trung vào các quan chức cấp làng xã, huyện, một số quan chức cấp cao cũng bị “ngã ngựa”.
Hồi tháng 8, Chủ tịch Uỷ ban chống tham nhũng của Bộ Tài chính Trung Quốc cũng bị điều tra vì tình nghi tham nhũng.
Hồi tháng 9, một sĩ quan quân sự cấp cao có mặt trong Quân uỷ Trung ương, cơ quan quyền lực nằm dưới sự giám sát của ông Tập Cận Bình, cũng bị bắt, thẩm vấn về các tội liên quan đến tham nhũng.
Trọng Giáp (vnexpress)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thỏa thuận nguy hiểm giữa Nga và Trung Quốc


Phạm Duy Hiển


Alexander Gabuev

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong khi Tổng thống Donald Trump lên giọng về Bắc Triều Tiên, tung ra những lời đe dọa nước này, cả thế giới đang tự hỏi liệu Trung Quốc có giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này hay không. Tháng trước, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận gói trừng phạt mới đối với chế độ của Kim Jong-un, Bắc Kinh đã không phản đối. Đây là sự kiện đáng chú ý. Vài ngày sau, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Donald Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ “áp lực tối đa” với Bình Nhưỡng. Dường như cuối cùng Bắc Kinh đã quyết định hợp tác với Washington. Nhưng ấn tượng có thể là sai.

Trên thực tế, Tập Cận Bình và Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đang đóng vai viên cảnh sát vừa tốt vừa xấu. Nga và Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn một số đề xuất cực kì quan trọng của Mĩ về Triều Tiên. Trong khi Trung Quốc tỏ ra là một đối tác có tinh thần xây dựng, thì các nhà ngoại giao Nga ở Liên Hiệp Quốc đã thành công trong việc hạ bớt nhiệt Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an về hạn chế cung cấp dầu cho Bắc Triều Tiên và áp đặt lệnh cấm triệt để, không cho người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.

Quan hệ hợp tác kiểu như thế giữa Mockva và Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên mà lan sang rất nhiều vấn đề. Tình hình này sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm và sẽ có vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Những cuộc tập trận vô tiền khoáng hậu của hải quân Nga-Trung được tổ chức vào mùa hè năm nay trên Biển Baltic đã gửi tới Washington và các đối tác của Mĩ trong NATO tín hiệu rõ ràng về tình hình như thế. Các cuộc tập trận tháng 9 của Nga và Trung Quốc ở Biển Nhật Bản còn có tính nhục mạ hơn nữa. Ngoài ra, từ năm 2014, Mockva đã cung cấp thêm cho Trung Quốc nhiều khí tài và công nghệ quân sự hiện đại nhất của Nga. Hiện nay, các máy bay tiêm kích và tên lửa phòng không của Nga giúp tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và những khu vực khác trên Thái Bình Dương. Trung Quốc và Nga thường đứng trên cùng mặt trận trong các vấn đề quốc tế như quản lí không gian ảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia và phản bác những lời chỉ trích của phương Tây về việc không tuân thủ nhân quyền.

Hai siêu cường đã từng nghi ngờ nhau trong suốt nhiều thập kỉ. Nhưng, hiện nay, quan hệ đối tác song phương giữa Nga và Trung Quốc là phản ứng tự nhiên của họ trước các thành tố thù địch và đối đầu trong quan hệ Nga-Mĩ. Khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Kremlin đã hi vọng rằng quan hệ song phương giữa hai nước có thể được cải thiện. Tuy nhiên, Quốc hội Mĩ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và cũng đã xuất hiện nhiều nghi ngờ trước khả năng thay đổi bản chất của mối quan hệ Nga-Mĩ của Donald Trump và hi vọng của Nga về khả năng tiến lại gần nhau đã lụi tàn. Vừa kí văn kiện về những biện pháp trừng phạt mới, Tổng thống Donald Trump vừa nói: “Đạo luật này, trong khi hạn chế tính linh hoạt của nhánh hành pháp, sẽ tiếp tục đưa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau hơn nữa”. Đây là hiện thực mới, và nó cho thấy một cách rõ ràng vì sao Điện Kremlin không còn muốn giúp Mĩ trong vấn đề Triều Tiên. Họ tin rằng sẽ chẳng được lợi lộc gì.

Trong khi đó, Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong tương lai kinh tế của Nga và có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của chế độ Putin. Trong bốn năm qua, Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu cực kì quan trọng, đã cung cấp cho Nga những khoản vay lớn. Thông qua các ngân hàng quốc doanh, Trung Quốc gửi hàng tỷ đô la cho bạn bè của Putin và các công ty Nga bị đang bị phương Tây trừng phạt. Đây là một trong những lí do chính, giải thích vì sao Nga sẵn sàng bảo vệ Bắc Triều Tiên đúng vào lúc chính sách như thế có thể gây ra những thiệt hại to lớn đối với Trung Quốc. Sự kiện là, Bắc Kinh đang lo về việc Donald Trump đe dọa sẽ liên kết sự giúp của Trung Quốc cho CHDCND Triều Tiên với quan hệ thương mại song phương giữa Mĩ và Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại mới với Mĩ sẽ là cơn ác mộng đối với Bắc Kinh, đặc biệt là trước Đại hội XIX, một đại hội được coi là cực quan trọng của Đảng. Tập Cận Bình sẽ cố gắng củng cố quyền lực của mình, và vì thế, ông ta cần phải tạo ra ấn tượng về sự ổn định ở trong nước và trên trường quốc tế.

Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga được xây dựng chủ yếu trên nguyên tắc lợi ích tạm thời. Lợi ích của hai nước không trùng nhau về nhiều vấn đề và họ không tự giữ trong khuôn khổ liên minh chính thức và lâu dài. Nhưng bỏ qua logic mang tính chiến lược của việc xích lại gần hơn nữa giữa Trung Quốc và Nga là sai lầm lớn. Hai cường quốc độc tài này gắn bó với nhau không phải bằng hệ tư tưởng mang tính sứ mệnh, cũng không phải bằng ước muốn áp đặt hệ thống của mình lên toàn thế giới, như đã từng xảy ra trong thời Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, họ coi hệ thống quốc tế dưới sự lãnh đạo của Mĩ và những nỗ lực nhằm thúc đẩy dân chủ của phương Tây là mối đe dọa trực tiếp đối với hệ thống chính trị và khu vực ảnh hưởng của mình.

Không phải lúc nào và về mọi vấn đề, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga cũng đồng ý với nhau, nhưng quan hệ hợp tác ngày càng tăng và thái độ bất tín nhiệm với Mĩ thì sẽ kéo dài. Đáng tiếc là lãnh đạo Mỹ chưa chắc đã hiểu biện pháp hành động trong những điều kiện mới như thế, chứ chưa nói tới hành động trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các siêu cường và củng cố quyền lực của những nước ngoài phương Tây.

Alexander Gabuev — cộng tác viên và là người lãnh đạo chương trình “Nước Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” thuộc Trung tâm Carnegie ở Moskva.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIÁ SÀN CỦA MỘT ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI?


 
Lê Thiếu Nhơn



Tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Châu Thị Thu Nga, bị cáo xin khai về số tiền 1,5 triệu USD dùng để chạy vào Quốc hội, nhưng không được chủ tọa cho phép mở miệng. Đây là một chi tiết quan trọng, ảnh hưởng đến tôn nghiêm của cơ quan lập pháp, những đã mấy ngày trôi qua vẫn chưa thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản hồi gì.

Về nguyên tắc, có những ẩn khuất eo le, bị cáo có quyền không khai với điều tra viên, mà để dành khai trước tòa. Tuy nhiên, những lời khai xung quanh 1,5 triệu USD rất khó xác lập bằng chứng, vì... chắc chắn chẳng ai thừa nhận đã cầm tiền của bà Châu Thị Thu Nga để làm việc tày đình như vậy.

Một Đại biểu Quốc hội bình thường (không giữ chức vụ gì trong các ủy ban của Quốc hội) thì phụ cấp bổng lộc tương đương một Phó Chủ tịch tỉnh, nhưng quyền lực thì thua xa một Phó Chủ tịch huyện. Bởi lẽ, Phó Chủ tịch huyện có quân có tướng trực tiếp dưới trướng, còn Đại biểu Quốc hội chỉ có dăm người giúp việc như lái xe và văn thư. Ưu điểm vượt trội của Đại biểu Quốc hội là có quyền miễn trừ và có được sự vị nể nhất định trong cộng đồng.

Do vậy, lời khai chưa trọn vẹn của bà Châu Thị Thu Nga có tính kích hoạt náo nức tham vọng chính trị từ phía những kẻ vàng kho bạc đống. Số tiền 1,5 triệu USD rất khủng khiếp với người lao động phổ thông, nhưng lại không quá lớn đối với các đại gia. Doanh nhân mà có thêm cái mác Đại biểu Quốc hội, thì mọi đàm phán thương mại trở nên dễ dàng hơn nhiều!

Người dân nghe chuyện bỏ tiền chạy Đại biểu Quốc hội, có thể chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò một cách đau đớn. Thế nhưng, những người lãnh đạo đất nước trong cơn hào hứng với chiếc lò chống tham nhũng đang nóng hừng hực, thì không thể không tìm hiểu thật thấu đáo và giải quyết thật căn cơ. Bởi lẽ, nếu nghi vấn dùng 1,5 triệu USD chạy vào Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga vẫn tồn tại, thì tất yếu sẽ hình thành giá sàn cho một Đại biểu Quốc hội trong thị trường mua danh bán tước đang rất sôi động! Giá sàn 1,5 triệu USD, thì giá trần thoải mái cạnh tranh chăng?

Đại biểu Quốc hội do cử tri bầu chọn, mà cũng chạy được ư? Một xã hội mà cứ để mặc đám đông tin rằng, điều gì cũng có thể xảy ra, thì nền tảng đạo đức đã lung lay tận gốc rễ!
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Thủy điện Trung Quốc: Tai họa cho lưu vực và Việt Nam


(Quan hệ quốc tế) - Thủy điện Trung Quốc không chỉ gây họa cho chính họ mà còn gây tai họa lớn cho các nước vùng hạ du, đặc biệt là Việt Nam.

Thủy điện đã gây hại lớn cho chính Trung Quốc
Quốc gia này hiện có hơn 25.000 đập, chiếm một nửa số đập trên toàn thế giới. Tại phía Tây Nam Trung Quốc, cũng có ít nhất 114 đập trên 8 con sông đã, đang và sẽ được xây dựng, trong đó nhiều dự án thuộc loại lớn nhất trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
Riêng tại thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc dự kiến làm tới 19 con đập, trong đó gần một nửa đã xây xong, có dự án rất lớn như: Mãn Loan 1.500 MW, Tiểu Loan 4.200 MW và đặc biệt là dự án thủy điện cực lớn Nọa Trác Độ có công suất lên tới 5.860 MW...
Các dự án đập đã buộc hơn 23 triệu người dân phải từ bỏ nhà cửa, đất đai và phần nhiều trong số đó đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chuyển dời chỗ ở.
Khoảng 30% số lượng các sông ở Trung Quốc cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải, phế phẩm nông nghiệp, khai mỏ và hóa chất công nghiệp. Dòng chảy của một số sông như sông Hoàng Hà thậm chí còn bị thay đổi tới mức không thể đổ ra biển.
Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy và kể từ thập niên 90, trung bình mỗi năm Hoàng Hà có tới hơn 100 ngày không có nước. Hàng trăm nghìn nông dân phải bỏ ruộng đất màu mỡ ở quê hương để dời đến những vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người thậm chí mất sạch cơ nghiệp.
Trong số các đập của Trung Quốc và trên toàn thế giới, đập Tam Hiệp ngoài việc là con đập hoành tráng nhất (Đập Tam Hiệp có chiều cao 185m, chiều dài 2.390m), với tổng vốn đầu tư lớn nhất (22,5 tỷ USD), nhưng là dự án tai tiếng nhất.
Lượng điện được tạo ra từ con đập có tổng công suất là 18,2 triệu kW, tổng sản lượng điện hàng năm là 84,68 tỉ kWh, ngang với với 15 lò phản ứng hạt nhân, tương đương với 25 nhà máy nhiệt điện, nhưng cái giá phải trả cho sự đánh đổi này cũng không hề nhỏ.
Hơn nữa, dự án đã gây ra biết bao phiền toái bởi nạn tham nhũng, tình trạng lạm phát, vi phạm nhân quyền, kèm theo những mối hiểm họa về môi trường và những khó khăn trong quá trình tái định cư.
Hơn 1,3 triệu dân đã phải di dời để nhường đường cho con đập, trong đó, hàng trăm nghìn người chỉ nhận được những mảnh đất nhỏ, cằn cỗi hoặc bị đưa đến các khu ổ chuột ở thành phố với số tiền đền bù ít ỏi và nhà ở chật hẹp.
Thuy dien Trung Quoc: Tai hoa cho luu vuc va Viet Nam
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện đầy tai tiếng
Việc để xảy ra sạt lở tại 91 điểm ven hồ chứa đập Tam Hiệp cũng làm chết rất nhiều người, buộc các ngôi làng tái định cư tiếp tục phải di dời.
Bên cạnh đó, những cơn động đất cũng ngày một tăng. Điều này làm tăng sự chính xác của giả thuyết, các đập lớn có thể tạo ra động đất lớn thông qua hàng loạt các cơn địa chấn nhỏ phát sinh từ hồ chứa.
Bằng chứng là trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter xảy ra vào tháng 5-2008 tại tỉnh Tứ Xuyên, làm chết gần 90.000 người, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của đập Zipingpu.
Chất lượng nước sụt giảm nghiêm trọng cũng là vấn nạn phát sinh do thủy điện. Trong giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án Đập Tam Hiệp, chất lượng nước ở vùng này được đánh giá là tốt nhất Trung Quốc và đứng hàng thứ hai trong tất cả các đoạn sông. Nhưng sau đó chất lượng đã tụt xuống thảm hại.
Với việc làm ngập nhiều vùng đất rộng của rừng nhiệt đới, kèm theo sự gia tăng các hoạt động khai thác gỗ, phá rừng, các con đập làm xáo trộn sự cân bằng nguồn nước vốn rất mong manh của sông và làm tăng hiện tượng khô hạn của rừng - vấn đề đang diễn ra phổ biến do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Một tai họa khác do các con đập gây ra là lượng phát thải khí nhà kính có thể gia tăng nhanh từ việc thực hiện các dự án đập thủy điện. Một số đập nước đã phát thải khí nhà kính gấp hàng chục lần (lượng khí này sinh ra do nguồn thực vật bị phân hủy trong hồ chứa của đập).
Như vậy, thủy điện tuy ban đầu được ngợi ca là nguồn năng lượng sạch nhưng thực chất chúng lại gây ra những thảm họa cực lớn về mặt môi trường. Cùng với những tác hại khác, thủy điện là một con dao 2 lưỡi mà người sử dụng rất dễ lâm vào tình trạng “lợi bất cập hại”.
Không chỉ gây hại cho bản thân Trung Quốc mà việc nước này xây đập thủy điện cũng di họa rất lớn cho các nước vùng hạ du sông Mekong như Việt Nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đập Tam Hiệp vĩ đại có thể trở thành một Sai Lầm vĩ đại


Đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) hay còn gọi là Đập Tam Vực, là đập lớn nhất thế giới được Trung Quốc xây cất hoàn thành vào năm 2009. Đây là một công trình kỷ thuật cao độ có sự cộng tác của nhiều chuyên gia trên thế giới và là một kiến trúc khổng lồ chưa từng thấy, đã gây tranh cãi nhiều nhất thời hiện đại, đã di dời hơn 1,000,000 dân Trung Quốc vùng này, và nhận chìm nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc, cũng như nhiều di tích lịch sử trong biển nước mênh mông đập nầy tạo ra.


Nhưng Đập Tam Hiệp vĩ đại này cuối cùng có thể trở thành một Sai Lầm vĩ đại.
Theo bản tường trình của phóng viên Sanya Khetani trên tờ Business Insider thì khi Đập Tam Hiệp được hoàn thành vào vào năm 2006, hầu hết mọi người dân TQ tin rằng nó sẽ đền bù lại xứng đáng cho sự tổn thất mà nó đã gây ra khiến cho 1.4 triệu dân phải bỏ làng bỏ thành thị để di cư nhường chỗ cho cái đập này, rằng nó sẽ đáp ứng được cơn đói năng lượng ngày càng gia tăng tại TQ. Nhưng những cầu mong của họ đã không được hồi đáp.

Sáu năm sau ngày hoàn thành thì chính quyền lại tuyên bố rằng thêm 100 ngàn dân nữa phải di dời chỗ ở vào những năm tới, kể cả 20 ngàn phải di tản ngay trong năm 2012 vì nạn đất chuồi gia tăng quanh vùng của đập nước (theo báo cáo của Reuters.)

Đập Tam Hiệp được xây cất tại vùng Tam Đẩu Bình, của lưu vục Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là một trong ba nhánh của sông Dương Tử (tức Trường Giang, sông dài thứ 3 trên thế giới) .

Đập cao đến 600 bộ, dài 1.4 dặm có 286 cổng thoát nước và lưu giữ một hồ nươc lớn và dài 400 dặm, có một hệ thống 25 turbines phát . (Nguồn: The New York Times)

Trong khi con số kinh phí công bố chính thức là $23 tỷ, nhưng các chuyên gia quốc tế tin rằng con số đó phải cao gấp 2 lần.

Công trình phải mất hơn 10 năm để hoàn thành.

Kế hoạch này đã được khởi xướng bởi ông Tôn Dật Tiên, nhưng chỉ đến năm 1994 mới khởi công và được hoán tất vào năm 2008.. (Source: the BBC)

Nó nhắm vào tiêu chuẩn là phải sản xuất trên 18,000 MW điện lực mỗi năm .

Đó la lượng điện năng lớn hơn gấp 8 lần năng xuất của Đập Hoover của Hoa Kỳ nhưng chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu điện năng của TQ. (Source: Scientific American). Đống thời nó cũng nhắm vào mục đích ngăn chặn nạn lụt thường xuyên xảy ra trong vùng.

Công trình này cũng giúp gia tăng số lượng hàng hóa vận chuyển trên sông lên thấu 50 triệu tấn mỗi năm, tức gấp 3 lần trước khi có đập.

Nhưng hệ thống đập thủy điện này đã có những vấn đề lớn ngay từ khi khởi công.

Khoảng 1.4 triệu người đã bi đẩy ra khỏi chốn cư trú của họ khi việc xây dựng đập băt đầu, gồm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1,350 làng xã đã bị nước phủ chìm khi lượng nước trong hồ dâng cao với sức chứa là 40 tỷ mét khối. (Source: The New York Times)

Và trong vòng 3 đến 5 năm tới, thêm 100 ngàn dân sẽ bị đẩy đi nơi khác vì nạn đất chuồi và lở bờ.

Nạn đất chuồi và những thiên tai khác đã gia tăng lên 70% kể từ khi hố chứa tích đầy nước kể từ năm 2010.

Sức nặng khủng khiếp của lượng nước trong hồ cọng thêm với mức nước lên xuống theo mùa đã khiến cho bờ sông hết vững chắc theo thông tin của đài BBC. (Source: AP)

Nhiều người cho rằng đập thủy điện này đã tạo ảnh hưởng trong cuộc động đất ở Tứ Xuyên trong năm 2008 khiến 87,000 người chết dù rằng chính quyền bác bỏ nguồn tin này..

Có 1,300 địa điểm khảo cổ đã bị chìm khuất dưới nước... 
trong số đó có các di tích cỗ còn sót lại của giống người “Ba” đã từng cư ngụ trong vùng này 4,000 năm trước, theo tin của CNN. (Source: PBS) Đập thủy điện này càng làm cho nạn hạn hán tại TQ vào năm 2011 thêm trầm trọng.

Theo tờ The New York Times cho biết thì dù chưa có bằng chứng cụ thể nhưng những chỉ trích đều cho rằng đập thủy điện đã khiến cho mức phân phối nước bị giảm đi ở các vùng hạ lưu khiến người dân trong những vùng đó không kiếm ra nước uống trong thời gian hạn hán kể từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2011 uary-April 2011,. Thông tấn xã tỉnh Tứ Xuyên cho biết số người bị ảnh hưởng hạn hán lên tới 10 triệu người. Nạn hạn hán này được cho là tệ nhất trong vòng 50 năm qua. (Source: Nature)

Nạn hạn hán đã làm tắt nghẻn thủy lộ ở hầu hết những điểm được cho là thuận lợi của Đập: Các tàu thuyền bị mắc cạn và miền trung và miến đông của TQ bị thiếu hụt điện.

Các chuyên gia về môi trường nói rằng hồ chứa của đập đã tích lủy rác rến của các thành phố và các nhà máy.

Trên 265 tỷ gallons nước cống được thải vào sông Dương Tử hàng năm và giờ đâu chúng lại tập trung vào hồ chứa thay vì trôi xuống vùng hạ lưu và ra biển. Tuy nhiên theo tin của NPR thì chính quyền xác định rằng các nhà máy xử lý nước cống đã kiểm soát được nạn ô nhiểm này. (Source: PBS)

Nhưng cuối cùng thì chính quyền phải thừa nhận rằng có nhiều vấn để phát sinh trong năm 2011,tức 5 năm sau khi đập thủy điện được xây dựng.

Quốc vụ Viện của Trung Quốc nói rằng họ đã biết về một số vấn đề đó ngay trước khi xây đập cách đây 17 năm, trong khi một số vấn đề khác đã được phát sinh kể từ đó bởi vì“tình hình kinh tế và xã hội đã tạo ra những đòi hỏi mới”.. Nhưng, tuy với những thừa nhận chậm trể này, đập thủy điện vẫn luôn tạo vấn đề tranh cải. Một phần ba tổng số các nghị viên đã bỏ phiếu phản đối đập thủy điện này hoặc tránh né bàn cải đến. (Source: the BBC). Nhưng Trung Quốc vẫn muốn xây dựng thêm nhiều đập thủy điện nữa.

Có nhiều dự án xây một loạt đập thủy điện trên một đoạn sông trong vùng thượng lưu sông Dương Tử mà nếu cọng lại thì lượng nước tích trử sẽ lớn gấp hai hồ chứa nước của Đập Tam Hiệp. Nhưng theo tin của AP, không những vùng này thường bị địa chấn, mà dự án này còn khiến cho Đập Tam HIệp bị thiếu hụt nước...

Những dự án khác gồm cả xây dựng nhiều đập dọc dòng sông Nu (tức sông Salween chảy xuyên từ Tây Tạng qua Trung Quốc, Miến Điện và Thái Lan) và ở thượng nguồn sông Mekong, nhưng theo tin của Foreign Policy thì đó là những dự án tai hại cho môi trường và sinh vật hiếm ở dọc các sông nầy (Source: Nature)

Ở trong thời bình thì Đập Tam Hiệp đóng góp rất tích cực cho sự phồn thịnh của nhân loại, nhưng ở trong thời chiến tranh với nhiều va chạm quyền lợi thì nó trở nên một mối đe dọa cho nước TQ vì nếu địch quân nhắm vào việc phá hủy chiếc đập này ắt sẽ gây tai họa khủng khiếp cho TQ.
Vì sao ? Dưới đây là những lý do:


- Trong khi tsunami (sóng thần) do thiên nhiên tạo ra, phát xuất từ đại dương tràn vào lục địa gây ra sự tàn phá và chết chóc kinh hoàng cho một vùng dân cư rộng lớn (như đã xảy ra ở Nam Duơng, Thái Lan, Nhật Bản trong quá khứ gần đây) .. thì ngược lại, ở Đập Tam Hiệp có thể tạo ra hiện tượng tsunami do con người gây nên khi phá hủy đập này...


Vì tham vọng mà mù quáng mà người Tàu đã tạo thù oán với thế gìới và chỉ cần một hành động nhỏ của kẻ địch là khối tsunami ở đập Tam Hiệp sẽ ào ra.

Hiện tượng nầy sẽ tàn phá và chết chóc cho TC trong khoảnh khắc từ 5,10 giây cho đến 30 phút là xong tất cả !!

Sẽ không có một sức lực nào trên thế gian có thể cưỡng lại hay ngăn chận được cơn sóng thần do đập vỡ tạo ra.

- Hằng trăm triệu dân Tàu sẽ bị cuốn ra biển Đông theo con sông Dương Tử rộng lớn.

- 1/3 nước Tàu – vùng thịnh vượng nhất – mà dân cư sinh sống sẽ bị chôn vùi trong nước lụt.....

- Các di tích lịch sử mà TC thường hãnh diện với thế giới hằng ngàn năm qua, sẽ tan biến trong nước lũ..

- Hằng ngàn thành phố lớn nhõ sẽ bị ngập lụt....

- Hằng chục ngàn nhà máy kỹ nghệ, xưỡng, hãng sản xuất hàng để xuất cảng sẽ bị tàn phá, ngập nước và sẽ bị trôi di mất tang mất tích.

- Hằng trăm ngàn làng mạc, lớn nhỏ sẽ bị nước từ hồ chứa của Đập Tam đổ xuống làm ngập lụt.

- Hàng chục ngàn tàu bè thương mãi, kỹ nghệ, du lịch sẽ bị tan tành vì hằng triệu tấn nước đỗ xuống hằng giây .. nhận chìm chúng trước khi tống chúng ra Biển Đông ...

- Nền kinh tế của TQ.. bỗng dưng khựng lại .. hệ thống xuất cảng trong bao năm qua ..mặc nhiên trở thành hệ thống nhập cảng mọi mặt để cho dân chúng xử dụng. Nạn đói sẽ hoành hành trong quốc gia mang mộng xâm lược này...

- Trung cộng sẽ không còn ngóc đầu lên nỗi.

Từ trước đến nay, TC cứ tưởng là công trình xây cất Đập Tam Hiệp là khôn ngoan, là nguồn cung cấp điện năng lớn lao nhất thế giới của TC, cực kỳ rẽ tiền, tiện lợi cho kỹ nghệ sản xuất, nhưng với sự tính toán của các chiến lược gia HK cũng như Á châu thi Đập Tam Hiệp có thể trở thành của nợ .. duy trì nó thì lợi bất cập hại mà tháo gỡ nó là không thể được ....

Nếu tình hình thế giới căng thẳng do mộng xâm lăng của Trung Cọng tạo nên thì Đập Tam Hiệp (Trung cọng) sẽ trở thành mục tiêu – con tin vĩnh viễn -- cho Hoa Kỳ.

Nếu Hoa Kỳ không lợi dụng quan điểm chiến lược nầy thì sẽ trở nên chàng khỗng lồ khờ khạo nhất thế giới.. Nhưng liệu nếu có chiến tranh thực sự thì Hoa Kỳ có đánh sập Đập Tam Hiệp không ?

Thiết nghĩ chiến tranh của thế kỷ 21 sẽ không nhằm gây tai họa cho dân lành cho nên các nhà chiến lược chỉ để Đập Tam Hiệp trong tầm nhìn chiến lược dự phòng thôi chứ không mang ra thực hiện, cũng giống như kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ có thừa sức để hủy diệt bất cứ quốc gia nào nhưng họ sẽ không bao giờ đem ra xữ dụng mà chỉ để trưng bày như thánh vật nhằm răn đe.

Thiết nghĩ chiến lược hiện nay, khi nhắm triệt hạ chính quyền của một nước là … thay vì giết dân của nước đó làm cho chính quyền mất đi nhân lực thì trái lại, các chiến lược gia chỉ nhắm vào kinh tế và tâm lý của người dân, họ sẽ cấm vận đối với chính quyền đó, sẽ khiến cho tâm lý của người dân ghét bỏ chính quyền của họ và tự động đứng lên tố cáo và đạp đổ nó mà thôi.

Theo chiến lược này, thế giới tự do không muốn trở thành kẻ thù của nhân dân một nước nào cả, mà là trở thành bạn hữu, nếu nhân dân của một nước muốn triệt hạ chính quyền của họ thì thế giới tự do sẽ đóng vai một người bạn của dân tộc đó (chứ không phải thù gây chiến tranh và chết chóc) đứng ở ngoài giúp đỡ dân tộc này chống lại chính quyền thù địch của họ, giúp họ hiểu rằng đó là một chính quyền đáng ghét và bất tài, gây nghèo đói cho dân và đang tạo nhiều thiệt thòi cho dân. Chỉ bao giờ người dân trong một nước hoàn toàn ngu muội theo phe của chính quyền để chống lại thế giới tự do thì lúc đó mới là trường hợp cần phải xử dụng đòn phép cuối cùng là tàn phá đất nước của họ vì … cả chính quyền lẫn nhân dân của nước đó đều xứng đáng bị trừng phạt bởi họ luôn nuôi dưởng cơn mộng xâm lăng làm bá chủ thiên hạ và ức hiếp và nô lệ hóa các nước lân bang .

Chính quyền Trung Quốc biết rõ sự mong manh của họ đối với nhân dân, nếu họ càng ra tay đàn áp thì họ càng dễ bị lật đổ, vì thế họ phải hết sức lấy lòng dân, họ vuốt ve dân bằng “chủ nghĩa Đại Hán”, xúi dân tộc Tàu kiêu ngạo và hãnh diện với sức mạnh của Trung Quốc hiện tại, và khi dân Đại Hán đã kiêu ngạo rồi thì thế giới khó lòng mở trí cho họ biết được sự sai trái của họ.. Và dân tộc Hán cùng với chính quyền Cọng Sản TQ sẽ cùng nhau gánh vác tội lỗi xâm lăng của họ và chịu sự trừng phạt xứng đáng của thế giới tự do.

Với chiến lược khôn ngoan của thế giới tự do (đặc biệt là Hoa Kỳ) muốn trở thành bạn của các dân tộc và luôn đứng cạnh những dân tộc bị đàn áp để giúp đỡ chống lại cường quyền thì… những chính quyền đàn áp dân (như chính quyền ........... hiện nay) sẽ mặc nhiên trở nên một chướng ngại đầy ngu dốt trước mắt người dân, vì càng đàn áp nhân dân của mình, thì dân mình càng ghét bỏ mình và tiếp đó là sẽ người dân sẽ ngãnh mặt để hoan nghênh tiếp đón bàn tay giúp đỡ của thế giới để đánh lại họ.

Điền Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang