Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Chuyện Chưa Biết Về Sơn Nam


Đây là bài tôi thấy trên trang blog của Huy Đức. Chôm về đây để làm tài liệu tham khảo. Bài có vài chi tiết thú vị ... 
NVT
Đất Vẫn Ấm Hay Chuyện Chưa Biết Về Sơn Nam
Nguyễn Trọng Tín
Cuối cùng, ông đã về nằm vĩnh viễn tại Bình Dương, nghĩa trang công viên Chánh Phú Hòa, thuộc huyện Bến Cát.
Một đồng nghiệp ở Đà Nẳng gọi điện vào hỏi mà như cật vấn: “Tại sao lại là Bình Dương mà không phải Sài Gòn hay Rạch Giá? Tôi nhớ đã đọc đâu đó trong sách của Sơn Nam, thấy nói đồng bằng sông Cửu Long của các anh rộng đến bốn triệu héc ta kia mà!”.
Chuyện này (việc sẽ mai táng ông Sơn Nam ở Bình Dương) dư luận đã manh nha gần ba năm trước, từ ngày ông đi xe ôm bị tai nạn làm gảy một bên khớp xương đùi, phải nằm một chỗ. Hồi mới nghe, tôi cũng bị “sốc” như anh bạn Đà Nẳng. Nhưng nghĩ rằng, rồi …
Câu chuyện bắt đầu từ một cô gái nhỏ, Cô Thanh Mận, là bạn đọc cũng là một đồng nghiệp nghề báo thuộc thế hệ rất sau của ông Sơn Nam, phóng viên của báo Pháp Luật TP. HCM. Cô Mận là người hay được tòa soạn báo giao cho việc đặt bài và mang trả tiền nhuận bút cho ông Sơn Nam, nên lâu ngày cô trở thành người quen của ông. Một lần cô Mận đi công tác Bình Dương, làm việc với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa để tìm hiểu về dự án công viên nghĩa trang. Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty có cho cô Mận biết là nghĩa trang sẽ dành mười phần đất làm mộ đặc biệt, ở vị trí đẹp nhất và bốn trong số ấy công ty muốn dành tặng cho những văn nghệ sĩ, những nhà họat động văn hóa nhiều công lao với miền Nam, đặc biệt là những người có nhiều khó khăn về đời sống vật chất và ông ướm hỏi cô Mận có thể giới thiệu một vài trường hợp nào không. Cô Mận đã nói với ông Thiền về ông Sơn Nam theo những gì mà cô biết.
Câu chuyện cũng chỉ lửng lơ ở đó. Cho đến khi được tin ông Sơn Nam bị tai nạn, ông Thiền lại liên hệ với cô Mận, muốn nhờ cô hướng dẫn cho ông đến thăm để biếu chút tiền, góp vào việc trị bệnh cho ông Sơn Nam. Sau đôi ba lần đi lại gia đình ông Sơn Nam, quan hệ trở nên cởi mở hơn, ông Thiền có nhắc lại ý định biếu đất mà mình đã nói với cô Mận. Gia đình và ông Sơn Nam đã tỏ lòng cám ơn và cũng đồng thuận với đề nghị, nếu như việc này về sau gia đình được quyết định.
Ngày 13.8.2008, sau khi ông Sơn Nam trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện Nhân dân Gia Định (12 giờ 40 phút), theo hẹn, đúng 15 giờ tôi có mặt tại trụ sở Hội nhà văn TP.HCM, số 62, đường Lê Văn Sĩ, Q3, phòng của ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội. Có mặt lúc đó ngòai ông Thảo còn có nhà thơ Chim Trắng và hai người khác. Ông Thảo cho biết là đã gọi điện thọai trực tiếp cho Thành ủy TP.HCM để báo tin ông Sơn Nam đã mất và “xin ý kiến chỉ đạo” về việc thành lập Ban lễ tang cùng việc tổ chức tang lễ. Thành ủy trả lời chính thức với ông Thảo, chuyện tang lễ ông Sơn Nam là việc của Hội nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP. HCM và gia đình. Ngay sau đó, ong Thảo (cũng lá Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) đã gọi điện thoại cho ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông Thỉnh trả lời chính thức là chuyện này thuộc Hội nhà văn TP.HCM và gia đình. Nghĩa rõ ràng được hiểu là, đây không phải việc của chánh quyền thành phố, cũng không phải việc của Hội nhà văn Việt Nam. Lý do mà tôi được biết: với Hội nhà văn Việt Nam, ông Sơn Nam chỉ là một hôi viên bình thường, không có giải thưởng gì đáng kể; với thành phố, ông cũng chỉ là cán bộ thường với mức lương cán sự 6 khi về hưu. Việc không còn gì phải bàn bạc nữa. Và cũng vì thế, việc mai táng ông Sơn Nam ở đâu là thuộc về gia đình. Vậy thì lễ tang ông Sơn Nam phải tổ chức ở đâu? Ở nhà ông là dĩ nhiên rồi. Nhưng ông Thảo vẫn ái ngạy vì nhà ông Sơn Nam quá chật hẹp, bất tiện cho việc viếng cúng và có thể sẽ làm buồn lòng cho cả gia đình và bạn đọc yêu mến ông. Tôi được biết (qua lời ông Thảo), sau khi có ý kiến của ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, nên tang lễ ông Sơn Nam đã được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố, số 25, đường Lê Quí Đôn, Q3. Nghe đâu việc liên hệ với ông Tài đã được Hội nhà văn TP và Nhà xuất bản Trẻ liên lạc trước đó.
Khi ông Sơn Nam bị đột quị phải đi bệnh viện cấp cứu, một bữa ông Chim Trắng và tôi có ngồi với ông Lê Văn Thảo tại Hội nhà văn TP. Tôi có nhắc ông Thảo, nếu ông Sơn Nam có mệnh hệ nào thì nên liên lạc với tỉnh ủy Kiên Giang, vì hồi chín năm kháng Pháp, ông Sơn Nam có lúc là tỉnh ủy viên của tỉnh Rạch Gía (tên cũ của tỉnh Kiên Giang). Nghe đâu nhiệm kỳ Ban chấp hành đó có ông Võ Văn Kiệt. Nhắc ông Thảo điều này vì tôi đã nghe chính ông Sơn Nam “xác nhận”, ông từng là thành viên của tỉnh ủy tỉnh Rạch Giá. Lần đó tôi đi cùng chuyến với ông Sơn Nam và nhiều người từ Long Xuyên xuống Cà Mau. Chuyện vui trên đường, tôi có hỏi ông Sơn Nam về câu chuyện bẻ cổ vịt hồi kháng Pháp của tỉnh Rạch Giá. Câu chuyện nghe có vẻ “trẻ con” nhưng có thật. Là thế này: thời đó có một năm tỉnh Rạch Gía bị thất mùa lúa nghiêm trọng. Tỉnh ủy Rạch Giá họp bàn cách giải quyết và có ý kiến đưa ra: hiện thời trong tỉnh dân nuôi vịt rất nhiều, mà vịt thì cũng ăn lúa. Nếu để vịt tiếp tục ăn lúa, có nguy cơ dân trong tỉnh bị đói. Thế là có nghị quyết diệt vịt để cứu dân. Sau đó thì toàn thể dân, quân, chánh tỉnh Rạch Giá ra đồng bẻ cổ vịt. Là tôi hỏi ông Sơn Nam có bỏ phiếu cho cái nghị quyết ấy không. Ông nói lấp lửng, rằng hồi ấy ông chỉ là tỉnh ủy viên dự khuyết, nên không được tham gia biểu quyết.
Có lẻ vì là tỉnh ủy viên cựu trào, nên sau 30.4.75, có một đại hội Đảng bộ của tỉnh Kiên Giang, ông Võ Văn Kiệt đã đưa ông Sơn Nam cùng về tham dự, lại được giới thiệu trong thành phần của Đoàn chủ tịch đại hội. Ngồi trên Đòan chủ tịch chưa hết buổi sáng, mọi người không còn thấy ông đâu nữa. Buổi chiều ông cũng biến mất. Những người tổ chức đại hội cho tìm thì thấy ông ngủ khì ở nhà của nhà văn Phạm Thường Gia. Ông xin lỗi không thể trở lại ghế chủ tịch đoàn vì bị… say rượu. Nghe chuyện, tôi đoán là vì ông ngán ngồi trên đó mà nói vậy chứ bình sinh Sơn Nam không phải dân nhậu. Câu chuyện này tôi và một người nữa nghe chính Phạm Thường Gia kể. Anh Gia bây giờ đã mất, nhưng người cùng nghe với tôi thì hãy còn sống.
Đọc trong Hồi ký Sơn Nam (NXB Trẻ, tháng 10.2005) thì biết, sau hiệp định đình chiến 1954, trước khi được đưa ra họat động công khai ở Sài Gòn, Sơn Nam là người của Sở thông tin Nam bộ. Trước đó nữa, khi rời Rạch Giá, ông có lúc là người của Ban văn nghệ, thuộc phòng chính trị Khu Tám. Đoạn sau đây không có trong hồi ký mà do tôi nghe chính ông kể. Từ Ô Môn, Cần Thơ ngồi xe đò lên Sài Gòn với bộ bà ba trắng, chân đi guốc vong (đồ được phát cho), Sơn Nam đi theo người của đường dây tổ chức hướng dẫn. Đến Sài Gòn, tại bến xe chỗ gốc đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cư Trinh ngày nay, thay vì tiếp tục nhận “ám hiệu” với người của tổ chức, thì ông tự lang thang tìm chỗ ở và sau đó lân la tìm bạn cũ, hy vọng kiếm sống bằng việc góp mặt trong báo giới, làng văn. Từ đó cho đến 30.4.1975, ông hoàn toàn “đứt liên hệ” với tổ chức kháng chiến. Ông nói, không phải ông “có ý đồ chính trị” gì. Chỉ bởi bản tính ông vừa nhút nhát vừa thiệt thà nên làm công chuyện “nửa kín nửa hở” có nhiều nguy cơ hại mình và cả hại lây người khác. Nhưng ông tự tin mình là người yêu nước. Mà đã yêu nước thì trong trường hợp nào cũng có cách để giữ được lòng thành. Tuy thế, nhiều phen ông cũng phải đối mặt với hoàn cảnh khó xử. Một thí dụ là chuyện ông được “mượn” đi nhìn mặt nhà văn Xuân Vũ, khi nhà văn này từ chiến khu chạy ra Sài Gòn. Chuyện nhìn mặt xảy ra chỉ hơn một phút mà không ít gay cấn, hồi hộp.
Một bữa, ông Sơn Nam đến nhà in của báo để viết bài (nhiều truyện dài đăng thường kỳ trên báo vẫn được ông viết tại chỗ như vậy). Lúc sau có anh thợ xếp chữ cho hay, trước cửa nhà in có xe Công an đậu với mấy tay dọ thám lai vãng. Anh em lo vì biết ông có “thành tích” từng ở trong chiến khu. Quá trưa ông không dám ra về, vì nếu bị bắt ở đây thì vẫn còn người hay biết. Bài viết thì xong rồi, ông đang ngồi ăn ổ bánh mì thịt mới nhờ anh thợ in đi mua, tay nhân viên Công an xuất hiện và cười. Tay công an này nói rằng sáng giờ có hơi làm phiền ông, chỉ là do chánh phủ muốn ông giúp cho một việc. Việc không thể khác, ông phải lên xe theo họ.
Ông hơi lạ khi thấy mình bị chở đến cơ quan chiêu hồi (ông có nói địa chỉ số nhà và tên đường, nhưng tôi không còn nhớ). Ông được đưa vào một phòng kín, có tay mang hàm trung tá an ninh quân đội ngồi sẵn. Tay trung tá chỉ ghế bên cạnh mời ông ngồi và “thanh minh”: “Chắc là sáng giờ mấy thằng em tôi làm phiền ông”. Rồi anh ta hỏi thẳng không rào đón, rằng hồi kháng chiến trong bưng, ông có biết nhà văn Xuân Vũ? Ông nói không biết, nhưng khi tay Trung Tá nói tên thật của Xuân Vũ là Triết, thì ông nói rõ là biết, vì hồi đó có lúc hai người ở chung cơ quan. Sau đó cuộc nhìn mặt diễn ra. Cửa mở, Xuân Vũ đi vào và được “dặn dò”: đi tới, đứng lại, nhìn thẳng, sau đó quay lui, cửa đóng. Ông trả lời, người vừa rồi đúng là tên Triết, nhưng mập hơn hồi xưa nhiều. Chuyện đi Bắc tập kết thì ông biết, còn chuyện anh ta trở thành nhà văn Xuân Vũ thì không. Tay trung tá còn nói tếu rằng, do ăn gạo quốc gia mấy tháng rồi nên Xuân Vũ mới mập ra. Ông cũng nói chơi chơi là mình cũng ăn gạo quốc gia cả chục năm mà sao không mập. Tay trung tá: “Chắc tại ông chê sữa Mỹ”.
Ra khỏi cổng cơ quan chiêu hồi, người nhân viên an ninh “áp tải” ông vô một quán đối diện, biểu ngồi chờ, tự do gọi la-de và thức ăn, vì khoản này chánh phủ bao. Anh nhân viên đi vào chừng mười phút sau thì Xuân Vũ một mình đi ra. Cuộc hội ngộ của hai ông bạn kháng chiến cũ kéo dài cả giờ. Ông hỏi Xuân Vũ ở trổng đang êm quá mà ra đây làm gì? Xuân Vũ nói, anh ơi (Xuân Vũ nhỏ tuổi hơn Sơn Nam) ở trổng nó vắt chanh bỏ vỏ. Sơn Nam cười rồi nói, ông mở mắt mà coi ít ngày sẽ thấy, ngoài này nó cũng vắt chanh bỏ vỏ như thường (Sơn Nam có cách ứng xử luôn gọi người đối diện là ông, dù người đó nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều). Rồi ông khuyên Xuân Vũ có nhận tiền thưởng thì đừng có sa đà với đám này đám nọ, hãy dành tiền mà mua một chiếc Honda 67, để khi không kiếm được tiền thì còn chạy xe ôm kiếm sống. Nếu có đem vợ con lên Sài Gòn thì gom tiền mua cho vợ cái tủ thuốc lá, kiếm góc đường thuận tiện nào đó ngồi bán, lượm bạc cắt nhưng có thể sống được. Làm văn nghệ ở ngoài này là phải tự sinh kế thôi. Khi chia tay, Xuân Vũ có hỏi nếu muốn kiếm Sơn Nam thì kiếm ở đâu. Ông nói, đừng có rà rê kiếm nhau, không khéo người ta nghi tụi mình móc nối hội họp. Dư biết cuộc trò chuyện này được “lắng nghe” đầy đủ, nhưng Sơn Nam muốn nói lớn, nói thẳng cho mọi chuyện được “ra công khai”.
Trưa ngày 14.8.2008, tôi có gặp Võ Đắc Danh. Danh nói mới vừa gọi điện cho ông Sáu Tuấn, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Nội dung cuộc gọi là để hỏi ông Sáu Tuấn vì sao không kiếm khoảnh đất nào đó ở Kiên Giang để đem ông Sơn Nam về nằm và sau đó biến nơi này thành một địa chỉ văn hóa của tỉnh. Ông Tuấn trả lời là không nghe lãnh đạo TP.HCM hay Hội nhà văn Việt Nam bàn bạc gì với mình. Ông Lê Văn Thảo cũng cho biết, khi ông Sơn Nam mất, ông Thảo có gọi điện báo cho tỉnh ủy Kiên Giang. Động tác duy nhất của tỉnh Kiên Giang sau đó là cử ông gì đó Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh tham gia vào ban lễ tang, thực chất là ghi tên vào.
Ngày đưa ông Sơn Nam ra nghĩa trang (sáng 16.8.2008), tôi có hẹn cùng đi với anh Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị). Hôm hay tin ông Sơn Nam mất, anh Bảy Nhị từ An Giang đã gởi vòng hoa viếng. Nhưng đột nhiên trong đêm anh gọi điện thoại: “Tao muốn đưa ông già”. Anh Bảy Nhị chỉ là một độc giả mến mộ Sơn Nam như nhiều độc giả. Nhưng hồi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, anh có một cái lệnh khá lạ lùng. Lệnh đó nói rằng, các địa phương trong tỉnh có muốn đốn hạ một cái cây cổ thụ từ bảy, tám chục tuổi trở lên, bất cứ cho mục đích gì, đều phải hỏi ý kiến anh. Anh nói, cây cao bóng cả là bia chứng của đất đai, là dấu tích của lịch sử.
Trong những ông anh chơi quen thân, tôi có hơi ngán ông anh này. Cho nên, 5 giờ 20 sáng mới làm lễ truy điệu ông Sơn Nam mà 4 giờ tôi đã thức. Nhưng nghĩ mãi, sau cùng tôi tắt điện thoại và không đi. Tôi đành chịu lỗi với anh Bảy Nhị. Nhưng tôi không thấy có lỗi với ông già, ông Sơn Nam, vì bụng tôi không muốn đưa ông đi đâu cả. Hơn nữa, tôi biết mình còn vài việc, dù rất nhỏ, phải làm với ông. Cũng muốn nói thật, tôi không muốn đưa tiễn ông Sơn Nam vì tôi biết ở đó có mấy người, suốt ba năm trời ông Sơn Nam nằm một chỗ họ chẳng một lần tới thăm, thế mà khi hay tin ông mất họ cố tìm cách để có tên mình trong ban lễ tang và trong cuộc đưa đám này chắc chắn họ đi hàng đầu.
Như chuyện Tái Ông mất ngựa, trong cái buồn cũng có cái vui. Cuối cùng thì ông Sơn Nam cũng có riêng cho mình được 80 m2 đất, là khuông viên đất nơi ông nằm mà Bình Dương đã dành riêng cho ông trong nghĩa trang Chánh Phú Hòa, ở vị trí đẹp nhất. Sáng 13.8.2008, khi ông Nguyễn Văn Thiền đưa chúng tôi (nhà thơ Chim Trắng, Nguyễn Trọng Nghĩa và tôi) lên xem trước nơi sẽ mai táng ông Sơn Nam, mấy người thợ xây của công ty ông Thiền đang hối hả trộn bê tông để xây huyệt mộ.
Từ thị xã Thủ Dầu Một lên nghĩa trang công viên Chánh Phú Hòa là 27 cây số. Từ Sài Gòn lên đây còn xa hơn. Từ Kiên Giang lên đây còn xa hơn nữa. Nhưng, tôi nghĩ , với nhà văn Sơn Nam thì nó chẳng xa xắc gì. Bởi đất này cũng là đất Hai Huyện thời ông Nguyễn Hữu Cảnh, cũng là đất Gia Định trong sách của Trịnh Hoài Đức.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hữu Loan..

Hữu Loan bây giờ

Ngày xưa (và ngày nay nữa) tôi rất mê ca khúc "Áo anh sức chỉ đường tà" do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ "Đồi tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan. Hay lắm. Bài nhạc mang âm điệu bi hùng, nhưng tình cảm, nghe hoài không chán. Bài thơ này được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc (trong đó có bài mang hơi hám "sến" như bài của Dũng Chinh), nhưng tôi vẫn thấy bài của Phạm Duy hay hơn nhiều.

Đến hôm nay đọc bài này mới biết Hữu Loan vẫn còn sống và từng có một cuộc đời đầy sóng gió ... Xin giới thiệu cùng các bạn một bài viết mà tôi cho là hay.

NVT

========

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=109475&ChannelID=7
Tác giả 'Màu tím hoa sim' ngày ấy, bây giờ...
TP - Cả ba lớp cửa từ đường làng vào vườn, vườn vào sân, sân vào nhà của nhà thơ Hữu Loan đều khép hờ. Ai ra vào tuỳ ý. Nhưng xem ra cũng ít người qua lại, trừ đám trẻ, như bà cụ hàng xóm nói, chúng kéo đến vào mùa nhãn, cho đến khi bói không ra một quả, rồi thôi,...
Nhà thơ Hữu Loan - Ảnh từ Internet
Bà cụ hàng xóm mau mắn: Các bác có lòng đến thăm cụ Tú thì cứ vào, chứ gọi cửa cũng không có người ra đón đâu. Cụ Tú con đàn cháu đống, ra ở riêng cả rồi, về già chỉ còn lại hai cái bóng mướp. Cụ Tú có nhà đấy, chắc lại đang ngồi ngắm rượu.
Nhà thơ đang ngồi ngắm rượu thật, trên manh chiếu trải ngoài hiên, tựa lưng vào tường, hai đầu gối so lên cằm, mái tóc bạc trắng rũ xuống, mắt nhìn đắm đuối vào chén rượu trên tay.
Mâm bát sơ sài, chỉ một quả chuối xanh, nhúm muối và đôi đũa lệch. Nhà văn xứ Thanh Kiều Vượng nói với tôi, mỗi năm vài lần đến thăm Hữu Loan, lần nào cũng gặp ông ngồi nhìn chén rượu thế kia, chỉ nhìn mà ít uống.
Ông đang sáng tác hay chỉ ngồi ngắm chén rượu như một thói quen của một thượng thọ ngoài tám mươi? Tôi không biết. Kiều Vượng cũng chịu. Chỉ có nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, cùng quê Nga Sơn, từng nhiều lần hầu rượu ông Loan, thì dám chắc thi sĩ đang nghĩ về thơ đấy, nghĩ lạ lắm, chả giống ai.
Đời thơ của ông bắt đầu từ Đèo Cả, khép lại là Hoa lúa, vỏn vẹn mươi bài, nhưng ông nghĩ về thơ, người thơ, cõi thơ thì cả đời, nếu chép ra thì cả bộ trường thiên.
Thi bá cho rằng thơ thuộc về âm, nghĩa là thuộc về đêm, thuộc về trăng, con nước, thuộc về đàn bà. Người nào có sao Thái âm đóng cung mệnh, người đó mới làm được thơ, mới trở thành nhà thơ.
Thơ thuộc hành thuỷ, mềm đấy mà cứng đấy, thấy trước mặt mà không nắm được trong tay, ngỡ là hữu hình mà hoá ra vô hình. Bởi vậy trong thơ thường có trăng, có sông, lại khăng khít với nhau, tạo những suối nước.
Ngày trăng viên mãn, thì nước ngập tràn. Ngày trăng hao mòn thì con nước ngẹn ngào. Bản chất của thơ là buồn, là cô đơn, là hiu quạnh. Khi vui người ta hát. Khi buồn người ta đọc thơ.
Kiếp nhân sinh có vui có buồn. Khi buồn người ta cần có thơ để vịn mà đi. Thơ trường tồn là vậy. Bao nhiêu rượu quê Nga Sơn, bao nhiêu chiều ngồi ngắm rượu trên tay của một đời thơ để ông cảm về thơ, nghĩ về thơ tràn đầy và thâm hậu đến như vậy ?
Nhà thơ ngồi đó, trước mặt tôi, như ngồi để chờ một phép lạ giúp ông được tan vào thứ ánh sáng vườn chiều sâm sẫm bò loang trên cỏ rác.
Giá thử không có chúng tôi đánh động thì cơ chừng ông sắp tan vào chiều quê thật. Được thế thì sướng quá, nhưng trời lại chưa cho nên xem cái dáng ông ngồi ngắm chén rượu thấy cái vẻ thi nhân chưa được thư thái, mãn nguyện, buông xuôi sự đời của trưởng lão, mà vẫn như để tự giam mình cho đến cõi khổ tận cam lai của đời người bao vuông tròn...
Trong các nhà thơ thuộc thế hệ đầu cách mạng, có lẽ Hữu Loan là người nhiều bước thăng trầm hơn cả. Ông người quê nghèo Nga Sơn, Thanh Hoá, từ nhỏ, nói như Nam Cao, ít khi được thoả cơm nhưng ham học, lại sáng dạ nên hai mươi tuổi đã đậu tú tài.
Đến tận bây giờ bà con láng giềng vẫn cứ một cụ Tú Loan, hai cụ Tú Loan là vậy. Cậu Tú học trường Tây, nhưng không đi làm cho Tây ở Sở Dây thép, mà mở trường dạy trẻ và hoạt động trong phong trào Mặt trận Bình dân rồi tham gia Việt Minh.
Những ngày cách mạng Tháng Tám ông 29 tuổi, được cử làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn.
Trong cuộc mít tinh phát động Tuần lễ vàng, hàng ngàn người xứ Thanh vây quanh anh cán bộ Việt Minh trẻ, đẹp trai, diễn thuyết dõng dạc đầy cảm hứng và mới mẻ về cách mạng, về chính quyền nhân dân, về nghĩa vụ người dân với nước Việt mới độc lập có sức cuốn hút kỳ lạ, khiến cho nhiều người sẵn sàng góp công, góp của ủng hộ kháng chiến.
Anh cán bộ Việt Minh tài hoa ấy chính là Hữu Loan, thành viên Uỷ ban Lâm thời tỉnh Thanh Hoá, phụ trách bốn ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính.
Cũng buổi sáng diễn thuyết này có cô học trò 16 tuổi vô cùng ngưỡng mộ tài hoa cậu Tú Loan ngày nào đã cởi vòng xuyến vàng góp cho kháng chiến.
Kháng chiến bùng nổ, Hữu Loan làm công tác tuyên truyền, phụ trách tờ báo Chiến sĩ ở Mặt trận miền Trung.
Hữu Loan có chuyến đi công tác nhớ đời, giống tráng sĩ, cưỡi con ngựa đực bất kham từ Huế rong ruổi dọc miệt rừng miền Trung, đến với các đội quân mới từ thành phố, làng quê đồng bằng kéo lên bưng biền, tựa thế hiểm của núi non hùng vĩ dựng trận địa, bước vào cuộc chiến đấu lần thứ nhất đầy khí phách: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Thay vì viết những phóng sự, chủ bút Hữu Loan lấy thơ để diễn tả những tình cảm trào dâng trước thiên nhiên và người lính vạm vỡ, gân guốc, đầy nhiệt huyết buổi đầu cách mạng
Đèo Cả !
Đèo Cả !Núi cao ngất !Mây trời Ai LaoSầu đại dươngDặm về heo hútĐá bia mù sương !Bên quán Hồng quânNgườingựamỏiNhìn dốcngồi thanthương ailênđường... Râu ngượcchào nhau bên sườn núiGiặc từ vũng Rô bắn tớiGiặc từ trong tràn raNhưng Đèo CảvẫngiữvữngChân đèo nammáu giặcbao lầnnắng khôSau mỗi lần thắngNhững người lính Đèo CảVề bên suốiđánh cờNgười hái cam rừngăn nheo mắtNgười vá áothiếu kimmài sắtNgười đập mảnh chai vểnh cằmcạo râuSuối mang bóng ngườisoinhữngvềđâu ? !
Sau này nhìn lại lịch sử văn học cách mạng, Đèo Cả cùng với Nhớ máu của Trần Mai Ninh được xếp lên vị trí mở đầu thời đại thơ ca mới.
Nhưng bấy giờ với Hữu Loan, Đèo Cả chỉ như lời tâm sự ông dồn nén, về cuộc kháng chiến sinh tử của dân tộc, viết để gửi cho một người đọc, cô Đỗ Thị Ninh, người học trò cũ đã hào phóng cởi xuyến vàng góp cho kháng chiến.
Họ nên vợ nên chồng vào hai năm sau đó, đầu năm 1948, bấy giờ Hữu Loan là cán bộ tuyên huấn của một đơn vị chủ lực.
Trong chiến tranh thật khó có hạnh phúc trọn vẹn. Chỉ bảy tháng sau ngày cưới, Hữu Loan đang ở chiến trường, nhận tin vợ mất. Tráng sĩ Hữu Loan khóc vợ bằng Màu tím hoa sim làm xúc động bạn đọc nhiều thế hệ.
Tôi người Vệ quốc quânxa gia đìnhYêu nàngnhư tình yêu em gáiNgày hợp hônnàng không đòimay áo mớiTôi mặc đồ quân nhânđôi giày đinhbết bùn đất hành quânNàng cười xinh xinhbên anh chồng độc đáoTôi ở đơn vị vềcưới nhau xonglà điTừ chiến khu xa....nhớ về ái ngạiLấy chồng đời chiến chinh mấy người đi trở lạiNhỡ khi mình không vềthì thươngngười vợ chờbé bỏngchiều quê !... Chiều hành quân qua những đồi hoa simnhững đồi hoa simNhững đồi hoa sim dàitrong chiềukhông hếtMàu tím hoa simTímchiều hoangbiền biệtNhìn áo rách vaitôi hát trong màu hoa“áo anh sứt chỉ đường tàVợ anh mất sớmmẹ già chưa khâu”
Từ đây, sau Màu tím hoa sim nỗi đau riêng về hạnh phúc làm thay đổi tâm tính thi nhân. Chiến binh Hữu Loan hào hoa, phong trần, cưỡi ngựa, đeo gươm ra trận làm thơ hào sảng đổi chỗ cho một Hữu Loan thâm trầm, sâu nặng tình nghĩa con người.
Hoa lúa, Yên Mô, Những làng đi qua... những bài thơ sau nỗi đau Màu tím hoa sim là những chấm phá tình quê, tình người kháng chiến...
Hữu Loan đi qua chín năm kháng chiến với mười bài thơ. Và đó cũng là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Sang hòa bình, sóng gió của những đổi thay đã đẩy ông rẽ sang hướng khác.
Nhà thơ Hữu Loan và các bạn văn nhiều thế hệ (tác giả ngồi ngoài cùng, bên phải)

Bước thăng trầm của ông bắt đầu từ cuối năm 1957. Một đêm Hà Hội nhiều sương muối, buốt giá, ông và nhạc sĩ Văn Cao trắng đêm dạo quanh hồ Thiền Quang. Đến sáng thì Văn Cao tiễn ông ra bến xe để ông trở về quê Nga Sơn kiếm kế sinh nhai.
Bấy giờ Nga Sơn, Thanh Hóa quê ông nghèo lắm. Ông lại tay trắng dắt vợ con về, biết sống sao đây. Buổi chiều đầu tiên về thôn Vân Hoàn, thay vì đi thăm hỏi láng giềng ông cắp be rượu lên núi đá đầu thôn.
Bạn ông, người cùng thời, nhà thơ Trần Dần có câu thơ làm ông sởn gai ốc: Cuối phố có ngọn đèn thắt cổ / Hãy chỉ cho tôi chỗ nào tôi đổ bớt tôi đi. Trần Dần đổ nỗi buồn thi nhân thăm thẳm vào đâu, ông chưa hình dung ra, nhưng với ông, ở Nga Sơn này, ông chỉ còn biết đổ lên đá mà càm cắp vợ con qua cơn giáp hạt.
Vốn có sức như trai lực điền, lại ở bước cùng, không thể ngồi ngâm thơ nhìn các con hết gạo, ông tưới rượu lên mặt đá mà thề sẽ bám đá để sống.
Một chiếc xe cút kít. Một đôi quang sắt. Một xà beng. Một cuốc chim. Một chiếc đòn gánh bằng cả khúc tre ngâm. Ông nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các lò thợ làm cối, làm thớt, làm kê chân cột và làm vật liệu xây dựng.
Bán cả chục xe đá mới kiếm đủ ngày hai bữa cơm dưa muối cho đàn con. Đã thế, nhiều khi ế ẩm, đá chất đầy vườn, cả tháng không ai hỏi mua. Một năm, hai năm, ba năm...
Hữu Loan trở thành người thợ đá da đen như sừng, chân tay sần sẹo, tua tủa tóc rễ tre, đi đứng nói năng mạnh mẽ. Cặm cụi vật lộn với núi đá ông nuôi cả mười đứa con khôn lớn.
Đến giờ cả mười đứa con đã có chín nên vợ nên chồng, sinh cho ông đàn cháu 37 đứa. Chỉ còn cậu út là chưa lập gia đình.
Hữu Loan thôi bám núi đá đã mười năm nay. Ông lui về nhà, trải chiếu trên thềm, ngày ngày ngồi uống rượu, ngắm rượu và ngóng đợi con cháu về thăm nhà, ngóng đợi những chuyển động đổi thay của làng xóm, của gia đình mình, của phận mình.
Dằng dặc ngóng đợi, vận may cũng đã đôi lần gõ cửa nhà ông. Bắt đầu là toà soạn báo Văn nghệ, cơ quan ông công tác gần bốn mươi năm trước đưa đến tận nhà cho ông sổ hưu, với mức lương gần hai trăm ngàn đồng/tháng.
Rồi chờ thêm vài năm nữa ông được xuất bản tập thơ đầu tiên trong đời, tập Màu tím hoa sim với mười bài thơ ông viết từ thời kháng chiến.
Lại đợi, ông được trời ban phúc, con trai út, chú bé ra đời trên lèn đá tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Cậu út kiến trúc sư đang tham gia quy hoạch Dự án bảo tồn khu di tích Bác Hồ ở Kim Liên, Nghệ An.
Nghe tin con thành đạt ông cứ ngẩn ngơ tiếc nuối, giá còn sức như ngày nào, ông sẽ chở một xe cút kít đá ở cái núi đá từng nuôi sống gia đình ông về tận Kim Liên mà góp cho dự án bảo tồn một vài viên đá lát đường.
Không biết có còn vận may nào đến nữa không, Hữu Loan vẫn chờ. Cái chỗ bao nhiêu năm ngồi uống rượu, ngắm rượu và chờ đợi, mồ hôi thấm lên tường hình một bờ vai. Hình bờ vai lún dần, lún dần xuống thấp, có dễ không lâu nữa ngả hẳn xuống gần mặt chiếu.
Tôi ghé sát tai ông:
- Thưa bác, bác có làm thơ nữa không?
Hữu Loan vẫn nhìn chén rượu:
- Có. Nhưng toàn thơ đểu - Bỗng nhiên ông cất tiếng cười, cười khà khà, mãn nguyện.
- Bác thử đọc vài câu thơ đểu cho con nghe với nào ?
Hữu Loan ngồi im. Lát sau ông nói :
- Đọc Đèo Cả thì đọc, chứ đọc thơ đểu phí rượu.
Rồi ông như người bất ngờ vùng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, tinh nhanh, hoạt bát hẳn ra, giọng vang và còn sáng. Ông đọc hết Đèo Cả không hề vấp váp. Đọc xong, ông vơ lấy chén rượu, nhưng không uống, chỉ nhìn mà nước mắt rơi.
Hà Đình Cẩn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bạn đã đọc Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) chưa?



Tác giả là một nhà văn Mĩ gốc Việt mới được trao giải thưởng văn chương Pulitzer (1). Tôi đã đọc nhiều bài luận văn (essay) của tác giả trong quá khứ, và thấy rất thích. Lúc đó, tôi nghĩ anh này là một niềm hi vọng Nobel cho văn học Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa: VTN đúng là một văn tài.




VTN còn tương đối trẻ (sinh năm 1971, tức là mới 45 tuổi). Sinh ra ở Ban Mê Thuột, theo gia đình sang Mĩ tị nạn năm 1975, cái năm mà VTN viết rất đúng "a year which brought enormous changes to many things, including the Vietnamese language" (cái năm đem lại nhiều đổi thay, kể cả thay đổi tiếng Việt). Ngày nay, VTN vừa là một Associate Professor của USC (University of Southern California), vừa là một nhà văn. Như vậy, anh vừa là một nghệ sĩ vừa là một nhà khoa bảng. Cái nghề "khoa bảng" của anh giúp anh có cách cấu trúc câu chuyện rất "có nghề" (tinh tế, logic, cách tân); cái chất nhà văn làm cho tác phẩm của anh đậm chất nhân văn. Nhưng cái "căn cước tị nạn" theo tôi mới chính là cái làm cho anh ấy đặc thù trong những nhà văn Mĩ gốc Á châu.

Thật vậy, chính cái "căn cước tị nạn" này đã làm tiền đề cho nhiều sáng tác rất có giá trị, và làm cho tác phẩm của anh khác với các tác phẩm dòng chính. Hầu hết những tác phẩm và bài viết của VTN đều bàng bạt cái thân phận của người tị nạn. Chẳng hạn như anh viết "I am a refugee who, like many others, has never ceased being a refugee in some corner of my mind" (tôi là người tị nạn, và cũng giống như nhiều người khác, cái thân phận tị nạn không bao giờ xoá nhoà được, mà nó tồn tại đâu đó trong tâm tưởng của tôi). Anh phân biệt giữa người tị nạn và người di dân rất hay (1), rằng người di dân có một cái điểm kết cục, còn người tị nạn thì như là những bóng ma:

"Immigrants are more reassuring than refugees because there is an endpoint to their story; however they arrive, whether they are documented or not, their desires for a new life can be absorbed into the American dream or into the European narrative of civilization.

By contrast, refugees are the zombies of the world, the undead who rise from dying states to march or swim toward our borders in endless waves."

Là một "boat people", tôi thấy nhiều bài luận văn của VTN như là nói hộ cho tôi. Mai mốt đây, anh ta còn cho ra mắt tác phẩm "The Refugees" mà tôi nhất định phải mua cho được. Một trong những tác phẩm có giá trị của anh là "The Sympathizer" (Cảm Tình Viên) mới được trao giải thưởng danh giá Putlizer.

Cảm Tình Viên kể lại một câu chuyện phức tạp thời hậu chiến Việt Nam về một điệp viên cộng sản nằm vùng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi cuộc chiến kết thúc, người điệp viên trốn sang định cư ở Mĩ với nhiệm vụ trà trộn vào cộng đồng người người tị nạn để thu thập thông tin về hoạt động của cộng đồng. Do đó, ông ta là người có cái nhìn toàn cục, ông ta có cảm tình với phe cộng sản và cộng hoà. Cuốn sách bắt đầu với câu "I am a spy, a sleeper, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds. [..] I am simply able to see any issue from both sides." (Tôi là một gián điệp, một kẻ nằm vùng, một người có hai mặt. Có lẽ không ngạc nhiên rằng tôi cũng là một kẻ có hai cái bộ óc […] Một cách đơn giản, tôi có khả năng nhìn bất cứ vấn đề nào từ hai phía.)

Câu chuyện được kể với nhiều tình tiết hồi hộp, gay cấn. Bằng một văn phong thông minh tuyệt vời, tác giả phân tích sự giằng xé tâm can của nhân vật điệp viên, và sự chông chênh của người tị nạn Việt Nam trên đất Mĩ. Cái hay của tác phẩm là Viet Thanh Nguyen qua ngòi bút tuyệt vời của mình phác hoạ ra một nhân vật hư cấu hết sức phức tạp. Đó là một nhân vật "tôi" sống bằng nội tâm, bị giằng co bởi phía bên này và phe bên kia. Đó là một nhân vật phức tạp, vì là con vô thừa tự của một ông cha, lớn lên trong làng quê, nhưng lại là một người với đầy đủ phẩm hạnh của một trí thức. Cảm Tình Viên không chỉ là một tác phẩm về gián điệp, mà còn là tác phẩm của ý tưởng. Nhiều ý trong đó rất hay. Ví dụ như anh ta nói rằng chiến tranh được diễn ra trên chiến trường và trong kí ức. Người Mĩ có thể thua trên chiến trường, nhưng người Mĩ thắng giòn giã trong kí ức. Tại sao? Tại vì người Mĩ có kĩ nghệ Hollywood!

VTN không chỉ viết văn hay và đẹp, mà trong mỗi bài luận văn và tác phẩm còn hàm chứa nhiều cái mà tiếng Anh gọi là "wisdom". Chính những ý tưởng mang tính wisdom này làm cho tác phẩm có giá trị và có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những wisdom của VTN là câu "All wars are fought twice, the first time on the battlefield, the second time in memory" (Tất cả chiến tranh đều được chiến đấu hai lần, lần đầu là ở chiến trường, lần thứ hai là trong kí ức). Câu này có vẻ rất phù hợp với cuộc chiến Việt Nam. Mặc dù cuộc chiến đã kết thúc 41 năm rồi, nhưng xem ra nó vẫn còn tiếp diễn, không chỉ trong kí ức, mà còn trên thế giới mạng và những nơi có đông người Việt định cư ở nước ngoài.

Trong một bài luận văn mới công bố trên NYT (2), anh viết một câu mà tôi muốn hiểu rằng văn chương đẹp không thể tồn tại trên cơ sở những thù hận, sợ hãi, chia rẽ, và bất công; mặt khác, văn chương tồi chỉ nói xấu hay ma quỉ hoá người ta ("Great literature cannot exist if it is based on hate, fear, division, exclusion, scapegoating or the use of injustice. Bad literature and demagogues, on the other hand, exploit these very things, and they do so through telling the kind of demonizing stories good literary writers reject.") Quá đúng, phải không các bạn. Mà, nó càng đúng cho loại "văn học đỏ" của Việt Nam nữa (3), và có lẽ chính vì thế mà VN chưa có một tác phẩm lớn sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Tôi phát hiện một điều là văn phong của Viet Thanh Nguyen còn là những bài học tuyệt vời cho việc học viết tiếng Anh. Bài náo của anh ấy cũng có những câu chữ rất đẹp trong đó, những câu chữ đáng được trích dẫn và suy nghiệm. Do đó, đối với các bạn còn học tiếng Anh (có lẽ 99.99% người Việt chúng ta đều như thế) thì nên tìm đọc những tác phẩm và bài luận văn của tác giả để có một nguồn tham khảo có giá trị nhân bản rất cao và rất đẹp.

====

(1) Giải Pulitzer là một giải thưởng danh giá không chỉ cho văn học, mà còn cho báo chí và nghệ thuật nữa. Nhà báo nào mà có giải thưởng này thì chúng ta phải biết đó là hạng elite, distinguished. Khác với giải Nobel, giải Pulitzer chỉ trao cho tác giả là người Mĩ. Giải Nobel trao cho thành tựu trọn đời, còn Pulitzer thì trao cho công trình trong năm qua. Nói đến giải này tôi nhớ ngay đến David Halberstam, Thomas Friedman, Nicholas Kristof. Và bây giờ thì chúng ta có Viet Thanh Nguyen! Thú thật, tôi thích mấy giải về văn học hơn là mấy giải vớ vẩn trong khoa học. Văn học hay hơn khoa học.

(2) http://www.nytimes.com/2016/12/10/opinion/sunday/trump-is-a-great-storyteller-we-need-to-be-better.html?_r=0

(3) Ví dụ như sáng tác kiểu này của một nhà văn có tiếng ở VN: "... Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng nguỵ bị mình xọc lê vào bụng, nghe ‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ."
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xứ Đoài mây trắng bay..: MỘT GIẢ THUYẾT VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI CỔ ĐẠI

Xứ Đoài mây trắng bay..: MỘT GIẢ THUYẾT VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THỜI CỔ ĐẠI: Tác giả: Dr. NGUYỄN TRỌNG MINH Bài viết này gợi mở một khả năng, vẽ nên đôi nét về thời bán sử Việt Nam trước công nguyên. Tôi ... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

"Tái cơ cấu nông nghiệp từ ‘đòn bẩy’ xóa hạn điền"


Đã từng làm việc với TS Sơn, tôi thích các ý tưởng độc đáo của ông; đặc biệt ông dám nói thẳng, nói thật tình hình và giải pháp cần thiết. Thật không hổ danh quý tử của tướng Đặng Kim Giang. Từ khi bước chân vào làm việc ở cơ quan nhà nước, tôi rất ác cảm mỗi khi đọc thấy những câu như: "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với...". Từ ngày ông Dũng lên làm Thủ tướng, câu này được áp dụng ở mọi cấp chính quyền. Điều này có nghĩa là quyền lực nhà nước không được thực thi bằng pháp luật, không do Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp quyết định, mà được thực thi bằng ý kiến chủ quan, độc đoán và đa phần vì lợi ích, mục tiêu riêng của các ông lãnh đạo.
TS Đặng Kim Sơn: Tái cơ cấu nông nghiệp từ ‘đòn bẩy’ xóa hạn điền
Quan niệm “tích tụ ruộng đất” một thời gian dài bị lên án, xếp xó… trong khi một hình thức khác đã hình thành, mang tính chất tinh vi hơn, thủ đoạn hơn và nhiều khi được hợp pháp hóa là “chiếm hữu đất đai”. Nên mạnh dạn thí điểm tích tụ ruộng đất / Chuyện điền thổ, biết rồi, nhưng… / TS Đặng Kim Sơn: Đổi mới nông nghiệp bắt đầu…
“Phải xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mới có được động lực mới trong CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn” – TS Đặng Kim Sơn. Tại cuộc tiếp xúc TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với hướng mở rộng hạn điền để nông nghiệp sản xuất lớn, tạo ra nông sản chất lượng cao, giá thành cạnh tranh.

Tuy vậy, câu chuyện đất đai nói chung và tích tụ ruộng đất nói riêng đã có nhiều khúc mắc trong nhiều năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý vấn đề đến nay vẫn tương đối chậm và chưa hoàn chỉnh.

Khúc mắc từ nhiều nguyên nhân

Điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, trước đây, chúng ta sợ phát triển giai cấp bóc lột nên tập trung đất đai vào hợp tác xã, nông trường quốc doanh, cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài cuối cùng mới cho phép chia đất cho nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, một số quỹ đất nằm trong các nông, lâm trường quốc doanh cũ nay chuyển thành các Cty của nhà nước vẫn bị quản lý trái phép và kém hiệu quả dưới các hình thức cho thuê, cho mượn, giao khoán… chậm được cổ phần hóa, chậm được chuyển sang quỹ đất phải thuê của nhà nước theo quy định.

Thứ hai, quan điểm công bằng kiểu cũ vẫn phổ biến. Kết quả dẫn đến tình trạng duy trì trong một thời gian dài luật lệ, chính sách hạn điền, thời gian giao đất, nhằm ngăn chặn tích tụ đất qui mô lớn. Lực lượng sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là các hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún ảnh hưởng đến hiệu quả, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp.
Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.

Thứ ba là do tư duy “lo lắng” về an ninh lương thực. Thực tế, khó khăn trong lịch sử và những biến động kinh tế khó lường trên thế giới củng cố tâm lý muốn giữ vững quỹ đất lúa để có thể đảm bảo lương thực trong mọi tình huống trong tương lai lâu dài, đó là căn cứ để áp dụng các chính sách cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đa dạng các loại đất nông nghiệp khác. Đây cũng là yếu tố làm cho quá trình sử dụng đất theo cơ chế thị trường chậm lại.

Thứ tư, động lực đổi mới của chúng ta còn trì trệ, năng lực hoạt động yếu kém của một số cơ quan quản lý nhà nước điều này tạo nên các cơ chế, qui định, thủ tục mang tính xin cho, bao biện, đồng thời lẩn tránh trách nhiệm.

Trong khi đó, đất đai khác với các loại hàng hóa khác, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai không chỉ diễn ra giữa người mua và người bán mà phải có sự tham gia của bên thứ 3 là cơ quan quản lý đất đai của Nhà nước các cấp.

Thứ năm, là do thị trường đất đai luôn được gắn với thị trường lao động, trong khi hiện nay thị trường lao động chưa vận hành một cách thuận lợi. Vì vậy, mặc dù người lao động không còn làm ruộng nhưng vẫn phải cố giữ đất đai coi như vật “bảo hiểm” gặp khó khăn còn có chỗ quay về sản xuất.

Tình trạng bất định của thị trường lao động khiến thị trường đất đai không vận hành được một cách thuận lợi, không linh động để có thể chuyển đổi, tích tụ vào tay những người cần đến và sử dụng hiệu quả nhất.

Thay đổi từ tư duy

Để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều kiện tiên quyết là cần giải quyết bài toán tích tụ đất đai đạt hiệu quả. Trong đó, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý điều hành, trước hết phải bỏ tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất.

Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn. Do vậy, chỉ nên hỗ trợ cho những người làm nông nghiệp tốt có điều kiện để tích tụ thêm đất phục vụ cho sản xuất trang trại quy mô lớn.

Còn với những người có cơ hội chuyển sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hoặc làm thuê ổn định cần được hỗ trợ bằng chính sách thích hợp để ổn định sinh kế mới.

Chính vì thế, việc đầu tiên là phải tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường lao động vận hành. Người lao động dù làm bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có nghiệp đoàn, tổ chức. Nếu lao động vận hành theo đúng cơ chế thị trường như vậy thì thị trường đất đai mới vận hành theo được.

Cùng với đó, việc tích tụ ruộng đất phải gắn liền với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để thu hút các DN đầu tư vào nông thôn. Quyền sử dụng đất phải được coi là hàng hóa, được chuyển nhượng, thuê mướn, liên doanh theo đúng cơ chế thị trường.

Vai trò chứng nhận tạo thủ tục Nhà nước phải đơn giản hóa một cách tối đa, thực hiện theo cơ chế thị trường với chi phí giao dịch thấp nhất, thời gian nhanh nhất, minh bạch và đơn giản…

Hơn nữa, theo Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực ĐBCL; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, vì vậy cần sửa đổi.

Vì vậy, nông nghiệp muốn bứt phá lên được thì phải tập trung được đất đai để có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để những người nông dân yên tâm đầu tư chiều sâu. Nói cách khác, phải xóa bỏ hạn điền và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp mới có được động lực mới trong CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

TS Đặng Kim Sơn
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
http://tiepthithegioi.vn/nong-nghiep/chinh-sach/ts-dang-kim-son-tai-co-cau-nong-nghiep-tu-don-bay-xoa-han-dien/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làm gì để gỡ "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam


Bản chất của chế độ này không chấp nhận cả hai giải pháp của GS Harvard: Phát triển kinh tế tư nhân và kêu gọi người Việt về xây dựng đất nước. Gần đây báo chí rùm beng chuyện Hội nghị Việt kiều toàn thế giới họp ở Sài Gòn (toàn các bô lão quá già và những người chỉ thích về nước du lịch) và Thủ tướng nghe các nhà khoa học, chuyên gia góp ý. Kịch bản y như thời ông Dũng làm Thủ tướng: Nghe mà không hiểu, lỡ hiểu thì kiên quyết không làm theo. Vậy nên đất nước này vẫn chưa có tương lai. 
GS Đại học Harvard tư vấn cách gỡ "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam
Một trong những cách “khơi thông” điểm nghẽn, theo giáo sư chính là việc Việt Nam phải tận dụng được lợi thế của mình, hiện là một nước thu hút được FDI. Trong đó, đáng kể đến là 3 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, họ được tiếp cận công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, được tiếp xúc với máy móc công nghệ cao. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, Việt Nam liệu có biết cách lan toả những lợi thế đấy không.

Với những câu chuyện của mình, mới đây, GS. Ricardo Hausmann, Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard đã gợi ý cho Việt Nam những cách thức để “gỡ nút thắt” trong tăng trưởng kinh tế.

Nhận xét về kinh tế Việt Nam, vị giáo sư người Mỹ cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, sánh ngang với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cụ thể, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 4,3 lần so với năm 1986. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã thay đổi từ gạo, tôm cá… sang các sản phẩm điện tử. Hiện, năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam xếp tứ 27/123 nước trên thế giới.

Dù vậy, GS. Ricardo vẫn thẳng thắn khi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ được chất và lượng. Theo đó, tốc độ nhanh nhưng chưa thực chất, bền vững.

"Quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc sau 30 năm, dân số nông thôn giảm 50%. Tại Trung Quốc, dân số nông nghiệp sau 30 năm qua cũng giảm 30%, còn tại Việt Nam sau 30 năm qua, dân số nông thôn, nông nghiệp vẫn chiếm 60%, chỉ giảm trên 10% so với trước. Tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tôi đang đặt câu hỏi phải chăng các điểm nghẽn của nền kinh tế đang ngáng đường, khiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm chạp, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển chậm hơn so với khu vực", G.S Ricardo nói.

Một trong những cách “khơi thông” điểm nghẽn, theo giáo sư chính là việc Việt Nam phải tận dụng được lợi thế của mình, hiện là một nước thu hút được FDI. Trong đó, đáng kể đến là 3 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, họ được tiếp cận công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, được tiếp xúc với máy móc công nghệ cao. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, Việt Nam liệu có biết cách lan toả những lợi thế đấy không.

Dẫn ra câu chuyện ở Bangladesh, khi tập đoàn Deawoo sang nước này đầu tư vào ngành dệt may, tập đoàn này đã chọn ra 80 lao động ưu tú và đưa sang Hàn Quốc học tập rồi về lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, 80 người này đã bỏ ra ngoài làm riêng, thành lập hơn 80 doanh nghiệp tư nhân, dần trở thành doanh nghiệp vệ tinh của Deawoo và trở thành những ông chủ thực sự trong ngành dệt may của đất nước.

Một câu chuyện tương tự là hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc. Trước đó, họ chỉ là nhà máy cung cấp linh kiện cho thương hiệu máy tính Thinkpad của IBM (Mỹ). Nắm bắt thời cơ, họ đã tiến dần từ nhà cung cấp linh kiện, thành đối tác rồi cuối cùng mua lại toàn bộ thương hiệu máy tính trên.

Từ 2 câu chuyện, vị giáo sư người Mỹ đặt ra câu hỏi 3 triệu lao động Việt Nam liệu có “mạnh dạn” đứng ra thành lập doanh nghiệp khi học hỏi được công nghệ, thủ thuật của nước ngoài không.

Và để hiện thực hoá ý tưởng đó, ông cũng đề nghị Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ nguồn lực đúng chỗ, hiệu quả, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ…

Mặt khác, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần phải tạo cơ chế để kêu gọi người Việt về xây dựng đất nước.

Lần này, ông lại tiếp tục liên hệ với chuyện ở Trung Quốc. Theo đó, vị này cho biết nước này đã có những chính sách kêu gọi Hoa Kiều quay về phát triển đất nước. Nhờ đó, đã có nhiều người Hoa ở Hong Kong, Singapore quay trở về đem theo vốn, công nghệ phát triển quay về cố hương.

“Hãy thay đổi cách thức, xây dựng cơ chế để kéo kiều bào trở về Việt Nam đóng góp cho phát triển", GS. Ricardo cho biết.
http://cafef.vn/gs-dai-hoc-harvard-tu-van-cach-go-nut-that-cua-nen-kinh-te-viet-nam-20161214144408322.chn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Trump nói gì với Thủ tướng Việt Nam?


Văn phòng của người sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng Giêng cho hay rằng ông đã “nhận lời chúc mừng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc” tối hôm 14/12. Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ mới cho biết đã nhận điện thoại của Thủ tướng Việt Nam, sau khi tin cho hay ông Phúc nói với ông Trump rằng Hà Nội “coi trọng quan hệ với Mỹ”.

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump và 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thông cáo viết tiếp: “Tổng thống đắc cử và Thủ tướng [Việt Nam] đã thảo luận nhiều mối quan tâm chung và đồng ý cùng nhau tiếp tục củng cố quan hệ giữa hai quốc gia”. Tuyên bố của phe ông Trump không nói rõ “mối quan tâm chung” đó là gì, nhưng hai vấn đề được báo chí Việt Nam đề cập nhiều thời gian qua là “số phận” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP và tranh chấp biển Đông.

Về phía Hà Nội, một bản tin ngắn trên trang web của chính phủ trong nước cho biết rằng ông Phúc đã “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ”.

“Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua, những tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước và khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng thúc đẩy quan hệ”, bản tin viết tiếp.

VGP News cho biết rằng “hai nhà lãnh đạo đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới”.

Ít lâu sau khi ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton, và trở thành tổng thống đắc cử Mỹ tháng trước, ông Phúc nói rằng "Mỹ đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam cũng chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP".

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố bác bỏ hiệp định thương mại tự do với hơn 10 quốc gia mà Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng.

Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Việt Nam và Mỹ đã tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, cựu viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng Việt Nam vẫn theo dõi mọi động thái của ông Trump để đoán định chính sách đối với Việt Nam.

Ông nói:

“So với ông Obama thì ông này tính cách hoàn toàn khác. Người ta cũng có suy nghĩ rằng với tính cách thất thường thì đường lối của ông ấy như thế nào cũng chưa rõ. Người ta cũng đang chờ đợi. Chính kiến Việt Nam thực sự mà đánh giá cụ thể ông như thế nào thì cũng chưa có ai có quan điểm, nhưng tất nhiên là cũng sẽ khó khăn hơn thời ông Obama”.

Kể từ khi giành chiến thắng bất ngờ tháng trước, tin cho hay, ông Trump đã nhận điện thoại và trao đổi với hàng chục lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc như Philippines, Nhật Bản và Đài Loan.

Viễn Đông


Phần nhận xét hiển thị trên trang