Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Samurai: Một thời kiếm sỹ huyền thoại

Historic Higashi ChayaBản quyền hình ảnhJENNA SCATENA
Image captionKhu quận lịch sử Higashi Chaya
Những con phố nhỏ hẹp, quanh co của Kanazawa khiến du khách ngỡ như đang lạc bước vào nơi chốn của thời nhiều thế kỷ trước.
Đó là một sáng tinh mơ ở khu quận lịch sử Higashi Chaya của thành phố Kanazawa. Làn hơi mỏng toả lên từ nền đường lát đá. Một geisha bước gấp gáp trên phố vắng, tiếng guốc lọc cọc vang theo bước chân.
Nhưng tôi không định đến đây để ngắm geisha. Tôi muốn tìm hiểu về thế giới của một biểu tượng khác của nước Nhật: tầng lớp samurai.
Nằm giữa biển Nhật Bản và các dãy núi tuyết phía tây, Kanazawa được coi là một trong những nơi thích hợp nhất để tìm hiểu về lịch sử samurai.
Thị trấn không bị huỷ hoại trong Thế chiến II và vẫn là một trong những thị trấn - lâu đài của thời kỳ Edo được bảo tồn tốt nhất.
Đó là một trong những thành phố hiếm hoi ở Nhật Bản, nơi vẫn còn lưu giữ một khu quận samurai.
Kanazawa CastleBản quyền hình ảnhKANAZAWA TOURISM
Image captionLâu đài Kanazawa
Tất nhiên, bởi tầng lớp kiếm sỹ này đã bị xoá bỏ từ thời canh tân của Nhật Bản, cuối thế kỷ 19, ngày nay bạn không thể nhìn thấy một chiến binh samurai trên phố. Nhưng thế giới ngày trước của họ hầu như vẫn còn nguyên đó.
Trước đây, cần năm giờ đồng hồ và sau mấy lần chuyển tàu ta mới có thể từ Tokyo tới được Kanazawa, cách nhau 473 km. Nay thì đơn giản hơn nhiều. Từ 14/3/2015, dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen Hokuriku của Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản khiến cho thời gian di chuyển cắt ngắn chỉ còn một nửa.
Cũng giống như các chuyến tàu thường, đoàn tàu cao tốc này chạy tới ga Kanazawa, một trong những nhà ga đẹp nhất thế giới.
Tôi luôn nghĩ về samurai như những chiến binh khắc kỷ, sẵn sàng rút kiếm tự vẫn để tỏ lòng trung với chủ nhân và hạ thủ những ai dám tỏ ý bất kính.
Ít nhất đó cũng là những gì tôi mường tượng thông qua các bộ phim như "Samurai cuối cùng" và "13 thích khách". Vì vậy, tôi tìm đến đây để hiểu thêm.
Cherry blossoms in Kenroku-en gardenBản quyền hình ảnhKANAZAWA TOURISM
Image captionKhu vườn Kenroku-en rực rỡ hoa anh đào
Trong buổi sáng đầu tiên ở Kanazawa, tôi đi một vòng quanh khu Higashi Chaya và làm quen với Kiyoe Nagashima, người có gia đình ở đây đã sang tới đời thứ sáu và là hướng dẫn viên của Kanazawa Excursions, một công ty du lịch địa phương.
Tiếng trống taiko cổ truyền từ một ngôi chùa gần đó vang vọng khắp nơi, gợi lên niềm cảm hứng và hút hồn tôi theo nhịp đập của vùng đất mới.
"Kanazawa không chỉ là nơi của các công viên giải trí mà còn là một nơi đáng sống," cô nói, gương mặt tươi cười rạng rỡ, đầy tự hào.
Phần lớn thành phố là những khu đô thị hiện đại với các cửa hàng bán đồ xa xỉ như Louis Vuitton. Tuy nhiên, Higashi Chaya lại trái ngược hoàn toàn.
Theo chân Nagashima vào mê cung các trà quán, đền thờ và các ngôi nhà samurai được phục chế, tôi cảm giác như mình là Alice lạc vào xứ sở thần tiên.
Chúng tôi đi dọc theo các dãy nhà có chấn song đẹp mê hồn rồi rẽ vào một con phố hẹp có hàng cây bạch quả vàng rực, rồi xoải bước lên một con dốc hẹp và kín đáo tới mức tôi cứ ngỡ là lối vào tư dinh ai đó.
Lên tới đầu dốc, con đường rẽ ra thành nhiều lối quanh co và còn hẹp hơn nữa. Đường phố Kanazawa được thiết kế có lẽ để làm người ngoài rối trí và lạc hướng. Tôi thấy đúng là mình rối trí thật.
Nhà ga xe lửa tuyệt đẹp của KanazawaBản quyền hình ảnhJENNA SCATENA
Image captionNhà ga xe lửa tuyệt đẹp của Kanazawa
Từ đỉnh đồi, chúng tôi đi vào quận Utatsuyama kề bên. Samurai từng sống trong các ngôi chùa ở đây. Họ giữ gìn an ninh cho các chùa chiền này và được gọi là boukan, Nagashima giải thích. Đó là những ngôi chùa gỗ oai nghiêm có mái được chạm trổ tinh vinh từ gỗ bạch quả và gỗ phong.
Nagashima nói rằng các võ sỹ samurai sống ở đây thời Edo (1603-1868) chẳng hề giống các chiến binh dữ dội mà tôi từng tưởng tượng.
Trong thời thanh bình hưng thịnh này, tầng lớp võ sỹ phong kiến này dành tâm sức để phát triển học thuật và các nghề thủ công.
Có địa vị xã hội cao nhất thời đó, các samurai đã xây dựng những ngôi nhà xa hoa và các khu vườn lộng lẫy sang trọng đằng sau những bức tường đất dày, mà dấu tích vẫn còn lại cho tới ngày nay.
Tuy nhiên, phần lớn các võ sĩ samurai ở Nhật Bản không bao giờ sống kiểu bình yên và hưởng thụ. Các võ sĩ samurai chân chính của Kanazawa là những người khác thường, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ vị lãnh chúa cai trị họ, vốn không quan tâm tới bạo lực và yêu nghệ thuật.
Di tích kiến trúc lớn nhất ở đây mang dấu ấn từ thời samurai là Lâu đài Kanazawa màu trắng tuyệt đẹp toạ lạc trên một ngọn đồi với tầm nhìn toàn cảnh về phía thành phố.
Lâu đài được xây dựng vào thế kỷ 16 bởi dòng tộc Maeda, vốn cai trị vùng này tới tận năm 1868 và rất được yêu mến.
Jenna ScatenaBản quyền hình ảnhJENNA SCATENA
Dưới thời Maeda, lâu đài cũng là pháo đài, bao quanh bởi một con hào và tường đá vẫn còn đến ngày nay. Mái ngói màu trắng nổi bật của lâu đài được làm bằng chì bị phong hóa.
Liền kề lâu đài là vườn Kenroku-en, được xem là một trong những khu vườn đẹp nhất của Nhật Bản, nơi khoe sắc của mận, anh đào, và cây phong Nhật Bản.
Chúng tôi đi tiếp sang quận Nagamachi, từng là nơi sinh sống của tầng lớp samurai thương lưu và trung lưu.
Nhiều ngôi nhà samurai đã bị huỷ hoại trong thời cải cách công nghiệp ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, những con đường đá cuội, bức tường đất nện cao chót vót và dòng kênh thanh bình vẫn còn nguyên, vài ba ngôi nhà samurai được trùng tu đang mở cửa đón công chúng vào thăm, trong đó có cả ngôi nhà Nomura, nơi vẫn còn lưu giữ các kỷ vật của dòng họ này.
The stunning Nomura House.Bản quyền hình ảnhKANAZAWA TOURISM
Image captionNgôi nhà Nomura gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm
Hôm sau, tôi trở lại ngôi nhà Nomura và tản bộ bên trong, những tưởng sẽ được ngăm các thanh kiếm, áo giáp và có lẽ cả những bức hoạ về các trận chiến huy hoàng.
Nhưng đón chào tôi lại là một hồ cá cảnh và những tấm tranh lớn vẽ trên giấy gạo, mà trong tiếng Nhật gọi là fusuma zen, được sáng tác bởi các nghệ nhân do dòng họ Maeda nuôi dưỡng.
Tôi bỗng nhớ lại lời Nagashima: "Để bảo vệ Kanazawa, dòng tộc Maeda khuyến khích các samurai dành công sức cho nghệ thuật và các nghề thủ công, thay vì giao tranh. Do vậy, họ không trở thành mối hoạ với Thiên Hoàng, và tránh được cảnh bị tiễu phạt. Kết quả là hầu như không có trận chiến nào ở Kanazawa trong suốt 400 năm."
Có lẽ đó mới thật sự là đạo của samurai ở Kanazawa. Vũ khí lớn nhất của họ không phải nằm trong thanh kiếm mà là những mưu kế sinh tồn - một chiến thuật phòng vệ khôn khéo che mắt cả thế gian.
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel, và bản tiếng Việt đã đăng lần đầu hồi 8/2015 trên giao diện cũ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÙM THƠ VIẾT Ở MỸ CỦA HOÀNG MINH TƯỜNG


Hoàng Minh Tường


ĐÀN CHIM SẺ Ở WESTMINSTER

Xe đỗ giữa Westminster*.
Bỗng gặp đàn chim sà xuống phố.
Như chào đón ta.
Ơi những con sẻ nhà.
Sao đến được nước Mỹ xa xôi này?

Mấy lần rồi ta về làng Động.
Không thấy bóng đàn sẻ thân quen.
Vẫn từ mái ngói sà xuống sân nhặt thóc.
Những con chim ngàn đời của châu thổ sông Hồng.
Tiếc thay,bị những ác nhân giết sạch.
Những chiếc cần câu dính nhựa tử thần.
Có con chim mồi ngơ ngác.
Chim sẻ ngây thơ nào biết.
Chỉ chạm chân vào liền bị nhốt vào lồng.
Thành đồ nhậu cho các sâu bia, sâu rượu.

Làng Động quê ta,
Mấy năm rồi tiệt bầy chim sẻ.
Mỗi lần về quê ngơ ngác buồn.
Mái ngói, sân vườn vắng tiếng chim lích chích.

Nhất định rồi, có bầy chim sống sót.
Thoát cạm bẫy tử thần, sang đây.
Những con chim xám nâu, mắt đen lay láy.
Như sà vào lòng ta an ủi.
Ơi những con sẻ nhà,
Dắt ta về làng Động quê xa.

(24/12/2016)

XE ĐÒ HOÀNG

Chuyến xe đò dọc miền Tây nước Mỹ
Từ Westminster lên San Jose*.
Gợi nhớ chặng đường Sài Gòn ra Huế.
Tuyến xe người Việt, nối những miền quê.

Lao xao trên xe giọng Trung, Nam, Bắc.
Ti vi mở kênh Paris by night.
Những gương mặt Việt nắng mưa dầu dãi.
Mấy chục năm mưu sinh xứ người.

Bao năm rồi vẫn chưa thành Mỹ.
Chỉ thuộc mấy từ “Oke”, “Thank you”.
Ăn toàn đồ Tây vẫn da vàng, mũi tẹt.
Vẫn chỉ trong hồn tiếng Việt mến yêu.

(27/12/2016)
*Westminster và San Jose: Hai địa danh tại California tập trung đông người Việt sinh sống




CHỢ ĐÀ LẠT

Chợ Đà Lạt giữa lòng quận Cam.
Như điểm son vàng người Việt.
Rau quả ngô khoai thịt cá ê hề.
Sản vật Bắc, Trung, Nam đủ các miền quê.

Chợ Đà Lạt chỉ tiêu đô la Mỹ.
Em ngẩn người nhẩm quy đổi tiền ta.
Hơn hai pao* thì bằng một kí.
Rẻ nhất chợ chỉ có món thịt gà.

Phận xa xứ lấy quê người làm tổ.
Mang cây trái quê nhà vượt biển sang theo.
Mang Đà Lạt sang theo, thành chợ.
Để đến đây nghe tiếng Việt mến yêu.

(10/01/2017)
(*Một pao bằng 0,453 … kg)




NGÀY MƯA Ở GARDEN GROVE.

Tưởng mưa xứ người không ướt áo 
Nào hay trời tưới đẫm hồn ta.
Cà phê Mai giọt giọt buồn ngưng đọng. 
Gợi nhớ thương thăm thẳm quê nhà.

Ngày mưa này Hà Nội đang trở lạnh.
Lá giong về xanh mướt chợ Long Biên.
Khắp các ngả hoa đào tràn ngập phố.
Quất còn sai như năm ngoái, không em?

Chợt thương mình, thương những ai xa xứ.
Giữa Garden, cam quit trĩu vườn xanh.
Vẫn xa hút một góc hồn tháng Chạp.
Bên kia đại dương, có ai nhắc tên mình?

(Rằm tháng Chạp, 13/1/2017)




ĐÔNG VÀ TÂY
(Nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật)

Xưa anh lái xe Trường Sơn Tây.
Em Trường Sơn Đông tải đạn
Cái gạt nước ở phía bên này,
Không xua nổi bóng em nhỏ nhắn.

Nay con đón anh sang bờ Tây nước Mỹ.
Em bờ Đông nước Việt nghìn trùng.
Không gạt nước nào xua nỗi nhớ.
Có thẻ xanh, anh sẽ đón em sang.

(18/01/2017)



TRỜI VÀ ĐẤT
Trời Cali giống như trời quê Việt.
Xanh đến nao lòng, mây nhởn nhơ bay.
Trăng mười bốn như trăng tròn nước Việt.
Mai kia thôi, sẽ thương nhớ hao gầy.

Đất Cali sao khác xa xứ Việt.
Hối hả xe đi chằng chịt trăm làn.
Nhà nối vườn, trăm hoa khoe sắc.
Không chợ dù, quán cóc, không bóng dáng công an.
(17/01/2017)



BUỔI SÁNG DỌC SÔNG SANTA ANA

Nước Mỹ đâu phải thiên đường
Cũng nhà ổ chuột vô phương cuộc đời
Cũng chiếu đất cũng màn trời
Vợ chồng con cái cũng chui gầm cầu
Phận người cao thấp nông sâu
Kẻ hèn dưới đáy người giàu trên mây

Bỗng dưng nhớ những tháng ngày
Thuyền nhân vượt biển đọa đày gió sương
Mất nhà cửa, mất quê hương
Vật vờ kiếm sống tha hương xứ người

Tay không làm lại cuộc đời
Santa Ana hóa vành nôi quê mình.

(26/1/2017 – 30 tết Đinh Dậu)



ĐÊM TRỪ TỊCH (1)

Tôi đóng vai vô gia cư nước Mỹ
Đi dọc dòng Santa Ana
Lúc này bên kia đại dương
Quê tôi đêm trừ tịch.

Gió như bờm ngựa tung bay
Ào ạt từ Thái Bình Dương thổi tới
Hình như trong gió có mùi rơm rạ
Mùi bánh chưng xanh quện hương khói ông bà
Gà sắp gáy đón chào năm Đinh Dậu
Bình minh nào tỏ rạng quê ta?

Đêm dài quá mình tôi lang thang mãi
Ngóng hút đại dương không thấy dáng quê xa
Giá được như bầy thiên nga kia nhỉ
Hồn nhiên bơi và thỏa thức rỡn hoa?

Ừ thiên nga tự do trên đất Mỹ
Nhưng quê người đâu phải đất ông cha?
Lang thang mãi cũng phải về quê Mẹ.
Bình minh ơi, sao khát một tiếng gà !

( 9h sáng 27/1/2017, tức 12h đêm 28/1/2017 - 30 Tết Đinh Dậu ở VN.
Theo múi giờ trái đất, California cách Việt Nam 15 giờ. )



NÓI VỚI TƯỢNG NỮ THẦN TỤ DO Ở NEW YORK(*)

Thầy tôi bảo
Thời trước đã nhìn thấy Bà Đầm Xòe giữa hồ Hoàn Kiếm
Người Pháp có nhã ý mang tự do đến xứ sở này
Nhưng rồi người nước ta đi tìm những ông Tây
Râu rậm hoặc trán hói
Thần Tự do Hà Nội bị nung chảy.

Tôi đi nửa vòng trái dất
Để được thấy Nữ thần Tự do New York
Một nàng Đầm Xòe chính hiệu do nước Pháp tặng.
Chợt nhận ra:
Ngọn lửa trên tay nàng luôn luôn chói rạng.
Cả thế giới ngưỡng vọng, về đây.

Số phận nữ thần Tự do New York thật may
Nếu nước Pháp lầm lẫn đem nàng tặng nước Việt
Nàng sẽ bị nung chảy
Trong cuộc cách mạng long trời lở đất
Mà chúng tôi đang tiếp nối từng ngày.

(New York, 10/2/2017.)

(*) Tượng nữ thần tự do Mỹ ( cao 46 mét, nếu tính cả chân đế là 96 mét), do nhân dân Pháp tặng nước Mỹ, được dựng trên đảo Liberty, cảng New York. Đây là công trình do kiến trức sư người Pháp Frederic Bartholdi thiết kế năm 1886. Cũng thời gian này, một phiên bản nhỏ Nữ thần Tự do cao 2,85met, cũng được nhân dân Pháp tặng Việt Nam, được dựng tại đỉnh Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm. Cách mạng tháng Tám năm 1945 tượng bị giật đổ, sau đó bị nung chảy, đúc tượng)


TUYẾT

Boston, tủ lạnh trời, trắng xóa
Anh và em trốn trong ngăn đá
Ta trắng xóa nhau, thanh khiết tuổi hai mươi
Mùa Valentine hoa bay trắng trời.

( Trước ngày Valentine 14/2/2017)

Ảnh: 1- Hoàng Minh Tường và con trai bên Thần Tự do.
2- Hoàng Minh Tường cùng nhà văn Nguyễn Bá Chung tại Boston


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TƯỚNG THƯỚC: SỢ NHẤT LÀ HỌ KẾT BÈ PHÁI, KHÔNG CÒN VÌ DÂN VÌ NƯỚC


Ngọc Quang

(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng, điều ấy là một nguy cơ gây nên sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong đời sống xã hội.

Ngọc Quang
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thấy rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay;
Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.
Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, tòa án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.

Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống…
Trước thực trạng này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhận định, suốt từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cho tới Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng liên tục được đề ra và đã phát hiện rất nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có những trường hợp đã bị xử lý nghiêm khắc.
“Nguy hiểm nhất không đơn thuần là họ tham ô tài sản của nhà nước, của nhân dân, mà là khi kết bè kết phái làm những việc xấu thì lý tưởng cách mạng cũng phai nhạt, không còn vì nước, vì dân nữa.
Khi cán bộ đã rơi vào vòng xoáy sống ích kỷ, vụ lợi, hám danh, quan liêu thì sẽ vô cảm với đời sống khó khăn của dân. Đó là nguy cơ rất lớn cho sự tồn vong của dân tộc”, Tướng thước chia sẻ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cảnh báo, cán bộ giàu lên bất thường trong khi dân thì nghèo là một nguy cơ gây ra sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong đời sống xã hội. ảnh: Ngọc Quang.
Đồng thời, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nêu ra một thí dụ hết sức thời sự mà báo chí đã đề cập về khối tài sản trăm tỷ của Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa (cổ phần tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang).
Theo tướng Thước, mặc dù có thông tin rằng số tài sản này bà Hồ Thị Kim Thoa có từ trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì vẫn có những câu hỏi đặt ra xoay quanh nội dung cần phải làm rõ: Vì sao bà Thoa có được số tài sản ấy?
“Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải làm rõ, bởi vì nếu số tài sản ấy bà Thoa có được một cách hợp pháp thì chẳng có gì đáng bàn, nhưng ở chiều ngược lại thì đó là sự việc rất cần lưu ý trong công tác cán bộ”, Tướng Thước cảnh báo.
Ngay sau khi có thông tin về tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với một loạt các cơ quan khẩn trương kiểm tra, kết luận những nội dung mà các bài báo nêu cùng những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban bí thư.
Tổng bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy định của pháp luật để hoàn thiện, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý; phòng, chống thất thoát tài sản Nhà nước; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Mới nhất, Thủ tướng cũng đã yêu cầu kiểm tra tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước;
Ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Tướng Thước chia sẻ: “Tôi rất mừng là ngay sau khi có thông tin về khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng của bà Thoa thì đồng chí Tổng Bí thư đã lập tức chỉ đạo phải làm rõ với sự vào cuộc đồng loạt của nhiều cơ quan Trung ương.
Việc cần thiết bây giờ là những cơ quan được giao nhiệm vụ phải khẩn trương làm rõ tài sản ấy từ đâu bà Thoa có, tiêu cực hay không tiêu cực. Dù chưa có kết luận nhưng tôi cho rằng việc này chắc chắn có vấn đề, bởi vì ngoài khối tài sản trăm tỷ của bà Thoa thì còn có những người thân khác cũng nắm giữ tài sản trăm tỷ ở doanh nghiệp này”.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản trị giá trăm tỷ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. ảnh: TTXVN.
Trước đó chiều 10/2, Bộ Công Thương thông tin về vấn đề tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Phản hồi này được đưa ra sau khi có nhiều thắc mắc trong dư luận về tài sản của cá nhân và gia đình bà Thoa tại doanh nghiệp.

Thanh tra Chính phủ nói gì về việc kiểm tra tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa?

Theo cơ quan quản lý, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang: Năm 2000-2005, bà Thoa là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
"Số cổ phần Công ty Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu có từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công Thương", cơ quan này giải thích và cho biết tài sản đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm bà Thoa vào vị trí Thứ trưởng năm 2009, đồng thời báo cáo cơ quan thẩm quyền trước khi quyết định bổ nhiệm.
Năm 2016, các thành viên gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu gần 35% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Mã CK: DQC), tương đương 700 tỷ đồng tính theo thị giá hiện tại. Trong đó, riêng bà Thoa nắm gần 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương 100 tỷ đồng.
Đón nhận thông tin này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ: “Tôi rất tiếc là vụ việc này một lần nữa lại rơi vào cán bộ của Bộ Công thương. Sau những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, rồi hàng loạt dự án thua lỗ cả nghìn tỷ đồng… rõ ràng có quá nhiều tiêu cực cần phải nghiêm túc đánh giá lại và rút ra kinh nghiệm cho các ngành khác.
Ngay cả vấn đề Bộ Công Thương đã trả lời về tài sản của bà Thoa thì bây giờ cũng phải làm rõ xem trước khi bổ nhiệm làm Thứ trưởng, những cơ quan nào, cán bộ nào tham gia vào quy trình thẩm định hồ sợ, đánh giá bà Thoa.
Số tài sản bà Thoa kê khai lúc ấy có được kiểm tra không? Kiểm tra có đúng quy trình và có nghiêm túc không? Nếu nghiêm túc và minh bạch hết cả rồi thì bây giờ đưa ra báo cáo, công khai đi.
Còn nếu không nghiêm túc, làm qua loa, rồi bây giờ các cơ quan kiểm tra phải làm lại từ đầu thì cũng phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm bà Thoa”.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nếu cán bộ giàu lên một cách chính đáng thì đó là điều đáng mừng, vì họ biết làm giàu cho chính mình, cho gia đình mình thì mới có thể làm cho xã hội.
“Nhưng điều bất thường là nhiều cán bộ giàu lên nhanh quá trong khi dân nghèo thì đó là điều rất đáng suy ngẫm vì nó là một nghịch lý sẽ khiến cho xã hội chậm phát triển. Đây là vấn đề Đảng ta phải đặc biệt quan tâm”, Tướng Thước chia sẻ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những bức tranh khỏa thân nổi tiếng trong lịch sử hội họa


Những đường cong hình thể của phụ nữ vốn là một đề tài truyền cảm hứng bất diệt trong hội họa. Rất nhiều bức họa nổi tiếng được thực hiện bởi những họa sĩ danh tiếng đã ca ngợi vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ.
Bức tranh đắt đầu bảng trong lịch sử đấu giá cũng là một họa phẩm của Picasso - bức “Những người phụ nữ Algiers” (1955) vừa được bán trong năm nay với 
giá 3.986 tỉ đồng. Bức tranh này không thể xếp vào loạt tranh khỏa thân nhưng đề tài của tranh cũng rất nóng bỏng, cũng khắc họa vẻ đẹp thân hình phụ nữ.

Bức “Khỏa thân nằm tựa” (1917) - danh họa Ý Modigliani: Vốn là danh họa của những bức tranh khỏa thân nổi tiếng thế giới, tuy vậy, cho tới tuần này, người ta mới nhắc đến Amedeo Modigliani nhiều hơn bao giờ hết. Bức “Khỏa thân nằm tựa” của danh họa đã bán được mức giá tương đương 3.786 tỉ đồng và trở thành bức họa đắt giá thứ 2 tronglịch sử các cuộc đấu giá mỹ thuật. Đây là một kỷ lục mới đối với tranh Modigliani dù trước đây tranh ông cũng vốn luôn nằm trong top các tác phẩm đắt giá.


Hai bức tranh khỏa thân khác của Modigliani cũng rất đáng chú ý, đó là bức “Khỏa thân nằm tựa trên gối xanh” (1917) từng được bán với giá tương đương 2.622 tỉ đồng hồi năm 2012 và bức “Khỏa thân ngồi trên đi văng” (1917 - ảnh) được bán với giá tương đương 1.533 tỉ đồng hồi năm 2010.


Bức “Khỏa thân, lá xanh và bầu ngực” (1932) - danh họa Tây Ban Nha Picasso: Sinh thời, Picasso luôn biến những người tình của mình trở thành nàng thơ truyền cảm hứng trong hội họa. Như bức tranh này, ông khắc họa người tình Marie-Thérèse Walter. Năm 2010, tác phẩm đã được bán đấu giá và đạt mức 2.366 tỉ đồng, hiện đây là bức tranh có giá cao thứ ba trong lịch sử đấu giá các tác phẩm mỹ thuật.


Bức “Vệ Nữ thành Urbino” (1538) - danh họa Ý Titian: Không “ngoa” khi nói rằng trong lịch sử hội họa không ai vẽ phụ nữ khỏa thân đẹp hơn Titian bởi nhân vật của ông luôn tỏa ra một vẻ đẹp thế tục mà vẫn cao sang, thuần khiết.


Bức “Cung phi” (1814) - danh họa Pháp Ingres: Đây là tác phẩm đánh dấu bước chuyển trong sự nghiệp hội họa của Ingres, khi ông đoạn tuyệt với trường phái Tân Cổ điển để đến với trường phái Lãng mạn. Thời bấy giờ, tư duy hội họa còn rất hàn lâm, bảo thủ nên khi tác phẩm này ra đời, Ingres đã phải chịu rất nhiều chỉ trích.



Bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (1480) - danh họa Ý Botticelli: Bức tranh khắc họa thần Vệ Nữ bước lên từ biển cả. Vệ Nữ vốn là một hình tượng giàu sức gợi cảm trong hội họa. Trong những bức tranh vẽ nàng, “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” là một họa phẩm không thể bỏ qua.



Bức “Vệ Nữ và Cupid” (1651) - danh họa Tây Ban Nha Velázquez: Velázquez là danh họa đi đầu trong kỷ nguyên vàng của hội họa Tây Ban Nha. Bức vẽ này tiếp tục là một họa phẩm lấy cảm hứng từ Vệ Nữ để truyền tải vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ. Trong tranh, con trai của nàng - thần Cupid đang đỡ gương để mẹ soi.



Bức “Suối nguồn” (1856) - danh họa Pháp Ingres: Bức tranh được bắt đầu thực hiện ở Florence vào năm 1820 và hoàn thành ở Paris vào năm 1856. Tác giả đã mất tới gần 4 thập kỷ để thực hiện bức tranh này. Khi bức “Suối nguồn” đã trọn vẹn, cũng là khi Ingres đã 76 tuổi và đã trở nên nổi tiếng, không còn phải đối diện với những bình luận khen chê như khi ông thực hiện bức “Cung phi” nữa.


Bức “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (1879) - danh họa Pháp Bouguereau: Là một trong những bức họa nổi tiếng nhất từng được thực hiện bởi danh họa Bouguereau, “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” tiếp tục là một đề tài quen thuộc trong hội họa, Vệ Nữ vốn được xem là biểu trưng của vẻ đẹp tinh túy nhất trong văn hóa Hy Lạp, cũng đồng thời là hình ảnh lý tưởng về vẻ đẹp của phụ nữ trong văn hóa La Mã.


Bức “Vệ Nữ bước lên từ biển” (1520) - danh họa Ý Titian: Bức vẽ này có thể khắc họa nàng đang tắm hoặc vẽ nàng ngay sau lúc ra đời. Vệ Nữ trong thần thoại được sinh ra từ một chiếc vỏ sò (nằm ở góc trái phía dưới)


Bức “Maja khỏa thân” (1800) - danh họa Tây Ban Nha Francisco Goya: Đương thời bức họa trở nên nổi tiếng bởi ánh mắt của cô gái trong tranh. Trước đó, trong các bức tranh khỏa thân, nhân vật nữ thường không hướng ánh mắt trực diện vào người xem. Đối với nhân vật nữ trong tranh Goya, nàng có nhiều nét táo bạo mới mẻ, một vẻ đẹp không che giấu, không ngần ngại.

Tuy vậy, người ta cũng không thể nhầm nàng là kỹ nữ bởi dưới nét cọ của Goya, nàng hiện lên với một vẻ đẹp bừng sáng, cao sang. Với bức họa này, Goya đã mở rộng thêm những giới hạn trong hội họa Tây Ban Nha thời bấy giờ.



Bức “Danae” (1907) - danh họa Áo Gustav Klimt: Danae cũng là một nhân vật rất được yêu thích trong hội họa, nàng là biểu tượng của tình yêu thần thánh. Danae tồn tại trong thần thoại Hy Lạp. Nàng là con gái của vua Acrisius xứ Argos. Vì không có con trai nối dõi nên Acrisius tới hỏi một nhà tiên tri xem liệu có thể thay đổi điều này không.

Nhà tiên tri bảo rằng nhà vua sẽ bị chính cháu trai, con của nàng Danae giết chết. Khi đó, Danae chưa lấy chồng, để tránh việc Danae sinh con, nhà vua đã nhốt cô vào một tòa tháp. Thần Dớt biết chuyện đã tới thăm nàng công chúa xinh đẹp. Ngài hóa thành một cơn mưa vàng và tình tự với Danae khiến nàng có thai. Sau đó, đứa con trai của họ là Perseus đã ra đời.


Bức “Danae” (1544) - danh họa Ý Titian: Trong lịch sử các vị thần Hy Lạp, thần Dớt là vị thần “ngoại tình” nhiều nhất, ông luôn đến với người tình của mình bằng những hóa thân kỳ lạ, để thoát khỏi sự ghen tuông, ngờ vực của người vợ - nữ thần Hera. Trong bức tranh này, thần Dớt đang đến tự tình với nàng Danae trong hình dáng của một cơn mưa vàng.

Bích Ngọc
Tổng hợp


Phần nhận xét hiển thị trên trang