Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Bí Mật 59 : Trạng Trình Và 500 Năm Sau

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người dân Đông Yên bao vây Formosa trước sự bảo vệ của hàng ngàn Côn An

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LIÊN HIỆP QUỐC PHANH PHUI MẠNG LƯỚI BUÔN LẬU CỦA TRIỀU TIÊN




marche_noir_en_coree_du_nord.jpg
Nhiều mặt hàng phương Tây được bán tại một khách sạn dành cho người nước ngoài ở Bình Nhưỡng REUTERS
 Theo báo chí Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc sắp công bố một bản báo cáo về các mạng lưới buôn lậu quốc tế, giúp chế độ Bình Nhưỡng có nguồn tài chính, để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, bất chấp các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, nhờ sự đồng lõa của một số quốc gia. Mặc dù không bị lên án đích danh, nhưng vai trò của Trung Quốc – đồng minh chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng – bị phơi bày.
Hãng tin Hoa Kỳ CBS News ngày 02/03/2017 cho biết cụ thể đã có được trong tay bản báo cáo 105 trang, dự kiến sẽ được công bố trong một tuần nữa. Báo cáo của nhóm chuyên gia, thuộc Tiểu ban trừng phạt 1718 (tên của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc), cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên đã lập ra cả một hệ thống các cơ sở tài chính rất phức tạp với tên và địa chỉ giả, để vận chuyển vũ khí, tiền bạc và vàng. Báo cáo kết luận : Để vô hiệu hóa các lệnh cấm ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước.
Bắc Kinh cố ngăn báo cáo
Theo hãng thông tấn CNN, báo cáo do Hội Đồng Bảo An đặt làm, lẽ ra đã được công bố từ ngày 22/02. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn việc phổ biến bản báo cáo này.
Thông tín viên Marie Bourreau từ New York cho biết thêm :
 « Bắc Kinh đặc biệt không muốn bản báo cáo này được công bố và tìm mọi cách ngăn chặn. Bởi nhận định của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đang đặt Trung Quốc trước một áp lực rất lớn.
Nếu như Bình Nhưỡng có thể tiếp tục buôn bán được với quốc tế và đầu tư cho các vụ thử hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, một phần chủ yếu là nhờ hậu thuẫn ngầm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã dung túng nhiều cơ sở thương mại trung gian và nhiều tổ chức bình phong của Bắc Triều Tiên.
Từ các phương tiện quân sự bán cho Eritrea, Mozambique hay Cộng Hòa Dân Chủ Congo, đến tượng đồng các lãnh đạo châu Phi, hay quặng sắt xuất khẩu…, danh sách “thượng vàng hạ cám” trong báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên không những đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, mà còn tìm cách lách các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, để tiếp tục đưa hàng ra ngoài.
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc xuất hiện vào thời điểm rất bất lợi cho Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh vừa tỏ thiện chí, hồi giữa tháng Hai vừa qua, với quyết định tạm ngừng nhập than từ Bắc Triều Tiên, để phản ứng lại việc Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa một lần nữa.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo vào năm 2016. Như vậy, Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường, buộc phải có hành động kiên quyết để ngăn chặn tham vọng của chế độ Bắc Triều Tiên ».

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Thi sĩ Hoàng Cầm - Nghĩ lúc nằm im

Hoàng Cầm là một trong những thi sĩ tôi thích. Nói tôi là "fan" của ông ấy cũng hoàn toàn đúng. Thời sinh tiền, Ba tôi thường nói rằng trong kháng chiến, thơ của Hoàng Cầm (như bài Đêm liên hoan) đã là động cơ tinh thần cho biết bao thanh niên vào trận và có khi hi sinh một cách hào hùng. Sau này tôi mê nhất là bài Nếu anh còn trẻmà Phạm Duy phổ thành ca khúc Tình cầm hay tuyệt:

Nếu anh còn trẻ như năm ấy,
Quyết đón em về sống với anh.
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận.
Anh lụy đời quyên bến khói sương.
Năm tháng ... năm cung mờ cách biệt,
Bao giờ em hết nợ Tầm dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót ,
Quay về lãng đãng bến sông xa.
Thì em còn đấy hay đâu mất ?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà ...
Ui chao, lời thơ mà đọc lên nghe cứ như là nhạc! Đến tay Phạm Duy thì ông hóa bài thơ có nhạc điệu hơn:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh.
Những chiều vàng phơ phất đến,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa

Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trức tơ!
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xa ...
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha.

Tôi mê bài này. Nghe hoài không chán, nhất là với tiếng hát của Lệ Thu hay Thái Thanh.

Mấy năm gần đây ông bị gãy xương (nhìn thấy dáng tôi chắc là ông bị loãng xương, có ai cho ổng Fosamax chưa?) nên phải nằm một chỗ. Tội nghiệp thi sĩ quá! Bài phỏng vấn sau đây của Nguyễn Thị Ngọc Hải đã đăng trên Người đô thị nhưng chưa đủ, bản này mới là bản đủ. Chú ý đoạn cuối:
"Đọc báo. Xem TV cả ngày phát chán. Giá lên. Có cảm giác nhân loại này TV Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Thấy nói thừa nhiều quá. Mà các ông đi thăm chỗ này chỗ kia, chả thấy nói ông ấy làm gì, bàn gì không biết."

Thôi tôi phải để cho các bạn đọc bài phỏng vấn.

NVT

===
Thi sĩ Hoàng Cầm - Nghĩ lúc nằm im
trò chuyện với
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Hoàng Cầm (ảnh của Nguyễn Đình Toán), không rõ năm nhưng chắc là 2007.
Hoàng Cầm – người thơ mang vị thuốc đắng ấy bây giờ lúc ngồi lúc nằm. Nếu không, phải chống tay thế này. Ngã gãy mất xương đùi trái. Đã 86 tuổi, bây giờ chàng thi sĩ đa tình và tài hoa xứ Kinh Bắc nằm yên một chỗ. Nhưng hễ có bạn bè lên thì vẫn nụ cười “ như mùa thu toả nắng”.
Bây giờ chắc ông khó mà đưa em nào buồn về bên kia sông Đuống như ngày xưa nữa rồi?
(Cười) Gãy chân đã 5 năm. Bác sĩ bảo mổ. Không. Thôi, què thế cũng được rồi. 24/24 giờ xoay xỏa mãi một kiểu nằm ở cái giường. Đám Thuỵ Kha, Trọng Tạo bảo thơ nó vận vào đó. Suốt đời “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như sông Đuống. Vậy mà tôi vừa về quê năm ngoái đấy.
Đi đứng thế nào ạ?
Ngồi xe lăn. Ô tô thuê. Về làng Lạc Thổ - Đông Hồ, còn một ông anh con bác ruột. Vài người bạn cũng thành cụ cả rồi. Yếu. Gặp nhau mừng lắm. Tôi về cùng các con dự giỗ tổ họ Bùi.
Bên kia sông Đuống vẫn xanh bãi mía bờ dâu, những cô hàng xén, những nàng dệt sợi đi bán lụa màu, những em sột soạt quần nâu.. giờ thay đổi nhiều lắm phải không ạ? Có còn “dấu vết” gì không?
Làng ấy nửa buôn bán nửa nông nghiệp, xưa nay vẫn thế. Đi chợ này chợ khác, không hẳn thuần tuý là cái làng Việt Nam. Tranh Đông Hồ thì xóm bên cạnh Tết vẫn làm. Vẫn con lợn con gà, đám cưới chuột.
Vậy làng còn đẹp như trong thơ không?
Nó đẹp hay không tự mình. Lúc nào tôi cũng thấy nó đẹp. Nhưng bến đò không còn cảm giác quê hương. Hai bên bờ đã khác. Văn minh hơn. Bến đò nay xây cầu sắt hẳn hoi, tiện cho dân. Mất thơ mộng, chả có cảm xúc gì. Chỉ thấy văn minh.
Thưa, thấy văn minh là cảm xúc…
Trước bến đò không nhà tầng bên sông, chỉ đi bộ xuống. Bây giờ thông thống cả. Mất đi không khí quê cũ. Chỉ cần một ngôi nhà ngói chen vào là hỏng rồi. Mất cái gì không biết, chỉ thấy mất. Đã gọi là bến mà, phải chờ phải đậu. Xưa có quán tạm để người chờ vào đó uống nước. Bây giờ có cầu, tất nhiên bến đò mất đi không phải chờ, vào đó uống nước làm quái gì. Văn minh phá không khí. Trẻ không có kỷ niệm. Càng già kỷ niệm càng gay gắt.
Trẻ lại có kỷ niệm khác chứ thưa ông. Nói họ không có kỷ niệm e là họ không đồng ý?
Kỷ niệm là cái đã qua, bao giờ cũng trôi về thuở ấu thơ ấy chứ. Bọn trẻ có kỷ niệm giống nhau hết cả. Thí dụ một anh 20 thì kỷ niệm của anh ta hồi 7-8 tuổi làm gì có nữa. Lúc đó bắt đầu đổi mới rồi. Không có thời gian, lấy đâu ra kỷ niệm. Mà họ giống nhau: Cùng được bố mẹ nuôi, sống ở thành phố, đi học…
Nhưng bây giờ tâm tưởng họ khác, phong phú nhiều bề, bận rộn, căng thẳng lắm chứ đâu có thong dong suy ngẫm kỷ niệm?
Cứ lấy thí dụ con cái thân thiết của gia đình mỗi nhà mà xem. Tâm tưởng thì chúng nó nghèo lắm đấy. Con tôi chẳng hạn, ngoan giỏi, yêu kính bố. Nhưng tập thơ tôi in ra. Sáng dậy nó còn ngủ. Tôi để cuốn thơ đầu giường, ngay mang tai nó, dậy nhất định thấy liền. Nó: Ờ, hay quá. Bố mới xuất bản ạ. Rồi giở lướt ra: In đẹp đấy nhỉ. Rồi để lại chỗ cũ, không cầm đi theo. Không có gì nó quý.
Vậy nó “quý” gì?
Bố có khách, nó quý người khách lắm. Họ nói chuyện thơ là nó thích, dù nó bận không nghe. Nó quý bạn thơ của bố mà chưa biết quý thơ. Đứa nào cũng phải tính làm ăn. Có tiền nuôi vợ con khá lên. Thời đại nó thế mất rồi. Giỗ vợ tôi mà đông khách khứa, bạn bè thăm bố, nó phấn khởi. Nhưng nghĩ ít. Hay là nó nghĩ gì không biết.
Con cháu có thuộc thơ ông không – cả nước phải học, vừa rồi cũng lại “Bên kia sông Đuống” là đề thi Văn mà?
Con cháu tôi đều đức độ, không phải loại vô học nhưng nó không quan tâm lắm dù cũng đã học qua rồi, bài của bố nó là tác giả. Nhưng đứa cháu lại thuộc, con chị học bên Hà Lan thì sưu tầm cẩn thận lắm.
Bài “Bên kia sông Đuống” dài lắm, đọc lên khi nào cũng nao lòng. Ông còn thuộc khômg?
Đây này, tôi sẽ đọc …(Ông đọc liền tới hơn 100 câu thì ngừng), như thế là mệt rồi. Giọng bây giờ nó cũng hỏng rồi. Hay gì. Trước sang sảng, nay có lúc khản hẳn.
Mặc dù có nhiều tác phẩm, ông có thể kể lại những cảm xúc nao lòng em oi buồn làm chi, anh đưa em về sông Đuống… làm rung động nhiều thế hệ?
Chuyện này nghiên cứu văn học có phân tích nhiều nhưng tôi vẫn sẽ nói thêm cái cảm giác của một đêm khuya năm 1948 ở khu 12 Phú Bình Thái Nguyên. Mấy anh cán bộ Nam sông Đuống lên báo cáo tình hình Pháp chiến. Tư lệnh Lê Quảng Ba mời tôi sang nghe.
Lúc đó tôi thành lập một đội văn công nhỏ. Tôi nghe họ báo cáo ở Thuận Thành, Lang Tài, La Lương, nó bắt bao người, bắt bao nhà. Đêm về nghe rõ ràng giọng chính mình vang lên mấy câu đầu “Em ơi buồn làm chi…” nó trào ra rất nhanh. Không phải nghĩ nữa. Âm điệu chữ nghĩa cứ tuôn ra. Thương quê mình quá.
Nghe nói hồi đó ông cứ phải ngồi đọc cho các cán bộ ở Côn Đảo, Phú Quốc, Campuchia về hội nghị ở Việt Bắc chép bài thơ đó. Sau nó được in ở báo Cứu Quốc. Ông còn giữ tờ báo đó không?
Chiến tranh loạn lạc, làm gì còn.
Theo ông, cái gì làm cho khung cảnh một làng quê ông sống mãi trong mọi tâm hồn?
Gắn lòng với dân tộc, thương quê. Cái gì nói lên được quê hương và những người quê hương sẽ trường tồn. Đó là một quy luật.
Nhưng có thời hình như nó bị cấm?
Lúc đó tôi nghĩ: cứ cấm đi, chỉ 10 năm nó sẽ sống lại… Ai không gì dìm cho nó “chết” được.
Ông sống rất lâu ở Hà Nội, nhưng lại không làm thơ về Hà Nội?
Tôi ở từ năm 1941-1942 khi diễn vở “Kiều Loan”. Lúc đó mới biết Hà Nội nó ở chỗ nào. Không biết thích gì ở Hà Nội. Vì nó ít kỷ niệm, hoặc kỷ niệm không đáng nhớ lắm. Cũng đi học, đi thi…
Bây giờ những tứ thơ còn đến với thi sĩ nữa không?
Thơ đầy bụng nhưng không viết được. Chỉ 3 phút là tư tưởng loãng, rối dần. Biết thôi hết rồi.
Thì ghi âm, hoặc gọi con cháu ghi giùm, không thì phí quá.
Phải nhớ, là rắc rối rồi.
Vậy phải nằm suốt ngày, nhà thơ nghĩ gì?
Không có một việc gì để làm cả. Nghĩ về dĩ vãng, công việc, vợ con, bạn bè. Chỉ thoáng thôi. Nhớ giờ không sâu nữa.
Kể cả nhiều mối tình đã từng say đắm, thi sĩ đa tình cũng quên hết sao?
13 người gia nhân – kể những người có “thành tích” tên tuổi. Linh tinh không dễ. Hầu như họ ở Sài Gòn hoặc tản mạn đi đâu hết.
Ông nằm trên tầng lầu cao nhất của ngôi nhà gần sát nhà thờ lớn. Hàng ngày nghe tiếng chuông có gợi nhiều buồn vui, dĩ vãng?
Chuông nhà thờ ở thàmh phố không thể nào sánh với chuông chùa vùng quê. Xâm xẩm chiều buông, tiếng chuông chùa quê Việt Namnó ghê lắm. Từng tiếng một, tắt hẳn dư âm mới tiếp tiếng khác, chìm dần, đưa vào cõi không. Vời vợi rồi chìm hết. Nghe tiếng chuông chùa ở nhà quê mới hay. Chùa Quán Sứ cũng có, nhưng nó ở thành phố, không thực không khí Việt Nam. Muốn hưởng cái hay phải ở nhà quê yên tĩnh. Mà phải nghèo.
Sao vậy ạ?
Nghèo – cảm thấy hư vô không còn gì cả. Tiếng chuông chùa lên là thôi, tan dần, mới thật là Phật. Chuông nhà thờ buồn chiều một tí, nhưng chuông chùa ở nhà quê đưa người ta hiểu đúng thế nào là hư vô.
Nằm “trên trời” thế này ông có theo thời sự không ạ?
Đọc báo. Xem TV cả ngày phát chán. Giá lên. Có cảm giác nhân loại này TV Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Thấy nói thừa nhiều quá. Mà các ông đi thăm chỗ này chỗ kia, chả thấy nói ông ấy làm gì, bàn gì không biết.
Cuộc sống sinh hoạt hiện nay của ông thế nào ạ?
Ăn cháo với thịt băm. Củ cải dầm ăn được. Còn thuốc lào thì không kể được. Anh Nguyễn Đình Toán còn nhớ đấy. Năm 1993 vào Huế, ông Hải Bằng về nhà chặt tre làm điếu đem đến không kịp. Chúng tôi ra đến Quảng Trị nhờ trẻ con đi mua điếu không có. Một lần ra sân bay, Toán uống bia xong đục cái vỏ lon bia làm điếu.
Hút vậy hại sức khoẻ lắm.
Câu ấy ai cũng nói. Nhưng nó theo cả đời rồi. Mình phải cầm đóm lấy mới ngon, Để người châm hộ không ngon.
Thật ra sống đủ rồi, không muốn sống đau ốm, thế nên cho trách giời một tí.
Nguyễn Thị Ngọc Hải


Phần nhận xét hiển thị trên trang

bác sĩ tâm thần nhìn ai cũng điên hay có vấn đề tâm thần cả!

Khía cạnh tâm lí của thơ Hàn Mạc Tử

Đây là một bài viết cũ trong thư mục do tôi sưu tầm. Bài của anh Nguyễn Đức Phùng, một chuyên gia tâm thần học ở Mĩ. Anh Phùng cùng quê bên nội tôi, tức là Bình Định. Chúng tôi chỉ quen nhau qua email mà chưa bao giờ gặp ngoài đời. Nhưng tôi vẫn hi vọng sẽ gập anh một lần để đàm đạo chuyện Hàn Mặc Tử mà anh cho là … điên.Không biết nói ra có làm anh Phùng giận chăng, nhưng tôi thấy các bác sĩ tâm thần nhìn ai cũng điên hay có vấn đề tâm thần cả. :-)
NVT
Khía cạnh tâm lí của thơ Hàn Mạc Tử
(qua cái nhìn của một chuyên gia tâm thần học)
Trong lời giới thiệu của cuốn ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ của Quách Tấn, do nhà xuất bản Quê Mẹ ấn hành, một tay nào đó của nhà xuất bản viết:" Tên tác giả Quách Tấn, tên người được đề cập đến trong thiên hồi ký này và Hàn Mặc Tử, cả hai đều không cần đến bất cứ lời giới thiệu nào. Tự những cái tên ấy đã là những giá trị mà không ai có thể hoài nghi hay phủ nhận được". TRỜI! Viết như thế này thì còn ai dám có ý kiến gì khác với hai ông ấy nữa chứ! Chính ông Quách Tấn còn nói trong lời mở đầu là:" Rất có thể bị thời gian làm sai lạc ít nhiều" kia mà!
Hàn mặc Tử nói mình điên: "Bây giờ tôi dại tôi điên, chắp tay tôi lạy khắp miền không gian.... Anh điên anh nói như người dại, van lạy không gian xóa những ngày", và lấy tên một tập thơ là Máu Cuồng và Hồn Điên, thì người ta bảo ông điên cũng phải lắm! Chính ông ta nhận mình điên như bị can nhận mình có tội thì luật sư còn biết biện hộ làm sao nữa! Có chăng là nhờ một bác sĩ tâm thần khám rồi tuyên bố rằng ông ta đã mất trí rồi, không còn đủ tư cách pháp lý để nhận tội hay chạy tội nữa. Ở đây chẳng có ai có tội tình gì để mà bào chữa, có chăng là ý kiến của hai phe: Một phe có cảm tình với Hàn Mặc Tử, tự nhận là hiểu được thơ của Hàn và ca tụng hết mình, đứng đầu là nhà thơ cổ điển Quách Tấn. Phe kia bảo là không hiểu nổi ( các tập thơ sau tập Gái Quê, như Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên), nên có ý bảo rằng đấy là thơ của người điên! Hoài Thanh, Hoài Chân, trong cuốn THI NHÂN VIỆT NAM (TNVN) có ngụ ý như vậy khi ông viết:" Một tác phẩm như thế không thể nói là hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết ta đứng trước một con người sượng sần vì bịnh hoạn, điên cuồng vì quá đau khổ trong tình yêu..." Ông còn chia thơ của Hàn Mặc Tử ra làm nhiều nhóm, trong đó có nhóm thơ ĐIÊN, gồm ba tập Hương Thơm. Mật Đắng. Máu Cuồng và Hồn Điên.
Tôi chưa nói ông đúng hay sai, nhưng tôi đã thán phục ông ta ở chỗ ông biết người biết ta khi ông nói: "Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của của tâm linh con người, khi xem tập Máu Cuồng và Hồn Điên, có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn là nhà phê bình văn nghệ ..."
Rất tiếc là trong giới văn học nghệ thuật của chúng ta đã không có nhiều những người như vậy, những người có óc nhận xét và phán đoán. Phần lớn họ là những người viết để thỏa mãn cái TÔI tự đại và khoe khoang (narcissistic ego), muốn cho người khác biết tới mình như là một kẻ có tài, nhất là những nhà văn nghiệp dư của chúng ta. Cho nên trong những tác phẩm của ho,ï ta luôn luôn thấy thấp thoáng bóng tác giả, khi ẩn khi hiện, như có ý nói rằng:" Đấy, ông thấy không, tôi đây cũng có hạng lắm chứ đâu phải tầm thường. Tôi thuộc loại đặc biệt đấy, người ta chưa biết tôi đấy thôi!".
Nhà văn có thể viết về mình như là thân phận của con người ( one of them), nhưng buồn thay chúng ta đều có ý nói:"Không, tôi không phải tầm thường vậy đâu! Tôi là một người đặc biệt ( I am not one of them, I am special!)". Xin lỗi! Tôi chỉ phân tích tâm lý. Nếu những nhận xét ấy có vẻ giống như mình quá thì ta có thể dùng một cơ chế tự vệ khác (defense mechanism) là Rationalization, lý luận biện hộ rằng: "Không! tôi đâu có cần được ai thán phục. Ngày xưa tôi viết là để giải tỏa nỗi buồn của người thanh niên trong cuộc chiến không lối thoát. Bây giờ tôi viết lại là để giải bày tâm sự của riêng mình và của người đồng hương, hay viết để bảo tồn văn hóa dân tộc.v.v..." Nghĩa là tìm một lý do chính đáng nào đó chấp nhận được cho mình và cho người là được rồi!
Ngay chính Hàn Mặc Tư,û ông cũng đã không dấu diếm gì điều đó khi ông nói với Quách Tấn:" Ừ, không làm được anh hùng trong lịch sử thì cố gắng làm anh hùng trong văn chương"( tr 32, ĐNVHMT). Ông ta là người rất háo thắng, như khi thấy Quách Tấn viết bài ca ngợi bài thơ VÔ ĐỀ, đọc được nhiều cách của vua Tự Đức, ông liền viết thơ bảo rằng:"Ai làm chẳng được mà khen!", rồi gởi luôn một lần hai bài thơ như vậy. Hàn Mặc Tử thường viết:"Những người có tài nghĩa là đi ra ngoài cái sáo cũ và lề lối xưa, thường hay đi trước sự tiến bộ. Tác phẩm của họ chỉ làm cho những thế hệ kế tiếp sau xem mà thôi. Chứ ở thời kỳ này, người hiểu thơ cho chín chắn vẫn là một thiểu số" (tr 410, Việt Nam thi nhân tiền chiến, quyển hạ, của Nguyễn tấn Long và Nguyễn hữu Trọng). Văn xuôi của Hàn Mặc Tử thì rất màu mè sặc sỡ, quá sức tưởng tượng, để tình cảm và cảm xúc tràn ngập, thiếu lý trí và phán đoán, lúc nào cũng đẩy tình cảm và cảm xúc đến bên bờ vực thẳm để cho khủng hoảng xảy ra, vì ông muốn như vậy, muốn là người đầu tiên, thiên tài, một anh hùng của văn học thì phải khác thường chứ! Những ước mơ ấy đã phản ảnh trong một bài thơ ông gởi cho một cô gái ở quê ông: "Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ, đời anh lưu lạc tự bao giờ, đi đi đi mãi nơi vô định, tìm cái phi thường cái ước mơ!..."
Trước khi chết, Hàn dặn người bạn đồng bịnh tương liên là Nguyễn văn Xê báo tin cho hai người, một trong hai người đó là nhà phê bình văn học và viết truyện ký Trần thanh Mại. Để làm gì, nếu không phải là để có người viết về mình ? Quả thật sau đó ông Trần thanh Mại đã viết cuốn Hàn Mặc Tử và đã đưa Hàn Mặc Tử vào huyền thoại văn học Việt Nam. Hàn cũng nói về mình, nhưng nói về cái thân phận đau khổ của mình, mà cái đó là cái chung của đồng loại, cho nên ông mãi mãi là người của chúng ta.
Ông Xuân Diệu thì quả quyết rằng Hàn Mặc Tử không điên, chỉ có lập dị, làm thơ như người điên. Ông ta cau có, gián tiếp mắng nhiếc Hàn như sau:" Hãy so sánh thái độ can đãm kia (thái độ của những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn hết là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống." (tr 203 TNVN).
Đấy! các nhà văn nhà thơ của chúng ta làm rộn cả lên như vậy! Sẵn sàng chụp mũ, chưởi bới, đốp chát khi không hài lòng, ngay cả với một con người đang quằn quại đau thương vô bờ bến với bệnh cùi, vào thời ấy có lẽ cũng kinh khủng như bịnh ẾCH bây giờ (AIDS hay SIDA), tương đương với một sự chờ chết (impending death or dying). Chúng ta sẽ thông cảm với Hàn Mặc Tử hơn, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu một: CHUỖI DÀI ĐAU KHỔ VÀ THƯƠNG KHÓ (Mourningproccess or bereavement ) xảy ra hằng ngày trước mặt chúng ta nhưng ít ai chịu để ý và phân tích.
CHUỖI DÀI ĐAU KHỔ và THƯƠNG KHÓ
Nhà tâm thần học Elisabeth Kubler Ross đã quan sát và ghi nhận những phản ứng tâm thần của những người có người thân yêu ruột thịt bị chết, của người đang chết từ từ vì một bịnh nan y, ngặt nghèo không chữa được, hay những người bị một sự mất mát to lớn nào đó. Những phản ứng tâm thần ấy có 5 giai đoạn: Shock and denial ( bị cú shock, sững sờ, không thể chấp nhận được), Anger (giận dữ), Depression (Đau khổ, suy sụp tinh thần), Bargaining (mặc cả), và cuối cùng là Acceptance (chấp nhận).
Ví dụ có người tới báo cho bà mẹ biết rằng con của bà bị xe cán chết ngoài đường. Phản ứng đầu tiên là bị SHOCK and DENIAL,sững sờ, hồn phi phách tán, tá hỏa tam tinh, bà không tin như thế được! Người mẹ có thể nghĩ là người ta đã nhầm một đứa bé nào đó chứ không phải con của bà, hoặc nếu là con bà thì có lẽ nó chỉ bị xỉu thôi! nghĩa là bà đã không thể chấp nhận sự chết của con của bà được (denial).
Tôi đã chứng kiến cảnh một người đã sững sờ, nhợt nhạt, không nói được một lời nào (shock) khi được báo cho biết là thử nghiệm máu của ông ta dương tính với bịnh ẾCH. Một thời gian dài sau đó ông ta còn tin là thử nghiệm sai! Có người còn tin là không có bịnh ẾCH đâu! mà là một sự bịa đặt của giới y khoa và của chính quyền để hù làm cho dân chúng sợ, đừng làm tình bừa bãi, chích choát xì ke ma túy.v.v..( Lý luận, rationalization, để đưa đến sự không chấp nhận: denial ). Hàn mặc Tử đã phản ứng y chang như vậy. Vào những ngày cuối của cuộc đời, ông có tâm sự với người bạn mới gặp là Nguyễn văn Xê khi vào bịnh viện cùi Quy Hòa rằng:" Tôi nghĩ không bao giờ mình bị bịnh này anh Xê ạ!" (tr 179, ĐNVHMT). Trong một thời gian dài ông đã không chấp nhận được chuyện mình mắc bịnh cùi (denial), thay vào đó ông nghĩ là mình chỉ bị bịnh phong ngứa thôi, nên đã đi khắp các tiệm thuốc Bắc và thuốc Nam ở Bình Định và Chợ Lớn để chữa.
Còn người mẹ, khi đã thấy rõ là con của mình đã chết, bà sẽ phản ứng giận dữ, chưởi bới, có thể đổ lỗi cho người này người kia.v.v.. Ở Việt Nam tôi còn nhớ mỗi lần có tai nạn xe đò tông chết người, việc đầu tiên người tài xế phải làm là chạy thoát thân trước đã. Nếu chậm trễ, có thể bị thân nhân đánh chết không chừng! Tôi có người bịnh khi biết mình bị bịnh ẾCH liền xách súng đến bắn người đã tặng bịnh ẾCH cho mình. Đấy là những phản ứng của giai đoạn giận dữ, ANGRY.
Hàn Mặc Tử đã giận dữ qua Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên. Thơ văn nóng như lửa, nhanh như chớp, dữ dội, kinh dị, rùng rợn và quay cuồng như giông tố: "Hồn là ai, là ai tôi chẳng biết! Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi. Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười, hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng. Tôi chết giả và no nê vô vạn, cười như điên và sặc sụa cả mùi trăng. Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng, hồn đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến! Thịt da tôi sượng sần và tê điếng. Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên, tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm, cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực. Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức, rồi bay lên cho tới một hành tinh, cùng ngả nghiêng lăng lộn giữa muôn hình, để gào thét một hơi cho rởn óc, cả thiên đường trần gian và điạ ngục!.. " (Hồn là ai).
Giai đoạn DEPRESSION, buồn bực, khóc than và đau khổ. Điều này ta thấy khắp nơi trong thơ ông. ông đã xa lánh mọi người, cắt đức mọi liên lạc với thế giới bên ngoài (withdrawl ) kể cả người bạn thân là Quách Tấn:" Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu, những áng mây lam cuốn dập dìu, những mảnh nhạc vàng rơi lả tả, những niềm run rẩy của đêm yêu. hay: Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh, hơn hết u buồn của nước mây, của những tình duyên thương lở dở, của lời rên siết gió heo may". Sự đau khổ thấy khắp nơi trong thơ ông và dường như là do tình yêu mà ra là vì ông ta có chấp nhận là mình bị cùi đâu! cho nên mọi đau khổ đều đổ cả vào tình yêu, cũng như ông đã đổ cả vào bịnh phong ngứa vậy! Đổ cả vào tình yêu, gián tiếp là đổ cả vào Mộng Cầm. Đấy là sự giận cá chém thớt ( displacement ) trong lúc giận dữ. Trăm dâu đổ đầu tằm là vậy. Các người đàn bà khác như Thương Thương, Hoàng Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương, đều không có sự đóng góp chính đáng vào sự đau khổ của thơ ông.
Giai đoạn BARGAINING, mặc cả với Chúa, Phật và thần linh, quay về với tôn giáo, đi chùa lễ phật, cúng dường Tam bảo, hứa nguyện làmđiều lành, hy vọng được Phật cảm động mà cho hết bịnh ( má tôi thường làm cái này lắm ). Còn Hàn Mặc Tử thì đi nhà thờ, chấp nhận Chúa làm Chúa cứu thế, làm thơ tôn vinh đức mẹ Maria và đức Chúa Trời với hy vọng bịnh được lành như lời ông tâm sự với Quách Tấn:" Tôi có lời nguyện khi vào Quy Hòa, nếu Chúa ban phước cho tôi lành mạnh, tôi sẽ đốt tập thơ Điên" (tr.114, ĐNVHMT)..... "Tôi van lơnthầm nguyện Chúa Giê-su, ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối, xin tha thứ những câu thơ tội lỗi, của bàn tay thi sĩ kẽ lên trăng, trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng. Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo, ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian, để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân, nở một lượt giàu sang hơn Thượng đế. Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh! Run như run thần tử thấy long nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng...nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến".Mà tại sao ông phải đốt tập thơ Điên ? Tại vì đó là những giận dữ oán hờn nghi ngút. Mà ông oán hận ai nếu không phải đó là ông TRỜI ? Oán hận ông Trời thì mong gì ông Trời rũ lòng thương! cho nên ông phải nguyện đốt bỏ tập thơ ấy đi. Đấy là sự mặc cả.
Trong thâm tâm của ông, ông biết là ông không thể lấy Mộng Cầm được với tình trạng bịnh tật như thế này. Ai đã yêu với một tình yêu cao thượng và chân chính, với một chút lãng mạn, sẽ đoán được Hàn Mặc Tử sẽ làm gì ? Chính ông sẽ rút về một vị trí nào đó để giữ cái đẹp của tình yêu, cho nên ông sẽ chẳng bao giờ oán hận Mộng Cầm đâu, như lời ông nói: "Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy, nhưng mà ta không lấy làm điều, trăm năm vẫn một lòng yêu, và còn yêu mãi rât nhiều em ơi!"
Giai đoạn ACCEPTANCE, chấp nhận: Khủng hoảng, đau thương, mất mát, rồi cũng nguôi ngoai dần. Người mẹ có con chết kia, người bị bịnh ếch nọ, cuối cùng đã nhận thấy rằng cái chết là không thể tránh được (inevitable), phần lớn họ dần dần bình phục, lấy lại được sự sự bình tĩnh trong tâm hồn và tiếp tục sống nốt cuộc đời còn lại. Hàn mặc Tử cũng vậy, sau bao lần hy vọng và tuyệt vọng, đau khổ kêu la đến cùng cực, đã cầu nguyện trắng cả không gian, cuối cùng ông đã chấp nhận là mình đã bị bịnh cùi để vào trại cùi Quy Hòa một cách bình thản cho tới khi chết. Ông tâm sự với anh nguyễn văn Xê:" Tới Quy Hòa này là nơi có bãi bể, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người, nên tôi đã hưởng cái bình an của nội tâm, cái thanh cao của nguồn vui tưởng chừng như đã chết trong tôi.." (tr.179, ĐNVHMT ). Sau khi ông chết, người ta tìm thấy trong túi áo một bài viết của ông bằng tiếng Pháp: La pureté de l` âme ( sự trong sạch của tâm hồn ) (tr.181 ĐNVHMT ).
Tôi muốn nói thêm một vài điều về chuỗi dài đau khổ và thương khó này:
Các giai đoạn không nhất thiết phải xảy ra theo đúng thứ tự từ một đến năm, mà có thể xảy ra lộn xộn.
Không phải ai cũng phải trải qua đủ năm giai đoạn. Có người thì kẹt lại tại một giai đoạn này hay giai đoạn kia quá lâu, hay trở nên bất thường và trở thành bệnh lý ( complicated bereavement ), ảnh hưởng đến sức khẻo cần phải chửa trị. Ví dụ có người bị kẹt tại giai đoạn DENIAL quá lâu như Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Ông không chấp nhận mình bị bịnh cùi mà là bịnh phong ngứa, rồi đi tìm thầy thuốc Nam và thuốc Bắc mà chữa trị, để đến nỗi bị trúng độc hư gan hư thận mà chết! Có bà mẹ cứ ôm xác chết của con mình, không cho mang đi chôn, vì bà không thể chấp nhận được rằng con bà đã chết! Có người bị kẹt ở giai đoạn DEPRESSION, đau khổ, suy sụp tinh thần quá nặng đến mất ăn mất ngủ, suy ngược tâm thần, tuyệt vọng và tự tử..v.v...
Triệu chứng của các giai đoạn có thể xảy ra trong cùng một lúc như trường hợp của Hàn Mặc Tử. Cho nên thơ của ông náo nhiệt vô cùng, đau thương vô bờ bến, lời thật uất hận, tức tưởi, gắt gao mãnh liệt như dính máu, giận hờn nghi ngút, kinh dị lạ lùng, rực rỡ huy hoàng, thiêng liêng huyền bí khi ông cầu nguyện, và tới chết cũng còn lãng mạn và muốn được yêu vì chưa được một lần yêu đương trọn vẹn!: "Một mai kia ở bên khe nước ngọc, với sao sương anh nằm chết như trăng, không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm"
Qua thơ văn của Hàn Mặc Tử và những cuốn sách nói về ông, tôi không thấy có triệu chứng điên loạn nào cả ( Xin xem bài viết: Những triệu chứng tâm thần nặng trong thi ca Việt Nam ) . Có hai bài thơ trong đó ông nhắc đến một cảnh hãûi hùng, thấy người gánh máu đi trên tuyết và như có người ngồi bên cạnh mình trong một đêm trăng chỉ có một mình ông trên bãi bể về khuya:" Ai đi lẳng lặng trên làn nước, với lại ai ngồi khít cạnh tôi, mà sao ngậm kín thơ đầy miệng, không nói không rằng nín cả hơi!". Tôi nghi đây là ảo giác thị giác (visual hallucination) do bị trúng độc của thuốc Nam hay thuốc Bắc chăng ? khi ông còn ở xóm Tấn, cạnh bãi bể Qui Nhơn.
Ban đầu, chuỗi dài đau khổ và thương khó là một chuỗi phản ứng tâm thần quan sát được ở những người có người thân yêu ruột thịt như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bị chết, hay đang chết từ từ (dying), nhưng những hiện tượng này cũng thấy ở cả những người đang chịu đựng một sự mất mác lớn lao, như mất việc làm, mất địa vị xã hội, ly dị, mất tự do như bị tù tội, bị bịnh tật nan y ngặt nghèo không chữa được.v.v. . . Lâu lâu trên báo chí, truyền hình, ta thấy có người xách súng vô chỗ làm bắn giết lung tung khi bị đuổi sở mất việc làm là một thí dụ của sự giận dữ đấy!
Triệu chứng nặng nhẹ khác nhau là do sự khác biệt về trình độ văn hóa, tình trạng gia đình, cá tính từng người .v.v...Những trường hợp sau này, không liên quan đến sự chết chóc thường được gọi là: Rốiloạn điều chỉnh, như rối loạn điều chỉnh với buồn bực, lo âu, với cả buồn bực và lo âu, hay với tức giận bạo hành.v.v...( Adjustment disorder with depressed mood and affect, with anxious mood and affect, or with behavior.v.v...)
Chế lan Viên nói: "Tôi có thể cam đoan với các người rằng, tất cả những cái gì tầm thường hiện thời rồi sẽ tan biến hết, và sau này trong tương lai còn lại một cái gì của thế hệ chúng ta đang sống, đó là thơ Hàn Mạc Tử!". Ông này thật ngớ ngẩn, nói một câu rất thừa là tất cả những gì tầm thường hiện thời rồi sẽ tan biến hết, nhưng đã đúng là Hàn Mạc Tử sẽ còn mãi mãi với dân tộc ông bên cạnh những anh hùng lịch sử của dân tộc Việt như lòng Hàn mong muốn. Nhưng hiểu được thơ ông không phải là dễ nếu ta không hiểu được những động cơ tâm lý ( Psychodynamic motives ) là muốn được trở thành anh hùng trong văn chương, và những phản ứng tâm thần qua các giai đoạn mà ông đã trải qua.
Bs Nguyễn đức Phùng
Daytona Beach


Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÔNG TOÀN


Muốn sống phải có tình yêu
Muốn yêu phải tin
Điều sơ sài
đến trẻ con cũng thuộc
mà sao anh khốn khổ đi tìm..
Anh đi qua khu rừng từng là rừng nguyên sinh
những cây Trắc, cây Chò không còn dấu vết
Đi qua những cánh đồng nắng rang nơi cánh cò ly biệt
Qua bến sông
đã chết cánh buồm
Những thành phố đổi thay đến chẳng nhận ra được nữa!
Những mặt người
đần đỗi bởi lo toan
Anh là ai giữa thế giới không toàn?
Đất dưới chân cứng hay mềm cũng nhiều khi lầm lẫn
Anh cứ nghĩ
Miên man bao chiều suy nghĩ
Về tình yêu
về đức tin
về làng quê của mình..
Không phải hoang mang
nhưng bình tâm khó quá
Giữa những xác xơ, chốc ghẻ, hoang tàn
giữa hào nhoáng, phù hoa, nhạt mớ cao sang
Ở đâu cái mà anh kiếm tìm khốn khổ?
Thôi về đi anh
giữa chiều bộn gió
Đường thì đông
không phải ai cũng là bạn hiền.
Cần tìm đâu xa?
YÊU TIN ở trong tim!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giải Văn Việt lần thứ II cho Nhà văn Ngô Thế Vinh



Sáng nay (4/3), nhận được một tin vui: hai tác phẩm “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” và “Mekong dòng sông nghẽn mạch” của Nhà văn Ngô Thế Vinh được trao Giải thưởng Văn Việt Đặc Biệt (1). Đây là một phần thưởng rất xứng đáng cho hai tác phẩm tầm cỡ và tâm huyết của tác giả.


 

Ngoài Giải Đặc Biệt, Văn Việt còn trao giải thưởng về thơ cho tác phẩm phê bình văn học "40 năm Thơ Việt Hải Ngoại" của Nhà thơNguyễn Đức Tùng; chùm thơ của Nhà thơ Ngu Yên; chùm thơ của Nhà thơ Vũ Thành Sơn; tiểu thuyết "Hỗn Độn" của Nhà vănNguyễn Khắc Phục; và tiểu thuyết "Nhảy múa để chết" của Nhà vănNguyễn Viện.

Đây là một sinh hoạt văn học rất có ý nghĩa của Văn Việt. Tôi nghĩ có thể xem Văn Việt như là một văn đoàn độc lập, hiểu theo nghĩa không chịu sự kiểm soát của đảng và nhà cầm quyền. Nhà văn Nguyên Ngọc và đồng nghiệp của ông đã có sáng kiến cùng sự dũng cảm để duy trì Văn Việt cho đến ngày hôm nay. Văn Việt, ngoài việc quảng bá các tác phẩm và sáng tác ngoài dòng "chính ngạch", còn có công làm sống lại nền văn học miền Nam trước 1975 vốn đã và đang bị vùi dập. Giải thưởng Văn Việt hàng năm là một cách ghi nhận và vinh danh những tác phẩm văn học có giá trị của những tác giả độc lập (hiểu theo nghĩa không nằm trong hội đoàn của Nhà nước) không phân biệt trong và ngoài nước. Văn Việt quả thật là một cầu nối cho giới văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại và trong nước, và ý nghĩa "cầu nối" này đã đi trước chủ trương của Hội Nhà Văn Việt Nam khá xa. Văn Việt đã đi trước thời cuộc, cũng như những tác phẩm mà Văn Việt trao giải cũng thuộc loại đi trước thời cuộc.

Một trong những tác phẩm đó là Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” của Nhà văn Ngô Thế Vinh, một người bạn vong viên của tôi. Tôi đã có dịp đọc và viết lời giới thiệu tác phẩm này từ hơn 15 năm trước. Tôi gọi đó là một công trình historicity (sử thuyết), chứ không phải đơn thuần là một tác phẩm văn học. Để hoàn thành tác phẩm này, anh đã dày công khảo sát sử liệu liên quan đến các đế chế vùng Đông Nam Á, về nguồn gốc con sông Mekong, và lồng các sử liệu đó trong bối cảnh hiện tại. Về bối cảnh hiện tại, anh cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi thực địa (do anh bỏ tiền túi tài trợ) đến tận những con đập Tàu đang xây dựng để chứng kiến tận mắt và thu thập thông tin, và những bức ảnh rất độc đáo mà tôi đoán anh phải bỏ nhiều công sức (và tiền bạc) để có được. Kết quả là một tác phẩm đồ sộ mà Văn Việt đã chọn để trao Giải Đặc Biệt.

Qua tác phẩm này, anh muốn gửi lời cảnh cảnh báo về tai hoạ môi sinh và những việc làm nguy hiểm của nhà cầm quyền Tàu cộng. Anh viết trong lời nói đầu “Nếu như cuốn sách chuyên chở được một số nét khái quát và cập nhật về con sông Mekong, tạo được sự chú ý của người đọc tới sinh mệnh của một dòng sông lớn thứ 12 trên thế giới thì đó chính là mong ước của người viết”.  Trong phần cuối sách, anh cảnh báo: “Chỉ riêng với chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam khi hoàn tất dự trù sẽ ngăn không cho lũ đổ về nữa – tức khắc đó sẽ là một thảm họa cho Biển Hồ, sẽ như một trái tim thiếu máu phải ngưng đập và đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng suy thoái dây chuyền – chain reactions trên toàn hệ sinh thái sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.” Anh tiên đoán rằng khi dòng sông Mekong bị nghẽn mạch là khi hàng trăm triệu dân cư thiếu nguồn sống, và họ sẽ ra biển và lúc đó Biển Đông sẽ dậy sóng. Bây giờ thì những cảnh báo này đang dần dần trở thành hiện thực.  

Những dự báo đó được viết trước những sự kiện tranh chấp nghiêm trọng trên sông Mekong và Biển Đông khá lâu. Nói về đi trước thời cuộc, anh còn có một tác phẩm "Vòng đai xanh" , đã xuất bản ~50 năm trước, nhưng nhiều cảnh báo về những xung độ giữa người Thượng và người Kinh cho đến nay vẫn là đề tài thời sự. Tác phẩm đó đã gây không ít phiền nhiễu cho anh, nhưng cuối cùng thì vẫn được trao Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971. Đến ngay, tác phẩm "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng" tuy chưa được xuất bản chính thức ở trong nước, nhưng đã được Văn Việt ghi nhận.  

Đằng sau những tác phẩm đi trước thời cuộc đó là một thân phận trí thức gian nan. Cũng như bao nhiêu người cầm bút khác vào thời tao loạn, anh đã từng trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Tốt nghiệp bác sĩ từ trường y Sài Gòn vào năm khói lửa 1968; nhập ngũ và phục vụ như là y sĩ trưởng Liên đoàn 81 biệt cách dù một thời gian; sau 1975 đi tù để “học tập cải tạo” 3 năm; sau khi ra tù cải tạo anh phục vụ trong trường y Sài Gòn một thời gian. Anh tiết lộ là sau khi ra tù anh từng làm việc chung với ông Nguyễn Thiện Thành (thân phụ ông Nguyễn Thiện Nhân) ở trường y. Năm 1983, anh đi đoàn tụ gia đình và định cư ở Mĩ. Nay anh là bác sĩ nội khoa và giáo sư (assistant clinical professor) ở trường y UC Irvine (California). Trong giới y sĩ, ít ai cầm bút lâu năm và xem viết văn như là một nghề song hành. Người trí thức đích thực là kẻ đi trước thời cuộc, và Ngô Thế Vinh là người như thế.

Không phải ngẫu nhiên mà anh viết trong bài diễn từ (2) nhận giải Văn Việt rằng:  "Là người cầm bút ở Miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ đang phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi vẫn lạc quan để thấy rằng từ trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vực dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000, đem tới cho chúng ta niềm hy vọng." (2)

Tôi có cơ duyên quen biết anh từ những 20 năm về trước. Năm nào đi công tác bên Mĩ tôi cũng ghé qua California trước là thăm anh em, bà con, sau là thăm bạn bè như anh Ngô Thế Vinh và các anh chị trong Nhóm bạn Cửu Long (tức là những người quan tâm đến sông Cửu Long). Lần nào cũng có những trò chuyện thú vị với anh và các bạn Cửu Long (tôi gọi vậy cho gọn). Có lần chúng tôi tiêu ra gần nửa ngày trời ở cái quán ven biển vùng Los Angeles. Hôm đó chúng tôi trò chuyện rất nhiều chuyện nhân tình thế thái, nhưng cuối cùng thì cũng quay về "câu chuyện dòng sông" Cửu Long. Vậy đó, những người dân Việt dù sống ở đâu thì vẫn quan tâm đến quê nhà.

Gặp mặt hôm tháng 9/2016 tại quán Sapporo Sushi, gần bệnh viện UC Irvine. Từ trái qua phải: Giáo sư Lê Xuân Khoa (cựu phó viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn), Nhà văn Bác sĩ Ngô Thế Vinh, Kĩ sư Phạm Phan Long, và tôi.

Anh là một người nho nhã, lịch sự, nói năng chừng mực. Nhưng đằng sau những biểu hiện đó là một đức tính kiên định và dứt khoát rất ... Trung kì. Bằng một chất giọng xứ Thanh, pha chút Bắc kì và Nam kì, anh nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, có đầu có đuôi. Chưa bao giờ tôi thấy anh lớn tiếng, dù trong tình huống rất dễ nóng. Nếu có nhấn mạnh điều gì thì anh chỉ lên giọng một chút. Ngay cả những người chỉ trích tác phẩm của anh, anh cũng chỉ im lặng, mà không hề lên tiếng. Hình như ở anh có một triết lí làm việc “đường ta, ta cứ đi”, kiên trì hướng đi mà anh đã định trước: đấu tranh cho dòng sông Mekong. Trái với những người không thể quên những năm tháng bị vùi dập trong trại cải tạo, tôi chưa hề thấy anh nhắc đến những năm tháng đau khổ đó, có lẽ anh muốn để nó vào một góc nào đó trong kí ức để tập trung nghiên cứu và viết về sông Mekong. Biết tôi quan tâm đến vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, anh [nói theo ngôn ngữ thời nay] “bức xúc” kể lại chuyện anh làm thủ tục cho mấy ông cựu quân nhân Mĩ đi lãnh trợ cấp do bị phơi nhiễm chất độc da cam. (Anh làm việc trong một bệnh viện của cựu chiến binh, nên rất am hiểu vấn đề và qui định của Mĩ). Anh lên giọng nói tại sao lính Mĩ họ được hưởng quyền đó, còn hàng triệu nhiêu người Việt Nam thì không, rồi anh đặt câu hỏi phải làm gì để gióng tiếng nói cho chính phủ Mĩ biết.  

Hôm nay, nhân đọc tin anh được trao Văn Việt Giải Đặc Biệt, tôi xin có lời chúc mừng anh. Lần nào giở các tác phẩm của anh ra đọc lại, tôi đều tìm thấy một vài thông tin mới. Nếu kiến thức về lịch sử sẽ góp phần giải thích cho sự kiện hiện tại, tôi nghĩ những ai quan tâm đến sông Cửu Long cần phải đọc tác phẩm đồ sộ “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” và “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” của tác giả Ngô Thế Vinh.

----

(1) http://vanviet.info/so-dac-biet/bo-co-ket-qua-giai-van-viet-lan-thu-hai/

(2) http://vanviet.info/so-dac-biet/ng-the-vinh-dien-tu-nhan-giai-dac-biet-van-viet-lan-thu-hai/

Phần nhận xét hiển thị trên trang