Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Trích "Gió bay về trời":

HG
17.
Hai tuần tôi xa thế giới
lạc mất mình giữa ồn ã quanh tôi
sẽ ra sao nếu chim không hót ?
Đôi cánh thừa,
nếu nó không bay..
Không phải bởi Pu si ma động đất
hay Bin La Đen bị thủ hạ phản thùng
cũng không phải hè sang nắng rát,
những quán ba, bãi biển vắng người..
Chỉ bởi tại
đôi điều khó nói
ngẩn ngơ buồn
tôi không phải là tôi.
Muốn bỏ cuộc
nợ nần chưa dứt
tôi lại về
dù không định mua vui..
Hai tuần xa
ngủ đông trái vụ
khách tình si gõ cửa nhầm nhà..
Tìm yên tĩnh
lòng càng sôi
vọng động
chợt nhớ mình:
- Đâu phải kẻ thờ ơ?
Thì thôi vậy
cứ vui đời
sướng
khổ..
Ngôi nhà chung sao có thể lìa xa?
18.
Tôi mắc kẹt giữa hai làn đạn
bậc cao nhân
và kẻ tầm thường
Giữa thực và mơ
giữa an nhàn
lận đận
lời nói chân thành
và miệng lưỡi vu vơ..
Sao số phận cứ buộc tôi cay nghiệt
một phút thảnh thơi..
Không biết đến bao giờ ?
Muốn buông bỏ
lòng vẫn hờn
nuối tiếc
có lẽ nào thanh thản ngắm ngày qua ?
Đành học lão nông miệt mài trên ruộng cạn
thất bát bao lần chưa ngưng giọt mồ hôi
thượng đế hay đùa sẽ có ngày Ngài nghĩ:
- Có nên chăng, mỗi khi mở cuộc vui?
Tôi mắc kẹt,
tôi không hờn, không trách.
Chỉ mong em hạnh phúc trong đời
số phận mình
từ lâu đã mách
có hạnh phúc nào cho nước chảy bèo trôi ?
Mắc vào tảng đá để biết đời ấm lạnh
mắc vào gai để biết nẻo đời
mắc vào tình
để biết tình hư thực
mắc vào em
để tôi biết phận tôi !
Cũng có thể mắc giữa hai làn đạn
biết đâu rằng
đó cũng thực điều hay ?
19.
Thị trường xen nhiều hàng giả
giá lên
choáng váng kinh hoàng.
Tình trường nức mùi ẩm thực..
mùi xe, mùi tóc
nao lòng
Sân trường
trò như bầy thú
khùng điên
theo lối luật rừng
Đêm nằm
quẩn quanh ác mộng
ngày đi
sương khói vô thường
muốn tìm tri âm để hỏi..
Càng xa
khấp khểnh
thêm đường
Thằng Cuội giở trò láu cá
bày thêm trò nhảm mua lòng.
Thôi đành
nghỉ chân ngắm nó
Sớm mai..
người hãy lên đường.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Vì sao người Trung Quốc ngu thế?”

chinapeople
Tác giả: Li Ming (Triết gia Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệuNhiều người cho rằng văn minh Trung Hoa có đóng góp quá nhỏ bé (xét về số dân) vào thành tựu của văn minh nhân loại, về khoa học tự nhiên cũng như khoc học xã hội. Tìm ra căn nguyên của tình trạng này là một vấn đề có tầm quan trọng đối với Trung Quốc, từng được một vài học giả phương Tây, hoặc phương Tây gốc Hoa bàn luận, nhưng dường như giới học giả Trung Quốc lại thiếu quan tâm vấn đề này, có lẽ vì họ không muốn nói tới các mặt tiêu cực của thể chế chính trị-văn hóa nước họ. Trong tình hình đó, cuốn “Vì sao người Trung Quốc ngu thế?” của triết gia Li Ming (Lê Minh, xuất bản 2003) thu hút được sự chú ý của dư luận. Dưới đây là bài nói của Li Ming tại ĐH Bắc Kinh về sách trên. Bài gồm 6 phần: 1) Vì sao người Trung Quốc là một dân tộc “vô học”?  2) Vì sao sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất nhiên của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của kẻ thống trị các đời trước; 3) Vì sao người phương Tây trong xã hội cận đại lại trở nên thông minh? 4) Nghi ngờ về sự “thông minh” của người phương Tây trong thế kỷ 21; 5) Tình trạng ngu dốt và thông minh hiện nay của người Trung Quốc; 6) Sau thế kỷ 21, người Trung Quốc nên trở nên thông minh như thế nào? Dưới đây xin giới thiệu phần đầu.
Trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”, ông Bá Dương đã xúc phạm mạnh đồng bào Trung Quốc (TQ), và bị họ chửi cho mất mặt, giờ đây tôi lại lấy thuyết “ngu dốt” ra để gây sự lần nữa thì chẳng phải là tự chuốc lấy quả đắng đấy ư? Thực ra không phải tôi thích gây sự, mà là do cổ họng tôi bị hóc xương, không lấy xương ra thì khó chịu. Lại còn một lý do nữa là TQ từ xưa tới nay có quá nhiều văn nhân tự khoe mình thông minh, làm cho những người TQ bình thường lâu nay cũng thường xuyên rơi vào đám sương mù dầy đặc tự cho mình là thông minh, mọi người đều mơ giấc mơ người TQ “thông minh”, dường như người nước ta đúng là đặc biệt có gene thông minh. Tiếc thay, mơ mộng rốt cuộc chỉ là mơ mộng. Trên thực tế, người TQ có đúng là thông minh như thế không? Song le thông minh là gì, ngu dốt là gì?
Tôi cho rằng đó chỉ là kết luận rút ra được từ sự so sánh với các chủng loại người khác. Quan điểm của tôi là: trong sự so sánh đó, chủng loại người nào có thể cung cấp cho nền văn minh của toàn nhân loại những nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nhà nghệ sĩ lớn đẳng cấp thế giới, thì chủng loại người ấy là thông minh. Ngược lại, là chủng loại người ngu dốt.
Nói cách khác, qua so sánh, chủng loại người nào giỏi hơn về khám phá các quy luật mới (về tự nhiên, xã hội, tâm lý loài người), về phát minh công nghệ mới (tư duy, công cụ, máy móc), sáng tạo các tri thức mới (về khoa học, nghệ thuật), thì thuộc về chủng loại người thông minh. Ngược lại chủng loại người nào không giỏi, thậm chí không có thể khám phá quy luật mới, phát minh công nghệ mới, sáng tạo tri thức mới thì là không thông minh.
Dĩ nhiên, thông minh hoặc không thông minh, ngu dốt hoặc không ngu dốt đều mãi mãi ở trong quá trình biến động. Vì thế nên nói không có chủng loại người nào có số phận an bài là thông minh, cũng không có ai số phạn an bài là ngu dốt. Nhưng nếu mọi người tự mình kiên trì mãi mãi không biến đổi thì “ngu dốt” cũng có thể trở thành một loại số phận. Tôi vô cùng lo ngại người TQ trong tình hình trường kỳ giữ một truyền thống lịch sử “bất biến” sẽ thực sự có số phận như vậy.
Người TQ có thực sự thông minh không? Nếu người TQ thực sự thông minh như thế thì trong dòng sông lịch sử dài dằng dặc rốt cuộc họ đã cống hiến cho nền văn minh nhân loại được bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nghệ sĩ lớn cấp thế giới, cung cấp được bao nhiêu khám phá lớn về quy luật, phát minh lớn về công nghệ và nghệ thuật, sáng tạo lớn về tri thức?
Nếu người TQ thực sự thông minh thì tại sao trong hơn 100 năm gần đây, về nhân cách chính trị lại luôn luôn bị người nước khác bắt nạt, về  kinh tế toàn là bị người ta bóc lột, về văn hóa học thuật toàn là bị người ta phân biệt đối xử? Cái “thông minh” tự tâng bốc mình có thể biến thành thông minh thực sự được chăng? Rõ ràng không thông minh mà cứ tự tâng bốc mình thông minh, điều đó nên nói là ngu dốt thực sự.
Socrates ở thời cổ Hy Lạp được nhiều người cho là người thông minh nhất. Nhưng cái ông thích được tâng bốc hơn cả lại không phải là sự thông minh của mình, mà ông bao giờ cũng tự xưng: “Tôi biết sự vô tri của mình”. Cho nên Socrates là thủy tổ của phép biện chứng. Ông hiểu sâu sắc thực chất của sự việc con người sở dĩ “thông minh” không phải là ở bản thân sự thông minh mà là ở chỗ thực sự nhận thức được sự vô tri của mình và biết cách vượt qua sự vô tri đó. Trong lịch sử TQ có bao nhiêu sĩ đại phu và văn nhân dám công khai thừa nhận mình vô tri? Lại có bao nhiêu người đã nghiêm chỉnh khắc phục được sự vô tri của mình? Trên ý nghĩa này thực sự có thể nói chính là giới sĩ đại phu văn nhân trong các đời trước đã liên tục tạo ra sự ngu dốt của người TQ. Sở dĩ hôm nay tôi phải lớn tiếng tuyên bố về sự “ngu dốt” của người TQ ngày xưa và ngày nay, thực ra là tôi vô cùng mong muốn người TQ trong tương lai sẽ trở thành “thông minh”.
Lịch sử mấy nghìn năm của TQ thực ra là lịch sử các sĩ đại phu văn nhân tự khoe “thông minh”. Các sĩ đại phu văn nhân “thông minh” trong các thời đại trước đây đã để lại cho người TQ ngày nay những trước tác có tới hàng tỷ chữ, trong đó nổi tiếng nhất có bộNhị thập tứ sử, Tư trị Thông giám, Vĩnh Lạc đại điển, Tứ khố toàn thư v.v… Tiếc thay nếu dùng chiếc cân tri thức lý tính của con người hiện đại mà cân đo lượng văn bản lớn ấy thì phần tri thức của nó nhẹ tới mức làm người TQ cảm thấy đau khổ, chỉ đáng một phần vạn lượng tri thức ngày nay. Có một điểm càng làm cho người ta không thể không ghi nhớ là nếu ai hiện nay vẫn vùi đầu vào núi văn bản ấy thì người đó sẽ được nhân bản thành một vị văn nhân tự khoe “thông minh’ của TQ. Các vị văn nhân tự khoe “thông minh’ của TQ trong các thời đại trước đây chính là được nhân bản từ núi thư tịch ấy. Chính vì thế mà xã hội và lịch sử TQ cũng được nhân bản lặp đi lặp lại vô cùng giống như thời xưa, thậm chí như nhau. Chỉ trong một trăm năm gần đây mới có chút thay đổi, nhưng phần cốt lõi thì vẫn khá cứng — tức giới văn nhân TQ cho đến nay vẫn chưa nhận thấy sự vô tri của mình và tại sao lại vô tri, khắc phục sự vô tri như thế nào. Điều này đúng là thực sự ngu dốt.
Sự ngu dốt của người TQ trước hết, hoặc về căn bản, vẫn là sự ngu dốt của giới sĩ đại phu văn nhân nước này. Văn nhân các triều đại trước đây đã làm ra rất nhiều thư tịch có hàm lượng tri thức cực nhỏ — Kinh, Sử, Tử, Tập. Văn nhân TQ ngày nay vẫn tiếp tục làm ra rất nhiều văn bản loại ấy, tạo ra một lượng lớn rác rưởi văn tự trong toàn bộ nền văn minh TQ. Trước kia Lỗ Tấn từng đau khổ cảnh báo thanh thiếu niên TQ cần bớt đọc, thậm chí không đọc sách do văn nhân TQ viết. Qua đây có thể thấy ông sớm hiểu rõ tính nghiêm trọng tồn tại trong núi rác văn tự của nền văn minh TQ. Chính là sự nhân bản lặp lại núi rác rưởi văn tự ấy đã lấp kín con đường trí tuệ của bao nhiêu thế hệ người TQ. Thứ đầu tiên được chế tạo với khối lượng lớn là sự ngu dốt của văn nhân TQ, sau đó nó khuếch đại thành sự ngu dốt của người TQ. Đó là số phận sự ngu dốt của người TQ trong hơn hai nghìn năm qua, nhất là trong 500 năm gần đây, và đặc biệt là 200 năm nay.
  1. Vì sao người Trung quốc là một dân tộc “vô học”?
Tác giả đã sống được ngót 60 tuổi, làm học giả trong khoảng 20 năm, cho tới nay mới chợt tỉnh ngộ biết rằng “học” là gì. Sự tỉnh ngộ ấy cũng làm cho tôi bỗng dưng rơi vào một nỗi buồn sâu sắc: người TQ (dân tộc Trung Hoa) có lịch sử văn minh 5 nghìn năm mà chẳng lưu lại bao nhiêu thứ thực sự đáng để hậu thế học tập. Là một học giả hiện đại TQ tôi vô cùng đau khổ phát hiện thấy người TQ chúng ta vốn dĩ căn bản chưa hiểu thế nào mới là “học” đích thực, do đó mà đến nỗi hầu như vô “học”.
Điều đó thực ra không khó kiểm chứng. Chỉ cần mời mọi người đọc lại một lượt toàn bộ các giáo trình tiểu học, trung học, đại học, viện nghiên cứu sinh, xem xem trong số những kiến thức đáng gọi là “học” dạy cho học sinh, rốt cuộc có bao nhiêu cái là do người TQ chúng ta khám phá, phát minh và sáng tạo.
Kết quả ra sao? Có thể nói, ngoại trừ những thứ như ngữ văn TQ, y dược TQ, sân khấu, thư, họa TQ — số lượng các kiến thức thổ sản ấy đã cực ít lại cũng khó có thể gọi là “học” mà chỉ có thể gọi là “thuật” — hầu như 9999 phần vạn các kiến thức còn lại đều là “sản phẩm du nhập qua đường biển” từ phương Tây. Trong các lĩnh vực như thiên văn, địa chất, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh vật, tâm lý, triết học, khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học, pháp học, luân lý học, tân văn học….) thì người TQ chúng ta có truyền thống 5000 năm lịch sử lâu đời và chiếm tỷ lệ số dân nhiều nhất thế giới, rốt cuộc sáng tạo được môn học nào, khoa học nào? Chúng ta lại có ưu thế rõ rệt ở lĩnh vực nào vậy? Thậm chí người Nhật cũng có thể cười chế nhạo chúng ta “Đôn Hoàng ở TQ nhưng Đôn Hoàng học thì lại ở Nhật”.
Bình tĩnh tự xét mình, nên thừa nhận là trong nền văn minh TQ 5000 năm, chúng ta có chữ “học” động từ (học hỏi, học ở chỗ hỏi, vậy hỏi ai? Hỏi trời, hỏi các đại nhân, hỏi các thánh nhân) mà không có chữ “học” danh từ (môn học, khoa học, những tri thức có năng lực sinh trưởng kéo dài, có sinh mạng riêng, tự làm thành hệ thống).
Nhìn tổng quát xưa nay, chúng ta có quan trắc thiên văn nhưng không có môn thiên văn học; có khảo sát địa lý (như Từ Hạ Khách du ký…) nhưng không có địa chất học, địa lý học; có trồng trọt thực vật, vận dụng thực vật nhưng không có thực vật học; có dạy thú và sử dụng động vật nhưng không có động vật học (phương pháp dùng trong các môn động vật học, thực vật học hiện nay vẫn dùng phương pháp phân loại hệ thống do người phương Tây phát minh); có tính toán con số cụ thể nhưng không có toán học trừu tượng; có Tứ đại phát minh nhưng không có vật lý học, hóa học; có kiến trúc cầu hầm nhà nhưng không có cơ học kiến trúc (vật liệu, công trình, kết cấu); thậm chí ta có ngôn ngữ, chữ viết, hội họa, âm nhạc, nhưng không có các môn học thành hệ thống như ngôn ngữ học, ngữ pháp học, tư từ học (Thuyết văn giải tự của Hứa Thận là một bộ tự điển,Mã thị văn thông là sản phẩm sau khi học ngữ pháp học của phương Tây, Lục thư pháp tắc chưa hình thành nguyên lý nghiêm chỉnh), mỹ thuật học (hội họa TQ không có thấu thị học, sắc thái học…), âm nhạc học (tuy rằng Chu Tải Dục đời Minh đầu tiên phát hiệnthập nhị bình quân luật nhưng không làm nó trở thành hòa thanh học, âm luật học v.v…).
Sau hơn 20 năm làm học giả TQ, tới nay tôi mới bừng tỉnh dậy sau giấc mơ lớn: người TQ chúng ta tự xưng có nền văn minh truyền thống cổ xưa 5000 năm nhưng lại là một nền văn minh vô “học”.
Thưa đồng bào, chẳng lẽ quý vị không cảm nhận được điều đó ư? Tứ đại phát minh của ta cố nhiên vĩ đại đấy nhưng đều chỉ là “thuật” mà thôi, hơn nữa lại là kỹ thuật khá thô sơ do tiền nhân thời xưa phát hiện và phát minh ra trong trải nghiệm cuộc sống trực tiếp tiếp xúc với thiên nhiên, những cái đó chưa được nâng lên thành “học”, cũng tức là chưa biến thành tư duy lý luận trừu tượng, thành học thuyết giải thích quy luật của sự vật. Chẳng hạn thuốc súng trong Tứ đại phát minh , thành phần vật chất (nguyên tố) của nó là gì? Tính chất hóa học thế nào? Nguyên lý gây nổ của nó là gì? Lại nói kim chỉ nam trong Tứ đại phát minh vì sao nó mãi mãi chỉ về phương Nam (hoặc Bắc), rốt cuộc từ tính là gì? Tất cả những cái đó đều phải chờ đến sau này khi người phương Tây tiến hành tư duy lý luận trừu tượng mới có được nhận thức. Trên tất cả các mặt, người TQ chúng ta hầu như chỉ dừng bước không tiến tiếp ở “thuật” mà thôi, vì thế nên thành tích trong lĩnh vực “học” cực kỳ nhỏ bé, quả thật có thể nói là vô “học”.
“Học” với ý nghĩa môn học, là gì vậy? Điều quan trọng là ở chỗ có lý luận trừu tượng cao độ, lý luận đó có thể giải thích hiện tượng đã có của sự vật, lại có thể mô tả một cách trừu tượng quy luật phát sinh của hiện tượng, vì thế không những có thể giải thích cụ thể sự vận hành thực tế lúc đó của sự vật mà còn có thể dự đoán trạng thái và sự biến đổi của sự vật trong tương lai, và được kiểm chứng hoặc chứng thực, hoặc chứng ngụy trong thực tiễn sau đó.
Một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng lý luận là phải nắm được quy luật tư duy logic cơ bản nhất. Hơn hai nghìn năm qua, nhất là 200 năm gần đây, nền giáo dục người TQ từ nhỏ được tiếp thụ chỉ có sự nhồi nhét Tứ thư Ngũ kinh, xưa nay chưa bao giờ biết logic là cái gì, sĩ đại phu-văn nhân còn như vậy, nói gì tới đông đảo dân chúng mù chữ. Tại TQ còn có một điểm đặc biệt làm đứt đoạn nền văn minh — đó là sự tách rời hầu như tuyệt đối giữa người lao động phổ thông với tầng lớp văn nhân biết đọc biết viết.
Hầu như toàn bộ những người TQ tiếp xúc với thiên nhiên và có kinh nghiệm lao động sản xuất đều không biết đọc biết viết, nhưng giới văn nhân TQ biết đọc biết viết lại hầu như căn bản không tiếp xúc với thiên nhiên. Nói khác đi nghĩa là từ xưa tới nay cái đầu (tư duy) và cái tay (thực tiễn) của người TQ hầu như bị tách rời tuyệt đối. Cộng thêm tư duy của văn nhân TQ lại về căn bản thiếu mất sự huấn luyện của tính quy luật logic có ý thức, qua đó tạo nên sự tách rời tuyệt đối giữa “thuật” với “học”. Do sự đứt rời song trùng ấy mà cho dù chưa xét tới còn có nhiều nhân tố khác vô cùng bất lợi như chế độ xã hội, tập tục… thì cũng đã ngăn trở vô cùng nghiêm trọng con đường phát triển trí tuệ của người TQ rồi. Đó dường như là số phận ngu dốt của người TQ trong mấy nghìn năm qua, nhất là trong 200 năm gần đây.
Sự tách rời giữa đầu óc với tay chân trong văn hóa truyền thống TQ, cũng tức là tách rời  giữa tư duy và thực tiễn, cùng sự xa lạ giữa tư duy với logic của văn nhân TQ, đã tạo ra sự “học” của người TQ: hầu như duy nhất chỉ có cái “học” hỏi mà căn bản không có sự học hiểu, suy luận, giải thích, càng chưa thể nói tới sự học sáng tạo kiến trúc cấu tạo của tư duy logic trừu tượng.
Tứ thư Ngũ kinh và những thứ tràn ngập thành tai họa hơn nữa như Kinh, Sử, Tử, Tập, hầu như toàn bộ đều là sự học hỏi. Văn hóa truyền thống TQ chỉ có sự học-hỏi, cộng thêm sự tách rời giữa đầu (tư duy) với tay (thực tiễn) và tiếp tục tạo ra sự đứt rời giữa “học” đích thực với “thuật” đã nói ở trên, — sự đứt rời song trùng ấy trên thực tế đã tạo nên sự vô “học” của người TQ từ xưa tới nay.
Trải qua quá trình Tây học truyền vào TQ trong 100 năm gần đây, TQ ngày nay cũng chỉ có cái “học” đi theo cái “học” của phương Tây mà về cơ bản chưa có cái “học” của bản thổ. Chính vì thế mà các “học nhân” của TQ ngày nay, trong quá trình học sẽ cảm thấy một cách nặng nề rằng mình đã mắc phải chứng “mất tiếng nói”. Hầu như mọi từ ngữ, khái niệm về “học” đều du nhập từ phương Tây, mà không có liên quan chút nào với truyền thống văn hóa bản xứ của chúng ta. Miệng là của người TQ nhưng nội dung lời nói lại là những điều trải qua sự suy nghĩ nghiền ngẫm của người phương Tây. Giấy viết, sách vở, truyền thông là phương tiện của bản xứ (song máy móc làm giấy, làm sách và thiết bị truyền thông cũng có thể của phương Tây), nhưng mọi đạo lý, quy phạm, quy tắc, quy luật…  được sách báo truyền thông nói tới đều là những thứ người phương Tây phát hiện, phát minh và sáng tạo. Trong tình hình này chúng ta còn có thể nói người TQ không “ngu dốt” ư?  Nếu còn muốn tự khoe mình “thông minh” kiểu AQ thì chúng ta lại “thông minh” ở chỗ nào vậy?
Khi phân tích kỹ nền văn minh 5000 năm của TQ, có một môn tri thức có thể gọi là “học” được — đó là “Trung Y học” [Y học Trung Hoa]. Có lẽ cũng chỉ trong lĩnh vực “Trung Y học”, người TQ có thể để lại cho nhân loại một thứ duy nhất có thể gọi là “lý luận” của mình. Đó là lý luận “Âm dương ngũ hành”. Tiếc thay tuy đây là thứ lý luận duy nhất trên thế giới có thể gọi là lý luận của người TQ, thuộc loại sánh được với lý luận logic của phương Tây, nhưng kể từ khi nó xuất hiện cách đây hơn 2000 năm, trong quãng thời gian dài dằng dặc sau đó, thứ lý luận ấy không hề có chút tiến triển nào. Người TQ không hề nghĩ tới chuyện nên tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh lý thuyết này, mà chỉ mù quáng sùng tín nó, làm theo nó. Cuối cùng lý thuyết ấy chẳng những chưa được cải thiện mà ngược lại ngày càng trở nên cũ rích, xơ cứng. Cho tới nay số người TQ tiếp thụ lý luận logic của phương Tây ngày càng tăng lên, họ chỉ có thể coi thường thuyết Âm dương Ngũ hành, phỉ nhổ thuyết đó, thậm chí vu khống nó, coi là thứ lạc hậu, mê tín, thuộc cùng loại với thuật phù thủy.
[…..]
Xin trở lại vấn đề trước đây, đi tìm nguồn gốc tại sao người TQ trong lịch sử lại vô “học”. Hiện nay có thể đã rất rõ ràng, đó là do trong lịch sử dài lâu, người TQ chưa tự mình sáng lập được một cơ sở có thể đặt nền móng cho tất cả mọi thứ “học”, cái cơ sở mà người phương Tây cận-hiện đại dựa vào để xây dựng hầu như tất cả mọi thứ “học” —Logic đối xứng nhị nguyên luận.
Nói rõ hơn, tức là logic hình thức, logic hình học, logic số lý, logic biện chứng … được từng bước hoàn thiện kể từ Aristotle, Euclid… Về bản chất, các logic này đều là logic tính đối xứng và nhị nguyên luận. Triết học phương Tây từ Plato trở đi, từ bản thể luận tới nhận thức luận, thứ được các triết gia phương Tây ra sức hoàn thiện là bản thân phương pháp tư duy logic đối xứng nhị nguyên luận. Chính là sự không ngừng hoàn thiện, phát triển của phương pháp logic phương Tây (từ triết học cổ đại) và sự kết hợp hữu cơ với phương pháp thực nghiệm có lựa chọn trong thời cận đại, đã sinh ra và xúc tiến các khoa “học” trên mọi lĩnh vực, mọi tầng nấc của phương Tây thời cận-hiện đại.
Hegel nói người TQ “không có triết học”. Chẳng may người TQ bị ông nói trúng. Đúng là người TQ không có triết học, mà điều đó lại ở chỗ người TQ không có logic — dĩ nhiên là nói logic đối xứng nhị nguyên luận. Các văn nhân nhiều đời trước của chúng ta chưa từng bỏ công sức vào việc thăm dò quy luật của bản thân tư duy. Họ chỉ có duy nhất một phương pháp tư duy là độc đoán trực giác và trực giác độc đoán. Tư duy độc đoán trực giác ấy ngoài việc sản sinh những ý kiến đủ mọi màu sắc ra thì chẳng thể có được sự suy lý khuếch trương, kéo dài, càng không thể có sự kiến cấu sáng tạo trừu tượng. Cho nên những tư liệu do các văn nhân TQ viết, ngoài việc có ý nghĩa chất đống to bằng hạt cát ra thì căn bản không thể có giá trị lý luận kiến cấu hữu cơ. Điều đó làm cho văn nhân chúng ta bao đời qua chưa bao giờ hiểu được lý luận là gì. Về cơ bản, văn nhân TQ là một lũ người lùn văn hóa chẳng biết lý luận là cái gì, chỉ biết phát biểu ý kiến (ý khí chi kiến) mà thôi. Dựa vào những người ấy thì mãi mãi chẳng có thể xây đắp nên tòa lâu đài khoa học cận-hiện đại. Cho dù trên mặt sáng lập kỹ thuật và nghệ thuật thì phần lớn cũng chỉ có thể là những thứ bình thường, nông cạn, vô vị, thậm chí thấp hèn. Chính vì thế mà đã hình thành một lịch sử hầu như vô “học” hơn hai nghìn năm qua của TQ, qua đó tạo ra sự ngu dốt trên thực chất của văn nhân TQ rồi mở rộng ra thành sự ngu dốt của người TQ (nhất là trong 200 năm gần đây).
Trong tất cả các nguyên nhân làm cho người TQ thời cận đại bị đày đọa, nguyên nhân căn bản nhất là sự ngu dốt của họ — tình trạng này dần dần tích tụ mà thành trong lịch sử dài lâu. Do logic mà lạc hậu, nghèo khó. Do logic mà bị kẻ khác bắt nạt, bị đánh, bị kỳ thị. Chỉ có từ đó nhận thức được sự ngu dốt của mình và thoát ra khỏi sự ngu dốt ấy thì người TQ mới có thể thay đổi tất cả trong thế kỷ và thời đại mới.
Trên đây đã phân tích nguyên nhân tình trạng người TQ vô “học” , quy lại chủ yếu là hai điểm sau:
1- Trong lịch sử lâu dài, những người TQ biết chữ thì không làm công việc sản xuất; ngược lại, những người làm sản xuất thì không biết chữ — điều này đã tạo nên sự hoàn toàn tách rời giữa tư duy với thực tiễn. Nói gọn lại, tức sự hoàn toàn tách rời giữa “bộ não” và “cánh tay” của người TQ.
2- Trong lịch sử dài hơn 2000 năm, sự hoàn toàn tách rời giữa “bộ não” và “cánh tay”, giữa “học” và “thuật” của người TQ — sự tách rời song trùng này làm nên nguyên nhân lịch sử giải thích vì sao người chúng ta ngu dốt như thế. Vấn đề này phải được phân tích tiếp. Vì sao người TQ lại có căn nguyên lịch sử như thế? Đây chính là vấn đề cần được giải đáp trong phần sau.
Nguyễn Hải Hoành dịch. Bản gốc tiếng Trung: 中国人为什么这么愚蠢?- 黎 鸣

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơm mãi Sài Gòn, Nhớ Paris, Washington, Geneve, Mockba...


Những ngày Noel và Tết này làm mình nhớ Paris, Washington, Geneve, Mockba... đến não lòng. Càng nhớ hơn khi đọc những bài như bài dưới đây. Gần 30 năm qua lại liên tục, lang thang trên từng góc phố nhỏ, trèo lên những dãy núi cao 2-3000m quanh năm băng tuyết, lúc ngồi trên bậc lên xuống ở đại học Sorbonne gặm bánh mỳ với cá hộp, khi liên hoan cao lương mỹ vị tại trụ sở Liên hợp quốc hay Quỹ Tiền tệ quốc tế... Các con đều sinh ra và lớn lên chủ yếu ở nước ngoài, không có kỷ niệm, bạn bè ở Việt Nam nên không có nhu cầu về chơi và ở lâu... Ngày đầu năm xem lại ảnh con trai đoạt cúp vô địch giải Taekwondo Thụy Sĩ mở rộng 2016 hạng 75 kg. Không biết giờ này các ông con đang làm gì ?
Displaying IMG_0820.JPG
Căn hộ ở Geneve
Displaying IMG_0302.JPG
Hồi ức, thơm mãi Sài Gòn 
Đỗ Trung Quân - Quán cà phê Trieste ở San Francisco cứ ám ảnh tôi mãi. Nó chỉ là cái quán nhỏ nằm ở góc phố Vallejo/Grant được mở từ năm 1956, bởi một người Ý nhập cư, nhưng từ đây lịch sử một địa chỉ văn hoá lừng lẫy được hình thành. Nó là nơi lui tới của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ danh tiếng, là “phòng khách” của Jack Kerouac, Allen Ginsberg và những nhà thơ Beatniks bạn bè. Nơi thi sĩ gốc Nga giải Nobel văn chương Joseph Brodsky gạch gạch xoá xoá những vần thơ của mình… Còn nữa. Tại một chiếc bàn gỗ nhỏ ở góc phòng còn phảng phất bóng dáng của Francis Ford Coppola ngồi gọt giũa kịch bản “The Godfather” những năm 70… Chính họ, những ẩm khách mà hoạt động nghệ thuật và danh tiếng đã biến Caffe Trieste trở thành một địa điểm văn hoá bất cứ du khách nào quan tâm đến nghệ thuật đều mong muốn bước vào.

Quán cafe trên phố Saigon xưa. Photo by Saigoneer.com



Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những quán cà phê của mình, những nơi lẽ ra cũng phải trở thành địa chỉ văn hoá, phải được gìn giữ và bảo tồn cho một thành phố thu hút du khách mọi nơi không chỉ vì cái danh xưng cố tình bị thu nhỏ – thành phố “kinh tế” – mà còn ẩn hiện, nhưng là ẩn hiện tràn lan, đầy ấn tượng trong cuộc sống tinh thấn của nhiều thế hệ thanh niên, những cánh cửa văn hoá tưởng như không toan tính nào có đủ sức niêm phong, hay xoá mờ.

La Pagode – quán cà phê “Cái chùa” từng nằm trên góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do (trước là Rue d’Espagne và Rue Catinat, nay được «vinh danh» là Đồng Khởi) đã mất đi từ lâu. Nó chính là nơi nhiều gương mặt danh tiếng nhất về văn chương, thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, cũng như những tên tuổi lớn trong các hoạt động văn hoá xã hội của Sài Gòn một thời thường có mặt. Hòa bình đã 35 năm, những ngộ nhận ấu trĩ – hay giả vờ nhìn nhận là ấu trĩ – có lẽ đã đi qua, hay ít nhiều không còn nặng nề như thời tiếp quản thành phố. Tiếc thay, La Pagode đã biến mất, biến mất vĩnh viễn.

Brodard – một quán kiểu Pháp danh tiếng khác của Sài Gòn cũng không còn là Brodard nguyên trạng của nó: nó đã thay tên và thay cả kiến trúc. Trong “bộ ba” danh tiếng ấy, (bộ ba, nếu không kể một địa điểm danh tiếng khác của Sài Gòn mà chính tôi sau này chỉ nghe nói chứ chưa hề có dịp đặt chân tới vì còn quá nhỏ: La Croix du Sud, cũng trên đường Catinat) cái còn lại là Givral, nơi khi chọn làm bối cảnh một trường đoạn của bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đoàn làm phim đã không ngại tốn kém, bắt buộc phải dựng lại đúng màu sơn, đúng hình dáng của nó ở thập niên 60-70. Ngay cả khách sạn phía đối diện, là Hotel Continental, một địa điểm khác xuất hiện trong bộ phim dựa theo tác phẩm văn học của Graham Greene, cũng phải trở lại kiến trúc thời ấy.

Thật dễ hiểu: các nơi này vừa là địa điểm văn hoá vừa là những địa chỉ có thật trong bước đi của lịch sử. Nhà báo và tình báo Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn từng chọn Givral làm chỗ ngồi thường xuyên, cũng như vô số nhà báo trong và ngoài nước những năm chiến tranh Việt Nam: họ chọn địa điểm này để nhâm nhi, quan sát và thu thập tin tức báo chí mỗi ngày, muốn gặp nhau thường khi khỏi phải hẹn trước…

Những ngày Givral chuẩn bị lên máy chém, tôi thường ra kéo ghế ngồi một mình, ngẩn ngơ không tin cái chuyện dự án xoá sổ Givral chung với toàn bộ khu thương xá Eden là chuyện có thật. Quy hoạch một thành phố, chỉnh trang một thành phố, phát triển một thành phố tất nhiên là việc cần thiết, nhưng người ta hoàn toàn không được tự cho phép làm những công việc ấy với một tầm nhìn thiếu sâu sắc, chỉ tính đến đường đi của một thứ lịch sử bị ép mỏng không quá một thế kỷ mà quên mất công việc bảo tồn những cái cần bảo tồn, là những nơi chốn có thể được coi là trở thành di sản tinh thần.

Trieste giờ đây đã là một chuỗi quán cà phê danh tiếng trên đất Mỹ. Khởi đầu tên tuổi, thương hiệu của mình từ cái quán nhỏ bé ở góc phố Vallejo/Grand kia (từ một người Ý nhập cư làm nghề lau chùi cửa kính) vào những năm 1956, ngày nay nhắc đến Caffe Trieste không phải là ghi nhận những thành tích kinh doanh của hệ thống Trieste, mà trước tiên là nhắc tên một địa chỉ văn hoá và nghệ thuật không chỉ của riêng người Ý, mà của cả người Mỹ.

Đất nước Cuba trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt, đã khoác lên mình nhiều chiến bào khác biệt, đã kinh qua nhiều cuộc cải cách đầy “khí thế cách mạng” triệt để. Người Cuba, ngay cả giữa thủ đô La Habana, nghe nói là cuộc sống hãy còn nhiều thiếu thốn vất vả, với hình ảnh “ấn tượng” là những chiếc xe bò chạy thay cho xe tải, nhưng những người yêu mến Cuba còn may mắn có quyền hi vọng, bởi lẽ không một địa chỉ văn hoá nào trên đất nước này bị cuốn theo cơn lốc đổi mới kiểu quê mùa giả tạo, và những ai thiết tha với không khí văn hoá Cuba vẫn sẽ hoàn toàn có cơ may tìm lại nó dễ dàng, và chẳng cần phải qua những lễ hội trống kèn nhang khói, mà chính trong cuộc sống ngày thường.

Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một buổi sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay chỉ là những đống gạch vụn, để rồi sau đó thấy dựng lên một thứ Mỹ không ra Mỹ, Tàu không ra Tàu, Ấn-độ không ra Ấn-độ…

Givral cũng như La Pagode, Brodard, hay La Croix du Sud trên đường Catinat ngày nào, là một trong những địa điểm mà vô tình, một cách nào đó, lịch sử đã đóng dấu ấn lên cả những chiếc ghế ngồi.

Givral. Xin vĩnh biệt cái quán góc phố nơi ngày còn nhỏ ta từng được mẹ nắm tay dẫn qua trên hè phố Sài Gòn…

Đỗ Trung Quân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Là thật đấy! Mau đi làm đi, kẻo không kịp đâu.”

Đằng sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon


Tác giả: Jung Chang & Jon Halliday | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Khi mới lên cầm quyền, nhằm mục đích để Stalin có thể yên tâm giúp Mao xây dựng một cường quốc quân sự, Mao không lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Sau khi Stalin qua đời, Mao muốn làm việc đó, nhưng vì đang có Chiến tranh Triều Tiên nên Mỹ không quan tâm đến Trung Quốc. Tuy hai nước đã bắt đầu đàm phán cấp đại sứ nhưng toàn bộ mối quan hệ Trung-Mỹ vẫn đóng băng. Mao chọn tư thế chống Mỹ cực kỳ căng thẳng, coi tư thế đó là tiêu chí của chủ nghĩa Mao.
Năm 1969, nhằm để đối kháng Liên Xô, tân Tổng thống Mỹ Nixon quyết định chấm dứt chiến tranh Việt Nam và công khai ngỏ ý muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mao phớt lờ đề nghị ấy, vì sợ việc hòa giải với Mỹ sẽ làm tổn hại hình ảnh “Lãnh tụ phản đế” của mình. Sau khi bản tuyên bố chống Mỹ ngày 20/5/1970 của Mao không gây ra ảnh hưởng gì, Mao mới quyết định chủ động mời Nixon thăm Trung Quốc. Mao không nhằm mục đích hòa hảo với Mỹ mà muốn để cho thế giới biết rằng Nixon cần đến Mao, tìm đường đến Trung Quốc, Mao thay mặt lực lượng chống đế quốc của thế giới để đàm phán đối đầu với Mỹ.
Tháng 11/1970, Chu Ân Lai tung tin qua Rumania, một nước có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, nói rằng Trung Quốc hoan nghênh Nixon đến thăm Bắc Kinh. Ngày 11/1/1971, giấy mời đến Nhà Trắng. Nixon bút phê: “Chúng ta không thể tỏ ra quá vồ vập”. Về sau Kissinger kể: Trong thư trả lời Bắc Kinh hôm 29/1, phía Mỹ “không nói tới chuyện Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc”, “hiện nay còn chưa nói tới bước ấy, nói ra có thể gây rắc rối”.
Mao tiếp tục chờ dịp may.
Ngày 21/3/1971, đội bóng bàn Trung Quốc đến Nhật dự thi đấu Cúp Bóng bàn thế giới. Đây là một trong số các đoàn thể thao đầu tiên của Trung Quốc ra nước ngoài kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa, do đích thân Mao phê chuẩn. Để tránh mang tiếng ly kỳ, các cầu thủ được đặc biệt cho phép không mang theo Sách Đỏ [sách Trích lời Mao]. Nhưng họ nhận được quy định nghiêm khắc: không được bắt tay cầu thủ Mỹ, không được chủ động bắt chuyện với người Mỹ.
Ngày 4/4 cầu thủ Mỹ Glenn Cowan tình cờ lên chiếc xe ca của đội tuyển bóng bàn Trung Quốc. Nhà vô địch bóng bàn thế giới Trang Tác Đông thấy các cầu thủ đội nhà ai nấy đều nhìn người Mỹ kia bằng ánh mắt lo lắng, nghi ngờ, lạnh nhạt. Không một người Trung Quốc nào trên xe bắt chuyện với anh ta. Thấy thế Trang Tác Đông bèn bước tới nói chuyện vài câu với Cowan. Bức ảnh hai cầu thủ Trung Quốc và Mỹ bắt tay nhau sau khi được đăng báo đã trở thành tin tức trang nhất của các báo Nhật.
Khi cô hộ lý kiêm giúp việc của Mao Trạch Đông là Ngô Húc Quân đọc cho ông nghe mẩu tin ấy đăng trên tờ “Tin tham khảo”, Mao sáng mắt lên, mỉm cười khen: “Cái cậu Trang Tác Đông này chẳng những đánh bóng bàn giỏi mà lại còn biết làm ngoại giao nữa.”
Đội bóng bàn Mỹ tỏ ý muốn đến thăm Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc căn cứ theo chính sách, quyết định không gửi lời mời. Mao duyệt bản báo cáo ấy của Bộ Ngoại giao.
Nhưng sau đó ông không bằng lòng với quyết định của mình, suốt ngày băn khoăn suy nghĩ. Hơn 11 giờ đêm hôm ấy Mao uống thuốc ngủ xong ngồi ăn cơm với Ngô Húc Quân. Ông có thói quen ăn cùng một hoặc hai nhân viên hầu cận. Uống thuốc rồi mới ăn, ăn xong đi nằm. Loại thuốc ngủ của Mao rất nặng, có hôm đang ăn cơm thì thuốc đã tác dụng, khiến ông gục đầu xuống bàn. Mấy người phục vụ phải móc hết cơm và thức ăn chưa nuốt trong miệng ông ra. Vì thế các bữa tối của Mao đều không có món cá, sợ xương cá gây hóc.
Ngô Húc Quân nhớ lại: Bữa tối hôm ấy do tác dụng của thuốc an thần, Chủ tịch đã buồn ngủ lắm, tay cứ bíu lấy bàn muốn ngủ. Nhưng bỗng nhiên Chủ tịch nói lắp bắp, tôi nghe mãi mới nghe rõ ông bảo tôi gọi điện cho Vương Hải Dung[1] ở Bộ Ngoại giao. Giọng Chủ tịch trầm trầm mà lời lẽ không rõ ràng: “Mời đội Mỹ đến thăm Trung Quốc.”….
Tôi sững sờ và nghĩ: Làm như thế chẳng phải là ngược với bút phê mà Chủ tịch vừa viết sáng nay đấy sao!….. Bình thường Chủ tịch đã dặn là “Những lời Chủ tịch nói sau khi uống thuốc an thần thì không coi là thật” Bây giờ lời Chủ tịch nói có coi là thật hay không đây? Lúc ấy tôi rất khó xử…….
Lát sau Chủ tịch ngẩng đầu lên, cố gắng mở mắt và bảo tôi: “Tiểu Ngô, cháu còn ngồi đấy ăn cơm à, việc bác bảo cháu làm sao cháu không đi làm hả?”.
Bình thường Chủ tịch đều gọi tôi là “Hộ lý trưởng”, chỉ khi nói chuyện công tác hoặc khi rất nghiêm túc mới gọi là “Tiểu Ngô”.
Thế rồi Chủ tịch cứ câu được câu chăng, ngắt quãng, dề dà ấp úng nhắc lại một lượt câu nói lúc nãy….
“Bác đã uống thuốc an thần rồi mà. Lời bác nói bây giờ có coi là thật hay không đấy ạ?” Tôi vội hỏi.
Chủ tịch phẩy tay về phía tôi: “Là thật đấy! Mau đi làm đi, kẻo không kịp đâu.”
Mao cố gượng thức chờ Ngô Húc Quân làm xong việc ấy rồi mới yên tâm đi ngủ.
Quyết sách này của Mao đã gây ra tác động bùng nổ ở phương Tây. Bao năm qua Trung Quốc và Mỹ đối địch với nhau, nay bỗng dưng Trung Quốc mời một đoàn thể của Mỹ sang thăm, hơn nữa đây lại là một đoàn thể thể thao, mọi người đều quan tâm.
Sau khi người Mỹ đến Trung Quốc, Chu Ân Lai, con người đầy sức quyến rũ ấy trổ hết tài năng tổ chức nghênh tiếp, làm cho người Mỹ cảm thấy “sự đón tiếp lóa mắt” (lời Kissinger). Báo Mỹ hàng ngày tràn đầy những tin tức phấn khởi kích động. Một nhà bình luận viết: “Nixon ngẩn người nhìn những tin tức ấy nhảy từ trang thể thao lên trang nhất các báo”. Mao đã tạo ra một môi trường mê li quyến rũ Nixon thăm Trung Quốc. Đối với Nixon, đến Trung Quốc trong bầu không khí ấy về chính trị chỉ có trăm điều lợi mà không một điều bất lợi, nhất là năm sau có bầu cử Tổng thống.
Không bỏ lỡ thời cơ, ngày 21/4/1971 Chu Ân Lai lại một lần nữa mời Nixon thăm Trung Quốc. Ngày 29, Nixon lập tức nhận lời. Kissinger nói: “Nixon quả thực phấn khởi tới mức không thể kiềm chế, thậm chí còn định không cử đoàn tiền trạm đi Bắc Kinh trước, e rằng như thế sẽ làm cho chuyến thăm của mình bớt mất ánh hào quang.”
Mao không những câu được Nixon đến Trung Quốc mà còn câu được một món quà gặp mặt vượt quá sức mong đợi. Tháng 7, khi đi tiền trạm đến Trung Quốc, Kissinger có chủ động đề xuất: Nếu năm 1972 Nixon tái đắc cử Tổng thống thì trước tháng 1/1975 Mỹ sẽ thừa nhận Trung Quốc, tiếp thu toàn diện các yêu cầu của Bắc Kinh, hất cẳng Đài Loan. Cho dù Mỹ và Đài Loan có hiệp định phòng thủ chung, Chu Ân Lai khi nói với Kissinger về vấn đề Đài Loan dường như đã coi hòn đảo này đang nằm trong túi Bắc Kinh. Kissinger đành làm một cử chỉ yếu ớt: “Chúng tôi mong vấn đề Đài Loan sẽ được giải quyết một cách hòa bình.” Ông không yêu cầu Chu bảo đảm không sử dụng vũ lực.
Hồ sơ mật về chuyến đi tiền trạm của Kissinger mãi đến năm 2002 mới giải mật. Trước đó trong hồi ký Kissinger viết về vấn đề này có một dòng “Chỉ sơ sơ nói tới vấn đề Đài Loan”. Sau khi hồ sơ được giải mật, khi được hỏi về vấn đề này, ông thừa nhận “Tôi nói như thế là rất không hay, tôi rất ân hận.”
Nixon còn nhắc tới vấn đề giúp Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc ngay. Kissinger nói: “Bây giờ các ngài đã có thể chiếm chiếc ghế Trung Quốc. Tổng thống yêu cầu tôi trước tiên bàn với các ngài vấn đề này, sau đó chúng tôi sẽ quyết định chính sách công khai.”
Chiếc hộp đựng quà gặp mặt của Kissinger không chỉ có những món ấy. Ông nêu lên vấn đề sẽ báo cho Trung Quốc biết những nội dung Mỹ đã bàn với Liên Xô. Kissinger nói: “Các ngài muốn biết chúng tôi đã bàn vấn đề nào với Liên Xô thì chúng tôi sẽ cho các ngài biết, đặc biệt là đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.” Mấy tháng sau, Kissinger nói với các sứ giả Trung Quốc: “Chúng tôi cho các ngài biết chúng tôi đã bàn những vấn đề gì với Liên Xô nhưng chúng tôi không cho Liên Xô biết chúng tôi đã bàn với các ngài những vấn đề gì.” Khi nghe nói Mỹ đã cho Trung Quốc biết những tình báo nào, Phó Tổng thống Nelson Rockefeller thực sự “ngạc nhiên đớ người ra”. Một trong những tình báo đó là tình hình quân đội Liên Xô tập kết ở biên giới Trung Quốc.
Về vấn đề Đông Dương, Kissinger có cam kết hai vấn đề lớn. Thứ nhất là trong vòng 12 tháng rút hết quân đội Mỹ. Thứ hai là từ bỏ chính quyền miền Nam Việt Nam. Kissinger nói: “Khi hòa bình lập lại, chúng tôi sẽ ở cách Đông Dương ngoài 10 nghìn dặm. Hà Nội vẫn ở Việt Nam.” Ý nói Việt Nam sẽ là của Việt Cộng.
Thậm chí Kissinger còn chủ động cam kết trong nhiệm kỳ tới của Nixon sẽ “rút phần lớn cho tới toàn bộ quân đội Mỹ” ra khỏi Nam Triều Tiên. Nhưng ông không nói một chữ nào về vấn đề quân đội các nước cộng sản sẽ tái xâm lược Nam Triều Tiên hay không.
Những món quà gặp mặt ấy không đòi hỏi lại quả. Kissinger nhấn mạnh ông không yêu cầu Trung Quốc ngừng viện trợ Việt Nam, thậm chí chẳng nói gì tới việc mong muốn chính quyền Mao bớt chửi Mỹ một chút. Từ biên bản hội đàm có thể thấy, Chu Ân Lai luôn dùng khẩu khí đối địch như “Ngài phải trả lời vấn đề này”, “Ngài phải giải đáp vấn đề kia”, “Sự áp bức của các ngài, sự lật đổ của các ngài, sự can thiệp của các ngài”. Kissinger chẳng những không bào chữa cho Mỹ mà còn tiếp thu cái logic nực cười của Chu Ân Lai khi ông này nói vì Trung Quốc là nước cộng sản nên sẽ không xâm lược nước khác.
Trong đàm phán với cộng sản Việt Nam, mỗi khi đối phương nói chút gì động đến sự sai trái của chính phủ Mỹ thì Kissinger đốp lại ngay: “Ngài có tư cách gì nói tôi. Chính quyền mà ngài đại diện là một trong những chính quyền hung hãn nhất trên hành tinh này.”
Thế nhưng khi Chu Ân Lai nói Mỹ “tàn bạo” ở Việt Nam thì Kissinger chẳng hỏi lại: “Thế các ngài đối xử với nhân dân mình ra sao?”. Trước lời lẽ lên án của Chu Ân Lai, sau đấy Kissinger lại nói những lời ấy “vô cùng xúc động lòng người”.
Ngày đàm phán đầu tiên kết thúc, Mao nghe báo cáo, tâm lý tự đại của ông ta lập tức căng phồng lên. Mao huyên thuyên nói với các cán bộ ngoại giao rằng Mỹ là “Đồ khỉ biến thành người mà chưa biến được, lại còn giữ cái đuôi của mình”, “Nó không còn là khỉ nữa, mà là vượn, đuôi không dài”, “Đó là tiến hóa mà!” Còn Chu Ân Lai thì diễn tả Nixon “trang điểm phấn son đến nhà người ta”. Mao thấy mình có thể giành được từ Nixon những thứ mình muốn mà không cần trả giá, vừa chẳng phải giảm mức độ chuyên chế bạo tàn mà cũng không phải hạ thấp giọng điệu chống Mỹ.
Sau chuyến Kissinger bí mật đi Bắc Kinh, tin Nixon sẽ thăm Trung Quốc được công khai trước toàn thế giới. Tháng 10/1971, Kissinger đến Bắc Kinh lần nữa để thu xếp cho chuyến đi của Tổng thống. Đó chính là lúc Liên Hợp Quốc mỗi năm một lần thảo luận vấn đề chiếc ghế ở Liên Hợp Quốc của Trung Quốc. Mỹ là nước chính bảo vệ Đài Loan; bây giờ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Kissinger đang ở Bắc Kinh, điều đó chẳng khác gì bật đèn xanh cho Trung Quốc. Ngày 25/10, Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc, thay Đài Loan tiếp quản quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.
Lúc đó vụ Lâm Bưu đào thoát vừa xảy ra được một tháng,[2] Mao Trạch Đông còn đang chìm ngập trong nỗi chán nản thất vọng. Hai sự việc lớn – Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc và Nixon đến Bắc kinh đã xua tan đám mây mù, làm cho tâm trạng của Mao phấn khởi hẳn. Ông cười cười nói nói với các cán bộ ngoại giao xúm xít xung quanh mình, hứng chí nói liền một mạch gần ba tiếng đồng hồ. Ông cầm lấy bảng kết quả biểu quyết đề án của Liên Hợp Quốc, vừa chỉ tay vào bảng vừa nói: “Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Canada, Ý, tất cả đều làm Hồng vệ binh….”
Mao lập tức chỉ thị cho phái đoàn đi Liên Hợp Quốc phải tiếp tục lên án Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù số một: “Phải thể hiện quan điểm lập trường rõ ràng”, “Phải chỉ tên vạch mặt chúng, không làm thế không được”. Đã đến ngày [Mao] bước lên diễn đàn thế giới với tư thế lãnh tụ chống Mỹ rồi đây.
Chín ngày trước hôm Nixon đến, Mao bỗng nhiên bị đột quỵ, suýt nữa thì chết. Nixon sắp tới rồi, tin này đem lại sự kích động tinh thần giúp Mao phục hồi nhanh chóng. Hồi ấy ông đang bị phù nề, phải may quần áo mới và sắm giày mới. Chỗ ngủ của ông có rất nhiều thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chữa bệnh. Mao nằm trong phòng khách lớn của hội trường ở phía trên bể bơi. Phải tiếp Nixon ở chỗ này. Các thiết bị y tế được dọn vào một góc đại sảnh, dùng bình phong che khuất cả thiết bị lẫn giường nằm. Bốn phía đại sảnh được vây bởi các giá sách, trên xếp đầy sách cổ, khiến người Mỹ không ngớt trầm trồ về học thức của Mao.
Buổi sáng hôm Nixon đến đây, Mao rất sốt ruột luôn hỏi xem bây giờ Tổng thống Mỹ đã đi tới chỗ nào rồi. Nghe nói Nixon trọ ở nhà khách Điếu Ngư Đài, Mao lập tức đòi gặp khách, không muốn chờ đợi. Lúc ấy Nixon đang chuẩn bị đi tắm. Kissinger kể là Chu Ân Lai “có chút nóng ruột” dục ông ta đi ngay.
Trong buổi hội kiến kéo dài 65 phút ấy, Nixon cố bàn bạc với Mao các chuyện thế giới đại sự nhưng Mao lại lái đề tài nói sang chuyện khác. Ông không muốn để người Mỹ nắm dao đằng chuôi.
Vì để kiểm soát chặt chẽ biên bản ghi chép cuộc hội đàm này, phía Trung Quốc từ chối sự có mặt của phiên dịch viên phía Mỹ. Trước yêu cầu trái với thông lệ ngoại giao ấy, Nixon đã chấp nhận mà không có ý kiến gì. Khi Tổng thống Mỹ đề nghị bàn về những chuyện lớn hiện nay như “Đài Loan, Việt Nam, Triều Tiên”, Mao chẳng thèm quan tâm nói: “Các vấn đề ấy không phải là vấn đề bàn ở chỗ tôi, mà nên bàn với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tôi không muốn quản những chuyện rắc rối ấy.”
Khi Nixon tiếp tục bàn bạc theo mạch suy nghĩ của mình “Phải chăng tôi có thể kiến nghị ngài bớt nghe báo cáo?”, “(Chúng ta) hãy tìm lấy một điểm chung để xây dựng một cơ cấu thế giới”… Mao chẳng trả lời mà ngoái đầu hỏi Chu Ân Lai: “Mấy giờ rồi?”, tiếp đó nói: “(Chúng ta) phét lác đến đây có lẽ cũng tàm tạm đủ rồi đấy nhỉ?”
Mao đặc biệt chú ý không nói những lời khen ngợi Nixon. Hai vị khách Mỹ thì hăng hái phỉnh nịnh ông ta, chẳng hạn Nixon nói: “Các trước tác của Chủ tịch đã thúc đẩy cả một dân tộc, đã làm thay đổi thế giới.” Chỉ có một lần Mao lấy tư thế kẻ cả nói một câu tốt về Nixon: “Cuốn Sáu cuộc khủng hoảng (Six Crises) của ngài viết khá đấy.”
Nixon lại nói: “Tôi có đọc thi từ và các bài viết của Chủ tịch, tôi biết Chủ tịch là một nhà triết học.” Mao phớt lờ, chuyển đề tài sang Kissinger.
Mao: Ông ấy [ý nói Kissinger] chẳng phải là tiến sĩ triết học đấy ư?
Nixon: Ông ấy là tiến sĩ đại não.
Mao: Thế nào? Hôm nay bảo ông ấy làm diễn giả chính có được không?
Khi Nixon nói, Mao ngắt lời: “Hai chúng ta chẳng thể độc diễn toàn bộ vở kịch này được đâu, không cho tiến sĩ Kissinger phát biểu thì không ổn.”
Đến khi Kissinger tham gia bàn bạc thì Mao lại tỏ ra không thực sự muốn nghe ý kiến của ông ta, mà nói những câu vớ vẩn với Kissinger, đại để như bảo “dùng các cô gái xinh đẹp để bao che mình”.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú
Nguồn:  Chuyện chưa biết về Mao毛澤東:鮮為人知的故事.
—————–
[1] Vương Hải Dung (Wang Hai-rong), nữ, s. 1938, có họ xa với Mao Trạch Đông. Học tiếng Nga và Anh. Làm việc ở Bộ Ngoại giao TQ. Vụ phó Lễ tân (1971-72), Trợ lý Bộ trưởng (1972-74), Thứ trưởng (1974-79). Sau mất chức vì nghi có liên quan Bè lũ 4 Tên. Từ 1984 là Phó Chủ nhiệm Phòng Tham sự Quốc vụ viện (một cơ quan tư vấn).
[2] Phó CT Đảng CSTQ Nguyên soái Lâm Bưu định đảo chính lật Mao nhưng bất thành, ngày 13/9/1971 cùng vợ con lên máy bay trốn ra nước ngoài, chết vì máy bay rơi trên đất Mông Cổ.
Xem thêm:
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/03/dang-sau-chuyen-tham-trung-quoc-cua-nixon/#sthash.YTgf0mYr.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật hoàng sẽ viếng thăm Việt Nam đầu tháng 3


media
Nhật Hoàng Akihito cùng hoàng hậu Michiko. Ảnh tư liệu chụp ngày 15/08/2015 tại Tokyo.REUTERS/Toru Hanai

Theo hãng tin Kyodo ngày  02/01/2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự kiến sẽ lần đầu tiên viếng thăm Việt Nam vào khoảng đầu tháng 3 năm nay. Nguồn tin từ Hoàng gia Nhật cho biết là khi đến thăm Nhật, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã nhiều mời Nhật hoàng viếng thăm Việt Nam.
Theo dự kiến, Nhật hoàng, năm nay 83 tuổi, và Hoàng hậu, 82 tuổi, sẽ tham dự nhiều sự kiện ở Hà Nội, trong chuyến viếng thăm có thể kéo dài 5 ngày. Họ cũng dự trù sẽ đến thăm cố đô Huế.
Chuyến đi Việt Nam sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ tháng 01/2016, khi Nhật hoàng và Hoàng hậu đến thăm Philippines tưởng niệm các nạn nhân trong Thế Chiến Thứ II.
Đây cũng là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Nhật hoàng cho biết ông quan ngại là do tuổi sức yếu, ông sẽ không thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đứng đầu Hoàng gia. Tuyên bố này khiến chính phủ Tokyo phải lập một ban cố vấn để nghiên cứu khả năng để cho Nhật hoàng thoái vị vì lý do sức khỏe.
Tuy yếu sức, nhưng hôm nay, Nhật hoàng cũng đã tiếp những người đến chúc tết tại Hoàng Cung. Ông tuyên bố cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của dân Nhật và mọi người trên thế giới.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ước nguyện của dân về năm mới!


Tô Văn Trường 
- Phật giáo có câu rất hay là “Vô sư trí vi tôn” nghĩa là trí tuệ có được do tự học, tự trải nghiệm, tự ngộ mới là quý nhất. Tự ngộ được và tự sửa mình là cái gốc của tiến bộ. Việt Nam đã có nhiều bài học cay đắng vì “ý thức hệ”, những thứ ngoại lai, hổ lốn và rất hiếm khi thể hiện cái “Vô sư trí vi tôn” đó, thì việc cần phải làm là đi tìm lại cái bản ngã của chính mình.
Đất nước ta, bắt đầu bước sang năm mới 2017 với nhiều thời cơ và thách thức đan xen trên con đường hội nhập và phát triển với yêu cầu ngày càng cao để hướng tới mục đích “dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, trong đó xây dựng xã hội dân chủ là yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu đó đến sớm hay muộn, đòi hỏi nhiều trí tuệ, sự trăn trở và công sức của toàn dân, đặc biệt là bộ máy quản lý điều hành đất nước.


Trong lịch sử phát triển nhân loại, nhiều dân tộc đã kiên trì phấn đấu xây dựng một nền dân chủ phù hợp, đạt được mục tiêu giàu mạnh văn minh đã cho thấy không có dân chủ cho không đâu (gratuite, cái gọi là “free lunch – democracy”), lại càng không có những thành tựu, mục tiêu đáng mong muốn nào tự nó trên trời rơi xuống. Trở ngại lớn của con đường xây dựng xã hội dân chủ là sự trì trệ nhận thức, tính bảo thủ của con người hay một cộng đồng. Nơi có tư duy nhận thức tiến bộ quá trình dân chủ đến thuận lợi, còn những nơi tư duy bảo thủ thống lĩnh, bộ máy nhà nước không tận dụng được cơ hội, chỉ nghi ngờ hoặc khoanh tay chờ đợi, như hình ảnh văn học dân gian Việt Nam đã tổng kết “cây sung” của đất nước hầu như chẳng còn quả nào đâu để mỗi chúng ta có thể dầm dề “há miệng chờ” nó rụng vào cổ họng.

Năm mới, theo truyền thống “tống cựu nghênh tân”, mọi người thường ôn lại những diễn biến, trăn trở về những điều bất an bởi thiên nhiên và cuộc sống cá nhân và cộng đồng trong năm cũ, suy nghĩ đề xuất mong mỏi, ước nguyện thuận lợi tốt lành hơn cho năm mới ắt hẳn là văn hóa tốt đẹp thúc đẩy sự phát triển xã hội mà tác giả gửi gắm trong bài viết này.

Những trăn trở

Một năm qua 2016, với nhiều biến động toàn cầu là thách thức cho năm mới 2017 và tiếp theo là chính trị xã hội. Chiến sự ở Trung Đông và nạn di cư vào Châu Âu, Brexit, sự bất ngờ bầu cử ở Mỹ, liên tục thử vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Trung Quốc lấn chiếm mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông,… báo hiệu những bất ổn trật tự thế giới đòi hỏi phải suy nghĩ, tìm kiếm những tư duy, giải pháp mới của cộng đồng quốc tế để đảm bảo cho sự phát triển, nhưng hiện tại chưa thấy được sự đồng thuận mà còn tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bất đồng lớn sẽ ảnh hưởng đến chính sách của nhiều quốc gia.

Năm 2016, nhiệt độ trái đất cao bất thường, hạn hán, bão lụt báo hiệu sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai và tác hại của nó ngày càng khốc liệt, nguy cơ lớn tới đời sống dân nghèo, kìm hãm phát triển kinh tế… nhưng cũng chưa có được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam thành tích nổi bật năm 2016 là kỷ lục khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đón 10 triệu khách du lịch. Tuy nhiên, nỗi lo trăn trở về các bất cập, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phân tích đánh giá về 9 tồn tại và 7 nhóm nhiệm vụ cấp bách.

Các chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ đang tiến hành: tái cơ cấu kinh tế, chống tham nhũng, xử lý trách nhiệm các cá nhân, chủ trương “chống tự diễn biến”, tăng năng suất lao động vv… qua một số năm triển khai với tinh thần “quyết liệt” nhưng vẫn chưa thể hiện thuyết phục rõ ràng, minh bạch cả về mặt lý luận cũng như hành động thực tế.

Đổi mới “tự diễn biến”

Nghị quyết chính thức Đại hội VI một diễn biến bất thường hay một hiện tượng “tự diễn biến” tích cực của Đảng đã chuyển hướng chiến lược trong 4 ngày thay cho Nghị quyết đã soạn thảo hàng năm trời, đưa đất nước ta vào lộ trình Đổi mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, người dân luôn ghi nhớ và biết ơn những Người đã vượt lên chính mình, góp phần đắc lực vào công cuộc Đổi mới đất nước, tiêu biểu như các ông Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), Chín Cần (Long An) vv… Đổi mới là quá trình tích cực làm cho kinh tế xã hội vượt qua được những khó khăn trở ngại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các bài phát biểu khi tham dự hội nghị tổng kết cuối năm 2016 của các ngành nông nghiệp, Viện Hàn lâm khoa hoc, có ý kiến chỉ đạo rất chính xác, hợp lòng dân, đại ý: “Nếu thấy thể chế cản trở cho sự phát triển thì phải thay đổi vì thể chế cũng do con người làm ra” vv… Điều quan trọng là cái gì Thủ tướng có thể làm được thì phải quyết tâm làm. Đây là một diễn biến điều mà mọi người đang mong đợi ở Thủ tướng trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, khi bàn về “thể chế và con người”, vận dụng vào thực tế không ít người băn khoăn vì Đảng đang phát động đợt học Nghị quyết trung ương 4, trong đó nhấn mạnh đến nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Tự diễn biến là gì? Nó bao gồm cả diễn biến tích cực và tiêu cực hoặc đứng yên tại chỗ? Nếu không làm rõ khái niệm này thì làm sao đánh giá được diễn biến tiêu cực hay tích cực, liệu diễn biến như Đại hội VI (1986) có điều kiện xuất hiện? Theo nội dung “chống tự diễn biến” hiện nay những người muốn Đổi mới lần thứ hai, muốn hiến kế cho Nhà nước kể cả các vị lão thành cách mạng, trí thức có tên tuổi cũng sẽ dễ bị những người bảo thủ có thẩm quyền “chụp mũ” do ý thức hệ!

Hãy đọc và suy ngẫm bài báo: “Tầm nhìn Trần Xuân Bách” của tác giả Hà Huy Tùng nói về ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật nhưng được nhiều người cho rằng quan điểm của ông Bách là chính xác, đến nay vẫn mang nguyên tính thời sự. Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên có lời bình rất đáng suy ngẫm : ” Còn mình, mình kính trọng trí tuệ, tầm nhìn và sự can đảm của ông. Kính trọng cả cốt cách của ông, chấp nhận kỷ luật, trả giá đắt để bảo vệ nhận thức và tư duy của mình về quy luật tất yếu của sự phát triển, một khi ông cho là đúng. Không vì cái ghế quyền lực mà “giá áo túi cơm”, quỳ lạy bả vinh hoa một cách hèn mạt.”

Lịch sử luôn tôn trọng sự thật, nhiều nhận thức, ý kiến bị “chụp mũ” là sai lầm về tư tưởng nhưng dưới lăng kính thực tế của cuộc sống sẽ đến lúc phải trả lại chân giá trị thực của nó. Ông Trần Xuân Bách bị kỷ luật vì muốn đổi mới cả kinh tế và chính trị, thực hiện dân chủ, đa nguyên. Công cuộc đổi mới trong ba mươi năm qua thực chất là đã từ bỏ những quan điểm được coi là nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê nin về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, quản lý nền kinh tế theo kế hoạch tập trung, không chấp nhận kinh tế thị trường được coi là tự phát vô tổ chức).

Đảng viên có quyền được thảo luận về nội hàm của Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua vẫn nhấn mạnh “kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa” thì thực chất là gì?. Bởi vì nếu củng cố chế độ toàn trị, bóp nghẹt dân chủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước, thì không thể phát huy được sức mạnh đoàn kết của dân tộc để vượt qua thách thức, chống mưu đồ và hành động bành trướng xâm phạm độc lâp, chủ quyền quốc gia.

Lạm bàn về chủ nghĩa xã hội

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu :”Đổi mới chỉ là giai đoạn còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thể kỷ này không biết có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” (Thanh niên online ngày 26/10/2013). Tạm gác, chưa bàn về “cái tầm” định hướng nhưng đây là phát biểu rất thật lòng của Tổng bí thư.

Ngẫm suy, tôi nhớ lại, có lần mình đã viết bài phân tích đến khái niệm “chủ nghĩa xã hội” xuất hiện đầu tiên ở Tây Âu vào năm 1827 (không phải của Mác) để phê phán trường phái Xanh Ximông. Đến năm 1832 chính Xanh Ximông dùng lại khái niệm CNXH nhưng bỏ đi sắc thái phê phán, và các biểu cảm xấu. Từ năm 1837 từ “CNXH” phổ biến sang Đức trong phái Hêghen trẻ. Lúc bấy giờ Mác ở trong phái Hêghen trẻ, tiếp nhận từ “CNXH” để chỉ cái xã hội mới, sau khi chủ nghĩa tư bản bị loại bỏ, bị vượt qua và dùng từ “CNXH” trong các bản thảo của Mác năm 1844. Nhưng từ năm 1848 trở đi, từ Tuyên ngôn Đảng cộng sản thì Mác không dùng từ “CNXH” nữa mà dùng từ “chủ nghĩa cộng đồng”. Xã hội mới, chế độ mới, thay thế cho xã hội tư bản.

Các nhà nghiên cứu cũng vạch ra một chỗ mù mờ, không rõ ràng trong tác phẩm “Chống Duyrinh” của Anghen về khái niệm CNXH. Bernstein người bạn gần gũi với Mác ở Luân Đôn cũng chỉ gọi CNXH với cái nghĩa là cuộc vận động tự lập trong đó có phần thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh có ý thức của giai cấp công nhân, nó không gắn liền hữu cơ với chủ nghĩa cộng đồng, là mục đích còn rất xa vời, trừu tượng!

Bản thân Lê Nin tiếp nhận từ “CNXH” nhưng trong việc thực hành cách mạng, Lê Nin vừa coi CNXH là bước thấp của chủ nghĩa cộng sản nhưng nhiều khi lại vừa coi đó là một hình thái kinh tế xã hội và một phương thức sản xuất riêng biệt, được xuyên tạc thành lý luận hóa. Lê Nin quan niệm xây dựng CNXH phải đa dạng luôn thay đổi vì phải mò mẫm, và vòng vèo dích dắc. Lê Nin vận dụng thành quả của cả loài người, kể cả của chủ nghĩa tư bản.

Cuối đời Lê Nin có nhận định quan trọng là chúng ta phải thay đổi cơ bản quan niệm về CNXH nhưng lại không chỉ ra được quan niệm CNXH phải thay đổi là cái gì, thay đổi như thế nào, khi nào?. Và kết cục, mô hình và chính quyền nhà nước XHCN Xô Viết do chính ông thiết kế và đặt nền móng cũng xụp đổ (năm 1991) sau 72 năm tồn tại. Vì vậy, mọi học thuyết tự nhiên cũng như về xã hội cần hoàn thiện theo thời gian tương ứng với sự hiểu biết và kết quả khám phá ngày càng nâng cao của nhân loại.

Muốn hiểu đánh giá khách quan về Mác cần phải xem xét lý luận và thực tế cuộc sống thời Mác và thực tiễn hoạt động của con người. Thực tiễn là hoạt động của con người, còn thực tế bao hàm nghĩa rộng hơn về cuộc sống xã hội, cuộc sống có môi trường thiên nhiên và vũ trụ. Hayek cũng là một nhà lý luận và tư tưởng, năm 1974 ông được tôn sùng là chủ tướng của tư tưởng của trào lưu lý luận kinh tế, chính trị xã hội tân tự do, được tặng giải thưởng Nôben. Cuối đời Hayek bị nặng tai và điếc tai trái còn Mác bị điếc tai phải nên người ta nói nửa đùa, nửa thật là Mác chỉ nghe được những gì từ phía tả còn Hayek thì chỉ nghe được những gì từ phía hữu vv…

Khi xã hội mất dân chủ trầm trọng và toàn diện, thì mọi thiết chế trong xã hội đó, hầu hết chỉ là hình thức, một loại hình thức chủ yếu để hợp lý hóa và che đậy sự mất dân chủ mà thôi. “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” – Mệnh đề cực kỳ quan trọng này trong hệ thống học thuyết của Mác có thể giúp ta soi sáng nhận thức của mình. Mọi vấn đề đang đặt ra trên bề măt xã hội hiện nay của chúng ta chính là sự thể hiện tức thời cái ý thức xã hội đang được tạo ra bởi cách thức “tồn tại xã hội” của chúng ta bấy lâu.

Ước nguyện của Dân

Đầu xuân Đinh Dậu, ai cũng có ao ước, đó là thành tâm của mọi người dân lương thiện. Họ ước cho họ, chứ không cho ai và càng không buộc ai làm cho họ được. Những điều họ mong ước chủ yếu là chưa xảy ra, là chưa có hoặc không có thật, nhưng không có lợi và cũng không có hại cho ai.

Nếu chỉ chạy theo giải quyết phần ngọn, đó là ý thức xã hội thì thật ra nhiều người tự nhận mình là học trò của Mác nhưng chẳng hiểu gì về Mác cả. Và đương nhiên, không thể nào giải quyết được hết hàng tỷ thức dạng khác nhau của 92 triệu con người Việt Nam đang hàng ngày “tồn tại méo mó” như bây giờ được. Lời giải cho các vấn đề xã hội không thể đi tìm trong đầu óc, suy nghĩ hay hành vi riêng biệt của từng con người, mà phải đi tìm nó trong bản chất các mối quan hệ kinh tế, chính trị của xã hội đó vv…

Mong muốn của người dân, hãy rũ bỏ tất cả các giáo điều vô bổ, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, lấy dân làm gốc thì sẽ tìm được lối ra.

Chỉ riêng chuyện đất đai, nhiều người đã nói mãi, nói rất đúng về khái niệm mơ hồ sở hữu toàn dân chỉ là kẽ hở cho nhóm lợi ích, là nguyên nhân chủ yếu khiếu kiện gây bất ổn xã hội bấy lâu nay nhưng rồi đa số đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vẫn phải bấm nút theo hướng đã được “chỉ tay”! Trong phạm trù sở hữu được nêu ra, nên chăng ta cứ nôm na hóa vấn đề như câu cửa miệng, dân giã thường đặt ra để cân nhắc, đắn đo, suy xét : “Ai nắm đằng chuôi “. Và, thế là rõ ngay cái thế : Ai sẽ “đứt tay” khi cái “chuôi” ngọ nguậy?!

Một yếu tố cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực thể chế đó là cần đưa chính sách phát triển khu vực giao dịch phục vụ thị trường thành một trong những tiêu chí để đánh giá Chính phủ có kiến tạo hay không. Trong bối cảnh bộ máy công quyền của VN quá cồng kềnh, kém hiệu quả lại ngốn khoản ngân sách khổng lồ và cần gấp rút tinh giản thì định hướng chuyển lực lượng lao động sang xây dựng khu vực giao dịch phục vụ thị trường nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế là một lối thoát mang tính chiến lược.

Một trong những việc cấp bách, thiết thực nhất và không tốn kém “nói đi đôi với làm” có thể làm ngay để lấy lòng tin trong nhân dân cũng như trong quan hệ quốc tế, nhân dịp ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc là mạnh dạn thả tự do cho những người đã bị bắt do đấu tranh ôn hòa phát biểu chính kiến khác với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Lời kết

Đón năm mới, xen lẫn nhưng âu lo, trăn trở về con đường phát triển của đất nước còn rất nhiều chông gai, thử thách kể cả về lý luận và thực tiễn, xin có mấy vần thơ để kết luận cho bài viết này:

ĐÓN XUÂN ĐINH DẬU

Vận nước nhiều năm nay vẫn vậy?
Thế thời, thế đấy! có sao đâu ?
Tam xuân* hợp lại thành sức mạnh
Tứ cõi** lòng tin đã “đổi màu”?

Cầu cho năm mới cùng tiến tới
Chính, đảng, thần, dân mới đủ nhiều
Đinh DẬU mong sao GÀ khoẻ gáy
Tài đức KÊ đơn được thỉnh cầu

Cung chúc người mình mau hết khổ
Buôn bán làm ăn khắp năm châu
Tứ trụ, Tam quyền chăm nghiệp Nước
Dân tín ! lo chi việc đổi mầu ?

Ghi chú: Tam xuân* (mặt trời, trái đất và vũ trụ)
Tứ cõi ** (bốn phương)

Tô Văn Trường
(Blog Kỳ Duyên)


Phần nhận xét hiển thị trên trang