Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

MẤT LÒNG DÂN THÌ CÒN GI ?


Publié par Tran Nhuong

 

Vũ Bình Lục

 
Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Trãi
 

(Về bài thơ QUAN HẢI của Nguyễn Trãi)
 
Phiên âm:
QUAN HẢI
 
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.
 
Dịch nghĩa:
ĐÓNG CỬA BIỂN
 
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt giăng ngầm dưới sông cũng uổng công thôi.
Thuyền bị lật mới tin câu nói “dân như nước”,
Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời.
Hoạ phúc có manh mối, không phải chỉ trong một ngày,
Anh hùng để mối hận đến mấy nghìn năm sau.
Cái ý vô cùng của trời đất xưa và nay,
Lại nằm ở chỗ sắc nước trong xanh, làn khói trên chòm cây xa vời.
 
DỊCH THƠ
Bản dịch của Hưởng Triều:
 
Lớp lớp cọc lim chắn biển khơi,
Thêm ngầm dây sắt, uổng công thôi!
Lật thuyền, thấm thía: Dân như nước,
Cậy hiểm, mong manh, mệnh ở trời.
Họa phúc có nguồn, đâu bỗng chốc,
Anh hùng để hận, dễ gì nguôi.
Xưa nay trời đất vô cùng ý,
Dòng nước, chòm cây khói tuyệt vời...
 

Bản dịch của Huy Cận:
 
Rào lim lớp lớp ngăn triều,
Ngầm sông xích sắt xô theo sóng tràn.
Lật thuyền biết nước sức dân,
Cậy gì đất hiểm, không ngăn mệnh trời.
Mầm họa phúc rễ xa vời,
Anh hùng để hận ngàn đời thế gian.
Lẽ sầu trời đất khôn bàn,
Ấy nơi sắc nước mơ màng khói bay.
 

Bản dịch của Bảo Định Giang:
 
Ngăn sông cọc cắm càng dày,
Khóa sông dây sắt giăng đầy khó nên.
Sức dân như nước úp thuyền,
Nhờ chi hiểm yếu, do trên mệnh trời.
Khó xong họa phúc một ngày,
Hận anh hùng vẫn khó khuây bao đời.
Vô cùng trời đất xưa nay,
Chính nơi mây khói lùm cây bên dòng.
 

Bản dịch của Vũ Bình Lục:
 

Cọc gỗ vững ken dày trước sóng,
Xích sắt ngầm giăng khắp sông sâu.
Lật thuyền mới biết bởi đâu,
Dân như nước, đất hiểm sâu giúp gì!

Họa phúc có mầm, đâu một buổi,
Hận anh hùng, để mấy ngàn năm!
Lẽ trời kim cổ xa xăm,
Vẫn xanh sắc nước, tím bầm khói mây.
 
Bài thơ chữ Hán Quan Hải, (Đóng cửa biển), có lẽ Nguyễn Trãi viết sau chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Tác giả quan sát và suy tư. Quan sát thiên nhiên nơi cửa biển Sắc nước bát ngát, mà suy tư về lẽ hưng vong của triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, đồng thời cảm thán về nỗi đau uất hận của anh hùng thất thế.
Bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Hai câu mở đầu, khơi nguồn từ một hiện thực như vẫn còn đang hiển hiện trước mắt:
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển,
Xích sắt giăng ngầm dưới sông cũng uổng công thôi!
Cọc gỗ và xích sắt, đấy là những thứ mà nhà Hồ cho làm để chống quân Minh xâm nhập vào cửa biển nước ta. Công bằng mà nói, đó là những việc làm cần thiết đối với việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lúc bấy giờ. Có việc hơi giống tiền nhân Ngô Quyền chống quân Nam Hán, đời tiền Lê (Lê Hoàn) chống quân Tống, và đời Trần (Trần Hưng Đạo) chống Nguyên Mông, đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, cũng là để chống giặc phương Bắc. Nhưng tiền nhân thì thành công, còn cha con Hồ Quý Ly thì thất bại, cuối cùng bị bắt làm tù binh, rồi chết thảm ở đất giặc. Chỉ riêng Hồ Nguyên Trừng được tha, vì có tài, sau làm quan cho nhà Minh, có công chế tạo súng Thần cơ cho nhà Minh. Việc cũ đã qua, nhưng vật chứng vẫn đang còn đó, Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển / Xích sắt ngầm dưới sông cũng uổng công thôi!…như những chứng tích, rưng rưng hiển hiện trước mắt và trong tâm tưởng thi nhân, như thể một nỗi đau xót xa của lịch sử. Hai câu mở đầu, đã thấy rõ thái độ của tác giả.
Bốn câu thơ tiếp theo, luận về nguyên nhân của sự thành bại và anh hùng thất thế.
Nguyễn Trãi viết: Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước / Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời / Hoạ phúc có manh mối, không phải một ngày / Anh hùng để hận mấy nghìn năm sau
Sử sách chép rằng, khi giặc Minh chuẩn bị xua quân sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly họp bàn tìm kế chống giặc. Người con cả, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói rằng: Đánh thì không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo! Quả đúng như sự thật đã diễn ra sau đó. Về quân sự, nhà Hồ không có tướng tài, đúng hơn là không thể tập hợp được nhân tài. Bản thân Hồ Quý Ly chỉ là một nhà quân sự kém cỏi. Mấy lần làm tướng đánh nhau với quân Chiêm Thành dưới triều Trần, Hồ Quý Ly đều thua trận, bỏ cả đại quân mà chạy tháo thân, lại còn gian manh đổ tội cho người khác, thu vén công lao về cho mình. Còn tướng lĩnh ở triều nhà Hồ, phần lớn chỉ là đồ gan chuột (Ý thơ Nguyễn Mộng Tuân). Vua tôi như vậy, làm sao thắng giặc? Huống nữa nhà Hồ mới đoạt vương quyền từ nhà Trần suy thoái, lòng dân chưa theo, làm sao có sức mạnh giữ cho con thuyền đất nước không bị lật? Dẫu có đóng cọc trước sóng biển, có giăng xích sắt ở cửa sông, có tìm đất hiểm xây thành đá vững bền, cũng chẳng thể nào ngăn được quân giặc dữ, khi mà lòng dân không theo! Trương Hán Siêu, trong bài phú sông Bạch Đằng đã viết: Giặc tan, muôn thủa thanh bình / Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao! Không có thiên thời, không có nhân hoà, không có “đức cao”, chỉ mới có địa lợi, làm sao mà thắng giặc? Bởi thế nên Nguyễn Trãi viết rằng Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước (Dân chu thuỷ, phúc tín dân do thuỷ)! Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân. Không có sự ủng hộ của nhân dân, sao có thể làm nên sự nghiệp lớn lao? Vua tôi cha con bị bắt làm tù binh, nước mất nhà tan (Thuyền bị lật), Hồ Quý Ly bấy giờ mới kịp nhận ra, mới tin rằng sức dân như nước (Phúc tín dân do thuỷ). Bài học lịch sử ấy, đã có từ xa xưa, vậy mà cha con họ Hồ vẫn dẫm chân vào vết xe đổ, thật tiếc lắm thay! Tác giả có quy các nguyên nhân thất bại của nhà Hồ vào mệnh trời, thì cũng chỉ là trừu tượng hoá một sự thật lịch sử vào một khái niệm chung nhất, nhuốm màu sắc siêu hình mà thôi. Tuy nhiên, sau đó, tác giả lại quay về với một kết luận mang đậm màu sắc triết lý biện chứng:
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỷ thiên niên!
Thế nghĩa là mọi hiện tượng và sự vật đều có nguồn gốc sinh diệt cả. Như cái hoạ hoặc cái phúc kia, chẳng phải tự dưng mà đến, chẳng phải một ngày mà sinh ra, bởi thực ra nó đã có mầm mống cả rồi! Ví như cái này là Nhân (nguyên nhân) thì cái kia là Quả (kết quả) và ngược lại, như triết lý Nhân-Quả của Phật giáo vậy thôi! Để đất nước rơi vào thảm hoạ bị ngoại bang dày xéo, người anh hùng còn ôm hận đến mấy ngàn năm sau!...
Cha con Nguyễn Trãi từng làm quan cho nhà Hồ, nên Nguyễn Trãi có thể xem Hồ Quý Ly như một vị anh hùng? Tôi cho rằng, ở đây không hẳn chỉ là như vậy! Bàn chuyện thất bại của nhà Hồ, nhưng ở hai câu luận này, tác giả đã mở rộng phạm vi chủ đề, để gửi gắm tâm sự nói chung của những người anh hùng thất thế. Cũng không loại trừ đó là dự cảm về số phận của chính ông, chỉ ít năm sau đó, đã vướng hoạ tru di vô cùng xót xa thương cảm, cho đến nay, vẫn còn “mưng mủ” trong lòng bao thế thệ hậu sinh…
Kết thúc bài thơ, tác giả lại tiếp tục luận bàn, nhưng là sự luận bàn ở khía cạnh rộng rãi hơn, khái quát hơn, qua đó mà nêu chân lý khách quan, lại cũng hơi có vẻ siêu hình:
Càn khôn kim cổ vô cùng ý,
Khước tại thương lang viễn thụ yên.
(Cái lẽ của trời đất xưa nay thật là vô cùng,
Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời)
Cái lẽ của trời đất ở đây là gì vậy? Nó vô hình vô ảnh thật đấy, bởi vì nó là Vô cùng ý, sâu xa và cũng vô cùng màu nhiệm. Thực ra thì bản chất cái lẽ của Càn khôn kim cổ, tác giả đã nói ở trên rồi, ở đây chỉ là mở rộng để gửi gắm một nỗi niềm man mác buồn thương của người trong cuộc, của người đương thời mà thôi! Và cái ý vô cùng của trời đất, vẫn còn biểu hiện ở ngay đây, ở chỗ sắc nước xanh thẳm và bát ngát ngoài biển kia, ở chỗ Cây khói xa vời kia, như thể những chứng nhân bất tử cho sự thăng trầm dâu bể của cõi người!
Một bài thơ đầy ắp tâm trạng và vô cùng sâu sắc. Những bài học mà Nguyễn Trãi nêu trong bài thơ chữ Hán này, đến nay vẫn còn tươi mới, và sẽ mãi còn tươi mới. Để mất lòng dân thì còn gì? Câu trả lời duy nhất là sẽ mất tất cả! Nguy cơ an ninh đất nước bị đe doạ, đã thấy ở nhãn tiền. Dẫu có đóng cọc gỗ lim, giăng lưới sắt tất cả các cửa biển, dẫu có đội quân trăm vạn, vị tất đã có thể ngăn nổi quân xâm lược, mà những ai đó có thể mặc nhiên mà ngồi an hưởng phú quý hay sao?

Hà Nội 19-8-2011
V.B.L

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biết được những giai đoạn thông thái trong cuộc đời mỗi người để khỏi phải trách mình bất tài, vô dụng


Mới đây, các nhà khoa học vừa công bố một khám phá thú vị: Khả năng làm toán hay khả năng đọc được cảm xúc của người khác của một người bình thường sẽ còn phát huy cho đến khi chạm đến độ tuổi trung niên hoặc thậm chí là hơn thế nữa.
Có thể bạn nghĩ rằng mình đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí là đã đạt đến một giới hạn nào đó của bản thân trong cuộc sống, tuy nhiên các nhà khoa học lại chứng minh rằng còn rất nhiều khả năng đặc biệt của bạn sẽ được phát hiện ra và được hoàn thiện trong tương lai.
Joshua Hartshorne, nhà khoa học, đồng thời là tác giả tiên phong của một công trình nghiên cứu về sự thay đổi trí tuệ theo độ tuổi cho biết: “Ở bất kì độ tuổi nào, hầu hết chúng ta đều sẽ có khả năng vượt trội ở một vài khía cạnh, còn những khía cạnh còn lại thì kém hơn.”
Đối tượng tham gia công trình nghiên cứu khoa học này là hàng nghìn người trong độ tuổi từ 10 đến 90 tuổi. Họ được kiểm tra về khả năng ghi nhớ chuỗi từ, nhận dạng khuôn mặt, ghi nhớ tên và làm toán. Kết quả mà các nhà khoa học thu được đã chứng tỏ ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có một khả năng vượt trội.
18 tuổi: Khả năng vận hành não bộ và ghi nhớ chi tiết đạt tối ưu
Các nhà khoa học đã sử dụng bài kiểm tra Digit Symbol để kiểm tra một người từ sa sút trí tuệ đến tổn thương não bộ. Người tham gia phải cùng một lúc vận dụng một số khả năng nhận thức như tốc độ vận hành, duy trì sự tập trung và khả năng của thị giác bằng cách sử dụng các cặp số và kí hiệu.
Một phần bài kiểm tra cũng sử dụng thang đo trí tuệ người trưởng thành – Wechsler, một trong những phương pháp đo lường trí tuệ phổ biến nhất hiện nay. Sau khi nhận kết quả bài kiểm tra về sự thay đổi của trí thông minh theo từng độ tuổi, các nhà khoa học nhận thấy những người ở cuối độ tuổi vị thành niên đạt được kết quả cao nhất.
22 tuổi: Khả năng ghi nhớ những tên gọi xa lạ đạt tối ưu
Hầu hết người trưởng thành không giỏi trong việc ghi nhớ những thông tin không gợi lên ngữ cảnh, các chuyên gia thần kinh gọi hiện tượng này là nghịch lí Baker. Chẳng hạn, bạn có thể dễ dàng ghi nhớ trong đầu nghề nghiệp của một người là thợ làm bánh hơn là phải nhớ rằng người nào đó tên Baker.
Bởi vì khi nhắc đến thợ làm bánh thì ta sẽ hình dung đến màu sắc mùi vị của một chiếc bánh hay quá trình làm bánh, còn cái tên Baker chỉ đơn giản là một chuỗi kí tự. Khi đó, không hề có bất kì ngữ cảnh nào liên kết giữa người và tên gọi khiến ta khó lưu lại hình dung về người đó khi cần thiết phải nhớ ra.
Một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra con người đạt tối ưu trong việc ghi nhớ các tên gọi mới trong những năm đầu độ tuổi 20.
32 tuổi: Khả năng nhận diện khuôn mặt đạt tối ưu
Não bộ con người có một năng lực đáng kinh ngạc về việc ghi nhớ và xác định những gương mặt khác nhau. Tính trung bình, khả năng này được nhận định sẽ phát triển tốt nhất không lâu sau khi con người bước qua độ tuổi 30.
43 tuổi: Khả năng tập trung tối ưu
Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Havard thực hiện cùng với Phòng nghiên cứu năng lực tập trung và học tập Boston đã chỉ ra rằng sự duy trì tập trung sẽ được cải thiện theo thời gian và đạt cực đại vào khoảng 43 tuổi.
Joe DeGutis, một trong những tác giả chủ chốt của công trình này, đưa ra nhận xét: "Trong khi những người trẻ tuổi vượt trội về tốc độ và sự linh động của việc dẫn truyền thông tin, thì những người ở độ tuổi trung niên lại hơn hẳn về khả năng duy trì sự chú ý".
48 tuổi: Khả năng hiểu rõ cảm xúc người khác đạt tối ưu
Không ít chàng trai cô gái trong giai đoạn hẹn hò thường bị trách không hiểu tâm lý đối phương. Chúng ta thường rất kém trong việc đọc cảm xúc của người khác cho đến khi chạm đến những năm cuối ở độ tuổi 40. Đối tượng tham gia nghiên cứu được cho xem qua hàng nghìn bức ảnh chụp những đôi mắt khác nhau và được yêu cầu miêu tả cảm xúc họ thấy khi xem ảnh. Kết quả thu được chính xác nhất là từ những người khoảng 48 tuổi.
50 tuổi: Khả năng giải những bài số học cơ bản đạt tối ưu
Nhiều người nghĩ rằng khả năng giải toán của họ sẽ bị mai một khi rời ghế nhà trường và ngừng tập luyện. Nhưng thật ra khả năng giải những bài toán cộng, trừ, nhân, chia vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm cho đến khi bạn bước vào độ tuổi 50. Nói cách khác, "sẽ không có một độ tuổi nào mà con người có thể làm tốt nhất tất cả mọi thứ".
50 tuổi: Khả năng nhớ và hiểu những thông tin mới đạt tối ưu
Theo nghiên cứu của Hartshorne, tương tự như việc giải các bài toán cơ bản, khả năng nhớ và hiểu thông tin thường thức, những sự kiện lịch sử hay quan điểm chính trị, sẽ chưa đạt tối ưu khi con người chưa bước sang độ tuổi 50.
67 tuổi: Khả năng từ vựng đạt tối ưu
Theo như kết quả trắc nghiệm khả năng thông hiểu từ vựng, hầu hết những người tham gia trò chơi ghép từ đều không đạt được kết quả tốt nhất, trừ những người ở cuối độ tuổi 60 hay đầu độ tuổi 70.
Theo Ninh Linh
Trí thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế giới – Bắc Triều Tiên.


Tổng thống Putin nêu phương án đầy bất ngờ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Tổng thống Putin nêu phương án đầy bất ngờ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Ông Putin phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) ngày 7/9 (Ảnh: TASS)
Trong khi Mỹ và đồng minh kêu gọi siết chặt cấm vận Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng cần phải để Bình Nhưỡng tham gia vào các dự án chung của quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF), đang diễn ra ở Vladivostok, Nga, tổng thống Putin cho rằng gắn kết Triều Tiên với các chương trình quốc tế là cách để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo.
Ông nhận định, "Triều Tiên cần phải dần dần được tham dự vào các mối hợp tác trong khu vực. Riêng phía Nga đã có một số đề xuất cụ thể mà mọi người đều biết, như xây dựng tuyến đường sắt chung để nối tuyến đường sắt xuyên Siberia với các tuyến đường sắt đi qua Triều Tiên, cũng như sự phát triển của các đường ống dẫn (dầu, khí...), trong đó có một số cảng của Triều Tiên".
Ông cho rằng việc gây ra bầu không khí căng thẳng về quân sự và leo thang đe dọa sẽ phản tác dụng.
"Họ (Triều Tiên) tin rằng chỉ có sở hữu vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa mới là cơ hội duy nhất để bảo vệ chính mình," Putin nói. "Các bạn có nghĩ là họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ tất cả những điều đó hay không?"
Theo tổng thống Nga, nếu đường hướng mà Nga đề xuất được áp dụng thì cục diện khu vực sẽ dần thay đổi, cũng như quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
"Và rồi chúng ta sẽ có thể kỳ vọng một số bước tiến mới. Tuy nhiên, việc dọa dẫm họ là bất khả thi."
Ông nói thêm, "chúng ta nên lo ngại, nhưng cũng cần hợp tác để giải quyết vấn đề. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta có đủ khả năng đạt được những kết quả tích cực", và khẳng định việc tiếp tục đầu tư vào các dự án khu vực hoặc có nhân tố Triều Tiên là khả thi.
Ông Putin bày tỏ tại EEF rằng, vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ không được sử dụng để giải quyết vấn đề của Triều Tiên, và xung đột sẽ không mở rộng. Khả năng xử lý tình hình là thông qua đối thoại.
"Giống như người đồng cấp Hàn Quốc của mình (tổng thống Moon Jae In), tôi tự tin rằng xung đột sẽ không mở rộng hay dính líu đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bởi tất cả các bên sẽ có đủ nhận thức chung về trách nhiệm với người dân trong khu vực, cho nên chúng ta sẽ giải quyết thành công vấn đề bằng con đường ngoại giao."
Tổng thống Putin nêu phương án đầy bất ngờ để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên - Ảnh 1.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gặp tổng thống Nga Putin ngày 6/9 tại EEF (Ảnh: Sputnik)
Trước đó vào ngày 6/9, Bộ trưởng phát triển vùng Viễn Đông của Nga, ông Aleksandr Galushka cho biết sau cuộc gặp với phái đoàn Triều Tiên ở EEF: "Các đối tác Triều Tiên của chúng tôi hướng tới phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại."
"Chúng tôi hướng sự chú ý của họ đến thực tế rằng các hoạt động hạt nhân và tên lửa đang kìm hãm cơ hội phát triển các liên hệ về kinh tế và thương mại, và hủy hoại nghiêm trọng khía cạnh kinh tế thương mại trong quan hệ song phương," ông nói. "Chúng tôi đã yêu cầu họ ngừng hành động như vậy trong tương lai, vì điều đó làm vô hiệu các nỗ lực của ủy ban liên chính phủ Nga-Triều."
Đoàn đại biểu Triều Tiên, do Bộ trưởng quan hệ kinh tế đối ngoại Kim Young Jae dẫn đầu, đã đưa ra một loạt đề xuất ở các lĩnh vực có khả năng hợp tác với Nga.
Trong cuộc gặp với ông Moon Jae In ngày mùng 6, ông Putin cũng bày tỏ sẵn sàng phát triển các mối liên hệ với cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên. Ông chủ điện Kremlin đề cập các dự án 3 bên gồm "cung cấp khí đốt từ Nga cho bán đảo, tích hợp lưới điện và mạng lưới đường sắt ba nước".
Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm 45 phút về Triều Tiên
Lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm 45 phút về Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại dịp hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS
Ông Tập ưu tiên đối thoại, ông Trump lấp lửng về phương án quân sự.
Quan điểm của Trung Quốc giải quyết khủng hoảng Triều Tiên thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình một lần nữa được Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm ngày 6-9.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút hai lãnh đạo thống nhất sự nguy hiểm từ Triều Tiên, cam kết hợp tác vì mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nói với báo chí sau cuộc điện đàm với ông Tập, ông Trump cho biết” “Chủ tịch Tập sẽ làm gì đó. Chúng ta chờ xem ông ấy có thể làm gì hay không”.
Khi được hỏi về phương án quân sự với Triều Tiên, ông Trump lấp lửng: “Chắc chắn đó không phải là lựa chọn đầu tiên, nhưng chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra”, cảnh cáo Mỹ sẽ không tiếp tục tha thứ cho hành động khiêu khích của Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 5-9, Tổng thống Trump tuyên bố lúc này không phải lúc đối thoại với Triều Tiên, mọi khả năng đều được để mở để bảo vệ Mỹ và đồng minh.
Trong khi đó theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với ông Trump rằng Trung Quốc kiên định với mục tiêu giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và bảo vệ hệ thống không phát triển vũ khí hạt nhân quốc tế.
“Chúng tôi luôn luôn kiên trì bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn. Cần thiết phải duy trì con đường tiến tới một giải pháp hòa bình” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Trump rằng Mỹ lo ngại sâu sắc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và đánh giá cao “vai trò quan trọng” của Trung Quốc trong giải quyết chuyện này.
Ông Tập nói Trung Quốc chờ mong chuyến thăm của ông Trump cuối năm nay. Lần điện đàm gần đây nhất của hai ông là vào ngày 12-8. Hai ông cũng hy vọng sẽ có một giải pháp hòa bình giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Mỹ và các đồng minh cho rằng tình hình này Trung Quốc cấp thiết phải tăng áp lực hơn nữa với Triều Tiên. Hiện Mỹ và Hàn Quốc đang yêu cầu LHQ trừng phạt nặng Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân lần 6 ngày 3-9.
Trung Quốc trước giờ vẫn ưu tiên đối thoại, từng nói mình không phải là nước có trách nhiệm chính trong kiềm chế Triều Tiên, cho rằng trừng phạt không giải quyết được vấn đề.
Khả năng Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không thể thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên khi không những Trung Quốc mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-9 cũng cho rằng trừng phạt không khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, tên lửa.
Ông Tập Cận Bình vừa bị Triều Tiên "đưa vào thế", làm đúng những gì Bình Nhưỡng mong muốn?
Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 4/9 dẫn lời ông Peter Hayes, giám đốc Viện nghiên cứu Nautilus (Mỹ), nói "nhân vật mà vụ thử hạt nhân nhắm đến không phải là ông Trump, mà là ông Tập Cận Bình".
Theo ông Hayes, Bình Nhưỡng muốn lợi dụng phát ngôn từ lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc để thuyết phục tổng thống Donald Trump đưa Mỹ-Triều trở lại cơ chế đối thoại.
Triều Tiên được cho là chủ định lựa chọn trưa ngày 3/9, ngay trước phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Hạ Môn, Trung Quốc, để tiến hành thử nghiệm bom H (bom nhiệt hạch), như một cách cho thế giới thấy nước này là một cường quốc vũ khí hạt nhân, tiếp theo là thể hiện sự không hài lòng với các biện pháp cấm vận mà Bắc Kinh đang áp đặt với Bình Nhưỡng.
Nhưng đây không phải là mục đích cơ bản nhất. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh kêu gọi tăng cường trừng phạt toàn diện Triều Tiên, việc đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, có thể là một lá bài nhằm tìm kiếm đàm phán với Mỹ - Chosun bình luận.
Tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) cho rằng "cuộc đối thoại Mỹ-Triều sẽ đầy kịch tính". Phân tích việc Triều Tiên lựa chọn thời gian và phương thức tiến hành vụ thử hạt nhân, tờ này cho rằng mục đích của Bình Nhưỡng là tìm cách mở đường đối thoại.
Vụ thử hạt nhân là "xúc tác" để nhà lãnh đạo Kim Jong Un chiếm thế thượng phong trong cuộc đàm phán với Mỹ.
Tối 6/9 (giờ Bắc Kinh), hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên từ sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Trong điện đàm, hai lãnh đạo chỉ trích vụ thử hôm mùng 3 là hành động "thách thức và gây bất ổn", và con đường Bình Nhưỡng đang đi "gây nguy hiểm cho thế giới" - theo thông cáo của Nhà Trắng.
Nhưng thông cáo của Trung Quốc không hề đề cập cách diễn đạt cứng rắn trên. Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập nói với ông Trump rằng "Trung Quốc kiên quyết gìn giữ thể chế quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, và giải quyết vấn đề hạt nhân bằng đối thoại".
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi dàn xếp vấn đề một cách hòa bình, "kết hợp đối thoại với các biện pháp toàn diện khác" là cách tốt nhất để tìm ra giải pháp lâu dài.
Dù ông Tập tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng bán đảo phải phi hạt nhân hóa, song Triều Tiên vẫn có được điều họ muốn khi giải pháp đối thoại được ông nhấn mạnh.
Việc chính phủ Trung Quốc cùng và Nga trong vài ngày qua chỉ trích phương án gia tăng cấm vận của Mỹ/đồng minh là không hiệu quả cũng mang lại lợi thế cho Bình Nhưỡng. Bởi sau khi bỏ phiếu thuận ở Hội đồng bảo an LHQ về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng trước, Bắc Kinh không muốn phải tiếp tục thông qua một gói cấm vận cứng rắn hơn nữa.
Ông Trump (trái) và ông Tập gặp nhau tại Florida, Mỹ hồi tháng 4/2017 (Ảnh: AP)
Trong khi Nga, Trung Quốc đều có quyền phủ quyết ở Hội đồng, sẽ rất gian nan cho Mỹ trong nỗ lực thông qua gói cấm vận mới "đủ mạnh" để gây sức ép lên Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu thuộc Viện Sejong Hàn Quốc Hong Hyun Ik, "Mục tiêu hiện nay của Bình Nhưỡng là vừa muốn sở hữu vũ khí hạt nhân vừa đối thoại với Mỹ; biến Hàn Quốc trở thành 'con tin' trong cuộc đối thoại của Triều Tiên, và nắm chặt vũ khí hạt nhân trong tay, đề phòng những sự trả đũa quân sự của Mỹ."
Vì vậy, trong chừng mực nào đó, Triều Tiên muốn bỏ qua Hàn Quốc, tiến hành đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Viện trưởng Viện quốc tế thuộc Đại học Seoul, Hàn Quốc, ông Park Cheol Hee nhận định "chính quyền Triều Tiên đang bị đe dọa, họ cần phải có sự đảm bảo an toàn từ phía Mỹ".
"Nếu Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về việc Mỹ rút lực lượng khỏi Hàn Quốc hay giải trừ quan hệ đồng minh, thì Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế hiểm nghèo," ông Park lo ngại.
Soha.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin mới chiều 8/9: Phản đối mãi cũng nhàm, VN sẽ hành động t.rị TQ tại B...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRUNG QUỐC LẠI TUYÊN BỐ BẮN ĐẠN THẬT Ở HOÀNG SA!


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trung Quốc lại tuyên bố bắn đạn thật ở Hoàng Sa

Thanh Niên
07:08 AM - 08/09/2017

“Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa". 
 

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) hôm qua liên tiếp thông báo nước này tổ chức 2 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp ở khu vực giáp đảo Quang Hòa và Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, lần lượt vào ngày 7 và 8.9. 

Theo các tọa độ được công bố, khu vực tập trận lần này trùng với hai cuộc huấn luyện bắn đạn thật được MSA thông báo diễn ra vào ngày 1 và 2.9.

Trước đó, phía Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo tổ chức 4 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp tại các khu vực giáp đảo Phú Lâm, Quang Hòa, Hoàng Sa và Quang Ảnh, lần lượt vào các ngày 31.8, 1, 2 và 3.9. 

Phản ứng trước thông báo về 4 cuộc tập trận này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 5.9 đã tuyên bố đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông. “Việt Nammạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tiếp tục khẳng định Việt Nam vẫn giữ quan điểm như đã nêu ngày 5.9 vừa qua, sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6.9 bác bỏ phản đối của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật cấp tập tại Hoàng Sa trong năm nay. Vào hạ tuần tháng 6, MSA từng thông báo tổ chức bắn đạn thật phi pháp tại các khu vực giáp đảo Phú Lâm, Quang Hòa, Hoàng Sa và Quang Ảnh, lần lượt trong các ngày 20, 22, 23, 24.6. 

Cũng tại cuộc họp báo hôm qua, trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam khi có thông tin Mỹ lên kế hoạch tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Sơn Duân - Ngọc An

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHẢI CHĂNG VIỆT NAM ĐÃ "CAM CHỊU" TRUNG QUỐC?

BBC: PHẢI CHĂNG VIỆT NAM ĐÃ "CAM CHỊU" TRUNG QUỐC?


Phải chăng Việt Nam đã 'cam chịu' Trung Quốc? 

BBC tiếng Việt
7 tháng 9 2017

Trả lời Bàn tròn thảo luận của BBC về việc Trung Quốc bắn đạn thật ngoài khơi Đà Nẵng, TS Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nói: "Đây là cách Trung Quốc dùng vũ lực đe dọa Việt Nam."

Ông cũng nói, "Trung Quốc đã tuyên bố trước năm ngày họ sẽ huấn luyện bắn đạn thật trên một vùng rộng nhưng vùng đó có 11 nghìn km vuông trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Họ có nhiều hạng mục bắn đạn thật."

"Họ chọn thời điểm có Quốc khánh của Việt Nam, ngày 2/09, họ nói là tập trận hàng năm nhưng bắt đầu từ năm nay, và như thế có nghĩa là sang năm họ sẽ bắn tiếp."

'Thảo luận về Biển Đông và cuộc tập trận mới nhất của TQ'

Cũng từ cuộc thảo luận, nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo nói:

"Nếu không kiềm hãm được thì từ những vụ đụng độ nhỏ có thể đi đến đụng độ lớn. Phía Việt Nam luôn phản ứng yếu ớt, không dám đưa quân ra biển để bảo vệ ngư dân, trừ một vài lần nho nhỏ cho tàu chạy kèm..."

Trước đó, một cựu quan chức Việt Nam ở Ban Biên giới của Chính phủ đặt vấn đề liệu Việt Nam đã 'cam chịu' Trung Quốc trên Biển Đông khi có các phản ứng được cho là rất 'yếu ớt' và 'chưa đủ' sau khi Trung Quốc tập trận ở khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông, rất gần thành phố Đà Nẵng.
 
Trao đổi với BBC hôm 06/9/2017, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam nói:

"So sánh hành động này với năm 2014 khi mà giàn khoan HD-981 kéo vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, thì lần này hành động này có thể nói là trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn và thô bạo hơn.

VN 'mạnh mẽ phản đối' TQ tập trận trên Biển Đông
Biển Đông: VN phản đối việc TQ tập trận
Bàn tròn Cuối tuần: TQ tập trận ở Biển Đông

"Nhưng nếu ta so sánh thái độ của chính quyền Việt Nam năm 2014 và hiện nay tôi nhận thấy một điều là năm 2014, tuy vậy, chính quyền Việt Nam cũng phản ứng rất rõ ràng, cụ thể là đã có ý kiến với người đại diện của sứ quán Trung Quốc, cụ thể là đã làm văn thư gửi lên Liên Hợp Quốc cho ông Tổng Thư ký, cụ thể cũng đã có tuyên bố rất mạnh mẽ.

"Đó là những hành vi, những động thái của Việt Nam phản ứng trước hành vi (về) Giàn khoan HD-981 năm 2014, thế nhưng lần này thật sự là tôi cảm thấy thất vọng bởi trong khi Trung Quốc đang tập trận, bắn đạn thật ở cách Đà Nẵng có 75 hải lý, thì Việt Nam ở Đà Nẵng vẫn cứ ăn mừng quốc khánh, bắn pháo hoa.

"Rồi chính quyền Việt Nam chỉ ra một tuyên bố rất yếu ớt là 'quan ngại', rồi đề nghị Trung Quốc chấm dứt hành động này, theo tôi phản ứng này rất yếu ớt và gần đây có thêm một tuyên bố nữa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ngôn từ có vẻ mạnh hơn một chút, tức là 'phản đối mạnh mẽ'.
 
'Cam chịu Trung Quốc?'

Ông Giao cho rằng cách xử lý của Việt Nam có thể tạo ra 'tiền lệ' rất bất lợi cho nước này trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, ông nói:

"Và như thế dường như nó tạo tiền lệ tiếp theo trong tương lai để Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông và đặc biệt Việt Nam hiện nay đang bị Trung Quốc chế áp, khống chế rất mạnh mẽ. 


"Và nếu như chính phủ Việt Nam trong những ngày tiếp theo không có những động thái về mặt ngoại giao chính thức, công khai, mạnh mẽ trên trường quốc tế, tôi nghĩ rằng nó sẽ dường như là hành vi tiếp nối sau câu chuyện chính phủ Việt Nam đã phải buộc cho công ty Repsol ngừng thăm dò khai thác ở Bãi Tư Chính.

"Và bây giờ bằng hành động họ tập trận ở trên Vùng Đặc quyền Kinh tế, dường như nó thể hiện chính phủ Việt Nam cam chịu những hành vi đó của Trung Quốc và cái đó hoàn toàn bất lợi về mặt pháp luật cho câu chuyện đấu tranh về mặt pháp lý cũng như đấu tranh về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc," Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC hôm thứ Tư 6/9.

Còn ông Đỗ Thông Minh từ Nhật Bản so sánh ngân sách quốc phòng Trung Quốc với Việt Nam và cho rằng:

"Việt Nam vẫn phải chấp nhận sự yếu thế, Hải quân Việt Nam chỉ đi loanh quanh ven bờ nhưng lại kêu gọi ngư dân bám biển."

"Việt Nam đã khuất phục, không dám đối đầu trước sự đe dọa mới chỉ bóng gió thôi của Trung Quốc." ông Đỗ Thông Minh bình luận.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không phải nói sao cũng được!

SẾP LỚN THANH TRA CHÍNH PHỦ BỊ BUỘC PHẢI XIN LỖI BÁO CHÍ


Ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: Báo Quốc tế. 

Quyền Vụ trưởng thuộc Thanh tra Chính phủ
phải xin lỗi vì phát ngôn thiếu chuẩn mực

Dân trí 
Thứ sáu, 08/09/2017 - 14:13

Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa yêu cầu ông Nguyễn Minh Mẫn- Quyền Vụ trưởng Thanh tra khối văn hoá xã hội (Vụ III) phải xin lỗi vì đã có những phát ngôn không chuẩn mực khi nói về báo chí.

>> Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo làm rõ phát ngôn "tẩy chay báo chí"
>> Đề nghị làm rõ phát ngôn "tẩy chay báo chí" của cán bộ Thanh tra Chính phủ

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí từ Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã có kết luận xác minh vụ việc ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng Vụ III có những phát ngôn thiếu chuẩn mực về báo chí trong buổi công bố thanh tra Đại học Quốc gia TPHCM vào tháng 9/2016. 


Qua đó Thanh tra Chính phủ đã xác định rõ clip này chính là những những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn.

Được biết, hiện nay Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đang họp bàn để thống nhất phương án yêu cầu ông Nguyễn Minh Mẫn phải xin lỗi bằng hình thức như thế nào cho hợp lý.

“Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự việc này”- nguồn tin từ Thanh tra Chính phủ nói với PV Dân trí.

Trong khi đó, một lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cho biết chưa nhận được thông tin phản hồi của Thanh tra Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 10 phút ghi lại lời được cho là của ông Nguyễn Minh Mẫn phát biểu tại buổi việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM và các trường trực thuộc cuối tháng 9/2016.

Tại đó, ông Nguyễn Minh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc như sau: “Thanh tra này là thanh tra định kỳ, không phải là thanh tra theo nghĩa dấu hiệu vi phạm, sai phạm quyết liệt gì cả. Bất kỳ thành viên đoàn thanh tra nào, kể cả từ trưởng đoàn thanh tra mà tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nên hôm nay tôi nói rõ luôn, tôi đề nghị các thầy cô, đều là thành viên của Trường Đại học Quốc gia TPHCM thế thôi. Không có dại gì mà đi cởi áo cho người xem lưng... Nên tôi đề nghị tất cả các thông tin báo chí, kể cả quá trình thanh tra các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng và tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp Tết...

Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào mà quấy nhiễu các đồng chí thì các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi. Tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi nhà báo đó ngay chứ tôi chả ngại gì. Bởi vì trong quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục. Nên các đồng chí phải khắc phục ngay từ đầu không tiếp đoàn nào cả, kể cả làm quảng cáo cũng dẹp hết...”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 29/11/2016, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo là thông tin minh bạch. Các cơ quan phải chủ động cung cấp cho báo chí, trừ lĩnh vực về quốc phòng an ninh còn những gì không thuộc bí mật Nhà nước ta đều phải minh bạch, công khai.

“Ở đây, có những cách ứng xử, lời nói không đúng thì chúng ta lên án. Cán bộ, công chức, viên chức phải nói đúng, không được xúc phạm đến những cơ quan đang làm nhiệm vụ vì đây là quyền của các cơ quan được thông tin, được công bố trừ khi các công việc đang thanh tra không được cung cấp thông tin, còn đã công bố kết luận là phải được công khai. Trước hết, thay mặt cơ quan chủ trì họp báo, chúng tôi xin được tiếp nhận ý kiến của các cơ quan báo chí và truyền tải đến Tổng Thanh tra Chính phủ để có buổi họp rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc việc này, không để cán bộ như vậy” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ký văn bản gửi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị quan tâm, giải quyết việc ông Nguyễn Minh Mẫn - Quyền Vụ trưởng Vụ III đã phát biểu có lời lẽ xúc phạm người làm báo, gây bất bình sâu sắc trong giới báo chí và dư luận xã hội.

Thế Kha

Phần nhận xét hiển thị trên trang