Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Người Việt sẽ được chơi bài tại casino Vân Đồn


ĐỨC HIẾU

TTO - Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Quảng Ninh ngày 22-12, nhiều ý kiến đã đề nghị cần sớm ban hành nghị định về kinh doanh casino, trong đó quy định rõ thí điểm cho người Việt Nam được vào chơi.

Trong số bảy đề xuất của tỉnh Quảng Ninh với Thủ tướng Chính phủ tập trung phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh cần sớm ban hành nghị định về kinh doanh casino, trong đó quy định rõ thí điểm cho người Việt Nam được vào chơi, công bố rộng rãi để thu hút đầu tư vào khu nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Ngoài ra, cần sớm có Luật khu hành chính - kinh tế đặc biệt trong năm 2017 để các nhà đầu tư an tâm vào đây.

Trước đó tại thông báo ngày 15-9-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ Bộ Chính trị cơ bản đồng ý việc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino với những điều kiện về nhân thân, độ tuổi, năng lực hành vi, năng lực tài chính, vé vào cửa casino; các giải pháp quản lý người chơi khi vào casino; thời gian thí điểm là 3 năm trong hai dự án tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định có thể quản lý được mô hình này, tuy nhiên cần hoàn thiện hành lang pháp lý. “Về phía Bộ Công an thấy được và cần làm sớm, sẽ làm giảm việc cá độ, bài bạc vì nếu cấm thì người Việt Nam vẫn sang những nước khác chơi. Về an ninh quốc phòng, cần thực hiện mô hình công an đặc khu và thí điểm thành lập tại Quảng Ninh lực lượng cảnh sát du lịch” - ông Vương nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện đã cho lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo nghị định, Văn phòng Chính phủ đang trình Thủ tướng xem xét ban hành nghị định. Vân Đồn cũng được Bộ Chính trị khẳng định cho thí điểm người Việt Nam vào chơi bài tại đây.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý và tỏ quan điểm đồng thuận điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vân Đồn là cảng hàng không quốc tế, tạo điều kiện để sớm đưa vào khai thác từ năm 2018.

Thủ tướng giao Bộ GTVT cam kết với nhà đầu tư những quy chuẩn của một sân bay quốc tế để Thủ tướng Chính phủ quyết định. “Bây giờ phải mở rộng nhiều sân bay, trong đó có việc đầu tư sân bay Vân Đồn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và tạo môi trường thu hút vốn đầu tư. Cảng hàng không phải kết hợp với nhà đầu tư để có nhiều hãng hàng không hạ cánh tại đây” - Thủ tướng kết luận.

Trong phần kết luận, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ với nhiều đề xuất của tỉnh Quảng Ninh về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng giao thông, tổ chức biên chế… Tuy nhiên, về quy hoạch đưa thêm 4 sân golf vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, trước mắt Thủ tướng chỉ đồng ý đưa vào một sân golf tại Vân Đồn, 3 điểm còn lại tại thành phố Hạ Long thì ông Phúc yêu cầu cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nigeria tịch thu 2,5 tấn hàng nghi “gạo nhựa” từ Trung Quốc




NHẬT ĐĂNG
TTO - Quan chức Nigeria cảnh báo lô hàng 2,5 tấn nghi “gạo nhựa” tịch thu tại cảng Lagos vừa qua tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hải quan Nigeria ngày 19-12 phát hiện và tịch thu 102 bao nghi là “gạo nhựa”, mỗi bao nặng 50kg tại khu vực Ikeja, thủ phủ bang Lagos, Nigeria.

Mùi hóa chất trong gạo

AFP ngày 22-12 dẫn lời một quan chức hải quan cấp cao thuộc bộ phận thương mại Nigeria cho biết cơ quan kiểm định nghi ngờ số gạo trên là hàng buôn lậu từ Trung Quốc qua cảng Lagos.

“Chúng tôi đã thực hiện một phân tích sơ bộ về số gạo giả này. Sau khi nấu nó rất dính và chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người ăn vào” - ông Mohammed Haruna, người đứng đầu đơn vị hải quan khu vực Ikeja, nói.

Phóng viên của BBC ghi nhận số gạo giả trên được sản xuất rất tinh vi. Khi dùng tay nắm lên, nó không khác gì gạo bình thường, nhưng khi ngửi lại có mùi hóa chất nhẹ.

Hiện tại một số mẫu đã được gửi đến các phòng thí nghiệm của Nigeria để xác minh và tìm hiểu cách thức chế tạo của số gạo trên.

Các quan chức hải quan của Nigeria trong khi đó đã cảnh báo người dân không được tiêu thụ những loại thực phẩm, lương thực không rõ nguồn gốc.

Cơ quan chức năng Nigeria đang tiếp tục điều tra nguồn gốc của số gạo bị bắt vừa qua. Tuy vậy, truyền thông Nigeria và quốc tế như BBC, Epoch Times, AFP, Nigeria Today... có xu hướng nghi ngờ xuất phát điểm của gạo giả là Trung Quốc.

Hơn một năm trước, vấn đề gạo giả bắt đầu nổi lên sau khi một phụ nữ Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông nói rằng bà đã ăn phải một loại gạo khó nhai hơn bình thường, theo Shanghaiist.

Trục lợi từ khó khăn

Người dân Nigeria đang gặp họa vì tình hình kinh tế hiện nay. AFP cho biết một bao gạo 50kg được bán ở Nigeria với giá 20.000 naira (tương đương 63 USD, tức hơn 1,4 triệu đồng), mức giá gấp đôi so với thời điểm tháng 12-2015.

Tính đến tháng 11 năm nay, chỉ số lạm phát của Nigeria vẫn ở mốc 18,5%, đánh dấu lạm phát 13 tháng liên tục kéo theo vật giá đắt đỏ. Chính phủ Nigeria hiện nay cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu gạo và khuyến khích sản xuất trong nước.

Khó khăn ấy đã tạo ra một phương pháp kinh doanh của “những doanh nhân vô đạo đức”. Ông Haruna cho rằng số “gạo nhựa” nêu trên đã cập cảng Nigeria với mục đích bán ra trước mùa Giáng sinh và lễ hội năm mới của nước này.

Thực tế từ ngày 4-10 năm nay, bà Wale Adeniyi - người phát ngôn của Cơ quan Hải quan Nigeria (NCS) - đã cảnh báo người dân hãy cẩn trọng, vì thông tin tình báo cho biết đã xác định một số loại gạo giả bắt đầu được chuyển đến châu Phi từ Trung Quốc.

Bà cho rằng đây rõ ràng là một động thái ích kỷ nhằm đạt lợi nhuận bất kể hậu quả từ những mặt hàng nhập khẩu độc hại, theo trang tin Nigeria Today.

Nguy cơ ăn phải gạo giả tại Nigeria bùng phát thời điểm cuối tháng 11 với trường hợp một phụ nữ nước này nói rằng đã nấu chín cơm từ gạo giả, để vài ngày nhưng vẫn không cán ra được dù đã dùng tay. Bà cho biết loại gạo này không có mùi thơm, không nở và vẫn giữ tình trạng khô.

Sau sự kiện trên, truyền thông Nigeria đã xuất hiện thêm những bài viết với nội dung lên án hành động buôn lậu của những doanh nhân vô đạo đức, cũng như các phương pháp giúp phân biệt gạo thật và gạo giả như trên 
Nigerian Bulletin.
***

Quy trình 
làm “gạo nhựa”

Ngày 22-12, báo Leadership (Nigeria) có bài viết với tựa đề Sự điên rồ mang tên “gạo nhựa”.

Một quan chức thuộc Cơ quan quốc gia về quản lý, kiểm soát thực phẩm và dược phẩm đã giải thích quy trình sản xuất gạo giả bằng cách trộn tinh bột khoai tây với nhựa, chẳng hạn nhựa thông hoặc hóa chất nhựa thông, kèm theo hương lúa.

Bài báo khẳng định việc nhập khẩu phi pháp các mặt hàng này là hành vi cố tình, phi đạo đức.

Đồng thời, Leadership kêu gọi cơ quan chức năng phải truy tìm nguồn gốc của các mặt hàng trên, nhìn nhận nó như một hành động chiến tranh sinh học và xử lý nó theo hướng đó.
***

Gạo giả: luôn gây tranh cãi

Tháng 11 năm nay, hải quan tại cảng Pasir Panjang của Singapore đã phát hiện 5.000 bao gạo giả từ một lô hàng xuất phát ở Ấn Độ.

Channel News Asia dẫn lời hải quan Singapore cho biết chủ nhân lô hàng thừa nhận đó là gạo giả.

Gạo giả hoặc “gạo nhựa” cũng đang là vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi tại Jamaica. Trang tin Loop Jamaica dẫn các báo cáo từ những quốc gia châu Á cho thấy hơn một nửa trong 10 triệu tấn gạo sản xuất từ Trung Quốc là gạo giả.

Đã có nhiều báo cáo về tình trạng gạo giả pha lẫn gạo thật nhằm giảm chi phí ở Singapore, Jamaica, Nigeria, Malaysia và Indonesia nhưng thường các tin tức này không được ủng hộ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoàng Quốc Hải: TÔI NHẬN GIẢI VĂN CHƯƠNG trannhuong.com

Hoàng Quốc Hải: TÔI NHẬN GIẢI VĂN CHƯƠNG trannhuong.com


TÔI NHẬN GIẢI VĂN CHƯƠNG trannhuong.com
Hoàng Quốc Hải
Tính ra từ ngày nhận giải trannhuong.com thấm thoắt đã 5 năm. Nghĩ lại thấy vui vui vì đây là một cuộc chơi nghiêm túc của những người nghiêm túc. Vui còn vì trannhuong.com đã tạo ra được một khung trời tự do nho nhỏ để các văn nhân thù tạc. Hơn nữa, tự do vốn là khát vọng của con người mà thiếu nó, sẽ chấm dứt mọi cội nguồn sáng tạo.

Nhớ buổi trao giải trong khuôn viên của Nhà văn hóa Hàn Quốc, vốn là cơ quan của Đại sứ quán Nhật Bản trước đây.
Ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Du, ngay đầu ngã 5 bà Triệu, một mặt nhìn ra phố Hồ Xuân Hương, và chỉ còn một đoạn ngắn nữa là giáp hồ Thuyền Quang- chính ra là Thiền Quang, bởi nơi đây có ngôi chùa cổ, mang tên Thiền Quang tự.
Bữa ấy, vào khoảng cuối tháng 9 năm 2011, trời hơi se lạnh vì chớm có heo may. Lễ trao giải đặt trong ngôi vườn thoáng đãng, các lối đi trong vườn quanh co dưới tán rợp của các hàng cây cổ thụ, tạo một không gian thân thiện và thơ mộng. Từ thời tiết đến cảnh vật khiến ta có cảm giác thăng hoa. Không hiểu sao trong tôi lại nhen lên cái không khí của ngày tựu trường. Nhất là khi các quan khách lục tục đến. Các nhà giáo Văn Như Cương, Phạm Toàn vừa hiện ra, đồng thời với hình ảnh của Anatole France, cũng hiển hiện trong đầu óc tôi với khu vườn Luxembourg cùng những lá vàng rơi từng chiếc,từng chiếc trên vai các pho tượng trắng. Kể cũng lạ thật, khuôn viên của Nhà văn hóa Hàn Quốc, khiến ta liên tưởng đến vườn Luxembourg trong bài “Ngày tựu trường” mà Anatole France đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong ký ức của bất kỳ học sinh phổ thông nào cỡ tuổi chúng tôi.
Bữa đó, các bạn văn chương tới dự khá đông đúc, thuần những gương mặt khả ái.
Một bức pano to do họa sĩ Trần Nhương vẽ bộ “Bão táp triều Trần” của tôi, và cuốn “Thời của thánh thần” của nhà văn Hoàng Minh Tường cùng với tấm băng rôn: “ Lễ trao giải thưởng văn chương của trannhuong.com” trong một không gian vừa trang trọng vừa thân thiện. Hoàn toàn không có bàn ghế cho khách ngồi, chỉ có những chiếc ghế dưới tán cây, tựa như ghế trong công viên. Khách tụ lại từng nhóm hoặc đi dạo trò chuyện trước giờ khai mạc.
Sự hình thành cuộc trao giải này cũng là chuyện ngẫu nhiên đến hồn nhiên giữa chúng tôi.
Trong cuộc viếng thăm tôi bất chợt của nhà thơ Trần Nhương và nhà văn Hoàng Minh Tường. Vợ tôi (nhà thơ Nguyễn Thị Hồng) lặng lẽ làm cơm. Rồi nàng mời chúng tôi vào bàn ăn, vừa nhâm nhi vừa trò chuyện. Vẫn xoay quanh chuyện văn chương. Bỗng tôi hỏi nhà thơ Trần Nhương:
– Hình như đã có một lần trang web của bác trao giải thơ trào phúng?
– Vâng, cũng lâu rồi, cái giải quèn ấy mà.
– Không nên nói vậy, giải là giải. Tại sao ông không trao cho các thể loại khác. Mạng của ông là đại diện cho tiếng nói của công chúng. Ai được công chúng ngó tới là niềm vinh dự chứ.
Trần Nhương cười, phát ra một câu có vẻ thăm dò: – Vậy nếu Nhương trao, bác có nhận không?
– Nhận chứ. Đó là một niềm vui, tôi trả lời.
Trần Nhương ngầm quan sát thái độ của tôi rồi ông nói nửa hy vọng, nửa ngờ vực- bác cứ đùa em.
– Không, tôi nói nghiêm túc đấy.
– Tác phẩm của bác đồ sộ thế, giải tôn vinh kiểu gì đây.
– Chỉ cần một lời tuyên cáo của chủ trang web trước bè bạn và công chúng, với 1 đồng xu kẽm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa thôi là quá đủ.
– Thật vậy sao? Nhà thơ hỏi lại.
– Tôi từ chối mọi phần thưởng vật chất, chỉ một đồng xu tượng trưng cho giá trị là được, nhưng nhất thiết phải là tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa đấy nhé.Vì sao ư? Vì nó là Dân chủ, mà trong Dân chủ có Tự do-cội nguồn của sáng tạo.
– Thôi được, chiều bác- để Nhương lo việc này.
Tôi lại hỏi – ta có thể trao một lúc hai tác giả được không?
Cả hai nhà văn Hoàng Minh Tường và Trần Nhương đều đáp:
– Được, được chứ, có ai cấm mình đâu.
– Thế thì trao cả cho em với chứ,Hoàng Minh Tường vui vẻ đề xuất.
– Đúng đấy “Thời của thánh thần ” rất xứng đáng,tôi nói.
Ông chủ trang web cười tươi như nghé:
– Vậy là “Bão táp triều Trần” và “Thời của thánh thần” sẽ nhận giải văn chương đồng hạng!
– OK! Hai chúng tôi đồng thanh đáp. Giải văn chương trannhuong.com hình thành trong niềm vui bè bạn như vậy đó.
Nhà thơ Trần Nhương hết sức chu đáo, mọi việc chỉ một tay ông lo liệu.
Phút trao giải thật hồi hộp. Hai cô nàng xinh đẹp bê hai chiếc khay phủ vải điều. Trần Nhương mở túi gấm màu huyết dụ, móc ra một chiếc dây chuyền, trong đó có đồng xu kẽm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông mở chân chằm quàng vào cổ tôi; tiếp đó là chiếc cúp pha lê có khắc dòng chữ: “ Giải thưởng văn chương trannhuong.com”, dưới hàng chữ này lại khắc 5 ngôi sao 5 cánh, dưới 5 ngôi sao là một đóa sen nở tưng bừng.
Sau phần trao giải là tặng hoa, có diễn từ, có đáp từ. Một cuộc trao giải thật dễ thương, đầy ắp tình bè bạn, vừa trang trọng vừa thân tình khiến không chỉ người trong cuộc mà khách dự khán cũng hết sức hài lòng.
Chỉ có điều nhà thơ Trần Nhương đã trao cho chúng tôi đồng tiền có mệnh giá lớn hơn ngoài mong đợi, đồng 1 đồng chứ không phải 1 xu.
Qua 5 năm thử thách, dư luận trong và ngoài nước đều bầy tỏ lòng mến mộ hình thức giải thưởng đầy chất công chúng và cũng đầy chất nhân văn của trannhuong.com. Các đài BBC,RFA,RFI… đưa tin hết sức thiện cảm. Các nhà văn trong nước nhiều người muốn được nhận giải trannhuong.com. Về phần người nhận giải, tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng đẹp trong lễ trao giải, cho đó là một vinh dự và biết ơn sự tôn vinh của công chúng qua trang web của trannhuong.com. Nhưng sao lại cứ phải chờ đến 5 năm.Và tại sao lại không có giải tôn vinh cả một đời văn cho tác giả nào đó mà công chúng cho là xứng đáng. Rất mong nhà thơ Trần Nhương-ông chủ trang web quan tâm đến nguyện vọng này.
Trang web trannhuong.com thật sự là một sân chơi văn chương lành mạnh. Lại chợt nghĩ đến sân chơi của nhóm văn chương “ Tự lực văn đoàn” và các cuộc tôn vinh tác giả của họ cách đây hơn 3 phần tư thế kỷ. Chính nhóm văn chương này đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một nét son chói lọi. Ước gì nền văn học của chúng ta tạo được nhiều sân chơi lành mạnh như thế này, sẽ là động lực thúc đẩy cho sự phát triển văn chương nước nhà.
Tới nay trannhuong.com vừa tròn 10 tuổi với hơn 25 triệu lượt người truy cập, bao phủ gần hết hành tinh. Con số 25 triệu đúng bằng dân số nước ta sống sót qua nạn đói khủng khiếp năm 1945. Thế mà dân tộc ta đã vùng lên làm hai cuộc kháng chiến cực kỳ gian nan, để rồi bây giờ dân số đã lên tới gần 100 triệu người. Sức sống của dân tộc ta quả là vĩ đại. Tuy nhiên, sự văn minh, tiến bộ của chúng ta lại xếp vào hàng gần cuối chót nhân loại, đến nỗi có người nói phải phấn đấu để theo kịp hai nước bạn Lào và Campuchia. Thiết tưởng phải xem “ thành tích” này như nỗi đau của dân tộc và nỗi nhục cho những ai gọi là trí thức.
Vậy cái gì đã cản trở, đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc ta? Có nhẽ thiên chức nhà văn phải giải đáp câu hỏi này, như nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã có ý trách chúng ta trong bài viết “ Sự im lặng của nhà văn”.
Láng Thượng, ngày 21 tháng 12 năm 2016.
Ảnh: Lễ trao giải Văn chương trannhuongcom lần thứ Nhất 9-2011.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

23/12/1888: Van Gogh tự cắt tai mình

Nguồn: Van Gogh chops off ear, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1888, khi đang ở Arles, Pháp, họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh, sau thời gian dài bị trầm cảm nặng, đã cắt phần dưới tai trái của mình bằng một con dao cạo. Sau đó, ông vẽ lại sự kiện này trong bức tranh Self-Portrait with Bandaged Ear (tạm dịch: Chân dung Tự họa với Chiếc tai Băng bó). Ngày nay, Van Gogh được công nhận là một thiên tài nghệ thuật và các kiệt tác của ông đều được bán với giá kỷ lục. Tuy nhiên, khi còn sống, ông chính là đại diện của những nghệ sĩ sống trong nghèo đói; cả cuộc đời mình, Van Gogh chỉ bán được một bức tranh.
Vincent Willem van Gogh sinh ngày 30/03/1853, tại Hà Lan. Là người có tính hay sợ sệt, ông đã liên tục thất bại khi làm việc trong một phòng trưng bày nghệ thuật, rồi sau đó trở thành một người giảng đạo cho những thợ mỏ nghèo ở Bỉ. Năm 1880, ông quyết định trở thành một nghệ sĩ. Tác phẩm của ông trong thời kỳ này – nổi tiếng nhất là bức The Potato Eaters (Những người ăn khoai, 1885) – đặc trưng bởi sự u tối và ảm đạm, thể hiện những trải nghiệm của chính ông khi sống cùng các nông dân và thợ mỏ nghèo khó.
Năm 1886, Van Gogh chuyển tới Paris, nơi Theo, em trai của ông – người mà ông rất thân thiết, đang sinh sống. Theo là một tay buôn tranh, người đã hỗ trợ tài chính cho anh trai của mình, cũng như giới thiệu ông với một số nghệ sĩ, trong đó có Paul Gauguin, Camille Pisarro và Georges Seurat. Nhờ ảnh hưởng của các họa sĩ này, cùng một vài người khác, phong cách nghệ thuật của Van Gogh bắt đầu tươi sáng hơn và ông bắt đầu sử dụng thêm nhiều màu sắc.
Năm 1888, Van Gogh thuê một ngôi nhà ở Arles, miền nam nước Pháp, nơi ông hy vọng sẽ tìm thấy “vùng đất của người nghệ sĩ” và cũng sẽ không còn là gánh nặng cho em trai mình. Trong thời gian ở Arles, Van Gogh đã vẽ những bức tranh sinh động về cảnh nông thôn và cả những bức tranh tĩnh vật, trong đó có loạt tranh hướng dương nổi tiếng.
Paul Gauguin cũng đã đến Arles và ở cùng Van Gogh. Hai người đã làm việc cùng nhau trong gần hai tháng. Tuy nhiên, Van Gogh vẫn liên tục bị căng thẳng. Vào ngày 23/12, trong một cơn loạn trí, Van Gogh đã đe dọa người bạn của mình bằng một con dao, trước khi ông dùng chính con dao đó để cắt dái tai của mình. Ông cũng bị cáo buộc đã gói phần dái tai này và trao nó cho một cô gái mại dâm ở một nhà thổ gần đó.
Sau sự kiện này, Van Gogh đã phải nhập viện ở Arles, rồi bị chuyển vào một bệnh viện tâm thần ở Saint-Remy trong một năm. Trong thời gian ở Saint-Remy, dù trải qua nhiều cơn điên loạn, nhưng khi tỉnh táo, ông đã sáng tạo rất mãnh liệt, và đã vẽ một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bao gồm Starry Night (Đêm đầy sao) và Irises (Hoa Iris).
Tháng 05/1890, Van Gogh chuyển đến Auvers-sur-Oise, gần Paris, nơi ông tiếp tục sống trong tuyệt vọng và cô đơn. Ngày 27/07/1890, ông tự bắn mình và qua đời hai ngày sau đó ở tuổi 37.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/23/van-gogh-tu-cat-tai-minh/#sthash.0YcO9JCl.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Hà Nội chính thức chi 2 triệu USD, quảng bá hình ảnh trên CNN


Dân trí 

Những hình ảnh về lịch sử, văn hóa, con người... Hà Nội sẽ được phát qua truyền hình và kỹ thuật số của CNN (Mỹ) trong hai năm (từ 2017-2018), với tổng chi phí khoảng 2 triệu USD.

Chiều 22/12, UBND TP Hà Nội chính thức ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá với CNN (Mỹ) trong hai năm 2017 và 2018, có tổng chi phí 2 triệu USD. Nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác trong hai năm, CNN sẽ hợp tác với Hà Nội sản xuất 3 phim quảng cáo 30 giây cùng các phim 60 giây, phóng sự 3-5 phút, chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình.
Ngoài ra, CNN còn đăng tải giới thiệu riêng về Hà Nội với các nội dung như Hà Nội - Trái tim Việt Nam; Hà Nội - Cái nôi của di sản; Hà Nội của tôi hay Hà Nội góc nhìn trên trang CNN.com và bài viết trên mạng xã hội Facebook, Twitter cùng các banner quảng cáo.



Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đại diện CNN tại lễ ký kết hợp tác
Nội dung quảng cáo được phát trên cả 2 nền tảng truyền hình và kỹ thuật số như trên máy tính, ứng dụng trên các thiết bị cầm tay máy tính bảng, điện thoại di động. Các nội dung giới thiệu về Hà Nội sẽ được phát sóng ở các khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á.
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nội dung quảng bá thể hiện đặc trưng về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội gắn với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và đất nước Việt Nam.
Sẽ có một công ty tư vấn nghiên cứu độc lập thay mặt cho CNN và Hà Nội đo lường hiệu quả, nhận thức về thương hiệu và nhận thức của chiến dịch quảng bá về Hà Nội trên CNN. Các chương trình trước khi được đăng, phát trên CNN sẽ có một Hội đồng thẩm định của thành phố Hà Nội xem xét thông qua.
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn nội dung quảng bá Hà Nội sẽ gắn liền với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ông Chung cũng hy vọng qua kênh CNN, thế giới sẽ biết nhiều hơn về văn hóa, con người, phong cảnh Việt Nam và thủ đô Hà Nội.
Quang Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sẽ xảy ra cuộc chiến giành nguồn nước ở châu Á?


Nguồn: Brahma Chellaney, “A Water War in Asia?”, Project Syndicate, 27/11/2016.
Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Căng thẳng liên quan đến nước đang gia tăng ở Châu Á – và không chỉ vì các yêu sách mâu thuẫn trên biển. Trong khi các tranh chấp lãnh thổ, ví dụ như ở Biển Đông, thu hút sự chú ý nhiều nhất – suy cho cùng, chúng đe dọa sự an toàn của các tuyến đường biển và tự do hàng hải, điều ảnh hưởng đến cả các cường quốc ngoài khu vực – thì hệ lụy chiến lược của sự cạnh tranh liên quan đến nguồn nước ngọt được chia sẻ giữa các quốc gia lại cũng đáng lo ngại không kém.
Châu Á có tỷ lệ nước ngọt trên đầu người ít hơn bất cứ lục địa nào, và nó đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước mà theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts thì sẽ tiếp tục tăng cao, với sự thiếu hụt nước trầm trọng dự kiến vào năm 2050. Trong hoàn cảnh mối bất hòa về địa chính trị lan rộng, sự tranh giành các nguồn tài nguyên nước ngọt có thể sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và sự ổn định lâu dài tại châu Á.
Cuộc chiến thực tế đã bắt đầu, với Trung Quốc là kẻ gây hấn chính. Thật vậy, việc Trung Quốc chiếm đoạt lãnh thổ ở Biển Đông được thực hiện cùng lúc với việc chiếm đoạt một cách âm thầm hơn các nguồn tài nguyên tại lưu vực các con sông chảy xuyên quốc gia. Tái điều chỉnh các dòng sông xuyên biên giới là một phần thiết yếu trong chiến lược của Trung Quốc nhằm khẳng định sự kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn của họ trên toàn châu Á.
Trung Quốc chắc chắn đang ở một vị thế thuận lợi để thực hiện chiến lược này. Nước này khống chế tuyệt đối các lưu vực sông, với 110 sông và hồ xuyên quốc gia chảy vào 18 quốc gia ở hạ lưu. Trung Quốc cũng có nhiều đập nhất thế giới, và họ chưa bao giờ e ngại sử dụng chúng để kiềm chế các dòng chảy qua biên giới. Trên thực tế, các công ty xây dựng đập của Trung Quốc đang nhắm chủ yếu vào các con sông quốc tế chảy ra khỏi lãnh thổ nước này.
Phần lớn các nguồn nước được chia sẻ quốc tế của Trung Quốc đều nằm trên Cao nguyên Tây Tạng mà Trung Quốc đã sáp nhập đầu những năm 1950. Không bất ngờ khi cao nguyên này là trung tâm mới của việc xây dựng đập của Trung Quốc. Thật vậy, Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, được công bố năm nay, đã kêu gọi một làn sóng dự án đập mới trên cao nguyên này.
Hơn nữa, Trung Quốc vừa mới chặn dòng một nhánh của sông Brahmaputra, con sông huyết mạch giữa Bangladesh và Bắc Ấn Độ, để xây dựng một con đập trong một dự án thủy điện lớn ở Tây Tạng. Và nước này đang làm việc để ngăn đập trên một nhánh khác của sông Brahmaputra, nhằm tạo ra một loạt các hồ nhân tạo.
Trung Quốc cũng xây dựng sáu siêu đập trên dòng Mekong, con sông chảy vào khu vực Đông Nam Á nơi mà các tác động ở hạ lưu đã nhận thấy rõ. Nhưng, thay vì hạn chế xây dựng các con đập, Trung Quốc lại đang tích cực xây dựng thêm nhiều đập trên sông Mekong.
Tương tự, nguồn cung nước ở Trung Á phần lớn khô cằn đang chịu ngày càng nhiều sức ép khi Trung Quốc chiếm đoạt ngày càng nhiều nước từ sông Illy. Hồ Balkahsh của Kazakhstan đang có nguy cơ bị thu hẹp đáng kể, giống như Biển Aral – nằm trên biên giới với Uzbekistan – vốn gần như khô cạn chỉ trong chưa đến 40 năm qua. Trung Quốc cũng đang nắn dòng sông Irtysh, con sông cung cấp nước uống cho thủ đô Astana của Kazakhstan và cung cấp nước cho sông Ob của Nga.
Đối với Trung Á, các dòng sông xuyên biên giới bị suy giảm chỉ là một phần của vấn đề. Các hoạt động năng lượng, sản xuất, và nông nghiệp của Trung Quốc đang mở rộng vô tội vạ ở Tân Cương thậm chí còn có ảnh hưởng lớn hơn, bởi vì chúng đầu độc nguồn nước của các con sông xuyên quốc gia qua khu vực này bằng các hóa chất độc hại và phân bón, giống như Trung Quốc đã làm với các con sông ở khu vực trung tâm của người Hán.
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gây nên xung đột về nguồn nước. Như thể để nhấn mạnh rằng tranh chấp lãnh thổ đang xấu đi ở Kashmir cũng có liên quan đến nước bên cạnh đất đai, Pakistan đã lần thứ hai trong một thập niên khởi kiện Ấn Độ ra tòa trọng tài quốc tế theo các điều khoản của Hiệp ước sông Ấn năm 1960. Nghịch lý ở đây là Pakistan, nước ở phía hạ lưu, đã sử dụng hiệp ước đó – vốn là thỏa thuận chia sẻ nguồn nước hào phóng nhất thế giới khi dành hơn 80% lượng nước của 6 con sông thuộc hệ thống sông Ấn cho Pakistan – để duy trì xung đột với Ấn Độ.
Trong khi đó, Lào, đất nước không có biển – với mục tiêu xuất khẩu thủy điện, đặc biệt là cho Trung Quốc, chỗ dựa chính cho nền kinh tế nước này – vừa thông báo với các nước láng giềng về quyết định tiếp tục dự án đầy tranh cãi thứ ba của mình, con đập 912 MW Pak Beng. Lào trước đó đã gạt sang một bên các lo ngại trong khu vực về sự thay đổi dòng chảy tự nhiên để thúc đẩy các dự án đập Xayaburi và Don Sahong. Không có lý do gì để hy vong một kết quả khác vào thời điểm này.
Những hệ quả của việc gia tăng cạnh tranh nguồn nước ở Châu Á sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực. Một số quốc gia châu Á lo lắng về an ninh lương thực đã thuê những vùng đất rộng lớn ở vùng châu Phi hạ Sahara, gây ra những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ ở vài khu vực. Năm 2009, khi Công ty Hậu cần Daewoo (Daewoo Logistics Corporation) của Hàn Quốc đàm phán một thỏa thuận để thuê gần như một nửa vùng đất có thể canh tác thuộc Madagascar nhằm sản xuất ngũ cốc và dầu cọ cho thị trường Hàn Quốc, các cuộc biểu tình và can thiệp quân sự diễn ra sau đó đã lật đổ một vị tổng thống được bầu lên một cách dân chủ.
Cuộc đua chiếm đoạt các nguồn nước ở châu Á đang kìm hãm ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, hủy hoại các hệ sinh thái, và làm gia tăng sự thiếu tin tưởng và bất hòa đầy nguy hiểm trong khu vực. Điều này cần phải chấm dứt. Các nước châu Á cần làm rõ các toan tính chính trị ngày càng mờ ám liên quan đến nguồn nước. Vấn đề then chốt sẽ là các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và thỏa thuận về các dàn xếp chia sẻ nguồn nước minh bạch hơn.
Châu Á có thể xây dựng một hệ thống quản lý nguồn nước hài hòa, dựa trên luật lệ. Nhưng nó cần Trung Quốc tham gia. Ít nhất là cho đến nay, điều đó dường như vẫn không có khả năng xảy ra.
Brahma Chellaney, giáo sư ngành nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.
Copyright: Project Syndicate 2016 – A Water War in Asia?
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/12/23/cuoc-chien-gianh-nguon-nuoc-chau-a/#sthash.K8YNDRwU.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao nông sản Việt phải ‘mặc áo nhà người’?


Nhà nước cần có một chính sách điều phối toàn diện, cởi trói cho các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực tư nhân đứng ra làm thương hiệu chứ không giao cho hai công ty lớn làm việc không hiệu quả như Vinafood, cần phải học cách làm của Thái Lan, cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam.

Nông dân thu hoạch lúa ở làng Vĩnh Ngọc. (Ảnh tư liệu)
Tôi đi nhiều nước trên thế giới, cũng đọc và theo dõi nhiều thông tin về nông sản Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, và thấy rằng quả thật nông dân Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Còn nhớ giai đoạn những năm 40 của thế kỷ trước, quân Nhật chiếm Việt Nam từ tay Pháp, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, không có đất trồng cây lương thực nên đói khát đã đành. Nay đất đai bao la bát ngát, thậm chí được xem là cái vựa nông sản của khu vực nếu không muốn nói là của thế giới về nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, vải.... Vậy mà nông dân vẫn cứ nghèo, cứ phải nhổ cây này trồng cây kia, cứ được mùa thì mất giá, được giá thì không có hàng mà bán, hàng sản xuất ra nhiều, dân ăn không hết cũng không xuất khẩu ra nước ngoài được vì không đủ chất lượng. Chuyện này bao nhiêu chuyên gia, báo chí đã mổ xẻ hoài, tôi chẳng cần bàn thêm nữa.

Gần đây lại có thêm hiện tượng, tuy không phải mới mẻ, nhưng khiến tôi thấy xót xa: nông sản Việt phải “mượn hồn” thương hiệu ngoại để bước ra thế giới. Tại một cuộc hội thảo về phát triển thị trường nông sản mới đây, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố kết quả của một cuộc khảo sát khiến nhiều người phải ngậm ngùi: Có tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Vậy thì đâu phải tất cả nông sản Việt Nam đều kém chất lượng. Tiếc thay, đi nhiều nước, ở nhiều nơi, khi tôi muốn tìm ăn gạo Việt Nam để ủng hộ bà con Việt Nam thì cũng không thấy. Trên kệ gạo ở các nước châu Âu, Nhật Bản hay thậm chí các nước hàng xóm châu Á cũng hiếm thấy gạo Việt Nam, trong khi gạo Thái Lan, gạo Nhật Bản, gạo Ấn Độ, gạo Campuchia thì rất phổ biến.

Nói một cách khách quan, theo dân sành ăn thì gạo xuất khẩu của Thái Lan rất ngon, nhưng ăn ở Việt Nam sẽ thấy của nước ta không phải là tệ, nếu không muốn nói là ngon không kém. Thế nhưng, gạo Việt Nam không thể bước ra khỏi biên giới một cách danh chính ngôn thuận. Một phần quan trọng là vì chỉ tiêu “gạo sạch” dường như vẫn còn là một thách thức đối với Việt Nam. Thời nay người ta đâu chỉ chuộng ngon, bổ mà quan trọng là phải sạch. Để xuất khẩu được, người trồng lúa có tuân theo những quy trình ngặt nghèo thì nông dân mới bán được giá cao, thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Tiếc thay, trong khi nông dân còn loay hoay chưa biết phun bao nhiêu bình thuốc trừ sâu, bón bao nhiêu bao phân hóa học để bán được giá cao, thì doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn rất lười biếng. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài chắt chiu thời cơ, lội xuống ruộng để bắt tay một số nông dân sản xuất gạo sạch rồi âm thầm đóng gói dưới các tên gọi “gạo Tây gạo Tàu” đầy sang trọng để xuất khẩu, hay thậm chí là dùng biện pháp “thuê ngoài”, tức sản xuất gạo trên đất Việt, nhập khẩu về nước họ rồi xuất đi với những cái tên gạo Thái Lan, gạo Hồng Kông, gạo Trung Quốc..., thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn dừng ở quy trình thu gom nhỏ lẻ thông qua hệ thống chân rết các đầu nậu, thương lái với đủ các loại gạo pha tạp. Họ mua lấy mua để rồi xuất khẩu sang thị trường dễ tính như Trung Quốc. Hậu quả là cứ Trung Quốc ngưng ăn hàng là gạo của nông dân ta bị chững lại và người trồng lúa chịu thiệt vì phải bán đổ bán tháo.

Một sự thật nữa về thất bại của gạo Việt Nam là quá trình làm thương hiệu kém. Thương hiệu là chiếc xe vận chuyển, xe càng nhỏ, càng yếu thì gạo Việt đi càng chậm, không thể đi xa. Thái Lan rất giỏi về tiếp thương hiệu của họ. Gạo Thái Lan có thể bán với giá 800 USD/tấn trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Trong khi đó với Việt Nam, hiện nay không có một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào ra thế giới được xem là có tiếng tăm. Có vài doanh nghiệp nhỏ cũng cố làm thương hiệu nhưng không đủ sức cạnh tranh. Hai cửa lớn nhất của Việt Nam là Tổng công ty lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Miền Nam (Vinafood 2) cũng chỉ dừng ở sản xuất gạo theo kiểu gạo trắng hạt dài, hạt ngắn... theo kiểu hàng thô mộc chứ không có những cái tên gọi là thương hiệu Việt. Thậm chí, dù kinh doanh trong ngành có lợi thế, được nhiều ưu đãi nhưng Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang lỗ lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, và hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi. Từ vị thế một trụ cột trong xuất khẩu nông sản, Vinafood 2 trở thành một cục nợ và bị đưa vào diện giám sát đặc biệt.Trước đây, nhiều đánh giá cho rằng việc ưu ái cho hai ông lớn Vinafood 1 và Vinafood 2 trong việc siết chặt các điều kiện để được xuất khẩu gạo đã vô tình giết chết các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn chưa có cơ hội ăn nên làm ra. Thế nên việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để xuất khẩu vẫn còn là một thử thách cả về mặt năng lực và cơ chế.

Mới đây, tin có nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang hợp tác với nông dân sản xuất gạo sạch để bán với giá cao hơn khiến người nghe cảm thấy phấn khởi. Thực tế ở các nước phát triển, gạo sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (loại Bio), có giá cao gấp rưỡi hay thậm chí gấp đôi gạo thông thường. Không chỉ với gạo, người ta còn sản xuất dạng Bio với rau củ, trái cây, sữa, thịt các loại,... và nhu cầu sử dụng không phải là thấp. Để làm như vậy, chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ như cách làm ở Tiền Giang, dù đúng hướng, nhưng chắc chắn sẽ không đủ để đưa nông sản nói chung và gạo Việt Nam nói riêng ra quốc tế.

Nhà nước cần có một chính sách điều phối toàn diện, cởi trói cho các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực tư nhân đứng ra làm thương hiệu chứ không giao cho hai công ty lớn làm việc không hiệu quả như Vinafood. Nói như ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì Việt Nam cần phải học cách làm của Thái Lan, cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam.


Phần nhận xét hiển thị trên trang