Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Hơn 150 quán bia vỉa hè có công an chống lưng



Ông Nguyễn Đức Chung: Hơn 150 quán bia vỉa hè có ông công an đứng sau chống lưng
"Tôi thống kê trong hơn 180 quán bia trên vỉa hè Hà Nội, hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau chống lưng", ông Nguyễn Đức Chung nói về thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Sáng 4/3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã phát biểu về thực trạng lấn chiếm vỉa hè tại hội nghị "Quán triệt, triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị" của Ban chỉ đạo 197 thành phố. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng câu chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bàn nhiều, ra quân bao lần nhưng đều thất bại. "Chỉ thị 14 ngày 12/12/2014 của Thành ủy còn nguyên giá trị, chúng ta cần làm đúng theo chỉ thị này sẽ tốt", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

“Tôi yêu cầu Văn phòng Thành ủy photo, gửi lại cho toàn bộ các quận huyện để nắm, chỉ thị này đã phân công rõ trách nhiệm. Chúng ta không cần bàn nhiều”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng nếu cứ tập trung bàn giải pháp làm cầu đường, bãi đỗ xe ngầm như các quận, huyện tham luận vừa rồi thì hết khóa cũng không làm được.


Hà Nội đang quyết tâm chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Trong hình, du khách uống bia trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Hoàng Việt.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các quận, huyện cần làm bốn việc để giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trong đó, ông Chung yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè, trong ngõ, trông giữ ôtô, xe máy; bán hàng rong; quảng cáo rao vặt dán khắp tường, cột...

“Có lần tôi về nhà thấy dán quảng cáo khoan cắt bê tông trên cổng nên gọi họ đến. Sau đó tôi gọi công an phường vào, từ đó ngõ sạch”, ông Chung dẫn chứng cho việc nếu làm quyết liệt sẽ giải quyết được tận gốc.

“Anh Đình (đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng Phòng CSTT) hỏi cảnh sát đi làm có được thu bàn ghế không. Các anh xem, nếu cảnh sát cứ giằng giỏ hoa quả, thu biển quảng cáo, bàn ghế nhựa về công an phường nhưng có chế tài thanh lý đâu? Từ hồi làm giám đốc công an, tôi đã yêu cầu chấm dứt việc này”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: “Vì sao có quận làm tốt, vì sao có quận làm không tốt, vì chúng ta không quan tâm. Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý tôi nhấn mạnh ý này. Người đứng đầu phường xã, trưởng công an quận, phường, chủ tịch… cần thực hiện đúng chức năng sẽ làm tốt".

Nói về cách làm, người đứng đầu chính quyền thủ đô nói Hà Nội sẽ không ra quân rầm rộ mà sẽ làm bền vững để người dân không tái lấn chiếm, để họ thấy có ý thức với thủ đô, không lấn chiếm vỉa hè, không vứt rác ra đường.


"Tôi thống kê hơn 180 quán bia trên vỉa hè Hà Nội thì có hơn 150 quán bia có ông công an đứng đằng sau", ông Nguyễn Đức Chung nói. Ảnh: Hoàng Việt.

“Xin lỗi anh Khương (thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội - PV), chắc anh về chưa kịp điều tra, nhưng ngày tôi làm giám đốc, tôi thống kê hơn 180 quán bia trên vỉa hè thì có hơn 150 quán có ông công an đứng đằng sau. Chỉ cần quán triệt các ông công an thôi là trật tự hết”, Chủ tịch Hà Nội khẳng định.

"Các đồng chí phải là người quán triệt, về động viên người nhà không lấn chiếm nữa là xong. Nếu lần này không làm, tôi có trách nhiệm chỉ đích danh từng chỗ của bí thư, chủ tịch, trưởng công an phường, kể cả người nhà lãnh đạo sở.

Các bãi đỗ xe chung quanh Bến xe Mỹ Đình (Bắc Từ Liêm) có những người nhà của ai ở đây, có phải quê Bắc Ninh không. Ai quê Bắc Ninh các đồng chí cứ tra ngược ra", ông Chung nói.

Quang Anh
(Zing)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thất nghiệp cơ cấu là gì?


Trong đợt suy thoái gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ 4,4% đến 10%. Tăng trưởng kinh tế từ thời điểm đó đã được phục hồi. Nhưng thất nghiệp thì không hề về được gần mức thấp trước khủng hoảng: tỷ lệ thất nghiệp 6,2% của Mỹ vẫn cao hơn 40% so với cuối năm 2006. Các nhà kinh tế đang lấy bóng ma “thất nghiệp cơ cấu” để giải thích cho thực trạng này. Vậy “thất nghiệp cơ cấu” là gì?
Các nhà kinh tế thường đề cập đến ba dạng thất nghiệp: “ma sát” (frictional), “chu kỳ” (cyclical) và “cơ cấu” (structural). Các nhà kinh tế “lạnh lùng” không quá lo lắng về hai dạng thất nghiệp đầu tiên vốn lần lượt chỉ những người di chuyển giữa các công việc khác nhau và những người tạm thời bị sa thải trong thời kỳ suy thoái. Dạng thứ ba đề cập đến những người bị loại trừ – có lẽ là vĩnh viễn – khỏi thị trường lao động. Theo cách nói của kinh tế học, thất nghiệp cơ cấu chỉ sự chênh lệch giữa số lượng người tìm kiếm việc làm và số lượng việc làm có sẵn.

Đó là tin xấu đối với cả những người phải chịu đựng điều đó và cho cả xã hội nơi họ đang sống. Những người thất nghiệp trong thời gian dài có xu hướng có sức khỏe kém hơn so với mức trung bình. Những người thất nghiệp do cơ cấu cũng làm cạn ngân sách an sinh xã hội.

Thất nghiệp cơ cấu trong các nền kinh tế tiên tiến đã tăng lên trong nhiều thập niên qua bởi việc làm trong các ngành công nghiệp như khai thác mỏ và chế tạo đã suy giảm. Tại Anh, từ năm 1984 đến năm 1992, lao động trong ngành khai thác than đã giảm 77% và trong ngành sản xuất thép đã giảm 72%. Các cộng đồng được xây dựng xung quanh một ngành nghề duy nhất đã bị tàn phá. Nhiều người trong số những người bị ảnh hưởng chỉ có kinh nghiệm về một công việc đòi hỏi kỹ năng cao, cụ thể. Họ không có những kỹ năng hoặc thuộc tính cần thiết để thành công trong nhiều việc làm của ngành dịch vụ (ví dụ như làm việc tại một trung tâm nhận cuộc gọi hỗ trợ khách hàng hoặc trong một nhà hàng). Do đó, họ thuộc thành phần thất nghiệp cơ cấu.

Một vấn đề khác có thể gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế tiên tiến hiện nay. Suy thoái thực sự khó chịu và đã kéo dài trong nhiều năm. Nhiều người đã từ bỏ việc tìm kiếm việc làm và rút khỏi lực lượng lao động. Ở Mỹ, số lượng những “người lao động nản lòng” đã nhảy vọt từ 370.000 người vào năm 2007 lên 1,2 triệu người vào năm 2010. (Ngày nay nó ở mức gấp hai lần mức năm 2007). Những người đã thất nghiệp hơn một năm chỉ có một phần ba khả năng có thể tìm được việc so với những người thất nghiệp dưới sáu tháng: những người sử dụng lao động tin rằng những người thất nghiệp trong thời gian ngắn hơn thì có động lực và tay nghề cao hơn. Do đó, thất nghiệp dài hạn có thể biến thành thất nghiệp cơ cấu.

Nhưng thất nghiệp cơ cấu không chỉ đơn thuần là một sản phẩm của sự đổ vỡ kinh tế. Karl Marx (người coi mình là một nhà kinh tế) đề cập đến một “đội quân lao động dự bị”. Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào những người không có việc làm. Những người thất nghiệp, đang gắng sức để có việc làm, sẽ giúp đảm bảo rằng những người đang có việc làm sẽ quá lo sợ (mất việc) nên không muốn thúc đẩy yêu cầu đòi tăng lương. Các nhà tư bản dựa vào những người thất nghiệp để giữ chi phí của họ ở mức thấp.

Marx đã phóng đại, dù hầu hết các nhà kinh tế công nhận rằng một tỷ lệ thất nghiệp nhất định là điều không thể tránh khỏi, vì một nỗ lực để đạt được tình trạng toàn dụng lao động sẽ gây ra lạm phát tiền lương khổng lồ. Dù nguyên nhân của nó là gì, các chính phủ cũng cần phải hiểu thất nghiệp cơ cấu. Chỉ tăng trưởng kinh tế không thôi sẽ không đủ để cho tất cả mọi người có việc làm. Các cải cách từ phía nguồn cung lao động, chẳng hạn như đào tạo nghề (được các chuyên gia gọi là “các chính sách thị trường lao động tích cực”) cũng rất cần thiết.
Nguồn: “The three types of unemployment“, The Economist, 17/8/2014

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
http://nghiencuuquocte.org/2016/06/13/that-nghiep-co-cau/#sthash.XiwD7l4H.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sống bằng gì bây giờ?


Nhà văn Nguyễn Quang Thân.



Nguyễn Quang Thân
Bài đăng trên Tễu Blog ngày 16.09.2012.

Xã hội văn minh nhất là xã hội có một nền pháp luật chan chứa tình người, có cái gốc nhân bản bền vững.

Nếu chúng ta ai đã từng trải qua những ngày khó khăn của thời sau Cách mạng tháng Tám, những ngày chết chóc, máu lửa ở miền Nam, miền Bắc, khi cơm áo gạo tiền không thừa thãi như bây giờ, đều hiểu rằng nếu không có tình người thì không ai vượt qua nổi những thử thách cam go ấy.


Thời ấy, con người thương yêu, đùm bọc nhau, coi trọng chữ tín, tình thương, danh dự hơn tiền bạc, của cải. Dân với quân như cá với nước. Cán bộ với dân như người một nhà.

Quý hiếm thường đi đôi nhưng đồng tiền hiếm mà lại không được quý. Những người dân lấy bọc tiền gói trong mo cau đưa ông chỉ huy nào đó vay mua gạo cho lính, nhận một cái giấy biên nhận với chữ ký loằng ngoằng, không cần biết tên người ký là ai, thuộc đơn vị nào, lại gác lên bếp, quên luôn. Không ai mặc cả, đòi hỏi một lời khen hay bất cứ cái gì. Vì thương bộ đội, vì tình người, vì kháng chiến chứ không ai nghĩ tới chuyện góp tiền đầu tư kiếm lãi. Bạc vàng bỗng nhiên bị coi nhẹ như lông hồng. Thời đó nếu ai bảo "Tình bạn là tạm thời, quyền lợi là vĩnh viễn" thì chắc đã bị nhổ vào mặt.

Ngày nay, dù nước ta vẫn là một nước nghèo, đa số dân chúng vẫn còn thiếu thốn nhưng so với trước thì của cải dồi dào hơn, kiếm tiền dễ hơn, hàng hóa phong phú hơn. Nhiều người có tiền để dành trong tài khoản ngân hàng, không ít người trở nên giàu có (chính đáng hoặc bất chính) cỡ triệu phú đô la. Nhưng có cái lạ là tiền càng nhiều, tiền lóe sáng khắp nơi cả trong phòng hợp cẩn đêm tân hôn, thì tiền lại càng được quý, được vồ vập. Quy luật hiếm mới quý không còn nữa.

Người ta hô hào, khuyến khích, coi việc làm ra tiền nhiều hơn là "ưu việt". Người có tiền thì lập tức có quyền sai khiến, khinh khi, thậm chí coi rẻ người khác. Tình người dường như quá dễ dàng bẹp dí trước đồng tiền và tiện nghi, dù là thứ đồng tiền thất lý, phi nghĩa, dù đó là những thứ tiện nghi nhiều khi rất quái đản của xã hội tiêu dùng.
.

Chỉ cần lướt mạng hoặc mở nhật trình vào bất cứ thời điểm hay ngày tháng nào đó, chúng ta đều phải rùng mình đến ớn lạnh trước hàng đống tin tức không ai muốn thấy, muốn đọc, nếu có nhắc lại cũng chỉ thêm đau lòng. Tội ác của tuổi vị thành niên, của thành niên và cả của những người lớn tuổi tưởng đã thoát được tục lụy.

Bức tranh khá ám đạm xảy ra hàng ngày ấy chỉ có một màu ảm đạm của đồng tiền. Giết cha, đánh mẹ, bán em gái, con gái sang Tàu cũng vì tiền. Bán rẻ, thọc lưng đồng chí bạn bè, dù bằng dao găm hay thủ đoạn tinh vi bọc nhung cũng chỉ vì tranh ăn. Ai biết tình người là đâu?

Tất nhiên, giữa đống băng giá lạnh lẽo vẫn còn lóe sáng lên tình người. Nhà giàu làm từ thiện, con nhà nghèo cắn răng giữ gìn nhân phẩm. Nhưng đạo đức truyền thống của cha ông thường được cất lên yếu ớt nhiều khi tuyệt vọng. Con người chân chính không phải lúc nào cũng có thể vượt qua được sức cám dỗ. Và tình người luôn luôn như cái mầm cây yếu ớt phải "liều mình như không có" để vươn khỏi sự đè nén của thói ty tiện, ác độc của lối sống phi nhân, phi tình nghĩa, lấy thành tích vơ vét tiền bạc làm "vẻ vang", lấy đau khổ và sự nghèo khó của đồng loại làm so sánh để tự hào, làm "bánh mì" để sống tiếp.

Từ bao giờ người ta đã quay mặt, hoài nghi với tình người? Phải chăng khi người ta chỉ phiến diện nhấn mạnh "làm giàu, làm giàu và làm giàu" sau hàng thập kỷ phải sống trong nghèo khổ của loạn ly và chiến tranh cũng như sai lầm bao cấp? Phải chăng người ta muốn thoát ra khỏi khủng hoảng khi công nhận quy luật khắc nghiệt của thị trường nhưng lại không kịp thiết lập một nền pháp trị có hiệu lực ngăn chặn sự lên ngôi của thói phi nhân vốn là nhân tố hủy hoại hiệu quả nhất sự lành mạnh của bất kỳ xã hội, chế độ nào? "Địa ngục là người khác" (L'enfer c'est l'autre - Jean Paul Sartre) vốn chỉ là một phát hiện về não trạng tinh thần của một xã hội bị băng hoại sau chiến tranh và giết chóc đã được mặc nhiên biến thành một khẩu hiệu để sống. Tai nạn là ở chỗ người ta nhắm mắt đạp lên người khác để vươn lên. Tình người, nhân tố kết dính con người bền vững nhất bỗng tan rã vô phương cứu chữa nếu không quay đầu về bến.

Không thể vì hốt hoảng trước một thực trạng xã hội vắng tình người mà lên án quy luật kinh tế thị trường. Cũng không thể quay sang với "đức trị" khi tình người được đề cao, rao giảng nhưng không ít trường hợp là để che đậy những mưu mô chà đạp con người của những kẻ ăn trên ngồi trốc nhằm duy trì đặc lợi, đặc quyền và kìm hãm xã hội trong nghèo nàn, lạc hậu hoặc tệ hơn trong sự quân bình phản tiến bộ có tác dụng hiệu quả nhất để tạo ra nghèo đói và suy đồi văn hóa.

Trong xã hội mới, tình người được đề cao nhưng pháp luật vẫn là tối thượng. Pháp luật không chống lại con người, không coi rẻ tình người mà trái lại, đảm bảo quyền của con người - tất cả mọi người, mọi lớp người - được sống, được yêu thương, được "mưu cầu hạnh phúc". Xã hội văn minh nhất là xã hội có một nền pháp luật chan chứa tình người, có cái gốc nhân bản bền vững.

Mọi con đường đều dẫn tới một xã hội pháp trị lấy con người (dân) làm gốc.

Theo TBKTSG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn Nguyễn Quang Thân đi thật ư?


Thật sững sờ không tin được khi nghe gia đình văn sĩ Nguyễn Quang Thân thông báo ông vừa qua đời sáng sớm nay. Cụ thể ông đi lúc 3 giờ 15 ngày 4.3.2017 (mùng 7 tháng 2 Đinh Dậu) sau cơn đột quỵ tại nhà riêng (cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thọ 82 tuổi.

Tang lễ nhà văn Nguyễn Quang Thân cử hành tại tư gia ở khu cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ chiều 4.3. Hỏa táng ngày 7.3.2017  tại đài hỏa táng Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM.

Ông ra đi để lại cho đời di sản văn chương khá đồ sộ, nhiều thể loại, viết cho nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Có thể kể: Truyện ngắn: Nước về (sáng tác năm 1957), Hương đất (1964), Cô gái Triều Dương (1967), Ba người bạn (1970), Những người chinh phục (1977), Nếp gấp (1978), Những chùm các biển (1979), Người không đi cùng chuyến tàu (1989), Vũ điệu của cái bô (1991), Hoa cho một đời (1996), Giao thừa trắng (1996), Giữa những điều bình dị (Amongst and in the simple things) - tập truyện ngắn song ngữ Anh – Việt... Tiểu thuyết: Chú bé có tài mở khóa (1983), Lựa chọn (1997), Thời hoa mẫu đơn (1988), Ngoài khơi miền đất hứa (1990), Con ngữa Mãn Châu (1991), Hội thề (2009). Kịch bản phim: Cây bạch đàn vô danh (1993), Hội thề (2005)…

Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh ngày 15.4.1936 (Bính Tý) quê Sơn Lễ, H.Hương Sơn, đất học Hà Tĩnh. Ông viết văn từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đã in rất nhiều tác phẩm, nhiều thể loại... mà có lẽ nổi tiếng nhất là tập truyện ngắn Vũ điệu cái bô. Thế hệ trẻ thơ hồi thập niên 80-90 hầu như không mấy đứa không đọc cuốn Chú bé có tài mở khóa của ông.

Ông sống bản lĩnh, ngoan cường, ngay thẳng, không chấp nhận sự vênh váo, không thỏa hiệp với cái tầm thường nên đời văn của ông cũng khá nhiều lận đận, truân chuyên. Ông không chức tước gì, đến khi ra đi chỉ là nhà văn đúng nghĩa. Sáng tác rất nhiều, tác phẩm hay rất nhiều, đóng góp phục vụ cho dân cho nước không ít nhưng ông vẫn chưa được nhận những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước. Có lẽ bộ máy này không ưa khí phách kẻ sĩ của ông.


Nhà văn Nguyễn Quang Thân từng 26 năm sống và sáng tác ở Hải Phòng quê tôi. Ông thuộc lớp người khai phá, tạo dựng nên một thời văn chương lừng lẫy của đất Hải Phòng. Những cái tên Nguyễn Quang Thân, Trần Tự, Đào Cảng, Thanh Tùng, Trần Hoài Dương, Thi Hoàng, Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Tùng Linh... gắn liền với mảnh đất này.

Cách nay 2 tuần, bác Nguyễn Quang Thân từ khu Thanh Đa (Sài Gòn) lò dò chậm rãi tới nhà ông bạn Phúc Vinh đồng nghiệp tôi ở quận Bình Thạnh cà phê, ới gọi tôi, Thông ơi đến nhé. Tôi đang dở tí việc, nhà cách đó khoảng 15 cây số, thưa bác cứ nhâm nhi đi, em đến chậm một tí. Xong việc vội đi ngay, gặp cái đám kẹt xe chết tiệt lại chậm thêm mươi phút nữa. Tới nơi Vinh bảo bác Thân mới kêu taxi đi được vài phút, hay mình xin bác quay lại. Tôi có lỗi quá, bảo không thế được, mình phải đến thăm cụ, chứ ai lại thế. Nay vừa mới thu xếp được rảnh cái thân, chưa kịp rủ Vinh đến thăm đại ca đất Phòng thì nhận tin dữ, bác lặng lẽ đi rồi.

Những người tử tế cứ lần lượt ra đi. Cách nay không lâu là ca sĩ Quang Lý người Phòng, nay lại bác Thân. Đất Phòng ngày càng trống vắng những con người oanh liệt.

Cầu cho bác Thân của chúng em (những chú bé chưa biết mở khóa) thanh thản cõi thiên đường.
Xin chuyển đến nhà văn Dạ Ngân phu nhân văn sĩ Nguyễn Quang Thân lời chia buồn không thể nói thành lời.

Nguyễn Thông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

BÀI CA MÈO NGỰA



Tháng hai
gặp phải con mèo
khổ thân con ngựa 
bẫy treo khổ hình
Đàn chuột hớn hở
kêu rinh
Mèo ơi mèo hỡi ta khinh chú mày!
Thịnh suy là lẽ ở đời
Ngựa ơi hấp tấp,
khổ thôi một lần!
Bắt chuột chuyện vốn gian nan
Phải đâu chuyện dỡn
cả gan coi thường!
Thôi thì gặp bước long đong
Qua cơn nguy biến nắng hồng lại lên
Đường xa là thử sức bền
Anh hùng là khúc lập nên giữa đời!
Thương con ngựa vấp khi này
Tháng hai sẽ hết
lại cười tháng ba!
ngựa hiền đâu ngại đường xa?
Qua sông rồi,
lại sông qua
một lần
Vì người không quản tấm thân!
Dấu chân để lại,
dấu chân,
kiên cường!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÔN RƯỢU



Bình rượu còn lưng
sau ngày tết
bạn bầu năm cũ ai người sang?
Mới biết ngàn năm, ngàn năm nữa
Phù thịnh, phù suy chuyện vẫn thường!
Thì vẫn người dưng
người dưng cả
Văn chương thi phú ai ngó ngàng?
Chưa cũ mà nay thành chuyện cũ
Chỉ mới thêm nhiều kẻ khom lưng
Đã thấy, đã từng..
không thể khác
Mơ mộng mà chi chuyện hão huyền!
Bịt mắt khó ngăn dòng nước ác
bưng tai không cản sấm bão rung!
Ngơ ngác giữa đời
ai khôn dại?
Xuân này vơ vẩn một mình ta
Không trách, không hờn, không giận dỗi..
Ngàn năm xưa cũ
ngàn năm mà!
Một mình rượu nhạt, vần thơ nhạt
Ta rót cho ai chén tơ vò?
Thôi đành chôn rượu ba tầng đất
Thắt kín miệng bình,
mấy câu thơ!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giả nghèo sống với người vô gia cư, sau nửa năm ký giả nổi tiếng New York Times ra loạt bài chấn động nước Mỹ


William James – ký giả của tờ báo New York Times đã cải trang thành một người lang thang, nghèo khổ và què một chân. Anh đã trà trộn và sống với những người vô gia cư ở Miami, một thành phố ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ khoảng nửa năm để tìm hiểu cuộc sống của họ.
Ngay ngày đầu tiên, nhìn thấy James tàn tật, ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu, từ trong đáy mắt của những người vô gia cư này đã lập tức biểu lộ ra một sự quan tâm; một người đàn ông trong nhóm đã bước đến, đưa cho James một cây gậy gỗ và nói với anh rằng: “Người anh em, hãy cầm lấy nó, như thế sẽ thuận tiện hơn nhiều”.
James đưa tay đón lấy cây gậy, dùng tay vuốt ve cây gậy này hết lần này đến lần khác, trong lòng không khỏi cảm kích. Đúng lúc đó, một bóng dáng loang loáng phản ánh trên mặt dường, dáng đi không bình thường, ngẩng lên nhìn, trong lòng James cảm thấy như bị cái gì đó thiêu đốt: người đàn ông đưa gậy lúc nãy đang đi cà nhắc…
Chống cây gậy này, James dường như cảm thấy có một loại sức mạnh vô hình từ nó truyền đến; rất mau, anh đã giành được tín nhiệm của những người vô gia cư này. Họ dẫn James đi đến nơi đặt những chiếc thùng rác ở các siêu thị, đến khu dân cư để thu lượm thức ăn và phế liệu bị người ta vứt đi. Họ còn nói cho James biết nơi nào có nhiều đồ phế liệu, những phế liệu nào đáng tiền và nên đi lượm vào khung giờ nào, .v.v…
q1
Ảnh: thông qua gothamgazette.com
Trong một lần trông thấy James bước đi khập khiễng một cách vất vả để lật tìm phế liệu, một anh chàng thanh niên da đen với hàm răng trắng bóng đã bước đến, vỗ nhẹ lên vai của James, đưa cho anh túi phế liệu và nói: “Này người anh em, anh hãy đi sang bên cạnh nghỉ ngơi một chút, túi đồ phế liệu này anh hãy cầm lấy đi!”.
James nghe xong, đứng ngẩn ra đó, như thể không tin vào tai mình: “Vậy làm sao được? Những thứ này cậu vất vả lắm mới lượm được mà!”
Người lang thang đó nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói một cách rất vui vẻ: “Tôi dễ dàng hơn anh một chút”. Nói xong, liền quay người bỏ đi.
James xách túi phế liệu đó, nhớ lại câu mà anh chàng da đen vừa nói khi nãy, trong tâm cảm thấy vô cùng ấm áp và cảm động.
Tới buổi trưa, trong lúc đang cảm thấy đói đói, một người đàn ông bị còng lưng trong nhóm đi đến trước mặt James, đưa cho anh hai ổ bánh mì và nói: “Này người anh em, hãy ăn đi!“.
James nghe xong, cảm thấy có chút ngại ngùng: “Nếu anh cho tôi, thế thì anh ăn gì đây?”.
Người đàn ông nghe xong, khẽ nhếch miệng cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”. Nói xong, liền lảng sang bên cạnh bỏ đi.
James cầm hai ổ bánh mì trong tay, nước mắt lã chã rơi, phải rất lâu sau đó mới bình tĩnh lại được.
Đến tối, James cùng vài người vô gia cư rủ nhau co rúc dưới chân cầu. Nhìn thấy James ngủ ở nơi ngoài rìa chân cầu, một ông lão đầu tóc bạc trắng chầm chậm đi đến, vỗ nhẹ vào vai anh rồi nói:“Này người anh em, cậu hãy đến ngủ ở chỗ tôi, ở đó thoải mái hơn một chút”.
James nghe xong, cảm thấy nghi hoặc nói: “Nếu tôi ngủ chỗ ông, thế thì ông ngủ chỗ nào?”
Ông lão đó nghe xong, nhoẻn miệng cười, nói: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút!”
Lại là “tôi dễ dàng hơn cậu một chút!“, James nghĩ, những người vô gia cư sống ở giai tầng thấp nhất trong xã hội này, tuy cuộc sống vô cùng gian khổ, thế nhưng khi họ nhìn thấy người khác khó khăn, đều luôn chìa tay giúp đỡ, họ luôn thấy bản thân mình có một phương diện mạnh hơn người khác.
James sống chung với những người vô gia cư này hơn nửa năm, trong khoảng thời gian hơn nửa năm đó, sớm chiều ở chung đã khiến anh sinh ra tình cảm thân thiết sâu sắc.
Chàng trai vô gia cư người da đen tên Ali luôn thích nói đùa kia, một tay bị tàn tật, nhưng cậu vẫn luôn thích giúp đỡ những người bị tật cả hai tay. Khi người này bày tỏ cảm kích, cậu luôn thích nói một câu: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
Anh chàng vô gia cư tên Bobby, thính giác ở hai lỗ tai không được tốt lắm, mỗi lần nhặt được thứ gì tốt, luôn thích chia sẻ một chút cho người bạn vô gia cư có tật ở mắt; khi người này bày tỏ sự cảm kích, anh luôn nói một câu, chính là: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”.
Anh chàng vô gia cư thân thể ốm yếu tên Chater ấy, luôn thích giúp đỡ người bạn vô gia cư thân thể béo phì kia của mình; khi nhận được sự cảm kích, câu mà Chater thích nói nhất cũng chính là: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” ……..
q2
Ảnh: thông qua whistlinginthewind.org
Không lâu sau đó, James có một loạt bài viết trên trang New York Times với tiêu đề: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút.” Loạt bài báo đã gây sự chấn động lớn đối trái tim và tâm hồn hàng triệu độc giả thân thiết của tờ báo. James ngập trong những bình luận bất tận đầy xúc động của độc giả gửi về. Một nhà bình luận nói, đó thực sự là một loạt bài đánh thức những trái tim đã ngủ quá lâu trong sự thờ ơ, lạnh nhạt ở một đất nước quá coi trọng sự riêng tư.
Bất kỳ ai đọc loạt bài đó đều muốn ngả mũ chào những người vô gia cư mà họ gặp, với sự kính trọng thực sự. Tuy họ sống ở giai tầng thấp nhất trong xã hội, nhưng họ luôn có thể nhìn thấy bản thân mình có ưu thế hơn người khác, và dùng ưu thế nhỏ nhoi ấy để giúp đỡ những người yếu hơn, mang cho người khác một loại cảm giác ấm áp và dũng khí để tiếp tục sống.
Hàng triệu độc giả của tờ báo danh tiếng hàng đầu thế giới bàng hoàng nhận ra, sự rách rưới, bẩn thỉu, tàn tật hay nghèo khó, không ngăn cản con người trở nên tôn quý và cao cả. Và không cần phải giàu có bạn mới có thể trao đi tình yêu thương, nỗi đồng cảm, thậm chí cả một chút vật chất vốn không có mảy may ra gía trị gì đối với hầu hết mọi người… như là một cây gậy…
James đã viết trong loạt bài gây chấn động của mình rằng: “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút”, là câu nói kỳ lạ nhất lưu truyền trong những người vô gia cư, câu nói kỳ lạ nhất mà anh từng đươc nghe thấy trong đời, bời vì mỗi khi nó được thốt ra từ một người vô gia cư tàn tật, rách nát mà với anh là không thế nào khốn khó hơn, nó bỗng biến thành một sức mạnh cảm hoá mãnh liệt khiến hết thảy những quan niệm cố hữu về người khác, sự lạnh nhạt, vô tình, sự hãnh tiến và ích kỉ của một người ở tầng lớp trên như anh tan biến. Nó cho anh một thứ niềm tin về cuộc sống mà anh chưa bao giờ cảm thấy khi đến những toà nhà tráng lệ nhất New York, giữa những chính khách, nhà tài phiệt, hay ngôi sao đỉnh cao thế giới..
Và chúng ta, những con người chắc chắn giàu có hơn rất nhiều những người vô gia cư khốn khổ, lại thường là những kẻ kêu ca than phiền nhiều nhất về số phận. Thực ra cuộc đời sẽ đơn giản và hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể nói “Tôi dễ dàng hơn cậu một chút” với bất kì ai đó mà bạn gặp trên đường đời. Bời vì như những người vô gia cư kia, bạn luôn có thể nói câu nói đầy cảm hứng đó ngay cả khi bạn không có gì cả, ngoài… một trái tim.
Theo Aboluowang


Phần nhận xét hiển thị trên trang