Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

“Vua con” thời “Không vội”



XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Cư dân “Thời không vội” liệu đã có thể khẳng định năm 2016 này là thời điểm đánh dấu sự chấm dứt kỷ nguyên “Hà Nội không vội được đâu"?

Câu hỏi mang tính triết học “con gà sinh ra quả trứng hay quả trứng sinh ra con gà” cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Còn câu hỏi rất đời thường của người Việt: “Vua Con sinh ra Không Vội hay Không Vội sinh ra Vua Con” thì chắc chắn chả cần phải giáo sư – tiến sĩ, chỉ cần người có kiến thức hơn “i tờ” một chút cũng có thể trả lời đúng. 

Nói thế vì người ta biết chính xác “Không vội” sinh ngày, tháng, năm nào, ở đâu, không những thế còn biết cả phụ mẫu của “Không vội” nổi tiếng như thế nào. 

Nếu có ai đó “cố đấm ăn xôi” mà nói rằng “Không Vội sinh ra Vua Con” thì chắc chắn sẽ nhận đủ “các loại mưa” từ dư luận. 

Có thể nhiều năm sau, con cháu chúng ta sẽ cho xuất bản những tác phẩm văn học, chuyên khảo về Thủ đô trong thời kỳ mà chúng ta gọi là “Hà Nội thời không vội”. 

Cũng có thể, rồi sẽ có nhà nghiên cứu ngôn ngữ bỏ công tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ của câu “vè” hiện đại “Hà Nội không vội được đâu”.

Còn chúng ta, cư dân “Thời không vội” liệu đã có thể khẳng định năm 2016 này là thời điểm đánh dấu sự chấm dứt “kỷ nguyên” “Hà Nội không vội được đâu”? 

Nếu cứ dựa vào thành ngữ dân gian, chẳng hạn “con chị nó đi, con dì nó lớn” hay “con hơn cha, nhà có phúc” thì có lẽ người Kẻ Chợ đành: “Xin chư vị thánh thần ban cho con chút…Vội”.

Không phải là ngẫu nhiên, càng không phải là may mắn khi liên tiếp những ngày qua, hai Ủy viên Bộ chính trị - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng  mạnh mẽ phê phán quan điểm mang tính “định hướng” một thời chi phối mọi hoạt động của bộ máy công quyền Thủ đô. 

Để chuyển từ “Thời không vội” sang thời “Miệng nói tay làm”, thời “Việc hôm nay chớ để ngày mai” liệu có cần giai đoạn quá độ, có cần một thời kỳ chuyển tiếp, chẳng hạn thời “Hà Nội chuẩn bị vội” hoặc thời “Hà Nội sẽ vội”?

Người dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ quyết tâm của các vị lãnh đạo và mong rằng Thủ đô sẽ nêu gương cho cả nước trong chuyện bỏ qua “Thời không vội”.

Nhiều văn kiện, bài báo, công trình nghiên cứu viện dẫn nhận định mang tính kinh điển xuất hiện từ thời kháng chiến:

“Đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...”.

Ở “Thời không vội”, nhận định trên thường xuyên được trích dẫn khi đề cập đến thực trạng kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng,…về sự tụt hậu của đất nước so với khu vực và thế giới.

Gần đây, có một bài báo với tít khá thú vị: “Đừng có đổ hết tội cho thể chế”. [1]

Bản thân tít bài cho thấy một cách nhìn biện chứng, rằng không thể phủ nhận “thể chế” không có lỗi. 

Cũng “biện chứng” không kém qua tít bài này là “lỗi hệ thống” do nhiều nguyên nhân gây ra chứ không chỉ là chỉ do “thể chế”. 

Một khi không được “đổ hết tội cho thể chế” thì cũng có nghĩa là cần nhìn nhận “thể chế” theo quan điểm khoa học, phần nào đúng và phần nào cần xem xét, sửa đổi. 

Cùng một chủ trương, chính sách có hiệu lực trên toàn quốc, Đà Nẵng là “thành phố đáng sống” còn thành phố Hồ Chí Minh thì Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phải thốt lên: “Mọi thứ đều tốt mà vẫn có cướp giật, trộm cắp... Vậy thì lỗi của ai? Chả lẽ lỗi của dân?". [2]

Những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá rừng phòng hộ, hội chứng “đầu tiên”… cho thấy, một “bộ phận không nhỏ” cán bộ thực thi công vụ, bảo vệ pháp luật trong cả ba nhánh quyền lực - lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa làm tròn bổn phận là người “canh giấc ngủ” cho dân.  

Chẳng những thế họ tự biến mình thành những “ông vua con” – như nhận định mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Cụm từ “bộ phận không nhỏ” xuất hiện trong Nghị quyết TW4 khóa 11 của Đảng. Sau Đại hội 12, đầu năm 2016 này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định:

“Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”. [3]

Một khi trong “nhiều năm” cả lượng và chất đội ngũ cán bộ, đảng viên đều thay đổi theo “chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng” thì “bộ phận không nhỏ” có còn “không nhỏ”? 

Sự “gia tăng” đến mức “nghiêm trọng” của “bộ phận không nhỏ” liệu đã khiến cho cụm từ “bộ phận không nhỏ” không còn chính xác? 

Đôi lúc người ta cứ tưởng “không vội” là đặc sản của Hà Nội, vào Sài Gòn hóa ra “món ngon” này cũng phổ biến không kém. Xin nêu vài sự kiện minh chứng cho nhận định này:

Thứ nhất: Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cách chức Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện này vì làm việc không hiệu quả nhưng đến nay những người chịu trách nhiệm thi hành vẫn “không vội”? 

Vô số lý do được đưa ra để biện minh cho sự “không vội” của đội ngũ cán bộ thành phố Hồ Chí Minh như Luật Cán bộ, Luật công chức, Viên chức, đặc biệt là “quy trình”… Thậm chí có người còn nêu ý kiến “Bí thư đề nghị cách chức cán bộ có đúng luật?”.

Thứ hai: Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam liên quan đến hai bị cáo là Nguyễn Thị Bạch Tuyết và Yee Lip Chee. 

Tháng 3/2016, trong phiên xử bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu là công dân nước ngoài Yee Lip Chee. 

Tuy nhiên báo chí vẫn phải nêu câu hỏi vì sao “Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục “câu giờ” khi không áp dụng các biện pháp ngăn chặn và điều tra hành vi phạm tội đối với Yee Lip Chee”. [4] Từ “câu giờ” mà bài báo sử dụng liệu có đồng nghĩa với “không vội”?

Thứ ba: Vụ án “lều vịt” và “quán cà phê Xin Chào”: từ khẳng định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, có thể thấy lãnh đạo Công an và Kiểm sát huyện Bình Chánh rõ ràng đã phạm tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”. 

Vậy đến bao giờ thì hai người phạm tội này mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Liệu đình chỉ công tác, cách chức có phải là hình thức xử lý cuối cùng?

Hy vọng Bí thư và Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh sớm có câu trả lời để người dân khỏi mặc cảm, rằng thành phố này cũng vẫn còn đang trong thời kỳ “không vội”. 

Góp “công đầu” trong việc làm nên “thời không vội” là các “đầy tớ”. Người ta tình nguyện làm công bộc của dân, phấn đấu làm công bộc của dân, kiên quyết bằng mọi cách trở thành công bộc của dân. Khi thành công bộc rồi, Ngọc Hoàng có vội thì cứ việc, Thiên tử (các vua con) chả dại gì mà vội. 

Liệu có phải cái sự “không vội” ấy xuất phát từ tâm lý khá phổ biến, rằng ở đời ai chẳng thương con dứt ruột đẻ ra, ai nỡ bắt con nhịn đói, nhịn khát, ai chẳng muốn con mình hơn “con hàng xóm”. 

Khối nơi con cái nhà có tiền hỗn hào với xóm giềng, bố mẹ chúng quát con vài câu, xin lỗi vài câu, vỗ vào mông con vài cái cho thiên hạ khỏi ấm ức, kéo con về nhà dúi cho con tập tiền đi chơi điện tử…

Không biết có sai không nếu nhận định, rằng “không vội” đã trở thành “một nét văn hóa”, một thuộc tính gắn liền với đội ngũ công chức, viên chức “thời không vội” không chỉ ở cả hai thành phố quan trọng mà ở mọi miền đất nước?

Hậu quả đương nhiên là cả một “guồng máy không vội” vận hành “trơn tru” ít nhất là cho đến “hoàng hôn nhiệm kỳ”. 

Và người dân, khi đã “thấm nhuần” tư tưởng “không vội” thì “trà đá vỉa hè” sẽ thành biểu tượng đặc trưng khiến Tổng thống Mỹ cũng muốn tìm hiểu. 

Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (Phần 3: Mấy điều kinh nghiệm) Hồ Chủ Tịch viết: “Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả". [5]

Trở thành người đứng đầu là để lo “việc nhỏ, việc to, từ gần đến xa” chứ không phải để ngụy biện, để trốn tránh trách nhiệm qua lời khuyên “đừng vội”. 

Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, hãy dành dũng cảm nói lời xin lỗi trước khi từ chức.

Không dám từ chức, không biết nói lời xin lỗi trước sự yếu kém của cơ quan, địa phương mà mình phụ trách tức là chưa bao giờ biết đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Bởi lỗi không phải của “địa phương” chung chung, lỗi là của người đứng đầu đã nêu gương xấu cho đội ngũ cán bộ dưới quyền.

Trở lại bài báo “Đừng có đổ hết tội cho thể chế”, rõ ràng là bài báo cũng nhận thấy có cái gì đó mà “thể chế” phải chịu trách nhiệm?

Người viết cho rằng “cái gì đó” ở đây chính là cơ chế “giằng chéo” vốn được sử dụng phổ biến trong các kết cấu thép như cầu, cần trục, mái vòm...

Vậy “cơ chế giằng chéo” cụ thể là gì? Đó là ba thanh giằng gắn với nhau tạo nên một khung tam giác: người lãnh đạo (chủ trương, đường lối), người thực thi và người dân. 

Dù là người đứng đầu, là lãnh đạo cao nhất thành phố, ông Đinh La Thăng lại không có quyền cách chức cán bộ trong bộ máy mà ông lãnh đạo. 

Trong khi đó, nhiều báo (Tienphong.vn - 8/3/2016, Dantri.com.vn - 11/3/2016…) đều trích dẫn ý kiến của Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phan Anh Minh giải đáp câu hỏi “vì sao án tham nhũng do Công an Thành phố phát hiện qua khâu trinh sát ít”, ông Minh nói: 

“Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên”.

Người dân, với quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” vì sao lại “giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng (lời Tổng Bí thư)”?

Một khi “thanh giằng Nhân Dân” không tham gia “chịu lực” thì nó trở thành khâu yếu nhất, phá vỡ sự bền vững của kết cấu.

Một khi lãnh đạo Đảng không có quyền cách chức cán bộ, cán bộ không có quyền “tổ chức trinh sát đảng viên” thì mong muốn chấm dứt thời đại “không vội” vẫn mãi gắn với từ “sẽ”.

Thực tế chỉ ra rằng, mọi chủ trương, đường lối đều được thông qua tại các kỳ họp toàn thể, các đại hội, hội nghị liên tịch…

Thành phần chiếm đa số tham dự, biểu quyết chính là đại diện “địa phương”, tức là người - cơ quan chịu trách nhiệm thi hành. 

Mọi quyết sách đều được thảo luận từ cơ sở, được tổng kết ở cấp trên trước khi ban hành.

Một khi “địa phương” thi hành sai thì không thể nói họ chỉ sai khi thực thi mà không sai khi thảo luận, biểu quyết, khi bấm nút thông qua quyết định cuối cùng.

Vậy nên khi nói “địa phương làm sai” thì cũng có nghĩa là chính bộ phận không nhỏ những người đã tham gia xây dựng văn bản không làm những điều mình đã thảo luận, đã biểu quyết, những người như thế không phải là người trung thực.

Họ chính là các thành tố tạo nên “chuỗi sai” từ soạn thảo – ban hành – thực hiện.

Không khó để nhận thấy, chính cái sai khi biểu quyết dẫn đến cái sai khi thực thi bởi rất có thể người ta biết sai nhưng lại thấy “cái đúng” khi quyết định thông qua “cái sai” đó.

Tìm lỗi ở “địa phương”, ở cá nhân thi hành thường dễ dàng hơn mọi cách biện luận khác, nó tai hại ở chỗ dễ làm cho người ta an tâm, rằng lỗi là ở khâu thực hiện chứ không phải khâu ban hành.

Một văn bản chứa đựng các điều khoản hoàn toàn đúng vẫn có thể sai. Cái sai của “văn bản đúng” không phải ở các điều khoản mà ở chỗ nó không đi vào được cuộc sống, không lường trước được phản ứng tiêu cực từ đội ngũ “không vội” – những người chịu trách nhiệm thi hành.

Một chủ trương gọi là đúng nếu nó thỏa mãn cả hai điều kiện: thứ nhất, đó phải là chủ trương khoa học, phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên và tình hình cụ thể của xã hội và thứ hai, nó giúp cho đối tượng thực hiện chủ trương đó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế bắt buộc người ta phải thực hiện.

Chủ trương đưa nước ta thành một nước công nghiệp vào năm 2020 không sai nhưng nó không thành hiện thực vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong đó rào cản chính là người thực hiện.

Nửa năm đã trôi qua từ sau Đại hội Đảng 12, người dân cảm nhận những chuyển động tích cực từ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương cũng như hai thành phố lớn nhất nước.

Nhưng người dân vẫn thấy thực phẩm bẩn tràn lan; xe tải vẫn băm nát đường phố; “lương y” vẫn nhận hàng xấp phong bì của người bệnh; ô tô, tàu thuyền chở khách vẫn bị tai nạn và các “vua con” vẫn chễm trệ trên các xe tiền tỷ thích gắn biển gì thì gắn như ở Hậu Giang,… 

Liệu câu nói vui: “Về chuyện chấm dứt tư tưởng “không vội”, xin trao lại cho lãnh đạo nhiệm kỳ sau thực hiện” có còn giữ nguyên giá trị?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/304543/dung-co-do-het-toi-cho-the-che.html

[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-dinh-la-thang-moi-thu-deu-tot-van-co-cuop-giat-cha-le-loi-cua-dan-3397988.html

[3] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-ve-cong-tac-dan-van/255067.vgp

[4]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Bi-khoi-to-tai-Toa-ke-chu-muu-Yee-Lip-Chee-van-nhon-nho-ngoai-vong-phap-luat-post166884.gd

[5]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Bi-khoi-to-tai-Toa-ke-chu-muu-Yee-Lip-Chee-van-nhon-nho-ngoai-vong-phap-luat-post166884.gd

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trao đổi và tranh luận của các nhà văn Hà Nội:

NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG: ĐÔI ĐIỀU VỚI NHÀ THƠ BẰNG VIỆT

Hoàng Hưng
Thứ tư ngày 2 tháng 11 năm 2016 8:55 PM





TNc: Trang trannhuong.com luôn luôn rộng mở để bầu bạn đồng nghiệp trao đổi, tranh luận cho nên chủ trang cố gắng khách quan và thông tin đa chiều. Sau Đại hội Hội nhà văn Hà Nội rất nhiều ý kiến trao đổi, chúng tôi vừa đưa ý kiến của nhà thơ Bằng Việt và bây giờ là ý kiến của nhà thơ Hoàng Hưng. Bài của nhà thơ Hoàng Hưng, chủ trang xin phép cắt một số câu nhưng không ảnh hưởng tinh thần của ý kiến trao đổi.



Thưa nhà thơ Bằng Việt

Tình cờ tôi được nghe mấy lời anh nói tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội (HNVHN) ngày 30 tháng 10 năm 2016 vừa qua về Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam (BVĐVĐĐL) khi trả lời chất vấn về trường hợp nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (qua clip ghi hình trên trang mạng Trần Nhương và Nguyễn Xuân Diện). Thấy phải có ngay “đôi lời” với anh, vừa theo chỗ thân tình – bạn học từ thời “áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” dưới mái trường Phổ thông Ba Việt Đức 1958-1960, bạn thơ “bút mới” Hà Nội thời chiến tranh, bạn sinh hoạt với HNVHN những năm 2002-2008; vừa theo lương tâm của một trong các thành viên sáng lập BVĐVĐĐL buộc phải phản ứng với những phát biểu công khai gây ngộ nhận cho tổ chức của mình.
A. Trước hết, xin ghi nhận anh có một số ý kiến thẳng thắn, tương đối khách quan về BVĐVĐĐL.
Anh đã nói đúng bản chất của BVĐVĐĐL: “Tuyên ngôn chấn hưng nền văn học dân tộc đang xuống cấp nghiêm trọng”, “hoàn toàn độc lập, không chịu, không muốn liên quan bất cứ tổ chức chính thống nào…”, “tách biệt khỏi hệ thống các tổ chức xã hội của chúng ta  trong đó có Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội”.
Xin đối chiếu với “Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL ngày 3/3/2016”:
“Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc…
Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi…
Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.
Nếu so với bài nói chuyện của ông Chủ tịch Hội toàn quốc ở Thanh Hoá vài năm trước mà một cây bút mạng đã đưa lên, trong đó sự xuyên tạc, vu cáo BVĐVĐĐL , thì thấy anh hơn hẳn một cái đầu về nhận thức và ứng xử văn hoá!
Tuy nhiên, không hiểu do nhầm lẫn hay “buộc phải tỏ ra nhầm lẫn” vì sức ép nào đó, anh đã vô tình hay cố tình bóp méo hai chi tiết rất quan trọng trong Tuyên bố của BVĐVĐĐL:
1/ Anh nói: BVĐVĐĐL phủ nhận nền văn học cách mạng từ 1945 đến nay (mà anh cho là chính nhà văn Nguyên Ngọc, người đứng đầu BVĐVĐĐL đã từ đó sinh ra), và nói tuyên bố như thế là “ngộ nhận, vội vã”.
Xin thưa: Chỉ cần liếc qua mấy dòng trích phía trên trong Tuyên bố thành lập BVĐVĐĐL, ta thấy ngay không hề có sự “phủ nhận” nào như anh nói!
.
Ta vẫn có không ít tác phẩm của các nhà văn tài năng, bản lĩnh,vươn tới cái phổ quát, cái nhân bản, cái đẹp. Điều đó khỏi cần chứng minh.. Đó là tài sản của văn hoá dân tộc.
Đến nay, các nhà lý luận nghiên cứu phê bình nghiêm túc chỉ nói đến “văn học kháng chiến 1945-1954”, “văn học miền Bắc 1954-1975”, “văn học sau đổi mới”…
2/ Anh nói: BVĐVĐĐL tuyên bố là “một tổ chức đối lập”.
Không hiểu anh “trượt miệng” hay cố tình? Anh không phân biệt được “độc lập”/ “đối lập”? .
Nếu đối lập, thì xin hỏi BVĐVĐĐL đối lập với ai? Khi rất nhiều thành viên BVĐVĐĐL vẫn là Hội viên Hội Nhà văn VN và Hà Nội, điển hình là hai anh Thái Kế Toại (đương chức Phó Chủ tịch thường trực Hội điên ảnh HN sau bầu cử khoá mới), Phạm Xuân Nguyên đương chức Chủ tịch HNVHN (chỉ sau khi bị Hội Nhà văn ngang nhiên tước bỏ quyền dự Đại hội, 20 thành viên BVĐVĐĐL mới rút tên khỏi HNVVN)?
Không, chúng tôi không “đối lập” một cách chung chung vơ đũa cả nắm, chúng tôi chỉ muốn “độc lập”, không muốn bị ai “lãnh đạo, nuôi nấng và sai bảo, dạy dỗ”. Không, chúng tôi chỉ “đối lập” với những ai, với những chính sách, những việc làm vi phạm quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm của tác giả, đi ngược lại tính nhân bản của văn học.
B. Một điểm nữa đáng ghi nhận trong phát biểu của anh về thái độ nên có của anh và “các đồng chí” đối với BVĐVĐĐL: coi anh em trong BVĐVĐĐL là những người từng đóng góp rất nhiều cho văn học nước nhà, coi họ như bạn bè, đồng nghiệp, không đẩy họ sang hàng ngũ thù địch, “vì bất mãn hay vì cách đối xử nào đấy” (mà chuyển sang hàng ngũ thù địch).
Đó là, không kể anh còn ẩn ý “khen” BVĐVĐĐL khi dùng hình ảnh “cô bồ trẻ trung, xinh đẹp” của anh Phạm Xuân Nguyên, so với bà vợ (già, xấu xí?) , hihi…
Nhưng ngay trong phát biểu này, anh cũng phạm sai lầm: quá coi thường các thành viên BVĐVĐĐL, đa số là những cây bút lão thành đầy bản lĩnh. Họ lập BVĐVĐĐL đâu phải vì “bất mãn cá nhân”, vì “một cách đối xử” nào đó, mà vì họ có quan điểm rõ ràng về thế giới và nhân sinh, về nghệ thuật, không đồng nhất với quan điểm mà anh nói là “quan điểm của Đảng”. Không ít người đã từ chối giải thưởng và/hay tài trợ của chính quyền, vì muốn giữ đúng chỗ đứng “độc lập” của mình.
Tức họ là những người “bất đồng chính kiến” nói theo ngôn ngữ thời thượng, và họ công khai sự “bất đồng” ấy. Tôi tin rằng không sự ve vuốt, phủ dụ nào của các thế lực quyền-tiền có thể “đẩy” họ ra hay “lôi” họ về đâu anh ạ!
Để kết thúc, tôi chúc anh luôn phát huy nhiều nữa những nét đẹp mà lương tri, lương tâm của một trí thức, một nhà thơ đích thực tạo nên, cố hạn chế những nét xấu mà  con người cán bộ văn nghệ nó tiêm nhiễm vào anh. Để chúng ta vẫn luôn là bạn. Để ngày mai bạn đọc chỉ nhớ “nhà thơ Bằng Việt” vứi Hương cây bếp lửa...
31/10/2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

7 ngày trước bầu cử: Đảng Dân Chủ ra sao nếu bà Clinton thất cử?


Hillary Clinton. Ảnh The Guardian
Hillary Clinton. Ảnh The Guardian
Trong nhiều năm trời, bà Hillary Clinton được người Mỹ và thế giới dự đoán sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ngay chính bà cũng muốn điều đó, bằng chứng mới một năm trước đây lúc còn bận rộn vận động sơ bộ, bà từng nhiều lần nêu câu hỏi “các bạn có mong muốn một người phụ nữ làm tổng thống hay không?”. Giữa tiếng reo hò của những người ủng hộ, bà tươi cười nói tiếp “nếu thật sự mong muốn điều đó, tôi cần các bạn ủng hộ tôi, để chúng ta cùng thực hiện ước mơ lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc được điều hành bởi phụ nữ”.
Từ khi chính thức trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Dân Chủ đến giờ, đặc biệt kể từ sau ngày Đại Hội Đảng kết thúc hội giữa tháng Bảy tại Philadelphia, bà Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ không sử dụng chiêu bài “nữ tổng thống” để kiếm phiếu, thay vào đó là những lời chỉ trích đối thủ Cộng Hòa Donald Trump “khinh miệt phụ nữ”, nhắc nhở cử tri về “tư cách của người lãnh đạo”. Song song với điều vừa nêu, những cuộc thăm dò cho thấy đại đa số cử tri Hoa Kỳ không còn nghĩ đến chuyện nên bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton để nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên, thay vào đó, “họ cân nhắc thật kỹ xem giữa bà Dân Chủ và ông Cộng Hòa, ai là người xứng đáng hơn”, theo nhận xét của bà Noemie Emery, một nhà bỉnh bút nổi tiếng trong giới sinh hoạt chính trị ở thủ đô Washington D.C.
Trong một bài viết phổ biến hồi cuối tháng Chín 2016, bà Emery cho rằng chẳng mấy ai còn nghĩ đến chuyện ủng hộ bà Clinton để có nữ tổng thống đầu tiên, thay vào đó “hầu hết những người bỏ phiếu ủng hộ bà chỉ vì họ không muốn nhìn thấy ông Trump lãnh đạo đất nước”. Dẫn chứng được đưa ra: hồi 2008 người dân Mỹ phân vân không biết nên chọn phụ nữ đầu tiên hay ứng cử viên da mầu đầu tiên làm tổng thống, năm nay dù bà Clinton tái ứng cử, nhưng càng gần đến ngày bầu cử, cử tri càng bàn bạc với nhau chuyện “chọn mặt gửi vàng”. Bỉnh bút gia Noemie Emery ghi rõ “điều đó không có nghĩa là cử tri không muốn bà Clinton chiến thắng”, nhưng đòn chính trị “phụ nữ đầu tiên nắm Tòa Bạch Ốc” không còn ăn khách nữa.
Điều bà Noemie Emery viết hồi tháng Chín là điều đang xảy ra từ những ngày cuối tháng Mười. Đi đâu cũng thấy người dân Hoa Kỳ bàn cãi vệ chuyện nên bỏ phiếu ủng hộ ông Trump hay bỏ phiếu chọn bà Clinton, người bênh kẻ chống, gần như chẳng ai nói tới chuyện nếu thành công, bà Clinton sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ. Sau chuyện email gây “lùm xùm” từ thứ Sáu tuần trước đến giờ, nhiều cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho bà Clinton giảm khá nhanh, tới mức The Washington Post/ABC News cho hay ông Trump của đảng Cộng Hòa đang dẫn trước 1%, phân tích gia chính trị Glenn Beck của cánh bảo thủ Cộng Hòa nói với giọng đầy tự tin “cuộc tranh cử đã kết thúc, giờ này tuần tới ông Trump sẽ đắc cử với tỷ lệ phiếu cao hơn số phiếu của bà Clinton tới 5%”.
Nếu điều đó xảy ra, đảng Dân Chủ sẽ như thế nào? Câu trả lời nghe được từ nhiều người: tình hình chẳng sáng sủa gì cho lắm!
“Điều tôi có thể nhìn thấy là bà Clinton sẽ là người bị đảng ghét bỏ tới mức khủng khiếp”, bà Vicky Myers, một cử tri Dân Chủ tại Virginia nói. “Phải nhớ là bà Clinton được hậu thuẫn tối đa, muốn gì cũng có, do đó bắt buộc bà ta phải thắng. Nếu (bà Clinton) thua một người như ông Trump thì đúng là quá tệ, lúc đó, chắc bà Clinton phải cúi gầm mặt, không thể nhìn những người đã ủng hộ bà ta”. Mặc dù vẫn bỏ phiếu ủng hộ bà Cựu Ngoại Trưởng, nhưng bà Myers không ngần ngại xác nhận “chưa biết có thắng nổi hay không”, nhắc lại “nếu thua thì lỗi hoàn toàn tại bà Clinton chứ không phải lỗi của ai cả”.
Với phân tích gia Frank McLaughlin, nếu bà Clinton thất cử đảng Dân Chủ sẽ bị mọi người đem ra chế diễu, “những người ủng hộ đảng Cộng Hòa sẽ cười, nói thẳng vào mặt cử tri Dân Chủ rằng người sáng giá nhất của các anh thua người bị chê trách là tệ nhất của chúng tôi”. Ông cũng cho rằng “nếu thất bại, sự nghiệp chính trị của bà Clinton coi như xong, 4 năm nữa bà có muốn tranh cử trở lại cũng chẳng ai ủng hộ, vả lại lúc đó bà đã 73 tuổi rồi, chắc không còn sức để đi vận động”.
Tuổi tác cũng là để tài được một số người nói tới. Theo cô sinh viên Terry Phan ở tiểu bang Virginia, ngoài bà Clinton “hai nhân vật Dân Chủ nổi bật được nhiều người biết tới là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders và Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren, ông Sanders năm nay đã 74 tuổi, bà Warren trẻ hơn nhưng cũng đã 67 tuổi, nếu năm 2020 một trong 2 người ra tranh cử, lúc đó bà Warren đã hơn 70, ông Sanders cũng gần 80, tuổi quá cao, rất khó kiếm phiếu ủng hộ”. Anh sinh viên Mỹ gốc Việt bảo thêm “ngoài hai người đó ra, ngay lúc này chưa thấy nhân vật Dân Chủ nào vừa trẻ trung vừa sáng giá cả”.
Riêng với quan sát viên độc lập Thomas Hughes, “nếu bà Clinton thất cử, 4 năm sau sẽ có người khác đại diện cho đảng” nhưng điều đảng Dân Chủ lo âu nhất “là không chỉ mất cơ hội giữ ghế tổng thống, mà còn có thể mất đi một số tiểu bang từng được xem là thành trì của đảng, cộng với một số tiểu bang Tổng Thống Barack Obama đã giúp chuyển dần từ Cộng Hòa sang Dân Chủ”, chẳng hạn như Pennsylvania, Virginia, Colorado, Florida, và Wisconsin. Ông tin “mất mát đó mới đáng sợ” vì phải mất nhiều thập niên nữa mới lấy lại được.
Trước những ngy cơ có thể xảy ra, Ban Vận Động cho bà Clinton không tỏ vẻ nao núng. Phát biểu trong chương trình “Good Morning America” của đài ABC, ông chủ tịch điều hành Robby Mook nói rằng mọi người “đang dồn hết nỗ lực để đạt được chiến thắng”, bà Hillary cũng bận rộn vận động ở những tiểu bang cần phải thắng, liên tục gửi email cho những người ủng hộ, nhắc nhở đừng quên đi bầu cũng như “nhớ kêu gọi người khác đi bầu”, không thể để Hoa Kỳ nằm dưới quyền lãnh đạo của người không có kinh nghiệm là ông Donald Trump.
© Nguyễn Văn Khanh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Viết chính luận mà cũng "không vội được đâu"...



FB Phuoc M Nguyen
Ở xứ  này, mỗi tờ báo thường nổi lên vài cây bút đinh chuyên về chính luận, tức là những ngòi bút có kiến thức sâu và rộng, có kinh nghiệm, giàu vốn từ để mà lách khi bàn luận các đề tài nóng, nhạy cảm... Nhưng có một nét rất chung là sau khi vạch ra hàng loạt các chân lý mà không ai dám cãi thì họ lại dẫn dụ bằng một phát ngôn của một vài ông quan bự nào đó để móc họng cái đám quan nhỏ, đám quan địa phương, mặc dù họ thừa biết rằng cả quan bự lẫn quan địa phương đều có tư cách chẳng khác gì nhau...

Và thêm một nét rất chung nữa là các cây bút đinh này thường bê nguyên si cái giọng điệu rất chi là tuyên giáo rằng "ở trên chủ trương đúng nhưng tại cấp dưới, cấp cơ sở hiểu sai, làm sai"... Buồn cười, bản chất cái "hiểu sai, làm sai" đó chính là vì "trên chủ trương đúng" nhưng "trên" cũng làm sai, cũng ăn quá bạo nên cấp dưới nó khinh ra mặt, nó không nghe lời là phải. Đã vậy, bọn cấp dưới nó vừa ăn tàn bạo, lại vừa còn chung chi cho cấp trên cũng... ăn đại tàn bạo luôn, vì thế, muốn "hiểu đúng, làm đúng" cũng không được, vì khi đó còn gì để mà ăn, để mà chung... Trăm nhà báo thì cả trăm đều nằm lòng cái "bản chất" lưu manh này, nhưng viết ra không được vì sợ... "hết mực" giữa đường!

Muốn cái xứ  này tốt lên trong sự ổn định, thì chỉ có một cách duy nhất là "trên chủ trương đúng" thì "trên" cũng phải làm đúng nữa, khi đó bọn cấp dưới nó mới sợ mà chùn tay, bớt gây tội ác... Còn không, cứ kéo dài mãi tình trạng này...thì chờ đến thời bạo loạn là một điều không thể tránh khỏi! Lịch sử minh chứng... khắp nơi.

Vừa qua, có một số nhà báo nhận định rằng giới trẻ ngày nay vô cảm, bạo lực học đường, bất chấp tất cả hậu quả để tự sướng, câu like trên mạng... thì trách nhiệm chính vẫn là người lớn. Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn và khách quan. Và từ cái chuyện "giới trẻ suy thoái" này suy ra, cái đám quan cơ sở, địa phương... có làm sai, có làm bậy... thì trách nhiệm chính cũng vẫn là các ông quan "trên" đó ạ, mà đa phần các ông trên cũng từ cơ sở đi lên, các ông quá rành rồi còn gì?!

Gặp chuyện gì cũng đưa cái lý luận "không vội được đâu" vào để ngụy biện, và vì thế, khi nhiễu sự xảy ra... thường là "đi" rất vội, vội như hỏa hoạn, như những cơn lũ lụt... vừa qua, lòng người lại càng thêm bấn loạn.

Viết chính luận mà cũng "không vội được đâu" thì coi như "cây đinh" đó đã bị cùn, tự hào cái đếch gì mà vênh váo?!

MP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BS HỒ HẢI BỊ BẮT

Tin CỰC NÓNG:

Bác sĩ Hồ Hải. 

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh bắt đối tượng Hồ Văn Hải - chủ trang facebook "Hồ Hải" và blog "BS Hồ Hải"

02/11/2016

Ngày 02/11/2016, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công an Quận Thủ Đức bắt quả tang Hồ Văn Hải (sinh năm 1964, hộ khẩu thường trú tại Số 9, Lầu 03 Nghĩa Thục, Phường 5, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh) đang có hành vi tán phát thông tin, tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet tại số 891 Kha Vạn Cân, Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức.

Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của Hồ Văn Hải để xử lý theo quy định của pháp luật. 
Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP HCM.
 
 
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Bá Kiến phiên bản mới và những Chí phèo đương đại"



TRƯƠNG KHẮC TRÀ


























(GDVN) - Với người dân của một quốc gia nông nghiệp có truyền thống hàng ngàn năm, đất đai không những là miếng cơm manh áo mà còn là di chỉ thiêng liêng của tổ tiên.

Chắc rằng, một trong những lý do khiến truyện ngắn “Chí Phèo” sống mãi trong lòng công chúng là bởi tính thời sự của nó.

Ngót 2/3 thế kỷ trôi qua nhưng những tình tiết tranh đấu giữa Bá Kiến – hình ảnh đại diện cho chính sách và Chí Phèo – đại diện cho thân phận con sâu cái kiến vẫn con nóng hổi trong bối cảnh xã hội mà nhiều người lầm tưởng rằng những Chí Phèo, Lão Hạc, Chị Dậu, ông giáo Thứ… chỉ là chuyện của thời thực dân phong kiến!

Thực tế có đúng như vậy?

Chính thời cuộc mà trực tiếp là chính sách thực dân phong kiến đã bần cùng hóa một con người hiền lành trở thành cặn bã xã hội, những “bà hai”, “bà ba”, “bà tư”… (vợ Bá Kiến) là hình ảnh tượng trưng không thể điển hình hơn của những phe nhóm lũng đoạn quyền lực bóp méo chính sách, góp phần không nhỏ vào “công cuộc” vùi dập những con người như anh Chí.     

Cần thấy rằng, lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của phạm trù Nhà nước chưa bao giờ có kiểu thiết chế Nhà nước lấy tôn chỉ “bần cùng hóa dân chúng” làm trọng.

Tuy nhiên Nhà nước nào cũng phải đối mặt với tình trạng “lệch chính sách”, mức độ của vấn đề này phụ thuộc vào đạo đức, trình độ, lương tâm của những người cầm cân nảy mực.          

Bởi chẳng có ông quan tài năng, đức độ nào đi làm cái việc tịch thu tài sản của dân, bức hại đến nhân dân, phương hại đến những người trực tiếp đóng góp tiền bạc công sức để nuôi sống gia đình, ban phát đặc quyền đặc lợi cho mình.

Phải chăng những “bà Hai”, “bà Ba”, “bà Tư” và những ông Bá Kiến phiên bản mới đã thao túng chính sách, lũng đoạn quyền lực, chà đạp công lý khiến không ít trường hợp phải bứt còng, phá lệ để rồi vướng vòng lao lý!?

Mấy ngày qua, xuất hiện thêm vụ việc liên quan đến… súng; anh Đặng Văn Hiến ở Đắc Nông dùng súng hoa cải xả vào đoàn cưỡng chế đất đai khiến 3 người chết và nhiều người bị thương.

Lý do khiến anh Hiến nổ súng là công ty Trách nhiệm Hữu hạn Long Sơn tổ chức san ủi, giải tỏa vườn cây nơi gia đình anh canh tác mà theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Nông, khu vực đất xảy ra tranh chấp chưa thể khẳng định là thuộc sở hữu của công ty này, đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động tranh chấp đất với người dân giữ nguyên hiện trường.

Giết người là trọng tội phải bị nghiêm trị nhưng ai đã cho phép công ty này phá hoại tài sản của người dân khi đúng sai chưa ngã ngũ?

Ai ngang nhiên bẻ cong chỉ đạo của chính quyền để hậu họa là 3 mạng người và có thể là thêm một án tử?

Kẻ nào chống lưng cho công ty Long Sơn coi thường văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh?

Người viết chưa bao giờ có ý bênh vực cho trọng tội của tác nhân cầm súng giải quyết mâu thuẫn nhưng chắc chắn anh Hiến có quá ít chọn lựa trong trường hợp này, nếu không bảo vệ được đất đai, hoa màu thì gia đình, vợ, con anh ta sớm muộn cũng rơi vào phá sản rồi bần cùng chẳng khác nào anh Chí của Nam Cao.

Mặt khác với thân phận “châu chấu” lấy đâu ra lý lẽ và tiềm lực để “đá voi”?

Giá như công ty Long Sơn tôn trọng thực hiện văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh, anh Hiến mang một thân phận khác và chính sách, luật pháp được thực hiện một cách công minh chính trực thì có lẽ sự thể đã không quá bi đát như vậy!

Đây không đơn giản chỉ là vụ án hình sự và mấy mạng người oan uổng, mà cả một vấn đề nan giải về cái gọi là độ “lệch” của chính sách luật pháp đối với thực tiễn khách quan; đã chứng minh cho nguyên lý bất di bất dịch một khi xung đột lợi ích thì bạo lực đương nhiên xuất hiện.

Theo ông Phạm Sĩ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam), hiện có đến 80% khiếu kiện liên quan đến đất đai, trong đó chủ yếu là khiếu kiện bồi thường khi bị thu hồi đất. [1]

Câu chuyện đất đai ở Việt Nam luôn nóng bỏng và phức tạp, thỉnh thoảng lại bùng phát dữ dội như kiểu “tức nước vỡ bờ”.

Trong trường hợp này, hậu quả độ “lệch” của chính sách, luật pháp đã làm rối loạn lợi ích trong xã hội, anh Hiến có thể sẽ nhận bản án nặng nhưng vợ con anh, gia đình anh và những thế hệ tiếp theo sẽ sống sao với búa rìu dư luận?

Sự mập mờ về chủ sở hữu của phần đất tranh chấp có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương, hiệu quả hiệu lực ở đâu khi công ty Long Sơn ngang nhiên qua mặt chính quyền, hay là có sự thông đồng cấu kết nào ở đây để cướp đất người dân?

Còn nhớ năm 2012, cả nước xôn xao vụ tranh chấp đất đai của ông Đoàn Văn Vươn và Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng. Vụ việc này về bản chất là hoàn toàn khác với vụ công ty Long Sơn nêu trên, nhưng lúc đó đây được coi là đỉnh điểm về xung đột đất đai, khi có 4 công an, 2 quân dân bị thương, 6 người bị bắt và khởi tố còn một số cán bộ địa phương bị cách chức.

Căn cứ vào kết luận của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì vụ tranh chấp trên đã lộ rõ những bất cập về quy định của luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các địa phương và sự thiếu hiểu biết của người dân.

Năm 2014 ở Cà Mau, xảy ra vụ việc chính quyền địa phương thu hồi đất để làm dự án công trình công cộng sau đó chia lô rao bán! [2]

Ai đã ban phát cho những “công bộc” này cái quyền to hơn ông trời là thu hồi đất xong đem bán, có khác gì buôn bán trên mồ hôi nước mắt của nhân dân, đáng nói hơn giá bán chênh lệch với giá đền bù tới 10 lần!

Những khoản chênh lệch khổng lồ này vào tay ai?

Người dân sẽ mưu sinh bằng gì nếu đất đai bị đem bán?

Có chính sách nào kỳ quái như vậy không?

Thực sự, càng hỏi càng “khó” trả lời.

Chỉ biết rằng sự méo mó về chính sách đã biến những người dân hiền lành vô tội trở thành những Chí Phèo đáng thương hơn đáng trách.

Bất kể đó là ai cũng không nên và không có quyền bắt người dân phải hy sinh lợi ích của chính mình để phục vụ những điều phi lý, dân chủ thực sự phải là chính sách phục vụ người dân chứ không có chuyện người dân phục vụ chính sách, chính sách không bắt nguồn từ mong muốn của người dân chỉ có thể là chính sách sai lầm.

Việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân xảy ra với tính chất ngày một nghiêm trọng cho thấy rằng lợi ích, phương kế sinh nhai của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với người dân của một quốc gia nông nghiệp có truyền thống hàng ngàn năm, đất đai không những là miếng cơm manh áo mà còn là di chỉ thiêng liêng của tổ tiên.

Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến bài học xương máu từ cuộc cách mạng ruộng đất, vậy nên, việc tranh chấp đất đai, xa hơn là tranh chấp lãnh thổ không thể xem là chuyện bình thường.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://plo.vn/thoi-su/khi-thu-hoi-dat-dung-doi-nguoi-dan-phai-hy-sinh-467199.html

[2] http://nongnghiep.vn/thu-hoi-dat-cua-dan-dem-ban-dau-gia--post125897.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÓ MỘT TIẾNG VIỆT MANG TÊN THÁI BÁ TÂN.


33 năm trước, Hà Nội có ông Tây Annam xuất hiện. Mùa hè, mặc comple, đi giày da bò nâu nhưng nói giọng Nghệ Tĩnh. Ấy là Thái Bá Tân, mới tốt nghiệp Khoa tiếng Anh ở Đại học Matscơva. Bấy giờ cứ 10 cử nhân kỹ sư tốt nghiệp ở Đông Âu về nước thì có đến 4 người quê Nghệ Tĩnh. Có câu chuyện thế này:
“- Mi quê mô hè?
- Dạ, em dân Matscơvinh, anh!”
Hồi ấy Nghệ Tĩnh chưa có dịch lũ lụt, nhưng bão gió thì hình như dồn dập hơn bây giờ. Đói to. Dân vỉa hè Hà Nội hát nhạc chế: “Nghệ tĩnh mình ơi, năm nay lại mất mùa; chồng về quê vợ, đào sắn như điên.”
Tuy bão gió mất mùa, nhưng hồi ấy Trung ương hay gọi Nghệ Tĩnh ra cho mì gạo sắn khoai, còn gì cho nấy. Nên lại có nhạc chế: “Nghệ Tĩnh mình ơi, trung ương gọi lấy mì…” Vậy nên, mất mùa do bão gió là dân mừng, vì không mất mùa mới là đói thật, đói to. Nên chi dân mong có bão.
Thái Bá Tân mang đến trường Nguyễn Du chùm truyện ngắn, trong đó có truyện “May năm nay lại có bão, chú à”.
Về sau, không thấy ông Tây Annam làm thơ viết truyện, mà lại dịch. Ông dịch nhiều nhà thơ, dịch như điên, như chồng về quê vợ đào sắn. Nhưng chủ yếu là dịch nhà thơ Anh Lord_Byron – một tên tuổi lẫy lừng, đứng trên thi đàn Anh suốt thế kỷ XIX mà không chịu nhường ai.
Mấy mươi năm qua Thái Bá Tân chuyên dạy tiếng Anh, nhờ thế mà giàu.
Giàu rồi mới lại làm thơ. Mà làm thơ riêng ông một kiểu. Nôm na, dễ hiểu, vần khít khìn khịt. Nhưng nội dung chứa lại lớn lao, cốt lõi. Ông giống nhà thơ La Fontaine của Pháp (XVII), người mà theo Gustave Flaubert, “là nhà thơ Pháp duy nhất hiểu và làm chủ những kết cấu tinh vi trong của ngôn ngữ Pháp trước Victor Hugo.” Chả có ai coi tôi ra gì, nhưng nếu cần nói về Thái Bá Tân, tôi xin nói, ông là tiếng nói của người Việt không chỉ vào cái thời của mình, đó còn là tiếng nói của người Việt rất lâu về sau…
__________________________
KHI ĐÔI TA CHIA TAY
Lord Byron
Thái Bá Tân dịch
Nhớ không em thuở nọ,
Khi đôi ta chia tay-
Hai đứa cùng đau khổ
Nhìn nhau lệ tuôn đầy.
Và ngày ấy hôn em,
Hôn đôi môi buốt lạnh,
Anh đã thấy trong tim
Những tháng năm hiu quạnh.
Phải chăng giọt sương rơi
Trên mi anh buổi nọ
Đã theo anh suốt đời
Và nay thành giông tố?
Hai ta giấu tình yêu
Để không người được biết,
Anh thầm đau khổ nhiều
Vì yêu em tha thiết.
Nếu ta còn gặp nhau
Sau bao năm xa vắng,
Biết đón em thế nào
Ngoài nước mắt, im lặng?
Tân Thái Bá
HỖN!
Bộ trưởng Bốn Tê nói:
“Phải trừng trị thật nghiêm
Những người dùng Facebook
Nói xấu đảng, chính quyền”.
Một - Nói thế là hỗn.
Thử hỏi ông là ai
Mà “nghiêm trị” người khác?
Chưa bàn chuyện đức tài.
Hai - Bác Trọng đã dạy:
“Mình có như thế nào,
Người ta mới thế chứ”.
Sờ gáy mình xem sao.
Thế nào là nói xấu?
Nói là quyền của dân.
Hay ông quên từng dạy
Lắng nghe dân, nhiều lần?
Dân nào dám bịt mũi
Khi đài báo của ông
Không nói dối như cuội,
Kiểu bầy đàn, lên đồng?
Dân nào dám dị nghị
Khi chính quyền nước này
Không tham nhũng, lãng phí
Mức khủng như hiện nay?
Khi ngân khố nhà nước,
Mừng sinh nhật bố quan,
Không mất hơn nửa tỉ
Tiền cướp của dân oan?
Dân nào dám ca thán
Nếu chính quyền địa phương
Không vì sưu thuế chậm
Mà tịch thu chiếc giường?
Dân nào dám la ó,
Đòi đuổi Formosa,
Nếu chính quyền từ chối
Không rước nó vào nhà?..
Dân tha không nghiêm trị
Cả ông, cả chính quyền.
Thế mà ông còn hỗn.
Hay ông đang bị điên?

Phần nhận xét hiển thị trên trang