Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Chống tham nhũng nhằm vào ai? Có cái gì sai ?


Chống tham nhũng của ta y như chống mại dâm, gái mại dâm (dân nghèo) bị phạt tơi tả nhưng khách mua dâm (chủ yếu là quan chức) thì không sao cả. Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an thành phố HCM) đã thẳng thắn trả lời cho câu hỏi nêu trên: “Tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”. Đấy, phần lớn chủ DN không phải là ĐV, cũng không tham gia các phe nhóm chính trị, do đó đánh vào họ vừa thu được lợi ích kinh tế, vừa không sợ va chạm với các phe nhóm khác.
Chống tham nhũng nhằm vào ai?
Vu Hai Tran - Trung quốc diệt hổ, bắt và xử án hàng trăm quan chức và tướng lĩnh cao cấp. Trong số đó, có hàng chục uỷ viên trung ương Đảng, mấy vị Bộ chính trị. Số doanh nhân bị bắt trong chiến dịch này cũng có, nhưng khá ít.

Việt nam bắt chước diệt hổ, nhưng chưa thấy bắt và xử án quan chức cao cấp nào, trong khi bắt và xử án hàng trăm doanh nhân (hay quản lý doanh nghiệp) thuộc loại có "hạng"! Ông Trịnh Xuân Thanh, mang danh Phó chủ tịch tỉnh, nhưng bị bắt vì những việc do ông làm quản lý doanh nghiệp nhà nước!

Có gì sai sai? 

Hay chống tham nhũng ở đất Việt là nhằm vào giới doanh nghiệp, đối tượng thường phải phục dịch, lại quả cho quan chức đủ hạng? 

Quan chức Việt chỉ vi phạm chơi chơi thôi, chứ không tham nhũng, nên chỉ bị kỷ luật hay cùng lắm là bị cách chức, phần lớn là "cái nguyên"?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con tàu đắm và quý ông chân chính



Hà Ánh Charlie Dương
(Tác giả gửi Blog Hahien)
Bài viết này của tôi xin được xem như lời góp thêm sau bài viết của Tác giả Trần Quỳnh trên internet về những điều dấu kín nay mới kể của Phó Thuyền trưởng tàu Titanic, Charles Lightoller, người vì nhiệm vụ chỉ huy các thuyền cứu sinh chở người sống sót trở về nên cũng thành người sống sót sau thảm họa 1912 trên Đại Tây Dương.
Phó Thuyền trưởng Charles cho biết: những chiếc thuyền cứu sinh khi ấy được dành cho những trẻ em, phụ nữ và một vài vị VIP trong đó có ông trùm ngân hàng nổi tiếng thời đó Guggenheim nhưng ông ấy đã từ chối sự ưu tiên sống còn này.
Ông Guggenheim đã viết vội mấy dòng thư nhờ Charles chuyển về cho vợ như sau: “Anh sẽ không chiếm bất kỳ một chỗ nào của phụ nữ và trẻ con trên thuyền cứu sinh mà sẽ đứng lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết như một con vật mà sẽ ra đi như một quý ông chân chính.”.
Cũng trên mạng những ngày này, tôi cũng thấy mặt và được đọc tin về một ông trùm ngân hàng nổi tiếng của nước ta, đó là ông Trầm Bê vừa bị bắt sau một thời gian dài trên những chiếc thuyền cứu sinh vô hình chắc cũng sắp đắm.
Việt Nam bên Biển Đông của Thái Bình Dương năm 2017 có ông trùm ngân hàng Trầm Bê. Châu Âu với Đại Tây Dương năm 1912 có ông trùm ngân hàng Guggenheim. Hai ông ở hai thế giới thật khác biệt, trong hai câu chuyện thật khác biệt và thuộc hai tầng văn hóa thật khác biệt. Chuyện trên mạng đến cùng lúc nên đã lỡ đưa quý danh của hai ông vào chung một trang viết này, tôi vô cùng xin lỗi linh hồn của quý ông chân chính Guggenheim trên con tàu đắm chân chính Titanic bi thương.
Còn ông Trầm Bê thì xin chờ các Phiên tòa chân chính trên cơ sở các Kết quả giám định chân chính để xem ông có phải là một Quý ông chân chính của một Đất nước chân chính hay không?
H.A.C.D

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người giàu ra đi & kỳ vọng “hành động” của Thủ tướng


>> Niềm tin bị “bắt cóc” & xã hội bạo lực lên ngôi
>> Phải đuổi ngay những cán bộ hành dân
>> Chủ tịch tỉnh “hầu tòa” & liệu có còn “luật cho dân và lệ cho quan”?

Bích Diệp
(Dân trí) - 3 tỷ USD trong năm qua mà người Việt đã bỏ ra để mua nhà ở Mỹ - chưa bàn đến chuyện “tiền chìm”, “tiền nổi”, rằng 3 tỷ USD kia xuất phát từ đâu, có nguồn gốc hợp pháp hay không, minh bạch hay không, mà đúng như Thủ tướng đã nhìn nhận, đây là con số“rất cần suy nghĩ”, trước hết là về môi trường đầu tư, kinh doanh đã thực sự tự do, minh bạch, bình đẳng hay chưa?

Một sự kiện đáng chú ý vừa diễn ra ngày đầu tuần này đó là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tham dự tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy sức nặng, vai trò ngày một lớn của khu vực tư nhân trong nền kinh tế và ở mặt khác, đó là sự coi trọng, lắng nghe của Chính phủ đối với khu vực kinh tế này.

Tại diễn đàn, các doanh nhân, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia đề cập nhiều đến môi trường kinh doanh, mảnh đất thể chế, pháp lý để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong đó, liên quan đến thông tin người Việt Nam chuyển tiền sang Mỹmua nhà, ông Don Lâm, đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, con số thực có thể còn lớn hơn 3 tỷ USD/năm vốn đang khiến dư luận xôn xao gần đây.

Vị này đặt vấn đề: “Người Việt chi tới 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, gửi 13-14 tỷ USD ra nước ngoài. Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam?”. Bởi theo ông, môi trường đầu tư của Việt Nam còn có nhiều rủi ro khiến giới doanh nhân chưa yên tâm.

Nói tại diễn dàn, bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, “rất cần suy nghĩ” và “cần xác định rõ nguyên nhân là gì”, mặc dù theo ông, trên khía cạnh tích cực thì con số 3 tỷ USD một phầncho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam là tự do.

Trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 30/7, nhà báo Tư Hoàng dẫn một thống kê của VCCI cho biết, với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Việt Nam vẫn còn tồn tại tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Ông Trần Hữu Huỳnh ở VCCI đã phải thốt lên rằng: “Tôi rà soát điều kiện kinh doanh từ khi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, khi tóc còn xanh, đến nay tóc đã bạc mà điều kiện kinh doanh vẫn sinh sôi nảy nở”.

Rõ ràng, Chính phủ và bản thân Thủ tướng đều đang nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh tinh thần của Hiến pháp, cần làm sao để mọi người dân đều được tự do trong kinh doanh, được làm những gì mà pháp luật không cấm.

“Chúng tôi muốn lắng nghe các bạn, những tiếng nói chân thành, những vướng mắc để Chính phủ hành động”, tại diễn đàn, Thủ tướng bày tỏ. Đồng thời, Thủ tướng khẳng định: “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”, “những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.

Thế nhưng thực tế ai cũng có thể thấy, những “giấy phép con”, “giấy phép cháu” vẫn muôn hình vạn trạng “mọc lên” trong đời sống kinh tế. Cơ chế xin – cho tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ công chức nhũng nhiễu, hạch sách, làm khó người dân, doanh nghiệp vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Không chỉ phải đối mặt với tham nhũng vặt, mà sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế còn bị “bóp méo” bởi sự ưu ái với “tư bản thân hữu”, bởicơ chế “sân sau” mà không ít quan chức đang tạo ra trong lĩnh vực mà mình quản lý. 12 đại án kinh tế bị đưa ra xét xử trong năm 2017 là một con số không hề nhỏ chút nào!

Cho nên, nói về 3 tỷ USD trong năm qua mà người Việt đã bỏ ra để mua nhà ở Mỹ, chưa bàn đến chuyện “tiền chìm”, “tiền nổi”, rằng 3 tỷ USD kia xuất phát từ đâu, có nguồn gốc hợp pháp hay không, minh bạch hay không? Mà nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI trong một lần trả lời Dân trí, liệu rằng đây có đơn thuần chỉ là một kênh đầu tư hay một sự dịch chuyển khối tài sản của giới nhà giàu Việt đã và đang chuyển những giá trị của mình ra khỏi đất nước?

“Việt Nam cần phải là đất nước để ai cũng muốn gắn bó trọn đời, yên tâm trao gửi sự nghiệp cho nhiều đời sau” – có lẽ không chỉ là mong muốn của riêng cá nhân ông Đậu Anh Tuấn mà có lẽ là nỗi niềm, trăn trở chung của hàng triệu trí thức và đồng bào trong và ngoài nước chúng ta.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trầm Bê trước ngày xộ khám: 'Đánh đâu thắng đấy', ngàn tỷ rải khắp nơi


H. Tú 

VNN - Khởi nghiệp từ lĩnh vực chế biến và xử lý nông lâm sản nhưng đại gia Trầm Bê nổi tiếng và trở thành ông trùm ngành ngân hàng và bất động sản, sở hữu khối tài sản hàng đầu Việt Nam. Tất cả các lĩnh vực trải qua, Trầm Bê đều thành công, cho đến thương vụ lịch sử thâu tóm Sacombank ông cũng được toại nguyện. Tài sản ngàn tỷ của ông này cho đến trước ngày bị bắt rải khắp: BĐS, ngân hàng, y tế, nông nghiệp...

Đại gia kín tiếng

Trước năm 2012, rất ít người biết đến cái tên Trầm Bê. Cho đến khi xuất hiện sau vụ thâu tóm Sacombank từ tay ông trùm ngành ngân hàng Đăng Văn Thành, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn về cái tên nghe khá lạ này.

Là một doanh nhân gốc Trung Quốc và nằm trong HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) từ 2004 nhưng ông Trâm Bê rất kỹ tính, hiếm khi phát biểu trước báo chí. Ông chỉ nổi bật sau khi thâu tóm Sacombank và sáp nhập thành công với SouthernBank.

Ông Trầm Bê bắt đầu quá trình công tác năm 1986, với vị trí phó giám đốc một xí nghiệp tại quận 6 (TP.HCM). Đầu những năm 90, ông Trầm Bê khởi nghiệp vai trò Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Vài năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.

Sau đó, ông Trầm Bê lập ra doanh nghiệp hoạt động rất nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản: Công ty TNHH Sơn Sơn. Trong gần 10 năm, DN của ông Trầm Bê chiếm lĩnh 100% thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam. Thế độc quyền này mãi sau mới bị phá vỡ.

Với công nghệ hàng chục triệu USD nhập từ Mỹ, ông Trầm Bê đã kiếm lời rất nhiều từ thị trường Bình Thuận và các tỉnh lân cận khi mỗi năm xuất khẩu hàng chục ngàn tấn thanh long đi các nước, trong đó có Mỹ.

Kiếm bộn tiền từ nông lâm sản, ông Trầm Bê nhanh chóng tấn công vào thị trường bất động sản khu vực miền Nam, bắt đầu bằng cú đầu tư vào CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) và sau đó trở thành thành viên HĐQT.

BCI là một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại TP.HCM. Vài năm gần đây, nó là điểm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ trong nước. BCI hiện có quỹ lớn tại TPHCM với tổng diện tich hàng trăm hecta.

Khi đó, giới trong ngành nông nghiệp và bất động sản biết đến Trầm Bê như một ông trùm, doanh nhân đầu ngành. Sau khi đã vững mạnh, ông Trầm Bê đã có những bước đi đầy toan tính: tấn công vào lĩnh vực tài chính để tạo ra một đế chế kinh doanh 3 kiềng vững chắc: tài chính - bất động sản - nông nghiệp.

Cùng với việc lập ra và là chủ tịch HĐQT Bệnh viện Dân lập Triều An, ông Trầm Bê tấn công vào lĩnh vực ngân hàng với vị trí thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) từ 2004 và từ 2009 là phó chủ tịch ngân hàng này.

Ông Trầm Bê cũng đã lần lượt đưa các con của mình là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư.

Giàu có và tham vọng

Gia nhập lĩnh vực ngân hàng đúng giai đoạn ngành có sự tăng trưởng vượt bậc với tín dụng tăng vài chục phần trăm/năm, ông Trầm Bê một lần nữa chứng tỏ mình là người thức thời. Đó là những năm 2005-2007, thị trường chứng khoán Việt Nam sốt xình xịch với chỉ số VN-Index đạt đỉnh cao lịch sử gần 1.200 điểm năm 2007.

Nắm trong tay một ngân hàng với lợi nhuận đạt vài trăm tỷ đồng ngay vào những năm đó, ông Trầm Bê đã có thể dễ dàng hơn trong việc triển khai các dự án bất động sản và lấn sâu hơn nữa vào thị trường tài chính.

Sau khi hoạt động của ngân hàng mẹ đã đi vào ổn định, ông Trầm Bê cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Ông Trầm Bê tiếp tục củng cố vị trí của mình tại SouthernBank với việc đưa con gái Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu của các con tại ngân hàng này lên tổng cộng hơn 17%.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, ông Trầm Bê cũng nắm giữ chức phó chủ tịch và 2008 đưa con gái Trầm Thuyết Kiều lên giữ chức Phó giám đốc. Vài năm sau đó, ông Trầm Bê đưa con trai út Trầm Khải Hòa khi đó mới 24 tuori lên giữ chức chủ tịch HĐQT PNS, một CTCK từng lọt top 10 thị phần môi giới tại HOSE, đứng trên cả VND, FPT,...

Như vậy vẫn chưa đủ. Khi thị trường bất động và tài chính rơi vào khó khăn năm 2011, ông Trầm Bê đã nuôi tham vọng thâu tóm Sacombank để củng cố vị thế trong ngành ngân hàng. Lý do đơn giản vì Sacombank khi đó là ngân hàng cổ phần hàng đầu tại Việt Nam và giá cổ phiếu xuống rất thấp: khoảng 11 ngàn đồng/cp, thay vì 2x như phần lớn thời gian trước đó. Đây cũng là ngân hàng thuộc nhóm 1, có tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất.

Điều đáng nói là các vị trí chủ chốt tại Sacombank khi đó nắm giữ cổ phiếu khá mỏng. Chủ tịch Đặng Văn Thành cũng chỉ nắm khoảng 4%, con trai Đặng Hồng Anh chỉ năm 3,5%, phó chủ tịch Huỳnh Quế Hà hơn 1%,...

Đầu năm 2012, giới đầu tư ngã ngửa khi thấy Eximbank của ông Lê Hùng Dũng cho biết đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông Trầm Bê đã thành công trong việc thâu tóm Sacombank, sau khi nắm quyền chi phối ở 2 ngân hàng - một hiện tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Tới giữa tháng 7/2015, ông Trầm Bê đã toại nguyện khi cổ đông cả 2 NH SouthernBank và Sacombank đã thông qua phương án sáp nhập. SouthernBank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ 1/10/2015 và cái tên NH Phương Nam chính thức bị xóa bỏ. Ông Trầm Bê sở hữu ngân hàng lớn thuộc tốp 5 tại Việt Nam với tổng tài sản gần 300 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ván cờ đã thay đổi vào phút chót. Ngày 12/8/2015, NHNN cho biết, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank, Sacombank, sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đối với toàn bộ số cổ phần tại Southern Bank, Sacombank và NH sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan.

Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, cũng như sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành NH sau sáp nhập, đảm bảo NH này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu của hai NH.

Ngày 11/11/2015, HĐQT Sacombank đã có Nghị quyết thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank kể từ ngày 11/11 theo nguyện vọng cá nhân.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Nhân vật Trầm Bê, thông tin vừa ít vừa… nhiều!


Nguyễn Hoài Nam
NQL - Giới kinh doanh, cán bộ công chức, kể cả trí thức nói chung, rất mù mờ. Bởi nhân vật này có rất kín tiếng, gần như không xuất hiện trước truyền thông, và cả thông tin chính thức về cá nhân ông ta cũng khó tìm kiếm.

Ông Trầm Bê sinh ngày 10 tháng 9 năm 1959 tại Trà Vinh, là thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Triều An. Ngoài ra, ông còn cùng với gia đình tham gia Hội đồng Quản trị của một số công ty như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và gần đây nhất là Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Từ năm 1991 – 1994 Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp là Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Từ năm 1995 – 2001 ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh.

Năm 1999 ông tham gia vào thị trường bất động sản, đầu tư vào BCCI với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị. Đây là thời kỳ BCCI đang rất phát triển. Năm 2001, Trầm Bê cùng với bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương góp vốn để xây dựng bệnh viện Triều An [1].

Từ năm 2002 – 2004 Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam, đây là điều kiện cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm để được phép xuất khẩu trái thanh long. Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới được phá vỡ nhờ có công ty mới tham gia vào lĩnh vực này.

Năm 2004 Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Đây cũng là những năm mà ngân hàng phát triển mạnh nhất đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2007. Tháng 2 năm 2012 ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank. Ngân hàng Phương Nam 2008 cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Tại công ty NJC Trầm Bê là Phó chủ tịch, đưa con gái Trầm Thuyết Kiều (sở hữu 11% cổ phần) nắm giữ chức Phó giám đốc của NJC. Còn tại PNS, sau 3 năm thành lập, con trai út của Trầm Bê là Trầm Khải Hòa đã được cha đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện tại (2015) Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa đã được nâng mức tỉ lệ sở hữu tại PNS lên thành 6,09%.

Khi thành công với Ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê chuyển sang thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín Sacombank. Đầu tháng 2/2012 Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được ủy quyền diện cho nhóm cổ đông đa số (bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Ông Trầm Bê giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Con trai ông Trầm Trọng Ngân trở thành Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Còn người con trai khác Trầm Khải Hòa cũng trở thành một thành viên trong Hội đồng quản trị của Sacombank bắt đầu từ tháng 5/2012.

Năm 2015, hai ngân hàng SouthernBank và Sacombank sáp nhập. Sacombank trở thành thuộc nhóm 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 22.645 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, ông Trầm Bê cùng các thành viên “bộ sậu”, trong đó có các con của ông, đã lần lượt rút khỏi Sacombank. Tại đại hội đồng cổ đông Sacombank mới đây ngày 30/6/2017, cổ đông đã phản ứng dữ dội, cho rằng ông Trầm Bê “đã vào phá tan hoang cái ngân hàng, rồi lẳng lặng ra đi không chào ai”.

Ngày 1/8, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam – VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê (58 tuổi), nguyên là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, ông Phan Huy Khang (nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank), cùng về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thông tin có được, ông Trầm Bê đã gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đế chế Amazon và nỗi lo về sự độc quyền


Hữu Long

(TBVTSG) - Với thương vụ mua lại Whole Foods hồi trung tuần tháng 6 vừa qua lên tới 13,7 tỉ đô la Mỹ, người khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang muốn thay đổi thị trường cửa hàng tạp hóa.

Theo tờ Business Insider, việc Amazon thâu tóm chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Whole Foods đã tạo nên cơn “địa chấn” với cả hai ngành thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến cổ phiếu của các nhà bán lẻ Walmart và Kroger sụt giảm. Sức ép cạnh tranh lên các nhà bán lẻ truyền thống càng tăng thêm, khi mà Amazon sẽ có được mạng lưới các cửa hàng rộng lớn để thực hành những cuộc thử nghiệm trong quy trình chọn mua hàng, thanh toán và chuyển phát của mình. Thương vụ cũng là lời thừa nhận rằng Amazon không thể nhanh chóng tự mình tạo ra dấu ấn riêng trong ngành thương mại truyền thống.

Amazon-Whole Foods: xóa mờ ranh giới online-offline

Trên thực tế, thương vụ này có ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng là điều còn phải bàn cãi, song không thể phủ nhận đây là động thái vô cùng thông minh đến từ vị Chủ tịch kiêm CEO Jeff Bezos. Nó giúp giá trị thị trường của Amazon tăng vọt.

Hãng tư vấn Cowen ước tính sự kết hợp của Amazon và Whole Foods sẽ giúp cả hai vươn lên hạng 5 trên thị trường bán lẻ tạp hóa tại Mỹ. Và bởi Amazon có thể cung cấp nhiều dịch vụ khác như mua sắm trong cửa hàng, giao hàng trong ngày, mua hàng trực tuyến nên cả hai càng có tiềm năng để phát triển.

Trong ngắn hạn, con đường trước mắt của Amazon và Whole Foods vô cùng rõ ràng. Amazon đầu tư nhiều tiền bạc và công sức vào dịch vụ giao hàng trong ngày cũng như chuyển phát thực phẩm. Với thương vụ này, hãng lập tức có trong tay hơn 400 điểm trung chuyển để thực hiện những hoạt động kể trên. Các tòa nhà còn có cả nhà kho, dỡ hàng, công nhân hậu cần (logistics) giàu kinh nghiệm, trở thành yếu tố quan trọng để mở rộng việc chuyển phát thực phẩm và sau đó là các mặt hàng khác.

Trong tham vọng bành trướng sang mảng bán lẻ, CEO Jeff Bezos sẽ cố gắng tái tạo lại ngành kinh doanh đang xuống cấp của Whole Foods với việc nâng cấp công nghệ, tương tự như ông đã vực dậy ngành bán sách, bán lẻ, báo chí và các ngành khác. Bù lại, Whole Foods có vị trí đắc địa trong các khu đô thị giàu có, đưa Amazon đến gần hơn tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao hơn.

Chừng ấy là quá đủ để khiến những “ông lớn” khác như Walmart, Safeway, Costco… lo lắng và gây trở ngại lớn đối với các công ty khởi nghiệp như Instacart. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Hãng tin CNN cho biết người khổng lồ trong ngành bán lẻ trực tuyến sẽ trả bằng tiền mặt  trong thương vụ mua Whole Foods. Thương vụ được công bố hôm 16-6 định giá mỗi cổ phiếu Whole Foods ở mức 42 đô la, cao hơn 27% so với giá trị kết ngày giao dịch trước đó. Khoảng một giờ sau khi công bố thông tin, cổ phiếu của Amazon đã tăng khoảng 3%, kéo theo giá trị thị trường tăng thêm 14 tỉ đô la. Như vậy, về cơ bản Amazon không tốn phí cho việc mua chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ 6 của nước Mỹ!

Theo phóng viên về tài chính kỳ cựu Ben Walsh, đây là một trường hợp ngoại lệ. Bình thường, giá cổ phiếu của công ty đi thâu tóm sẽ giảm sau những thương vụ lớn nhưng ở Amazon thì ngược lại. Điều này chỉ có thể được giải thích rằng các nhà đầu tư dường như đang tin tưởng chắc chắn sẽ có một điều gì đó xảy ra với Amazon. Vậy đó có thể là gì?

Từ góc nhìn đơn giản nhất, người ta thấy thương vụ mua lại Whole Foods đồng nghĩa với việc Amazon sẽ tham gia vào mảng kinh doanh cửa hàng thực phẩm trị giá 700 tỉ đô la. Bản thân Jeff Bezos đã tính toán, xâm nhập thị trường này trong nhiều năm nay, từ việc cho ra mắt Amazon Fresh – một dịch vụ vận chuyển thực phẩm tận nhà – đến việc mở hàng loạt cửa hàng rượu vang mang thương hiệu Amazon tại Seattle. Và bây giờ, Bezos còn sở hữu một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp này.

Những biểu hiện của tình trạng độc quyền?

Trên thực tế, việc giá cổ phiếu tăng sau thương vụ thâu tóm lớn cho thấy một vấn đề đáng lo ngại hơn: một khối lượng đáng kinh ngạc quyền lực kinh tế đang tập trung vào Amazon và các chuyên gia cho rằng điều đó khiến các công ty khác trong lĩnh vực bán lẻ khó cạnh tranh, mà rộng hơn nữa là cả nền kinh tế Mỹ.

Nếu xét là nhà bán lẻ trực tuyến cung cấp trang thiết bị gia đình, Amazon hiện cạnh tranh với Walmart, Target, Bed, Bath & Beyond; là một nhà bán lẻ quần áo và giày dép, Amazon cạnh tranh với DSW, Foot Locker và Gap; về âm nhạc, sách, truyền hình thì Amazon cạnh tranh với Apple, Netflix và HBO. Trong một thập niên qua, Amazon cũng đã mua lại cửa hàng giày trực tuyến lớn nhất, cửa hàng quần áo, tã lót trẻ em trực tuyến lớn nhất và cửa hàng mỹ phẩm trực tuyến lớn nhất.

Và trong mọi lĩnh vực Amazon đều thành công. Năm ngoái, Amazon đã bán được một lượng hàng hóa trực tuyến nhiều gấp sáu lần cả Walmart, Target, Best Buy, Nordstrom, The Home Depot, Macy’s, Kohl’s và Costco cộng lại. Amazon cũng tạo ra 30% mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ toàn nước Mỹ, gồm cả trực tuyến và hữu tuyến.

Chưa dừng lại ở đó, sự thống trị của Amazon còn vượt xa hơn nữa ngoài mảng bán lẻ. Họ cũng đã mở rộng sang các lĩnh vực tín dụng, xuất bản sách, thiết kế quần áo và sản xuất thiết bị phần cứng. Ba năm trước, công ty này đã mua lại Twitch.com – một trang web chuyên cung cấp trò chơi trực tuyến – với giá 1 tỉ đô la. Và trên tất cả, Amazon đang sở hữu Amazon Web Services (AWS) – mảng kinh doanh điện toán đám mây trị giá 12 tỉ đô la. Slack, Netflix, Drobox, Tumblr, Pinterest và hàng loạt cơ quan Chính phủ Mỹ đang sử dụng AWS. Có thể nói ngắn gọn về Amazon là: Everything Store – một cửa hàng bán mọi thứ. Không chỉ là bán hàng hóa, Amazon thậm chí còn sản xuất ra chúng; không chỉ phân phối nội dung truyền thông qua hệ thống máy chủ (server) sẵn có, Amazon còn cho những đơn vị khác thuê lại.

Tờ Bloomberg cho biết trong thời gian gần đây, Amazon đang mở các cửa hàng Amazon Books tại một số thành phố như Seattle, San Diego, New York và Portland. Ngoài sách, cửa hàng còn bán một số lượng nhỏ trò  chơi (game), đồ chơi, thiết bị do Amazon sản xuất như máy tính bảng Fire hay loa Echo.

Với chuỗi cửa hàng Whole Foods, không có lý do gì để Amazon không áp dụng phương pháp tương tự. Nói cách khác, tập đoàn này không chỉ có được thương hiệu của Whole Foods mà còn xem đây là bàn đạp để đưa một vài hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt của Amazon đến tay người tiêu dùng.

Và khi Whole Foods dần trở thành một nơi trình diễn những sản phẩm “gắn mác” Amazon, công ty cũng sẽ tích hợp các công nghệ hiện đại từ ý tưởng cửa hàng Amazon Go. Amazon Go không cần thu ngân mà khách chỉ cần dùng điện thoại để thanh toán và ra khỏi cửa hàng với túi đồ vừa mua. Sau cùng, Whole Foods có thể trở thành nền tảng trong đế chế bán lẻ Amazon mới, kết hợp cả tạp hóa, điện tử và mọi thứ Amazon đang bán cùng với sự trải nghiệm mua sắm công nghệ cao.

Tất cả những điều đó khiến nhiều chuyên gia cũng như nhà phân tích băn khoăn: liệu Amazon có phải là một kẻ độc quyền?

Dấy lên những nỗi lo lắng

“Người Mỹ luôn muốn nền kinh tế mở cửa và cạnh tranh. Tuy nhiên, khi một số lĩnh vực đang ngày một phình to hơn của nền kinh tế bị chiếm giữ bởi Amazon, vấn đề trở thành sự tập trung hóa. Từ xưa tới nay, tự kinh doanh là cách người Mỹ sử dụng để xây dựng tài sản và chuyển giao sự giàu có qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên hiện tại, cứ nhìn vào bất kỳ lĩnh vực nào mà Amazon đang thống trị, tôi dám cá là ai cũng nản lòng khi muốn thâm nhập vào đó”, nhà báo Ben Walsh nói.

Thương vụ Amazon-Whole Foods còn ngay lập tức mang lại cho Amazon một lợi thế khác về cơ sở hạ tầng: hơn 400 nhà kho, trải rộng khắp trên những khu vực sầm uất nhất ở nước Mỹ. Nhìn chung, với những lợi thế về logistics gồm mạng lưới nhà kho, hành trình vận chuyển, máy bay chở hàng trên khắp Bắc Mỹ, Amazon đang nắm trong tay những vũ khí mà không một công ty nào khác có thể đánh bại. Đáng lo ngại hơn, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng những lợi thế này không phải có được nhờ sự đổi mới, cải tiến về mặt công nghệ mà là bởi dòng tiền không ngừng đổ vào từ phố Wall.

Dường như Amazon đang nhận được những đặc quyền quá đà. Giới phân tích cho rằng, Sở Giao dịch chứng khoán nên cân nhắc kỹ hơn về thương vụ Whole Foods. Và tiếp đó, các nhà chức trách cũng nên xem xét lại cấu trúc của tập đoàn này. “Về phương diện thương mại, tôi nghĩ Amazon đang cung cấp mọi cấu trúc hạ tầng cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Và điều đó giúp Amazon có thêm rất nhiều quyền lực và sự kiểm soát”, theo Lina Khan – một nhà phân tích của Open Market.

Tháng 1, chính Lina Khan đã kêu gọi cần phải thắt chặt sự kiểm soát chống độc quyền đối với Amazon thông qua một bài báo trên tờ The Yale Law Journal.

Trong lịch sử, Amazon đã chịu nhiều lời chỉ trích về Marketplace – tính năng cho phép các doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa thông qua trang web của họ. Một vài nhà buôn đã buộc tội Amazon bí mật sử dụng Marketplace như một “phòng thí nghiệm”. Sau khi thu thập dữ liệu xem sản phẩm nào bán chạy nhất, Amazon sẽ cho ra mắt luôn một sản phẩm tương tự để cạnh tranh với giá rẻ hơn thông qua những dịch vụ có sẵn của hãng.

Institute for Local Self-Reliance – một tổ chức phi lợi nhuận – cũng chỉ trích Amazon về hành vi độc quyền. “Bằng việc kiểm soát những cơ sở hạ tầng quan trọng, Amazon hiện cạnh tranh với những công ty khác và thiết lập nên những điều khoản để ngăn cản các đối thủ cạnh tranh có thể tiếp cận thị trường. Những hãng bán lẻ địa phương và nhà sản xuất độc lập sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình huống này”.

Những nỗi lo ngại về độc quyền trong hoạt động bán lẻ hiện đại ở Mỹ bắt đầu nổi lên từ khoảng một thập niên nay, một phần là bởi những công ty như Amazon. Trong 10 năm đầu hoạt động, Amazon hầu như không có lợi nhuận nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng Jeff Bezos, không ngừng rót tiền để công ty này đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mở rộng thị phần. Kết quả là hiện nay, Amazon trở thành một “công ty quái vật” dù lợi nhuận “tí hon” nhưng giá cổ phiếu thì tăng gần gấp 200 lần so với khi mới lên sàn.

Lina Khan và một số chuyên gia kinh tế khác kêu gọi mọi người hãy bớt quan tâm tới giá cổ phiếu của Amazon mà nên chú ý tới sự thống trị của họ trong quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. “Không ai có thể phủ nhận rằng Amazon trong trạng thái hiện tại là mang lại sự tiện ích cho người tiêu dùng. Câu hỏi là điều gì đang chờ đợi phía trước”.

Amazon đang lan tràn trong khắp ngõ ngách của nền kinh tế Mỹ theo một cách thức chưa từng có. Các nhà đầu tư biết Amazon độc quyền. Đó là lý do vì sao giá cổ phiếu cứ tiếp tục tăng mặc cho lợi nhuận què quặt. Thị trường có thể lột tả một thực tế mà luật pháp không thể”, Khan nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bị truy nã quốc tế, Trịnh Xuân Thanh làm thế nào đầu thú ở VN?




Lương Kết
(Dân Việt) Theo thông báo của Bộ Công an, bị can Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã quốc tế đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), đầu thú hôm 31.7 vừa qua. Dư luận rất thắc mắc đặt câu hỏi: Bị can này làm cách nào để đầu thú tại Việt Nam?

Có thể thấy vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đang ở giai đoạn điều tra, những thông tin chi tiết đang cần phải được giữ bí mật nên Bộ Công an chưa tiết lộ nhiều. Chính vì thế toàn bộ bản thông báo về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ. Quãng thời gian không rõ tung tích trong gần một năm của Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ được giữ kín đến giai đoạn kết thúc vụ án.

Dư luận đang khá nhiều thắc mắc quanh việc: Nếu một người đang lẩn trốn ở nước ngoài, bị truy nã quốc tế, muốn đầu thú thì làm thế nào? Bởi thực tế người bị truy nã quốc tế, khi quay về nước chỉ cần đặt chân tới sân bay là bị lực lượng chức năng phát hiện bắt ngay (tất nhiên là trừ khi anh ta về nước theo đường tiểu ngạch, không qua an ninh cửa khẩu).

Theo các chuyên gia pháp luật, việc một người bị truy nã quốc tế, đang lẩn trốn ở nước ngoài muốn ra đầu thú không có gì quá khó, hay phải qua nhiều thủ tục rườm rà.

Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh khóa XIII của Quốc hội cho rằng: Người bị truy nã, đang lẩn trốn ở nước ngoài nếu muốn ra đầu thú, họ có thể đến Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở nước sở tại để liên hệ. Sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng trong nước để đưa người bị truy nã đó về đầu thú.

Trường hợp nước sở tại đó và Việt Nam có ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, dẫn độ thì người bị truy nã có thể đến cơ quan cảnh sát của nước sở tại để đầu thú. Sau đó họ sẽ dẫn độ về giao cho phía cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo Trung tướng Nhã, trường hợp Việt Nam không có cơ quan ngoại giao ở quốc gia mà người bị truy nã đang trốn, người đó có thể tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở quốc gia gần nhất để liên hệ. Bởi thông thường cơ quan ngoại giao đó sẽ phụ trách một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xung quanh khi chúng ta không đặt cơ quan ngoại giao.

Còn luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, với người bị truy nã đang lẩn trốn ở nước ngoài, khi muốn ra đầu thú thì tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước đó là cách thông thường nhất.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XVI (tháng 11.2016), trả lời báo chí bên hành lang, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng nói, cơ quan chức trách sẽ truy đến cùng để bắt Trịnh Xuân Thanh. Và riêng với trường hợp này, không giới hạn thời gian.

Tướng Vương cũng nói: Báo chí nên cùng lên tiếng vận động, kêu gọi Trịnh Xuân Thanh trở về nước, đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và đấy cũng thể hiện bản lĩnh của một con người, dám làm dám chịu. Ông cũng nhấn mạnh truyền thống văn hóa của người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”…

Trong cuộc họp báo cuối năm 2016, của Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Các – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, qua kiểm tra các đường chính ngạch chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào.


Phần nhận xét hiển thị trên trang