Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Tư liệu: Đọc lại lịch sử qua hai tác phẩm của học giả Trần Trọng Kim


Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) là một sử gia thời cận đại. Người ta biết đến ông qua tác phẩm chính “Việt Nam sử lược” gồm 5 Phần: (1) Thượng Cổ thời đại; (2) Bắc Thuộc thời đại; (3) Tự Chủ thời đại; (4) Nam Bắc Phân Tranh thời đại; và (5) Cận Kim thời đại.

Trong vai trò của nhà viết sử, Trần Trọng Kim đã cố gắng kể lại những “thời đại” mà Việt Nam đã trải qua, từ thời Thượng cổ, khởi đầu từ nước Âu Lạc, đến thời cận kinh dưới triều vua Gia Long. Bằng một giọng văn, có thể nói là “trung thực” của người chép sử, ông đã cho người đọc, vốn là những kẻ hậu sinh, có một cái nhìn tổng quát về những giai đoạn lịch sử.

Học giả Trần Trọng Kim (1883-1953)

Phần Tựa của “Việt Nam sử lược” tác giả đã nêu lên quan điểm của một nhà sử học:   

“Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.

Ngược dòng thời gian, mãi đến thế kỷ thứ 13, nước ta đời nhà Trần mới có lịch sử dưới hình thức ghi chép các sự kiện quan trọng của các đời vua theo lối “biên niên sử” của Trung Hoa. Lối ghi chép đó, theo Trần Trọng Kim, thiếu hẳn sự giải thích nguyên nhân cùng những hậu quả của sự việc.

Vấn đề ở đây là “công tâm” của người viết sử khi kể lại chuyện lịch sử. Mà đã là con người thì cái vòng “tham, sân, si” luôn luôn chi phối, đối sừ gia đó cũng không phải là ngoại lệ. Thế cho nên, hậu thế khi đọc sử cần có sự sáng suốt trong việc đánh giá một sử gia.

“Việt Nam Sử Lược” (bản in trước năm 1975)

Có điều chắc chắn, một người viết sử, không ít thì nhiều, luôn bị những tình cảm và chính kiến chi phối khi kể lại. Trần Trọng Kim nhận xét về lịch sử và trình độ hiểu biết về sử của người Việt ngày xưa:

“Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm sao được?”

“Việt Nam Sử Lược” (bản in sau năm 1975)

Nếu “Việt Nam sử lược” được coi là “chính sử” thì tác phẩm thứ hai, “Một cơn gió bụi”, lại được nhiều người đọc gọi là “hồi ức lịch sử”. Khi nói đến “hồi ức” người ta liên tưởng đến những biến cố mà chính tác giả có dự phần.

Tác phẩm thứ hai của Trần Trọng Kim lấy bối cảnh là nước Việt Nam từ năm Quý Mùi (1943) đến năm Mậu Tý (1948). Tác giả kể lại những biến cố trong suốt thời gian được mô tả là “gió bụi” trong suốt cuộc đời của mình. Đó cũng là giai đoạn mà nước Việt trải qua một xung đột ý thức hệ chính trị mới, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam với sự tham gia của hai khối Tư Bản và Cộng Sản. Viết về Việt Minh, sử gia Trần Trọng Kim giải thích:

“Ðảng Việt Minh là gì và do đâu mà ra. Trước thì ít người biết rõ căn nguyên, sau đi đây đó xét hỏi kỹ càng mới biết rõ nguồn gốc. Thoạt đầu vào khoảng năm 1938 ở bắc việt đã nghe nói có đảng Việt Minh hành động ở mạn thượng du, nhưng lúc ấy ai cũng tưởng là một đảng cách mệnh mới nào đó nên không để ý đến mấy.

“Nguyên từ khoảng 1925-1926 trở đi, ở Việt Nam đã có người nói đến chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy có một thiếu niên tên Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1894, con nhà thi lễ, quê làng Kim Liên huyện Nam Ðàn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước học trường trung học ở Huế rồi bỏ sang Pháp theo Xã Hội Ðảng, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc.

“Sau lại sang Nga vào đảng Cộng Sản, đến khoảng 1929-1930 ông trở về gây phong trào cộng sản cách mệnh ở vùng Nghệ Tĩnh. Lúc ấy chính phủ bảo hộ Pháp dùng võ lực đàn áp một cách tàn nhẫn. Việc ấy thất bại, đảng cộng sản tuy phải im hơi lặng tiếng, nhưng vẫn ngấm ngầm tuyên truyền trong đám dân gian và thợ thuyền, theo đúng phương pháp đã định ở Mạc Tư Khoa bên Nga.

“Trong khoảng thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc lánh sang Hương Cảng, bị người Anh bắt. Người Pháp muốn đòi người Anh giao trả cho chính phủ Ðông Dương, song theo tục lệ Anh, người Anh không giao trả những người can phạm vào việc chính trị, vì vậy ông phải giam ít lâu rồi được tha và bị đuổi ra khỏi Hương Cảng.

“Ông Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu và phao tin rằng ông đã chết trong ngục khi bị bắt ở Hương Cảng, và lại đổi tên là Lý Thụy rồi chen lẫn với những người cách mệnh Việt Nam ở bên Tàu. Vào khoảng 1936-1937 ông lập ra đảng cộng sản gọi là Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, và cho người về hoạt động ở miền thượng du Bắc việt. Vì vậy thuở ấy người ta mới biết là có đảng Việt Minh.

“Ðến cuối năm 1940 nhân khi quân Nhật Bản ở Quảng Tây đánh vào Lạng Sơn, những người như bọn ông Trần Trung Lập trong đảng Việt Nam Quang Phục Hội của ông Phan Bội Châu lập ra khi trước, theo quân Nhật về đánh quân Pháp hồi tháng chín năm 1940. Sau vì người Nhật ký hiệp ước với người Pháp rồi trả lại thành Lạng Sơn cho người Pháp, ông Trần Trung Lập bị quân Pháp bắt được đem xử tử. Toán quân phục quốc vỡ tan, có một số độ 700 người, trong số ấy có độ 40 nữ đảng viên theo ông Hoàng Lương chạy sang Tàu.

“Vậy các đảng của người Việt Nam ở bên Tàu vào khoảng năm 1942 trở đi, có Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và những người cách mệnh không có đảng phái v...v...

(hết trích)

“Một cơn gió bụi” (bản in sau và trước 1975)

Chính phủ Trung Hoa thấy những đảng viên Việt Minh có khuynh hướng theo chủ nghĩa cộng sản nên ra lệnh giải tán và bắt Lý Thụy giam trong hang đá ở Liễu Châu. Mặt khác, họ ra lệnh cho tướng Trương Phát Khuê tập hợp các đảng phái cách mệnh Việt Nam lập thành một đảng để hành động cho có hệ thống. Trương Phát Khuê giao cho ông Hoàng Lương trù liệu việc ấy.

Ngày 1/10/1942, tại Liễu Châu, ông Hoàng Lương tập họp các nhà cách mệnh để thành lập một đảng lấy tên “Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội”, gồm đại biểu các đảng
Việt Nam Phục Quốc Ðồng Minh Hội (Hoàng Lương và Hồ Học Lãm), Việt Nam Quốc Dân Ðảng ( Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ). Bên cạnh đó còn các thành phần “không đảng phái” gồm các ông Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Trương Trung Phụng. Số phận của Lý Thụy (người sau này có tên Hồ Chí Minh) được Trần Trọng Kim tiết lộ như sau:

“Lúc ấy Lý Thụy còn phải giam, ủy ban trừ bị đứng ra bảo đảm với chính phủ Trung Hoa, xin lĩnh ra để cùng làm việc. Theo lời một người Việt Nam có mặt trong hội nghị ấy đã nói: Lý Thụy có kết nghĩa với một người cộng sản Tàu tên là Hầu Chí Minh, làm chức thiếu tướng trong quân đội thuộc quyền chỉ huy của Trương Phát Khuê. Khi ở nhà ngục ra, ông muốn tỏ tình thân ái với bạn mới lấy tên là Hồ Chí Minh. Khi ông được tha ra, liền tuyên thệ xin hết lòng trung thành với Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội mà làm việc”.

Nhật báo Điện tín loan tin Đế quốc Việt Nam độc lập năm 1945

Thời điểm nổi bật trong cuộc đời “chính trị bất đắc dĩ” của nhà viết sử họ Trần là lúc ông đứng ra thành lập chính phủ năm 1945 trong tình trạng Pháp và Nhật đang tranh dành ảnh hưởng tại Việt Nam. Trước đó, tiên sinh đã rời đất nước để sang “tị nạn” tại “Chiêu Nam Đảo” mà ngày nay là đất nước Singapore. Từ Singapore ông lại đi xe lửa về Bangkok, Thái Lan,  và cuối cùng là về Huế để thành lập chính phủ theo yêu cầu của Vua Bảo Đại với sự hỗ trợ của người Nhật.

“Một cơn gió bụi” ghi lại những cảm tưởng về Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, qua cuộc hội kiến lần đẩu tiên tại Huế:

“Từ trước tôi không biết vua Bảo Ðại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm mùng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất đúng đắn.

“Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.“

“Tôi tâu rằng: “Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định từ trước, như Ngô Ðình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay thì phần già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.“

“Ngài nói: “Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Ðình Diệm về, sao không thấy về.“

“Tôi tâu: “Khi tôi qua Sài gòn, có gặp Ngô Ðình Diệm và ông ấy bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc”.

“Ngài nói: “Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.“

“Lúc ấy tôi mệt nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng Xuân Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông tối cao cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.

“Vua Bảo Ðại thấy tình thế kéo dài mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới. Ngài nói: “Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.“

“Tôi thấy vua Bảo Ðại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng: “Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.“

“Tôi ra bàn với ông Hoàng Xuân Hãn để tìm người xứng đáng làm bộ trưởng. Nguyên tắc của tôi định trước là lựa chọn những người có đủ hai điều kiện. Một: phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, hai: phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục”.

(hết trích)

Vua Bảo Đại ở Hồng Kông năm 1948 sau khi chấp nhận sống lưu vong

Cuối cùng, nội các Trần Trọng Kim cũng ra mắt đồng bào ngày 17/04/1945 với thành phần gồm một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ và bốn luật sư. Nhà sử học, nhà giáo và là “nhà chính trị bất đắc dĩ” Trần Trọng Kim tiết lộ trong hồi ức của mình:

“Có một điều nên nói cho rõ, là trong khi tôi chọn người lập chính phủ lúc ấy, người Nhật Bản không bao giờ hỏi tôi chọn người này người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người mà làm việc. Và tôi đã định từ trước rằng nếu người Nhật can thiệp vào việc trong nước thì tôi thôi ngay, không làm nữa”.

Nội các Trần Trọng Kim có danh sách cụ thể như sau:
-       Nội các Tổng trưởng: giáo sư Trần Trọng Kim;
-       Nội vụ Bộ trưởng: y sĩ Trần Ðình Nam;
-       Ngoại giao Bộ trưởng: luật sư Trần Văn Chương;
-       Tư pháp Bộ trưởng: luật sư Trịnh Ðình Thảo;
-       Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng: toán học thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn;
-       Tài Chánh Bộ Trưởng: luật sư Vũ Văn Hiền;
-       Thanh Niên Bộ Trưởng: luật sư Phan Anh;
-       Công Chính Bộ Trưởng: kỹ sư Lưu Văn Lang;
-       Y tế Bộ trưởng: y khoa bác sĩ Vũ Ngọc Anh;
-       Kinh tế Bộ trưởng: y khoa bác sĩ Hồ Bá Khanh;
-       Tiếp tế Bộ trưởng: cựu y sĩ Nguyễn Hữu Thi.

Tiếc thay, nội các “Đế quốc Việt Nam” của học giả Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn 4 tháng, từ ngày 17/04 đến 25/08/1945. Tuy nhiên, có 4 điều đặc biệt mà nội các này đã thực hiện: (1) Lập lại quốc hiệu Việt Nam; (2) Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục; (3) Đòi lại Nam kỳ (Cochinchine) để thống nhất lãnh thổ; và (4) Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập.

Điểm yếu của nội các là chưa có đủ thời gian cần thiết để thành lập Quốc hội, chưa có quân đội và chưa được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản. Nội các này, sau hơn 4 tháng đã tan rã khi bị Việt Minh “cướp chính quyền”. Đây là cụm từ không mang tính miệt thị, mà trái lại Việt Minh rất tự hào khi thừa nhận họ đã “cướp chính quyền”!  

Nội các Trần Trọng Kim

“Một cơn gió bụi” có đoạn viết về đảng Việt Minh thời 1945, khi đó đang hoạt động mạnh, trong khi lính bảo an ở các địa phương bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Trần Trọng Kim viết:

“Dân gian bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả. Công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh, nói họ đã có các nước Ðồng Minh giúp đỡ cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói thế, lại nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngã về Việt Minh”.

Trong một lần tiếp xúc với một cán bộ Việt Minh, người này đã khẳng định với Thủ tướng Trần Trọng Kim: “Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường”. Cụm từ “cướp chính quyền” đã trở thành sự thật khi Nhật Bản đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử. Diễn biến lịch sử được nhà sử học thuật lại như sau:

“Vua Bảo Ðại gọi tôi vào nói: "Trong lúc rối loạn như thế này, các ông hãy lập ra lâm thời chính phủ để đợi xem tình thế biến đổi ra sao đã". Tôi bất đắc dĩ phải tạm ở lại. Lâm thời chính phủ vừa làm việc mấy ngày, ông Phan Kế Toại điện vào xin từ chức. Lúc ấy bọn ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai xin lập Ủy Ban Cứu Quốc. Chính phủ nhận lời.

“Cách hai ngày sau, ngày 19/8, các công chức ở Hà Nội nghe bọn Việt Minh xúi tổ chức cuộc biểu tình. Ðảng Việt Minh nhân cơ hội ấy chiếm lấy Bắc Bộ. Ðược mấy ngày ông Hồ Chí Minh về làm chủ tịch chính phủ lâm thời. Các đoàn thể thanh niên và các người trí thức ở bắc bộ điện vào Huế xin vua Bảo Ðại thoái vị và nhường cho Hồ Chí Minh.

“Trong tình thế nguy ngập như thế, ở Huế còn có người bàn sự chống cự. Tôi muốn biết rõ sự thực, liền gọi trung úy Phan Tử Lăng người đứng coi đoàn thanh niên tiền tuyến ở Huế, hỏi xem có thể trông cậy bọn ấy được không. Trung úy Trương Tử Lăng nói: "Tôi có thể nói riêng về phần tôi thì được. Còn về phần các thanh niên tôi không dám chắc".

“Bọn thanh niên tiền tuyến trước rất nhiệt thành nay còn thế, huống chi những lính bảo an và lính hộ thành tất cả độ vài trăm người; những lính để canh giữ công sở, súng ống không ra gì, đạn dược không đủ, còn làm gì được, cũng bị Việt Minh tuyên truyền xiêu lòng hết cả rồi. Lúc ấy chỉ còn cách lui đi là phải hơn cả.

“Tôi vào tâu vua Bảo Ðại: "Xin ngài đừng nghe người ta bàn ra bàn vào. Việc đã nguy cấp lắm rồi, ngài nên xem lịch sử của vua Louis XVI bên Pháp và vua Nicholas II bên Nga mà thoái vị ngay là phải hơn cả. Vì dân ta đã bị bọn Việt Minh tuyên truyền và đang hăng hái về việc cách mệnh như nước đang lên mạnh, mình ngăn lại thì vỡ lở hết cả. Mình thế lực đã không có, bọn Việt Minh lại có dân chúng ủng hộ, nên để cho họ nhận lấy trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của nước".

“Vua Bảo Ðại là ông vua thông minh, hiểu ngay và nói: "Trẫm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà là đủ. Trẫm muốn là người dân của một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".

“Nhờ ngài có tư tưởng quảng đại nên có tờ chiếu thoái vị. Khi tờ chiếu ấy tuyên bố ra, nhân dân có nhiều người ngậm ngùi cảm động, nhưng lúc ấy phần tình thế nguy ngập, phần sợ hãi, còn ai dám nói năng gì nữa. Ðến bọn thanh niên tiền tuyến, người chính phủ tin cậy cũng bỏ theo Việt Minh, bọn lính hộ thành của nhà vua cũng không nghĩ đến nữa. Còn các quan cũ lẫn nấp đâu mất cả. Thật là tình cảnh rất tiều tụy. Nếu không mau tay lui đi, tính mệnh nhà vua và hoàng gia chưa biết ra thế nào.

“Lúc bấy giờ người Nhật có đến bảo tôi: "Quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Ðồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự". Tôi nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Ðồng Minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng "cõng rắn cắn gà nhà". Tôi từ chối không nhận.

“Sau thấy những người ở ngoài không biết rõ tình thế nói: lúc ấy giá chính phủ không lui vội, tìm cách chống cự lại, Việt Minh không làm gì được, vì họ không có binh lực gì cả. Về đường binh lực, lúc ấy Việt Minh không không có gì thật. Nhưng cái phương lược của họ đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng đi theo, chứ không đánh bằng binh khí. Sự tuyên truyền của họ đã có ngấm ngầm từ lâu trước khi quân Nhật đảo chính chứ không phải bây giờ mới có. Mình đem một vài trăm người trông cậy được ra chống với mấy vạn người toàn thanh niên thuyền thợ và đàn bà trẻ con, lại có những người Việt Minh táo tợn đứng sau lưng xui khiến, chống sao được? Chẳng qua chỉ gây một cuộc đổ máu vô ích, cốt chỉ bảo cho Việt Minh chớ có cướp phá. Mình đã mở cửa mời họ còn đánh phá gì nữa. Lúc bấy giờ chúng tôi nghĩ: họ đã thắng thế, dù sao họ cũng lo đến sự kiến thiết của nước nhà, nên chúng tôi mong ít có sự phá hại.

(hết trích)

Thế là Việt Minh “cướp chính quyền”, vua Bảo Ðại thoái vị, và ông Trần Trọng Kim ra ở nhà đã thuê từ trước tại làng Vĩ Dạ gần Huế. Ðược mấy ngày, Việt Minh vào đưa vua Bảo Ðại, bấy giờ gọi là công dân Vĩnh Thụy, ra làm Tối Cao Cố Vấn ở Hà Nội để dễ quản thúc.

Người dân một phần vì tuyên truyền của Việt Minh, một phần vì không nắm rõ tình hình nên có thái độ coi chính phủ non trẻ của ông Trần Trọng Kim là “bù nhìn” do người Nhật sai khiến.

Chính vua Bảo Ðại khi “lưu vong” ở Hồng Kông có nói chuyện với một phóng viên của một tờ báo bên Pháp: "Người Nhật thấy chúng tôi cương ngạnh quá, tỏ ý tiếc đã để chúng tôi làm việc".

Về sau, khi vua Bảo Đại gặp lại Trần Trọng Kim tại Hồng Kông, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã nói một câu chua chát: “Chúng mình một già một trẻ mắc lừa bọn du côn” với hàm ý đã nghe lời tuyên truyền của Việt Minh.   

Hồ Chí Minh và “công dân” Vĩnh Thụy

Để kết thúc bài viết này về sử gia Trần Trọng Kim, chúng tôi xin trích một đoạn nói lên nỗi lòng của ông:

“Cuộc đời của tôi đi đến đấy đối với người ngoài cho là thật hiu quạnh, song tự tôi lại thấy có nhiều thú vị hơn là những lúc phải lo toan làm công việc nọ kia, giống như người đóng tuồng ra sân khấu, nhảy múa nhọc mệt rồi hết trò, đâu lại vào đấy. Ðàng này ngồi yên một chỗ, ngắm rõ trò đời và tự mình tỉnh sát để biết cái tâm tình của mình. Tôi nhớ lại câu cổ nhân đã nói:

"Hiếu danh bất như đào danh, đào danh bất như vô danh". Muốn có danh không bằng trốn danh, trốn danh không bằng không có danh”.

***

Tham khảo:



***

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thông báo Giải Nobel Hòa bình năm 2017


Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2017 sẽ được thông báo tại một cuộc họp báo vào thứ Sáu ngày 6 tháng 10 lúc 11:00 (giờ Na uy), tại Viện Nobel Na Uy, Henrik Ibsens cổng  51, Oslo.
Cuộc họp báo chỉ dành cho các nhà báo có giấy đăng ký hợp lệ.
Hiện nay đã hết hạn cấp giấy mời.
Nhà báo muốn phỏng vấn Ban tổ chức phải được đăng ký trước ngày 3/10 qua email..
CHƯƠNG TRÌNH
08:30 sáng (giờ Na uy) Cửa mở để làm thủ tục đăng ký. Vui lòng mang thẻ nhà báo và  giấy tuỳ thân (ID).
10:30 sáng: thủ tục vào phòng kết thúc và đóng cửa.
11:00 sáng, Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, công bố Giải Nobel Hòa bình năm 2017. Thông báo sẽ được đọc bằng tiếng Anh.
Đường dẫn tới nguồn cấp dữ liệu video trực tuyến sẽ được cung cấp trênnobelpeaceprize.org
Ngay sau Thông báo này, các nhà báo có cơ hội đặt ra các câu hỏi cho Chủ tịch Ủy ban Nobel.
Văn bản thông báo sẽ được cung cấp bằng cả tiếng Anh và tiếng Na Uy trên các trang web nobelpeaceprize.org và nobelprize.org vào lúc 11 giờ sáng (giờ Na Uy).
DỰ ĐOÁN NGƯỜI TRÚNG GIAỈ NOBEL HOÀ BÌNH 2017 
(trong khoảng 200 ứng viên)
Danh sách ứng cử viên năm nay có thể sẽ bao gồm:
Bà thủ tướng Đức Angela Merkel, 
Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, 
Giáo hoàng Francis, 
tổng thống Nga Vladimir Putin,
cựu tổng thống Pháp Jacquers Chirac. 
tân tổng thống Mỹ Donald Trump (cái tên nổi bật trong danh sách dự đoán ứng cử viên năm nay).
(theo New Asia)
Các dự đoán khác:
Can Dündar, nhà báo Thổ nhĩ kỳ hiện đang tỵ nạn ở Đức
Raif Badawi, nhà văn Ả rập Saudi bị bắt tù vì bị kết tội phỉ báng Hồi giáo
Tổ chức bảo vệ dân sự Syria (mang danh hiệu tổ chức Mũ trắng)
Hiệp hội Quyền tự do Dân sự Hoa Kỳ (the American Civil Liberties Union). 
Hai kiến trúc sư của Thoả thuận hạt nhân Iran: Mohammad Javad Zarif, bộ trưởng Ngoại giao Iran và Federica Mogherini một đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu.
(theo tờ Independent- Anh)
v.v…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đúng là xứ sở của những người thích… đùa dai với dân!

Vừa bị cách chức, nguyên Cục trưởng môi trường lại làm Phó đoàn kiểm tra Formosa

Tác giả: Zing News
.Ông Lương Duy Hanh bị cách chức cục trưởng vì để xảy ra sai phạm tại Formosa nhưng vẫn được giao làm Phó trưởng đoàn kiểm tra tại đơn vị này.
.KD: Đúng là xứ sở của những người thích… đùa dai với dân      
Sáng 4/10, nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, dù mới bị cách chức mới gần một tháng vì liên quan đến sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, ông Lương Duy Hanh, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) vẫn được giao làm Phó trưởng đoàn kiểm tra Formosa.
Theo đó, ngày 17/7, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài lại ký quyết định số 788 về việc kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại Formosa Hà Tĩnh.
Trong danh sách thành viên đoàn kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh ban hành kèm Quyết định 788 thì ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, được giao làm trưởng đoàn. Ông Lương Duy Hanh, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên Môi trường, làm phó đoàn
Cuc truong moi truong bi cach chuc van lam Pho doan kiem tra Formosa hinh anh 1

Danh sách đoàn kiểm tra tại Formosa được ban hành ngày 17/7.

Ngoài ra, các phó trưởng đoàn còn có ông Nguyễn Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường; ông Phan Lam Sơn – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.
Được biết, đoàn kiểm tra đã có kết luận quá trình kiểm tra Formosa gửi lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tổng cục Môi trường xác nhận việc bố trí ông Hanh tham gia đoàn kiểm tra Formosa với tư cách phó đoàn.
Vị này cho biết: “Ban đầu quyết định là thế nhưng Tổng cục Môi trường cũng nhận thấy không sai so với quy định nhưng dễ gây phản cảm, nên có điều chỉnh. Sáu đó, chúng tôi điều chỉnh ông Hanh tham gia với tư cách thành viên”.
Liên quan đến ông Lương Duy Hanh, ngày 20/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát đi thông báo việc xử lý cán bộ liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức cách chức đối với ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) và điều động ông Lương Duy Hanh sang làm việc tại Vụ Pháp chế.
Cuc truong moi truong bi cach chuc van lam Pho doan kiem tra Formosa hinh anh 2

Ông Lương Duy Hanh (mặc vest đen). (Ảnh: Thắng Quang)

Trước đó, ngày 22/2, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận họp kỳ thứ 11 (ngày 15-17/2). Theo kết luận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Lương Duy Hanh thiếu trách nhiệm khi làm trưởng đoàn thanh tra đối với dự án Formosa; không tham mưu giám sát việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và vận hành thử nghiệm.
Đánh giá những vi phạm của ông Lương Duy Hanh là nghiêm trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh.
Về vụ việc Formosa, nhiều nguyên lãnh đạo, đương chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm.
Cũng trong sáng 4/10, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường để làm rõ thông tin nhưng vị này chưa trả lời.
————— 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÔ TẤM LÀM QUAN


Chu Mộng Long



Tấm nghe Chánh Tổng tuyên bố sẽ đốt đuốc đi tìm người tài, Tấm vào nhà thưa với dì ghẻ:
- Phen này con quyết chí học hành để thi thố làm quan.
Dì ghẻ cười như xé giẻ:
- Thi cái trôn mày thì có!
Cám cũng cười:
- Chị có trôn em cũng có trôn. Làm quan thì được cái nồn gì?
Tấm không thèm cãi. Tấm ngán cái nghề làm mắm tôm lắm rồi. Tấm muốn làm quan. Cứ lên Tổng đăng kí học tại chức đã. Tưởng học hành khó, không ngờ dễ ẹc. Tấm không cần đến lớp đều đặn, nhưng có cuộc liên hoan nào là Tấm đến. Mà cuối mỗi môn học là một cuộc liên hoan. Tấm cứ thả rông ngực trong bộ váy cũn cỡn ngồi tiếp các thầy. Tấm đẹp Tấm có quyền. Tấm thik thì Tấm làm thui. Thầy nào không thik là loại vô ích.
Cứ thế, Tấm học rẹt mấy năm có ngay bằng tại chức. Mẹ con Cám lác mắt.
Bây giờ thì mẹ con mụ dì ghẻ thấy nguy. Không ngờ cái đứa toàn thân bốc mùi mắm tôm như Tấm mà cũng có bằng đại học. Nay mai Tấm mà làm quan thì mẹ con mụ ăn cám. Nửa đêm chờ Tấm ngủ, Cám lấy tấm bằng ném vào đống lửa.
Hôm sau làm hồ sơ gửi dự thi tuyển làm quan, không thấy tấm bằng đâu, Tấm ra bờ sông ngồi khóc. Tấm khóc rưng rức. Bốn năm mài mòn đầu vú mới có tấm bằng để tiến thân, bây giờ hỏng cả rồi. Đời Tấm đúng là chĩnh mắm tôm. Đúng lúc đó cụ Chánh hiện ra:
- Vì sao con khóc?
Tấm kể lể đầu đuôi và bày tỏ ước nguyện của mình. Cụ Chánh ngồi xuống bên cạnh vuốt ve Tấm:
- Ta có cách giúp con. Vài hôm sau là con sẽ có lại tấm bằng.
Tấm mừng khôn xiết.
- Nhưng con phải làm gì để trả ơn cụ?
Cụ Chánh nói:
- Con đi theo ta…
Nói đoạn cả hai biến… vào trong gốc chuối.
Hai hôm sau có người mang đến cho Tấm cái bằng. Tấm mang hồ sơ đi nộp dự thi. Thi tuyển vào ghế ông Địa. Ghế này đang hot, chẳng mấy chốc mà giàu.
Trước ngày thi có người mang đến cho Tấm đề thi. Tấm đọc xong toát mồ hôi. Tấm không hiểu đề hỏi gì. Nghĩ một hồi lộn trôn lên đầu. Tấm bỏ thi và ra bờ sông ngồi khóc. Cụ Chánh lại hiện ra:
- Vì sao con khóc?
Tấm kể lể đầu đuôi:
- Con không ngờ thi làm ông Địa mà khó thế. Chẳng lẽ cả đời con vẫn phải vục đầu vào chĩnh mắm tôm?
Cụ Chánh ngồi xuống vuốt ve Tấm:
- Ta đã có cách. Con theo ta…
Nói đoạn cả hai biến mất. Lần này cụ Chánh đưa Tấm vào nhà nghỉ. Chao ôi giường chiếu đẹp như mơ, Tấm chưa thấy bao giờ. Cụ Chánh đúng là Bụt của thời nay.
Hôm sau Tấm nghiễm nhiên ngồi ghế ông Địa. Tấm đem toàn bộ mắm tôm ném vào mặt mẹ con Cám và chăm lo đầu tư vào địa ốc. Nhờ vẻ đẹp hotgirl mà chỉ một lời rao hàng là địa ốc của Tấm được bao nhiêu đại gia đầu tư.
Tấm có bạc tỉ.
Tấm có siêu ô tô.
Tấm có biệt thự với hồ bơi.
Hai lần gặp cụ Chánh, hai lần Tấm có mang và đẻ. Nó là con của Tấm. Tấm đẻ thì Tấm nuôi. Tấm quyết không khai đó là con cụ Chánh đâu!
Hôm nay Tấm bơi xong một vòng, Tấm lên bờ ngồi phơi rốn, phơi đùi mà ngủ. Vừa chợp mắt thì cụ Chánh hiện ra:
- Vì sao con ngủ?
Tấm giật mình chộp lấy cái trán hói của cụ Chánh:
- Hỏi lảng nhách! Chẳng nhẽ thức chờ lão già?
Cụ Chánh nghe mình già nên đâm buồn đến mức không muốn đâm Tấm nữa. Cụ cúi xuống hôn chỗ kín của Tấm rồi cụ đi lang thang. Đúng lúc đó mẹ con Cám xuất hiện. Cám đưa tấm hình vừa chụp được cụ Chánh lom khom dưới háng Tấm ra cho Tấm xem. Mụ dì ghẻ nói:
- Chít mày chửa? Đưa tiền đây, nếu không tao tung lên mạng!
Tấm hoảng hốt. Lộ hết bí mật quốc gia rồi. Tấm chạy vào nhà lấy cục tiền to tướng ném cho mẹ con Cám. Nhưng được vài hôm, mẹ con mụ dì ghẻ lại tống tiền. Ôi thế này thì của nả lâu nay dành dụm được đi đứt, không chừng thân phận mắm tôm lại về với mắm tôm?
Tấm lại ra gốc chuối ngồi khóc. Cụ Chánh lại hiện ra:
- Vì sao con khóc?
Tấm giận dỗi:
- Không lẽ tôi phải cười? Làm sao giết mẹ con mụ dì ghẻ độc ác kia đi thì đôi ta mới yên thân.
Cụ Chánh dỗ dành:
- Được rồi, nín đi. Ta đã có cách…
Lần này thì cụ Chánh không đưa Tấm đi nhà nghỉ hay khách sạn nữa mà cả hai xuống hẳn hồ bơi bơi cặp. Bơi đến lúc cụ Chánh không còn sức để thở nữa thì cả hai mới chịu lên bờ.
Chờ mấy hôm không thấy tiền, mẹ con mụ dì ghẻ ném thẳng hình cụ Chánh và Tấm lên mạng. Dư luận ồn ào như dự hội đền Gióng. Facebook nghẽn mạch vì người ta tranh nhau share hình hotgirl mắm tôm. Báo chí thi nhau phỏng vấn, cụ Chánh chối đây đẩy. Cụ Chánh bà nổi cơn tam bành đòi tìm giết Tấm, nhưng lại giả vờ bào chữa cho chồng, rằng cụ Chánh đêm bảy ngày ba vào ra không kể với bà thì còn thời gian đâu mà chơi hiotgirl. Riêng cụ Chánh thì trịnh trọng quy tội bọn thù địch bôi nhọ cụ, đến mức lấy mắm tôm của Tấm bôi luôn lên đầu cụ. Không khí thật căng thẳng như trâu Đồ Sơn chọi chết người.
Trong lúc cụ Chánh cho trương tuần điều tra ai đã bôi nhọ cụ Chánh thì Tấm đã biến mất. Nghe nói nàng đã bay về trời cùng Thánh Gióng. Triều đình đành phải khai trừ Tấm ra khỏi Hội Mắm Tôm, cách chức nguyên Thổ Địa để làm gương vì nguy cơ làm lộ bí mật gây ảnh hưởng đến sự sống còn của... Mối Chúa.
Câu chuyện đến đây là hết rồi. Các cháu có thắc mắc gì không?
CML

Nguồn Blog Chu Mộng Long

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cấm khai


Tôi nói thực, tôi vốn không tin vào tòa án xứ này, án xử theo chỉ đạo thì tin làm gì cho phí lòng tin.

Nhưng vụ tòa án cấm tiệt, khóa mồm bà Châu Thị Thu Nga không cho khai về số tiền 30 tỉ đồng mà theo bà để chạy suất đại biểu quốc hội, chiều nay (5.10.2017) bà nằng nặc đòi khai, tòa quyết cấm, bảo không có liên quan đến vụ án, thế là thế nào.

Đành rằng khai báo cũng phải có chỗ, nhưng nội dung này, tốt nhất là khai công khai tại tòa. Xưa nay rất nhiều vụ do bị cáo khai báo tại tòa mà thêm được án mới, tìm ra được thủ phạm. Sao lại không liên quan, ít nhất nó cũng liên quan đến bà Nga, đến hàng trăm tỉ đồng bị thất thoát, bị chiếm dụng, mà việc chạy suất là một dạng thất thoát. Cấm không cho khai nghĩa là bịt miệng, diệt khẩu, vậy thì vẽ ra xử làm quái gì.

Thế nếu tối nay (phỉ phui cái miệng) lỡ bà Nga trúng gió, hay có đứa nào ác, nó diệt khẩu, chả nhẽ vụ chạy suất đại biểu quốc hội chìm xuồng à. Rồi ông chánh án có kiểm điểm nghiêm khắc không, hay lại cười hì hì với một số đương sự cộm cán rằng "tôi đã cứu cho các anh một bàn thua trông thấy, phải biết ơn tôi nhá"...

Xin nhớ rằng chuyện chạy suất vào quốc hội bà Nga đã khai cách nay gần 2 năm, cả công an lẫn ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ nhiệm VP quốc hội đều hứa sẽ điều tra làm rõ, mẹ kiếp, rõ cái con khỉ.
Chống tham nhũng kiểu phản chống tham nhũng thế này, như trò hề.

(Tôi nói thêm với mấy chú báo chí: Bà Nga đang là bị cáo, tức là bị cáo buộc tội này tội nọ, tòa chưa xử xong, chưa kết tội, thì các chú đừng thay tòa, gọi người ta là siêu lừa, là con này con kia...Tôi không bênh gì bà ấy, nếu bà ấy có tội, pháp luật sẽ trừng trị, nhưng viết về luật, hãy làm đúng luật).

Nghe tôi phàn nàn về vụ cấm kiếc này, lão Maddox hàng xóm lảu bảu "cấm là cấm thế đéo nào".

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện bác sĩ trong lòng dân đến hình ảnh một số quan chức hưu trí



>> Tân tổng thống Singapore là con ông bảo vệ
>> Ông Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị tử hình, Hà Văn Thắm án chung thân
>> Không có 'vùng cấm' trong phiên tòa đại án OceanBank


Mạnh Quân 



























(Dân trí) - Nếu hỏi những hình ảnh, clip trong nước gây xúc động nhất trong tuần này là gì, có lẽ, đến thời điểm này, sẽ có rất, rất nhiều người khẳng định đó là hình ảnh Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương từ biệt cán bộ, nhân viên, các bệnh nhân của mình để nghỉ hưu ngày 3/10.

Vâng, đã rất lâu rồi, trên mạng xã hội, báo chí, ở nhiều nơi, không mấy ai thấy được một lễ chia tay tình cảm, đầy nước mắt như thế với một người thầy thuốc như của tất cả cán bộ, nhân viên và đông đảo bệnh nhân ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương với vị Giáo sư, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí.

Tất cả những người đã từng biết đến ông-người từ lâu được tôn vinh là người đứng đầu ngành huyết học và truyền máu Việt Nam, đều ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực y tế.

Nếu chỉ nhìn ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương thôi, không ít người biết, trong 10 năm làm Viện trưởng, ông và các cộng sự của mình đã thực hiện nhiều đổi mới mà hiếm có bệnh viện nào làm được như nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần, đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu. Vị Viện trưởng đáng kính này cũng là người đi đầu, làm thay đổi cách vận động hiến máu, phát triển phong trào sâu rộng với hàng loạt chương trình như lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ,...

Những cán bộ, nhân viên của ông ở Viện Huyết học truyền máu chắc sẽ mãi không quên hình ảnh những ngày làm việc cuối của ông ở Viện, ông vẫn hiến máu cho bệnh nhân. Trước đó không lâu, ông đã vận động và tham gia cùng hầu hết cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện đăng ký hiến mô tạng cho y học. Đây là đợt có số lượng người đăng ký hiến mô tạng lớn nhất từ trước tới nay.

Hình ảnh hàng trăm người, hết người này đến người kia ôm, bắt tay, nhiều người khóc như trẻ nhỏ, rất đông các bệnh nhân của Viện Huyết học Truyền máu hôm đó cũng ràn rụa nước mắt chia tay ông cũng đủ nói lên tình cảm trân trọng của hết thảy mọi người cho một thầy thuốc có đức độ.

Và cũng không phải tự nhiên, người ta bỗng dưng so sánh ông với hình ảnh của một số cán bộ, quan chức nhà nước khi nghỉ hưu thậm chí chưa nghỉ hưu nhưng đầy tai tiếng. Người thì bị có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến nỗi Quốc hội, Chính phủ còn bãi miễn các chức danh là "nguyên"; người thì bị buộc trả lại tài sản công mà đến lúc nghỉ hưu, vẫn còn tranh thủ vơ vét...

Nhiều người ngay cả khi đang làm, người dân chỉ mong cho họ...về hưu sớm hoặc bị out (rời khỏi) bộ máy. Như cái ông Trưởng công an xã Quảng Điền ở một huyện miền núi của tình Đắk Lắk vừa rồi: Không thể phản cảm hơn với những cú kungfu đã tung các thau cá bán hàng của người dân.

Tất nhiên, không thể đánh đồng với nhiều cán bộ, công chức nhà nước khi nghỉ hưu. Thực tế, vẫn có những quan chức Nhà nước có tiếng đức độ, liêm khiết, có đóng góp lớn cho đất nước khi nghỉ hưu vẫn được người dân kính trọng.

Có thể kể như ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành ủy Hội An- người đã có những đóng góp lớn về cho phát triển du lịch, giữ gìn những giá trị truyền thống của Hội An. Đó là ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư- người có những đóng góp lớn cho quá trình cải cách, thi hành Luật Doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế...

Cũng có thể nói, trong bộ máy nhà nước, những tấm gương, hình ảnh của các quan chức, cán bộ vừa giàu năng lực, nhiệt huyết, lại có tâm, đức độ như vậy để có thể dễ dàng kể ra cũng không nhiều.

Khi xem những hình ảnh, clip về buổi chia tay của Bác sĩ, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu, chắc rằng ai cũng có một suy nghĩ chung: Những "công bộc" tài năng, đức độ sẽ được lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm tốt đẹp mãi trong lòng người và ngược lại.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỔ HỢP HÒA BÌNH GREEN ĐÀ NẴNG PHỤC VỤ AI? ĐỂ LÀM GÌ?




Sáng 1/10/2017 đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc, Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Nguyễn Hữu Đường đã khánh thành Tổ hợp khách sạn, căn hộ Hòa Bình Green Đà Nẵng. Tổ hợp Hoà Bình Green Đà Nẵng tọa lạc vị trí đắc địa trên khu đất 12.327,7m2 trên đường Lê Văn Duyệt (ngay bên cạnh cầu Thuận Phước, thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), diện tích xây dựng 3.800m2, cao 29 tầng với tổng cộng 1.824 phòng khách sạn, căn hộ tiêu chuẩn 5 sao. Đặc biệt, trên nóc của tòa nhà Hòa Bình Green Đà Nẵng là một bể bơi vô cực lát gạch phủ vàng 24K.

Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa Hồ Càn Văn trực tiếp bay từ Bắc Kinh sang dự lễ khánh thành. Trong phát biểu tại lễ khánh thành, Hồ đã khẳng định: “Mấy năm vừa qua Tập đoàn Hòa Bình có sự liên kết, hợp tác rất chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, phạm vi rất rộng, kết quả rất tốt đẹp. Và họ cũng có mặt tham dự buổi lễ khánh thành này… Tôi hứa với Chủ tịch Nguyễn Hữu Đường sẽ tăng cường giới thiệu các nhà doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với Tập đoàn Hòa Bình đón khách Trung Quốc sang Đà Nẵng, vì có chỗ ở, chỗ ăn đàng hoàng rồi”.

Ai đứng sau lưng cung cấp tiền cho đại gia này xây dựng Tổ hợp khách sạn hoành tráng mang tầm cỡ thế giới ? Và xây dựng cho ai ở ? Câu trả lời là: Trung Quốc.

Thời kỳ mở cửa, việc bất kỳ nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu để tìm kiếm lợi nhuận thì cũng tốt thôi cho dù đó có là Trung Quốc đi chăng nữa. Nhưng "người" Trung Quốc thì khác, họ đến Việt Nam với những chủ ý rõ rệt: kềm chế sự phản kháng của người Việt Nam, chiếm đóng lãnh thổ trên đất liền và ngoài Biển Đông. Mục tiêu chính của "người" Trung Quốc là chiếm giữ những vị trí chiến lược quan trọng của Đà Nẵng như vùng rừng núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà. Chẳng có chuyện gì phải bàn nếu như khách sạn Hòa Bình Green không nằm ở vị trí cực kỳ nhạy cảm về an ninh quốc phòng.

Đứng ở bể bơi Vô cực hoặc các tầng cao của khách sạn này, khách du lịch sẽ có tầm quan sát cực kỳ tốt để theo dõi mọi diễn biến, hoạt động ở khu vực cảng Tiên Sa và Quân cảng Vùng 3 Hải quân nằm cạnh đó, có thể đếm được có bao nhiêu chiếc tàu hải quân, tàu cảnh sát biển… đang neo đậu hoặc ra vào khu vực này, ghi nhận chủng loại và qua đó có thể biết được tính năng, trang bị… của từng chiếc tàu.

Tổ hợp Hòa Bình Green án ngữ ngay điểm vào của bán đảo Sơn Trà. Nơi đây, trên đỉnh Sơn Trà, Trạm radar 29 Sư đoàn Không quân 375 được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến 300km, tầm quét sóng có thể kiểm soát cả khu vực Đông Dương đến đảo Hải Nam có chức năng đảm bảo an toàn một vùng trời rộng lớn của Tổ quốc từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Buôn Ma Thuột. Cũng trên đỉnh Sơn Trà còn có Trung đoàn Radar 351 (Vùng 3 Hải quân) đặt radar giám sát bờ biển - Coast Watcher 100 - tối tân nhất thế giới hiện nay. Nó có thể phát hiện các tàu thuyền di chuyển ngoài giới hạn đường chân trời với khả năng giám sát bờ biển liên tục 24 giờ/ngày liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì. Mọi biến động của một khu vực rộng lớn từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) đến quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa đều hoàn toàn xác định chính xác được vị trí từng con tàu một với độ tin cậy cao hơn cả vệ tinh. Vì vậy việc xây dựng các khách sạn cao tầng sát núi Sơn Trà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tác chiến của quân đội.

Nói dại, lỡ một khi trên các căn cứ Radar này có biến, thì chỉ cần một điểm hỏa lực đặt trên nóc Hòa Bình Green có thể chặn đứng mọi phương tiện và lực lượng quân sự muốn vượt cầu Thuận Phước chi viện cho Sơn Trà. 

Và chỉ cần một vài camera gắn trên tầng cao của Hòa Bình Green được kết nối với máy tính cá nhân thì ở tận Tổng hành dinh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Bắc Kinh cũng có thể giám sát chặt chẽ từng phút, từng giờ, ngày này qua năm khác mọi tàu thuyền vào ra vịnh Đà Nẵng.
Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, Đà Nẵng nói chung và Sơn Trà nói riêng có một vị trí địa lý chiến lược quan trọng, cả về quân sự lẫn kinh tế. Vì vị trí quan trọng như vậy nên khi cả Pháp và Mỹ mở đầu các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta đều xuất phát đánh chiếm bán đảo Sơn Trà. Và ngày nay Trung Quốc cũng làm như vậy không phải là ngoại lệ. Hiện nay trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng thủ trên biển để sẵn sàng ứng phó với tình hình Biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp thì đây là vấn đề hết sức quan trọng và mối lo ngại lớn đe dọa đến an ninh quốc gia.
Đứng ở bể bơi Vô cực của khách sạn này, khách du lịch sẽ có tầm quan sát cực kỳ tốt để theo dõi mọi diễn biến, hoạt động ở khu vực cảng Tiên Sa và Quân cảng Vùng 3 Hải quân nằm cạnh đó, có thể đếm được có bao nhiêu chiếc tàu hải quân, tàu cảnh sát biển… đang neo đậu hoặc ra vào khu vực này, ghi nhận chủng loại và qua đó có thể biết được tính năng, trang bị… của từng chiếc tàu.
Bản đồ vệ tinh Vịnh Đà Nẵng - Hòa Bình Green - Bán đảo Sơn Trà.
 
Chỉ cần một vài camera gắn trên tầng cao của Hòa Bình Green được kết nối với máy tính cá nhân thì ở tận Tổng hành dinh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Bắc Kinh cũng có thể giám sát chặt chẽ từng phút, từng giờ, ngày này qua năm khác mọi tàu thuyền vào ra vịnh Đà Nẵng.

Một khi trên các căn cứ Radar trên đỉnh Sơn Trà có biến, thì chỉ cần một điểm hỏa lực đặt trên nóc Hòa Bình Green có thể chặn đứng mọi phương tiện và lực lượng quân sự muốn vượt cầu Thuận Phước chi viện cho Sơn Trà.

Phần nhận xét hiển thị trên trang