Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì?



BBC - Tướng Ngô Xuân Lịch trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ với cương vụ Bộ trưởng Quốc phòng, 7-10/8/2017, được trông đợi sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam không giành được nhiều ủng hộ về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Philippines, còn quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.

Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 6/8 nói với BBC rằng chuyến đi của Tướng Lịch là điều "Việt Nam đã mong muốn từ lâu", tuy nhiên thời điểm diễn ra lại không mấy thuận lợi cho Hà Nội.

"Chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump đối với Á châu, đặc biệt là với Việt Nam chưa có gì rõ nét," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong lúc quan hệ quốc phòng đã chuyển từ "ngày càng tiến triển mạnh" dưới thời ông Obama sang thái độ "ngập ngừng, không có gì rõ rệt" kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Chủ đề Biển Đông

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, từ Học viện Quân sự Úc đưa ra một số phỏng đoán về nội dung thảo luận giữa hai đại diện quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ.

"Cuộc họp này sẽ nối tiếp cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm," ông Thayer nói với BBC hôm 4/8.

"Họ sẽ thảo luận về Biển Đông và làm thế nào Hoa Kỳ có thể làm trung gian cân bằng cho sự hung hăng của Trung Quốc vào thời điểm này."

Đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia một cách chừng mực, trong bối cảnh Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bắc Hàn.

"Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông."
"Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải."

Hoa Kỳ trên thực tế "không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả," giáo sư Thayer giải thích thêm.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng hiện khó có thể nói liệu Hoa Kỳ sẽ nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này hay không.

"Quan trọng nhất là ông Lịch sẽ thăm dò tính khả tín trong các cam kết của Mỹ: Mỹ có can dự [vào chuyện Biển Đông] hay không, và nếu có, thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra."

"Đây là thế rất khó của ông Lịch, và đây sẽ là chuyến đi có tính thăm dò nhiều hơn," Giáo sư Hùng bình luận. "Ông Lịch sang để thảo luận với những nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, để xem quan hệ quốc phòng đó có thể đi đến đâu."

Tuy nhiên, Wendell Minnick, cây viết chuyên về Á châu của Shephardmedia, tạp chí chuyên về phân tích chiến lược quân sự quốc phòng có cái nhìn khác.

"Những người mà tôi đã trao đổi ở Ngũ Giác đài đều rất thích Việt Nam. Việt Nam có một vị trí rất chiến lược và tôi tin Mỹ luôn muốn phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt về mảng quân sự với Việt Nam," ông nói với BBC hôm 4/8.

"Điều Việt Nam cần làm bây giờ là phải chứng tỏ mình là một lợi thế cần thiết đáng tin cậy của Hoa Kỳ tại khu vực."

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch theo kế hoạch chính thức có chuyến thăm Hoa Kỳ trong thời gian 7-10/8/2017.

Thông tấn xã Việt Nam nói mục đích chuyến đi nhằm "góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước; tích cực chủ động triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐẠI HỘI TOÀN THỂ HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI TỔ CHỨC TRONG HAI NGÀY 8 VÀ 9/8/2017


ĐẠI HỘI TOÀN THỂ HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI TỔ CHỨC TRONG HAI NGÀY 8 VÀ 9/8/2017 TẠI NHÀ HÁT ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM 58 QUÁN SỨ, HÀ NỘI
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, Ban tổ chức Đại hội vừa có thông báo quyết định tổ chức Đại hội Hội nhà văn, Hà Nội lần thứ XII vào hai ngày 8 và 9 tháng 8 năm 2017 tại Hội trường Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ, Hà Nội và đã gửi giấy mời đến hơn 600 hội viên. Dưới đây là tham luận về Đại hội của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến-Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa XI.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SÁNG TÁC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI ĐỂ CÓ ĐƯỢC CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC XUẤT SẮC VIẾT VỀ THỦ ĐÔ VÀ ĐẤT NƯỚC
Tham luận của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội)
PHẦN I-THÀNH TỰU VĂN HỌC VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG TÁC PHẨM 5 NĂM QUA
Từ trước tới nay, chất lượng về mặt nội dung-nghệ thuật từ tác phẩm của các nhà văn chính là thước đo tiêu biểu, đặc thù cho công việc sáng tạo văn chương muôn vàn khó khăn của mỗi người cầm bút. Chính vì vậy, hoạt động chủ yếu của các nhà văn là hoạt động sáng tạo và hoạt động chủ đạo của Hội Nhà văn là tạo mọi điều kiện, làm mọi cách để phục vụ cho công việc ấy và nâng cao chất lượng sáng tác của các hội viên. Nhìn lại hơn 6 năm hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội trong nhiệm kỳ qua, chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ các nhà văn Hà Nội đã góp một phần không nhỏ vào các hoạt động văn học-nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Thứ nhất đánh giá thành tựu về mặt số lượng tác phẩm: Theo thống kê, trong hơn 5 năm qua, hơµ néi 600 nhà văn hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã in gần 500 tác phẩm gồm các thể loại: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch. Trong đó, có 44 tác phẩm đã được trao: Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Hội Nhà văn HN; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô; Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải thưởng VHNT của Bộ Quốc phòng…Như vậy, trung bình mỗi hội viên của chúng ta trong hơn 5 năm vừa qua đã ra một đầu sách và không ít người đã in từ 2 tác phẩm trở lên. Điều ấy cho thấy sức sáng tạo văn học của nhà văn HN đang ở tốp dẫn đầu so với nhiều tỉnh, TP cả nước.
Thứ hai đánh giá thành tựu về chất lượng các tác phẩm: Điều quan trọng hơn nữa, trong gần 500 tác phẩm nói trên của các nhà văn hội viên Hội Nhà văn HN đã công bố trong nhiệm kỳ qua, có nhiều tác phẩm giành được giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội có tiếng vang trong cả nước như: Tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần; Tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung; Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương; Tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của Hồ Anh Thái; Bản dịch tiểu thuyết “Lolita” của Nobakov-dịch giả Dương Tường; Tuyển tập thơ Dương Kiều Minh; Tuyển tập thơ Trúc Thông; Tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến; Tập thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung; Tập thơ “Buổi câu hờ hững” của Nguyễn Bình Phương; Tập thơ “Mỗi ngày sau một ngày” của Trần Nhật Lam; “Đường gió” của Giáng Vân; tập thơ “Phim đôi - tình tự chậm” của Vi Thùy Linh; “Những bông hoa đang thiền” của Bình Nguyên Trang; Tập thơ “Những vũ công Menphis của Đào Quốc Minh; Tập thơ” Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng” của Hoàng Việt Hằng; Tập thơ “Nhặt lời cho bóng lá” của Bùi Kim Anh; Tập thơ “ Tập thơ “Gom thu” của Nguyễn Thị Kim….Các tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “Dằng dặc triền sông mưa” của Đỗ Phấn, “Cửa hiệu giặt là” của Đỗ Bích Thúy, “Thành phố đi vắng” của Nguyễn Thị Thu Huệ, “Kỳ nhân làng Ngọc” của Trần Thanh Cảnh; Tập truyện ngắn “I am đàn bà” của Y Ban; tập truyện “Lãng du” của Tạ Duy Anh; Tập tản văn “Đi ngang Hà Nội, đi dọc Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến ...Các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình như “Trên đường biên của lý luận văn học” của Trần Đình Sử, “Văn học cổ cận Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của Nguyễn Huệ Chi; Tập bút ký “Các bạn tôi trên ấy” của Nguyên Ngọc, Tập khảo cứu “Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ sông Hương đến nhân văn” của Phan A Sa; “Bình thơ” của Vũ Quần Phương; Tuyển tập nghiên cứu văn hóa, tuyển tập nghiên cứu phê bình, Tuyển tập văn xuôi của Trương Tửu; “Đánh đường tìm hoa” của Nguyễn Thị Minh Thái, “Dĩ vãng phía trước” của Ngô Thảo; “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” Phạm Khải; “Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015” của Nguyễn Việt Chiến; “Mùi chữ” của Nguyễn Hoài Nam; “Văn học hiện đại và tiếp cận” của Nguyễn Bích Thu; “Không gian văn học” của Đoàn Ánh Dương; “Thánh thơ Cao Bá Quát” của Vũ Bình Lục. Các tác phẩm dịch thuật: “ Ôn-ga Béc- gôn của tôi” của Thụy Anh, “Hy vọng” của Lê Bá Thự, “Những đứa trẻ lúc nửa đêm” của Nham Hoa, “Kiên ngạnh như thủy” của Minh Thương v.v
PHẦN II- ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI NHÀ VĂN ĐỂ NÂNG CAO MẶT BẰNG SÁNG TÁC VÀ HƯỚNG TỚI HỘI VIÊN
Có thể nói, với những thành tựu nêu trên, văn học Thủ đô những năm qua đã cho thấy những bước chuyển biến khá lớn về mặt chất lượng nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm được trao giải thưởng của các nhà văn hội viên. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học này thường tập trung vào các nhà văn đã khẳng định được tài năng và tên tuổi của mình trong giới văn chương nhiều năm qua.
Do vậy, để đưa Văn học Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế đặc biệt là Thủ đô của cả nước và phát huy được các thành tựu đã đạt được, thiết nghĩ các hoạt động văn học của Hội Nhà văn HN thời gian tới phải tập trung nâng cao chất lượng mặt bằng sáng tác chung của các hội viên. Và tôi cho rằng, Ban chấp hành Hội nhà văn HN khóa tới cần phải đổi mới tích cực nội dung của các hoạt động nhằm hướng tới số đông hội viên của chúng ta để nâng cao chất lượng mặt bằng sáng tác chung và thực hiện tốt các chính sách đối với hội viên của chúng ta.
Tôi kiến nghị cụ thể 7 giải pháp như sau:
-Thứ nhất: Ban chấp hành HNV khóa tới cần phải mở rộng cơ chế Giải thưởng hàng năm, ngoài giải chính thức cho các thể loại (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch…) theo chất lượng như đã làm các năm qua, Ban chấp hành HNV cần có thêm các giải thưởng hàng năm như: Giải thưởng cho Văn học Nữ; Ngoài Giải thưởng văn học cho tác giả trẻ cần có Giải thưởng cho Văn học Thiếu nhi; Giải thưởng Văn học cho Hội viên cao tuổi vẫn thường xuyên sáng tác (vì hơn quá nửa hội viên chúng ta là người cao tuổi); Giải thưởng cho các tác phẩm hay viết về đề tài Hà Nội…Mục đích của giải thưởng hàng năm của Hội là nhằm kịp thời động viên, khuyến khích, phát hiện và hỗ trợ cho những sáng tác tốt cho hội viên của chúng ta.
-Thứ hai: Chúng ta cần tham khảo cách làm của Hội Nhà văn TPHCM là hàng năm, các hội viên gửi bản thảo tác phẩm của mình về Ban chấp hành Hội để xét tài trợ việc in ấn, xuất bản trên cơ sở chất lượng tác phẩm do các hội đồng chuyên môn và Ban chấp hành Hội xem xét. Việc tài trợ sáng tác cho tác phẩm của các hội viên những năm qua Hội Nhà văn HN chưa làm được và khóa tới Hội cần triển khai ngay việc này để bảo vệ quyền lợi được chăm lo, hỗ trợ trong sáng tác của các hội viên.
-Thứ ba: Cần cải cách Giải thưởng văn học hàng năm với mục đích là tập trung vào các tác phẩm của các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn HN. Những năm vừa qua, có không ít tác phẩm không phải của hội viên Hội Nhà văn HN được trao giải thưởng, điều này đã gây ra nhiều dị nghị và thắc mắc của nhiều hội viên. Việc này, Hội nhà văn TPHCM cũng làm tốt hơn chúng ta, ngoài việc trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học hay viết con người, đời sống văn hóa- xã hội của TPHCM, họ chủ yếu chỉ trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học của hội viên, mặc dù kinh phí cho hoạt động của Hội nhà văn TPHCM còn nhiều hơn chúng ta.
-Thứ tư: Ban chấp hành HNV cần tiếp tục duy trì thường xuyên và có hiệu quả các buổi sinh hoạt hội thảo chuyên đề vào ngày 10 đầu tháng như đã làm, ngoài các vấn đề thời sự văn học-xã hội và các tác giả văn chương lớn, Hội cũng nên cải tiến theo hướng dành phần lớn thời lượng các buổi này cho việc tọa đàm, trao đổi về tác phẩm văn học của các hội viên HNV(như mới đây đã từng tọa đàm về 3 tác phẩm thơ của các nhà thơ: Vũ Từ Trang, Tô Thi Vân, Hoàng Xuân Tuyền của hội). Để triển khai việc này, các hội viên của chúng ta cũng cần chủ động gửi các tác phẩm mới in có chất lượng và đề nghị Ban chấp hành Hội cho tổ chức tọa đàm, trao đổi.
-Thứ năm: Để bổ sung các tri thức kiến văn và nâng cao mặt bằng sáng tác cho hội viên, Ban chấp hành HNV cần tổ chức các buổi bổ trợ, bổ cập các kỹ năng sáng tác thơ, văn, phê bình…cho đông đảo các hội viên, và mời các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, có thành tựu đến trao đổi kinh nghiệm sáng tác, trao đổi về học thuật và các vấn đề của văn chương Việt Nam và đương đại.
–Thứ sáu: Tăng cường hoạt động của các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác và Trung tâm bồi dưỡng viết văn của Hội, để vận động xã hội hóa các nguồn tài trợ cho hoạt động của hội, tích cực tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Hội; tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan chức năng, ban, ngành thành phố và các doanh nghiệp để vận động lập Quỹ Sáng tác văn học Hà Nội.
-Thứ bảy: Ban chấp hành HNV khóa tới cần duy trì cách làm tốt của khóa trước là tổ chức các chuyến đi dã ngoại và thực tế sáng tác cho đông đảo hội viên nhưng cũng cần đặt mục tiêu chủ đề sáng tác cho từng chuyến đi vì đây là cơ hội để các nhà văn giao lưu, tìm hiểu đời sống văn hóa-xã hội của các vùng miền để thu thập tư liệu và khơi dậy nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn chương.
Trên đây là 7 kiến nghị của tôi nhằm mục đích nâng cao chất lượng sáng tác và hoạt động của Hội Nhà văn HN những để có những tác phẩm xuất sắc viết về Thủ đô và đất nước.
Trong những năm qua, có một số ý kiến cho rằng “Văn học chúng ta có nền mà chưa có đỉnh” – Nền ở đây là số lượng nhà văn hôm nay ngày một tăng, số lượng tác phẩm bây giờ in ra ngày một nhiều nhưng các tác phẩm đạt tới chất lượng văn học đỉnh cao ngày một hiếm hoi.
Vậy chúng ta hãy thử xem xét, khảo sát một vài vấn đề về nền văn học đương đại. Theo tôi, từ 1975 đến nay đã hơn 40 năm, mặt bằng chung của dân trí của chúng ta đã đựơc nâng lên nhiều và mặt bằng chung của văn học cũng xuất phát từ một cái nền khá cao. Ở đây, tôi muốn nói đến mặt bằng sáng tạo văn học (tầm tri thức của người viết) và mặt bằng thưởng thức văn học (tầm tri thức của người đọc) đều được nâng lên. Điều này cho thấy nền văn học của chúng ta ngày càng đòi hỏi một cách nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe hơn.
Có thể nói những nhà văn hôm nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác. Nhưng để vượt lên trên cái mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những “đỉnh cao” văn chương thì đấy lại là chuyện không đơn giản chút nào. Vì thế, để có được một bước “đột phá” mới trong sáng tạo trên cái nền văn học khá cao ấy là một thử thách rất lớn đối với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện biển Đông và Trịnh Xuân Thanh




FB Nguyễn Công Khế
Mấy hôm nay tôi muốn lên tiếng vài chuyện, nhưng vì bận rộn với những công việc hàng ngày nên viết dở dang, chưa đưa lên trang của mình được .Trước hết là chuyện Biển Đông và sau đó là Trịnh Xuân Thanh.

Chuyện Biển Đông tạm qua rồi, tôi chỉ muốn nói là ta phản ứng về mặt truyền thông là quá chậm . Từ khi Bill Hayton đưa tin trên BBC news: "Việt Nam đã ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp tại Biển Đông sau khi Trung quốc đe dọa dùng vũ lực". Mấy ngày sau đó,người phát ngôn Bộ ngoại giao ta ,trong một cuộc họp báo thường kỳ theo thông lệ, nói rằng: " khẳng định hoạt động dầu khí gần đây diễn ra trong khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông."

Tôi xin nói ngay rằng ta không hề sợ Trung Quốc . Tôi không cực đoan và trách cứ gì chuyện tính toán lúc nhu, lúc cương từng thời điểm của các nhà cầm quyền . Nhưng tôi cho rằng không dễ gì Trung Quốc cứ hễ muốn đánh ai lúc nào là đánh. 

Tôi rất đồng ý với tác giả Thơ Phương, trong một Status của mình đã viết:"Trung Quốc thực tế sẽ chả dám ngông cuồng tấn công quân sự vào Việt Nam hay cả trên các Đảo mà Việt nam đóng quân , đó là sự liều lĩnh rất mạo hiểm đối với TQ, vì hiện nay Mỹ cũng đã đóng quân gần đó, kể cả Nhật cũng thế, còn phía bên kia là gia tăng căng thẳng biên giới Ấn Độ nên TQ sẽ không dám đối đầu với VN, vì nếu mà nã tên lữa và đạn cối vào VN thì TQ sẽ bị bít hết cửa "

Status này viết tiếp :" thậm chí về chuyên môn phân tích kinh tế là tất cả các dự án đầu tư của TQ rất lớn ở VN sẽ bị niêm phong.TQ sẽ không bao giờ dám động binh, họ chỉ dọa nạt để lấy phiếu cử tri của Tập Cận Bình thôi, vì nếu TQ làm liều phong tỏa đường biển với VN cũng đồng nghĩa phong tỏa với các nước khác thì Nhật, Mỹ , Indonesia cũng có quyền lợi là họ sẽ phong tỏa đường biển với TQ, như vậy chế độ Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại lớn chứ không phải VN. Vì hiện nay tại biển Ấn Độ Dương thì Ấn Độ đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc xung đột xãy ra nếu TQ nã đạn trước thì Ấn sẽ phong tỏa đường biển này , thì tàu buôn và tàu chiến của TQ rất khó đỡ đòn nổi. Thị trường cổ phiếu của TQ ở Thượng hải và Thẩm Quyến hay cả Hồng kông sẽ sụt giá tan tành ngay lập tức."

Tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến này, nên cho trích một đoạn dài như vậy thay cho ý của mình , vì nếu diễn đạt tôi cũng không thể viết đầy đủ hơn bạn Thơ Phương.

Về trường hợp Trịnh Xuân Thanh đầu thú hay bị công an Việt nam dẫn độ, tôi không quan tâm lắm như mạng xã hội mấy hôm nay lên cơn sốt. Tôi biết VN đã có thông báo đến Interpol quốc tế và các nước về trường hợp này là vụ án tham nhũng lớn thất thoát hàng trăm triệu USD của người dân VN nghèo khó, và tội phạm đã bỏ trốn cần truy nã .Chính phủ Đức là một Chính Phủ minh bạch và không thể nào ủng hộ những loại tội phạm đó. Việc còn lại để cho hai bên bàn bạc , trao đổi để ra khỏi cuộc khũng hoảng ngoại giao và pháp lý giữa hai nước vốn từng có quan hệ tốt đẹp với nhau.

Điều tôi quan tâm lớn nhất là quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ Việt nam tới đâu . Điều làm chúng tôi vui hơn và hy vọng hơn chính là tôi thấy ở họ một quyết tâm cao trong cuộc chiến chống tham nhũng qua vụ Trịnh Xuân Thanh ,các vụ thất thoát khũng trong các ngân hàng vừa qua . Và TBT Nguyễn Phú Trọng còn ví von rằng khi lò lữa đã được nhóm lên thì không chỉ 
củi khô , củi khô vừa và kể cả củi tươi cũng phải bị cháy.

Ông còn chỉ đạo làm tiếp và làm quyết liệt các vụ còn lại, đó là vụ AVG, vụ Dầu khí, vụ Cảng Quy Nhơn.Và còn những vụ nghiêm trọng khác như vụ thất thoát và tham nhũng ở VinaShin ,Vinalines ...Riêng ở VinaShin , con số thất thoát ,thua lỗ và tham nhũng trước Đại hội 11 là 80.000 tỷ . Chính phủ nhiệm kỳ đó hứa sắp xếp ,cơ cấu lại và hứa hẹn sau 3 năm sẽ có lãi. Đến bây giờ, con số nợ nần và thất thoát tiền của dân lên đến hơn 100.000 tỷ đồng .Dứt khoát những thất thoát và tham nhũng khũng khiếp đó phải được thu hồi và trả lại cho người dân chúng ta.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TƯỚNG TRẦN ĐỘ QUA MỘT GÓC NHÌN SỰ THẬT..!


Dao Pham Viet đã chia sẻ post của Lê hồng Song.
47 phút
Lê hồng Song đã thêm 3 ảnh mới.
3 giờ

15 năm đã trôi qua kể từ ngày Trần Độ giã biệt chúng ta, những người yêu mến và kính trọng ông vì tinh thần dũng cảm đấu tranh cho chân lý, vì tương lai dân tộc. Tôi đưa lại bài viết về ông tặng những người coi mình là bạn trên cùng con đường với ông. Kẻ thù của ông xin bỏ qua, đừng đọc.
TRẦN ĐỘ, NGƯỜI YÊU SỰ THẬT
Tôi ra tù cuối năm 1976.
Thời gian này tôi phải làm đủ mọi thứ việc để kiếm sống.Gia đình tôi đã rơi xuống đáy vực nghèo khổ khi vắng người đàn ông trụ cột. Tôi không để ý đến mọi thứ ngoài công việc, không có cả thời giờ gặp bạn bè. Phải hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ.
Nghe nói với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Trần Độ hồi ấy rất bận với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, viết quân sử vv……
Nghe vậy, tôi càng không có ý tìm anh. Tôi không muốn gặp các quan chức một tẹo nào. Tâm lý này là chung cho tất cả chúng tôi, những người không dưng bị mấy tên “lãnh tụ” khốn nạn tống vào tù.
Nhưng rồi Trần Độ tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.
Trần Độ biết tôi ở tù.
Anh nhìn tôi thương hại:
- Chín năm! Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú và xử nặng thế chứ.
Tôi sững người.
Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng" mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “đính vào” như cách người ta nói về một cái khuy áo, mà tôi lại là cái khuy dưới cùng, có cũng được, mất không sao. Mà có cái nhóm nào đâu cơ chứ! Chỉ có những cuộc luận bàn thế sự lúc trà dư tửu hậu của mấy cán bộ hoạt động trong phong trào giải phóng dân tộc từ khi nó còn trứng nước với lớp trẻ tới sau. Ấy thế mà mấy anh “lãnh tụ” quen thói nhìn đâu cũng thấy phản động phát hoảng, vội tổ chức một cuộc bắt bớ đại quy mô, khoe rằng quăng một mẻ lưới, tống vào tù bất cứ kẻ nào có một hai câu phát ngôn ngược với đường lối của mấy anh. Để tạo ra một chính danh cho hành động của mình, anh Ba, anh Sáu, anh Năm và bộ hạ liền nghĩ ra cho nó một cái tên thật kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.
Bắt cán bộ đảng chưa đủ, người ta tóm cả những người ngoài đảng cho luôn vào cái rọ được gọi là nhóm đó. Thế là tôi vào tù, Vũ Huy Cương vào tù, cả Bùi Ngọc Tấn cũng vào tù, cũng vì tội “xét lại”. Tôi dám cá là mấy anh “lãnh tụ” nói trên đến xét đi còn chưa biết, làm sao biết được xét lại là cái gì. Vào tù rồi tôi càng tin mình hiểu đúng – những cán bộ cấp vụ cấp bộ làm công việc hỏi cung tôi chẳng hề biết chủ nghĩa Mác là cái gì ngoài mớ kiến thức lèo tèo nhặt được từ mấy cuốn sách mác-xít nhập môn được mấy anh mác-xít nhà quê biên soạn.
Tôi ngạc nhiên là phải. Một vụ án to như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, người trong các cấp uỷ Đảng được nghe phổ biến những cái gọi là "báo cáo số 1" "báo cáo số 2"..., sao Trần Độ lại không biết?
Trong bữa rượu ấy, nghe anh nói thế, tôi nhìn anh trân trân – thì ra anh vẫn còn tin cái đảng của anh lắm, anh cũng là một anh mù, như mọi quan chức khác.
Hơn chục năm sau, tới tận 1988, khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn gặp nhiều khó khăn, mới ra hai số đã bị cấm, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo. Không biết nghe ai nói, nhiều phần là do nhà báo Thái Hồng (tác giả cuốn Tháp Mười Tầng), Trần Văn Trà muốn tôi tham gia gỡ rối. Trò chuyện với anh, tôi mới biết, hoá ra không phải chỉ Trần Độ, cả tướng Trà cũng chẳng biết gì về vụ này.
“Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển - Trần Văn Trà nói - Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương. Thông tin sơ sài, thậm chí tôi không đọc kỹ. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với đủ mọi việc, chẳng ai để ý”.
Tôi không nhận lời tham gia tờ báo. Tôi biết nó sẽ là sự hy sinh vô ích.
Chuyện trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc được nhận hoặc không cần được nhận thông tin, tôi biết. Nhưng đến mức những cán bộ cấp tướng mà cũng không được biết về vụ bắt bớ to lớn ấy thì thật lạ.
Tôi coi Trần Độ như người anh lớn mà tôi kính trọng vì nhân cách, vì xử thế, chứ không vì địa vị, tôi không muốn nói ngay lời phản bác.
Đáp lại, tôi chỉ nhìn anh, cười buồn:
- Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết, ta cạn với nhau chén rượu tái ngộ này, kèm theo một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong một bữa rượu sau. Anh hứa chứ?
Anh gật đầu, cạn chén.
Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Với anh, tôi không dám lắm lời.
Gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.
- Em lắng nghe câu trả lời của anh đây - tôi nói.
Anh lắc đầu, thở dài:
- Một lũ chó má! Không thể ngờ.
Và văng một câu chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng anh.
Trần Độ sau đó vẫn còn nhận nhiều chức vụ mới - Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội. Đã tưởng anh biết cái đảng của anh nó thế nào, hoá ra anh vẫn không từ chối bổng lộc nó ban cho. Tôi từng nghĩ như thế sau cuộc gặp gỡ ấy. Tôi chán cái sự đời ô trọc.
Rồi đến tai tôi những tiếng xì xào về chuyện cái sự thăng quan tiến chức nọ lại không phải như tôi nghĩ.
Trước hết, anh bị đưa ra khỏi quân đội để làm công tác dân sự không phải vì cái gì khác, mà qua những phát biểu bị nghe lén, bị báo cáo, bị những người cầm trịch quốc gia khó chịu. Khó chịu, bực tức, chứ không phải chỉ ngờ vực. Những lời đồn tiếp theo củng cố cho lời đồn trước.
Quả vậy, sau tôi mới biết, trong những cương vị mới Trần Độ đã làm nhiều việc đi chệch đường lối của Đảng - xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…
Tôi lại gặp anh. Và anh lại gặp tôi. Chúng tôi tìm nhau nhiều hơn. Chúng tôi cùng đi một đường.
Văn Cao là người chăm chú theo dõi thời cuộc, nói với tôi: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non rồi. Phí thật”!
Tôi đồng ý với Văn Cao. Cho đến lúc ấy vẫn được chúng tôi gọi đùa anh là ông tiên chỉ trong làng văn nghệ.
Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh có thể sẽ lên cao hơn nữa trong hệ thống quyền lực, hơn đứt Lê Đức Anh. Là nói chuyện đằng thằng, không tính đến ô dù.
Trần Độ là người quá ngay thẳng. Anh nghĩ gì nói nấy, không giữ gìn. Anh không biết lui tới, không biết náu mình chờ thời. Anh hành xử theo lương tâm, cứng đầu trong cuộc đấu tranh cho chân lý. Về mặt này anh giống Hoàng Minh Chính. Cả hai đều có tố chất người lính can trường. Nhưng không phải người làm chính trị.
Không ai có thể can ngăn Trần Độ. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ tiếp tục làm chối tai các "lãnh tụ".
Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ những khuyết điểm cục bộ đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần nói trắng ra ý muốn thay thế thể chế hiện tại bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Với người khác là chuyện bình thường. Nhưng anh là người cộng sản từ khi chính quyền còn trứng nước, đã có chức vụ cao. Những phát biểu như thế có ảnh hưởng lớn trong quần chúng đảng viên, chưa nói gì tới đông đảo quần chúng ngoài đảng. Một anh bạn trong Bộ Nội vụ, cấp cao, thân tình khuyên tôi chớ dây với Trần Độ - hồ sơ Trần Độ đã được lập, mỗi ngày một dày thêm. Anh bị theo dõi anh từng bước.
Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Chúng làm cho thiên đình điên ruột. Anh nhanh chóng trở thành “tên phản động”.
Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.
Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi anh công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc xong, nói anh không hài lòng một số câu chữ trong đó. Lúc nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi bảo Thiện cứ nói thẳng ý kiến của mình cho Trần Độ nghe. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao đến nay anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-Nguỵ” trong bài viết, nó không đúng, không chỉnh, người đọc sẽ khó chịu đấy”. Trần Độ cười hề hề: “Mình lỡ viết theo thói quen, cậu sửa lại hộ mình nhá”.
Tôi ngạc nhiên khi đọc ở đâu đó có người viết Trần Độ quan cách, hách dịch. Tôi không hề thấy tính cách ấy ở anh. Rất có thể người nào đó bị anh khinh, không thèm trò chuyện, đã nghĩ thế. Là người trực tính, Trần Độ không biết giấu đi thái độ của anh trong giao thiệp, và chỉ có thế.
Một thí dụ. Năm 2001, trong một cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú này có mặt trong cuộc điện đàm của tôi với Trần Độ, nằng nặc đòi tôi cho chú nói với bác Độ vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại đi làm chuyện ngược đời - quét từ dưới lên trên?”. Anh Độ cười to: ”Hay, chú nói hay lắm. Chỉ sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười to: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời nói đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm chuyện lộn ngược thôi!”.
Việc Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra không bắt anh thì người ta cũng phải khai trừ anh từ lâu.
Anh cười, anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được thừa nhận không phải là người nằm trong “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một cách sáng tạo”.
Khai trừ anh đảng cộng sản thêm một lần không thẻm giấu giếm cái hẹp hòi truyền thống của mình - không bao giờ chịu nghe lời nói ngược. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.
Đảng của anh khai trừ anh. Bù lại anh được nhân dân đón vào lòng.
Nhà cầm quyền căm ghét anh. Bù lại anh được tình yêu thương của những người yêu nước, của đồng bào.
Anh được rất nhiều, mà không mất gì. Nói cách khác, cái người ta quen cho là mất chẳng là cái quái gì đối với anh.
Khi lâm bệnh, anh không dùng một viên thuốc nào của nhà nước cấp – anh không tin thứ thuốc từ những người mà anh biết là không tử tế. Anh chỉ dùng thuốc đồng bào gửi cho anh. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc đủ dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời, những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.
Được tin anh mất, tôi không khóc. Nước mắt chảy vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí càng được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, lịch sử vốn thích làm thế mà, nhưng nó sẽ đến, tất yếu đến, bởi nó là quy luật của muôn đời.
Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã bất ngờ đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa.
Như nó đã đến với sự sụp đổ không thể nào đoán trước của cường quốc Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước. Như chúng ta cùng mong ước với anh.
Ở thế giới bên kia, khi nó đến, hẳn anh sẽ mỉm cười sung sướng.
Thư Hiên Vũ
31 Tháng 7 lúc 23:11 ·


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái tên nó vận ngược vào người


Ngày xưa nhìn chung các cụ ít quan tâm việc đặt tên cho con cái. Tôi còn nhớ ở làng tôi, tên của thế hệ trước tôi, cả nam lẫn nữ đều rất xấu, khó gọi, kiểu như Thèo, Lộn, Sìu, Vớ, Són, Khoắn, Hểu, Vén, Gầu, Loa... Cả đời vất vả, bám mặt trên luống cày, tên hay mà làm gì.

Nhưng cũng có nhiều gia thế (thường ở ngoài phố) lại chăm chút cho tên con ngay từ khi chưa đẻ, nếu con trai thì phải là Hùng, Chiến, Dũng, Cường, Quý, Đạt, Công, Thành..., con gái thì phải Duyên, Hoa, Quỳnh, Lan, Ngọc, Huyền, Thanh, Thúy, Mỹ, Tiên... Họ mong tên con thế nào thì đời nó, số phận nó sẽ thế ấy.

Nhưng trải nghiệm cuộc đời, tôi thấy nhiều khi cái tên đúng là có vận vào đời, nhưng có lúc vận xuôi, có khi vận ngược.

Tôi có ông anh rể, các cụ đặt tên là Trữ. Anh tôi đúng là người tiết kiệm thượng đại hạng, không phí phạm thứ gì, bỏ đi cái gì. Thứ không dùng nữa cũng không vứt đi, cứ cất giữ, trữ trong nhà đã, bởi biết đâu có khi dùng đến. Có thời nhà anh cứ như cái kho của Bộ Vật tư, cần sửa chữa thứ gì cũng có, kể từ con ốc rỉ, mẩu dây thép gai, chiếc vung nồi đã sứt tay cầm, cái bút bi hết mực...

Làng tôi có ông Đại. Ông rất thích khoe, bất cứ cái gì qua miệng ông cũng phải to hơn gấp vài chục lần. Ông trồng dưa hấu, thu hoạch được chục quả thì ông nói cả trăm, dưa người ta nặng 3 ký thì dưa của ông phải 8 ký, đại loại là vậy. Nhiều hôm thấy chúng tôi ngồi há hốc mồm ra nghe ông kể, bu tôi ra hiệu, chúng mày đừng có tin cậu Đại, ông ấy nói phét đấy. Nhưng nghe chuyện của ông Đại cũng thích, đỡ buồn.

Cũng tên Đại, ông bạn cùng lớp với tôi là Nguyễn Sĩ Đại nhưng người bé tí. Hồi nhập học, tập trung trên Hà Bắc ven sông Cầu, tôi thấy y chỉ cao khoảng mét rưỡi, nặng 40 ký là cùng. Đáng nhẽ phải tên là Tiểu mới đúng. Nhưng từ sau khi lấy vợ, có nhẽ âm dương hòa hợp, béo tốt hẳn lên, giờ to mập bệ vệ như ông quan trong truyện của Nguyễn Công Hoan.

Cô em gái tôi tên Ngọt. Có một dạo tôi cứ thắc mắc sao thày bu tôi không đặt là Ngọc có phải hay hơn không, tên gì mà cứ như ăn mía. Sau mới thấy đúng tên là người. Nó dịu dàng, tốt bụng, luôn chu đáo ân cần chăm sóc mọi người, tốt ngọt ngào không thể tả, chả ai chê trách được điều gì (đến cả chồng nó còn không tìm ra khuyết điểm của nó thì còn ai mà chê được). Hóa ra cái tên quá hay, may mà không đổi thành ngọc ngiếc.

Tôi cũng thuộc dạng tên vận vào người, nhưng vận ngược, như ông Đại bạn tôi vậy. Các cụ thân sinh chả biết có ý gì mà lại đặt tên Thông, có lẽ hy vọng đời con mình sẽ hanh thông, thoáng mở, trí tuệ nó sẽ thông thái không đến nỗi nào. Nhưng người mong là một chuyện, trời cho lại là chuyện khác. Tôi cả đời ngu đần, dại dột, không làm được trò trống gì ra hồn, cứ liên tiếp "đi từ thất bại này tới thất bại khác". Giờ qua tuổi lục thập hoa giáp rồi nhưng gần như vẫn trắng tay, tài sản đáng kể nhất là vợ và 2 đứa con, bắt "chúng" phải nghèo theo mình, "chúng" than thở, kêu như vạc. Tôi bảo con "bố chúng mày ngu thì chúng mày cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, ai bảo chúng mày nhẹ dạ tin vào cái tên bố thì ráng chịu".

Vừa rồi trong cuộc bể dâu thấy cũng có mấy cái tên vận vào người, lúc xuôi lúc ngược. Anh Thăng (Đinh La) đúng là thăng, lên như diều, vua biết mặt chúa biết tên, bố mẹ mát lòng mát dạ, nhưng lúc hết gió thì té cái ầm, giờ vẫn chưa biết số phận sẽ thế nào.

Ông Trầm Bê đại gia người Kh'me, giàu cự phú, tiền muôn bạc vạn, tưởng mãi mãi bền vững như tình hữu nghị Việt Xô, ai dè cả cái họ lẫn cái tên đến giờ nó vận vào người. Trầm một nhát, thiên hạ vào bê hết mọi của cải, bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Có những ông tên là "sáng" nhưng tối bỏ mẹ, tên là "anh" nhưng chỉ đáng đàn em, tên là "nặng" nhưng nhẹ hều không có tí xi nhê gì...

Cũng như cái tên nước này vậy, gắn với độc lập tự do hạnh phúc nhưng chửa thấy đâu, chỉ tinh ngược lại.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Tin nổi bật sáng 6/8 - Bộ ngoại giao VN chính thức lên tiếng việc TQ đe ...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ Nội vụ tiếp tục rắc rối vì Trịnh Xuân Thanh


5/8/2017 - Cơ quan công an đang điều tra làm rõ việc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lưu tại Bộ Nội vụ bị thất lạc. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3-8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã xác nhận về thông tin hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lưu tại bộ này đã bị thất lạc.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Thừa, Bộ Nội vụ nhận được hai hồ sơ gốc do tỉnh Hậu Giang chuyển tới, trong đó một hồ sơ được văn thư đóng dấu Bộ Nội vụ và cũng là bộ hồ sơ bị thất lạc. Thứ trưởng Thừa cho biết vụ việc mất hồ sơ này đang được Bộ Công an tiến hành điều tra và Bộ Nội vụ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm liên quan của các cá nhân, tổ chức trong Bộ.

Đây chính là bộ hồ sơ có giá trị nhất để soi xét, đánh giá lại những sai sót trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến con đường thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang. 

Có những nghi ngờ là trên bộ hồ sơ gốc bị thất lạc có bút phê chỉ đạo mà nếu không tìm ra thì có thể bỏ lọt trách nhiệm. Và như thế những người sai phạm không chỉ là mấy thứ trưởng Bộ Nội vụ như kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vào cuối năm 2016. Bởi lẽ Bộ Nội vụ là nơi chịu trách nhiệm trong thẩm định, cho ý kiến về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo Bộ Công Thương kéo ông này từ công ty đang thua lỗ là PVC về Bộ.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trả lời về việc thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3-8. Ảnh: tienphong.vn

Ở bước tiến thân tiếp theo của nhân vật này, Bộ Nội vụ có trách nhiệm trong thẩm định, đề xuất Thủ tướng phê chuẩn chức danh phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 cho Trịnh Xuân Thanh - người mà từ trước đó đã được xác định là có trách nhiệm với nhiều khoản thua lỗ ở PVC, một công ty con trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chưa kể, khi điều tra kỹ hơn thì ông Thanh còn bị khởi tố về tội tham nhũng.

Liên quan đến việc này, nguồn tin từ UBKT Trung ương cho biết khi tiến hành kiểm tra có dấu hiệu vi phạm tại Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ hồi cuối năm 2016, đoàn kiểm tra mới nhận được thông tin là một bộ hồ sơ gốc của Trịnh Xuân Thanh lưu tại bộ này bị mất. Vì vấn đề này phát sinh sau đó, không nằm trong nội dung kế hoạch trước đó nên đoàn không kiểm tra, xác minh.

Mặt khác, với các tài liệu, hồ sơ thu thập được thì đã đủ để kết luận về các dấu hiệu sai phạm của từng cá nhân trong Bộ Nội vụ liên quan tới thẩm định, tham gia ý kiến cho việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, chuẩn y… với trường hợp Trịnh Xuân Thanh.

Trả lời câu hỏi, vậy nếu nay phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong việc mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh thì UBKT Trung ương có vào cuộc không, nguồn tin bình luận: “Tùy mức độ, đối tượng mà có thể UBKT Trung ương hoặc cấp thấp hơn sẽ kiểm tra”.

Hai thứ trưởng bị kỷ luật khiển trách

Liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, nhiều lãnh đạo Bộ Nội vụ đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng bị kỷ luật khiển trách do có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với Trịnh Xuân Thanh.

Thứ trưởng Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, cũng bị kỷ luật khiển trách do có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng huân chương và danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC; tặng bằng khen của Thủ tướng và huân chương cho Trịnh Xuân Thanh.

Riêng Thứ trưởng Trần Anh Tuấn có vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về việc tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch và xếp lương công chức cho Trịnh Xuân Thanh; thiếu kiên quyết, không đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương để thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai trái trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, UBKT Trung ương kết luận các vi phạm, khuyết điểm của ông Tuấn chưa đến mức phải thi hành kỷ luật…

Phải giải trình vì cung cấp tài liệu mật?

Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ cũng đang kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn vì “cung cấp tài liệu cho báo chí thuộc danh mục tài liệu mật” liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang. Văn bản bị cho là thuộc danh mục mật là Công văn 766 ngày 17-10-2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban Tổ chức trung ương và Bộ Công Thương xin Trịnh Xuân Thanh về làm cán bộ tỉnh này.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết đã giải trình với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, khẳng định đây không phải tài liệu mật. Trong buổi họp báo Chính phủ chiều tối 3-8, Pháp Luật TP.HCM đã gặp hỏi Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa về vấn đề này. Thứ trưởng Thừa chỉ ngắn gọn “việc này chưa thể nói được”.

NGHĨA NHÂN - CHÂN LUẬN
http://plo.vn/thoi-su/bo-noi-vu-tiep-tuc-rac-roi-vi-trinh-xuan-thanh-719509.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang