Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Nhà văn đàn bà Trang Hạ bàn về…đàn bà


Nhà văn Trang Hạ. Ảnh: VNN
Trích lời nhà văn Trang Hạ trả lời trên VNN ” Người phụ nữ luôn đòi hỏi người bạn đời phải thật tốt đẹp nhưng chúng ta chẳng bao giờ nghĩ được, bản thân người phụ nữ đã làm gì để xứng đáng với sự tốt đẹp của đàn ông.

Đó là lý do tôi cho rằng, tìm một người chồng tốt, không quan trọng bằng việc bạn phải trở thành một người phụ nữ xứng đáng để sống một cuộc đời hạnh phúc. Và nếu như là họ nghĩ được như thế, chắc chắn họ sẽ biết cách làm cho bản thân trở nên thú vị, say mê hoặc có giá trị.
Và nếu như bạn là một người phụ nữ thú vị, bản thân bạn đã là người phụ nữ độc lập và có một quan điểm xã hội tích cực như thế thì tôi tin những người đàn ông tốt sẽ nhìn ra giá trị của bạn.
Rõ ràng, việc hạnh phúc hay không, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm hơn là đỏi hỏi hay là trao quyền vào tay kẻ khác.”
Bài trên VNN
Tham khảo trên VNE: 10 mẫu phụ nữ đàn ông đừng bao giờ cưới
1. Cô gái cay nghiệt: Bạn biết rằng cô gái đó dường như lúc nào cũng tức giận với cánh đàn ông? Có lẽ trái tim cô ấy từng tan vỡ quá nhiều lần, và giờ đây cô ấy luôn hận thù, nói xấu cánh đàn ông hoặc nói họ vô tích sự ra sao. Là đàn ông, bạn đừng cố gắng gắn bó đời mình với một người cay nghiệt như vậy, vì khi có cơ hội, cô ấy sẽ nổi xung lên, đủ để làm tổn thương bạn.
2. Cô gái ích kỷ: Nếu bạn muốn có một gia đình hạnh phúc và một người bạn đời muốn bạn hạnh phúc giống cô ấy, bạn hãy mạnh dạn xóa tên cô gái ích kỷ khỏi danh sách lựa chọn. Cô gái như vậy sẽ luôn tìm cách để mình là trên hết, sẽ không thể xây dựng một tổ ấm yêu thương và cổ vũ cho bạn.
4. Cô gái lẳng lơ: Bạn bị cuốn hút bởi cô gái dường như lúc nào cũng liếc mắt từ người nọ sang người kia? Cô ấy giống một con bướm, bay từ người đàn ông này sang người đàn ông khác, và khiến tất cả các anh chàng nghĩ rằng cô ấy đang thích mình. Chà, hãy cẩn thận, vì một thói quen như vậy có thể rất khó sửa sau khi kết hôn, và bạn không muốn ngay từ bây giờ đã phải nghe đồn rằng vợ mình đang có cuộc trò chuyện ỡm ờ với tất cả các gã hàng xóm. 3. Cô gái theo chủ nghĩa vật chất: Một cô gái bị ám ảnh bởi vật chất sẽ không thể là người vợ tốt. Nếu tất cả sự quan tâm của cô ấy là việc sở hữu tài sản của gia đình, những vật đảm bảo và đáp ứng về tinh thần, cô ấy sẽ không thể là bạn đời tốt.
5. Cô gái tiệc tùng: Cô ấy được mời đi tất cả các bữa tiệc, và tham gia tất cả. Cô ấy luôn ăn mặc lòe loẹt nhất và là trung tâm của bữa tiệc. Cô ấy sống để chờ bữa tiệc tiếp theo, và không thể từ chối bất kỳ lời mời nào. Những phụ nữ như vậy có thể không phải là bến đỗ cho hôn nhân.
6. Cô gái được nuông chiều từ nhỏ: Nếu một phụ nữ lớn lên với mọi thứ đã đặt sẵn vào tay, và chưa bao giờ phải làm việc thực sự để đạt một thành quả nào đó, cô ấy sẽ không thể là người vợ tốt nhất. Dù bạn sẵn lòng giúp đỡ đến mấy, hãy nhớ, hôn nhân có những đứa trẻ và tụi trẻ cần người khác hy sinh vì chúng. Nếu cô ấy chưa bao giờ phải làm việc hay trả giả vì bất cứ điều gì trong cuộc sống, thì rất khó để cô ấy làm việc đó từ bây giờ.
7. Cô gái luôn tìm sự chú ý: Một cách tự nhiên, nhiều phụ nữ muốn được chú ý, nhưng nếu nó trở thành nỗi ám ảnh, đó là điều không tốt. Một người chồng tốt sẽ dành thời gian cho vợ, nhưng không thể đảm bảo 100% lần nào cũng vậy, vì thế người vợ tốt cần hiểu cho chồng.
8. Cô gái buôn dưa lê: Phải chăng cô ấy không bao giờ để ý đến công việc của mình? Cô ấy luôn tập trung vào những gì người khác đang làm hoặc chú ý đến người khác sống thế nào? Đó không phải là kiểu vợ bạn cần. Một người đàn ông cần bạn đời xây tổ ấm với mình, và cô ấy cần tập trung vào kế hoạch cũng như cuộc đời của bản thân cô ấy. Nếu cô ấy quá bận rộn với suy nghĩ, công việc của người khác, cô ấy không phù hợp đồng hành với bạn.
9. Cô gái không thích cam kết: Một cô gái thấy khó khăn trong việc cam kết với mọi thứ (trường học, công việc, gia đình, bạn bè…) cũng sẽ không thể cam kết trong hôn nhân. Nếu cô ấy luôn mất hứng với mọi thứ một cách nhanh chóng và luôn tìm kiếm thứ mới để nhảy vào, bạn sẽ khó mà buộc cô ấy quan tâm đến hôn nhân của mình.
10. Cô gái bất lịch sự: Nếu cô ấy luôn luôn bất lịch sự và thô lỗ (ngay cả với những người cô ấy coi là thấp kém hơn mình) thì bạn cần nghĩ lại trước khi định cưới. Tôn trọng con người là đặc điểm quan trọng chúng ta cần chọn cho người sẽ đi với mình suốt cuộc đời.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén 10 tỷ đồng


Lê Huân – Anh Sinh
VNN - TAND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén với số tiền tổng cộng 10 tỷ đồng.

Quyết định nói trên được bà Nguyễn Hiệp Hòa – Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận ký vào ngày 16/1/2017. Tuy nhiên đến sáng 7/3, đại diện của TAND tỉnh này mới trao cho ông Huỳnh Văn Nén tại UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Theo người nhà ông Nén thông tin, nội dung quyết định chủ yếu nói đến vấn đề bồi thường oan sai cho ông Nén, số tiền 10 tỷ đồng. Quyết định này cho biết trong thời hạn 15 ngày, nếu ông Nén không đồng ý có thể khởi kiện đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Được biết bồi thường 10 tỷ đồng oan sai cho ông Nén gồm các khoản như: tổn thất về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, tổn hại về sức khỏe và các khoản thiệt hại khác.

Phía người thân ông Nén cho hay, đây là kết quả sau 7 lần gia đình ông Nén cùng đại diện TAND tỉnh Bình Thuận gặp nhau, thương lượng bồi thường và đi đến thống nhất, do vậy ông Nén không có khiếu nại gì với quyết định bồi thường oan sai nói trên. 

Như vậy nếu không có gì thay đổi thì 15 ngày nữa khi quyết định có hiệu lực thi hành, ông Huỳnh Văn Nén sẽ chính thức nhận 10 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai.

Như VietNamNet đã thông tin, ông Huỳnh Văn Nén bị cáo buộc là hung thủ trong 2 vụ giết người – cướp tài sản xảy ra vào các năm 1993 và 1998. Sau đó lần lượt ông được xác định là bị oan trong 2 vụ án này.

Trong diễn biến khác, Viện KSND Tối cao cũng đang điều tra đối với những người gây oan sai cho ông Nén.

Ông Nén và gia đình có đề nghị xử lý hình sự đối với những người thuộc các cơ quan tố tụng. Cụ thể, ông Nén yêu cầu làm rõ và xử lý lên đến 14 người thuộc nhiều cơ quan tố tụng ở Bình Thuận. Sau đó ông có bổ sung thêm, trong đó có 1 số nhà báo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt nói dối: Con số và viễn cảnh



TRƯƠNG KHẮC TRÀ
(GDVN) - Theo nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Trong một khảo sát được công bố mới đây của nhóm nghiên do Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm chủ trì cho thấy, bệnh giả dối đứng hàng đầu trong 34 tật xấu của người Việt, chiếm đến 81%.

Còn theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển giáo dục thì tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22%, học sinh trung học cơ sở là 50%, học sinh trung học phổ thông là 64% và sinh viên đại học là 80%! [1].

Đây là những con số đáng phải rung hồi chuông báo động nhưng có phải vì chúng ta phải vật lộn với các chỉ tiêu kinh tế, nợ nần nên chẳng có một cơ quan chức năng nào để tâm, có phải vì xã hội hiện nay mọi thứ quan tâm đều đổ dồn về đồng tiền nên những gì không liên quan đến tiền sẽ bị coi nhẹ!?

Hãy tưởng tượng, vài chục năm sau Việt Nam sẽ có một thế hệ làm chủ đất nước mang trong mình phản xạ nói dối được rèn luyện từ lúc còn bé, niềm tin vào sự công bằng, chân lý lẽ phải có còn khi mà con người luôn rình rập lừa gạt nhau.

Tôi còn nhớ, hồi cấp phổ thông, cách đây không xa lắm, cô chủ nhiệm lớp tôi thỉnh thoảng lại tiếp những vị phụ huynh ngoài những đợt họp theo định kỳ.

Trong cách nhìn của tôi lúc ấy, toát lên sự khao khát ước gì phụ huynh của mình cũng thường xuyên gặp thầy cô của mình như vậy. 

Nhưng sự thật sau đó chẳng phải là điều gì quá đẹp đẽ mà là phụ huynh của những bạn ấy muốn biết rõ những khoản đóng, nộp, điểm số, học lực trực tiếp từ cô chủ nhiệm chứ không phải qua “báo cáo” của con em họ.

Rồi thì có những bạn lừa giáo viên chủ nhiệm một cách ngoạn mục bằng cách thuê bác xe ôm đóng giả… phụ huynh đến dự họp ngon lành.

Ở một cấp độ khác, người lớn cũng chấp nhận và sẵn sàng lừa dối nhau bằng những bản báo cáo mượt mà thành tích, số liệu… nhưng thực tế có phải vậy? 

Đó là căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục, nó như ghẻ lở ăn mòn ngứa ngáy năm này qua tháng nọ vẫn chưa có cách gì để trị; đó là tham nhũng, lãng phí tiền bạc, công sức của người dân; đó là những đợt bình bầu thành tích cuối năm; đó là vấn nạn suy đồi đạo đức xã hội; là những bản kê khai tài sản; là công tác bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự trong bộ máy nhà nước…

Số liệu mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Thêm cho thấy, cường độ nói dối tăng theo độ tuổi và cấp học, bậc học. Tại sao như vậy?

Phải chăng càng sống lâu trong môi trường giáo dục học sinh phải tăng cường độ nói dối để đối phó với những tiêu cực phả ra từ chính ngành giáo dục!?

Một lãnh đạo cấp cao ngành giáo dục hô hào “nói không với bệnh thành tích”, nhưng cứ đến cuối năm, giáo viên lại phải bò ra bồi thêm điểm cho học sinh, để đảm bảo tỷ lệ lên lớp luôn luôn đạt chỉ tiêu, như Phòng đã cam kết với Sở, Sở cam kết với Bộ.

Báo cáo tổng kết có tỉnh hô “GDP tăng, sản lượng lương thực tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách vượt trội, hoàn thành vượt mức xóa đói giảm nghèo, năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, giáp Tết hàng chục tỉnh vác rá lên trung ương xin gạo, 50/63 tỉnh thành hàng năm kêu cứu trung ương trợ cấp.

Hàng ngày bật tivi, xem quảng cáo, khán giả mặc nhiên chấp nhận các doanh nghiệp thi nhau “nổ” tưng bừng về công dụng, giá trị của các loại sản phẩm mà chẳng ai buồn tìm hiểu xem công dụng thực tế được bao nhiêu phần trăm so với quảng cáo.

Có người gọi các sản phẩm quảng cáo trên tivi đều là hàng đểu cũng chẳng phải oan!

Trong đời sống, có câu tục ngữ được hết đời nọ đến nọ kia thi nhau trích đi trích lại để khuyên răn, khuyến khích lối sống dối trá: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “nói ngọt lọt đến xương”, “trâu chậm uống nước đục”, “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”…

Trộm nghĩ, chẳng lẽ phản biện, đóng góp, phê bình cũng phải lựa lời, nghiên cứu khoa học cũng phải chọn lời, thật thà thì ăn cháo vì cháo không ngon bằng cơm! Cớ sao phải nói đến lọt vào xương người nghe?

Nói dối chằng chịt từ dưới lên trên, dọc ngang ngang dọc, trong gia đình, trong công sở, nơi kinh doanh, trong thực hiện luật...

Ai cũng nói dối nhưng ai cũng tỏ ra mình thật thà. Ai cũng biết mười mươi đối phương đang nói dối nhưng ai cũng tỏ ra hoàn toàn tin cậy.

Khó có thể hy vọng xây dựng được một xã hội lành mạnh nếu những hạt giống xấu được cài cắm vào lương tâm con người từ thuở bé.

Sau này, là công bộc, họ sẽ gian dối bằng cách ăn bớt giờ làm, đục khoét người dân và báo cáo láo về thành tích, rồi nào là học giả bằng thật, học giả bằng giả, mua bằng cấp, và mua quan bán chức... để leo lên những chức vụ cao hơn. 

Là kỹ sư, có người sẵn sàng rút ruột công trình hay thiết kế ẩu, thi công ẩu... miễn là có lợi cho mình.

Là bác sỹ, có người sẵn sàng trục lợi trên tính mạng con người. Là công nhân, họ cũng sẽ có trăm phương ngàn kế để ăn cắp nguyên vật liệu hay thành phẩm của nhà máy.

Nếu kinh doanh, họ sẽ không từ việc buôn gian bán lận hay làm ăn kiểu chụp giật...

Đó chính là nguồn cơn của một xã hội giả dối, con cái lừa dối cha mẹ, người nọ lừa dối người kia, nói một đằng nhưng việc làm lại một nẻo, nói mà không làm.

Rồi đến lượt mình, cái xã hội giả dối đó lại trở thành môi trường vô cùng tốt cho những hạt giống giả dối sinh sôi nảy nở.

Thật quan ngại rồi đây tính trung thực, thật thà trở thành của hiếm, trong khi đó mới chính là những đức tính đứng đầu của nhân cách, của phẩm hạnh con người.... 

Làm cách nào để ngăn chặn? Phát triển kinh tế và thỏa mãn các nhu cầu vật chất luôn mang tính quyết định đối với việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế của đời sống tinh thần.

Nhưng đừng quên rằng các thiết chế văn hóa tinh thần một khi xuống cấp thì hậu quả để lại sẽ là gấp bội so với tụt hậu về kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dantri.com.vn/su-kien/giao-su-tran-ngoc-them-tinh-hieu-hoc-can-cu-cua-nguoi-viet-chi-la-huyen-thoai-20161213071952913.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hài nhảm nhưng vẫn nhiều người xem, vì sao?


VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Nhiều người nhận xét các chương trình hài “mọc lên” ngày càng nhiều nhưng lại ngày càng nhảm, dùng “chiêu” giả gái, giả trai nhàm chán, thô tục. Có phải công chúng đang ngày một... thèm tiếng cười?

Nhiều chương trình chỉ cần lấy dẫn chứng về chỉ số rating (đơn vị dùng để đánh giá sự theo dõi của khán giả), số lượt xem, lượt tương tác trên các kênh truyền thông của chương trình hài để khẳng định lượng người quan tâm các chương trình hài nhảm này vẫn cao ngất ngưởng.

Cái gì hài hước thì sẽ dễ tiếp nhận?

Theo ThS Đặng Thị Kim Chi (khoa quan hệ công chúng và truyền thông ĐH Văn Lang), thị hiếu giải trí của công chúng VN không thay đổi nhiều trong thời gian qua. Việc các show hài bùng nổ là trách nhiệm của nhà đài, các công ty truyền thông. Họ đã chuyển trạng thái cảm xúc của người xem từ “khóc” sang “cười”.

Bà Chi phân tích: “Trước đây có sự bùng nổ các chương trình từ thiện, nói về cái nghèo khổ, cái thương tâm. Khán giả đồng cảm và muốn xem vì chạm đến trái tim họ, cho họ khóc, họ sẻ chia. Nhưng rõ ràng những gì nghiêng về nước mắt thì cần nhiều thời gian hơn để thuyết phục họ, còn tiếng cười thì rất dễ lấy. Công chúng được thỏa mãn trí óc nhanh hơn thông qua tiếng cười nên họ chọn xem các chương trình hài. Chẳng hạn chỉ cần chưa tới 60 giây để gây cười.

Ở một góc độ khác, bà Chi cho biết công chúng hiện nay có thể lựa chọn xem lại bất cứ chương trình nào, bất cứ lúc nào. Với các chương trình dài, nhà sản xuất còn cắt nhỏ và đăng tải lại trên Internet giúp công chúng nhanh chóng tiếp cận sản phẩm mình muốn xem, sự lựa chọn nhiều hơn, công chúng thỏa mãn hơn, lượt xem nhiều hơn, vì vậy doanh thu quảng cáo cũng nhiều hơn. Đó là động lực để các chương trình hài nở rộ.

TS Bùi Chí Trung (khoa báo chí và truyền thông ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Truyền hình có tính giải trí rất cao, do vậy người ta thường có xu hướng chọn xem những thứ làm họ thư thái, giảm stress”.

“Truyền hình hiện nay phát triển ở rất nhiều mảng, không riêng gì các chương trình hài. Tuy nhiên, những lỗi sai phạm, những “hạt sạn” lại rơi nhiều vào các chương trình hài nên công chúng tập trung vào nó nhiều hơn. Các lỗi này lại thường là các sai phạm “chết người”, vượt quá ranh giới chuẩn mực nên bị khán giả phản ứng”, ông Trung nhận định.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết thêm: “Các chương trình hài có loại chỉ chọc cười người xem, có loại để lại thông điệp rõ ràng nhưng nhìn chung là loại nào cũng tạo ra tiếng cười, giúp người xem cảm thấy thoải mái và họ chấp nhận điều đó vì họ cần sự thoải mái sau một ngày, một tuần làm việc mệt mỏi”.

Đừng lấy truyền hình thực tế để biện minh

TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh: “Không thể lấy cớ là truyền hình thực tế để lý giải cho những “hạt sạn” vì chẳng lẽ thực tế có gì là mang hết lên truyền hình. Thực tế phải được hiểu là lấy tinh thần thực tế, hơi thở cuộc sống để mang tính giáo dục, định hướng, giải trí vào sản phẩm truyền hình. Ngược lại, nó không còn là truyền hình. Và kênh truyền hình là cơ quan báo chí phải có định hướng rõ ràng.

Báo chí cạnh tranh với mạng xã hội ở cái gì? Đó là cạnh tranh ở niềm tin của công chúng. Nếu cứ tiếp tục với những show hài nhảm như thế thì chính truyền hình sẽ đánh mất công chúng”.

Dẫn chứng về các chương trình giải trí nổi tiếng ở nước ngoài, ông Trung cho hay nhà sản xuất, diễn viên sử dụng thủ pháp về ngôn ngữ và cách diễn xuất đạt ở trình độ rất cao để tạo ra tiếng cười và không bao giờ sử dụng những câu chữ thô tục. Họ sử dụng rất khéo léo để thể hiện những gì họ mong muốn một cách nghệ thuật.

TS Lý Tùng Hiếu (khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Về bình diện ngôn ngữ, dù có dùng những cách nói chuyện khẩu ngữ dân gian giản dị, thân mật thì người diễn viên cũng không được dùng các từ ngữ bao hàm sắc thái xấu xí hay ý nghĩa khinh miệt, chê bai, châm biếm thô lỗ”.

Theo ông Hiếu, văn hóa giao tiếp trên truyền hình là giao tiếp với công chúng, với cộng đồng. Do đó, dù đang đối thoại trong phim trường thì cũng phải hiểu là sản phẩm truyền hình đó sẽ được phát rộng rãi trong và thậm chí là ngoài nước. “Chúng ta không thể biện minh rằng giao tiếp như thế mới “thực” và tạo cảm giác kích thích gây cười. Hoàn cảnh giao tiếp cộng đồng không cho phép chúng ta dùng những từ ngữ hay hành động không phù hợp với văn hóa truyền thống”, ông Hiếu đánh giá.

ThS Kim Chi cho rằng với công chúng VN, ảnh hưởng của truyền hình là đáng kể. Người xem lấy truyền hình làm chuẩn mực nên nếu trên truyền hình phát những lời lẽ, hành động hơi bất thường là người xem thất vọng.

“Từ những người làm nghề như “kỳ nữ Kim Cương” từng thốt lên: “Những người quản lý không thấy gì trên sóng truyền hình sao!” cho đến những người quan sát, nhận định như chúng tôi, đều thấy các chương trình hài/nhạc nhảm đang giết chết hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp như thế nào. Cần hơn bao giờ hết sự can thiệp, điều chỉnh từ những nhà quản lý. Ít ra là các chương trình đó phải có tính giáo dục  và giá trị nghệ thuật cao hơn”, bà Chi bộc bạch.
***

Tạo scandal để thu hút người xem

TS Bùi Chí Trung cho biết bản thân những người sản xuất các chương trình hài cũng bị áp lực cạnh tranh bởi những chương trình cùng loại nên họ bí bách trong việc tìm những chủ đề mới, những nội dung, cách thể hiện mới. Và khi đó, người ta lấy sự dung tục hóa để tạo ra các scandal (vụ bê bối truyền thông) khiến người khác quan tâm hơn tới họ nhiều hơn.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRẬT TỰ ĐÔ THỊ, XIN HỎI ANH LÀ AI?


LS Đặng Đình Mạnh

7-3-2017
Trật tự đô thị ra tay trấn áp người biểu tình. Ảnh: internet
Trong cuộc biểu tình ngắn ngủi tại khu vực nhà thờ Đức Bà vào sáng ngày 05/03/2017, theo lời kêu gọi của linh mục/cựu tù nhân Nguyễn Văn Lý và trong nhiều cuộc biểu tình trước đó, công chúng được dịp chứng kiến lực lượng công quyền mặc đồng phục màu xanh nước biển, trên tay áo của họ in dòng chữ “Trật tự đô thị” đã ra tay trấn áp, bắt giữ người biểu tình.
Hình ảnh này nhắc cho công chúng nhớ về sự kiện lực lượng trật tự đô thị Quận Bình Thạnh đã từng hành hung bằng roi điện, bằng nắm đấm, kẹp cổ để bắt giữ công dân Trịnh Xuân Tùng, quê ở Thanh Hóa, là người bán hàng rong khiến người này bị ngất xỉu, phải đưa cấp cứu bệnh viện gây xôn xao công luận.
Chúng ta sẽ tự hỏi, dưới góc độ pháp lý, lực lượng quản lý trật tự đô thị là ai mà có thẩm quyền bắt giữ người biểu tình ngang nhiên như vậy ?
Đi tìm câu trả lời trong “rừng” văn bản luật của xứ sở, nơi mà tôi đang sống, thật ngạc nhiên khi tôi phát hiện rằng gốc tích pháp lý khai sinh ra lực lượng quản lý trật tự đô thị khá mù mờ ?! Nếu không muốn nói là bất minh về phương diện pháp lý!
 “Khai sinh” lực lượng quản lý trật tự đô thị tại các quận, huyện tại Sài Gòn là một văn bản của UBND TP.HCM : Quyết định số 55/2013/QĐ-UBND ngày 06/12/2013 V/v Ban hành quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện. Dựa trên cơ sở văn bản này, UBND các quận, huyện ban hành quyết định thành lập Đội quản lý trật tự đô thị cho địa phương mình. Cũng theo Quyết định 55/2013, Đội quản lý trật tự đô thị là cơ quan trực thuộc Phòng quản lý đô thị quận, huyện. Có trang phục riêng : Áo màu xanh da trời nhạt, có cầu vai, 2 túi có nắp và khuy gài, nón và quần màu xanh đậm.
Quyết định 55/2013 không quy định gì về điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng nhân viên quản lý trật tự đô thị. Sự dễ dãi này vô hình chung là cánh cửa mở rộng để “vơ bèo vạt tép” kể cả với những người không có trình độ văn hóa đảm nhận nhiệm vụ giao tiếp trực tiếp hàng ngày với công chúng.
Cũng trong Quyết định số 55/2013, văn bản ghi rằng căn cứ vào 02 Luật do Quốc hội ban hành và 04 Nghị Định do Chính phủ ban hành. Điều khôi hài đáng nói là cả 06 văn bản mà Quyết định số 55/2013 nêu tên làm căn cứ, thì đều không có điều khoản nào quy định thẩm quyền của UBND TP.HCM có quyền ra văn bản cho phép các quận, huyện thành lập các các cơ quan mới như Đội quản lý trật tự đô thị!!!
Ngạc nhiên chưa ?
Nhưng gốc tích khai sinh ra lực lượng này chưa phải là sự ngạc nhiên cuối cùng nếu công chúng biết thêm rằng trong “rừng” văn bản luật có liên quan, thì cũng không có quy định nào ban cho lực lượng quản lý trật tự đô thị thẩm quyền bắt giữ người!
Điều này thể hiện rất rõ trong phần quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của họ tại các quyết định thành lập.
Đây là sự thật hiển nhiên, bởi lẽ, việc bắt giữ người là hành vi cực kỳ nghiêm trọng, nó xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung, do đó, người xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm với tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo điều 123 Bộ Luật Hình Sự.
Thế nên, để bảo vệ quyền công dân, luật pháp quy định rất nghiêm ngặt việc bắt giữ người trong Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoại trừ trường hợp phạm pháp quả tang mà ai cũng có quyền bắt giữ, thì việc bắt giữ người chỉ được tiến hành khi có lệnh của người có thẩm quyền thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng mà thôi (Viện Trưởng VKS, Chánh Án TAND, Chánh Tòa TAND, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra kèm theo sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát…) và được thực thi bởi công an là những viên chức có chức năng.
Qua đó, có thể khẳng định hành vi bắt giữ người tham gia biểu tình của lực lượng quản lý trật tự đô thị là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật, nghiêm trọng hơn, vi phạm pháp luật. Nhất là khi người biểu tình thực hiện một quyền mang tính hiến định hợp pháp là Quyền Biểu Tình!
Những người đã từng bị bắt giữ bởi lực lượng này có thể yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự của họ.
Việc chính quyền sở tại công nhiên chấp nhận việc vi phạm pháp luật của lực lượng quản lý trật tự đô thị qua việc bắt giữ người trái pháp luật ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước, đã khiến tuyên bố về mục tiêu xây dựng Nhà Nước Pháp Quyền ngày càng trở nên sáo rỗng, xa vời. Cũng theo đó, lòng tin của công chúng vào hệ thống luật pháp vốn đã xói mòn, thì nay đã chạm tận đáy …
Công chúng vẫn còn nhớ nguyên những lời cật vấn của nhạc sĩ/cựu tù nhân Việt Khang, khi anh viết với lòng ái quốc sâu đậm:
Xin hỏi anh là ai ?
Sao bắt tôi làm điều gì sai ?
Xin hỏi anh là ai ?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay ?
Xin hỏi anh là ai ?
Không cho tôi xuống đường tỏ bày [*]
Nay, với cảm nhận lý trí, công chúng cũng muốn cật vấn : Trật tự đô thị, xin hỏi anh là ai ?
Trật tự đô thị khiêng người biểu tình lên xe buýt. Ảnh: internet

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN ĐỂ LẠI GÌ CHO ĐỘC GIẢ?


Nhà văn Nguyễn Quang Thân. Ảnh từ FB của Lê Thiếu Nhơn.

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN ĐỂ LẠI GÌ CHO ĐỘC GIẢ?
Lê Thiếu Nhơn
 
Sáng nay 7-3-2017, linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Thân được hỏa táng tại Phúc An Viên, quận 9, TPHCM. Cuộc đời 82 năm của ông đã khép lại, nhưng những trang văn của ông mở ra trước mặt bạn đọc như thế nào?

Sinh ra ở vùng đất Hương Sơn – Hà Tĩnh, 14 tuổi Nguyễn Quang Thân đã tham gia thiếu sinh quân. Năm 1957, khi đang theo học Trường trung cấp Thủy lợi, Nguyễn Quang Thân đã có tác phẩm đầu tay là truyện vừa “Nước về” lấy chất liệu từ ngành nghề mình được đào tạo. Nguyễn Quang Thân có 13 năm công tác ở Sở Thủy lợi Hải Phòng, trước khi chuyển sang tạp chí văn nghệ Cửa Biển của thành phố cảng!

Cuộc đời Nguyễn Quang Thân nếm trải không ít thăng trầm và ruổi rong. Tuổi 60 ông rời Hải Phòng lên Hà Nội lưu trú hơn 10 năm, rồi lại chuyển vào Sài Gòn cư ngụ gần 10 năm nay. Ở đâu, Nguyễn Quang Thân vẫn giữ cốt cách mình, mạnh mẽ và hào sảng. Trong nghề văn, có người sống nhạt viết hay và cũng có người sống hay viết nhạt, nhưng Nguyễn Quang Thân không hề tách bạch giữa sống và viết. Trang văn của Nguyễn Quang Thân luôn phản ánh đúng con người Nguyễn Quang Thân: chân thành, sâu sắc và thường pha chút hóm hỉnh chua cay!

Từ cuốn sách khởi nghiệp “Nước về” đến lúc buông tay vào cõi khác, Nguyễn Quang Thân viết liên tục và bền bỉ suốt 60 năm. Không ngày nào ông ngơi nghỉ quan sát và suy tư, không viết văn thì viết báo. Nguyễn Quang Thân luôn sốt ruột trình bày thao thức của mình với thời cuộc, với lương tri, với nhân quần. Dĩ nhiên, không ít người dị ứng với những câu chữ của Nguyễn Quang Thân, nhưng ông chọn lựa phương pháp sống đúng tư cách một văn sĩ! Nguyễn Quang Thân không cầu cạnh ai, không luồn cúi ai và cũng không đố kỵ ai. Ông đối mặt với chính mình, đối mặt với bản thảo, để làm một con người đứng đắn và gan góc!

Ngoài tập truyện thiếu nhi “Chú bé có tài mở khóa”, Nguyễn Quang Thân chú trọng hai đối tượng để khai thác là người nông dân và người trí thức. Trong hàng trăm truyện ngắn Nguyễn Quang Thân để lại, dù khắt khe chừng nào cũng có thể làm được một tuyển tập ấn tượng về đề tài nông thôn. Những truyện ngắn như “Cánh đồng mới gặt”, “Bờ hoang”, “Búi cỏ trên đường làng”, “Gió heo may” hoặc “Vạt áo đời người” giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo hơn về số phận những con người sau lũy tre xanh, họ vật lộn với mưa nắng, họ vật lộn với hủ tục, họ vật lộn với định kiến để tồn tại lầm lũi và kiêu hãnh!

Viết về người nông dân, điều Nguyễn Quang Thân luôn nhấn mạnh là ý thức nguồn cội. Dù thoát ly chiếc nôi vườn tược, thì người nông dân vẫn day dứt khôn nguôi về vùng trời thơ ấu. Ví dụ, truyện ngắn “Cây đắng cay” có đoạn viết về tâm trạng của nhân vật chính: “Sau bốn mươi năm trời phiêu bạt, ông Giáo tém miếng nhút vào giữa chiếc lá đắng cay và ông lặng lẽ nhai, một mùi vị chan chát tràn qua lưỡi rồi dâng lên óc. Ông chợt thấy mình đang bơi giữa sông Phố, ông lên bờ, trần như nhộng, chạy trên bãi cát bên cạnh mấy đứa trẻ trâu rồi cả bọn leo ngược bờ sông dựng đứng lên đồi sim. Gió Lào thổi qua da thịt, những giọt nước đang chảy long tong trên ngực không kịp rơi xuống chân đã bốc hơi mất. Lát sau mồm miệng đứa nào đứa nấy đã đen kịt nhựa sim. Một khoảng trời rộng mênh mông hiện ra phía sau đồi có chiếc cầu vồng thật sặc sỡ, những chiếc cầu vồng thường chỉ hiện ra sau cơn mưa, nhưng ba tháng nay trời không mưa mà vẫn có cầu vồng, ông nhìn thấy mẹ ông đang ngồi đập lụa bên bờ cầu vồng ấy…”.

Dẫu truyện ngắn Nguyễn Quang Thân đạt không ít thành tựu, nhưng đánh giá một nhà văn chuyên nghiệp, thì bút lực của Nguyễn Quang Thân nằm ở tiểu thuyết. Trong 5 tiểu thuyết mà Nguyễn Quang Thân đã xuất bản từ 1977 đến nay, có hai cuốn ghi đậm cá tính sáng tạo của Nguyễn Quang Thân là “Một thời hoa mẫu đơn” in lần đầu năm 1988 và “Ngoài khơi miền đất hứa” in lần đầu năm 1990. Cũng giống như truyện ngắn “Vũ điệu cái bô” nổi tiếng của Nguyễn Quang Thân, cả hai tiểu thuyết trên đều bung phá từ cảm hứng đổi mới, lý giải thân phận người trí thức giằng co với kinh tế thị trường để nhận diện lại nhiều giá trị bị lung lay. Nguyễn Quang Thân rút tỉa sự thay đổi “thành phố tằn tiện vào ban ngày, xa xỉ vào ban đêm, thứ ăn chơi làm lương tâm áy náy thì cần bóng tối” và Nguyễn Quang Thân cồn cào nỗi âu lo “nếu coi con người không ra gì, thì cả sự nghiệp này vứt đi hết”.

Qua 21 chương của “Một thời hoa mẫu đơn”, Nguyễn Quang Thân nghiêm khắc cảnh tỉnh: “Những người có quyền thực sự thường muốn dùng quyền lực một cách tối đa mà không nghĩ là quyền lực chỉ là một tài khoản ủy thác chứ không phải họ tự có, họ chỉ có quyền tiêu pha theo luật lệ cho phép mà thôi. Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật và kỷ cương cho một xã hội ổn định. Nhưng lòng say mê quyền lực và sự oai vệ là chuyện khác. Nó làm tha hóa con người, làm con người lầm lạc về những cái mình không có và tạo ra chủ nghĩa quan liêu”.

Còn qua 28 chương của “Ngoài khơi miền đất hứa”, Nguyễn Quang Thân đau đáu làm sao tránh khỏi một “xã hội không cần nhà phát minh, không cần nghệ sĩ. Vàng có khắp nơi.. . Bóp họng người khác là ra vàng. Hèn mạt, phản trắc, lừa lọc, ngậm miệng lại như hến cũng ra vàng, cái thân phận chỉ lo sao chường ra một bản mặt khiêm tốn, chín chắn và biết kính trên nhường dưới.. . chẳng thà không làm việc gì hết còn hơn hùng hục làm mà thất lễ với cấp trên”.

Bây giờ nhà văn Nguyễn Quang Thân đã đi xa, để lại cho chúng ta những lời tâm huyết trên từng trang viết lặng thầm!

L.T.N

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ký giả Đức tán chuyện giao thông Hà Nội


TS. NGUYỄN SĨ PHƯƠNG (BIÊN DỊCH)
VNN - Bóp còi là nghĩa vụ công dân tại Việt Nam. Còi dùng để cướp đường, cũng có khi chỉ vì tay đang rảnh rỗi, cũng có khi do cả hai. Thậm chí, vì vô cớ, muốn chơi trội giữa trời đất. sự kiện nóng

Với cư dân Hà Thành, giao thông Hà Nội là một phần cuộc sống, thường nhật như không khí để thở, nước để uống; nhưng trong con mắt của người nước ngoài lạ lẫm tới, lại là những phát hiện khác thường. Biết được những khám phá đó của họ về mình, dù sai đúng cũng là điều thú vị, nhất là bài viết mới đây đăng trên trang mạng Welt online Đức, với tiêu đề "Giao thông Hà Nội -  một sự điên rồ hoàn toàn bình thường", thu hút rất nhiều độc giả Đức bình luận.

Bạn cảm thấy mình rất chịu chơi ư? Bạn thấy chưa việc gì có thể thoả mãn tính thích hung hiểm, hay bạn thấy sức khoẻ của mình tốt như kim cương không gì tàn phá được? Vậy mời bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt.

Bóp còi là nghĩa vụ công dân tại Việt Nam. Còi dùng để cướp đường, cũng có khi chỉ vì tay đang rảnh rỗi, cũng có khi do cả hai. Thậm chí, vì vô cớ, muốn chơi trội giữa trời đất. Tiếng còi khắp mọi nơi, đằng sau, đằng trước, trái, phải, đâu đâu cũng ing ỏi còi, 24 trên 24, bảy ngày trong tuần.

Tiếng còi cũng rất vô cùng, muôn màu muôn vẻ, người thì lắp còi ngắn tiếng nhưng chói tai, người thì dùng còi âm dài nhưng trầm đục, một văn hoá âm thanh phát triển nhất thế giới. Gần đây, tôi còn nghe có vụ tài xế xe tải trang bị còi mạnh 300 Dez. (trong khi máy khoan bê tông chỉ gây tiếng ồn 120 Dez.) làm một người phụ nữ đi đường giật mình đánh rơi đứa con đang bế, khiến nó mất mạng. Người Việt hay gọi Lào là nước "vạn tượng", nên tôi cũng xin được mạn phép gọi Việt Nam là đất nước "vạn còi"!

Tôi cho rằng, người Việt, ai cũng nghĩ mình phải có vài ba mạng sống, nếu không thì chẳng ai dại gì tham gia giao thông, bởi lúc nào cũng phải đem mạng mình ra cá cược. Trên luật là đi lề phải nhưng thường thì chỗ nào cũng phóng lên được, kể cả vỉa hè, ụ chắn, miễn là có chỗ. Nháy đèn như ở Đức là gì? Ở đây được coi là trò vô duyên. Dành cho mọi việc, bạn đều phải sử dụng vũ khí tối hậu: còi. Nếu bạn bị tai nạn giao thông thì sao? Câu trả lời chỉ có một: chết là cái chắc. Cấp cứu khẩn cấp ư? Ai điên mà lao đầu xuống đường đầy xe để cấp cứu bạn?
Nếu có người nhân từ gọi điện cho xe cấp cứu ư, bạn cũng khó còn sống để đợi. Bởi xe cũng phải mất vài tiếng mới tới nơi. Tại đây xe cấp cứu không ai nhường đường, không chỉ bởi mọi người vô ý thức, mà đơn giản vì nếu họ có muốn nhường đường thì cũng không có chỗ để tránh.

Thậm chí bọn vô lại còn lợi dụng lúc nạn nhân nằm lăn ra để nhảy vào móc túi. Tốt nhất đừng để vướng vào tai nạn, đồng nghĩa với việc muốn chắc chắn nhất thì đừng ra đường. Công an giao thông Việt Nam đúng ra có nhiệm vụ nặng nề nhất thế giới, nhưng chắc quá bận, hoặc qúa khác so với đồng nghiệp quốc tế, nên hầu như không bao giờ thấy được mặt họ trên đường, ngoại trừ trên vài trục chính.

Xe máy tại Việt Nam là phương tiện giao thông số một, giống như ô tô tại Đức. Vì vậy mọi người dùng nó để chuyên trở mọi thứ khiến ta phải ngạc nhiên bội phục, từ dăm thành viên gia đình tới rau quả, đồ ăn, thậm chí gia súc, bò lợn vừa giết mổ còn nguyên móc hàm. Có hôm tôi tưởng mình năm mơ, khi nhìn một chiếc tủ to bự tự chạy trên đường, tới lúc vượt qua mới thấy đằng trước có người lái.

Có phụ nữ còn cưỡi sau chiếc xe đang phóng bạt mạng vạch vú cho con bú. Việt Nam đang chịu đựng mùa hè nóng nhất từ 50 năm nay. Nhiệt độ thường xuyên quá 40. Vì muốn tránh cho da bị đen nên phụ nữ ra đường thường che kín tay chân mặt mũi, thậm chí đeo cả găng tay. Thêm vào kích râm, khẩu trang bịt mặt và đội mũ bảo hiểm trông họ không khác mấy nhân viên làm việc trong nhà máy điện nguyên tử cần phòng chống phóng xạ. Nhiều người trang bị đen từ đầu tới chân khiến tôi nghĩ tới bọn khủng bố Hồi giáo.

Không khí tại đây ô nhiễm nặng nề, khi xe cộ tăng mỗi năm lên 15%, bụi từ đường thêm vào khói xe cộng bụi xây dựng và mùi rác rưởi tạo một cảm giác qúa ngột ngạt. Hiện nay tỉ lệ ô nhiễm không khí tại Việt Nam cao gấp ba ranh giới gây hại sức khỏe. Bạn muốn đổ xăng thì nên căng mắt ra tìm, nếu chưa biết thì không tìm ra được, nếu biết được rồi thì sẽ thấy ở đâu cũng có. Các trạm xăng xe máy nhỏ thường đựng xăng trong vỏ chai cola và hay để vài chai đục mờ lên ghế con tại lề đường, chớ đừng tưởng đó là cola thật rồi tu.

Nếu bạn muốn đi xe đạp thì nên để ý tới bàn chân của mình khi dừng xe, chân có thể bị xe sau cán nát bất kỳ lúc nào. Người Việt ai cũng có phong cách đi ngổ ngáo, hình thành phong cách chung là không ai nhường ai, chính bởi ai cũng đi và nghĩ như ai, nên thường không sao; bạn chỉ cần làm khác một chút, hay tưởng nhầm đang chạy xe ở nước bạn, nhường nhịn ai đó, thì coi như cầm chắc tai nạn. Cái đó đã nằm trong máu của mọi người.

Tôi đã có lúc mục thị một người mẹ dạy con mình tập đi xe đạp trên luồng đường chính, nhằm giờ cao điểm.

Khi tôi trò chuyện với một đồng hương đang làm việc một năm nay tại Hà Nội, anh mỉm cười nói rằng, lúc đầu anh cũng không quen nhưng chỉ sau vài tháng, anh thấy nếu quay lại Đức sẽ rất nhớ tới tiếng còi và những con đường đầy rác rưởi tại xứ sở này, vì nó hình thành nên một phần máu thịt mình khi sống ở đây mất rồi.

Nếu thực sự đúng vậy, thì đó qủa là lý do hoàn toàn tự nhiên khiến không ai chịu bắt tay vào khắc phục các vấn đề giao thông tại Việt Nam, hoặc giả họ sợ mất đi phong cách riêng của mình chăng?

Phần nhận xét hiển thị trên trang