Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Điều gì đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam?


Ngô Ngọc Trai
























BBC - Năm 1959 Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết về Hợp tác hóa nông nghiệp, đưa toàn bộ nông dân miền Bắc vào canh tác tập thể trong các Hợp tác xã nông nghiệp theo phương thức canh tác chung và chia lợi nhuận cho xã viên.

Đây là chính sách cải tạo nông nghiệp theo đường hướng xây dựng kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 1988 Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản đã ban hành một nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, về sau thường được gọi là chính sách khoán 10. Trong đó có ý chính là khôi phục lại kinh tế hộ gia đình, giao khoán sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân.

Theo đó nhà nước sẽ giao lại đất canh tác cho các hộ và sẽ nhận lại một phần thành quả lao động, phần còn lại các hộ gia đình được sử dụng và bán đổi ra thị trường.

Đến năm 1993 khi đã thấy được hiệu quả canh tác của hộ gia đình, nhà nước đã tiến hành chia toàn bộ ruộng của các hợp tác xã nông nghiệp cho người dân theo đầu nhân khẩu, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, bình quân mỗi đầu người được chia từ 1,5 sào đến 2 sào, mỗi sào Bắc Bộ 360 mét vuông.

Các hợp tác xã tuy vẫn còn nhưng không còn kiểu làm chung và chia sản phẩm như trước nữa, hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang vai trò cung ứng các vật tư nông nghiệp cho nông dân và bao tiêu sản phẩm.

Thời hạn giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ chỉ có thời hạn là 20 năm, đến năm 2013 là hết thời hạn, đúng ra người dân phải giao trả lại ruộng cho nhà nước. Nhưng sau khi cân nhắc tính toán, thấy việc thu về để rồi phân chia lại sẽ gây xáo trộn mất ổn định lớn, cho nên Nhà nước quyết định giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và kéo dài thời gian sử dụng cho người dân lên 50 năm. Luật đất đai năm 2013 đã ấn định chính sách này cho cả nước.

Quá trình chia ruộng trước đây, để đảm bảo công bằng cho nên mỗi gia đình được phân chia một khoảnh nhỏ tại mỗi xứ đồng khác nhau theo từng đơn vị thôn xóm, dẫn đến manh mún, nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc canh tác.

Từ dăm bảy năm trở lại đây nhiều nơi trên cả nước đã tiến hành dồn điền đổi thửa, dồn ô đổi ruộng, để tập trung ruộng đất mỗi hộ gia đình thành một khoảnh lớn, tạo cơ cấu đồng đất thuận lợi cho việc canh tác.

Bất cập hiện nay

Chính sách đất đai trong nông nghiệp đã trải qua nhiều biến chuyển, phản ánh sự thay đổi nhận thức qua các thời kỳ. Nhiều việc làm ban đầu bị cho là sai nhưng sau hóa ra lại đúng, quy định chính sách bất cập được sửa đổi, và bây giờ nhìn lại mới thấy các chính sách trước đây thật là không phù hợp.

Đó là một tiền đề tốt để suy xét rằng, vậy liệu các các quy định chính sách hiện nay thì sao? Liệu đã đúng đắn hợp lý chưa, hay là vẫn còn tồn tại những quy định phi lý sai trái mà tương lai khi nhìn lại thì sẽ thấy quy định hiện tại đầy phi lý mâu thuẫn?

Tôi cho rằng thực tế đang tồn tại một quy định chính sách quản lý đất đai sai trái, trói buộc sức sản xuất của nông dân, đang âm ỉ đốt lên những ngọn lửa bất đồng phản kháng ở nông thôn. Tôi xin chỉ ra như sau.

Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới kinh tế (tính từ năm 1986), đời sống nông thôn đã có những bước cải thiện. Có thể hình dung là người dân đã tích lũy được một số vốn liếng mà theo đó họ sẽ có xu hướng thay đổi cái cơ cấu trồng cấy manh mún kém hiệu quả năng suất xưa nay.

Nhờ những tiến bộ kinh tế nên các trang thiết bị máy móc cơ khí hóa nông nghiệp như máy bơm, máy cày, máy bừa, máy gặt, hệ thống đường điện đã phổ biến khắp nơi.

Các loại máy móc cơ giới, xây dựng như công nông, xe tải nhỏ, máy xúc, máy ủi, máy cắt, máy khoan cũng được phổ biến tạo ra khả năng mới cho người dân, và họ sẽ áp dụng cái khả năng mới đó vào trong canh tác nông nghiệp.

Kinh tế thị trường cũng giúp tạo ra thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, lúa gạo không còn là cây lương thực tạo ra giá trị kinh tế chủ đạo nữa, nhiều nơi trồng hoa màu, rau củ các loại hoặc cây ăn quả, chăn nuôi thả các loại gia cầm, gia súc, cá tôm lại cho hiệu quả kinh tế tính theo diện tích cao hơn cấy lúa.

Những điều đó phát triển như một sự tất yếu khách quan. Tất nhiên cũng không phải mọi vùng nông thôn với hàng chục triệu nông dân đều có được môi trường tích tụ các yếu tố tương thích đồng thời nảy sinh như trên.

Nhưng có lẽ là hàng trăm nghìn hộ gia đình đâu đó trên cả nước đã ở vào cái bối cảnh trạng thái của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp.

Cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Sự phát triển theo chiều hướng tất yếu mở ra cơ hội khả năng mới cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, nhưng họ đang vấp phải một chướng ngại lớn, đó là người dân không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Việc chuyển mục đích từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hay chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp xây chuồng trại chăn nuôi và làm nhà đều phải xin phép. Nhưng sự cho phép lại phụ thuộc vào các vấn đề quy hoạch quan liêu, thiếu hợp lý khoa học nên đang là một rào cản, khiến người dân khó thể làm đúng pháp luật mà đạt được mục đích của mình.

Do những thôi thúc kinh tế nên người dân nhiều nơi đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi những trói buộc pháp luật bất cập, họ đã trồng cây ăn quả trên đất lúa và làm chuồng trại chăn nuôi, làm nhà ở trên đất nông nghiệp.

Họ đã vượt rào giống như sự vượt rào đã xảy ra trước đây trong công cuộc chuyển đổi mô hình canh tác theo hợp tác xã kém năng suất chuyển sang mô hình kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề cho chính sách khoán 10.

Giống như trước đây, nhận thức của cơ quan quản lý trong trường hợp này đã không theo kịp với sự biến chuyển từ thực tiễn đời sống. Chính quyền nhiều nơi lên kế hoạch xử lý vì cho rằng người dân chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Sự mẫn cán của các địa phương trong trường hợp này lại mang đến hệ quả xấu, tạo ra tình thế chống đối, gây xáo trộn đổ vỡ sự bình yên ở nông thôn.

Những nhận thức quan liêu cứng nhắc và sự lười biếng trong quản lý đất đai, khiến cho người ta không nhận ra cái lẽ tất yếu rằng, đất thuộc quyền sử dụng của các hộ dân, bắt họ phải sử dụng vào mục đích mà họ không muốn thì hiệu quả sẽ ra sao?

Việc cưỡng chế với ý muốn khôi phục lại hiện trạng như trước kia, nhưng thực tế cũng chỉ làm được cái việc có tính chất phá phách là phá dỡ mà chẳng làm được gì hơn. Vậy thì thực chất nhà nước đem lại lợi ích gì trong hoạt động công vụ này?

Việc xử lý xây dựng trái phép thường được cho là để giữ nghiêm kỷ cương, giữ nghiêm pháp luật. Nhưng thử hỏi rằng vì sao mà người dân xây dựng, có phải họ rỗi rãi làm điều xằng bậy đâu.

Người dân tích cóp bao năm mới có được chút tiền làm cái nhà, xây được cái chuồng chăn nuôi. Để tiến tới quyết định làm việc này họ đã bao đêm trằn trọc suy nghĩ tính toán. Người dân đâu có xằng bậy làm càn?

Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình.

Cho nên cái quan điểm "kiên quyết phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp" ở nhiều địa phương là hệ quả của nhận thức ấu trĩ, lầm lạc, phản ánh tư duy dễ dãi giản đơn, cẩu thả trong quản lý đất đai, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, vô trách nhiệm trước sự phát triển mà thôi.

Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nông học của người Maya cổ đại đã thay đổi thế giới hiện đại như thế nào?

Maya là một trong những nền văn minh lâu đời nhất từng được biết đến trên thế giới. Lịch sử của họ kéo dài 3.500 năm. Thành tựu khoa học lớn nhất của người Maya phải kể đến là nông học. Họ chính là những chuyên gia vĩ đại nhất trong lịch sử nông học thế giới. 

Thế Giới, thay đổi, nông học, người Maya,
Người Maya là những nhà nông học vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. (Ảnh: Ancient Origin)
Nền văn minh của người Maya phát triển song song với các nền văn minh cổ đại khác, bắt đầu từ năm 2500 TCN cùng thời với người Sumer cổ và kết thúc vào năm 900 SCN.
Những chuyên gia về Nông học
Họ đã phát triển nhiều ngành khoa học tiên tiến như thiên văn học, toán học, y học và sở hữu một trong năm ngôn ngữ nguyên thủy nhất trên thế giới. Họ đã xây dựng các thành phố tráng lệ với các công trình nghệ thuật và kiến ​​trúc giá trị. Tuy nhiên, thành tựu khoa học lớn nhất của người Maya là về nông học. Họ là những chuyên gia vĩ đại nhất trong lịch sử nông học thế giới. Người Maya đã phát triển nhiều loại cây trồng để làm thức ăn, giúp họ phát triển nhanh chóng thành một xã hội của những nhà tư tưởng uyên thâm.
Trong hơn 8.000 năm, các nhà nông học Maya đã tạo ra các giống cây có chất lượng vô song, bằng cách kết hợp khoa học vào chọn giống cây trồng. Mục đích là để phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống của dân chúng.
Trong quá khứ, sau khi phát hiện ra châu Mỹ, các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã khám phá ra những giống cây của người Maya, họ đã sử dụng và phổ biến chúng trên khắp thế giới. Việc người dân trên lục địa Á-Âu phổ biến những giống cây độc đáo này đã làm thay đổi lịch sử thế giới.
Nhu cầu về cây trồng của người Maya trên khắp thế giới
Trong thế kỷ 16, cây trồng của người Maya đã được mang đến các nền văn hóa trên toàn cầu. Năm 1530 cà chua được trồng ở Ý, ngô được trồng ở Châu Phi năm 1590, đu đủ đã được trồng ở châu Á vào năm 1530, thuốc lá năm 1520. Năm 1550, người châu Âu đã mang sắn và đậu phộng đến vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Tây Phi.
Sự trao đổi các giống cây trồng, vật nuôi và những kiến thức này được gọi là thời kỳ trao đổi Columbus. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự biến đổi sinh thái sau thời kỳ đó là một trong những sự kiện đã thiết lập nên thế giới hiện đại.
Thế Giới, thay đổi, nông học, người Maya,
Các cây trồng bản địa của Châu Mỹ: Từ trái qua phải: 1. Ngô 2. Cà chua 3. Khoai tây 4. Vani 5. Cây cao su Pará 6. Cacao 7. Thuốc lá. (Ảnh: ancient-origins)
Tác động lâu dài nhất của thời kỳ trao đổi Columbus nằm ở việc giới thiệu các giống cây Maya với phần còn lại của thế giới. Các giống cây của Maya đã làm thay đổi thế giới bao gồm:
  • Thuốc lá
  • Bông
  • Ngô
  • Khoai lang
  • Cà chua
  • Đậu phộng
  • Sắn
  • Cacao
  • Chicle (chất làm kẹo cao su)
  • Henequen (cây làm sợi dùng trong công nghiệp may)
  • Hạt giống hoa hướng dương
  • Đu đủ
  • Cây vani
  • Ớt
  • Đậu
  • Bí đao
Những giống cây này đã tạo ra những thay đổi lớn trong sự bảo đảm lương thực cho toàn thế giới. Ngoài ra, việc giới thiệu các giống cây trồng từ Châu Mỹ đã có một tác động đáng kể đến nhân khẩu học.
Thay đổi thế giới bằng thực phẩm
Cây trồng của Maya đã có ảnh hưởng lớn đến chính trị, luật pháp, hải quan, công nghệ và tài chính của các quốc gia. Họ đã thúc đẩy các cuộc cách mạng vũ trang, những cuộc nổi dậy, thay đổi các ranh giới chính trị, thúc đẩy các cuộc cách mạng công nghiệp, kỹ thuật và khoa học, bắt đầu các hệ thống trường học, và thay đổi văn hoá, âm nhạc và phong cách sống của người dân.
Khái quát mà nói, cây trồng của người Maya thực sự đã thay đổi lịch sử thế giới. Dưới đây là một số thay đổi quan trọng trên thế giới nhờ sự xuất hiện của các giống cây trồng được tạo ra từ nền văn minh cổ đại này:
Ớt đã trở thành loại gia vị nổi tiếng nhất thế giới. Ớt của người Maya đã làm thay đổi gia vị thực phẩm trên toàn thế giới. Hãy tưởng tượng thức ăn Ấn Độ và Thái sẽ ra sao nếu không có ớt?
Thế Giới, thay đổi, nông học, người Maya,
(Ảnh: Medium)
Sô-cô-la là một hương vị ngọt ngào phổ biến khắp 5 châu và nó là món ăn ưa thích trong các ngày lễ lớn của Cơ Đốc giáo.
Sợi cotton của người Maya là loại sợi ưa thích của thế giới. Nó đã khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp, bắt đầu cuộc nội chiến Hoa Kỳ và gia tăng chế độ nô lệ, biến Hoa Kỳ thành một siêu cường công nghệ. 90% quần áo của người dân thế giới được làm từ sợi cotton.
Ngô là ngũ cốc được ưa thích và được cung cấp cho hàng tỷ người mỗi ngày. Ngô đã có những thay đổi đáng kể trong lịch sử, như là thị hiếu thực phẩm mới cho thế giới, và cả việc tạo ra loại rượu danh tiếng, Whisky.
Thế Giới, thay đổi, nông học, người Maya,
Ngô với nhiều màu sắc đa dạng. (Ảnh: Big Picture)
Đậu phộng là một vị được ưa thích trong bánh kẹo và sandwich.
Các nỗ lực để phát triển dứa ở châu Âu đã dẫn đến việc ra đời hệ thống cây trồng trong nhà kính, và việc ốp kính lên các tòa nhà cao tầng trong các thành phố hiện đại.
Thuốc lá, chất gây nghiện được ưa thích trên thế giới đã giết chết nhiều người hơn bất kỳ các cuộc chiến tranh hay bệnh dịch nào trong lịch sử. Nó đã giết tới 100 triệu người trong thế kỷ 20.
Cà chua là trái cây ưa thích của người dân thế giới. Loại trái cây màu đỏ này bị coi là độc hại ở Ý và ở Mỹ cho mãi đến thế kỷ 19.
Vanilla là hương vị được ưa chuộng trên thế giới. Một chi của họ phong lan, hương vị vani nổi tiếng khắp mọi nơi và tạo ra thương hiệu bánh ‘nana pudding’ huyền thoại.
Thương mại đã mang những hạt giống này đến toàn cầu 
Nhờ thời kỳ trao đổi Columbus mà người Châu Âu đã thu được nhiều nguồn thực phẩm và loại sợi mới. Cuộc trao đổi vĩ đại giữa Thế giới Mới (châu Mỹ) và Thế giới Cũ (châu Âu, châu Á, châu Phi) đã làm thay đổi lịch sử của hành tinh của chúng ta mãi mãi. Thay đổi này bao gồm cả sự chết chóc của người Mỹ bản địa, người châu Âu trỗi dậy, cải thiện sự đảm bảo toàn cầu về lương thực và những thay đổi lịch sử quan trọng khác.
Dân số thế giới hiện nay hơn 7 tỷ người và các cây trồng của người Maya hiện đang cung cấp lương thực cho 60% trong số đó. Chỉ riêng sắn đã có 500 triệu người ăn mỗi ngày.
Thế Giới, thay đổi, nông học, người Maya,
Tranh cây sắn vào thế kỷ 17. (Ảnh: ancient-origins)
Sự xuất hiện của các giống cây của người Maya đã gây ra sự tăng trưởng dân số thế giới. Năm 1500, dân số thế giới ở mức 425 triệu người. Đến năm 1600, đã đạt được 545 triệu người, và 610 triệu vào năm 1700.
Sau đó, nhờ nguồn dinh dưỡng được tăng cường từ các loại cây trồng này, dân số lại tiếp tục tăng nhanh hơn. Đến năm 1750 dân số thế giới đứng ở mức 720 triệu người; Đạt được 1 tỷ vào năm 1810 và 1930 là 2 tỷ. Cột mốc 3 tỷ người được thông qua vào năm 1960, năm 1980 con số đã vượt qua được 4 tỷ, năm 1990 đạt mốc 5 tỷ. Năm 2000 dân số vượt quá 6 tỷ và năm 2010 đã chứng kiến ​​thế giới có hơn 7 tỷ người sinh sống.
Hoàng An biên dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ lên lịch tuần tra thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Wall Street Journal, động thái mới của Mỹ là hướng tiếp cận đáng chú ý đối với các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.

tuần tra, Trung Quốc, Mỹ, biển đông,
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tờ Wall Street Journal ngày 1/9 dẫn lời giới chức Mỹ tiết lộ kế hoạch tuần tra mới được cho là nhằm tăng cường sự thách thức của Mỹ đối với tình trạng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với một số thực thể ở Biển Đông và vùng biển xung quanh những thực thể này. Các cuộc tuần tra này sẽ không chỉ bao gồm tàu chiến mà còn có sự tham gia của cả máy bay.
Thể theo chính sách không công bố các hoạt động quân sự trước khi chúng diễn ra, giới chức Mỹ không tiết lộ thời gian và địa điểm của những đợt tuần tra đã được lên kế hoạch, theo Wall Street Journal.
Việc lên lịch hoạt động tuần tra được cho là nhằm loại bỏ các yếu tố chính trị vốn thường chi phối thời gian và địa điểm diễn ra các cuộc tuần tra dưới thời chính quyền trước của Tổng thống Barack Obama, trả các hoạt động này về với cách tiếp cận quân sự đơn thuần.
Hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải (FONOP) lần đầu tiên của hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump diễn ra vào ngày 24/5, khi khu trục hạm USS Dewey đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc từng gọi các hoạt động FONOP mà Mỹ thực hiện trước đây là gây hấn. Tính đến thời điểm này, Washington đã thực hiện 3 chuyến FONOP dưới thời ông Trump và 4 chuyến dưới thời ông Obama.
Ngày 2/7 vừa qua, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt đối với hoạt động tuần tra của Mỹ khi tàu khu trục USS Stethem đi vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói rằng, tàu khu trục Mỹ đã“đi qua vùng biển chủ quyền của Trung Quốc” và cho hay, “Trung Quốc đã triển khai tàu quân sự và máy bay chiến đấu để cảnh báo Mỹ”.
Đợt tuần tra gần nhất diễn ra vào ngày 10/8, khi tàu khu trục USS John S. McCain áp sát đá Vành Khăn. Chiến hạm này ngày 21/8 đã va chạm với một tàu hàng ngoài khơi bờ biển Singapore, khiến 10 thủy thủ thiệt mạng.
Giới chức Mỹ tiết lộ rằng trong lúc tàu USS John S. McCain tuần tra gần Vành Khăn có 2 chiếc máy bay trinh sát P-8 Poseidon bay trên chiến hạm này.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ và xung quanh một số đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
TinhHoa tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giá xăng sẽ tăng mạnh ngay sau nghỉ lễ 2/9



Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể tăng mạnh bởi giá thế giới đang trên đà tăng cao.
Tại Mỹ, giá xăng đang đạt “đỉnh”. Vào ngày 1/9, giá xăng bán lẻ ở Mỹ tăng đột biến lên 2,519 USD/gallon, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015. Nguyên nhân giá xăng tăng mạnh là do ảnh hưởng của siêu bão Harvey phá vỡ các nguồn cung cấp từ bang Texas.
Cơn bão Harvey càn quét khắp bờ vịnh Texas hồi cuối tuần trước đã khiến các đường ống dẫn nhiên liệu chính cho khu vực Đông Bắc và Trung Tây của Mỹ đã phải đóng cửa hoặc hoạt động bị hạn chế nghiêm trọng. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu, đẩy giá xăng bán lẻ trong nước tăng đột biến.
Ngược lại với giá xăng, giá dầu thô ở Mỹ tiếp tục đi xuống do nhu cầu giảm sút. Siêu bão Harvey gây ra khiến gần 1/4 số cơ sở lọc dầu của Mỹ phải ngừng hoạt động, khiến công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm khoảng 4,4 triệu thùng/ngày.
Gia xang se tang manh ngay sau nghi le 2/9 hinh anh 1
Sau kỳ nghỉ lễ, giá xăng có thể tăng cao do giá thế giới đang có chiều hướng tăng. Ảnh minh hoạ: Lê Hiếu.
Trong khi đó, do ảnh hưởng từ thị trường Mỹ, giá xăng tại thị trường Singapore đang được điều chỉnh theo chiều hướng tăng trong vài phiên giao dịch gần đây.
Trong phiên giao dịch ngày 31/8 tại Singapore, giá cơ sở của xăng RON 92 là 67,27 USD/thùng, giá dầu hỏa là 64,37 USD/thùng, giá dầu diesel là 64,23 USD/thùng và giá dầu mazut là 305,28 USD/tấn.
Trong 15 ngày gần đây, giá xăng trung bình luôn ở ngưỡng trên 64 USD/thùng và tăng đột biết lên ngưỡng 67 USD/thùng trong 3 ngày trở lại đây. Tính từ thời điểm tăng giá trước (19/8), giá xăng tại Singapore đã tăng gần 4 USD/thùng.
Singapore là thị trường nhập khẩu chính xăng dầu của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu giá nhập khẩu từ thị trường Singapore tiếp tục theo đà tăng của giá thế giới thì nhiều khả năng trong đợt điều chỉnh sắp tới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ tăng mạnh.
Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (19/8), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, xăng RON 92 tăng 461 đồng/lít; xăng E5 tăng 431 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa lần này được giữ nguyên. Dầu mazut tăng rất nhẹ 8 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng RON 92 không cao hơn 17.486 đồng/lít; Giá xăng E5: không cao hơn 17.254 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S: không cao hơn 13.795 đồng/lít.
Đồng thời, trước áp lực giá xăng dầu thế giới, Liên Bộ cũng quyết định xả quỹ bình ổn giá để kiểm soát mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể xăng khoáng 110 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 110 đồng/lít); Xăng E5: 90 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 90 đồng/lít); Dầu diesel: 27 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 70 đồng/lít); Dầu hỏa: 185 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 110 đồng/lít).
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 16 kỳ điều chỉnh. Trong đó giá xăng tăng 6 lần, giảm 7 lần, còn lại là giữ nguyên.
 http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/sau-nghi-le-quoc-khanh-gia-xang-tang-manh-396710.html
Theo Hạnh Nguyên/ Vietnamnet


Khinh khí, nhiệt hạch



Hôm nay twitter tràn ngập tin Bắc Hàn thử thành công bom H.
Hôm nay Nhật Bản, Trung Quốc phát hiện (detect) được 2 cơn địa chấn nhân tạo (artificial earthquake) ở Bắc Hàn. Hai đợt động đất này cách nhau 8 phút. Cơn địa chấn thứ nhất có độ mạnh cấp độ 6.3 (6.3 magnitude).
Thế giới đã bỏ đơn vị đo (thứ nguyên) động đất cũ là Richter (đặt theo tên Charles F. Richter, người phát triển hệ đo sức mạnh của động đất này vào năm 1934). Hệ đo Richter (Richter Scale) không thể hiện chính xác độ mạnh của các cơn động đất lớn nên người ta nghĩ ra hệ đo động đất mà hiện nay thế giới đang sử dụng: Moment Magnitude Scale. Chữ cấp độ (magnitude) một thuật ngữ đã được dùng trong thiên văn học.
Cấp độ được tính theo logarith cơ số 10. Nghĩa là cứ tăng 1 cấp độ của thang đo, thì cường độ rung chấn mặt đất cao lên 10 lần. Tờ Wall Street Journal nói cơn địa chấn (động đất) nhân tạo ở Bắc Hàn hôm nay là Cấp độ 6.3, mạnh gấp 10 lần cơn địa chấn năm ngoái có Cấp độ 5.3 cũng do Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân.
Hạt Nhân, hay trước đây còn dịch là Hạch Tâm (Hạch = hạt, Tâm = nhân), là từ chữ Nuclear.
Vũ khí hạt nhân sử dụng năng lượng do các phản ứng liên quan đến hạt nhân của nguyên tử.
Lúc đầu công nghệ kém, người ta dùng năng lượng phân hạch (nuclear fission), tức là một hạt nhân nặng (nucleus of an atom ) phân chia (split) ra thành các hạt nhân nhẹ hơn, quá trình phân hạch này tạo ra năng lượng rất lớn. Quả bom ném xuống Nhật là bom phân hạch, vì thế gọi là bom A (A-bomb). A là viết tắt chữ Atom, tức là nguyên tử.
Sau đó công nghệ phát triển, người ta sử dụng năng lượng nhiệt hạch (thermonuclear), hoặc còn gọi là hợp hạch (nuclear fusion), tức là hai hoặc nhiều hơn hạt nhân nguyên tử (atomic nuclei) nhe hợp nhất với nhau để thành một hoặc vài hạt nhân nguyên tử (và hạt hạ nguyên tử: subatomic particle) nặng hơn; quá trình này giải phóng rất nhiều năng lượng. Bom Hydro (H-Bomb), còn được dịch là bom khinh khí (khinh=nhẹ, như khinh khí cầu), là vì bom này sử dụng công nghệ nhiệt hạch và sử dụng đồng vị nguyên tử hydro.
Điều thú vị là phân hạch và hợp hạch (nhiệt hạch) là các phản ứng hạt nhân trái ngược nhau, nhưng trong bom khinh khí lại có cả hai phản ứng này.
Trong một quả bom nhiệt hạch  (H-bomb) thường phải có một quả “bom” phân hạch (A-bomb) để tạo ra một vụ nổ sơ cấp. Năng lượng của vụ nổ sơ cấp sẽ kích hoạt vụ nổ thứ cấp sinh ra nhiều năng lượng hơn nữa. (Lý do là phản ứng hợp hạch – tổng hợp hạt nhân –  chỉ xảy ra ở điều kiện nhiệt độ cực kỳ cao trong khoảng thời gian đủ lâu, chỉ có năng lượng tạo ra từ một vụ nổ nguyên tử mới tạo ra được điều kiện như vậy).
Lò phản ứng hạt nhân nhiệt hạch, tiếng Anh là thermonuclear reactor, lớn nhất mà chúng ta từng biết, chính là Mặt trời. Năng lượng mà mặt trời, cũng như các ngôi sao cấp độ cao (high magnitude star), đang phát ra chính là năng lượng của phản ứng hạt nhân nhiệt hạch.
Quả bom nguyên tử (A bomb, phân hạch, nuclear fission) Mỹ ném xuống Nhật năm 1945. Khoảng 7 năm sau, năm 1952, Mỹ mới thử nghiệm thành công phản ứng nhiệt hạch (thermonuclear). Trung Quốc cũng làm được bom khinh khí (H-bomb, nuclear fusion) năm 1967. Nhưng để thu nhỏ phản ứng nhiệt hạch đủ để gắn làm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo thì rất khó.
Vụ thử của Bắc Hàn hôm nay được coi là một bất ngờ, năm ngoái New York Times còn có bài rất dài phân tích Bắc Hàn không thể làm được việc này. Có khả năng đây sẽ là biến cố ngoại giao lớn đối với nước Mỹ nói chung và tổng thống Trump nói riêng. Ta hãy đợi xem Trump sẽ làm gì. Với những gì đang xảy ra ở Myanmar, Thái Lan, Bắc Hàn, và có thể sắp tới là trong lòng Trung Quốc nữa, rất có thể Việt Nam, nói đúng hơn là miền nam Việt Nam sẽ trở thành một nơi náo nhiệt trên bến dưới thuyền. Nhưng trước mắt, cần phải rút được cái gai ra khỏi mắt nước Đức.
 blog 5 xu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Năm Cam nhiều lần tính “xơi” tôi


Tác giả: theo FB Nguyễn Công Khế- title bài bạn Phạm Khanh Tiến đặt 










Tôi gặp Năm Cam khoảng năm lần. Lần đầu tiên là tại quán Cánh Buồm trên đường Pasteur vào trước năm 2000, do buổi sáng đi đánh vũ cầu về anh em mời ăn sáng. Hôm đó có cả anh Bảy Khởi, lúc đó là trưởng công an Quận 3. Nhìn anh Bảy, người từ tóc tai, khuôn mặt, đều hao hao giống TT Mỹ Bill Clinton. Anh BC, bạn tôi có mặt hôm đó giới thiệu: đây là anh Năm.
Tôi chợt nhớ lại: nhân vật này, báo mình đã viết rất nhiều, khi bị bắt đi cải tạo từ năm 1995, mà nhiều nhân vật có máu mặt đứng ra bênh vực, chạy chọt, cho rằng bắt đi giam giữ cải tạo không đúng luật. Và sau đó âm thầm được thả về mở nhà hàng, vũ trường, sòng bài, cực kỳ hưng thịnh, khai trương ồn ào hết chỗ này đến nơi khác.
Cái tên: Anh Năm, được nhắc đến trịnh trọng không chỉ trong giới giang hồ.
Cái hay, là ngay một số người bạn rất đứng đắn của mình cũng tỏ ra rất nể nang, vì cho đó là một tay giang hồ rất có tâm, đủ sức ngăn chặn dân giang hồ anh chị đất Bắc.
Thời gian sau không lâu, chú Sáu Dân vô tình chợt hỏi mình: Cái thằng Năm Cam đó bây giờ sao rồi mày? Mình buộc miệng nói, hình như bây giờ ra tù rồi, làm ăn dữ dằn hơn trước. Ông đưa tay vỗ vào đùi cái đét và ngạc nhiên hỏi tiếp: nó ra tù rồi à?
Mình biết chắc việc thả Năm Cam ra tù, ông cựu Thủ tướng lúc đó đang là cố vấn BCH TW không biết và ngạc nhiên.
Lần thứ hai mình gặp Năm Cam là đi dự sinh nhật ca sĩ Hương Lan. Mình vốn ít khi dự sinh nhật của ai trong giới nghệ thuật vì do công việc phải quen biết rất nhiều anh chị em trong giới. Thành ra đi người này, không đi người kia, nó chướng. Vả lại mình cũng rất tôn trọng người đàn bà hát này.
Hương Lan về hát cho mình, bên kia có người không hiểu chửi mắng cô ta, mình thương nên đi.
Hôm đó dự sinh nhật rất ít người. Có vài người trong gia đình HL, cùng chồng là anh Toản, Đoàn Thạch Hãn và mình.
Ăn uống vui vẻ xong xuôi. ĐTH và anh Toản rủ mình xuống Maxim dưới đường Đồng Khởi uống ly cafê trước khi về. Mình uống cafê một lát, thì băng của anh Năm ngồi bên bàn bên cạnh đến chúc rượu cụng vào ly cafê mình rất trân trọng bằng hai tay. ĐTH và anh Toản nói hôm nay anh Năm muốn chào anh.
Lần thứ ba, mình gặp Năm Cam ở Vườn Tao Đàn trong một buổi sáng tập thể dục. Mình đang chạy bộ thì Năm Cam chạy lại chào. Mình nói như là người anh em chân tình. Hoàn lương đi không người ta bắt đó Anh Năm nghe. Năm Cam trả lời: anh yên tâm, cái tiếng tăm em nó lớn thành ra họ nghĩ như vậy chứ em có hoạt động gì nữa đâu.
Không ngờ từ câu nói khuyên lơn đó, mà Năm Cam thù mình cộng thêm mấy loạt bài đánh anh ta năm 1995 trên báo TN.
Lần thứ tư là cuộc gặp không sắp đặt trước. Tối mình đi làm về, gần tới nhà gặp Năm Cam ngay trước nhà mình, đi xe Honda, ngồi sau lưng một người khác chở, Năm Cam xuống xe để vào một khách sạn cận kề nhà mình. Hai bên gật đầu chào. Rồi tôi vội vào nhà.
Có thể tôi còn gặp một lần nữa, ở quán 3 Miền của anh Tịnh em anh Trịnh Công Sơn, tôi cũng khuyên răn là không nên hoạt động nữa, nguy hiểm cho chính anh và đặc biệt là bất an cho xã hội. Và có điều tôi biết chắc là Nhà nước đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt về vụ này để bàn việc đi đến bắt Năm Cam. Cuộc họp này với sự có mặt của nhiều nhân vật quan trọng của ngành nội chính của TƯ và TP HCM. Hôm đó có Giám đốc CA TP, có trưởng ban nội chính Thành ủy Trần Hoàng Thám, có cả Trung tướng Phan Trung Kiên, tư lệnh quân khu 7. Chú Sáu Dân còn hỏi TT Phan Trung Kiên về biện pháp dùng đặc công để giải quyết vụ án, nếu vụ này cứ xảy ra như những lần trước. Bắt đầu hành động thì có một lực lượng Cảnh sát báo tin cho Năm Cam để hòng tạo chứng cứ ngoại phạm, hoặc tạm ngừng hoạt động để tránh sự truy lùng.
Sau này, nghe anh Đoàn Thạch Hãn nói lại mình mới rùng mình. Lần gặp bất ngờ ở Tao Đàn và buổi tối gặp trước nhà mình . Hai lần đó Năm Cam đều tính “xơi” mình nhưng số mình còn to, nó nói hành động không kịp. Trước hương hồn anh Hãn, trong mỗi lần, vì quá thân tình, Năm Cam kể lại việc ám hại tôi, anh đều can ngăn phân bua rằng: NCK là người tốt, không nên hành xử như vậy. Tất nhiên anh Hãn vì rất thân với Năm Cam nên giữ kín chuyện này. Đến khi Năm Cam bị bắt anh mới thuật lại. Tôi bán tín, bán nghi về câu chuyện này, tại sao Năm Cam có ý định “thịt” mình, lại đi tâm sự với anh Hãn. Không sợ lộ à? Nhưng sau này cảnh sát lấy tin từ đặc tình ở chung phòng với Năm Cam, bên công an họ cho biết chính thức luôn rằng Năm Cam tiếc rằng y bị bắt vì không mua chuộc được Nguyễn Công Khế và Tướng Nguyễn Việt Thành. Và họ công bố luôn kế hoạch Năm Cam định “thịt” mình bằng cách đón lõng mình ở đường từ sân bay Nội Bài về Hà nội. Nhưng hắn đang tìm cách chứng tỏ hắn phải ở trong tình trạng ngoại phạm. Và loay hoay tìm những kẻ thù của NCK để mà đổ tội, tập trung nghi ngờ của cơ quan điều tra vào những mối khác khi mà đã xảy ra chuyện.
Đoàn Thạch Hãn là ai? Trong cuốn sách “Bên Thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức xuất bản ở Mỹ, có dành một số đoạn nói về ĐTH, và đánh giá Hãn là người sống giữa hai làn đạn. Trước anh Hãn là phóng viên chiến trường của quân đội Sài Gòn cũ. Và sau này, làm phóng viên báo Công an TP HCM một thời gian, sau khi đã học tập cải tạo dưới chế độ cách mạng. Anh Hãn và một số bạn bè chơi với Năm Cam như một thứ giang hồ hảo hớn, một thứ quan niệm anh chị, không dính dáng gì tới các hoạt động xã hội đen của Năm Cam.
Có một lần khác, ông chú tôi có một người con tên là H. H chơi như thế nào đó trong các vũ trường, gặp các tay giang hồ Hải Phòng, qua lại như thế nào đó không rõ, các tay anh chị HP đem cậu ấy nhốt vào một căn nhà trống ở đường Nguyễn Cư Trinh đòi ký mắc nợ họ đâu vài tỷ bạc theo luật giang hồ. Đám anh chị HP nhốt cậu ấy vào nhà trống, tịch thu mọi thứ kể cả điện thoại, nhưng còn một cái đt trong cốp xe, chúng không để ý. H bèn lấy đt gọi cho tôi tường thuật lại vụ việc . Tôi nói với cậu ta để tôi gọi công an. H dứt khoát không chịu và bảo: anh phải nói với bác Năm thôi. Mình hỏi bác Năm nào vậy .H nói rất nhỏ trong đt: bác Năm Cam.
Thế là mình lâm vào thế kẹt. Sao lại gọi xã hội đen giải quyết chuyện này? Mình bí quá, bèn nhờ a Tịnh Phó TBT báo Thanh niên gọi cho một anh bạn của mình là một nhà báo có quen biết Năm Cam nói sự việc. Một tiếng đồng hồ sau Năm Cam gọi đám HP lên để nói lời xin lỗi H. H hoảng quá cảm ơn và nói “Bác Năm làm thế giết con, cho con thoát thân lần này là phúc đức lắm rồi”.
Uy thế của Năm Cam lúc đó, không ai mà không sợ. Mà sợ là phải, nắm toàn bộ xã hội đen từ Nam chí Bắc. Lại vào được xã hội đỏ cao cấp cỡ đó ai mà không khiếp. Đụng vào mất mạng như chơi. Anh Tư Tạo phó giám đốc Công an TP lúc đó nói với tôi: Các ông đụng vào xã hội đỏ thì còn dễ. Chứ vào xã hội đen, thì quá phức tạp phải không. Nhưng tôi, thì lại nghĩ khác một chút. Vì “đen” trộn với “quyền lực đỏ” biến chất rồi thì sức mạnh nó ghê gớm lắm. Thử tưởng tượng hàng nghìn sòng bài và cơ sở bảo kê trong thành phố này, một ngày nó thu được bao nhiêu tỷ. Ngồi tính rồi sẽ biết. 
Với sức mạnh tiền bạc thu được. Không có nhà tư bản nào trên thế giới mà thu tiền vào dễ dàng và tiền nhiều như quân Nguyên đến như thế. Tiền bạc, quyền lực sẽ đẻ ra sự tàn bạo khiếp đảm. Đâu có nhân dân nào chịu nổi. Cũng may mà chúng ta đã chung sức ngăn được Năm Cam và đồng bọn trong thời điểm nhất định nào đó, để xã hội được trong lành, bớt đi những nỗi sợ hãi thường trực trong dân chúng.
Mấy hôm nay, anh Hoàng Hải Vân viết lại về vụ án Năm Cam, nói về những nỗi khó khăn và sự tử sinh của nghề, nhiều người chia sẻ và hiểu được những vất vả của nghề báo, làm chúng tôi xúc động nên viết những dòng này.
Tôi có ý định viết một cuốn sách về nghề báo và cuộc đời làm báo nhiều thăng trầm và rủi ro của mình, để người đọc hiểu chúng tôi sống và viết như thế nào trong điều kiện và bối cảnh chính trị của Việt Nam vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang