Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

TIẾP CẬN MỘT VÀI HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM


“MẶT NẠ TÁC GIẢ”- MỘT GỢI Ý CHO VIỆC TIẾP CẬN MỘT VÀI HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM

Lại Nguyên Ân-0.Trước khi vào đề, tôi phải nói ngay rằng trong thực chất, người đã thúc đẩy tôi viết bài này là nhà Việt học người Nga Anatoly Sokolof. Tôi nhớ là anh đã ít nhất một lần nêu với tôi: hiện tượng mà người ta đang gọi chung là “thơ Hồ Xuân Hương” nên được tiếp cận từ góc độ “mặt nạ tác giả”.
Tôi hiểu, điều anh nói gắn với cả một hướng nghiên cứu lý giải rất có triển vọng, song, khi ấy tôi còn chưa quên là chính mình từng có một bài viết dài ký bút danh Tam Vị đăng Tạp chí Văn học (số 3/1991)(1) trong đó đã triển khai sự phân tích lý giải dựa trên sự mặc định rằng những sáng tác thuộc hiện tượng kể trên (thơ Hồ Xuân Hương) là chỉ gắn với một con người có thực, một nhân thân xã hội duy nhất.
Tuy vậy, với thời gian, tôi càng thấy hiện tượng trên và những hiện tượng văn học tương tự có thể và cần được tiếp cận và soi rọi từ những góc độ khác.
1. Có thể tạm thời nói rằng các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến điều sẽ bàn tới trong bài này đều là đề xuất của học thuật Nga. Tôi muốn nói đến hai thuật ngữ của giới học giả Nga mà tôi dịch là “mê hoặc” và “mặt nạ tác giả”.
Quả vậy, chữ Nga, “mê hoặc” là мистификация [mistifikacija], “mặt nạ tác giả” là маска авторская[maska avtorskaja], tuy đều có gốc từ Latin, nhưng ở ngành nghiên cứu văn học Âu Mỹ hầu như không thấy sử dụng khái niệm và thuật ngữ tương đương, trong khi đó, theo giới nghiên cứu Nga thì những bậc tiền bối của họ đã nêu ra khái niệm và thuật ngữ này với những kiến giải lý thuyết từ những năm 1910; tất nhiên chất liệu nghiên cứu của họ không chỉ là thực tiễn văn chương Nga mà còn là đời sống lịch sử văn chương nhiều nước khác.
“Mê hoặc” văn chương được dùng để trỏ một loạt biện pháp nghệ thuật-văn hóa với những quy mô khác nhau. Mức rộng nhất, ở cấp độ văn cảnh văn học, “mê hoặc” văn học trỏ trường hợp những tác phẩm mà tác quyền tinh thần (quyền đứng tên tác giả ở tác phẩm) được cố ý gán cho một hoặc những người khác, có thật hoặc hư cấu, hoặc cố ý gán cho sáng tác dân gian. Sự “lừa phỉnh”, “mạo danh” này (vốn là một trong những hàm nghĩa của từ mystification) thao túng được, − tức là có hiệu lực thực sự − đối với công chúng và các thiết chế văn học đương thời (nhà xuất bản, giới phê bình…); để đạt được hiệu quả ấy, sự mê hoặc đòi hỏi phải tạo ra được một bút pháp, một văn phong, một kiểu sáng tác nào đó cho “ngụy tác giả” (tác giả giả) kia.
Ta dễ nhận thấy “mê hoặc” ngược với “đạo văn” (plagiat): kẻ “đạo văn” vay mượn (đúng ra là chiếm đoạt) ngôn từ của người khác mà không viện dẫn tác giả, còn người “mê hoặc” thì gán ngôn từ của mình cho kẻ khác. “Đạo văn” là một dạng trộm cắp, trước sau vẫn chỉ là loại hành vi xã hội chứ không thể có ý nghĩa thẩm mỹ, nội dung của nó là chiếm hữu thành quả sáng tạo của người khác, nó cần được xử lý bằng pháp luật hoặc lên án bằng dư luận xã hội. “Mê hoặc” khác xa với loại hành vi vụ lợi đơn thuần, nó tạo ra những hiệu ứng về văn hóa, thẩm mỹ khác thường, vì vậy đã từng được không ít nghệ sĩ theo đuổi, đồng thời cũng được giới nghiên cứu ghi nhận, tìm hiểu như một hiện tượng văn hóa thẩm mỹ.
“Mê hoặc” cũng khác biệt rõ rệt so với “ngụy tác” (falsification): kẻ ngụy tác, tức là làm giả những tác phẩm nào đó (được biết là đã từng có nhưng đã mất, thường là của thời trước) với mục đích trục lợi (chẳng hạn, một bạn hàng của Guttenberg là I. Fust đã bán những bản Kinh Thánh Mainz ở Paris đắt gấp ba lần, mạo xưng rằng đó là theo các bản chép tay), hoặc cố ý xuyên tạc các sự kiện lịch sử hoặc tiểu sử nhân vật lịch sử. (Khỏi phải dẫn chứng tài liệu nước ngoài, giới nghiên cứu ở ta cũng đã từng va chạm những bản sách được rao là “sách cổ mới phát hiện”, liên quan đến một kiến trúc bên hồ Trúc Bạch).
Văn chương nhân loại từng trải qua giai đoạn mà công chúng không cần biết các tác phẩm là của ai, của ai cũng chẳng thành vấn đề, vì công chúng sử dụng tác phẩm không phải trả tiền, cũng không buộc phải giữ nguyên trạng “văn bản” như khi được sáng tác ra lần đầu; đó chính là trạng thái của văn chương truyền miệng, − đối với văn chương này phạm trù tác giả không hiện diện, đồng thời “văn bản” cũng không định hình. Đến giai đoạn văn chương viết cũng thường là lúc các tác phẩm đều gắn với tác giả, việc sử dụng tác phẩm đi liền với trả thù lao, tôn trọng tác quyền (bỏ tiền để mua sách, nêu tên tác giả và tác phẩm khi đối chiếu, trích dẫn, không thay đổi câu chữ của nguyên tác khi sao chép, v.v…). Chính trạng thái tác quyền đã làm nảy sinh những “tác quyền giả mạo”, gồm: mê hoặc (mistification), ký tên giả (pseudonyme), đạo văn (plagiat), ngụy tác (falsification), trong số này, nếu mê hoặc và ký tên giả chỉ làm phức tạp nhưng cũng gây thêm thú vị cho hiện tượng văn chương, thì đạo văn và ngụy tác lại là những xâm phạm và giả trá cần phát hiện và phòng chống kịp thời.
Các học giả Nga nêu ra một số ví dụ về mê hoặc văn chương trong đời sống văn học châu Âu. Chẳng hạn, khoảng năm 1760-63, James Macpherson (1736-96) cho xuất bản những tác phẩm lãng mạn mà ông gán tên tác giả cho bard (ca nhân kiêm thi sĩ) Ossian, thuộc tộc người Celt, tương truyền sống ở Scotland vào thế kỷ III. Một ví dụ khác là nhà thơ Pháp P. Mérimée (1803-70) vào năm 1825, cho xuất bản những vở kịch ký một cái tên bịa đặt là Clara Gazul, nữ diễn viên Tây Ban Nha; năm 1827 ông lại cho xuất bản tập thơ La Guzla, mạo danh là của một nghệ nhân người Serbia tên là Iakinf Maglanovich (sự mạo danh này được tin là thật đến nỗi ở Nga năm 1835 chính thi hào A.S. Pushkin đã tuyển 11 bài từ tập thơ kể trên vào một tập sách do ông soạn nhan đề Những bài ca vùng tây Slave).
Một loại biểu hiện khác của “mê hoặc”, cũng ở cấp độ văn cảnh văn học, là khi cả một nhóm nhà văn cùng viết và ký bằng một bút danh chung, tạo ra vẻ thống nhất của một “gương mặt”, một “văn phong” duy nhất nào đó. Đây là trường hợp thường xảy ra với các thể tài hài hước, trào phúng, châm biếm, được thể hiện bằng các tiểu phẩm nằm trong những chuyên mục nhất định của ấn phẩm định kỳ (báo chí). Các học giả Nga nêu một ví dụ khá tiêu biểu là, trong những năm 1850-60 ở Nga, dưới bút danh Kozma Prutkov là các tác phẩm đăng trên tờ Sovremennik (Người cùng thời)  của ba nhà văn: Aleksey Konstantinovich Tolstoi (1817-75) cùng hai anh em nhà Zhemchuzhnikov là Aleksey Mikhailovich (1821-1908) và Vladimir Mikhailovich (1830-84). Bút danh chung này được coi như một thứ “mặt nạ” trong sinh hoạt văn hóa, văn học; Kozma Prutkov được thể hiện như một kẻ tầm thường, hẹp hòi, thiển cận, mù mờ, xoàng xĩnh, lại lên mặt là nhà thơ, − đã trở nên tiêu biểu cho cả một nước Nga quan liêu thời Nikolai đệ Nhất(2).
Ở cấp độ hẹp hơn, − có thể tạm gọi là cấp độ thi pháp, − là khi mê hoặc được sử dụng trong nội bộ từng tác phẩm, mà đặc tính chung là tác giả thực của tác phẩm (con người xã hội có nhân thân thực, làm nghề sáng tác văn học, người đã viết ra tác phẩm ấy) đem gán tác quyền cục bộ cho một số những ai đó (người thật hoặc hư cấu) ở những phần nhất định của tác phẩm. Các phần đó thường được đưa vào tác phẩm theo kiểu ghép dựng, trích dẫn, làm như đó là tư liệu thật (nhật ký, thư từ, thậm chí cả một tác phẩm để lại của người quá cố…). Bạn đọc có thể cảm nhận rõ một kiểu tác phẩm như thế, với bản dịch tiểu thuyết Ông hoàng đen (The Black Prince, 1973)(3) của nữ văn sĩ Anh Iris Murdoch (1919-99), trong đó phần chính của tác phẩm được mặc định như là tự truyện của nhân vật chính, kèm theo cuốn “tiểu thuyết” ấy là các bài viết riêng của mấy nhân vật khác (mà hành động của họ được cuốn “tiểu thuyết” kia mô tả) nói về quan hệ của mình với nhân vật chính; ngoài ra ở đầu và cuối sách còn có “lời người xuất bản” ghi chú việc “công bố” thiên truyện này: người này cho biết mình được nhân vật chính kia trao cho toàn quyền đối với tác phẩm để lại của anh ta.
Chính là để “mê hoặc”, “thao túng” công chúng, nhất là ở cấp độ văn cảnh văn hóa-văn học, các nhà văn đã dùng đến “mặt nạ tác giả”.
“Mặt nạ tác giả”, như ta thấy, là biện pháp chính để thực hiện “mê hoặc”.
Có thể định nghĩa ngắn gọn: “Mặt nạ tác giả” là phương thức mà nhà văn dùng để che dấu nhân thân thật của mình nhằm tạo ra ở độc giả một hình ảnh tác giả khác, − khác với hình ảnh thật, con người thật. Các học giả Nga cho rằng “mặt nạ tác giả” đã được sử dụng trong văn chương Nga từ thế kỷ XIII; sang đầu thế kỷ XIX, “mặt nạ tác giả” như một hiện tượng mỹ học-văn học và văn hóa-nghệ thuật đã được phát triển bởi A.S. Pushkin, là người, − theo xác định của học giả V.I. Tjupa, − trong Những câu chuyện của ông Belkin, đã phát triển “biệt danh (pseudonyme) thành cả một hình tượng nghệ thuật”(4). Nhóm nhà văn đứng sau cái tên  Kozma Prutkov kể trên cũng sử dụng nó như “mặt nạ tác giả” theo cách thức tương tự. Ở đầu thế kỷ XX, “mặt nạ tác giả” được ưa dùng trong bộ phận văn học được xem là “thế kỷ Bạc” của văn chương Nga (tức là mức phồn vinh chỉ xếp sau “thế kỷ Vàng”: văn chương Nga thế kỷ XIX), bộ phận này phát triển gắn với xu hướng tiền phong, hiện đại chủ nghĩa (modernizm); những năm cuối thế kỷ XX lại thấy “mặt nạ tác giả” được sử dụng trong sáng tác của các nhà văn Nga như N. Glazkov, Ven. Erofeev, O. Grigoriev, V. Pelevin.
Về mặt lý thuyết, người ta cho rằng hồi thập niên 1910 ở Nga đã xuất hiện những ý đồ đầu tiên, ví dụ của M.A. Voloshin, nhằm lý giải “mặt nạ tác giả”. Sau đó, chính Ju.N. Tynjanov đã đề nghị xem hình tượng tác giả như là “mặ nạ”. Lý luận độc đáo về “mặt nạ tác giả” đã hiện diện trong những bài báo của nhà phê bình I.A. Gruzdev, một người gần gũi với “Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ” (OPOJaZ, Petrograd, 1910) và trường phái hình thức Nga. Từ đầu những năm 1920, quan niệm “mặt nạ tác giả” đã được hiệu chỉnh bởi M.M. Bakhtin, ông xem “mặt nạ tác giả” là một trong những dạng thức quan hệ qua lại giữa tác giả và độc giả, giữa tác giả và nhân vật. Vào nửa cuối thế kỷ XX, mỹ học chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernizm) có một sự lý giải khác hẳn về “mặt nạ tác giả”: xem nó là nguyên tắc kiến tạo của văn phong trần thuật ở văn chương hậu hiện đại. Ở văn xuôi hư cấu hậu hiện đại Âu Tây, theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, “mặt nạ tác giả” có khi lại còn quan trọng hơn so với chính tác giả. Sở dĩ có tình trạng ấy, vẫn theo các nhà nghiên cứu Nga, là do chỗ, chiều hướng phát triển văn hóa-nghệ thuật nhân loại từ vài thế kỷ trở lại đây, − dưới các dấu hiệu của những xu hướng barocco, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại, − đã làm gia tăng cái cảm quan xem thế giới như là sự sáng tạo ngôn ngữ. Khi mà những “mê hoặc văn chương” nghiêng hẳn về phía đùa cợt, diễu nhại thì các tác giả dường như cũng không yêu cầu độc giả phải tin vào tính “đích thực” của họ; nói cách khác, độc giả không cần phải tin rằng tác giả của những tác phẩm, nhất là tác phẩm hậu hiện đại, là những con người có thực.
Trở lên là sự thuyết minh vắn tắt về các khái niệm “mê hoặc văn chương” và “mặt nạ tác giả”.
2. Theo tôi nhận xét, có không ít hiện tượng văn học sử Việt Nam có thể được soi rọi dưới ánh sáng của các quan niệm về “mê hoặc văn chương” và “mặt nạ tác giả”.
Văn học trung đại Việt Nam thường mới chỉ được giới nghiên cứu chúng ta tiếp cận ở dạng các văn bản tĩnh tại, chưa hoặc ít được tiếp cận ở phương diện đời sống văn chương. Có thể do chỗ dạng thức tồn tại của văn học trung đại của ta không gắn bó với quy chế công bố tác phẩm, với thị trường sách, cho nên cũng không tạo ra cơ hội để các tác giả có dịp gây sự chú ý đặc biệt cho công chúng về tác phẩm mới ra mắt của mình. Nhưng nói như vậy có lẽ vẫn chỉ là nhìn bề ngoài, là vì nếu tìm hiểu đời sống văn nghệ thời xưa qua các mẩu giai thoại để lại, ta sẽ thấy nhiều dấu tích khiến giới nghiên cứu cần suy xét kỹ hơn, ta sẽ thấy các văn nhân thi gia tuy không là chuyên nghiệp (không sống bằng thu nhập từ việc bán các sản phẩm của sáng tác văn chương) song thường vẫn tìm dịp biểu lộ tài nghệ hơn người của mình.
Bước vào thế kỷ XX, ở Việt Nam đã phổ biến kỹ nghệ in hoạt bản (in bằng các con chữ rời), tiên tiến hơn hẳn lối in khắc ván, tạo thuận lợi cho việc nhân bản các văn bản viết; cùng với nghề in đã tiên tiến hơn ấy là sự xuất hiện và dần dần phồn thịnh của nghề làm báo (sản xuất ấn phẩm định kỳ: hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng) và nghề xuất bản (sản xuất ấn phẩm không định kỳ), − đây là hai thiết chế (instituts) kinh tế-xã hội cho đời sống văn học của người Việt ở thời đại mới, trên nét lớn, ngang bằng với điều kiện tồn tại của đời sống văn học ở thế giới đương thời. Từ đây định hình kiểu giao tiếp giữa công chúng với các tác giả văn học chủ yếu thông qua sản phẩm in (tờ báo, cuốn sách). Khác hẳn tính trực tiếp của giao tiếp giữa khách văn chương và công chúng trong các khách thính nhỏ trước kia, quan hệ giữa tác giả và công chúng từ đây mang tính gián tiếp rõ rệt. Công chúng chỉ biết tác phẩm, ít biết tác giả. Nói cho đúng, độc giả chỉ biết tác giả qua mấy ký tự biểu hiện tác quyền in trên bìa sách, gắn với tên tác phẩm. Mà với những ký tự ấy, độc giả không thể khẳng định được đấy là họ tên một người có nhân thân thật hay chỉ là một bút danh quy ước. Tính chất gián tiếp của quan hệ giữa công chúng và tác giả này khiến phía sản xuất (hãng xuất bản, chủ báo, tác giả) có nhiều khoảng tối để xử lý và đưa ra (hoặc chậm đưa ra) hình ảnh tác giả, thông tin về tác giả, nếu việc đó có thể đưa tới một vài ảnh hưởng khác với thông thường.
Một sự việc như nhân thân thật của người phụ nữ ký tên T.T.Kh. dưới hai bài thơ đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội hồi 1937-38 vẫn giữ được tính bất định của mình đến tận 70-80 năm sau, cho thấy sự thành công của một màn “mê hoặc văn chương” hồi tiền chiến. Một sự việc nhỏ như chuyện ở Sài Gòn hồi 1959-60 xuất hiện cuốn Người Việt cao quý ký bút danh Pazzi, tỏ ra là của tác giả nước ngoài, về sau trong giới cầm bút mới dần dần biết đó là cuốn sách của một nhà văn người Việt, − đó rõ ràng là một ca “mê hoặc” bằng “mặt nạ tác giả”; việc dùng bút danh giống tên người Âu Tây ở đây hẳn là không nằm ngoài mục đích kích thích lòng tự tôn dân tộc ở công chúng đồng bào mình. Ở cộng đồng văn nghệ miền Bắc hồi những năm 1960-70 có sự xuất hiện một loạt tác phẩm được thông tin là “từ miền Nam gửi ra” với những cái tên tác giả lần đầu được biết đến, như Huỳnh Minh Siêng, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Thi, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, v.v… − hàng chục cái tên tác giả như thế, mãi đến sau tháng 4/1975 mới được bật mí công khai là những tên tuổi mà công chúng miền Bắc quen biết từ lâu: Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Ngọc Tấn, Bùi Đức Ái, Lê Khâm, Nguyên Ngọc, v.v… Còn trước tháng 4/1975, mức độ bí mật của việc này (bí mật về sự liên hệ với những tên tác giả thật mà công chúng đã biết) thuộc loại bí mật thời chiến. Sự kiện này có thể được hiểu như một “mê hoặc” tầm cỡ lớn, với sự tham gia, sự tuân thủ của hầu hết các thiết chế văn nghệ (báo chí, nhà xuất bản, đoàn nghệ thuật…) ở quy mô quốc gia.
Bản thân tác giả Nước non ngàn dặm cũng đã phải dùng đến biện pháp “mê hoặc” này. Nhà thơ Tố Hữu đầu năm 1973 đi một chuyến công du khắp vùng giải phóng miền Nam, từ Quảng Trị, Do Linh vào đến Lộc Ninh, đông Nam Bộ, trở ra vượt Bù Gia Mập, Cao Lê, qua Tây Nguyên về Bắc, ghi lại bằng thơ khá chi tiết và nhiều xúc cảm về các chặng hành trình, nhưng cuối cùng lại thêm đoạn kết 6 câu, nói với bạn đọc rằng chuyện hành trình kể trên đây hình như chỉ là giấc mơ, khi mà tác giả đang ở khu nghỉ mát Tam Đảo ở miền Bắc:
Bàng hoàng như giữa chiêm bao
Trắng mây Tam Đảo tuôn vào Trường Sơn
Dốc quanh sườn núi mưa trơn
Tưởng miền Nam đó chập chờn hôm mai
Đường đi… hay giấc mơ dài?
Nước non ngàn dặm nên bài thơ quê.
Vì sao lại cần “mê hoặc” rằng hình như đây chỉ là giấc mơ? Vì chuyến đi diễn ra ngay sau Hiệp định Paris 1973, tác giả đang là một quan chức của miền Bắc, cần tỏ ra tuân thủ Hiệp định, càng không nên khoe về chuyến đi trên vùng đất miền Nam, và đây cũng là cách tuân thủ kỷ luật phát ngôn của tác giả. Từ tháng 4/1975 trở đi, điều ấy mới khỏi cần giữ kín.
Nếu các ví dụ nêu trên mới chỉ cho thấy “mê hoặc” được dùng với những mục đích lớn, thì cũng có những ví dụ khác, cho thấy “mê hoặc” được dùng với mục đích riêng tư thông thường. Hồi năm 1962, tòa soạn báo Văn học ở Hà Nội nhận được bài thơ Gửi Khơ-tu ghi tên tác giả là “Maladeiy Angxutun (dân tộc Khơ-tu)”, báo đã đăng ngay không chút ngần ngại (VH. s. 225, ngày 16/11/1962); ngay sau khi báo đăng, các sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội phát hiện đây là sáng tác của một người Kinh là Nguyễn Xuân Tùng, đang là sinh viên năm thứ 2 cùng khoa với họ; họ đã tổ chức phê bình sinh viên này trong chi đoàn và chi hội sinh viên rồi thông tin đến tòa soạn để báo Văn học đính chính cho bạn đọc biết đây không phải tác phẩm của một nhà thơ thiểu số Tây Nguyên (V.H., Một việc làm không tốt // Văn học s. 238, ngày 15/2/1963, tr.15); từ đó trở đi, bài thơ này dù đưa in vào sách nào cũng đều ghi tác giả là Xuân Tùng. Việc sinh viên này khi đó mạo nhận là một người thiểu số Tây Nguyên, rõ ràng chỉ nhằm khiến cho tòa soạn tờ báo dễ dàng và sẵn sàng đăng bài cho mình hơn mà thôi.
Mấy ví dụ trên cho thấy “mê hoặc văn chương”, “mặt nạ tác giả” không hề là những thứ xa lạ trong đời sống văn học ở Việt Nam thế kỷ XX.
3. Sự hiện diện “mặt nạ tác giả” trong văn chương cho thấy có rất nhiều điều thú vị ẩn sau việc sử dụng bút danh, không chỉ trong văn chương mà còn là trong hoạt động báo chí, văn hóa nói chung.
Ở thế giới cận-hiện đại, thậm chí từ cổ-trung đại, mỗi cá thể người được “đánh dấu” bằng một cái tên; tên cá thể còn được xác định thêm bằng thuộc tính các dòng họ, địa phương, v.v…; tập quán đặt tên và khai sinh cho thấy dấu hiệu bằng ngôn ngữ văn tự được nhân loại coi trọng, xem nó như “cái biểu đạt” cho một cá thể người trong mọi hoạt động xã hội và cá nhân mà nó sẽ trải qua trong suốt cuộc đời. Thế nhưng đối với không ít người, chỉ một cái tên dường như là quá ít để sống và hoạt động trong đời, bởi vậy bên cạnh họ tên chính, tức là họ tên khai sinh, người ta còn có những tên khác, sẽ được gọi là bí danh (tên bí mật, chỉ lưu hành trong nhóm hẹp), bút danh (tên để ký dưới các bài viết), thậm chí cả hỗn danh, tục danh… Ở Việt Nam từ xưa, bộ phận cư dân gắn với học vấn Nho giáo từng biết đến những dạng tên cho một con người, ngoài tên khai sinh còn có tên chữ (tự), tên hiệu…; còn ở xã hội đô thị của người Việt vài ba chục năm trở lại đây lại thông dụng loại tên sữa, dùng để gọi trẻ em trong phạm vi thân gần, gia đình, thay vì gọi bằng tên khai sinh…
Trở lại việc sử dụng tên trong hoạt động văn chương, văn hóa. Ta đều thấy những người tham dự các hoạt động báo chí, văn chương thường dùng nhiều tên để ký dưới các loại bài báo hoặc sách của mình.
Ở nền văn học bằng chữ quốc ngữ thời đầu, các nhà văn hầu hết đều xuất thân Nho học, họ viết báo với những cái tên vốn có của mọi nhà nho; tên chính thường dùng để ký dưới các bài luận (tiểu luận, chính luận) nghiêm túc, còn tên hiệu, tên chữ để ký dưới các bài tản văn, nhàn đàm. Chẳng hạn, họ tên chính của Phạm Quỳnh được dùng như bút danh chính, cạnh đó là các bút danh Thượng Chi, Hồng Nhân. Cũng có những người là nhà nho, lại viết truyện, ví dụ Nguyễn Bá Học, nhưng hầu như không dùng bút danh nào khác ngoài họ tên chính. Song, trường hợp ấy là khá hiếm. Số đông người tham gia viết báo ứng xử theo cách dùng nhiều bút danh. Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ dùng họ tên chính, tên chữ, tên hiệu, mà còn tự đặt thêm những biệt danh Tông Gia, Lang Gia, Mũi Tẹt Tử, Đào Thị Loan. Huỳnh Thúc Kháng không chỉ dùng họ tên chính và tên chữ Giới Sanh, tên hiệu Minh Viên mà còn tự đặt thêm nhiều biệt danh: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Xích Tùng Tử, Thức Tự Dân, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan…
Vì sao phải dùng nhiều tên gọi, nhất là đặt thêm các biệt danh? Có lẽ là vì người cầm bút nhận thấy việc này có một sự tiện lợi nào đấy. Ví dụ như khi tranh biện, đính chính những tình tiết, sự việc được coi là nhỏ.
Chẳng hạn, Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi là hai người thân quen nhưng có rất nhiều khác biệt về tư tưởng học thuật. Hồi năm 1931, trên tờ Tiếng dân ở Huế, họ Huỳnh dưới bút danh X.T.T. lên tiếng trách ai kia đã tỏ ra tán đồng một nhận xét của người nước ngoài theo đó thì kẻ sĩ người Việt rất ham làm thơ tuy số đông làm không thành câu (“bất thành cú”); khi ấy Phan Khôi ở Sài Gòn, đọc báo biết chính là họ Huỳnh trách mình, bèn viết (dưới bút danh Thông Reo, trong mục hài đàm “Những điều nghe thấy” của nhật báo Trung lập) rằng mình có quen sơ “ông Phan” [Phan Khôi], ông có kể cho mình là chính cụ Huỳnh có thi tập thời trẻ, gửi ông Phan giữ khi cụ bị đày ra Côn Đảo; rủi bị khám nhà, ông Phan phải đốt tập thủ cảo ấy; lúc cụ Huỳnh trở về, được nghe báo tin ấy cụ bèn tỏ lời cảm ơn vì bây giờ nghĩ lại cụ thấy trong tập ấy nhiều bài dở quá! Đọc bài báo ấy, X.T.T. của Tiếng dân bèn đáp lại rằng mình có quen “cụ Huỳnh”, cụ bảo chuyện ông Phan nói ấy là có thật, nhưng ông Phan còn chưa kể chuyện xướng họa với cụ Huỳnh trong nhà tù Quảng Nam, khi đó ông Phan có đặt một câu rất dở!(5).
Ở cuộc đọ bút này, rõ ràng cả hai nhà văn họ Huỳnh và họ Phan đã lôi đến chuyện riêng chỉ hai người biết với nhau ra; đó sẽ thành chuyện xô xát xích mích to nếu họ dùng tên chính Huỳnh Thúc Kháng – Phan Khôi, nhưng cả hai đều dùng biệt danh, lại đăng bài trong các mục hài đàm, nhàn đàm nên mức đụng độ được giảm thiểu rõ rệt, lại cũng thích hợp với tính chất cuộc va chạm, vì đây không phải đề tài xứng đáng cho một bút chiến thực thụ. Trong vụ việc này, sử dụng biệt danh là biện pháp đắc sách nhằm giảm sốc cho sự va chạm, vì nếu để nó diễn ra dưới hai cái tên Huỳnh Thúc Kháng – Phan Khôi thì đó sẽ là va chạm giữa hai đơn vị có trọng lượng lớn trên đàn ngôn luận đương thời. Biệt danh (thực chất là “tên giả”) ở đây có tác dụng che dấu rõ rệt, che dấu nếu không toàn bộ thì cũng là che đỡ: X.T.T. và Thông Reo che đỡ bớt độ nghiêm trọng nếu phải dùng chính danh Huỳnh Thúc Kháng – Phan Khôi.
Chính nhà văn Đặng Thai Mai cũng có lúc phải tự dấu mình dưới bút danh Thanh Bình để lên tiếng trên tạp chí Tiên phong của Văn hóa cứu quốc hồi 1945 phê phán cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu. Sự thể là Đặng Thai Mai cách đó chưa lâu còn làm việc với nhóm Hàn Thuyên của Trương Tửu, cho nên nếu đứng họ tên thật ở bài phê bình ấy thì hơi bất tiện mà cũng không hay, ít nhất cũng làm giảm hiệu lực của sự phê phán, ngay ở phương diện thuần lý tính. Bút danh (chữ Pháp pseudonyme, tức là tên giả) trong trường hợp này rõ ràng là “mặt nạ” che dấu con người thật của tác giả.
Như vậy, việc dùng bút danh, biệt danh trong hoạt động công bố tác phẩm báo chí, sách in rõ ràng đem theo tác dụng che dấu hoặc che bớt sự liên hệ công nhiên với họ tên chính. Từng bài báo, cuốn sách dù sao cũng chỉ gắn với một hành vi cụ thể trong tình huống cụ thể, trong khi đó họ tên chính vốn biểu thị toàn bộ tư cách con người, cả về xã hội, công dân, trí năng, sáng tạo... Trong nghiên cứu văn học và trong thực tiễn xuất bản và báo chí văn học ở Việt Nam gần đây đã có sự phân biệt tác gia và tác giả: Nói “tác gia” là nói đến một con người xã hội cụ thể với đầy đủ nhân thân và hoạt động xã hội, trong đó hoạt động chính được đề cập là trứ thuật, sáng tác; trong khi đó, nói “tác giả” là chỉ nói đến việc đứng tên tác quyền ở những tác phẩm cụ thể, gắn với những tác phẩm cụ thể khi công bố.
4. Cũng trong phạm vi khái niệm “mặt nạ tác giả”, một loại hiện tượng nên xem xét là khi một biệt danh (một “mặt nạ tác giả”) được một số nhà văn nhà báo dùng chung. Giới học giả Nga đã nêu trường hợp cái tên Kozma Prutkov dẫn trên. Ở thực tế báo chí Việt Nam, tôi cũng đã thấy không ít trường hợp tương tự.
Chẳng hạn, khoảng năm 1928, chủ nhiệm Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn là Diệp Văn Kỳ đặt ra mục hài đàm “Câu chuyện hằng ngày”; ban đầu bài trong mục ký tên người viết cụ thể từng kỳ, ví dụ Đào Trinh Nhất viết thì ký Quán Chi, Bùi Thế Mỹ – Phiêu Linh, Phan Khôi – C.D., v.v… Sau đó mục này trở nên ổn định, kéo luôn sang tờ Thần chung (1929-30) cũng của chủ nhân này, tên ký dưới mục cũng trở nên xác định: chỉ một Tân Việt, dù có tới ba người tham gia viết: cùng chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ và chủ bút Nguyễn Văn Bá, chính trợ bút Phan Khôi mới là người viết chủ yếu cho mục này, khởi đầu công việc viết tiểu phẩm trong đời viết báo của ông. Hâm mộ văn tiểu phẩm đương thời ở báo chí Pháp của George de Fourchardière và Clément Vautel, chính Phan Khôi đã viết ra, trong suốt cuộc đời viết báo của mình, trên dưới ngàn bài tiểu phẩm; ông cũng là người có những phác họa tức thời về tính chất của “mặt nạ tác giả” – mô tả nó như là kẻ “hữu danh vô thiệt”, kẻ “không có giấy căn cước”… Biệt danh Tân Việt do người khác đặt ra và Phan Khôi cũng chỉ viết dưới cái biệt danh đó trong vài năm. Từ giữa 1930, ông tự đặt biệt danh Thông Reo với chuyên mục Những điều nghe thấy để viết cho nhật báo Trung lập, duy trì đến tận khi báo này bị đóng cửa (30/5/1933). Chính Phan Khôi đã muốn giữ biệt danh Thông Reo cho riêng mình, yêu cầu những cây bút khác khi đăng bài trong mục của mình phải ký tên khác, song có lúc ông cũng đã phải tự “xé rào”, ngầm chấp nhận cho Nguyễn An Ninh viết dưới bút danh này, từ khoảng tháng 3 đến tháng 5/1933, khi họ Nguyễn trở thành đồng chủ nhân tờ báo, dùng tờ báo để vận động cho liên danh lao động trong cuộc bầu Hội đồng thành phố Sài Gòn, còn Phan Khôi thì về quê rồi ra Bắc(6). Phải gần 10 năm sau, khoảng 1940-42, Phan Khôi mới có dịp tái xuất hiện dưới biệt danh Thông Reo ở chuyên mục Chuyện hàng ngày trên tờ Dân báo ở Sài Gòn; rồi đến 1956 trên tuần báo Văn nghệ ở Hà Nội, Phan Khôi lại làm sống lại biệt danh Tơ-hông-re-o, dù chỉ đăng được chừng bốn năm kỳ.
Qua trường hợp một nhà báo như Phan Khôi can dự vào các biệt danh, nhận xét mà tôi muốn nêu lên là hiện tượng nhiều người viết dưới cùng một biệt danh không phải là chuyện hiếm ở làng báo Việt Nam xưa nay. Vậy có phải mọi biệt danh đều nên coi là những “mặt nạ tác giả”? Theo tôi, việc nhận định mức độ trở thành “mặt nạ tác giả” tùy thuộc ở mức độ che dấu sự liên hệ giữa biệt danh với người thực sự làm ra tác phẩm. Khi được dùng chung cho từ hai người viết trở lên, biệt danh cần được xem là “mặt nạ tác giả”.
5. Còn một loại hiện tượng nữa, “mặt nạ tác giả” được dùng cho một loạt sáng tác có chung quy tắc cách điệu hóa. Những sáng tác mà nay đang được gọi chung là thơ Hồ Xuân Hương có lẽ cần được xem là thuộc loại này.
Để thấy rõ hơn, ta hãy nhắc đến vài hiện tượng tương tự nhưng xảy ra gần đây hơn, hầu như ở ngay thời của chúng ta. Thơ Bút Tre xuất hiện ở miền Bắc hồi những năm 1960, được giới làm thơ nhại theo, do người ta nhận ra nét ngộ nghĩnh của nó; sự nhại thơ ấy dần dần làm hình thành một vài quy tắc “thi pháp” của kiểu thơ này: phải ngộ nghĩnh trong cấu tứ, và nhất là phải có những từ bị “vắt dòng” kiểu như “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên / Giáp ta thắng trận Điện Biên oai hùng…”, tức là đã có quy tắc cách điệu hóa.
Một hiện tượng khác là “thơ chân dung nhà văn” của Xuân Sách; nó được khởi lên hồi những năm 1970 ở nhà  số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Văn nghệ quân đội); đến những năm 1990 bắt đầu xuất hiện những bài mô phỏng của các tay bút khác; một quy tắc “thi pháp” chân dung nhà văn hình thành: lời thơ phải được dệt bằng tên các tác phẩm của nhà văn ấy, phải phác họa được đôi nét diện mạo tinh thần, sáng tác của nhà văn ấy…
“Đường chúng ta đi trong gió lửa / Còn ước mơ chi những cánh buồm / Từ thưở tóc xanh đi vỡ đất / Bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm” (về H.T.T.).
Chính hai hiện tượng phát triển trước mắt chúng ta kể trên, – nên được xem như kết quả của một quá trình truyền thừa trong tâm thức sáng tạo ngôn từ của người Việt, – đã cung cấp mã khóa để hiểu ngược về những hiện tượng văn chương quá khứ, như hiện tượng được gọi chung là thơ Hồ Xuân Hương.
Tôi nhớ, chính nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hỷ, hơn một lần, từng nói với tôi rằng, những thơ ta gọi là thơ Hồ Xuân Hương ấy là do những Hồ-Xuân-Hương-đực làm ra! Tất nhiên không phải chỉ có một nhà nghiên cứu nghĩ như vậy tuy hầu như chưa ai nêu nhận xét ấy lên mặt giấy. Thiết nghĩ, hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương vẫn có thể và cần được tiếp cận trên hai hướng; một là hướng xác lập tác giả với những kết quả tìm tòi rõ rệt hơn về nhân thân, với những bóc tách và phân lập trong toàn bộ những tác phẩm hiện vẫn được gán cho tác giả này. Hướng thứ hai là nghiên cứu phân tích để xác định nguyên tắc cách điệu hóa chung của tất cả những tác phẩm này, đồng thời phân lập chúng thành những nhóm tác phẩm khác nhau về thời đại xuất hiện, tức là cho thấy chúng không thể do cùng một tác giả làm ra, song lại có chung những nét nhất định do tuân thủ cùng một nguyên tắc cách điệu hóa. Kết quả cuối cùng có thể là sẽ phân lập được thành hai nhóm: nhóm những bài thơ của một nữ sĩ Hồ Xuân Hương thực thụ, và cạnh đó là nhóm những sáng tác theo kiểu Hồ Xuân Hương, tức là, – diễn đạt theo thuật ngữ mượn của giới nghiên cứu Nga – có một nhóm những tác phẩm nấp sau “mặt nạ tác giả” Hồ Xuân Hương.
Tôi không có tham vọng khai triển ý tưởng trên đây, chỉ xin nêu vắn tắt như một gợi ý với các bạn nghiên cứu1
14/12/2009
_____________________
(1) Tam Vị: Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương // Tạp chí Văn học, H, 1991, s. 3, tr.21.
(2) Xem các mục từ mistifikatija [= mê hoặc] do L.I. Timofeev và S.V. Turaev soạn trong Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học (Slovar’ literaturovedcheskikh terminov, Moskva: “Prosveschenie” 1974, tr.218); mục từ mistifikacii literaturnye [= văn chương mê hoặc] do A.L. Grisunin soạn trong Từ điển bách khoa văn học (Literaturnyj Enciklopedicheskij slovar, Moskva: Sov. Enc. 1987, tr.222) và do I.L. Popova soạn trong sách Bách khoa văn học, thuật ngữ và khái niệm (Literaturnaja Enciklopedija terminov I ponjatja,Moskva: NPK “Intelvak” 2001, cột 553-555).
(3) Iris Murdoch, Ông hoàng đen, bản dịch của Vũ Đình Bình, Nxb. Hội Nhà văn, 1998.
(4) Boldinskie chtenija, Gorki, 1983, str. 70. Chuyển dẫn từ: O.E. Osovskij, Maska avtorskaja // Literaturnaja Enciklopedija terminov I ponjatja, Moskva: NPK “Intelvak” 2001, cột 553 - 555.
(5) Xem chi tiết: Lại Nguyên Ân: Khoác mặt nạ để tranh cãi về thơ // Thể thao & Văn hóa, 10/2/2009. Bài Phan Khôi đăng Trung lập 8/7/1931, hai bài của X.T.T. đăng Tiếng dân tháng 6/1931 và 18/7/1931; xem trong: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931, trên trang: http:// lainguyenan.free.fr/phankhoi.
(6) Chi tiết về việc này được trình bày rõ trong lời dẫn sách: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1933-34 / Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn; sách chưa xuất bản.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2/2010

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ tướng: “GDP không đạt thì phải kỷ luật”???


Thủ tướng đặt vấn đề về việc xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng, trừ trường hợp bất khả kháng... Thủ tướng: “Các ngành coi việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của mình chứ không phải quản lý vĩ mô mà thoát ly thực tế”.

NGUYÊN HÀ “Tóm lại, phiên họp này bàn về những con số, chứ không thể là lời văn chung chung, vô thưởng vô phạt. Ai là người chịu trách nhiệm từng chỉ tiêu tăng trưởng trong từng lĩnh vực?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như trên đối với các thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay, đồng thời đặt vấn đề về việc xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, nhân tai từng xảy ra trong năm 2016.

“Làm gì để GDP đạt 6,7%?”

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 3/6, Thủ tướng đã có đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5.

Theo đó, dù nhìn nhận có nhiều thuận lợi, trong đó lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thu hút FDI tăng trưởng tốt, dịch vụ, du lịch tăng... Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Nông nghiệp còn khó khăn. Nhập siêu lớn. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới lớn nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

“Chúng ta làm gì để tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%, có làm được như Chỉ thị 24 ngày 2/6 không”? Thủ tướng nêu vấn đề và yêu cầu cần tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn.

Chỉ đạo ngay tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tập trung đánh giá khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là tháo gỡ các thủ tục ràng buộc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Cần tập trung tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương.

“Giờ đã là tháng 6 rồi, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ càng phải gắt gao hơn với tất cả các cấp, các ngành. Cần bàn các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư, một khâu yếu kém. Tăng trưởng trong quý này là bao nhiêu, vào lĩnh vực nào. Đẩy mạnh cổ phần hóa như thế nào khi còn 5 triệu tỷ đồng đang nằm trong doanh nghiệp Nhà nước. Chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý giá dịch vụ y tế, giáo dục trong tháng 6 thế nào để giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Chúng ta nói bài diễn văn rất dài nhưng con số đó có đi vào trong đời sống, vào nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng cấp, từng địa phương không, vì thế cần cụ thể hơn nữa, cần những biện pháp khả thi hơn nữa”.

“Không ngồi nhà nghe báo cáo”

Kết luận phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo thêm một số việc cụ thể đối với các bộ, ngành.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước bên cạnh bảo đảm tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch (18%) với cơ cấu hợp lý thì cần xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân.

Giá điện, nước, giáo dục, y tế… có thể xem xét thực hiện theo lộ trình nhưng cần tính toán liều lượng, thời điểm phù hợp. Không thể chủ quan trong điều hành giá mà phải tính toán khoa học, hợp lý, vừa không gây lạm phát, vừa phục vụ tăng trưởng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công 2017 và 5 năm. Không để tình trạng chậm giao bất cứ khoản nào, kể cả các chương trình mục tiêu có liên quan. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Theo dõi sát, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. “Các ngành coi việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của mình chứ không phải quản lý vĩ mô mà thoát ly thực tế”.

Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư tư nhân và FDI tại các địa phương, nhất là địa bàn thu hút nhiều dự án; đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng.

“Đi kiểm tra thì phải đổi mới chứ không phải kiểm tra làm phức tạp tình hình. Đây là thúc đẩy, tháo gỡ chứ không phải kiểm tra kiểu hành chính. Vướng mắc cái gì thì tháo gỡ cho người ta chứ không phải tới đây để nói ông làm thế này, thế khác”, Thủ tướng lưu ý.

Về vấn đề môi trường, vừa qua vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, kiểm tra, chủ động xử lý.

Với tinh thần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, cách làm cụ thể, sát thực tiễn, Thủ tướng nêu rõ “Không ngồi nhà chờ báo cáo”. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.



“Tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt mục tiêu 6,7%”NGUYÊN VŨ

Quý 1/2017, dầu thô đã khai thác cao hơn kế hoạch, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng mới chỉ là 5,1%...



Kiên định mục tiêu GDP, nghiên cứu giảm tiếp lãi suấtNGUYÊN HƯỜNG

Hàng loạt chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng đối với việc điều hành và quản lý nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2017...



Căn cứ nào để GDP năm 2017 tăng 6,7%?NGUYÊN VŨ

Năm nay GDP tăng 6,5% đã khó khăn, sang năm đặt mục tiêu 6,7% mà xuất khẩu cũng chỉ tăng 6-7% là cọc cạch rồi...


http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-gdp-khong-dat-thi-phai-ky-luat-20170603061054720.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lưu Trọng Văn: CHUYỆN LƯỢM LẶT Ở ĐÁM GIỖ CỤ KIỆT (Bài 2)



Lượm lặt tiếp chuyện 
tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

Lưu Trọng Văn

Khi xe chở gã tới Khu Lan Anh bên sông Sài Gòn thấy ngoài cổng có nhiều xe hơi biển xanh trắng tùm lum. Hiếu Dân trong bộ đồ màu đen tới bên xe dìu GS Tương Lai tuổi 82 vào nhà. Có chú Sáu Phong đang ngồi trỏng. Hiếu Dân nói.


10g30 rồi, gã nghĩ theo như mọi lần thì ông Tư Sang không dự tiệc chắc đã tới và đã về, còn đương nhiên ông Ba Dũng theo "đúng quy trình" sẽ tới muộn hơn. 

Qua một cây cầu gỗ nhỏ vào ngôi nhà thờ giữa hồ nước có sen và cá lượn bơi. Bàn thờ nghi ngút khói hương và tràn ngập hoa và vòng hoa, liếc cái, gã thấy nhiều vòng hoa đề tên, chức vụ của các bác lãnh đạo hàng đầu cũ và mới.

Gã nhớ hồi đám tang cha gã, vòng hoa nào cũng có băng rôn đề chức vụ, vai vế người viếng. Riêng vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp và ông Lê Quang Đạo không đề chức tước gì sất mà chỉ đề "Võ Nguyên Gíáp và vợ' và "Lê Quang Đạo và vợ" kính viếng nhà thơ... Tại sao vậy? Vì họ hiểu cha gã thích gì và ghét gì.

Gã có nói với Huỳnh Sơn Phước tại nghĩa trang khi thấy trên mộ ông Kiệt có vòng hoa đề "phó thủ tướng Võ Đức Đam kính viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt": nếu tôi là ông Đam một cộng sự thân thiết của ông Kiệt thì tôi sẽ đề "Cháu Đam đây, chú Sáu ơi!". Chắc ông Kiệt sẽ vui lắm vì thấy đứa cháu thư ký của mình hiểu mình.

Hiểu ông Kiệt người đặt tên con gái yêu là Hiếu Dân và lấy bí danh là Sáu Dân có gì đâu ngoài một chữ "tình". Tình với nhau, tình với nước, tình với dân.

Hiếu Dân có ý mời nhóm của bác Tương Lai ngồi cùng bác Sáu Phong ở bàn uống nước chờ nhập tiệc. Chiếc bàn này ở bên dưới bức ảnh ông Kiệt nơi ông Kiệt thường ngồi tiếp khách khi cuối đời ông bỏ biệt thự trên đường Tú Xương của nhà nước về ở với con gái để chuẩn bị làm thủ tục trả nhà cho Nhà nước. Bác Tương Lai cười bảo: để chú về chỗ xưa nay thường ngồi thôi. Đó là chiếc bàn chầu rìa mà Hiếu Dân cười bảo: bàn quan sát.

Ngồi trong phòng khách một lúc, ông Sáu Phong tức nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết đòi ra bàn ngoài trời kê bên sông Sài Gòn khúc nhìn ra cầu Thủ Thiêm, để ngồi cho thoáng mát. Ông cười rất bình dị như bản tính xuề xòa nông dân của ông: tui quen ngồi giữa trời đất rồi. 

Trong Chính phủ một thời có hai ông Sáu. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Sáu lớn còn phó thủ tướng Phan Văn Khải là Sáu nhỏ. Vì Ông Nguyễn Minh Triết lúc ấy là bí thư thành ủy TP.HCM nên không được xếp hạng gọi là Sáu gì sất ngoài thẳng đượt "Sáu Phong" bí danh xưa nay của ông.

Khi ông Sáu Phong cùng một loạt quan chức ra ngoài trời thì gã thấy trung tướng Võ Viết Thanh, cao, gầy ngẳng, trán rộng xuất hiện. Ông được mời ra ngồi cùng bàn với ông Sáu Phong nhưng ông từ chối, ông chọn một chiếc ghế đối diện với bác Tương Lai rồi bảo: Giữ ghế này cho tui, tui ra chào cụng một ly với ông Sáu sẽ quay lại ngay.

Bàn gã ngồi ngoài bốn anh em chung một chuyến xe có thêm nàng nhà báo Thế Thanh, nguyên phó chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM người mặc áo có viết dòng chữ trên lưng "Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam" trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, nhà thơ Nguyễn Duy và thỉnh thoảng nhạc sĩ Hà Dũng có làm kinh doanh cũng chỉ để mua vui cho các nàng ca sĩ trẻ xinh, thoắt ngồi thoắt biến.

Ông Lê Hồng Anh thân hình bệ vệ mặc sơ mi nâu lững thững bước vào. Ông có khuôn mặt với đôi mày rậm như Trương Phi cứ thế đi về phía hình như ông đã biết trước chỗ nào dành cho ông.

Trung tướng Võ Việt Thanh đã trở lại chỗ mà ông "xí" trước. Gã quý ông tướng từng một thời là anh hùng chỉ huy những trận đánh đầy mưu lược trong chiến tranh ở xứ dừa Bến Tre, và cũng là một người chịu học, chịu mày mò, sáng tạo ra những khẩu pháo bắn không giật làm GS Trần Đại Nghĩa chuyên gia chế tạo vũ khí phải kinh ngạc. 

Gã càng quý ông hơn khi chính ông khi là thứ trưởng Công an phụ trách an ninh đã có những chính sách thông thoáng để Việt Kiều về thăm quê hương. Và, đặc biệt chính ông đã là người bất chấp các áp lực của cấp cao nhất trong vụ án Sáu Sứ vu khống tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Văn Trà âm mưu đảo chính chống đảng để tìm ra sự thật bảo vệ danh dự cho tướng Giáp và tướng Trà. 

Chính vì sự dũng cảm cương quyết ấy ông đã bị vu khống về lý lịch, rằng bố mẹ ông là Việt gian bị cách mạng trừng trị chứ không phải đã hy sinh cho cách mạng. Khi nghe những lời xúc phạm bố mẹ mình như vậy, ông kể cho nhà báo Huy Đức và nhà báo Lê Phú Khải là ông đã tính rút súng bắn những người vu khống bố mẹ ông.

Bây giờ ông ngồi đó cười hiền lành biết bao. 

Gã bảo trông anh Bảy khỏe ra đấy. Ông nói nhờ tập luyện và chơi thể thao. Gã hỏi anh chơi món gì? Ông bảo chơi golf. Nói xong ông trầm ngâm một chút rồi nói tiếp:

Không vì tôi khoái chơi golf mà tôi ủng hộ chuyện mấy cha xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đâu. Đi đâu tôi cũng phản ứng. Tôi đã kiến nghị lên các cấp cao đòi dẹp bỏ sân golf này trả cho sân bay để mở rộng sân bay. Tôi nói có cái việc đó mà các anh không làm được thì sao dân tin các anh?

Gã hỏi tướng Võ Viết Thanh nghĩ gì về quyết định mới đây của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao mà Bộ Chính trị quản lý. Tướng Thanh đáp: Thật ra tôi không quan tâm lắm chuyện này. Tôi chỉ quan tâm cái gốc là cần phải thay đổi thể chế sang dân chủ.

Huỳnh Sơn Phước nghe vậy thì máu nhà báo nổi lên độp hỏi ngay: 

-Vậy thì cách nào theo anh?
-Phải có đối lập xây dựng.
-Anh nói rõ hơn được không?
- Điều này tôi đã kiến nghị công khai với các vị cao cấp nhất. Đó là thành lập thêm bên cạnh đảng cộng sản như hiện nay một đảng mà cụ Hồ từng thành lập đó là đảng Lao động.

Gã cười như để làm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề: Thì hai anh em trong nhà cạnh tranh lành mạnh với nhau thôi phải không anh? Thì vẫn tư tưởng Hồ Chí Minh, thì vẫn chủ nghĩa xã hội như đảng Dân chủ với Cộng hòa bên Mỹ vẫn chung một tư tưởng đó là lợi ích nước Mỹ và Hiến pháp Mỹ.

Hê, thực tình gã cho rằng đây là vấn đề nội bộ của đảng cộng sản, với tư cách một quần chúng ngoài đảng và thú thật từng là cảm tình đảng...lão thành vì chờ hoài vẫn chả ma nào chịu kết nạp, gã trộm nghĩ, đất nước vẫn trong tay các bác ấy, anh em, con cháu một nhà dù là Cộng sản hay Lao động có đi đâu mà sợ nhể?

Chuyện đang rôm rả trong bàn gã ngồi nào là nếu có tổ chức đối lập xây dựng do chính Đảng lập ra thì ai sẽ giơ tay đăng ký là đảng viên Lao động, ai sẽ giơ tay đăng ký ở lại đảng Cộng sản thì xuất hiện trung tướng Lưu Phước Lượng nguyên phó tư lệnh quân khu Chín. 

Thấy Thế Thanh, tướng Năm Lượng nắm chặt tay: Lúc ba em hy sinh năm Mậu thân 68 ngay cửa ngõ Sài Gòn tôi ở cách hầm của ổng 200 mét. Khúc ấy chỉ có ruộng, tụi trực thăng rà bắn rất rát trúng hầm của ba em. Ba em lúc đó là sư trưởng sư Năm. Nè chồng em luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu ở Quốc Hội hay lắm, tôi rất ủng hộ đó. À, mà các ông đang bàn chuyện gì vậy?

Huỳnh Sơn Phước nói ý của tướng Võ Viết Thanh rồi hỏi tướng Năm Lượng, anh ủng hộ không?

Tướng Năm Lượng đáp: Tôi nghĩ cái gì thì cái đảng phải triệt để đổi mới. Tôi nói các nhà báo ở đây cứ việc ghi âm vì những điều này tôi đều đã công khai phát biểu cho các cấp lãnh đạo rồi.

Gã hỏi, nếu đảng không triệt để đổi mới thì sao ạ?

Tướng Năm Lượng xòe hai cánh tay ra và nói: Thì sẽ mất ráo lòng dân, thì... có quy luật cả rồi, có ai thoát khỏi quy luật đâu?

Bàn đã lấp đầy những món ăn dân dã đặt trên mẹt, trên lá hoa sen, trên vỏ thân chuối. Rượu được rót ra. Tướng Năm Lượng với tính cách lính chiến Nam Bộ cầm ly rượu tớp cái ực: Phải triệt để đổi mới thôi mới tồn tại được.
***

Gã có điện thoại của một chú em quê Nam Định say mê làm phân bón hữu cơ, ra ngoài nghe, tám, trở lại nghe ai đó nói ông Ba Dũng vừa tới. 

Gã hỏi bác Tương Lai, ông Ba có đến không? Bác Tương Lai nói, hình như có tới đấy. Chiếc bàn ở trung tâm phòng khách đối diện với chiếc bàn mà gã đang ngồi năm ngoái, ông Ba ngồi cùng các ông Lê Hồng Anh, Trương Hòa Bình, Đinh La Thăng, Phan Thanh Bình, Trần Hồng Quân giờ để trống. 

Vì sao nhể? 

Gã cảm nhận vì sao rồi. Nhưng không thể toẹt ra được.

Xuất hiện GS Nguyễn Thiện Nhân, tân bí thư thành ủy TP.HCM. Năm ngoái thì tân bí thư Đinh La Thăng.

Xuật hiện Võ Văn Thưởng, chàng trai ủy viên BCT trẻ nhất, người vừa gây bão dư luận với tuyên bố: Sẵn sàng đối thoại với những người khác chính kiến.

Và chuyện cà kê cũng dài rồi, gã buông gõ phím đây vì 6 giờ tối phải gặp các bác Huỳnh Tấn Mẫm, Mai Anh Tài các chuyên gia chữa bệnh tự kỷ. Gã thú thật những lúc thất tình gã đã từng là... trẻ tự kỷ mà chuyện thất tình thì với gã sẽ còn dài dài nên cũng cần lắm những kinh nghiệm phòng tránh... tự kỷ.
Hết

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGƯỜI ANH HỌ




(Tiếp theo truyện ngắn của DHG )
**
Lại đang chuyện người Việt miền bắc bị kỳ thị ở nơi anh ở..
Một dạo anh họ tôi làm trại trồng cà chua, dưa leo. Khi giao dịch với khách hàng, đều phải nói giọng Sài Gòn mới bán được hàng.
“Nói giọng bắc, thua cuộc ngay”..
Ông cười chua chát: “Xứ này bây giờ vẫn thuộc liên hiệp Anh, vẫn tôn thờ và theo Nữ Hoàng Anh, người dân vốn hiền hòa, nhân ái không có chuyện phân biệt dù là đa sắc tộc.. Chả hiểu sao lại có chuyện kỳ cục như vậy?”
Rồi ông chuyển qua chuyện trí thức, văn nghệ sĩ trong nước. Những chuyện mà có nhẽ tôi chỉ nên nghe thôi, chứ không nên ghi lại. Toàn chuyện vừa tức, vừa buồn, lại buồn cười nữa. Chuyện một vị đại tá quân đội, một nhà văn chơi với anh rất thân hồi còn trong nước. Cách anh nhìn nhận và đánh giá về người này khiến tôi chưa nhất trí. Theo anh thì “ông này là người yêu nước theo lối cực đoan, có phần quá khích, chả làm được điều gì chỉ tổ thiệt thân”. Tôi bảo bách nhân, bách tính, phụ thuộc vào nhận thức, trình độ và tâm thế của mỗi người..
Người nghe là tôi có vẻ không hào hứng, ông chuyển qua chuyện khác, nhẹ nhàng hơn. Ông kể nơi ông ở quan niệm về hôn nhân rất là buồn cười. Thông thoáng đến độ mất hết cả ý nghĩa. Cứ tình yêu là lên giường cái đã, không hợp là chia tay liền, nhẹ nhàng như người ta đọc thử cuốn sách. Đọc không thấy hay là quăng sang một bên. Chả bùi ngùi, lưu luyến, nuối tiếc gì.
Tôi biết đây có thể là tâm trạng thực của ông. Đàn ông dù ở đâu vẫn là đàn ông. Phương trời nào cũng vậy. Đàn ông độc thân nghĩ tới chuyện gái gú, đàn bà là lẽ đương nhiên. Anh ta thiếu cái đó, lại là thiếu thời gian dài, trầm trọng vì những định kiến, quan niệm mang nét á đông xưa cũ của mình.
Đột nhiên ông hỏi: “ Tao biết giờ ở nhà nhiều người không thích phim Tàu, mặc dù có nhiều phim hay. Người ta cảnh giác mẹo xâm lăng văn hóa, đừng câu nệ thế. Dù có ghét cũng nên xem để biết nó như thế nào, mới biết cách phòng tránh. Chú hôm vừa rồi có xem phim “Việt Vương Câu Tiễn” không? Có biết Doãn Thường là ai không? Ông ấy chính là Câu Tiễn, có thể là tổ tiên họ Doãn đấy..”
Tôi nói có xem, nhưng chưa có nghe ai nói Doãn Thường , Câu Tiễn có mối liên hệ gì đến họ Doãn Việt Nam.
Hồi ông Căn con bác cả còn sống có cho tôi cuốn sách viết về Doãn tộc Việt Nam.
( Ông Căn là con bác cả trưởng tộc họ Doãn vùng nam thị xã Sơn Tây. Ông này vừa mới mất cách đây mấy năm. Bác tôi, bố nuôi anh họ tôi là thứ hai sau ông bác này ). Trong cuốn sách “Họ Doãn Việt Nam” do ban liên lạc họ Doãn biên soạn
Có ghi họ Doãn phát tích từ Vĩnh Lộc Thanh Hóa, có đền thờ, mộ tổ hiện nay ở đó. Về các danh nhân, danh tướng không có nhiều. Thời Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn có cụ Doãn Nỗ, một trong số mười hai bộ tướng của Lê Lợi. Cụ có nhiều công lao nhưng không rõ vì sao trong sử sách Việt Nam không được nhắc đến? Ông Căn lúc sống cũng thắc mắc, hỏi tôi câu này. Ông bảo chú đọc sách nhiều, chú có biết tại sao lại như vậy? Tôi thú thực là không biết.
Chỉ biết thưa với ông ấy rằng chính trường, triều chính từ cổ chí kim, bao giờ cũng vậy. Chuyện oan khuất, thiệt thòi là vô vàn kể, không riêng người trong họ mình. Vì chính trị là trò chơi nghiệt ngã, bất công là điều khó tránh vì ghế thì ít, đít lại nhiều..Đành phải hy sinh, bỏ bớt..Mà đâu chỉ có họ Doãn nhà mình, các dòng họ khác cũng thế cả.
Anh họ tôi suýt xoa: “Thật là dòng họ oan nghiệt và đầy cay đắng kể từ thời Câu Tiễn. Có người bài bác nhưng mà anh không tin. Kẻ không thích họ mình chúng nó nói: Câu Tiễn mặt cú, tinh khôn, giỏi chịu đựng. Khi còn nếm mật nằm gai thì thủy chung với đồng chí, đồng liêu, khi thành công rồi thì quay sang sát hại công thần. Phạm Lãi người đặc biệt có công khôi phục nước Việt là người khôn ngoan. Đánh dẹp xong Phù Sai của nước Ngô, rửa hận cho nước Việt, ông ấy bỏ đi, chu du thiên hạ, lẫn vào dân gian, không hưởng vinh hoa phú quý. Còn ông Văn Chủng thật đáng thương. Ông này ở lại, nghĩ mình là công thần có quyền được hưởng công danh, lợi lộc..Đâu có ngờ chịu cảnh thảm khốc sau này?
Tôi bảo đấy cũng là chuyện thường, chả cứ người họ Doãn không biết cư xử. Vẫn là chuyện triều chính xưa nay. Xa thì có chuyện Lê Lợi – Nguyễn Trãi, gần thì có Họ Mao đối với họ Bành, họ Chu, họ Võ Việt Nam.. Thời nào chả vậy. Vẫn là quan hệ Ghế và Đít!
Có gì lạ đâu. Anh phải tự hào rằng khác với nhiều dòng họ, họ Doãn nhà mình từ ngàn xưa tới giờ chưa có vị nào bán nước cầu vinh. Không có những tên vô lại như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ..chẳng hạn! Họ mình là họ bình thường, chưa có người kiệt xuất nhưng rất ít kẻ vô loài, đểu cáng để lại vết nhơ ngàn đời! Thế là may mắn lắm rồi. Hậu sinh đừng đòi hỏi thêm công sức của tiền nhân mà hãy gắng gỏi để tôn vinh họ mình.
Mấy năm gần đây, tự ngày vị trí của anh họ tôi sa sút ngoài xã hội, có tin ông anh họ tôi muốn đổi về họ cũ, họ của bố mẹ đẻ, sinh ra anh.
Tôi tin rằng không có chuyện này. Miệng lưỡi thế gian không biết đâu mà lường. Người ta thường phù thịnh, chứ mấy ai phù suy?
Thấy anh họ tôi lâm bước va vấp, gian nan, có kẻ xấu bụng phao tin đồn bậy, gây xôn xao, nghi ngại trong nhà.
Anh ấy là kẻ có ăn có học, sách đọc cao hơn đầu chả lẽ không hiểu lẽ đời đơn giản, câu dân gian: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”?
Công sinh thành vất vả nhưng dễ đâu sánh bằng khó nhọc nuôi dưỡng, cưu mang, gây dựng cả đời cho mình?
Không biết nhìn nhận giữa hai người mẹ: Một người mẹ tuy mang nặng đẻ đau, bán con để nuôi sống mình với người mẹ hy sinh bản thân, vất vả hàng chục năm trời nuôi dưỡng đứa con không phải mình sinh ra mà quý báu như ruột thịt, ai nặng ai nhẹ hơn ai?
Tôi nghĩ là anh họ tôi không lầm.
Anh nhắc đến câu chuyện họ mạc chẳng qua là muốn nghiên cứu, tìm hiểu về dòng họ mình đang mang chứ không phải bội bạc, thoái thác muốn tìm về họ cũ.
Mà giá như anh ấy có muốn như vậy người họ tôi cũng không hẹp hòi, không trách giận vì đấy là quyền con người tối thiểu của anh. Chỉ buồn vì nỗi sự hấp dẫn của họ tộc mình nếu có chuyện này, chưa đủ lôi cuốn một con người sống cho có trước có sau. Sự vinh hạnh đến mức người ngoại tộc cũng muốn nhảy sang khai nhận làm họ của mình như một vài dòng họ khác.
Tôi không dám hỏi anh về thắc mắc này, bởi như thế bất nhẫn, có thể làm anh đau lòng, gây một vết thương không bao giờ lành.
Một mất mát khủng khiếp giữa con người với nhau.
Nhưng mà tôi buồn từ câu chuyên anh gợi nên.
Một nỗi buồn sâu thẳm.
Chưa khi nào tôi thấy thương thân mình, dòng họ mình, đất nước mình như lúc này. Một đất nước nghe tiền nhân nói từ  khi xưa nó là tổ đại bàng, giờ chỉ còn như tổ chim sẻ! Một lãnh thổ, biên cương xưa sát hồ Động Đình, nửa nước bạn bây giờ..Vậy mà chỉ còn một thẻo đất, chạy éo le sát bờ biển Đông.
Đã vậy đâu đã yên.
Vẫn nhiều bão tố, nguy cơ rình rập..
Làm người, không biết thì thôi, biết rồi liệu có thể vô tâm, cười nói, như chẳng có chuyện gì mãi được không?
Tôi định chia sẻ với anh họ tôi tâm sự này.
Nghĩ.
Lại thôi.
Ông ấy đang buồn, đang chới với tâm trạng. Nói với ông ấy vào lúc này liệu có nên?
========

Phần nhận xét hiển thị trên trang

lính thú thời xưa..

Lính thú thời xưa (2): Lí Khố Xanh & Khố Đỏ

Đây là loạt bài về lính thú thời xưa, bao gồm từ thời các vua Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc. Việt Nam trong thời Pháp thuộc được chia thành “ba kỳ”: Tonkin (Bắc kỳ), Cochinchine (Nam kỳ) và Annam (Trung kỳ).

***

Trong thời Pháp thuộc, danh từ “lính tập” (tirailleurs) được sử dụng để chỉ những người lính Việt Nam do các sĩ quan người Pháp huấn luyện và chỉ huy. Ngoài ra, còn có các từ ngữ “Lính Khố Xanh” và “Lính Khố Đỏ” để chỉ hai loại lính thú trong thời kỳ Việt Nam chịu thuộc quyền đô hộ của chính quyền Đông Dương (Indochine), bao gồm Việt Nam - Cao Miên và Lào.

Chân dung một người lính tập "khố đỏ"

Lính khố đỏ canh gác tại Dinh Toàn Quyền, Sài Gòn
 
"Lính khố đỏ" (tirailleurs indochinois hoặc milicien à ceinture rouge) là lực lượng vũ trang chính của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương dùng người bản xứ làm quân đội chính quy. Lính khố đỏ có ba loại:

1. Lính khố đỏ Nam Kỳ (tirailleurs annamites, tirailleurs cochinchinois hay tirailleurs saigonnais);
2. Lính khố đỏ Bắc Kỳ (tirailleurs tonkinois) và
3. Lính khố đỏ Cao Miên (tirailleurs cambodgiens).

Lính khố đỏ tại Hà Nội

Lính tuyển từ các thành phần dân tộc thiểu số ở Lào Cai

Danh từ "Lính khổ đỏ" xuất phát từ quân phục của nhóm này gồm quần áo chẽn, nón dẹp (sau đổi nón chóp), và giải thắt lưng màu đỏ buộc ở bụng, đầu giải buông thõng ở bẹn giống như cái khố nên người dân Việt mới gọi là "khố đỏ" tuy đúng ra người lính mặc quần chứ không phải khố.

Ngoài lính khố đỏ còn có “Lính khố xanh” (milicien à ceinture bluegarde provincial) đồn trú tại các tỉnh, canh gác ở các phủ và huyện.  Riêng “Lính khố vàng” (milicien à ceinture jaune, garde royal à Hué) đóng ở kinh đô Huế, bảo vệ triều đình và hoàng tộc nhà Nguyễn.

Lính khố xanh tại Vĩnh Long

Lính phòng vệ biên giới tại Móng Cái trong các bộ quân phục tác chiến (phải), quân phục mùa hè (giữa) và bộ tiểu lễ (trái)


***

Người Pháp cũng thành lập các đội kỵ binh có nhiệm vụ bảo vệ dinh thự và các quan chức thuộc địa cũng như xuất hiện trong các cuộc diễn hành nhân ngày lễ lớn như ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7.

Quân phục kỵ binh

Kỵ binh phòng vệ Toàn Quyền

Kỵ binh diễn hành

Chính quyền Thuộc địa còn tổ chức lực lượng “thiếu sinh quân” (enfants de troupe) từ con em các người lính tại ngũ để huấn luyện thành những quân nhân trong tương lai.

“Thiếu sinh quân” tại Hà Nội

***

Ngày xưa, sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” đưa vào lớp Sơ Ðẳng (Cours Élémentaire) một bài thơ tả về người lính với những câu than thân trách phận da diết:

"Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những dang cùng nứa, lấy ai bạn cùng…”


Một đội lính tập tại Vũng Tàu


Chân dung lính thú ngày xưa cũng được thể hiện qua những giòng đặc tả một thanh niên với quân trang, quân dụng đầy mình nhưng cũng không dấu được những tình cảm ủy mị với nước mắt: 

"Ngang lưng thì thắt bao vàng
Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngủ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa".

Đội pháo binh Đông Dương


***

* Hình ảnh sử dụng trong bài viết này được trích từ bộ sưu tập của Jérôme Hoffart.


Phần nhận xét hiển thị trên trang