Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Đừng thi vị hóa thảm họa Formosa


Đừng thi vị hóa bản chất xấu xa để thay đổi ngọn nguồn sự việc. Tour du lịch Formosa (nếu có) phải là nỗi đau quá khứ chứ không phải bất kỳ chuyện tình hay tinh thần thép bịp bợm nào đó.

Vào một ngày giữa tháng 7, tôi nhận được tin nhắn kèm hình ảnh của một anh bạn đang có chuyến công tác tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hình ảnh vài lon bia Huda, một đĩa thịt lợn nước không có gì đặc biệt kèm lời nhắn “Anh đang ngồi ở bãi biển Vũng Áng”. Câu chuyện sẽ nhạt nhẽo nếu khi đó anh bạn tôi chẳng phải đang ngồi ở bờ biển, uống bia, và ăn thịt lợn. Anh ta hài hước một cách méo mó: “Anh gọi tạm đĩa thịt lợn vì chẳng có đồ biển mà ăn!”
Nhóm bạn trẻ của STDe được trao tặng chứng chỉ về ý tưởng đột phá du lịch miền Trung. Nguồn ảnh: Báo Thanh tra.
Ở giữa Hà Nội, tôi có mực, có cá, còn ở sát biển, ngư dân không có gì. Đấy là nỗi thống khổ to lớn bắt nguồn từ Formosa – nhân vật chính trong thảm họa tàn phá môi trường gây chấn động cả nước. Mọi thông tin về siêu dự án gang thép này chưa bao giờ có tính tích cực, hệ quả để lại chưa biết bao giờ mới hết. Và ngay bây giờ, hàng trăm lá đơn tố cáo có liên quan đến Formosa vẫn được gửi tới tấp về TAND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong khi các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát vỡ trận, người mua vé xếp hàng dài tới tận cổng và khóc ngất vì không thể mua được vé. Thì không khí ảm đạm đến đáng thương lại xảy ra ở bến xe Nước Ngầm, những chiếc xe lặng lẽ rời bến với chỉ 1-2 người ngồi trên xe, đơn giản vì bến Nước Ngầm khi đó tập trung chủ yếu các nhà xe đi miền Trung – nơi thảm họa môi trường vừa mới xảy ra. Miền Trung cần được cứu!
Thế rồi từ nỗi đau ấy, một ý tưởng có vẻ táo bạo được đưa ra bởi Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe): “Tour du lịch Formosa”. TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cho rằng “Tour du lịch Formosa” đi qua bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… kết nối năm điểm du lịch quan trọng nhất gắn với cuộc đời và quá trình tu tập của cá - thép trước khi hoá rồng.
Thoạt nghe thì ý tưởng này giống một trò đùa hơn, đã có người nói với tôi rằng sẽ dựng lại mối tình của nàng cá và chàng thép? Thép đã giết cả cá, cả họ hàng, nội tộc nhà cá thì yêu sao nổi? Cá vượt vũ môn bằng cách phơi bụng trắng phớ trên bãi biển, trong tiếng ai oán của con người là hình ảnh quá đỗi tương phản. Hơn nữa, khi Formosa còn ở đó, khách du lịch chỉ có thể mang kèm bánh mỳ và nước lọc đi tham quan chứ sao dám dùng đồ biển. Còn có ý kiến cho rằng đây là kinh doanh trên nỗi đau của người khác. Ý tưởng này vô tình lại biến Formosa thành xuất phát điểm cho mối lương duyên vĩ đại, thành nguồn biểu tượng của tinh thần cá hay gì đó tương tự.
Đa số mọi người cho rằng ý tưởng này lấy nỗi đau của ngư dân ra làm trò đùa và xuyên tạc bản chất, bóp méo sự thật. Ảnh châm biếm.
Nhưng đừng vội kết luận khi chưa suy nghĩ thấu đáo, thực tế chúng ta đã có những Côn Đảo, Củ Chi, Thành Cổ… ghi dấu ấn của chiến tranh, nơi những nỗi đau còn nguyên vẹn và người ta đến để tìm hiểu và chia sẻ với những mất mát đó. Formosa cũng là một nỗi đau, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, cũng như thay đổi một điều gì đó hơn là khóc thương một cách bất lực.
Vị Chủ tịch SDTe nêu quan điểm trước hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian dài; lương thực, thực phẩm và công ăn việc làm của người dân bốn tỉnh miền Trung sau khi môi trường biển và hệ sinh thái bị ô nhiễm nặng nề. Khi không còn sự tồn tại của cá, loài sinh vật biển quan trọng đã bao đời nay nuôi sống con người, tất cả sẽ đi đến đâu nếu vẫn níu giữ tư duy cũ, chỉ ngồi than khóc vì hậu quả để lại mà không biết vượt lên, tìm ra hướng đi mới?
Đúng thế, đối với thảm họa miền Trung thì đây là một trong những cách khả dĩ nhất để vực dậy đời sống người dân, tạo điểm nhấn từ một sự kiện chấn động là một ý tưởng không tồi. Dù vậy, cần phải đưa khách du lịch về với thực tế, đừng thi vị hóa những thứ không có bản chất tốt đẹp để rồi theo đó ngọn nguồn sự việc bị thay đổi. Khách du lịch (có thể là con cháu chúng ta sau này) cần thiết phải được biết về những gì đã xảy ra tại miền Trung, Tour du lịch Formosa (nếu có) cần thiết phải là nỗi đau quá khứ chứ không phải bất kỳ chuyện tình, hay tinh thần thép bịp bợm nào đó.
Tôi chắc chắn sẽ mua vé tham gia Tour du lịch Formosa nếu ý tưởng này thành hiện thực, nhưng tôi du lịch để chia sẻ, cảm nhận đúng đắn hơn về nỗi đau của đồng bào, vậy thôi. Bởi tôi cũng là một người Việt, và riêng đối với tất cả những gì liên quan đến Formosa, tôi không thể nào yêu thương nổi.
Vũ Khoa
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ý kiến nhà văn:


CẦN CHUYỂN Ý THỨC HỆ NHƯ MỘT BIẾN PHÁP ĐỂ TỒN TẠI QUYỀN LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC!
CNXH và CNCS đã căn bản bộc lộ hầu hết những sai lầm chết người. Có ba cái “cột trụ” làm nên nó là:
1. Chuyên chính vô sản, ĐCS lãnh đạo đất nước toàn diện và trực tiếp,
2. Quốc doanh hóa, tập thể hóa nền kinh tế
3. Công cụ để bảo vệ chế độ là ý thức hệ, ý thức hệ lại dựa trên nhận định 2 phe 4 mâu thuẫn; lấy đấu tranh giai cấp (không từ cả vũ lực) làm động lực và nòng cốt để giải quyết 4 mâu thuẫn. Xin lần lượt điểm qua cái hệ tư duy này:
Điểm thứ 2: Đến nay, sau gần 80 thực thi, nền kinh tế quốc hữu hóa, tập thể hóa đã bị sụp đổ. Tại Việt Nam, nó chưa sụp đổ hoàn toàn, [người ta không nói quốc doanh nắm vai trò chủ đạo nữa, chỉ còn tồn tại ở chỗ chưa công khai từ bỏ nó mà thôi] nhưng đã biến thái thành các địa chỉ tham nhũng, dùng ngân sách bù lỗ như Vinashin, Dung Quất. Mặt khác, khi chưa chuyển ý thức hệ, chưa có thị trường - đủ nên chưa có luật chống độc quyền [mỗi nhà đầu tư không có quyền SX trên 30% sản lượng một mặt hàng nào đó] Biến thái của vai trò quốc doanh là chủ đạo bất ngờ thành cái quái thai Formosa – độc quyền (cho đến nay) là SX đến 99% sản lượng thép tại Việt Nam.
Điểm thứ 3: Đến nay rõ ràng không còn hai phe nữa, nó đan xen giữa các siêu cường. Ngay tại Việt Nam, CNTB vẫn đan cài với tư duy CNXH, đang lũng đoạn tư duy CNXH. Vả lại, bây giờ đảng viên đã trở nên là tầng lớp tư sản, mà tư tưởng của đảng là đấu tranh giai cấp tức là tự chống mình à?
Chỉ còn lại duy nhất điểm thứ nhất. Thì vừa qua cũng có việc 3 trụ trong 4 trụ về sinh hoạt đảng tại Bộ CA là hành vi tự nói rằng chúng ta đang lo lắng. Thật là các cử chỉ chính trị non yếu! Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước là người của cả nước; sao lại về cùng sinh hoạt tại một nơi; sao lại “nghiêng” về một nơi? Nếu về, thì nơi duy nhất nên nghiêng về là Bộ Quốc phòng vì biển đảo đang ở cấp báo động cao nhất bị xâm lấn?
Tôi kính đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam CHUYỂN Ý THỨC HỆ. Cái slogan CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN hãy làm cho nó rõ ràng, mạnh mẽ và huy động toàn bộ sức mạnh dân tộc, ý chí của toàn Đảng toàn Dân mà làm. Đó là THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐẦY ĐỦ, CNXH CHỈ CÒN LÀ SỬ DỤNG PHÚC LỢI XÃ HỘI SAN SẺ CHO NÔNG THÔN VÀ VÙNG SÂU VÙNG XA.
Hạt nhân của thể chế thị trường đầy đủ là xử lý mâu thuẫn chênh lệch lợi tức để hài hòa quyền lợi giữa CHỦ và THỢ. Đó là mâu thuẫn lớn nhất, tồn tại chung thân với loài người; ý chí của ông chủ là muốn thợ làm nhiều hơn, hưởng ít hơn còn người lao động làm thuê thì muốn điều ngược lại. Cho nên cần có biểu tình! Biểu tình là cách tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn, hài hòa lợi ích. Chứ như hiện nay, chính quyền rất vất vả mà không sao can thiệp được để hài hòa mâu thuẫn.
Muốn biểu tình văn minh thì cần có Luật Biểu tình như Hiến pháp 2013 quy định.
Tôi đề nghị không dùng Dự thảo do Bộ CA đang soạn, mà dùng LỰC LƯỢNG THỨ 3 LÀ CÁC LUẬT SƯ KHÔNG NẰM TRONG CHÍNH QUYỀN, HỌ SOẠN THẢO DỰ LUẬT DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, QUỐC HỘI. Chả phải đi đâu xa, hãy để ra một vài ngày nghiên cứu kỹ cuộc biểu tình của hàng vạn công dân tại Formosa sẽ có được sắc Luật tiến bộ và phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thăm thẳm đường về ( 11 ) TT của HG

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh trái ngang đau khổ?



T
ừ hôm Đỗ Đen đưa cho cái nhẫn, gã thấy lúc nào cũng thắc thỏm không yên. Không mấy đêm gã ngủ được yên giấc. Thường gặp những cơn ác mộng. Khi thì lội suối trèo non, khi thì băng rừng vượt biển. Gã đã định bán nó đi để lấy tiền làm vốn làm ăn, song lại lưỡng lự. Muốn giữ lại một kỷ niệm để nhớ một thời buồn đau, ngang trái của mình. Gã bọc nó trong một chiếc khăn mùi xoa cũ, luôn mang trong người. Gã không đeo vì thường ngày luôn phải làm việc chân tay, đeo bất tiện. Phần nữa để tránh con mắt nhìn của người xung quanh. Người ta sẽ bảo hoàn cảnh lúc này mà gã đeo vàng không khác gì " đầu đánh trin, đít đeo hoa ". Gã cũng chưa biết nên xử trí với nó như thế nào. Một cảm giác chênh chao, bất an luôn làm gã bứt rứt. Gã tự vấn an mình rằng cảm giác đó là do hoàn cảnh ngặt nghèo của gã lúc này. Con bé Hà, mẹ nó đón về được hơn một tháng. Hôm ông cậu gã về quê, mẹ nó lại tìm đến gửi lên. Cô ta bảo nó nhớ bà, chẳng chịu ăn uống gì. Gã tin có thế thật, nhưng còn một lý do khác nữa mà mẹ nó không nói, gã cũng hiểu. Sau những cuộc tình chênh vênh, bất ổn, hình như cô ta nghĩ lại. Cô ta nhắn với ông cậu là muốn gặp gã để nói chuyện hai bên thông cảm với nhau. Khi ông cậu nói điều này thì gã bảo:
- Lúc cháu cần, thì nó cố tình bỏ đi. Còn bây giờ khoảng cách đã quá xa rồi, không còn gì để nói nữa.
Ông cậu ướm thử:
- Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại anh ạ. Thôi thì thương con ngon của, nén dạ ăn ở với nhau cho con bé khỏi khổ. Mà nó dạo này cũng tươm. Ông bố chia cho miếng đất ngoài gần chợ, lại xây cho cái nhà. Chả hơn là cứ lăn lóc mãi ở xó rừng này hay sao?
Gã chỉ bảo:
- Chuyện này cậu để mặc con. Tính con thì cậu biết, khổ con chịu được chứ nhục thì không bao giờ.
Ông cậu còn muốn nói điều gì nữa, nhưng thấy thái độ gã lúc ấy ông lại thôi.
Lên đến đây cậu cháu ở gần, nhưng ít có lúc gặp nhau. Gã không oán trách vì ông mà gã mất hết cơ nghiệp dưới xuôi, phải đem thân lên rừng. Chắc ông ngại. ở đời không thiếu gì cảnh cha con vợ chồng lìa lọi nhau vì mảnh đất ngôi nhà. "Nó không nói ra, nhưng tránh sao khỏi ức hận trong lòng" chỉ có việc không đừng được, ông mới đến. Gã cũng bần cùng mới tìm gặp ông. Gã không muốn nhớ lại vết thương quá khứ. Nó luôn âm ỉ trong lòng. Nhìn thấy ông là tất cả chuyện cũ lại hiện về, mà lúc này gã đang muốn quên đi. Đau thương thực ra là một thứ cường toan huỷ hoại tình cảm con người. Ông cậu cũng chỉ vì việc tình cảm nấn ná mà huỷ hoại cuộc đời. Nếu không, lúc này ông đang có chức quyền, ông đang được người đời tôn trọng. Bố mẹ lấy vợ cho ông lúc ông mới hơn mười tuổi. Lớn lên ông không chịu được cuộc tảo hôn ấy, trốn nhà đi kháng chiến. Sau Điện Biên Phủ ông trở về làng. Bà vợ trước ở nhà tấp tểnh theo lính đồn, có một đứa con gái hơn một năm thì nó mất. Ông xin bố mẹ cho bỏ vợ, nhưng các cụ không nghe. Vì để "giữ phúc đức" của nhà. Một bà ăn quà như mỏ khoét, không đảm việc nhà, lại thêm tật đái dầm, ông buộc phải chung sống suốt đời. Những đứa con sinh ra cũng phàm ăn, tục uống, ngu ngơ đúng dòng của mẹ. Nó là nguồn gốc sâu xa của tai nạn đời ông. Không thế, các cô thư ký suốt thời gian ông trách nhiệm Ngân Hàng đã không lay chuyển được. Cộng thêm trình độ nghiệp vụ hạn chế, ông đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu không có bà chị gái là mẹ gã, chắc chắn ông đã ngồi tù. Khổ một nỗi con người ông là con người được nhào nặn từ những tín điều cứng nhắc. Cho đến bây giờ, khi chẳng còn tý quyền hành, bổng lộc gì nữa mà hễ nói, là nhắc đến lập trường, quan điểm! Vì thế cậu cháu không mấy khi nói chuyện với nhau. Thời thế đã tạo nên mâu thuẫn giữa các thế hệ ngay trong mỗi gia đình. Với gã, ông cậu giàu lòng cả tin và cũng là người luộm thuộm trong tình cảm.
Ông tưởng đâu việc người vợ cũ của gã nhắn nhủ với gã là chuyện tốt lành. Làm sao gã quên được hình ảnh hôm ở phiên toà bước ra. Nàng leo tót lên ngồi sau chiếc xe cá vàng lao vút đi, còn gã ở lại? Gã tần ngần nhìn hai con chim xanh miệng nhỏ máu, bị treo ngược đôi chân bé xíu lên tay ghi đông xe của ai đó dựng trước cửa toà. Bữa đó đầu không nón mũ, gã đi bộ trên mặt đê trời chang chang nắng. Khát đến khô cổ, gió thốc bụi trên đường mờ cả mắt...
Mẹ gã ngồi nghe chuyện hai cậu cháu nói với nhau, bà không tham gia, chỉ thở dài. Từ độ gã về, đã mấy lần bà ướm thử ý con. Đời người như chớp mắt, được mấy gang tay? Gã đã ngoài ba mươi tuổi, nửa đời người rồi. Mấy mà đến tuổi già? Ở tuổi gã người ta đã yên một bề, con một đàn, chỉ lo làm ăn. Gã thì cầu mấy nhịp, nhịp nào cũng dở dang. Biết đến bao giờ mới có đủ kinh tế như ý con nói để nó tục huyền? Mình nghèo thì đánh bạn nghèo. Tìm chỗ cảm thông. Giàu có chắc gì đã là hạnh phúc? Ối người thừa ăn thừa tiêu mà vợ chồng vẫn không ăn ở được với nhau. Có khi sẫn ăn, sẵn tiêu lại sinh rửng mỡ?
Đã đành trăm sự tại cái nghèo. Con bà nói cũng có lý. Nó bảo: “Máy bay lên phải có đường băng, tên lửa phải có bệ phóng. Diều bay cao phải dài dây”. Nó cao vọng, nhưng vì nghèo mà đời nó khổ.
Hồi nó mới bị bắt, lão Đởm đánh tiếng xa xôi. Nếu nhà có tiền, nó đã được về. Nó ở nhà, chưa chắc đã xảy ra chuyện bán đất, bán nhà. Ngày cái ăn sống người chưa đủ, lấy đâu ra tiền để lo chạy chọt?
Bà cũng biết nghèo là khổ. Cả một đời bà sống trong nghèo khổ không ai thấm thía hơn bà. Bà cũng biết cái nghèo nhiều khi nó làm con người hèn đi. Không ít điều tồi tệ nảy sinh từ cái nghèo.
Nhưng đâu phải một mình nhà bà nghèo? Cả dân nghèo, cả nước nghèo. Cái nghèo là gia sản quái ác để lại từ hồi Hùng Vương dựng nước. Nó là cái chướng nghiệp của đất nước và dân tộc này. Chuyện cổ tích nào nghe kể cũng buồn, cũng thấy tủi thân, thấy mủi lòng!
Không thể vì nghèo mà không mưu cầu cuộc sống, không lấy vợ lấy chồng. Đó là lý luận của bà lão đã từng làm cán bộ tuyên truyền, đã từng có vai trò lãnh đạo. Nó không có gì mới, và cũng không có gì cũ, rút ra từ bài học cuộc sống hàng ngày.
Mỗi lần mẹ đả động đến chuyện đó gã đều im lặng. Gã biết nói ra điều gì cũng làm mẹ đau lòng. Nhưng gã đâu phải không biết lo thân, không biết đi trước, lo sau. Chính vì cả nghĩ mà việc ấy gã không thể vội vàng. Dễ dãi trong việc tìm bạn tình và đi đến hôn nhân gã đã phải trả giá quá đắt. Dù không là gỗ đá, dù khao khát tình cảm, dù vật vã xác thân gã cũng không thể vội.
Đêm nằm một mình trằn trọc lăn qua bên này, bên kia gã cũng thèm có người má ấp môi kề. Thèm có người để khi vui, khi buồn, chia sẻ. Nhưng hình như việc ấy còn xa vời quá. Những người con gái gã từng gặp từ khi về đây gã thấy khó có người hoà hợp thông cảm với mình. Hoàn cảnh của gã và của họ khác biệt nhau nhiều quá. Mà không đồng cảnh thì cũng rất khó đồng tình. Nói gì đến chuyện gắn bó cả đời?
Trong thâm tâm dù không nói ra gã không sao quên được một người. Một người đã từng hoà hợp với gã cả thể xác lẫn tâm hồn. Oái ăm ở chỗ người tốt khó gặp, gặp rồi lại khó được gần gũi. Kể từ hôm gã bị người ta bắt đi ở nhà nàng, gã không sao quên được Tường Vinh. Chiếc áo ấm nàng đưa cho gã vẫn giữ đến bây giờ. Hôm ra trại có người đã bảo gã vất đi vì nó đã quá cũ, rách sờn cổ áo, tay áo. Sau lưng áo một cái dấu bằng sơn đen to tướng, dấu vết của những ngày khổ ải, cay cực. Dầu sơn thấm vào từng sợi vải, giặt bằng mọi cách vẫn không sạch. Gã vẫn giữ lại sau khi bỏ lại nhiều thứ cho các bạn tù.
Chiếc bu giông ấy giờ đã làm ruột gối, như để có nàng bên mình. Gã đã viết nhiều lá thư cho nàng, nhưng không có hồi âm. Không biết giờ này nàng ở đâu? Thay đổi địa chỉ hay đi lấy chồng? Mùa xuân năm 1979 gã có gặp lại nàng, khi ấy gã sống lang thang, nhà ga, bến tàu là chỗ đi về. Có đêm phải ngủ đến hai chuyến tàu ngược xuôi chờ trời sáng. Lúc đó trong người gã không giấy tờ. Rất có thể bị bắt lại nếu người ta đột xuất vây ráp kiểm tra giấy tờ ở nhà ga, hay một ngõ hẻm nào đó. Gã đã rất sai lầm khi bỏ trại, trốn ra ngoài. Cuộc sống nơm nớp từng giờ, từng phút. Ăn gì cũng không ngon, giấc ngủ nào cũng chập chờn không yên giấc. Nhưng việc đã lỡ, đành phó thác cho số phận, cho rủi may. Kể cả lúc đó họ có bắt lại gã cũng cho là chuyện thường. Thà là khổ cực mấy năm chứ sống chui nhủi căng thẳng thế này gã không thể chịu thêm được nữa. Giá trị của tự do, của cuộc sống yên lành với gã lúc này là trên hết, là không có giá nào trả được.
Đúng lúc tâm trạng gã như thế thì gã gặp nàng. Tháng giêng năm Kỷ Mùi ấy sẽ ghi nhớ suốt đời gã, không thể nào quên. Một ngày sau 17 tháng hai Dương Lịch. Gã và mấy người bạn đang ngồi trong một quán cà phê cuối đường Phùng Hưng chợt nhìn thấy nàng. Nàng đi cùng một đoàn người tay xách nách mang va ly, túi sách kình càng. Gã hiểu ra ngay là đoàn người vừa từ biên giới phía Bắc chạy về. Mấy ngày nay ngày cũng như đêm ngày nào cũng có những chuyến tàu người nén như nêm cối ngồi cả trên nóc toa, chỗ bậc lên xuống từ Lào Cai, Lạng Sơn về. Rất nhiều người ra đi chỉ có bộ quần áo trên người không kịp mang theo hành lý. Nhưng cũng có người kịp mang theo cả súng, đạn. Họ về nộp cho những điểm giao nộp vũ khí ngay cạnh nhà ga. Đa số họ là người già, trẻ em, phụ nữ. Số ít có lẽ là tự vệ của một cơ quan, xí nghiệp nào đó theo tàu áp tải hàng hoá, tài liệu. Khi tàu lên các toa toàn bộ đội. Hầu như không có hành khách là dân thường. Một không khí lo lắng, khẩn trương bao trùm lên các đường phố.
Nàng nhận ra gã, mừng mừng tủi tủi. Nàng bảo nàng có người bà con ở thành phố Nam Định mà gia đình nàng đã về đấy từ hôm trước. Hẵng cứ biết chạy khỏi vùng có chiến sự. Nàng cũng chưa biết về đây làm gì và sống bằng cách nào. Những người bạn của nàng rủ nàng vào Miền Nam, nhưng đi lại vào lúc này cũng không dễ dàng. Đất nước vừa thống nhất, nửa nước còn nhiều bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị. Có khi còn khó khăn hơn ngoài này. Biên giới phía Nam bọn PônPốt đang tác oai tác quái. Cao nguyên Trung phần tàn quân PunRô đang ngóc đầu dậy, phá phách nhiều nơi. Nhất là tuyến đường sắt Bắc Nam.
Gã nói với nàng tình hình bất ổn là tạm thời, không thể quá lâu. Thời thế bây giờ thế lực bá quyền không thể lộng hành mãi được. Đã qua những ngàn năm Bắc thuộc. Cục diện thế giới không bao giờ chấp nhận tham vọng ngông cuồng của những thế lực tối tăm, độc ác, giả nhân nghĩa.
Những điều gã nói nàng gần như không hiểu. Nàng quan tâm đến những cái cụ thể trước mắt hơn là chuyện thế sự rối ren. Cũng may trong túi gã lúc này còn một chút tiền. Những ngày lộn xộn vừa rồi lại là một cơ hội cho những kẻ buôn hàng xách như gã. Khách đi tàu xuống ga bán đổ bán tháo nhiều thứ vì cần tiền mặt. Gã mua lại, đem bán vào sáng hôm sau ở những nơi như đường Phùng Hưng này. Gã chỉ giữ lại một ít còn đưa cả cho nàng. Tường Vinh nhất quyết không nhận. Nàng bảo nàng còn tiền. Nếu thiếu, nàng sẽ bán đôi vòng và chiếc nhẫn mang theo.
Tường Vinh không hề biết chuyện gã trốn trại ra. Nàng nghĩ rằng gã bị bắt ngày ấy do một sự lầm lẫn nào đó và gã đã được tha về. Nàng biết đâu sự có mặt của gã lúc này ở Hà Nội là một tồn tại lén lút. Gã có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. ở trại người ta chắc chắn đã có lệnh truy nã gửi đi khắp nơi. Hễ thấy bóng áo vàng là gã lẩn đi chỗ khác. Vậy nên gặp gã nàng rất mừng. Nếu cả nàng nữa về Nam Định cùng với gia đình sẽ thêm gánh nặng cho người bà con.
Trong lúc chờ tình hình yên tĩnh trở lại, tốt nhất nàng tự lo lấy thân mình, mà không gì bằng gặp gã ở đây. Gã sẽ đưa nàng về nhà gã thăm gia đình. Điều mà trước đây gã hứa mà chưa kịp làm. Nếu mẹ gã vui vẻ, có thể nàng sẽ tạm tá túc cho đến khi yên bình, trở lại quê nhà. Nàng đề nghị với gã đưa về thăm nhà, gã lúng túng hồi lâu mới nói:
- Anh cũng rất muốn thế. Nhưng hiện anh đang có một chút việc, đã nhận lời với một người bạn ở đây. Sang tuần sau mới có thể đi được.
Nàng nhận ra ngay biểu hiện qua nét mặt, cử chỉ của gã. Có điều gì không ổn. Hình như gã không muốn đưa nàng về vì một sự vướng mắc nào đó. Nàng không nói gì chỉ rân rấn nước mắt. Gã khổ tâm vô cùng. Người mà bao năm nay gã hằng tâm tưởng chờ mong có một ngày gặp lại thì giờ đây đang ở bên gã mà gã bất lực không giúp được điều gì. Đúng là bốn biển không nhà, cuộc sống lênh đênh, lo cho mình không xong còn lo được cho ai?
Cuối cùng gã nghĩ ra một cách, gã có người chú họ, cả hai vợ chồng đang ở một trạm bơm giữa cánh đồng gần ngoại thành. Tạm thời gã đưa nàng về đấy nhờ cậy vợ chồng ông chú chỗ ăn ở. Buổi sáng gã ra Hà Nội chạy chợ. Đến khuya gã mới về. Được một tuần như vậy, nàng đột ngột ra đi để cho gã mảnh giấy viết vội mấy dòng. Ông chú bảo:
- Chú thím vui vẻ, không có chuyện gì. Nó ở đây với các em hàng ngày giúp giặt giũ, cơm nước. Nó còn bỏ tiền mua thức ăn, mua cả quần áo cho em anh. Không hiểu vì sao buổi sáng anh đi được một lúc, nó cũng dắt xe đi luôn.
Gã đoán nàng không yên tâm về bố mẹ và gia đình mình đang ở dưới Nam Định nên tìm về. Gã ân hận đã không hỏi địa chỉ nơi gia đình nàng tạm trú. Ngay cả việc hỏi thăm gia đình Hoa hiện giờ ở đâu, về Lai Xá hay đi nơi nào. Hoa là chỗ thân tình hồi gã còn ở Lạng Sơn, gã từng có lần đưa nàng đến chơi nhà. Chỉ nghe nàng nói với anh chị Hoa cũng đã về dưới này rồi, vợ chồng Hoa còn đi trước gia đình nàng.
Trong lúc bối rối trăm bề, gã đã quên nhiều thứ mà về sau gã áy náy, ân hận mãi.
Đành là phải chờ nàng quay trở lại như trong thư nàng viết. Càng chờ càng bặt tăm. Cho đến ngày gã bị bắt lại cũng không được tin nàng.
Sau ngày được tha, gã gửi cho nàng mấy lá thư, đều không có hồi âm. Từ ngày xa nhau đã bao mùa lá rụng, bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu cuộc bể dâu, bao nhiêu biến động thế thời, liệu nàng có còn ở nơi chốn cũ? Từ ga Bắc Thuỷ, con đường dọc theo bờ suối còn có thể dẫn tới gặp nàng? Điều kiện lúc này gã cũng chưa thể lên xứ Lạng xa xôi bởi eo hẹp đồng tiền, trước mắt còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Đành phải chờ một dịp khác, chưa biết đến khi nào. Nhưng nhất định gã sẽ đi tìm nàng. Nhân thể thăm lại những người bạn cũ.

ó
ó   ó

Người ta bảo con người có linh hồn, vật có linh khí. Những đồ vật dùng lâu bên mình thường có linh khí khác thường. Gã để ý hôm nào trong người khoẻ khoắn, ngoại cảnh khoan khoái, mọi việc thuận lợi trôi chảy, cái nhẫn sáng hơn. Nếu soi dưới ánh đèn vào ban đêm thường có vòng hào quang rực rõ. Còn khi nào mỏi mệt gặp chuyện không vui thì chiếc nhẫn sẫm màu như thể đen xỉn lại. Nó giống như thứ hàn thử biểu có thể xem để nghiệm và tiên liệu mọi việc hàng ngày.
Gã không nghĩ rằng mình một ngày nào đó gặp lại chiếc nhẫn này. Phải có một cơ duyên mà lúc này gã chưa thể biết.
Vậy nên lúc này gã rất băn khoăn. Gã đang định bán nó đi thêm thắt chút tiền góp với Nhân để lên bãi làm vàng. Gã không thể đến đó bằng tay không. Người khác không có đồng nào bọn Nhân Du vẫn nhận, nhưng để cho làm công. Còn gã Nhân không thể đối xử với gã như người làm thuê. Với cách làm hiện nay chủ bè cần có nhiều tiền. Phải lo bè mảng, gầu tời, rồi cơm gạo nuôi quân. Có khi làm cả tháng mới có kết quả. Nhân và Du nói với Gã cứ lên, bọn chúng bao hết. Nhưng gã nghĩ: Nói là nói thế thôi, lên tay không chắc gì đã được như lời họ nói. Mà không có đột biến, gã cứ sống, cứ làm ăn như hiện tại bao giờ cuộc sống gã mới khá được? Những việc vặt vãnh gã làm lâu nay chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Thừa được chút ít cũng chỉ đủ mua sắm vài thứ cần thiết. Thái độ tự ty mặc cảm lúc đầu khiến gã cố giữ gìn đã thành vô lý. Thành bại, đúng sai, tốt xấu ở đời đâu có phải do mình muốn mà được?
Co vào thế thủ thì được an thân, an toàn. Nhưng lại không tiến lên được. Đấy là thứ giằng co, mâu thuẫn bấy lâu nay.
Gã đang trong tâm trạng ấy thì Thịnh tới nhà. Cô đi cùng một người bạn gái. Hai người chỉ mang theo một túi xách nhỏ bên trong có cái cân tiểu ly. Gã rất ngạc nhiên khi thấy Thịnh đổi nghề đi buôn vàng cốm. Ngay cả cách ăn mặc của Thịnh bây giờ cũng khác hẳn hồi nào. Nàng mặc áo lông nhập ngoại, quần bò xịn, đi giầy da cao cổ. Mái tóc cũng không còn để dài mà cắt ngắn gần như con trai. Nàng nói năng bạo dạn và cử chỉ tự nhiên hơn. Có lẽ do công việc làm ăn mới nàng phải có một bề ngoài như thế. Hàng ngày giao tiếp với đủ thành phần phức tạp ở bãi vàng không thể mang vẻ mặt thánh thiện, ăn nói dịu dàng mà được. Với vẻ ấy là tự biến mình thành con mồi ở nơi ô hợp này.
Gã lần đầu nhìn thấy cái cân tiểu ly. Cái vật nhỏ bé tinh xảo như một thứ đồ mỹ nghệ. Nhưng dùng nó phải rất thận trọng, chỉ cần xê dịch một ly một lai là có thể được hoặc mất hàng trăm ngàn đồng. Nếu không tinh, sẽ mắc sai lầm về một cái cân phủ thuỷ. Đó là loại cân rỗng ruột bên trong có một ống thuỷ ngân gắn rất khéo léo, mắt thường rất khó nhận ra. Người cầm cân có thể cân nặng nhẹ tuỳ ý. Nhưng chỉ ở mức vừa phải. Quá đáng quá người có hàng dễ sinh nghi...
Chỉ nghe Thịnh nói sơ qua như thế gã thấy công việc không đơn giản chút nào. Không tinh, không thận trọng là sẽ gặp một vố nhớ đời. Có khi không bao giờ cứu vãn được.
Lần này Thịnh lên không phải chỉ lên chơi. Mặc dù cô rất chu đáo mua quà cho cả hai bà cháu. Thịnh còn mua cho con Hà bộ quần áo mới để sắp tới nó mặc vào dịp Tết. Gã rưng rưng cảm động. Số gã vất vả về đường hôn nhân, nhưng không phải không có người con gái nào quan tâm săn sóc đến. Chỉ có điều người tử tế chẳng được gần nhau lâu.
Hai cô gái mang thức ăn mua từ dưới Tỉnh lên. Tàu đỗ bến vào lúc đã gần bữa cơm trưa. Cả hai vào bếp nấu nướng vẻ tự nhiên như ở nhà. Mẹ gã chỉ việc sắp xoong nồi cho các cô. Bé Hà đến bên, các cô sai lấy thứ gì nó nhanh thoăn thoắt. Các cô có vẻ rất quý nó.
Gã đoán Thịnh lên lần này tất có việc gì nhờ đến mình. Nếu không cô đã lên thẳng bãi. Và gã đã đoán đúng.
Cơm nước xong Thịnh bảo có câu chuyện riêng muốn nói với gã. Hai người đi ra bến sông. Con tàu trả hết khách vẫn đang dập dềnh sát mép bờ. Nó vừa được sơn lại, nhưng có lẽ thợ sơn vụng về, màu sắc không được hài hoà, nom xanh đỏ loè loẹt. Nhưng dù sao nom cũng dễ coi hơn là đen sì, loang lổ, hoen gỉ như những lần trước gã nom thấy nó.
Thịnh chần chừ một lúc mới nói:
- Em có một việc không biết là anh có giúp được không?
Gã hỏi việc gì, cô bảo:
- Bạn em, con bé đi cùng ấy, hôm vừa rồi mua nhầm phải hàng. Nó bị bọn trên bãi trộn lẫn đồng đỏ vào hàng cốm. Bây giờ lên trả lại chưa chắc bọn trên bãi đã nghe. Thằng chủ bè người bên Thái. Cũng là dân đầu trộm đuôi cướp vào tù ra tội... Biết mình lỡ lời Thịnh lúng túng:
- Em xin lỗi. Tù cũng có người thế này người thế khác, Thằng này tanh, coi mạng người như rác. Tiền vào tay nó rồi chưa chắc nó chịu nhả ra. Em không nói với anh Nhân. Tính anh ấy anh không lạ. Ông ấy khùng lên rất dễ đâm chém nhau. Em nói với anh và hỏi anh xem nên giải quyết thế nào. Chúng em buôn chung, vốn vay của người ta cả. Mà toàn vay nặng, họ tính lãi xấp từng ngày. Nếu nó không trả lại. Bọn em lấy gì trả cho họ? Chỉ còn nước bỏ nhà mà đi.
Gã hỏi:
- Số tiền lớn thế kia à?
- Hơn hai cây. Mọi lần nó rất đứng đắn. Bọn em về cân lại không thiếu một ly. Không ngờ đợt này nó chơi nặng thế. Bọn em chủ quan không xem kỹ.
Mẹ gã đã ra quán, bà đang chống cánh cửa bằng liếp nứa cho khách vào uống nước chờ tàu. Dịp áp Tết này tàu xuôi sớm, hành khách cũng đông hơn. Người ta mang lỉnh kỉnh gà, gạo, lá giong xuống tàu xếp hàng xong rồi quay lên quán ngồi. Cô bạn cùng đi với Thịnh đang đứng ngoài quán nhìn về phía hai người, dáng vẻ bồn chồn.
Lặng im một hồi, gã mới nói với Thịnh.
- Nghe nói lúc đầu người ta đuổi không cho làm. Nhưng dân cứ lăn xả vào, giữ không nổi vì công an lấy đâu ra người để cản họ vào lúc này? Mọi nơi bây giờ rối tinh cả lên, họ phải lo nhiều việc. Nhân có nói với tôi là bên công an phải cử hai người có mặt thường xuyên trên bãi để ngăn ngừa tệ nạn. Hay là ta lên gặp họ xem sao.
Thịnh lắc đầu:
- Không ăn thua gì đâu anh ạ. Bọn em đã hỏi thử rồi. Họ bảo sao lúc nó đưa hàng rởm các cô không báo ngay, bây giờ không quả tang, khó giải quyết. Anh tính bọn này suốt ngày mời họ ăn nhậu ở lán của nó, còn giải quyết gì được? Mà đứa nào muốn làm ở đây chúng đều biết cách mua sân, mua bãi cả rồi. Người ta đã không giải quyết còn hỏi chúng em có đăng ký kinh doanh, có làm thuế môn bài chưa? Làm gì có cái phép làm việc này. Rõ ràng mình là người ngay không khéo thành người vi phạm. Câu nén bạc đâm toạc giấy tờ, thời nào cũng vậy?
Gã bảo:
- Thôi được, phải lên tận nơi xem cụ thể thế nào đã.
Gã nói với mẹ buổi chiều sẽ về. Hai cô gái chào bà cụ rồi cùng gã ngược theo đường bờ sông lên bãi vàng. Từ đây đi bộ lên chừng hai cây số thì đến nơi. Dọc đường không ai nói gì. Gã thấy đầu óc căng thẳng, chưa biết tính ra sao. Không chắc cuộc thương lượng với bọn chủ bè vàng kết quả. Mười phần chắc đến chín là không ăn thua gì. Tuy chưa sống ở bãi vàng ngày nào, nhưng gã không lạ. Đấy là nơi dồn tụ mọi tệ nạn xã hội. Tiền vào túi bọn ma cô này bao nhiêu cho đủ? Một đêm đánh bạc chúng được cả chục cây vàng. Rồi nghiện hút, gái gú. Những chuyện đó người dân trong vùng không ai không biết. Nó là nơi ung nhọt mà chính quyền ra tay dẹp nhiều lần mà không được. Một phần do những kẻ bần cùng tứ phương kéo về làm liều. Một phần những cán bộ cử đi dẹp tệ nạn thoái hoá, dung túng cho bọn xấu trục lợi. Nếu muốn dẹp triệt để bộ máy hành pháp phải tăng quân số lên tới ba bốn lần. Trong bối cảnh những năm tám mươi này việc đó là không thể. Mới hay rằng " Việc trị nước vốn ở an dân ". Dân no đủ, thanh bình chỉ cần bộ máy công quyền gọn nhẹ vẫn giải quyết xong mọi việc khi bần cùng đói kém tất sinh loạn, càng dẹp càng loạn thêm.
Gã lấy làm tiếc vì lâu nay không gặp Thịnh. Nếu biết sớm hơn gã đã khuyên cô không nên làm việc này. Ở nơi an ninh lỏng lẻo, yếu kém không phải là chỗ để các cô đến làm ăn. Sớm muộn cũng sinh chuyện. Gã chợt nhớ ra là mình cũng đang có dự định lên chỗ ấy, mong một bước quá độ thoát khỏi cảnh nghèo hàn. Hạnh phúc ở đời cũng như trái cây, phải để nó chín tự nhiên không thể gượng ép. Nếu trái cây còn xanh đem dấm cho mau chín, chắc chắn nó sẽ nhạt nhẽo không nên hương vị gì.
Tuy không tin tưởng lắm ở chuyến đi này, gã cũng không tiện từ chối. Mặc dù lâu nay gã rất thận trọng. Không muốn dính vào những chuyện rắc rối. Quan hệ tình cảm giữa gã với Thịnh tuy chưa sâu nặng, nhưng cũng không phải bình thường. Ngay từ buổi đầu gã trở về đất này gia đình và cô đã dành cho gã sự ưu ái trong lúc gã không một đồng xu dính túi. Gã là tên vô sản theo đúng nghĩa đen của nó. Chỉ có sẵn định kiến xã hội, quá khứ nặng nề. Vậy mà cô vẫn dành cho gã những cử chỉ, lời nói không thể nào quên. Không thể nói điều gì khác là sự cảm thông, là tình người. Hoặc là có duyên với nhau từ kiếp nào, giờ mới gặp. Gặp bọn cai, bọn bưởng kia gã sẽ nói gì, làm gì với chúng để giải quyết sự việc? Thì gã chưa hình dung ra, chưa tính được. Hẵng cứ đến chỗ Nhân và Du đã. Ba cái đầu sẽ nghĩ được nhiều hơn một cái đầu, gã cho là thế. Cái cảm giác bất an, chênh chao mỗi lúc một rõ. Gã thọc tay vào túi áo Natô đang khoác trên người lần tìm chiếc nhẫn theo thói quen. Nhói một cái như bị diện giật. Cái khăn nóng rẫy như vừa hơ qua lửa. Mắt bên trái nháy liên tục, đến nỗi gã phải đưa tay lên rụi mắt. Dự cảm điều gì không lành sắp xảy ra. Không phải lo sợ, tự nhiên tim đập mạnh nhịp liên tục, lòng bàn tay gã xâm xấp mồ hôi.
Cả một khúc sông vang đủ loại tiếng vang động, rất nhiều mũi bè to nhỏ chen nhau, khiến cho dòng nước sông mùa này vốn trong xanh giờ ngầu đục. Quang cảnh như vừa xẩy ra một trận thuỷ chiến. Trên bờ quần áo phơi giăng như cờ hiệu. Những đám khói bốc lên nghi ngút từ nhưng bếp lửa đốt sưởi hoặc nấu nướng của dãy hàng quán, giống khu chợ ngoài trời. Hàng ngàn con người đang xúm xít quay tời, đẩy máng, khuân vác đất, co kéo la hét om xòm. Một thứ âm thanh hỗn tạp ồn ĩ như ong vỡ đàn. Mỗi mũi bè tuỳ chỗ sâu nông mà có từ bảy đến mười tên quân. Có lẽ đây là nơi thuyền máy xuất hiện đầu tiên và có mặt đông nhất trên dòng sông này. Thuyền đậu san sát xen giữa khu nhà bè. Thỉnh thoảng một cái vội vã nổ máy vọt chạy xuôi ngược như có việc đột xuất khẩn cấp. Những chiếc máy côle quá đát có xuất xứt từ miền Nam ra chạy hết ga toả khói đen mù trời, tiếng máy nổ lọng óc. Mươi năm trước chúng gắn theo thuyền đuôi tôm, lái ngang dọc miền Tây Nam Bộ. Giờ thì vượt thác gềnh sông suối phía Bắc chở hàng. Chúng có mặt ở bãi vàng sa khoáng này để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho hàng ngàn miệng ăn. Vừa để phục vụ đi lại từ bè vào bờ, vừa chở người xuôi ngược.
Một khung cảnh quái dị mà gã chưa từng thấy ở đâu ngoại trừ sách vở gã đã đọc. Đó là quanh cảnh bầu trời Xanh PeTécBua trước ngày Pie đại đế bị lật đổ. Cũng là  cảnh bầu trời sau trận OaTécLô, hàng ngàn con quạ bay rợp bầu trời. Chúng cũng đang có mặt ở đây hoà vào những đám mây xám một mầu chì, đậu trên ngọn cây cao hai bên bờ sông cất tiếng kêu ghê rợn như vọng từ dưới âm ty. Chúng kiếm sống nhờ những bộ lòng gà, những mảnh da trâu, xương đầu và lòng cá của đám dân làm vàng sa khoáng. Mỗi khi ở dưới mặt sông có vụ xô xát, xẻng gậy vung lên, tiếng chửi bới om sòm, chúng nhớn nhác bay lượn, xà xuống tận nơi kiếm mồi. Quạ như đám âm binh của thần chết mang đến bến sông cái cảm giác rờn rợn.
Dân làm vàng sa khoáng như không để ý đến bọn quạ bay lượn trên đầu. Trừ một lần có một tên giả chết tóm được một con về lấy mật ngâm rượu, lũ quạ ồn ào một hồi, sau đó không bị mắc lừa con người nữa.
Ở một nơi như thế này chuyện tình cảm, chuyện lương tâm, đạo lý là một cái gì nhuốm mầu sắc bi hài. Gã thấy khó mà thuyết phục được đối phương giúp cho Thịnh. Nhưng đã lên đến đây, không thể quay về. Gã bảo cô đưa đến lán của Nhân trước đã, vì gã chưa biết y đang ở đâu, gã mới lên lần đầu.
Lán của Nhân ở khu đầu bãi, nơi có mấy cái mái lán lợp giấy dầu. Các lán khác căng bạt hoặc lợp bằng phên nứa. Ba người phải cúi người chui qua những sợi dây chăng ngang chăng dọc phơi quần đùi, áo lót. Nghe tiếng máy cát xét từ một lán nào đó đang rền rĩ một giọng ca tiền chiến nhầu nhĩ. Giọng ca như người khản tiếng vì bia rượu, thuốc lá thuốc lào.
Nhân thấy có người nhà đến vội vứt bộ bài đang cầm trên tay, về lán của mình. Mấy kẻ đang vây quanh ván bài tỏ ý không bằng lòng văng những câu rất tục. Nhân lừ lừ mắt, đáp bằng vẻ sẵn sàng gây sự. Gã vội kéo anh ta nói nhỏ đủ cho Nhân nghe:
- Có chuyện không hay rồi. Đừng để ý chuyện này làm gì. Ra khỏi đây tao cần gặp!
Lán hẹp nhưng cũng có đủ chỗ kê bàn uống nước. Hai bên là hai sạp giải giát nứa làm chỗ trải chiếu nằm.
Rót nước cho mấy người uống, Nhân hỏi ngay:
- Chuyện gì?
Gã đưa mắt cho Thịnh. Cô kể vắn tắt cho anh trai nghe câu chuỵên. Nghe xong y cau mặt:
- Sao bây giờ mày mới nói? Sợ tao biết có tiền lại vay phải không? Nhưng thôi được rồi, để tao cho người gọi nó sang đây nói chuyện. Tử tế không xong thì nói chuyện bằng xà beng. Chỗ này lý sự không ăn thua!
Gã bảo cứ bình tĩnh đã. Bao giờ nóng nảy cũng hay hỏng việc. Mềm như lạt, mát như nước thường lại kết quả. Thịnh cũng nói nên như thế, xảy ra ẩu đả chưa chắc đã hay. Nhân ầm ừ trong cổ không nói, nhưng mắt long sòng sọc. Vừa lúc Du, Thành cò và mấy người dưới bè vào lán. Không kịp ngồi đã hỏi ngay:
- Có chuyện gì không?
Nhân kể lại cho cả bọn nghe một lượt. Du đứng vùng dậy, mắt nảy lửa, vẻ mà từ xưa gã chưa thấy ở con người này bao giờ. Cái vẻ con gái bề ngoài biến mất.
- Sang lán của nó, trùm chăn trói mấy thằng mặt gộc lại. Bọn đàn em bất ngờ không dám phản ứng đâu. Cứ phải dí dao vào cổ nó mới chịu nghe. Nếu không cho xuống chầu hà bá luôn. Nhưng phải chờ đến đêm đã. Ban ngày nó dễ phát hiện...
Nhân đưa tay bóp cằm, chưa nói gì. Gã thấy không ổn, nói nên làm cách khác. Cả bọn im lặng một lúc lâu. Nhân đột ngột gọi Thành cò lại:
- Bây giờ bên lán của bọn nó chắc chỉ còn vài thằng đang nằm bàn đèn. Mày sang bảo vừa có hàng xịn, thứ trắng hẳn hoi. Mời riêng thằng Sướng sang đây. Cứ thản nhiên như mọi khi kẻo bọn nó sinh nghi.
Thành cò lò dò đi ngay, lên bãi được ít ngày xem ra nó nhanh nhẹn, bớt vẻ thư sinh hơn hồi đào giếng cho nhà lão Chỉ. Đi được một lúc nó về, mặt ỉu sìu:
- Nó bảo cám ơn, bên ấy nó vừa lấy xong không sang đâu!
Du tức giận nhổ một bãi nước bọt:
- Có tật giật mình. Con cáo già này nó không sang thì mình sang. Bọn con gái ở lại, mấy anh em mình đi!
Du lấy đôi côn giắt vào trong người. Nhân, Thành cò cũng gài côn sau lưng áo. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi gã không kịp nói gì, đành đi theo cả bọn.
Bên lán bọn người Thái Nguyên đã có ý đề phòng. Có những ba tên ngồi dựa vào vách lán có ý thủ thế, mắt gườm gườm nhìn ra cửa.
Nhân, Du, Thành cò và một thằng nữa gã chưa biết tên bước vào lán. Hai cô gái và gã đứng ngoài cửa, chưa vào ngay.
Nhân cố lấy vẻ điềm nhiên nói với bọn kia:
- Tôi với các ông ở bãi hàng tháng nay, đôi bên không có chuyện gì. Các đội khác còn tranh giành va chạm, đội bên này về chỗ cắm cũng nhường. Làm ăn ở đây không gì bằng dĩ hoà vi quý...
Một thằng mặt ngựa dài ngoẵng có cái sẹo dài ở má cắt lời:
- Có gì vào đề luôn đi, vòng vo làm gì. Nói mẹ nó ra, đỡ sốt ruột!
Nhân vẫn từ tốn:
- Vậy thì được, tôi hỏi ông Sướng: Có phải chỗ vàng này hôm ông bán cho em gái tôi đây không? - Nhân rút lọ thuỷ tinh bịt kín nắp bằng ni lông, ngoài quấn dây cao su mỏng.
Tên kia chỉ đưa mắt nhìn, chứ không nhìn lọ thuỷ tinh đặt dưới chiếu:
- Thì sao? Thuận mua vừa bán. Chính nó gạ tôi bán cho chứ tôi đâu có ép, đắt quá à? - Nó nhếch mép một cách đểu cáng.
Thái độ của nó khiến Nhân rít qua kẽ răng:
- Gần một nửa là đồng đỏ trộn vào, bây giờ ông tính thế nào?
- Tính thế nào nữa. Trước khi trả tiền nó đã xem cẩn thận. Giờ mang đi những đâu ai biết được là của thằng nào trộn vào!
- Bọn này không dựng chuyện. Tôi sang đây nói chuyện tử tế. Tốt nhất gửi lại ông số hàng này. Ông có thể bán cho người khác. Cái đó tôi không biết. Em tôi nó không có, toàn đi vay, ông không trả, nó không còn cách nào...
Thằng mặt sẹo cắt lời:
- Ra là mày kiếm cớ trấn lột có phải không? Biến mẹ chúng mày đi, đừng nhiều lời. Bọn tao không bán mua với thằng con nào cả - Vừa nói nó vừa quay lại rút con dao phay gài trên vách, mắt nảy lửa. Tay nó vê lưỡi dao như thể xem sắc hay cùn. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi không ai ngờ. Nhân, Du, Thành cò áp sát hơn vào ba tên kia. Thằng mặt ngựa thét lớn một tiếng áp đảo, vung dao doạ chém. Thuận tay Du vung côn quay đánh vào cánh tay thằng mặt ngựa. Thành cò quất thẳng vào mặt thằng ngồi gần Sướng. Một tia máu vọt ra từ mặt hắn, máu chảy nhòe đỏ khuôn mặt, hắn gục ngay xuống chiếu, kêu rống lên như lợn bị chọc tiết. Sướng lùi vội vào góc lán, tay lăm lăm quả lựu đạn mỏ vịt miệng thét lên:
- Lui ra hết, không tao cho chết cả bây giờ!
Nhân cùng cả bọn vội nhảy ra. Một bóng vút qua, vào lán. Chỉ nghe tiếng kêu  " ối " rợn người. Sướng không kịp rút chốt, quả lựu đạn buông rơi xuống nền đất. Từ người hắn một đám khói đục bốc lên mùi a xít nồng nặc. Cô gái đi cùng Thịnh đã hắt cả lọ axít cực mạnh vào mặt tên đầu đảng. Tiếng la hét vang động một góc trời. Có ba phát súng chỉ thiên. Cả bọn nháo nhào bỏ chạy, nhưng không kịp. Dân quân ở các xã lân cận cùng với hai viên công an đã có mặt. Tất cả bị giữ lại lập biên bản. Trong túi xách của cô gái đi cùng Thịnh còn một tập tiền mới, người ta nghi là tiền giả và lọ thuỷ tinh đựng vàng được gữi làm tang vật. Một chiếc thuyền máy được gọi đến. Người ta đưa cả bọn xuống thuyền về huyện công an.
Gã không ngờ sự việc lại diễn ra như thế dù đã có ý đề phòng. Tự nhiên mình lại dính vào một vụ án không đơn giản chút nào. Một vụ vừa đông người, vừa dùng đến hàng  " Nóng " theo cách gọi của nhà điều tra. Gã bàng hoàng không kịp nghĩ ngợi gì. Ngồi trên thuyền gã hoang mang không hiểu kết cục sẽ ra sao. Dù rằng mình hết sức bị động, Chẳng có chủ ý gì trong sự việc vừa xảy ra.
Nhưng ở đời ai học hết được chữ ngờ. Cái tóc cái tội biết đâu mà tránh? Một khi số phận cứ ập xuống mình những tai vạ, rủi ro không lường trước được?
Lũ quạ đang ồn ào, xao xác trên đầu. Không hiểu chúng vui mừng hay hoảng loạn sau việc vừa xảy ra?
Lại theo thói quen, gã rờ tay vào túi. Chiếc nhẫn vẫn còn nguyên ở đấy. Nhưng hình như nó cộm hơn, to hơn lúc bình thường. Gã định rút ra xem, bắt gặp ánh mắt của người công an dẫn giải lại thôi. Hình như anh ta nhận ra điều đó, vội đưa cặp mắt sắc lạnh quay nhìn đi chỗ khác. Không hiểu sao gã thấy bồn chồn, cảm giác như người khó thở.
Vòng trầm luân tưởng đã qua đi, ai ngờ nó vẫn khép kín như vòng tròn của chiếc nhẫn. Một chiếc nhẫn đen đủi, u ám đến lạnh người.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG THƠ VIỆT HAI ĐẠI VI RÚT VÔ LỐI


Vô lối Nguyễn Bình Phương và Vô lối Trúc Thông


Vô lối Trúc Thông (tiếp)
Nguyên bản:
Ở GÓC PHỐ TRÀNG THI (1)
học làm sao hết chữ cũ trên đời
sách chồng nên núi
mà ta mỏi rồi
xanh như ngọc thời gian ta đã uống
đuổi theo những mốt
tuột bao bao bậc thầy
muốn cầm tay ta
lặng lẽ trong thư viện Quốc gia
hotel mười mấy lầu xanh đỏ
điện công ty rừng rực
chắn làm sao thư viện của ta
khu vườn xanh mỗi lần ta học mệt
ta ra chơi cùng bác đa già
đu vào bác mấy đời con cháu…
(1) Bài in trên báo Văn nghệ ngày 21 – 6 -2014

Đỗ Hoàng dịch
GHI Ở THƯ VIỆN QUỐC GIA
Học sao hết chữ trên đời!
Sách chồng như núi vàng mười nhân gian.
Ta quên trí mỏi, lực tàn
Uống bao thần dược thời gian ngọc ngà.
Mốt theo, thầy tuột tay ta
Lặn trong Thư viện Quốc gia kiếm tìm
Đỏ xanh nhà nghỉ im lìm
Điện đèn rừng rực hao tim héo dầu.
Chắn sao Thư viện nghìn lầu
Khu vườn thư giản tươi màu thanh thiên.
Ra chơi cùng bác đa tiên,
Cháu con nương bóng thánh hiền bao năm!
Hà Nội, ngày 19 – 7 – 2014
Đ - H
Lều Vô lối Nguyễn Bình Phương
Nguyên bản:
BÀI THƠ CŨ
Ta sinh ra cô đơn
giờ cô đơn đã cũ
ta trưởng thành bởi sợ hãi
sợ hãi cũng cũ rồi
này tôi một khuôn mặt công chức
đứng nhìn
những cuộc họp rạc rài
tiêu ma bao ý tưởng
xa xa trải một mùa bệnh hoạn
bệnh hoạn cũng cũ rồi
Số mệnh già như trời
lọm khọm ở giữa công viên đầy nắng
nắng có gì hay hớm nữa đâu
Đèn bật sáng không còn nơi ẩn náu
đám @ còng đánh võng phóng như bay
thời gian ngã, máu tuôn, thời gian không thể dậy
tốc độ ư?
thì cũng cũ lắm rồi
những ngày dài, thật dài
ngồi kín đáo trong phòng tưởng tượng
sông Hồng đê mê hóa một nén hương
dẫn ý nghĩ vào nơi chưa hề biết
Trong bóng râm lạnh lùng vang vang lời nhắc
ta lớn lên bằng kiếm tìm
kiếm tìm giờ đã cũ
N – B – P
(1) Bài in trên báo Văn nghệ ngày 14 – 6 - 2014
Đỗ Hoàng dịch
BÀI THƠ CŨ
Ta sinh ra cô đơn
Giờ cô đơn cũ bại
Ta lớn trong sợ hãi
Sợ hãi cũng cũ rồi.
Mặt công chức, này tôi
Nhìn họp hành rài rạc
Tiêu ma ý tưởng lạc
Mùa bệnh hoạn trải xa.
Bệnh hoạn cũ quá ta.
Già như trời số mệnh
Lom khọm công viên nắng
Nắng hay hớm gì đâu.
Sáng đèn không nơi náu
Đánh võng đám a còng
Làm thời gian chảy máu
Cũ lắm tốc độ ngông!
Những ngày dài, thật dài
Ngồi trong phòng tưởng tượng
Sông Hồng nén hương đài
Ý nghĩ về vô lượng!

Trong bóng râm lạnh lùng
Vang vang như lời nhắc
Ta lớn bằng kiếm tìm
Kiếm tìm giờ cũ lắc!
Hà Nội, ngày 19 – 7 -2014
Đ - H

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà báo Nguyễn Như Phong và Petrotimes


Ảnh: Internet
Bộ trưởng TT&TT vừa ký quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong và tạm thời đình bản Petrotimes trong 3 tháng.

Lời bình của HM blog.
Trong bối cảnh hệ thống báo chí được kiểm soát bởi Ban TG TW và bộ 4T, thỉnh thoảng có nhà báo bị tước thẻ, kỷ luật, tờ báo bị đỉnh bản, phải coi là một phần của cuộc sống dù người cầm bút biết đó là bất cập.
Nhớ hồi (6-2016) nhà báo Mai Phan Lợi bị tước thẻ và mất việc tại PL Tp HCM vì một stt có chữ “tan xác” mà Petrotimes từng lên tiếng đầu tiên với những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Hiện các bài trên Petrotimes không còn truy cập được nữa.
Sau đó, một số đồng nghiệp cũng tranh thủ viết bài lên án anh Lợi dù họ từng tới Khuyên club, gặp nhau rất thân thiện.
Dường như vụ ông Như Phong và Petrotimes cũng có một hậu quả tương tự. Xem các comment trên FB về vụ này, có vẻ một số hả hê.
Lúc đương chức, ông TBT và một số nhà báo chẳng hề tha một ai nếu có dịp là…chém.
Hôm nay viết kết tội người khác không cần toà án, thì ngày mai rất có thể sẽ đọc người khác viết về mình với những giọng điệu mạnh mẽ hơn.
Sự lạm dụng quyền lực, kể cả quyền lực của báo chí, mạng xã hội, sẽ chẳng đưa tới đâu. Rồi một hôm nào đó chính bạn trở thành nạn nhân của sự lạm quyền.
Tự do ngôn luận tại Việt Nam cần một thời gian dài nữa mới ngấp nghé chuẩn quốc tế.
Trong hệ thống như vậy, mỗi người viết nên tự điều chỉnh mình cho hợp với thế giới đa chiều, tôn trọng sự thật và bạn đọc, không gây phương hại, minh bạch và có trách nhiệm với tin tức và bài viết.
Bà L.M. Montgomery từng nói “Isn’t it nice to think that tomorrow is a new day with no mistakes in it yet? – Không hay ho gì nếu nghĩ ngày mai là một ngày mới mà chẳng có lỗi lầm”
Chúc ông Như Phong và tòa soạn Petrotimes vượt qua cơn sóng gió này.
HM. 3-10-2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chúng ta đang quá thiếu những điều tử tế bình thường



VĨNH HÀ - VŨ VIẾT TUÂN, thực hiện
TTO - “Cả nước nhìn vào cách ứng xử ở thủ đô”, câu nói của ông Hoàng Trung Hải - bí thư Thành ủy Hà Nội - khiến nhiều người kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi, việc làm tốt để cả nước học tập.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN HÙNG VĨ:

Cái tốt đang yếu thế

Bất cứ xã hội nào, thời nào, chế độ nào đều có cả văn hóa ứng xử và ứng xử thiếu văn hóa.

Kinh đô trước đây và thủ đô bây giờ cũng chứa đựng cả hai mặt ứng xử đó.

Bằng quan sát và nghiên cứu, tôi cho rằng những gì trước đây vốn phức tạp thì ngày nay càng phức tạp hơn, những gì trước đây vốn nhiều tiêu cực thì ngày nay nó tiêu cực hơn.

Điều này có nghĩa là những gì trước đây tốt đẹp thì ngày nay nó càng yếu thế hơn. Đó là một thực tế đáng buồn, đáng suy ngẫm.

Cách ứng xử ở kinh đô trước đây và thủ đô ngày nay có sự khác nhau ở tính chất và mức độ. Một bộ phận không nhỏ những người của những người trong bộ máy nhà nước có vấn đề về nhân cách, nên tình hình ứng xử ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính là ở đó.
***

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC:

“Chẳng nên ao ước bao giờ cho đến 
ngày xưa”

Ngày xưa, ứng xử nói chung có tình người, có luật lệ, biết sợ lẽ phải (kể cả thần thánh, ma quỷ lẫn người thực thi pháp luật), biết sợ vì có lòng tin vào lẽ phải mà người cầm quyền luôn là người đại diện.

Bây giờ thì ít tình người hơn, luật lệ ít được tuân thủ, chỉ sợ người có quyền mà không quan tâm cho lẽ phải.

Sức mạnh của đồng tiền và quyền lực khiến người ta mất lòng tin vào những người đang nắm trong tay quyền thực thi pháp luật.

Giờ đây cũng chẳng nên ao ước “bao giờ cho đến... ngày xưa”, nhưng củng cố lòng tin trong xã hội là vô cùng quan trọng mà cái cốt lõi chính là lòng tin vào những người thay mặt mình để quản lý xã hội.

Muốn như vậy thì phải xây dựng cơ chế tuyển chọn được những con người ấy. Nói cho cùng đó là cơ chế dân chủ, trong đó người dân phải được thực thi cái quyền giám sát và lựa chọn.
***

TS TRỊNH HÒA BÌNH (Viện Khoa học xã hội VN):

Tôn vinh cách 
hành xử tử tế

Tôi cho là không cần đề thêm một quy định nào mới mà chỉ cần quay lại thực hiện cho đúng, cho nghiêm các quy định cơ bản nhất là tốt rồi.

Hà Nội chỉ cần thực hiện đúng các quy định hiện có về ứng xử của công chức, viên chức thì đủ trở thành “kiểu mẫu” của cả nước.

Thay cho việc xây dựng một bộ nguyên tắc ứng xử mới, nên đi tìm con đường để đưa các nguyên tắc ứng xử hiện có vào cuộc sống, làm sao để thói quen ứng xử có văn hóa, đúng mực ăn vào máu, trở thành điều tự thân trong mỗi cá nhân. Đó mới là việc khó.

Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu trong tình hình hiện nay, việc đưa ra một quy chế có thể là khởi đầu mới cho một cuộc vận động chấn chỉnh hành vi ứng xử của công chức, viên chức, đi kèm với đó là các biện pháp quyết liệt hơn, thường xuyên hơn.

Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh cái ta cần nghĩ và làm là “thực hiện nghiêm” chứ không phải đưa ra những quy định mới khác với những quy định đã có.

Tôi cũng rất muốn những hành xử tử tế được tôn vinh, nhân rộng hơn là chỉ tập trung đề cập đến các chuyện xấu.

Lâu nay, truyền thông đưa rất nhiều về những hình ảnh, tin tức thể hiện hành xử không đúng mực. Người ta sẽ không nghi ngờ khi ai đó nói đến cái xấu nhưng lại sẵn sàng nghi ngờ, soi mói, mổ xẻ một hành xử tốt đẹp.

Câu chuyện của anh lái xe Phan Văn Bắc cứu nhiều người thoát khỏi tai nạn là một ví dụ.

Những ồn ào của câu chuyện này cho thấy người dân khao khát điều tử tế nhưng vẫn nghi ngờ điều tử tế là có thật, dễ bị lay động, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực.

Thay vào việc tôn vinh, trân trọng những “sự tử tế bình thường”, nhiều người lại cứ muốn đẩy hành vi tử tế bình thường đó thành hành động của anh hùng, của siêu nhân để rồi thất vọng.

Chúng ta đang quá thiếu những điều tử tế bình thường và tôi nghĩ nếu những điều tử tế bình thường được ghi nhận, nhân rộng thì chỉ cần thế thôi xã hội cũng 
bình yên hơn.
***

Nhà văn NGUYỄN NGỌC TIẾN:

Nên giáo dục 
ngay từ nhỏ

So với ngày xưa, cách ứng xử của những người sinh sống ở Hà Nội thay đổi quá nhiều.

Cách đây 20 năm, nhà văn Tô Hoài, nhà sử học Trần Quốc Vượng cũng cảnh báo cách ứng xử của người Hà Nội đang xuống cấp, đến hôm nay chuyện đó càng ngày càng rõ hơn nhiều.

Ví dụ, ngày trước trong gia đình, đi đâu cũng xin phép, chào hỏi, ra ngoài phải ăn mặc gọn gàng, nói năng phải tử tế, không có chuyện văng tục.

Nhưng ngày xưa, người Hà Nội đã Hà Nội hóa được những người đến đây sinh sống thì bây giờ quá nhiều người đến Hà Nội mang theo thói quen, cách suy nghĩ, văn hóa của nhiều vùng miền, tạo nên sự nhốn nháo.

Ông Hoàng Trung Hải nói đúng khi nói cả nước nhìn vào cách ứng xử của thủ đô.

Tôi hiểu câu nói ấy của ông bí thư Thành ủy Hà Nội là mong muốn của lãnh đạo TP muốn xây dựng cách ứng xử hằng ngày có văn hóa hơn.

Giải pháp để thay đổi cách ứng xử ở thủ đô là phải giáo dục ngay từ nhỏ.

Ngoài chuyện giữ gìn nền nếp, phong tục, điều quan trọng là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì mới mong văn hóa ứng xử Hà Nội tốt hơn được.
***

GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Quy định nhiều rồi, chỉ chưa nghiêm thôi

Trong tình cảnh đạo đức có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng hơn, biểu hiện ứng xử của con người với nhau ở nơi công cộng còn có nhiều vấn đề thì việc ra thêm một văn bản nào đó để hi vọng thay đổi cũng là điều nên ủng hộ.

Nhưng tôi nghĩ cái quan trọng nhất là thực thi nó thế nào.

Ở nhiều cơ quan công quyền, tình trạng cán bộ đối xử với dân trịch thượng, thô bạo, lạnh lùng cũng rất phổ biến. Chuyện dân bị cán bộ “hành” người ta nói rất nhiều, có những chuyện tưởng như hài nhưng lại là thật.

Tôi từng quen một ông vụ trưởng. Ông này phải đến phường nơi cư trú xin xác nhận cho vợ gấp để kịp nộp hồ sơ công nhận nhà giáo ưu tú.

Nhưng khi đến phường, cán bộ phường nói “lãnh đạo đi vắng hết, không giải quyết”.

Việc không xong, ông vụ trưởng đi về với sự thất vọng. Một cô bán rau biết chuyện liền nhờ ông vụ trưởng trông hàng rau giúp, cô chạy đi một lát quay lại với tờ giấy xác nhận cho vợ ông vụ trưởng.

Cô cho biết “chỉ cần đưa 200.000 đồng là xong”.

Tình trạng tham nhũng vặt này là lý do khiến cán bộ hành dân. Nhưng nó có phần xuất phát từ việc quy định không được thực hiện nghiêm.

Muốn nghiêm thì những việc làm sai khi bị phát hiện, phản ảnh phải được giải quyết đến nơi đến chốn, minh bạch, công bằng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghi gì? Điên à?

Viện trưởng VKSND huyện trọng thương tại phòng làm việc: Nghi do tự gây thương tích   
Dân trí 
Thứ hai, 03/10/2016 - 21:55 

Kết quả khám nghiệm cho thấy, nhiều khả năng, Viện trưởng Viện KSND huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã dùng vật nhọn tự gây thương tích cho bản thân.

Như Dân trí đã đưa tin, chiều 3/10, ông Tô Ngọc Chuẩn - Viện trưởng Viện KSND huyện Quốc Oai (Hà Nội) - được phát hiện nằm gục trong phòng làm việc với một số vết thương nghi do vật sắc nhọn đâm. 

Trụ sở Viện KSND huyện Quốc Oai chiều 3/10. (Ảnh: CTV)

Ông Chuẩn được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu ngay sau đó nên may mắn đã qua cơn nguy kịch. 

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an đã phong tỏa hiện trường, tổ chức khám nghiệm, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. 

Khám nghiệm hiện trường, cảnh sát thu giữ được vật nhọn có khả năng là hung khí gây ra các thương tích của ông Chuẩn. 


Ông Chuẩn được xác định có 3 vết thương trên người, trong đó có 2 vết ở ngực và 1 vết ở cổ. 

Từ những kết quả thu thập được, cơ quan điều tra nghi vấn ông Chuẩn đã tự gây thương tích cho bản thân. 

Nguyên nhân chính xác của vụ việc vẫn đang được làm rõ. 
Tiến Nguyên
Phần nhận xét hiển thị trên trang