Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

"..không còn thời gian để làm việc này nữa.."

Họp gấp bàn cách hoãn thi hành Bộ luật Hình sự mới

27/06/2016 18:38 GMT+7
TTO - Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1-7. Nhưng hôm nay (27-6) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn.
Họp gấp bàn cách hoãn thi hành Bộ luật Hình sự mới
Ngày 27-11-2015, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bộ luật gồm 3 phần, 26 chương và 426 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 - Ảnh: V.D.
Cơ quan chức năng đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
“Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự cố điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đó.” - Một thành viên tham dự cuộc họp cho biết. 
Cuộc họp đã thống nhất rằng các trưởng đoàn ĐBQH sẽ đem theo tài liệu, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết về triệu tập cuộc họp đoàn trong 1-2 ngày tới để thảo luận vấn đề này.
Quốc hội có lỗi với dân. Lỗi trước hết thuộc về gần 500 đại biểu đã biểu quyết thông qua bộ luật
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn
“Các ĐBQH sẽ biểu quyết bằng phiếu tại cuộc họp đoàn, niêm phong phiếu đó lại, trưởng đoàn ĐBQH có trách nhiệm đem số phiếu của đoàn ra Quốc hội, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành kiểm phiếu."- nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết.
Nguồn tin này cũng cho rằng: "Lẽ ra phải triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường, nhưng không còn thời gian để làm việc này nữa, vì vậy đây là biện pháp khả thi nhất để Quốc hội Khóa XIII sửa sai, không để những sai sót trong Bộ luật Hình sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.”  
Nếu đa số các ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017. Trong thời gian đó, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện có sai sót.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn nói với phóng  viên Tuổi Trẻ: “Đoàn ĐBQH chúng tôi triệu tập cuộc họp vào ngày 28-6, sau đó biểu quyết ngay, bởi dự kiến ngày 30-6 Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết cho lùi thời điểm bộ luật có hiệu lực thi hành. Đây là chuyện rất hi hữu, bộ luật có quá nhiều lỗi, chắc chắn phải sửa thì mới thi hành được”.
LÊ KIÊN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Đàm phán về đường lưỡi bò là đầu hàng Trung Quốc


(GDVN) - Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước ven Biển Đông trong đó có Việt Nam không có bất cứ vùng "chồng lấn" nào với Trung Quốc.
Giáo sư David A. Welch, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế từ Trường Balsillie, Đại học Waterloo ngày 24/6 bình luận trên The Diplomat về những gì Bắc Kinh mong muốn đạt được bằng cách đàm phán song phương trong giải quyết các tranh chấp hết sức phức tạp ở Biển Đông.
Tác giả không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh ra sức chối bỏ gay gắt vai trò và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines.
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng Philippines sẽ giành chiến thắng trong một số nội dung quan trọng, nếu không được tất cả thì cũng hủy bỏ được một số yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
Vấn đề Giáo sư David A. Welch đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại thích đàm phán song phương đến vậy? Họ mong muốn hay sợ hãi điều gì? Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói gì về điều này trước dư luận thế giới?
Tàu Kiểm Ngư Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm húc hung hãn và nguy hiểm khi tuần tra và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014. Ảnh: bluebird-electric.net.
Tiền đề Trung Quốc đặt ra cho "đàm phán song phương" đẩy mọi cuộc đàm phán vào bế tắc
Theo Giáo sư David A. Welch, lựa chọn "đàm phán song phương" của Trung Quốc trên Biển Đông là đặc biệt khó hiểu khi họ đặt ra tiền đề cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông từ thời cổ đại".
Người viết xin nói rõ thêm, Trung Quốc buộc đối phương phải thừa nhận điều này, rồi mới có thể đàm phán gì thì đàm phán.
Dư luận rất dễ nhận thấy điều vô lý trong cái tiền đề này, bởi đàm phán là nghệ thuật tìm kiếm phương án các bên liên quan cùng chấp nhận được, không có bên nào là "chiến thắng tuyệt đối" trong các cuộc đàm phán.
Giáo sư David A. Welch đặt câu hỏi, nếu Trung Quốc khăng khăng (đòi các bên thừa nhận) cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông" thì còn gì để đàm phán nữa?
Bởi lẽ theo người viết, thừa nhận điều vô lý này tức là các bên chấp nhận hai tay dâng Biển Đông cho Trung Quốc, từ vị trí chủ nhân của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), nếu thừa nhận điều này thì các bên không chỉ tự hủy bỏ quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của mình, mà còn biến mình từ chủ nhân thành kẻ cướp đối với Trung Quốc.
Nếu đúng như các nhà phân tích nhận xét, Bắc Kinh đang tìm cách thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước, lý do chính để Trung Quốc cố gắng làm suy yếu vai trò pháp lý và phán quyết của PCA, thì khi đàm phán càng không thể có chuyện Bắc Kinh sẽ nhượng bộ. Bởi "nhượng bộ" sẽ gây ra phản ứng vô cùng dữ dội trong nước, theo David A. Welch.
Tuy nhiên người viết cho rằng, việc PCA hủy bỏ đường lưỡi bò có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng. Riêng đường lưỡi bò là thứ không thể đàm phán, bởi nó được vẽ ra một cách vô căn cứ, vô luật pháp, bành trướng và phi lý hết mức.
Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước ven Biển Đông trong đó có Việt Nam không có bất cứ vùng "chồng lấn" nào với Trung Quốc, vì đường lưỡi bò là một sản phẩm tưởng tượng.
Bởi vậy, giả sử trong trường hợp Trung Quốc có rút đường lưỡi bò thì đó cũng là cử chỉ đáng hoan nghênh của một nước lớn bắt đầu hiểu ra luật pháp quốc tế, bắt đầu hiểu UNCLOS 1982, tuyệt nhiên không thể coi đó là một "nhượng bộ" để đòi các bên liên quan "nhượng bộ" theo nguyên tắc có đi có lại.
Vùng chồng lấn ở Biển Đông chỉ có thể xuất hiện trong trường hợp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp theo đúng quy định của UNCLOS 1982 có chỗ đè lên nhau.
Không thể có vùng chồng lấn với cái gọi là đường 9 đoạn, đường chữ U hay đường lưỡi bò, không thể có cái gọi là "quyền lịch sử", "vùng đánh cá truyền thống" ở đây.
Trung Quốc đánh giá quá thấp Việt Nam, Philippiné, Malaysia, Brunei và Indonesia
Giáo sư David A. Welch nhận định, dư luận tin rằng Trung Quốc muốn đàm phán song phương ở Biển Đông (với các tranh chấp đa phương) là muốn "bẻ từng chiếc đũa", bắt nạt, bắt các nước nhỏ phải phục tùng.
Nhưng đó là điều kỳ lạ nếu Bắc Kinh thực sự nghĩ rằng, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei (và theo người viết có cả Indonesia) sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán chỉ để chấp nhận các điều khoản đầu hàng.

Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự

Riêng Indonesia và Việt Nam đã khẳng định rất rõ, không có cái gọi là vùng chồng lấn nào với Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Indonesia trên Biển Đông.
Phản ứng của Việt Nam rõ nét nhất trong khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014, còn lập trường này của Indonesia được thể hiện rõ trong tuyên bố của Ngoại trưởng nước này tuần qua, cũng như việc Tổng thống Joko Wiododo lên chiến hạm họp bàn chống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Natuna.
Càng gần thời điểm PCA ra phán quyết, Bắc Kinh càng phải đối mặt với một sự lựa chọn nếu Trung Quốc thực sự muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông: Chấp nhận giải quyết vấn đề thông qua một diễn đàn, một kênh tư pháp thích hợp, hoặc chấp nhận các nhượng bộ "yêu sách chủ quyền" trong đàm phán với các bên yêu sách.
Nhưng cả hai đối với Trung Quốc hiện nay đều khó, bởi họ đã và đang tuyên truyền (nhồi sọ) rất mạnh khiến rất nhiều người dân Trung Quốc tin rằng, Biển Đông là của họ.
Tuy nhiên người viết lại cho rằng, phán quyết của PCA chính là cơ hội cho Trung Quốc rút đường lưỡi bò trong danh dự.
Với phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, Bắc Kinh cũng dễ ăn dễ nói hơn với người dân của mình về cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi với Biển Đông từ thời cổ đại".
Một quan chức, một cá nhân, thậm chí là nhà nước Trung Quốc tự hủy đường lưỡi bò thì khó tránh khỏi dư luận nước này cho là họ "bán nước", bởi họ được dạy từ mầm non đến sau đại học rằng, Biển Đông là của họ.
Ở đời thường, người ta biết sai và sửa sai đã là việc khó, thì trong những vấn đề phức tạp, khó khăn và nhạy cảm như biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, cá nhân một chính khách cho đến một chính phủ nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của thế hệ trước đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội là vô cùng khó, đòi hỏi một dũng khí rất lớn.
Phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền như PCA chính là cơ hội quý báu cho các bên xem lại việc mình áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 đã đúng hay chưa, cái nào chưa đúng thì cần phải điều chỉnh.
Đó cũng là cơ hội quý báu để chính phủ các bên liên quan bao gồm Trung Quốc giải thích rõ cho người dân nước mình hiểu được, quyền lợi quốc gia mình ở Biển Đông đến đâu, theo điều khoản nào của UNCLOS 1982, nhất là đối với đường lưỡi bò.
Trật tự hàng hải toàn cầu và luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng
Đó không chỉ là đòi hỏi của các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông, mà ngay cả dư luận các nước ASEAN không có yêu sách cũng vậy. Đó là lý do tại sao The Straits Times ngày 27/6 có bài xã luận khẳng định, nếu không có UNCLOS 1982 với sự tham gia của hơn 160 nước, với sự hỗ trợ của EU, thì các vùng biển và đại dương có thể rơi vào tình trạng vô pháp luật, hỗn loạn không hồi kết.
Để có được UNCLOS 1982, nhân loại đã trải qua một quá trình đấu tranh, nỗ lực xây dựng không mệt mỏi với mục đích rất đáng ca ngợi: Cung cấp một trật tự pháp lý, quy tắc ứng xử cho các nước trên các vùng biển và đại dương, bảo vệ tự do trên biển.
Quá trình xây dựng và hình thành của UNCLOS 1982 ngoài việc đảm bảo một số vùng biển quy ước thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, các quốc gia quần đảo (như nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), phần biển cả rộng lớn còn lại là tài sản chung của nhân loại, bao gồm đi lại tự do và các nguồn lực từ vùng biển đó, các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, đáy đại dương.
Tuy nhiên Trung Quốc được xem là đang phá hoại nghiêm trọng UNCLOS 1982 mà nước này đã ký vào, đã phê chuẩn. Nổi bật nhất là việc Bắc Kinh leo thang quân sự hóa Biển Đông, vu cáo cho Mỹ quân sự hóa Biển Đông khi Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do và an toàn hàng không, hàng hải trên Biển Đông.
Tương tự như vậy, một mặt Trung Quốc nói họ không phản đối chủ quyền của Indonesia với quần đảo Natuna, nhưng lại cho tàu cá đi trước, tàu hải cảnh theo sau xâm phạm liên tục và nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Indonesia xung quanh vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Bắc quần đảo Natuna với cái cớ đó là "ngư trường truyền thống" của họ.
Bởi vậy người viết tin rằng, dù Bắc Kinh có tuyên truyền thế nào đi nữa, thì một tay cũng không che nổi mặt trời. Mặt trời của công lý, công pháp và chân lý sẽ vạch trần những âm mưu hắc ám. Người dân Trung Quốc có thể bị bưng bít một thời chứ không thể bưng bít mãi mãi, quay đầu là bờ, buông đao thành Phật nên là điều Trung Quốc suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng với phán quyết của PCA.
Hồng Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

câu chuyện toàn cầu đầu thế kỉ 21 (2006-2016)

Rinh từ Giao blog:

Sinh Mướn (Surrogate Mother) : 

Câu chuyện trong khoảng 10 năm qua.

Năm 2006, thì điểm thấy một bài thơ tiếng Việt. Đọc lại, thấy bất ngờ, đó chính là ghi chép của năm 2006 về việc Sinh Mướn trên toàn cầu. Lúc đó Sadam Hussen còn sống và đang chống Mĩ, ông Kim ở Triều Tiên vẫn say mê luyện tên lửa. Chợt ngộ ra về chức năng "biên niên kí" của thơ.

Bây giờ, năm 2016, cả hai ông lãnh tụ chống Mĩ đã qui tiên. Và đang có phong trào người Trung Quốc tích cực tham gia vào dịch vụ Sinh Mướn toàn cầu, nhất là hướng về Mĩ và Nhật. Bài của báo TP.


Dưới là nguyên các tư liệu.

---

1. Năm 2006, thơ Ái Vân Quốc

"

xâu mặt phẳng sinh/hủy


I. từ trong nhà
(chị tôi: tài tử màn bạc Nhật)
trước khi vào đường nghệ chị là á hậu Phù Tang
chẵn 40, kết duyên cùng tuyển thủ bóng chày kém 4 tuổi
đã 6 năm
tốc độ
chị mang bầu
nhà, màn bạc, bóng chày, fan
mừng
mong đợi
một buổi họp báo khao tin
tuyển thủ mấy môn đỉnh thường ẵm mĩ nhân
một bạn chị: người mẫu Quan Đông có chồng mặt rỗ ném lao, răng khủng long, mỗi lần gặp, được thân mật vỗ vai, chết điếng
một bạn khác: vốn tiếp viên hàng không người mảnh, như gái Hà thành, có phu quân là vật sĩ Sumo cỡ gần 2 tạ
rồi chẩn thai
tháng thứ ba
sét đánh: ung thư. Phải phẫu. Bỏ tử cung. Và cả bé.
mất con, mất tử cung, đâm mất hồn
chị toan lìa đời mấy bận
không thành
rồi được giới thiệu cho một mẹ thuê trong dịch vụ đẻ thuê của Mĩ đã được luật hóa: Surrogate Mother
(viết tắt SM, tạm chuyển ngữ, dạng bình dân là, Sinh Mướn)
qui trình đại loại: người ta gắp trứng chị, và tinh tử chồng, cho thụ thai ống nghiệm, rồi gửi nhờ vào tử cung SM
thành công
SM người Mĩ tóc cườm sinh cho chị một bé tóc đen
giống bố như nước giọt
hôm lễ đầy tuổi tôi, cháu víu cái chày, không đoái hoài chìa khóa và lược
(lớn ắt lại bóng chày như bố)

II. sang hàng xóm
trong hầm tối
một em gái Nga
thành máy không công
cho: vợ chồng Nga-mới làm dịch vụ
cho: những tây xanh
2 đứa 4 năm
sinh xong bắt liền
em không phải Sinh Mướn với qui trình đã kể
mà cưỡng cấu trực tiếp dưới những làn roi
giữa Mạc Tư Khoa tráng lệ
(Chúng tôi theo chân những người chăn bò thuộc Hiệp hội gia súc một thị trấn quê, vượt bể sang Nga. Đâu đó trên hải lộ này, quân Thiên Hoàng đã ngoạn mục nhấn chìm chiến hạm quân Nga Hoàng, một trăm năm trước, 1904 và 1905 – năm mà, Phan Sào Nam cùng Tăng Bạt Hổ đông du đến cảng Kobe, giữa khi thế giới chưa kịp hoảng hồn trước việc oắt con Phù Tang da vàng ăn hiếp ông khổng lồ da trắng.
Tôi tranh thủ mở sổ tay ôn lại ít tiếng Rusia [rút-xì-cai-a day dứt].Trong khi đó, những người chăn bò nói với nhau bằng thổ ngữ miền Tây, đục và rời, anh phụ tàu người Đông Kinh không hiểu hết nghĩa nên chỉ cười cười.
Một trăm năm sau, ông Kim đang muốn: phóng một đạn đạo hạt nhân từ Bình Nhưỡng, vượt hải lộ này, rơi trúng vào giữa vòng tròn mạng tàu điện thiết kế theo trận đồ bát quái ở Tokyo, để đẩy Phù Tang trở về thời kì đồ đá cũ, và, một sẽ vượt Thái Bình Dương trúng Bạch Ốc, nơi, ông Bush, có thể, đang cạo râu, tranh thủ ngó hồ sơ xử ông Sadam ở Irac, hay nhẩm thuộc một bài diễn thuyết gây uy trước những bàn dân đã giúp ông đắc cử rồi tái đắc cử)

III. từ hàng xóm về nhà
tình nguyện làm vợ hờ đẻ thuê
cho:vợ chồng hiếm người Việt
thỏa cấu trực tiếp
giá tổng thể 30 triệu/con, nếu sanh trai thưởng thêm 10 triệu
sau ngày giao con
hóa điên
một em gái Biên Hòa 20 tuổi
(Lời tâm sự trực tiếp, rồi sau đó, qua mail của một em gái miền Đông Nam Bộ hiện sống cùng gia đình chồng ở môt nông trại ngoại ô thành phố Pusan, Nam Hàn – nơi ông Roh đang bóp chán nghĩ cách ứng phó với ông Kim, người anh em ở phía Bắc, và, vừa bước vào hội đàm với tân thủ tướng Abe của Nhật. Hai ông tự bảo nhau: “Mình thôi cho nó gạo, để nó đói nhăn răng ra, xem còn hạt với chả nhân nữa hay không !”)

IV. hai tin tham khảo
– một, từ chị tôi, trong sinh nhật bé mới qua: hiện Ấn Độ là nơi được ưa nhất cho dịch vụ Sinh Mướn
– hai, trích ngang từ bảng giá niêm yết của Khoa Hiếm muộn Bệnh viên Từ Dũ:
Thụ tinh ống nghiệm thường, 8 triệu
Tiêm tinh trùng vào trứng, 10 triệu rưỡi
Xin trứng, 9 triệu và 11 triệu 5 trăm, 2 loại
Trữ lạnh phôi, từ triệu rưỡi đến 3 triệu, tùy số phôi
Phẫu thuật lấy tinh trùng, 3 triệu
(việt-nam-đồng, thời điểm tháng 9 linh sáu)
V. tin giờ chót
cảnh sát Nhật mới bắt U 50
thít cổ con 19 đang nồng trong chăn một sáng xuân hoa đào mãn khai ngoài cửa sổ
nhiều
năm
trước
thầm
thì
thầm
thì
lần
lượt
lần
lượt
tự
thịt
3 anh chị của cô gái 19
nhẻm
trong những hôp các-tông, mà mỗi lần chuyển nhà cũng chuyển đi theo
(những cái hộp dùng đóng táo hay cam vẫn thấy hàng núi trên cửa khẩu Bằng Tường)
mở ra
là bạch cốt trên dưới một mét
và băng phiến tẩy mùi
thịt xong
u gọi tắc-xi
ra quán
uống liền ba vại bia tươi
lặng
lẽ
khóc
Một người chăn bò lặng lẽ, mắt chớp chớp, như bảo: “Chưa biết tên lửa đối không của Mĩ ở biển Nhật Bản có cản kịp không”
Tokyo, trùng thập, 2006

"
http://damau.org/archives/13267


2. Năm 2016, tin của báo chí tiếng Việt


06:38 ngày 26 tháng 06 năm 2016



TP - Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều bà bầu Trung Quốc tìm cách sang Mỹ lâm bồn để con họ sau khi sinh ra được mang quốc tịch Mỹ. Thế nhưng, báo chí Mỹ lại phát hiện một hiện tượng mới đang trở thành trào lưu: Đó là các cặp vợ chồng Trung Quốc sang Mỹ hoặc Nhật để mượn bụng sinh con.
Ngày càng có nhiều khách hàng Trung Quốc sang Nhật mượn bụng sinh con.Ngày càng có nhiều khách hàng Trung Quốc sang Nhật mượn bụng sinh con.
Ưu thế quốc tịch Mỹ
Hãng truyền hình CNN từng làm phóng sự về vấn đề này, qua phỏng vấn nhiều công ty Mỹ kinh doanh việc cho thuê bụng để sinh con, phát hiện ra ngày càng có nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc tìm đến dịch vụ này, góp phần hình thành một ngành nghề làm ăn phát đạt ở Mỹ.
Theo báo giá của công ty đẻ thuê ở Mỹ, dịch vụ thuê bụng để đẻ thông thường phải trả từ 130 đến 150 ngàn USD. Một công ty làm dịch vụ đẻ thuê có tên là “Extraordinary Conceptions” cho biết đã đón tiếp mấy trăm cặp vợ chồng đến từ Trung Quốc, mỗi tháng tư vấn hàng chục trường hợp. Khách hàng đều là thân nhân của những đại gia giàu có trong giới kinh doanh hoặc quan chức. Mục đích việc mượn bụng sinh con này không có gì khác ngoài việc chuẩn bị cho việc cả gia đình rời Trung Quốc sang Mỹ định cư.
Dễ dàng chuyển tài sản sang Nhật
Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện trào lưu mới là “mượn bụng mẹ Nhật Bản sinh con Trung Quốc”. Theo báo Nhật “Mainichi Shimbun” (Tin tức hàng ngày) số ra ngày 18/6/2016, do chiến dịch “đả Hổ, đập Ruồi” diễn ra ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ nên các quan tham và những thương nhân từng hối lộ quan chức để được kinh doanh thuận lợi rất khiếp đảm, ngày đêm nghĩ cách di chuyển tài sản trước để tính đường chuồn sau này. 
Tại phố Kabukicho ở Tokyo có hẳn một “Trung tâm đẻ thuê” hoạt động bí mật chuyên phục vụ thân nhân các quan chức Trung Quốc tới tìm người mang thai hộ, nói nôm na là “cho mượn bụng sinh con”, sau đó sẽ chuyển tài sản sang cho đứa bé sinh ra ở Nhật.
Sau hơn 1 năm kiên trì bám trụ, móc nối, cuối cùng phóng viên “Mainichi Shimbun” đã tiếp xúc được 2 khách hàng Trung Quốc, một phụ nữ ngoài 30 tuổi và một người đàn ông 40 tuổi.
Người phụ nữ này sinh sống ở Bắc Kinh, chồng cô là một cán bộ quản lý của một công ty thương mại. Chú ruột của chồng là một quan chức giữ chức vụ cao ở trung ương. Ông chú này nói, nếu trong gia đình có đứa bé có quốc tịch Nhật Bản, nếu không may xảy ra điều gì thì cả nhà dễ dàng sang đó tỵ nạn, do đó đã yêu cầu vợ chồng cô sang Nhật tìm người mang thai đẻ hộ.
 “Trung tâm mang thai hộ” sẽ giúp khách hàng Trung Quốc tìm một phụ nữ người Hoa có chồng là người Nhật để mang thai đẻ hộ, bởi chỉ cần bố hoặc mẹ có quốc tịch Nhật thì đứa trẻ sau khi sinh cũng sẽ được mang quốc tịch Nhật. Sau đó, tài sản sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Nhật và dễ dàng dùng số tiền đó để mua nhà cửa, mở công ty kinh doanh ở 
nước này.

Tháng 5/2013, cô này đã được giới thiệu gặp mặt một phụ nữ Nhật gốc Hoa nhận lời cho “mượn bụng”; tháng 4/2014 cô và chồng đã có được cậu con trai mang quốc tịch Nhật như mơ ước của cả gia tộc.
Nhà giàu Trung Quốc sang Nhật mượn bụng sinh con - ảnh 1
Phố Kabukicho, Tokyo nơi đặt đại bản doanh trung tâm mượn bụng sinh con.

Trường hợp thứ hai là người đàn ông 40 tuổi ở khu Tân Kiều, Bắc Kinh. Người này kể với phóng viên: Ngày 9/6/2013, anh ta nhận được điện thoại của ông chú là một quan chức cấp cao giữ vị trí trọng yếu ở trung ương. Ông này nói: “Có vẻ ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành chống tham nhũng triệt để nên nhà mình phải chuyển tài sản đến nơi an toàn hơn. 


Nghe người bạn nói nếu có đứa con do người mẹ Nhật đẻ hộ thì sẽ rất bảo đảm. Cháu hãy lo liệu vụ này đi”. Sau đó anh ta và vợ đến khu phố Kabukicho để móc nối và thực hiện việc đưa trứng đã thụ tinh vào tử cung một phụ nữ Trung Quốc sống ở Nhật. 
Tháng 8/2014, anh ta có được cậu con trai mang quốc tịch Nhật, sau đó gửi vào nhà trẻ nuôi dưỡng. Năm ngoái, anh ta xin được visa sang Nhật làm việc, hiện sống ở Nhật, mỗi tháng được gặp mặt con trai 2 lần. 
Phóng viên “Mainichi Shimbun” cho biết, đứa bé này đã có hơn 2 tỷ Yên (tức 440 tỷ VND) trong tài khoản cá nhân, đấy chỉ là một phần trong tài sản của gia tộc được phân tán khắp nơi.
Một người Tokyo làm nghề môi giới dịch vụ này cho phóng viên xem 2 cuốn sổ ghi chép cho thấy 4 năm qua riêng anh ta đã môi giới cho 86 đứa trẻ Trung Quốc có được quốc tịch Nhật nhờ phương phap “mượn bụng sinh con”. 
Các khách hàng Trung Quốc có đủ loại: quan chức, chủ công ty, giáo sư đại học… Hiện nay, phí dịch vụ cho mỗi ca “mượn bụng sinh con” lên tới 15 triệu Yên (3,3 tỷ VND) , tuy vậy ông này nói số người đăng ký vẫn tiếp tục gia tăng.
Tờ “Mainichi Shimbun” dự đoán năm 2017 tới đây sẽ diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, một sự biến động lớn về nhân sự các cấp tất diễn ra, số khách hàng Trung Quốc sang Nhật “mượn bụng sinh con” sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo báo chí Trung Quốc
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dang dở


Gió bay từ muôn phía. Tới đây ngập hồn anh. Rồi tình lên chơi vơi. Thuyền anh một lá ra khơi. Về em phong kín mây trời. Ðêm đêm ngồi chờ sáng, mơ ai. Mộng nữa cũng là không. Ta quen nhau mùa thu. Ta thương nhau mùa đông. Ta yêu nhau mùa xuân. Ðể rồi tàn theo mùa xuân. Người về lặng lẽ sao đành…”
Giai điệu thiết tha của “Tà Áo Xanh,” cũng chính là cung khúc vô biên của “Dang Dở” vang lên trong trí tưởng, khi tôi ngồi giữa thời gian, một thời gian được mệnh danh là ngõ hẹp của tâm tư, là ngõ rộng của cuộc đời, và là chiều thứ tư của vũ trụ. Chỉ là giai điệu thôi, nhưng âm hưởng độc huyền của khúc hát
“Ta quen nhau mùa thu
Ta thương nhau mùa đông
Ta yêu nhau mùa xuân
Ðể rồi tàn theo mùa xuân
Người về lặng lẽ sao đành”
Ðã khiến cõi người ta hiểu rất rõ thế nào là người gần để ly biệt, thế nào là ra đi hay trở về cũng không đành. Ca từ của “Tà Áo Xanh-Dang Dở,” xui giục lòng tôi nhớ khúc tâm ca của Thiền Sư Tuệ Sỹ:
Ðôi mắt ướt tuổi vàng trên khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn. Ðể cảm nhận “Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở. Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan. Cười với nắng một ngày sao chóng thế. Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.” Cũng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu mà một ngày sao chóng thế. Cũng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu, mà mùa đông với mùa hạ liên tiếp đến, vẫn cứ phải hỏi lòng buồn chăng. Hình như bất cứ ai trên cõi đời này, cuối cùng vẫn không bằng lòng với những gì họ đã thực hiện, những gì họ đã thành công, những gì họ đã có và đã nắm bắt được.Vậy thì phải chăng dang dở là vấn nạn, khi ai đó nhận thức và ý thức về thân phận cùng khốn của kiếp người. “Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì.” Nguyễn Gia Thiều đã nói như vậy. Ðặng Trần Côn-Ðoàn Thị Ðiểm cũng nói như vậy, khi minh họa bằng những hình ảnh khác: Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. Nguyễn Du không ngoại lệ, đã từng thở than: “Sè sè nấm đất bên đàng. Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.”
Có nghĩa là những người đã cống hiến rất nhiều, vẫn cảm nhận nguyên khối dở dang. Những dang dở quen thuộc nhất nhưng cũng khiến cõi người ta bi lụy nhất, đó là sự dang dở giữa người ra đi và người còn ở lại, đó là sự dang dở của những người tài hoa lỡ vận. Tâm hồn càng lớn, tài năng càng cao, ý nguyện càng nhiều. Thế nên làm sao lại chẳng dang dở. Bao nhiêu biểu hiện tiếc thương mến mộ giữa người đi và người ở, giữa người sống và người chết, giữa tài hoa và nghịch cảnh, là bấy nhiêu sự níu kéo bất lực, bấy nhiêu mối giao tình, bấy nhiêu ước mơ đã chùng xuống, đã kết thúc, đã phải đứng trước bước đường cùng. Sự dang dở này có thể là một phương trình chứa đầy ẩn số, có thể là một phương trình vô nghiệm. Ngày lại qua ngày, đời sống dư đầy những con số chưa biết sẽ kết thúc như thế nào. Phải chăng chính vì thế, bây giờ cũng giống thuở xưa, từng giòng người, từng thế hệ mải miết thinh lặng kiên định đi tìm kết quả của một phương trình có nhiều ẩn số, của một phương trình vô nghiệm, cho dẫu không nhiều hy vọng. Từ đó, dang dở bỗng dưng cách điệu, bỗng dưng trở thành những điều thân quen, đáng trân quý. Mặc dù sự thân quen đáng trân quý của dang dở có khác thường, có khập khiễng, bởi vì ngăn sông cách núi, bởi vì tình cảnh trái ngang, bởi vì âm dương cách biệt. Trên cao lộng gió, giữa rừng thông ngàn năm ngời xanh, những người trưởng thành từ nhiều cảnh ngộ dang dở, chừng như đã dứt bỏ được những tỵ hiềm, ích kỷ, căm hận, oán thù, để tâm linh tương thông giữa trời cao đất rộng.
Lên đường là tiếng gọi định mệnh của dang dở. Hình như bất cứ ai sống trên cõi đời này, cũng đều khởi đi từ một hành trình dang dở thật lâu dài, giữa đêm đen vô tận. Hành trình dang dở này không chỉ cần một đôi chân rắn chắc, bền bỉ, không mỏi mệt, lụi tàn; mà còn cần một điều gì đó khác thường của định mệnh. Há chẳng phải suốt chiều dài lịch sử nhân loại, cõi người ta đã nhận lãnh sứ mệnh đi trên cuộc hành trình tìm kiếm định mệnh dang dở hay sao? Ðịnh mệnh dang dở này khởi từ thần quyền của Tạo Hóa, hay từ một bàn tay đầy uy lực nào đó trong giòng thế sự mênh mông? Cho dẫu bắt đầu từ căn nguyên cội rễ nào, phải chăng Alpha vẫn là khởi đầu của cuộc hành trình lên đường theo tiếng gọi định mệnh của dang dở, và Omega chính là cùng đích của sự dở dang. Phải chăng “từ núi lạnh đến biển im muôn thuở. Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan.”Nên “đôi mắt ướt tuổi vàng trên khung trời hội cũ.” Nên “áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang.” Nên Ðoàn Chuẩn-Từ Linh đã hát:“Có màu nào không phai. Như màu xanh ái ân.” Cho dẫu là như thế, cho dẫu“mộng nữa cũng là không,” thì “người về lặng lẽ sao đành.”
Con đường dang dở lâm ly. Ai qua bến khác hồ nghi kiếp người.
HV – 10:30am Thứ Bảy ngày 18 tháng 06 năm 2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang