Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

100 năm nữa TQ cũng không có tư tưởng gì mới?


20160423_CNP001_0

Tác giả: Li Ming (Trung Quốc)| Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời người dịch: Người Trung Quốc (TQ) thường tự hào có nền văn minh vào loại sớm nhất thế giới và may mắn tồn tại cho tới nay chứ không bị phá hủy tàn lụi như các nền văn minh Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã, v.v… Nhưng đúng là suốt hơn 5.000 năm qua họ chưa cống hiến cho nhân loại một tư tưởng đáng kể nào. Bài dưới đây bàn về căn nguyên của tình trạng ấy, nhưng tác giả Li Ming một mặt đổ diệt mọi tội lỗi lên đầu Khổng Tử và học thuyết Nho giáo của ông, mặt khác lại đề cao quá mức Lão Tử – người chưa hề đưa ra triết lý nào ảnh hưởng tới nhân loại. Tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng TQ từng viết: Hegel nói: “TQ không có triết học”. Tôi nhận định TQ không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà chiến lược.
Trên mạng có lưu truyền một phán đoán của bà Thatcher cố Thủ tướng Anh như sau:
Các bạn căn bản chẳng cần lo ngại về Trung Quốc, bởi lẽ trong tương lai vài chục năm thậm chí một trăm năm nữa, Trung Quốc không thể nào đem lại cho thế giới bất kỳ tư tưởng mới nào.
Cho tới hôm nay, đồng bào chúng ta còn chưa thấy giá trị và ý nghĩa quan trọng nhất của tín điều chân lý “người người bình đẳng” đối với “nguồn động lực văn minh” căn bản nhất của một dân tộc, xã hội, quốc gia; đồng bào ta còn biện hộ cho sự giết người của Khổng Tử,[1] biện hộ cho sự thuyết giáo giả dối về “Lễ Nhạc” của  Khổng Tử, biện hộ cho “Thuyết Thiên mệnh, Thuyết Huyết thống, Thuyết Tôn pháp, Thuyết Nhân trị, Thuyết  Cực quyền, Thuyết  Chuyên chế” mà Khổng Tử triệt để bảo vệ; tóm lại là biện hộ cho “Quan bản vị” của chế độ phong kiến. Cho tới nay người ta còn nói Khổng Tử từng là người có những chủ trương đúng đắn trong lịch sử Trung Quốc, nói ông ta là “hạt giống” ưu tú của nền văn hóa truyền thống hơn 2.000 năm qua, thậm chí còn mù quáng đi tìm trong truyền thống văn hóa Nho giáo của Khổng Tử những nguồn tài nguyên văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, “nhân văn”…
Ai có thể nghĩ rằng những người Trung Quốc ấy là một cộng đồng có “tư tưởng” được nhỉ? Đề nghị các văn nhân Trung Quốc cho tôi biết: trong nền văn hóa truyền thống của con người và dân tộc từng chôn vùi niềm tin chân lý “người người bình đẳng” liệu có thể có “nguồn tài nguyên” văn hóa hiện đại như “hiến chính”, “dân chủ”, “tự do”, nhân văn” được chăng? Đầu óc quý vị sinh ra và lớn lên như thế nào vậy? Những người sở hữu loại đầu óc ấy liệu có thể có tư tưởng đích thực của con người ư?
Tôi rất kinh ngạc khi thấy tại sao các nữ chính khách phương Tây lại đều trực tiếp phê bình Trung Quốc và tất cả họ đều bất lịch sự nói ra những lời vô cùng khó nghe.
Gần đây trên mạng có đưa tin về bài diễn văn tại Đại học Harvard của bà Hillary, vợ cựu Tổng thống Mỹ Clinton, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Trong bài nói này bà Hillary đã phê bình người Trung Quốc theo kiểu như vậy. Lời bà ấy nói gay gắt không kém bà Thatcher chút nào, hơn nữa lại còn cụ thể hơn: “Sau đây hai chục năm Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất trên toàn cầu.”
Căn cứ của bà Hillary là:
1- Xét về số người xin ra nước ngoài định cư thì 90% gia đình quan chức và 80% nhà giàu Trung Quốc đều đã xin di cư hoặc có ý định di cư. Vì sao tầng lớp thống trị và tầng lớp quyền thế của một quốc gia lại mất lòng tin vào đất nước mình như vậy? Đây thật là điều khó hiểu!
2- Người Trung Quốc không hiểu mình nên gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ gì đối với nhà nước và xã hội với tư cách một cá thể của xã hội, lại càng không hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ nên đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Về cơ bản, nền giáo dục và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đều căm ghét hoặc ma quỷ hóa các dân tộc khác và nước khác,[2] làm cho nhân dân Trung Quốc mất lý trí và mất sự phán đoán công bằng.
3- Trung Quốc là một trong số ít những quốc gia đáng sợ trên thế giới không có tín ngưỡng. Thứ duy nhất toàn dân từ trên xuống dưới sùng bái là quyền lực và tiền bạc, ích kỷ tự tư tự lợi. Một quốc gia lớn mà không có tình thương yêu con người, đánh mất sự đồng tình thì sao có thể giành được sự tôn trọng và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế?
4- Cái gọi là chính trị của Chính phủ Trung Quốc chẳng có gì ngoài sự lừa dối nhân dân, đi ngược lại tính người. Đại chúng nhân dân Trung Quốc ngày xưa là nô lệ của quyền lực, ngày nay diễn biến thành nô lệ của đồng tiền. Một quốc gia như thế sao có thể được tôn trọng và tín nhiệm?
5- Phần lớn người Trung Quốc từ trước tới nay chưa được học về ý nghĩa của một cuộc sống có thể diện và được tôn trọng. Dân chúng Trung Quốc cho rằng tất cả những gì cuộc đời cần giành được là quyền lực và tiền bạc, và họ coi như thế là thành công. Toàn dân tham nhũng, suy đồi, mơ hồ – một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nhân loại!
6- [Người Trung Quốc] mặc sức phá hoại môi trường, gần như điên cuồng chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên. Lối sống vô độ, phí phạm ấy cần tới mấy Trái Đất để thỏa mãn nhu cầu? Như thế sao mà không làm cho các nước khác lo ngại?!
Tiếp đó bà Hillary phê bình: Chính phủ Trung Quốc không thể cứ tập trung sự chú ý của mình vào nước khác và chuyển dịch sự quan tâm của dân chúng Trung Quốc sang các nước khác, tạo ra kẻ địch của mình, chuyển sức ép mình đang gánh chịu sang cho thế giới bên ngoài gánh chịu. Họ nên đi theo trào lưu thời đại và xu thế của văn minh nhân loại, chủ động thay đổi quan điểm, quan tâm tới đời sống của nhân dân, coi trọng dân chủ, không thể từ chối và áp chế nhân dân một cách vô trách nhiệm. Nếu không thì Trung Quốc chỉ có thể ngày càng mất ổn định, sẽ xuất hiện những biến động xã hội lớn và tai họa nhân đạo. 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới. Điều đó có lẽ sẽ là tai họa của toàn nhân loại, cũng vậy, sẽ là tai họa của nước Mỹ.
Phê bình càng cụ thể càng gây ra phản cảm. Vì thế sự phê bình của Hillary thường bị người Trung Quốc dùng mọi cách đối phó lại, còn lời phê bình của bà Thatcher thì người Trung Quốc chẳng thấy phản cảm gì hết, họ đều cho rằng đấy chẳng qua là “lời lẽ điên rồ của một bà lão” mà thôi.
Tôi thì lại cho rằng toàn bộ lời lẽ của hai bà ấy đều nói trúng điểm yếu của người Trung Quốc. “Điểm yếu” gì vậy? “Điểm yếu” về bản chất toàn bộ nền văn hóa, chính trị, kinh tế trong lịch sử truyền thống Trung Quốc. Lời phê bình của họ hoàn toàn nhất trí với sự phê bình của chúng ta về các “tội ác” của “truyền thống văn hóa”, “truyền thống chính trị”, “truyền thống kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Người Trung Quốc chúng ta ngày nay thực ra vẫn sống trong toàn bộ “truyền thống” lịch sử (văn hóa, chính trị, kinh tế) của Khổng Tử và Nho giáo của ông. Chẳng cần nói quá nhiều, ít nhất có ba điều như sau: về văn hóa là nói dối, về chính trị là cấm [dân] nói, về kinh tế là bóc lột và lừa bịp. Xin hỏi đó chẳng phải là những sự thật vô cùng rõ ràng đấy sao?
Sau khi văn hóa phương Tây vào Trung Quốc – kể cả việc hình thái ý thức “chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản” Marxist sau khi du nhập vào Trung Quốc, quả thực đã mang lại ảnh hưởng sâu sắc của niềm tin chân lý “người người bình đẳng” xưa nay chưa từng có trong truyền thống Trung Quốc. Có một điều rất hiển nhiên: trong ý thức của người Trung Quốc suốt hơn 2000 năm qua tuyệt đối không tồn tại sự phân chia giai cấp về cái gọi là giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, giai cấp hữu sản và giai cấp vô sản. Trong lòng người Trung Quốc chỉ tồn tại mối quan hệ quân thần,quan dân vĩnh viễn đúng, không thể thay đổi. Còn một điều hiển nhiên nữa: đúng là tại Trung Quốc ngày nay mối quan hệ quan-dân đã được cải thiện rất lớn, không còn tình trạng như thời xưa vua quan mặc sức làm mọi điều ác với dân. Ít nhất thì ngày xưa không thể có những lời nói ngoài miệng “phục vụ nhân dân” như ngày nay, tuy rằng có lúc cũng xảy ra những sự kiện xấu tương tự, thí dụ kiểu xác định tội danh dựa vào lời nói, hoặc “án văn tự” [nguyên văn Văn tự ngục].
Cho dù thế nào, Trung Quốc hiện đại và cận đại so với bọn vua quan, đế quốc ngày xưa đúng là khác rất nhiều và nên nói là đã tiến bộ nhiều. Nhưng xét về căn nguyên của sự tiến bộ ấy, tôi vẫn cho rằng đó là do ý thức “người người bình đẳng” trong đầu óc người dân Trung Quốc đã thực sự tăng lên nhiều. Không ai có thể phủ định điều này, thế nhưng dù vậy bản chất của lịch sử Trung Quốc, cũng tức là bản chất ý thức hệ của Khổng Tử và Nho giáo của ông, thì vẫn chưa bị nhổ tận gốc, thậm chí nó vẫn còn gây tác dụng cực xấu rất rõ ràng ngăn trở lịch sử Trung Quốc tiến lên.
Đây chính là nguyên nhân sâu sắc vì sao tôi phải kiên quyết phê phán “truyền thống văn hóa, chính trị, kinh tế” của Khổng Tử và Nho giáo. Ngày nay đa số mọi người chỉ hời hợt nhìn thấy ảnh hưởng của “chủ nghĩa Marx-Lenin” thời kỳ gần đây mà hoàn toàn không nhìn thấy ảnh hưởng lịch sử có tính bản chất hơn ở tầng sâu của Khổng Tử và Nho giáo. Chính ảnh hưởng lịch sử ngoan cố ở tầng sâu ấy đã gây ra tình trạng người Trung Quốc căn bản không có “tư tưởng” – bà Thatcher đã nói đúng điểm đó, rồi bà Hillary khi đào bới tình hình lịch sử nhân tính Trung Quốc cũng nói tới điểm đó.
Cho dù như vậy, tôi vẫn cứ phải phản bác họ. Bà Thatcher có thể nói trước kia người Trung Quốc không có tư tưởng, cũng có thể nói cho tới nay người Trung Quốc vẫn chưa có tư tưởng, nhưng khi bà nói thậm chí sau đây 100 năm nữa người Trung Quốc vẫn không có tư tưởng, thì thực ra bà ta thật sự không biết gì.
Chẳng riêng bà Thatcher không biết mà trên thực tế toàn bộ giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây cũng không biết gì. Đáng buồn là giới học thuật Trung Quốc ngày nay cũng thế, họ hoàn toàn chẳng biết gì, họ căn bản đã tê liệt cảm giác. Chính vì vậy mà phần đông họ vẫn như cũ, đang yêu cầu tiếp tục kiên trì “tôn Khổng”,[3] yêu cầu tiếp tục phục hồi giáo dục truyền thống Khổng-Nho. Thật là những thây ma còn sống.
Cái vô tri mà tôi nói là sự vô tri của toàn thế giới đối với tư tưởng “Đạo đức kinh” của Lão Tử, tức sự vô tri của giới tư tưởng, giới trí thức phương Tây đối với tư tưởng “Đạo đức kinh”, cũng là sự vô tri của giới trí thức trong nước Trung Quốc. Tất thảy họ đều không nhìn thấy cái vĩ đại của tư tưởng “Đạo đức kinh”, lẽ tự nhiên lại càng không nhìn thấy sẽ có một ngày nào đó, bắt đầu từ thế kỷ 21, người Trung Quốc sẽ phát hiện thấy sự vĩ đại của tư tưởng Lão Tử và tích cực chủ động tham gia học tập rộng rãi, truyền bá, nghiên cứu sâu và phát huy sâu sắc tư tưởng Lão Tử. Nếu đã thực hiện điều đó mà có ai còn bảo rằng người Trung Quốc không có tư tưởng thì kẻ ấy thật sự là kẻ mù.
Đây gần như là một cuộc đua, tức cuộc đua giữa dự đoán của bà Thatcher với dự đoán của tôi. Lẽ tự nhiên cũng gồm cả cuộc đua càng căng thẳng hơn để xem dự đoán của bà Hillary rốt cuộc có thể thực hiện được hay không, cuối cùng ai sẽ thắng? Tuy rằng tôi có quyết tâm mạnh mẽ, thậm chí có niềm tin, nhưng nói cho đến cùng đây không chỉ là việc của một cá nhân tôi mà là việc của toàn bộ dân tộc Trung Hoa! Các đồng bào của tôi liệu có thể nhận thức được sự vĩ đại của Lão Tử hay không đây? Điều quan trọng hơn là liệu đồng bào tôi có thể trước tiên nhìn thấy căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng” hay không? Ít nhất những người thuộc vào cái “ý thức hệ” cho tới ngày nay vẫn còn mù quáng kiên quyết yêu cầu trở lại với Khổng Tử và Nho giáo – những người đó căn bản không có bất kỳ “tư tưởng” nào đáng nói. Họ chẳng thể nhìn thấy [căn nguyên lịch sử của việc mình chưa có “tư tưởng”].
Nếu tất cả đều như vậy thì quả thật bà Thatcher đã nói trúng một cách hoàn toàn, triệt để, sâu sắc về tương lai của người Trung Quốc. Đồng thời dự đoán của bà Hillary cũng rất có thể trở thành hiện thực tàn khốc của Trung Quốc 20 năm sau.
Sở dĩ tôi cho rằng người Trung Quốc nên cảm ơn bà Thatcher và bà Hillary, đó là do hai bà đã đem lại cho người Trung Quốc sự kích thích của lời phán đoán tràn đầy lực va đập tinh thần mạnh mẽ. Liệu người Trung Quốc có thể dũng cảm đứng dậy và qua đó dùng tư tưởng vững vàng của dân tộc mình để trả lời hai bà không? Song le cái tư tưởng ấy phải thật sự là tư tưởng chính tông của người Trung Quốc mà tuyệt đối không phải là tư tưởng do người phương Tây bán sang rồi được người Trung Quốc thay hình đổi dạng bên ngoài.[4] Người Trung Quốc hoàn toàn có thể mạnh bạo hơn mà căn bản chẳng cần cảm thấy mình thấp kém phương Tây một cái đầu.
Nhưng cái người Trung Quốc thực sự có tư tưởng, thực sự có tư tưởng mới đối với toàn thể nhân loại ấy, phải là người Trung Quốc đã có được sự nhận thức hoàn toàn mới về Lão Tử vĩ đại và đi theo Lão Tử, chứ không phải là [đi theo] kẻ thuần túy lưu manh văn hóa, chính trị như Khổng Tử, và bọn lưu manh mới của Trung Quốc đang bám theo kẻ lưu manh cũ Khổng Tử. Thực ra xét trên ý nghĩa “văn minh” nghiêm chỉnh về tư tưởng thì tất cả bọn Tân Nho gia, Tân tân Nho gia thời cận đại và hiện đại đều là bọn “lưu manh mới”, tự giác hoặc không tự giác.
Tác giả LiMing, âm Hán-Việt là Lê Minh, triết gia Trung Quốc, sinh 1944, chủ yếu nghiên cứu logic học, lý thuyết điều khiển, và văn hóa nhân loại học. Viết nhiều, trong đó loạt bài trên mạng Phượng Hoàng phê phán mạnh Khổng Tử được dư luận quan tâm nhiều.
Nguồn: 中国人应该感谢撒切尔夫人 —中国人再过一百年,也不会有“新思想?     黎 
————————–
[1] Trong bản gốc tác giả dùng từ Khổng Khâu, tức tên thật của Khổng Tử. Chúng tôi dùng từ Khổng Tử cho dễ hiểu. Lỗ Tấn từng lên án chế độ lễ giáo phong kiến tôn ti trật tự kiểu “mối quan hệ Quân-Thần (Vua-Tôi)” 君臣关系 do Khổng Tử đề xướng là chế độ ăn thịt người. Khổng Tử đặt lòng trung thành tuyệt đối với “minh chủ” lên vị trí cao nhất trong “Tam cương”, vì minh chủ mà người ta phải hy sinh tất cả. Tư  tưởng “trung quân” đã ăn sâu vào tiềm thức người TQ, trở thành đặc tính dân tộc, xưa là trung với vua, nay là trung với lãnh tụ hoặc đảng lãnh đạo, trở thành mảnh đất nuôi dưỡng chế độ chuyên chế độc tài. Tam quốc chí có kể chuyện thợ săn Lưu An tôn sùng Lưu Bị (chỉ vì Bị là hoàng thân nhà Hán) đến mức đã giết vợ mình lấy thịt làm món ăn lạ đãi Bị. Khi biết sự thật, Bị không mắng An mà còn khóc vì lòng trung thành của An và ban thưởng cho An. Bị cảm kích nói “Anh em như chân tay, đàn bà như quần áo”. Trong Đại Nhảy Vọt 1958-1960, chính quyền địa phương thấy nông dân chết đói như rạ cũng không cứu dân (dù kho lương thực đầy ắp), không dám báo cáo lên trên vì sợ như vậy là vạch ra sai lầm của Mao. Trong Cách mạng Văn hóa, chỉ vì tỏ lòng trung thành với Đảng, với lãnh tụ mà người TQ đã có những thể hiện mất hết nhân tính, như con đấu cha, vợ đấu chồng, thanh thiếu niên Hồng Vệ Binh tra tấn dã man các bậc cao tuổi, và tổ chức bắn giết, làm chết hàng triệu người (ND).
[2] Dân mạng TQ hiện nay hỗn xược gọi người Việt Nam là “Việt hầu”, tức khỉ Việt. Ý nói VN chỉ giỏi bắt chước mà không có tinh thần độc lập (ND).
[3] Tôn Khổng, có thể hiểu là tôn thờ Khổng Tử (ND).
[4] Ý nói tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Marx-Lenin đã TQ hóa (ND)
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/07/05/100-nam-nua-trung-quoc-cung-khong-co-tu-tuong-gi-moi/#sthash.Rz2pao9P.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một hiệu ứng của việc Anh ra khỏi EU:

Đồng Yên tăng giá mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt lao đao



Đồng Yên Nhật Bản tăng giá ở tốc độ phi mã trong thời gian ngắn. Có thể một bộ phận cá nhân/doanh nghiệp hưởng lợi, nhưng những doanh nghiệp của Việt Nam đang vay tiền Yên, và những công ty của Nhật ở Việt Nam, thì phải một phen lao đao.

Hiện tại, giá 1 Yên bằng 217 đồng tiền Việt. Sáu tháng trước là mới là 187 đồng.

Tuy nhiên, có những khi, vài năm trước, giá 1 Yên ăn những 270 đồng tiền Việt.

Tin từ các nguồn.


---



Thứ bảy, 2/7/2016 | 00:30 GMT+7

Bạch Dương

Doanh nghiệp Việt lỗ nghìn tỷ vì đồng yên tăng giá kỷ lục



Vay nợ nhiều bằng tiền tệ của Nhật khiến một số doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn với mỗi biến động của đồng tiền này.


Ngày 1/7, tỷ giá yên Nhật được Vietcombank niêm yết ở mức một yên "ăn" 217 đồng. 6 tháng trước đó, con số này là 187 đồng. Như vậy so với đầu năm, yên Nhật đã tăng giá trên 16% so với tiền đồng. Diễn biến này tạo ra nguy cơ ăn mòn lợi nhuận và ảnh hướng đến kết quả kinh doanh, khả năng chi trả của các doanh nghiệp Việt có dư nợ lớn bằng đồng yên.
Nhiệt điện Phả Lại là một ví dụ, khi kết quả kinh doanh những năm qua luôn chịu tác động bởi sự lên xuống của đồng tiền này với hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận có thể mất. Quý I/2016, doanh nghiệp lỗ 156 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 57 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá (lỗ 252 tỷ đồng).
Theo hợp đồng vay nợ dài hạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 3, Phả Lại có khoản nợ 22,6 tỷ yên. Công ty đang đánh giá lại các khoản nợ vay có gốc ngoại tệ, đồng thời trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá theo quy định. Với khối nợ trên, theo tính toán của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), nếu đồng yên tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của Nhiệt điện Phả Lại sẽ cộng thêm 48 tỷ đồng. Khoản tiền này trong năm 2015 của doanh nghiệp ở mức 280 tỷ.
doanh-nghiep-viet-lo-nghin-ty-vi-dong-yen-tang-gia-ky-luc
ACV là doanh nghiệp chịu tác động lớn do vay nợ hơn 70,6 tỷ yên.
Một "ông lớn" khác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng có chung "nỗi đau" với đồng yên, khi là doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ Nhật. Đến cuối năm 2015, ACV có khoản vay nợ 70,6 tỷ yên, trong đó có 19 tỷ vay ODA cho dự án xây dựng nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất với lãi suất 1,6%. Ngoài ra, ACV được ưu đãi vay lãi suất dưới 0,5% với thời hạn trả 30-40 năm cho dự án Nhà ga quốc tế Nội Bài (T2).
Dù lãi suất ODA thấp và kỳ hạn trả nợ dài song với số vay lớn, việc đồng yên tăng giá bất thường cũng khiến doanh nghiệp này phải hứng chịu khoản lỗ tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng. Ước tính nếu yên Nhật tăng giá 1%, khoản lỗ tỷ giá của ACV là 150 tỷ. Như vậy, với mức chênh lệch khoảng 16% như trên, con số có thể lên hơn 2.100 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá Vietcombank). Trước đó trong năm 2015, ACV cũng lỗ 666 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá. 
Ngoài lãi vay, việc đồng yên tăng giá cũng ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp có quan hệ trao đổi hàng hóa với Nhật. Như việc Tập đoàn Hoa Sen hằng năm vẫn phải chi số tiền lớn nhập khẩu nguyên liệu từ nước này, nên nhiều khả năng sẽ phải trả số tiền nhiều hơn dự kiến. Các công ty xuyên quốc gia của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam như Canon, Toyota, Honda… cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Tuy vậy, đây cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn FPT hay các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, dệt may, nông sản... Chẳng hạn mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật, nên với mức tăng giá 1% của đồng yên, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp này có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.
Ngay cả trong trường hợp các hợp đồng ký kết được quy giá trị theo đôla Mỹ thì các doanh nghiệp nêu trên vẫn được lợi bởi từ đầu năm đến nay, đồng yên đã tăng tới 17,6% so với USD. 
Trước đó, những diễn biến bất ổn của kinh tế toàn cầu từ đầu năm và cơn khủng hoảng Brexit gần đây đã khiến đồng yên - một công cụ trú ẩn truyền thống của giới tài chính - tăng giá kỷ lục, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất âm. Việc Anh rời EU đã khiến đồng yên tăng giá thêm 3,4%,  mức cao nhất từ tháng 9/2014.
Không chỉ các doanh nghiệp chịu thiệt hại, đối với khối nợ công của Việt Nam cũng có nguy cơ phình to (hiện là hơn 2,7 triệu tỷ đồng) khi đồng tiền này tăng giá. Trong các bản tin nợ công gần đây của Bộ Tài chính, cơ cấu nợ theo loại tiền không được công bố. Song theo số liệu từ năm 2013 trở về trước, con số này thường chiếm tỷ lệ cao (38,8% năm 2010).
Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), riêng nợ ODA của Việt Nam với nước này là gần 12 tỷ USD, tính đến cuối năm 2014.
Gần đây, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) cho biết đang có kế hoạch nâng lãi suất, cộng hưởng với việc Anh rời EU... là những sự kiện được dự báo sẽ khiến dòng vốn thế giới dịch chuyển lớn, tìm đến những nơi trú ẩn an toàn là vàng hoặc đồng yên.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật vẫn đang tìm mọi cách để kìm hãm sự tăng giá của đồng tiền này nhằm kích thích kinh tế phát triển. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật - Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến trên thị trường tiền tệ và có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạ lãi suất nếu cần thiết. Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia chiến lược tiền tệ tại Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ tại London, đồng yen nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá.

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet-lo-nghin-ty-vi-dong-yen-tang-gia-ky-luc-3429291.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Fukushima : Phóng xạ ở Thái Bình Dương đã trở lại mức bình thường



Mức độ phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng quay lại mức bình thường cách đây 5 năm, sau thảm họa nguyên tử Fukushima ở Nhật Bản, theo một nghiên cứu được công bố hôm nay 04/07/2016.
Các nhà khoa học đã xem xét mức phóng xạ cesium lấy từ ngoài khơi vùng duyên hải nước Nhật và dọc theo Thái Bình Dương đến tận Bắc Mỹ. Chất cesium có trong chất thải của các lò phản ứng hạt nhân vốn dễ tan trong nước, rất lý tưởng để đo lường phóng xạ ở đại dương.


Ngày 11/03/2011, động đất ở cấp độ 9 kèm theo sóng thần đã phá hủy vùng Tohoku, làm gần 19.000 người chết và bị thương. Thiên tai này gây ra tai nạn nghiêm trọng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima, làm đại dương bị ô nhiễm phóng xạ chưa từng thấy, cao gấp hàng chục triệu lần. Những ngày sau đó, nước biển dùng để làm nguội các lò phản ứng đã nhiễm phóng xạ, rồi phát tán theo các giòng hải lưu.

Năm năm sau, bản báo cáo của Ủy ban khoa học nghiên cứu đại dương tập hợp nhiều chuyên gia quốc tế cho biết các chất phóng xạ đã lan đến tận bờ biển nước Mỹ. Tuy nhiên, phối hợp các dữ liệu từ 20 công trình nghiên cứu cho thấy mức phóng xạ ở Thái Bình Dương đang nhanh chóng hạ xuống.
Chẳng hạn, năm 2011 gần phân nửa mẫu vật cá ở ven biển gần Fukushima chứa lượng phóng xạ ở mức nguy hiểm. Đến 2015, số lượng này chỉ còn 1%.

Nhưng bên cạnh đó, đáy biển và các cảng gần nhà máy điện Fukushima vẫn còn bị nhiễm độc nặng từ tai nạn hạt nhân tệ hại nhất thế giới kể từ thảm họa Tchernobyl năm 1986 ; và báo cáo cho rằng cần phải tiếp tục giám sát.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160704-fukushima-phong-xa-o-thai-binh-duong-da-tro-lai-muc-binh-thuong
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ, Nhật, Hàn lần đầu tập trận hỏa tiễn chống Bắc Triều Tiên



Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hôm 28/06/2016 cùng tham gia cuộc tập trận ba bên chưa từng có từ trước đến nay, nhằm đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn. Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận tại Hawai này là « khiêu khích quân sự ».
Cuộc tập trận ba bên diễn ra một tuần sau vụ Bắc Triều Tiên bắn thử thành công hỏa tiễn tầm trung, mà theo Bình Nhưỡng là có thể tấn công các căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.


Hệ thống chống hỏa tiễn Aegis của Hoa Kỳ được đưa vào thử nghiệm, qua đó các bên tham gia tập trận có thể tăng cường khả năng tương tác, các kênh thông tin, thu thập dữ liệu.

Điều quan trọng nữa là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia. Hai láng giềng châu Á lâu nay vẫn lấn cấn trong quan hệ ngoại giao khiến Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc tạo dựng một mặt trận chung nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

Phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Đệ tam Hạm đội Mỹ tuyên bố cuộc tập trận ba bên đã «củng cố mối quan hệ vốn đã chặt chẽ giữa ba nước ». Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cho đây là « một vụ khiêu khích quân sự mới của Hoa Kỳ », và tái khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không ngần ngại « tấn công hạt nhân phủ đầu » trong trường hợp bị đe dọa.

Từ đầu năm nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt thử nghiệm thuộc chương trình nguyên tử và đạn đạo, với mục tiêu hoàn chỉnh loại hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Vụ bắn thử một hỏa tiễn Musudan mới vào thứ Tư tuần trước có thể giúp Bình Nhưỡng đạt mục đích này từ nay đến năm 2020.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter tuần trước nhận định, các vụ bắn thử hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên chứng tỏ sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống lá chắn chống tên lửa như THAAD để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ cũng như các đồng minh châu Á.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160629-my-nhat-han-lan-dau-tien-tap-tran-hoa-tien-chong-bac-trieu-tien 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc : Phó tổng biên tập tạp chí của đảng Cộng sản tự sát



Phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tự sát, theo tin từ báo chí Trung Quốc ngày 28/06/2016. Nhiều giả thiết đã được đưa ra, từ đấu đá nội bộ cho đến vấn đề tự do ngôn luận hay tham nhũng.
Ông Chu Thiết Chí (Zhu Tiezhi), 56 tuổi, cây bút tiểu luận nổi tiếng về lý luận của ĐCSTQ và là phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị (Qiushi), đã treo cổ trong bãi đậu xe ở tầng hầm tòa nhà nơi đặt trụ sở tờ báo.


Tạp chí uy tín Tài Tân (Caixin) dẫn lời một người bạn của ông Chu Thiết Chí cho biết, ông bị trầm cảm vì các xung đột ý thức hệ trong đảng, giữa phe cải cách và phe bảo thủ ngày càng quyết liệt. Trong một bài báo, ông viết nếu ĐCSTQ không giải quyết các vấn đề thực chất, « thì các tranh luận về ý thức hệ sẽ trở thành những bài diễn văn sáo rỗng, phương hại đến sự tin cậy lẫn nhau giữa đảng và chính phủ đang lãnh đạo nhân dân ». 

Từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền cuối năm 2012, chính quyền luôn hạn chế việc tranh luận. Đối với ông Chu Thiết Chí, một nhà trí thức không thể từ bỏ tính liêm chính, độc lập và quan điểm của mình. Nhưng theo tạp chí Tài Tân, « ưu tư này không phù hợp với những lời cổ vũ các cán bộ đảng viên phải đoàn kết, tuân thủ các chủ trương của đảng ». 

Trang web của Nhân dân Nhật báo hôm Chủ nhật 26/6 có đăng một tin ngắn về cái chết của ông Chu, nhưng không giải thích nguyên nhân khiến ông tự sát hôm 25/6. Nhiều báo chí khác của Trung Quốc đã đưa lại tin này, nhưng hầu hết đã rút xuống hôm nay.

Các phương tiện truyền thông Hoa ngữ ở nước ngoài cố gắng lý giải về vụ ông Chu Thiết Chí phải tìm đến cái chết, nêu ra mối quan hệ giữa ông và Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), từng là cố vấn thân cận của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Ông Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc đã nhận hối lộ và lén lút thu thập bí mật nhà nước.

Hai tuần trước khi bị thất sủng, ông đã cho đăng trên tạp chí Cầu Thị một bài viết dài trong đó dẫn tên Tập Cận Bình 16 lần, nhằm cố bày tỏ lòng trung thành. Lệnh Kế Hoạch bị cho là đã đốc thúc ông Chu Thiết Chí cho đăng sớm, trong khi tờ Cầu Thị rất thận trọng kiểm soát nội dung. Cơ quan chống tham nhũng của ĐCSTQ hồi tháng 10/2015 lên án tạp chí Cầu Thị là « bỏ rơi kiểm duyệt chính trị » và quy trình biên tập để đăng các bài báo của những người thân cận.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật ký văn nghệ 1969 (IV) Vương Trí Nhàn:




“VỠ BỜ” II  DƯỚI MẮT ANH EM TẠP CHÍ
Ông Thi, ông Tô Hoài sang bên này nói chuyện. Tôi là cái loại không được dự. 
        Sau này, NgMChâu nói lại, nghe cái lúc Tô Hoài lão ấy nói thì mới biết lão ấy khôn. Nhưng mà thằng viết cứ như thế thì không viết được. Toàn nghĩ chuyện lẩn với lách.
- Câu ông ấy nói tôi nhớ nhất chỉ là nghề văn là nghề biết huy động sức mình một cách đúng đắn nhất.
NgĐThi cho in Vỡ bờ trên Hà Nội mới. Lâu nay, tờ báo này mới lại có vẻ đắt khách như thế. NgKhải giải thích đúng là lâu nay toàn thấy những đánh nhau giết nhau, người cứ cứng đơ đơ ra, bây giờ lại thấy nói chuyện yêu nhau, tự tử, thì thả nào người ta chả thích.
Có cái chuyện Phượng chết. Người ta nói đùa với nhau, thế này thì sẽ thấy một đám biểu tình trước Hội nhà văn. Phải trả lại sự sống cho chị Phượng - Nguyễn Đình Thi là tên giết người!  Nhớ lại  một chuyện tương tự trong tiểu thuyết cổ điển, Khải dựng lên một chuyện vậy. Rồi Khải kể, đến bà vợ tôi, lâu nay có thèm đọc cái gì bao giờ đâu, thế mà bây giờ cũng đọc. Thế là Châu tương cho một câu, đúng thật, ai cũng nhận ra trong đám biểu tình ấy có vợ lão Khải. Cái câu Nguyễn Đình Thi là tên giết người! là của bà ấy đấy.
Đến một bữa cơm mấy hôm sau, mới thấy NgV Phú thông báo: Phương không chết, đang được cứu đấy... NgMChâu ra vẻ thạo đời, mình đã bảo kiểu tiểu thuyết của ông Thi phải thế mà. Có mỗi nhân vật mồi mà chết nữa thì còn gì. Cái thằng Khải nó chẳng xem ma gì, nó cứ nói hoáng thế !
Cái băn khoăn nhất, là ông Thi viết thế nào đây? Ng Khải nói tiếp:
- Cái ông này giỏi thật, bận bao nhiêu việc mà vẫn viết thế đấy, cứng không? Phen này các ông nhà mình không kêu bận nữa nhé! Ông ấy còn có chân trong Uỷ ban Văn hoá do ông Đồng làm trưởng ban nữa đấy.  Lúc đầu phân công Tố Hữu chủ trì, nhưng về sau thế nào, lại ông Đồng phải làm. Chuẩn bị ý kiến cho những loại ấy thì không có lơ mơ được.
Rồi buông một nhận xét:
- Cái ông này ông ấy viết, mình cứ cảm thấy khít khìn khịt, nghĩa là hiểu biết vừa đúng như ông ấy có.
Mai Ngữ phụ họa:
- Viết cứ như thợ nề chăng dây xây tường ấy, cứ theo dây mà xây thôi .
Sau khi bảo rằng nhân vật ông Thi đờ đẫn như thằng ma làm, tác giả muốn dắt đi đâu thì dắt, NgM Châu nói về cách viết trongVỡ bờ:
- Viết cứ như người chạy mưa ấy, cái gì cũng loáng thoáng, chạy mưa thì ai biết quần áo thế nào... Giá kể ông bỏ bớt những đoạn nông dân với lại cách mạng đi, còn toàn Phượng thôi có khi còn đọc được.
Tôi thích cách ví von của Châu quá:
- Nhưng vẫn là người chạy mưa thôi.
Rồi mỗi người ngồi đấy còn thêm một câu nữa:
- Cái chất Văn học của ông ấy hơi ít...
- Nhưng mà ông ấy có lối viết riêng của ông ấy đây. Có cái chất dung dị...
 - Dung dị đồng nghĩa với sơ lược.
- Ông ấy đặt kế hoạch ra: tuần này, phải viết được chương thứ mấy, tuần kia phải viết đến chương thứ mấy. Xong hết !
Đến Khải:
- Nhưng mà quan niệm tiểu thuyết như của ông Thi, ông Nguyên Hồng là quan niệm cũ rồi. Toàn là sự kiện năm tháng, cứ thế mà kéo, nhân vật thì người nào cũng nói như người nào. Thế thì là kiểu gì? Tiểu thuyết  bây giờ nó phải có cái ý thật rõ mới được. Viết như ông ấy tôi đếch sợ.
Trước kia, đã nhiều lần người ta bàn về hai quyển Vào lửa Mặt trận trên cao của Ng Đ Thi. Khải từng bảo ông ấy cứ viết tiểu luận với lại làm thơ thì không sao. Đằng này ông ấy lại đi viết hai quyển kia thì mình không sợ. Châu biện hộ tất nhiên, bây giờ mới thấy để chuẩn bị cho Vỡ bờ tiếp tục  ông ấy phải làm thế. Lúc ấy mà không tung hai quyển kia ra, thì bây giờ không chết à ? Trong lúc người ta đánh Mỹ, anh toàn nói những chuyện đâu đâu ấy !
Ngày nào NgM Châu cũng tìm Hà Nội mới để đọc Vỡ bờ. Tưởng là ông ta  mê lắm, nhưng một hôm tôi cầm quyển sách qua phòng báo thì ông ấy gọi lại.
- Vào đây, vào đây tôi chỉ cho ông xem. Này, cái đoạn một nhân vật đọc một bài thơ trên báo Cứu quốc mà giác ngộ... Xì... Hoá ra cũng một duộc cả. Trước kia cứ tưởng ông ấy viết tiểu thuyết bằng tay trái của ông ấy thôi. Hoá ra tay phải rồi. Đến bây giờ cũng tay phải nốt.

NG KHẢI NÓI VỀ HỘI
Trong lớp kháng chiến,  Ng Khải là người duy nhất  lọt vào thường vụ Hội. Có thể dự đoán đấy là do gợi ý từ cấp trên chứ các vị  thường vụ cũ cũng chẳng quý ông này lắm. Có cái gì họ cứ bàn riêng với nhau và ném cái nhìn về phía Khải, ngụ ý cu cậu cứ như anh Trạch Văn Đoành mới ở bên Ba di về, chả đâu vào đâu cả.
... Thỉnh thoảng, Khải lại xì ra ít chuyện các ông ấy nói về nhau. Ví dụ như bây giờ ông Mai, ông Nguyễn Công Hoan thì chả làm gì nữa rồi. May ra chỉ còn Thi, Tô Hoài. Nói riêng với Khải, bao giờ Thi cũng bảo Tô Hoài đuối lắm. Không nói được cái chung. Và văn viết sai mẹo cả. Còn Tô Hoài chê văn Nguyễn Đình Thi là văn học trò. “Nói chung văn của mình bây giờ, cổ quá”, câu ấy của Tô Hoài là ám chỉ Thi đấy. Nhưng mà chả cứ ông Thi,   -- Khải nói tiếp -- cái ông Tô Hoài ấy, văn chương cứ như người chạm trổ, suốt đời thi thút, thì thụt, thì không hiểu thế nào mà ra văn chương được. Hầu như ông ta làm việc theo giờ giấc, theo cái lối thủ công. Hầu như ông ta rất ít cố gắng đi vào cái hướng hiện đại, mặc dù ông ta hiểu biết nhiều. Bởi vì -- Khải không nói ra nhưng người nghe  phải hiểu -  như văn Khải mới là hiện đại.
Cũng có khi Ng  Khải nói nghiêm chỉnh. Nhân chuyện Bằng Việt, định xin chuyển từ Viện luật sang báo Văn nghệ,  Khải bảo sang thì tốt thôi, nhưng tôi khuyên ông là có lẽ cứ ở bên kia thì hơn. Tôi sở dĩ mấy lâu nay còn sống được là bởi vì tôi cứ ở bên tạp chí thôi, thỉnh thoảng tôi sang chơi, động có chuyện là tôi chuồn thẳng.
      Rồi Khải nói tiếp:
- Bây giờ tình hình các hội ở ngoài còn đang nhốn nháo lắm, đến các ông đầu còn nhốn nháo thay đổi nữa là ở dưới. Giá kể ông đang ở Hải Phòng, Quảng Ninh cơ thì bảo nên về ngay TW . Nhưng đã ở đây rồi, quen biết cả, muốn họp đâu thì họp, cần gì nữa. Còn cứ ở cơ quan cũ sắp xếp công việc để có thời gian thì rồi cũng được Hội cho giấy giới thiệu đi thực tế chỗ nọ chỗ kia. Bây giờ người ta đang cần người đi thay quá ấy chứ... Có chí thì chả sợ. Độ vài bốn năm nữa, ra tập thơ nữa rồi hãy về.
- ...
- Nói thật như tôi ấy mà, đứng được hơn 10 năm trong nghề, cũng đã là tốt lắm rồi. Phải cẩn thận chứ. Tình hình gay lắm, mấy hôm vừa rồi viết cái Đường trong mây, có những nhân vật thích lắm, có mấy chương thử giải thích tâm lý của người ta những ngày đầu chiến tranh, vậy mà mang đọc cho mấy ông, ông nào cũng kêu. Rồi chính tôi cũng sợ. Bây giờ mình mà không biết giữ mình, khó lắm, rồi bao nhiêu thù oán từ lâu nhân lúc mình có phốt họ mới lôi ra cả thể.
 Hôm nọ ông Tố Hữu ông ấy bảo tôi rằng chuẩn bị về mà gánh công tác tổ chức thay thế mấy ông cũ. Nhưng tôi tự bảo về làm gì? Mình nghĩ bụng ở ngoài, cứ viết tốt là được, tác phẩm hay sẽ được quần chúng mến ngay thôi. Như ông Tịnh nhà này này, dứt khoát ra ngoài thì không bằng ông Tế Hanh rồi. Khốn nạn, làm thằng nhà văn mà không viết được thì có ra cái gì, lúc nào cũng sợ bị người ta di chuyển. Cái ông Trọng Hứa đấy, lúc nào cũng nhăn nhó, cứ y như quả ba lông, nay chỗ này mai chỗ khác. Khi nào tôi không viết được nữa, tôi về biên tập, tôi về Hội muốn làm gì cũng được. Bây giờ hãy cứ ở đây, thấy cái gì sai là nói liền, chẳng ai làm gi tôi sốt.

QUANH TỜ TẠP CHÍ MỚI
Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn xuất bản. Chuẩn bị mãi mà lúc ra cũng không lấy gì làm ấn tượng lắm. Đăng một bài thơ của Sỹ Hồng, mà chính tôi khi làm ét cho Nhị Ca biên tập phần thơ đã không chọn. Khải kể tôi cũng không hiểu ông Chế Lan Viên bây giờ thế nào nữa, ông ấy cứ khen nức nở những bài mà có lần tự tay tôi loại đi rồi.
 Bằng Việt nhìn ra vấn đề thế hệ:
- Mình đã nói từ rất lâu rồi, mình chỉ viết cho thế hệ mình xem thôi mà. Mình không  sực được thơ ông ấy, thì một phản đề rất đơn giản là các ông ấy cũng không sực được thơ mình nữa.
Khải vẫn trở lại ý cũ:
- Tôi ở báo tôi biết, các ông ấy vẫn chiếm nhiều nhất trên báo, nhưng thực tế thì đổ cả rồi. Ông Xuân Diệu thì chết từ mấy năm trước, ông Chế Lan Viên cũng đang chết dần dần trong lòng người đọc. Gần đây, đi đâu cũng thấy người ta kêu Chế Lan Viên.
Nói về khen chê của các ông ấy, lắm lúc tôi cũng không hiểu sao cả. Chế Lan Viên khen mãi những Một bàn chân của Lữ Giang. Ai đó từng bảo ông nào cũng chỉ thích những thứ mình không có. Tô Hoài không thể nào chịu được Lưu Quang Vũ, còn ông Khương Hữu Dụng thì mới, mới, mới nữa.
        Lâu nay, Khải đã bảo bọn ở ngoài nó tinh lắm. Vậy mà  Tô Hoài sẽ viết bài khen Hồ Phương trên Tác phẩm mới về quyển Kan Lịch. Với Tô Hoài có thể nói Kan Lịch là một thứ Đất nước đứng lên đấy.
Những ngày này họ sống thế nào, thực hay giả, họ đã mòn đi cả rồi, hay sự thực là họ vẫn sống động hơn như thế?

CÂU CHUYỆN TRẺ GIÀ 
NgM Châu vừa viết xong bài tiểu luận Nói chuyện với một bạn đọc định đưa Tác phẩm mới . Đúng là một thứ “truyện ngắn tiểu luận”, giống như kiểu  Trước đèn  đọc Ngô Tất Tố của Nguyễn Tuân từng in trên tạp chí Văn nghệ từ hồi 1961-1962.Nhưng rồi thấy Tác phẩm mới có những bài về Người tốt việc tốt, thì ông ta lại dụt. Phải  xem lại thôi, bốc quá, Châu tự nhủ.
- Giữa lúc ngưòi ta giả, mà mình thật quá thì mình thành hấp chứ gì?
 Xuân Quỳnh kể chuyện, Quỳnh vừa được gọi đến dự cuộc đón tiếp hai nhà văn Liên xô. Cho toàn những đàn bà con gái ra tiếp. Bà Anh Thơ chưa đến đã lấy các thứ quà chiến tranh ra tặng. Đây lược máy bay. Đây mảnh thư nọ thư kia, khiến tay Marian Tkasov chạy cuống lên gác để lấy các thứ biếu lại. Lúc nói chuyện thì họ bảo cái gì cũng gật gù các đồng chí nói cho chúng tôi suy nghĩ, nghiên cứu, còn chính mình chẳng đặt được vấn đề gì cho nó cả. Một câu làm XQ giận nhất là cái câu của bà Anh Thơ:
- Ở nước tôi ai bây giờ cũng tươi trẻ cả. Thơ của chị Hằng Phương cũng trẻ như thơ của  Xuân Quỳnh.
 Quỳnh bình thêm:
-  Nói thế thì mất cả thể diện. Bao nhiêu năm nay mà thơ vẫn giống nhau. Thế thì còn cái chó gì nữa!
Chán văn nghệ, thì chủ yếu là thấy chán các ông lớn tuổi, không hiểu các ông ấy thế nào, nhưng cứ nắm hết các tờ báo thế thì bọn trẻ cũng chịu.  Tôi nghe Hà Minh Đức kể lại chuyện một hôm Lê Đình Kỵ nhờ Hà Minh Đức nói chuyện với Xuân Diệu – với tư cách trực tờ TPM, rằng Kỵ nó muốn viết về Xuân Quỳnh.
- Cái cậu Kỵ này chẳng bao giờ có mức độ gì cả. Cái độ vài phân thì cậu ấy tính ra hàng mét. Hoa dọc chiến hào đã có chị Anh Thơ viết đấy rồi, còn cần gì nữa.
Một người như thế “bắt gôn” phê bình, tất nhiên sẽ hạn chế những bài của anh em trẻ. Nghe đâu cái hôm họp phê bình ở NXB, Xuân Diệu còn bảo mười năm nữa những Khái Vinh, Mai Liên cũng không ra được một quyển sách phê bình như Xuân Diệu.
Trước kia, tôi cứ  nghĩ sang thời cách mạng, tất cả đang trẻ lại làm gì có người bảo thủ ? Bây giờ quả thật đã có người bảo thủ đấy. Ai già vẫn già. Làm sao mà đến lúc mình già, mình không rơi vào cái tình trạng như thế.
Đang thời buổi của những điều nhảm nhí! Thường đầu cứ rối tung cả lên vì bao nhiêu những người mà tôi gặp. Trước hình dung họ một đường nay họ một nẻo. Biết rằng đúng phải như thế, mà vẫn ngạc nhiên.
Vũ thì chán tất cả:
- Tao thấy bây giờ chỉ có gái và ăn là sướng nhất. Không ăn thì không hòng làm cái gì.
            -- ...
- Ngày trước tao ước ao thèm nghe đủ chuyện, bây giờ toàn chuyện đáng xấu hổ cả. Dạo ấy tao ngây thơ thế không biết. Bây giờ đi nói chuyện với con Uyên hay là ngồi chơi với thằng Định nhà tao còn hơn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đà Nẵng: TÌNH HÌNH NGƯỜI TRUNG QUỐC LÀ RẤT NGHIÊM TRỌNG


Biển Đà Nẵng là biển nam Trung Quốc (?)

Lao Động
Lâm Chí Công (tổng hợp)
4-7-2016

Hôm qua, tờ Một Thế Giới đã xuất bản bài viết “Người Trung Quốc đang “tung đòn” trên mặt trận du lịch?”. Theo đó, người Trung Quốc (TQ) thoải mái tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử nước Việt Nam ngay chính trên đất Việt Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung đã ghi lại các bằng chứng tố các HDV hoạt động chui người TQ dẫn đoàn và xuyên tạc về lịch sử Việt Nam. Những đối tượng này tuyên truyền rằng Việt Nam xưa là của TQ và nay dù độc lập nhưng vẫn lệ thuộc TQ, biển Đà Nẵng là biển nam TQ…

Tại Hội An, 2 năm trở lại đây, khách TQ đổ về khiến mọi thứ ở thành phố cổ này đảo lộn. Một giám đốc Cty du lịch chuyên về khách Tây nói rừng dừa 7 mẫu là điểm đến thú vị của Hội An được khách Tây ưa thích; vậy mà khách TQ tràn vào la hét, quậy tưng; khách Tây ngao ngán bỏ đi. Chủ tịch xã Cẩm Thanh (Hội An) thừa nhận khách Âu, khách Tây đã sụt giảm từ khi khách TQ tràn về.

H1 
HDV hoạt động chui người TQ tại sân bay Đà Nẵng (ảnh do HDV tiếng Trung cung cấp).

Tin khó tin hôm nay gửi đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thắc mắc lớn rằng ai và tại sao đã để xảy ra tình trạng “mất chủ quyền” đặc biệt nghiêm trọng đến vậy: Để cho những kẻ hoạt động du lịch chui người ngoại quốc lớn tiếng xuyên tạc lịch sử, địa lý dân tộc Việt như vậy? Nếu được đề nghị Bí thư tuyên bố thời hạn làm rõ và quy trách nhiệm, xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra thực trạng đau lòng trên.

Người Trung Quốc đang tung đòn trên ‘mặt trận’ du lịch?

Các đoàn khách TQ huyên náo trong phố cổ Hội An.
 
Người Trung Quốc (TQ) thoải mái tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử nước Việt Nam ngay chính trên đất Việt. Khách TQ ồ ạt qua du lịch như một ‘chiến lược’ phá hoại. Trong lúc đó, các ngành chức năng của các địa phương vẫn trong thế bị động. 
 
Những ngày qua, dư luận "nóng" lên về việc người TQ vi phạm pháp luật ở các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Cụ thể, tại Đà Nẵng, nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung đã ghi lại các bằng chứng tố các HDV hoạt động chui người TQ dẫn đoàn và xuyên tạc về lịch sử Việt Nam. Những đối tượng này tuyên truyền rằng Việt Nam xưa là của TQ và nay dù độc lập nhưng vẫn lệ thuộc TQ, biển Đà Nẵng là biển nam TQ…

Điều đáng nói là những đối tượng này hoạt động chui như vậy nhưng cơ quan chức năng ít xử lý được, chỉ đến khi các HDV người Việt tố cáo lên truyền thông thì Sở Du lịch Đà Nẵng mới có động thái vào cuộc. Đáng lo hơn, chính việc đi chui của HDV người TQ được phát hiện là có sự bao che từ bình phong là những HDV người Việt; một số công ty du lịch đứng tên ở các địa phương cho các công ty của người TQ núp bóng hoạt động.

Còn các đoàn khách TQ thì thực sự đang là nỗi ám ảnh. Cũng tại Đà Nẵng, một nhóm khách TQ đã có hành vi đốt tiền Việt trong quán bar. Cơ quan chức năng sau khi biết việc vào cuộc nhưng lại chưa xử lý được kẻ này. Tại Hội An, 2 năm trở lại đây, khách TQ đổ về khiến mọi thứ ở thành phố cổ này đảo lộn. Một giám đốc công ty du lịch chuyên về khách Tây nói rừng dừa 7 mẫu là điểm đến thú vị của Hội An được khách Tây ưa thích; vậy mà khách TQ tràn vào la hét, quậy tưng; khách Tây ngao ngán bỏ đi. Chủ tịch xã Cẩm Thanh (Hội An) thừa nhận khách Âu, khách Tây đã sụt giảm từ khi khách TQ tràn về.

Thống kê từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, những năm gần đây khách TQ đến Đà Nẵng tăng mạnh. Năm 2015, xếp vị trí thứ nhất với 304.044 lượt khách, chiếm tỷ trọng 24,01%. 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 211.079 lượt khách, chiếm 26,53%, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2015.

Hỏi về khách TQ, từ các quan chức đến các đơn vị, cá nhân làm du lịch đều lắc đầu với những nhận xét chung là: thiếu ý thức, ồn ào, mất vệ sinh, ăn uống nhồm nhoàm, thường đi thành từng đoàn lớn gây huyên náo…

Anh Khoa, một giám đốc lữ hành chuyên về khách châu Âu, châu Mỹ ở Hội An khẳng định rằng cách đi du lịch của người TQ là du lịch phá hoại. Họ đi đến đâu phá đến đó, không một khách nào khác dám đi chung với họ; trái với người Âu, Mỹ đi du lịch thường tạo ra thu nhập và giúp nâng cao ý thức cho dân bản địa nơi họ tới.

Vừa phá hoại môi trường du lịch Việt Nam, cách tiêu tiền của khách TQ cũng là một điều đáng lo ngại. Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận: “Khách TQ thường chi tiêu không cao. Họ làm theo kiểu khép kín. Bên kia họ tổ chức khách qua, bên này (Đà Nẵng) có người đón đưa vô nhà hàng TQ ăn uống, chỉ đi tham quan còn lại vô chỗ nghỉ của họ. Không biết họ có nộp thuế hay ngân sách thì các ngành khác như Công thương hay Thuế quản lý nhưng mà họ đi khép kín như vậy thì đồng tiền nó luân chuyển trong đó rồi về lại (TQ). Quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm soát việc nộp ngân sách của doanh nghiệp đứng tên bên này, tư cách pháp nhân này nọ. Hiện nay mình chưa làm cái đó, sẽ phối hợp để làm bên công an, công thương, sở LĐ-TB-XH vào cuộc”.

Theo ông này, đã từng có lúc Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khách du lịch giá rẻ từ TQ. “Ví dụ như trước đây có loại hình đón khách đường bộ ở vùng phía bắc, giá rất rẻ, phần lớn là khách ở vùng biên giới, họ qua phá cho nát tươm, nhưng thực ra chất lượng và thu nhập của nó không nhiều”.

Mới đây, các ngành chức năng ở Đà Nẵng mới hối hả vào cuộc để xử lý vấn đề HDV chui người TQ. Ông Cường cho biết, sau khi bị ‘động’, những đối tượng này và các công ty núp bóng đã rút vào yên ắng. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Vấn đề lớn hơn là cách đi du lịch ào ạt như một ‘chiến dịch’ của người TQ thời gian gần đây thực sự gây lo ngại. Ở Nha Trang đã thấy được hậu quả của ‘chiến dịch’ này. Còn Đà Nẵng, Hội An chỉ là vấn đề thời gian.

“Chúng ta không thể phân biệt khách, ai vào cũng phải đón” - ông Cường nói và khuyến cáo các doanh nghiệp nào chuyên thị trường TQ thì tiếp tục thị trường TQ, còn doanh nghiệp nào không chuyên thì nên tiếp tục các thị trường khác. “Không bỏ trứng vào một giỏ, tức là không tập trung hết vào một thị trường để giảm bớt rủi ro cho ngành du lịch”, ông này nói.

Thiết nghĩ, không chỉ các địa phương mà ngay từ cấp trung ương cần vào cuộc nhanh và đồng bộ, có những biện pháp cụ thể và hiệu quả để kiềm chế sự phát triển nóng như một ‘chiến dịch’ từ thị trường khách TQ. Bởi nếu không, khi các địa phương, đơn vị đã dồn hẳn và ăn sâu vào thị trường khách TQ thì chỉ cần khách TQ ngừng qua và khách truyền thống đã giảm hẳn vì tác động từ khách TQ, ngành du lịch sẽ "lãnh" đủ.

Lê Đình Dũng
---------------------

Trung Quốc thuê người đánh hướng dẫn viên Việt Nam tại Đà Nẵng

FB Mạnh Kim
4-7-2016

Trong video ngắn dưới đây do VTV thực hiện, phóng viên Quỳnh Anh nói:


“Có thể thấy rõ một không khí sợ hãi bao trùm lên tất cả hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng… Các hướng dẫn viên (Việt Nam) mà chúng tôi liên lạc được đã từ chối mọi cuộc tiếp xúc gặp gỡ… Vì nguyên cớ gì mà những hướng dẫn viên du lịch Việt Nam lại cảm thấy lo sợ đến thế khi nói ra sự thật trên chính đất nước Việt Nam của mình?”… 

Tường thuật sự kiện này, VTV cũng cho biết hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đang bị đe dọa và thậm chí có người đã bị hướng dẫn viên Trung Quốc đánh! 

 Việc hướng dẫn viên Trung Quốc ngang ngược và côn đồ chẳng có gì lạ, vì ngang ngược và côn đồ là bản chất của chế độ sinh ra những con người ấy. Điều đáng nói hơn là thái độ bất lực và hèn hạ của chính quyền trước sự hoành hành của Trung Quốc ngay trên đất nước mình, không chỉ với sự kiện này, như thể bất lực và hèn hạ là “thói quen” của họ khi đối mặt với một kẻ thù mà họ, dù nhận biết rõ hơn ai hết, không bao giờ dám gọi thẳng tên ra. Nếu những chuyện đơn giản như thế này mà không giải quyết được thì làm sao có thể nói đến chuyện giữ gìn quê hương bờ cõi?

Phần nhận xét hiển thị trên trang