Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần ( bản có bổ sung - kỳ I)

VTN

Bài viết này lần đầu được đưa trên blog của tôi ngày 26-11-2009. Nay, nhân ba năm ngày mất của  nhà văn (6-7-2014) xin bổ sung và chia làm nhiều kỳ,sẽ đưa dần trong tháng bảy 2017.
                                Mấy đoạn ghi trước 1986
 Văn cũng là người
       Một xuất phát tốt là thiên hồi ức Cỏ dại. Hình như thời thơ ấu không may mắn đã giúp cho người trai ấy có sự tỉnh táo, biết vị thế của mình trong đời. Cái gốc của Tô Hoài là một linh hồn bơ vơ. Một người thợ thủ công “cỏ dại” chính cống. Sau mới có một con người cán bộ -- cán bộ viết văn – trùm ra ngoài. 
      Cái giọng riêng của Tô Hoài bắt đầu từ đâu? 
      Câu văn  như bước chân người kéo lê  đi, lại như tiếng thủ thỉ để chứng tỏ là con người đó vẫn sống, không bao giờ chấp nhận sự cùng đường. Văn Tô Hoài không  gợi cảm giác sang trọng mà thường  ăn ở cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi, hèn hèn tội tội như thế nào đó.
 Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi vẫn quen với những nhem nhọ “.


Về  kỹ thuật viết 
      Như  nhiều người đã nói (trong đó có Hoàng Tiến), Tô Hoài mạnh nhất khi tả phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên, người ta bị hút ngay vào những  đoạn rẽ ngang rẽ dọc  đó.
      Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để ý đến nhân vật bằng phong cảnh. Nhân vật của ông như người qua đường không hiện lên như những tính cách mãnh liệt muốn thể hiện ý mình, mà chỉ để làm cớ cho tác giả kể chuyện. 


 Nhận xét của Nguyễn Minh Châu
- Đọc văn ông Tô Hoài, có những trang như tả cái vòi nước phun ra khỏi cống, rồi cá nó lượn nó đuổi nhau, thì mình cảm thấy như là cả đời mình không bao giờ tả nổi.
Những thứ văn như của tôi, của ông Khải , nếu nó không ăn ở cái vấn đề, không ăn ở cái nội dung, thì chẳng còn cái mẹ gì cả. Mình không phải thứ văn để người ta có thể thưởng thức từng câu một, như văn Đỗ Chu, văn Tô Hoài hoặc văn ông Nguyên Ngọc đâu.
Sau một lần nghe Tô Hoài chuyện trò ở 4 Lý Nam Đế:

-- Sự khôn ngoan lẩn lút của lão ấy thì bố ai mà theo được. Nhưng tôi thích nhất là cái ý này. Nghề văn là nghề đòi hỏi phải biết huy động tốt nhất những vốn liếng sẵn có.

Các loại nhân vật 
      Chỉ  có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có  chí khí và có tầm nhìn xa – Dế  mèn.
      Chỉ  có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó là A Phủ. 
      Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm thường.

Sự  tồn tại giữa đời 
      Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh người rẻ của như vậy,  lạnh lùng như vậy, mà vẫn sống giữa người đời rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra (Phạm Thế Ngũ trong Việt nam văn học sử giản ước tân biên in ở Sài Gòn trước 1975 coi Tô Hoài thuộc loại ngòi bút nhân hậu bậc nhất hồi tiền chiến).


      Sau những buổi họp thường vụ BCH Hội nhà văn Nguyễn Khải kể :
     -- Bây giờ ông Mai, ông Nguyễn Công Hoan thì chả làm gì nữa rồi. May ra chỉ còn Thi, Tô Hoài. Nói riêng với tôi, bao giờ Thi cũng bảo Tô Hoài đuối lắm. Không nói được cái chung. Và văn viết sai mẹo cả. Còn Tô Hoài chê văn Nguyễn Đình Thi là văn học trò. “Nói chung văn của mình bây giờ, cổ quá”, câu ấy của Tô Hoài là ám chỉ Thi đấy. 
       Nhưng mà chả cứ ông Thi,  -- Khải nói tiếp -- cái ông Tô Hoài ấy, văn chương cứ như người chạm trổ, suốt đời thi thút, thì thụt, thì không hiểu thế nào mà ra văn chương được. Hầu như ông ta làm việc theo giờ giấc, theo cái lối thủ công. Hầu như ông ta rất ít cố gắng đi vào cái hướng hiện đại, mặc dù ông ta hiểu biết nhiều. Bởi vì -- Khải không nói ra nhưng người nghe  phải hiểu -  như văn Khải mới là hiện đại. 

Nửa người nửa ma 
Tự  truyện cho thấy cái đời thường duyên dáng của một người làm nghề.
      Nét nổi bật của Một quãng đường đoạn tả nhà văn lang thang đi ăn xin. Chất “bạc nhạc”. Những đoạn không đâu vào đâu như thế, cung cấp tốt tài liệu cho những người viết tiểu sử ông.  Cho người ta hiểu thế nào là một con người, nhất là loại ta hay gọi là “nhân dân lao động”.
      + hóm hỉnh, gần nhân tình, nhạy bén.
      +ngấm ngầm ham hố, cũng đi lừa mọi người sau khi đã bị người lừa.
      + không thể lớn được, nhưng không chết, lầm lụi dai dẳng, để rồi lại mãi mãi sinh sôi. 
      Bề  ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh tuý, vừa là độn; con người vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ gần gũi với nhau. 
      Những con người trong đó biểu hiện rõ cuộc Cách mạng này – Nảy sinh từ xã hội cũ, họ lại là động lưc chính phủ nhận nó và lang thang đi tìm một cái gì khác dù không biết rõ cái đích mình đến. 
       Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài  bảo trong đời sống  văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người nửa ma.
       Theo nghĩa này có thể bảo  chính ông như  một con ma, trong ông có một con người nghĩ ngược với những điều đang viết.  Lúc nào ông cũng có nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
      Người sùng bái sự không thiêng liêng của cuộc đời —Tô Hoài đáng được định nghĩa như vậy.Trong Tô Hoài luôn luôn có cái  xu thế muốn xúi giục chúng ta viết văn thực sự, làm người thực sự, tuy ông  vẫn nghĩ:
      - Như thế thì mệt lắm, mà cũng chả đi đến đâu.

Trong con mắt những đồng nghiệp 
      Ý Nhi kể: ông Tô Hoài thấy cái ảnh của mình ở 45 truyện ngắn cho một câu “ Mình mà cũng đẹp nhỉ. Mình như Tây thế này còn gì.”
      Kim Lân: Tô Hoài là người rất từng trải, chịu chơi với anh em lắm, đâu cũng đi (mà vẫn giữ được mình). Nguyễn Đình Thi khi làm Tổng Thư ký, không dám ra quán rượu thịt chó với anh em nữa. Tô Hoài thì làm tất. Dễ dàng lắm. Rồi lại vào kiểm điểm nhau như chơi.
      Thợ  Rèn có ý tương tự:  Ông ta sẵn sàng uống rượu, nói bậy với anh em, rồi lại đứng lên thay mặt chi uỷ, phê phán anh em.
      Lê  Minh Khuê nhớ lại một lần bầu Quốc hội: Gớm, ông Tô Hoài ông ấy ra tranh cử, ông ấy nói cũng chẳng khác gì xã luận hết, điếc cả tai.
      Vũ  Hùng: Tôi đọc Chuyện đường xa, thấy lạ. Tô Hoài viết quá nhiều chuyện mà anh không biết, ví dụ chuyện vệ tinh, chuyện bay trên máy bay, đi ngược ngày thế nào. Cái gì anh ấy không biết, anh ấy phải hỏi người khác chứ ?
      Trong một số truyện ngắn, Tô Hoài luôn luôn thù ghét với những người không ở cái căng ( tiếng Pháp camp—chỉ phe nhóm, trận tuyến) của mình. Luôn luôn thấy căng của mình mới hay ho tốt đẹp, mọi nơi khác, không ra gì!
      Tôi (Vũ Hùng) thấy anh - Tô Hoài -- không bằng anh Võ  Quảng. Anh Võ Quảng hôm nọ bảo tôi: Nhà văn không nên để mình quá bị ràng buộc vào một quan niệm nào đó. Chỉ có một quan niệm mà, theo Võ Quảng, chúng ta phải trung thành - đó là quan niệm nhân bản.
           Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ  có điều cái nhân bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi bút kiệt xuất.
Sức làm việc

       1970,  Nam Định làm lễ kỷ niệm 100 năm sinh Tú Xương. Văn Nghệ quân đội cũng một ô-tô riêng về thành Nam. Trở về Vũ Cao chỉ nói với tôi:
      -- Sừ Tô Hoài ghê thật!
      -- Sao hả anh?
      -- Có coi ai ra gì đâu.  Ngồi trên chủ tịch đoàn mà tôi để ý toàn thấy tay ấy viết cả.  Hình như đang viết một tiểu thuyết về Cao Bá Quát. Ra ngoài tay ấy còn bảo là sẽ gửi cho bên mình vài chương. Tôi đồng ý ngay.

Mối quan hệ  với đồng nghiệp 
      Sau 1975, vào Sài Gòn, Tô Hoài rủ Nguyễn Tuân thăm Vũ Bằng. Nguyễn Tuân không đi, coi như không trở  lại chuyện cũ. Tô Hoài đã đi thăm thật. Cũng như Tô Hoài đã lặn lội về thăm Nguyễn Bính, sau khi Nguyễn Bính mất. Hình như việc gì người khác không dám làm, thì Tô Hoài dám làm, luôn luôn Tô Hoài muốn chứng tỏ rằng mình không sợ gì cả. Trong bụng dám cho rằng mình  đi với ai cũng được.
      Bùi Hoà nhớ một vài lần đến gặp nhà chính khách Nguyễn Văn Bổng, lại gặp Tô Hoài ở đấy. Hai ông trao đổi cho nhau mấy quyển tiếng Pháp. Sao Tô Hoài cứ lẩn lẩn, thằng Hân cũng có cái tính hay lẩn kiểu ấy, Bùi Hoà kết luận. 
      Không chừng cái cách sống ấy có ở nhiều người. Chẳng hạn như Nguyễn Kiên. Né tránh mọi người, giữ miếng, không thích bàn kỹ về điều gì cả, vì ngại bộc lộ đến cùng con người mình trước người khác. 
        
Con người làm bằng chất dẻo 
      Chuyện  ở Hội Văn nghệ Hà Nội, báo Người Hà Nội. Bằng Việt kể: Ông Triệu Bôn có vẻ vùng vằng, nghĩ rằng mình đi vắng 2 tuần, ở nhà báo sẽ chẳng ra sao. Ai ngờ, cũng xong. Tô Hoài mủm mỉm cười, làm tuốt.
      Bùi Bình Thi kể về thái độ chịu chơi của Tô  Hoài. 
      Tô Hoài đang  có chuyện gì đó làm mọi người bực ra mặt. Văn Linh cáu. Muốn xin lỗi, thừa lúc Văn Linh quay ra phía khác, Tô Hoài thò  tay bắt tay Văn Linh từ phía sau, nắm thật chặt. Văn Linh có cáu mấy cũng đành giữ nguyên tay mình trong tay Tô Hoài.
      Nguyễn Minh Châu: Tô Hoài bao giờ cũng có xu thế  muốn làm vừa lòng người nói chuyện với mình. Hễ  mình nói cái gì động chạm là lão chuồn ngày, lảng sang chuyện khác ngay.
      Tô  Hoài hỏi Xuân Quỳnh:
      - Có phải cô bảo tôi là vừa đá bóng vừa thổi còi phải không?
      - Vâng, em bảo anh thế đấy!(có liên quan đến một giải thưởng, ở đó Tô Hoài vừa dự thi vừa làm giám khảo).
      Tô  Hoài không nói gì, sau vẫn gửi sách tặng Xuân Quỳnh ( cuốn Nhà Chử)
      Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình.Tôi nghĩ, ông  như có cái khoá tốt, khoá tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
      Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt nam hôm nay. Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá. 
      Dương Thu Hương: Lão Tô Hoài là loại Hà Nội móc cống, xích lô, chứ đâu có chất quý tộc như dân Hà Nội thực thụ.
Một kiểu  làm ăn tùy tiện
       Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác quá. Mà do Tô Hoài làm đấy.Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của mình biết bao.
      Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả  chúng ta đều là cặn  bã, thì loại như  Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ, vừa là cặn bã của xã hội mới.
      Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu  “Tô Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
      Có  lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô  Hoài đâu có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh lắm.
      Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên huấn họ đọc. 
      Nhàn: Tôi ngờ rằng lúc vào nghề, ông Tô Hoài đã bị những người trong nghề coi thường lắm nên bây giờ ông ta mới lang thang đủ nơi mà chẳng dính vào nơi nào hết. Kim Lân: Không, căn bản là vì Tô Hoài rất chịu chơi, lúc nào cũng sẵn sàng đi chơi với mọi người, tuy chẳng để làm gì, chẳng để yêu bạn bè hơn, nhưng cứ thích đi.
Nói về  người khác 
        Thường chỉ cần một hai câu, Tô Hoài cũng đủ giết người ta rồi.
      -- Con người ta thật là buồn cười. Như cô Tú bây giờ, lúc nào cũng nói “in được một bài thơ, đối với tôi bây giờ, còn sướng hơn in một tập truyện ngắn “.
      -- Không ngờ đời sống làm cho ông Thông ông ấy  đổ đốn như vậy chứ hồi ở Việt Bắc, ai cũng yêu nhớ. Trẻ này, chịu học này, đọc được cả chữ Hán lẫn chữ Pháp, nên cần gì là nghiên cứu được cái ấy, mà lại đặc biệt tín nhiệm về chính trị nữa. Mình vẫn ngờ cái loại nhà văn về Hà Nội bằng con đường Thái Nguyên. Ít nhiều vẫn có chất tỉnh lẻ của nó !
      Tô  Hoài kể về một kiểu người nhạt nhẽo.
      - Chả là tôi cũng là loại tác giả được phân công có người chuyên môn theo dõi. Người ấy chính là cô X. Một hôm cô ấy bảo tôi “Em nghe người ta bảo anh với chị bằng mặt nhưng chả bằng lòng, mà anh lại lòng thòng với chị N. phải không ?” “Mồm thiên hạ vẫn thế. Hay là để tôi gọi nhà tôi lên cho cô tin nhé !” “ Nghĩa là không có gì ?” “Toàn chuyện vớ vẩn đồn thổi!”. 
      Thế  là cô ta sung sướng như chính cô ta được minh oan. “Có thế chứ, có thế chứ  !”
      Về  sau, Nguyên Kiên bình luận: Ông Tô Hoài vẫn có cái lối đóng kịch kiểu ấy. Cứ làm như mình sòng phẳng lắm ấy!


Sau những chuyến đi  nước ngoài 
Cuối 71, Nguyễn Khải có chuyến đi Liên Xô và Ấn Độ cùng Tô Hoài.
-- Cái ông thợ cửi  này lại rất biết quan hệ với các nhà văn nước ngoài mới chết chứ. Ấy cứ như ông ta cái vét tông sờn mép thất tha thất thểu, người ta lại quý. Chứ thời nay ai người ta trọng đám nhà văn quan dạng với lại chải chuốt ra vẻ trí thức thuộc địa.
Với cánh Hội nhà văn Liên xô thì ông ấy càng thân mật. Chỉ cần nhấm nháy nhau một lúc họ hiểu đủ mọi tình thế của nhau.  Nhớ có lần tay Marian nó  đi các tỉnh ở mình, đi đến đâu cũng được các tỉnh tặng sách. Chán lắm cũng phải cầm về vì chỉ sợ các cán bộ đối ngoại của VN giận. Riêng Tô Hoài hiểu. Hôm ra sân bay, ngay lúc ngồi ô tô, ông đã bảo:
--  Đồng chí Marian ơi, tôi có một nguyện vọng mong đồng chí giúp đỡ thực hiện cho được.
-- Nguyện vọng gì vậy?
-- Với tư cách phó Tổng thư ký Hội tôi rất cần nghiên cứu về văn nghệ các địa phương. Sách gửi lên không đủ. Hay là đồng chí cho tôi mượn đống sách kia, khi nào xong tôi sẽ gửi qua Hội nhà văn Liên xô cho đồng chí.
--Thôi tôi đành hy sinh vậy. Nhưng nhớ là phải giữ lời hứa đấy nhé.
Thế Tô Hoài có giỏi không chứ.
 Hôm ở Ấn độ, Marian mới bảo tôi
- Trông mặt ông Tô Hoài có lúc như một nhà triết lý
- Đúng, một nhà triết lý không suy nghĩ.
- Tôi cũng định nói với ông như thế.

Một lần khác:
- Lại nói chuyện đi nước ngoài. Hôm báo cáo ở thường vụ, tôi với ông Tô Hoài rất vui vẻ. Thì đi đường, cái gì mình cũng nhường ông ấy cả. Đến đâu, phải phát biểu trước đài, hoặc là viết báo, tôi đều đùn cho ông ấy cả. Một bà biên tập viên người Nga  bà ấy bảo tôi viết, tôi nói bà thông cảm cho, tôi còn tuổi thanh niên. Tôi chỉ có thể viết khi ông trưởng đoàn của tôi không viết. Hay là bà bằng lòng ông Tô Hoài không viết, không, không được. Thế thôi. Đi đến đâu, tôi cũng đề cao đồng chí trưởng đoàn của tôi. Ông Tô Hoài cũng thú vị về chuyện ấy. Thế là được rồi. Có khi ông ấy làm xong, ông ấy đưa cho tôi xem, tôi mới cười. Chắc anh viết, thì đúng quá rồi còn gì.
Ông Tô Hoài là một ông đi nhiều, cũng không chú ý tiền nong lắm, nhưng mình định xoay ông ấy là ông ấy biết ngay. Tôi thì chả mắc chứng ấy rồi, cho nên vui vẻ lắm.

Hôm báo cáo ở hội nghị thường vụ sau chuyến cùng nhau đi Ấn Độ và Liên Xô. Ông Tô Hoài cười, bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ nhau. Tay Chế Lan Viên nhìn về phía tôi, như nảy ra một câu khôi hài, đúng là một thằng mất dạy.

  Nói về chữ nghĩa:
      - Tôi thấy luôn luôn người ta có thể viết cho gọn hơn. Từ 5 dòng, tôi có thể co lại, còn  độ 3 dòng, hay 2 dòng. Trong ba chữ một cái đèn, thể nào cũng có thể xoá bớt, chỉ còn hoặc là một đèn, hoặc là cái đèn.
      Tôi (VTN) nghĩ: đi mà xoá văn Nguyễn Tuân!
      Nhưng một phát hiện khác của Tô Hoài thì có thể  chấp nhận được:
      --Cái bài Chữ và câu văn của tôi còn có đoạn nói đến biền ngẫu ở Nguyễn Khải. Thế mới biết biền ngẫu nó vào mình tự nhiên thật ( đoạn chê này, đến lúc in, thì trường Nguyễn Du, nơi in tập sách có bài Chữ và nghĩa nói trên, họ xoá hết!)
Tầm vóc văn chương
        Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người  ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn VN ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài, luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó  nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết.
       Và nỗi lo lớn nhất  là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm trước đồng nghiệp.
      Đọc lại truyện ngắn viết trước 1945, thấy nhà văn này có lý để tự kiêu, truyện rất hay, tự nhiên. Có một chút gì đó thanh thoát hơn các truyện của Nam Cao nữa. Nhưng thấy Tô Hoài ảnh hưởng đủ thứ kể cả Nguyễn Công Hoan (truyện Ma đè).
Ý nghĩa xã hội
      Đọc Tô Hoài, thêm hiểu tại sao lại có Cách mạng tháng Tám. Tình cảnh dân ta trước 1945 khá rõ.
      - Một xã hội đẹp nhưng quái gở. Đàn bà  quyết định tất cả (truyện Một người đi xa). Thế nào người ta cũng có lý, cũng nói được.
      - Một xã hội quá tù túng. Những yếu tố  lạ, nhưng yếu tố ánh sáng, có le lói đến (những đoạn tả người ở quê ra tỉnh, người ở tỉnh về) những chưa giải quyết được bế tắc. Tỉnh thành phố xá nào có ra gì, cũng buồn bã, yếu đuối, không đủ sức phá vỡ sự tẻ nhạt của nông thôn công xã.
      Những trang Tô Hoài tả việc lên phố của mình (trong Cỏ dại), câu chuyện lên Hàng Mã ở, sao vẫn chỉ như là dấu hiệu cho thấy một sự bất lực. Ngưng đọng, trì trệ là đặc điểm chính của những  xóm  ngoại ô này. Có cố thì cũng đến thế thôi.
      Có  cả những bệnh không chữa mà khỏi, lẫn những bệnh không bao giờ chữa khỏi. Có cả những ao ước mơ hồ, lẫn lời hứa phiệu ngay từ đầu đã  không ai tin.
      Tô  Hoài hay có lối tả con người dù đã qua nhiều bước phiêu lưu, vẫn trơ lại trước mọi tác  động, con người mặc dù có vẻ rất nhạy cảm nhưng cuối cùng đâu vẫn  đóng đấy, nhân vật đi qua cuộc đời mà rút cục mình  vẫn là mình.

      Niềm tự tin
      Lại Nguyên Ân kể về một ông bán sách cũ: bán ra thì rất đắt, coi như sách của mình đi khắp cả nước tìm không ra; mà mua vào thì nhìn dửng dưng, nhạt nhẽo, y như không cần, nhìn sách bằng nửa con mắt.
        Tôi muốn mượn mấy câu này để nói về “thần thái” của Tô Hoài. Trong Tô Hoài có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương ,còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung  đối với  sự đời chả coi cái gì ra gì hết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảnh sát đâu cần làm xiếc như vậy?





Ở mấy nước " tư bản đang giãy chết " họ văn minh lắm. Cảnh sát đâu cần làm xiếc như vậy. Chỉ cần ghi lại bản số xe thì vài phút sau dù cách vài trăm cây số thì cảnh sát địa phương đã chực chờ trước cửa nhà chủ xe rồi.

Tài xế hất văng Thượng uý CSGT xuống đường mong được thông cảm
14:41:57 02/07/2017

"Khi đó em mất hồn thì cũng là do quán tính. Đúng là em biết việc làm này là sai và chỉ mong mọi người thông cảm vì hoàn cảnh lúc đó đúng là có nóng…", tài xế Lưu Văn Châu thừa nhận.









Tài xế Lưu Văn Châu (SN 1991, trú ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) người điều khiển container bỏ chạy làm Thượng úy Nguyễn Anh Đức (Phòng CSGT Hà Tĩnh) đang bám trên gương chiếu hậu ngã xuống đường, trọng thương đã có lời khai tại cơ quan điều tra, theo tin tức trên báo Công an TP. HCM.

Tài xế Lưu Văn Châu tại Cơ quan Công an

Làm việc với cơ quan điều tra, tài xế Châu khai rằng hành động đánh lái qua trái chỉ để tách Thượng uý Đức ra khỏi xe, chứ không cố ý làm người này bị thương. Tuy nhiên, sự cố đáng tiếc xảy ra khi Thượng uý CSGt va trúng dải phân cách, bị thương.

"Khi đó em mất hồn thì cũng là do quán tính. Đúng là em biết việc làm này là sai và chỉ mong mọi người thông cảm vì hoàn cảnh lúc đó đúng là có nóng…", tài xế Lưu Văn Châu thừa nhận.

Hiện Cơ quan Công an cũng đã tiến hành test đo nồng độ cồn và lấy mẫu nước tiểu tài xế Lưu Văn Châu để xét nghiệm. Bước đầu cho thấy, tài xế Lưu Văn Châu không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển xe container, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin.

Tuy nhiên, về kết quả xét nghiệm tài xế Lưu Văn Châu có sử dụng các chất kích thích khác khi tham gia giao thông hay không thì vẫn chưa có kết quả xét nghiệm.

Sau khi sự việc xảy ra, Thượng úy Nguyễn Anh Đức đã được đưa vào Bệnh viên Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu với đa chấn thương nguy kịch. Sau đó, được chuyển ra bệnh viện ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, lúc 16h30 chiều 30/6, Tổ công tác Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trên QL1A (đoạn đi qua xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) thì phát hiện chiếc xe container BS: 77C - 016.47 kéo theo rơ moóc BS: 77R - 001.37 do Lưu Văn Châu điều khiển vi phạm tốc độ nên ra hiệu lệnh yêu cầu dừng lại để xử lý.

Tài xế cho rằng xe không vi phạm tốc độ nên lên cabin đóng cửa, nổ máy xe chạy theo hướng Bắc. Thượng úy Đức bị bất ngờ nên phải bám vào gương chiếu hậu. Sau đó, tài xế Châu đánh lái xe, hất chiến sĩ cảnh sát giao thông ngã xuống đường; bánh xe đi sát qua người Thượng uý Đức.

Nạn nhân được đồng đội đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh cấp cứu rồi chuyển ra Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An trước khi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

http://doanhnghiepvn.vn/tai-xe-hat-vang-thuong-uy-csgt-xuong-duong-mong-duoc-thong-cam-d102909.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin NÓNG: TÀU CHIẾN MỸ ÁP SÁT CÁC ĐẢO CỦA VN BỊ TQ CHIẾM ĐÓNG


Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Stethem đóng quân tại Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia.  
 
Tàu chiến Mỹ áp sát đảo ở Hoàng Sa 
 
VNE
Chủ nhật, 2/7/2017 | 15:53 GMT+7
 
Lầu Năm Góc triển khai một tàu chiến tới gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Stethem, hôm nay đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, Fox News dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết. Nó đã bị một tàu chiến Trung Quốc theo đuôi.

Matt Knight, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương không bình luận về chiến dịch nhưng tuyên bố: "Chúng tôi thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải định kỳ và thường xuyên, như đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai".

Lần gần nhất Mỹ đưa tàu chiến áp sát đảo Tri Tôn là tháng 10 năm ngoái. Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng có các chiến dịch tương tự. Đảo Tri Tôn là một cồn cát ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Hồi cuối tháng 5, Mỹ cũng cử một tàu chiến áp sát đá Vành Khăn, nơi bị Trung Quốc xây trái phép thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu khu trục Dewey đã thực hiện bài diễn tập "cứu người rơi khỏi tàu" khi tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn. Đây là chuyến tuần tra ủng hộ tự dọ hàng hải đầu tiên của Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi tháng một.

*Tiếp tục cập nhật
Trọng Giáp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sống Đừng Tốt Quá - Nhân Duyên





Read more: http://jeffreythaiblog.blogspot.com/2017/07/video-song-ung-tot-qua-nhan-duyen.html#ixzz4lfLzzFbu


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Elon Musk đã bắt đầu đào hầm xuyên Los Angeles, không đùa một tí nào


Elon Musk đã bắt đầu đào hầm xuyên Los Angeles, không đùa một tí nào
Hình minh họa.
Vào ngày thứ Năm, tức là chiều hôm nay giờ Việt Nam, Elon Musk tuyên bố rằng cỗ máy đầu tiên của Công ty Nhạt nhẽo, có cái tên kì lạ là "Godot" - vốn được đặt theo vở kịch "Chờ đợi Godot", chuẩn bị đi vào hoạt động ở Los Angeles.
Khi tuyến đường hầm được hoàn thành, nó sẽ chạy từ Sân bay Quốc tế LAX đến Thành phố Culver, Santa Monica, Westwood và Sherman Oaks, hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể tình hình giao thông tệ hại ở thành phố này
"Sẽ không còn phải đợi Godot nữa," Musk đăng trên twitter. "Sự tẻ nhạt (hoặc Công cuộc đào) đã bắt đầu và phân đoạn đầu tiên của đường hầm đã được hoàn thiện ở L.A."
Công ty đào hầm - tẻ nhạt của Musk có ý định cách mạng hóa giao thông thành phố với một hệ thống hầm ngầm. Nếu mọi thứ đúng như dự tính của Musk, các hầm ngầm này cuối cùng sẽ được sử dụng cho đường ray xe điện, xe siêu tốc hyperloop và thậm chí kể cả xe ôtô cá nhân.
Nói thực thì ôtô sẽ không còn xuất hiện nhiều nữa trong chiếc hầm với loại đường ray phi thường của tương lai này, vốn có thể vận chuyển các phương tiện ở tốc độ 125 dặm/giờ
Ở tốc độ kinh hoàng như thế, một người có thể dịch chuyển từ Westwood đến LAX (khoảng cách là khoảng 10 dặm) trong vòng chưa tới 5 phút. Hiện tại phải mất đến cả tiếng đồng hồ để hoàn thành quãng đường này khi đường đông đúc.
Musk trên Instagram: "Cổng vào, khu tập kết và điểm xuất phát của hầm cho Máy Tẻ Nhạt 1 (hay còn gọi là Godot) đã hoàn thành."
Musk đã thông báo về tên gọi của cỗ máy này tháng trước trên Twitter, "Tên gọi của các cỗ máy của công ty tẻ nhạt nhìn chung sẽ thơ ca kịch nghệ." Ông thực sự rất thích thú với trò chơi chữ ứng dụng lên các sản phẩm của công ty mà "nhạt nhẽo" có lẽ mới chỉ là bước khởi đầu.
Godot dài khoảng vài trăm feet, và dịch chuyển với tốc độ chậm như sên, đúng nghĩa đen: Tháng trước Musk nói rằng nó sẽ dịch chuyển chậm hơn 14 lần so với con thú cưng của công ty: ốc sên Gary
Tuy nhiên chẳng quan trọng nếu Godot thực sự chậm, bởi cỗ máy được hy vọng sẽ tạo ra một đường hầm cho phép di chuyển siêu tốc. Hãy cùng nhau đón chờ những diễn biến kế tiếp nhé!
Nguồn: Inverse

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sao lại có loại cán bộ thô lỗ và khinh dân đến thế?


>> Biển Đông: Trung Quốc gần hoàn tất ba tiền đồn quân sự tại Trường Sa


Bùi Hoàng Tám


























(Dân trí) - Xin gửi về lãnh đạo Thành phố Hà Nội câu hỏi rằng một quan chức mà hành xử vừa “ấu trĩ”, vừa thô lỗ, vừa khinh dân, gọi dân là “mày”, liệu có xứng đáng đứng trong đội ngũ?

Dự án xe buýt nhanh là một trong những công trình trọng điểm về giao thông vận tải của Hà Nội, có vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỉ đồng. Song, nhiều ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi các lỗi kỹ thuật, có thể làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc.

Trong một bài đăng trên Dân trí, Tiến sỹ Khoa học - Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, Nguyên Phó Chủ nhiệm TC KTQS - Nguyên Giám đốc Viện KHCNQS, một chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt những bất cập của dự án này. Trong bảng tính điểm của mình, ông Bắc đã cho khá nhiều tiêu chí điểm thấp, thậm chí có tiêu chí chỉ được 0 điểm.

Nhiều bạn đọc gửi thư điện tử (comment) về Dân trí cũng cho rằng dự án trên không khả thi.

Một bạn đọc viết: “Đây là một dự án gây lãng phí tốn kém tiền của một cách kinh khủng nhưng nó lại là một dự án mà hiệu quả hoàn toàn không được như một phần trăm mong muốn, vừa lãng phí vừa gây mất cảnh quan, vừa nguy hiểm cho những đoạn đường có dự án xe buýt nhanh đi qua.

Hơn nữa, nó lại vô lý đến mức kệch cỡm vì gần như toàn bộ điểm dừng đỗ xe đều ở giải phân cách giữa đường và tất cả đều nằm bên tay trái ngược với chiều giao thông.

Các điểm đỗ xe này không những gây nguy hiểm, xung đột ùn tắc giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông khác mà còn gây nguy hiểm, mất an toàn cho ngay cả những hành khách đi xe sau khi xuống xe, phải băng qua đường đông đúc. Dự án thi công phần đường cho xe buýt nhanh thì bị làm theo kiểu bớt xén, chưa đưa vào sử dụng đã bong tróc, nứt nẻ, vỡ từng mảng...

Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng bất cập, sự phi lý và tính bất khả thi đã thấy rõ. Có lẽ những cán bộ ban ngành lập dự án đề xuất làm dự án này cần phải bị thanh tra khẩn cấp, thậm chi phải bị xử lý thích đáng vì đã tham mưu cho lãnh đạo một dự án tốn kém, nguy hiểm làm người dân bức xúc…”.

Đọc ý kiến trên, có thể thấy độc giả này rất am hiểu và trùng với ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn.

Vì thế có thể nói, những lo ngại về dự án này là có thật và đang rất bức xúc. Tuy nhiên, trong bài này, người viết muốn đề cập đến một vấn đề không kém bức xúc khác, đó là trả lời phỏng vấn báo Tiền phong của ông Trần Anh Tú - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (hiện chuyển công tác sang làm Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội-một công ty lớn sẽ tiếp quản toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội), một trong những nhân vật chủ chốt của dự án này.

Xin đăng tải nguyên văn:

“+ Vấn đề dự án không hiệu quả, ông nghĩ thế nào?

Không hiệu quả, không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?

+ Ít nhất chúng tôi thấy ngay khả năng ùn tắc, xe buýt nhanh có chạy được đâu?

Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ có phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung.

+ Dư luận xã hội quan tâm, các anh có trách nhiệm trả lời chứ?

Dư luận nào. Ăn nói lung tung. Chúng mày mượn báo chí, hay lộng ngôn?”.

Đọc những dòng trên, không khỏi gai người về thái độ trịch thượng và thô lỗ của một cán bộ lãnh đạo Cty Đường sắt Hà Nội khi ông ta gọi người đối thoại là “mày” và cơ quan báo chí là “chúng mày”.

Đây là lối hành xử vô văn hóa của một cán bộ công chức, không thể chấp nhận. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm (4/2014), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã đặt rõ yêu cầu “Cán bộ, công chức, viên chức phải biết 4 xin đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Phải rèn luyện điều này, để thực sự do dân, vì dân”.

Điều nữa, ông Tú đã ngộ nhận khi cho rằng việc đặt những câu hỏi về chất lượng công trình với nhà quản lý là “không phải việc của chúng mày” và việc “ùn tắc” cũng “không phải việc của chúng mày”.

Xin hỏi, việc chuyển tải ý kiến của nhân dân và các nhà chuyên môn đến với cơ quan nhà nước nếu không phải là trách nhiệm của báo chí thì của ai, thưa ông Tú?

Đó là chưa kể nhà báo cũng là công dân nên hoàn toàn có quyền chất vấn và các ông phải có trách nhiệm trả lời những thắc mắc của dân.

Ông Tú cũng nên nhớ, số tiền đó là của dân nên dân có quyền hỏi, có quyền truy vấn… như phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An: “Số tiền hàng nghìn tỷ đồng của dự án là công sức của dân đóng góp, mồ hôi nước mắt của dân; dù có vay nước ngoài, đời con cháu phải trả. Không thể trả lời đơn giản làm xong rồi không chạy được vì ùn tắc. Bây giờ phải làm rõ nguyên nhân, xử lý đến cùng, giải quyết tận gốc. Có như vậy mới không ai dám đưa ra những dự án thiếu khả thi, tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ đồng. Nước đã nghèo như thế này rồi mà cứ để như thế là không được”.

Xin gửi về lãnh đạo Thành phố Hà Nội rằng một quan chức mà hành xử vừa “ấu trĩ”, vừa thô lỗ, vừa khinh dân, gọi dân là “mày”, liệu có xứng đáng đứng trong đội ngũ?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

QUAN CHỨC VN CHIA SẺ KINH NGHIỆM LÀM GIÀU



Thiều Quang Thắng

QUAN CHỨC CHIA SẺ KINH NGHIỆM LÀM GIÀU, SỞ HỮU NHÀ TO

+ Tôi lao động đến thối cả móng tay
- Cựu tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền


+ Tôi chạy xe ôm ngoài giờ làm thâu đêm
- Phó ban Nội chính tỉnh ủy Dak Lak Nguyễn Sỹ Kỷ

+ Đi mua chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu
- Giám đốc sở TN - MT Yên Bái Phạm Sỹ Quý.

Phần nhận xét hiển thị trên trang