Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Tillerson : Mỹ đã hết kiên nhẫn, có thể tấn công Bắc Triều Tiên


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (G) thăm vùng phi quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, ngày 17/03/2017.

Theo Reuters và AFP, trong cuộc họp báo tại Seoul sau khi đi thăm vùng phi quân sự, ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ « chắc chắn không muốn đi đến xung đột », nhưng « sẽ phải đáp trả thích đáng » đối với tất cả mọi hành động đe dọa Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định : « Chiến lược kiên nhẫn đã chấm dứt. Chúng tôi sẽ xem xét một loạt các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế. Tất cả các phương án đều được nêu ra ».


Chủ trương cứng rắn này hoàn toàn trái ngược với chính sách của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama : bác bỏ mọi đối thoại một khi Bình Nhưỡng chưa cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân, với hy vọng áp lực trong nội bộ Bắc Triều Tiên sẽ tạo nên những thay đổi.

Ông Rex Tillerson còn đòi hỏi Bắc Kinh bắt tay vào việc trừng phạt Bắc Triều Tiên. Đồng thời ông cho rằng Bắc Kinh đã vô lý khi có biện pháp chống lại Hàn Quốc, coi hệ thống lá chắn tên lửa THAAD là mối đe dọa cho Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên công du châu Á, trong bối cảnh căng thẳng. Hôm qua tại Tokyo, ông nhìn nhận thất bại của 20 năm nỗ lực ngoại giao để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hứa hẹn sẽ có chính sách mới nhưng không cho biết cụ thể.

Để đối phó với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản hôm nay đã phóng thành công một vệ tinh gián điệp lên quỹ đạo, bổ sung cho các phương tiện đang giám sát những hành động của Bình Nhưỡng. Các vệ tinh tình báo này giúp nhận diện những vật có kích thước chỉ một mét vào ban đêm hay lúc trời mù sương, từ độ cao hàng trăm km.

Cũng tại Nhật Bản, hôm nay, khoảng một trăm người ở thành phố duyên hải Oga đã tham gia diễn tập sơ tán trong trường hợp bị hỏa tiễn Bắc Triều Tiên tấn công, hai tuần sau khi ba hỏa tiễn của Bình Nhưỡng rơi xuống ngoài khơi thành phố này.

Trong một diễn biến khác, hệ thống chuyển tiền quốc tế Swift đã cho ngưng kết nối bốn ngân hàng Bắc Triều Tiên vì « không tôn trọng các tiêu chí ». Trước đó, đa số ngân hàng Bắc Triều Tiên đã bị Swift loại trừ, và như vậy, kể từ nay Bình Nhưỡng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới trong lãnh vực tài chính.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

AI VỪA GIÚP TRỊNH XUÂN THANH KHÔNG BỊ DẪN ĐỘ?



AI VỪA GIÚP TRỊNH XUÂN THANH KHÔNG BỊ DẪN ĐỘ?

Nguyen Anh Tuan
16 Tháng 3 lúc 17:51
 
Chiều qua, Trịnh Xuân Thanh vừa bị khởi tố thêm tội Tham ô Tài sản - một tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Điều này có nghĩa là nếu Trịnh Xuân Thanh đang trốn tại Đức hoặc Canada (như chính Bộ Công an dự đoán), Thanh sẽ không thể bị dẫn độ về Việt Nam vì cả hai nước này đều nghiêm cấm việc dẫn độ một người mà người đó có thể đối mặt với án tử hình khi bị đưa về quốc gia yêu cầu dẫn độ.

Trên thực tế, Đức và Canada đều đã từng từ chối yêu cầu dẫn độ từ nhiều nước, ngay cả một nước lớn và đã ký hiệp ước dẫn độ với họ là Hoa Kỳ, vì lý do tương tự.

Lệnh khởi tố chiều qua theo cách đó đã trở thành 'kim bài miễn tội' cho Trịnh Xuân Thanh, giúp cựu quan chức này này tới đây có thể kê cao gối mà ngủ.

'Đánh chuột không để vỡ bình' chính là đây - vừa tỏ vẻ chống tham nhũng quyết liệt, vừa để quan chức tham nhũng thoát ra ngoài rồi sau đó khéo léo tự dẹp bỏ khả năng dẫn độ họ trở về chịu án. Đại biểu Ngô Văn Minh trong phiên họp Quốc Hội tháng 10 năm ngoái đã rất bất bình đặt nghi vấn vì sao lực lượng công an tinh nhuệ, xuất chúng như thế mà vẫn để Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài thành công. Tiếc là ông đã qua đời 2 tháng sau đó vì bạo bệnh, không thì giờ đây không biết ông sẽ nghĩ gì và chất vấn gì khi biết lệnh khởi tố hôm qua đã chấm dứt cơ hội dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước.

Phương châm 'đánh chuột không vỡ bình' trên thực ra phản ánh tình thế lưỡng nan mà giới chóp bu cầm quyền đang gặp phải. Một mặt để bảo vệ tính chính danh cầm quyền, họ không thể không hô hào chống tham nhũng. Nhưng cùng lúc đó, hơn ai hết họ hiểu rằng chính họ và phe cánh của họ cùng những nhóm lợi ích thân hữu vây quanh là những kẻ tham nhũng nhất, nên cái gọi là công cuộc chống tham nhũng mà họ phát động nếu không phải là vở hài kịch tự diễn tự cười của họ thì cũng chỉ là công cụ để họ đấu đá giành quyền lợi với các đồng chí khác - vốn cũng đang sở hữu những đường dây tham nhũng tương tự.

'Đánh chuột không vỡ bình' sẽ còn định hướng câu chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm tới đây, dù người kể chuyện, nhân vật và kịch bản có thể thay đổi theo thời gian. Nghĩa là trong thời gian đó Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới với đầy đủ hậu quả của nó: phân hóa giàu nghèo gia tăng, kinh tế trì trệ, xã hội lạc hậu so với khu vực và thế giới.

Cứ thế cho đến khi có đủ người Việt dám đứng lên đặt ra luật chơi mới cho xã hội: cạnh tranh chính trị, tam quyền phân lập, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin - những công cụ được chứng tỏ đủ sức ngăn chặn được tham nhũng một cách bền vững.

---

ĐB Ngô Văn Minh chất vấn việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn: https://www.youtube.com/watch?v=fdAEEUwz_F4

Đức nói sẽ không trục xuất bất kỳ ai đối mặt án tử hình (Germany says will not extradite anyone facing death penalty): http://www.reuters.com/…/us-germany-aljazeera-egypt-penalty…

Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố tại toà về tội “Tham ô tài sản”:http://dantri.com.vn/…/trinh-xuan-thanh-bi-khoi-to-tai-toa-…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN LƯU ĐÚNG .

..

Nhà báo Nguyễn Lưu. Con trai ông bà Nguyễn Xiển - Thúy Lan.

17.03.2017

Nguyễn Lưu đúng... 

Sài Gòn nắng, 1giờ 40 phút bay, Hà Nội mưa phùn. Gã trở lại ngôi nhà cổ ba gian bên sông Hồng, sân đầy hoa bưởi rụng. Nhòm trên cây, trái thu trước cùng hoa xuân. Cuộc đời cứ vậy muôn vẻ. Đúng là thế nào? Trái rụng hết, rồi mới ra hoa vụ mới. Nhưng cây bưởi nhà gã không thích thế thì sao?

Đúng là thế nào?

Gã vào mạng ì xèo thiên hạ ném đá Nguyễn Lưu, nhà báo, nhà bình luận thể thao, nhạc sĩ, con trai của nhà khoa học Nguyễn Xiển. Gã nghĩ oan cho Nguyễn Lưu quá ...

Hồi nhỏ gã nhớ, tại ngôi nhà của cha gã bên Văn Miếu, ông Nguyễn Xiển bạn cha gã thỉnh thoảng có ghé chơi. Ông lịch lãm, nhà khoa học chuyên về phán đoán và dự báo thời tiết đồng thời là lãnh tụ của Đảng xã hội tập hợp giới trí thức mà.

Mỗi lần ông đến mạ gã thường hỏi đùa, hôm nay nắng hay mưa để chọc ông thỉnh thoảng dự báo thời tiết nắng hóa mưa hoặc mưa hóa nắng thành chuyện tiếu lâm cho dân Hà Nội cười chơi.

Ông luôn cười hiền hậu và bảo: Với anh chị thi sĩ thì ngày nào mà không đẹp giời.

Đúng, thế nào là đúng?

Thôi vòng vo quá, gã xin toẹt, đúng hay trật ở đây là cái chuyện con ông Nguyễn Xiển bị dân mạng ném đá vì ủng hộ quyết liệt, ủng hộ chân thành cái việc dẹp bỏ những ca khúc có nhắc đến anh lính cộng hòa. Thế rồi dân mạng nhân tiện móc ra bài viết của con ông Nguyễn Xiển viết đập Phạm Duy te tua vì từng viết bài hát chống cộng.

Đã móc chuyện cũ thì gã cũng xin móc luôn, đó là ngay khi bài viết của Nguyễn Lưu in trên báo Đầu tư, gã có viết một bài phản kích lại bênh ông bạn già, nhạc sĩ tài năng mê phở và gái xinh, của gã. Lập tức gã nhận được hai cú điện thoại.

Một, của Nguyễn Lưu, ông thanh minh rằng ý của ông viết dựa theo ý của nhà văn Chu Lai và ý của nhiều nhạc sĩ tên tuổi bất bình chuyện tung hê quá mức Phạm Duy trong khi bao nhạc sĩ cách mạng tên tuổi khác chả ai tổ chức các sô diễn tôn vinh, chứ thực ra ông cũng rất mê một số bài hát của Phạm Duy.

Hai, của chính Phạm Duy. Ông nhạc sĩ bảo, cậu bênh tôi làm đếch gì? Nguyễn Lưu nó viết đúng đấy.

Gã hỏi, đúng là đúng thế nào ạ?

Tôi thích thằng ấy vì nó dám bảo vệ cái thể chế cộng sản mà nó thích, nó tin vào cái thể chế cộng sản mà nó coi nó và thể chế cộng sản ấy là một. Đó là một thái độ đường hoàng. Còn...

Còn sao ạ?

Nếu cậu có dịp gặp Nguyễn Lưu chỉ cho tôi nhắn một điều thôi...

10 năm trôi qua cái vèo, gã chưa có dịp nào được gặp Nguyễn Lưu để chuyển lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy, thì hôm nay có sự kiện Nguyễn Lưu bị ném đá vì chống lại những ca khúc có dính đến lính cộng hòa chống cộng sản, chống lại cái gọi là "con đường em đi..." gã xin nhân tiện gửi lại lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy:

Cậu Nguyễn Lưu à, cậu rất đúng khi cậu dũng cảm và kiên quyết bảo vệ cái thể chế mà cậu yêu thích chống lại bất cứ ai làm tổn hại đến cái thể chế ấy. Cậu có quyền đồng nhất cậu với thể chế ấy nhưng chỉ xin cậu đừng đồng nhất cậu và thể chế của cậu với dân tộc và đất nước.

Gã xin nói leo thêm:
Thế nào là đúng đây? Vẫn đúng nếu thể chế ấy được dân tộc và đất nước chọn đồng hành với mình. Và ngược lại vẫn đúng nếu thể chế ấy chọn dân tộc và đất nước chính là cái đích mà mình phụng sự.

Còn lại, thế nào là không đúng?
Hê gã không phải chuyên gia dự báo thời tiết...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đem vợ đi cho


Hà Văn Thịnh 

- Đức Phật (Budha) dạy rằng, trên đời có 3 điều không thể biết đến điểm tận cùng, đó là sự bắt đầu – kết thúc của thời gian; kiến thức và sự lớn lao của bầu trời. Có lẽ Ngài đúng, nhưng rất có thể là chưa đủ: Đó là giới hạn của dốt nát!


 Nghe, xem bài thuyết giảng của ông GS.TS Trương Giang Long (từ đây sẽ gọi là ông TQL) về đối nội, đối ngoại, về thách thức và vận hội của đất nước mà tôi không dám tin rằng đó là lý lẽ, hiểu biết của một… giáo sư!




Thiếu tướng Trương Giang Long

Ông TQL nghênh ngang cho rằng Việt Nam dư sức ra điều kiện với tân TT Mỹ Donald Trump là phải đến VN như thế nào, đi đâu trước(?) Cha mẹ ơi, nghe mà kinh mà khiếp bởi lâu nay, chưa chộ, ngay cả Tập Cận Bình hay Putin cũng chẳng hề dám hó hé “lộ” ra một mảy may áp lực nào với vụi TT vừa khùng vừa liều, vừa hổng giống ai… Không lẽ cái thói nói càn để tuyên truyền ta đây là duy nhất, là số một, là đỉnh cao đã lú đến mức thành hoang tưởng?

Ông TQL cũng xâng xâng cho rằng Nhật Bản là “Mỹ thứ hai ở châu Á” – trong khi trước và sau câu đó, tha hồ chứng minh Mỹ âm mưu, thâm độc, diễn biến hòa bình… Chẳng lẽ GS.TS TQL không biết rằng nói thế, đến tai người Nhật, hóa ra chẳng phải VN coi Nhật là… kẻ thù?

Nhưng thôi, để bàn cho hết cái sai, cái chập của ông TQL, e rằng sẽ làm bạn đọc mất quá nhiều thời gian. Vì thế, toii chỉ xin nói về chuyện ông TQL cho rằng VN là dân tộc duy nhất tốt nhất trên trái đất này, sẵn sàng đem cả vợ đi cho bạn - “minh chứng rõ ràng là chuyện Lưu Bình – Dương Lễ đấy”(?)

Khi nói ra câu này,ông TQL cười có vẻ vô cùng thỏa mãn về “phát minh” rất chi là quái đản!

Khi nói ra ý ấy, TQL dùng nó như là bổ ngữ “đắt giá” để “hỗ trợ” cho lập luận rằng, “TQ nó xấu thế chứ xấu hơn nữa, ta vẫn phải tốt với nó”?

Xin thưa với ông TQL rằng, một trong những điều dốt tệ dốt hại nhất của những người cứ tưởng là thông thái như ông, luôn cho rằng cha ông nói chẳng bao giờ sai.

Không những sai mà có vô cùng những điều sai be sai bét. Chẳng hạn, “đề thi” ra cho cuộc tranh tài giữa Sơn tinh và Thủy Tinh là “voi chín ngà, gà chin cựa, ngựa chín hồng mao” thì ngay cả trẻ con cũng biết đó là tuyển công chức theo cơ cấu! Sao không ra đề mực chín ngà, ba ba chín cựa, cá ngựa chín hồng mao?

Một ví dụ nữa: Cô Tấm thảo hiền cái nỗi gì mà chặt em ruột (cùng cha khác mẹ) ra làm mắm, lại còn để cái đầu lâu dưới đáy hũ mắm để dì ghẻ ăn hết rồi mới biết!?...

Điều cần bàn tiếp theo xin nhấn mạnh với ông TQL rằng chẳng có thằng điên nào lại khen chuyện đem vợ đi cho là”tuyệt tác” về đạo đức, trừ ông (và những kẻ như ông). Vợ là người bạn trăm năm, là tình sâu, nghĩa nặng, đạo lý trọn đời mà ông coi như cái áo rách ư? Chỉ có những kẻ táng tận lương tâm, vô tri, vô sỉ mới đem vợ DÂNG cho quan thầy để hòng thăng quan tiến chức, hòng giữ mãi cái ghế ngồi…

Cứ tạm coi câu chuyện mà ông đem ra để thử thách sự căm phẫn của dân đen chỉ là cái vỏ của ngôn từ , xin hỏi ông cái “ruột” của nó là gì?

Phải chăng ông muốn ám chỉ rằng TQ xấu xa như thế rồi - hôm nay là ngày kỷ niệm nỗi đau mất một phần đất nước (14.3.1988- 14.3.2017) chúng nó cướp Gạc Ma, bắn chết cả 64 chiến sĩ Quân đội ND VN anh hùng đó – ta vẫn cứ phải “TỐT” – có nghĩa là sao đây?

Nói thật, không thể luận thêm vì thấy nó kinh hoàng quá.

Từ cái lập luận (nó) xấu (ta) vẫn phải tốt của ông, toii xin hỏi ông rằng, trong 15 nước có biên giới chung với TQ (VN, Lào, Mianmar, Ấn Độ, Bhutan, Sikkim, Népal, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Cazakhstan, Nga, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên); có nước nào (ngoài VN) TQ xấu mà vẫn phải tốt với nó không?

Thưa ông TQL, chẳng có nước nào như thế - cho dù họ cũng sơn thủy tương liên – nhưng vẫn độc lập, tự cường – thậm chí, ngay cả Bắc TT quái dị vẫn cương cường trong quan hệ rất thẳng mực Tàu với… Tàu!

Rõ ràng, cách lập luận do láng giềng xấu, ta phải nhẫn nhục, chịu đựng là lối nói cực kỳ ngụy biện, chỉ nhằm biện giải, bao che cho rất nhiều mưu đồ đen tối phía sau mà nhân dân ta, chẳng ai lạ gì…

Thưa ông TQL!

Ông đừng lên lớp thuyết trình rồi lại tung cả cuộn băng ra cho cả thế giới chê cười nữa. Ít nhất, nghe - xem xong cái clip tai họa này, Đề án Xuất khẩu Cử nhân Thạc sĩ sắp tới chắc chắn phá sản: GS.TS mà như thế, bố bảo nước nào dám nhập các trình thấp tè tè tít tận phía sau để mộng mơ phát triển… giật lùi!…

Hà Văn Thịnh
Huế, 14.3.2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cơ khổ!

Vợ béo bạo hành


Thương cho một tấm thân gầy
Bị hơn tạ thịt vần vầy thế kia
Cũng là một kiếp nam nhi
Mà sao nhiều lúc vừa đi vừa bò








Bonus thêm mấy ảnh chồng gầy vợ béo, hị hị...












Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

tư liệu ngâm dấm ớt:


Đổi mới lần 2: 2/3 chúng ta chống lại 1/3 chúng ta

Đổi mới lần 2: Ai làm, đi đâu?
Cuộc tranh luận về ai sẽ đứng mũi chịu sào cho Cuộc đổi mới đợt hai, đổi mới ra sao và để làm gì đang diễn ra giữa chính phủ, các chuyên gia kinh tế, tài chính và giới kinh doanh trong nước. Các cuộc bàn thảo này, được tấp nập thực hiện trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế hoạch "Đổi mới" đợt hai, hay "Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2" của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Đổi mới lần 2 ai làm, đi đâu? 
Ông Lê Kiên Thành (con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn) đã kêu gọi một cuộc đoàn kết nội bộ để chống lại những kẻ “nội thù” chống Đổi mới lần 2. Ông vận động: "Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ."


Việt Nam, sau 30 năm Đổi mới là một Thanh niên đã lớn nhưng chưa đứng vững bằng đôi chân mình. Trước mắt anh ta là một xã hội bất công nhiều mặt, giầu nghèo cách biệt và những đặc quyền đặc lợi đã nằm trong tay các phần tử có chức có quyền.

Sau lưng còn lại là những lời hứa dân chủ, công bằng và văn minh đã bị lãnh đạo bỏ quên vì họ sợ đổi mới chính trị sẽ mất quyền cai trị đất nước.

Trong bối cảnh như thế là cuộc tranh luận về ai sẽ đứng mũi chịu sào cho Cuộc đổi mới đợt hai, đổi mới ra sao và để làm gì đang diễn ra giữa chính phủ, các chuyên gia kinh tế, tài chính và giới kinh doanh trong nước.

Các cuộc bàn thảo này, được tấp nập thực hiện trước thềm Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về kế hoạch "Đổi mới" đợt hai, hay "Tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2" của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Quyết định Đổi mới đầu tiên diễn ra năm 1986 tại Đại hội đảng lần thứ VI đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư đảng. Và đợt "Tái cơ cấu" đầu tiên bắt đấu từ năm 2012, một năm sau khi ông Trọng được khóa Đảng XI bầu vào chức Tổng Bí thư, đồng thời có quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương để tham mưu cho Đảng "về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội."

Đã thấy gì sau 30 năm?

Nhưng sau 30 năm đổi mới, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam ra sao?

Thắc mắc này đã được Tiến Sỹ Lê Kiên Thành, con trai nguyên Tổng bí thư đảng Lê Duẩn trả lời trong bài viết "Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai", do báo An Ninh Thế giới (Bộ Công an) phổ biến ngày 19/02/2017.

Ông Thành là một thương gia thành công trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Minh (TP.HCM).

Ông viết: "30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 - và cuộc đổi mới này - giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!

Cái được mà kinh tế thị trường (KTTT) mang lại đã rõ, nhưng mặt trái của nó cũng khốc liệt không kém.

Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN (Xã hội Chủ nghĩa). Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.

Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất của nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.

Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.

Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân."


Chữ nghĩa của ông Lê Kiên Thành không phải để nói cho vui tai. Chúng phải được coi là những viên đạn bắn thẳng vào hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Nó cho ta thấy tham nhũng, lợi ích nhóm, tình trạng bao che cho nhau, cấu kết rút ruột nhân dân và là nguyên nhân của bất công xã hội kéo dài trong nhiều năm thối nát của giới cầm quyền.

Nhưng quan trọng hơn là đảng đã phản bội lời hứa cứu đói, giảm nghèo và tạo công bằng xã hội cho nhân dân.

Những con số

Hậu thuẫn cho cáo buộc của ông Thành, báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin ngày 20/07/2016, dựa vào báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, theo đó rất nhiều Doanh nghiệp Nhà nước đã thua lỗ trong nhiều năm mà vẫn được giúp cho tồn tại.

Điển hình như trường hợp Tổng Công ty tầu biển Vinalines. Báo VietNamNet tường thuật: "Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại."

"Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Trong đó, cái tên Vinalines liên tục được nhắc đến. Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ Vinalines thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 chỉ vỏn vẹn 0,46% vốn đầu tư.

Hay Công ty mẹ Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con thì có tới 6 công ty thua lỗ với 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL, Cổ phần Khóa Minh Khai."

VNNET cũng cho biết: "Cơ quan kiểm toán không quên “điểm danh” việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều “ông lớn” nhà nước góp vốn vào các DN (doanh nghiệp) có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Trong đó, có những khoản đầu tư vào các DN có số lỗ lớn hơn cả vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Chẳng hạn, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV đầu tư vào Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc. Đơn vị này có số vốn chủ sở hữu là gần 210 tỷ đồng nhưng lỗ đến trên 852 tỷ đồng.

Nhiều khoản đầu tư vào các đơn vị có lỗ lũy kế lớn. Chẳng hạn PVN rót vốn vào Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) lỗ gần 1.500 tỷ đồng,...

Khi góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết, các “ông lớn” nhà nước cũng không thu được nhiều thành quả.

Tổng công ty Lâm nghiệp có 6 công ty liên doanh, liên kết thì lỗ lũy kế 54,7 tỷ đồng và 657.218 USD; Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tới 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà đầu tư chứng khoán trái quy định, không hiệu quả. Đầu tư chứng khoán chỉ do cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc quyết định, không thông qua Hội đồng quản trị theo quy định. Kết quả đầu tư chứng khoán từ 24/9/2007 đến 31/12/2014 lỗ trên 18 tỷ đồng."


Dân được gì?

Bài viết “nặng ký” của con trai nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được thảo luận rộng rãi trong nhiều giới ở trong nước, nhất là khi bài này lại được chính thức phổ biến trên báo của ngành Công an, nơi em ông Thành là Thiếu tướng Lê Kiên Trung đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Nhưng liệu có ai đứng sau chống lưng để ông Thành được tự do phát biểu những lời nói như chọc vào tai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị như thế chăng?

Hay là ông Thành đã được linh tính báo cho biết có khuynh hướng muốn lái đảng đến chỗ tự tan nên ông mới hô hào phải “đổi mới” mạnh hơn để cứu đảng thoát trận cuồng phong?

Dù thế nào chăng nữa thì những gì ông Lê Kiên Thành đã nói những điều mà rất nhiều người, kể cả các đảng viên kỳ cựu hay “lão thành cách mạng”, hoặc tranh đấu dân chủ không dám hé răng cũng đã gây nhiều tiếng vang.

Chẳng hạn như khi ông viết thẳng như ruột ngựa: "Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng."

"Thế hệ chúng tôi ngày xưa, dù học ở nông thôn hay ở thành thị, thì sự chênh lệch cũng không đáng kể. Nhưng giờ cứ nhìn cách mà những đứa trẻ thành phố được thừa hưởng nền giáo dục, tôi hiểu rằng có ít vô cùng những cơ hội để những đứa trẻ nông thôn có thể cạnh tranh được với những đứa trẻ thành phố khi chúng trưởng thành. Đó là điều vô cùng không công bằng."


Ai làm chủ đất nước?

Hoặc như: "Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền.

Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác.

Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh."


Tuy nhiên ông Lê Kiên Thành không đỏi đảng cũng phải "đổi mới chính trị" để nhân dân thực hành quyền làm chủ đất nước. Nhưng hẳn ông cũng biết "công bằng, dân chủ và văn minh" chỉ có thể xảy ra khi có chính quyền thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Vì chính quyền hiện nay chỉ là “của dân” trên bánh vẽ nên “dân chủ” và “tự do”, dù đã quy định trong Hiến pháp, vẫn còn là giấc mộng xa vời.

Hãy nghe ông Thành nói tiếp: "Như tôi đã nói ở trên, cuộc đổi mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm. Ví dụ năm 1986, nếu trong 10 điều chúng ta sợ hãi, có lẽ chúng ta đã bỏ được 4 điều. Chỉ bỏ được 4 điều đó thôi, thì nó đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo.

Nhưng có một vấn đề nảy sinh là sau 30 năm, chúng ta bỏ được 4 điều, nhưng xã hội chúng ta lại nảy sinh ra 10 điều mới khác cộng với 6 điều của cái cũ mà lẽ ra chúng ta nên làm nhưng chưa dám làm, nó khiến cho vấn đề của chúng ta hôm nay không kém trầm trọng, không kém thách thức hơn 30 năm trước. Thậm chí, có những vấn đề còn phức tạp hơn 30 năm trước."


Nếu ai đó, kể cả giới Đại biểu Quốc hội dám phát biểu như ông Lê Kiên Thành thì cả nước đã vỗ tay hoan hô, báo chí nhà nước cũng đã vào cuộc để “tát nước theo mưa” lấy điểm để cho Bộ Thông tin và Truyền thông khoe Việt Nam có tự do báo chí.

Rất tiếc ước mơ này đã không xảy ra, nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy Ban Tuyên giáo chỉ đạo thợ viết nào đứng ra phản bác bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành.

Thế chính trị khá đặc biệt của ông Lê Kiên Thành trong tình hình chính trị Việt Nam đầu năm 2017 còn chứng minh bằng lời nói khá thẳng thắn của ông: "Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ.

Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB (chủ nghĩa Tư Bản) vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại."


Cảnh giác nội thù

Sau khi không ngại nói thẳng ra những thói hư tật xấu của đảng sau 30 năm gọi là đổi mới, Tiến sỹ Lê Kiên Thành đặt nghi vấn: "Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới?

Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ."

"Nhưng đến hôm nay", ông Thành nhấn mạnh, "chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi."


Người con trai của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn không đi xa hơn nên khó mà biết ông đã ám chỉ thành phần nào đang mưu toan chống đổi mới lần 2. Nhưng ai cũng biết chỉ có những kẻ có chức có quyền mới có thể tham nhũng và tạo phe cánh để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Chính thành phần này mới sợ mất quyền lợi khi đổi mới lần này còn có nghĩa “phải thanh toán cái cũ và những con người không còn hợp thời nữa”.

Vậy có phải chúng là những phần tử mà Nghị quyết trung ương 4/Khóa đảng XII gọi là thành phần đang “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” chăng?

Chúng là ai kệ thây. Chỉ biết ông Lê Kiên Thành đã kêu gọi một cuộc đoàn kết nội bộ để chống lại những kẻ “nội thù” chống Đổi mới lần 2. 

Ông vận động: "Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ."

Kinh tế nhà nước của ai?

Dường như lời cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiến Thành đã “chạm” đến quyền lợi của một bộ phận vẫn muốn Kinh tế nhà nước (KTNN), trong đó có Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải “giữ vai trò chủ đạo”.

Phản ứng này xuất hiện trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 13/03/2017, qua bài viết của Tiếc sỹ Lê Hữu Thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông Lê Hữu Thành giáo đầu: "Nói đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của một bộ phận kinh tế nào đó tức là nói đến tầm quan trọng của nó và tính chất quyết định của nó đối với một chế độ xã hội. Bộ phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng phát triển. Như vậy, việc Đảng ta xác định: “KTNN giữ vai trò chủ đạo” là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quy luật phát triển."

Sau đó ông lý luận: "Phần KTNN không chỉ bao hàm doanh nghiệp nhà nước, mà còn bao hàm sức mạnh kinh tế đứng đằng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước; bao hàm khả năng tổ chức và hoạch định chính sách đúng đắn của Nhà nước; bao hàm sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, thành phần KTNN có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội để phát triển tất cả các thành phần kinh tế. KTNN nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó, nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng đã định. KTNN là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn, giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. KTNN còn đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân. KTNN tham gia vào những lĩnh vực khoa học, công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao…"

Quanh co “bảo hoàng hơn vua” như thế nhưng ông Tiến sỹ Hữu Thành này đã làm như không biết vô số kể các Doanh nghiệp Nhà nước hay các Tập đoàn Kinh tế của Nhà nước đã ăn hại đái nát và phá hoại nền kinh tế quốc gia bao nhiêu năm rồi?

Mặt trái của chúng đã bị Tiến sỹ Lê Kiên Thành phanh phui ra cho cả nước thấy. Viện Kiểm Toán nhà nước cũng đã phải công khai hoá những cái vòi bạch tuộc hút mất không biết bao nghìn tỷ đồng tiền của dân trong báo cáo năm 2014 như đã trình bầy ở trên.

Nhưng vì không muốn nhìn nhận đảng đã thất bại ê chề trong 30 năm lãnh đạo nền kinh tế gọi là "thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa" chả ai hiểu là cái quái gì nên ông Hữu Thành vẫn khăng khăng nói như máy nước chảy rằng: "Về mặt chính trị, KTNN là “hòn đá thử vàng” để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi vì, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo và thành phần này phải ngày càng phát triển trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nếu không củng cố và tăng cường KTNN thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội. Không thực hiện tốt vai trò chủ đạo của KTNN thì cũng không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa, nói tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội."

Đi ngược đầu?

Ông Hữu Thành còn quan trọng hóa vai trò của những DNNN nằm trong KTNN để tuyên dương chúng là những: "Người lính đi đầu" trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong cuộc chiến chống đói, nghèo và tụt hậu. Ngay cả những người phản biện nghiêm khắc nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước cũng không thể phủ nhận được thực tế đó."

Nhưng cũng rất thực tế là chẳng có nhà kinh tế nào hiểu nổi đường lối "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" giở giăng giở đèn của đảng và nhà nước Việt Nam. Ngược lại ai cũng thấy rõ nhà nước muốn nắm hết và giành hết những khối tiền mồ hôi và nước mắt của dân để độc quyền kinh tế, tự mình thao túng và kiểm soát thị trường để bảo vệ quyền lợi cho đảng cầm quyền.

Chính vì khối DNNN đã phá hoại kinh tế quốc gia trong nhiều năm nên The Global Debt Clock trên trang Economist.com, tính đến thời điểm hiện tại (2017), nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD (U.S. dollars), tương đương 45,6% GDP (gross domestic product, san lượng nội địa), chia bình quân đầu người là 1.039 USD, mức gia tăng nợ là 9,3% /năm.

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng chỉ là nền kinh tế làm thuê, hay gia công cho nước ngoài để sống. Kinh tế Việt Nam đã được chứng minh không thể tồn tại nếu không có đầu tư và viện trợ từ nước ngoài.

Và nền kinh tế này cũng không thể sống qua ngày nếu không lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.

Do đó, không có gì là cơ bản khi thấy ông Tiến sỹ Hữu Thành vẫn hồ hởi trên báo QĐND: "Như vậy, xét trên cả 3 khía cạnh kinh tế, chính trị và xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, KTNN giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn, cần thiết. KTNN là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

Hô hoán như thế thì rõ ràng là ông Hữu Thành chưa đọc bài viết của Tiến sỹ Lê Kiên Thành và nghe lời phát biểu của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại buổi tọa đàm về chủ đề "Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo" được tổ chức tại Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 12/1/2017.

Nhiều người quan ngại kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều trong xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vì Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP (Trans Pacific Partnership), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển hy vọng có thể có một môi trường đầu tư tốt do hiệu quả cải thiện của những năm trước, đặc biệt là ở năm 2016 sẽ phát huy tác dụng cao hơn ở 2017.

Ngoài ra nền kinh tế còn có yếu tố động lực từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến tăng cầu nội địa, rồi khu vực doanh nghiệp tư nhân bắt đầu khởi sắc, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thời báo Kinh tế: "Về lực cản, ông Tuyển nói, thứ nhất là có nguy cơ bất ổn của kinh tế vĩ mô không được giải quyết. Nợ công tăng, nợ xấu không được giải quyết, đặc biệt là nợ xấu trong ngân hàng không được giải quyết cơ bản.

“Lực cản cực lớn, theo ông Tuyển chính là tăng tưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư, vẫn dựa vào xuất khẩu chứ không dựa vào các ngành có giá trị gia tăng cao.

Có chấp nhận giảm tăng trưởng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nền kinh tế thực sự hay không là vấn đề cần đặt ra, vừa muốn tái cơ cấu vừa muốn tăng trưởng cao trong ngắn hạn thì rất khó."


Như vậy thì Cuộc đổi mới lần hai sắp diễn ra tại Hội nghị Trương 5 của đảng CSVN chưa biết sẽ đi về đâu vì định hướng của Hội nghị này còn phải tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Chính quyền Mỹ Donald Trump đối với kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới.

Ấy là chưa biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nhóm nào ở Việt Nam sẽ cầm đầu cuộc đổi mới sinh tử lần này như cảnh giác của Tiến sỹ Lê Kiên Thành. -/-

(03/017)

© Phạm Trần

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ra Đi Tự Thuở Em Về





Ra đi tự thuở em về
Phía bên kia nắng ngô nghê tôi ngồi
Đếm đời trên bạc bẻo vôi
Trầu xanh cuốn vội, ly bôi nhạt nhòa
Sai mùa cau chệch nhành hoa
Dáng hài mảnh khảnh hiên nhà đá gan

Ra đi trước độ xuân tàn
Lời yêu nửa tiếng rơi vàng bến sông
Lần tìm dưới những cơn giông
Rác lều bều bẩn cánh đồng xanh xưa
Đất lầy vuốt mặt ngày mưa
Khoanh tròn khoảng lặng cho vừa tên nhau

Ra đi sót lại vết đau
Những tì chai cũ lên màu gỉ nâu
Cho dù gió cuốn về đâu
Trăng vằng vặc nhớ qua cầu ván buông
Gần nhau bóng đổ tròn suông
Vừa xa một thẻo giọt buồn ngang vai

Trâm anh biếng chải, lười cài
Cội nguồn phẳng lặng tình ai oán tìm
Máu hồng quay lại buồng tim
Nuôi từng ảo vọng thôi chìm khơi sâu
Từ đi tóc bạc phếu đầu
Em về đen mắt cơ cầu tôi mang...

04.04.2015

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang