Vào năm 1931, khi ông Hồ Chí Minh, lúc đó với tên gọi là Tống Văn Sơ, bị chính quyền Pháp (và Anh) yêu cầu phía Hồng Kông lập tức bắt và giao nộp (hoặc dẫn độ) cho chính quốc (hoặc bất kể thuộc quốc nào của Pháp) để xét xử vì coi ông là "thành phần cộng sản, làm việc cho Liên Xô, nguy hiểm cho chế độ". Trước đó, tại một toà án ở Vinh (xứ Trung Kỳ), Nguyễn Ái Quốc đã bị xử tử hình vắng mặt và chỉ còn chờ lệnh thi hành án.
Vụ án Tống Văn Sơ được khởi động khi cảnh sát Hồng Kông tự ý bắt giữ ông mà không có lệnh (trát), tức việc bắt giam Tống Văn Sơ là trái pháp luật. Sau khi giam giữ Nguyễn Ái Quốc 06 ngày, phía cảnh sát đã phải xin một lệnh bắt giữ từ phía Toà án trong tình trạng ông này đang bị nhốt trong nhà lao.
Thực nhanh trí thay, khi ra nước ngoài, ông Hồ Tùng Mậu lại tìm đến Tổng hội luật sư Anh tại Hồng Kông để nhờ hai luật sư là Jenkin và Loseby bào chữa cho Hồ Chí Minh. Sau nhiều phiên xử, Tống Văn Sơ bị trục xuất và phải rời khỏi Hồng Kông trên một con tàu được chỉ định trước, về một địa điểm biết trước, và điều này có lợi cho Pháp.
Tuy nhiên, hai luật sư của ông Sơ đã kháng án lên Hội cơ mật hoàng gia Anh Quốc để xử lại.
Và mặc dù chính quyền Pháp đã có sự liên hệ và thương thuyết với Hội cơ mật Hoàng gia Anh, nhưng bằng sự tuân thủ luật pháp nghiêm ngặt và công minh trong xét xử, trước sự đấu tranh quyết liệt của hai luật sư về pháp lý, trước sự lên án gay gắt của các tổ chức nhân quyền quốc tế, cùng sự lên tiếng mạnh mẽ của các thành viên cách mạng cộng sản, Hội cơ mật đã ra một phán quyết trong đó ấn định về sự không biết trước của con tàu Tống Văn Sơ sẽ đi và kể cả nơi (phương) sẽ đến của người này.
Chính quyền Pháp đành chấp nhận bản án trục xuất Tống Văn Sơ như nêu trên mà nó bất lợi cho mình nhưng không thể làm gì hơn. Mặc dù Anh và Pháp là hai đế quốc đang cùng có mục đích là duy trì chế độ thuộc địa và chống lại khuynh hướng cộng sản trên toàn thế giới.
Nhìn vào vụ án đó, vụ án mà người cộng sản và chính quyền cộng sản thường ca ngợi suốt chiều dài lịch sử về sự thắng lợi của nó, để thấy được sự tuân thủ và thực thi pháp luật của các quốc gia phát triển đạt đến trình độ và sự nghiêm minh như thế nào từ cái thời cách đây cả thế kỷ trước, về vai trò của luật sư, của nền tố tụng tranh tụng, của phạm vi can thiệp của chính quyền trước toà án ra sao.
Những chính quyền mà người cộng sản tuyên truyền rằng họ tàn bạo và vô nhân đạo, nhưng chính người cộng sản đã được bảo vệ bởi luật pháp và hệ thống xét xử của những chế độ tàn bạo ấy. Họ không tìm cách thủ tiêu hay giở những trò bẩn thỉu, tàn độc với kể cả những con người tiềm ẩn rủi ro chính trị lớn có thể gây nguy hiểm cho chính quốc hoặc cho chế độ tư bản đang thịnh trị trên thế giới lúc đó.
Khi ở một quốc gia khác, chính người cộng sản lại được bảo vệ bởi những luật sư của tư bản, của hệ thống luật pháp tư bản, của hệ thống xét xử đế quốc, của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Và những quốc gia đó đã không thể làm bừa hay chà đạp luật pháp cho dù là nhân danh bất kể lý do nào liên quan đến an ninh quốc gia hay chế độ cầm quyền để có thể bắt giữ tuỳ tiện hay đề nghị dẫn độ "nghi phạm" một cách bất chấp ngay trên lãnh thổ quốc gia đang dung chứa họ.
Hãy học hỏi từ quá khứ, từ những khác biệt, và thay vì thù nghịch, hãy học hỏi những sự văn minh từ các quốc gia khác trên thế giới. Học ngay từ cả kẻ thù của mình. Mới mong có thể gây dựng được quốc gia cường thịnh và bảo vệ được chính mình trong sự văn minh và tử tế.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang