Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Cơ quan đặc biệt mới được ghi âm, ghi hình ngụy trang



N.Quyết
(NLĐO)- Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Nghị định quy điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.

Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị; điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…

Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.

Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.

Theo dự thảo vừa được Bộ Công an công bố, các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.

Theo dự thảo Nghị định, chỉ có 3 nhóm đối được được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Dự thảo cũng nêu rõ chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Đồng thời, dự thảo nêu rõ 8 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: Lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự; Sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị...


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trump cũng sẽ xoay trục qua châu Á nhưng mạnh hơn Obama Trọng Nghĩa



RFI - Trong một vài tháng nay, các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của tân chính quyền Donald Trump tại Hoa Kỳ thường tập trung trên hai hai hồ sơ nổi cộm là quan hệ Mỹ-Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Điều này đã tạo nên tâm lý quan ngại nơi các đồng minh châu Á của Mỹ về việc có thể bị Washington lơ là. Trong một bài nhận định ngày 08/01/2017, nhật báo có uy tín tại Mỹ, The Washington Post đã có ý kiến ngược lại, cho rằng « Trump có thể biến chính sách xoay trục qua châu Á của Obama thành hiện thực (Trump could make Obama’s pivot to Asia a reality) ».

Theo nhật báo Mỹ, trong hậu trường, ê kíp của người lãnh đạo Nhà Trắng trong tương lai đang chuẩn bị một chính sách xoay trục qua châu Á theo kiểu cách của riêng mình, với nhiều yếu tố quan trọng : (1) thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ; (2) tập trung củng cố các liên minh khu vực ; (3) quan tâm nhiều hơn đến Đài Loan ; (4) nghi kỵ Bắc Triều Tiên nhiều hơn ; (5) tăng cường sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chính sách này thực ra cũng có tác dụng hiện thực hóa tham vọng của chính quyền Obama muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Đối với Washington Post, có nhiều tín hiệu cho thấy là châu Á sẽ là một trọng tâm hàng đầu của một số gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới tại Hoa Kỳ.

Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, mới đây đã nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong các cuộc họp với các nghị sĩ. Những người tham gia các cuộc họp đã khẳng định với nhà bình luận tờ Washington Post rằng ông Tillerson đặc biệt rõ ràng về sự cần thiết phải chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa và bành trướng tại Biển Đông.

Các nguồn tin từ ê kíp chuẩn bị nắm quyền tại Nhà Trắng cũng cho biết là ông Stephen K. Bannon, trưởng nhóm chiến lược gia của ông Trump, rất quan tâm đến chiến lược châu Á. Nguyên là một sĩ quan Hải Quân phục vụ trong hạm đội Thái Bình Dương, ông Bannon và nhiều quan chức hàng đầu khác trong chính quyền Donald Trump đều cho rằng sở dĩ trục châu Á của tổng thống Obama thất bại, đó là vì chi tiêu quốc phòng không đủ, khiến ông không thực hiện được lời hứa gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.

Còn về các đại sứ, các nguồn tin trên cũng ghi nhận việc ông Trump chọn các chuyên gia châu Á hàng đầu vào công việc này. Ông Trump chẳng hạn đang chuẩn bị cử ông Ashley Tellis, một cựu quan chức Nhà Trắng và chuyên gia nổi tiếng về Ấn Độ, làm đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Trước đó ông cũng đã cử thống đốc bang Iowa Terry Branstad, một người quen thuộc với Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.

Theo The Washington Post, chính quyền Nhật Bản có thể không vui mừng về việc ông Trump dự kiến chọn doanh nhân William Hagerty làm đại sứ Mỹ ở Tokyo. Nhưng chính phủ Nhật Bản chắc hẳn đã cảm thấy được tôn trọng khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump gặp sau cuộc bầu cử.

Có nhiều lý do để tin rằng chính quyền Trump sẽ phải dành sự quan tâm đến châu Á trong những tháng hoạt động đầu tiên. Việc chọn ông Peter Navarro đứng đầu Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia là một dấu hiệu cho thấy một cuộc đụng độ kinh tế với Bắc Kinh có thể sớm xẩy ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thói quen là luôn thách thức các tân tổng thống Mỹ bằng một số hành động khiêu khích.

Đối với nhật báo Mỹ, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho tổng thống Donald Trump, cho phép ông biện minh được cho chủ trương sưởi ấm lại quan hệ với Nga. Chính quyền có thể lập luận rằng Nga là một cường quốc khu vực gần như là không có vấn đề, trái với một Trung Quốc đang vươn lên và càng lúc càng hung hăng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tấn công Syria, một mũi tên nhiều đích của ông Trump ?


CÔNG CHÍNH

Cuộc tấn công được triển khai khi Tổng thống Mỹ đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc gửi đi tín hiệu rằng ông Donald Trump không ngại tiến hành các hành động quân sự đơn phương.

Diễn biến xung quanh vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình diễn ra hết sức dồn dập và kịch tính. Quyết định tấn công được đưa ra chưa đầy 72 giờ đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria mà Washington và các đồng minh quy trách nhiệm cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad vào ngày 4/4. Và tin tức về việc Tổng thống Trump cân nhắc hành động quân sự được tiết lộ chỉ vài giờ trước khi các tên lửa được tàu khu trục Mỹ phóng đi vào sáng 7/4.

Nói là làm

Thông điệp trực tiếp từ hành động quân sự bất thình lình của Mỹ trước hết nhằm vào chính quyền của Tổng thống Assad, rằng Mỹ sẽ không dung thứ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria. Mục đích đầu tiên của hành động quyết đoán này là răn đe lực lượng của ông Assad tiến hành các vụ tấn công tương tự vụ họ bị cáo buộc là thủ phạm.

Ngoài ra, Mỹ còn thể hiện rằng nước này không ngại sẵn sàng can dự sâu hơn nữa vào cuộc chiến ở Syria nếu cần thiết, như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson: “Nó thể hiện rõ ràng rằng tổng thống sẵn lòng thực hiện hành động quyết đoán khi cần”

Sáng 7/4, các khu trục hạm Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn hơn 50 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria, theo Reuters.

Với mục tiêu răn đe như thế, nhiều khả năng đây là đợt tấn công duy nhất của Mỹ nhằm vào lực lượng Syria, ít nhất trong khoảng thời gian trước mắt. Lý do là tín hiệu đã được gửi đi khi những quả tên lửa Tomahawk phá hủy các căn cứ không quân Syria. Tuy nhiên, hành động của Mỹ cũng tiềm ẩn khả năng nước này phải dấn sâu hơn nữa nếu lực lượng Syria phớt lờ thông điệp cảnh báo và tiếp tục tiến hành các hành động “không thể dung thứ” trong mắt chính quyền Mỹ.

Thông điệp này dĩ nhiên không chỉ đơn thuần gửi đến Syria mà cả các quốc gia và lực lượng được xem là đồng minh của ông Assad như Nga, Iran và Hezbollah. Tín hiệu với Moscow là Mỹ sẽ không ngại ra tay ngay cả khi hành động của họ kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp với một cường quốc hạt nhân. Điều này rõ ràng giúp trấn an các đồng minh ở châu Âu đang lo ngại sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tương tự, trước thực tế các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông ngày càng mất lòng tin vào Washington dưới thời chính quyền Barack Obama, cuộc tấn công cũng phục vụ như một sự tái cam kết với các nước đồng minh rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vai trò “sen đầm” ở khu vực.

Tín hiệu cho châu Á-Thái Bình Dương

Ngoài bối cảnh liên quan đến cuộc chiến Syria, quyết định của Tổng thống Trump nhiều khả năng còn ẩn chứa nhiều thông điệp khác, đặc biệt khi chính quyền non trẻ của ông đang đối mặt với thách thức an ninh ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc tấn công diễn ra khi ông Trump đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại resort Mar-a-Lago, bang Florida. Đây là chuyến thăm nhằm mục đích định hướng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, cũng như giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc giữa Washington và Bắc Kinh.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra ngay sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung. Phản ứng trước động thái của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Tillerson chỉ đưa ra một thông điệp không thể ngắn gọn hơn: “Mỹ đã nói quá đủ về vấn đề này. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm”. Tín hiệu ẩn chứa trong thông điệp của ông Tillerson là không như thời “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Barack Obama, Mỹ từ lúc này sẽ không nói nữa mà hành động.

Diễn biến kịch tính xảy ra khi các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gấp rút nhóm họp cùng ông Trump để “bật đèn xanh” cho vụ tấn công ngay trước tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình. Và hành động của Mỹ ở Syria là thông điệp không thể nhầm lẫn gửi đến Bình Nhưỡng rằng Mỹ sẽ không ngại hành động dứt khoát với các phương án quân sự sẵn có nếu lợi ích của mình bị đe dọa. Tương tự Triều Tiên là Iran, một quốc gia mà chính quyền của ông Trump luôn nhìn vào với sự nghi kỵ, liên quan đến nỗ lực phát triển hạt nhân của Tehran trước đây.

Tín hiệu này dĩ nhiên cũng được gửi đến Trung Quốc, quốc gia bị Washington cho là không làm đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cũng như Mỹ gây áp lực với Nga về Syria, tín hiệu gửi đến Bắc Kinh là Mỹ không ngại và sẵn sàng hành động đơn phương với bất kỳ vấn đề gì bị cho là đe dọa an ninh và lợi ích Mỹ. Động thái của Mỹ củng cố độ khả tín của tuyên bố cách đây vài ngày của ông Trump rằng nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ ra tay.

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, thông điệp này còn mang tính trấn an đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một tín hiệu quan trọng không kém được gửi đến cho ông Tập Cận Bình là quyết tâm của Mỹ trong vấn đề động chạm đến lợi ích khác là các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu các quyền tự do hàng không và hàng hải ở các vùng biển này bị đe dọa, thậm chí nếu phải hành động trong thời gian rất ngắn.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc có ý định tiếp quản vai trò siêu cường số 1 của Mỹ trên trường quốc tế. Các quả Tomahawk được phóng vào Syria còn thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ bởi khó có quốc gia nào sở hữu năng lực hoạch định và triển khai cuộc tấn công trong thời gian ngắn như thế.

Với một mũi tên trúng rất nhiều đích như vậy, phản ứng của các quốc gia trên thế giới trước vụ tấn công vào Syria sẽ ẩn chưa cách nhìn nhận của họ với thông điệp bất ngờ của Mỹ.

Theo Báo Thanh Niên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sẽ cấm vĩnh viễn trên toàn quốc 'Dạ cổ hoài lang'?





Phạm Thành Nhân
PNO - "Dạ cổ hoài lang" - bản tình ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sẽ có thể bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc.

Dạ cổ hoài lang - bản tình ca nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sẽ có thể bị cấm vĩnh viễn trên toàn quốc và bất kỳ ai muốn hát lại, phổ biến tuyệt phẩm này sẽ phải thực hiện một điều không tưởng: tìm cho được bản gốc của tác phẩm, với chữ ký của người quá cố.

Mà, không chỉ Dạ cổ hoài lang, nhiều tác phẩm khác cũng có thể sẽ bị cấm vĩnh viễn  trên toàn quốc cho đến khi tìm được bản gốc.

Tất nhiên, điều khủng khiếp trên chưa xảy ra và có lẽ cũng sẽ không xảy ra. Nhưng, với những gì Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Nguyễn Đăng Chương trả lời truyền thông về việc cấm vĩnh viễn trên toàn quốc năm ca khúc sáng tác trước 1975 thì đó chính là một khả thể. 

Theo ông Chương, các ca khúc Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân, Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú, Rừng xưa bị cấm do vi phạm bản quyền - bị sửa lời so với tác phẩm gốc. Những ca khúc “sai lời so với bản gốc thì phải cấm lưu hành vĩnh viễn” - ông Chương nói. 

Chính từ đây, câu hỏi đã được đặt ra: làm thế nào xác định được một tác phẩm là “bản gốc” và liệu Cục NTBD có xác định được bản gốc của năm tác phẩm nêu trên không khi tuyên bố nó sai để cấm?

Lịch sử âm nhạc Việt Nam có một giai đoạn mà những bản nhạc bướm, các tập sách nhạc rất thịnh hành. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì chúng vẫn không thể được Cục NTBD xem là bản gốc do không có chữ ký của tác giả.

Thậm chí ngày nay, khi các tác phẩm hầu hết được soạn trên phần mềm, lưu trữ trên máy tính thì việc có chữ ký lại càng là yêu cầu kỳ quặc nếu không muốn nói là kiểu làm khó của cơ quan chức năng.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, từ lâu anh đã không còn viết tay các tác phẩm của mình mà đều soạn trên máy tính. Anh cũng không ký tên lên tác phẩm trừ trường hợp ca sĩ xin được sử dụng và yêu cầu anh ký tên.

Đất nước đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, những bản nhạc viết tay - nguyên bản liệu còn được mấy nhạc sĩ lưu giữ? Giờ đây, khi nhiều vị trong số họ đã qua đời thì chuyện yêu cầu họ xác định bản nào trong số các dị bản là bản gốc như khi họ viết ra là điều hoàn toàn bất khả.

Như trường hợp Dạ cổ hoài lang - mãi đến nay thời điểm sáng tác của nó (sáng tác năm 1917, 1918 hay 1919) vẫn còn gây tranh cãi. Trong số những bản Dạ cổ hoài lang đang lưu hành trên thị trường, đang được các nghệ sĩ biểu diễn, rất nhiều dị bản đã được hát lên.

“Bảo kiếm sắc phán lên đàng” hay “Báu kiếm”, “Báo kiếm”, “sắc phong”? “Luống trông tin nhạn” hay “tin bạn”, “tin chàng”? “Đường dầu xa, ong bướm” hay như cố nhạc sĩ Trần Văn Khê chỉnh lý là “dầu say ong bướm”? “Gan vàng lợt phai” hay “lạt phai”, “nhạt phai”?

So với bản Dạ cổ hoài lang được xem là chuẩn tại khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu, do UBND tỉnh Bạc Liêu công bố ngày 17/9/2010 theo quyết định số 2257/QĐ-UBND thì các dị bản trên đều vi phạm bản quyền và đương nhiên Dạ cổ hoài lang phải bị dừng lưu hành vĩnh viễn trên toàn quốc.

Mà, kể cả bản “chuẩn” của UBND Bạc Liêu có chắc là đúng so với những gì ông Sáu Lầu từng viết ra không khi ngày nay ông đã qua đời, không thể trả lời là sai hay đúng?

Giữa lúc dư luận đang hoang mang với quyết định của Cục NTBD, bà Kha Thị Đàng - phu nhân của cố nhạc sĩ Châu Kỳ bất ngờ cho biết, cái mà Cục NTBD cho là dị bản, là sai so với bản gốc lại chính là cái do đích thân nhạc sĩ Châu Kỳ sửa.

Theo đó, vì là một ca khúc sáng tác trước 1975, trong thời điểm chiến tranh chia cắt nên một số chỗ trong tác phẩm không còn phù hợp với thời bình. “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài” đã được đích thân nhạc sĩ Châu Kỳ sửa thành “Lối mòn anh bước đi” và “thao thức canh dài”.

Với tiết lộ này thì "chiến trường" hay "phiên gác", "lối mòn" hay "thao thức" cũng đều là bản gốc và đều không vi phạm bản quyền. Điều quan trọng nhất, như bà Đàng cho biết, từ khi bản Con đường xưa em đi được Cục NTBD cấp phép lưu hành rồi tạm dừng rồi cấm vĩnh viễn thì chưa có bất kỳ ai ở cơ quan quản lý văn hóa tiếp xúc hay trao đổi với bà về tác phẩm này để xác minh tính chính xác của bản gốc.

Cấm hay không cấm một tác phẩm là thẩm quyền của cơ quan quản lý văn hóa. Nhưng cấm hay không cấm cũng cần một lý do thỏa đáng, thuyết phục được khán giả lẫn người làm nghề, bởi nếu không thì sẽ tạo ra một tiền lệ bất công vô cùng lớn đối với các tác phẩm khi chỉ có năm bài hát bị cấm trong khi hàng ngàn bài khác thì không.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những Điều Suy Nghĩ Trong Cuộc Sống!


Trong cuộc sống, con người có thể gặp rất nhiều bất ngờ. Có vui- buồn, hờn- giận… đan xen, và cũng không thiếu những điều thú vị, đôi khi phải mở tròn xoe đôi mắt để cố gắng tự mình giải thích. Nhưng câu hỏi tại sao ấy vẫn còn để ngỏ chờ chúng ta câu trả lời… 



Bạn giúp người ta cắt dây, nhưng người ta lại đá ghế dưới chân của bạn



Người lương thiện giúp ai cũng không ngại, chỉ lo vô ý làm gì đó phương hại đến người khác. Họ luôn chỉ nhìn điểm tốt của người khác, nhìn nhận mọi người đều là người tốt, luôn cởi mở không đề phòng ai, thậm chí làm gì cũng nghĩ cho người khác trước. Người lương thiện làm vậy không sai, họ cũng không phải là người ngốc, mà họ hiểu rằng đối xử tốt với người khác chính là đối tốt với bản thân mình. Nhưng xin hãy nhớ, khi bạn làm tổn thương người lương thiện, họ sẽ không chọn làm tổn thương bạn, mà họ sẽ rời xa bạn, không tiếp xúc với bạn nữa. Vì thế bất kể là trong tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình… Xin đừng chà đạp những người lương thiện.



Sau khi nổ súng, người chiến thắng là ai?




Có câu cửa miệng rằng: “Làm hại người khác chính là hủy diệt chính mình.” Cũng có nhiều người không đồng ý với câu nói trên. Nhưng hãy nhìn kỹ bức hình trong bài bạn sẽ thấy được rõ ràng. Con người sinh ra quý nhất ở chỗ lương thiện, người chiến thắng là người có đạo đức, có đức tin, hiểu luật nhân quả. Xin hãy lương thiện với tất cả mọi người, thế giới quá rộng lớn, nhìn thấy nhau thoáng qua cũng không phải là ngẫu nhiên, có thể gặp được nhau chắc chắn là do duyên phận.



Tại sao chúng ta đối xử với nhau càng ngày càng đề phòng?



Tại sao chúng ta ngày càng thận trọng với cuộc sống?



Tại sao cứ phải sống giả dối?



Mọi thứ tốt hay xấu là do chính mình tạo nên.



Hãy rộng lượng, khoan dung, và biết nghĩ cho người khác, bạn nhất định thấy cuộc sống không giống như những gì đang thấy ngày hôm nay.

ST

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LÀ NHỮNG THÁNG TƯ



Tháng Tư mưa đến cơn vần vũ
Đất nẻ liền da,lòng bớt hanh
Mùa xưa còn đọng nhiều thác lũ
Mà tưởng vết thương đã kéo lành

Lớn trong binh biến-ta thời loạn
Xin chút bình yên thật nhọc nhằn
Mới cũ cuối cùng ra lãng đãng
Cũng đều như Cuội ở trên Trăng

Thôi kệ! Chứng nhân tròn một kiếp!
Mỹ nhân-Danh tướng vẫn tàn tro!
Một đời khổ lụy nào thương tiếc
Xin ai còn lại gặp bến bờ!


NK


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người từng bị đi tù vì hát Nhạc Vàng..


Người từng bị đi tù vì hát Nhạc Vàng sẽ biểu diễn ở Sài Gòn 

 Như vậy là kể từ sau khi được ra tù thì đây là lần đầu tiên Lộc Vàng sẽ biểu diễn ca hát tại Sài Gòn-nơi mảnh đất được coi là quê hương của Nhạc Vàng. Như chúng ta đã biết thời trước năm 1975 do yêu mến và hát dòng nhạc này mà ông Lộc Vàng đã bị bắt giam suốt nhiều năm 1 cách vô lý. Hiện ông đang gấp rút chuẩn bị cho ngày ra mắt cực quan trọng tại sài Gòn lần này. Lần đầu tiên ca sĩ Lộc Vàng, người từng phải vào tù vì hát “nhạc vàng” có một live show cho riêng mình tại Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả tại đây có dịp thưởng thức giọng hát của anh qua những ca khúc tiền chiến một thời vang bóng mang nhiều kỷ niệm buồn vui đời anh như: Gửi người em gái miền Nam, Chuyển bến, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong), Hoài cảm (Cung Tiến), Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên).


Ca sĩ Lộc Vàng (tên thật Nguyễn Văn Lộc) kể từ thập niên 1960 là người gắn bó với dòng nhạc tiền chiến qua những ca khúc lãng mạn, người đã "tạo nên" vụ án âm nhạc ở miền Bắc khi đất nước còn bị chia cắt.

Ông Lộc sinh năm 1945 tại Hà Nội, vì yêu “nhạc vàng” nên nhiều người thường gọi là Lộc Vàng. Gọi là "nhạc vàng” bởi nó có vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa xấu mà người ta gán cho nó dạo nào. Ông thừa hưởng cái gien nghệ thuật từ người bố giỏi về tuồng, chèo, cải lương, tân nhạc… nên đã yêu âm nhạc từ rất sớm và có giọng hát rất hay. Ông đam 
mê những cung bậc mượt mà của những giai điệu tuyệt vời gợi lên từ dòng nhạc trữ tình êm ái. Ông sinh hoạt với các bạn cùng sở thích là Phan Thắng Toán (guitarist nổi tiếng) và Nguyễn Văn Đắc; nhiều khi tụ họp với nhau nghêu ngao ca hát trên căn gác xép những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Lâm Tuyền, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý…

Trong thời gian sinh hoạt ở đây, một người em gái của bạn ông tên Mai thường đứng ngoài cửa nghe giọng ca Lộc Vàng rồi mê đắm chàng. Hai người đôi khi cùng hẹn tâm tình theo từng bước chân trên những con phố dài Hà Nội. Đấy là những năm tháng của tuổi đôi mươi. Nhưng trớ trêu thay, chính vì đam mê dòng nhạc lãng mạn trữ tình đó mà cả ba người đều vướng vào vòng lao lý.

Vào thời ấy dòng nhạc tiền chiến được nhà cầm quyền gọi là “nhạc vàng” và bị cấm hẳn. Chuyện sinh hoạt âm nhạc của nhóm ông Lộc đã lọt vào tai công an nên ngày 27.3.1968, cả ba người bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị kết án với tội danh “truyền bá văn hóa đồi trụy”. Báo Hà Nội Mới ngày 12.1.1971 trích bản luận tội: “Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài Gòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên…” (!). Ông Phan Thắng Toán bị 15 năm tù và chịu 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Ðắc 12 năm tù và 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) bị 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân (năm 1973, nhân ký hiệp định Paris được giảm án còn 8 năm tù, 4 năm quản chế).

Ngày 26.3.1976 Lộc Vàng được thả, từ trại giam ông đi bộ 30km để về ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Ra về với đôi bàn tay trắng, không tiền bạc; ông không dám liên hệ với ai vì sợ người ta ngại quen biết với người tù. Cứ nghĩ rằng lúc này đây người yêu sẽ không chờ đợi mình nữa nhưng kỳ lạ thay, người yêu vẫn đón ông trong vòng tay thắm tình yêu thương nồng ấm. Chị Mai yêu ông và cũng yêu luôn dòng nhạc đã làm cho mình say đắm dù phải trả giá đắt. Khi biết chị gắn bó với một người tù, ông trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng trung ương, nơi chị công tác, đã xúc phạm người tù, chị đã nặng lời với ông ta rồi bỏ việc để ra chợ bán đậu phụ mưu sinh. Chỉ là để được sống bên người yêu mà bao năm chị đã chờ đợi.

Ông Lộc Vàng kể lại chuyện bị đi tù: “Chúng tôi gặp gỡ, hát với nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe. Sau khi ra tù, nhà cửa anh Toán cũng tan nát, anh chán đời và tìm vui bên men rượu. Anh lang thang trên đường phố, sống vào tình thương của người qua lại. Ðêm 30.4.1994, người ta nhìn thấy anh Toán nằm gục chết, đói lả, cô đơn trên hè phố… Còn ông Nguyễn Văn Ðắc mất năm 2005. Nghĩ đến cuộc đời của mình sao mà cay đắng, chua chát quá. Mình có làm cái gì đâu, chỉ yêu thích âm nhạc thôi mà bị tù đày. Sau khi dòng nhạc này được khôi phục, những bản nhạc này được hát lên tivi. Khi nghe người ta hát mà mình ngồi ứa nước mắt ra”.


Ca sĩ Lộc Vàng hát song ca cùng một nữ nghệ sĩ

Năm 1981 Lộc và Mai hai người lấy nhau, có được cháu trai. Cả hai sống chung trong một mái nhà 9m2 che tạm phía trên toilet của nhà vợ. Ông phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ việc, quét vôi đến lái xe. Nhưng sự khốn khổ không dừng lại ở đó: tai họa oan khiên từ người láng giềng đem lại khiến mẹ vợ ông bị chém ở chân và con trai 9 tuổi bị chém ngang lưng. Khi ông đưa mẹ vợ vào bệnh viện này thì chị Mai đưa con vào bệnh viện khác. Ông phải đi vay nợ khá nhiều để chạy chữa cho hai bà cháu. Trong cảnh đời khốn khó như vậy mà ông vẫn nặng lòng với tình yêu âm nhạc, những bài hát trữ tình đã cho ông niềm tin vào cuộc đời.

Những lúc rảnh rỗi, ông hát cho vợ nghe những câu: “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy/ Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…” (Ngô Thụy Miên, Niệm khúc cuối). Năm 1987, khi đã có những chương trình nhạc vàng được hát ở Hà Nội, lần đầu tiên ông đi hát cho chương trình của nghệ sĩ Khắc Huề, sau đó nhiều nơi khác mời ông đến hát. Khi sinh đứa con thứ hai, vợ ông trở bệnh nặng. Nhiều năm chăm sóc vợ trong cảnh nghèo nàn, đến lúc nhà cũng chẳng còn gạo còn tiền. Đang ngồi trong bệnh viện, có người quen mời đến quán Zcafe để hát. Ông không đành lòng vì vợ đang đau đớn. Nhưng rồi không còn cách nào khác, nhờ đứa con trông mẹ, ông đến hát để có được 200 ngàn đồng lo thuốc thang cho vợ. Đến quán hát mà lòng ông rối bời, trong tiếng hát dường như nước mắt muốn tuôn rơi. Biết vợ mang bệnh nặng ông đã đi khắp nơi, thậm chí ra nghĩa địa tìm cây thuốc nam, lên chùa cầu khẩn Phật. Dù đã chăm lo hết sức mình, nhưng chỉ mấy hôm sau vợ ông vẫn qua đời. Lòng nặng trĩu nỗi đau, ông chỉ còn biết dựa vào tiếng hát, vào niềm đam mê âm nhạc mà sống.

Ông quyết định thuê một chỗ mở quán nhạc nhỏ để thỏa lòng mong ước. Cuộc sống không khá hơn, đã phải bán nhà để bù lỗ chuyện mê hát. Hằng ngày ông phải thầu thêm công việc quét vôi cho các công trình xây dựng để quán cà phê Lộc Vàng (17A đường Hồ Tây, Hà Nội) được mở cửa mỗi đêm để ông có thể đem tiếng hát bằng cả tâm hồn đến cho người yêu nhạc tiền chiến. Tiếng hát đi cùng những tháng năm đau khổ trôi qua đã đem đến những rung động sâu đậm cho người nghe. Ông Lộc ước mơ đến một ngày nào đó được trả lại danh dự cho người chịu oan trái chỉ vì lòng đam mê âm nhạc.

Người ta không hiểu bằng sức mạnh nào mà người nghệ sĩ đã trải qua bao thăng trầm nghiệt ngã của cuộc đời lại có thể cất lên tiếng hát trong từng đêm như lời kinh nhật tụng. Thật vậy, nhạc tiền chiến đã là số mệnh của ông, nghệ sĩ Lộc Vàng.

Nang The ky 21 

Phần nhận xét hiển thị trên trang