Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

'Đứa con' ngàn tỷ của Bầu Đức chính thức biến mất


H. Tú 

VNN - Nhà ông Đặng Văn Thành thay tên doanh nghiệp “con đẻ” của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và chính thức đánh dấu sự rút lui hoàn toàn của đại gia phố núi khỏi một ngành rất được kỳ vọng.

Thông tin từ Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi tên gọi Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar) thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu.

Trước đó, 2 DN nhà ông Đặng Văn Thành: CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã bỏ ra tổng cộng hơn 1,3 ngàn tỷ đồng để nhận chuyển nhượng gần 100% vốn cổ phần Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai.

Đây là bước cuối cùng DN nhà ông Đặng Văn Thành hoàn tất thâu tóm công ty mía đường của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) để trở thành ông trùm trong lĩnh vực này. Giao dịch đã hoàn tất trong tháng 5/2017.

BHS và SBT là 2 công ty mía đường chủ lực trong hệ thống Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.

Hai DN này đã có kế hoạch sáp nhập trở thành 1 công ty có quy mô gần nửa tỷ USD. Hiện tại, đây là 2 DN mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán đồng thời là 2 công ty mía đường chủ chốt của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.

Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã thực hiện quá trình sáp nhập các công ty mía đường trong hệ thống Thành Thành Công từ nhiều năm. Đường Ninh Hòa đã được sáp nhập vào Đường Biên Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào TTC Tây Ninh.

Vốn hóa của TTC Tây Ninh dự kiến sẽ lên tới 10 ngàn tỷ đồng và doanh thu khoảng 8 ngàn tỷ đồng/năm.

BHS và SBT dự kiến sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2017, thời hạn tối đa 6 năm và mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu để huy động tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. BIDV và công ty chứng khoán BSC là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành cho số trái phiếu trên.

Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã rút khỏi cuộc đua trở lại với với Sacombank, ngân hàng mà ông đã gây dựng trọng vòng 20 năm.

Tuy nhiên, những chuyển động gần đây cho thấy, đế chế Thành Thành Công của gia đình ông Đặng Văn Thành vẫn đang lớn mạnh và gia đình nhà ông Thành vẫn đang tiếp tục củng cố vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực mía đường và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lợi ích của việc thâu tóm các doanh nghiệp mía đường của Bầu Đức là khá rõ. Đó là, đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Khi TTC mua được nhà máy đường của HAGL thì việc nhập khẩu đường thô cho Đường Biên Hòa sẽ không bị Hiệp hội mía đường Việt Nam phản ứng dữ dội như hồi năm 2013. Sự lớn mạnh của TTC sau khi thâu tóm DN của Bầu Đức sẽ giúp ngành kinh doanh mía đường của TTC có thêm sức để cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ trưởng Nội vụ: 'Hai con tôi đi du học cũng không về'


Theo Tiền phong 

VNExp - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng cần có tư duy thoáng, không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước, không yêu nước.

Sáng 29/12, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng tổ chức phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thanh niên.

Dẫn câu chuyện về 12/13 nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia không trở về nước cống hiến, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy nói: "Họ dùng chất xám để làm lợi cho nước ngoài, trong khi đó lại bỏ rơi Việt Nam quê hương mình". Theo ông Thủy, Bộ Nội vụ phải trả lời được câu hỏi tại sao việc thu hút thanh niên tài năng gặp nhiều bất cập và giải pháp khắc phục thế nào.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, thời gian qua phong trào trải thảm đỏ cũng thu hút nhiều người về, tuy nhiên vẫn chưa bền vững. Sau khi thu hút về rồi, chính sách sử dụng còn nhiều bất cập. "Như trường hợp 12/13 nhà vô địch Olympia không về nước thì con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về. Ví dụ như thế thì thấy khó thật. Bây giờ tạo việc làm thế nào, thu hút ra làm sao, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ để xem lại chính sách”.

Ông Thăng cho biết thêm, việc đi học, đặc biệt du học từ THPT, đại học ở nước ngoài phổ biến là không về. “Quan điểm cá nhân tôi là cần có tư duy thoáng. Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước. Không phải không về nước là không yêu nước. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại. Có trường hợp đưa hình ảnh Việt Nam lên rất cao, ví dụ giáo sư Ngô Bảo Châu”.

Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, sắp tới cần phải điều chỉnh chính sách thu hút nhân tài.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana



Không phải cứ đội lên đầu chiếc vương miện là sẽ thành Công chúa, cũng chẳng phải cứ sống trong lâu đài thì sẽ được hạnh phúc dài lâu như trong những câu chuyện cổ tích...
Diana Frances Mountbatten-Windsor, nhũ danh Spencer, sinh ngày 1/7/1961 tại Sandringham, Norfolk, trong một gia đình quý tộc có danh tiếng lâu đời nhất ở Anh và có mối quan hệ mật thiết với gia đình Hoàng gia. Diana là con thứ 4 trong số 5 người con của Tử tước Althorp và Bá tước Spencer.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 1.
Năm 1969, khi gia đình tan vỡ vì mẹ ngoại tình, Diana sống với mẹ tại London trong một khoảng thời gian ngắn. Rất nhanh sau đó, bố của Diana - ông John Spencer Viscount - đã giành được quyền nuôi nấng con gái. Ban đầu, Diana theo học tại Riddlesworth Hall gần Diss, Norfolk; rồi học nội trú ở The New School at West Heath, Sevenoaks, Kent.
Diana trở thành Lady Diana khi cha bà thừa hưởng chức Bá tước Spencer vào ngày 9/6/1975. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại Institut Alpin Videmanette ở Thụy Sĩ, Lady Diana dọn về London và dạy trẻ em tại vườn trẻ Young England School.
Lúc nhỏ, Diana từng có cơ hội chơi đùa với Hoàng tử Andrew và Hoàng tử Edward (2 người em trai ruột của Thái tử Charles) khi gia đình Spencer thuê Park House - ngôi biệt thự nằm trong khu gia trang Sandringham, thuộc sở của Nữ hoàng Elizabeth II.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 2.
Vào tháng 11/1977, trong một buổi đi săn do gia đình Spencer tổ chức, Diana đã gặp gỡ và làm quen với Thái tử Charles. Nhờ có tướng mạo hơn người cùng xuất thân cao quý, Diana dễ dàng lọt vào "mắt xanh" của gia đình Hoàng tộc và nhanh chóng được Hoàng gia Anh lựa chọn cho ngôi vị Vương phi tương lai.
Chính vì vậy, cả hai bên gia đình đã ra sức vun vén cho mối quan hệ giữa Thái tử Charles và Lady Diana. Họ đã tạo cho Diana nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc thân mật hơn với Thái tử, bất chấp khoảng cách 13 tuổi.
Tuy nhiên, động thái tích cực này của Hoàng gia Anh lại bị nhà báo Tina Brown "bóc mẽ" là vì muốn che giấu mối quan hệ ngoài luồng giữa Thái tử Charles với Camilla Parker Bowles - một người phụ nữ đã có chồng. Trớ trêu thay, Camilla cũng chính là người đã cho Diana lời khuyên làm thế nào để hòa hợp với gia đình Hoàng gia.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 3.
Bức ảnh chụp Công nương Diana cùng Camilla vào năm 1980.
Thái tử Charles gặp Camilla Shand lần đầu tiên vào một ngày mưa mùa hè năm 1970, trong giờ nghỉ giải lao tại một sân bóng polo. Hai người đã hàn huyên suốt 1 tiếng đồng hồ, vẻ xinh đẹp và tự tin của Camilla đã khiến người thừa kế ngai vàng của nước Anh bị trúng "tiếng sét ái tình".
Năm 1971, khi nhập học tại trường Cao đẳng Hải quân Dartmouth, Thái tử Charles đã viết những lá thư lãng mạn gửi cho "người trong mộng" lớn hơn mình 1 tuổi. Thế nhưng, Camilla lại thẳng thắn đáp trả rằng chỉ có thể yêu chứ không thể kết hôn với Thái tử.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 4.
Thái tử Charles và Camilla trong một buổi gặp gỡ.
Tháng 7/1973, Camilla tổ chức hôn lễ với Andrew Parker Bowles, một sĩ quan quân đội đẹp trai, quyến rũ, đồng thời cũng là bạn của Charles. Sự việc này đã để lại một vết thương lòng trong trái tim Thái tử.
Mãi tới 3 năm sau khi quen biết Diana, Thái tử Charles mới chính thức nói chuyện yêu đương với bà. Và rồi, những tưởng chuyện tình của họ đã kết thúc có hậu bằng "đám cưới thế kỷ" diễn ra vào ngày 29/7/1981 tại nhà thờ St. Paul, thu hút sự quan tâm cực lớn từ dư luận khắp thế giới...
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 5.
Bộ váy cưới được may thủ công có đuôi dài 7,6m đính hàng nghìn viên ngọc trai, nhẫn cưới 18 carat đính tới 14 hạt kim cương xung quanh với trị giá lên đến 63.000 USD (tương đương 1,43 tỷ đồng - tính theo tỷ giá hiện tại), xe hoa bằng thuỷ tinh do ngựa kéo... Tất cả những thứ này đã tạo nên một đám cưới mang đậm màu sắc cổ tích, khiến cho công chúng khắp thế giới phải trầm trồ mãi không thôi.
Cặp đôi đã có một tuần trăng mật ngọt ngào, những hình ảnh hết sức tình tứ của họ trên chiếc du thuyền sang trọng được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chỉ 1 năm sau đám cưới, bóng tối đã bao phủ gia đình nhỏ của hai người, bất chấp sự ra đời của Hoàng tử điển trai William.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 6.
Nhiều năm về sau, Diana mới tiết lộ một sự thật động trời: ngay lúc bước chân vào lễ đường làm đám cưới, bà đã biết Thái tử Charles không thuộc về mình, bởi ông chưa bao giờ ngừng yêu Camilla Parker Bowles. Công nương xinh đẹp thậm chí còn phát hiện ra chiếc vòng tay khắc chữ GF mà chồng tương lai của mình dự định tặng cho Camilla - như một món quà tạm biệt để cảm ơn vì sự "đồng cảm và ủng hộ" mà Camilla dành cho ông - trước ngày cử hành hôn lễ.
Trong tuần trăng mật, Diana cũng đã "chết cứng" khi thẳng thắn đối thoại với Charles về mối quan hệ lâu năm với Camilla. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện giữa hai người vẫn luôn được giấu kín cho tới mãi sau này.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 7.
Vừa bị sốc lại phải gánh vác trên vai bao trách nhiệm nặng nề cùng nỗi ghen tị, sợ hãi một người phụ nữ mang tên Camilla, cô dâu xinh đẹp mới 20 tuổi đã bị khủng hoảng tinh thần rồi rơi vào trầm cảm. Kèm theo đó là chứng rối loạn ăn uống khiến cho Diana suy sụp và tụt cân một cách thảm hại. Trong cuốn tiểu sử "Diana - Những câu chuyện được giữ kín" viết rằng, Camilla từ lâu đã là người tình của Charles và Diana từng vài lần ghen tuông đến mức định tự tử.
Nỗi cay đắng và bất lực của Diana về cuộc hôn nhân của bà được thể hiện rõ ràng trong câu nói: "Có tới 3 người trong cuộc hôn nhân này, và dường như thế là hơi đông." Có lẽ, không gian chật hẹp ấy đã khiến Thái tử Charles không cách nào mở lòng đón nhận người vợ hợp pháp của mình và luôn tơ tưởng tới người phụ nữ đã có gia đình mà ông cho rằng chính là mối nhân duyên thật sự của bản thân.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 8.
Năm 1994, trong một bài phỏng vấn, Thái tử Charles cho biết ông và Camilla vẫn thường xuyên qua lại với nhau. Sau hôn lễ với Diana, ông chỉ chờ cho cuộc hôn nhân ấy nhanh chóng đổ vỡ để có thể quay về bên Camilla. Lời thú nhận của Thái tử khiến cho nhiều người bàng hoàng. Thì ra trước nay ông chưa từng yêu Công nương Diana, mà chỉ cưới bà theo nguyện vọng của Hoàng tộc, bởi bà phù hợp với mọi tiêu chuẩn của ngôi vị Vương phi và xứng đáng làm mẹ của người sẽ kế thừa ngai vàng của nước Anh trong tương lai.
Khi Diana hạ sinh Hoàng tử Harry vào năm 1984, cuộc hôn nhân giữa họ bắt đầu căng thẳng, bởi Charles chưa bao giờ ngưng nhung nhớ về Camilla Parker Bowles. Cuối cùng, ông đã đi theo "tiếng gọi trái tim" và tìm đến với người tình của mình, bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, xì xào từ dư luận.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 9.
Charles từng kể với Diana rằng, bố ông nói nếu một cuộc hôn nhân chỉ mới 5 năm đã cảm thấy không hạnh phúc thì tốt nhất là nên "đường ai nấy đi". Và quả thật, chỉ sau 5 năm kết hôn, Thái tử Charles cùng Công nương Diana đã gần như sống ly thân. Ngoài ra, Thái tử và người tình Camilla cũng công khai quay lại với nhau vào năm 1986.
Sau đó, cuộc hôn nhân tưởng như cổ tích chính thức bước vào thời kỳ hết sức căng thẳng. Charles tỏ ra mất hết kiên nhẫn và bắt đầu sống tách biệt với Diana. Thái tử thậm chí còn cố tình gặp gỡ những người mà Diana rất ghét.
Tại một bữa tiệc tối, Diana đã gặp riêng Camilla để yêu cầu bà chấm dứt quan hệ với chồng mình. Cho đến nay, cuộc đối thoại giữa hai người phụ nữ ấy vẫn còn là một bí mật. Thế nhưng, mọi nỗ lực trong vô vọng của Công nương Diana nhằm níu kéo cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm chỉ càng khiến cho Thái tử Charles xích lại gần Camilla hơn.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 10.
Diana phải chịu hết nỗi đau này đến cú sốc khác khi phát hiện ra bạn bè của Charles cùng Camilla đã tạo điều kiện cho họ gặp gỡ nhau thường xuyên và kín đáo hơn. Vương phi của nước Anh cảm thấy vô cùng đau khổ vì bị phản bội.
Dường như để trả thù chồng, Diana cũng bắt đầu cuộc sống phóng túng khi cặp kè với những người đàn ông khác. Hồi cuối năm 1987, giới truyền thông tiết lộ thông tin Thái tử và Công nương đã không ở bên nhau trong suốt 37 ngày liên tiếp.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 11.
Michael Gibbins - cựu thư ký của Diana - tiết lộ, Hoàng gia Anh rất không hài lòng vì Công nương có quan hệ tình cảm với 5 người đàn ông, bao gồm: đội trưởng đội bóng bầu dục Anh Will Carling, vệ sĩ Barry Manakee, sĩ quan kỵ binh James Hewitt, chuyên gia truyền thông James Gilbey và thương gia Oliver Hoare. Còn Paul Burrell - quản gia của Diana - lại cho biết Công nương có tất cả 9 người tình, trong đó có cả ca sĩ Bryan Adams.
Năm 1991, cuộc hôn nhân của Thái tử Charles và Công nương Diana thật sự đi vào ngõ cụt khi cả hai chẳng buồn tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm làm dịu bớt tình hình và thường xuất hiện trước công chúng với tâm trạng chán chường.
Năm 1992, Thái tử Charles và Công nương Diana chính thức ly thân. Sau đó, đến ngày 28/8/1996, cặp đôi Hoàng gia đã hoàn tất thủ tục ly hôn, chưa đầy 1 năm sau khi Camilla ly hôn chồng là Andrew Parker Bowles vào tháng 11/1995.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 12.
Diana bị tước bỏ danh hiệu Vương Phi, chỉ còn lại cái tên "Công nương xứ Wales". Vì là mẹ của hai người kế vị là Hoàng tử William và Hoàng tử Harry, nên theo luật Hoàng gia, Công nương Diana vẫn là thành viên trong Hoàng tộc.
Hậu ly hôn, Diana nhận được số tiền lên đến 23 triệu USD. Bà cũng được giữ lại toàn bộ nữ trang, cùng hai căn phòng ở điện Kensington - nơi bà từng sinh sống. Ngoài ra, Công nương vẫn được tiếp tục sử dụng hai văn phòng trong cung điện St. James để tiếp tục điều hành các công tác từ thiện.
Trong các cuộc phiêu lưu tình ái sau này, Công nương Diana chỉ công khai duy nhất mối tình với tỷ phú Dodi Fayed - người cùng thiệt mạng với bà trong vụ tai nạn giao thông kinh hoàng vào rạng sáng ngày 31/8/1997 tại đường hầm Pont de l'Alma, ở Paris, Pháp.
Phía sau đám cưới cổ tích là chuyện tình bi thương và cuộc đời đẫm nước mắt của Công nương Diana - Ảnh 13.
Để tránh các tay săn ảnh, chiếc Mercedes chở cặp đôi này đã tăng tốc độ lên tới 112km/h và đâm vào một trụ bê tông trong đường hầm lúc 1h10' sáng. Đầu xe nát bét, Dodi cùng người lái xe là Henri Paul chết ngay tại chỗ. Diana và cận vệ Trevor Rees-Jones bị thương nặng, lập tức được đưa vào bệnh viện Pitié Salpétrière. Vào lúc 4h sáng cùng ngày, Công nương Diana đã trút hơi thở cuối cùng. Người cận vệ của bà tuy còn sống nhưng bị chấn thương sọ não nên không nhớ bất kỳ điều gì về những việc đã xảy ra.
Cũng trong ngày hôm đó, thi thể của Diana đặt trong quan tài phủ cờ Hoàng gia đã được Thái tử Charles và hai người chị của bà đưa về London, kết thúc cuộc đời đau khổ cùng cuộc hôn nhân tăm tối của "bông hồng nước Anh" - người phụ nữ luôn được ví như nàng Công chúa bước ra từ trong truyện cổ tích.
Theo Thời đại

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VN có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris? by anle20


Đê ngăn nước mặn ngập vào đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnhTESSA BUNNEY/GETTY IMAGES
Đê ngăn nước mặn ngập vào đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của tổng thống Trump có thể là tin vui cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, theo một số chuyên gia.

"Tôi có thể hình dung một số quốc gia đang rất phấn khởi - coi đây như một cơ hội tốt để bắt đầu khởi động vươn ra thế giới," Mark Howden, Giám đốc Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu tại trường đại học quốc gia Australia, nói với CNBC hôm 2/6.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu tạo cơ hội cho các quốc gia khác "trám vào lỗ hổng quyền lực Mỹ để lại sau khi rút ra khỏi những thỏa thuận như thế này", ông Howden nói thêm.
Còn ông Frank Yu từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng các công ty Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo sang châu Á.
Pittsburg và Paris

Ông Yu, chuyên gia về năng lượng tại Châu Á Thái Bình Dương, được Reuters trích lời nói thêm rằng, điều này sẽ giúp đỡ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, vốn đang cần vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu năng lượng sạch.
"Bằng cách chuyển các dòng sản xuất năng lượng sang Trung Quốc và các nước châu Á, giá thành của năng lượng sạch sẽ giảm nhanh và thậm nhập sâu hơn để thay thế nhiên liệu hóa thạch 'bẩn' như than trong thị trường châu Á," ông Yu nói thêm.
Hiện tại, các nước trong châu Á vẫn tiến hành phát triển nguồn năng lượng nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khu vực.
Theo báo cáo năm 2015 của Greenpeace, có hơn 1000 nhà máy điện đốt than lên quy hoạch ở Châu Á không kể Trung Quốc và Ấn Độ.
Các quốc gia châu Á ảnhGREENPEACE
Các quốc gia châu Á vẫn đang tiến hành phát triển nhiệt điện than
Ông Tara Buakamsri, Giám đốc văn phòng Greenpeace tại Thái Lan cho biết ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thoả thuận Paris sẽ phức tạp hơn so với những gì các chuyên gia trên nhận định.
Thứ nhất, ông nói. việc Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu và công khai ủng hộ ngàng công nghiệp than sẽ tạo ra một tác động tuy ngắn hạn nhưng rất tốt đến ngành công nghiệp than không chỉ trong Hoa Kỳ mà trên thế giới, vì các ngành công nghiệp than có thể đầu tư vào các nước ở châu Á.
Thứ hai, hiện tại ngành công nghiệp năng lượng sạch rất phát triển rộng khắp trên thế giới. Trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn, giá thành vật liệu sản xuất năng lượng mặt trời tại Ấn Độ rất rẻ. Nếu các công ty Hoa Kỳ có muốn đầu tư ở châu Á, họ sẽ phải cạnh tranh với hai 'ông lớn' này.
Việt Nam sẽ cho xây một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng ảnhGIAODUC.NET
Việt Nam sẽ cho xây một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng
Việt Nam đứng thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia vì số lượng người chết sớm vì hấp thụ lâu dài các hạt phân tử PM 2,5 phát tán từ nhà máy nhiệt điện than.
Hồi đầu năm 2017, Bộ Công Thương Việt Nam ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.
Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.
Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông nước này.
BBC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thêm 14 tỷ phú hảo tâm cam kết cống hiến gần hết tài sản cho từ thiện



Đã có thêm 14 tỷ phú và cặp vợ chồng tỷ phú vừa cam kết sẽ công hiến phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện, gia nhập cùng 2 tỷ phú giàu nhất thế giới Warren Buffett và Bill Gates trong việc ký “Cam kết cho đi” (Giving Pledge).
Tổ chức Cam kết cho đi là một tổ chức toàn cầu do tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates khởi xướng vào năm 2010 nhằm khích lệ những người giàu nhất thế giới đóng góp tiền cho hoạt động từ thiện.
Tổ chức này ngày 30/5 cho biết các thành viên mới đến từ 8 quốc gia và có các ngành nghề kinh doanh đa dạng.
Trong số những tỷ phú hảo tâm mới có doanh nhân Dean Metropoulos – một tỷ phú chuyên quản lý quỹ đầu tư; Dagmar Dolby – vợ của tỷ phú Ray Dolby chuyên kinh doanh về hệ thống âm thanh; Leonard Ainsworth – nhà sáng lập một công ty sản xuất máy chơi bài casino tại Australia; và Stelios Haji-Ioannou – nhà sáng lập hãng EasyJet hiện đang sống ở Monaco.
Dưới đây là danh sách 14 thành viên mới:
1. Leonard Ainsworth – Australia
2. Mohammed Dewji – Tanzania
3. Dagmar Dolby – Mỹ
4. Dong Fangjun – Trung Quốc
5. Anne Grete Eidsvig và Kjell Inge Røkke – Na Uy
6. Sir Stelios Haji-Ioannou – Monaco, Síp
7. Nick và Leslie Hanauer – Mỹ
8. Iza và Samo Login – Slovenia
9. Dean và Marianne Metropoulos – Mỹ
10. Terry và Susan Ragon – Mỹ
11. Nat Simons và Laura Baxter-Simons – Mỹ
12. Robert Frederick Smith – Mỹ
13. Harry Stine – Mỹ
14. You Zhonghui – Trung Quốc
Trong thông báo của Tổ chức Cam kết cho đi, bà Melinda Gates, đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates, cho biết hoạt động từ thiện trên thế giới rất đa dạng, và hầu hết các nền văn hóa lâu nay đều có truyền thống cho bớt đi những gì mình kiếm được. Việc các nhà hảo tâm mới tham gia sẽ giúp câu lạc bộ này có thêm những kinh nghiệm mới.
Tính đến nay, Tổ chức Cam kết cho đi đã có 168 thành viện đến từ 21 quốc gia.
Với số tiền tương ứng là 73,5 tỷ USD và 95,5 tỷ USD, Buffett và Bill Gates là những người giàu có và hào phóng nhất trên trái đất. Theo tạp chí Forbes, cuộc đời của Gates hiện nay đã vượt quá 32 tỷ USD, trong khi Buffett vượt mức 25 tỷ USD.
Là 2 tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản lần lượt là 95,5 tỷ USD và 73,5 tỷ USD, Bill Gates và Warren Buffett hiện cũng là những người hào phóng nhất trái đất, với số tài sản cống hiến cho từ thiện tương ứng là hơn 32 tỷ USD và 25 tỷ USD.
Minh Tuệ 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

những kẻ lạc lõng



Bọn chúng tôi vài người, cũng là đông trong cái thời mà người ta gọi là thời băng hoại, chiều chiều tụ tập cà-phê vỉa hè, nói đủ thứ chuyện trên đời, đấy là nói chung như vậy. Anh bạn nhỏ thó, phục sức lôi thôi tạo cho anh một vẻ như những ông Tây ba-lô đi đầy đường Phạm Ngũ Lão, vẻ ấy người ta gọi là vẻ nghệ sĩ và vẻ ấy làm cho anh bớt nhỏ thó, một dạo bỗng biến mất. Bỗng gặp lại anh ở một phố sang trọng khu vực trung tâm Sài Gòn, phải nói là tôi mừng biết mấy, vì bấy lâu nay quán cà-phê vỉa hè thiếu vắng hẳn, dù chỉ thiếu một mình anh. Liền sau cảm xúc mừng biết mấy, tôi khá đau lòng khi nhìn anh trong phục sức chỉnh tề, quần áo đặt may vừa khít biến anh nhỏ thó trở lại, một vẻ nhỏ thó không giống nghệ sĩ tài danh hát ca khúc “Et pourtant,” mà là vẻ nhỏ thó một cách bó rọ bần tiện. 
Tôi hỏi anh sao bấy lâu nay…, anh nói: “Ôi, cuộc sống mệt mỏi quá, mà ‘moa’ cứ như vậy, comme ci comme ca…” Hình như anh cố ý làm tôi nản lòng bỏ đi cho rồi, chứ cứ đứng giữa phố hàn huyên chẳng lẽ anh không mời vào quán uống một ly rượu Tây chẳng hạn. Một tuần lễ sau tôi nghe tin anh đã định cư ở nước ngoài, tận Canada Bắc Mỹ gì đó. Mới đây tôi lại nghe tin anh mở một website văn học nghệ thuật, ra sức công kích văn chương hậu hiện đại, và bảo rằng thật thậm tệ, cái thứ văn chương hậu hiện đại này đã làm báu vật mỹ từ pháp mất đi vô phương cứu chữa. 
* 
Quán cà-phê vỉa hè, một ẩm khách vô danh đã đặt tên cho quán là Cà-phê ABC, nơi một trong những bàn bày đầy khoảng vỉa hè rộng mênh mông suốt dải chân cầu Trương Minh Giảng, tôi đã học được nhiều bài học vỡ lòng từ các bạn vong niên, có anh trong số đó. Tôi ít tuổi hơn hết thảy, khả năng tài chính yếu kém hơn hết thảy, nói chung tôi chẳng là gì hết thảy. 
Vô Kỵ Giữa Chúng Ta, ấy là gọi tên tác giả bằng tên tác phẩm, so với người bạn nhỏ thó thì anh to lớn, nhất là anh cũng phục sức lôi thôi, đấy là không kể trước Ba Mươi Tháng Tư, trong bộ đồ quân đội cấp phát thế nào anh vận thế ấy, không sửa lại. Sau Ba Mươi Tháng Tư, Vô Kỵ trở thành vô sản, có lẽ vô sản ngang bằng tôi, nhưng ra ngồi quán Cà-phê ABC thì tài chính đâu thành vấn đề. Vô Kỵ tự xác nhận: “Đói khổ nhưng khó đổi,” chúng tôi thực hiện đúng hết mức đúng tinh thần đó, dù câu nói lái kiểu thi sĩ Bùi Giáng không ăn khớp cho lắm. 
Người bạn nhỏ thó giống như loại người quan tâm tới tất cả các thứ, thành ra chẳng quan tâm thứ gì hết, anh đoán chắc Vô Kỵ manh nha tác phẩm Truyện Kiều ABC từ những ngày ngồi quán Cà-phê ABC. Vô Kỵ chỉ tặc lưỡi, cười trong cổ họng. Luôn luôn anh hư vô hóa mọi chuyện, như chiếc bánh tiêu anh mua rồi không ăn, để nó ỉu sìu trong miếng giấy báo trên mặt bàn. Tôi hỏi: “Sao anh không ăn, để nó ỉu sìu ra đó?” Anh lại tặc lưỡi, rồi nói: “Mua cho đứa con gái. Hôm nay là sinh nhật của nó.” Tôi biết cô con gái xinh đẹp của anh, ngày này là kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười sáu của cô bé. Tôi nghĩ, tuy là vô sản, nhưng mua thứ gì đó làm quà sinh nhật thay chiếc bánh tiêu thì đâu đã thành vấn đề. Người bạn nhỏ thó nói: “Có lẽ chàng này là Phật, nếu không phải là vậy thì thật khó hiểu.” Tôi thì vẫn cho rằng chàng là Vô Kỵ của hư vô. “Còn cậu…,” người bạn nhỏ thó nói, “hồi này cậu vẫn anh-đến-thăm-em-một-chiều-mưa đấy chứ?” Tôi đã khoe anh mối tình thơ mộng của tôi, thơ mộng tới mức tôi có thể xem Nàng là một bài thơ rất nên thơ: “Sáng hôm qua, dưới ánh nắng lúc 7 giờ, Uyên đứng trên sân thượng, đứng trên cái ghế cao cao nữa, tưới nước cho từng chậu lan, thấy thật thơ mộng.” Anh hỏi: “Nàng còn đang vận áo ngủ chứ?” Tất nhiên Nàng còn đang vận áo ngủ, tôi gật đầu. “Thế cậu nhìn thấy thơ mộng thật à?” Tất nhiên tôi lại gật đầu. Anh nói: “Sao thấy rõ thơ mộng mà cậu không bồng ngay Nàng vào giường?” Tất nhiên tôi im lặng, nhận chịu một trong những bài học vỡ lòng. 
Vô Kỵ ngày một ỉu sìu như chiếc bánh tiêu ế ẩm mừng kỷ niệm sinh nhật đứa con. Có thể là điếu thuốc lá cuối cùng để anh mơ màng trong buổi chiều muộn ở quán Cà-phê ABC chân cầu Trương Minh Giảng. Tôi mua hai gói thuốc lá, tặng anh một, anh vừa lắc đầu không nhận vừa nói: “Bọn hút Marijuana cứ là hay hút thuốc lá của người khác.” Đây không phải điều gì giống như sự tự trọng cần có, vì tất cả những gì đã có giữa anh và tôi. Chỉ giống như đây là nghịch lý của một thứ lá cỏ lãng quên, khói của nó tự làm sặc sụa. 
Dù sao tôi cũng đau lòng nhiều hơn gấp bội phần đau lòng trước bộ quần áo sít sao của người bạn nhỏ thó, Vô Kỵ của hư vô đã lãng quên cả tập bản thảo Truyện Kiều ABC. Một buổi chiều gió loạn xạ của Tháng Tư, trước ngày Ba Mươi, đã thổi tập bản thảo bay xuống dòng kênh nước đen dưới cầu Trương Minh Giảng, gần bên quán Cà-phê ABC ở chân cầu. Tôi có chút ít may mắn là còn giữ được những trang đầu của tập bản thảo mất tích, người ta vẫn gọi đó là Lời Nói Đầu hay Lời Phi Lộ: 
“…Với người nghệ sĩ, ngôn ngữ là một thứ nguyên liệu mù quáng mà hắn phải nhào nặn và mài rũa để làm nên những đồ vật mới. Thế giới của người làm văn xuôi là một cái tủ lớn ở đó mỗi vật đều có một ô, một số, một nhãn hiệu với một bảng kê tất cả những đặc tính của nó và sẵn sàng để người ta sử dụng. Cũng như thế, trong cái gọi là kho tàng văn hóa dân tộc, truyện Kiều là một tác phẩm đã có cái chỗ của nó, như trong cái hầm rượu của một nhà đại phú, một hũ rượu quý mà người ta đã biết gốc ở địa phương nào, cất năm nào, của một mùa tốt xấu ra sao và cái việc của nó đặc biệt ở chỗ nào – để thỉnh thoảng lại mang ra nhấm nhót dăm ba ngụm, tấm tắc một đôi câu, với tất cả cái đắc ý của một người sành điệu. 
…Sẽ không có gì, trong bài này, giống như sự thân thuộc ấy. Tất cả cố gắng của người ta đã là để quên những điều ít ỏi mà người ta đã có trước về truyện Kiều để đọc nó, với một con mắt xa lạ, như một tác phẩm mới biết lần đầu tiên. Lẽ dĩ nhiên truyện Kiều là một tác phẩm đã được biết kỹ càng quá để người ta có ảo vọng là mang lại một cái gì mới. Cái mới, nếu có, chẳng qua ở trong một cách đọc, và những trang này, người ta sẽ coi như một cố gắng để đọc tác phẩm ở mực thấp nhất, nghĩa là, đáng lẽ bắt đầu bằng một cái nhìn tổng quát, người ta sẽ tìm cách kể lại tác phẩm theo nghĩa đen của những biến cố, những ảnh tượng và những từ ngữ…” 
* 
H. hỏi tôi: “Ông bạn của anh viết những gì vậy… những cái gì về Truyện Kiều mà em không hiểu…” Viết những cái hư vô, có lẽ vậy,” tôi chỉ có thể trả lời H. như vậy mà thôi. 
H. có thể đã cùng chúng tôi ngồi quán Cà-phê ABC, Vô Kỵ của hư vô và tôi chẳng là gì hết thảy. H., vào lúc đó, từ sân trường Đại học Vạn Hạnh, nhìn sang phía bên kia con đường Trương Minh Giảng, thấy những bàn những ghế liêu xiêu lẹp xẹp, những người ngổn ngang lẫn lộn giữa bao ảnh tượng của một thành phố chẳng khi nào ngừng dang dở. 
Một ngày không tên, Vô Kỵ của hư vô xác định thêm vào cái lịch sử dang dở của một quán cà-phê vỉa hè trong thành phố này. H. hỏi tôi có khi nào tìm đến một quán cà-phê nào đấy giữa vô số quán cà-phê mọc lô nhô sau này dưới chân cầu Trương Minh Giảng, ngồi nhâm nhi cà-phê ở đấy để nhớ tưởng những ngày quá vãng. 
Tôi biết sẽ dấm dớ ngớ ngẩn tìm lại thời gian đã mất, khi ở đây đã không bao giờ có cả cái ảo tưởng về chiếc bánh Madeleine. Có chăng là chút gì tan rữa trong lớp bùn dưới đáy dòng kênh Nhiêu Lộc, mủn ra từ tập bản thảo của chàng Vô Kỵ Giữa Chúng Ta. 
./.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Vào nhà hàng, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất mà đau lòng!

01/06/2017 TTO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) đề cập đến tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 1-6. đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn. Ai có vào sân golf, nhà hàng khách sạn đó mới thấy lòng đau nhói. Trong khi bên cạnh sân bay quá tải, ngoài kia kẹt xe nhích từng chút, thì đất sân bay lại được cắt sử dụng mục đích khác” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc xót xa.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) 
phát biểu 
 tại họp tổ Quốc hội chiều 1-6 - Ảnh: Viễn Sự
Dù nội dung họp tổ Quốc hội chiều 1-6 là về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng ông Nguyễn Phước Lộc lại dành thời gian để nói về sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Lộc cho rằng xây dựng sân bay Long Thành là chuyện của nhiều năm tới, trong thời gian đó điều cần nhất chính là làm sao sử dụng tốt nhất hiệu suất của sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong bối cảnh sân bay này ngày càng quá tải.

“Đây là việc mà nếu chúng ta không giải quyết thì lòng dân sẽ bất an” - đại biểu TP.HCM nói.

Ông Lộc nhấn mạnh rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải từ trong ra ngoài, từ trên trời xuống dưới đất.

Ông nhắc lại lần kẹt xe khủng khiếp từ 2h chiều đến tận 11h đêm ngày 28-4 vừa qua khiến mỗi người dân chứng kiến đều có cảm giác kinh hoàng.

“Nhưng trong khi đó, đất sân bay lại được cắt ra làm sân golf, nhà hàng khách sạn. Ai có vào sân golf, nhà hàng khách sạn đó mới thấy lòng đau nhói. Trong khi bên cạnh sân bay quá tải, ngoài kia kẹt xe nhích từng chút, thì đất sân bay lại được cắt sử dụng mục đích khác” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc xót xa.

“Chúng ta có suy nghĩ gì về việc này không? Tại sao không mở thêm cửa ngõ sân bay cho các hãng hàng không ở vị trí sân golf, nhà hàng khách sạn này?”, ông Lộc đặt câu hỏi với các đại biểu cùng đoàn.

Theo ông, có thể mở thêm cửa sân bay Tân Sơn Nhất ở phía đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

“Tôi không nói điềm gở, nhưng nếu có sự cố nào đó thì liệu một con đường Trường Sơn hiện nay có đủ cho chúng ta xử lý được không?” - đại biểu Nguyễn Phước Lộc chia sẻ.

“Chuyện sân bay làm tôi mất ngủ suốt trưa nay!”

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì cho biết trưa nay 1-6, ông nhận được điện thoại của một cán bộ lão thành ở TP, nói về dự án sân bay Long Thành và những vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất.

“Đồng chí lão thành cách mạng nói rất lo khi hiện nay đã có sự biến động nhân khẩu, dân cư rất lớn trong khu vực dự án sân bay Long Thành. Chúng ta có đặt bài toán đúng mức để biết số hộ dân di dời chính xác sẽ là bao nhiêu, đến nơi ở mới có bằng hay tốt hơn nơi ở cũ không", ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

"Thứ hai, vị lão thành cách mạng này đề nghị đoàn TP.HCM yêu cầu Chính phủ nói rõ về phương án sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới. Việc này cần làm rõ để nhân dân thấy xây sân bay Long Thành ở quy mô nào là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao”.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê chân thành nói: “Tôi đã mất hết 1 tiếng đồng hồ giờ nghỉ trưa để nghe điện thoại và suy nghĩ về lời của vị cán bộ lão thành này. Nói vậy để thấy là cử tri TP.HCM rất quan tâm đến sân bay Long Thành nhưng cũng rất quan tâm đến số phận sân bay Tân Sơn Nhất”.

VIỄN SỰ
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170601/vao-nha-hang-san-golf-trong-san-bay-tan-son-nhat-ma-dau-long/1324449.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang