Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Chủ tịch Hà Nội: Hồ Tây không còn cá chết từ tối qua

Hà Nội: TỪ TỐI HÔM QUA, HỒ TÂY KHÔNG CÒN CÁ ĐỂ CHẾT NỮA !


Trần Hoàng
Tiền Phong 
14:39 ngày 03 tháng 10 năm 2016 

TPO - Trưa 3/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tổng số cá chết thu gom được ở Hồ Tây đã lên đến 60 tấn. Tuy nhiên, đây là lượng cá chết từ các ngày trước, hôm nay đã không còn cá chết.



Trưa 3/10, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục sự cố cá chết hàng loạt tại Hồ Tây.


Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, số cá chết thu gom được đã lên đến 60 tấn, số lượng cá chết phải thu gom còn tương đối nhiều. 

Tuy nhiên, sau khi Thành phố có nhiều biện pháp xử lý nước ô nhiễm, tăng cường ô xy cho nước Hồ Tây thì hiện nay cá đã không còn chết nữa, toàn bộ cá chết đều từ những ngày trước đây. 

“Các đơn vị đã tiến hành làm rõ nguyên nhân cá chết, từ đó có biện pháp xử lý, đầu tiên là Hồ Tây sau đó sẽ áp dụng cho các hồ của Hà Nội để tránh hiện tượng cá chết hàng loạt”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. 

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm, hoạt động thu gom cá chết đang thuận lợi do ngày hôm nay gió mạnh thổi về 1 phía. “Dự kiến trong chiều tối nay sẽ thu gom toàn bộ lượng cá chết trên hồ”, ông Hùng nói.



Trước đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ. Trong hôm nay, Sở Xây dựng sẽ tiến hành bổ sung thêm 10 máy tạo oxy, đảm bảo tạo oxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu. 

Đồng thời với việc vớt cá, xử lý bằng các biện pháp trên, thành phố tiến hành sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (loại chế phẩm mới được sử dụng làm sạch một số hồ trên địa bàn) nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khử mùi và tạo oxy tại các tầng nước sâu.



Trung tâm y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội, TTYT quận Tây Hồ, TTYT quận Ba Đình, TTYT quận Hai Bà Trưng, TTYT quận Hoàn Kiếm cũng đã cử 10 đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, nguồn nhân lực khẩn trương có mặt tại hiện trường tham gia xuyên đêm cùng với các lực lượng của thành phố tập trung phun thuốc khử khuẩn xác cá chết, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ, phòng chống dịch bệnh.
------------------
76 tấn cá chết ở hồ Tây được thu gom xử lý
 
Tuổi trẻ
03/10/2016 20:54 GMT+7


 Chiều tối 3-10, thông tin từ Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết các lực lượng đã thu gom được 76 tấn cá chết tại hồ Tây (Hà Nội) để đưa đi xử lý. 

Đến sáng 3-10, cá tiếp tục trôi dạt vào bờ, phần lớn là các loại cá có trọng lượng lớn 
từ 1 đến 3 kg - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trước sự cố cá chết bất thường hàng loạt tại hồ Tây từ sáng 2-10, các đơn vị quân đội đã điều 540 cán bộ chiến sĩ gồm 400 người của Bộ Tư lệnh thủ đô và 140 người của Binh chủng Công binh xuống tham gia xử lý sự cố.

Cũng theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ngoài số lượng cán bộ chiến sĩ được điều động, các đơn vị quân đội đã đưa 81 xuồng xuống hồ và phối hợp lực lượng tại địa phương thu gom được 76 tấn cá chết.

Cho đến cuối chiều 3-10, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết các lực lượng đã cơ bản thu gom xong số lượng cá chết nổi trên hồ trong ngày 3-10.

Ông Đỗ Anh Tuấn, chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết ngoài lực lượng tăng cường của quân đội, quận Tây Hồ cũng đã huy động 600 cán bộ của các đơn vị trong quận và đoàn thể tham gia xử lý, thu gom số cá chết ở hồ Tây.

Theo ông Tuấn, toàn bộ số cá chết được Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đưa lên bãi rác Nam Sơn tiêu hủy.

“Riêng tại hồ Tây, các đơn vị của Sở Y tế cũng đã tăng cường việc phun khử khuẩn để phòng chống bệnh dịch” - ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tượng cá chết ở hồ Tây thi thoảng vẫn xảy ra, nhưng số lượng rất ít.

“Số lượng cá chết lần này rất nhiều, cá chết trên diện rộng cả ở tầng nước mặt và tầng nước lửng có độ sâu khoảng 2m nước” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết, sau khi các đơn vị áp dụng hàng loạt biện pháp cải thiện môi trường nước hồ Tây, sử dụng 30 bơm sục khí tạo oxy, đưa chế phẩm cải thiện môi trường nước của Đức xuống hồ, bước đầu chỉ số oxy trong nước đã được cải thiện.

Kết quả phân tích nhanh mẫu nước ngày 2-10 cho thấy chỉ số oxy trong nước = 0, tuy nhiên, sau khi áp dụng nhiều biện pháp, có điểm chỉ số oxy trong nước lên được 0,9, có điểm lên được 1,9, có điểm lên được 2,4-3,0” - ông Tuấn cho hay.

Riêng kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá, ông Tuấn cho biết thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nhiều đơn vị lấy mẫu, phân tích độc lập.

“Khi có kết quả phân tích chính xác, chúng tôi sẽ công bố” - ông Tuấn nói.

Xuân Long

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHÁT HIỆN "VÒI RỒNG" KHỦNG NGHI XẢ THẢI RA BIỂN



Nóng: Ngư dân phát hiện ‘vòi rồng’ khủng nghi để xả thải ra biển

Người đưa tin
03.10.2016 | 17:20 PM 

Một ‘vòi rồng’ bằng nhựa, có kích thước lớn, đặc điểm giống đường ống xả thải vừa được ngư dân phát hiện tại vùng biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). 

Tin nhanh, ngày 2/10, trong lúc đánh bắt cá ở vùng biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiếp giáp với vùng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tọa độ 19 vĩ độ bắc, 105 kinh độ Đông, anh Hoàng Văn Lượng (42 tuổi), trú thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu phát hiện một "vòi rồng" bằng nhựa cứng. Do vật thể có kích thước lớn, nên anh Lượng đã phải huy động tất cả các thuyền viên, tìm cách kéo bào bờ.


Quan sát bằng mắt thường, vật thể này giống đường ống bằng cao su tổng hợp, màu đen, có các sọc xanh; đường kính ước khoảng gần 50cm, dài hơn 100m. Tại đường ống, có các khuy rất giống với đường ống đôi. Trên thân ống, có nhiều con sơn hà (sống tầng đáy) bám vào. Dựa vào hình dáng, người dân cho rằng, đây là đường ống dẫn xả chất thải.

"Vòi rồng" nghi là ống xả thải từ đất liền ra biển

Cận cạnh đường ống xả thải.

Nghi vấn ban đầu, "vòi rồng" này là đường ống dẫn thải của nhà máy lớn trong khu công nghiệp nào gần đó, được sử dụng để đưa chất thải từ đất liền ra biển. Có ý kiến còn cho rằng, rất có thể “đối tượng” đang tìm cách phi tang đường ống, để đánh lạc hướng dư luận, sau sự cố cá chết hàng loạt.



Ngọc Tuấn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà báo chắc chắn không khóc!


Bùi Hải

SOHA - Ngày hôm qua, có 1 tấm hình và một sự kiện, khiến nhiều độc giả rơi nước mắt và không ít người làm báo nuốt cục nghẹn vào lòng.

Anh Phạm Quang Sanh, 27 tuổi quê Bến Tre, làm nghề lái ba gác ở Sài Gòn, đã bật khóc khi bị CSGT thổi phạt xe chở cồng kềnh.

Trong khi khóc, những ngón tay thô nhám và đen đúa của Sanh, bấu chặt lấy cái gấu áo nhàu nát, bẩn thỉu, như một đứa trẻ tuyệt vọng bị mẹ la. Sanh nghèo quá, không biết kiếm tiền đâu ra để nộp phạt.

Tiền công chở một chuyến hàng cồng kềnh là 50.000 – 100.000đ, nhưng tiền nộp phạt gấp nhiều lần số ấy, chưa kể phải chi tiền thuê ô tô chở số hàng đã bị dỡ xuống.

Người chớp được hình ảnh giọt nước mắt nghèn nghẹn ấy của Sanh, là một phóng viên trẻ đến từ tỉnh lẻ, cũng đang phải thuê trọ nhọc nhằn nơi thành phố phồn hoa bậc nhất nước.

Nhìn bức ảnh ấy, tôi thấy một sự sẻ chia và đồng cảm của một phóng viên đối với thân phận dưới đáy. Phía sau sự phạm luật, là những cảnh đời vật lộn mưu sinh.

Sau ngày một cháu bé và một bà cụ ở Hà Nội tử vong mà thủ phạm là thứ hàng cồng kềnh trên những xe ba gác, HN và TP. HCM đã ra quân rà soát.

Mặc dù vậy, đây đó trên đường phố vẫn xuất hiện những chiếc ba gác chở hàng cồng kềnh. Chỉ có một điều khác, đầu của những thoi hàng đó đã được buộc giẻ rất kỹ để giảm nguy cơ sát thương.

Miếng cơm manh áo hàng ngày, tiền học phí của con, tiền khám bệnh của mẹ, đôi khi đè nát những lời cảnh báo về tính mạng của người khác.

Về trước mắt, chính quyền đã đúng khi không để cho những sát thủ tiềm ẩn đường phố ấy có thể gây hại cho người tham gia giao thông.
Nhưng về lâu dài, bên cạnh chế tài cứng rắn, chính quyền đã trợ giúp gì cho bước đường mưu sinh khốn khổ của những người như Đinh Ngọc Thạch - cựu binh mặt trận Vị Xuyên - chủ xe ba gác gây chết cháu bé?

Chàng trai 27 tuổi Phạm Quang Sanh đã bật khóc và nếu không muốn khóc tiếp, anh sẽ phải bỏ nghề.

Bị xử phạt hành chính lớn hơn nhiều mức phạt của Sanh, tới 14.405.000đ, nhưng chắc chắn nhà báo Quang Thế, báo Tuổi Trẻ, sẽ không khóc.

Khi bị công an lỡ "gạt tay lên má" (từ ngữ trong kết luận của công an) đến chảy máu mồm, Thế không khóc.

Dù cũng đang thực thi nhiệm vụ tòa soạn phân công, dù bất ngờ bị chính đồng chí của mình giơ chân đá "nhưng không trúng" (vẫn là từ ngữ của công an), Thế không khóc.

Bởi nếu chỉ vì một cú đánh, cú đạp, tiếng chửi mà phải khóc, thì có phóng viên sẽ phải khóc chục lần mỗi năm. Không ít nhà báo bị đánh như kẻ thù, bị lăng mạ khi tác nghiệp.

Ở Việt Nam, nhà báo là nghề nhìn có vẻ oai, kỳ thực lại dính đòn nhiều nhất. Đối tượng nào cũng có thể đánh, ngăn cản tác nghiệp của nhà báo.

Quang Thế không khóc và tắt máy điện thoại, nhưng nhiều đồng nghiệp, độc giả của Thế tự nhiên thấy mình phải nuốt một khối nghèn nghẹn vào lòng.

Và họ đồng cảm với Thế bằng nhiều cách, trong đó có việc quyên góp ủng hộ anh số tiền phải nộp phạt, dù cả anh và Tuổi trẻ có thể sẽ từ chối.

Thế không khóc và khác với anh lái xe ba gác, tôi nghĩ Thế sẽ không bỏ nghề báo. Nghề báo, nhất là đối với những phóng viên hiện trường vụ nóng, tuy kiếm được chút nhuận bút, nhưng có thể nói còn cực hơn cả nghề lái xe ba gác.

Nửa đêm gà gáy, ngày nắng đêm mưa, đâu xảy ra vụ việc là họ phải lao đến. Nhiều người đến hiện trường tai nạn, làm xong cái tin thì không còn muốn ăn cơm nữa.

Nghề báo, đối với những nhà báo chân chính (không phải là những con sâu báo đang làm hoen ố hình ảnh báo chí), không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm với độc giả. Nhiều nhà báo chỉ bỏ nghề nếu độc giả không còn chờ đón tin bài của họ.

Câu chuyện công an có đánh nhà báo hay không, dù kết luận thế nào thì cư dân mạng đã có nhận định của riêng mình.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Đài THVN nhận xét: "Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này".

Nếu quả thực nhà báo có lời lẽ và hành vi chưa chuẩn, thì họ cũng không đáng bị đối xử như một kẻ phạm tội như vậy.

Câu chuyện của nhà báo Quang Thế và công an, có thể cũng chỉ nóng thêm vài ngày nữa, rồi lại chìm xuống đâu đó trong dòng thác lũ thông tin.

Nhưng chắc chắn nó không vô ích: Cả nhà báo và công an sẽ phải cảnh giác hơn.

Nhà báo phải cảnh giác với những sự dễ dãi hoặc thiếu chuyên nghiệp của mình như để xe máy trên cầu khi tác nghiệp, chậm trễ trình thẻ hoặc buột ra câu nói nào đó có thể gây tâm lý không tốt cho người thi hành công vụ.

Còn công an, sự cảnh giác cũng vô cùng cần thiết. Công an là người tiếp xúc nhiều với tội phạm, côn đồ, nếu đó không cảnh giác thì có khi những thói xấu của côn đồ sẽ nhiễm sang mình lúc nào không biết.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không đánh đổi môi trường vì kinh tế: Một góc nhìn khác



Nhàn Đàm






















MTG - Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã thực sự đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây mà không hề hay biết.

Một sự ngẫu nhiên mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra là việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới (trong đó có Việt Nam), và Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam cũng công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 trong hai ngày sát nhau là 28.9 và 29.9. Hai bản báo cáo về tình trạng môi trường Việt Nam được đưa ra liền sát nhau sẽ cho chúng ta thấy được ở một mức độ nhất định toàn cảnh của vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.

Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Thủ tướng tuyên bố và được xem như phương châm không thể xâm phạm trong quá trình phát triển kinh tế kể từ sau sự kiện Formosa, trong đó đặt ưu tiên bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Nhưng rất tiếc, nó mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các dự án kinh tế có nguy cơ tác động đến môi trường một cách trực tiếp và gây ra hậu quả ngay lập tức mà thôi. Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây.

Điểm chung giữa bản báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên thế giới của WHO với báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là việc chất lượng môi trường (đặc biệt là môi trường khí) của Việt Nam đang có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Báo cáo của WHO cho thấy, ở khu vực Đông Nam Á – Tây Thái Bình Dương, thì Việt Nam là một trong ba quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nặng nề nhất bên cạnh Trung Quốc và Malaysia (theo CafeF).

Trong khi đó, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động, đặc biệt là tại các đô thị lớn, trong khi mức độ ô nhiễm tại các khu vực nông thôn cũng đang gia tăng chóng mặt. Cụ thể, nồng độ khí độc NO2 trong không khí tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long đã vượt ngưỡng cho phép (NO2 là loại khí rất độc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong hoặc ung thư) (theo The Saigon Times).

Trên thực tế, những số liệu trên không phải là một điều gì quá bất ngờ, đặc biệt là với người dân đang sinh sống và làm việc tại các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của trung tâm quan trắc môi trường, thì ngay từ thời điểm năm 2013, Hà Nội đã có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại. Ở những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi và một số chất độc hại khác có thời điểm cao hơn mức cho phép gấp 7 lần (theo Songkhoe). Thực trạng này đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 72% hộ gia đình mắc bệnh do ô nhiễm không khí liên quan đến hô hấp, trong đó quận cao nhất tỷ lệ này lên đến 91,4% (quận Hoàng Mai) và thấp nhất là 55% (quận Tây Hồ).

Ở các đô thị lớn tình hình môi trường đã tồi tệ như vậy, ở các vùng nông thôn cũng không khá hơn là bao. Báo cáo của WHO đưa ra cảnh báo rằng ô nhiễm không khí tại các khu vực nông thôn đang nghiêm trọng hơn so với suy nghĩ thông thường rất nhiều lần. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Việt Nam cũng đang xác nhận lời cảnh báo này, khi khá nhiều vùng nông thôn đang rơi vào tình trạng ô nhiễm cục bộ do các hoạt động làng nghề hay khu công nghiệp xen kẽ với khu dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí tại các khu vực nông thôn chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn…

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cũng chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam phần lớn là do các hoạt động phát triển kinh tế tích tụ lại gây ra. Chủ yếu là các khu công nghiệp lớn có vị trí lân cận các đô thị, phần lớn thuộc các lĩnh vực có nguy cơ gây tác động xấu với môi trường như các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch, các ngành sản xuất sử dụng nhiều hóa chất độc hại… Ngoài ra cũng xuất phát từ quá trình xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và giao thông đô thị làm tăng lượng bụi, các khí thải do các phương tiện giao thông gây ra. Điều tương tự cũng diễn ra đối với môi trường nước với điển hình là các sự việc của Formosa Hà Tĩnh và nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang.

Có thể thấy, điều quan trọng nhất rút ra từ báo cáo môi trường của WHO và báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần này, là việc Việt Nam đã không chú ý và coi trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường trong suốt nhiều năm tập trung vào phát triển kinh tế vừa qua. Phải đến khi thảm họa môi trường hủy diệt biển của bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua thì yếu tố môi trường mới thực sự được nhìn nhận trong quá trình phát triển.

Thông điệp “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” đã được Chính phủ đưa ra như một nguyên tắc thép và một lằn ranh không thể vượt qua trong tương lai; nhưng thực tế phạm vi áp dụng của nguyên tắc “không đánh đổi” này mới chỉ được áp dụng đối với các dự án xét duyệt mới, hoặc các dự án đã đi vào hoạt động nhưng có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường ở mức độ tương tự như Formosa đã gây ra (mà trường hợp nhà máy giấy Lee & Man là một điển hình).

Nguyên tắc đó trên thực tế chưa được áp dụng đối với trước hết là các dự án đầu tư mới không có nguy cơ môi trường trước mắt và nghiêm trọng (nhưng có nguy cơ tích tụ về lâu dài), và đặc biệt là với các ngành sản xuất truyền thống thuộc diện có nguy cơ môi trường cao trong nền kinh tế nhiều năm qua. Đó là các nhà máy nhiệt điện, xi măng, luyện kim, hóa chất… các ngành sản xuất này không gây ra những tác động lớn ngay lập tức với môi trường như thảm họa của Formosa, nhưng về lâu dài hệ quả tích tụ lại sẽ dẫn đến nguy cơ môi trường rất lớn mà thực tế đã phát tác ở thời điểm hiện tại.

Nếu cứ tiếp tục duy trì cách thức phát triển kinh tế như những năm qua và hiện nay, thì môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề dù không xảy ra một thảm họa môi trường nào tương tự Formosa. Nguyên tắc “không đánh đổi môi trường vì kinh tế” vì thế cần được hiểu theo một hàm nghĩa rộng hơn, không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn các thảm họa môi trường như Formosa, mà còn là quản lý phát triển kinh tế theo một mô hình mới với hướng lành mạnh và bền vững hơn. Vì một thực tế là chúng ta đã đánh đổi môi trường vì kinh tế từ hàng chục năm qua rồi, và giờ là lúc sửa chữa điều đó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khái quát các học thuyết kinh tế quan trọng của thế giới



Bài viết dưới đây sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về lịch sử của các luận thuyết kinh tế, những biến đổi qua thời gian, và những đối tượng tham gia chủ đạo trong quá trình phát triển của các luận thuyết.
Cha đẻ của kinh tế học
Adam Smith được ghi nhận rộng rãi là người sáng tạo ra lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên ông lại bị ảnh hưởng bởi những tác giả người Pháp, những người có cùng quan điểm chống lại Chủ nghĩa trọng thương. Nghiên cứu phương pháp luận đầu tiên về phương thức hoạt động của các nền kinh tế được đảm nhận bởi những người theo trường phái Trọng nông ở Pháp. Smith đã sử dụng rất nhiều quan điểm của họ và mở rộng thành một luận điểm nói về phương thức hoạt động mà các nền kinh tế nên áp dụng.

Smith tin rằng cạnh tranh là cơ chế tự điều hòa và rằng chính phủ không nên can thiệp vào kinh doanh bằng biện pháp thuế quan, hay bất cứ công cụ nào khác, trừ khi nó được sử dụng để bảo vệ thị trường tự do cạnh tranh. Rất nhiều các học thuyết kinh tế ngày nay (hoặc ít nhất là 1 phần) được phát triển từ các nghiên cứu chủ chốt của Smith.
Khoa học của Marx và Malthus
Karl Marx và Thomas Malthus đã có những phản ứng lại đối với học thuyết của Smith. Malthus dự đoán rằng dân số tăng lên sẽ khiến nguồn cung lương thực trở nên thiếu thốn. Mặc dù giả thuyết của Malthus đã bị chứng minh là sai bởi vì ông không tiên đoán được sự phát triển khoa học công nghệ đã cho phép năng suất sản phẩm luôn cao hơn nhu cầu của dân số, nghiên cứu của ông đã chuyển trọng tâm của kinh tế sang nghiên cứu sự khan hiếm và nhu cầu đối với các sản phẩm khan hiếm ấy.
Trọng tâm nghiên cứu sự khan hiếm đã khiến Karl Marx tuyên bố rằng phương thức sản xuất là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của bất kì nền kinh tế nào. Marx đã đi nghiên cứu sâu hơn và bị thuyết phục rằng đấu tranh giữa các tầng lớp xã hội sẽ nổ ra bởi những bất ổn vốn có trong chủ nghĩa tư bản. Marx đã đánh giá thấp sự linh hoạt và năng động của chủ nghĩa tư bản. Thay vì tạo ra ranh giới rõ ràng giữa người chủ sở hữu và tầng lớp lao động, đầu tư đã tạo ra một tầng lớp pha trộn, khi đó cả người chủ sở hữu và người lao động đều có lợi ích. Mặc dù đưa ra một học thuyết hơi bi quan, Marx đã dự đoán chính xác xu hướng khi tầng lớp doanh nhân phát triển rộng khắp và quyền lực hơn phù hợp với mức độ tư bản thị trường tự do được cho phép.
Bàn về con số
Leon Walras, nhà kinh tế học người Pháp, đã tạo cho kinh tế học một ngôn ngữ mới trong cuốn sách của ông "Những nguyên tố của kinh tế học thuần túy" (Elements of Pure Economics - 1874). Walras đã lần theo gốc rễ của học thuyết kinh tế và tạo ra các mô hình và học thuyết phản ánh những gì ông tìm thấy được. Học thuyết trạng thái cân bằng tổng quát đã ra đời từ nghiên cứu của ông cũng như xu hướng nhằm biểu diễn các khái niệm kinh tế theo phương pháp thống kê và toán học thay vì chỉ dùng từ ngữ đơn giản.
Alfred Marshall đã sửa dụng mô phỏng toán học để đưa các nền kinh tế lên một nấc thang mới, đưa ra rất nhiều khái niệm mà cho đến ngày nay vẫn chưa được hiểu thật đầy đủ, như tính kinh tế theo quy mô, thỏa dụng cận biên, và mô hình chi phí thực tế. Kinh tế học khác với các khoa học khác ở chỗ, gần như không thể mang cả một nền kinh tế ra để thử nghiệm. Tuy nhiên, bằng mô hình toán học, một số học thuyết kinh tế vẫn có thể được thử nghiệm.
Kinh tế học trường phái Keynes
Kinh tế học đan xen của John Maynard Keynes đối lập với kinh tế của Marx thời kỳ trước đó cho rằng xã hội tư bản không thể tự điều hòa. Marx cho rằng đây là điểm "chết người" còn Keynes cho rằng đây là một cơ hội để chính phủ chứng minh cho vai trò của mình. Kinh tế học của Keynes là mật mã hành động để Cục dự trữ Liên bang điều hành nền kinh tế phát triển ổn định.
Quay trở lại thời kỳ đầu: Milton Friedman
Các chính sách kinh tế của hai thập kỷ vừa qua đều mang dấu ấn của các công trình nghiên cứu của Milton Friedman. Khi nền kinh tế Mỹ phát triển chín muồi, Friedman đã thúc giục chính phủ phải loại bỏ những kiểm soát thừa lên thị trường, như pháp luật chống độc quyền antitrust. Thay vì phát triển bằng cách tăng trưởng GDP, Friedman cho rằng chính phủ phải tập trung vào việc chi tiêu tiết kiệm tiền của quốc gia để tiết kiệm được nhiều ngân sách cho hệ thống. Với nhiều ngân sách trong hệ thống, việc nền kinh tế có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của chính phủ là có thể thực hiện được.
Kết luận
 

Xem thêm:

>> Đôi nét về trường phái kinh tế học cổ điển

Các quan điểm kinh tế chia ra làm 2 nhánh: lý thuyết và thực hành. Kinh tế học lý thuyết sử dụng ngôn ngữ của toán học, thống kế và mô phỏng điện toán để thử nghiệm các khái niệm thuần túy, và sử dụng kết quả để giúp các nhà kinh tế hiểu kinh tế học thực hành và xây dựng thành chính sách của chính phủ. Chu kỳ kinh doanh, vòng quay "boom" và "bust" và các biện pháp chống lại lạm phát là những sản phẩm của kinh tế học và việc hiểu chúng giúp thị trường và chính phủ đưa ra được cách điều chỉnh có lợi. Việc này giúp nền kinh tế phát triển ổn định hơn và đem lại lợi ích cho dân chúng.
Theo SAGA.VN / INVESTOPEDIA
http://www.reds.vn/index.php/tri-thuc/kinh-te-hoc/4330-khai-quat-cac-hoc-thuyet-kinh-te-quan-trong-cua-the-gioi2
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội: VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT BỊ ĐÂM KHI ĐANG LÀM VIỆC


Ảnh minh họa của Thân Hoàng. Nguồn: Soha.
Viện trưởng Viện Kiểm sát bị đâm trong phòng làm việc 

VNE
Thứ hai, 3/10/2016 | 16:55 GMT+7 
.
Chiều hôm nay, ông Tô Ngọc Chuẩn, Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai, Hà Nội được phát hiện trong phòng với 3 vết đâm.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Canh, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai xác nhận, 15h chiều nay khi nhân viên vào phòng trình ký, phát hiện ông Chuẩn đang vịn tay vào cửa trên người có 3 vết đâm. Ông Chuẩn được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện 103 quận Hà Đông. "Hiện chưa có thông tin về tình trạng sức khỏe. Phòng làm việc của anh Chuẩn đã được niêm phong để khám nghiệm", ông Canh cho hay.

Theo nguồn tin của VnExpress, thời điểm vụ việc được phát hiện, trong phòng làm việc của ông Chuẩn có con dao gọt hoa quả trên giường cá nhân. Dưới đất có chiếc kéo cắt giấy.


Ông Tô Ngọc Chuẩn, sinh năm 1957. Hai năm trước khi về Quốc Oai làm Viện trưởng, ông Chuẩn là người đứng đầu ngành kiểm sát huyện Thạch Thất. 

Phương Sơn

-------------

Hà Nội: Viện trưởng VKSND huyện bị đâm trọng thương khi đang làm việc

Hoàng Hải
Soha
03/10/2016 16:22 
 
Ông Tô Ngọc Chuẩn
Trong lúc đang làm việc, Viện trưởng VKS nhân dân huyện Quốc Oai bị một đối tượng đâm trọng thương.

Trao đổi với PV vào chiều ngày 3/10, Chánh văn phòng UBND huyện Quốc Oai cho biết, vào đầu giờ chiều nay 3/10, UBND huyện Quốc Oai nhận được tin báo đồng chí Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện Quốc Oai bị một đối tượng đâm trọng thương.

Vị Chánh văn phòng huyện Quốc Oai cũng cho biết, hiện đồng chí Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai đang được đưa đi viện 103 để điều trị, cấp cứu.

Trong buổi sáng ngày hôm nay, trong lúc đang làm việc, ông Tô Ngọc Chuẩn – Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai (ảnh bên) bất ngờ bị một đối tượng đâm trọng thương.

Ngay sau đó, ông Chuẩn được mọi người đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.

Sau khi tiến hành sơ cấp cứu ban đầu, ông Chuẩn được chuyển lên Bệnh viện 103 để tiếp tục điều trị. Hiện nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện ở châu Á sau nhiệm kỳ của Tổng thống Obama


Dân trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 30/9 đã có cuộc gặp với những người đồng cấp từ 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hawaii (Mỹ) để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời khẳng định chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á sẽ vẫn tiếp tục được duy trì sau nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.
 >> Mỹ cam kết tăng cường sức mạnh quân sự ở Châu Á


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: ABC News)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: ABC News)
Theo AFP, phát biểu tại hội nghị không chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Hawaii hôm qua, người đứng đầu Lầu Năm Góc Ashton Carter tái khẳng định cam kết của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong việc ứng phó với các thách thức an ninh chung, bao gồm việc hồi hương của hàng trăm phiến quân khủng bố từ chiến trường Iraq và Syria về khu vực sau khi lực lượng này bị thất thủ ở mặt trận Trung Đông.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để thúc đẩy vai trò xúc tác của Mỹ trong mạng lưới an ninh tổng thể và có nguyên tắc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Carter khẳng định.
Chia sẻ với báo giới trong cuộc gặp ngày hôm qua, Bộ trưởng Carter nhiều lần nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ không màng đến những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thay vào đó, Washington vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở các vùng nước và vùng trời xung quanh các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
“Mỹ mong muốn giúp đỡ các nước (Đông Nam Á) nhận thức rõ hơn, chia sẻ tốt hơn và hành động nhiều hơn để giữ cho tuyến hàng hải quan trọng ở khu vực Đông Nam Á luôn rộng mở và an toàn”, ông Carter cho biết.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết ông tin tưởng rằng Mỹ sẽ vẫn duy trì chính sách đặt trọng tâm ở khu vực châu Á dù cho ai là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đi chăng nữa.
“Sẽ còn rất nhiều cơ hội hợp tác (ở châu Á - Thái Bình Dương). Chúng tôi bảo đảm rằng sự hiện diện của chúng tôi ở khu vực vẫn vững chãi trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo”, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Chính sách “tái cân bằng” hay còn gọi là “xoay trục” là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, trong đó Mỹ chuyển hướng trọng tâm từ Trung Đông trước kia sang châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hiện diện ở khu vực này.
Trước đó, phát biểu trên tàu sân bay USS Carl Vinson tại cảng San Diego (Mỹ) ngày 29/9, Bộ trưởng Ash Carter đã mô tả cái mà ông gọi là giai đoạn tiếp theo trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự để tiếp tục duy trì vị thế cường quốc quân sự hùng mạnh nhất khu vực và là đối tác an ninh cho các nước chọn lựa.
Thành Đạt
Tổng hợp

Phần nhận xét hiển thị trên trang