Truyện ngắn của Hồng Giang
Mới chập tối, làng xóm đã xôn xao.
Cứ như thể người ta đang hân hoan kết thúc một ngày cặm cụi vất vả.
Người lạ qua đây có khi tưởng trong làng có đám.
Ánh điện sáng lóa hắt lên rừng cây. Tiếng nhạc từ những loa đài công suất lớn át cả tiếng thác nước mọi khi đổ ào ào trên khe núi.
Xóm nhỏ có hơn chục nóc nhà mà có đến ba giàn Karaoke, thi nhau mỗi cái một giọng, làm thành thứ âm thanh không biết nên gọi nó là thứ gì?
Văn hóa đồng rừng mà, vui là chính, chất lượng đến đâu còn phải chờ nó lên từ từ. Có ai nhắc nhở chuyện này, bọn trẻ phân bua như vậy.
Dù sao nó cũng làm xóm bản tưng bừng, sôi động hẳn lên. Dù sao cũng còn hơn thời hắt hiu, đèn nhà ai rạng nhà ấy, gà vừa lên chuồng, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ. Làng xóm như chỗ không người.
Con đường bê tông ngoằn ngèo băng qua suối, chạy mãi tới cuối xóm Khuôn Phầy này.
Giờ chắc không ai nhớ ngày trước chỗ này có cây cầu làm bằng cả cây gỗ to ghếch một đầu lên chỗ gốc cây sung ở phía bên kia suối. Mùa lũ về, chỗ cây cầu độc mộc căng thêm sọi dây song làm tay vịn. Mỗi khi qua đây người lớn dò từng bước, còn trẻ con phải “đi bằng bốn chân”. Tức là bò bằng cả hai chân, hai tay..
Mới đó mà cảnh vật đã thay đổi đến không ngờ, làm như sự nan giải, khó khăn đi lại như chưa hề xảy ra.
Năm này một ít, năm sau một ít, sự trắc trở được thu vén dần dần. Chỉ có nhứng người già thì còn nhớ lâu. Còn bọn trẻ chẳng để ý, và ít khi nghĩ đến. Chúng còn nhiều việc để phải làm.
“Chuyện đời xưa, nhắc mãi làm gì?”.
Nếu có người nhắc nhở về sự vô tâm những ngày đã qua, món trẻ sẽ nói: “Tuổi trẻ là phải hướng tới tương lai, nhìn về phía trước..”.
“Nhưng mà các cháu à, hướng về đâu thì hướng, quên đi ngày cũ, những bài học cuộc đời là không hay lắm đâu vớ!”Lão Đại vừa đi vừa ngẫm nghĩ, vừa tự nhủ thầm như thế.
Dù chẳng có ai đi cùng, có lúc lão lầm nhẩm nói luôn ra miệng, y như đang có người cùng đi, cùng nói chuyện với mình.
Lão hướng ra chỗ quán Cây đa, nơi ban chiều gặp hai người lạ. Không biết bây giờ họ có còn ở đấy không?
Hai con người có vẻ bí hiểm nhưng lại kích thích trí tò mò của lão. Có thể câu chuyện của họ là có thật. Cũng có thể là câu chuyện “tào lao bí đao” nơi bàn rượu, như bọn trẻ thường nói.
Nhưng chẳng nhẽ họ mất công mất buổi, đi cả ngày đường lên tận đây, để nói vớ nói vẩn cho vui hay sao?
Lão tin rằng trong câu chuyện của họ ít ra có một phần sự thật, còn mục đích chính của nó là gì, có nhẽ phải đợi.
Thời buổi có nhiều câu chuyện vu vơ, “nói vậy không phải vậy”, tin sớm quá có ngày phải hối tiếc chưa biết chừng!
Quán xá, lão Đại không hay đi. Không phải tự nhiên đã “quán” rồi, lại còn “xá” nữa. Các cụ ngày xưa có ý cả đấy.
Nó là nơi người thường, dân “chân chì” như lão không nên lai vãng. Chả có “lành dữ” gì ở đây, nhưng cũng lắm phức tạp, vừa tiêu tốn tiền, vừa có khi gây rắc rối nhiều chuyện. Rượu vào thì lời ra, mà có phải lời nào cũng “chuẩn, không cần chỉnh” cả đâu?
Nhưng hôm nay lão phá lệ, lão sẽ đến.
Lão sẽ hỏi hư thực chuyện chiều hôm trước, khi lão dắt trâu qua đây gặp hai người lạ kia ra, họ mờii bằng được lão vào, ép lão không thể chối từ, đành nâng lên đặt xuống vài ba bận..
Tại sao họ đặc biệt đối xử với lão thế nhỉ? Lão có phải ông này, bà nọ hay đại gia, đại riếc gì đâu?
**
Câu chuyện của hai người lạ nghe có vẻ hoang đường. Lão Đại tuy là dân cố thổ ở đây, nhưng đời lão gian nan nhiều, lên bổng xuống trầm không ít.
Đi nước ngoài lão chưa được đi bao giờ ( Vì không có nhiều tiền đã đành, thêm nữa việc cần thiết cũng không có ). Nhưng đất nước hình chữ S này lão cũng được đặt chân đến nhiều nơi, biết khá nhiều chuyện.
Chuyện này bảo làm sao lão tin được?
Lão biết chắc chắn khu rừng thuộc vòng cung Lô Gâm này làm quái gì có thứ gỗ quý đó. Đinh, lim, sến, táu, vảy ốc, lát lủng thời trước không thiếu. Dù rằng những cây gỗ quý ấy bây giờ chỉ còn rất ít, chỉ mang tính biểu trưng chứ không còn rừng đại ngàn như hàng chục năm về trước.
Riêng về cái cây Ngọc am này thì từ thời cổ chưa thấy ai nói nó có ở đất này. Cái tay thương lái này nói là có là ý làm sao? Rừng ở đây đâu phải là Hà Giang, là Tây Côn Lĩnh bạt ngàn núi đá, ở độ cao hàng ngàn mét để có thứ cây họ thông có ngọc, đặc biệt quý hiếm này?
Để cho lão Đại nổ hết tràng, lão thương lái mặc áo da sờn, đi giày đinh cao cổ mới nói:
- Có hay không thì ngổ cũng không pết lớ. Nhưng ông đồng ý cho bọn này đào đám nương của ông, ông tồng ế thì được cái tiền mà. Đào xong bọn này sẽ cho người san lại để ông tiếp tục trồng cây gì thì trồng mà!
- Các ông định trả bao nhiêu?
Gã đi cùng tay thương lái là người Việt, có khuôn mặt như mặt chú phỗng, đỏ gay xen vào:
- Tiền có đồng, cá có con. Cứ tính diện tích đất đào bao nhiêu rồi quy ra năm mươi triệu một sào là biết thôi. Tôi tính nhẩm cũng ra mà!
- Tính thế sao được, đất đào lên lộn thổ, đất màu không có thì làm cái gì được, các ông khôn hết phần người ta rồi.
Gã người cao lớn, trắng trẻo cười dễ dãi:
- Cũng tùy ông thôi, không ép nhau mà. Chuối kỳ này xuống giá, bán không có người mua, ông chả mất gì cũng được món tiền lớn chuẩn bị ăn tết, không muốn à?
- Hầy..Tiền thì ai chả tiếc, chả muốn. Nhưng không phải thứ gì bán được tiền đều đem bán cả đâu. Người Việt có câu: “Thứ nhất bán đất, thứ nhì mất con”, ông có nghe câu này chưa?
- Piết chớ, piết chớ, nhưng có mua hẳn của ông đâu mà ông lo?
- Cái này còn phải xem. Cho gửi vài đồng thêm vào tiền rượu, tôi phải về..
Gã mặt phỗng cười, hai tay hua hua trước mặt:
- Ấy chết, bọn tôi mời mà. Ông cứ về nghĩ kỹ đi rồi có gì ra đây gặp tôi. Ông còn giữ ý, chứ người khác người ta đã đồng ý cho tự lâu rồi. Đây này – Gã lấy ra mấy tờ giấy viết tay, đưa lão Đại xem. Lão gạt đi, lão không có hứng chuyện này. Giấy tờ mà làm gì? Không có con dấu, viết gì chẳng được. lão nghĩ thế và quành quảy ra về.
***
Đêm hôm đó lão trằn trọc khó ngủ quá. Câu chuyện của hai người lạ cứ trở đi trở lại trong đầu khiến lão không sao chợp được mắt.
Ngay cả việc hôm nay là ngày “thường xuyên” của mỗi tháng, “ôn nghèo kể khổ” lão cũng bảo vợ con lui vào hôm khác. Cuộc sống bây giờ tuy gấp năm gấp ba lần hồi nào, lão vẫn giữ lệ cũ. Mỗi tháng một lần cả nhà ăn cơm độn sắn lát, buổi tối thắp đèn dầu ( Dù điện lưới đã có cả chục năm nay ).
Không phải làm thế để “hành” vợ con, hay tự hành khổ mình, mà vì nhẽ khác.
Con người ta quen cái sướng thì mau, quen cái khổ, cái sầu rất khó. Dù đời sống có khấm khớ thế nào cũng đừng vội quên những ngày gian nan, đói rét. Những ngày thèm miếng cơm trắng còn hơn cả bây giờ thèm cá thèm thịt bây giờ.
Vợ con ban đầu phản ứng, mãi rồi cũng phải theo. Ông làm thế là vì lợi ích chung của gia đình chứ có bắt vọ con khổ cho cái ích kỷ của mình đâu?
Hôm nay ông lờ đi việc này, chắc bà ấy và các con vẫn nhớ. Nhưng thấy nét mặt ông đăm chiêu, không ai hỏi vì sao, lặng lẽ làm theo lệ cũ.
Năm gian nhà sàn tối om mặc dù không do cắt điện, hàng xóm vẫn đài nhạc ầm ĩ, đèn điện sáng choang.
Đúng là trong bóng đêm thâm trầm, im ắng người ta nghĩ được nhiều chuyện. Lão Đại thấy hai người kia nói có phần nào đấy là sự thật, không phải nói chơi. Nhưng sự thật đó là cái gì? Gỗ lạt như họ nói, hay là cách lân la dần dần của mấy người muốn mua đất của mình?
Ở tỉnh này chưa có việc người mua đất theo hợp đồng năm, bảy mươi năm để làm dự án. Nhưng nghe nói các nơi khác nhiều ít có rồi.
Đất của ông bà tổ tiên mà bán cho người ngoài năm bảy mươi năm, bằng cả đời người, không hiểu họ tính toán thế nào, có còn là người nữa không?
Đời người được mấy mươi mà dám bán cả quãng thời gian dài như vậy?
Rồi còn bãi biển nương dâu, chuyện đời đổi thay, biết đâu mả lường!
Bán cho người ta, người ta có toàn quyền sử dụng. Người ta quây rào gai, cấm ra vào, làm gì trong đó ai biết được?
Ai bán cho họ thì bán, chứ mình quyết là không. Thời nào thì thời, vẫn là tấc đất tấc vàng. Là máu thịt của nhà nông, cắt vào là đau, là để lại di chứng không lường hết được!
Nhà mình chưa đến nỗi nào. Mà dù có khó khăn, mình cũng không làm như thế. Chuối tây không bán được vì con buôn ép giá. Họ nói “cửa khẩu đang xiết lại, không có người mua”. Thì trồng thứ khác.
Bao nhiêu đời nay vẫn sống nhờ hoa màu đủ thứ, chứ căn cứ gì mỗi cây chuối?
Đám đất của ông trên lõng Bốc, chỗ hai người kia muốn ấy, ông sẽ trồng cam, trồng bưởi. Rộng vốn ra sau, này trồng rừng lim, rừng lát để vốn lại cho con cho cháu đời sau.
Nhưng có nhẽ không phải họ gạ mua đất vì chỗ ấy không tiện đường, lại khuất nẻo. Ngoài chuyện cấy trồng cây ra, chả có thể dự định làm cái gì khác được.
Chắc là họ muốn đền bù hoa màu bị ảnh hưởng để đào thứ gì đấy dưới lòng đất. Không phải mua đứt bán đoạn như mình vừa nghĩ.
Nhưng cho dù như vậy cũng không thể được. Đất đào bới túc mục lên, có khác nào vết thương trên da thịt. Đất màu bị lộn xuống dưới, hoặc trôi dạt đi, lúc ấy trồng cây làm sao mà lên được?
Chợt nhớ hồi thổ ma cụ Khuyên ông có được nghe một câu chuyện. Ông cụ thời trẻ cũng ghê gớm, cầm đầu hẳn một nhóm thanh niên kiểu như đầu gấu thời bây giờ. Nhóm người này được đám thương lái người Hoa thuê đi tìm chỗ chôn giấu gỗ Ngọc am, thứ gỗ mà hàng trăm năm trước ông cha họ sang Việt Nam, tàn sát cả cánh rừng núi Tây Côn Lĩnh. Một số gỗ họ đưa được về, số còn lại chưa kịp chuyển thì chôn dấu rải rác khắp nơi.
Cánh của cụ Khuyên dọc đường xuôi sông Lô, bớt lại được một ít, mang được cả chục cây về giấu ở đất Khuôn Phầy. Định bụng gặp khách thì bán lấy tiền chia nhau thì cách mạng tháng tám nổ ra.
Tiếp đến mấy cuộc chiến tranh..
Đấy là lần đầu tiên duy nhất và cũng là chuyến cuối cùng có chuyện gỗ chở ngược về rừng, đưa ngược lên dốc núi..
Ngày tháng mai qua, câu chuyện lùi dần vào dĩ vãng.
Đường đi lối lại thay đổi, chỗ ruộng lúa thành rừng, đèo cao mở ra đường đi. Thực là “bãi biển nương dâu”.. Địa điểm, nơi cất giấu mất hết giấu vết. Không biết trong đám thảo khấu cùng thời với cụ Cả Khuyên thời bấy giờ có ai ghi chép, đánh dấu, ghi chép vào thứ văn tự để lại ở đâu đó không?
Có nhẽ lão Mặt phỗng kia là một trong số hậu duệ của đám người theo cụ Khuyên chăng?
Một tấm bản đồ hay cuốn sổ ghi chép bằng chữ cổ đã cho lão biết bí mật này? Biết đâu chuyện này là có thật thì sao?
Lão cố nhắm mắt, đợi sáng ra lên khu lõng Bốc xem thế nào?
****
Đây vốn là thung lũng, đầu nguồn của khu rừng lát hàng trăm năm trước. Một vụ cháy rừng không rõ nguyên nhân đã để lộ ra vùng đất mầu mỡ.
Người Tày Khuôn Phầy chỉ quen cấy lúa nước mà ruộng lại nhiều. Chả ai nghĩ đến chuyện làm nương cao. Chỉ có người Kinh, người Dao ở xã bên cạnh là chuyên canh làm nương đỗ.
Rồi nhà nước giao đất giao rừng, người Khuôn Phầy nhận, nhưng vẫn cho dân xâm canh trồng đậu tương xen canh, trồng cây lâm nghiệp.
Chỉ thấy nương đậu tương xanh mát mắt mà cây rừng trồng chả thấy đâu. Người ta chỉ trồng đối phó lúc ban đầu, sau rồi lại nhổ bỏ để năm sau trồng đậu tiếp. Tình trạng này kéo dài cho đến khi địa phương làm cam kết với người dân trong bản mới chấm dứt.. Lão Đại nhận khu đất chừng mươi héc ta.
Cây lão vẫn trồng, nhưng xen canh trồng chuối. Theo lối “lấy ngắn nuôi dài”.Không ai ngờ cái “ngắn” lại ăn nhiều hơn, mau hơn cái “dài”. Vườn chuối của lão hơn hai ngàn gốc chỉ sau một năm mang về cho lão tiền tỉ. Cái xe Tô y ô ta để dưới gầm sàn cũng từ bán chuối mà có.
Đột nhiên chuối mất giá, lão ân hận vì khi có đã chẳng biết đắn đo. Sao lại “trứng để cả một giỏ”, cây trồng cả một thứ chứ? Lại thêm cái vội mua gấp cái xe bán tải. Mình có công việc gì đi đâu mà xe với chả pháo?
Cần đi thành phố hay đi đâu mất một hai “chai” là đi thoải mái. Lại có người lái, ngồi ngủ vô tư. Có uống rượu say cũng chẳng hề hấn gì. Tiền lãi gửi ngân hàng có khi chi cho tiền đi xe không hết. Bây giờ đắp chiếu nằm đó, muốn mở rộng làm ăn, vốn đọng cả đống. Mang tiếng là người từng trải, vậy mà già vẫn còn ngu! Lão tự trách mình!
Lão hy vọng câu chuyện của hai người lạ là có thật, lão sẽ sửa chữa sai lầm vừa mắc để vợ con khỏi cằn nhằn. Nếu như loại cây quý giấu ở nương của mình là có thật. Chắc cũng có được mớ kha khá. Bọn kia không chịu tốn tiền thì đừng có mà đụng vào đất của lão!
Lão Đại sững sờ nhìn đám chuối ngổn ngang, la liệt trên khu đất của mình. Cảnh tượng này xảy ra từ khi chuối rẻ, người ta phá đi trồng thứ khác. Nhưng lão Đại là người bền gan, lão đâu có nông nổi vội vàng thế? Vợ con có hó hé việc này nhưng lão cấm chỉ.
Người ta phá mặc người ta. Đi chợ, muốn học buôn thì “theo cái rẻ, đừng theo cái đắt”. Theo cái đắt nhất thời thế nào cũng gặp người ham đắt mà thứ mình buôn sẽ rẻ. Làm nhà nông cũng vậy. Chen nhau vào chỗ chật là mất ngáp có ngày.
Người ta phá, mình để, có khi lại được. Trồng cái cây ít nhất cũng chín tháng, một năm mới được thu. Chưa gì đã phá bỏ, có mà ăn rơm, ăn cám à, lão nghĩ bụng.
Hẳn vợ con lão không dám phá. Mấy ngày nay cả nhà có ai lên nương đâu? Vậy ai vào đây phá của lão?
Không cần nghĩ nhiều, lão nghĩ ra ngay. Có nhẽ bọn người lạ thương lượng với mình không xong, chúng lén làm trộm, đào bới, phá nương của mình đây! Chỉ tại mình chủ quan, thiếu cảnh giác mới nên nỗi vườn cây bị tan hoang như lúc này.
Lúc gần sáng có ánh đèn pin loang loáng, tiếng chó sủa râm ran gần khu vườn rừng. Lão cứ nghĩ đám thanh niên lật đèo sang Vân Sơn chơi nên không để ý. Chỉ ca cẩm : “Con cái nhà ai mà đi suốt đêm suốt hôm, giờ mới về!”. Hóa ra không phải.
Đích thị là có bàn tay của hai lão người lạ nhúng vào đây rồi. Có thể chúng thuê người đào bới làm nát gần hết khu vườn chuối của lão. Dấu tích còn sót lại là cái thuốn sắt dài hơn hai mét. Có nhẽ đây là vật chúng dùng để xăm tìm kiếm thứ gỗ tự đời xưa chôn dấu vùng này. Xung quanh có cả vết giày đinh khiến lão nghĩ ngay đến đôi giày đinh cao cổ của gã người lạ khi gặp ngoài quán Cây Đa. Thêm nhiều dấu chân người đi chân không cũng có, mang giày đi dép cũng có. Cũng phải khá đông người mới để lại dấu vết tan nát đến thế này, một đám đông ô hợp mới được thuê mướn, chắc đến từ nơi khác không phải người trong bản.
Lão Đại vừa buồn vừa bực, vừa tự trách mình thiếu chu đáo. Cũng bởi tại từ thủa làm người đến nay, ngoài sáu mươi tuổi lão chưa từng thấy có đâu trộm cắp kiểu này. Trộm mà không phải trộm, là lén lút, dấu vụng. Nhưng chắc không kết quả gì vì không có những hố to rộng để có thể moi lên được thứ gỗ người ta giấu kỹ năm nào.
Nhìn đám nương tan nát, lão không khỏi xót xa. Mồ hôi nước mắt chứ đâu phải chuyện thường? Lão sẽ làm gì, tính sao với nó bây giờ?
Chợt nhớ đến ý định đắp hồ chứa nước mà hôm có người bạn bên bản Vang gợi ý. Lão thấy rất có lý. Gì chứ nguồn nước ngọt bây giờ là vàng, là bạc chứ không phải chuyện chơi! Năm xưa, chưa có đường lên đây, lão đã cố công đắp một con đập bằng đất. Thế rồi lũ to phá hủy mất, vì bờ đập yếu không đủ sức giữ được nước. Bây giờ thì đơn giản rồi. Lão sẽ thuê người chở xi măng, cát sỏi lên đây, đổ hẳn tấm bê tông vững chãi. Khu lõng Bốc sẽ là cái hồ nước hẳn hoi chứ không nói chơi.
Có nước lão sẽ chủ động nguồn tưới tiêu cho đám ruộng phía gần nhà. Ai cần nữa, phải nói chuyện với lão!
Quanh vùng hồ lão sẽ thiết kế vườn rau quả. Ở đâu chứ đất này mầu mỡ sẵn, chúng sẽ lên phải biết.
Rau sạch sẽ từ đây mang về thành phố. Người tiêu dùng là người ta tinh lắm, ăn một bận là biết ngay. Rau của lão sẽ có giá. Lão sẽ làm hẳn một khu chuyên canh rau sạch. Phía trên kia, quanh hồ sẽ trồng mỡ, thứ cây mà người Hà Nội gọi là vàng tâm, báo chí hay nói đến ấy.
Nhìn những cây mỡ còn sót lại, không bị “giết” để làm nương giờ đã cao bằng ngôi nhà ba tầng, tán xanh mướt, gốc vừa người ôm.
Đúng là tham bát bỏ mâm, giá để cả rừng mỡ từ đó đến giờ có phải hay không? Tiền cả đấy..Nhưng mà đã muộn rồi!
Đằng nào nương chuối cũng đã bị phá, chuối lại đang rẻ, lão bỏ luôn, theo ý mới. Nếu vận động không ai làm chung, lão“một răng cũng bừa”.
Có được vườn rau sạch, con Tô y ô ta của lão sẽ có việc chứ không để đấy làm cảnh nữa.
Thôi thì Ngọc am là thứ “ngọc” gì lão không có duyên, không được thấy, cũng không cần biết. Nhưng biến rủi thành may, nó gợi ý cho lão điều tốt lành vừa nghĩ ra sớm nay.
Tuy là cái lợi không to, nhưng là cái chắc chắn, dài lâu mãi mãi..
Chắc gì Ngọc am đã có giá trị hơn?!
======================
Phần nhận xét hiển thị trên trang