Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Ông không xứng là công bộc của dân!



NGUYỄN DUY XUÂN
(GDVN) - Trong một cuộc tiếp dân, ông Lê Đình Mão đã lớn tiếng với công dân, nghiêm trọng hơn, ông Mão đã có những lời lẽ dung tục, xúc phạm công dân.

Dư luận chưa "hạ nhiệt" vụ cán bộ phường Đông Cương (TP. Thanh Hóa) xin lại tiền đền bù của dân bị báo chí phanh phui thì lại thêm một cú sốc về thái độ và lời nói của ông Lê Đình Mão – nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch phường Đông Cương (hiện đương kim Bí thư phường Điện Biên) khi tiếp xúc với dân tại trụ sở làm việc.

Trong thời điểm xảy ra vụ việc "xin" tiền dân, ông Lê Đình Mão là Bí thư, Chủ tịch phường này.

Còn chuyện ông "hỗn" với dân xảy ra vào sáng ngày 28/3/2016 khi ông Lê Văn Đông (trú tại phố 8, phường Đông Cương, TP. Thanh Hóa) tới trụ sở phường để nộp đơn khiếu nại (lần 4), phản ánh về việc Chủ tịch phường Lê Đình Mão không thực hiện đúng trình tự thu hồi đất; cho nhà thầu chặt phá cây của gia đình ông và tự ý chuyển đi, gây thiệt hại tài sản của gia đình ông.

Trong cuộc tiếp dân này, ông Lê Đình Mão đã lớn tiếng với ông Đông, nghiêm trọng hơn, ông Mão đã có những lời lẽ dung tục, chửi bới, xúc phạm công dân, đòi đuổi công dân ra khỏi trụ sở làm việc.

Xin trích một mẩu đối thoại giữa công dân Lê Văn Đông và chủ tịch phường Lê Đình Mão từ băng ghi âm:

Ông Lê Đình Mão: Tôi chả có gì phải chịu trách nhiệm cả... Ông đừng có lèm nhèm.

Công dân Lê Văn Đông: Tôi sang làm việc với ông chứ không phải lèm nhèm.

Ông Lê Đình Mão: Ông biến khỏi phòng tôi, ông không xứng đáng, đồ ăn quỵt của xã hội.

Công dân Lê Văn Đông: Thằng nào ăn quỵt của xã hội?
Ông Lê Đình Mão: Tao nói mi đấy... Mi có thích thì ra ngoài này.

Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà ông Mão lại lớn tiếng khẳng định thường dân Lê Văn Đông là "đồ ăn quỵt của xã hội" trong khi cá nhân ông đang phải chịu trách nhiệm vụ cán bộ phường dưới quyền "xin" lại hàng trăm triệu tiền đền bù của dân?

Còn đây là kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về vụ việc này: "Trong lúc tức giận, ông Mão đã có những lời nói thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho công dân".

Chỉ là do nóng giận thôi, cho nên Thanh tra tỉnh đề nghị cấp trên chỉ đạo "kiểm điểm rút kinh nghiệm"(!?)

Một đảng viên, một cán bộ cốt cán của phường lẽ ra phải liêm chính, phải chuẩn mực trong ứng xử, hành động, nhất là đối với người dân dưới quyền cai quản của mình, nhưng ông Mão đã không làm được như thế.

Vậy mà chẳng hiểu sao, sau khi kết thúc nhiệm kì ở phường Đông Cương, ông lại được điều sang phường Điện Biên tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới lời dạy của Bác Hồ: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân...Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…”.

Liệu ông Mão có còn xứng đáng là công bộc của dân nữa không?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Được gọi là 'đồng chí' có... ngượng không?



Vũ Lân
VNN - Thử hỏi, những đảng viên chân chính liệu có băn khoăn, trăn trở khi được làm “đồng chí” với “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân?

​“Đồng chí” là một từ Hán-Việt, thường được dùng như một đại từ nhân xưng trong tiếng Việt để gọi và xưng hô với những người cùng tổ chức, cùng lý tưởng, chí hướng, cùng đội ngũ...

Ở nước ta, từ lâu, từ “Đồng chí” được dùng phổ biến nhất là trong các tổ chức Đảng, trong lực lượng vũ trang, trong các đoàn thể chính trị - xã hội. Còn ở ngoài đời, dù không phải là đảng viên, đoàn viên thanh niên, khi nhắc đến hai từ này, nhiều người nhớ ngay đến bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Ra đời năm 1948, bài thơ tạo nên một sự bùng nổ, lan truyền rộng khắp trong quân đội. Bởi nó phản ánh đúng, ca ngợi tình đồng đội gian khổ, “vào sinh ra tử” có nhau của các anh bộ đội Cụ Hồ - thời mà những người nông dân yêu nước bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa đi đánh giặc.

​Trải qua các giai đoạn phát triển, nhất là từ khi đất nước bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới, vì nhiều lý do, tình cảm đồng chí, đồng đội với nhau ở chỗ này, chỗ khác bị (đã bị) “vơi đi ít nhiều”.

Trong nhiều năm lại đây, tại không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong cuộc họp hoặc cả trong những lúc sinh hoạt hằng ngày, người ta thường gọi nhau cậu, tớ, ông, tôi… Thậm chí đôi khi càng là những người thân mật, gắn bó lại càng xưng hô với nhau một cách thoải mái (mày, tao, chi tớ...). Còn trong các cuộc họp nghiêm túc, lúc lôi nhau ra kiểm điểm, phê bình, khi không ưa nhau thì nhiều người lại dùng từ “đồng chí” để phê bình, nhận xét, đánh giá lẫn nhau. Nhiều khi ghét nhau, mâu thuẫn, căng thẳng, thậm chí tức giận nhau, người ta lại dùng từ “đồng chí”!

Bây giờ chúng ta có xu hướng gọi theo chức danh như: bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ, nhà nọ, nhà kia, giám  đốc, tổng giám đốc,... chứ ít dùng từ “đồng chí”. Bởi mọi người cảm thấy nghe nó “cưng cứng”, khó quen tai với những người trẻ, sinh sau chiến tranh.

​Tuy từ "đồng chí" ở đâu đó có hiện tượng làm mai một ít nhiều ý nghĩa, tình cảm, sự gắn bó, thế nhưng không thể vì “những con sâu” như thế mà hai từ “đồng chí” trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức Đảng bị nhạt mờ, bị mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Và đặc biệt không phải ai muốn làm “đồng chí” của nhau cũng được.

Từ thực tiễn cuộc sống, nhất là trong các tổ chức Đảng của ta hiện nay, có những vấn đề liên quan đến việc xưng hô “đồng chí” cũng cần cân nhắc sao cho phù hợp. Nếu như trước đây, “đồng chí” là những người “vô sản”, nghèo khó như nhau, “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài miếng vá/Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ”, thì ngày nay “đồng chí” với nhau mà người thì giàu “nứt đố đổ vách” (không phải bằng lao động chân chính), người sống nghèo giữ đạo đức cách mạng.

Thử hỏi, những đảng viên chân chính liệu có băn khoăn, trăn trở khi được làm “đồng chí” với “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân? Những đảng viên-cán bộ lãnh đạo cấp này cấp khác, dù chưa bị khai trừ khỏi Đảng, chỉ bị cảnh cáo, khiển trách liệu có xứng đáng nhận được sự tin tưởng của mọi người và nhất là có ngượng ngùng khi được gọi là “đồng chí”?

​Chuyện liên quan đến nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là những minh chứng xác thực nhất và ý nghĩa nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng chí”. 

Có ý kiến cho rằng, với những sai phạm nghiêm trọng thì ông Vũ Huy Hoàng liệu có còn xứng đáng được là “đồng chí”, đồng đội với hàng triệu đảng viên chân chính đang phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, vì sự hạnh phúc của dân nữa không? Và hiện nay, nơi ông Vũ Huy Hoàng đang sinh hoạt đảng, những đảng viên chân chính suy nghĩ như thế nào mỗi khi gọi ông Vũ Huy Hoàng bằng hai từ “đồng chí”?

​Chuyện liên quan đến nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là những minh chứng xác thực nhất và ý nghĩa nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng chí”.

Có ý kiến cho rằng, với những sai phạm nghiêm trọng như đã nêu trong thông báo thì ông Vũ Huy Hoàng liệu có còn xứng đáng được là “đồng chí”, đồng đội với hàng triệu đảng viên chân chính đang phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, vì sự hạnh phúc của dân nữa không? Và hiện nay, nơi ông Vũ Huy Hoàng đang sinh hoạt đảng, những đảng viên chân chính suy nghĩ như thế nào mỗi khi gọi ông Vũ Huy Hoàng bằng hai từ “đồng chí”?

​Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta rằng “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng”; “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Tình đồng chí ở đây là tình cảm giữa những con người với nhau và hơn thế nữa là sự cao cả kiên cường, dũng cảm, bất khuất, tràn đầy lòng hy sinh vì nhau.

Chính trong hoàn cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết đất nước đang rất cần những “đồng chí” - những con người dám hy sinh lợi ích cá nhân cho Tổ quốc mình, đồng bào mình, cho hôm nay và mãi về sau.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân sự trốn đi nước ngoài mất hút: Ai cho đi thì phải có trách nhiệm tìm về!


Thanh Xuân
(Dân Việt) Trước thực trạng hàng loạt các lãnh đạo cao cấp của các cơ quan, bộ ngành đi nước ngoài mất hút trong thời gian vừa qua, các chuyên gia cho rằng, lỗi là ở lỗ hổng quản lý.

Trao đổi với Dân Việt sau sự việc ông Lê Chung Dũng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Dầu khí (PV Power) đi nước ngoài mất hút, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Trong Hiến pháp đã quy định rồi, họ là công dân và họ không có vi phạm gì thì họ có quyền đi du lịch, đi chữa bệnh. Họ không có tội lỗi gì thì chẳng thể nào cấm được họ. Còn trường hợp khi họ thuộc diện bị cấm xuất cảnh hay bị hạn chế thì lại khác. Họ có hộ chiếu thì cứ đi, còn ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.

Căn bản là họ chưa bị kết tội. Nhưng theo tôi dù có đi nước ngoài rồi vẫn kiểm soát được vì chúng ta đã có quan hệ quốc tế rất tốt. Ông Phúc cũng cho rằng, muốn quản lý được các cán bộ phải đề cao vai trò của các lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước.

“Cá nhân con người là phức tạp nhất, nói một đằng làm một nẻo, chẳng bộc lộ ra ngoài. Họ có vấn đề, có lỗi, không thể tồn tại được họ tìm cách đi trong sự im lặng’, ông Phúc cho  biết.

“Còn nếu trong kiểm soát của công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì lại khác”, ông Phúc nói. Theo ông Phúc, ngay như trường hợp Trịnh Xuân Thanh đến Vũ Đình Duy, khi đi nước ngoài cũng chưa có cơ quan nào kết tội. Ông Phúc cho rằng, hiện cơ chế của chúng ta còn nhiều lỗ hổng nên các cơ quan quản lý phải nghiên cứu, đề xuất để những chính sách nhằm quản lý tốt hơn nhân sự của mỗi đơn vị.

Cùng chung nhận định trên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: Tôi cũng hay đi nước ngoài cùng với một số Bộ ngành nên biết các quy định xuất cảnh đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khá nghiêm ngặt. Các cán bộ muốn đi nước ngoài rất khó khăn, phải được các cấp có thẩm quyền đồng ý thì mới đủ thủ tục giấy tờ để xuất cảnh. Trong thời gian gần đây, các trường hợp được nhắc tới nhiều như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng lại không đi công tác bằng hộ chiếu công vụ nữa mà đi theo hộ chiếu phổ thông, đi bằng giấy tờ đơn giản, đi du lịch bình thường thì rất khó quản lý.

“Đây thực sự là lỗ hổng. Đáng ra, nếu là viên chức, bắt buộc phải báo cáo với cấp có thẩm quyền cao hơn, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng đồng ý mới được đi”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, thực tế, quy định cán bộ, công chức đi nước ngoài phải có sự đồng ý của cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng đã có nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị thực hiện chưa tốt. Về nguyên tắc,  phải có sự đồng ý của cơ quan cấp cao hơn, cứ đi ra khỏi nước là phải có sự đồng ý của cấp cao nhất ở cơ quan đó.

“Ví dụ, Bộ trưởng ký cho đi thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm việc ký cho cán bộ đi nước ngoài dù là du lịch hay chữa bệnh. Bây giờ nhìn lại các cán bộ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy đi nước ngoài thì quy trách nhiệm cho ai? Nếu lãnh đạo cấp bộ cho đi thì phải có trách nhiệm đi tìm cán bộ này về!”, ông Thịnh nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tản mạn về tranh luận



Nguyễn Thị Hậu
Vài năm gần đây nhiều công trình của các học giả nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh… đã được xuất bản trở lại sau thời gian dài không được phổ biến, kể cả trong môi trường học thuật. Những tác phẩm báo chí, khảo cứu văn hóa, tùy bút ghi chép của các nhà văn hóa này đã mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết mới về xã hội Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945, khoảng thời gian mà trước đây chúng ta chỉ thường được biết một phần nhỏ từ dòng văn học “hiện thực phê phán” được “chọn lọc” giảng dạy trong nhà trường (ở miền Bắc).

Xã hội Việt Nam trước 1945 qua những gì được học và đọc qua văn học, hiện ra khung cảnh nông thôn thì nghèo đói bần cùng tăm tối những chị Dậu, anh Pha, lão Hạc, Chí Phèo…; thành thị thì đầy rẫy lưu manh đĩ điếm, thị dân tiểu tư sản những Xuân tóc đỏ, Năm Sài Gòn, cụ Cố Hồng, bà Phán, cô Kếu tân thời… Đâu đó thấp thoáng bóng dáng thầy giáo nghèo, dân buôn gánh bán bưng, mấy cô tiểu thư lãng mạn, vài thanh niên sống với “lý tưởng” xa vời nào đó. Kiến thức môn lịch sử cho biết thêm về phong trào dân chủ 1936 – 1939 với tên một số tờ báo, vài nhà báo… nhưng cũng chỉ vậy. Hầu như các tác phẩm báo chí hay những cuộc tranh luận mà tác giả không phải là người hoạt động trong phong trào cách mạng… thì không có trong chương trình giảng dạy. Vì vậy đã có những thế hệ học sinh, sinh viên không hề biết đến những học giả trên, hoặc chỉ biết về họ dưới một cái lý lịch “phản động”.
.
Nay qua các tác phẩm của những học giả, những nhà văn hóa nổi tiếng trước 1945 hiện lên hoạt động tinh thần của tầng lớp trí thức và thị dân ở đô thị khá đa dạng. Ở đó, như trường hợp sưu tập tác phẩm của Phan Khôi do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm và chỉnh lý, ta thấy rõ một điều, thực sự đó là những tác giả và tác phẩm chống lại chế độ áp bức con người, đấu tranh cho tự do và nhân quyền.

Khi lý giải vì sao ông Phan Khôi có thể viết những bài báo phản biện, đấu tranh thậm chí chống đối nhà cầm quyết Pháp một cách mạnh mẽ, có thể lên tiếng về những vấn đề xã hội trên nhiều lĩnh vực như thế… nhiều người đã nêu ra những lý do như, mặc dù là thời thuộc Pháp nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn thực hiện tự do báo chí, dân chủ ở mức độ nhất định, do bản lĩnh, sự dũng cảm “dám nói” của Phan Khôi, kiến thức uyên bác và tri thức vững chắc của ông trên nhiều lĩnh vực…

Nhưng đồng thời không thể không nhận thấy không khí tranh luận trao đổi của ông và các bậc thức giả thời đó rất lành mạnh, nội dung có khi rất gay cấn, có thể đối lập, lời lẽ tranh biện rất sắc sảo nhưng giọng điệu ôn tồn, đúng mực, không gay gắt không ám chỉ hay phê phán cá nhân, không xúc phạm đời tư của nhau, không miệt thị kiểu như “ông biết gì về lĩnh vực này mà nói”, không đả kích kiểu “cái ông này chỗ nào cũng xía vô”… Những vấn đề từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế đến xã hội… các học giả trong vai trò người trí thức đã lên tiếng trước thời cuộc, với trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Qua những cuộc tranh luận hay trao đổi, không chỉ tầng lớp trí thức hiểu nhau hơn, có thể đi đến đồng thuận với nhau, mà quan trọng hơn xã hội được thêm những tri thức từ họ, dân trí được nâng cao cũng từ đó chứ không chỉ từ giáo dục trong trường học. Sự dân chủ được họ “thực hành” với đúng tinh thần dân chủ, đó là đối thoại trong tinh thần tôn trọng con người.

Tự do bày tỏ chính kiến còn là nhân cách người trí thức. Khi quan điểm, cách nhìn khác nhau thì tôn trọng sự khác biệt, tranh luận vì mục đích tìm chân lý chứ không hơn thua “lấy ngôn đè người”, không bao giờ cố có tiếng nói cuối để làm “người thắng cuộc” trong sự hãnh tiến. Không nấp vào số đông để đàn áp ý kiến thiểu số theo kiểu “ném đá”, cũng không dựa vào địa vị để “độc quyền chân lý”.
.
Trong cuộc sống cũng như trong học thuật, tranh luận, phản biện, đối thoại là chuyện cần làm và phải được coi là bình thường. Mỗi người có quyền tự do bày tỏ chủ kiến của mình và để người khác tự do “mở miệng”. Ai cũng vậy, có nói ra mới biết mình đúng sai thế nào. Có một môi trường “văn hoá tranh luận” có sự tôn trọng thì người ta có thể và dám nói. Bằng không, người ta ngại, sợ hoặc không muốn nói! Tệ hơn nữa, hễ “mở miệng” là chỉ xếch mé mỉa mai hay chửi bới nhục mạ lẫn nhau. Cứ thế sẽ không còn sự trao đổi, đối thoại, tranh luận… Khi không ai nói gì thì có vẻ như yên ổn, nhưng là sự yên ổn của mặt ao tù nước đọng.

Và chỉ khi bản thân giữ được một tinh thần tự do, con người mới biết tôn trọng những khác biệt, đối thoại bình tĩnh và khoan hòa, thừa nhận sai lầm của mình với sự cầu tiến. Đồng thời luôn xác định một chỗ đứng độc lập để bày tỏ chú kiến chứ không ẩn mình trong một đám đông khi đối thoại hay tranh luận.

Sài Gòn 12.4.2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LÃO TỒN


Truyện ngắn của HG
Khi ban liên lạc hội đồng hương chúng tôi tới nhà, lão Tốn đã một mình, leo lên đồi cây ở phía sau. Hỏi, vợ lão bảo:
- Ông ấy chả chịu ngồi yên lấy một ngày. Người hãy còn yếu lắm, mới đi viện về mà nhất quyết đòi lên thăm đồi cây, nói thế nào cũng không nghe, lại vác dao đi rồi. Các bác các anh đã có lòng đến thăm, mời vào nhà uống nước đã. Để tôi bảo cháu nó gọi ông ấy về.
Ông hội trưởng nói:
- Thôi bà cứ để cho tự nhiên. Nghe tin ông nhà đi viện, lại xa quá, không sẵn phương tiện, nên hội chưa bố trí đi thăm được. Nay ông ấy về, chúng tôi đại diện cho ban chấp hành đến thăm, có chút quà gọi là, mừng ông ấy khỏi bệnh, ra viện.
Cả bọn lục tục kéo nhau vào nhà.
Đây là ngôi nhà ngói năm gian vừa mới “cải cách”, nâng cấp lại. Nó vốn nằm chính diện mặt đường, theo hướng tây bắc. Nay chuyển lui về phía sau, theo hướng đông nam. Cột nhà được chuốt lại, đánh vẹc ni, mái lợp ngói Hạ Long.
Thượng đổi mới, hạ bảo thủ là cách một số nhà trung trung vùng này ưa làm. Ông hội trưởng ghé tai một ông trong đoàn nói nhỏ: “ Đất mặt đường có giá, lui về thế này là có ý cả”. Ông kia chưa hiểu ý đó là ý gì, nhưng vẫn gật gù: “ Công nhận ông tinh thật đấy. Ở mãi bên sông mà lại biết chuyện. Tôi nhà ngay sát đây mà cũng chả hiểu. Người ta phần đông đua nhau ra mặt đường, ông ấy lại lùi về phía sau, nói để cho đỡ bụi. Bây giờ đường nhựa rồi, bụi sợ gì chứ?”
Tôi cũng biết sơ sơ chuyện này, nhưng nghĩ là chuyện nội bộ gia đình người ta, không nên ghé mũi vào. Đáng ghét là những anh hay dỏng cổ lên nghe chuyện người khác rồi thì xì xầm bàn tán, thêm bớt. Cuộc sống hàng ngày vẫn còn thiếu chuyện hay sao mà lại thóc mách thêm chuyện riêng tư của nhà người ta?
Đi thăm người ốm cứ biết đi thăm, tò mò để làm gì?
- Ông nhà tôi cả đời rất ít khi nhức đầu, sổ mũi, không mấy khi đụng đến viên thuốc hay mũi kim tiêm. Đùng một cái lâm bệnh, cả nhà được một phen phát hoảng. Mới hay chả gì bằng sức khỏe. Lâu lắm ông ấy mới lại phải nằm viện đấy!
Ông hội trưởng rủ cả bọn lên đồi, vừa gặp người, vừa thăm cây nhà lão Tồn luôn thể.
Đồi dốc thoai thoải, cây trồng theo hàng, vòng ôm nửa quả đồi. Cây nào cây ấy xanh ngăn ngắt, gốc cây không một cọng cỏ, sạch sẽ tinh tươm. Chứng tỏ chủ nhân của nó tỷ mỉ, cẩn trọng, chăm chú trong việc làm.
Một con người hình như không màng đến xung quanh. Bao nhiêu tâm sức dồn cả vào đây. Nhiều hôm trời nắng chang chang hay mưa tối mặt, đi ngang qua tôi vẫn thấy lão nón lá cũ xùm xụp trên đầu, đi đi lại lại trong vườn cây của lão. Có khi chỉ lúc ăn cơm, hay buổi tối về ngủ, lão mới có mặt ở nhà. Làm vườn ai chả xăm soi, chả chăm chút..Nhưng cố gắng đến mức như lão, ở đất này quả thực không ai làm được. Không bình thuốc trên lưng thì cũng con dao, cái cuốc trong tay. Quanh quẩn suốt ngày trên đồi vừa như tình cảm, vừa như định mệnh, số kiếp của lão!
Tính khí lão này lâu nay vẫn làm người ta ngại. Lão bề ngoài xem như người trầm cảm, rất ít khi trò chuyện với ai. Làng nước có công việc gì, họp hành hay cỗ bàn lão đều để vợ con đi thay. Có người nói lão khoảnh, có tính hay “ghét người”, không thích ai, khó gần.
Người như thế, gặp gỡ rất chi là ngại, biết trò chuyện thế nào?
Nhưng đã đến đây rồi, lão là nhân vật chính, không gặp lão không được. Ông hội trưởng bảo ngày trước lão không có thế đâu, tính cởi mở và chan hòa với mọi người..
Lâu lắm rồi xảy ra một chuyện, lão mới như bây giờ..
**
Có những trận ốm làm con người ta thay đổi hoàn toàn. Sức khỏe giảm sút đã đành, tâm tính lại đổi thay đến kỳ lạ. Gần như biến đổi hoàn toàn, mình không còn như mình nữa. Mặc dù sau đó sức khỏe hồi phục dần, lão Tốn lại đi cày, đi bừa, lên nương như hồi đang sức.
Không hiểu tại sao, sau trận ấy lão hay nghĩ vơ nghĩ vẩn, nhìn cảnh vật, con người xung quanh lão thấy nó không còn như trước nữa. Tỷ dụ như trước đây chả bao giờ lão thắc mắc là tại sao cái xóm lão ở lại có tên là “Hòn ruồi”? Mặc dù ruồi muỗi ở cái xóm gần sông này thời nào cũng ít hơn ở các nơi khác. Có thời hầu như không có con ruồi nào, không phải ban ngày ban mặt mắc màn ăn cơm vì quá nhiều ruồi như ở một vài nơi không xa làng lão lắm. Sao những nơi đó người ta không lấy cái “danh ruồi” để đặt tên, mà lại là nơi lão ở?
Lão nhớ không chính xác lắm ngày nào, tháng nào, nhưng năm thì lão chắc chắn mình không nhớ nhầm. Đợt đó lão đi dân công hỏa tuyến, làm con đường chiến lược trên Pắc Mê. Làng lão đi rất đông chứ không phải lão chỉ có một mình. Mỗi đợt ba tháng thì đổi đợt khác, ăn nghỉ làm việc tại lán trong rừng. Có người suốt đợt không về thăm nhà, thư từ cũng không, vì xa nơi có trạm bưu điện.
Người ta phân công cho lão làm đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ đơn vị. Người khác hết đợt thì về. Riêng lão không có cán bộ lên thay thì tiếp tục ở lại. Ngày công của người lên phục vụ hỏa tuyến cao hơn công lao động loại A của hợp tác xã, nên hết đợt ở lại thêm lão không lấy đó làm buồn, thậm chí còn thấy vui. Hàng ngày công việc chỉ là gián tiếp nên không đến nỗi vất vả. Cũng đến gần cả năm lão không về thăm nhà. Có lúc cũng nóng ruột, muốn về qua một lần.
Đột nhiên lão gặp người làng. Anh này là lái xe chuyên chở thực phẩm cho các đơn vị dân công. Gọi là chuyên chở thực phẩm nhưng thực ra chỉ chở dụng cụ làm đường, một ít bí xanh bí đỏ. Lâu lâu mới có thùng mỡ hóa học trắng hêu hếu hay chút cá mắm, chút mì chính phân phối ít ỏi. Lương thực chủ yếu vẫn là bột mì đen, hoặc hạt bo bo. Lắm lúc lão cũng lấy làm ngạc nhiên, ăn ở như thế không biết sức lực ở đâu mà mọi người vẫn bám đường, không vắng mặt trên công trường buổi nào. Buổi tối ở các lán vẫn rôm rả tiếng nói, tiếng cười. Có anh chị nào đó cao hứng còn véo von “Lan và Điệp”. Cuộc sống gian khổ nhiều năm, chiến tranh như những làn sóng hết lần này đến lần khác, gian khổ như một thứ mặc nhiên, hay còn lý do khác?
Anh chàng lái xe bảo chuyến này về sẽ chạy đường tắt qua làng lão. Đường hơi khó đi nhưng gần được mấy chục cây. Lão có muốn về khi xe ngang qua thì xuống. Sáng hôm sau lại đúng chỗ ấy đón để lên.
Được như vậy còn gì bằng? Chỉ có điều lúc xuống xe đã nửa đêm, có khi làng xóm và cả vợ con lão ngủ cả rồi.
Xe không thể chạy sớm hơn vì phải đảm bảo nguyên tắc bí mật. Ừ thì muộn còn hơn không, lão nghĩ bụng rồi tạm dặn dò bàn giao cho người ở lại. Dù thời gian ngắn vẫn phải bàn giao, nguyên tắc thời chiến là vậy.
Từ chỗ xuất phát xe chỉ bật đèn gầm. Chỗ này không xa điểm chốt là mấy. Nếu thám báo của địch phát hiện ra, vẫn trong tầm đạn pháo. Xe âm thầm đi gần trăm cây số. Gần đến làng lão đèn pha mới bật sáng. Lão nhìn phong cảnh núi non lạ lẫm như chưa từng thấy bao giờ. Có cảm giác như trong đêm tối cảnh vật như gần gũi hơn, lại như xa lạ hơn..Xe đã qua ba con đèo, lội qua cả chục con suối. Lão đã nhìn thấy đỉnh núi Gù lưng ở ngay trước mặt. Từ đấy về Hòn Ruồi chừng nửa cây số. Lão bảo xe dừng lại, đưa nốt bao thuốc lá Trường Sơn bao đỏ hàng phân phối cho tay lái xe, hẹn anh ta sớm mai đợi đúng chỗ này.
Lúc ấy tầm mười một giờ đêm. Do không có hành lý gì cồng kềnh mang theo nên lão đi rất nhanh, gần như chạy. Chả mấy chốc lão đã hồi hộp đứng trước cổng ngõ nhà mình.
Không biết trong nhà có việc gì, đến lúc này đèn vẫn sáng? Con chó vàng sủa lên tràng dài. Có lẽ lão đi lâu ngày nên nó chưa nhận ra chủ. Ánh đèn pin loang loáng từ trong nhà rọi ra sau vườn. Đột nhiên đèn trong nhà vụt tắt.
Đang xảy ra chuyện gì? Lão còn đang phân vân chưa rõ ra sao thì có người từ trong nhà chạy ra chút nữa đâm xầm vào lão. Lão vội bật đèn pin nhưng hết điện tự bao giờ, chỉ thấy một quầng sáng mờ mờ đo đỏ, không rõ mặt người.
Ai vừa chạy ra từ trong nhà mình? Lão tự hỏi. Các con lão còn nhỏ chưa có bạn trai, bạn gái cao nhớn như người vừa rồi. Chẳng nhẽ bạn của vợ lão? Nhưng lão ngờ ngợ cái dáng người hơi cúi về phía trước, mái tóc để dài không rõ mặt của người đó có nét gì đó quen quen, ngay lúc đó lão chưa kịp nhớ ra..
Khi lão vào nhà, đèn lại được thắp lên. Vợ lão áo xống xộc xệch, vẻ ngái ngủ như vừa chui trong chăn ra. Lão hỏi vợ:”Ai vừa ở đây ra, thấy tôi lại bỏ chạy?”. Vợ lão cười nhênh nhếch: “Làm gì có? Chắc thầy em đi đường xa bị mệt nên hoa mắt đó mà”. Lão ậm ự không nói gì. Vợ lão chần cho lão bát mì sợi, món thức ăn lão thích thời bấy giờ ăn với canh rau ngót có đập thêm quả trứng. Lão bảo miệng đắng không muốn ăn.
Lão ngồi hàng giờ không nói không rằng bên bàn uống nước, hút thuốc liên tục. Vợ lão giục ngả lưng một chút cho đỡ mệt. Lão miễn cưỡng quay vào giường, lẳng lặng quay mặt vào vách. “Anh làm sao thế?” Vợ hỏi. “Chả làm sao. Khuya rồi để yên cho các con nó ngủ”.
Sáng sớm hôm sau, lão ra chỗ hẹn thật sớm để đón xe. Vợ gói cho gói xôi to tướng với nửa con gà, lão làm như quên, bỏ lại không mang theo..
Ở công trường người ta rất lấy làm lạ. Mọi khi chỉ thỉnh thoảng mới thấy ông C trưởng ra làm với anh em. Công việc gián tiếp không yêu cầu ông phải có mặt hàng ngày ở chỗ làm. Ông còn bận giấy tờ, sổ sách. Cứ vài ngày lại có cấp trên về kiểm tra, bận tiếp khách hoặc làm công tác dân vận với địa phương. Tuy đơn vị biệt lập, nhưng công tác đoàn thể vẫn phải duy trì. Hôm thì họp với thanh niên, hôm với chi hội phụ nữ..Tóm lại là công việc của người đứng đầu, không cứ ông, ai làm C trưởng cũng vậy.
Thấy ông hăm hở đào đất, đẩy xe, vác cây quá mức nhiệt tình nên người ta để ý cũng phải. Người thì bảo do tình hình đang rất khẩn trương, âm mưu của địch chống phá không biết đâu mà lường, công việc càng nhanh càng tốt nên ông mới gương mẫu làm như vậy. Nhưng cũng có anh xì xào, không dám nói to.
Đặc biệt là từ sau hôm về thăm nhà ông dường như thành con người khác, lầm lầm lì lì lại hay cáu gắt. Ai có việc gặp ông cũng ngại, vớ vẩn là bị ông xạc cho một phen dù sai sót chưa có gì quá đáng. Một cái trục xe bị gãy, cái cuốc chim hay cái xẻng bị mất hay bị hỏng đều là cái cớ để ông nổi nóng. Thấy vậy, không ai bảo ai, đều có ý tránh ông.
Hai tháng sau ông C trưởng đổ bệnh. Đang làm ở mặt đường ông ngã gục vào bụi cây, chân tay co giật, mặt mày tái mét. Người ta nói ông gắng quá sức mà đêm lại ít ngủ, hút nhiều thuốc, nên thường ho sòng sọc cả đêm.
Người ta đưa ông về tuyến sau bởi trận sốt rét ác tính. Đơn vị cử người khác thay ông.
Ông nằm viện nửa tháng trời rồi về làng..
Sau trận ốm ấy lão Tồn như thành con người khác. Vợ lão bảo do trận sốt rét ác tính đã biến đổi tâm tính. Lão thường tránh những chỗ đông người, không thích chuyện lâu với ai. Suốt ngày, người ta thấy lão hay thui thủi một mình làm việc gì đó. Ít khi lão làm cùng với vợ con.
Trong nhà lão lúc nào cũng im ắng như không khí nơi bệnh viện, không thấy tiếng nói to bao giờ.
Sau này khi xóm làng có điện, nhà nào nhà nấy điện đài oang oang, rộn ràng ầm ĩ các loại loa đài, nhà lão vẫn lặng thinh.
Nhà lão cũng có ti vi như mọi nhà, nhưng chỉ để xem tin tức, tuyệt đối không nghe ca nhạc. Vợ con có muốn xem phim hay nghe ca nhạc phải sang hàng xóm chơi, nghe nhờ vì sự khó tính khó nết của lão.
Mẹ tôi thường lấy sự cần cù chịu khó làm gương cho anh em tôi. Bà bảo: “Nhờ có đức tính chịu khó ấy mà anh Tồn lấy được vợ đẹp nhất làng, dù anh ấy đen đúa, cục mịch. Sinh thời ông bố vợ quý anh ấy lắm. Nhiều người giàu có sang trọng đến cầu hôn, ông cụ đều từ chối. Lại gả con gái yêu cho một anh con nuôi chả biết cha mẹ đẻ là ai, chuyên đời đi ở. Ông cụ ấy quý anh còn hơn con đẻ vì cụ không có con trai..”
Người già thì hay khái quát thiết thực như vậy. Quả thực lão Tồn thời ấy rất được tín nhiệm. Chữ nghĩa thì chỉ khơi khơi bình dân học vụ, chưa sạch chính tả, nhưng lão luôn được phân công trách nhiệm, cán bộ địa phương. Sau trận ốm trên công trường phục vụ hỏa tuyến lão mới thôi, nghỉ công tác, ở hẳn nhà. Ít khi thấy lão đi đâu..
***
Rõ ràng chúng tôi thoáng nhìn thấy lão Tồn trong vườn mà khi lên đến nơi lại không thấy lão đâu? Đám cỏ lão phát lá vẫn còn tươi, chưa kịp héo. Gọi mấy câu cũng không có tiếng ai trả lời. Không lẽ lão có phép tàng hình? Hay hội chúng tôi có điều gì không phải, lão nằm viện không tới thăm, bây giờ mới đến? Tôi nghĩ vậy nhưng không dám hỏi ông hội trưởng.
Chả cứ lão, ai trong hội cũng vậy. Trừ trường hợp nằm ở bệnh xá của xã mới tiện đến thăm, còn phần nhiều khi hội viên ra viện về nhà rồi, mới kéo nhau đến. Cũng không phải kiêng kị hay ngại ngần gì, đơn giản là quỹ của hội có hạn, không có tiền để thuê xe đi cả tốp như thế này đến bệnh viện ở xa. Hẳn là lão Tồn cũng biết điều này và không nỡ trách.
Vậy vì lẽ gì mà lão tránh không muốn gặp? Tôi phân vân, chưa kịp hiểu vì chuyện gì?
Ông hội trưởng nói:
- Hội đã có lòng bố trí đến thăm ông ấy, rất tiếc là không được gặp. Thôi thì cậu Bảo (là tôi ) Ở lại chuyển cho ông ấy chút quà của hội. Chúng tôi phải về vì chiều nay có cuộc họp hiệp thương chuẩn bị bầu cử. Tôi không thể vắng mặt.
Mọi người chào bà chủ nhà, ra về. Tôi ở lại với cái phong bì ông hội trưởng đưa, chờ lão Tồn.
Tôi không phải chờ lâu. Bà vợ Lão chưa kịp giập bã trầu thì lão Tồn lò dò về. Bà cằn nhàn:
- Hội đồng hương người ta có lòng đến tham, ông đi đâu mà người ta lên tận nương mà không gặp?
Lão Tồn mặt tỉnh queo:
- Ơ bà này hay! Gặp ai là quyền của tôi, không bận gì đến bà. Ai cũng như chú Bảo đây việc gì tôi không gặp. Còn muốn chuyện trò lâu lâu nữa ấy chứ! Còn cái thứ người sống giả mạo, nói một đằng làm một nẻo, hay làm chuyện mờ ám tôi gặp làm gì?
- Sao ông nói thế? Tình nghĩa đồng hương có ai như vậy đâu? Đến tai người ta không hay đâu ông ạ!
Lão Tồn nhếch mép cười, cái cười tôi chưa thấy khi nào ở lão. Rồi lão hỏi tôi chuyện ông hội trưởng vừa được hưởng trợ cấp “nạn nhân chất độc màu da cam” có phải không? Tôi bảo tôi không biết vụ này. Lão Tồn nghiêng nghiêng đôi mắt, tinh quái cười:
- Chú không biết thật hay giả vờ không biết? Tay này trước đã có lần làm giả mạo giấy tờ xin trợ cấp thương binh, bị phát hiện, giờ lại đến việc này, quả là to gan thật. Tôi ở nhà không đi tới đâu mà còn biết, huống chi là chú? Tay ấy cuối năm bảy hai mới nhập ngũ, lúc đấy đã ký hiệp đinh Pa ri rồi, làm gì còn máy bay Mỹ rải chất độc nữa? Ngay cái vụ thương binh giả nghe nói tay ấy cũng chỉ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo xã, chả bị làm sao. Xã này hết người rồi à?
Không nói bảo là không nói. Hôm nay ta không gặp, ta có lý do cả đấy. Chưa kể việc cách đây mấy mươi năm, ngày ta từ Pắc Mê về qua nhà đã lâu.. Hắn tưởng ta không biết hay sao mà vẫn nhơn nhơn vác mặt đến đây?
Thì ra là vậy. Lão Tồn biết chúng tôi đến thăm và cố ý tránh mặt vì những chuyện buồn sâu kín, chôn chặt đáy lòng đã bao nhiêu năm.
Nơi ấy, vết thương chưa lành, thỉnh thoảng lại tấy lên, nhức nhối!
===============

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Chuyện cây cầu rộng... hơn một gang ở xóm Đổi Mới



Mạnh Quân




(Dân trí) - Cuối tuần trước, bản tin thời sự của VTV1 phát đi một phóng sự ngắn nhưng gây sốc: Ngày ngày, có hàng trăm người đi qua một cây cầu chỉ còn trơ khung sắt và mặt cầu chỉ lát vài thanh gỗ, rộng chừng hơn gang tay nối liền xóm Đổi Mới và xóm Đá 2, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình.

Tôi đã nhiều lần rùng mình khi xem và xem đi xem lại clip ấy. Thật kinh ngạc bởi có những em bé chỉ chừng 7-8 tuổi, thậm chí bé hơn đi qua cây cầu trông bộ khung sắt thì khá hoành tráng nhưng mặt cầu chỉ là vài thanh gỗ rất nhỏ, chỉ đủ cho một bàn chân, một người đi qua và phía dưới là cả lòng suối sâu hun hút.

Ấy thế mà các em học sinh của xã Lỗ Sơn vẫn ngày ngày qua đó. Nhiều em còn không cần vịn vào sợi dây thép -trông cũng không có gì chắc chắn lắm bên cạnh, bỏ cả hai tay đi qua, bình thản như những diễn viên xiếc lành nghề.

Theo như lời ông Bùi Văn Nượm, Chủ tịch xã đó thì cây cầu trên đã có từ lâu rồi. Năm 2014, một đoàn kiểm tra của chính quyền tỉnh, huyện Tân Lạc xuống, cho rằng cầu này đã xuống cấp, không đủ điều kiện sử dụng nên đã yêu cầu xã dỡ bỏ mặt sàn và chờ dự án đầu tư.

Nhưng trong 2 năm đó, chẳng có dự án mới nào thay thế cả. Người dân 2 xóm Đổi Mới và Đá 2 đã không thể chờ đợi, không thể đi đường vòng 4-5 km hay lội suối, nên họ buộc phải đi như xiếc qua cầu.

Thật là may mắn cho người dân xã Lỗ Sơn vì trong cả 2 năm qua, như lời ông Nượm nói, chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Bởi nếu có ai đó chẳng may trượt ngã, thì mùa cạn, bên dưới suối sâu toàn đá, còn mùa mưa thì lại lũ dữ, tính mạng cũng khó mà bảo toàn.

Thực ra đây cũng không phải là câu chuyện quá hiếm thấy, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... Trong mấy năm qua, đâu đó, chúng ta đã được thấy các hình ảnh, clip trẻ em, người lớn đu dây qua sông, chui vào túi bóng để người khác kéo qua sông, suối...

Những phóng sự về những chủ đề đó luôn gây xúc động và thường sẽ được giải thưởng báo chí. Trước đây, thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông cũng đã khởi dộng một chương trình làm hàng trăm cây cầu cho người dân ở những vùng giao thông đi lại khó khăn mà ngân sách chính quyền địa phương eo hẹp không có nhiều để làm cầu mới, sửa chữa, thay thế những cây cầu yếu. Một số doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng, xây dựng nhiều cầu mới ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn khó khăn...ở các tỉnh miền Tây.

Nhưng rồi, vẫn liên tiếp có những hình ảnh, clip mới về những nơi thiếu cầu như clip, hình ảnh về cây cầu trớ trêu nói trên ở xã Lỗ Sơn.

Vấn đề là tuy có nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện giúp xây dựng cầu cho những người dân nghèo, những vùng khó khăn, có thể làm được hàng trăm cây cầu. Nhưng như thế cũng không đủ. Người dân vẫn cần một sự quan tâm đầy đủ, một chương trình tổng thể, rà soát, đánh giá được hết những khó khăn trong giao thông, đi lại ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... để hỗ trợ, xây dựng kịp thời những con đường, những cây cầu cấp thiết nhất. Để đừng đến lúc có những tai nạn xảy ra, có nước mắt, có người chết mới bàn chuyện xây cầu.

Và đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một hội nghị về phát triển bền vững tuần qua đã yêu cầu: Không được để người dân nghèo nào bị gạt ra bên lề của sự phát triển.

Vâng, đúng là như vậy. Đành rằng ngân sách nhà nước mấy năm nay hạn hẹp do nguồn thu từ khai thác, bán dầu thô giảm, do thuế xuất nhập khẩu giảm... Ở nhiều địa phương cũng không có thêm nguồn để tăng chi, đầu tư cho các công trình cấp thiết. Nhưng cuộc sống không chờ chính sách. Người dân vẫn phải có cầu để đi. Với những cây cầu dân sinh rất thiết yếu như ở xã Lỗ Sơn, có lẽ nào không thể điều chỉnh một chút, có thể là giảm bớt kinh phí lễ tiết, họp hành, kỷ niệm... vẫn tràn lan, để dư ra vài tỷ đồng, hoặc có khi chỉ là vài trăm triệu đồng làm mới hoặc sửa chữa một cây cầu cho đúng nghĩa là cây cầu cho người dân đi qua những khúc sông sâu, thực sự an toàn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quyền được nói ‘về một khía cạnh khác’ của Fidel



Cao Huy Huân













 - Chuyện Fidel Castro qua đời hồi cuối tháng 11 vừa qua đang làm nóng các diễn đàn quốc tế, gây tranh cãi trong giới học giả về “công và tội” của lãnh tụ cách mạng Cuba. Có cả những câu chuyện lịch sử được kể lại bằng nhiều cách khác nhau trên nhiều kênh truyền thông quốc tế để công chúng tự đánh giá Fidel Castro, vốn được xem là biểu tượng của cách mạng Cuba.

Cá nhân tôi cũng chỉ lắng nghe và quan sát. Tôi không đánh giá vì biết mình còn quá trẻ để có thể phán xét về công – tội của một người đã trải qua rất nhiều sóng gió trên chính trường. Và dù bản thân cũng có sự kính nể Fidel Castro ở một góc độ nào đó trong vai trò của một người đã giải phóng Cuba khỏi một chế độ độc tài khét tiếng của những năm 50, tôi vẫn nghe bằng hai tai để nhìn nhận những sai lầm của ông trong con mắt của những nhà nghiên cứu lịch sử Cuba. Một lãnh đạo giỏi thì không để một đất nước trở nên nghèo nàn lạc hậu trong suốt nửa thế kỷ như Fidel Castro đã làm.

Tuy nhiên, hôm nay tôi sẽ không nói thêm về Fidel Castro. Nhưng tôi sẽ nói về “quyền được nói về” ông như một quyền tự do ngôn luận. Như đã đề cập, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những lời ca ngợi hoặc chê bai nhà lãnh đạo Cuba này trên tất cả các diễn đàn và các kênh truyền thông quốc tế. Ngay cả tại Mỹ, một quốc gia có truyền thống “thù ghét” Cuba, nhiều học giả chê ông chỗ này nhưng không lờ đi những đóng góp của ông chỗ khác. Điều này không khác mấy so với khi ông Lý Quang Diệu, người có công xây dựng nên một Singapore phồn thịnh ngày nay, qua đời hồi năm ngoái. Việc phê phán hay ca ngợi một người đã khuất rất dễ rơi vào tình trạng chủ quan, phiến diện và bất công, bởi vì dù sao họ cũng đã khuất và không thể tự bào chữa.

Tuy nhiên, với tới cả những di sản mà Fidel Castro hay Lý Quang Diệu đã tạo ra và để lại cho đất nước và nhân dân của mình thì người đời sau vẫn có quyền tạc vào “bia miệng”. Ấy thế nhưng, nhiều câu chuyện “bịt miệng” dư luận vừa qua khiến tôi cảm thấy buồn lòng. Chuyện mới nhất là về nhà báo Phùng Hiệu - Quyền phụ trách cơ quan phía Nam của Nhà báo & Công luận (Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam). Ông Phùng Hiệu đã viết một đoạn status như thế này trên trang Facebook cá nhân sau sự ra đi của Fidel Castro: “Xin thắp cho ông Fidel Castro một nén nhang, chúc cho dân tộc của ông bước sang một trang sử mới. Sau gần 50 năm cai trị đất nước Cuba với sự độc tài, bảo thủ và tôn thờ chủ nghĩa Marx một cách mê muội, ông Fidel Castro đã để lại một Cuba nghèo nàn, lạc hậu với những chiếc xe Lada cũ kỹ thời Xô Viết và những chiếc tivi màn hình đen trắng. Mấy hôm nay báo chí và nguời dân nuớc tôi cứ ngây thơ ca ngợi, tiếc thương ông mà không xót xa cho một đất nước hơn nửa thế kỷ chìm đắm, ngủ quên trong lạc hậu và bị cô lập, cấm vận; mất cả quyền tự do, bình đẳng. Rất may người em của ông đã nhìn thấy và kịp vực dậy, đưa dân tộc thoát dần ra khỏi tối tăm. Hy vọng sau khi ông mất nguời dân Cuba sẽ hòa nhập vào thế giới tiến bộ của con người.”

Hậu quả là sau đó Phùng Hiệu bị ghép vào tội có lời lẽ phỉ báng, châm biếm, thiếu nhạy cảm chính trị và sai về lập trường quan điểm với lãnh tụ Fidel Castro trên Facebook. Ông Hiệu bị tước thẻ nhà báo và cắt chức quyền phụ trách cơ quan phía Nam của tờ Nhà Báo & Công Luận, đồng thời đình chỉ công tác và mất danh hiệu “chiến sĩ thi đua”. Theo tôi biết, ông Hiệu là trường hợp thứ hai sau vụ nhà báo Đỗ Hùng của báo Thanh Niên bị cho là phỉ báng và châm biếm các lãnh tụ cộng sản trên mạng xã hội. Nhà báo Mai Phan Lợi cũng từng bị vạ miệng trên mạng xã hội và bị tước thẻ nhà báo.

Tôi nhớ từng được nghe câu nói “Tôi không tán thành điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền của anh được nói ra điều đó”. Quyền được nói là quyền căn bản của con người, tất nhiên nếu nói sai, nói càng, nói không có cơ sở gây tai họa thì anh sẽ bị kiện và tòa án sẽ luận tội anh. Theo tôi, phát ngôn của Phùng Hiệu không mang tính đại diện. Về mặt Hiến pháp Nhà nước, tôi tin ông Hiệu không sai; ông chỉ sai khi làm báo trong một hệ thống bị kiểm duyệt thông tin quá mức và không cần thiết. Ở Mỹ, sinh viên hay bất kỳ người dân nào cũng có thể chỉ trích các chính sách của tổng thống nước mình ngay trước Tòa Bạch Ốc hay trụ sở Quốc hội. Và như Tổng thống Obama từng nói khi đến thăm Việt Nam, chỉ trích sẽ giúp các nhà lãnh đạo nhìn lại và hoàn thiện hơn, đó là động lực để đưa một quốc gia đi lên.

Tôi không phản đối Việt Nam, ở góc độ ngoại giao, phát ngôn thận trọng và cảm thông với Cuba sau sự ra đi của Fidel Castro. Tôi cũng không cảm thấy phiền lòng khi nhiều người ca ngợi ông và bảo vệ hình ảnh ông bằng mọi giá, không chấp nhận tranh luận, dù tôi không cho rằng những nhận xét một chiều ấy là đúng. Tôi cũng không buộc các vị lãnh đạo báo chí thích thú những phát ngôn của nhà báo Phùng Hiệu; thậm chí các vị này cũng có quyền tức giận, căm ghét ông Phùng Hiệu vì những phát ngôn ấy. Họ có thể viết bài để phê phán, phản bác những nhận định của ông Phùng Hiệu. Nhưng việc cấm nhà báo này hay những người dân khác bày tỏ quan điểm, cảm xúc trái chiều về Fidel Castro trên Facebook là một hành động ngăn cản quyền cơ bản của con người. Điều đó tuyệt nhiên không phản ánh tinh thần của Hiến pháp Việt Nam, của sự tiến bộ của loài người.


Phần nhận xét hiển thị trên trang