Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Đông Âu - cái nôi của các tỷ phú Việt


22/03/2017 - Không chỉ là nơi học tập và lập nghiệp thuở ban đầu của hai tỷ phú đôla được Forbes công nhận, Đông Âu còn chứng kiến khởi đầu thành công của nhiều đại gia Việt. Tháng trước, tờ báo địa phương ở Ukraine dẫn lời cựu thị trưởng thành phố Kharkov, ông Mikhail Pilipchuk lý giải khởi nguồn thịnh vượng của vị tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng tại thành phố này.

Ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Lê Viết Lam (Sungroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), ông Ngô Chí Dũng (VPBank)... và nhiều đại gia Việt khác khởi nghiệp và thành danh ở Đông Âu trước khi về Việt Nam đầu tư. 
Tờ báo này cho rằng thành phố Kharkov, Ukraine đã cấp tấm vé thông hành cho không chỉ những người đoạt giải Nobel, nhà bác học vĩ đại, nghệ sĩ nổi tiếng mà cả các doanh nhân người nước ngoài thành danh mà ông Phạm Nhật Vượng, một trong 2 tỷ phú đôla Việt Nam có tên trong danh sách người giàu thế giới 2017 là một ví dụ.

Điều này đúng không chỉ với riêng Kharkov và trường hợp ông chủ của Tập đoàn Vingroup. Rất nhiều đại gia tên tuổi trong giới kinh doanh hiện tại ở Việt Nam từng có thời gian học tập và lập nghiệp tại Đông Âu. Sau khi trở về Việt Nam, dù lối rẽ kinh doanh khác nhau, họ đều gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.


Nơi khởi nghiệp của 2 tỷ phú đôla

Cũng như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air, nữ tỷ phú đôla tự thân đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, từng thời gian dài học tập và kinh doanh tại Đông Âu trước khi đầu tư về Việt Nam và trở thành tỷ phú đôla.

Cả ông Vượng và bà Thảo cùng du học tại Matxcova (Nga) vào năm 1987. Tuy nhiên, bà Thảo đã sớm bước chân vào thương trường sớm hơn, khi mới là sinh viên năm thứ 2. Lĩnh vực kinh doanh đầu tiên của bà là hàng điện tử và nông sản.

Thành công trên thương trường, 21 tuổi bà Thảo đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên từ việc buôn bán hàng điện tử và cao su tự nhiên, với phương thức như bà nói, "không buôn bán cò con. Khi người ta buôn một container hàng thì tôi đã buôn hàng trăm container". Nhiều người quen biết bà vẫn kể câu chuyện phòng hộ sinh tại bệnh viện của thành phố Matxcova, nơi bà sinh đứa con đầu lòng đã trở thành phòng họp hội đồng quản trị, nơi người phụ nữ Việt nhỏ bé được bao quanh bởi 4-5 người Nga cao lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, bà Thảo trở về Việt Nam đầu tư vào bất động sản và tài chính ngân hàng. Bà là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Sovico Holdings và 2 ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là Techcombank và VIB.

Năm 2005, với việc mua lại khách sạn Furama Đà Nẵng, bà trở thành người Việt đầu tiên sở hữu khách sạn 5 sao. Năm 2007, bà tham gia sáng lập Vietjet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Hành trình trở thành tỷ phú đôla của 2 đại gia Việt Học và khởi nghiệp thành công tại Đông Âu, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo về đầu tư trong nước ở các lĩnh vực khác nhau, và đều được Forbes ghi danh tỷ phú USD.

Trong khi đó, con đường trở thành tỷ phú đôla của ông Phạm Nhật Vượng lại bắt đầu muộn hơn. Sau khi tốt nghiệp ở Matxcova, ông kết hôn và chuyển tới Kharkov, Ukraine lập nghiệp. Tại Ukraine, ông mở một nhà hàng Việt tên là Thăng Long với số vốn 10.000 USD. Một thời gian sau, ông cùng một số người bạn thành lập Tập đoàn Technocom để sản xuất mỳ ăn liền.

Từ năm 1993 đến 1999, dưới sự điều hành của ông Vượng, Technocom dần trở thành "đế chế" số 1 trong thị trường thực phẩm ăn nhanh tại Ukraine, doanh thu mỗi năm ước tính hơn 150 triệu USD, và được định giá lên tới 1 tỷ USD.

Năm 2001, ông đầu tư phần lớn lợi nhuận về Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản thông qua 2 công ty Vinpearl Land và Vincom, và bắt đầu gây dựng “đế chế” của mình tại Việt Nam, bắt đầu từ Nha Trang.
Đông Âu và tấm vé thông hành của các đại gia Việt

Không chỉ ông Vượng và bà Thảo từng học tập và làm việc tại Đông Âu, nhiều đại gia hiện tại của Việt Nam cũng thành danh từ vùng đất này trước khi trở về đầu tư tại Việt Nam.

Bà Phạm Thu Hương và bà Phạm Thúy Hằng (vợ và em vợ ông Vượng), những phụ nữ nằm trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán Việt, gắn bó với tỷ phú Vượng từ ngày đầu khởi nghiệp tại Ukraine. Hai bà cũng là những cổ đông đồng sáng lập Technocom.

Hiện tại, hai người phụ nữ quyền lực này cùng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch tại Vingroup và sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ trên sàn chứng khoán. Bà Hương là người giàu thứ 6 sàn chứng khoán với khối tài sản hơn 5.100 tỷ đồng, bà Hằng sở hữu gần 3.500 tỷ đồng xếp thứ 7.

Một đại gia khác cũng trong nhóm cổ đông sáng lập Technocom tại Ukraine là ông Lê Viết Lam, hiện là Chủ tịch Sungroup. Ông cũng đồng hành cùng với ông Vượng và 1 số bạn bè thành lập khu chợ Barabarosha cho người Việt và dân địa phương tới buôn bán. Ông được cho là sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD. 


Ông Lê Viết Lam và siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt tại Ukraine - SunMart.

Du học tại Nga cùng thời điểm với ông Vượng và bà Thảo, trước khi cùng tham gia thành tập Technocom, ông Lam đã từng gia nhập thương trường nhưng không thành công. Ông cũng không gắn bó lâu với Technocom mà sớm tách riêng và thành lập Tập đoàn Sungroup. Tập đoàn này đã xây dựng nhiều công trình, dịch vụ lớn ở Ukraine thời điểm đó, như siêu thị thực phẩm SunMart, công viên nước trong nhà Jungle, khách sạn 4 sao SunLight và Làng Thời Đại.

Năm 2007, ông Lê Viết Lam đầu tư về Việt Nam với các công trình, dự án hàng chục nghìn tỷ đồng như Khu du lịch Bà Nà Hills tại Đà Nẵng (104 triệu USD), công viên Châu Á (10.000 tỷ đồng), dự án Công viên Đại Dương tại Hạ Long (6.000 tỷ đồng), dự án cảng hàng không Quảng Ninh (7.500 tỷ đồng).

Khác với ông Vượng, người dồn lực đầu tư về Việt Nam, ông Lam vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh, đầu tư ở Đông Âu.

Vị tỷ phú ẩn mình này còn là thành viên sáng lập Ngân hàng VIB và đang là Chủ tịch Tập đoàn Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt ở nước ngoài.


Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan từng rất thành công trong việc kinh doanh mỳ ăn liền tại Nga cùng ông Hồ Hùng Anh trước khi đầu tư về Việt Nam. Ảnh: Thành Luân.

Hai ông chủ của Tập đoàn đa ngành Masan hiện nay là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch và ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch cũng thành danh từ Đông Âu trước khi về Việt Nam.

Gắn bó với nhau từ thời còn kinh doanh mỳ ăn liền tại Nga, trở về Việt Nam, hai ông vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này với một số thương hiệu như Omachi, Tiến Vua và cả lĩnh vực ngân hàng với Techcombank.

Một đại gia khác là ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch Eurowindow Holding, cũng trở về Việt Nam sau thời gian kinh doanh tại Đông Âu. Eurowindow đã mang lại thành công tại thị trường trong nước cho ông Sơn. Sau đó, ông chuyển đầu tư sang ngành bất động sản, tài chính, vật liệu xây dựng... Hiện ông là Chủ tịch Tập đoàn T&M Trans tại Nga và Phó chủ tịch Ngân hàng Techcombank.

Ông Trịnh Thanh Huy - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An (BTA), từng học Học viện kỹ thuật quân sự tại Nga. Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh xây dựng tập đoàn Masan thành công tại Nga trước khi về Việt Nam.

Công ty BTA của ông nổi tiếng với hàng loạt thương vụ đình đám như thâu tóm Vinafco, Beton 6, Descon… cùng các dự án bất động sản lớn như Đảo Kim Cương (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM.


VPbank dưới thời ông Ngô Chí Dũng đã có những tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: VPBank.

Một đại gia khác cũng từng học ngành địa chất tại Nga là ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Ngân hàng VPBank. Trước khi trở về Việt Nam đầu tư, ông cũng có thời gian kinh doanh trong lĩnh vực mỳ ăn liền tại Nga.

Năm 1996, ông là cổ đông sáng lập ngân hàng VIB. Trong giai đoạn 2005-2010, ông là Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Liên Minh và tập đoàn KBG tại Nga. Trước khi trở thành Chủ tịch tại VPBank, ông từng là Phó chủ tịch thứ nhất tại Techcombank.

Một đại gia trong ngành tài chính khác cũng trở về sau một khoảng thời gian kinh doanh thực phẩn tại Đông Âu là ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Ngân hàng VIB.

Ở nước ngoài, ông Vỹ là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Mareven Food Holdings, một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt tại nước ngoài, Công ty TNHH Mareven Food Central thuộc Mareven Food Holdings được tạp chí Forbes bình chọn Top 200 công ty tư nhân lớn nhất của Liên bang Nga.

Forbes lý giải vì sao Trịnh Văn Quyết không được xếp hạng tỷ phú USD

Sở hữu khối tài sản gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết không xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào theo thống kê của Forbes hiện tại.


Forbes: Việt Nam có 2 tỷ phú đôla

Tạp chí Forbes vừa công bố cập nhật danh sách những người giàu nhất thế giới, và lần đầu tiên Việt Nam có hai tỷ phú USD.


http://news.zing.vn/dong-au-cai-noi-cua-cac-ty-phu-viet-post730453.html


Quang Thắng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ba kể con nghe, đừng tin lời họ…


Họ nói với con bao nhiêu điều không thật, để rồi lúc con bỡ ngỡ bước ra đời, thứ trước mắt, trong tay, chỉ là nhúm đất buồn, rồi con phải chật vật học lại về sự thật. Vì vậy hôm nay, ba kể con nghe, chuyện thế hệ ba đang sống ra sao. Để mai kia khi con trưởng thành, con phải hiểu, mình lựa chọn cách sống. Đời mình sướng khổ phải do mình, đừng tự huyễn hoặc đừng ru ngủ. Chuyện thế hệ ba buồn lắm phải không con, chỉ mong chuyện đời con đừng mãi buồn như vậy.




Họ nói rằng con dòng dõi rồng tiên, từ trứng nở ra rồi lên non xuống biển. Nhưng con ơi, mình cũng như phần còn lại của nhân loại, là từ vượn người phát triển mà thành. Sở dĩ giỏi hơn sinh vật khác là nhờ vào trí thông minh, biết sáng tạo, biết học hỏi từng ngày. Nên con đừng hão huyền về dòng giống của mình, chẳng có gì tự hào về những thứ không có thật.



Họ nói rằng đất nước mình rừng vàng biển bạc, thú rừng nhiều, tôm cá cũng tràn đầy. Nhưng chuyện đó cũng cũ rồi con ơi. Nước của ba rừng tàn biển cạn, thú rừng côi cút chẳng biết núp vào đâu, rồi bãi đáp cuối cùng là nơi quán đặc sản. Còn tôm cá, đánh bắt bằng tay bằng lưới chưa được, họ dùng điện, dùng thuốc nổ để tàn phá sinh thái. Họ thải chất độc, rồi ăn lại chính thứ đó, để rồi hậu quả đến cả trăm năm sau.

Họ nói rằng đất nước mình thiên nhiên ưu đãi. Họ sai rồi, thiên nhiên nào ưu đãi cho lũ ký sinh bội phản. Cảnh mình có đẹp nhưng cứ hễ chân con người tới, họ xuyên cọc vào thân thể mẹ thiên nhiên. Họ tàn hủy những thứ được cất dưỡng, thay vào đó là cột sắt, bê tông. Họ ăn trong hang động, đi cáp vào lòng đất. Thiên nhiên nào ưu đãi được nữa con?

Họ nói rằng nước ta đầy danh lam thắng cảnh đầy. Nhưng họ đâu biết tận dụng để dùng đâu con. Họ chặt chém, lừa từng đồng bạc lẻ, để rồi người đến mà không hẹn trùng phùng. Vì lẽ đó, danh lam thắng cảnh nhiều, nhưng du lịch cứ mãi hoài ì ạch.

Họ nói rằng, dân tộc ta tương thân tương ái. Nhưng rồi cũng vì cái tương ái tương thân, mà con người lấy lòng thương đem bán. Lũ trẻ vùng núi bỏ học, bỏ việc làm, đứng chìa tay xin nhận lòng bố thí. Để trẻ con rồi đến người già, vùi dập đời mình trong tay bọn chăn dắt.

Họ nói rằng, người mình cần cù, chăm chỉ. Nhưng cần cù hoài rồi có thấy giàu đâu con, con chỉ thấy họ lê la quán nhậu, chén thù chén tạc, chén chú chú anh.

Và họ nói với con bao nhiêu điều không còn thật, để rồi lúc con bỡ ngỡ bước ra đời, thứ trước mắt, trong tay, chỉ là nhúm đất buồn, rồi con phải chật vật học lại về sự thật.

Vì vậy hôm nay, ba kể con nghe, chuyện thế hệ ba đang sống ra sao. Để mai kia khi con trưởng thành, con phải hiểu, mình lựa chọn cách sống. Đời mình sướng khổ phải do mình, đừng tự huyễn hoặc đừng ru ngủ.

Chuyện thế hệ ba buồn lắm phải không con, chỉ mong chuyện đời con đừng mãi buồn như vậy.

Mọi việc thay đổi… từ thân con…
Nguyễn Ngọc Thạch
http://cafekubua.com/2017/03/21/ba-ke-con-nghe-dung-tin-loi-ho/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam bắt giữ hai blogger vì tuyên truyền chống Nhà nước


Hai blogger Phan Kim Khánh và Bùi Hiếu Võ vừa bị bắt ngày 21/03/2017. (Ảnh FB Hoàng Dũng)

Reuters hôm nay 22/03/2017 loan tin Việt Nam đã bắt giữ hai blogger vì các bình luận chống Nhà nước, nhằm "cảnh cáo các trường hợp tuyên truyền chống đối khác".
Ông Bùi Hiếu Võ, 55 tuổi, được biết dưới tên « Hieu Bui » trên Facebook, và Phan Kim Khánh, 24 tuổi, đã bị bắt giữ để điều tra vì cáo buộc « tuyên truyền chống nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam » - theo như thông cáo trên trang Facebook của chính phủ hôm nay.


Hãng tin Anh nhận định, mặc dù có những cải cách sâu rộng về kinh tế và tăng cường cởi mở trong xã hội, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiểm duyệt chặt chẽ các phương tiện truyền thông, hoàn toàn không dung thứ những chỉ trích.

Cổng thông tin điện tử bộ Công an nói rằng ông Võ đã « đăng tải nhiều thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng » chính quyền, cũng như « kích động sử dụng bom xăng và axit tấn công lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng công an ».

Ông Khánh thì quản trị hai blog (Báo Tham Nhũng, Tuần Việt Nam), ba trang Facebook (Báo Tham Nhũng, Tuần Báo Việt Nam, Dân Chủ TV), hai kênh YouTube (Việt Báo TV, Việt Nam online), « liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc ». 

Reuters nhắc lại, tuần trước Hà Nội cũng đã kêu gọi tất cả các công ty làm ăn tại Việt Nam chấm dứt quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác cho đến khi tìm được cách thức chận lại việc đăng tải những thông tin « độc hại » chống chính quyền.

Reuters cũng dẫn nguồn tin chính quyền cho biết, cả hai blogger trên làm việc với đảng Việt Tân có trụ sở tại Hoa Kỳ, vốn bị Hà Nội coi là tổ chức khủng bố và bất kỳ người Việt nào có liên can đều bị cho là đồng phạm và bị trừng phạt.

Trang thông tin của bộ Công an Việt Nam nói thêm, ông Bùi Hiếu Võ có móc nối với thành viên của Việt Tân tại Úc. Ông Phan Kim Khánh thì có liên lạc với « một số đối tượng phản động » trong đó có blogger Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày ở Mỹ, tham gia quản trị một số trang mạng của Việt Tân và một số tổ chức hải ngoại khác.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trích ngang một đoạn:

".. tham nhũng để làm gì ?

Câu hỏi nghe chừng rất ngô nghê, tham nhũng để làm giàu chứ còn làm gì nữa mà hỏi.

Làm giàu để làm gì, làm giàu để có ăn chơi xa hoa, sắm nhà cửa cho đằng vợ cả, thêm đằng vợ lẽ.

Câu trả lời cũng ngô nghê, ai mà chả biết vậy.

Trong bộ phim dài tập có tên Thị Vệ Độc Hành là cuộc xung đột giữa ông vua trẻ và tên đại thần thái giám quyền lực nhất trong triều, vây cánh của hắn giăng khắp nơi. Ông vua trẻ không thể nào đưa ra được chính sách để cải cách đất nước. Cứ biện pháp nào ban ra đều bị hắn chặn lại.

Khó khăn, nguy hiểm cho đất nước đến nỗi nhà vua không có tiền trả lương cho binh lính ở miền biên giới. Tất cả tiền bạc trong nước đều vào tay tên đại thần, tiền bạc sinh ra  cho hắn đám đàn em và tay chân hùnh hậu. Tên đại thần lấy tiền thuế, kinh doanh mỏ, mọi nguồn tiền trong đất nước đều bị hắn ăn chặn và kiểm soát. Tiền nhiều đến nỗi hắn đổ bạc xuống hồ để cất trữ.

Hắn nói.

- Tiền là huyết mạch của quốc gia, nắm được tiền là nắm được quốc gia..."

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam tham nhũng thứ hai châu Á?

>> Số phận 10 nhân vật quyền lực nhất Sài Gòn xưa sau 1975

>> Đại úy Tim Vũ được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng Alhambra

BBC - Tạp chí Forbes hôm 13/3 đăng bài của cộng tác viên Tanvi Gupta dựa trên phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục, chỉ sau Ấn Độ.

Phúc trình được thực hiện trong 18 tháng này cho thấy bức tranh khá ảm đạm về nạn hối lộ ở các nước châu Á.

Minh bạch Quốc tế phỏng vấn 22.000 người ở 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, và kết quả là hơn 1/4 số người được hỏi cho hay họ đã phải hối lộ khi sử dụng dịch vụ công.

5 nước tham nhũng nhất theo Minh bạch Quốc tế là:

1. Ấn Độ: tỷ lệ hối lộ 69%

2. Việt Nam: tỷ lệ hối lộ 65%

3. Thái Lan: 41%

4. Pakistan: 40%

5: Myanmar: 40%

Phần về Việt Nam nói người Việt Nam coi tham nhũng là đại dịch. Trong số 16 quốc gia được phỏng vấn thì người Việt Nam cùng người Malaysia tỏ ra bi quan nhất về tình hình chống tham nhũng trong nước, với 60% cho rằng chính phủ không hiệu quả trong hoạt động này.

Tỷ lệ người nói họ phải hối lộ khi tiếp cận dịch vụ giáo dục là 57% và y tế là 59%. Trên 61% cho hay họ phải hối lộ công an.

Ấn Độ, tuy là quốc gia bị cho là tham nhũng nhất, lại cho kết quả khả quan hơn về chống tham nhũng.

53% người được hỏi cho là Thủ tướng Narendra Modi đang khá thành công trong việc diệt trừ căn bệnh này.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hé lộ đại gia “thao túng” thị trường bất động sản Đà Nẵng


Hân Ngọc 

(CLO) Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Đà Nẵng “rúng động” trước thông tin một đại gia thông qua một số doanh nghiệp để “thâu tóm” đất vàng bên sông Hàn là trụ sở của Cục Hải quan Đà Nẵng và dự án đô thị ven biển rộng tới 182 ha. Giới thạo tin bất động sản Đà Nẵng cho rằng đại gia này còn nhiều dự án khác tại trung tâm miền Trung và từng tham gia vào cổ đông Ngân hàng Đông Á (DongABank).

Cụ thể, Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 là doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM (8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP.HCM) và văn phòng tại Đà Nẵng (32 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) vừa qua đã xin Đà Nẵng cho thuê mảnh “đất vàng” của Cục Hải quan Đà Nẵng tại số 252 đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Công ty này mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đề nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xem xét cho doanh nghiệp thuê khu đất của trụ sở Cục Hải quan Đà Nẵng để làm văn phòng đại diện “phục vụ cho các yêu cầu nghiệp vụ của Ngành và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố”. Công ty cũng “xin cam kết sửa chữa đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch và các quy định của thành phố”.

Theo thông tin riêng của PV, người chủ thật sự đứng phía sau Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 là ông Phan Văn Anh Vũ. Ông Vũ cũng là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (tầng 2 – 32 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).


Theo thông tin mới nhất, ông Phan Văn Anh Vũ từng tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Phú Gia Compound (30 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Theo giấy phép kinh doanh được cấp ngày 14/2/2017, Công ty TNHH Phú Gia Compound có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, được góp vốn bởi 3 thành viên gồm: ông Phan Văn Anh Vũ góp 80% (40 tỷ đồng), Phan Minh Cương góp 16% (8 tỷ đồng) và ông Lê Viết Bảo Duy góp 4% (2 tỷ đồng). Thực chất của Công ty TNHH Phú Gia Compound là Công ty TNHH Minh Hưng Phát được thành lập từ ngày 25/2/2007.

Cũng như nhiều đại gia khác, ngoài việc đầu tư mạnh vào bất động sản, ông Phan Văn Anh Vũ còn “lấn sân” sang ngân hàng khi Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị – tham gia góp vốn 10% (500 tỷ đồng) tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank). Tuy nhiên, sau khi Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 tham gia vào DongA Bank chưa được bao lâu thì ngân hàng này bị “vướng” vào diện bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt. Dù vậy, “cú sốc” này chưa khiến nhóm công ty của ông Vũ suy yếu.

Ngoài ra, Công ty Bắc Nam 79 của ông Phan Văn Anh Vũ từng bị nhiều cơ quan báo chí đăng bài phản ánh, phân tích rõ ý định “thôn tính” khu đất vàng tại Thư viện Khoa học Tự Nhiên (quận 1, TP.HCM). Rất nhiều chuyên gia và nhà khoa học đã lên tiếng kịch liệt phản đối dự án tại khu thư viện mang đậm dấu ấn lịch sử này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ bao giờ ở Đà Nẵng bỗng có cán bộ "không nắm, không biết, chờ báo cáo"?


>> Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đang ‘lâm nguy’?
>> Trầm Bê và số phận Nguyễn Văn Bình
>> Đà Nẵng cấm Grab: Người dân cần được sử dụng dịch vụ tiện ích nhất
>> Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch khu vực phía Ðông và bán đảo Sơn Trà


NGUYỄN DUY XUÂN
(GDVN) - Làm cán bộ lãnh đạo mà việc gì cũng "không nắm, không biết, chờ báo cáo" thì thử hỏi loại cán bộ như thế phỏng còn giúp ích gì cho dân cho nước?

Hai vụ việc "động trời" gần đây đều xảy ra tại Thành phố Đà Nẵng.

Vụ thứ nhất, phát hiện một công trình xây dựng đồ sộ theo kiểu dáng nhà cổ Trung Quốc, được che đậy bởi một bức tường bê tông cao 10 mét, chạy dài hàng trăm mét bao bọc bên ngoài.

Khi kiểm tra đột xuất, cơ quan chức năng phát hiện thấy 5 người Trung Quốc (trong đó có người sử dụng hộ chiếu in hình lưỡi bò đã bị chính phủ Việt Nam nghiêm cấm nhập cảnh) đang chỉ đạo thi công.

Vụ thứ hai đang gây sốt dư luận mấy ngày nay. Đó là cả một khu vực rộng lớn rừng Sơn Trà bị cày xới để xây dựng tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với hơn 100 phòng do Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.

Công trình có qui mô đồ sộ này nằm sát ngay phía sau khu vực quân sự thuộc Hải quân Vùng 3.

Điều đáng nói ở đây là cả hai vụ việc đều do người dân hoặc là phát hiện báo cho chính quyền, hoặc là đăng tải thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội, rồi báo chí lên tiếng, chính quyền mới hay biết.

Hãy nghe các vị có trách nhiệm ở địa phương biện bạch cho sự "không biết, không thấy" này.

Về “khu phố” không phép, nghi có người Trung Quốc đứng sau, ông Nguyễn Văn Quyết, Bí thư phường Hòa Xuân nói:

“Thông tin về công trình xây dựng không phép thì phường đã nắm lâu rồi nhưng không biết rõ nó xây dựng ở vị trí nào. Sau khi họ đập bức tường bao bọc bên ngoài thì mới lộ ra”.[1]

Cả một "khu phố" chình ình suốt mấy tháng trời xây dựng, vậy mà ông lãnh đạo phường bảo "không biết rõ nó xây dựng ở vị trí nào" thì ai tin điều ông nói?.

Còn vụ cày xới rừng Sơn Trà để xây dựng tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân quận Sơn Trà, cho hay:

"Hiện chúng tôi cũng chưa nắm rõ công trình này có những gì, có giấy phép hay không".

"Chúng tôi đang giao cho Đội quy tắc đô thị ra văn bản yêu cầu phía Công ty Biển Tiên Sa cung cấp rồi sau đó thông tin cho báo chí",[2] ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Trả lời của ông Chánh Văn phòng quận lặp lại cái điệp khúc nghe đã nhàm tai: "không nắm, không biết, chờ báo cáo", trong khi đó cả một vạt rừng rộng lớn bị xới tung đất đỏ, đứng xa hàng cây số vẫn thấy rõ mồn một, rồi thì rầm rộ xe máy thi công đã 3 tháng nay.

Dư luận ồn ào lo lắng cho vùng đất đặc biệt của Đà Nẵng có nguy cơ bị phá nát nên đang mong ngóng một sự vào cuộc xử lý nghiêm minh từ chính quyền thì ngày 19/3, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đà Nẵng đã đến hiện trường làm việc.

Tại đây, tuy ông có phê bình cấp dưới thiếu sâu sát, nhưng những thông tin và quan điểm mà ông đưa ra thì nhiều người lo lắm.

Rồi sau đó, 40 cái móng biệt thự xây trái phép, Chủ đầu tư chỉ bị phạt 40 triệu đồng.

Dư luận biết tin này chẳng những không hết lo lắng mà còn thêm bất bình.

Họ còn không khỏi liên hệ đến việc dư luận về khối tài sản lớn của ông Chủ tịch thành phố thời gian qua, hiện nhân dân vẫn mong được làm rõ, minh bạch.

Có người trầm lặng hơn thì liên hệ với quá khứ không xa, ngày ấy, Đà Nẵng làm gì có chuyện "không nắm, không biết, chờ báo cáo", mà ở đó chỉ có một sự quyết liệt, minh bạch để xây dựng được hình ảnh thành phố đáng sống.

Giờ đây, những vụ động trời như thế vẫn "lặng lẽ qua mắt" chính quyền cấp cơ sở với đầy đủ ban bệ cùng lực lượng chức năng hùng hậu thì quả thật không thể hiểu nổi cung cách quản lí địa bàn kiểu gì?

Xem ra chuyện "con voi chui lọt lỗ kim" đã xưa lắm rồi. Bây giờ thì không chỉ con voi mà cả một khu phố, một cánh rừng cũng có thể chui lọt lỗ kim.

Làm cán bộ lãnh đạo mà việc gì cũng "không nắm, không biết, chờ báo cáo" thì phỏng còn giúp ích gì cho dân, cho nước?

Tài liệu tham khảo:

[1]. http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Phat-hien-khu-xay-dung-khong-phep-trong-giong-pho-Trung-Quoc-giua-Da-Nang-post174957.gd

[2]. http://news.zing.vn/rung-son-tra-o-da-nang-bi-dao-xoi-lam-khach-san-post729164.html

[3]. http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170320/phat-hien-40-biet-thu-o-son-tra-xay-sai-nho-nguoi-cau-ca/1283225.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang