Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Truyền thông xã hội thay đổi nền dân chủ như thế nào?


truyen thong xa hoi
Nguồn: “How are social media changing democracy“, The Economist, 28/03/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Donald Trump có thể không thích hợp để trở thành tổng thống của nước Mỹ, nhưng rõ ràng ông là một bậc thầy về truyền thông xã hội. Những dòng tweet thường gây sốc đã giúp ông trùm bất động sản-hóa-chính trị gia này có hơn 7 triệu người theo dõi trên Twitter. Và hầu hết các thông điệp của ông lại được nhìn thấy bởi hàng triệu người khác vì chúng được đăng lại hàng ngàn lần và bao phủ rộng khắp trên các phương tiện truyền thông chính thống. Do đó, chiến dịch của Trump là bằng chứng về tầm quan trọng của truyền thông xã hội đối với chính trị và tất cả các loại hành động tập thể khác. Điều này đang thay đổi nền dân chủ như thế nào?
Các nhà khoa học chính trị từ lâu đã chỉ ra rằng truyền thông xã hội khiến cho các nhóm chung lợi ích được tổ chức dễ dàng hơn: chúng mang lại tiếng nói và quyền lực cho những người bình thường. Ví dụ, theo một nghiên cứu gần đây của Deen Freelon của Đại học American University ở Washington, DC, chúng đã giúp Black Lives Matter, một phong trào chống lại bạo lực đối với người Mỹ gốc Phi, diễn ra thành công. Nhưng nghiên cứu về một tác động khác chỉ mới bắt đầu: truyền thông xã hội cũng đang khiến cho các hành động chính trị và tập thể trở nên “hỗn loạn” hơn, một cuốn sách mới có tựa đề Political Turbulence [Chính trị hỗn loạn] đã chỉ ra như vậy.
Theo các tác giả, phần lớn trong số họ làm việc tại Viện Internet Oxford, việc huy động người tham gia thường bùng nổ một cách dường như ngẫu nhiên. Ví dụ, hầu hết các kiến nghị trực tuyến chỉ thu hút được một số lượng nhỏ những người ủng hộ. Sự thành công không phụ thuộc vào bản thân vấn đề – những vấn đề tương tự thường tạo ra những kết quả khá khác nhau – mà phụ thuộc vào tính cách của những người tham gia tiềm năng. Ví dụ, những người hướng ngoại có nhiều khả năng sẽ phản hồi hơn vì họ rất nhạy cảm với “thông tin xã hội”: họ thấy rằng những người khác đã ký kiến nghị và biết rằng sự ủng hộ của họ cũng sẽ được nhìn thấy.
Kết quả là, nếu đối tượng tiếp nhận ban đầu của đơn kiến nghị bao gồm đủ những người có lối suy nghĩ phù hợp, thì nó có thể nhanh chóng thành công (tương tự là các hashtags Twitter về chính trị, xem biểu đồ trên). Vì thế, chính trị trong thời đại truyền thông xã hội nên được hiểu tốt hơn thông qua lý thuyết hỗn loạn (chaos theory)[1] hơn là các lý thuyết khoa học xã hội thông thường. Hành động tập thể trực tuyến có đôi chút giống như thời tiết: những sự kiện nhỏ có thể có một tác động lớn. Kết luận hấp dẫn của cuốn sách là: truyền thông xã hội đang làm cho các nền dân chủ trở nên “đa nguyên” hơn, nhưng không phải theo nghĩa thông thường của từ này, mà liên quan đến (sự tham gia của) các nhóm đa dạng nhưng ổn định. Thay vào đó, các tác giả nhìn thấy sự xuất hiện của một sự “đa nguyên hỗn loạn”, trong đó sự huy động quần chúng diễn ra từ dưới lên.
Một ngày nào đó, theo các tác giả, chúng ta sẽ có thể dự đoán được, và có lẽ thậm chí là gây ra được, những đợt sóng truyền thông xã hội như vậy, theo cùng một cách mà các nhà khí tượng có thể dự báo thời tiết. Câu hỏi lớn là: ai sẽ là người dự báo thời tiết chính trị đó? Chỉ có hai nhóm chắc chắn sẽ tiếp cận tốt với dữ liệu truyền thông xã hội và có đủ nguồn lực để phát triển phần mềm để lọc các dữ liệu đó: một là những người khổng lồ trực tuyến, chẳng hạn như Facebook và Google, và nhóm còn lại là các chính phủ. Vì vậy, truyền thông xã hội, cũng như các hình thức khác của công nghệ, sẽ ảnh hưởng đến chính trị theo cả hai mặt: chúng đang làm cho các xã hội dân chủ hơn, nhưng chúng cũng sẽ cung cấp cho những người cầm quyền những công cụ kiểm soát mới.
—————-
[1] Thuyết hỗn loạn nghiên cứu hành vi và điều kiện của các hệ thống động lực (dynamical system) nhạy cảm với điều kiện ban đầu, thường được gọi là hiệu ứng cánh bướm(butterfly effect). Những điều kiện ban đầu khác nhau không nhiều có thể mang lại những kết quả hoàn toàn khác nhau đối với các hệ thống như vậy, khiến cho việc dự đoán kết quả cuối cùng trong dài hạn nói chung là không thể thực hiện.
Về mặt ngữ nghĩa, từ “hỗn loạn” (chaos) trong ngữ cảnh khoa học mang nghĩa khác với thông thường được sử dụng là trạng thái lộn xộn, thiếu trật tự. Từ hỗn loạn trong thuyết hỗn loạn chỉ một hệ thống có vẻ như không có trật tự nào hết nhưng lại tuân theo một quy luật hoặc nguyên tắc nào đó. (theo Wikipedia)
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/05/09/truyen-thong-xa-hoi-thay-doi-dan-chu/#sthash.7pCHVzF9.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ vụn


ĐƯỜNG RỪNG
Tại dòng sông cạn mãi
Ta đành phải lên bờ
Giã từ con thuyền nhỏ
Bạn bầu cùng nắng mưa!
Nhớ đôi bờ thương mến
Vạt ngô xanh sững sờ
Người lái đò bịn rịn
Mắt nâu buồn mơ hồ..
Bao bến bờ xa lạ
nơi dừng chân mịt mù
Đâu bếp lửa đỡ giá?
Giữa nơi rừng hoang vu..
Cánh rừng không muông thú
khi xuân về chưa hoa
không tiếng chim để nhớ
cây mới trồng lơ thơ..
Vừa đi vừa ngẫm ngợi
đã hoàng hôn lưng đồi
Đêm nay ai là bạn?
Xa vẳng xa cuối trời..


HỌC LÀM THƠ ĐƯỜNG
Không may lạc bước đến thôn buồn,
Suốt ngày thì thẫm chuyện bán buôn
Buôn đất, buôn nhà, buôn bạc giả
Mấy người còn nhớ đến lòng son?

Bao nhiêu bạn cũ xa vắng cả
Còn lại mình tôi
nơi đầu non
Sống ở quê nhà như đất lạ
hàng xóm hình như cũng lạ luôn!

Bao nhiêu gắng gỏi thành vô ích..
Mài đất làm kim trí hao mòn!
Bao giờ hạc trắng về quanh núi?
Bao giờ non nước
thực nước non??

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc đổ bộ

Cuộc đổ bộ lẫm liệt của mùa xuân
 
Mê man giải phóng khỏi đô thị nghẹt thở, những đập thuỷ điện treo
chực chờ quả bom sắp nổ
Kiên trì xây đắp cho chính mình ngôi nhà dưỡng lão
Quá tuyệt khi đọc thông tin xàng xê nhảy từ lề phải sang lề trái
Sự thật cá chết tênh hênh phơi đầy bãi biển
Đòn tra tấn cân não là trò đùa giúp di chuyển nhanh hơn
Kẻ vô gia cư, dân oan, sư sãi, linh mục... túa ra khắp ngõ đường
Tự do / dân chủ / đối lập tuyệt đối dành cho loài cô đơn, lạc loài
Bầy bồ câu tị nạn trong chiếc lồng gắn song sắt tư tưởng ưu việt
Cuộc diễu hành những đám mây lang thang vô tình che khuất mặt trời hung bạo
Đánh lừa nhà ngôn ngữ học, sử gia ngô nghê học đua đòi theo vận mệnh đất nước
 
*
 
Tôi tự hỏi về cuộc đổ bộ lẫm liệt của mùa xuân vào khu vườn cũ
Vào giấc mơ, vào cuộc phản tỉnh, vào thân thể người yêu
Tôi tự hỏi đến lúc nào cuốn sách thật sự viết ra
Từ ký ức người điên, từ cơn bão cuồng nộ
Những con chữ run rẩy đậu trên trang giấy
Những con chữ như từng cánh bướm bay ra từ thế giới huyền ảo này.
 
 
Ngày tinh khôi ở Blao
 
Rừng thông vây kín chập chùng
Căn phòng lạnh vắng
Hoạ mi hót lung lay nắng mai vòm lá
Trang viết dở dang, ly cà-phê còn đó
Khói bếp nhà ai lửng lơ
Hương trà thơm thấm đẫm
Thực đơn hạnh phúc cho ngày để trống
Nhấm nháp những điều vụn vặt, gần gũi
Anh thanh thản dạo chơi cùng mây trắng
Khuôn mặt ngày tinh khôi ở Blao
Quyến rũ cùng nụ cười em rạng rỡ
Hiện ra ngay lối nhỏ vào nhà.
 
 
 

lão vẫn chưa chết

"Khi nào nằm mộng thấy ngựa thần màu trắng về đón thì sẽ là lúc sắp được về thế giới bên kia!” - Lão mơ màng nghĩ đến lời báo mộng đầy ám ảnh. Lâu nay, lão thường mơ thấy ngựa, có khi thấy đang phi nước đại, có khi thấy bị bầy ngựa giẫm đạp qua người, nhưng vẫn chưa thấy con ngựa trắng bờm hồng xuất hiện. Gần đây, lão cảm thấy mình có gì khang khác. Xưa nay, lão toàn nói dối, chưa hề thật thà, nhưng từ ngày mơ thấy ngựa về rầm rập, thỉnh thoảng lão đột nhiên buông những lời chân thật.
"Chúng ta lừa dối đã quen rồi, không thể thay đổi được!”, lão nói, như một lời thú tội muộn màng.
Ngựa trắng bờm hồng chưa xuất hiện, nhưng đã nghe tiếng hí như thác đổ vọng về từ thảo nguyên hun hút mù xa. Lão thảng thốt nghe ngóng, từ trong bản thể thẳm sâu vọng ra tiếng âm thầm của hàng loạt tế bào đang tự huỷ. Lão nói với bầy con cháu vô hồn đang đứng ngồi vây quanh: “Chính tao đã tham quyền cố vị, vì lẽ đó, chính tao sẽ không có kết cục tốt đẹp. Tao chống lại tao thì làm sao chống được!” Bầy con cháu không buồn, không vui, cũng không còn biết yêu thương hay căm giận nữa. Lời lão nói như dây cà dây muống chằng chịt xưa nay đã làm mệt những cái tai ngoan ngoãn. Họ nhìn lão bằng ánh mắt nghi ngờ và thỉnh thoảng lại loé lên niềm hăm hở chờ ngày đưa tang. Nhưng lão vẫn chưa chết. Ngựa thần màu trắng bờm hồng vẫn chưa về, lâu lắm!
Những kẻ dối trá sẽ chết trong dối trá, hoặc cái chết của họ cũng ẩn chứa những tình tiết không rõ ràng. Mấy bữa nay, trong thiên hạ xuất hiện nhiều điềm báo lạ lùng. Chim đang bay trên trời bỗng dưng sà xuống chết. Cá ngoài sông ngoài biển, trong ao hồ bỗng dưng chết trắng như khăn tang. Giữa chợ, trong công đường, người lương thiện tự dưng giết nhau moi gan ăn rồi băm nhỏ xác người vứt mỗi nơi mỗi mảnh. Lão nói đinh ninh: “Ngựa thần chưa xuất hiện, ta chưa chết được đâu! Ta chống lại ta, ta sẽ giết ta, nhưng chưa đâu…”
Xung quanh lão, tử khí bốc lên ngùn ngụt, tanh như vạc dầu của Diêm Vương vừa mở nắp. Đôi mắt lão mờ đục nhưng giọng vẫn còn rất trong, lão hét lớn: “Cẩn thận. Đừng để các thế lực thù địch xấu xa lợi dụng...” Trong khi lão đang luôn mồm hò hét bảo đám cháu con hãy cảnh giác với bọn bất lương nào đó thì người tứ xứ đổ ùn ùn về nhà lão đòi nợ, bàn chân chen chúc chật kín lối đi. Lão nói: “Khất!” Nhưng các chủ nợ hung hăng và kiên nhẫn. Họ lót dép, lót gạch đá ngồi quanh, mệt thì nằm luôn đó, trông lôi thôi, vất vưởng những oan hồn đòi nợ. Không phải nợ tiền bạc như lão tưởng, hoá ra là nợ xương, nợ máu, nợ sinh mạng...
“Trả con cho tao!”
“Trả chồng cho tao!”
“Trả ông nội lại cho tao, không được treo cổ ông ấy mãi như vậy!”
“Không được phơi xác con tao như vậy!”
Tiếng thét gào sắc như cật nứa, nhưng lão vẫn ngồi yên, giương cặp mắt trong suốt nhìn ra, như đui mù điếc lác... Thỉnh thoảng, lão nói một mình: “Ta đang chống lại ta, mình đang chống lại mình...” Có khi lão lại cười ha hả với lời thú tội trần trụi: “Dối trá là bản chất của ta!”
Bầy con cháu chạy quanh lão như đèn cù trong dịp trung thu. Lão vẫn điềm nhiên ngồi ăn. Càng già, lão càng khoẻ ăn. “Ăn không từ một thứ gì!” Lão nói, vừa nói vừa nhai rau ráu và phun nhổ tùm lum. Đã có bầy con cháu dọn dẹp, lo gì. Chúng ngoan ngoãn như lũ tiểu đồng trong ngày lễ. Cao hứng, lão ra lệnh: “Dọn dẹp cái đầu, cái óc tao cho sạch sẽ tươi mới xem nào, còn lâu tao mới chết!” Lũ tiểu đồng lại chạy quanh nhóm lửa. Chúng lấy óc lão ra phơi phóng, như người ta cạo lông con lợn trước khi quay chín trong lò. Từ trong óc lão, bầy rắn rết bọ cạp chui ra, bò lổm ngổm, vừa bò vừa cười khành khạch...
Sáng nay, một thầy lang bị đám lâu la của lão truy lùng và bắt được, tống ngay vào đại lao. Lão cười hể hả: “Cái bọn lang băm bắt mạch đoán mò, cho vào tù hết mới sáng mắt ra!” Có lần được mời đến khám bệnh cho lão, gã thầy lang ấy đã dám to gan lớn mật nói rằng: “Bệnh của nhà ngươi, trời cũng không cứu được, vì thối rữa từ bên trong rồi!”
Lão chỉ có một thú vui duy nhất là bắt bầy con cháu đem óc mình ra phơi phóng, gột rửa, tỉa tót. Trưa nay, khi lão nằm ngủ, óc của lão được đem ra phơi nắng, từ trong đó túa ra một bầy chuột chù hôi hám, vừa chạy vừa cười vừa đưa tay bịt mũi, vui như trẩy hội...
Trong khi bầy con cháu đang khều những con giòi to tướng ra khỏi óc lão thì lão rung đùi và khe khẽ hát. Những người chết già, trước khi chết vẫn thường hát hoặc cười, lảm nhảm vô nghĩa, đó hoặc là những đoạn hồi ức rời rạc được tái hiện, hoặc là hình ảnh chập chờn của cõi chết chiếu qua. Lão hát: Ta có một ham muốn, đó là được nói yêu thương tất cả mọi người bằng bài ca của tình yêu không bờ bến lá la la... Bài ca yêu thương chưa bao giờ toàn vẹn như máu và hoa tế thần hay nhưng con sâu tế cờ lóng lánh là lá la... Ta là ánh sáng giữa đêm đen và đem lại cơm no áo ấm cho những vì sao cô quạnh... bọn thù địch rồi sẽ tiêu vong la lá là la...
Lão hát mỏi mồm thì ngủ, bầy con cháu ngủ lăn lóc xung quanh, tử khí tụ về thành quầng như sương khói mùa thu bên bờ nhân gian thảm khốc...
Cho đến tận đêm nay, lão vẫn chưa chết. Lão vẫn không thôi mơ về ngựa, về những cuộc phi nước đại xé xác phanh thây voi giày ngựa xéo. “Ngựa thần chưa xuất hiện, ta chưa chết, ta còn ăn và hát mãi.” Lão nói vậy.
Lão ấy tên là…
Tên lão ấy dài ngoằng.
Có thể các bạn biết tên lão ấy.
Tôi biết tên lão ấy nhưng không dám nói ra.
Tôi sợ!
Tôi hứa với bạn, khi nào lão ấy chết, tôi sẽ nói tên lão ấy, ngay trong bản tin sớm nhất.
Tên lão ấy là…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giáo sư Đại học Harvard: 1 km đường ở Việt Nam đắt gấp 2 lần Mỹ, Trung Quốc!


“Đầu tư công của các bạn quá tốn kém hơn gấp 2- 3 lần so với những gì có thể nhận được, làm 1 km đường ở Việt Nam đắt hơn Mỹ nhiều!”, GS. David Dapice, Đại học Harvard, Mỹ cho hay.
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Ý kiến trên được GS. David Dapice đưa ra khi đóng góp tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về chính sách công nghiệp quốc gia Việt Nam ngày 10/3.
Trong bài tham luận của mình, vị giáo sư người Mỹ nãy đã nêu ra một số khó khăn sẽ cản trở kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng trong đó, ông nhắc đến vấn đề đầu tư công. Theo đó, Việt Nam đang đầu tư không hiệu quả.
“Giá làm 1 km đường ở Việt Nam quá cao so so với Mỹ”, GS. David Dapice cho hay.
Trên thực tế, khảo sát ý kiến từ các chuyên gia cầu đường cho biết chi phí đầu tư cho các dự án đường cao tốc ở Việt Nam bình quân cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thậm chí là Mỹ.
Số liệu từ sở Giao thông vận tải Hoa Kỳ (U.S. Department of Transportation), chi phí để làm 1km đường cao tốc 4 làn xe tại Mỹ dao động trong khoảng từ 5 triệu USD (khu vực nông thôn) – 24,4 triệu USD (khu vực thành thị).
Chi phí này tại một số nước châu Âu khác, ví dụ như Tây Ban Nha là 2,8 – 12 triệu USD, Na Uy là 14 – 18 triệu USD, Ba Lan là 7 – 19 triệu USD…
Còn ở các nước châu Á, ví dụ như Ấn Độ là 2 – 3,5 triệu USD, Trung Quốc là 4,4 – 11 triệu USD.
Trong khi đó, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài hơn 57,1 km đi qua Long An (2,4km), TP. HCM (26,4km) và Đồng Nai (28km) có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1,6 tỷ USD. Chia trung bình mỗi km đường tương ứng 25,8 triệu USD.
Cũng có ý kiến cho rằng việc xây đường cao tốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa hình, chi phí đền bù giải phóng, công trình phụ trợ… hay nên nhìn vào “lời ở phía sau” như ý kiến của TS. Phạm Sanh thì số liệu nêu trên chỉ là để tham khảo.
Tuy nhiên, ý kiến của GS. David đến từ ĐH Harvard đã đặt ra vấn đề khiến cho các chuyên gia trong Hội thảo phải suy ngẫm. Bởi lẽ, việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả sẽ có ảnh hưởng đến nợ công.
Bên cạnh vấn đề đầu tư công, GS. Người Mỹ cũng chỉ ra một số khía cạnh khác mà VIệt Nam cần phải cải thiện. Đó là việc cần phải có một hệ thống quản trị tốt hơn quản lý được nền kinh tế đang ngày một phức tạp hơn.
“Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng phức tạp hơn, nhưng không rõ hệ thống quản trị đáp ứng như thế nào. World Bank đánh giá quản trị của Việt Nam ổn định nhưng ở Indoniesia thì đã tăng 5 – 6 lần mức độ này, họ cải thiện tốt hơn Việt Nam. Đấy là thách thức đối với các bạn”, GS. Nói.
GS. David Dapice cũng cho rằng một số ngân hàng hay việc cổ phần hoá doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả cũng là những vấn đề Việt Nam cần lưu tâm và có những chính sách mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, góp ý cho Việt Nam ứng phó với bên ngoài trong bối cảnh thế giới ngày một phức tạp hơn, vị giáo sư này cũng đưa ra lời khuyên cho Việt Nam nên tận dụng các hiệp định thương mại đa phương vì ông cho rằng “đa thì tốt hơn song”.
(Theo Cafef)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

‘Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa’

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu/Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An


Zing - “Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này”, thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.

Đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Gạc Ma. 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ 604.

28 năm trôi qua, đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giáo viên Lịch sử, hải chiến Gạc Ma là một trong những sự kiện lịch sử lớn, phải đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Những người đã hy sinh cho đất nước phải được tôn vinh xứng đáng.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ bài viết với Zing.vn về thực tế vị trí của hải chiến Gạc Ma nói riêng, đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói chung trong sách giáo khoa hiện hành.

Thiếu sót lớn

Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam. 28 năm qua, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã quên dần sự thật lịch sử này. Nhưng, những người thân của các liệt sĩ Gạc Ma và cả đồng đội còn sống sót sau sự kiện vẫn không thể và không bao giờ quên nỗi đau đó. Vết thương chưa lành và vẫn còn đau, bởi sự kiện Gạc Ma đang nhạt dần và có nguy cơ biến mất.

28 năm, thời gian quá dài và quá đủ để chúng ta nhìn nhận lại một sự thật hiển nhiên, dù nó rất phũ phàng và đau xót. Rất đáng để chúng ta phải trăn trở là tại sao một sự kiện như thế nhưng không hề được nói một từ nào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành.

Rất nhiều tờ lịch treo tường hàng chục năm qua không hề nhắc đến các sự kiện biên giới phía Bắc (17/2/1979), biên giới Tây- Nam và các sự kiện liên quan chủ quyền biển đảo Hoàng Sa (19/1/1974), Gạc Ma (14/3/1988).

Một thực tế cho thấy nhiều học sinh phổ thông thắc mắc vấn đề chủ quyền 2 quần đảo (hiện nay là hai huyện đảo) Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Lịch sử. Và đương nhiên, các sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm như Hoàng Sa (1974), Gạc Ma (1988) cũng không được viết một dòng chữ nào.

Với góc độ giáo viên dạy Lịch sử trường phổ thông, tôi cho rằng đó là thiếu sót lớn, dù người ta cố tình biện minh với bất kỳ lý do gì.

Vấn đề này, sách giáo khoa cần minh bạch thông tin, nói đúng, nói đủ sự kiện. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) hiện nay thuộc quyền chiếm đóng và quản lý trái phép của Trung Quốc.

Nói đến sự kiện này, sách giáo khoa chỉ cần viết ngắn gọn: Âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma, từ đó nêu lên hệ quả của sự kiện này.

Sách giáo khoa cần khẳng định lại rằng cuộc đấu tranh đòi chủ quyển đã mất (Hoàng Sa, Gạc Ma và một số đảo khác) là vấn đề phức tạp, không dễ dàng. Dù xét về phương diện lịch sử và pháp lý quốc tế, Việt Nam đấu tranh đòi lại chủ quyền là hoàn toàn đúng đắn.

Nếu chúng ta cố tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên này, sẽ gây ra sự khủng hoảng niềm tin: Học sinh tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin trên các phương tiện truyền thông, Internet?

Sách giáo khoa phải tôn trọng và trả lại những sự thật lịch sử. Sự kiện Gạc Ma bị “quên” trong sách giáo khoa là điều khó chấp nhận.

Chúng ta không tưởng nhớ, tri ân đúng nghĩa các liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa nói chung, Gạc Ma nói riêng thì làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết trân trọng những giá trị lịch sử, từ đó có thái độ và trách nhiệm với Tổ quốc?

Nhắc lại sự kiện Gạc Ma 28 năm trước không phải nhằm khơi sâu mối thù hằn và sự tàn ác của chiến tranh, phá vỡ quan hệ hợp tác trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Nhưng thế hệ trẻ cần biết lịch sử để luôn đề phòng, cũng như tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân ngã xuống vì Tổ quốc, từ đó sống có trách nhiệm và yêu đất nước mình.

Vị trí của Trường Sa, Hoàng Sa trong sách giáo khoa

Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ và chưa có thêm dòng chữ nào về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Ở sách giáo khoa Lịch Sử lớp 7, bài 20: Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527), trang 95, hình 44, có Lược đồ Hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ, hoàn toàn không vẽ và không giải thích về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Bài 25: Phong trào Tây Sơn (trang 123, hình 57) có Lược đồ Tây Sơn khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến và chống quân xâm lược nước ngoài, có đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có thông tin nói đến chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.

Trong bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn (trang 135, hình 6) có Lược đồ các đơn vị hành chính thời Nguyễn (từ năm 1832), đánh dấu Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác, nhưng không giới thiệu thông tin nào về chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo này.

Tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, bài 27: Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954), trang 122, hình 53, có hình thái chiến trường trên mặt trận Đông Xuân 1953-1954. Dù đánh dấu vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa như bản đồ Việt Nam khác nhưng không giới thiệu thông tin về hoạt động của quân dân ta ở Hoàng Sa, Trường Sa trong những năm 1953-1954.

Đến bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1973-1975), trang 163, hình 77, có Lược đồ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đánh dấu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có vẽ đường mũi tên từ khu vực Cam Ranh ra Trường Sa, nhưng không một lời giải thích. Người đọc không thể hiểu vấn đề lịch sử chủ quyền ở đây như thế nào.

Với sách giáo khoa Lịch sử lớp 10, bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn, trang 126, hình 49, có Lược đồ các đơn vị hành chính Việt Nam thời Minh Mạng, vẫn đánh dấu vị trí  Hoàng Sa, Trường Sa như các bản đồ Việt Nam khác, nhưng không có lời giải thích về chủ quyền của Việt Nam.

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975), trang 193, hình 79, có Lược đồ diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giống như lược đồ của sách giáo khoa Lịch sử lớp 9. Học sinh cũng không thể nhận ra lược đồ này “thể hiện rõ quân ta giải phóng đảo Trường Sa từ tay quân đội Sài Gòn”.

Như vậy, hầu hết lược đồ chỉ xác định vị trí của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khung chung của một bản đồ nền chính thức Việt Nam hiện nay, mà không minh chứng cho vấn đề nào của chủ quyền biển đảo trong lịch sử. 

Ngoài ra, sách giáo khoa Lịch sử phổ thông đều không nhắc đến 2 sự kiện quan trọng liên quan cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền và bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo này sau năm 1975. Đó là sự kiện đầu năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng hòa và trận chiến Gạc Ma năm 1988.

Tôi là người dạy Lịch sử và các đồng nghiệp cũng rất mong muốn Bộ GD&ĐT, trong khi chờ sách giáo khoa mới, nên kịp thời chỉ đạo các trường, sở GD&ĐT trong cả nước bằng văn bản, để lồng ghép nói về công cuộc bảo vệ biên giới và chủ quyền biển đảo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lưu manh hóa trí thức



Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống: Một thương gia (doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bẩn không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, đọc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.
Theo số liệu thống kê cho biết: Cả nước hiện có hơn 9.000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1]. Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,…. Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh / suy yếu của một quốc gia.
Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế cho biết các chuyên gia WB tính toán “Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.” [2]
Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt, èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3]. Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên, Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học – sáng tạo – sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống… Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình… “sản xuất mì tôm”.
Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu trên toàn cầu như: Sam Sung, Huyndai. Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota. Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,… Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.
Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bi lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo (đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm), lãng phí cả khâu sử dựng (Nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).
Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng, dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đời mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẫn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.
Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chỗ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chiu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.
Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền Đất Hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…. Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình!? Để họ được cống hiến!?
Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm, muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống, để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là “nạn nhân” mà còn đồng thời là “thủ phạm”. Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:
– Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc, chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.
– Một thương gia (doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bẩn không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, đọc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.
– Từ Vụ sập cầu Cần Thơ, cho đến sập cầu cống, hàng loạt công trình thủy điện quốc gia công trình dân sự khác,… những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ thiết kế và xây dựng.
– Một nền giáo dục thay vì dạy con người ta cách học, nó chỉ dạy con người ta cách tin và phải đặt niềm tin vào đấy, kết quả tạo ra khg phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ cứ bắt thế hệ nối tiếp sau cứ tiếp tục đặt niềm tin. Bởi lẽ thế hệ này tiếp tục “dẫn dắt” (chăn dắt!?) thế hệ kia.
– Một công chức, phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua chạy chức, hối lộ cho người này, cho cơ quan kia để có cái ghế, cái chức. Khi có cái ghế, cái chức rồi lại quay lưng ra cướp phá, cướp bóc, hạch sách nhũng nhiều người khác để lấy lại những thứ mà mình từng bỏ ra. Và xem điều đó là lẽ đương nhiên và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn
– Một nhà báo, nhà văn, người cầm bút vì lợi ích cá nhân riêng, có thể nhẫn tâm bẻ cong ngoài bút, viết láo và viết liều để nhận được những đồng tiền bẩn tưởng chừng như chỉ làm tổn hại tới người đọc nói riêng và nền văn báo chí văn hóa nước nhà nói chung nhưng anh ta cũng đang tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố bịch trong mắt người đọc, vì người đọc bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu đúng, đâu sai. Bởi trước khi hốt bùn để ném vào mặt người khác, thì bàn tay anh ta cũng đã lấm bùn trước rồi…
Và cứ thế, mỗi người trong xã hội cứ tự hại mình và hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại người, nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh đạo và dẫn dắt tồi tệ.
Trong một xã hội, khi “sự thật” bị bóp méo, bị bẻ cong Trí thức Việt từ chỗ “người sáng” cũng trở thành “người mù”, người thẳng cũng thành “còng lưng”. Hoặc im lặng, cúi đàu chấp nhận để mà sống yên ổn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.
Với mức giá, mức lương hiện tại, Xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu, nâng cao chuyên môn,phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền, kiếm sống làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội.
Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn trong giới lao động trí thức trong Xã hội để rồi khi lên nắm quyền thì Vua quan thi nhau chia chác, nhũng nhĩu, quan liêu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội !
Chưa dừng lại ở đó, giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến: những người, lẽ ra, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo. Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi…) sao mày không giàu (sao mày không thể bán chút kiến thức để kiếm tí tiền tiêu cho sang trọng). Có lẽ câu nói đó hơi sống sượng. Nó hơi chợ búa. Nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân bạn thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, nó hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của một con buôn chứ không phải 1 trí thức.
Mặt khác, một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định, cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ. Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai, họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao. Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.
Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống, trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng chiệu đựng và thõa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.
Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị “lưu manh hóa”.
Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.
OH, 30/12/2012
Tiu Bi
_________________
[1] Số liệu Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra.
[2] Tính toán của các chuyên gia dựa trên báo cáo củ WB năm 2007
[3] Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc.
Facebook Comments

Phần nhận xét hiển thị trên trang