Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Ba Lan rà soát lại việc trao trả nhà đất bị chế độ cộng sản tịch thu


 
Tòa nhà theo kiến trúc tân cổ điển tại khu phố sang trọng Mokotow gần thủ đô Vacxava. (Ảnh tư liệu ngày 26/05/2005). WOJTEK RADWANSKI / AFP

Viện Kiểm sát Ba Lan hôm qua 01/09/2016 loan báo thụ lý nhiều trường hợp trao trả lại cho chủ cũ các tài sản địa ốc bị chế độ cộng sản tịch thu trước đây, mà quyết định của tư pháp thường gây tranh cãi. Ba Lan chưa bao giờ giải quyết dứt khoát được vấn đề phức tạp này. Theo ước tính, tổng giá trị số nhà đất bị chính quyền cộng sản Ba Lan, và trước đó là Đức quốc xã trưng thu, lên đến khoảng 17 tỉ đô la.

Hiện nay tòa án xem xét từng trường hợp cụ thể. Các tổ chức phi chính phủ và báo chí Ba Lan lâu nay tố cáo việc vận động hậu trường của các chủ cũ, văn phòng luật sư và công ty xây dựng ; cũng như nghi ngờ có tham nhũng hay gian lận về nguồn gốc tài sản.

Maciej Kujawski, một phát ngôn viên Viện Kiểm sát Nhà nước cho biết, một nhóm công tố viên chuyên trách « sẽ nghiên cứu không chỉ các vụ trong hiện tại, mà cả những vụ đã bị xếp hồ sơ, bác bỏ hay tạm đình chỉ ».

Về phía Cơ quan chống tham nhũng, từ nhiều tháng qua đã xem xét các quyết định trao trả lại nhà đất tại Vacxava trong những năm 2010-2016, trong nhiệm kỳ của đô trưởng Hanna Gronkiewicz-Waltz, đồng thời là phó chủ tịch đảng đối lập cánh trung Diễn đàn Công dân (PO).

Việc trả lại các tài sản bị chính quyền cộng sản tịch thu là đặc biệt phức tạp ở Ba Lan, do đã bị phá hủy hoặc hư hại nhiều trong Đệ nhị Thế chiến, nạn diệt chủng và việc lãnh thổ mở rộng sang phía tây khoảng 200 km sau năm 1945.

Tại Vacxava, thành phố bị phe quốc xã tàn phá, rồi được chính quyền cộng sản tái thiết và quản lý hơn nửa thế kỷ, thì lại càng khó khăn hơn, và giá trị nhà đất cao hơn. Báo chí nêu ra nhiều trường hợp nghi vấn xung quanh nữ đô trưởng, những lời kêu gọi từ chức với sự ủng hộ của phe bảo thủ cầm quyền được đưa ra. Tối qua, bà Hanna Gronkiewicz-Waltz từ chối rời chức vụ, và kêu gọi các viên chức tòa đô chính kiểm tra tất cả những trường hợp trao trả tài sản ở thủ đô, kể từ khi chế độ cộng sản bị sụp đổ năm 1989. 
------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGƯỜI CÓ ĐỦ THẨM QUYỀN NHẤT NÓI VỀ VIỆC DẠY VÀ HỌC CHỮ HÁN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÃ LÊN TIẾNG


HAY LẮM, NGƯỜI CÓ ĐỦ THẨM QUYỀN NHẤT NÓI VỀ VIỆC DẠY VÀ HỌC CHỮ HÁN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG ĐÃ LÊN TIẾNG
- Tại Mỹ, có một anh Tàu nhờ (thuê) GS Nguyễn Huệ Chi dịch cuốn Tử vi đẩu số từ chữ Hán văn ngôn sang tiếng Hán (Trung) Bạch thoại, tiền nong không thành vấn đề. GS đã từ chối
- Liệu có ai dám bảo người chủ trương trang web Bauxit là mở cuộc "vận động thân Tàu" khi nói cần dạy chữ Hán cho học sinh ta?
- Đây là comment dưới bài của Phan Khôi, ở trang Lại Nguyên Ân, xin mượn về trang trí tường nhà em, cho đẹp, xin cảm ơn thày!
Nguyễn Huệ Chi: (nói) Năm 1990, PL làm một dự án về sự ra đời chữ quốc ngữ trong xu thế phát triển của văn học VN để xin tài trợ của Nhật, tôi là một thành viên của Viện Văn học đến trao đổi với chuyên gia văn hóa Nhật. Không ngờ bị họ phản bác rất mạnh. Mấy người Nhật đều lập luận: VN bỏ học chữ Hán và chữ Nôm là sai lầm, trẻ em sẽ không còn biết gì về văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của mình. Khi chúng lớn lên, người Việt Nam thế nào cũng có phần mất gốc. Ở Nhật, trẻ em vẫn phải học 3000 chữ Hán cổ. Và đó không phải là học văn hóa Trung Quốc mà học cho văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi cãi không lại họ và cuối cùng dự án của PL bị từ khước. Tôi nghĩ, cụ Phan Khôi phản đối dạy chữ Hán là dạy chữ Hán thay cho tiếng Việt, và học chữ hán theo cụ là học đạo lý, còn chúng ta học chỉ là học xen một ít chữ Hán, bên cạnh tiếng Việt là chính và tiếng Anh là thứ hai, thì rất nên. Chính Nha học chính Đông Pháp thời Pháp thuộc chẳng phải vẫn có bộ sách giáo khoa Hán Việt cho cấp tiểu học do cụ Lê Thước và ông nội tôi soạn, cùng với bộ sách giáo khoa tiếng Việt do nhóm Trần Trọng Kim soạn, được dạy suốt đến 1945 đấy là gì. Những người học hai chương trình ấy sau này hầu hết đều am hiểu văn hóa dân tộc, vượt xa lớp cầm quyền hiện nay (lớp cầm quyền hiện nay ứng xử với văn hóa dân tộc thế nào chúng ta đều biết cả. Tai nạn của thói vô văn hóa vẫn đang tiếp diễn cực kỳ trầm trọng). Và ta nói dạy đây là dạy chữ Hán Việt Nam cổ, không phải dạy Trung văn. Một điều ít người biết là tư duy Hán ngữ của người Việt không phải nhất nhất rập khuôn tư duy Hán ngữ của người Tàu. Chính vì thế mà Lương Khải Siêu đọc "Việt Nam vong quốc sử" của Phan Bội Châu mà có chỗ không hiểu được cách tư duy của cụ Phan và phải than: chữ Hán hình như chưa tinh tường lắm. Kỳ thực cụ Phan là người Việt, cụ không rập khuôn cách suy nghĩ theo kiểu diễn đạt chữ Hán của người Trung Quốc (điều này khi tôi sang TQ và khi chị Băng Thanh sang Trung Quốc đều thấy khá rõ. Cả trong chú giải "Liêu trai chí dị", học giả Trương Hữu Hạc chấm câu chúng tôi vẫn nhận ra ông ta hiểu khác cách chấm câu của người Việt Nam). Tôi nhớ năm 1992, trong Hội thảo khoa học về núi Bài Thơ (thơ Lê Thánh Tông khắc ở đấy) ở Quảng Ninh (hội thảo ấy do Tỉnh ủy QN mời Ban Văn học Cổ cận đại VVH chủ trì), anh Hà Văn Tấn có bàn với tôi và Phan Huy Lê cùng nhau làm một kiến nghị với Bộ GD khi ấy bổ sung thêm một vài tiết chữ Hán ở trung học cơ sở, nhưng rồi thấy chương trình đã nặng quá nên thôi. Nay nếu bỏ bớt phần học chính trị đi thì có thể học thêm Hán Nôm được.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dự án trường đại học Hoa Lư hơn 400 tỷ thành nơi chăn bò


Dự án Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) được phê duyệt tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng bỏ hoang ba năm nay sau hơn 2 năm thi công. Người dân khu vực tận dụng khu đất này để chăn thả trâu bò.
Dự án Đại học Hoa Lư (xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) được phê duyệt đầu tư năm 2010 trên diện tích 15 ha, với tổng mức đầu tư 420 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. Dự án do trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn xây dựng Thống Nhất làm đơn vị thi công.
Dự án gồm hai khu nhà 5 tầng làm phòng học, một dãy nhà hiệu bộ 9 tầng. Công trình này bắt đầu khởi công vào năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên cho đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục như phần thô của nhà điều hành 9 tầng, tường bao, móng 2 dãy phòng học và một số hạng mục phụ trợ.
Cạnh nhà điều hành 9 tầng là khu nhà chức năng đã được đổ móng kiên cố với hàng chục trụ cột xi măng, lõi thép dang dở.
Người dân sống tại khu vực cạnh dự án cho hay, trong hai năm đầu thi công, công trình được triển khai rầm rộ, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, thời gian sau không hiểu vì lý do gì công trình triển khai chậm và cho đến nay đã bỏ hoang.
Theo đơn vị thi công, từ năm 2013 đến nay, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn. Mỗi năm UBND Ninh Bình chỉ cấp khoảng 10 tỷ đồng. Cứ có vốn, nhà thầu xây dựng, hết vốn lại dừng. Tổng số vốn đã giải ngân khoảng 170 tỷ đồng.
Bên trong tầng 1 căn nhà 9 tầng có nhiều đồ đạc, vật liệu xây dựng phủ bạt, "đắp chiếu".
Để bảo vệ khu tòa nhà này, đơn vị thi công dùng hàng rào lưới thép, nhiều tấm tôn chắn bao quanh.
Nền sân cạnh tòa nhà thành các vùng trũng lầy lội, ngập đầy nước mưa, cây cỏ dại mọc um tùm.
Đất đá ngổn ngang, nhếch nhác.
Bao quanh toàn bộ dự án là tường rào được xây cao hơn 1 m. Hạng mục này cũng đang xây dang dở thì dừng lại, chưa có thép chắn.
Nhiều hộ dân địa phương cho hay, do không thấy dự án tiếp tục triển khai nên họ đã tận dụng để chăn thả trâu bò. "Trước kia khu vực này là đồng ruộng của chúng tôi. Do mong muốn con cháu có chỗ học ở cơ sở mới gần nhà nên bà con mới nhường đất cho dự án. Đến giờ dự án bỏ hoang thì thật lãng phí tiền bạc của nhà nước" - bà Hảo (xã Ninh Nhất) nói.
Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Đại học Hoa Lư cho hay, vài năm gần đây số lượng sinh viên theo học giảm mạnh, mỗi năm trường chỉ tuyển được 300-500 chỉ tiêu. Số sinh viên ít nên ngôi trường hiện tại (Trường Đại học Hoa Lư cũ cách dự án mới 300 m) vẫn đảm bảo công tác giảng dạy.
Theo Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hồ sơ mật về tình trạng ăn thịt người trong thời Cách mạng Văn hóa


(Ảnh: Internet)
Nhân kỷ niệm 50 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động Cách mạng Văn hóa, Giáo sư Tống Vĩnh Nghị thuộc Đại học California (Mỹ) chuẩn bị xuất bản sách “Hồ sơ mật tại Quảng Tây thời Cách mạng Văn hóa”, sách ghi chép lại câu chuyện ăn thịt người trong thời Cách mạng Văn hóa ở tỉnh Quảng Tây.
Theo VOA đưa tin, sách “Hồ sơ mật tại Quảng Tây thời Cách mạng Văn hóa” chuẩn bị xuất bản vào tháng Sáu tới, gồm 7 triệu chữ với 18 tập, 36 quyển.
Theo Giáo sư Tống Vĩnh Nguyên giới thiệu trên VOA, thời Cách mạng Văn hóa, số người chết bất thường có danh tính cụ thể ở tỉnh Quảng Tây là 150.000 người, số người chết không rõ danh tính là 30.000 người, ngoài ra còn hơn 30.000 người mất tích. Trong số người chết này, chết vì xung đột giữa các phe phái chưa tới 5%, còn lại 95% là bị chính quyền bức hại đến chết.
Trong những cái chết bất thường này, rất nhiều người chết vì tình trạng người ăn thịt người. Theo sách ghi chép, thảm cảnh người ăn thịt người xảy ra trên địa bàn 27 huyện của tỉnh Quảng Tây (chiếm 2/3 số huyện của tỉnh Quảng Tây). Nhưng tình trạng người giết người và ăn thịt nhau không phải xảy ra ở những người dân thường với nhau, mà chính ông Trưởng ban Vũ trang của huyện đích thân chỉ huy giết người. Nhiều kẻ ăn thịt người chính là Trưởng ban Vũ trang của các xã, cán bộ Đảng viên và dân quân vũ trang.
Giáo sư Tống Vĩnh Nguyên đã dẫn ra nhiều ví dụ dẫn chứng.
“Trung tuần tháng 10/1968, ông Trưởng ban Vũ trang của huyện Thượng Tư là Vương Chiêu Đằng đã công khai giết người. Tên đồ tể này đã chỉ huy 5 tên dân binh mổ bụng moi gan 5 người và nấu chín để cùng nhau ăn. Ngày hôm sau tên này lại giết 4 người và cho mổ bụng moi gan, sau đó mang chia gan cho đội sản xuất cùng ăn. Có thể gọi đây là chính quyền ăn thịt người theo đúng nghĩa đen của nó.”
“Có 5 loại đối tượng chính bị xử lý: địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu, phái hữu. Một người sau khi bị thanh toán còn lại hai người con (11 tuổi và 14 tuổi), bọn cán bộ Đảng viên và dân binh vũ trang nói phải diệt cỏ tận gốc, thế là chúng giết chết và ăn thịt cả hai cháu bé.”
Trong những đối tượng này, đối tượng chủ yếu bị ăn thịt vẫn là địa chủ, phú nông, phần tử phản cách mạng, phần tử xấu và con cái của họ, nhưng nhiều trường hợp không phải phần tử loại này cũng vẫn bị nạn như thường. Ví dụ ngày 14/9/1968, có 3 thanh niên trí thức tham gia đội sản xuất vạch tội người phụ trách Trà Quảng làm nhục nữ thanh niên trí thức. Kết quả người phụ trách đã dẫn một số dân binh giết chết 3 thanh niên trí thức này và moi gan của họ ra nấu ăn, uống rượu mua vui. Sau khi việc này xảy ra, hơn trăm thanh niên trí thức của xã không ai còn dám ho he một tiếng, họ trở thành không khác gì con vật nuôi của bọn ác bá, bất cứ lúc nào cũng có thể bị chúng giết chết ăn thịt.
Giáo sư Tống Vĩnh Nghị chỉ ra, những phong trào chính trị trong thời Cách mạng Văn hóa không chỉ phá hoại toàn diện nền tảng pháp trị cơ bản mà còn kích động chính quyền giết người, theo đó bọn ác bá vô học không còn biết phân biệt ranh giới giữa thú và người.
Theo Secretchina /DaikynguyenTinh Vệ biên dịch


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội: Lộ kho vũ khí cực "khủng" của nhóm đòi nợ thuê giết người ở đườn...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Âm nhạc ngày nay thường vô hồn, vì sao?


Âm nhạc ngày nay chỉ dừng lại ở việc nghe bằng tai chứ không nghe bằng trái tim được vì nó là sản phẩm kỹ thuật tinh vi và công phu của những anh thợ nhạc giỏi kỹ năng chứ không phải là một nghệ sĩ 


Một trong những lý do dòng nhạc xưa quay trở lại trong cơn say êm dịu của người nghe như một trào lưu thời thượng, mà chủ đạo là bolero, rất đơn giản: Người ta đang khát một thứ âm nhạc được nghe bằng trái tim chứ không chỉ để xem hoặc chỉ để nghe bằng tai rồi lại trôi qua tai, nghĩa là nó phải thấm được vào trong trái tim người thưởng thức. Nhạc xưa, phần lớn thỏa mãn được những điều đó.
Điểm trang bằng kỹ xảo
Âm nhạc đương đại, nếu xét về mặt cập nhật kỹ thuật và sử dụng ngôn ngữ hiện đại cũng như kỹ năng “làm nhạc”, thì không phải là tồi. Internet, computer, sample ngập tràn và phổ biến đến mức thông dụng, giúp cho người sáng tác quá tiện lợi, nhanh gọn và năng suất cao so với cái thời nhạc sĩ chỉ với cây bút và tờ giấy kẻ nhạc.
Nhưng nghệ thuật không dừng ở đó. Nói cho đúng bản chất thì những điều kể trên chỉ là phương tiện của sáng tác mà thôi. Vẻ đẹp tâm hồn, sự rung cảm của tác phẩm mang lại cho người thưởng thức mới chính là cứu cánh của nghệ thuật.
Nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, trước hết là một thông điệp và là tiếng vọng của tâm hồn. Một thứ âm nhạc không hoặc ít cảm xúc cho dù có được điểm trang bằng kỹ thuật hay kỹ xảo thì thông điệp hay tiếng vọng đó sẽ câm nín hoặc lạnh nhạt. Kết cục là thứ âm nhạc đó trở nên nghèo nàn hay xa lạ, , tạm bợ.
Các giải thưởng âm nhạc cuối năm thường diễn ra sôi động về số lượng, từ thượng vàng cho đến hạ cám, hàng trăm tác phẩm âm nhạc xếp hàng để được tôn vinh như những cái xác vô hồn đang khoác nhiều y trang lòe loẹt, sặc sỡ không làm tươi thêm thân thể rỗng của vô cảm đó. Giải thưởng càng nhiều thì sự tôn vinh càng bị lạm phát và trở nên hình thức, không giá trị mấy về chất lượng nghệ thuật.


Công chúng tìm về nhạc xưa là để được nghe bằng cảm xúc của con tim. Ca sĩ Lệ Quyên lên ngôi khi khai thác dòng nhạc xưa đầy cảm xúc. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Công chúng tìm về nhạc xưa là để được nghe bằng cảm xúc của con tim. Ca sĩ Lệ Quyên lên ngôi khi khai thác dòng nhạc xưa đầy cảm xúc. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Âm nhạc ngày nay vì thế thường vô hồn. Nó không còn đơn thuần là nghệ thuật của thính giác, nó được xem nhiều hơn nghe. Phần nghe nếu có tăng lên ở một số tác phẩm cố tử tế thì nó cũng chỉ dừng lại ở việc nghe bằng tai chứ không nghe bằng trái tim được vì nó chỉ là một mớ kỹ thuật tinh vi và công phu của những anh thợ nhạc giỏi kỹ năng chứ không phải là một nghệ sĩ - một người sáng tạo bằng tâm hồn và cảm xúc chân thật.
Vô cảm giết chết nghệ thuật
Viện Gallup, năm 2012, đã công bố chỉ số vô cảm (ít cảm xúc, thờ ơ, bàng quan) được khảo sát ở người dân của 150 vùng, quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam được xếp thứ hạng 13. Một chỉ số tương đối cao về sự vô cảm của người Việt. Những hiện tượng, những vấn nạn xã hội, những đối nhân xử thế hằng ngày đã cho mọi người thấy ngày nay người ta càng lúc càng sống ít tình cảm đi, thay vào đó là sự thực dụng, ích kỷ và vô tâm. Nó chứng minh con số thống kê trên không phải là không đáng tin cậy.
Đó có phải là một trong những lý do chính, chủ đạo khiến chất lượng tinh thần và tâm hồn của nghệ sĩ tất yếu cũng vô cảm. Vô cảm giết chết nghệ thuật.
Vô cảm truyền đi thái độ vô cảm về chân - thiện - mỹ nhưng lại rất nhạy cảm về lòng tham vật chất và danh tiếng. Điều đó trở thành mục tiêu và cứu cánh của một số người làm nghệ thuật hiện nay. Sự vô cảm không chỉ đẻ ra sự vô hồn cho tác phẩm mà còn tạo ra sự vô ý thức của sáng tạo và sự vô tâm của người nghệ sĩ. Nó tạo ra môi trường nảy nở của những nhân cách nghệ sĩ thấp kém thích trộm ý tưởng, lắp ghép những mảnh rời sáng tác của người khác, lười biếng tư duy sáng tạo nhưng lại cao cường về thực dụng, chai lì và ảo tưởng. Cho nên “hình hài nghệ thuật “ đó, nếu có tạo ra cái đẹp hay cảm hứng nào đó thì chỉ hướng người ta đến dục vọng hơn là khát vọng của tâm hồn. Một người cha - tác giả như vậy làm sao tạo nên những đứa con - tác phẩm tốt hơn?
Có thể, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Nghĩa là chỉ trên những tác phẩm âm nhạc đang được phổ biến rộng rãi với sự góp sức lăng xê của truyền thông và đồng tiền. Chúng ta hy vọng đang có những tác phẩm âm nhạc ở phần chìm còn lại vẫn đủ sức đến và ở lại với trái tim nhưng nó đang chìm khuất đâu đó trong mớ vàng thau lẫn lộn đang bị xới tung lên bởi sự giải trí tầm thường cùng sự luồn lách của vật chất, danh vọng hão huyền và thoáng chốc của những ca sĩ hát vì vật chất hơn là tâm hồn.

Muốn có hoa thì phải diệt cỏ
“Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Nguyễn Trãi). Điều này thể hiện rõ trong môi trường âm nhạc hiện nay. Những giá trị tầm thường như cỏ rác nhiều vô số và được ưu thế khoác áo tươi mới của những sáng tác đương đại đang được lăng xê. Muốn có hoa thì phải diệt cỏ. Trong một khu vườn, có nhiều cỏ thì không có hoa. Khi con người chọn thứ âm nhạc vì đồng tiền và lòng tham danh lợi thì sự vô cảm sẽ xanh như cỏ dại mọc tràn lan tranh giành đất sống và làm chết héo những bông hoa đẹp của tâm hồn.

Nhạc sĩ Trần Minh Phi (Người lao động)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỖ CHÂU MAI CUỐI CÙNG CỦA LÀNG THƠ VỪA SỤP ĐỔ ?



(Chuyện thực đến 99%, còn 1 % không phải là phi thực mà là chất keo dính để nối các miếng ghép lại với nhau) 


Dăm bảy nhà thơ ngồi quây quần bên nhà thơ Áp Mái. Nhà thơ này uy tín khá cao, chức tước cũng cao, đi vòng quanh thế giới chỉ thua vệ tinh. Và nhà thơ Áp Mái trịnh trọng tuyên bố:
- Tôi sẽ viết tiểu thuyết để còn giật giải Nobel!
Người ta nghe như không gian yên ắng rạn vỡ tung tóe. Đúng ra là những tâm hồn rạn vỡ như một cuộc chuyển mình vĩ đại. Nó thực sự là một cuộc động đất. Chí ít ra đó là cách loan báo về một cuộc trời long đất lở của tâm hồn. Nhà thơ Áp Chót liền lên tiếng:
- Trời ơi, anh mà bỏ đường thơ sang văn xuôi, chúng tôi khác gì rắn mất đầu, có hoa tiêu nào để chúng tôi nương bóng. Danh tiếng thơ anh như thế, chẳng lẽ lại phí hoài, nó khác gì trái pháo hoa sắp bắn vọt ra đầu nòng, thơ anh đã vang danh Âu Mỹ, sao không tiện đó mượn thế ỷ dốc xốc tới mà lĩnh giải Nobel?
Nhà thơ Tốp Trên bảo: - Nhưng mà nói trước không bước được qua!
Nhà Quan Sát bảo: Để làm một ngôi nhà tranh, người ta phải trồng xoan 10 năm, ngâm 3 năm. Còn tre trồng 5 năm, ngâm 1 năm… Đấy cũng chỉ là nhà tre lá. Giờ anh muốn viết tiểu thuyết thì cần rất nhiều trí tuệ và logic để xây lâu đài, trong khi đó tư duy của anh lâu nay là tư duy vần vèo liệu có đủ độ cứng để kết dính thành kết cấu cho tiểu thuyết?
Nhà thơ Áp Mái bảo: Dù có thể không bước được qua nhưng vẫn còn một phần nghìn tia hy vọng, trong khi đó nếu lao vào thơ không có nổi một phần vạn tia hy vọng!
- Tại sao?
- Các bạn hãy nhìn Trung Quốc với thơ Đường chói sáng hơn nghìn năm nay với Lý Bạch, Đỗ Phủ … mà vẫn chỉ được các chuyên gia hiện đại cả Tây cả Tàu coi là “những mảnh vụn lấp lánh”. Họ có 2 giải Nobel là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn, đều là văn xuôi cả. Nhìn sang Nhật Bản cũng vậy, nào Kawabata, hay Kenzaburo Oe đều là văn xuôi. Những nước đó không thể có chuyện thơ thua Việt Nam, cho dù chúng ta có tự mệnh danh mình là cường quốc thơ đi nữa. Hai nước này phải được Nobel về thơ thì Việt Nam mới đến lượt xếp gạch?!
- Vậy nên dự báo trong khoảng bao lâu?
- Nếu hơn một nghìn năm Trung Quốc, cộng với hơn một nghìn năm Nhật Bản mà còn chưa có giải Nobel thơ cho châu Á, thì có lẽ phải đầu tư khoảng vạn năm mới đến lượt Việt Nam xếp gạch. Vì thế không thể có hy vọng. Đặc biệt là thời công nghệ này, thơ càng ngày càng xuống cấp.
Nhà thơ Tốp Trên bảo: - Tôi thấy thơ vẫn còn hy vọng, vì tôi xem xét thường cứ 6 nhà văn lĩnh Nobel thì sẽ có 1 nhà thơ.
- Ái chà, còn soi kỹ thế để mơ thơ mình Nobel cơ đấy?! – Nhà thơ Tốp Dưới bảo. – Nhưng tôi thấy, như bà Symboska hay nhà thơ Thụy Điển mới đây cũng được giải Nobel thơ đó thôi. Nhà Quan Sát nói:
- Việt Nam đừng bao giờ so sánh địa vị với những người đó. Nhà thơ Thụy Điển được vì đó là nước chủ nhà “của nhà trồng được”. Còn Symboska là công dân của nước có Chopin và nền văn hóa cao cấp hàng đầu thế giới . Trong khi đó chúng ta còn đang tranh tre nứa lá lọ mọ!
Nhà thơ Áp Chót hắng giọng: - Ôi dào cần gì phải Nobel với thế giới, chúng ta cứ hay ở địa phương là được?!
- Thế tại sao ông đang từ hội văn nghệ tỉnh cứ phải chạy về trung ương?
- Ừ… Ừ…
- Tại sao ông làm thơ bao năm rồi mà vẫn chỉ là nhà thơ Áp Chót?
- Vì tôi làm thơ chỉ cần câu ngắn mà hay!
- Người Việt nói “Thế gian chuộng của chuộng công/ nào ai có chuộng người không bao giờ”. Thi ca là một bữa đại tiệc của mỹ học thì mới đáng để người ta khao khát, giả sử ông mời mọi người đến nhà ăn cỗ, ông lại trình dãi yến bé như đồng xu, để mọi người xếp hàng đi qua liếm một cái… có thành tiệc được không? Nhà thơ Áp Chót gân cổ:
- Một đôi trai gái có cần trưng ra cỗ gì vậy mà khi họ lăn xả vào nhau vẫn sung sướng tột cùng?!
- Vậy tôi hỏi ông, tại sao vô số cột điện lại dán các biển quảng cáo “sướng lâu dài”, “xuất muộn”, “chữa cướp cò”? Giờ đôi trai gái mà ông nói đó, vừa vào trận đã cướp cò thì có lên đỉnh thiên thai được không? Mà ông có hiểu ý nghĩa của từ lên đỉnh không?
- Ừ… Ừ…
- Lên đỉnh nghĩa là càng cao đường càng dài, đấy cũng là nguyên tắc của cuộc sống, lạc thú và nghệ thuật đó. Thơ ngắn của ông có một hai câu, khác gì một hai bước chân đòi chạm đỉnh ư?
- Con phù du, con cung quăng vì cuộc đời của chúng quá ngắn nên không bao giờ được tôn trọng. – Nhà thơ Tốp Trên bảo. - Tôi Xin kể cho các ông thứ khoái lạc thời bao cấp. Thời đó cái gì cũng bao cấp, đàn bà ở hậu phương đầy ra vì chồng đi bộ đội, mà cũng trở thành thứ hàng hiếm bao cấp. Và có một thứ dịch vụ 5 hào một que diêm. Đàn ông muốn khám phá nửa vũ trụ bên kia, liền ra công viên mua que diêm và được nghe tiếng chun bật, bật diêm lên soi vào đó, vì đời của que diêm ngắn quá, hầu hết kẻ soi xem chưa đã nên cứ cố soi thêm đến mức que diêm cháy vào tận ngón tay. Rút cục anh nào đi soi một nửa thế giới đều bị bỏng- cháy xém ngón tay…
- Hu hu… hô hô … ha ha…
- Này đại ca Áp Mái còn không đợi nổi vạn năm cơ may giải Nobel. Thử hỏi tiểu đệ Áp Chót như anh phải đợi mấy vạn năm?
- Ơ… Ơ…
Nhà Quan Sát bảo: - Thực ra giới văn học Trung Hoa đã ý thức việc này từ lâu, các cây bút bỏ thơ viết tiểu thuyết lâu rồi. Còn chúng ta hãy chắc chắn điều không thể cãi này:
1- Người viết Đại thuyết là bậc thánh ! Vì đó là kinh sách.
2- Người viết tiểu thuyết có hay thế nào cũng chỉ là nhà văn, xếp dưới.
3- Còn người chỉ có câu, tạm gọi là “câu vần thuyết” chỉ là cung quăng, phù du, một que diêm cháy không bao giờ làm đủ một đam mê hay khoái lạc.
Thơ Áp Mái còn chẳng dám hy vọng. Ông Áp Chót cũng nuôi hy vọng sao?
Sự kiện này có đáng gọi là “Lỗ châu mai cuối cùng của thơ sụp đổ” không? Nếu bạn nào thấy hơi quá đáng xin các bạn đặt lại một cái tên chính xác hơn. Cám ơn các bạn!
FB Paul Đức 26/7/2015

Phần nhận xét hiển thị trên trang