Hiệu Minh
Bác sỹ, y tá và y học nói chung sinh ra để cứu người nhưng đôi lúc họ cũng gây ra tử vong ngoài ý muốn. Đã là người thì chắc chắn mắc lỗi.
Câu chuyện bên Mỹ: Bác sĩ soi ngược phim, phẫu thuật nhầm bên phổi không có u
Năm trước tôi có cô cháu bị ung thư nên có dịp nhờ một bác sỹ chuyên khoa nổi tiếng ở Hà Nội. Xem qua bệnh án, ông chỉ nói, đây là ca phức tạp. Tôi hiểu ngay ngôn từ cẩn thận của bác sỹ khi nói về bệnh tật nguy hiểm sao cho gia đình đừng quá hy vọng và cũng đừng thất vọng.
Bố mẹ và gia đình cháu luôn gạn hỏi, có chữa được không, có hy vọng gì không. Hỏi lại, thì bác sỹ nhắn, trong email đã trả lời hết rồi. Và cháu không thể qua khỏi. Có thể chữa được thì bác sỹ đã nói, nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó trong nghề y.
Tôi từng vào bệnh viện soi ruột già định kỳ bên Mỹ. Họ có một qui trình khá ngặt nghèo. Hàng chục lần phải trả lời vài câu hỏi, tên tuổi, vào đây làm gì, chữa gì… để đảm bảo người bệnh không bị đưa sang phòng mổ nhầm.
Ký vào cam kết, cô y tá vừa cười vừa nói, anh sẽ ngủ một tiếng rồi sẽ đâu vào đó. Cô rút cái gì đó trên tay và tôi thiếp đi. Tỉnh dậy thấy mình nằm ở phòng khác. Đúng là một giấc ngủ ngàn thu trong hơn một tiếng.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hôm đó tôi không thức dậy, nếu bác sỹ nhầm thuốc, hay tôi bị sốc thuốc. Dù là nước Mỹ với nền y tế hiện đại bậc nhất thế giới nhưng họ vẫn sai như thường.
Tôi chỉ là một trong số 33 triệu dân Mỹ hàng năm vào những tòa nhà không lấy gì làm vui, trong số đó, ai dám chắc không có nhầm lẫn.
Chuyện sai sót về một cựu binh chiến tranh Việt Nam từng lên mặt báo nhiều tháng trời. Tháng 9-2000, Richard Flagg vào bệnh viện Meadowlands ở New Jersey để lấy khối u bên phổi trái.
Phẫu thuật được thực hiện vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ 3 ngày nên dường như ai cũng tỏ ra vội vàng và bất cẩn. Người cựu binh 60 tuổi vẫn lạc quan vì chỉ có u nhỏ, nếu lấy ra thì sau vài tuần, ông sẽ khỏe mạnh như thường.
Khi vào phòng mổ thì Flagg đã mê man do thuốc. Các bác sỹ soi tấm phim chụp phổi và thấy đánh dấu phổi bên phải và tất nhiên mổ bên phải. Flagg tỉnh dậy thấy ống trợ thở đang nằm bên phải nên ngạc nhiên. Hỏi bác sỹ được giải thích mổ bên phải do thấy có u bên phải.
Vài tuần sau bệnh không thuyên giảm và tới bác sỹ khác để chẩn đoán thì kết quả tệ hại. Không thể mổ được nữa vì phổi trái không đủ sức, phổi phải đã giải phẫu và không có u nào… Một năm sau Flagg mất.
Tìm nguyên nhân phát hiện ra lỗi khá sơ đẳng. Ca mổ đã xem ngược phim khi soi lên đèn, phổi trái thành phải, do ngày nghỉ dài nên họ quên chết người. Gia đình kiện và bệnh viện đền 1 triệu đô la với sự dàn xếp của luật sư.
Nếu bác sĩ Hoàng Công Lương làm việc ở Mỹ thì sao?
Trường hợp kinh khủng của Flagg chỉ là một lỗi trong 15.000 ca nhầm lẫn/ sai sót y tế tại Hoa Kỳ. Thay vì mổ chân trái lại nhầm chân phải. Lấy sỏi thận phải mở nhầm sang trái.
Hàng năm, nước Mỹ có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong (có tài liệu nói là 250.000) do sai sót của bác sỹ, y tá, và hàng trăm ngàn khác bị di chứng có khi suốt đời. Tuy nhiên, các vụ sai sót thường được dàn xếp thông qua đền tiền với luật sư vào cuộc, ít khi bị hình sự hóa sai lầm của bác sỹ.
Trang web của US National Library of Medicine, National Institutes of Health đăng một nghiên cứu suốt 2 thế kỷ từ 1795 đến 2005 tại Vương quốc Anh về 85 bác sỹ bị buộc tội "giết người" do sai sót của họ trong công việc.
Trong số 85 bác sỹ bị ra tòa, 60 người được tòa tuyên bố vô tội, 22 người bị cho là có tội, 3 người thú nhận. Các ca nhiều nhất xảy ra thế kỷ 19, và từ năm 1990 thì con số này giảm hẳn.
Hàng năm tại Mỹ có khoảng 200 bác sỹ bị kỷ luật trong số gần 800.000 đang hành nghề. Truyền thông nhắc khá nhiều vụ bác sỹ Conrad Murray gây ra cái chết cho ca sỹ nổi tiếng Michael Jackson do bất cẩn.
Tuy nhiên, nếu không chứng minh được bác sỹ cố ý giết người thì chỉ có thể phạt tiền và thu bằng hành nghề. Mỗi bang có luật qui định riêng về chuẩn y học và nếu vi phạm sẽ bị phạt và nếu cố ý gây ra có thể đi tù.
Bác sỹ, y tá và y học nói chung sinh ra để cứu người nhưng đôi lúc họ cũng gây ra tử vong ngoài ý muốn. Đã là người thì chắc chắn mắc lỗi. Chỉ có kẻ lừa bịp mới dám tuyên bố không mắc sai lầm bao giờ.
Lái xe bus mắc lỗi gây ra tai nạn cho hàng chục người, phi công là hàng trăm người, trong chiến tranh nếu ném bom nhầm là hàng ngàn người. Chính trị gia sai lầm kéo theo sự tụt hậu và đôi khi gián tiếp "giết" hàng triệu người.
Tuy nhiên, trường hợp y học là câu chuyện khá tế nhị. Nếu phạt nặng bác sỹ về những lỗi không cố ý sẽ làm cho họ nhụt chí cứu người. Hoa Kỳ không cho phép kiện ngược các nhà nghiên cứu thuốc vì nếu làm vậy sẽ không còn ai dám hy sinh cho y khoa.
Trong bệnh viện, để an toàn cho bản thân bác sĩ sẽ tìm cách né tránh những ca làm khó trong tương lai. Và bệnh nhân lãnh hậu quả. Không phạt nặng thì sẽ có chuyện nhầm lẫn và vô can.
Tại các nước phát triển thường có không gian cho các bác sỹ bàn công khai về những lỗi lầm trong công việc.
Bác sỹ Bryan Bledsoe, giáo sư y khoa của đại học Y Nevada (Hoa Kỳ) từng kể, 20 năm trước ông từ sai sót chút nữa thì làm tử vong một phụ nữ. Và bây giờ ông là người cởi mở mong muốn các bác sỹ chia sẻ những sai lầm để không bị mắc lại thay vì giấu biệt. Trên Reader’s Digest có hàng loạt bài như vậy của các bác sỹ kinh nghiệm.
Quay lại chuyện vị bác sỹ chuyên ung thư chữa cho cháu tôi đã đề cập ở trên. Qua câu chuyện ngoài lề, tôi được nghe ông kể về nhiều nỗi khổ của nghề y nhất là trong bối cảnh hiện nay dư luận xã hội khá âm tính về những gì đang xảy ra.
Chỉ cần một vị bác sỹ gác chân lên giường bệnh nhân bị mạng xã hội và báo chí câu views ném đá không thương tiếc mà thực ra ông có chân đau nên phải gác tạm chân cho đỡ. Người khác bị đánh hội đồng do vợ đẻ bị chết. Cứ có người nhà chết là bác sỹ có lỗi mà không cần biết lý do.
Vị bác sỹ lo lắng, khi y đức có vấn đề thì xã hội phải tìm cách xốc lên thay vì dìm xuống. Rất nhiều bác sỹ tận tình với nghề cứu rỗi nhân loại nhưng họ đang đứng bên bờ sông với suy nghĩ mình nên tiếp tục với dòng trong hay chuyển sang dòng đục.
Dư luận ném đá ngành y một cách vô lý sẽ "đuổi" nốt những người tốt sang với nhóm bác sỹ vô lương. Vụ việc ở Hòa Bình là đáng tiếc, nhưng ứng xử mà không thấu hiểu đặc trưng nghề nghiệp bác sỹ sẽ đẩy nốt những "lương y kiêm từ mẫu" sang nẻo khác.
Đấy mới là thảm họa y học thực sự khi người trong áo blue trắng không muốn dấn thân cứu người bệnh. Đó là lúc y đức không còn lối thoát.
theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang