Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Vấn đề đảng trong Hiến pháp Trung Quốc

Tác giả: Hồ Anh Hải
Sử dụng Hiến pháp để củng cố địa vị hợp pháp của chính đảng cầm quyền luôn luôn là “phong vũ biểu” của nền chính trị chính đảng ở Trung Quốc kể từ sau Cách mạng Tân Hợi (1911), dù là Quốc Dân Đảng (QDĐ) của Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch hay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Mao Trạch Đông.
Sau khi đánh đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh, QDĐ lên cầm quyền, đưa ra lý luận “Nhà nước của Đảng” (Đảng Quốc), dùng Hiến pháp xác lập mô hình “Đảng trị”, tức “Dùng Đảng để cai trị đất nước”. ĐCSTQ, lúc đó đang hoạt động bí mật, đã kịch liệt phản đối mô hình này. Mãi đến năm 1936 và 1946, QDĐ mới tuyên bố “Trả lại chính quyền cho dân”, và Hiến pháp mới không trực tiếp đề cập địa vị pháp lý của đảng cầm quyền nữa.
Tuy vậy trong thực tế QDĐ vẫn thực hành “Đảng trị”, tiếp tục tạo ra đặc quyền đặc lợi cho đảng mình, khiến cho hầu hết đảng viên QDĐ đều tham nhũng vinh thân phì gia, bị nhân dân căm ghét, họ ủng hộ ĐCSTQ lật đổ chính quyền QDĐ. Sau khi chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch mới tỉnh ngộ: QDĐ thua chỉ vì đảng này tham nhũng suy thoái quá nặng, và ông quyết tâm “Thanh đảng” (làm trong sạch đảng).
Nước CHND Trung Hoa từ ngày lập quốc tới nay đều do ĐCSTQ lãnh đạo, ngoài ra còn 8 chính đảng dân chủ khác hợp tác với ĐCSTQ và chịu sự lãnh đạo của ĐCSTQ. Trong Chính phủ Trung Quốc hiện có một bộ trưởng thuộc đảng Trí Công, không phải ĐCSTQ. Từ một đảng cách mạng, ĐCSTQ đã trở thành đảng cầm quyền duy nhất, hiện có hơn 80 triệu đảng viên, chiếm tỷ lệ lớn trong các cơ quan chính quyền, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp và đoàn thể xã hội và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng.
Cho tới nay Trung Quốc đã sử dụng 4 bản Hiến pháp: 1954, 1975, 1978 và 1982. Trong đó hai bản Hiến pháp 1975 và 1978 chỉ có tính chuyển tiếp vì thời gian thực thi cực ngắn (3-4 năm). Tiến trình soạn thảo Hiến pháp Trung Quốc là một quá trình không ngừng pháp chế hóa và, về mặt pháp lý, làm suy yếu dần sự lãnh đạo của đảng, đưa vai trò đảng lui vào phía sau sân khấu chính trị.
1) Hiến pháp 1954
Hiến pháp này được soạn thảo dưới sự chủ trì trực tiếp của Mao Trạch Đông, dựa trên cơ sở bản Cương lĩnh chung mang tính chất Hiến pháp tạm thời do Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc (viết tắt Chính Hiệp) làm ra năm 1949, trước ngày lập quốc. Sau hơn 3 tháng soạn thảo, ngày 23/03/1954 Dự thảo Hiến pháp được đưa ra toàn dân thảo luận, hình thành bản Hiến pháp chính thức, được Quốc hội thông qua ngày 20-9-1954.
Bản Hiến pháp này tồn tại trong thời gian 20 năm (1954-1975). Nội dung Hiến pháp ngoài Lời Nói Đầu (không thuộc phần chính văn của Hiến pháp nên không phải là quy định pháp luật) ra còn có 4 chương, cộng 106 điều. Hiến pháp tuyên bố Trung Quốc theo chế độ dân chủ nhân dân.
Lời Nói Đầu có xác nhận địa vị lãnh đạo của ĐCSTQ trong Mặt trận Thống nhất nhưng chỉ khẳng định “tính hợp hiến” của đảng cầm quyền chứ không xác nhận địa vị lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, cũng không có quy định chức quyền của Đảng trong đời sống nhà nước. Tất cả các điều văn trong Hiến pháp này hoàn toàn không nói gì tới ĐCSTQ.
2) Hiến pháp 1975
Được soạn thảo và ban hành trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, khi đường lối tả khuynh đang điên cuồng tác yêu tác quái, Hiến pháp này đề cao lý luận “Tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản” của Mao Trạch Đông, phủ định “công dân nhất luật bình đẳng trước pháp luật”, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và khẳng định thể chế coi sự lãnh đạo ấy cao hơn chính quyền nhà nước. Tóm lại là không tách rời đảng với chính quyền, lấy đảng thay chính quyền, dùng đảng trị nước.
Hiến pháp chỉ có 30 điều thì 10 chỗ đề cập vấn đề liên quan tới ĐCSTQ. Ngoài Lời Nói Đầu ra, các Điều 2, 13, 15 và 16 đều quy định “ĐCSTQ lãnh đạo”. Điều 17 khẳng định Đảng có “quyền đề nghị về nhân sự” người lãnh đạo cơ quan nhà nước. Điều 26 còn viết: “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trước hết là “ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ”. Hiến pháp xác nhận địa vị lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ đời sống nhà nước và có quy định cụ thể về chức quyền của Đảng, như quyền lãnh đạo và quyền thống soái về quân sự, quyền lãnh đạo Quốc hội, quyền đề cử Thủ tướng. Nhưng không có quy định trình tự Đảng phải tuân theo khi hành xử các chức quyền đó, vì thế đã để lại một không gian lớn có tính tùy ý, tạo điều kiện Đảng có thể hành xử quyền lực một cách phi luật pháp.
Do ảnh hưởng của tư tưởng cực tả nên công tác làm Hiến pháp 1975 có xảy ra một chuyện: Ngày 06/09/1970, hội nghị lần hai Trung ương Đảng khóa IX thông qua Dự thảo Hiến pháp này, trong đó có câu “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân là ủng hộ Chủ tịch Mao Trạch Đông và bạn chiến đấu thân thiết của Người là Phó Chủ tịch Lâm Bưu, ủng hộ ĐCSTQ”. Sau đó ít lâu, Lâm Bưu thất bại trong âm mưu ám sát Mao Trạch Đông, ngày 13/09/1971 trốn sang Liên Xô rồi chết do máy bay rơi khi bay qua Mông Cổ. Vì thế cách đặt vấn đề như trên của Dự thảo Hiến pháp trở thành trò cười lịch sử. Rốt cuộc bản Hiến pháp chính thức phải bỏ đi nửa câu “ủng hộ” Chủ tịch Mao và Lâm Bưu và mãi đến năm 1975 mới ban hành. Sự cố này cho thấy việc đưa vào Hiến pháp những yếu tố bất định và không vĩnh cửu, như vai trò của chính đảng và lãnh tụ có thể mang lại hậu quả bi thảm như thế nào.
3) Hiến pháp 1978
Hiến pháp này được soạn thảo sau khi Cách mạng Văn hóa chấm dứt nhưng người chủ trì soạn thảo là Chủ tịch ĐCSTQ Hoa Quốc Phong cố nhấn mạnh tư tưởng “Hai Phàm Là” của mình [“Phàm là lời Mao Trạch Đông nói đều đúng; phàm là chỉ thị của Mao Trạch Đông thì chúng ta phải kiên quyết chấp hành”]. Do đó Hiến pháp 1978 cơ bản giữ lại các quy định về địa vị pháp lý của ĐCSTQ như Hiến pháp 1975, chỉ bỏ đi quy định về quyền lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với Quốc hội, và vẫn không có quy định trình tự Đảng phải tuân theo khi hành xử các chức quyền.
4) Hiến pháp 1982
Được soạn thảo rất công phu từ năm 1980, sau khi ĐCSTQ quyết định tiến hành Cải cách mở cửa, Hiến pháp này đã sửa đổi lớn Hiến pháp 1978, đã kế thừa và khôi phục truyền thống tốt đẹp của Hiến pháp 1954. Dự thảo Hiến pháp được đưa ra toàn dân thảo luận, Quốc hội thông qua và ban hành ngày 04/12/1982. Giới lý luận Trung Quốc đánh giá đây là bản Hiến pháp tốt nhất ở nước này từ trước tới nay.
Hiến pháp hiện hành ở Trung Quốc là Hiến pháp 1982 có bổ sung 4 Tu chính án do Quốc hội đưa ra vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004. Lời Nói Đầu (không có tính pháp luật) có thuật lại vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ trong cách mạng và trong xây dựng CNXH.
Tất cả các điều văn (138 điều) trong chính văn Hiến pháp hoàn toàn không có từ “Đảng Cộng sản” và “cộng sản”, nghĩa là không có quy định về địa vị lãnh đạo của  ĐCSTQ, và cũng không có tên bất cứ lãnh tụ cộng sản nào.
Phần nói về quân đội có Điều 29: “Lực lượng vũ trang nước CHNDTH thuộc về nhân dân. Nhiệm vụ của lực lượng này là củng cố quốc phòng, chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân, tham gia sự nghiệp xây dựng quốc gia, nỗ lực phục vụ nhân dân.” Điều 93 Chương “Cơ cấu nhà nước” viết: Ủy ban Quân sự Trung ương nước CHND Trung Hoa lãnh đạo lực lượng vũ trang toàn quốc… Nhiệm kỳ của UBQSTW như nhiệm kỳ của Quốc hội.
Nhưng Hiến pháp vẫn có quy định: “Tất cả các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, các chính đảng và các đoàn thể xã hội, các xí nghiệp, tổ chức sự nghiệp đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật…”, “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào đều không được có đặc quyền vượt qua Hiến pháp và pháp luật”. Hai quy định này thể hiện tiến bộ rất lớn vì ở đây từ “các chính đảng” dĩ nhiên đã gồm cả ĐCSTQ, từ “tổ chức hoặc cá nhân” dĩ nhiên gồm cả tổ chức các cấp của ĐCSTQ và người lãnh đạo đảng.
Một số học giả Trung Quốc cho rằng Hiến pháp 1982 vẫn còn một sơ hở là không nói rõ khi trên thực tế có tình trạng tổ chức hoặc cá nhân nào đó nắm giữ và hành xử “đặc quyền vượt Hiến pháp và pháp luật” thì phải xử lý thế nào.
Vì sao Hiến pháp 1982 không có quy định về địa vị lãnh đạo của  ĐCSTQ, tức không giao bất cứ quyền lực nhà nước nào cho ĐCSTQ ?
Theo giải thích đó là vì Báo cáo chính trị tại Đại hội XII ĐCSTQ (09/1982) đã chỉ rõ: “Đảng không phải là tổ chức quyền lực ra lệnh chỉ huy quần chúng”. Điều lệ mới của Đảng đưa ra quyết định lịch sử: “Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật”. Từ năm 1941 Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố phản đối chủ trương “Dĩ đảng trị quốc” [dùng đảng để cai trị đất nước] của Quốc Dân Đảng, nay ĐCSTQ cũng không thể lặp lại chủ trương ấy.
Xét về lý luận, quyền lãnh đạo của Đảng thuộc vào phạm trù chính trị; thực chất nó là một loại uy tín chính trị, tài nguyên chính trị và quyền uy chính trị, chứ không phải là nói việc nắm giữ và hành xử quyền lực nhà nước. Đảng được nhân dân yêu quý, ủng hộ và phục tùng – đây là một loại uy tín chính trị, tài nguyên chính trị và quyền uy chính trị; nó khác với lực cưỡng chế và lực ràng buộc của quyền lực nhà nước. Biểu hiện chủ yếu của nó là sức thu hút chính trị, sức thuyết phục chính trị và ảnh hưởng chính trị đối với quần chúng nhân dân. Đảng lãnh đạo không phải là Đảng trực tiếp nắm giữ và hành xử quyền lực nhà nước để tiến hành cưỡng chế và chi phối quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước và đời sống chính trị của đất nước.
Hiến pháp 1982 viết “Tất cả mọi quyền lực của nước CHND Trung Hoa thuộc về nhân dân. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan mà nhân dân dùng để hành xử quyền lực nhà nước”. Vì vậy quyền lãnh đạo chính trị của ĐCSTQ nhất thiết không phải là quyền lực đặc biệt, siêu quyền lực, quyền lực vô hạn được đặt ngang hàng thậm chí lên trên quyền làm chủ của nhân dân và quyền lực của chính quyền nhà nước. Đặng Tiểu Bình nói: có một số đồng chí “hiểu nhầm ưu thế của Đảng, cho rằng đảng viên bao biện là ưu thế tuyệt đối của Đảng mà không hiểu rằng ưu thế tuyệt đối đích thực là ở sự ủng hộ của quần chúng. Ưu thế được xây dựng trên cơ sở quyền lực là ưu thế không bền vững”, ông kêu gọi quét sạch mọi di độc của Quốc Dân Đảng “quyền lực của đảng cao hơn tất cả”, “dùng đảng để cai trị đất nước”.
ĐCSTQ giải thích: Chủ nghĩa Mác cho rằng một chính đảng có địa vị cầm quyền không có nghĩa là tổ chức các cấp của đảng có thể lấn át lên trên các cơ quan chính quyền nhà nước, không có nghĩa là nắm giữ và hành xử quyền lực nhà nước một cách trực tiếp, cụ thể. Cách làm sai lầm không tách rời đảng với chính quyền, lấy đảng thay cho chính quyền, trên thực tế chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho địa vị lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Tuy Hiến pháp không giao quyền lực nhà nước cho ĐCSTQ, nhưng trên thực tế việc ĐCSTQ là đảng cầm quyền đã được xác định ở chỗ: Đường lối của Đảng đã thể hiện trong toàn bộ Hiến pháp và các luật pháp khác; và những người do Đảng giới thiệu theo trình tự pháp lý đều đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong Chính phủ.
Vì sao việc Hiến pháp 1982 hủy bỏ Điều nói về vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ lại không gây ra sự phản đối trong ĐCSTQ?
Theo giải thích đó là do mấy nguyên nhân sau đây:
1) Cái gọi là hủy bỏ ấy chẳng qua chỉ là khôi phục lại bộ mặt vốn có của Hiến pháp 1954 từng được xây dựng trong thời kỳ Chính phủ Trung Quốc còn là Chính phủ liên hợp, có nhiều chính đảng và nhân sĩ ngoài ĐCSTQ tham gia (tương tự Chính phủ Việt Nam năm 1946). Hiến pháp 1982 được soạn thảo khi cả nước đang đau khổ suy ngẫm lại tác hại của tư tưởng cực tả trong ĐCSTQ thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” vừa trải qua.
2) Trong Lời nói đầu Hiến pháp 1982 vẫn giữ lại những chỗ trình bày về vai trò của ĐCSTQ, chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình … (nhưng Hiến pháp không nói gì về việc Đảng lãnh đạo như thế nào).
Các nhà soạn thảo Hiến pháp 1982 cho biết: Hiện nay trong Hiến pháp của 110 quốc gia trên thế giới chỉ có 29 bản Hiến pháp có Lời Nói Đầu, trong đó 5 quốc gia có trình bày về ý thức hệ. Lời Nói Đầu chỉ thuật lại các sự thực lịch sử, vì thế sau này khi sửa đổi Hiến pháp thì các sự thực đó cũng không bị phủ nhận.
3) Điều 1 Hiến pháp đã nói Trung Quốc là quốc gia XHCN chuyên chính vô sản dựa trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nói chuyên chính vô sản thì mọi người đã hiểu là chuyên chính do ĐCS lãnh đạo. Tư tưởng chỉ đạo ĐCSTQ hiện nay là lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” (ĐCSTQ trước sau đại diện cho yêu cầu phát triển sức sản xuất tiên tiến của Trung Quốc, cho phương hướng tiến lên của văn hóa tiên tiến Trung Quốc, cho lợi ích căn bản của nhân dân rộng rãi nhất của Trung Quốc).
Tài liệu tham khảo:
  1. 中华人民共和国宪法
  2. 宪法的变迁与党的领导 (2012-10-06)
  3. 关于党的领导:1982年宪法的重要修正(2011-8-19)
  4. 论执政党在我国宪法文本中地位的演变
Xem thêm:

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Tiên và sự hình thành nước Việt Nam hiện đại


29/09/2017 08:00 - Vũ Đức Liêm
Hà Tiên ngày nay là thị xã vùng biên nhỏ nhắn, bình yên, thơ mộng nép mình bên bờ vịnh Thailand. Hà Tiên của hai trăm năm trước là một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất ở Đông Nam Á, nơi diễn ra các tranh chấp chính trị và quân sự không ngừng giữa người Việt, người Thái, người Khmer và các cộng đồng người Hoa. Lịch sử của vùng đất này là minh chứng sống động cho sự đa dạng trong thống nhất của quá trình hình thành nên lãnh thổ và dân tộc Việt Nam.

Một phần biển Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay. 
Vùng đất này nằm giữa các diễn ngôn lịch sử rất khác biệt, nhiều khi bị trùm phủ dưới các huyền thoại tạo ra bởi chủ nghĩa dân tộc. Bài viết này chỉ ra những nhân tố cốt lõi làm nên sự thịnh vượng của Hà Tiên và tìm kiếm sự gắn kết của nó đối với lịch sử Việt Nam, như một phần của công cuộc định hình nên không gian của nước Việt Nam hiện đại.

Tại sao việc khôi phục quá khứ huy hoàng của vùng đất này là vấn đề quan trọng? Vì nó góp phần làm sáng rõ nhiều vấn đề nhận thức về quá trình hình thành lãnh thổ, biên giới và các đơn vị hành chính của Việt Nam. Đặc biệt đây là khu vực có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng và tiềm năng kinh tế trong tương lai, gắn liền với Phú Quốc và hành lang phát triển kinh tế dọc theo bờ vịnh Thailand. Lịch sử truyền thống Việt Nam ít chú ý đến tính đa dạng địa phương và quá trình sáp nhập lãnh thổ. Điều này không những không giúp độc giả hiểu được công lao khai phá, quá trình khai thác lãnh thổ, mở rộng đất đai, sáp nhập đất đai của thế hệ đi trước, mà còn gây trở ngại cho sự mở rộng tri thức về quá trình phát triển lãnh thổ Việt Nam và những cách thức đa dạng để trở thành Việt Nam. Đó là cách chúng ta tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng, và trân trọng công lao của tiền nhân, dù là họ Mạc Hà Tiên, các di dân Hoa kiều, cộng đồng người Khmer trên lãnh thổ Việt Nam hay chúa Nguyễn, và vương triều Nguyễn. Nhận thức lịch sử đa chiều cũng là cách củng cố lập luận về quá trình xác lập chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam đối với vùng đất này. Những diễn biến phức tạp và sự năng động của Hà Tiên cho thấy lịch sử không đơn thuần như mô tả của người Campuchia rằng khu vực này vốn là “lãnh thổ”của họ.

Cốt lõi của vấn đề ở chỗ Hà Tiên là vùng đất có lịch sử đa dạng, nằm giữa các dự án chính trị, tranh chấp quyền lực và lãnh thổ ở Đông Nam Á lục địa thời sơ kỳ hiện đại, gắn kết nhiều nhóm cư dân khác nhau. Liên hệ chính trị, lãnh thổ của nó với người Việt-Khmer-Thái là phức tạp. Điều quan trọng là Hà Tiên không chỉ hành động với tư cách là một chư hầu lệ thuộc mà tính năng động và tự chủ của nó giúp định hình khuynh hướng chính trị-lãnh thổ mà nó gia nhập. Sự sáp nhập của Hà Tiên vào lãnh thổ Việt Nam vì thế không chỉ đơn thuần là sự mở rộng không gian của người Việt mà còn là sự chủ động gia nhập của Hà Tiên vào không gian chính trị này. Sự lựa chọn này giúp định hình một con đường để trở thành Việt Nam hiện đại: con đường của Hà Tiên.


Hà Tiên ở thế kỷ XVIII. Nguồn: Nicholas Sellers, The Princes of Hà Tiên, 1682-1867. Brussels: Thanhlong, 1983.

Các huyền thoại về vùng đất Hà Tiên

Trong khi các sách lịch sử của Việt Nam thường bắt đầu bằng sự kiện năm 1708 khi Mạc Cửu phái người đến Phú Xuân (Huế) xin được bổ nhiệm cai quản Hà Tiên, và sau đó được chúa Nguyễn phong chức Tổng binh (theo Đại Nam Thực Lục). Sự kiện được cho là đánh dấu vùng đất này trở thành một phần của lãnh thổ Đàng Trong. Lịch sử Campuchia mô tả một diễn trình hoàn toàn khác. Một thương nhân người Quảng Đông rời Trung Hoa năm 1671 đi qua Phillipines và Java. Cuối cùng ông ta đến triều đình Chân Lạp ở Udong và giành được sự tin tưởng của nhà vua Chey Chettha IV (Ang Sor). Sự ghen tị của các quan chức cấp cao người Khmer cuối cùng buộc ông phải xin nhà vua cho ra cai quản vùng đất Banday Mas. Nhà vua Khmer sau đó chấp thuận và ban cho ông danh hiệu Okya (Trần 1979:1537).

Một phần phiên bản của câu chuyện này được kể lại bởi Vũ Thế Dinh, một gia thần của dòng họ Mạc viết năm 1818 trong Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (Gia phả dòng họ Mạc của quan Hiệp trấn Hà Tiên). Tuy nhiên nó cũng cung cấp thêm nhiều góc nhìn thú vị về cách thức dòng họ này xây dựng một chính thể tự trị đứng giữa các nhà nước của người Việt, người Khmer và người Thái. Diễn ngôn lịch sử này chú ý nhiều hơn đến tính năng động của họ Mạc và sự chủ động lựa chọn của họ trong mối liên minh/ phiên thuộc với người Việt. Dù được phong Okya, danh hiệu dành cho quan chức cao cấp Khmer (David Chandler 2000: 108-111), Mạc Cửu thấy rõ địa vị bấp bênh của mình trong một vương triều xa lạ. Khi dừng chân ở vùng đất Banday Mas, ông nhận thấy nơi đây là một cảng thị tấp nập với thương nhân người Hoa, Việt, Khmer, Malay tụ hội, nên tìm cách để được sự cho phép của vua Chân Lạp mở các sòng bạc nhằm thu thuế. Như nhận định của sử gia Li Tana, đây chính là các sòng bạc đầu tiên ở Đông Nam Á được mở bởi thương nhân Hoa kiều. Chính sự thịnh vượng này cho phép họ Mạc dần kiểm soát khu vực duyên hải và cảng biển Hà Tiên để xây dựng một trung tâm kinh tế-chính trị riêng (Li Tana 2004:806). Cũng vì nhận thấy sự đe dọa của Chân Lạp ở phía Bắc và Siam ở phía Tây mà Mạc Cửu lại tìm cách tìm đến Phú Xuân.

Những người phương Tây cũng có một phiên bản cho riêng mình về câu chuyện Hà Tiên, vương quốc có tên gọi Ponthaimas. Alexander Hamilton đến vùng đất này năm 1718, gọi đây là cảng thứ hai của Campuchia. Thương nhân người Pháp Pierre Poirve mô tả đó là vương quốc được tạo ra bởi một thương nhân người Hoa, nhưng nằm dưới sự ảnh hưởng của Siam. Trong tham luận năm 1768 trình bày trước Viện Hàn Lâm Lyon, ông mô tả họ Mạc như những thương nhân khôn khéo, chăm chỉ, biết cách khai phá vùng đất trù phú để trở nên thịnh vượng, lại biết sử dụng chính sách ngoại giao khéo léo để được các nước láng giềng hùng mạnh che chở. Hà Tiên vì thế không chỉ là một cảng thị thương mại sầm uất mà còn là “kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á”, nơi người Malay, Nam Hà (Đàng Trong), Siam đều trông vào để bảo đảm cho những nạn đói.

Hà Tiên cũng xuất hiện trong mô tả của người Trung Quốc. Một quan chức nhà Thanh đã ghé qua đây những năm 1740, và ghi chép về vương quốc có tên Cảng Khẩu/ Cảng Khẩu Quốc, nằm dưới sự ảnh hưởng của An Nam (Đàng Trong) và Siam. Tuy vùng đất được xây dựng bởi những cư dân rời bỏ Trung Hoa vào cuối Minh-đầu Thanh, quan chức nhà Thanh ngạc nhiên về sự thịnh vượng, thấm nhuần văn hóa Hán của họ, những người thậm chí còn xây cả Văn Miếu (Hoàng triều Văn hiến thông khảo, 1747). Chính vì điều này mà Hà Tiên cũng được biết đến ở Đàng Ngoài của chính quyền Lê-Trịnh. Lê Quý Đôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với những thành tựu văn hóa của vùng đất này, đặc biệt là ngợi ca “Không thể bảo ở hải ngoại xa xôi không có văn chương”.

Lời tựa của văn bản Hà Tiên Thập Vịnh. Nguồn: EFEO Microfilm, A.441.

Bản thân Hà Tiên cũng tạo ra các huyền thoại cho riêng mình. Các huyền thoại sẽ giúp vùng đất này trở nên hấp dẫn, có khả năng thu hút di dân, thương nhân, tìm kiếm tính chính thống cho sự cai trị của dòng họ, và tìm kiếm các mối quan hệ quốc tế. Từ chuyện các nàng tiên xuất hiện trên sông Giang Thành, đào được hũ bạc, đến bức tượng Phật và ánh sáng huyền bí ở Lũng Kỳ báo hiệu sự ra đời của Mạc Thiên Tứ. Tất cả tạo nên diễn ngôn chính trị, tôn giáo, và dung hợp xã hội mà họ Mạc muốn gửi bức thông điệp đến các nhóm cư dân ven vùng vịnh. Trong một bức thư năm 1742 viết bằng chữ Khmer gửi đến chính quyền Mạc Phủ Tokugawa, Mạc Thiên Tứ tự xưng mình là Neak Somdec Preah Sotoat và tự phong danh hiệu “vua của Campuchia”.

Trong lúc các huyền thoại này có cốt lõi của các diễn ngôn lịch sử gắn Hà Tiên với dòng di cư của người Hoa vào cuối thời Minh đầu thời Thanh xuống Đông Nam Á. Họ can dự vào một loạt các sự kiện kinh tế, chính trị, và quân sự khắp khu vực, từ chiến tranh ở Thailand, xung đột ở đảo Java, Manila, cho đến việc điều hành các khu khai mỏ thiếc dọc theo bán đảo Malay và quần đảo Indonesia làm xáo trộn bức tranh chính trị Đông Nam Á, và khỏa lấp những khoảng trống vắng nhà nước tập quyền ở khu vực. Để rồi sau đó, đến lượt các vùng đất này trở thành nơi tranh chấp của những vương quốc tập quyền khu vực.

Khung cảnh cho sự thịnh vượng của Hà Tiên

Sự thịnh vượng của Hà Tiên đến từ nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm vị trí địa lý, khung cảnh thương mại khu vực và toàn cầu, và sự gia tăng tương tác quân sự dọc theo hạ lưu Mekong. Vùng đất này nằm giữa tuyến giao lưu của các luồng thương mại, các nguồn hàng, các dự án chính trị, di dân, và các nền văn hóa từ các vùng núi của Lào và Campuchia xuống, người Malay từ bán đảo Malay-quần đảo Indonesia, người Thái từ phía Tây, và các nhóm người Hoa xung quanh vùng vịnh, và nam tiến của người Việt. Hà Tiên nằm ngay trên đầu mối của một trong những tuyến thương mại cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, kết nối Ấn Độ Dương với biển Đông qua eo Kra từ các thế kỷ gần CN. Óc Eo, cảng thị quan trọng nhất của vương quốc cổ Phù Nam cũng năm trên trục giao thương này.

Sự phát triển của Hà Tiên diễn ra trong một khung cảnh quan trọng của lịch sử hạ lưu sông Mekong vào thời sơ kỳ hiện đại. Sự mở rộng của các dự án nhà nước tập quyền của người Việt, Khmer, và Thái đến vùng đông nam của bán đảo Đông Dương. Các sử gia về Đông Nam Á gọi đây là những vùng đất tự trị cuối cùng ở châu Á trước khi chúng bị sáp nhập thành lãnh thổ của các nhà nước tập quyền (“the Last Stand of Asian Autonomies”: Anthony Reid 1997). Các học giả khác thì gọi vùng đất này là “đường biên nước” (water frontier), nơi chứng kiến khoảng trống quyền lực nhà nước cuối cùng ở Đông Nam Á với sự dịch chuyển tự do của dòng di cư, thương mại, và xung đột chính trị (Li Tana-Nola Cooke 2004).

Khung cảnh thương mại khu vực trở thành môi trường nuôi dưỡng cho sự thịnh vượng của Hà Tiên, trong một thế kỷ huy hoàng và cực kỳ sôi động trên vùng vịnh Thailand. Trước hết là sự mở rộng của người Thái xuống phía nam, tiến ra biển và bắt đầu nhòm ngó vùng duyên hải từ Chanthaburi, Trat đến Hà Tiên, nơi tập trung các trung tâm sản xuất gỗ, lúa gạo, hải sản, đóng thuyền, lâm sản như đậu khấu, da hươu, gỗ đàn hương, ngà voi… Khi Ayutthaya bị người Miến đốt cháy vào năm 1767, người Thái đã từ bỏ kinh đô phía Bắc và bắt đầu chuyển xuống Thonburi-Bangkok, chỉ cách vùng vịnh Thailand chưa đầy 20 km. Cùng lúc đó, người Malay bắt đầu gia tăng các hoạt động thương mại lên phía Bắc của vùng vịnh, dùng thiếc và vũ khí phương Tây đổi lấy gạo.

Trung Quốc là một trong các thị trường quan trọng của Hà Tiên. Thế kỷ XVIII được coi là thời kỳ “thịnh trị” Khang Hy-Ung Chính-Càn Long, đánh dấu với sự gia tăng dân số gấp đôi từ 150 triệu lên hơn 300 triệu (từ năm 1700 đến năm 1800), dẫn đến nhu cầu lương thực gia tăng mạnh dọc theo duyên hải từ Quảng Đông lên Phúc Kiến. Các cuộc di cư xuống phía Nam buôn bán và nhập khẩu gạo đều hướng đến hai đồng bằng là Mekong và Chao Phraya, trong thời kỳ được gọi là “thế kỷ người Hoa” ở Đông Nam Á (1740-1840) (Anthony Reid 2004). Hà Tiên nằm ở trung tâm của hai vùng cung cấp lúa gạo chủ đạo ở Đông Nam Á. Với vị trí đó, Hà Tiên đóng vai trò là một trong những hải cảng quan trọng nhất ở Đông Nam Á thế kỷ XVIII, theo đề xuất của Li Tana và Paul A. Van Dyke trong khảo cứu của họ về hệ thống trao đổi giữa Quảng Châu và biển Đông (2007). Bảng dưới đây cung cấp số liệu về lượng thiếc nhập khẩu của Quảng Châu từ Đông Nam Á. Hà Tiên ở đây xuất hiện với tên gọi “Cancao” (Bảng 1).


Bảng 1. Nhập khẩu thiếc của Quảng Châu từ Đông Nam Á, 1758-1774. Đơn vị: piculs: 60.479 kg. Nguồn: Li Tana và Paul A. Van Dyke 2007.


Phần mô tả về Hà Tiên trong bản đồ Châu Á của Pierre M. Lapie. Nguồn: Atlas Universel De Geographie Ancienne Et Moderne, Paris : Eymery Fruger et Cie, [1833].

Nguồn thiếc này, theo gợi ý của sử gia Barbara W. Andaya (ĐH Hawaii) trong công trình nghiên cứu về lịch sử đảo Sumatra thế kỷ XVIII, là đến từ Palembang và Bangka – các trung tâm sản xuất thiếc lớn nhất ở Đông Nam Á sơ kỳ hiện đại (Andaya 1993, Reid 2004). Không chỉ là điểm trung chuyển như ghi chép của các thuyền Hà Lan thường xuyên ghé qua Hà Tiên, lấy hạt tiêu đổi muối và gạo, Hà Tiên còn là đầu mối thông thương của hạ lưu Mekong ở thế kỷ XVIII. Không chỉ kết nối với vùng núi Đậu Khấu, cao nguyên ở Lào và Cambodia, mà còn hệ thống thương mại dọc theo các kênh rạch và vùng ngập nước bờ Tây sông Hậu. Giáo sĩ người Pháp Levavasseur đã đi qua các vùng ngập lụt này và thông báo rằng ông ta đã thấy hơn 50 thuyền mành đang trao đổi hàng hóa.

Sức mạnh của một trung tâm giao thương không chỉ cho phép vùng đất này có khả năng đúc tiền riêng, mà còn được biết đến như một huyền thoại về sự thịnh vượng xung quanh biển Đông và vịnh Thailand. Một chỉ dấu chính là việc vùng đất này được biết đến bởi nhiều nhóm người với nhiều tên gọi. Đại Nam Nhất Thống chí gọi vùng đất này là Mang Khảm, Trúc Phiên Thành, Đồng trụ trấn. Người Hoa gọi vùng này là Phương Thành, Cảng Khẩu, Cảng Khẩu Quốc. Tên này có lẽ được phiên lại trong các ghi chép Phương Tây là Cancao, trong khi tên gọi khác là Ponthaimas có lẽ đến từ tiếng Khmer và Thái. Người Khmer gọi vùng đất này là Peam hay Bantay Mas (Bức tường vàng), người Malay gọi là Pantai Mas (Bờ biển Vàng) hay Kuala (Cửa sông), người Thái gọi là Ponthaimas, Phutthaimas hay Ban-Thaay-Mas (Cánh cổng vàng).

Giai đoạn phát triển đỉnh cao của Hà Tiên là giữa những năm 1740 và 1760 sau cuộc đàn áp người Hoa ở Java và tàn phá Ayutthaya của người Miến. Trong các thập kỷ này, Hà Tiên trở thành cảng quan trọng nhất trong vùng vịnh Thailand giao thương với Trung Quốc. Hàng hóa như thiếc, đồng, gạo, hạt tiêu, muối, và sản phẩm rừng là nguồn cung cấp quan trọng cho Quảng Châu.

Sự gắn kết của Hà Tiên vào Việt Nam

Có sự liên hệ tự nhiên đặc biệt giữa Hà Tiên với chính quyền Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Cam kết chính trị và quân sự mạnh mẽ của vùng đất này với Phú Xuân không chỉ trong cuộc chiến tranh với Chân Lạp và Siam, mà còn là công cuộc phục hưng và cuộc chiến tranh 30 năm của Nguyễn Ánh ở vùng hạ lưu Mekong, cũng như đối với việc hoạch định biên cương nhà Nguyễn sau này (xem thêm Tạp chí Tia Sáng số 17 ngày 5/9/2017).

Hà Tiên sớm can dự, thậm chí là trở thành tâm điểm của các cuộc chiến tranh này và gia nhập vào không gian “Việt Nam”. Không chỉ chấp nhận danh hiệu Tổng Binh năm 1708 và Tổng Binh năm 1735, họ Mạc đã trở thành một đồng minh/ chư hầu quan trọng của Đàng Trong trong cuộc tranh chấp quyền lực khu vực. Thực tế là họ Mạc cần chúa Nguyễn để chống lại các cuộc xâm lược thường xuyên của người Thái và Khmer bởi vị thế cực kỳ dễ bị tập kích của Hà Tiên. Người Việt cũng cần kiểm soát vùng đất này như cửa ngõ bảo vệ cho dự án lãnh thổ ở hạ lưu Mekong của mình. Sự gia nhập của Hà Tiên vào Việt Nam vì thế là một quá trình tự nhiên.

Họ Mạc đã tìm cách gắn kết với người Việt bằng nhiều cách thức khác nhau. Mạc Cửu kết hôn với người vợ Việt ở Biên Hòa là Bùi Thị Lẫm, trong khi em gái ông kết hôn với Trần Đại Định (con trai của Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai). Hà Tiên còn tìm kiếm sự kết nối với không gian Việt Nam thông qua góc độ văn hóa, tôn giáo. Sử gia người Singapore, Claudine Ang trong luận án về các dự án văn minh và nhà nước ở vùng biên của Việt Nam (Cornell University 2012) đã làm nổi bật vai trò của những nhân vật như Nguyễn Cư Trinh, Mạc Thiên Tứ trong việc định hình nên cấu trúc mở rộng của lịch sử Đàng Trong. Đó cũng chính là đóng góp của họ đối với lịch sử hình thành nên hình thể Việt Nam hiện đại. Cũng chính từ những vùng đất trù phú như Hà Tiên, Phú Quốc, Gia Định… mà vương triều Nguyễn được thiết lập năm 1802, triều đại đầu tiên thống nhất lãnh thổ Việt Nam như chúng ta được thừa hưởng ngày nay.

Vai trò của vùng đất này trong việc định hình nên cấu trúc lịch sử Việt Nam sẽ còn tiếp tục ở thế kỷ XIX. Thời kỳ Minh Mệnh, cùng với dự án chính trị thống nhất lãnh thổ là việc xóa bỏ chế độ thế tập cai trị tại các vùng biên và vùng núi sẽ lần đầu tiên biến vùng đất này thành đơn vị hành chính trực thuộc Huế. Trong khi các thủ lĩnh miền núi được thay thế bằng các quan lại miền xuôi do Huế cắt cử thì ở Hà Tiên, xóa bỏ chế độ thế tập của dòng họ Mạc. Từ đây tỉnh Hà Tiên ra đời, nơi ghi dấu ấn các chiến dịch quân sự trên kênh Vĩnh Tế ngăn chặn cuộc xâm lược của Bangkok, và là trung tâm của hệ thống phòng thủ quân sự vùng biên của Việt Nam cả trên bộ lẫn trong vùng Vịnh.

Bản đồ tỉnh Hà Tiên thời Nguyễn. Các yếu tố thể hiện trên bản đồ bao gồm: trụ sở hành chính trong ô vuông: Tỉnh Hà Tiên và Phủ An Biên. Phía bắc tỉnh Hà Tiên giáp gianh địa giới tỉnh An Giang, phía tây giáp Cao Miên và phía nam là đảo Phú Quốc. Nguồn: Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ, EFEO Microfilm, A.1600.

Cuối cùng, Hà Tiên là mảnh ghép sống động và không thể tách rời trong bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của lãnh thổ hình chữ S của nước Việt Nam hiện đại. Lịch sử vốn phức tạp với nhiều tầng bậc và các mối quan hệ đan xen. Hà Tiên là ví dụ đặc sắc cho một thực thể lịch sử như thế. Nổi lên giữa các luồng văn hóa, dòng di cư, thương mại, và xung đột khu vực; để tìm kiếm một phương thức tồn tại, Hà Tiên đã tìm kiếm sự gắn kết vào không gian lịch sử Việt Nam một cách chủ động. Sự tham gia của vùng đất này rõ ràng đã làm gia tăng sự đa dạng của cấu trúc không gian và các diễn trình lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng thì chúng ta tự hào rằng có nhiều cách thức khác nhau để trở thành Việt Nam hiện đại, và trong sự thống nhất, đa dạng đó, Hà Tiên góp phần tạo dựng nên diện mạo của lãnh thổ Việt Nam. Hà Tiên không chỉ là chặng cuối của quá trình Nam tiến, mà còn là cửa ngõ của Việt Nam mở ra vùng vịnh Thailand và phía Tây.
--------
Tham khảo
David Chandler. A History of Cambodia. Silkworm Books: Chiang Mai, 2000.
Li Tana. Mạc Thiên Thứ (1700–1780): “King of Cambodia”, Southeast Asia: A Historical Encyclopedia, from Angkor Wat to East Timor, edited Ooi Keat Gin. ABC Clio, 2004.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục. Nxb Giáo Dục: HN, 2010.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Liệt Truyện. Nxb Thuận Hóa: Huế 2005.
Sakurai,Yumio, and Takako, Kitagawa. “Ha Tien, or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya.” Pp. 150–220 in From Japan to Arabia:Ayutthaya’s Maritime Relations with Asia. Edited by Kennon Breazeale. Bangkok: Foundation for the Promotion of Social Sciences and Humanities Textbooks Project. 1999.
Sellers, Nicholas. The Princes of Hà-Tiên (1682–1867). Brussels: Éditions Thanh Long, 1983.
Trần Kinh Hòa..“Mac Thien Tu and Phrayatakin, a Survey on Their Politics Stand, Conflicts and Background.” Pp. 1534–1575 in VII IAHA Conference Proceedings, vol. 2. Bangkok: Chulalongkorn University Press, 1979.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa: Sài Gòn, 1972
Trương Minh Đạt. Nghiên cứu Hà Tiên. Nxb Trẻ: TP HCM, 2008
Vũ Thế Dinh. Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả. Nguyễn Văn Nguyên dịch, Nxb Thế Giới, Hà Nội: 2006.


http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Ha-Tien-va-su-hinh-thanh-nuoc-Viet-Nam-hien-dai-10940

Phần nhận xét hiển thị trên trang

..Từ từ, êm ái và chắc chắn.


Nghiên cứu khoản viện trợ 1 tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc
30/09/2017 Việt Nam và Trung Quốc khởi động nghiên cứu khả thi việc sử dụng khoản viện trợ trong gói 1 tỷ Nhân dân tệ để xây dựng Học viện Y dược học cổ truyền tại Việt Nam trong năm 2017, Bộ Công Thương cho hay.

Quang cảnh kỳ họp diễn ra ngày 28/9.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Yến ngày 28/9 đã cùng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Tại Kỳ họp, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế thương mại hai nước, đồng thời trao đổi một cách sâu rộng về các vấn đề kinh tế, thương mại, công nghiệp song phương cùng quan tâm.

Bộ Công Thương cho biết: "hai Bên vui mừng nhận thấy quan hệ thương mại Việt - Trung tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng tích cực, kim ngạch nhập siêu tuy còn cao song đã từng bước giảm dần. Theo thống kê của phía Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; nhập siêu giảm 13,67% so với năm 2015". 


Hết tháng 8/2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung đạt 55,2 tỷ USD, tăng gần 23,6% so với cùng kỳ 2016; nhập siêu 17,7 tỷ USD, giảm 5,76%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.

Ngoài ra, hai Bên cũng trao đổi sâu rộng về các vấn đề hợp tác song phương trong lĩnh vực đầu tư, cơ sở hạ tầng và công nghiệp, trong đó nhất trí tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề tại các Dự án như Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Dự án Đạm Ninh Bình; sớm trao đổi bàn bạc ký kết Danh mục các dự án trọng điểm kèm theo “Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 05 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung”; tích cực trao đổi, đàm phán để sớm ký kết Hiệp định thay thế Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung năm 1992.

Đồng thời, hai bên “khởi động nghiên cứu khả thi việc sử dụng khoản viện trợ trong khuôn khổ gói 1 tỷ Nhân dân tệ hỗ trợ Việt Nam trong vòng 5 năm để xây dựng Học viện Y dược học cổ truyền tại Việt Nam năm 2017... ”, Bộ Công Thương cho hay.

Kết thúc kỳ họp, hai bên đã ký Biên bản kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt - Trung.

L.Bằng

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/nghien-cuu-khoan-vien-tro-1-ty-nhan-dan-te-cua-trung-quoc-401580.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đời người chẳng hề dễ dàng, 5 câu nói giúp bạn sống an nhiên, tự tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào


Trên chặng đường đời, phải trải qua mưa gió mới mong đến một ngày bình yên, phải dấn thân vào đêm đen mới đến được ngày mai trời sáng. Dưới đây là 5 câu nói giúp bạn nhận được thọ ích suốt đời.
Câu thứ nhất: Đừng tính toán quá nhiều, hãy thuận theo tự nhiên
Đừng tính toán thiệt hơn, cũng đừng van nài cầu xin người khác. Đôi khi, nghĩ ngợi càng nhiều tâm lại càng bấn loạn, càng không nhận được hồi đáp như bạn mong đợi. Bạn sẽ nhận ra rằng, khi không còn truy cầu thì điều ấy lại tự tìm đến bạn một cách bất ngờ. Có những thứ bạn không thể nắm giữ, nên tốt nhất hãy thuận theo an bài của tự nhiên.
Đừng tính toán thiệt hơn, cũng đừng van nài cầu xin người khác. Ảnh pexels.com
Câu thứ hai: Kìm nén bản thân là không cần thiết, nịnh nọt người khác lại càng không nên
Trong bất cứ khó khăn nào, cũng đừng để ánh mắt của người khác thao túng bản thân mình. Điều trân quý nhất khi đối diện với người đời chính là nhân cách của bạn. Khi cần nói thì nói, cần làm thì làm, không phải lo trước sợ sau, như vậy sẽ không bị người khác xem thường, hơn nữa bạn còn có cơ hội được đối xử bình đẳng và nhận được sự tôn trọng từ họ.
Trong các mối quan hệ thì có chừng 1/3 số người đối xử với bạn bình thường, 1/3 số người thấy “dị ứng” về bạn và 1/3 số người còn lại đối xử tốt với bạn. Vậy nên, tùy người mà đối đãi một cách chân thành để có thể khơi dậy thiện niệm và sự ủng hộ của họ. Những người đối tốt với mình thì cần biết trân trọng; những người trung lập thì cần tranh thủ sự ủng hộ của họ; còn những người thù địch thì cần biết khoan dung.
Đừng tự ti hay kiêu ngạo, hãy là chính bản thân mình. Cứ coi cuộc đời như một sân khấu lớn, và bạn là một nhân vật trong vở kịch ấy. Hãy nhập vai tốt nhất có thể để đặt định những giá trị cho tương lai. Chỉ cần luôn giữ thiện niệm trong tâm và kiên trì tu dưỡng bản thân thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn.
Giữ thiện niệm trong tâm và kiên trì tu dưỡng bản thân thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn. Ảnh youtube.com
Câu thứ ba: Mỗi người cần có 3 tầm nhìn: Một là nhìn xa, hai là trông rộng, ba là coi nhẹ
Nhìn xa
Hãy chắp cho tư tưởng của mình một đôi cánh của trí tưởng tượng, hãy mở toang cánh cửa của tâm hồn, và tự tin vững bước lên đỉnh núi. Vào giây phút ấy, hãy lắng lại lòng mình, đưa mắt nhìn thật xa, và trải nghiệm cảm giác siêu nhiên khi những ngọn núi cũng trở thành bé nhỏ. Lúc này bạn sẽ nhìn rõ hơn phương hướng cho tương lai của mình.
Trông rộng
“Trông rộng” là tư duy rộng rãi và tấm lòng quảng đại thoáng đãng, cũng là đối đãi với mọi người công bằng như nhau. Với những người cao quý, đó là thể hiện của một nhân cách đẹp; với những người xuất thân khiêm tốn, đó lại là cốt cách của tấm lòng thiện lương.
Người có tư duy rộng rãi và tấm lòng quảng đại thoáng đãng, cũng là đối đãi với mọi người công bằng như nhau chính là biết trông rộng. Ảnh dẫn theo yogajournal.com
Coi nhẹ
Coi nhẹ không phải là nuông theo dục vọng bản thân, mà là trân trọng những thứ cuộc đời ban tặng mình. Những thứ thuộc về mình thì mãi là của mình; những thứ không thuộc về mình thì ngàn vàng cũng không động tâm tơ tưởng. Coi nhẹ là giữ chặt những gì mình có, trân quý hạnh phúc của mình, không tranh đua với đời, sống đơn giản mà hạnh phúc. Những người có tấm lòng bình thản thường sống trường thọ với tâm thái bình ổn an hoà.
Câu thứ tư: Tin vào chính mình quan trọng hơn dựa vào người khác
Làm người ắt phải suy nghĩ, phải có trách nhiệm với xã hội và tin rằng dựa vào chính mình quan trọng hơn dựa vào người khác.
Chỉ cần bản thân luôn tận tâm làm tốt những gì cần làm, làm cho cá nhân mình cũng nhiệt tình như khi cống hiến cho xã hội. Làm cho chính mình, bạn sẽ thêm hoàn thiện bản thân; cống hiến cho xã hội, bạn sẽ tích lũy những giá trị đạo đức vô hình. Dù cho đường đời gặp phải trở ngại thế nào thì hãy cứ nỗ lực hết khả năng, còn kết quả thì nhường cho số phận an bài. Như vậy bạn sẽ không phải nuối tiếc hay ân hận vì mình đã không cố gắng, mà việc thành hay bại, tốt hay xấu vẫn có thể thản nhiên chấp nhận mà bước tiếp.
Dù cho đường đời gặp phải trở ngại thế nào thì hãy cứ nỗ lực hết khả năng, còn kết quả thì nhường cho số phận an bài. Ảnh dẫn theo lifehack.org
Câu thứ 5: Nén giận, khom lưng, mới có ngày ngẩng cao đầu
Nén giận
Cuộc sống hiện thực đầy rẫy những cám dỗ, để nén được cơn giận đâu có dễ dàng gì! Nếu không thể nuốt giận vào lòng, có thể bạn sẽ mất đi lý trí, thậm chí là dấy động can qua, làm tổn thương người, lỡ mất cơ duyên của chính mình. Trên hành trình của kiếp nhân sinh, khó tránh khỏi những lúc suy sụp hoặc lúc không như ý. Thay vì oán trời trách người, nguyền rủa số mệnh bất công, thì hãy học cách nén giận.
Người có khả năng nhẫn chịu là người cơ trí, là kết tinh của trí huệ, là thước đo cho sự trưởng thành. Con người sống trên đời chỉ như một con thuyền nhỏ giữa đại dương mênh mang. Chỉ khi bản thân có thể chèo lái, thong dong đối diện với sóng dữ phía trước mà không bị kinh động bởi những sự việc bên ngoài, thì mới có thể cưỡi gió phá sóng, đưa con thuyền cập vào bến bờ hạnh phúc và bình an.
Khom lưng
Làm người phải trầm lặng và khiêm nhường. Biển mênh mông là vì biết hạ thấp mình, thế nên trăm sông mới cùng đổ về biển lớn, giúp biển ngày càng dài rộng thêm. Cổ nhân có Hàn Tín chịu nhục chui háng, sau này đã thành tựu nên cơ nghiệp 400 năm của Đại Hán. Tư Mã Thiên cũng chọn cách khom lưng nhẫn nhục, viết nên kiệt tác lưu danh thiên cổ. Có thể thấy rằng khom lưng là một phong thái, là sự tự tin toát ra từ nội tâm của bậc đại trí huệ và có cốt cách. Trúc xanh vì khom lưng mà không sợ mưa gió, cây lúa vì khom lưng mà mùa màng bội thu.
Ngẩng cao đầu
Ngẩng cao đầu là tiến về phía trước dẫu con đường đời gập ghềnh gian nan. Ảnh dẫn theo vivobarefoot.com
Dù ở trong hoàn cảnh trái ngang hay thuận buồm xuôi gió, bạn cũng nên giữ cho mình một tâm thái lạc quan, hướng đến tương lai.
Nhưng ngẩng cao đầu không phải là cậy thế lấn át người khác, cũng không phải là kiêu ngạo coi thường tất cả. Ngẩng cao đầu là đối đãi với người khác một cách khiêm tốn và công bằng, không lấy sở trường của mình so với sở đoản của người khác, dám đối diện với thiếu sót của bản thân, thấy bậc hiền tài thì học hỏi cho bằng bạn bằng bè. Họ không phải là người vì mình bất tài mà ghen ghét, đố kỵ, mà là sự sáng suốt tự biết khả năng của mình và không ngừng hoàn thiện bản thân thuận theo Thiên đạo.
Theo NTDTV
Minh Nguyệt biên dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc?



Nguyễn Quang Dy
“Chưa kết thúc” (unfinished business) không phải là chữ của tôi mà là của đạo diễn phim này. Một số bạn bè bảo tôi bình luận về phim “The Vietnam War” (Ken Burns & Lynn Novik, PBS, Sept 2017). Khó quá vì tôi đã xem hết đâu mà dám bình luận. Ở Việt Nam làm sao xem được PBS. Dù có trong tay trọn bộ 10 tập phim (dài 18 giờ) thì cũng phải mất vài ngày mới xem hết. Vì vậy đành phải xem lướt qua một lượt (fast forward) để có khái niệm, chỉ dừng lại xem đoạn nào cần thiết, như đọc lướt (skim-reading) một cuốn sách quá dầy. Thứ nhất, phim này dài quá, dù có kiên trì xem hết thì cũng dễ bội thực. Thứ hai, mới xem qua một lượt đã có cảm tưởng “Déjà Vu” nên cũng mất hứng thú. Thứ ba, tôi tò mò muốn lắng nghe xem các bên bình luận thế nào (tuy không biết các vị đó đã xem hết chưa). Vì vậy, bài viết này đơn giản chỉ là một số ấn tượng chung ban đầu, chứ không phải bình luận chi tiết.
Thành công gây tranh cãi  
Ấn tượng đầu tiên là một bộ phim tài liệu làm rất công phu (chuẩn bị 10 năm), khá tốn kém (kinh phí hơn $30 triệu) và đầy tham vọng. Tuy nó không thua kém “Vietnam: A Television History”, Richard Ellison & Stanley Karnov, 1983, (gồm 13 tập, dài 780 phút), nhưng Ken Burns & Lynn Novik còn tham vọng hơn. Họ muốn dùng cái nhìn mới mẻ và “cân bằng” (balance) để lý giải lại cuộc chiến tranh, và tìm cách “hàn gắn” vết thương (healing). Họ đã công phu sưu tầm và sử dụng nhiều tư liệu, hình ảnh, bản nhạc đa dạng (như sử dụng 25,000 ảnh tư liệu và phỏng vấn 80 nhân chứng thuộc các bên liên quan). Kết quả là một bộ phim lớn được dư luận đánh giá cao như một “bộ sử thi” (Epic).  Nhưng một số người khác lại cho rằng bộ phim này chỉ đạt được “cân bằng giả tạo” (false balance), vì tìm cách đánh đồng “hai phía đều có lỗi”, để gián tiếp thanh minh cho chính sách của Mỹ. Nhưng có một nghịch lý là phim nào càng gây tranh cãi ồn ào thì lại càng nổi tiếng và ăn khách.
Thứ hai, chính vì muốn “cân bằng” và “hàn gắn” mà phim này dễ gây tranh cãi và dễ bị cả hai phía phê phán. Trong khi người Mỹ nói chung đánh giá cao bộ phim này thì một số người khác (kể cả các cựu chiến binh) tỏ ra thất vọng vì tác giả đã vô tình (hay cố ý) chọn các câu chuyện và nhân chứng một cách có chủ định, nhưng bỏ qua nhiều câu chuyện và nhân chứng quan trọng khác liên quan đến cuộc chiến. Đa số người Việt (cả hai phía) gồm cả “bên thắng cuộc” (Chính quyền Cộng sản) và “bên thua cuộc” (những người Chống Cộng) lại tỏ ra không hài lòng đối với bộ phim này. Có thể do lòng hận thù của những người cực đoan (cả hai phía) vẫn chưa nguôi, nên cuộc chiến chưa thực sự chấm dứt trong tâm thức của họ, mặc dù chiến tranh đã chấm dứt cách đây 42 năm. Có thể các nhà làm phim sơ suất. Ví dụ trong phim không thấy bóng dáng mấy nhân vật huyền thoại gắn liền với Chiến tranh Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn (“Điệp viên Hoàn hảo”), Neil Davis (NBC Bureau Chief, mất 1985), Nayan Chanda (tác giả “Brother Enemy” và YaleGlobal Online), Tim Page (photographer).
Thứ ba, dù có nhiều cố gắng đáng kể để “cân bằng”, nhưng bộ phim này vẫn gây ấn tượng là phim của Mỹ, nói về các vấn đề của người Mỹ chứ chưa thực sự đề cập đến các vấn đề mà người Việt quan tâm. Điều đó cũng dễ hiểu vì tác giả là người Mỹ. Trong số 24 cố vấn và trợ lý, có một số người Việt tham gia, nhưng tiếng nói của họ chắc là thiểu số. Tuy có nhiều người Việt (gồm cả hai phía) được phỏng vấn, nhưng một số người vẫn cho là “thiếu công bằng”, trong khi cuộc chiến diễn ra tại Việt Nam (mà chủ yếu là tại Miền Nam). Tuy nói rằng chiến tranh đã lan sang tới Mỹ (như bạo lực tại Kent State University đã làm 4 sinh viên thiệt mạng) nhưng đó chỉ là “sideshow” khá nhỏ. Theo thống kê chính thức, “bên thắng cuộc” có khoảng một triệu lính chết, và “bên thua cuộc” có khoảng 310.000 lính chết, trong khi cả hai bên có khoảng hai triệu thường dân bị thiệt mạng, tổng số có 3-4 triệu người Việt bị thiệt mạng, so với 58.000 lính Mỹ bị chết (và 305.000 bị thương). Trong chiến tranh, tỷ lệ thương vong của Việt Cộng so với phía Mỹ thường gấp mười lần (“ten to one” ratio), nhưng người Mỹ chỉ quan tâm đến số lính Mỹ bị chết, và việc “đếm xác” (body count) là một trò chơi gian lận.
Tù nhân của quá khứ
Trong khi hầu hết, nếu không phải tất cả (gần 2.000) lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (MIA) đã được thống kê, xác minh và tìm kiếm hài cốt để trao trả, nhiều nhà báo quốc tế (có quốc tịch khác nhau) bị mất tích trong chiến tranh (MIA) vẫn chưa được thống kê, xác minh để tìm kiếm hài cốt. Các nhà báo còn sống sót trong nhóm “Vietnam Old Hack” như Tim Page (phóng viên nhiếp ảnh) đã thống kê được một danh sách hơn 70 nhà báo bị mất tích (hầu hết trong giai đoạn 1970-1971). Nhưng các nhà báo còn sống sót nay đã già yếu, không có nguồn lực và thông tin cần thiết để tìm kiếm, trong khi các chính phủ (bao gồm chính phủ Mỹ và Việt Nam) hầu như không quan tâm. Bộ phim Chiến tranh Việt Nam cũng bỏ qua chuyện này. Đối với những người đã chết (dù của phía nào) và gia đình hay bạn bè của họ, đây không chỉ là “Nỗi buồn Chiến tranh”, mà còn là món nợ tâm linh và đạo lý, có thể để lại một vết đen đáng xấu hổ về nhân cách trong lịch sử mà con cháu chúng ta sẽ truy vấn. Tại sao bóng ma Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chết, vẫn ám ảnh và trỗi dậy mỗi khi có dịp?
Hệ quả thảm khốc và lâu dài của Chiến tranh Việt Nam đối với người dân (chết/mất tích/thương tật) trong chiến tranh (trực tiếp do bom đạn) và sau chiến tranh (gián tiếp do môi trường bị hủy diệt và nhiễm độc) thật khủng khiếp. Theo số liệu chính thức, Mỹ đã ném xuống Việt Nam 7,8 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn tổng số bom đạn Mỹ đã sử dụng trong Đại chiến II. Người Việt tiếp tục là nạn nhân của chất độc da cam (với 19 triệu gallons Agent Orange được rải), và bom mìn chưa nổ (với hơn 40.000 người dân bị chết vì UXO). Nếu sau chiến tranh, nhiều cựu binh Mỹ trở về nước bị “hội chứng PTSD” (Post-Traumatic Stress Disorder) thì hầu hết người Việt sau chiến tranh cũng bị chấn thương tâm lý bởi “hội chứng chiến tranh” (chẳng khác gì “Hội chứng Stockhom”), tuy họ là những người dân vô tội. Cho đến nay, trong tiềm thức và ẩn ức của nhiều người Việt, dường như họ vẫn chưa thoát khỏi cuộc chiến, như “tù nhân của quá khứ” (prisoners of the past). Chắc nhiều người còn nhớ, năm 1964 tướng không quân Curtis LeMay đã ngạo mạn kêu gọi ném bom Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.
Không biết Chiến tranh Việt Nam có xô đẩy đất nước này trở về thời đồ đá hay không, nhưng hệ quả khôn lường của nó đã làm tổn thương và ám ảnh hai quốc gia này suốt nửa thế kỷ qua như một định mệnh (karma). Ai cũng biết không thể thay đổi được quá khứ và muốn hướng tới tương lai, nhưng làm thế nào là chuyện không hề dễ. Ý tưởng của Ken Burns & Lynn Novik về bộ phim “The Vietnam War” tuy tuyệt vời, nhưng rất khó làm, vì kể chuyện gì và kể thế nào về một bi kịch đẫm máu và vô cùng phức tạp khi đã có quá nhiều người kể rồi. Tôi nhớ lần gặp Lynn Novik tại Hà Nội (hình như năm 2013), tôi không muốn tham gia vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì lý do cá nhân. Cuối tháng 4/1995, khi nhận lời tham gia “Speaking Tour” tại Mỹ cùng một số nhà báo quốc tế trong dịp kỷ niêm “20 năm kết thúc chiến tranh”, tôi đã trót nói rằng đây là “lần chót” tham gia bàn về Chiến tranh Việt Nam. Kỷ niệm “10 năm” (1985) là cần thiết. Kỷ niệm “20 năm” (1995) là quá đủ rồi. Hãy bàn về tương lai. Tại sao chúng ta không bàn về những bài học thời hậu chiến, hay xung đột tại Biển Đông?
Quá ít và quá muộn
Tại sao 20 năm sau chiến tranh, Robert McNamara mới thừa nhận sai lầm? (“In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam”, 1995). Đối với một người “thông minh tài giỏi” như ông ấy, điều này là “quá ít và quá muộn” (too little too late). Ngay từ đầu thập niên 1960, George Ball (thứ trưởng ngoại giao thời Kennedy và Johnson) đã khuyên Tổng thống đừng đưa quân vào Việt Nam, nhưng chẳng ai nghe lời khuyên của ông ấy. George Ball đã từ chức (1966). Tương tự, Archimedes Patti (đại diện OSS tại Hà Nội, năm 1945) cũng nói rằng chẳng ai nghe lời khuyên của ông ấy về Việt Nam (“Why Vietnam: Prelude to America’s Albatross”, 1982). Trong phim không thấy nhắc đến Archimedes Patti và George Ball, nhưng lại nói nhiều đến Leslie Gelb và John Negroponte. Tại sao Việt Nam? Tại sao Iraq? Tại sao không tránh được sai lầm? TNS Fulbright gọi đó là sự “Ngạo mạn của Quyền lực” (Arrogance of Power). Một số người khác gọi đó là vô minh vì không hiểu kẻ thù (ignorance) hay thiếu tử tế (indecency). Nó lý giải tại sao 42 năm sau, bi kịch Việt Nam vẫn chưa kết thúc.
Người ta tiếp tục viết sách, làm phim về Chiến tranh Việt Nam (nếu có kinh phí) để mô tả và lý giải nguyên nhân cũng như hậu quả kinh hoàng của nó. Nhưng người ta thường dễ ngộ nhận và tiếp tục mắc sai lầm. Sai lầm lớn nhất của người Mỹ (và cả người Việt) là đã choảng nhau chí mạng như kẻ tử thù, tưởng là để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, nhưng hóa ra lại giúp họ trỗi dậy và từng bước gạt Mỹ ra khỏi khu vực này để độc chiếm Biển Đông. Nay khi người Mỹ và người Việt tỉnh ngộ ra, muốn bắt tay nhau làm đồng minh thì e rằng hơi muộn. Chiến tranh Việt Nam là một nghịch lý lớn. Nhưng các sự kiện diễn ra sau đó là một nghịch lý còn lớn hơn. Đó là những nghịch lý chết người đã xô đẩy hai quốc gia này vào cạm bẫy ý thức hệ và bãi lầy lịch sử mà lối thoát còn chập chờn như ảo ảnh tận cuối đường hầm.
NQD. 30/9/2017 
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-9-17
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mức án nào đang chờ đợi đại gia Trầm Bê?


Mức án nào đang chờ đợi đại gia Trầm Bê?
Trong quá trình làm việc của mình, ông Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1.854 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê là một doanh nhân gốc Hoa, sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Vị doanh nhân này được biết đến là một trong những đại gia "khét tiếng" ngành ngân hàng".
Trước khi bị vướng vào vòng lao lý, ông Trầm Bê từng tham gia, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các ngân hàng trong nước như thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), Phó chủ tịch ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...
Ngày 1/8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) cho biết đã tiến hành bắt giữ ông Trầm Bê và tạm giam 4 tháng.
Trước khi bị bắt, thông tin từ tờ Tiền Phong cho biết, ông Trầm Bê đã vào "tầm ngắm" của Cơ quan điều tra từ năm 2015. Vào tháng 11/2015, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký một bản kết luận điều tra.
Theo đó, liên quan tới việc rút tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thông qua Sacombank, VNCB bị thiệt hại 1.940 tỷ đồng. Kết luận cũng cho rằng hành vi này có liên quan tới trách nhiệm của ông Trầm Bê.
Mặc dù hành vi của ông Trầm Bê và các thuộc cấp không gây thiệt hại gì cho Sacombank nhưng ông Trầm Bê vẫn bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Ngày 29/9/2017, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơn truy tố bổ sung ông Trầm Bê vì hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Theo quy định tại điều luật này thì:
"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Trong quá trình làm việc của mình, ông Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh chỉ định vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1.854 tỷ đồng. Quá hạn vay, cả 6 công ty này đều không trả nợ được, do đó Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng.
Như vậy, nếu chiếu theo luật, ông Trầm Bê có thể chịu mức án tù từ 10 - 20 năm, tịch thu tài sản và bị cấm đảm nhiệm công việc liên quan đến ngành ngân hàng từ 1 - 5 năm.

Trước khi bị truy tố, đại gia Trầm Bê có bao nhiêu tiền?

Ngoài số cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng, đại gia Trầm Bê còn sở hữu tòa lâu đài cực "khủng" tại Trà Vinh cùng bệnh viện đa khoa và công ty chế biến thủy sản.
Hôm nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã hoàn tất hồ sơn truy tố bổ sung ông Trầm Bê - Nguyên Phó chủ tịch ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Ông Trầm Bê bị truy tố vì hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Những sai phạm này đều có liên quan đến đại án Phạm Công Danh. Ông Trầm Bê bị truy tố vì đã gây thiệt hại 1.835 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), sau đổi tên là Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trước khi bị truy tố, đại gia Trầm Bê có bao nhiêu tiền?
Ông Trầm Bê
Trước đó, ông Trầm Bê nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC), Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (TrieuAnHospital)...
Chính vì vậy, ông Trầm Bê nắm trong tay một số lượng lớn cổ phiếu của các đơn vị mà ông đã từng kinh qua. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2016, vị đại gia này nắm giữ hơn 27,65 triệu cổ phiếu STB của Sacombank. Tính đến hết phiên giao dịch chiều nay, cố phiếu này đang ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc ông Trầm Bê có khoảng 346 tỷ đồng.
2.657.343 cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 3,06% là số cổ phiếu BCI của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh ông Trầm Bê có tính đến hết năm 2016. Cổ phiếu này giao dịch ở mức 29.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị sở hữu của ông Trầm Bê là 79,2 tỷ đồng. Tổng cộng, 2 mã cổ phiếu này của ông Bê đạt khoảng 425 tỷ đồng.
Trước khi bị truy tố, đại gia Trầm Bê có bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.
Tòa lâu đài của ông Trầm Bê tại Trà Vinh
Ngoài số cổ phiếu trên, ông Trầm Bê còn được biết đến vì một số tài sản khủng khác. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến dinh thự xa hoa của ông tại Trà Vinh.Tòa lâu đài này nằm trên khu đất rộng hơn 30ha, trong khuôn viên có rất nhiều cây cảnh, đặc biệt có hơn 1.000 cây tùng các loại được nhập từ Nhật Bản về, với nhiều cây có giá đến gần triệu đô.
Bên cạnh đó, ông còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa có quy mô lớn nhất cả nước (bệnh viện Triều An) và công ty chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vua Lê Thánh Tông chống tham nhũng, Đại Việt thịnh trị


Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh vua Lê Thánh Tông?



Khi vua Lê thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt.

Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều xuống tận đến địa phương. Trong 722 điều bộ luật Hồng Đức thì có trên 40 điều thuộc về chống tham nhũng.


Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.

Chống tham nhũng từng giúp Đại Việt có được thời kỳ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”

Luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình.

Sách sử còn ghi chép lại chuyện Lê Bô phạm tội tham ô bị buộc vào tội “Hình”, có viên quan là Trần Phong xin cho Lê Bô nộp tiền chuộc tội thay vì phải chịu “Hình”. Thế nhưng vua Lê Thánh Tông cho rằng nếu cứ phạm tội rồi dùng tiền chuộc tội thì người giàu có sẽ không phải chịu tội, chỉ còn người nghèo khó thì phải chịu tội hay sao? Vua cho rằng Trần Phong đề xuất như thế là trái với tổ tong và trị tội cả ông ta nữa.

Vua Lê thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đát nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.

Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây thì cũng được minh oan. Ví dụ như vụ án “Lệ Chi viên” khiến Nguyễn Trãi bị tru di tạm tộc cũng được minh oan trong thời gian này. Từ đó bậc hiền tài an tâm phục vụ dân chúng, người dân được yên ổn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang