Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Y PHƯƠNG cao hứng viết phê bình





























Là nhà thơ,  Y Phương có biệt tài đặt tên mỗi chân dung khá ấn tượng, như: "Ông Hải Triều đã đến nhà tôi", "Lim dim ngọn lửa Bàn Tài Đoàn", "Nhà thơ thần đồng chín chén chưa say", "Rượu. Ớt. Mác khén và Pờ Sảo Mìn", "Chỉ cần trong xe có một trái tim" (về Phạm Tiến Duật), "Muôn năm số kiếp con người" (về nhà văn Vi Hồng), "Lễ báo hiếu bằng cái đẹp trong văn chương" (về nhà văn Cao Duy Sơn), "Đạp xe lên dốc còn phải phanh" (về nhà thơ Bế Thành Long), "Người ăn cơm nguội, viết tiểu thuyết (về nhà văn Phạm Ngọc Chiểu),  "Chàng trai đẹp trai ở phố Háng Vài" (về nhà thơ Từ Ngàn Phố), "Giấc mơ tràn màu sáng…" Khi viết chân dung các nhà thơ văn lớn, những bạn văn chương, như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cao Duy Sơn, Châu La Việt, Pờ Sảo Mìn,… Y Phương thường chọn được những chi tiết rất đắt. Anh cho rằng một trong những thành công của việc phê bình thơ chính là phải chọn ra được các câu thơ hay, những câu thơ tài hoa hay nói theo cách của anh là "câu có nhan sắc nhất”


NHÀ THƠ VIẾT PHÊ BÌNH

LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Với quan niệm, "Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình", hơn 30 năm qua, nhà thơ Hứa Vĩnh Sước - Y Phương miệt mài viết, lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng sáng tạo để là chủ sở hữu số tác phẩm không hề "khiêm tốn", gồm chín tập thơ - trường ca: "Tiếng hát tháng Giêng", "Lời chúc", "Đàn then", "Chín tháng" (trường ca), "Thơ Y Phương", Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt), "Đò trăng", "Bài hát cho Sa", "Tủng Tày" (Vũ khúc Tày, song ngữ Tày-Việt), "Chín tháng", "Tiếng hát tháng Giêng", "Lời chúc" (Tác phẩm văn học được giải thưởng Nhà nước); ba tập tản văn "Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm", "Kungfu người Co Xàu", "Fừn nèn" (Củi Tết); một tập kịch "Người núi Hoa" (1982).
Nhìn vào gia tài trên điều dễ nhận thấy thi ca làm nên tên tuổi Y Phương. Và cũng chính sự nghiệp thi ca đã mang đến cho "Người con làng Hiếu Lễ" Giải thưởng  Nhà nước về văn học, nghệ thuật (2007). Nhưng nhà thơ Tày sinh ra ở chân núi Bo Păn vùng biên viễn (Trùng Khánh, Cao Bằng) không ngừng khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ.
Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, anh vịn câu nói của cổ nhân người Tày: "Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy". Thế là con tằm ấy lại "rút ruột nhả tơ" để tìm một cách thể hiện mới. Từ thơ, đến trường ca, thử sức với tản văn - loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tuỳ ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả và bây giờ ông tiếp tục lấn sân để trình làng tập lý luận phê bình đầu tiên với cái tên khá ấn tượng "Từ từ ngẫm. Từ từ nghĩ".
Vâng, lần đầu tiên Y Phương viết phê bình. Một cách viết mới, có nhiều nét khác biệt - khác biệt kiểu nhà thơ viết lý luận một mặt vừa tuân thủ theo yêu cầu thể loại chỉn chu, mực mạ, lại vừa có độ tung tẩy, bay bay chữ nghĩa một cách hồn vía…
Đây là cuốn phê bình đầu tiên của nhà thơ Tày vốn thành danh ở lĩnh vực thơ. Cuốn sách gồm 17 bài chân dung văn học, được tập hợp từ năm 2007 đến nay từ nhiều nguồn sáng tác, hội thảo, tọa đàm… Chân dung 16 nhà văn, nhà thơ có mặt trong cuốn sách này gồm: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Pờ Sảo Mìn, Bế Thành Long, Phạm Ngọc Chiểu, Châu La Việt, Hữu Tiến, Hoàng Quảng Uyên...
Là nhà thơ,  Y Phương có biệt tài đặt tên mỗi chân dung khá ấn tượng, như: "Ông Hải Triều đã đến nhà tôi", "Lim dim ngọn lửa Bàn Tài Đoàn", "Nhà thơ thần đồng chín chén chưa say", "Rượu. Ớt. Mác khén và Pờ Sảo Mìn", "Chỉ cần trong xe có một trái tim" (về Phạm Tiến Duật), "Muôn năm số kiếp con người" (về nhà văn Vi Hồng), "Lễ báo hiếu bằng cái đẹp trong văn chương" (về nhà văn Cao Duy Sơn), "Đạp xe lên dốc còn phải phanh" (về nhà thơ Bế Thành Long), "Người ăn cơm nguội, viết tiểu thuyết (về nhà văn Phạm Ngọc Chiểu),  "Chàng trai đẹp trai ở phố Háng Vài" (về nhà thơ Từ Ngàn Phố), "Giấc mơ tràn màu sáng…"
Khi viết chân dung các nhà thơ văn lớn, những bạn văn chương, như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cao Duy Sơn, Châu La Việt, Pờ Sảo Mìn,… Y Phương thường chọn được những chi tiết rất đắt. Anh cho rằng một trong những thành công của việc phê bình thơ chính là phải chọn ra được các câu thơ hay, những câu thơ tài hoa hay nói theo cách của anh là "câu có nhan sắc nhất".
Trong bài "Ông Hải Triều đã ở nhà tôi", Y Phương đã khiến không ít người "giật mình" vì cái "sự lạ"về "cuộc gặp gỡ" khi "Ông Hải Triều đã ở nhà tôi". Nhà thơ lý giải "những ngày đầu thập niên 30 - 45 của thế kỷ trước, ở tận một nơi "khỉ ho cò gáy" (Trùng Khánh, Cao Bằng) dân dã đến man dại, sao lại có khá nhiều sách báo, tạp chí xuất bản từ thời Pháp thuộc xuất hiện…
Cha tôi là một nông dân thuần túy, cụ đã thâu lượm và rinh những ấn phẩm "xa xỉ" ấy về. Chỉ trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Huế, Y Phương đã nhận ra ngay tiếng cười giòn tan như "Ngọc xô trong lọ" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sau 10 năm đã hoàn thành cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông có tài hài hước miêu tả thần đồng Trần Đăng Khoa nhân cuộc giao lưu với văn nghệ sĩ Cao Bằng "Nhà thơ Trần Đăng Khoa cuộn người lại như một con phjẳm (sâu đá)…Hắn cực tinh".
Y Phương dành bao sự trân quý nhận xét nhà thơ Bế Thành Long "là con người có tâm hồn thực sự trong trẻo và trẻ trung. Tình yêu con người ở trong anh luôn chúm chím nở nang và cất cao tiếng hát". Chân dung Từ Ngàn Phố được xây dựng bên những câu thơ nao nao: "Con thuyền ngủ thiếp trong tranh - Hình như nó cũng chòng chành lao đi".
Y Phương gọi Pờ Sảo Mìn là một chiếc lá xanh ngon ngật ngưỡng, giữa muôn vàn lá trên đỉnh Hoàng Liên vời vợi: "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Như cái cây hai ngàn chiếc lá". Chân dung người bạn văn đồng hương Trùng Khánh được Y Phương trân quý vẻ đẹp khiêm nhường "Nhà văn Cao Duy Sơn không thích nói về mình. Đây là một nét cá tính nổi trội nhất ở ông.
Y Phương phác họa chân dung Phạm Tiến Duật theo bài thơ "Tiểu đội xe không kính", đó là "tiểu đội xe thương tật. Những chiếc xe bộ phận nào cũng kêu, trừ còi. Bằng một lối thể hiện không giống ai. Thơ viết như nói. Ông bê nguyên xi lời thường ngày trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ anh như lời nói thường, hiện thực tới 100/100.
Qua ngòi bút Y Phương, chân dung Châu La Việt được vẽ qua hồi ức, kỷ niệm gắn với ngôi đền văn chương của ông cách đây trên 40 năm: "khi đó chúng tôi đang là lính, huấn luyện ở hai đơn vị khác nhau. Tôi và Việt cùng được cấp trên gọi về học lớp chiếu bóng, do Tổng cục chính trị mở…Đọc Châu La Việt như ta được bơi trong một dòng sông chở nặng phù sa, đầy ắp tình người, tình đời…
 Những kiến giải của Y Phương xuất phát từ sự chiêm nghiệm và hiểu biết. Rất có lý mà cũng rất có tình, chắc chắn. Anh có cách giới thiệu sách bằng những câu văn trong trẻo, run rẩy, tung tẩy "Tôi bỗng thấy Vệ đê trong đêm trăng mướt mát như cỏ, mềm mại như gió, sáng long lanh như sương. Ta hãy nhắm mắt lại mà đọc. Trên từng con chữ bỗng nghe có tiếng tôm búng càng và tiếng hôn nhau… rất ngọt" (Vệ đê trong đêm trăng).
Nói về thể tản văn, trong cuốn sách chân dung văn học đầu tiên này, Y Phương giãi bày "Mọi người gọi là tản văn. Ừ thì tản văn. Nó khộng giống tùy bút. Càng không như phóng sự. Nó là nó. Vậy thôi. Nhưng tôi "lén" coi tản văn với thơ như hai anh em con dì con già. Viết tản văn phải có chất thơ. Nghĩa là nó biêng biêng trên nền tảng hiện thực. Nó bám hiện thực, nhưng rồi đến khi có đà, nó bay lên trên hiện thực"...
Anh chân thành nói về "ngôi đền văn chương" và rất có ý thức xây dựng đoàn kết các dân tộc, trong đó anh nhấn mạnh "Tình bạn giữa các nhà văn chỉ có thể rót thêm vào như rượu. Chúng ta hãy làm say mê nhau, chứ đừng bao giờ tạo ra những vết trầy xước. Điều đó đau lòng lắm. Tàn ác dã man lắm.
Với hội Nhà văn, chỉ có quan hệ bạn bè. Chứ không có cấp trên với cấp dưới. Văn hóa tự nó không hơn thua. Văn hóa là bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt. Nếu chúng ta làm mất nhau, nghĩa là nỗi buồn dài mãi. Thậm chí, vết đau này làm lây sang cả đời con nhức buốt. Không một người bình thường nào trên đời này muốn thế. Rạn nứt trong tình cảm, là điều tệ hại nhất. Vì sẽ không có bất cứ một chất liệu nào trên đời này hàn gắn nổi" .
Bức chân dung tự họa được Y Phương thể hiện trong "Tôi đến đây và tôi ở lại" bằng lời tự bạch về con người mình, về dân tộc và niềm mong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc "Tôi là người mang vía con ngựa. Một con ngựa trán dô. Nên tôi chẳng ý tứ gì hết. Giống như cái thùng tôn nhẵn gạo, tôi cứ bô lô ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết.
Ngoài thành tựu trên con đường văn chương đã thấy, Y Phương góp thêm vào cuốn phê bình chân dung văn học đầu tiên của mình những quan điểm, cách nhìn, vấn đề tư tưởng, tìm tòi cái mới trong nội dung và nghệ thuật, nhất là làm ngôn ngữ quậy cựa, sinh nở rất tài tình, rất có duyên... mình tâm đắc.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái chết của người tù già


Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
Kính tặng hương hồn bạn tù Nguyễn Thái Bút
1
Người Tù Già nằm bất động.
Lão nằm và nhìn lên bầu trời xám xịt qua song cửa.
Nhìn đăm đăm và nghĩ miên man.
Những ý nghĩ đứt quãng, trôi nổi, bồng bềnh, lẫn lộn. Trùm lên những ý nghĩ vẩn vơ ấy là một màu buồn u tối. Đầu đông ở thung lũng là thế. Thời tiết thay đổi từng giờ. Mặt trời không cất mình lên nổi nơi sương mù giăng mắc giữa ban ngày. Những vạt rừng ngàn năm nhấp nhô đậm nhạt trong thứ nửa mù nửa mưa bao quanh trại tù như một vành khăn xô rách rưới. Không phải vô lý mà người ta thích đặt trại tù trong những thung lũng, lão nghĩ. Họ khôn lắm. Không phải chỉ để ngăn tù trốn đâu. Mà để ngăn cả ý nghĩ vượt ngục của tù nữa, nếu như nó dám nảy ra.
Người Tù Già buồn.
Lão biết lão chẳng còn sống bao lâu. Dấu hiệu đầu tiên của cái chết mà lão biết được là đôi chân không còn nghe theo lão. Lão mất hết cảm giác về chúng. Chúng rời bỏ lão một cách chậm chạp, không sao ngăn nổi. Bắt đầu là hai bàn chân, hôm qua, rồi tới đầu gối, sáng nay, và bây giờ – tới hông. Cả cái mùi khăn khẳn dính chặt vào khứu giác, không biết nó xuất phát từ đâu, có phải đấy là mùi của chính lão?
Lão biết lần ngã bệnh này của lão không như những lần trước, trong suốt đời tù đằng đẵng. Mười một năm rồi chứ ít à? Trong mười một năm ấy lão đã vượt qua cái chết không phải một lần. Nhưng lần này thì không, lão biết. Không qua được. Không ăn thua. Thân thể lão đã cạn khả năng sống sót để chờ thêm một năm, hoặc hai năm, như lão từng chờ nhiều lần, để được xét tha sau một lệnh. Lệnh, là gọi tắt một kỳ hạn của cái gọi là “tập trung cải tạo”. Một lệnh là ba năm. Hết ba năm này là ba năm khác. Cứ thế mà diễn.
Mà chắc gì lão được tha cơ chứ?
Cái chết toàn năng, cái khốn nạn bất khả kháng, như hốc miệng đen ngòm của một con trăn khổng lồ đang nuốt dần cơ thể lão, từng phút một. Rất chậm, nhưng không dừng một giây.
Lão sợ. Lão không muốn chết một tí nào. Lão muốn sống. Chao ôi, lão muốn sống lắm lắm. Chưa khi nào lão muốn sống bằng lúc này.
Đấy, ngay bây giờ đây này, lão đang muốn kêu, muốn gào lên, muốn thét lên, bằng hết giọng, để thiên hạ nghe thấy mà chạy đến, để thiên hạ xúm lại kéo lão ra khỏi cái hốc khủng khiếp đen ngòm kia. Nhưng lão không kêu được. Từ cuống họng lão chỉ phát ra những tiếng ú ớ mà, lạ thay, lão lại nghe rất rõ. Đôi tai nghễnh ngãng nhiều năm bỗng trở lên thính lạ thường. Tưởng chừng cái sống còn lại trong người lão chỉ tập trung nơi thính giác. Nó, và chỉ có nó, nối liền lão với thế giới bên ngoài.
Nói lão muốn gọi thiên hạ là nói thế thôi, chứ lão biết cả cái thế giới bên ngoài kia chẳng thèm nhòm nhõ gì đến lão.
Đối với cái thiên hạ ấy, lão chẳng là cái gì. Bạn tù không đến thăm lão. Họ mệt lử sau một ngày lao động, lết được về tới phòng là nằm vật ra, còn sức nào để nghĩ tới lão. Trừ Cựu Tỉnh Trưởng, một người tù già, còn già hơn lão nữa, ở ngay đây, trong trạm xá, thỉnh thoảng mới lệt xệt từng bước đến bên giường ngó lão một cái. Lũ bệnh nhân cùng trạm xá với lão kia, ở ngay bên lão, thì chẳng nói làm gì – còn khuya cái lũ ấy mới nói với lão một lời. Chúng chẳng bệnh tật gì, chúng được nằm trạm xá vì chúng có tiền cống cho thằng Y Tá, cho ông Y Sĩ . Giờ đây chúng túm tụm trên cái giường gần giường lão, đang sát phạt nhau trong canh bạc mới mở. Lão nghe rõ mồn một thằng nào cười hô hố, thằng nào đang ngửa cổ reo tướng lên, thằng nào vừa vỗ đùi trong khoái trá, thằng nào vừa văng một câu chửi đổng trong cơn bực bội.
Y Tá cũng ngồi trong đám bạc. Mặt bì bì, mắt trắng dã, môi mỏng mím chặt, hắn vật quân bài xuống chiếu cái đét và ngửa cổ lên văng một tràng chửi tục. Không cần nhìn, lão cũng biết nước bọt hắn văng tung toé. Hắn không thể nói mà không văng nước bọt.
Y Tá vốn là một bác sĩ khoa phụ sản bệnh viện tỉnh, trước nữa là Y Tá huyện, được trên cho bổ túc lên y sĩ, rồi bổ túc lên bác sĩ. Hắn là tù có án – năm năm vì tội cưỡng dâm bệnh nhân.
Người Tù Già đón hắn từ lúc hắn vừa bước xuống ô tô ca của trại tỉnh chở tù lên trại trung ương. Người cùng một tỉnh, gặp nhau ở trong tù thì mừng, là lẽ thường. Chẳng gì cũng đồng hương đồng khói với nhau, chứ trước kia lão đâu có quen hắn.
Như mọi nông dân, có bao giờ lão đi bệnh viện. Người nông dân nghe đến bệnh viện là hãi rồi, như chết đến nơi rồi, không chết đến nơi thì chẳng ai tới bệnh viện làm gì. Nhưng cái chính là lão sợ tốn. Ốm đau đã có lá lẩu trong vườn, nặng hơn thì tìm đến ông lang ngoài chợ, ra khỏi nhà một bước là một bước tiền.
Hắn được phân vào toán đan lát của lão. Lão mừng húm. Lão rủ hắn ăn chung. Chia sẻ với hắn từng viên thuốc lào. Ở ngoài, nghe nói hắn béo lắm. Lên trại, hắn xuống cân vù vù. Gày tong teo. Đi xiêu vẹo. Hắn quên sạch mọi thứ trên đời, trừ những cái có thể bỏ vào mồm. Đi làm ngoài trại mắt hắn láo liên lục bới từng khóm cây bụi cỏ kiếm con cào cào, con châu chấu. Hôm nào vớ được con thằn lằn, hôm đó hắn như sống lại. Người ta quen thấy hắn vật vờ ngoài sân, hết rẽ vào nhà này lại nhà kia để kiếm miếng ăn. Một trong những cách kiếm ăn lương thiện nhất, ít bị khinh bỉ nhất, là tẩm quất thuê cho lũ “đầu gấu”, lũ “sĩ quan ”.
Cuộc đời đầy những bất ngờ. Tay “y tá trại”, trước kia là bác sĩ một bệnh viện trung ương bị kết án chung thân vì tội dùng thạch tín đầu độc vợ giữ chức y tá đã nhiều năm, nhờ có nhiều quan hệ với các quan chức lớn nên luôn được giảm án, đùng một cái được tha trước hạn. Cái chân y tá trại béo bở có một số ứng viên sáng giá – đó là mấy tù nhân bác sĩ, người đi tù vì tham ô, kẻ vì buôn lậu. Trời xui đất khiến thế nào, hắn được Ban giám thị chọn. Tính về thành phần xuất thân hắn ăn đứt bọn kia, hắn không phải chỉ là nông dân nói chung, hắn là cố nông tính về thành phần, quân chủ lực của cách mạng. Một bước, hắn lên quan, dù là quan trong trại tù.
Làm y tá trong tù bảnh lắm. Muốn nghỉ lao động một ngày, hoặc vài ngày, trong đời tù triền miên lao động và lao động, những người tù khốn khổ, không trừ một ai, đều phải cầu cạnh y tá. Tuỳ theo cống vật họ dâng mà y tá gia ân cho họ nhiều hay ít – từ một hai ngày nghỉ lao động cho đến nằm trạm xá để theo dõi và điều trị.
Nhà bếp, liên minh thần thánh của trạm xá, bao giờ cũng dành cho Y Tá phần béo bở, ngày thường cũng như ngày ăn “tươi”, trong mốì quan hệ hai bên cùng có lợi. Hắn mau chóng lên cân trở lại. Trơn lông đỏ da. Rồi béo hú. Hắn thích kể chuyện những người đàn bà đã qua tay hắn, như những chiến công, và thề sẽ trả thù con mụ bệnh nhân bị cưỡng hiếp đã làm đơn tố cáo hắn.
Người Tù Già không trông cậy ở Y Tá một sự chiếu cố nào. Lão biết có trông cậy cũng vô ích. Ở trong tù mà nói chuyện ân tình là lạc điệu, là ngu. Lão chỉ ân hận một chút – ấy là lão đã không đủ khôn ngoan để nghĩ tới chuyện đút lót Y tá ngay từ hôm đầu nằm trạm xá, như những người tù khác.
- Ở đời chẳng có gì tự nhiên có, chẳng có gì tự nhiên mất – Y Tá triết lý – Không hiểu điều sơ đẳng ấy thì ô hô, có mà ăn cám.
Người Tù Già không nghĩ tới đút lót là có cái lý của lão. Lão có cái gì để mà đút cơ chứ? Trên răng dưới cát-tút, lão là thế. Lão không thuộc loại người giận đời hoặc đám kẻ sĩ dở hơi đã vào tù rồi vẫn còn cương, không chịu cúi đầu trước bọn cán bộ, đừng nói gì tới Y Tá hay trật tự. Nếu có cái để đút thì lão cũng đút rồi. Nhưng Y Tá lại nghĩ khác – ừ thì lão không có tiền thật, lão nghèo rớt mồng tơi, đúng, nhưng lão có thể xin, có thể vay chứ. Vẫn còn những bạn tù tốt sẵn lòng giúp lão lúc hiểm nghèo cơ mà. Vay trước trả sau là chuyện thường tình. Cho nên Y Tá mới giận. Lão già cứ ì thần cụ ra, cứ như thể Y Tá là đồng hương của lão thì hắn phải có trách nhiệm săn sóc lão. Đừng hòng. Còn khuya nhé!
Y Tá đoán sai – lão hành xử như thế, không kể chuyện lão không có tiền, cái chính là vì lão coi thường bệnh. Lão xem trận ốm bất ngờ như một sự bất tiện hơn là một bệnh. Lão tin ở đặc tính sống dai của người tù. Đó là một sinh vật kỳ lạ – sống không mảy may tiện nghi, thiếu thốn đủ đường, mắc đủ mọi bệnh, thế mà vẫn sống nhăn, như để phô bày một hiện tượng kỳ lạ của nhân loại. Lão không hề nghĩ đến cái chết khi lão khai ốm. Thậm chí lão còn cho là Y Tá nhầm khi cho lão đi nằm trạm xá. Kiết lỵ là cái quái gì cơ chứ? Lão đã chứng kiến một lần tù chết hàng loạt trong một trận dịch kiết lỵ. Kinh lắm. Chôn không kịp. Nhưng dịch là dịch, chứ cái kiết lị bình thường, kiết lỵ hàng ngày, có làm thằng chó nào chết đâu? Lần này lão có đau bụng thật, đau quặn, khó chịu lắm, nhưng cũng chỉ như những lần khác, không hơn. Đến bữa lão vẫn “bụp” đến nơi đến chốn, ngoài suất cơm trại còn ngốn cả mấy chét to rau má mới thấy lưng lửng dạ.
Lão chỉ bắt đầu lo, bắt đầu ân hận đã không đút lót Y Tá khi thấy cái bệnh tưởng chừng vớ vẩn ấy ngày một nặng. Lão thấy những cơn đau quặn dữ dội đến lạ lùng ở bụng dưới. Mót liên tục. Không nhịn được. Mỗi lần đi cầu sức lực của lão như trôi ra theo đám phân lầy nhầy máu.
Y Tá cũng coi thường bệnh của lão. Khi thấy bệnh nặng thêm thì hắn cho lão ăn cháo với muối. Muối là lành nhất, không gì lành bằng. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân nào rồi cũng khỏi. Trừ những bệnh nhân đã đến cõi. Khi thấy lão đi nhiều quá, mệt quá, thì y cho thêm mấy viên Berberin. Trong nhà tù Berberin là thần dược cho các bệnh đường tiêu hoá.
Nhưng Berberin không ăn thua. Uống vào như không uống.
Người Tù Già thầm trách Y Tá trại nhẫn tâm. Hắn cho lão nằm trạm xá để làm gì, nếu như hắn không muốn chữa cho lão khỏi?
Lão không biết rằng Y Tá chẳng tốt mà cũng chẳng xấu với lão. Y Tá chỉ làm việc phải làm mà thôi. Đó là lệnh của Ban Giám thị: “Phải giảm tỷ lệ tử vong xuống!”
Số là từ đầu năm tù ở mấy trại trung ương bỗng lăn ra chết như ruồi trong một trận dịch kiết lỵ. Đến nỗi ông Bộ trưởng phải ra một chỉ thị đặc biệt để chặn đứng tai hoạ. Không phải bỗng nhiên ông quan tâm tới số phận tù. Sự quan tâm bắt đầu từ việc đứa cháu họ mẹ vợ ông Tổng bí thư đảng, làm công an một trại, đến thăm kể cho bà nghe chuyện cảnh tù chết la liệt như thế nào. Anh ta muốn bà nói giúp một tiếng để anh ta được chuyển ngành. Là Phật tử thuần thành, bà lựa lời khuyên ông con rể chớ để sự thể như thế mà luỵ đến đời con cháu.
Ông Tổng bí thư, tác giả nhiều cuốn sách về chủ nghĩa duy vật, về tính nhân văn xã hội chủ nghĩa, cười giễu cái sự tin nhảm của bà lão. Ông không tin Trời, không tin Chúa, không tin Phật. Ông chỉ tin ở sức mạnh của cái Đảng dưới quyền ông. Có nó, ông muốn làm gì cũng được. Nó bách chiến bách thắng.
Ông Bộ trưởng Công an và ông Cục trưởng Cục quản lý trại giam được ông Tổng bí thư triệu lên.
- Đường lối của Đảng ta là trị bệnh cứu người – Tổng bí thư căn dặn – Trấn áp bọn phản cách mạng thì không thể nương nhẹ. Đó là chuyên chính. Nhưng khi chúng nó đã là người tù thì phải coi chúng nó như người bệnh, phải chăm nom cho chúng nó khỏi bệnh, để chúng nó còn sống mà trở thành công dân lương thiện. Các đồng chí làm ăn thế nào để đến nỗi tù chết nhiều đến thế? Tôi chỉ thị các đồng chí phát động ngay một đợt thi đua trong các trại giam để giảm lập tức tỷ lệ tử vong xuống. Tôi nhắc lại, ta phải nhân đạo, ngay cả với kẻ thù … Các đồng chí phải quán triệt đường lối ấy.
Hai ông cấp dưới trở về, nói với cấp dưới nữa, rồi cấp dưới nữa lại nói với cấp dưới nữa. Khi nhắc lại lời ông, họ ngước mắt lên trời:
- Thánh thật! Ngồi một chỗ mà cái gì Cụ cũng biết, biết hết. Vớ vẩn với Cụ, toi có ngày!
2
Người Tù Già lắng nghe. Từ xa vẳng lại tiếng gõ chí chạt, đều đều. Cái gì thế nhỉ? A, đúng rồi – đó tiếng dao thớt. Hớn hở và hối hả. Rộn rã. Tưng bừng. Tiếng dao thớt này nghe vui lắm, phấn khởi lắm. Chắc chắn phải là tiếng băm thịt, chặt xương. Không phải tiếng băm rau, không phải. Nhà bếp cái gì cũng băm, cho nó nhanh. Có lần lão đã lầm – hôm đó nhà bếp băm bí đỏ. Nhưng tiếng băm bí đỏ có khác với băm thịt. Để ý thì thấy. Nó cũng phầm phập, nhưng không khô, không gọn. Và uể oải. Chậm chạp.
Chao ôi! Lão muốn vỗ trán mà reo lên vì phát hiện, nhưng tay lão yếu quá, nó chỉ còn có thể vỗ được trong ý nghĩ. Có vậy mà lão không nghĩ ra, có khốn nạn không kia chứ. Cái đầu chết tiệt. Hôm nay Mồng Hai Tháng Chín mà! Là ngày Quốc khánh mà! Phải có “tươi” lớn chứ.
Lão buồn xỉu. Lão hiểu rằng lão đã mất hết ý thức về thời gian. Lão không còn phân biệt được hôm qua với hôm kia. Lão chỉ còn biết được hôm nay. Lão chỉ còn biết cái hiện tại, cái bây giờ.
Ngày lại ngày trong đời tù giống hệt nhau. Thế là lẫn. Lão nhớ ra ngày Quốc khánh nhờ nhớ được cái lần trại “ăn tươi” trước đó – ngày Quốc tế Lao động Mồng Một Tháng Năm. Giữa hai ngày lễ đó chẳng có lễ nào khác.
Lão mơ màng hình dung ra những miếng thịt kho tàu màu cánh gián đẹp như được đánh véc ni, nồi hầm xương bò nhuếnh nhoáng hằng hà sa số những sao nhỏ sao to trên mặt nước béo ngậy.
Thảo nào, từ buổi sáng lão đã mơ màng nghe tiếng quạ kêu. Cái giống đến là tài, chúng ngửi được mùi xác chết cách xa cả chục cây số. Thế mà lúc ấy lão đã nghĩ dại – lão nghĩ lũ quạ đánh hơi thấy mùi lão. Lão loáng thoáng nghe có người bảo giống quạ biết ở đâu đó có súc vật chết, hoặc người chết. Chim lợn còn thính hơn. Nó còn đánh hơi được cả người sắp chết. Là bởi người sắp chết cũng bốc mùi. Cái mùi ấy mũi người không thấy được.
Lão nhếch mép. Không ai có thể bảo đó là lão cười, bởi cái nhếch mép của lão không thành. Lão đang sung sướng trong lòng. Không phải lũ quạ đánh hơi thấy mùi lão. Chúng nó đánh hơi thấy con lợn hay con bò bị làm thịt dưới kia, chỗ nhà bếp.
Lão hình dung bữa tươi sắp được hưởng. Miếng mỡ căng phồng khi cắn vào mới ngon làm sao! Là lão nhớ đến miếng mỡ ở ngoài kia kia, ở cái cuộc sống bên kia bốn bức tường nhà tù kia, chứ ở đây có bao giờ được một miếng như thế. Nhưng mỡ thì ở đâu cũng vẫn là mỡ. Nước mỡ ứa ra sẽ làm cho miệng lão hết khô, lưỡi lão hết sưng tấy. Nó giống như nước mưa nhỏ xuống đất cằn.
Thịt cũng thế. Nó làm cho người ốm khỏe ra, làm cho người già trẻ lại. Chỉ mới nghĩ tới nó lão đã tỉnh hẳn, đã quên bẵng nhưng ý nghĩ đen tối về cái chết.
Lão nhớ bữa “ăn tươi” cuối cùng xảy ra hôm nào. Thông thường một tháng tù được “ăn tươi” một lần. Nhưng đã ba tháng rồi chẳng được một bữa tươi nào sất. Ban giám thị cắt ăn tươi toàn trại vì một vụ trốn tù táo bạo – năm tên tù xổng cùng một lúc vào ban đêm. Ban giám thị cho rằng nhiều người biết sự chuẩn bị của vụ trốn, nhưng không chịu tố cáo.
Lão gượng quay đầu nhìn sang giường bên, nơi những con bạc đang mải mê sát phạt. Lão đã thấy chúng mà cả với nhau về giá cả bữa tươi lớn, đặc biệt, sắp tới.
- Thịt!
Đôi mắt mờ đục của lão sáng lên. Chúng thậm chí còn động đậy trong hai hốc sâu của cái sau này gọi là đầu lâu.
Cái chết giật mình. Nó đang say sưa nuốt dần con mồi, nó đã nuốt tới đầu gối, tới hông. Con mồi đã chịu tho, ngoan ngoãn và yên phận. Vậy mà đùng một cái, cái con mồi mềm oặt, đã hết sức sống, bỗng giãy giụa, đẩy nó ra bằng sức mạnh không ngờ.
Cái chết ngừng nuốt, nhẹ nhàng tạm nhả miếng mồi.
Y Tá vừa trang bài vừa bực bội vừa nhìn sang giường Người Tù Già.
- Mẹ kiếp, chưa chết hử? – hắn hấm hứ – Đã bảo, đừng có rên! Sốt cả ruột!
Cái đầu của Người Tù Già lắc lư khe khẽ. A, lão còn lắc đầu được kìa, Y Tá nghĩ. Lão cãi đấy. Rằng lão vẫn còn sống, lão chưa chết. Chao ôi, cái giống tù sống dai khiếp! Một bệnh nhân như thế ở ngoài đời thì đã xong từ lâu.
Từ hôm kia. Hoặc kéo được tới hôm qua là cùng. Mạch gần như không còn, hơi thở mong manh. Từ giường bệnh của lão bốc lên mùi tanh tưởi. Hồi còn ở bệnh viện – hắn lúc đó là bác sĩ chứ không phải là Y Tá như trong cái trại khốn kiếp này – hắn không bao giờ đứng lâu trong phòng bệnh nhân. Hắn lướt qua các giường bệnh một lượt, hỏi han qua loa, rồi đi thẳng. Cuộc chạy việt dã qua các giường bệnh kết thúc bằng việc rửa ráy không với mục đích sát trùng mà chỉ cốt xua tan uế khí của phòng bệnh dính vào da thịt. Thế mà ở đây, hắn phải chịu đựng cái cực hình đó. Phòng dành cho Y Tá và phòng bệnh nhân thông với nhau, mùi hôi thối và tanh tưởi của phòng bệnh nhân nồng nặc. Tối đến, người ta khóa tuốt tuột cả hắn lẫn con bệnh của hắn trong trạm xá. Ít nhất thì cánh cửa liếp cũng ngăn được một phần cái mùi kinh tởm ấy.
Hắn từng biết ơn Người Tù Già đã giúp hắn khi hắn mới tới trại. Lúc đó hắn khốn khổ lắm. Lúc đó hắn nghĩ rồi đây hắn sẽ phải trả ơn lão. Thế rồi hắn quên bẵng. Trí nhớ của hắn không giữ lại ý nghĩ xa xỉ đó. Hắn đã học được cách sống theo luật rừng, không phải ở đây, mà từ ngoài kia. Rừng thuộc về kẻ mạnh. Kẻ nào không học được cách sống ấy, kẻ đó tiêu. Hắn cho Người Tù Già được nằm trạm xá không phải như một cử chỉ trả ơn. Hắn thấy mặt lão đã bạc ra vì bệnh. Theo lệ thường người sắp chết phải được đi qua trạm xá để đến nhà xác.
Người Tù Già lại rên rỉ. Y Tá rời mắt khỏi mấy quân bài, nguýt lão:
- Gì?
- N..ư..ơ..ớ..c! – Người Tù Già cố gắng mấp máy cặp môi nứt nẻ.
- Để người ta xong ván bài đã nào. Đang đen bỏ mẹ đây này – Y Tá quát – Đừng có ám quẻ!
- N..ư..ơ..ớ..c!
- Mẹ kiếp! Uống đéo gì mà uống lắm thế? Này, “anh giề”, đây bảo cho mà biết: phàm càng uống nhiều thì càng chóng chết đấy!
Nghe đến tiếng “chết” Người Tù Già co rúm lại. Đó là nói phóng đại lên, chứ lão không còn có thể co rúm thêm được. Bộ mặt lão méo xệch, đôi mắt láo liên, thất thần. Cái tiếng “chết” thốt ra từ miệng bác sĩ là bản án tử hình đọc cho bệnh nhân.
- Sợ hử? – Y Tá liếc xéo gương mặt méo xệch của lão, vừa lắc lư toàn thân vừa xoi bài – Đừng có sợ. Thằng đéo nào rồi chẳng chết. “Anh giề” chết, tôi chết, nó chết, các ông chết, chúng nó cũng chết. Chết sạch. Kẻ trước người sau, vậy thôi. Đéo có đứa nào thoát.
Y Tá ngửa mặt lên cái trần nhà xạm đen, dấu vết của những bữa sột sệt, cười hô hố.
3
Khi nhà bếp gánh cơm đến trạm xá, thì đám bài lá giải tán.
Sĩ Quan nhún chân nhảy xuống đất, khệnh khạng bước ra khoảng trống trong phòng khám. Hắn chống nạnh nhìn quanh, hai cánh mũi phập phồng, ngực áo phanh ra phô hình con rắn quấn người đàn bà cởi truồng, và ở bên trên là một trái tim bị tên xuyên thủng. Người đàn bà giãy giụa trong vòng xiết của con rắn khi hắn cử động. .
Khẩu phần ăn của Y tá ở nhà bếp, quân số của hắn ở đó. Hắn bưng bát được lĩnh riêng từ nhà bếp lên, lướt qua đám bệnh nhân đang đứng vòng trong vòng ngoài quanh mấy xoong thức ăn sắp được chia, khẽ dặn Sĩ Quan:
- Chia xong, vào ăn với tao!
- Có cay chứ?
- Nhoè!
Đấy là hai đứa nói về rượu. Y Tá đã loay hoay pha chế chất cay, vừa pha vừa huýt sáo. Đó là một hỗn hợp gồm cồn éthylène, mật mía, những viên polyvitamine màu vàng. Từ lâu, Y Tá sát trùng ngoài da cho bệnh nhân bằng nước sôi để nguội, để dành cồn cho những cuộc nhậu nhẹt. Hội của hắn gồm vài Sĩ Quan cổ cánh, Trật tự và Thông tin.
Từ giường của Người Tù Già phát ra một tiếng rên to. Sĩ Quan quay lại, bắt gặp cái nhìn lạnh lẽo của Người Tù Già. Ấy là hắn có cảm giác như vậy chứ chưa chắc đã là sự thật. Hắn thấy đôi mắt kẻ hấp hối đang hướng về phía đám đông ồn ào chia thịt bỗng quay về phía hắn.
Sĩ Quan giật mình trước cái nhìn ấy. Chuyện hắn bao giờ cũng chiếm phần hơn trong những bữa tươi là chuyện đương nhiên. Những người tù buộc phải chia cho hắn phần hơn – nhiều hơn, ngon hơn. Hắn đã gặp những cái nhìn không thiện cảm, nhưng chưa bao giờ hắn gặp một cái nhìn gườm gườm lạnh lẽo như thế.
Hắn tiến về phía Người Tù Già.
- “Anh giề” không bằng lòng hử? – hắn hất hàm hỏi, nhưng không sẵng.
Người Tù Già không trả lời. Từ đôi môi xám xịt của lão phát ra một tiếng hừ, giống một tiếng rên. Lão không nói được nữa rồi.
Sĩ Quan nhẹ nhàng hỏi lại lần nữa, một thái độ không thường có ở hắn:
- Vậy “anh giề” muốn gì nào? Cân nhá? Hay quay mặt đặt tên?
Người Tù Già vẫn không nói, đôi mắt gắn chặt vào mặt Sĩ Quan. Cái nhìn ấy làm hắn bối rối. Đó là điều chưa từng xảy ra với hắn. Vào tù, qua nhiều trại, hắn không sợ một ai. Hắn tự tin vì hắn có những quả đấm thành thục. Ngày trước, hắn là võ sĩ quyền Anh hạng ruồi, từng lên vũ đài và giật giải vô địch đôi ba lần. Rơi xuống đáy vực xã hội hắn học thêm võ giang hồ. Trong môn võ không môn phái ấy cái đầu tiên cần có là máu liều. Máu ấy hắn không thiếu. Nhưng hôm nay hắn cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ. Y Tá bảo lão già chẳng còn mấy nả. Lão già kia, với cái nhìn lạnh lẽo ấy, dám trả thù lắm, dám báo oán lắm, một khi lão thành ma. Đánh nhau với người thì được, đánh nhau với ma làm sao?!
Sĩ Quan đã định bụng nhận phần thịt của mình xong sẽ vào phòng Y Tá với các sĩ quan khác đang đợi hắn. Nhưng hắn thấy bữa tươi này cần được chia công bằng. Nếu hắn có mặt, không đứa nào dám hó hé giở trò bịp bợm. Người Tù Già sẽ được hưởng phần thịt xứng đáng.
- Quay mặt đặt tên nhá?
Hắn hỏi lại lần nữa, giọng hạ hẳn xuống, dịu dàng. Cái đầu lưa thưa tóc của người hấp hối khẽ cử động. Hắn hiểu là Người Tù Già gật đầu.
Theo hiệu lệnh câm lặng của hắn, người tù gày như một bộ xương biết đi liếm đầu bút chì rồi ngồi xổm xuống viết tên những người tù trong trạm xá vào mặt sau vỏ bao thuốc lá đặt trên đầu gối. Người đó viết xong thì một người tù khác cầm tờ giấy lên, quay mặt đi xướng tên người được lĩnh phần, trong khi đích thân Sĩ Quan cầm một cái thìa gõ không theo một thứ tự nào vào từng bát đã được chia. Tên ai được xướng lên trúng vào bát nào thì người có tên nhận bát đó.
Sĩ Quan tự tay bưng bát thịt đến bên giường Người Tù Già, đặt xuống bên cạnh ông
- “Anh giề” ơi, phần của ông anh đây, – hắn nói bằng giọng ngọt ngào và vụng về – tôi bỏ thêm vào cho ông một miếng phần của tôi nữa đấy, đấy miếng này này. Thế nào, “anh giề” bằng lòng chứ? Phần của “anh giề” không lẫn miếng sụn miếng xương nào đâu, “anh giề” ăn cho khỏe!
Đầu của Người Tù Già đụng đậy, Sĩ Quan hiểu là lão gật, lão hài lòng.
Rồi hạ giọng, hắn ghé sát vào tai lão thì thầm:
- Nói dại, “anh giề” có chết đi thì chớ quên phù hộ thằng này nhé! Chớ quên rằng thằng này đã tử tế với ông anh.
Hắn bưng bát thịt của hắn quay vào phòng trong, ở đó Y Tá đang trịnh trọng rót thứ nước thánh do hắn chế tạo vào mấy cái chén nhỏ trước những cặp mắt hau háu của lũ bạn.
4
Mấy anh tù tự giác đi làm về rẽ qua trạm xá xin thuốc đỏ vừa hút thuốc lá cuốn vừa lắng nghe Y Tá kể về những phút cuối cùng của ông lão:
- Cái bát để bên cạnh, ngay chỗ này này. “Anh giề” nhà mình thấy cái bát là cố gượng quay đầu lại nhìn. Bữa tươi “dầm ”, thịt rang mặn thơm đéo chịu được. Nhưng đến lúc ấy thì “anh giề” hết ngồi lên được nữa rồi. Chân lão liệt từ đêm. Chết ấy à, chúng mày phải biết, bao giờ cũng phải từ chân lên đầu, ngược lại là không có. Tớ nghe tiếng “anh giề” ú ớ mãi. Chắc lão muốn gọi đứa nào đỡ lão ngồi lên, nhưng lưỡi lão cứng rồi…
Người Tù Già nằm trên giường, im lặng. Mặt lão xám lại trong vẻ bất cần, trong một vẻ trịnh trọng không nguyên cớ. Trên người lão là tấm chăn rách của trại, phủ ngay ngắn, tấm chăn sợi Nam Định không biết đã được dùng cho bao nhiêu kiếp tù.
- Lão ú ớ một hồi, rồi im. Mẹ kiếp, tớ lại ngỡ “anh giề” rên. Mấy hôm nay lão rên suốt ấy mà. Nhưng tớ mặc. Cứ thấy rên mà chạy lại, có mà chạy cả đêm. Ấy vậy, tớ mặc cho lão rên, định bụng ăn xong sẽ cho lão một ống dầu long não. Đã đến nước ấy trời cũng không cứu nổi, dầu long não cứu thế đéo nào được. Nhưng lệ trong nghề tớ là thế, chúng mày ạ – gì thì gì cũng phải cho người hấp hối một mũi tiêm làm phúc. Người không biết thì bảo nó là thuốc hồi dương. Long não chỉ làm cho cái xác sắp chết ấm lên một tẹo thôi. Ra cái vẻ còn nước còn tát ấy mà, chứ ăn thua đếch gì…
- Thế là “anh giề” đi luôn?
Y tá khịt mũi ra chiều khinh bỉ:
- Đi là thế đéo nào? Cái giống tù là sống dai nhất hạng.
Cựu Tỉnh Trưởng lệt xệt đến bên giường người chết. Lão gày tong teo, già nhất trong những người tù già trong toàn trại, mặt nhăn nheo như một quả bưởi héo, nổi tiếng có học nhất trong cộng đồng tù, nhưng ít lời đến nỗi tưởng như câm. Không biết vì lý do gì, nhưng lão cũng được Ban giám thị cho nằm trạm xá từ đời y tá trước. Cái sự được ở trạm xá lâu như thế làm cho lão trở thành có giá, biết đâu tổ con chuồn chuồn, người ta nghĩ, có khi lão có họ hàng hang hốc với ông kễnh nào trong các quan ở Cục hay ở Bộ chưa biết chừng.
Y Tá hằn học nhìn Cựu Tỉnh Trưởng. Hắn coi Cựu Tỉnh Trưởng là kẻ làm mất đi một suất trạm xá, suất ấy hắn có thể “chác” với những người tù khác, , nhưng gã e dè không dám xử tệ với Cựu Tỉnh Trưởng. Trong trại, Cựu Tỉnh Trưởng từng là bạn thiết của Người Tù Già từ những năm cả hai còn chưa phải nằm trạm xá. Người ta thường thấy bắt gặp họ im lặng ngồi bên nhau sưởi nắng.
Đứng bên người chết, Cựu Tỉnh Trưởng nghiêng đầu ngắm nghía bạn mình như thể ngắm một bức tranh.
- Này, “anh giề” tần ngần làm gì ở đấy đấy? – Y Tá nói với Cựu Tỉnh Trưởng bằng giọng nhẹ nhàng – “Anh giề” rồi cũng thế thôi. Chẳng lâu nữa đâu.
Cựu Tỉnh Trưởng không nghe thấy câu nói của Y Tá, hoặc làm bộ không nghe thấy, tỉ mẩn xếp lại cái chăn phủ xác chết cho ngay ngắn.
- Thế mà tớ vừa tiêm cho “anh giề” một phát long não là “anh giề” hồi lại liền. – Y Tá quay lại với câu chuyện – Cứ như thuốc tiên ấy. Vừa hồi lại “anh giề” đã cuống lên, ú ớ một chập nữa, mà ú ớ rõ to nhá! Tớ đồ rằng “anh giề” muốn lạy van tớ cứu lão…
- Có khi ông ấy muốn trối trăng điều gì… – Cựu Tỉnh Trưởng nói khẽ, như nói một mình.
- Anh bảo sao? Trối trăng à? “Anh giề” ấy thì có cái đéo gì mà trối với trăng chứ. Đừng nói leo! Ra ngoài kia! – Sĩ Quan quát – Tôi bảo anh ra ngoài kia.
Cựu Tỉnh Trưởng lẳng lặng trôi ra ngoài trạm xá như một cái bóng. Lão ngồi bệt xuống đất bên bức vách, úp mặt vào hai bàn tay. Đôi vai gày của lão rung lên từng chập.
- Mặc lão – Y Tá can Sĩ Quan, kể tiếp – Ăn xong, tớ mới ra xem “anh giề” của tớ thế nào rồi, thì cha mẹ ơi, lão đã chống tay trái nhỏm dậy, tay phải cầm đôi đũa…
- Thánh thật! – một người tù bình luận – Lão nằm liệt từ hôm qua rồi mà.
- Thế mà “anh giề” lại tỉnh, lại nhấc được tay, mới thánh chứ. Từ trước đến nay, các cậu biết, tớ mà đã phán thằng nào tớ chịu, không chữa được nữa, thì y như rằng thằng ấy ngỏm củ tỏi. Đã tưởng lần này mình sai bét.
- “Anh giề” ghê thật. Chết đi sống lại mấy lần rồi đấy.
- Đéo phải. Tớ không sai. Tớ vẫn đúng. Tớ thấy “anh giề” giơ đôi đũa về phía bát thịt, bàn tay “anh giề” run run, cuối cùng rồi đôi đũa cũng chạm được vào thành bát nghe đánh cóc một cái. Nhưng chỉ đến đấy thôi. Đến lúc “anh giề” run run gắp được một miếng thì hức, “anh giề” nấc lên một tiếng, cả người hắn ta giật lên….
- Xong phim?
- Xong! – Y tá xác nhận.
- Không kêu thêm một tiếng nào?
- Không. “Anh giề” ngã vật ra, đầu ngoẹo sang một bên. – Y Tá nói – Đéo mẹ, tớ mà đã phán là trúng phóc. Có điều “anh giề” sống dai khủng khiếp. Người khác thì đã ngỏm củ tỏi từ lâu…
- Gắp miếng thịt lên mà không ăn được, cái số con người ta sao mà khốn nạn! – một người chép miệng, lắc đầu – Đúng là nhất ẩm nhất trác giai do tiền định.
- Có cái gì khốn nạn hơn là số phận con người?!!
Người ngồi bên đế thêm và đưa cái điếu cày lên.
- Thế là đéo cần lệnh tha nữa.
Tiếng rít thuốc vang giòn giã.
5
Người Tù Già được chôn chiều hôm đó.
Không người viếng, không tiếng khóc, không vòng hoa. Đám ma tù là thế.
Khi buổi điểm danh lần thứ hai trong ngày kết thúc, tù đã được lùa vào trong các phòng giam, cửa đã được khóa lại, thì mọi thủ tục cho sự ra đi vĩnh viễn của Người Tù Già bắt đầu. Các bậc chức việc từ khu nhà Ban giám thị ở ngoài trại lục tục mang hồ sơ đến, lấy dấu tay xác chết, đối chiếu mặt xác chết với ảnh trong hồ sơ, lần lượt ký tên vào biên bản tử vong.
Xong, lệnh mai táng mới được phát.
Tổ mai táng gồm bốn người lẻo khoẻo hì hục đặt Người Tù Già nằm vào chiếc áo quan chật chội do đội mộc đóng bằng sáu tấm ván tiết kiệm, mỏng tang và nứt nẻ, rồi đóng nắp lại. Tiếng đinh đóng lên ván thiên kêu chan chát. Cái tiếng chan chát ấy chui vào trong các phòng làm cho những người tù lặng đi đúng một phút, như thể họ mặc niệm bạn tù vừa qua đời. Sau đúng một phút ấy, phòng nào phòng nấy lại ồn ào như tổ ong.
Luồn hai sợi chão vào đáy, bốn người nọ gánh Người Tù Già ra nghĩa địa.
Theo mệnh lệnh của Sĩ Quan, được phát ra với vẻ mặt nghiêm trang, đội mai táng đặt cái bát sắt tráng men cóc gặm đựng suất thịt của Người Tù Già vào quan tài, bên cạnh ông lão. Bình thường, không ai để phí của giời như thế. Bát thịt – tức là cả cái bát, cả thịt bên trong – sẽ thuộc về một người nào đó, hoặc là bạn thân của kẻ xấu số, hoặc một tên “vét đĩa” đáng thương. Hàng ngũ sĩ quan và “đầu gấu” không bao giờ đụng đến đồ của người chết. Mệnh lệnh của Sĩ Quan làm mọi người ngạc nhiên. Chưa bao giờ Sĩ Quan ra một mệnh lệnh tương tự. Không ai biết rằng hắn tin Người Tù Già chết vào chính Ngọ sẽ thiêng lắm. Nếu linh hồn Người Tù Già biết hắn đối tốt với ông ta, hắn sẽ được đền đáp.
Trong trại không có đội mai táng chuyên nghiệp. Không kể những trận dịch, không phải ngày nào cũng có tù chết.
Thành thử gọi là đội cho bảnh, chứ khi nào có người chết thì cán bộ mới gọi người đi chôn. Những người được phân công nhiều lần nghiễm nhiên họp thành đội. Mỗi lần đi chôn tù chết, đội được bồi dưỡng một yến sắn, cho dù công việc không vất vả. Đó là mấy người được Ban giám thị đặc biệt tín nhiệm. Tín nhiệm ở đây có nghĩa là người làm việc ấy không lợi dụng cơ hội để trốn trại. Theo quy định, khi đưa tù đi chôn phải có lính gác đi kèm, nhưng với những người được tín nhiệm thì đôi khi lính áp giải phó mặc họ làm, làm xong tự về. Người lính áp giải hôm nay cũng vậy. Đi khỏi trại một quãng anh ta phẩy tay cho bốn người khiêng áo quan đi, còn tự mình rẽ vào xóm dân ở gần đấy để tán gái, hoặc để mua bán đổi chác.
Khi đám ma ra khỏi cổng trại thì ánh mặt trời đọng trong thung lũng bắt đầu nhạt. Mùa đông, trong lòng chảo lọt thỏm giữa vòng vây của những ngọn núi cao núi thấp ban đêm lạnh thấu xương, nhưng ban ngày thì oi bức. Thứ khí hậu khắc nghiệt này làm cho người ta bao giờ cũng ở trong tâm trạng bực dọc.
Những người tù nghe thấy những người coi tù văng tục, không phải một lần:
- Mẹ kiếp, ở cái nơi này mình với thằng tù có khác chó gì nhau!
Tu Sĩ đi đòn trước thở hồng hộc. Lúc đi qua cổng trại, hắn lao ào ào, kéo cả bốn người phải lao theo. Hắn đặc biệt dị ứng với cái cổng trại. Cứ mỗi khi đi qua vòm cổng là hắn đi thật nhanh, dường như nó đè nặng lên hắn, rằng nó mới là biểu tượng của sự giam giữ đích thực, mới là nhà tù, chứ không phải phòng giam nơi hắn ở, không phải khu trại có tường xây bao bọc và dây thép gai bịt bùng mắc trên.
- Này Cha, từ từ chứ nào. Đéo gì mà như ma đuổi thế?
Tên Giết Người càu nhàu. Hắn bao giờ cũng giữ được dáng nhàn tản. Nhàn tản làm, Nhàn tản ăn. Tưởng chừng khi hắn giết người đàn bà ở cái ga hẻo lánh để cướp có một cái tay nải không biết trong có gì, hắn cũng ung dung như thế – rút búa ra, nhằm cẩn thận, rồi bổ một nhát duy nhất. Người nghe hình dung ra cảnh giết người đúng như vậy khi hắn bình thản kể lại trường hợp phạm tội, vừa kể vừa nhấm nháp từng ngụm trà nóng bỏng.
Tu Sĩ bao giờ cũng nghe lời Tên Giết Người, không dám cãi lại. Và tránh xa hắn lúc nào có thể tránh xa. Tu Sĩ sợ hắn, có vẻ là như thế. Hoặc ít nhất thì cũng rất nể hắn, như Nhà Báo kết luận. Tu Sĩ bị bắt trong một lần giảng đạo “chui”, trong một bản miền núi. Tội giảng đạo “chui” bị “quả tớm ” đại loại cũng như tội buôn lậu bị bắt với đầy đủ tang chứng, không thể tha. Khác nhau ở chỗ, tên buôn lậu được đưa ra toà xử, có án, còn người giảng đạo chui thì bị “boọp”, tức là “tập trung cải tạo”, thứ tù không biết ngày nào về.
Nhà Báo, cùng đòn khiêng với Tu Sĩ, thở dài. Trong lòng, hắn không ưa Tu Sĩ, không ưa cái gọi là đức “khiêm nhường chịu luỵ” của Tu Sĩ. Hắn là kẻ vô thần. Trong đầu hắn chỉ có chủ nghĩa duy vật, kết quả của một nền giáo dục duy nhất hắn được hưởng. Hắn coi khinh cái cách lý giải mọi sự đời kiểu “Một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa” của tín đồ Thiên Chúa giáo.
Vào tù Nhà Báo mới có dịp thấu hiểu cái xã hội trong đó hắn phải sống sở dĩ cứ nhơn nhơn tồn tại chính là nhờ thứ “khiêm nhường chịu luỵ” ấy, nơi thay vào Chúa là Đảng và Nhà nước. Nhưng cái lý thuyết lởm khởm nọ một khi đã chui sâu vào đầu hắn thì cứ ở lì đấy để bắt hắn suy nghĩ theo cách nó biện giải sự đời. Hắn không thể hiểu được vì sao con người rất mực hiền lành như Tu Sĩ lại có thể rơi vào sự khốn khó này? Ờ thì chính quyền vô thần không ưa bất cứ tôn giáo nào, nhưng ngoài mặt nó tỏ ra không ngăn cấm tự do tín ngưỡng, nó đâu có tiêu diệt đạo nào. Nó chỉ tìm đủ cách không cho các tôn giáo tranh giành địa vị kẻ cai trị tinh thần với nó mà thôi. Hắn khác, hắn có tội thật, vì hắn đã dám vượt rào phát biểu những ý nghĩ phạm thượng với những người luôn khuyến khích hắn sử dụng quyền dân chủ để xây dựng đất nước. Chính những người đó đưa hắn đi tù.
Tu Sĩ ít nói, hắn giấu giếm làm dấu thánh, giấu giếm đọc kinh vào ban đêm, khi mọi người ngủ say. Những người tù Thiên Chúa giáo kính trọng hắn . Một lời của Tu Sĩ nói ra được họ coi như một lời của bề trên mà họ phải nghe theo. Qua lời kể của họ, Nhà Báo biết rằng chỉ còn thiếu một chức thánh nữa là Tu Sĩ thành linh mục. Có lẽ vì thế mà những người ngoại giáo trêu chọc gọi Tu Sĩ bằng Cha. Tu Sĩ cam chịu mọi sự trêu chọc và trên gương mặt bất động của hắn tỏa ra một ánh hạnh phúc, hoặc chí ít cũng là niềm vui, từ sự cam chịu đó.
- Này Cha, Cha có nghiệm thấy người chết nặng hơn người sống không? – Nhà Báo bâng quơ hỏi Tu Sĩ – Nói ví thử như lão này, gày như cá mắm, thế mà bây giờ thì nặng chình chịch.
- Cái đó không có lý – Tu Sĩ trả lời – Trọng lượng con người ta lúc sống thế nào thì lúc chết thế vậy.
- Vậy thì trong trường hợp này phải có hai thứ trọng lượng, thưa Cha: trọng lượng tuyệt đối và trọng lượng cảm tính. Chính cái chết đã sinh ra cảm giác người chết nặng hơn lúc còn sống.
Nhà Báo nói và ngẩng đầu nhìn bầu trời hoàng hôn sơn cước, thứ hoàng hôn cô tịch màu lam ngả sang màu tím. Sương mù trong thung lũng không bao giờ đọng lại dưới lòng chảo lúc hoàng hôn. Chỉ lúc ấy không khí mới có màu hổ phách trong vắt. Mải nhìn trời, hắn vấp phải hòn đá trồi lên trên mặt đường làm cho cái quan tài nhao đi cùng với cái vấp của hắn, và từ trong áo quan vẳng ra một tiếng nấc, hoặc một tiếng ợ.
- Cha mẹ ơi, ông ấy còn sống!
Tên Cắp Vặt, trẻ tuổi nhất trong đội mai táng quăng vội cây đòn, nhảy phắt sang một bên. Mặt hắn trắng bệch. Cái quan tài giộng xuống đường đánh cái kịch, đổ nghiêng. Nghe rõ tiếng xác chết va lục cục mấy lần vào thành áo quan.
6
Bốn người tù bắt đầu đào huyệt. Trên nghĩa địa tù không có lấy một ngọn gió. Tu Sĩ bắt mệt nhanh hơn ba người còn lại. Mồ hôi chảy thành dòng trên mặt hắn, mặc dầu khi nắng tắt thì cái lạnh cũng bắt đầu ào ạt dâng lên.
Nhà Báo trầm tư xúc từng xẻng một.
- Cha không cần phải vội – Nhà Báo nhìn Tu Sĩ chăm chú đào – Nghĩa địa không phải bến ô tô. Đã đến đây rồi không ai bị lỡ chuyến hết.
Tu Sĩ đưa cánh tay quệt mồ hôi trên trán. Trong tầm mắt của hắn là một vùng nhấp nhô mả lớn mả bé, mả cũ mả mới. Khi Tu Sĩ được đưa tới đây, ba năm trước, nghĩa địa tù chỉ là một mảnh vườn đầy cỏ gà, cỏ xước và những bụi chó đẻ.
- Làm nhanh rồi còn về – Tu Sĩ nói.
- Tôi không vội, thưa Cha – Nhà Báo nói – Tôi không có nhà để mà về. Ở đây, giữa thiên nhiên, tôi thanh thản. Tôi muốn kéo dài thời gian thanh thản này.
- Thôi đi mày – Tên Giết Người gắt – đừng tán dóc. Tao với mày lại sắp được một bữa sắn nhoè, thanh thản là cái đéo gì.
Nhà Báo nhổ bọt vào lòng bàn tay để cầm cán xẻng cho đỡ rát, lẳng lặng xục lưỡi xẻng vào đất bán sơn địa lổn nhổn sỏi vụn và đá son.
- Mày không thấy lão Cựu Tỉnh Trưởng à? Mặt lão bệch ra rồi. Chẳng còn được mấy nả đâu. Lão sẽ đi trước. Sau mới đến lượt thằng Ngựa Điên.
Tên Giết Người thích gọi Nhà Báo bằng “mày” để nhấn mạnh tính chất bình đẳng giữa hắn và Nhà Báo, thứ bình đẳng chỉ nhờ nhà tù mà có. Ở ngoài đời hắn chưa từng gặp một nhà báo nào, đừng nói tới chuyện được ngồi ăn cùng, được vỗ vai, được văng tục, được mày tao chi tớ thoải mái với một thằng trí thức như thế.
Nhà Báo trong thâm tâm không thừa nhận sự bình đẳng ấy, hắn cảm thấy khó chịu, hắn còn buồn nữa, gọi là tủi thân thì đúng hơn, nhưng hắn không phản đối. Trong tù cần phải biết chấp nhận mọi điều bất bình thường, phải biết coi tất tật mọi sự là lẽ đương nhiên
Nhà Báo lắc đầu:
- Cựu Tỉnh Trưởng còn trụ được lâu.
- Cuộc nào, tao bảo nội trong tuần này là hắn xong phim – Tên Giết Người hất hàm – Hai suất cơm, chịu không?
- Đừng cuộc – Tu Sĩ khuyên Nhà Báo – Ông ấy nói đúng đấy.
- Tại sao?
- Tôi đã nhìn thấy bóng Thần Chết trên mặt ông Cựu Tỉnh Trưởng.
- Thế còn Ngựa Điên? Cha bảo sao? – Nhà Báo hỏi lại.
- Anh ấy thì đúng là còn lâu.
Tên Giết Người cười lớn. Hắn không biết kết luận thành lời những ý nghĩ, nhất là những cảm xúc của hắn.
Ngựa Điên là kẻ mà Tên Giết Người ghét cay ghét đắng. Bởi vì sự có mặt của Ngựa Điên làm lu mờ rất nhiều danh tiếng của hắn. Cái tên Ngựa Điên sở dĩ có là do những cái răng cửa dài hơn bình thường và cặp mắt long sòng sọc của người tù mang án chung thân vì tội giết người. Những người tù kính trọng Ngựa Điên vì hắn giết người chỉ để trả thù cho người cha bị bức tử trong cải cách ruộng đất. Tên quan toà xử cha hắn ta về sau giàu sụ, nhưng Ngựa Điên hạ sát kẻ thù xong chỉ cắt cái thủ cấp của hắn rồi ra về, tịnh không động đến một chút gì gọi là của cải. Đặt thủ cấp kẻ thù lên ban thờ cha xong, hắn xách con mã tấu lên đồn Công an đầu thú.
Dọc đường, Tên Cắp Vặt im lặng, không tham gia chuyện người lớn. Bé người, nhưng hắn có thâm niên tù cao nhất so với các bạn trong đội mai táng. Hắn vào tù từ lúc còn bị cưỡng bức học trường Phổ thông Công nông nghiệp, thực ra là một hình thức giam giữ thiếu niên hư hỏng. Hắn bị đưa lên trại sau khi ngủ với một cô giáo ở trường làm cho cô ta có mang.
Cái huyệt được đào xong.
Nhà Báo ngồi lên cán xẻng, bên cạnh quan tài Người Tù Già, nhàn nhã đánh diêm châm điếu thuốc. Mấy người kia cũng hút, kể cả Tu Sĩ. Bốn làn khói khét lẹt bay lên trên nền núi xa đã sẫm hơn trên nền trời về tối. Hoàng hôn ở đây bắt đầu sớm nhưng trôi đi rất chậm. Trời mỗi lúc mỗi lạnh.
Tên Giết Người bấm Tên Cắp Vặt, hai đứa lảng ra xa. Ở đó chúng thì thào với nhau, thỉnh thoảng lại liếc về phía Tu Sĩ và Nhà Báo.
Nhà Báo, bằng con mắt nghề nghiệp, đoán chúng đang bàn chuyện gì đen tối. Hắn theo dõi hai đứa theo thói quen, vì tò mò, chứ mọi âm mưu, mọi thủ đoạn của những người bạn tù đủ mọi loại, đối với hắn chẳng có nghĩa lý gì. Hắn đứng trên, đứng xa mọi sự, dửng dưng với mọi sự. Với bộ lạc tù, hắn được coi là vô hại. Một người dửng dưng với sự đời không bao giờ làm ăng-ten .
Tên Giết Người quay lại bên huyệt, lạnh lùng nói :
- Thưa Cha, xin Cha vui lòng đi ra đàng kia… Một lát thôi. Và quay mặt đi cho con nhờ.
Tu Sĩ không nói không rằng đi ra xa, ở đó hắn đứng yên như tượng, nhìn lên trời.
- Còn mày nữa, Nhà Báo, mày cũng ra đàng kia. Và quay mặt đi.
- Các anh định làm gì vậy? – Tu Sĩ quay mặt lại, hỏi.
- Cái đó không liên quan đến Cha. Đi xa nữa đi.
Tu Sĩ lẳng lặng bước xa thêm. Hắn ngắm nghía những đám mây bay chậm trên đỉnh núi cao nhất, lấp lánh màu sắc xà cừ. Những màu sắc thay đổi rất nhanh. Tu Sĩ bất giác nhớ đến những hoàng hôn biển ở quê mình và thở dài. Cuộc đời bên ngoài tù ngục vẫn cứ là đẹp, dù hắn đã sẵn sàng chịu đựng mọi khốn khó Chúa trao cho để thử thách đức tin của hắn.
Nhà Báo cười gượng gạo :
- Tao thì xem được chứ? Vì tò mò thôi.
- Tùy! Nếu mày muốn – Tên Giết Người buông sõng và cầm lấy cái xẻng.
Đôi vai Tu Sĩ giật lên khi nghe tiếng két kéo dài của tấm ván thiên được cậy lên.
- Mày tin là ở trong áo bông? – Tên Giết Người hỏi.
- Người ta bảo thế – Tên Cắp Vặt đáp khẽ.
Tên Giết Người ra lệnh:
- Được. Bây giờ dựng hắn ta dậy.
Tên Cắp Vặt lùi lại, mặt tái mét.
- Em sợ!
- Đồ hèn! – Tên Giết Người cười và nhổ bọt – Quá hèn.
Tên Cắp Vặt xua tay:
- Chớ! Chớ nhổ bọt.
- Thì sao?
- Người ta kiêng.
Tên Giết Người ném cho Tên Cắp Vặt một cái lườm bỏng rẫy rồi xoạc cẳng đứng trên đầu áo quan nhìn xuống. Hắn thấy sắc mặt Người Tù Già không xám ngoét như lúc nhập quan, mà bỗng có chút hồng. Cái đó có thể do ánh sáng của mặt trời đã lặn phản chiếu từ đám mây trên trời cao mà ra. Tên Giết Người nhớ đến chuyện một người tù đã đem chôn mà sống lại, vùng ra được khỏi huyệt lần về trại. Hắn cúi hẳn xuống, tát vào má Người Tù Già mấy cái xem lão có phản ứng gì không, nhưng lão nằm yên.
- Đừng, ông – Tên Cắp Vặt nói, giọng van vỉ – Đừng làm thế.
Đáp lại, Tên Giết Người cười khẩy. Hắn nắm lấy hai vai xác chết, giật mạnh. Xác chết bật dậy, đứng dựa vào ngực Tên Giết Người. Hắn, một tay đỡ xác chết cho nó khỏi đổ, tay kia lục lọi quần áo người chết.
Nhà Báo nhìn thấy cằm của Người Tù Già tựa vào vai Tên Giết Người, trên gương mặt bất động của xác chết đôi mắt hé mở, lờ đờ.
- Chẳng có chó gì hết – Tên Giết Người càu nhàu – Mày nói thế nào ấy…
- Hay là ở trong áo bông? – Tên Cắp Vặt lí nhí.
- Đưa tao con dao.
Tên Cắp Vặt đưa cho Tên Giết Người con dao to bằng đốt ngón tay làm bằng sắt đai thùng. Roạt, roạt. Tên Giết Người rạch mấy đường làm cho bông gòn trong áo bay loạn lên trong gió.
- Đéo có chó gì hết – hắn càu nhàu.
- Có khi ông ấy giấu trong quần lót, ông ạ – Tên Cắp Vặt lùi ra xa, mặt xám không kém gì mặt xác chết – Ông “loại” kỹ xem.
- Lại đây, thằng vô tích sự!
Nghe hắn gọi, Tên Cắp Vặt không những không đến gần mà còn lùi thêm vài bước.
- Lại đây! – Tên Giết Người gắt – Sao mày nhát thế?
Nhưng vô hiệu, Tên Cắp Vặt trợn tròn mắt, cái nhìn dán chặt vào bộ mặt bất động của xác chết.
Nhà Báo nhếch mép, nhưng không cười. Cảnh tượng ấy chẳng thích hợp với nụ cười nào.
- Thôi, mày – Nhà Báo phẩy tay – Chôn lão đi, rồi còn về.
Ngoái cổ lại, hắn nhìn thấy Tên Giết Người và Người Tù Già vẫn đứng tựa vào nhau. Hệt như Tên Giết Người đang vuốt ve Người Tù Già và đang thủ thỉ chuyện gì đó với lão.
- Họ vẫn chưa xong hả? – không quay mặt lại, Tu Sĩ hỏi vọng Nhà Báo.
- Chưa.
Cảnh tượng Tên Giết Người lục soát xác chết làm cho Nhà Báo thấy trong lòng mình sôi lên một nỗi giận dữ khó hiểu.
Và chẳng biết làm gì với nó, hắn bước mấy bước về phía Tu Sĩ.
- Này Cha – hắn nói – Cha tin là có Chúa?
- Tôi hằng tin ở Người – Tu Sĩ đáp, mặt hết sức nghiêm trang.
- Vậy thì Chúa ở đâu?
- Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa thông biết mọi sự.
- Cả ở đây nữa chứ thưa Cha, – Nhà Báo mai mỉa – Trong cái chốn chúng ta đang ở này này?
- Trong cả chốn này.
- Thật sao?
- Và cả trong ta – Tu Sĩ nhấc tay làm dấu
- Và Chúa công bằng? – Nhà Báo gặng.
Tu Sĩ vẫn nghiêm trang:
- Không ai công bằng hơn Chúa.
Nhà Báo bỗng phá lên cười. Tiếng cười ngạo nghễ của hắn bay xa, đập vào vách núi rồi lại vẳng lại “ha..ha..ha..ha.. ha …a..a…”!
Khi tiếng cười yếu dần rơi xuống ở đâu đó trong những lùm cây đã biến thành những khối đen, Nhà Báo nghe tiếng một vật nặng đập vào gỗ. Hắn đoán Tên Giết Người đã xong việc, vừa ném Người Tù Già trở lại áo quan.
- Cho mày! – Nhà Báo nghe thấy Tên Giết Người nói.
- Không. Cháu cảm ơn ông.
- Sao? Mày chê ít à?
- Không! Cháu không lấy đâu.
- Mày sợ hả?
Tên Cắp Vặt lắp bắp:
- Cháu thấy… cháu thấy…
- Thấy cái gì?
-… Ông ấy lườm cháu. Tại cháu đầu têu…
Tên Giết Người ngửa mặt lên trời mà cười to.
- Mày không lấy, tao lấy. Tao cóc sợ con khỉ khô nào hết.
Rồi chợt nghĩ ra điều gì, hắn cúi xuống nhặt cái bát sắt tráng men mà thịt ở trong đã đổ tung toé ra áo quan khi nó bị rơi xuống trên đường.
- Hoài của, cái bát còn tốt – Tên Giết Người ngắm nghía cái bát rồi nói – Cho mày đấy.
- Không! – Tên Cắp Vặt rền rĩ – Không. Cháu không lấy đâu. Tiền cháu còn không lấy nữa là cái bát.
- Thế thì tao cho mày một cái bạt tai – Tên Giết Người quát – Có lấy không? Này đây!
Vang lên một tiếng bốp, rồi tiếng Tên Cắp Vặt nấc lên, không rõ vì đau hay vì sợ.
Tên Giết Người đóng nắp áo quan. Hắn cũng chẳng buồn đóng đinh. Tấm ván thiên xô sang một bên, để lộ nửa mặt người chết, khi bốn người lặng lẽ thòng dây chão vào dưới áo quan để thả nó xuống lỗ huyệt đen ngòm. Chẳng nói chẳng rằng, họ xúc đất đổ xuống huyệt cho đến khi nó được lấp đầy.
Tu Sĩ là người cuối cùng còn làm việc sau khi ba người kia đã ngồi nghỉ.
Khi nấm mồ đã được Tu Sĩ đắp xong lùm lùm cho ra vẻ một nấm mồ, Tên Cắp Vặt đứng dậy, chạy hộc tốc về phía con suối ở đầu kia của nghĩa địa, từ đó hắn lặc lè vác một tảng đá đi về phía ba người đứng đợi. Tảng đá nặng làm hắn thở dốc. Hắn liếc nhìn Nhà Báo và Tu Sĩ rồi nhẹ nhàng đặt tảng đá xuống đầu nấm mộ. Đoạn lấy tay vun đất chung quanh cho cao thêm.
“Món hối lộ của một lương tâm khiếp đảm”, Nhà Báo nghĩ thầm.
Bốn người tù ra về.
Ngày hết.
Khi họ xuống con suối gần đấy rửa chân tay, Nhà Báo cà khịa với Tu Sĩ :
- Nếu có Chúa và Chúa là công bằng thì ít nhất Chúa cũng phải để cho ông lão tội nghiệp nọ ăn xong bữa tươi hôm nay đã… Chúa toàn năng trong trường hợp này còn nhẫn tâm hơn cả người thế tục.
- Lạy Chúa tôi lòng lành! – Tu Sĩ sợ hãi kêu lên.
- Ít nhất thì Chúa cũng phải làm một điều gì đó cho con người bất hạnh ấy chứ, phải không? Nếu không, Chúa sao còn là Chúa?
Tu Sĩ rùng mình trước lời nói báng bổ của Nhà Báo, lẳng lặng ngước mắt lên trời, thành kính làm làm dấu thánh.
- Caeli enarrant gloriam Dei !
Bầu trời đêm chết lặng trước mắt hắn. Những tầng trời sáng danh Chúa.
Tu Sĩ lẩm bẩm và thở dài não nuột.
1979
Theo Facebook Vũ Thư 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TOÀN VĂN diễn từ nhận giải Nobel Văn học của Bob Dylan


(Thethaovanhoa.vn) – Cùng với diễn từ, ca khúc Hard Rain’s A Gonna Fall của Bob Dylan cũng được biểu diễn tại lễ trao giải Nobel 2016 qua sự thể hiện của Patti Smith.
Diễn từ nhận giải Nob⦁    e⦁    l: Bob Dylan mơ về Shakespeare, khán giả rơi nước mắt
Bậc thầy kinh dị Stephen King bảo vệ Bob Dylan trước thềm lễ trao giải Nobel
Bob Dylan bất ngờ tuyên bố đồng ý nhận giải Nobel
Vì lý do cá nhân, Bob Dylan không thể tới tới dự lễ trao giải Nobel 2016 diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển vào chiều tối thứ Bảy (tức rạng sáng Chủ nhật 11/12 theo giờ Việt Nam). Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển, bà Azita Raji đã thay mặt nhạc sĩ trứ danh đọc diễn từ do ông viết.
 image
Đại sứ Azita Raji đọc diễn văn thay mặt Bob Dylan
Dưới đây là toàn văn diễn từ của Bob Dylan:
Chào buổi tối, tất cả mọi người. Tôi xin gửi lời thăm hỏi nồng ấm nhất tới thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển và tới tất cả các khách quý tham dự đêm nay.
Tôi xin lỗi vì không thể trực tiếp ở đây cùng mọi người, nhưng xin hiểu rằng tôi hoàn toàn bên các bạn về mặt tinh thần và rất vinh dự khi nhận được giải thưởng uy tín này. Được trao giải Nobel Văn học là điều gì đó tôi chưa bao giờ tưởng tưởng hay cảm thấy trước.
Từ ngày còn nhỏ, tôi đã thân thuộc, đọc và thấm nhuần tác phẩm của những tác giả xứng đáng với danh hiệu như thế: Kipling, Shaw, Thomas Mann, Pearl Buck, Albert Camus, Hemingway. Những gã khổng lồ trong văn học, với tác phẩm được giảng dạy trên trường lớp, lưu trữ ở các thư viện khắp thế giới và được nhắc tới trong sự tôn kính, luôn tạo nên những ấn tượng sâu sắc. Thật không nói nên lời khi giờ tôi được cùng những tên tuổi đó trong danh sách.
Tôi không biết liệu có người đàn ông, phụ nữ nào từng nghĩ về vinh dự Nobel dành cho bản thân họ không, nhưng tôi cho rằng bất cứ ai viết một cuốn sách, hay một bài thơ, hay một vở kịch, ở bất kì đâu trên thế giới cũng đều nuôi dưỡng giấc mơ thầm kín đó ở trong sâu thẳm. Có thể họ chôn giấu quá sâu tới mức không biết rằng có nó ở đó.
Nếu ai đó nói với tôi rằng tôi có cơ hội dù là nhỏ nhất chiến thắng ở giải Nobel, tôi sẽ nghĩ tỷ lệ thắng chẳng khác gì đứng trên mặt trăng. Thực tế, vào năm tôi sinh và ở một vài năm sau đó, không có ai trên thế giới được cho là đủ tốt để thắng giải này. Thế nên, tôi nhận thấy, không quá một chút nào, rằng tôi đang ở trong một trường hợp hiếm hoi.
Tôi đang ngoài đường khi nhận được tin đáng kinh ngạc này. Tôi phải mất vài phút để diễn giải nó. Tôi bắt đầu nghĩ tới William Shakespeare, tượng đài văn học lừng lẫy. Tôi nghĩ bản thân ông ấy coi mình là một nhà soạn kịch. Ý nghĩ rằng mình đang viết văn chương không thể tới trong suy nghĩ của ông. Ngôn từ của ông là dành cho sân khấu. Để nói ra chứ không phải để đọc. Khi ông viết Hamlet, tôi chắc rằng ông nghĩ tới nhiều điều như: “Diễn viên nào hợp đóng vai này?” “Lên sân khấu như thế nào?” “Tôi có thật sự muốn diễn nó ở Đan Mạch?” Không nghi ngờ gì, tầm nhìn và tham vọng sáng tạo là điều ông nghĩ trước nhất, nhưng cũng có những vấn đề trần tục hơn cần xem xét và giải quyết. “Tài chính đã sẵn sàng chưa?” “Có đủ chỗ ngồi tốt cho những người bảo trợ chưa?” “Kiếm đâu ra một cái sọ người?” Tôi dám cá rằng điều mà Shakespeare ít nghĩ tới nhất là câu hỏi “Đây có phải văn học?”
Ở tuổi thiếu niên, khi tôi bắt đầu viết các ca khúc, và thậm chí khi tôi bắt đầu có được tiếng tăm nhờ khả năng của mình, mong ước của tôi về những ca khúc này cũng chỉ trong chừng mực. Tôi nghĩ chúng có thể sẽ được nghe ở những quán cà phê hay hộp đêm, có thể sau đó là ở những nơi như Carnegie Hall hay London Palladium. Nếu mơ mộng nhiều hơn, có thể sẽ tưởng tượng tới việc làm một bản thu âm và sau đó được nghe các ca khúc của mình trên đài phát thanh. Trong tâm trí tôi, đó thật sự là một phần thưởng lớn lao. Ghi âm và nghe ca khúc của mình trên đài phát thanh nghĩa là bạn đã chạm tới rất đông khán giả và rằng bạn có thể tiếp tục làm những gì mình dự định.
Tới giờ, tôi đã làm những gì mình dự định làm trong một thời gian dài. Tôi thu âm hàng tá ca khúc và chơi hàng ngàn buổi hòa nhạc trên khắp thế giới. Các ca khúc là trọng tâm của hầu hết những gì tôi làm. Chúng dường như đã tìm thấy chỗ đứng trong đời sống của nhiều người tại nhiều nền văn hóa khác nhau và tôi rất biết ơn điều đó.
Nhưng có một điều tôi phải nói. Là một người biểu diễn, tôi từng chơi trước 50.000 người và từng chơi trước 50 người. Tôi có thể nói với bạn rằng chơi cho 50 người là điều khó khăn hơn. 50.000 người có ít cá tính hơn, không như 50. Mỗi người là một cá nhân, một bản sắc riêng, một thế giới của riêng họ. Họ có thể cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn. Sự thành thật của bạn và việc nó liên quan thế nào tới tầm sâu tài năng của bạn được minh chứng. Thực tế rằng, Ủy ban Nobel là một nhóm rất nhỏ, gây ảnh hưởng tới tôi.
Nhưng, cũng như Shakespeare, tôi thường bận rộn với việc theo đuổi những nỗ lực sáng tạo và quên với mọi khía cạnh trần tục của cuộc sống. “Ai là nhạc sĩ tốt nhất cho những ca khúc này?” “Liệu tôi đã ghi âm đúng phòng thu chưa? “”Ca khúc này đã chọn đúng âm điệu chưa?” Có những điều không bao giờ thay đổi, dù sau 400 năm. Chưa lần nào tôi dành thời gian để hỏi bản thân mình, “Các ca khúc của mình có phải là văn chương?”
Thế nên, tôi rất cảm ơn Viện Hàn lâm Thụy Điển, vì đã dành thời gian cân nhắc một câu hỏi như thế, và, vì cuối cùng, đã đưa ra một câu trả lời tuyệt vời đến vậy.
Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả mọi người,
Bob Dylan.
Nguyên văn bài phát biểu của Bob Dylan do Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển Azita Raji đọc:
Good evening, everyone. I extend my warmest greetings to the members of the Swedish Academy and to all of the other distinguished guests in attendance tonight.
I'm sorry I can't be with you in person, but please know that I am most definitely with you in spirit and honored to be receiving such a prestigious prize. Being awarded the Nobel Prize for Literature is something I never could have imagined or seen coming. From an early age, I've been familiar with and reading and absorbing the works of those who were deemed worthy of such a distinction: Kipling, Shaw, Thomas Mann, Pearl Buck, Albert Camus, Hemingway. These giants of literature whose works are taught in the schoolroom, housed in libraries around the world and spoken of in reverent tones have always made a deep impression. That I now join the names on such a list is truly beyond words.
I don't know if these men and women ever thought of the Nobel honor for themselves, but I suppose that anyone writing a book, or a poem, or a play anywhere in the world might harbor that secret dream deep down inside. It's probably buried so deep that they don't even know it's there.
If someone had ever told me that I had the slightest chance of winning the Nobel Prize, I would have to think that I'd have about the same odds as standing on the moon. In fact, during the year I was born and for a few years after, there wasn't anyone in the world who was considered good enough to win this Nobel Prize. So, I recognize that I am in very rare company, to say the least.
I was out on the road when I received this surprising news, and it took me more than a few minutes to properly process it. I began to think about William Shakespeare, the great literary figure. I would reckon he thought of himself as a dramatist. The thought that he was writing literature couldn't have entered his head. His words were written for the stage. Meant to be spoken not read. When he was writing Hamlet, I'm sure he was thinking about a lot of different things: "Who're the right actors for these roles?" "How should this be staged?" "Do I really want to set this in Denmark?" His creative vision and ambitions were no doubt at the forefront of his mind, but there were also more mundane matters to consider and deal with. "Is the financing in place?" "Are there enough good seats for my patrons?" "Where am I going to get a human skull?" I would bet that the farthest thing from Shakespeare's mind was the question "Is this literature?"
When I started writing songs as a teenager, and even as I started to achieve some renown for my abilities, my aspirations for these songs only went so far. I thought they could be heard in coffee houses or bars, maybe later in places like Carnegie Hall, the London Palladium. If I was really dreaming big, maybe I could imagine getting to make a record and then hearing my songs on the radio. That was really the big prize in my mind. Making records and hearing your songs on the radio meant that you were reaching a big audience and that you might get to keep doing what you had set out to do.
Well, I've been doing what I set out to do for a long time, now. I've made dozens of records and played thousands of concerts all around the world. But it's my songs that are at the vital center of almost everything I do. They seemed to have found a place in the lives of many people throughout many different cultures and I'm grateful for that.
But there's one thing I must say. As a performer I've played for 50,000 people and I've played for 50 people and I can tell you that it is harder to play for 50 people. 50,000 people have a singular persona, not so with 50. Each person has an individual, separate identity, a world unto themselves. They can perceive things more clearly. Your honesty and how it relates to the depth of your talent is tried. The fact that the Nobel committee is so small is not lost on me.
But, like Shakespeare, I too am often occupied with the pursuit of my creative endeavors and dealing with all aspects of life's mundane matters. "Who are the best musicians for these songs?" "Am I recording in the right studio?" "Is this song in the right key?" Some things never change, even in 400 years.
Not once have I ever had the time to ask myself, "Are my songs literature?"
So, I do thank the Swedish Academy, both for taking the time to consider that very question, and, ultimately, for providing such a wonderful answer.
My best wishes to you all,
Bob Dylan
Thư Vĩ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc và Nhật tiếp tục ăn miếng trả miếng trên không phận thuộc vùng biển giữa tỉnh Okinawa và đảo Miyako của Nhật (Tây Thái Bình Dương).


Bộ Quốc phòng Nhật thông báo ngày 10-12, lực lượng phòng vệ đường không của Nhật đã điều động các máy bay tiêm kích ngăn chặn sáu máy bay quân sự Trung Quốc bay qua eo biển Miyako.
Các máy bay Trung Quốc gồm hai máy bay tiêm kích Su-30, hai máy bay ném bom H-6, hai máy bay do thám Tu-154 và Y-8.
Theo báo Japan Times, hai máy bay Su-30 bay qua eo biển Miyako rồi chuyển hướng vòng qua biển Hoa Đông trong khi bốn máy bay còn lại trực chỉ kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines.
Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định các máy bay Trung Quốc không vi phạm không phận Nhật, tuy nhiên hành động của các máy bay Nhật phù hợp với luật pháp quốc tế.
Máy bay Trung Quốc và Nhật lại vờn nhau - ảnh 1
Máy bay ném bom H-6 trên vùng biển giữa tỉnh Okinawa và đảo Miyako của Nhật. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NHẬT
Cùng ngày 10-12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết các máy bay tiêm kích Nhật đã quấy rối và bắn đạn gây nhiễu vào các máy bay Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng “đây là hành vi nguy hiểm, kém chuyên nghiệp, phá hoại tự do hàng hải và hàng không”.
Người phát ngôn cho rằng các máy bay Trung Quốc tham gia huấn luyện trên biển bình thường và eo biển Miyako là đường bay quốc tế.
Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đánh giá ít khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo các vụ va chạm giữa máy bay Trung Quốc và Nhật, do đó đây có thể là dấu hiệu cho thấy “Trung Quốc muốn xử lý các tình huống tương tự theo cách chủ động hơn”.
Trong khi đó, báo Taipei Times (Đài Loan) đưa tin cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo ghi nhận đây là cuộc diễn tập tầm xa đầu tiên của Trung Quốc sau cuộc điện đàm ngày 2-12 giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần máy bay quân sự Trung Quốc bay qua Đài Loan và vượt eo biển Miyako.
Trong lần bay ngày 25-11 có hai máy bay ném bom H-6K, một máy bay do thám Tu-154 và một máy bay vận tải chiến thuật Shaanxi Y-8.
Còn trong lần bay ngày 10-12, các máy bay Trung Quốc đã cất cánh lúc 9 giờ và bay về căn cứ lúc 13 giờ 10 cùng ngày.
Các máy bay Trung Quốc bay theo chiều kim đồng hồ xung quanh Đài Loan trong khi lần bay ngày 25-11 bay ngược chiều kim đồng hồ.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết ngay sau khi các máy bay Trung Quốc bay từ bờ biển Trung Quốc về hướng biển Hoa Đông, các trạm radar của Đài Loan đã bám sát.
Sau đó, Đài Loan đã điều một máy bay tuần tra trinh sát bay theo dõi và chụp ảnh gửi về bộ chỉ huy.
Báo Japan Times ghi nhận Trung Quốc và Nhật vẫn còn bất đồng về bản ghi nhớ về liên lạc hàng hải-hàng không để tránh đối đầu bất ngờ của máy bay và tàu thuyền hai nước.
Sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào năm 2012, hai bên không bàn đến vấn đề này nữa.
Giữa tháng 9, không quân Trung Quốc tuyên bố sẽ diễn tập thường xuyên trên không phận của cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, cửa ngõ chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, trong đó bao gồm quần đảo Ryukyu (Nhật) và Đài Loan.
Mục đích diễn tập gồm bay trên “chuỗi đảo”, kiểm soát biển Hoa Đông và tuần tra trên biển Đông.
Cuối tuần trước, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) đưa tin hôm 8-12, Trung Quốc đã điều một máy bay tầm xa H-6 bay trên “đường chín đoạn” ở biển Đông. Đây là chuyến bay đầu tiên của loại máy bay này ở biển Đông kể từ tháng 3-2015. Hai quan chức Mỹ nhận định Trung Quốc muốn gửi thông điệp sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan.
_________________________________
Ngoài ra, các vệ tinh tình báo Mỹ cũng đã phát hiện các thành phần của tên lửa đất đối không SA-21 tại cảng Yết Dương (tỉnh Quảng Đông). Fox News ghi nhận có thể Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu chở tên lửa ra các đảo tranh chấp ở biển Đông. SA-21 là phiên bản của tên lửa S-400 Nga thuộc thế hệ hiện đại hơn HQ-9.
PH.QUỲNH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ tịch nước: Tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét


Chủ tịch nước nói với cử tri lực lượng vũ trang: Những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét hơn trong đời sống.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng nay có buổi tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang ở TP.HCM.
Lấp lỗ hổng lợi ích nhóm
Ông Tống Sơn Hải, Hội cựu chiến binh quận 3 kể với Chủ tịch nước: Có rất nhiều dự án thua lỗ, ngưng hoạt động, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng như nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy đạm Ninh Bình, sợi Hải Phòng… đã ảnh hưởng đến đời sống và niềm tin của người dân.
Chủ tịch nước: Tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét
Chủ tịch nước Trần Đại Quang   
Cử tri này cho rằng những dự án lãng phí này có “lợi ích nhóm”, hiện Đảng và Nhà nước vẫn chưa đẩy lùi được.
“Theo tôi, cần rà soát, quy trách nhiệm về quy trình thẩm định, phê duyệt, truy tới cùng nếu không sẽ phát sinh nảy nở. Đây là những lỗ hổng cần lấp lại…” - ông Hải nhìn nhận.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước khẳng định phải khắc phục kịp thời, rà soát và có biện pháp xử lý dứt điểm, không để các dự án lãng phí, thua lỗ kéo dài.
Chủ tịch nước: Tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét
Rất đông cử tri tới dự buổi tiếp xúc    
“Cùng với việc này, cần xem xét trách nhiệm của những người có liên quan để thua lỗ, đi ngược lại với chủ trương của trung ương. Đã có những chỉ đạo sẽ làm khẩn trương với tinh thần kiên quyết và triệt để hơn” - Chủ tịch nước nói.
Lực lượng vũ trang đi đầu chống suy thoái 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chia sẻ với cử tri lực lượng vũ trang những vấn đề lớn của đất nước, trong đó ông nhấn mạnh đến nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Theo Chủ tịch nước, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét hơn trong đời sống, nên phải kiên trì, kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Chủ tịch nước: Tự chuyển hóa ngày càng lộ rõ nét
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi với các cử tri dự hội nghị
“Có hay không có tự diễn biến, tự chuyển hóa, nếu có phải khắc phục ngay. Tôi tin rằng lực lượng vũ trang là lực lượng đi đầu trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4, trong đấu tranh chống suy thoái", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực hiện nghị quyết Trung ương 4 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng tự giác là quan trọng nhất, nhất là vai trò nêu gương của chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Văn Trung, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP cho rằng TP.HCM có vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm về mọi mặt ở phía Nam. 
"Hiện nay có bất cập là tổ chức biên chế của Bộ Tư lệnh TP tương đương với Bộ Chỉ huy quân sự của mọi tỉnh, thành nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ" - ông Trung nêu thực trạng. 
Ông đề xuất Trung ương cho phép Bộ Tư lệnh TP.HCM được áp dụng biên chế tương đương với Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội.
V.Đông

Phần nhận xét hiển thị trên trang