Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

XIN LỖI, HỨA HẸN, RỒI LÀM GÌ CỨU DÂN CỨU BIỂN?



Dân mình oánh nhau thì ác liệt, nhưng đôi khi vì một lời xin lỗi, một cú thăm viếng bên giường bệnh, một món quà thơm thơm là có thể xí xóa cả khuyết điểm, tội ác của tội phạm. Vì thế mà cứ bị hết cú lừa này đến cú lừa khác. Rồi ức lên, rồi biểu tình, rồi chửi bới, rồi căm thù. Rồi lại nghe xin lỗi, đền bù...
Đôi khi chúng ta quên cả pháp luật, xí xóa cả pháp luât.
Câu chuyện tội ác của Formosa làm chết cá, chết biển, chết người, gây hậu họa cho hàng triệu người dân mất việc làm kiếm sống, môi trường bị hủy hoại lâu dài, thiệt hại nền kinh tế đồng bộ sản xuất - du lịch - dịch vụ, lại chỉ xin lỗi, hứa hẹn... như là họ tự xử họ mức này mức kia. Vậy chả lẽ họ thay mặt chính phú ta, dân ta để xử họ hay sao?
Nửa tỷ USD có đủ để rửa sạch biển Việt Nam 50 năm hay không? Nếu chỉ đủ để rửa 1 phần biển ngộ độc thì còn 9 phần nữa thì ai chịu trách nhiêm?
Những cán bộ ký cho phép FMS xả thải vào biển?
Những cơ quan kiểm tra xả thải?
FMS gian dối với các quy định của luật pháp VN?
Những người đàn áp biểu tình của dân phản đối FMS hủy hoại môi trường?
Nhiều. Rất nhiều người liên quan, FMS và những nhà quản lý VN.
Ai sẽ kiện và ai sẽ xử vụ này?
Và sau đó sẽ khắc phục thế nào? Hết bao nhiêu tiền thì khắc phục được hậu quả nghiêm trọng và to lớn này?
Một tiếng thở dài không biết đến bao giờ...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thôi, nghỉ cho phẻ ông Nguyên ạ!

ĐÂU LÀ LÝ DO THẬT?

Như tôi đã kể, ngày 11/6/2016 lãnh đạo thành phố Hà Nội có cuộc gặp các lãnh đạo hội văn học nghệ thuật của thủ đô, nhưng chỉ riêng tôi ở vị trí hiện tại của mình không được mời. Cảm thấy việc này không bình thường tôi đã viết thư gửi bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải và chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung (xem ảnh) để hỏi lý do. Thư được gửi đi sáng 13/6/2016 tại bưu điện Bờ Hồ. 

Ngày 23/6/2016 tôi nhận được công văn trả lời của văn phòng thành ủy (xem ảnh). Lý do nêu trong công văn này có thật không? Tôi cùng đoàn HNVHN đi du lịch Lào từ 5 – 10/6/2016. Tối ngày 8/6 khi đang ở Vientiane, lướt mạng tôi nhận được một cái “còm” của họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, báo tin sáng 11/6/2016 thành ủy có cuộc gặp mặt 9 chủ tịch 9 hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp, anh nhớ có mặt. Như vậy mình có thể dự được, tôi nghĩ, vì đêm 10/6 mình đã về lại HN. Sáng ngày 10/6 trên đường về nước, khi qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) có sóng điện thoại trong nước, tôi gọi cho chị Lệ Chi ở văn phòng Hội Liên hiệp hỏi về cuộc họp này. Chi cho biết 8 anh chị chủ tịch 8 hội có giấy mời đích danh, còn hội anh (HNVHN) thì mời anh Nguyễn Sĩ Đại, Phó chủ tịch, không có giấy mời anh. Sau cuộc gọi Lệ Chi, tôi gọi cho nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp hỏi ngay. Anh Bằng Việt nói mình cũng bất ngờ, không hiểu sao như vậy. Bây giờ ông hỏi thì để mình hỏi lên thành phố xem sao. Trong khi chờ anh Bằng Việt hỏi thì tôi điện thoại cho bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải vì trong cuộc gặp giữa bí thư và thường trực Hội Liên hiệp (27/5/2016) anh Hải đã cho chúng tôi số máy và bảo có thể liên lạc khi cần. Nhưng máy anh Hải tắt. Lát sau anh Bằng Việt gọi điện lại. Anh nói: mình đã gọi điện cho ban tuyên giáo thành ủy, họ nói là danh sách mời này do bên ban tổ chức thành ủy đưa sang. Mình lại gọi sang bên ban tổ chức, gặp chị Minh Hạnh phó ban cho biết danh sách mời do ban làm và đưa lên thường trực thành ủy duyệt. Trường hợp anh Nguyên thì chúng tôi có tham khảo một bản báo cáo của bên an ninh (PA83) trong đó có nói anh Nguyên đã và vẫn đang tham gia Văn Đoàn Độc Lập, là đối tượng quản lý của bên an ninh (anh Bằng Việt nói là nghe câu này mình phải ghi ngay ra giấy để nói lại cho ông đúng nguyên văn) nên chúng tôi quyết định không mời anh Nguyên mà mời anh Nguyễn Sĩ Đại, phó chủ tịch. Tôi cám ơn anh Bằng Việt đã cung cấp thông tin và nói là việc này nếu bung ra thì bất lợi cho thành phố, chứ tôi không hề gì. 

Sau khi nhận được công văn trên, tôi đã hỏi lại anh Bằng Việt một lần nữa là có phải Hội Liên hiệp lập danh sách đưa lên không thì anh bảo không. Gần đây, tôi được biết trong một văn bản đề ngày 3/6/2016 của Ban tổ chức thành ủy do trưởng ban Vũ Đức Bảo ký báo cáo về việc tổ chức đại hội của các hội văn học nghệ thuật của thành phố cũng có một mục riêng về tôi đánh giá nặng nề và cái câu “anh Nguyên đã và vẫn đang tham gia Văn Đoàn Độc Lập, là đối tượng quản lý của bên an ninh” được in nghiêng trong đó. Như vậy, lý do không mời tôi đương nhiệm phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, dự họp theo đúng thành phần, là đã định sẵn từ trước. Còn như nói vì tôi đi Lào không có mặt trong thời gian họp nên không mời như nêu trong công văn của văn phòng thành ủy HN chỉ là một cách trả lời vậy thôi. Tôi chỉ lấy làm lạ (mà thực ra không lạ) là sao cấp ủy thành phố không nói thật, nói rõ lý do đó ra. Vì nói như họ nói thì bản thân họ cũng thừa biết tôi không tin và cũng không ai tin. Mất lòng tin là mất tất cả.

Trước đó, chiều ngày 19/6 tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Nguyễn Đức Chung. Thấy số máy lạ 0903407319 hiện trên màn hình tôi bật nghe. Mở đầu anh không xưng tên mà nói ngay:

- Chào bác. Không hiểu sao thư bác gửi tôi từ thứ Hai mà hôm nay tôi mới nhận được.

- Chào anh. Xin lỗi có phải anh Chung không ạ?

- Vâng, tôi là Nguyễn Đức Chung. Bác Nguyên ạ, thư bác gửi tôi từ thứ Hai mà hôm nay tôi đến văn phòng mới nhận được. Về việc bác nói trong thư thì đó là việc của bên Tuyên giáo, bên Thành ủy, không phải bên Ủy ban. Cũng không có gì nặng nề đâu bác ạ.

- Vâng, tôi hiểu. Nhưng đây không phải là chuyện cá nhân tôi mà là chuyện của HNVHN và của thành phố. Tôi muốn biết lý do để còn nói với các hội viên. Cám ơn anh đã nhận thư và gọi điện cho tôi.

- Vâng, để vài tuần nữa tôi sẽ xin gặp bác, chúng ta nói chuyện. Thoải mái thôi ạ.

- Vâng, chào anh Chung.

Hiện tại Hội Nhà văn Hà Nội là hội còn lại trong 9 hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chưa đại hội nhiệm kỳ được (ngay cả hồ sơ để làm đại hội cũng chưa hoàn thành). Lý do duy nhất là lãnh đạo thành phố Hà Nội không muốn Phạm Xuân Nguyên ở cương vị lãnh đạo hội nữa vì lý do như trên. Chừng như lãnh đạo muốn tôi rút khỏi Văn Đoàn (chính xác là Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập) hoặc từ chức, nhưng tôi không thấy có lý do gì để làm hai việc đó cả. Cứ để đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất của một tổ chức quyết định, ngay cả khi HNVHN là “tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp” thì điều lệ hội cũng đã quy định quyền của đại hội là cao nhất. Với tôi làm hay không làm ở HNVHN nữa không phải là mục đích. Cái chính tôi muốn là sự công khai, minh bạch, càng ở các cấp lãnh đạo, quản lý cao thì càng phải thế. Chứ còn như cái sự mời họp / không mời họp mà đưa ra lý do như trên thì đó là gì tôi đã nói trong thư gửi bí thư và chủ tịch thành phố thủ đô rồi.

.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bà Phạm Chi Lan: Cần làm rõ những ai đã 'ưu đãi' cho Formosa gây thảm họa môi trường


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
   "Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ của Formosa là ai để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào nữa, cũng như những cá nhân, tổ chức nào buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" cho Formosa để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay" chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định
Sau hơn 2 tháng người dân cả nước mong mỏi chờ đợi, chiều 30.6, kết luận về nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung đã được cơ quan chức năng công bố chính thức. Theo đó, việc xả thải của nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) được xác định là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt.
Dù nguyên nhân đã được giải đáp nhưng xoay quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra hiện nay. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
- Chiều ngày qua 30.6, Chính phủ Việt Nam đã công bố chính thức về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung, bà đánh giá sao về kết quả này?
Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bắt Formosa phải cúi đầu chịu tội trước người dân Việt Nam, vì ban đầu thái độ của tập đoàn này rất ngông nghênh khi bắt người dân Việt Nam chọn giữa "cá và thép". Đây là một thái độ rất hỗn xược.
Do đó, trong vòng hơn 2 tháng, để bắt được Formosa cúi đầu nhận tội từ thái độ ngông ngênh này, có thể nói Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên, ở đó vẫn có 2 thông tin chưa được giải đáp. Thứ nhất là, trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm.

Ví dụ ở Việt Nam, khi các nhà thầu phụ vi phạm lỗi về môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ra thẳng quyết định là trong vòng bao nhiêu năm các nhà thầu này không được thực thi các dự án nữa. Vậy đối với trường hợp này, Formosa không những vi phạm mà còn làm ô nhiễm môi trường nặng thì Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể tuyên bố cấm hẳn từ nay những nhà thầu phụ này không được bước chân vào Việt Nam nữa.
Thứ hai là về phía Việt Nam, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những "ưu đãi" vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Theo tôi phải làm rõ. Điều này rất cần thiết vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được.
Tôi cũng rất tán thành khẳng định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không thể đánh đổi kinh tế-xã hội với môi trường.
- Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Theo bà, mức đền bù này có hợp lý? Và hậu quả đối với môi trường liệu có khắc phục được?
Con số 500 triệu USD được cơ quan chức năng căn cứ là dựa trên những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên vẫn cần phải minh bạch hơn việc trong đó có bao nhiêu chi cho thiệt hại của người dân ở 4 tỉnh khác nhau, ở đó họ thiệt hại ra sao và sẽ đền bù cho họ như thế nào?... Điều này rất cần được minh bạch để người dân cả nước được biết.
Nếu mức bồi thường là thỏa đáng, giúp cho người dân khắc phục được những hậu quả về lâu về dài thì điều này cũng làm cho chúng ta yên tâm một phần nhưng nếu chưa tính toán về những hệ lụy về lâu về dài thì cũng là điều rất quan ngại.
Thêm vào đó, bao lâu nữa hệ quả này được khắc phục đầy đủ, bao lâu nữa thì người dân có thể ra biển đánh cá được bình thường và liệu khi đánh cá được bình thường thì những sản phẩm cá của họ có được thị trường tin dùng không hay là có những nghi ngại. Sau đó cuộc sống của họ vẫn khó khăn, vì cú sốc của thị trường là vô cùng nặng nề.
Do đó, theo tôi, con số này khó mà tính toán được. Đối với Việt Nam, tôi không biết Chính phủ dùng bao nhiêu trong 500 triệu USD để khắc phục về môi trường. Con số này liệu có phải căn cứ dựa trên đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế hay không hay tiếng nói và bài toán của họ không được ghi nhận...
Mặt khác, thời gian khắc phục môi trường biển là bao nhiêu lâu: 1 năm, 2 năm hay...70 năm. Vậy khoản còn lại sau khi đền bù cho người dân có đủ để khắc phục môi trường hay không? Con số 500 triệu USD nhìn thì rất lớn nhưng khi đưa vào giải quyết hệ quả của thảm họa này liệu có hợp lý hay không?
Hơn nữa, không thể để tình trạng Formosa đền tiền xong rồi phủi tay, các cơ quan chức năng phải lập ra tổ chức giám sát việc thực hiện những cam kết mà Formosa đã tuyên bố tại cuộc họp chiều qua như: bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường, phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự...
Tất cả phải được lập kế hoạch rõ ràng để đảm bảo giám sát được những hoạt động của Formosa về sau này.
- Qua vụ việc này, phải chăng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nên khắt khe hơn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, thưa bà?
Phải thay đổi chính sách để không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không nên tin lời hứa của các nhà đầu tư vì chúng ta không thể đánh giá chính xác được các nhà đầu tư nước ngoài, cái tâm tham muốn có được về kinh tế của họ sẽ rất lớn, chứ tôi chưa nói đến việc đút lót để bất chấp môi trường.
- Vậy, theo bà, Nhà nước cần có cơ chế nào để đảm bảo không còn tái diễn sự cố tương tự như thế này?
Những cơ chế của Việt Nam vẫn còn mang tính tập thể. Theo đó, dứt khoát phải nói không với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Ngoài ra, lãnh đạo Việt Nam cũng phải dứt khoát với trách nhiệm của mình, phải có trách nhiệm với chủ quyền dân tộc để bảo vệ thế hệ sau này. Và đặc biệt, phải dứt khoát trừng phạt nghiêm những người nào vi phạm điều này.
Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cũng phải xem xét lại chế độ phân cấp quyền cho các tỉnh đối với các dự án đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, những dự án lớn là phải dành về thẩm quyển của chính phủ Trung ương quyết định, chứ không phải là chính quyền địa phương quyết định nữa. Vì phải cân đối chung việc phát triển ở nhà nước, tránh tình trạng nhiều địa phương đua nhau đi lên bằng nhiều dự án, hay trình độ cán bộ yếu kém để đưa ra những quyết định không đúng đắn.
- Cám ơn bà!
Tuyết Nhung (Thực hiện)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

CÓ HAY KHÔNG VIỆC CHE DẤU THÔNG TIN VỀ CÁ CHẾT TẠI MIỀN TRUNG?


by Hải An Phạm  |  at  7/01/2016 09:59:00 SA
Đây là toàn bộ nội dung câu hỏi được Phóng viên Báo điện tử Infonet đặt ra với các đại diện của Chính phủ tại buổi họp báo vào chiều ngày 30/06/2016. Nội dung này đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông trả lời ngắn gọn như sau: 
"Ngay sau khi sự cố xảy ra, báo chí đã thông tin rộng rãi về vụ việc. Tuy nhiên có một thời gian để đảm bảo cho quá trình điều tra, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng các thông tin suy diễn, quy chụp để tránh tác động và gây trở ngại tới quá trình điều tra. Trong một vụ việc phức tạp như cá chết vừa rồi điều tra của báo chí không thể thay thế được điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà khoa học. 
Người đứng đầu Bộ Thông tin & truyền thông, đồng thời là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ rõ nguyên do khiến một số người (trong đó có đội ngũ làm báo) nghi ngờ việc che dấu thông tin về vụ việc cá chết. Theo đó, cái mà một số người ngộ nhận "che dấu thông tin" đó thực chất là một biện pháp được Bộ Thông tin & truyền thông thực hiện nhằm đảm bảo hoạt động của báo giới không ảnh hưởng tới quá trình điều tra của các cơ quan chuyên môn, tránh những quy chụp không phù hợp khi chưa có căn cứ xác đáng gây nên những hệ luỵ không đáng có. 

Trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông này cũng không phủ nhận vai trò, tác động của báo chí trong vụ việc vừa qua. Quyền lực thứ 4 này cũng đã góp phần không nhỏ để sự việc có được kết quả như ngày hôm nay, tuy nhiên, ông này cũng khẳng định rằng: "Trong một vụ việc phức tạp như cá chết vừa rồi điều tra của báo chí không thể thay thế được điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà khoa học". Đây cũng là nguyên nhân lí giải vì sao một khi các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà khoa học vào cuộc thì hoạt động báo chí nên dừng lại. Và có như vậy thì điều tra mới sớm có kết quả để công bố công khai và tạo điều kiện để buộc thủ phạm gây nên thảm hoạ phải cúi đầu nhận tội! Thiết nghĩ đây là điều mà đội ngũ làm báo cần phải biết để hoạt động tác nghiệp của mình không cản trở, làm ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác. 

Cũng liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Trần Hồng Hà đã bổ sung thêm: "Nếu chúng tôi cung cấp thông tin hết, sẽ không còn “bảo bối” để đấu tranh với thủ phạm". 
Công văn được cho của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề ngày 18/06/2016 gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Nguồn: Internet)

Mặc dù chưa được công bố chính thức, nhưng theo một số nguồn tin đáng tin cậy, để buộc Formosa phải thừa nhận là thủ phạm gây nên hiện tượng cá chết tại vùng biển một số tỉnh Miền Trung vừa qua cũng như phải đưa ra cam kết 5 điểm thì Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã phải có những cuộc đấu trí với công ty này. Và để từ chỗ công ty này cố tình lấp liếm khi cho rằng Formosa chỉ là một trong số những tác nhân gây nên hiện tượng cá chết và đổ lỗi cho một nguyên nhân không đâu, hết sức khó hiểu (mất điện trong một số ngày nên hệ thống kiểm soát nước thải không hoạt động) trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/06/2016 đến kết quả như đã được công bố trong buổi họp báo ngày hôm qua thì không thể không nói đến yếu tố mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà xem là "bảo bối" để đấu tranh với thủ phạm: Bí mật thông tin về kết quả điều tra nguyên nhân hiện tượng cá chết. 

Có lẽ những ai theo dõi câu chuyện sẽ thừa được điều gì sẽ xảy ra nếu báo chí được quyền tiếp cận ngay kết quả điều tra nguyên nhân hiện tượng cá chết. Nó không chỉ sẽ biến Formosa Hà Tĩnh gánh chịu những tổn thất như những công ty của Trung Quốc, Đài Loan đã gánh chịu trong thời điểm giàn khoan HD981 có mặt tại thềm lục địa Việt Nam. Mặt khác, Formosa Hà Tĩnh cũng vì thế mà có điều kiện để chuẩn bị, đối phó với những kết quả do các nhà chức trách khoa học nghiên cứu và đưa ra. Một cuộc cãi vã không có hồi kết vì thế sẽ xảy ra mà không giải quyết được bất cứ điều gì bởi một khi uy tín, hình ảnh không được giữ gìn thì Formosa sẵn sàng chơi bài cùn với Việt Nam trước khi họ chấp nhận rút lui khỏi lãnh thổ của chúng ta! 

Cho nên, việc báo chí chưa được tiếp cận thông tin về quá trình điều tra, kết quả điều tra mà một số người ngộ nhận là "che dấu thông tin" đó thực chất là cách mà nhà chức trách Việt Nam buộc Formosa phải thừa nhận toàn bộ những gì do mình gây nên và cam kết các nội dung khắc phục, bồi thường; đồng thời đảm bảo cho Formosa không chịu những tổn thất khác như những gì đã xảy đến trong quá khứ! 

An Chiến 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày gió mưa, đọc lại một bài cũ:

Thi sĩ Hoàng Cầm - Nghĩ lúc nằm im

Hoàng Cầm là một trong những thi sĩ tôi thích. Nói tôi là "fan" của ông ấy cũng hoàn toàn đúng. Thời sinh tiền, Ba tôi thường nói rằng trong kháng chiến, thơ của Hoàng Cầm (như bài Đêm liên hoan) đã là động cơ tinh thần cho biết bao thanh niên vào trận và có khi hi sinh một cách hào hùng. Sau này tôi mê nhất là bài Nếu anh còn trẻ mà Phạm Duy phổ thành ca khúc Tình cầm hay tuyệt:

Nếu anh còn trẻ như năm ấy,
Quyết đón em về sống với anh.
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận.
Anh lụy đời quyên bến khói sương.
Năm tháng ... năm cung mờ cách biệt,
Bao giờ em hết nợ Tầm dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót ,
Quay về lãng đãng bến sông xa.
Thì em còn đấy hay đâu mất ?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà ...
Ui chao, lời thơ mà đọc lên nghe cứ như là nhạc! Đến tay Phạm Duy thì ông hóa bài thơ có nhạc điệu hơn:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh.
Những chiều vàng phơ phất đến,
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa

Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trức tơ!
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xa ...
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha.

Tôi mê bài này. Nghe hoài không chán, nhất là với tiếng hát của Lệ Thu hay Thái Thanh.

Mấy năm gần đây ông bị gãy xương (nhìn thấy dáng tôi chắc là ông bị loãng xương, có ai cho ổng Fosamax chưa?) nên phải nằm một chỗ. Tội nghiệp thi sĩ quá! Bài phỏng vấn sau đây của Nguyễn Thị Ngọc Hải đã đăng trên Người đô thị nhưng chưa đủ, bản này mới là bản đủ. Chú ý đoạn cuối:
"Đọc báo. Xem TV cả ngày phát chán. Giá lên. Có cảm giác nhân loại này TV Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Thấy nói thừa nhiều quá. Mà các ông đi thăm chỗ này chỗ kia, chả thấy nói ông ấy làm gì, bàn gì không biết."

Thôi tôi phải để cho các bạn đọc bài phỏng vấn.

NVT

===
Thi sĩ Hoàng Cầm - Nghĩ lúc nằm im
trò chuyện với
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Hoàng Cầm (ảnh của Nguyễn Đình Toán), không rõ năm nhưng chắc là 2007.
Hoàng Cầm – người thơ mang vị thuốc đắng ấy bây giờ lúc ngồi lúc nằm. Nếu không, phải chống tay thế này. Ngã gãy mất xương đùi trái. Đã 86 tuổi, bây giờ chàng thi sĩ đa tình và tài hoa xứ Kinh Bắc nằm yên một chỗ. Nhưng hễ có bạn bè lên thì vẫn nụ cười “ như mùa thu toả nắng”.
Bây giờ chắc ông khó mà đưa em nào buồn về bên kia sông Đuống như ngày xưa nữa rồi?
(Cười) Gãy chân đã 5 năm. Bác sĩ bảo mổ. Không. Thôi, què thế cũng được rồi. 24/24 giờ xoay xỏa mãi một kiểu nằm ở cái giường. Đám Thuỵ Kha, Trọng Tạo bảo thơ nó vận vào đó. Suốt đời “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như sông Đuống. Vậy mà tôi vừa về quê năm ngoái đấy.
Đi đứng thế nào ạ?
Ngồi xe lăn. Ô tô thuê. Về làng Lạc Thổ - Đông Hồ, còn một ông anh con bác ruột. Vài người bạn cũng thành cụ cả rồi. Yếu. Gặp nhau mừng lắm. Tôi về cùng các con dự giỗ tổ họ Bùi.
Bên kia sông Đuống vẫn xanh bãi mía bờ dâu, những cô hàng xén, những nàng dệt sợi đi bán lụa màu, những em sột soạt quần nâu.. giờ thay đổi nhiều lắm phải không ạ? Có còn “dấu vết” gì không?
Làng ấy nửa buôn bán nửa nông nghiệp, xưa nay vẫn thế. Đi chợ này chợ khác, không hẳn thuần tuý là cái làng Việt Nam. Tranh Đông Hồ thì xóm bên cạnh Tết vẫn làm. Vẫn con lợn con gà, đám cưới chuột.
Vậy làng còn đẹp như trong thơ không?
Nó đẹp hay không tự mình. Lúc nào tôi cũng thấy nó đẹp. Nhưng bến đò không còn cảm giác quê hương. Hai bên bờ đã khác. Văn minh hơn. Bến đò nay xây cầu sắt hẳn hoi, tiện cho dân. Mất thơ mộng, chả có cảm xúc gì. Chỉ thấy văn minh.
Thưa, thấy văn minh là cảm xúc…
Trước bến đò không nhà tầng bên sông, chỉ đi bộ xuống. Bây giờ thông thống cả. Mất đi không khí quê cũ. Chỉ cần một ngôi nhà ngói chen vào là hỏng rồi. Mất cái gì không biết, chỉ thấy mất. Đã gọi là bến mà, phải chờ phải đậu. Xưa có quán tạm để người chờ vào đó uống nước. Bây giờ có cầu, tất nhiên bến đò mất đi không phải chờ, vào đó uống nước làm quái gì. Văn minh phá không khí. Trẻ không có kỷ niệm. Càng già kỷ niệm càng gay gắt.
Trẻ lại có kỷ niệm khác chứ thưa ông. Nói họ không có kỷ niệm e là họ không đồng ý?
Kỷ niệm là cái đã qua, bao giờ cũng trôi về thuở ấu thơ ấy chứ. Bọn trẻ có kỷ niệm giống nhau hết cả. Thí dụ một anh 20 thì kỷ niệm của anh ta hồi 7-8 tuổi làm gì có nữa. Lúc đó bắt đầu đổi mới rồi. Không có thời gian, lấy đâu ra kỷ niệm. Mà họ giống nhau: Cùng được bố mẹ nuôi, sống ở thành phố, đi học…
Nhưng bây giờ tâm tưởng họ khác, phong phú nhiều bề, bận rộn, căng thẳng lắm chứ đâu có thong dong suy ngẫm kỷ niệm?
Cứ lấy thí dụ con cái thân thiết của gia đình mỗi nhà mà xem. Tâm tưởng thì chúng nó nghèo lắm đấy. Con tôi chẳng hạn, ngoan giỏi, yêu kính bố. Nhưng tập thơ tôi in ra. Sáng dậy nó còn ngủ. Tôi để cuốn thơ đầu giường, ngay mang tai nó, dậy nhất định thấy liền. Nó: Ờ, hay quá. Bố mới xuất bản ạ. Rồi giở lướt ra: In đẹp đấy nhỉ. Rồi để lại chỗ cũ, không cầm đi theo. Không có gì nó quý.
Vậy nó “quý” gì?
Bố có khách, nó quý người khách lắm. Họ nói chuyện thơ là nó thích, dù nó bận không nghe. Nó quý bạn thơ của bố mà chưa biết quý thơ. Đứa nào cũng phải tính làm ăn. Có tiền nuôi vợ con khá lên. Thời đại nó thế mất rồi. Giỗ vợ tôi mà đông khách khứa, bạn bè thăm bố, nó phấn khởi. Nhưng nghĩ ít. Hay là nó nghĩ gì không biết.
Con cháu có thuộc thơ ông không – cả nước phải học, vừa rồi cũng lại “Bên kia sông Đuống” là đề thi Văn mà?
Con cháu tôi đều đức độ, không phải loại vô học nhưng nó không quan tâm lắm dù cũng đã học qua rồi, bài của bố nó là tác giả. Nhưng đứa cháu lại thuộc, con chị học bên Hà Lan thì sưu tầm cẩn thận lắm.
Bài “Bên kia sông Đuống” dài lắm, đọc lên khi nào cũng nao lòng. Ông còn thuộc khômg?
Đây này, tôi sẽ đọc …(Ông đọc liền tới hơn 100 câu thì ngừng), như thế là mệt rồi. Giọng bây giờ nó cũng hỏng rồi. Hay gì. Trước sang sảng, nay có lúc khản hẳn.
Mặc dù có nhiều tác phẩm, ông có thể kể lại những cảm xúc nao lòng em oi buồn làm chi, anh đưa em về sông Đuống… làm rung động nhiều thế hệ?
Chuyện này nghiên cứu văn học có phân tích nhiều nhưng tôi vẫn sẽ nói thêm cái cảm giác của một đêm khuya năm 1948 ở khu 12 Phú Bình Thái Nguyên. Mấy anh cán bộ Nam sông Đuống lên báo cáo tình hình Pháp chiến. Tư lệnh Lê Quảng Ba mời tôi sang nghe.
Lúc đó tôi thành lập một đội văn công nhỏ. Tôi nghe họ báo cáo ở Thuận Thành, Lang Tài, La Lương, nó bắt bao người, bắt bao nhà. Đêm về nghe rõ ràng giọng chính mình vang lên mấy câu đầu “Em ơi buồn làm chi…” nó trào ra rất nhanh. Không phải nghĩ nữa. Âm điệu chữ nghĩa cứ tuôn ra. Thương quê mình quá.
Nghe nói hồi đó ông cứ phải ngồi đọc cho các cán bộ ở Côn Đảo, Phú Quốc, Campuchia về hội nghị ở Việt Bắc chép bài thơ đó. Sau nó được in ở báo Cứu Quốc. Ông còn giữ tờ báo đó không?
Chiến tranh loạn lạc, làm gì còn.
Theo ông, cái gì làm cho khung cảnh một làng quê ông sống mãi trong mọi tâm hồn?
Gắn lòng với dân tộc, thương quê. Cái gì nói lên được quê hương và những người quê hương sẽ trường tồn. Đó là một quy luật.
Nhưng có thời hình như nó bị cấm?
Lúc đó tôi nghĩ: cứ cấm đi, chỉ 10 năm nó sẽ sống lại… Ai không gì dìm cho nó “chết” được.
Ông sống rất lâu ở Hà Nội, nhưng lại không làm thơ về Hà Nội?
Tôi ở từ năm 1941-1942 khi diễn vở “Kiều Loan”. Lúc đó mới biết Hà Nội nó ở chỗ nào. Không biết thích gì ở Hà Nội. Vì nó ít kỷ niệm, hoặc kỷ niệm không đáng nhớ lắm. Cũng đi học, đi thi…
Bây giờ những tứ thơ còn đến với thi sĩ nữa không?
Thơ đầy bụng nhưng không viết được. Chỉ 3 phút là tư tưởng loãng, rối dần. Biết thôi hết rồi.
Thì ghi âm, hoặc gọi con cháu ghi giùm, không thì phí quá.
Phải nhớ, là rắc rối rồi.
Vậy phải nằm suốt ngày, nhà thơ nghĩ gì?
Không có một việc gì để làm cả. Nghĩ về dĩ vãng, công việc, vợ con, bạn bè. Chỉ thoáng thôi. Nhớ giờ không sâu nữa.
Kể cả nhiều mối tình đã từng say đắm, thi sĩ đa tình cũng quên hết sao?
13 người gia nhân – kể những người có “thành tích” tên tuổi. Linh tinh không dễ. Hầu như họ ở Sài Gòn hoặc tản mạn đi đâu hết.
Ông nằm trên tầng lầu cao nhất của ngôi nhà gần sát nhà thờ lớn. Hàng ngày nghe tiếng chuông có gợi nhiều buồn vui, dĩ vãng?
Chuông nhà thờ ở thàmh phố không thể nào sánh với chuông chùa vùng quê. Xâm xẩm chiều buông, tiếng chuông chùa quê Việt Nam nó ghê lắm. Từng tiếng một, tắt hẳn dư âm mới tiếp tiếng khác, chìm dần, đưa vào cõi không. Vời vợi rồi chìm hết. Nghe tiếng chuông chùa ở nhà quê mới hay. Chùa Quán Sứ cũng có, nhưng nó ở thành phố, không thực không khí Việt Nam. Muốn hưởng cái hay phải ở nhà quê yên tĩnh. Mà phải nghèo.
Sao vậy ạ?
Nghèo – cảm thấy hư vô không còn gì cả. Tiếng chuông chùa lên là thôi, tan dần, mới thật là Phật. Chuông nhà thờ buồn chiều một tí, nhưng chuông chùa ở nhà quê đưa người ta hiểu đúng thế nào là hư vô.
Nằm “trên trời” thế này ông có theo thời sự không ạ?
Đọc báo. Xem TV cả ngày phát chán. Giá lên. Có cảm giác nhân loại này TV Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Thấy nói thừa nhiều quá. Mà các ông đi thăm chỗ này chỗ kia, chả thấy nói ông ấy làm gì, bàn gì không biết.
Cuộc sống sinh hoạt hiện nay của ông thế nào ạ?
Ăn cháo với thịt băm. Củ cải dầm ăn được. Còn thuốc lào thì không kể được. Anh Nguyễn Đình Toán còn nhớ đấy. Năm 1993 vào Huế, ông Hải Bằng về nhà chặt tre làm điếu đem đến không kịp. Chúng tôi ra đến Quảng Trị nhờ trẻ con đi mua điếu không có. Một lần ra sân bay, Toán uống bia xong đục cái vỏ lon bia làm điếu.
Hút vậy hại sức khoẻ lắm.
Câu ấy ai cũng nói. Nhưng nó theo cả đời rồi. Mình phải cầm đóm lấy mới ngon, Để người châm hộ không ngon.
Thật ra sống đủ rồi, không muốn sống đau ốm, thế nên cho trách giời một tí.
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Bản gốc bài đã đăng trên báo Người Đô Thị
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Clip những dự định còn dang dở của phi hành đoàn CASA-212.


Thoibao Today
Trước khi chiếc máy bay CASA 212 cất cánh đi cứu hộ cứu nạn tìm kiếm chiếc Su-30MK2, những phi công, thành viên phi hành đoàn CASA 212 đều có những dự định còn dang dở với gia đình, với vợ con...
Cháu Chi Anh, cô con gái thứ hai mới 7 tháng tuổi của Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp, liệt sĩ Nguyễn Bá Thế còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau thương mất mát của bà, mẹ và cả gia đình.
Trước mỗi lần đi ngủ, Phương Linh (con gái đầu) vẫn hay được bố Thế gọi điện về đọc truyện cho nghe, nhưng mấy hôm nay mẹ cháu thay bố Thế làm việc này. Với cô bé 7 tuổi này, việc bố chưa về chỉ đơn giản là bố đang đi công tác dài ngày. Căn nhà mới vẻn vẹn 28 mét vuông giờ trở nên rộng lớn, trống trải hơn với chị Tuyết. Căn nhà mới được anh chị sửa sang, cơi nới để đón cháu bé thứ hai, mọi thứ vẫn còn rất bề bộn.
"Trước khi đi anh ấy cố gắng phải lắp hoàn thiện điều hòa và điện đóm cho 3 mẹ còn ở nhà sinh hoạt cho thuận tiện. 3 mẹ con cứ ở nhà, em cứ chăm sóc con, còn đâu mọi việc tuần sau anh về anh giải quyết. Gia đình rất tự hào về anh ấy...".
Bé Phương Linh cũng chỉ có mong muốn nhỏ rằng: "Con muốn bố con về nhà thôi!" . Cánh cửa sắt vẫn đợi anh Thế về sơn nốt như đã hẹn, nhưng lời hứa giờ đây đành phải bỏ dở dang.
Vợ của Thượng úy Lê Đức Lam đang mang bầu tháng thứ 7.
Kết hôn mới được hơn 1 năm, hạnh phúc thật ngắn ngủi với đôi vợ chồng trẻ Thượng úy Lê Đức Lam khi anh hi sinh mà chưa kịp đón đứa con đầu lòng của mình. Đang mang thai tháng thứ 7, những ngày quá với chị Đỗ Thị Thúy Nga là chuỗi ngày dài và đầy nước mắt. Nếu không có bố mẹ hai bên động viên, chị sẽ khó trụ vững.
Đồng chí Lam có một con lợn đất tiết kiệm để đón đứa con đầu lòng, sẽ không còn được anh bỏ vào đó những đồng tiền tiết kiệm nữa. Nhưng với tình yêu dành cho chồng sẽ là động lực để vợ anh can đảm bước đi trên con đường còn nhiều chông gai và khó khăn phía trước.
Vợ chồng Thiếu tá Lê Văn Đình và Nguyễn Thị Thắm thì mới đón đứa con thứ 2 chào đời cách đây 3 tháng. Trước khi hy sinh, an Đình còn hẹn vợ khi nào xong nhiệm vụ sẽ về đón 3 mẹ còn lên Hà Nội để ổn định cuộc sống. Trên đôi vai người mẹ trẻ giờ là gánh nặng cơm áo và hai đứa con còn nhỏ dại, chưa hiểu nỗi đau mất cha.
Gìa đình Thiếu tá Lê Văn Đình và chị Nguyễn Thị Thắm mới đón đứa con thứ 2 chào đời cách đây 3 tháng.
Bố Đình không về đưa con gái Hạ Bình đi học bơi được nữa, tuổi thơ của con sẽ không có những kí ức ngọt ngào ấy, nhưng chắc chắn với Hạ Bình bố sẽ là niềm tự hào để em lớn lên mạnh mẽ mỗi ngày.
Vợ cà con trai của Thượng úy Nguyễn Văn Thái trong căn nhà nhỏ vẫn còn thơm mùi sơn mới.
Với bà Hồ Thị Hồng, chiếc tivi này giờ là kỷ vật bởi nó là món quà của người con hiếu thảo. Ngôi nhà công vụ mới được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho mượn vẫn còn thơm mùi sơn, đồng chí Thái từng hẹn với vợ khi nào có 1 căn nhà đúng nghĩa sẽ đi chụp một bức ảnh cả gia đình để treo giữa nhà nhưng đó mãi mãi là một kế hoạch dở dang.
Bà Hồng bên đứa cháu nhỏ - con trai của đồng chí Nguyễn Văn Thái.
Đáng lẽ giờ này các anh có thể thực hiện những dự định này với gia đình, nhưng bây giờ các anh đã mãi mãi thuộc về Tổ quốc.
Nguồn: QPVN 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố trước quan chức Trung Quốc rằng Washington sẽ "buộc phải hành động" nếu Bắc Kinh tiếp tục khiêu khích ở Biển Đông.


Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30/6 tiết lộ, phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc tại Bắc Kinh từ ngày 5-7/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, nếu Bắc Kinh đơn phương lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên các vùng biển tranh chấp, Washington sẽ “buộc phải hành động”.
Ông Kerry không nêu rõ các biện pháp đối phó nhưng theo hãng Kyodo, Mỹ có thể sẽ tiếp tục tăng cường chiến dịch vì tự do hàng hải và triển khai các đơn vị quân sự Mỹ ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
PCA sẽ ra phán quyết về tính hợp pháp của yêu sách “đường 9 đoạn” nuốt gần trọn Biển Đông mà Trung Quốc vẽ ra.
Theo ông Kerry, cả thế giới đang chờ xem phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết của PCA.
Cũng tại các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, ông Kerry không hài lòng trước việc Trung Quốc vận động hành lang một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để những nước đó không ủng hộ quá trình xét xử của PCA.
“Chúng tôi biết việc các bạn đang làm. Đó là chia rẽ ASEAN”, ông Kerry cho hay.
Đáp trả nhận định từ phía ngoại trưởng Mỹ, một quan chức Trung Quốc bao biện: “Chúng tôi không bị ràng buộc bởi UNCLOS”.
Từ trước tới nay, Bắc Kinh liên tục rêu rao họ sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA và khăng khăng đàm phán song phương với các quốc gia khác về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò".
Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.
Mỹ đang xem xét mở rộng các hoạt động giám sát của hải quân nước này ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường xây dựng đảo và các tiền đồn quân sự trong khu vực này nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng.
Washington cũng đang theo dõi chặt chẽ liệu Bắc Kinh có tiếp tục các hoạt động khiêu khích như đơn phương tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông và bồi lấp bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough đang tranh chấp với Philippines hay không.
theo Zing

Soha News 
Phần nhận xét hiển thị trên trang