Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

TẠI SAO LẠI CẤM 5 BÀI HÁT ĐÃ ĐƯỢC CẤP PHÉP?



Câu chuyện âm nhạc:
TẠI SAO LẠI CẤM 5 BÀI HÁT ĐÃ ĐƯỢC CẤP PHÉP?

Nguyễn Phú Yên 
 
Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Các ca khúc bị tạm dừng phổ biến dù đã được cấp phép trước đó bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết đã xem xét nội dung ca từ 5 bài hát trên, đối chiếu với bản nhạc gốc, đã thẩm định lại và quyết định tạm thời dừng việc lưu hành các bài hát này (tuoitre.vn, ngày 11-3). 

Cục NTBD đã sai khi viết bài “Đừng gọi anh bằng chú” là của Diên An, đúng ra đó là bài hát của NS Anh Thy! Có gì đằng sau việc “nhỏ như con thỏ” này để một hội đồng nghệ thuật lao tâm khổ tứ đi soi mói các bài hát mà nhiều người đã biết từ mấy chục năm nay để rồi phải ra quyết định dừng lưu hành? “Tạm dừng” chỉ là cách nói để mọi người phải hiểu là cấm, không lẽ sau này lại ra quyết định dừng hẳn hoặc là được phép xài tiếp? Trong luật học, người ta gọi việc này là hồi tố. Vậy là Cục NTBD tự cho rằng trước đây mình làm ẩu vì thấy các bài hát này vô hại nên đã cấp phép, bây giờ phải sửa sai? Chuyện tức cười giống như chuyện con nít! Tôi đã từng xem nhiều danh sách các bài hát trước 1975 được phép sử dụng và nhận ra cách làm việc bất cẩn của Cục NTBD vì có rất nhiều bài hát có sau 1975 và nhiều bài hát nước ngoài được nêu ra ở các văn bản này. Điều đó minh chứng trình độ kém hiểu biết của những người thẩm định, chỉ biết dựa vào quyền uy để phán xét và ban ơn với não trạng của phe thắng cuộc. Tôi thật sự nghi ngờ khả năng thẩm định của những quan chức này; họ có đủ thẩm quyền và hiểu biết để nói về 20 năm âm nhạc của miền Nam trước đây không?

Trở lại với 5 bài hát kể trên, Cục NTBD dựa trên cơ sở nào để dừng các bài hát này? Không lẽ chỉ một lý do “đối chiếu với bản nhạc gốc, xem lại ca từ”? Từ năm 1976, phe thắng cuộc đã có quyết định xóa bỏ nền văn hóa miền Nam, trong đó quan trọng nhất là hai lĩnh vực văn chương và âm nhạc, mà họ phán xét các tác phẩm đó với ngôn từ vô cùng cay nghiệt: “chống cộng, phản động, đồi trụy”. Hãy chứng minh đi! Ủa, vậy sao bây giờ cho in lại sách cũ, đấu giá sách cũ, cấp phép phổ biến bài hát cũ chi vậy? Năm bài hát trên có tội tình gì mà đem ra “thẩm vấn” rồi ra “tòa phúc thẩm”? 

Ta thử xem ca từ bài “Cánh thiệp đầu xuân” (trích): “Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn/ Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình… Tôi chúc yên lành người người khắp chốn/ Mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì… Tôi chúc ngày mai dù đường xa vời/ Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi…”. Toàn là những lời chúc tốt đẹp ngày đầu xuân đối với mọi người, thậm chí trong bài không có từ “binh sĩ” như trong bài “Ly rượu mừng” đã được cấp phép mới đây.
(Hương Lan hát https://www.youtube.com/watch?v=rtrB7yLtj9Q

Bài “Rừng xưa” chỉ là chuyện tình của đôi lứa lúc chia xa: “Người về đâu hỡi người về đâu/ Có nhớ chăng một chiều bên suối mơ/ Nghe gió cuốn mây trôi về nơi xa tít chân trời/ Tình đã trao không lời/ Rồi mùa thu thương tiếc quá/ Anh nỡ đi trong lòng hoa xác xơ/ Ôi thắm thoát trôi qua mười năm quá xa rồi mà tình mãi còn vương/ Bao năm qua người ơi mang tin yêu cho đời/ Mong có ngày đoàn viên giữa suối reo triền miên/ Về với em nghe nắng mai chan hòa, nghe lúa vàng dâng tràn đầy hương yêu/ Người về đâu hỡi người về đâu/ Đây ước mơ của miền Nam mến yêu/ Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình tìm hạnh phúc ngày qua”.
(Hoàng Oanh hát: https://www.youtube.com/watch?v=R10wxL9WiEQ

Bài “Chuyện buồn ngày xuân” là bài hát tình buồn của người con gái lúc chia tay người yêu: “Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình/ Giữa đêm xuân lạnh lùng/ Chim xa bầy còn thương tổ ấm/ Huống chi người tội lắm anh ơi/ Xuân năm nào có nhau mình bên ly rượu đào/ Mùi quê hương ngọt ngào nhưng bây giờ người đi kẻ nhớ/ Đến bao giờ lòng hết bơ vơ/ Trùng dương sóng gào đưa anh vào tương lai mờ tối/ Em biết anh vì xôn xao trong phút giây kinh hoàng/ Đời anh đâu muốn phụ phàng nhưng tình vẫn ngăn đôi/ Khi bước chân lên tàu là ngàn năm ta chia phôi/ Thương anh em mới biết đêm dài/ Mới hay nước mắt tuôn trào vì ai/ Em xin dành trái tim để yêu anh trọn đời/ Khắc tên anh ngàn lời để mai này ngàn năm còn nhớ/ Đến câu chuyện buồn của đôi ta”.
(Thanh Tuyền hát https://www.youtube.com/watch?v=xYr_R779opY

Bài “Đừng gọi anh bằng chú” là tâm tình vui tươi của anh lính trẻ khi đi tán gái (trích): “Em ơi đừng gọi anh bằng chú/ Khi em em chín thơm hoa mộng/ Chưa vấn vương gì em lúc xuân thì/ Còn anh mới đôi mươi/ Đừng gọi anh bằng chú sợ ngăn cách đôi ta/ Em làm công chúa nhé anh tráng sĩ hiên ngang/ Tung hoành trên bốn biển khi tàu anh trở về quà anh sẽ cho em/ Xin em đừng gọi anh bằng chú/ Ô hay sao chú ưa mơ mộng/ Sao chú hay nhìn, sao chú hay cười làm con bé bâng khuâng…”.
(Trung Chỉnh & Phương Hoài Tâm háthttps://www.youtube.com/watch?v=GPFOPiLkgdQ

Bài “Con đường xưa em đi” nói về tình buồn của chàng trai khi chia tay người yêu (trích): “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê/ Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi/ Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về chiến trường anh bước đi/ Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe hỏi còn ai cố tri/ Em ơi nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời/ Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài…”.
(Đan Trường hát https://www.youtube.com/watch?v=B0pgSXCwEjY

Nếu xem lại ca từ các bài hát này, ta thấy chẳng có bài nào vi phạm các tiêu chí “chống cộng, phản động, đồi trụy” ở đây cả! Đó là những giai điệu gợi lên tình cảm nhân văn và quý giá mà người nhạc sĩ đã thể hiện được trong hoàn cảnh chiến tranh. Trong khi bộ mặt văn hóa hiện nay rơi vào thảm trạng tệ hại, cần bỏ công sức để chấn chỉnh và phát huy những giá trị tốt đẹp thì các quan “rách việc” đi xét lại việc cấp phép mà chính mình đã đặt bút ký tên vào đó!

(11-3-2017)
N.P.Y

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một cách dùng người khác...


>> Kỷ lục đùa giỡn, kỷ lục nhố nhăng
>> Từ vỉa hè, rõ ra nhiều điều về cán bộ
>> Dân tố phường 'bán' vỉa hè, nộp tiền hằng tháng


Danh Đức
(TBKTSG) - Than vãn theo kiểu “công tác cán bộ là phức tạp nhất, không có cách nào để chấm dứt dư luận được” hay hô khẩu hiệu “trải thảm đỏ đón nhân tài...” sẽ là lạc lõng ở một nơi như Singapore. Cách đây 13 năm, có nhà báo đã sửng sốt khi được đàm đạo với Ban giám đốc Sở Công vụ Thế kỷ 21 ở đảo quốc này. Chỉ mới ba mươi tuổi song họ đã tự tin giới thiệu rằng người ở sở đã đi học về hành chính khắp thế giới, đi để học kinh nghiệm thành bại của các nước... (1). Những nhà lãnh đạo trẻ đó là thí dụ sống động về cách dùng người gọi là meritocracy dựa trên cơ sở có xứng đáng (merit) với chức trách đó không. Càng hỏi thăm bộ ba lãnh đạo ấy, càng vỡ lẽ rằng trong đầu họ chẳng chăm chăm cái gọi là quyền để “làm mưa, làm gió”, càng không hề có ý “sinh sát” đặt ai lên, hay hạ ai xuống... Họ chỉ làm mỗi một công việc là động não để đưa ra hướng thay đổi cho những cái cũ bất toàn... Và cái bộ máy công vụ của đảo quốc ấy không hàm ý mỗi “chỗ” hay một “ghế” là cơ hội.

Dùng người theo năng lực không phải chỉ có ở Singapore. Một cô gái người Việt sang Mỹ học, tốt nghiệp môn xã hội học thấy Sở An sinh xã hội đăng bố cáo tuyển thực tập sinh, cô nộp đơn. Sau ba tháng thử việc, bà sếp bảo cô tuần tới mang quyết định nhập tịch vô nộp. Câu trả lời: “Tôi chưa có quốc tịch, mới chỉ có thẻ xanh thôi” của cô gái làm bà sếp ngạc nhiên. “Vậy sao lại nộp đơn vô đây?”. Cô gái thành thật: “Tôi đọc bố cáo không thấy đòi điều kiện quốc tịch nên cứ thế mà nộp”. Hài lòng với thời gian thử việc của cô gái bà buông một câu: “Được rồi, tuần tới, cô sẽ có!”. Tuần sau đó cô đi thi nhập tịch và đậu, đồng thời cũng được nhận vào đây làm.

Vậy là đã ba năm... mới tuần rồi, cô gái kể với cha mẹ ở Việt Nam thứ Sáu hàng tuần cô được làm ở nhà chớ không đến văn phòng, song vẫn được trả lương như đi khi đến đó. Vấn đề là sở của cô tin nhân viên và cho nhân viên đem việc về nhà làm. Còn có làm việc hay không làm việc, thì đơn giản quá, làm được cái gì, sẽ hiện ra rành rành.

Còn đây là chuyện khác của một nữ du học sinh cách đây hơn chục năm. Một dịp cô về thăm nhà khi học xong năm thứ hai đại học cộng đồng. Được gia đình dẫn đi ăn buffet hải sản, thấy cả nhà vô thẳng bàn mà không mua vé cô nhắc: “Nhà hàng không bán vé trước như vậy coi chừng bị mất tiền đó!”. Thấy tiệm vắng khách và nhiều nhân viên phục vụ đứng tụm lại nói chuyện, cô lại “bình” tiếp “ở chỗ con làm, vắng khách như vầy sau 4 tiếng là cho về rồi”. Hỏi ra mới biết từ mấy tháng nay cô được giao làm quản lý vào ngày cuối tuần cho một tiệm bán hamburger. Một người trong gia đình hỏi vặn cô gái nếu làm người quản lý ở đây cô có dám cho những nhân viên này nghỉ không? “Dám chớ, bằng không thì lỗ. Với lại, phục vụ không được đứng nói chuyện, phải làm chuyện khác, ít nhất cũng là lau dọn bàn...”. Gần chục năm sau có dịp gặp lại ở San Jose (Mỹ) cô tâm sự dù chỉ học đại học cộng đồng nhưng bây giờ cô quản lý cùng lúc ba tiệm hamburger và một nhà kho ở thành phố này. Mỗi ngày cô phải tính ngày mai nhập kho bao nhiêu bánh, bao nhiêu thịt, sốt... cho vừa sát.

Người học cao hơn chưa chắc đã đảm đương được khối lượng công việc như cô đang làm. Năm nào cô cũng phải đi học mấy khóa huấn luyện nâng trình độ.

Điều gọi là meritocracy ấy thật đơn giản: (1) tuyển người vào làm chỉ vì người ấy đúng khả năng và đủ năng lực cho vị trí ấy, xứng với chỗ ấy, đơn giản “đúng người, đúng việc”; (2) chẳng việc gì phải nâng việc tuyển người là chọn “nhân tài” hay “trải thảm đỏ” cả; (3) càng không nên đề cao khẩu hiệu “tài, đức” khiến sự việc trở thành những chuẩn “siêu hình” và cuối cùng (4) không “siêu hình hóa” sẽ không biến thành một “sân chơi” riêng!

(1) http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20040926/chia-khoa-phat-trien-cua-singapore/49379.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHÉP THỬ



                                                                           Truyện ngắn HG

                  - “Tôi đi trước, nó đi sau.. Nó luôn cách tôi hơn nửa bước chân, như bóng với hình, như một quy ước, như là cách tự bảo vệ mình.
Chúng tôi đi ra khỏi làng khi sương mùa đông của một buổi sớm chưa tan hẳn. Ngoài đồng đã nghe tiếng đập đất bì bụp.
Quê tôi nghèo lắm, đất đai lại không mầu mỡ gì. Người ta vẫn phải đập đất bằng tay. Cái vồ bằng gỗ gần giống quả đạn B40, dài độ ba chục phân, đục cái lỗ tròn ở chính giữa, đóng cái cán bằng tre dài. Tùy theo sức lực, tầm thước mà làm cán vồ dài hay ngắn, nặng nhẹ theo ý mỗi người.
Xã viên thì sắp một hàng dài, từng chập vồ giơ lên, đập xuống rất  đều, đám đất trước mặt hàng người bụi đất vẩn lên một vùng.
Cho cả đến khi trời đã lên cao, tầm nhìn thật xa mà đám người vẫn không nhìn rõ mặt.
Bụi đất đã lan cả một vùng, từ đầu bờ bên này sang đầu bờ bên kia như một cơn lốc, cuộn tròn chầm chậm di chuyển.
Những cảnh như thế chúng tôi không lạ, nhưng hôm nào chúng tôi cũng nhìn rất lâu mỗi khi đi ngang qua. Trong đầu vang lên câu nói ám ảnh tuổi trẻ ngay dại của mình: “Dù có phải nhịn đói cũng phải đi học để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn”. Đó là câu cửa miệng của bất cứ bà mẹ, ông bố nào có con bằng lứa tuổi chúng tôi.
Không phải câu nói suông, phần nhiều nó là sự thật, rất thật. Hầu như đến quá nửa những buổi đi học sớm như thế, tôi đều nhịn đói, vì không có gì ăn, vì sợ không kịp học, vì đến trường phải đi bộ khá xa..
 Có hôm ngồi trong lớp, đói hoa cả mắt. Nhìn cô giáo đang cáu bẳn lại thành ra cô đang cười. Chữ viết cứ chập chờn trên trang vở trước mắt như đàn kiến đang bò, đi đẩu đi đâu.
Vào một hôm như thế, khi chúng tôi đi ngang qua cánh đồng của mình, bất chợt phía sau cây gạo có ba cái bạnh rất to ở dưới gốc nhảy ra một bóng người. Gần như hôm nào cũng vậy, nếu không có tôi đi cùng nó sẽ bị một thằng cao lớn hơn nó chặn lại. Nó sẽ bị lục túi sách và tất nhiên trong túi có gì sẽ bị tịch thu, trừ mấy quyển sách nhàu nát. Từ củ khoai nướng vì dậy muộn chưa kịp ăn, hay bắp ngô non chưa chắc hạt mẹ nó bảo mang theo, vừa đi vừa ăn cho đỡ đói kẻo muộn học, đến cây bút chì, cục phấn, không chừa thứ gì!
Khổ cho mẹ nó ngày hôm sau lại phải mang đấu ngô, rành khoai đi bán để mua cho nó thứ khác.
Đứa lấy của nó cũng chẳng để làm gì mấy thứ đó, nó có đi học đâu mà cần?
Thằng đấy tên là Tính con ông Toán.
Một ông thời xưa làm lính bếp trên tàu thủy cho người Pháp, dân làng vẫn gọi là ông
“ Bếp Toán”.
Thằng này tôi chỉ đứng đến cằm nó. Bắp tay nó gần bằng bắp vế của tôi. Một thằng mắt to, hơi bị lồi, tròng mắt ngàu ngàu như trâu đực lúc sắp húc nhau. Đôi môi dày của nó tớn lên dưới cái mũi nhòm mồm như thể luôn luôn phải hưởng ứng lẫn nhau. Trông nó rất buồn cười vì cách đi đứng ăn mặc nhưng đám học trò không đứa nào dám cười vì sợ.
Thằng Tân quắt bạn tôi đây chỉ vì lỡ quay mặt cười vụng nó một lần, nó bắt gặp tuyên bố: “Sẽ bị theo dõi ba tháng..” kể từ hôm ấy, bữa nào nó đi một mình cũng bị lục túi sách, có gì như tôi đã nói, đều bị thằng con ông Bếp Toán lấy đi cả.  Hết ba tháng rồi, nó vẫn không buông tha. Sự kiểm soát  như thành lệ, kéo dài cho đến một ngày xảy ra một chuyện, nếu không có tôi nó đã bị thằng kia cho ăn no đòn..”

Nghe đọc đến đây lão sửng cồ lên:
- Thiếu Đêk gì chuyện mà ông lôi chuyện từ bao giở bao giờ ra? Ông định mượn cớ để bôi bác bạn bè đấy có phải không?  Sao chuyện ông lằng nhằng với cái Lan, cái Hồng hay như thế mà không đưa vào?
- Ông buồn “cưỡi” thật. NHẬT KÝ ĐỜI TÔI, không viết thế thì viết như nào? Kể cả chuyện với cái Lan, cái Hồng cũng sẽ có ở phần sau, ông đã nghe tôi đọc đến đâu mà bảo tôi ngại không dám viết ra.
- Hồi ấy ông nhát như cáy. Thích nó mà có dám đến nhà nó chơi đâu? Ông lấy nhà tôi làm”căn cứ” mà cứ thập thập thò thò, chán bỏ mẹ..Không có thằng này a, còn khuya mới cưa được nó.
Tân quắt nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Bảo tôi nhát chỉ đúng một nửa.
Cái chính là tôi sợ ông bố của nàng.
Phần tôi mặc cảm bản thân. Tôi là đứa mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo. Hồng mất mẹ từ khi lên năm tuổi, sau này nàng nói: “vẫn nhớ như in khuôn mặt của mẹ”. Một bà mẹ hiền từ, có mái tóc dài chấm gót chân, dài hơn mái tóc óng ả, đen mướt của nàng. Tôi tin là nàng nói thật, mặc dù với một đứa bé năm tuổi ký ức đâu có nhiều? Tình cảm con người đôi khi không cần điều kiện, như trong trường hợp này.
Nhưng bố nàng thì lại khác. Suốt chừng ấy năm chúng tôi yêu nhau rất ít khi tôi dám đối diện với ông. Chính tôi cũng không hiểu vì sao có tình trạng ấy? Không phải ông dữ tướng, hay tính nết nóng nảy làm người ta sợ. Chính cái vẻ ngoài trầm lặng, dáng vẻ ông giáo hơn là một ông cán bộ làm người khác cảm thấy ngài ngại, khó gần.
Ông là cán bộ tổ chức của huyện tôi thời bấy giờ. Một công việc mà đầu óc non nớt của chàng trai mới lớn như tôi cảm thấy có cái gì đó bí hiểm và cực kỳ quan trọng. Những gì mơ hồ dễ làm người ta e ngại, tôi cũng không ngoại lệ trong trường hợp này.
Tình yêu thủa học trò của tôi với Nàng kéo dài cho đến khi chúng tôi đi học xa nhà. Nó đường đột kết thúc bởi một cớ lý không đâu.
Tôi tình cờ đọc được lá thư của anh trai nàng gửi từ mặt trận về. Anh ta khuyên em gái “..phải chấm dứt ngay quan hệ với thằng đó. Nó có những biểu hiện lệch lạc về lập trường, lối sống. A tòng với bọn thanh niên xấu, tụ tập ca hát nhạc vàng, điều này đối với gia đình mình tuyệt đối không thể tha thứ được..” Nàng dấu tôi lá thư này, khi tôi tình cờ đọc được nàng đã khóc nức nở. Khóc như thế giới này đã đổ vỡ không thể cứu vãn được nữa.
Nghiêm trọng hơn, thông tin đó lại chính là do ông bố của nàng viết thư bảo con trai khuyên nhủ nàng. Hẳn nào những lần gặp sau đó thái độ của ông khác hẳn. Khi tôi nghỉ hè đến chơi nhà, ông lấy cớ bận việc ở đâu đó không tiếp chuyện như mọi khi. Vẻ lạnh lùng ra mặt.
Đối với nàng, ông vừa là cha lại vừa làm mẹ. Bà mẹ dì luôn luôn gắt gỏng chả mấy khi tỏ ý thông cảm, thiện ý đối với nàng. Bà thường mượn cớ những cái lỗi rất nhỏ của nàng để làm to chuyện. Chỉ có bố mới là người nàng được chia sẻ, được cảm thông. Vậy nên nàng quý và thương bố lắm, ý của ông là ý trời.
Mối tình đầu tiên trong đời của tôi kết thúc một cách vớ vẩn như thế đấy.
Nó cực kỳ vô lý, cực kỳ thản nhiên như nó buộc phải như thế, không còn cách nào khác.
Sau này nàng yêu và lấy một người cùng làng. Còn đối với tôi mối tình đầu chỉ còn là kỷ niệm.
Người ta thường hay thổi phồng tính nghiêm trọng, cho rằng “tình yêu đầu khắc khoải mãi trong tim”. Tôi nghĩ không phải thế. Không biết tôi có phải tuýp người lạnh lùng, hời hợt, mắc chứng vô cảm quá không?
Tình yêu của tôi và nàng chấm dứt, nhưng tình bạn với Tân quắt vẫn còn, mặc dù nó bắt đầu bằng mối liên kết có vẻ lỏng lẻo như tôi vừa kể, chả dính dáng gì đến người tôi yêu lần đầu nữa.
Chỉ có những lúc trong câu chuyện như thế này, kỷ niệm ấy mới được nhắc đến. Và, tôi lặng lẽ đau.
**
Hôm nay tôi hẹn Tân quắt đến không phải để nhắc chuyện xưa, cũng không phải để đọc bản thảo này cho hắn nghe. Bộ dạng khô khộc của hắn chả mấy cảm tình, chỉ duy nhất cặp môi mỏng cười thớ lợ là sinh động. Nhưng mình đang cần đến hắn thì đọc hắn nghe một đoạn cũng chẳng sao. Nhân tiện soát lại xem có chỗ nào không chỉnh thì sửa lại sau?
Thấy hắn tò mò muốn biết tôi viết cái gì trong đấy lại kêu quên, không mang kính, tôi phải đọc cho hắn nghe một đoạn.
Hồi còn học phổ thông tôi cũng tập tành viết lách nhì nhằng. Hắn và vài đứa bạn nữa đã từng được tôi đọc cho nghe như thế. Nên sự tò mò của hắn hôm nay tôi thấy cũng tự nhiên.
Cái lý do chính tôi hẹn Tần quắt đến nhà hôm nay là vì một chuyện khác, có liên quan đến nhạc sĩ Tăng Cường.
Ông là một trong số những người bạn tôi mới thân trong thời gian gần đây.
Nhạc sĩ nhờ tôi một việc , nghĩ mãi tôi chợt nhớ ra Tân là người có thể giúp việc này.
Thời buổi khó khăn, thời gian là bạc là vàng, nếu không có chuyện đó làm gì có thời gian để đọc tiểu thuyết vào lúc này? Nhất là đọc cho một thính giả như Tân quắt nghe? Tôi biết hắn chỉ giả bộ thế thôi chứ thực sự chả quan tâm gì đến việc viết lách. Chữ nghĩa là cái gì dửng dưng, vớ vẩn, chả liên quan gì đến hắn.

***
Người ta thường hay nhầm lẫn về nhiều thứ. Thỉ dụ nói đến các nhạc sĩ người ta hay hình dung đó là các ông bà ăn mặc chải chuốt theo thời trang, hoặc theo một cách biệt dị khác với người thường.
Người ta hình dung đó là những vị có mái tóc lượn sóng dập rờn, phong cách lãng mạn với những ngón tay thuôn dài, ánh mắt đắm đuối, đằm thắm hoặc đau đáu suy tư.. Kể cả phong độ, đi đứng nói năng cũng khác người.
Nhạc sĩ Tăng Cường không thế, ông là tuýp người khác. Cái bề ngoài của anh khiến người ta không nghĩ anh là tác giả của những ca khúc trữ tình, sôi động và nhiều quyến rũ. Dáng người thấp đậm, tóc cát cua, ánh mắt nghiêm nghị và nhất là đôi bàn tay chai sần cho người ta cái nhìn nhận ban đầu không mấy chính xác. Người ta sẽ lầm khi cho rằng anh là một lão nông chi điền, gắn với ruộng lúa, đồi cây hơn là tâm đắc với những nốt nhạc du dương, những bản so nát quyến rũ tâm trạng người ta với hương vị của núi rừng, đất đai và tâm trạng con người.
Đến thăm tệ xá của anh, nhạc sĩ nói:
- Hai ông bà già làm chả được bao nhiêu. Chỉ trồng được bốn trăm gốc chuối với lại cấy ba chục cân ngô giống!
Người không am hiểu trồng trọt có lẽ không chú ý đến điều này. Với tôi, tôi hình dung ra đấy là một cố gắng không nhỏ bới công sức bỏ ra để làm được bấy nhiêu sản vật là không ít mồ hôi, sức lực mà ngay người lao động khỏe manh, cố gắng mới làm được. Trên sáu héc ta chứ có phải ít ỏi gì?
Anh có một trang trại dựng hẳn ngôi nhà sàn cách xa nhà ở thị trấn Vĩnh Hóa vài cây số. Một mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín. Trồng trọt để lấy thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi để lấy phân hữu cơ chăm bón cho cây trồng. Doanh số hàng năm không dưới ba bốn trăm, một con số mơ ước của nhiều người trong vùng.
Lắm lúc tôi cứ nghĩ, với khối lượng công việc như vậy anh lấy đâu ra thời gian để sáng tác âm nhạc, một thứ thuộc về nghiệp chứ không hẳn là nghề?
- Ban ngày mình chăm cây, chăn gà, cho cá ăn. Buổi tối các việc ấy đây có làm được? Thế là dành thời gian còn lại cho nhạc nhẽo! Có lúc đang nằm phải vùng thức dậy, vợ cứ tưởng chát chít với cô nào! Mà nghề này cũng lạ. Người khác thế nào không nói, mình khi viết có chủ định trước, bản nhạc sẽ do ai thực hiện mình hay nghĩ đến. Có lúc bí, phải điện cho ca sĩ nào đó để lấy cảm hứng. Ban đầu vợ không hiểu, có lúc ghen..Nhưng bây giờ thì quen rồi! Nhưng hôm nay đến nhờ ông chuyện hôm vừa rồi đã nói với ông, nhạc nhiếc để lúc khác!
- Ông cứ ngồi đấy, lát nữa yêu cầu của ông sẽ được thực hiện. Chỉ sợ ông chưa làm bao giờ, bây giờ bập vào không chắc ổn!
- Yên tâm, mình con nhà nông từ lúc nằm trong bụng mẹ. Lớn lên giữa buổi khó khăn, hết chiến tranh lại thời bao cấp, gian nan ngọt bùi có cả, không có việc gì không phải làm. Trồng cây chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần ông hướng dẫn qua là được..
Tôi nghĩ không biết nhạc sĩ có chủ quan quá không? Chứ ngay đến tôi, làm đi làm lại mấy lần mà vẫn vấp ở các khâu thời vụ và kỹ thuật. Nhưng nói ra sợ nhạc sĩ nản. Chương trình thay vườn chuối đang bị ép mất giá bằng thứ cây khác của anh sẽ không được thực hiện. Cái vườn hàng tháng thu hàng chục triệu đồng bỗng nhiên chuối quả mất giá.
Cũng không riêng nhà anh. Cả vùng đang bồn chồn lo lắng vì chuyện đó. Tin từ cửa khẩu phía bắc truyền về giá chỉ còn phân nửa. Lại thêm phần chọn lựa mẫu mã, chất lượng quả chuối kỹ hơn mọi khi. Không biết quan hệ hai nước có vấn đề hay cung vượt quá cầu? Đó là câu hỏi không phải ai cũng trả lời được!

Con người Tân quắt khô khan hình thức bề ngoài. Chân tay như cẳng gà, nước da khô, hai khóe miệng sâu, cổ ngẳng ra phía sau, đi lao về phía trước. Nhưng hắn đặc biệt có cái cười rất tươi,nheo nheo mắt vẻ tán thưởng làm bất cứ ai quen lần đầu rất ấn tượng.
Bắt tay. Lại cười. Giọng cao vỏng lên, tươi roi rói:
- Thế chó nào các nhạc sĩ nhà văn lại lao cả vào trồng chuối, trồng bưởi? Nhà em trình non nên mới phải chấp nhận làm cái anh trưởng thôn, tiếng là cán bộ nhưng vẫn chân lấm tay bùn vì sống ở sơ sở. Các bác đâu cần trồng cây, nuôi gà? Cứ sáng tác cho nó tốt, tên tuổi để đời há chẳng hơn a? Vừa xong cuộc họp được bác đây triệu em phải về ngay. Nào cần em có việc gì?
Nghe cách xuồng sã, ra hẳn ra thân mật tôi không thích lắm, vội đỡ lời:
- Nhạc sĩ Tăng Cường đây là nhạc sĩ quốc gia, có số có má hẳn hoi. Lại đường đường là thông gia với nhạc sĩ thiếu tướng vừa mới qua đời. Danh nghĩa là cái không cần bàn cãi, chứ tôi đây chỉ là anh viết quèn. Một anh tuyên truyền viên mượn văn học để đóng góp với phong trào chứ nhà văn nhà vẻ gì cái thân tôi? Bạn bè với nhau từ tấm bé, ông đừng có mà diễu nhau nhá!
- Ông là nhà văn có gì sai mà phải cãi? Làng này, tỉnh này ai bảo không phải nào? Nhưng không nhận thì thôi. Khiêm tốn quá hóa giả dối đấy ông ạ. Tôi chỉ nói vui thế thôi, chả có ý gì đâu, đừng giận nha!
Nói rồi Tân lục túi lôi bao “Du lịch” ra mời khách. Thứ thuốc này Tân hút nghiện từ hồi làm chân long tong, phụ việc cho ủy ban thời mẹ tôi còn làm chủ tịch. Kể cả những lúc khan hiếm như thời trước hắn vẫn có. Chỉ có điều ngày đó hút theo định lượng mỗi ngày không quá ba điếu. Còn bây giờ mỗi ngày một bao, dù có khối thứ thuốc ngon như ngựa trắng, vi na ta ba, Tân vẫn không rời du lịch. Hắn bảo dùng thứ này dân dã, chỉ bằng tiền thuốc lào mà hút lại đậm. Vợ con cằn nhằn khuyên hắn bỏ thuốc cho khỏe người, tăng cân, hắn không chịu. “ Đừng tưởng anh cán bộ thôn không pghair dùng đến đầu óc trong công việc. Đầu binh cuối cán, xét về toàn diện có khi còn vất hơn cán bộ xã, huyện. Những chỗ ấy còn có ban ngành, cán bộ chuyên trách..Còn ở thôn việc gì cũng đến tay mình..”  Định nói, dù ở thôn cũng có đủ ban bệ, chẳng qua không biết vận dụng, nhưng vợ con không dám cãi. Tân là người chồng, người cha nghiêm, vợ con một phép. Bí quyết chuyện này hắn lộ bem một tí: “ Đừng bao giờ ngoại tình, cờ bạc, rượu chè bê tha. Việc nào cũng gương mẫu làm trước, cho kẹo vợ con cũng chẳng dám nhờn”. Ừ thì là lý của hắn. Ngay cạnh nhà tôi cảnh chồng tôi vợ chúa nhìn thấy hàng ngày mặc dù anh chồng tốt không kể sao cho hết. Sáng sớm dậy từ bốn rưỡi năm giờ,  cơm cháo lợn gà, vợ con còn chưa dậy. Buổi trưa trời nắng chang chang con cái xem ti vi, bố vẫn tranh thủ cho trâu đằm, cắt mớ cỏ sợ trâu đói. Cả đời ông hàng xóm nhà tôi không vào hàng ăn bát phở, mặc cái quân cái áo may đo. Toàn quần áo con cái bỏ mặc lại, hoặc anh em cho. Rượu chỉ vài giọt mặt đỏ tưng bừng, xua tay, chối đây đẩy. Ấy vậy mà vợ con vẫn chưa bằng lòng, hễ mở miệng ra là không vợ thì con chặn họng. Chuyện đời đâu có đơn gian như Tân nói? Chẳng qua là hắn gặp may, dễ ăn nói thế thôi. Có lần tôi đã tranh luận với hắn về chuyện này, hắn đuối lí chỉ cười nhạt. Nhưng con người Tân không chịu thua ai bao giờ. Chiến thuật của hắn là “lạt mềm ..” hắn chỉ giả vờ thua thế thôi nhưng trong bụng tìm cáh trả thù không chịu mất mặt. Có người nói tới tôi: “Tay Tân quắt này trước mặt chú khách, sau lưng thằng ngô. Sau lưng bác nó nói chả ra gì”. Tôi hỏi nói chuyện gì? Người này bảo:
- Trông oai oách thế thôi chứ trước ngày ở quê tai hắn ta thối, chảy mủ rề rề, xa chục bước đã ngửi thấy khắm, không chịu nổi, kinh lắm. Là tay chúa ngịch nồng, chuyên đầu trò cho đám trẻ con trộm táo, bới khoai. Lại hay ghẹo bọn con gái nữa. Sau này đi học ra công tác chả biết vướng mắc gì bị kỷ luật mới lò mò lên đến đây. Chỉ có tôi mới biết lại lịch của hắn, chả qua không muốn vạch áo cho người xem lưng nên mới không nói, có thật thế không?
Nghe, tôi chỉ cười. Trẻ con mấy đứa ở làng không chòng ghẹo nhau? Không trộm ổi, bới khoai. Nghịch là một chuyện, hồi ấy đói. Có hôm nhịn đói đi học, lại đi bộ hàng cây số, ruột gan cồn cào, nhìn thấy miếng ăn chín ai mà quay mặt đi chứ? Đến cái chuyện này còn mang ra nói, kẻ hay nịnh, cho người thiên hạ đi tàu bay giấy, tính a dua đã để lộ cái tiểu tính ghen ăn ghét ở của mình. Muốn gì thì gì cái nhỡn tiền trước mắt làm hắn không chịu nổi, có ấm ức nói này nói nọ cũng chẳng sao. Không chấp.
Nhưng cái điều này, người ta cho biết hắn nói về tôi khiến tôi giật mình. Không còn là gắp lửa bỏ bàn tay mà là thả mìn vào sau lưng bè bạn: Hắn nói tôi chuyên viết đơn hộ cho dân làng. Những đơn khiếu nại, kiện cáo lâu này toàn từ cái máy in của tôi làm ra. Thật khốn nạn. Quả là tôi có hộ mấy ông bà gần nhà làm đơn xin học cho con,vay vốn ngân hàng hay kê khai thành tích người có công với nước. Con những chuyện khác tôi đều từ chối. ( Thực ra có hộ việc này cũng chẳng sao, tôi chỉ là người viết hộ, nội dung người đứng đơn chịu trách nhiệm, có gì sai? ) Nhưng tôi không dại gì dúng tay vào nồi nước sôi. Kinh nghiệm đầy ra đấy rồi, tôi đâu có ngu mà dính vào? Với lại xui người làm phúc chứ ai lại giục người làm tội bao giờ? Kiện cáo xưa nay mấy người có thiện chí cho kẻ mâu thuẫn với mình.
Người khác nói có thể thiên hạ không tin, chứ hắn nói người ta sẽ phải chú ý. Dù gì tôi cũng là bạn từ thủa còn để chỏm với hắn cơ mà?
Thật thấm thía khi người ta nói: “Hại mình đau đớn, nặng nề nhất thường là kẻ thân gần với bạn nhất”. Nếu điều này là chân lí tôi mong sao nó là một chân lí sai lầm, cần lên án.
Tính tôi khó để bụng được điều gì, nhưng chuyện này thì khác.Tôi lặng lẽ để ý xem có thực hắn nói về tôi vậy khoonghay vì lẽ gì đó người ta đặt điều.
Người đời đôi khi xử lí với nhau bất cẩn như vậy đấy, quên đi rằng lời nói đọi máu. Có khi chỉ vì câu nói của mình mà khổ lụy cho người. Không phải ngẫu nhiên các cụ dạy: “Lời nói nên vợ nên chồn, lời nói tan cửa nát nhà..”
Nếu quả như thế thật, đây là một tổn thất đối với tôi.  Tuy không hẳn là thân thiết, Tân vẫn là bạn từ thủa ấu thơ, tuổi học trò đầy kỷ niệm. Còn được đến bây giờ biết trân quý thì đáng giá biết bao? Sao hắn không nghĩ, nói sai, nói xấu về bạn mình hắn được gì chứ?
Đang thời gian phân vân, thử thách bạn tình thì  nhạc sĩ Tăng Cường tìm đến. Không phải không có chỗ khác mua được cây giống giúp anh. Chỗ khác có đầy. Nhưng vợ Tân quắt vừa đi trị xạ bệnh ung thư, còn đang điều trị lâu dài, cần có tiền. Bận đưa vợ ngược xuôi hàng tháng nay, Tân không bán được số bầu cây giống làm từ đầu năm, nếu không bán được chỉ có nước vất bỏ. Mình chả mất gì lại giúp được cả hai bên chả tốt hơn ư? Chả phải chuyện giả đạo đức, “giơ nốt bên má còn lại cho tát” như người ta nói. Mà chỉ mong hắn hồi tâm, cũng là dịp xem lại chuyện người ta nói có thực không? Cần nghe cả hai tai, mới ra người hẳn hoi, mới không dễ mắc vào dụng ý xấu của kẻ khác.
Thời chúng tôi sống văn minh vô cùng, hay vô cùng, đẹp đẽ nữa, nhưng mà chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Vậy là Tân quắt có mặt  buổi sáng nay chờ vợ chồng nhạc sĩ Tăng Cường từ Vĩnh Hóa xuống.
Cuộc rượu thật vui. Nhạc sĩ rượu không uống được nhiều nhưng phu nhân cựu sĩ uống khá. Tân quắt càng uống mặt càng tái, chả để lộ ra manh mối nào như người ta nói. Tôi phục hắn người xách nhẹ mà giọng cứ sang sảng. Lại nghĩ thương hắn bao năm theo đuổi công tác chỉ lanh quanh cấp phó. Mỗi lần quyền chủ tịch hội nông dân xã được mấy ngày. Sau đấy người ta bầu lại, không trúng. Thành ra đến khi về chả có hưu hiếc gì. Vẫn vô tư cười, tôi phục hắn bền bỉ.
Nhạc sĩ Tăng Cường vừa qua vụ ông thầy, kiêm thông gia vừa mất nên có vẻ ít nói.
Tôi cũng không gặng thêm. Vài ba câu chuyện về thời tiết khí hậu là tan cuộc nhậu, chả có thời giờ đâu để bàn đến nhân tình thế thái vì ai cũng vội. Nhạc sĩ phải mang cây về trồng. Tân quắt chiều có cuộc hòa giải trong thôn về một va chạm nhỏ mới xảy ra về đất cát.. Tôi bận không đi cùng được nên chỉ có hai vợ chồng nhạc sĩ theo xuống nhà Tân.
***
Mấy ngày sau đó ông Tăng Cường gọi điện mời tôi và Tân quắt lên chơi. Thực ra tôi rất muốn đi, nhưng lại bận vài việc. Tân quắt hăng hái lắm, nghe nói nhạc sĩ mời, hắn mấy lượt giục tôi đi.
Nửa sáng sau, ông Tăng Cường giọng buồn buồn báo cho tôi biết: “ Hoan hô các cụ trồng cây, mười cây chết chín một cây vật vờ..” ÔNg khôi hài nói chết mất non nửa. Tôi điện ngay cho Tân quắt. hắn lặng đi một lúc mới nói:
- Chắc lão í về trồng ngay không ươm như lời tôi dặn. Có khi còn không tưới đều. Nắng nôi như thế này, cây không chết mới lạ.
Tôi hỏi gặng lúc giao cây ông có dặn như thế thực không? Hắn cáu:
- Sao không. Các bố trồng cây nửa mùa mới nên nông nỗi. Làm theo tôi chỉ dẫn chết thế chó nào được?
Tôi buồn tê cả người, ý tốt muốn giúp bạn lại hóa ra làm thiệt hại cho người ta. Hôm nào gặp lại mình biết nói sao với vợ chồng ông Tăng Cường đây?
Tối hôm ấy, khuya lắm rồi có cuộc điện thoại. Thường người ta chỉ gọi khi có chuyện khẩn cấp chứ không ai gọi vào giờ khuya như thế này. Xem, thì ra Tân gọi:
- Ông gọi điện cho ông bạn của ông xuống tôi bù cho số cây khác mang về trồng. Nếu ông ấy bận tôi và cả ông bố trí lên chơi mang lên cho lão ấy. Ai tôi có thể sai, chứ với ông nhạc sĩ này tôi áy náy lắm. Bà nhà tôi rất mê nhạc của lão ấy mà. Bà í bảo nhạc thế mới là nhạc, trữ tình chết đi được!
Điều này tôi tin là Tân quắt thật tâm. Dù hắn có chót nói mình thế nào cũng có thể cho qua được.
Con người ta vốn: “Vừa là thế này, vừa là thế kia “ mà. Có ai toàn mỹ, toàn thiện như ngọc không có vết, được cả đâu?

=====================






Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Từ dự án thép Cà Ná: suy nghĩ về thép, cá, sân bay



Lê Học Lãnh Vân
MTG - Các nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn, gây tổn hại nền kinh tế và sự phát triển các tỉnh có liên quan, những mất mát, thiệt hại của dân chúng trong vùng… Và hướng Chính phủ giải quyết vấn đề theo yêu cầu phát triển lâu dài trong khi không thỏa hiệp với ý chí bảo vệ tài nguyên đất nước và quyền lợi dân chúng.

Đầu năm nay tôi viết bài Tàn Năm Xông Lại Lò Hương Nhớ (Một Thế Giới, 21/3/2017), trong đó gởi gắm nhiều hy vọng rằng các việc thuận lòng mong mỏi của đa số dân chúng sẽ được chính phủ thực thi.

Từ ngày chính phủ mới được thành lập, tới nay trong vòng chưa tới một năm, đã có nhiều việc đáng hoan nghênh:

1) Bãi bỏ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

2) Bầu không khí của một “chính phủ kiến tạo phát triển” và “liêm chính” đã được khơi lên

3) Quyết định không thành lập “siêu bộ” quản lý vốn

4) Tỏ quyết tâm thúc đẩy cổ phần hóa các công ty nhà nước nhanh hơn theo yêu cầu của nền kinh tế quốc gia

5) Có những bước đi độc lập có tính toán nâng cao sức mạnh quân sự và thế đứng ngoại giao, tinh thần tự chủ của đất nước.

Người viết thông cảm rằng chính phủ mới phải tiếp nhận các khó khăn rất lớn, rằng việc thu xếp chúng ổn định lại trong chiều hướng phát triển lâu dài và thuận lòng dân là rất tế nhị và khó khăn. Do đó, các thành quả như kể trên đáng được hoan nghênh.

Từ các quan sát đó, người viết nhận định rằng: “về đại dự án thép đang được chuẩn bị tại Cà Ná, rất hy vọng Chính phủ sẽ có quyết định phù hợp với tương lai phát triển bền vững của đất nước và với ý muốn của đa số”.

Hôm nay Tuoitre Online, ngày 10/03/2017, loan tin chính thức “Thủ tướng chưa quyết dự án thép Cá Ná”.

Theo bản tin trên, chưa quyết vì Thủ tướng đã yêu cầu “Bộ Công thương báo cáo đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án”, “Bộ Khoa học - công nghệ có báo cáo, đánh giá về công nghệ vận hành dự án”, “Bộ Tài nguyên - môi trường có đánh giá, báo cáo tác động môi trường”.

Ngoài ra, còn yêu cầu trả lời cụ thể về kinh doanh: “sản phẩm có phù hợp với cung cầu thị trường hay không?”, “có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không? Nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào ở đâu?”

Tôi tin rằng để đáp ứng một cách thực chất các yêu cầu cụ thể đó của Thủ tướng thì phần rất lớn của “chưa quyết” nghĩa là “không quyết”!

Nếu sự việc xảy ra trong chiều hướng của lập luận trên, có cơ sở để hy vọng rằng sự việc Formosa cũng sẽ được thu xếp trong cùng chiều hướng. Các nguy cơ gây ô nhiễm rất lớn, gây tổn hại nền kinh tế và sự phát triển các tỉnh có liên quan, các mất mát, thiệt hại của dân chúng trong vùng… rồi cũng hướng chính phủ giải quyết vấn đề theo yêu cầu phát triển lâu dài trong khi không thỏa hiệp với ý chí bảo vệ tài nguyên đất nước và quyền lợi dân chúng.

Các động thái của chính phủ về sân bay Tân Sân Nhất cũng cho tôi cảm nhận tích cực. Các biến chuyển về tình trạng quá tải của sân bay cho thấy nhu cầu thực của dân chúng và đất nước đối với sân bay có số lượng hành khách lớn nhất nước này. Đó là mở rộng, nâng cấp để đưa sân bay đủ năng suất trước mắt phục vụ 40 triệu hành khách/năm, và sau đó tăng thêm.

Nhiều tiếng nói yêu cầu trả diện tích sân golf cho sân bay đã cất lên tên báo chính thức. Nếu chính phủ giải quyết thành công việc này, đem sân golf về cho sân bay, việc đổ số tiền khủng đầu tư sân bay Long Thành có thể dời lại một thời gian, các giải pháp tài chánh sẽ đưa nguồn lực đất nước về nơi sinh lợi tức thì.

Khi nói chuyện với bạn bè quan tâm, một số người cho hy vọng trên là hão hay mơ hồ.

Người viết lại tin vào điều mình nghĩ, vì hy vọng đó không đặt trên một cá nhân, một nhóm nhỏ nào, mà trên chiều hướng của thời thế, thời thế quốc gia, khu vực và quốc tế.

(Ngày 10 tháng 3 năm 2017)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lý Quang Diệu viết về xã hội và kinh tế Trung Quốc


beijing-china-language-society-main
Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “The New China: People, Society, Economy”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 51-67.
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào mùa thu năm 1989, ngay sau biến cố Thiên An Môn, Tiền Ninh (Qian Ning), con trai của cựu Phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen), đạt được học bổng theo học tại Đại học Michigan. Trước khi tới Mỹ, anh này đang ở độ tuổi 30 và làm việc cho tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily). Một vài năm sau, anh ta viết một cuốn sách có tựa đề “Việc học ở nước Mỹ” (Studying in America) và được cho phép xuất bản tại Trung Quốc. Tiền Ninh xuất thân từ một gia đình có truyền thống cộng sản, nhưng những gì được viết trong cuốn sách của anh lại khá nổi loạn.
Tại thành phố Ann Arbor, Michigan, anh ta nhận ra rằng cuộc sống còn có cả những bữa tiệc, những buổi nướng thịt barbecue và những tình bạn tuyệt vời, chứ không chỉ là sự tự phê bình căng thẳng và đấu đá chính trị ở Bắc Kinh. Trong một đoạn văn, anh viết rằng những người vợ đã theo chân chồng đến Mỹ sẽ không còn là những người phụ nữ Trung Quốc điển hình khi trở về quê hương. Họ đã thấy cơ hội được sống một lối sống khác. Đó là cách Tiền Ninh gián tiếp thổ lộ rằng anh đã thay đổi cách nhìn của mình về những điều khả thi ở xã hội Trung Quốc. Đây là một nước Trung Quốc mới, với vô số kênh tương tác với thế giới bên ngoài.
Từ từ nhưng chắc chắn, quá trình mở cửa của Trung Quốc đang thay đổi diện mạo của xã hội nước này. Khi tôi lần đầu đến thăm Trung Quốc vào năm 1976, tôi thấy một xã hội khép kín và cứng nhắc. Những người dân Trung Quốc trên đường phố nhìn hao hao nhau trong những bộ cánh xanh hoặc đen. Mặc dù không phải trong kỳ nghỉ, họ vẫn cử một nhóm đông các em học sinh đến để hát chào đón tôi: “Huan ying, huan ying! Re he huan ying” (Hoan nghênh, hoan nghênh! Nhiệt liệt hoan nghênh!). Tôi thầm nghĩ: “Chúng đáng lẽ nên ở trường học, chứ không nên phí phạm thời gian đi từ trường tới sân bay, rồi lại về trường học, như thế mất nguyên cả một ngày học.” Có một sự cứng nhắc nhất định ở hệ thống này. Họ sẽ chào đón một vị khách và cố gắng gây ấn tượng với vị khách này bằng sự tiếp đón nồng ấm và hiếu khách, cùng lúc với cả những con số và quy mô hoành tráng cùng sự đồng bộ. Tôi nghĩ tình trạng này đã qua rồi. Họ biết rằng các vị khách không bị ấn tượng bởi những thứ này nữa. Những bộ đồng phục xanh đen cũng không còn. Bây giờ bạn có thể nhìn thấy đủ thứ màu sắc trên đường phố. Các thương hiệu cao cấp của phương Tây nhận thấy Trung Quốc là một thị trường triển vọng. Năm 2009, Trung Quốc thế chỗ Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn thứ hai trên thế giới, đứng sau mỗi Nhật Bản. Văn hóa tặng quà đem lại nguồn nhu cầu đặc biệt về đồng hồ và đồ làm từ da cao cấp. Mercedes-Benz và BMW tăng gấp đôi doanh số bán hàng ở thị trường Trung Quốc trong hai năm qua, ngay cả khi đơn đặt hàng ở các nước phát triển đã chững lại. Tầng lớp trung lưu ở nước này hiện tại đang theo đuổi sự chăm sóc vẻ ngoài, những bộ cánh lộng lẫy, và một cuộc sống tiện nghi. Họ cho rằng cách sống quá đơn giản không thể tạo nên một xã hội hạnh phúc.
Cũng như Tiền Ninh, lớp trẻ Trung Quốc hiện nay sống trong một ngôi làng toàn cầu. Mọi người di chuyển khắp nơi: người Trung Quốc tới Mỹ và châu Âu, và người Mỹ và người châu Âu lại tới Trung Quốc. Ngay cả nếu họ không có cơ hội học tập tại Michigan, sự tiếp cận với internet, phim truyện và sách báo nước ngoài cũng mở ra một cánh cửa đến với thế giới mà thế hệ của một vài thập niên trước chỉ có thể mơ đến. Tầm nhìn của họ được rộng mở. Quan điểm của họ về vị trí bản thân – cũng như vị thế của đất nước Trung Quốc – sẽ thay đổi. Một thế hệ mới được sinh ra và lớn lên sau thời kì mở cửa một ngày nào đó sẽ làm chủ đất nước. Họ sẽ làm được như vậy mà không phải chịu gánh nặng của những ký ức về quá khứ rối ren của Trung Quốc. Một nước Trung Quốc mà họ biết qua những trải nghiệm thường ngày – chứ không phải từ cuốn sách lịch sử – là một Trung Quốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết kể từ cuộc Chiến tranh thuốc phiện, và đang trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày.
Điều này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc của ngày mai? Liệu trong vòng 30 năm tới chúng ta có thể thấy một Trung Quốc quyết liệt hơn và dân tộc chủ nghĩa hơn nữa? Có thể lắm chứ. Tôi thấy chủ nghĩa dân tộc lớn dần chính là giai đoạn đầu tiên của đất nước Trung Quốc mới này, bởi vì người Trung Quốc cảm thấy như họ có thêm sức mạnh. Nhưng khi họ bắt đầu nhận thấy khả năng của mình chỉ có hạn, họ sẽ có một khoảng ngừng và tự suy ngẫm. Họ sẽ tiết chế phô trương sức mạnh cứng, bởi họ nhận ra rằng làm vậy chẳng thể làm người Mỹ rời bỏ khu vực. Và họ cũng sẽ nhận ra nếu họ càng áp đặt quan điểm của mình lên các nước láng giềng nhỏ hơn, thì những nước này càng xích lại gần Mỹ và đề nghị cung cấp các cơ sở để tàu sân bay Mỹ qua lại – như một sự bảo đảm cho chính mình.
Một vài năm trước, một vị lãnh đạo người Trung Quốc ở tuổi 70 đã hỏi tôi: “Ông có tin vào lập trường của chúng tôi về trỗi dậy hòa bình?” Tôi trả lời: “Tôi tin – nhưng tôi có lời cảnh báo. Thế hệ của ông đã trải qua cuộc chiến chống lại người Nhật, cuộc nội chiến, rồi Đại nhảy vọt, Cách mạng văn hóa, vụ Bè lũ bốn tên, và giờ là chính sách Mở cửa. Ông biết rằng sẽ có nhiều cạm bẫy, và rằng để Trung Quốc có thể leo lên từng nấc thang mà không gặp rủi ro, ông cần sự ổn định từ bên trong, và hòa bình ở bên ngoài. Nhưng ông đang khắc sâu vào đầu lớp trẻ sự kiêu hãnh và lòng yêu nước quá lớn về một Trung Quốc đang trên đà hồi phục. Lớn đến mức khi họ bắt đầu biểu tình phản đối người Nhật, họ trở nên bạo lực. Và khi con trai tôi, thủ tướng Singapore, đến thăm Đài Bắc vào năm 2004, nó và Singapore bị công kích trên các phòng chat trên mạng internet của Trung Quốc, và bị gọi là kẻ vô ơn và phản bội. Quả là căng thẳng.” Vị lãnh đạo Trung Quốc nói rằng họ sẽ đảm bảo cho những người trẻ hiểu rõ điều này.
Tôi hy vọng là họ làm vậy. Một lúc nào đó trong tương lai, một thế hệ [người Trung Quốc – ND] có thể tin rằng mình đã chạm đến đỉnh trước khi họ thực sự như vậy. Điều đó thật buồn, và góp phần gây bất ổn cho khu vực. Trên thực tế, chỉ riêng việc chèo lái sự nổi lên của Trung Quốc là mục đích đủ để tận dụng được hết tài năng và đam mê của thế hệ này.
Qua thời gian, tôi tin chắc rằng Trung Quốc sẽ có khả năng nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với các nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo tiên tiến. Hiện tại họ đang cố gắng sánh ngang Mỹ ở những phân khúc cao nhất – không gian và công nghệ quốc phòng. Năng lượng của họ đang tập trung vào các sức mạnh nền tảng chiến lược ở bình diện toàn cầu. Rồi sau đó Trung Quốc có thể dần đuổi kịp [Mỹ – ND] trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng, tuy nhiên sản phẩm tiêu dùng hiện đang đứng chót về quy mô. Đó là bởi dù bạn có thể rất giàu có, nhưng nếu GPS hay tên lửa của bạn chẳng hạn phải phụ thuộc vào Mỹ, bạn vẫn có thể bị vượt mặt. Nghiên cứu vũ trụ và hệ thống GPS không phải là nguồn tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng có thể đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của họ không dễ bị quấy nhiễu bởi các hành động quân sự.
Chẳng có gì là bất biến trong quá trình phát triển của bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên tới nếu không có gì làm chệch đường. Nhưng có rất nhiều thách thức nghiêm trọng trong nước mà chính phủ Trung Quốc sẽ phải dành một khối lượng đáng kể năng lượng, thời gian và nguồn lực để giải quyết. Nếu bất cứ thách thức nào vượt khỏi tầm kiểm soát, suy thoái kinh tế hoặc bạo loạn xã hội nghiêm trọng có thể xảy ra. Ngay cả khi duy trì được sự ổn định thì những yếu tố hạn chế vẫn tồn tại. Chẳng hạn như tại sao iPhone không được phát minh ở Trung Quốc? Luật sở hữu trí tuệ và hệ thống doanh nghiệp hiện nay không tạo đủ động lực để giải phóng sức mạnh sáng tạo của người Trung Quốc mà chúng ta đã được chứng kiến ở trong lịch sử. Nhưng tôi khá lạc quan rằng lãnh đạo Trung Quốc hiện có đủ ý chí và khả năng để giải quyết những thách thức trong nước này một cách hợp lý. Trong hơn ba thập kỷ rưỡi tiến hành “gai ge kai fang” (cải cách khai phóng), hay là cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã chứng minh rằng nước này có khả năng xem xét lại những chính sách sai lầm và kiểm soát được tình hình trước khi những chính sách này gây ra vấn đề lớn hơn.
Có một thời kỳ những thành phố liền kề sao chép lại rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng của nhau. Tại Thâm Quyến, Chu Hải và Macau, có tới bốn sân bay nằm gần nhau. Đó là trước khi họ kiềm chế được tình hình. Đã có thời các thị trưởng được đánh giá dựa trên tốc độ phát triển của thành phố mình, bất chấp việc nó có bền vững hay không. Bởi vậy thay vì tập trung vào những dự án tạo nên giá trị trường kì, họ đơn giản chỉ tập trung thúc đẩy các chỉ số GDP. Hệ quả là họ bỏ mặc môi trường, bỏ qua quá trình lập kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên họ cũng đã điều chỉnh việc này.
Trong quá trình phát triển, tình trạng căng thẳng nghiêm trọng có thể đến từ khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh trong đất liền, và ở một mức độ nhất định là khoảng cách giữa các thành phố. Các thành phố ven biển tăng trưởng nhanh hơn các thành phố nội địa ít nhất khoảng 30%, với một xuất phát điểm cao hơn hẳn. Những thành phố này thu hút đầu tư nhiều hơn, tạo công ăn việc làm tốt hơn và cung cấp tiêu chuẩn sống cao hơn cho cư dân của mình. Và khoảng cách này cứ được nới rộng thêm.
Tất nhiên việc một vài chênh lệch trong tăng trưởng tồn tại ở một đất nước rộng lớn như Trung Quốc là điều đương nhiên. Tôi không tin các tỉnh phía tây sẽ có ngày trở nên phồn vinh và tiên tiến ngang các tỉnh ven biển và ven sông. Hãy lấy nước Mỹ làm ví dụ. Bờ Đông và Bờ Tây đông dân hơn và thịnh vượng hơn các vùng nằm sâu trong đất liền, trừ một ngoại lệ là Chicago. Nhưng Chicago có dòng sông St Lawrence và Ngũ Đại Hồ (the Great Lakes) nơi tàu bè có thể qua lại. Khó có gì có thể thay thế được lợi thế địa lý ở gần biển. Hơn nữa, một vài tỉnh phía tây ở Trung Quốc nằm cách biển không xa nhưng lại có cả những vùng bán sa mạc, nơi có khí hậu khắc nghiệt. Những sinh viên xuất sắc muốn phát triển đều hướng đến vùng bờ biển hoặc Bắc Kinh để học đại học. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn, bởi những giáo sư và giáo viên tốt nhất của bạn cũng chẳng muốn chuyển vào sâu trong đất liền. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh khái niệm một “xã hội hài hòa” và biến nó thành một trong những mục tiêu nhằm cân bằng sự phát triển giữa vùng duyên hải và vùng nội địa. Trung Quốc cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các vùng miền tây phát triển thông qua việc đề xuất các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các doanh nhân. Việc này vẫn đang trong giai đoạn tiến hành. Đến cuối cùng, bạn có thể nâng tiêu chuẩn của các tỉnh nội địa lên khoảng 60, 70% so với các tỉnh duyên hải. Thách thức đặt ra là đảm bảo kiểm soát được sự bất mãn đến từ chênh lệch giàu nghèo. Truyền hình vệ tinh đã làm trầm trọng hóa thêm vấn đề. Người dân từ Thành Đô hay Vân Nam có thể thấy được sự phát triển của Bắc Kinh trên màn hình ti vi. Họ thấy những sân vận động Olympic – đồ sộ và được thiết kế bởi các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới. Và họ tự hỏi: “Có thứ gì trong đó dành cho tôi? Bao giờ thì đến lượt tôi?”
Sự chênh lệch dẫn đến những vấn đề khác. Người dân ở những vùng nghèo hơn muốn chuyển đến những vùng giàu có hơn. Cuộc di cư từ nông thôn lên thành thị diễn ra trên diện rộng và ước tính mỗi ngày có 1% dân số Trung Quốc di cư. Người Trung Quốc có một hệ thống hộ khẩu (hukou) hay đăng ký hộ gia đình. Nó giống như hệ thống koseki của người Nhật – bạn không thể chuyển nơi cư trú của mình từ nơi A sang nơi B mà không có sự cho phép. Và nếu bạn làm như vậy thì ở nơi cư trú mới bạn sẽ không có quyền tiếp cận các dịch vụ sức khỏe, nhà ở, trường học cho trẻ em, v.v… Nhưng điều này không ngăn được sự di cư. Mọi công nhân ở nông thôn chuyển lên đô thị đều làm những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu ở quanh thành phố, mà không được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội cơ bản cho bản thân hay con cái họ. Đây là tình thế khó mà trụ vững được. Lãnh đạo biết rõ điều đó. Nhưng nếu họ cho phép di cư tự do thì tất cả các thành phố sẽ trở nên quá tải. Bởi vậy họ cố gắng tìm kiếm những giải pháp khác. Họ thuyết phục chính quyền địa phương đảm nhận một vài trách nhiệm đối với những người nhập cư, bởi các đô thị không thể phát triển nếu thiếu lao động. Tôi cũng được biết rằng họ lên kế hoạch xây dựng sáu cụm thành phố ở miền trung Trung Quốc, mỗi cụm có thể tiếp nhận đến 40 triệu cư dân. Họ hy vọng sẽ chuyển được người dân từ nông thôn sang các thành phố này, thay vì các tỉnh ven biển. Tuy nhiên cần có một cơ chế điều hành, bởi những thành phố này sẽ không thể đem lại cho người di cư những cơ hội họ có thể tìm thấy ở những thành phố duyên hải.
Nguồn lợi dễ đạt được nhất trong nền kinh tế Trung Quốc cũng đã dần cạn kiệt. Các nhà lãnh đạo sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh tế chung nhằm đảm bảo giữ vững tăng trưởng trong một vài thập niên tới. Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh một thời gian nữa, với nguồn nhân lực giá rẻ. Lực lượng nhân công ở các tỉnh thành miền tây sẽ đưa Trung Quốc tiến lên với mức tăng trưởng đạt 7, 8, 9% trong vòng 15 – 20 năm. Sau đó, tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào năng suất – họ sẽ đào tạo người dân như thế nào để sản xuất được nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian. Nói cách khác là làm sao để bạn đào tạo và trang bị cho lực lượng này những kĩ năng và công cụ làm việc khác nhau – dù là ở trường đại học, trường bách khoa hay các trường dạy nghề.
Trung Quốc còn phải đối mặt với một vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn: cần làm gì với những doanh nghiệp nhà nước ngày càng tỏ ra kém hiệu quả. Ở đây, Trung Quốc đối mặt với một vấn đề căn bản về động lực cá nhân. Họ cố gắng thúc đẩy công chức trở nên giống các doanh nhân tư nhân. Nhưng việc đó không hiệu quả, bởi trừ khi bạn nắm trong tay 20% cổ phần, và bạn sống với nỗi lo thị trường cổ phiếu sẽ nuốt sống bạn, thì bạn sẽ không tỉnh giấc và thấy phải làm một điều gì đó. Bạn vẫn nhận lương. Việc kinh doanh có đi lên hay đi xuống, bạn vẫn sẽ nhận lương. Nhưng nếu bạn có tài sản liên đới, toàn bộ sinh kế hay toàn bộ cổ phần của bạn ở một công ty, bạn sẽ lo lắng về nó 24 giờ một ngày.
Liệu người Trung Quốc có sẵn sàng tiếp nhận khái niệm tư nhân hóa này? Họ đang ở giai đoạn công chức được yêu cầu làm thương mại, nhưng điều gì sẽ thúc đẩy một công chức làm việc như một người sở hữu? Trừ khi Trung Quốc đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, mà điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Còn không thì tôi không chắc họ sẽ quyết tâm làm gì đó dứt khoát về vấn đề này.
Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc cần chuyển đổi từ dựa vào xuất khẩu sang dựa trên tiêu thụ nội địa, giống như nước Mỹ. Để điều này xảy ra, bạn cần thay đổi tư duy tầng lớp trung lưu và tầng lớp hạ-trung lưu, những người đã sống trong cảnh nghèo khó quá lâu, và luôn tự động tích lũy lượng tài sản tăng thêm ở ngân hàng hoặc dưới gối. Họ chỉ chi tiền khi họ thấy tin tưởng về tương lai. Người Mỹ chi tiêu – và họ vay mượn và chi tiêu – không quan trọng họ có tự tin về tương lai của mình hay không. Có một niềm tin cơ bản ở Mỹ rằng mọi thứ cuối cùng rồi sẽ ổn. Đó là cách nền kinh tế của họ tăng trưởng – bằng tiêu dùng nội địa. Rốt cuộc đó cũng là con đường mà Trung Quốc phải đi. Nhưng họ sẽ tiến hành thời kỳ quá độ đó ra sao?
Những người dân nghèo sẽ vẫn cư xử như người nghèo ngay cả khi họ giàu. Bạn chỉ muốn tích lũy nhiều tài sản hơn và có nhiều khoản tiết kiệm hơn bởi bạn đã nghèo quá lâu rồi, bạn sợ rằng bạn sẽ có thể nghèo trở lại. Bạn sẽ bắt đầu chi tiêu chỉ khi bạn trở nên tự tin và tin rằng sự thịnh vượng này sẽ ở lại đây và thật ngu ngốc khi gò bó cuộc sống của mình. Trung Quốc buộc phải tiến tới giai đoạn đảm bảo kinh tế tăng trưởng bền vững. Họ không có thừa mứa thời gian. Đây là một cuộc chuyển giao mà nước này phải thực hiện trong vòng một hoặc hai thập kỷ.
Tuy nhiên sự thịnh vượng cần được phân bổ một cách hợp lý. Chênh lệch về thu nhập là một yếu tố làm trì trệ tiêu thụ nội địa, bởi sức mua hiện giờ chỉ tập trung ở các tỉnh thành ven biển chứ không có ở bộ phận dân số lớn hơn sống tại nông thôn và các vùng nội địa. Trung Quốc sẽ tái phân bổ tăng trưởng hay nguồn lợi nhuận như thế nào? Bạn cần phải đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi.[1]
Hỏi – Đáp
………..
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Ly Quang Dieu ve xa hoi kinh te TQ.pdf
—————–
[1] Nguyên văn “You must have all boats rising” – xuất phát từ câu nói của cố tổng thống John F. Kennedy (1963) “a rising tide lifts all boats”, hàm ý khi một nền kinh tế vận hành tốt, mọi người đều sẽ được hưởng lợi từ nó. [ND]
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/03/12/ly-quang-dieu-xa-hoi-kinh-te-trung-quoc/#sthash.KjvDiWCb.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có người đến nói xấu học trò, Socrates chỉ hỏi 3 câu, người lạ cúi đầu lặng thinh


Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates là một nhà thông thái được đánh giá cao. Ông nghiên cứu nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên chung quanh chúng ta. Ông đã để lại nhiều tác phẩm triết học và triết lý sống đáng suy ngẫm. Và câu chuyện dưới đây là một trong số đó.
Socrate
Một ngày nọ, một người quen của nhà triết gia vĩ đại này đến gặp và hồ hởi nói với ông:
Socrates, ông có biết tôi đến để nói về một trong những học trò của ông?”.
“Đợi đã”, Socrates trả lời.
Trước khi kể cho tôi, tôi muốn làm một trắc nghiệm nhanh với anh. Nó được gọi là trắc nghiệm về ba bước sàng lọc”.
“Trắc nghiệm về ba bước sàng lọc?”.

“Đúng vậy“, Socrates tiếp tục.
Trước khi nói với tôi về học trò của tôi, chúng ta hãy ngồi một chút để kiểm tra những gì anh sẽ nói. Bước sàng lọc đầu tiên là sự thật. Anh có chắc chắn những gì anh muốn nói là sự thật?”
“Không“, người đó trả lời.
“Được rồi”, Socrates nói. “Anh không biết chính xác điều muốn nói là đúng hay không. Bây giờ chúng ta chuyển sang bước sàng lọc thứ hai, đó là điều tốt. Có phải những gì anh muốn cho tôi biết về học trò của tôi, là một điều gì tốt?”
“Không, trái lại ...”
Vậy thì“, Socrates hỏi, “Anh muốn nói với tôi điều gì xấu về học trò tôi, ngay cả khi anh không hoàn toàn chắc chắn điều này là đúng?”.
Người quen đó nhún vai có một chút xấu hổ.
Socrates tiếp tục: “Anh vẫn có thể nói cho tôi biết điều đó vì còn bước sàng lọc thứ ba, đó là hữu ích. Điều anh nói sẽ giúp ích cho tôi khi biết điều học trò của tôi đã làm?”
“Không, không thực sự“.
Vậy thì“, Socrates kết luận: “Nếu điều anh muốn nói với tôi không phải là sự thật, cũng không tốt, thậm chí cũng không hữu ích, thế thì tại sao lại nói cho tôi biết?”.
Người quen của Socrates chỉ biết im lặng…

Câu chuyện nhỏ nhưng mang lại cho chúng ta bài học to lớn về việc suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi nói. Nếu một thông tin chúng ta đem đến cho người khác không nhằm mục đích tốt mà chỉ để thỏa mãn những cảm xúc cá nhân, thì đó là việc không nên làm. Mỗi người cần suy xét cẩn thận và có trách nhiệm với lời nói của mình để không làm tổn thương hay gây hại cho người khác.
Đôi lời về Socrates
Socrates là vị triết gia lỗi lạc nhưng luôn mang trang phục xoàng xĩnh do tư tưởng thích đơn giản của ông. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ cẩu thả trong vấn đề này cũng như trong cuộc sống. Ông luôn thể hiện là một người vui vẻ và dễ chịu khi uống rượu với bạn bè, nhưng không bao giờ say như họ.
Tính cách của ông được thể hiện rõ bởi sự kiên nhẫn, sự mộc mạc và một khả năng tự kiểm soát trước tất cả những khó khăn. Tức giận, bạo lực và thù địch là “kẻ xa lạ” đối với ông. Nếu ai đó đánh ông, ông chỉ im lặng. Điều này khiến những người xung quanh vô cùng ngạc nhiên. Và Socrates giải thích: “Nếu một con lừa đã cho ra một cú đá, có cần phải thưa kiện nó không?“.
Socrates cũng là người trào phúng, khi ông nhìn thấy trong thành phố Athena các loại hàng hóa được thương gia trưng bày để hấp dẫn thu hút người mua, ông chỉ nói: “Bao nhiêu món đồ tôi không cần lại tìm thấy ở đó“.
Triết lý của Socrates xoay quanh nội dung “hãy tự biết chính mình”. Ông là người có khả năng hùng biện và đặt trọng tâm vào tinh thần chứ không phải vật chất. Socrates là nhà tư tưởng đầu tiên coi đối tượng của thiền định là cơ thể con người, vì ông quan niệm rằng: “Con người bạn là linh hồn của bạn”.

Những triết lý sống sâu sắc của ông đáng để chúng ta học hỏi và suy ngẫm…
Dưới đây là 9 điều mà Socrates đã nói:
1 – Trong vạn vật, cái gì xưa nhất?
– Thượng đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.
2 – Trong vạn vật, vật nào đẹp nhất?
– Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng đế.
3 – Trong vạn vật, vật nào lớn nhất?
– Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.
4 – Trong vạn vật, vật gì vững bền nhất?
– Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.
5 – Trong vạn vật, vật nào tốt nhất?
– Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.
6 – Trong vạn vật, vật gì di chuyển mau nhất?
– Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.
7 – Trong vạn vật, vật gì mạnh nhất?
– Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhất.
8 – Trong các việc, việc gì dễ làm nhất?
– Khuyên bảo.
9 – Trong các việc, việc nào khó nhất?
– Tự biết mình.
Tham khảo Epoch Times France
Xuân Hà

Phần nhận xét hiển thị trên trang