Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

HÀ NỘI TUYỂN ĐẶC CÁCH VỢ PHI CÔNG TRẦN QUANG KHẢI



Vợ và con anh đại tá phi công Trần Quang Khải.
.
Vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục

VTC News
Thứ hai, 20/06/2016, 06:15 AM

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở GD&ĐT và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục.

Theo nguồn tin VTC News nhận được, hôm nay (20/6), UBND TP.Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội sẽ công bố quyết định này. 


Đây là hành động tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội, với đất nước. Đây cũng là sự quan tâm kịp thời của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói riêng, lãnh đạo Thành phố, sở, ban, ngành Hà Nội nói chung mong góp phần làm vơi bớt nỗi đau của gia đình phi công Khải.

Được biết, chị Hà - vợ phi công Trần Quang Khải hiện là giáo viên dạy gia sư và hợp đồng, chưa có biên chế chính thức ở trường nào. Hoàn cảnh kinh tế vẫn khó khăn nên vợ con anh phải đang ở nhờ nhà của một người bạn.

Theo nguyện vọng, vợ Đại tá Trần Quang Khải sẽ được tuyển dụng vào trường Chu Văn An (Hà Nội).
 

.
Trả lời VTC News, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hoan nghênh chủ trương kịp thời này của TP. Hà Nội và cho biết Bộ cũng sẽ có thông báo chính thức trong hôm nay. 

Đại tá Trần Quang Khải hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu máy bay SU-30MK2 ngày 14/6, tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An.

Cũng trong sáng nay 20/6, lễ viếng Đại tá Trần Quang Khải được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4 (đường Lê Viết Thuật, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Lễ truy điệu vào hồi 9h30 – 10h ngày 20/6. Sau đó, thi hài được đưa từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An về quê thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 18h ngày 20/6 đến 7h30, ngày 21/6.

Lễ đưa tang và hỏa táng diễn ra ngày 21/6 tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, TP Hà Nội. Lễ an táng vào hồi 17h ngày 21/6, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Ngày 19/6, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thăng quân hàm từ Thượng tá lên Đại tá cho phi công Trần Quang Khải.

Đại tá Trần Quang Khải là Phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong quá trình công tác anh đã được nhân Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.

Anh hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu máy bay SU-30MK2 vào hồi 7h13, ngày 14/6, tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An. Nam Anh
______________

.
Đặc cách tuyển dụng vợ phi công Trần Quang Khải 
vào Trường Chu Văn An

VietNamnet
20/06/2016 07:12 GMT+7

Theo nguồn tin của VietNamNet, hôm nay ( 20/6 ), Hà Nội đã thống nhất chủ trương tuyển dụng đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào dạy Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Sau sự hi sinh của Đại tá Trần Quang Khải, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ xem xét các quy trình đề nghị tuyển dụng vợ anh Khải trở thành viên chức trong ngành giáo dục.

Vợ và con anh đại tá phi công Trần Quang Khải

Chị Hà, vợ anh Khải đã tốt nghiệp thạc sĩ, hiện đang làm gia sư. Chị có nguyện vọng được tuyển dụng vào trường Chu Văn An.

Dự kiến hôm nay, các cơ quan chức năng sẽ công bố quyết định

Vào sáng 14/6, hai phi công Trần Quang Khải (43 tuổi - Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi - Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923) lái máy bay tiêm kích Su-30MK2 diễn tập từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá). Máy bay gặp sự cố, phi công Nguyễn Hữu Cường đã được tàu cá cứu sống; phi công Trần Quang Khải hi sinh. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thăng quân hàm cho phi công Trần Quang Khải từ Thượng tá lên Đại tá.

Lễ viếng và đưa thi hài phi công Trần Quang Khải sẽ diễn ra hôm nay tại Nghệ An.


Song Nguyen
____________

Nhà báo Huy Đức
Truong Huy San

Hy vọng Bộ Quốc phòng lo được cho chị ấy một căn hộ. Dẫu biết, phần đông những người lính thật sự vẫn sống rất khó khăn nhưng vẫn lặng đi khi đọc được dòng này: "Chị Hà - vợ phi công Trần Quang Khải hiện là giáo viên dạy gia sư và hợp đồng, chưa có biên chế chính thức ở trường nào. Hoàn cảnh kinh tế vẫn khó khăn nên vợ con anh phải đang ở nhờ nhà của một người bạn". 
Hậu phương như vậy, chúng ta có thể đòi hỏi ở những người lính điều gì.

Năm 2009, khi nói chuyện với một đại tá Biên phòng Hà Giang, anh cho biết: "Sỹ quan Biên phòng Trung Quốc khi nhận chức ở vùng biên được chăm lo nhà cửa; địa phương sở tại phải ưu tiên bố trí công việc cho vợ sỹ quan. Lương thưởng của họ có thể tích lũy dần, đủ để mua một chiếc xe hơi Trung Quốc". 


Tễu: "Theo nguồn tin VTC News nhận được, hôm nay (20/6), UBND TP.Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội sẽ công bố quyết định này".Thưa Ông Nguyễn Đức Chung, hôm nay và ngày mai là ngày đại tang của gia đình người ta. Việc tốt, xin đợi vài ngày nữa hãy làm. 

Tốt nhất, Ông và đại diện UBND TP Hà Nội, Sở Giáo dục, Sở Nội vụ ngày mai đến viếng tang ở Bắc Giang hoặc là đến dự lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ ở Văn Điển ông ạ! 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

NATALIE PORTER BÌNH LUẬN TÁC PHẨM SAIGON’S EDGE: ON THE MARGIN OF HO CHI MINH CITY (SÀI GÒN VÙNG GIÁP RANH: NHỮNG CÂU CHUYỆN NGOÀI RÌA)


clip_image001
Qua một góc nhìn mới mẻ về trải nghiệm đô thị hóa của cư dân ở rìa thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Erik Harms khám phá những “giao lộ nhập nhằng” giữa sự hình thành của những không gian cụ thể và mang tính biểu tượng, với những quan niệm của người Việt Nam về không gian xã hội, về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị và về hai khái niệm “nội thành” và “ngoại thành.”
For the original English version of this article, click here.

Have you subscribed to diaCRITICS yet? Subscribe and win prizes! Read more details.
clip_image002

Cư dân vùng rìa thành phố Hồ Chí Minh, Erik Harms viết, như nằm trên một lưỡi dao. “Con dao hai lưỡi này đôi lúc cắt vào những thiết chế quyền lực, đôi lúc lại làm tổn thương chính người cầm nó.” Saigon’s Edge là một câu truyện đầy thuyết phục về quá trình phát triển và đô thị hóa diễn ra tại vùng rìa thành phố lớn nhất Việt Nam. Vận dụng triệt để dữ liệu từ các nghiên cứu dân tộc học, Harms mang lại một góc nhìn vào cách thức cư dân huyện Hóc Môn xoay xở, thương lượng địa vị của mình giữa những phạm trù xã hội tưởng chừng hoàn hảo, rạch ròi. Theo Harms, cư dân Hóc Môn không nằm hoàn toàn về một bên của làn ranh biểu tượng nội thành/ngoại thành hay nông thôn/thành thị. Thay vào đó, họ rơi vào vị trí nửa nạc nữa mỡ rất khó xử. Nhưng thay vì phủ định những cặp đối lập trừu tượng trên, Harms xem xét tính khả thi, hữu dụng của chúng trong việc hình dung và hệ thống đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Đây chính là điểm nhấn của Saigon’s Edge, nó không phải là một tác phẩm theo chủ nghĩa hậu cấu trúc vốn chỉ nhằm lột trần và bác bỏ những cặp đối lập lý tưởng. Dù Harms đã minh họa rõ “điều gì sẽ xảy ra khi hiện tại và ảo mộng không đi đôi với nhau” (tr.26), trọng tâm của tác phẩm vẫn là xoay quanh việc tái lập các cặp đối lập nông thôn-thành thị, nội thành-ngoại thành qua những hoạt động, hành vi trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, tác phẩm mang lại cho những nhà nghiên cứu nhân chủng học, Đông Nam Á, Đô thị học, và cả những ai quan tâm đến xã hội Việt Nam một cái nhìn mới mẻ về trải nghiệm đô thị hóa của cư dân vùng rìa.
Cấu trúc của tác phẩm phản ánh lập luận mấu chốt của nó về những mối quan hệ giữa những phạm trù xã hội lý tưởng và thực tế cuộc sống hằng ngày tại Việt Nam. Phần Một giảng giải khái niệm “giằng xé”, một từ Harms dùng để miêu tả cách quá trình bị đẩy ra ngoài rìa đem đến một cảm giác đầy mâu thuẫn trong lòng người dân Hóc Môn. Một mặt, họ cảm thấy mình là một phần không thể thiếu. Mặt khác, họ cảm thấy mình bị bỏ quên trong những dự án phát triển hướng đến tương lai của Việt Nam. Chương 1 định vị Hóc Môn trong bối cảnh các dòng chảy tiền tệ, thương mại và nông nghiệp xuyên quốc gia. Harms cho thấy trong khi thành phố Hồ Chí Minh dần dần lột xác thành một thị trường toàn cầu mới, chính những đổi thay bên trong và xung quanh “tiền đồn kinh tế của Việt Nam” này đã biến những quận huyện ngoài rìa thành những không gian nông thôn thành thị lẫn lộn, chứa đầy cơ hội, khả năng chủ động cũng như rủi ro và sự mỏng manh. Tại chính vùng rìa này, cư dân Hóc Môn buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt.” Họ chấp nhận và tìm cách khai thác giai đoạn trung gian trong quá trình biến chuyển đô thị vui buồn lẫn lộn này. Trong một trong những đoạn lý luận thuyết phục nhất của tác phẩm, Harms vay mượn từ những nghiên cứu “mở đường” của Lương Văn Hy nhằm ủng hộ kết luận rằng mỗi cá nhân ở nội thành và ngoại thành đều thương lượng vị trí tay đôi của mình qua những cách thức mô phỏng chính những mối quan hệ họ hàng thân thích đầy mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam. Nếu dòng dõi của nhà chồng, tức bên nội, dựa vào dòng dõi của nhà vợ, tức bên ngoại, để có “cháu nối dõi”, thành phố Hồ Chí Minh cũng cần dựa vào những quận huyện ngoại thành để tiếp tục tồn tại. Cư dân Hóc Môn vừa “nuôi dưỡng” thành phố, vừa đồng thời không được coi là một phần của thành phố. Nhưng cũng như chính mâu thuẫn về mặt cấu trúc cho phép những thành viên trong gia đình uốn nắn những mối quan hệ với nhau, những mâu thuẫn này cũng tạo ra cơ hội luồng lái những cặp đối lập về mặt không gian. Harms đã xuất xắc vận dụng những chi tiết mang tính mô tả dân tộc học trong chương này để cho thấy cách người ta đã khéo léo trình diễn đặc tính “nông thôn” như thế nào. Mặc áo bà ba và đeo đòn gánh trong thành phố cho phép phụ nữ vừa lợi dụng những đặc tính văn hóa rập khuôn đề cao người dân nông thôn, vừa giữ khoảng cách với chính hình tượng lạc hậu đó.
Thật vậy, “chính sức mạnh và địa vị người ngoài cuộc đã cùng nhau tạo nên đặc trưng của vùng rìa.” Chương 2 mô tả không gian như một sản phẩm của những cuộc mặc cả, những thỏa thuận và những cuộc trao đổi trong xã hội. Có người sẽ thành công hơn kẻ khác trong quá trình thương lượng này, và Harms cho thấy rõ những trải nghiệm cuộc sống khác nhau của những người dân vùng rìa ở những vị trí quyền lực khác nhau. Dựa vào các lý luận của các lý thuyết gia như Mary Douglas và Victor Turner, Harms kết luận rằng vị trí chông chênh giữa lằn ranh nông thôn và thành thị của Hóc Môn làm nảy sinh cả quyền lực lẫn sự nguy hiểm. Việc tận dụng đặc điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng uốn nắn các phạm trù trên của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày. Bằng việc thuật lại hai trải nghiệm sống khác nhau của hai người bạn cùng trú tại Hóc Môn, Harms lập luận đầy thuyết phục rằng khả năng “đi xuyên” qua những không gian xã hội, tức khả năng đi từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài thành phố và rộng hơn là đi trong Việt Nam và ra ngoài Việt Nam, cung cấp cho các cá nhân những nguồn lực thiết yếu để gây ảnh hưởng. Nói đơn giản, tùy thuộc vào độ linh hoạt của một cá nhân, bản chất “con dao hai lưỡi” của Hóc Môn có thể đem lại sự lạc quan hay sự tuyệt vọng.
Phần Hai của tác phẩm tập trung bàn luận khía cạnh thời gian. Trong phần này, Harms giải thích một khái niệm đặc trưng của Việt Nam về thời gian đến từ sự kết hợp giữa tư thế hướng đến tương lai và sự hoài niệm quá khứ. Tác giả cho rằng “việc đặt câu hỏi Hóc Môn nằm ở đâu trong không gian cũng đồng nghĩa với việc đặt câu hỏi Hóc Môn nằm ở đâu trên trục thời gian” (tr. 90). Chương 3 xem xét cách thức những cuộc bàn cãi qua lại trong nước [hay diễn ngôn thông dụng, national discourses] về sự phát triển tuyến tính, luôn luôn tiến về phía trước, đã gán ghép những khung thời gian nhất định với những loại người và địa điểm nhất định. Tại Việt Nam, những mô tả trong văn hóa đại chúng cũng như trong giới hàn lâm về một thời kỳ “nông thôn” bất di dịch đã đặt những người dân sinh sống ở nông thôn vào một kỷ nguyên xuất hiện trước những khung thời gian trong xã hội tư bản đương thời. Sự liên hệ trên đã làm cho cư dân Hóc Môn cảm thấy mình luôn nằm ngoài rìa sự phát triển, luôn phải cố gắng bắt kịp hiện tại. Tuy nhiên, Harms cho thấy những người sinh sống ở “nông thôn” và những người “nông dân” lại có thể dễ dàng dịch chuyển qua lại giữa những thang thời gian khác nhau. Cư dân Hóc Môn là những chuyên gia “hai thời điểm”. Họ đồng thời tôn vinh quá khứ và tương lai, và vận dụng một cách có chiến lược những biểu tượng của nông thôn và thành thị để xây dựng hình ảnh huyện Hóc Môn như một tượng đài chói sáng của cả truyền thống lẫn hiện đại. Không những thế, Harms còn cho thấy lối suy nghĩ “hai thời điểm” này phản ánh cảm giác nửa chào mừng nửa e sợ trong xã hội Việt Nam trước làn sóng hiện đại hóa, như cách những mô típ lặp đi lặp lại trong văn hóa nghệ thuật dựng lên hình ảnh một đất nước đứng trước ngưỡng cửa sự phát triển và đồng thời hình dung nó như một cái nôi truyền thống bị đe dọa bởi sự phát triển.
__________________________________________________________
Bạn có thích đọc diaCRITICS không? 
Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.
Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.
__________________________________________________________
Chương 4 tìm hiểu những hệ lụy của việc đung đưa qua lại giữa các khoảng không gian và mốc thời gian. Dựa trên những nghiên cứu lý luận của Philip Taylor, Harms lập luận rằng những làn ranh chia rẽ về mặt xã hội quan trọng nhất ở Hóc Môn không nằm giữa những ai nghiêng về thang thời gian nông thôn và những ai nghiêng về thang thời gian thành thị. Đúng hơn, những ranh giới ấy lại chia rẽ những ai có khả năng uốn nắn tận dụng nhiều khung thời gian khác nhau với những ai bị chính những khung thời gian đó điều khiển. Harms mô tả những cư dân từ chối tuân theo nhịp độ của một ngày làm việc bình thường. Thay vào đó, họ vận dụng vị trí nằm rìa của mình để “đi ra đi vào” trong nền kinh tế làm công ăn lương. Khả năng linh động này cho phép họ tái tạo những mối quan hệ xã hội vốn hoàn toàn lệ thuộc vào những cách sử dụng thời gian khác nhau. Lại có những bộ phận dân cư khác ở ngoài rìa thành phố chọn tuân theo khung thời gian công nghiệp và tham gia vào các hoạt động sản xuất trong nhà máy nhằm sản sinh tư bản về cả mặt vật chất lẫn tinh thần bên ngoài nơi cư trú. Trong một đoạn thảo luận thú vị và tường tận đậm chất nhân chủng học, Harms cho thấy những phương thức sử dụng thời gian trên phụ thuộc vào mối quan hệ uyển chuyển của chính một cá nhân với chế độ phụ hệ tại gia. Quay lại bàn luận về quan hệ thân thích, Harms lập luận đầy thuyết phục rằng những cơ hội kinh tế tại vùng rìa cho phép một vài cá nhân tự thoát ra “từ bên trong” vòng kềm cặp của đơn vị sản xuất gia đình theo chế độ phụ hệ, và cho phép những số khác huy động những mối quan hệ họ hàng song phương “từ bên ngoài” để theo đuổi nghề nghiệp trong các lĩnh vực mới. Khả năng dịch chuyển giữa không gian “bên ngoài” hướng về tương lai và không gian “bên trong” hướng về truyền thống, theo Harms, chính là nhân tố cho phép mỗi cá nhân tác động lên cuộc sống xung quanh mình.
Phần Ba chứa đựng phần nghiên cứu dân tộc học đồ sộ nhất của tác phẩm. Trong đó, Harms cho người đọc trải nghiệm quá trình đô thị hóa diễn ra tại Hóc Môn qua chính con mắt, cảm nhận, và những hệ lụy mà người dân ở đây phải hứng chịu. Chính ở trong phần này mà những điểm đặc thù của cuộc sống vùng rìa được cảm nhận một cách sâu đậm nhất, bi kịch nhất. Chương 5 thuật lại chi tiết về tiến độ phát triển của đường cao tốc Xuyên Á nhằm đúc kết vai trò chủ chốt của đường xá trong việc sắp xếp hệ thống không gian xã hội tại Việt Nam. Nằm tại trọng tâm của giả thuyết này là việc hình dung những con đường trong tình trạng “đang hình thành”, và Harms cho thấy quá trình biến chuyển về mặt cơ sở hạ tầng cũng đồng thời giao cắt với những biến chuyển không ngừng trong cuộc sống. Mặc dù những nhà quy hoạch đô thị có thể hình dung dòng chảy giao thông như một đường thẳng chạy từ điểm A đến điểm B, nhưng sẽ luôn xuất hiện những đường thẳng khác, những hình thù xã hội khác trong cuộc sống làm cản trở kế hoạch của họ. Điểm mạnh của chương này nằm ở những mô tả tinh tế về cuộc vật lộn hằng ngày của mỗi người dân nhằm thích nghi với và tận dụng những dự án phát triển hạ tầng giao thông. Một lần nữa, tương tự như những địa điểm khác nằm trên vùng rìa, một vài người sẽ có khả năng lèo lái trên đường cao tốc tốt hơn người khác, và người đọc sẽ đụng độ một cảm giác bất an luôn đi đôi với cuộc đua về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đến cái đích hiện đại. Trong khi một vài người dân tác động lên những cung đường thông qua những hành vi và hoạt động kinh tế công khai, số khác lại bị tác động bởi những cung đường thông qua tai nạn giao thông và quá trình bị đẩy ra ngoài rìa về mặt không gian. Tại đây, đường xá trở thành một vùng trung gian, nơi chứa đựng cả sự mỹ miều cũng như sự dơ bẩn, sự quy tụ cũng như sự cô lập, cơ hội cũng như sự mỏng manh. “Sức mạnh của những tuyến đường, như bản thân huyện Hóc Môn, được bộc lộ qua cách người dân sử dụng chúng để vượt lên trên những giới hạn không gian và thời gian” (tr. 183).
Chương phân tích cuối đặt quá trình phát triển đô thị vào bối cảnh chính trị xung quanh. Harms giải thích cách chính quyền kết hợp sức mạnh ý thức hệ và thế mạnh vật chất trong tham vọng văn minh hóa toàn quốc của mình. Trong chương này Harms định vị quá trình phát triển đô thị đương thời trong một bối cảnh lịch sử nhất định mà trong đó, những chiến lược cai quản đã từ lâu có mối quan hệ mật thiến đến sự kiểm soát không gian, và những quận huyện ngoại thành vẫn thường là nơi chứa đầy mâu thuẫn và biến chuyển về mặt xã hội. Harms thuật lại “nghịch lý trong cuộc cách mạng nông thôn” ở Việt Nam vốn, tương tự như các mô hình về quan hệ thân thích hay không gian, phụ thuộc vào một tầng lớp nông dân nằm bên ngoài để thành công, nhưng cũng đồng thời loại bỏ chính tầng lớp đó ra khỏi vòng tròn kinh tế thành thị khép kín. Hình mẫu biến chuyển xã hội lý tưởng trên hoàn toàn phụ thuộc vào việc duy trì sự khác biệt, tức vào việc hạn chế tham vọng của tầng lớp nông dân và việc gìn giữ những tương tác quy củ giữa nông thôn và thành thị. Nhưng chính sự phân chia về mặt tư tưởng này lại không ăn nhập với thực tế cuộc sống mà trong đó, nền kinh tế và xã hội Việt Nam lại dựa trên sự mập mờ giữa nông thôn và thành thị. Vị trí “chân ngoài chân trong”, nửa văn minh thành thị, nửa nông thôn lạc hậu, đã biến những cư dân tại vùng rìa Sài Gòn thành những người ủng hộ đồng thời là những mối đe dọa đến một hình mẫu tiến bộ xã hội lý tưởng. Tùy thuộc vào cách họ tác động vào không gian và thời gian, cư dân huyện Hóc Môn hoặc có thể chắp cánh cho giấc mơ thành thị văn minh, hoặc có thể phản kháng bằng cách bám víu lấy một nông thôn lạc hậu. Tại đây, một lần nữa Harms lại chỉ ra bản chất “con dao hai lưỡi” về mặt xã hội tại vùng rìa và cho thấy nó có khả năng “sát thương” không chỉ những đối tượng nằm ngoài những dự án phát triển đô thị, mà cả những thiết chế quyền lực bao trùm lên mọi thứ.
Trong những lời đầu tiên, Harms đã nói rõ “mục tiêu chính của tác phẩm chỉ đơn thuần mang tính nghiên cứu dân tộc học” (tr. 3). Thật vậy, toàn bộ tác phẩm là một lát cắt tinh tế về cuộc sống sinh hoạt và lao động hằng ngày của cư dân Hóc Môn, giúp hé lộ ra những cá nhân đang bận rộn xác định phương hướng trong những chiều không gian và khung thời gian khác nhau nhằm theo đuổi những mục tiêu của mình. Ấy vậy mà trong chương cuối, Harms lại xác nhận rằng những mô tả của mình về những tác động của quá trình đô thị hóa không phải là tất cả. Thông qua việc nhấn mạnh yếu tố dân tộc học, Harms đưa ra một nhận định sâu sắc theo chủ nghĩa cấu trúc nhằm phê phán cách những mô típ về sự tiến bộ và phát triển được tuyên truyền trên toàn quốc và những định kiến về mặt văn hóa thu nhận nhưng lại đồng thời loại trừ một bộ phận dân cư ra khỏi những trục đường phát triển đô thị. Harms kiên quyết từ chối vạch ra những đối lập rõ rệt giữa đường lối nhà nước và hành động cá nhân, mà thay vào đó lại trung thành với những quan sát mang tính dân tộc học của mình để phác họa nên một bức tranh chân thật về cuộc sống vùng rìa. Mặc dù điểm mạnh của tác phầm nằm ở độ gần gũi của nó với thực tế Việt Nam, nó cũng phần nào phản ánh quá trình biến chuyển về mặt không gian diễn ra xuyên suốt Đông Nam Á và những khu vực khác. Nói rõ hơn, nó đưa ra một phân tích tinh tế về cách việc hình dung xã hội qua các cặp phạm trù đối lập, tuy chứa đựng nhiều điểm không nhất quán, vẫn tiếp tục định hình những quá trình phát triển đô thị phức tạp trên toàn cầu. Vì vậy, tác phẩm Saigon’s Edge là một tác phẩm thiết yếu không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nhân chủng học Việt Nam, mà còn đối với bất kỳ độc giả nào quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và phát triển.
Người dịch: T.K.
Natalie Porter là giáo sư nhân chủng học (hàm Assistant Professor) hiện giảng dạy tại đại học New Hampshire. Bà cũng là một thành viên của Viện nghiên cứu Khoa học, Cải tiến và Xã hội thuộc đại học Oxford. Bà tập trung nghiên cứu cơ chế quyền lực trong các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, đặc biệt là cúm gia cầm.
clip_image004Erik Harms là một nhà nhân chủng học nghiêng về mảng xã hội-văn hóa vùng Đông Nam Á và Việt Nam. Những nghiên cứu mang tính mô tả dân tộc học về Việt Nam của ông tập trung vào những tác động về mặt xã hội và văn hóa tại vùng rìa Sài Gòn do quá trình đô thị hóa sinh ra. Tác phẩm, Saigon’s Edge: On the Margins of Ho Chi Minh City (Do đại học Minnesota xuất bản năm 2011), khám phá những “giao lộ nhập nhằng” giữa sự hình thành của những không gian cụ thể và mang tính biểu tượng, với những quan niệm của người Việt Nam về không gian xã hội, về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị và về hai khái niệm “nội thành” và “ngoại thành.”
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sắp khánh thành 'đền tưởng niệm' Vị Xuyên

Công trình đền tưởng niệm trận Vị Xuyên này là do đóng góp của người dân và nhiều cựu chiến binh, theo nhà văn Phạm Viết Đào.

Một công trình tưởng niệm các binh sỹ Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh biên giới Việt - Trung tại trận tuyến Vị Xuyên, thuộc tỉnh Hà Giang, sắp được khánh thành, theo một nhà hoạt động và blogger trong nước có nhiều năm khảo cứu độc lập về trận Vị Xuyên.

Trao đổi với BBC hôm Chủ Nhật, nhà văn Phạm Viết Đào, người có em trai hy sinh ở mặt trận này trong thời gian xảy ra cuộc chiến, cho hay:

"Chiều ngày 18/6/2016, theo thông tin của một số cựu chiến binh của Sư đoàn 356, tôi đã tìm đường lên điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang; tôi đã chứng kiến việc những người thợ đang gấp rút hoàn thành ngôi Đền thờ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong các trận đánh chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc giai đoạn 1980-1989, bảo vệ vùng biên cương này của Việt Nam."

    Đây là một công trình có ý nghĩa và hoàn toàn do người dân phần lớn từng là những người chiến đấu tại các trận đánh ác liệt tại đây quyên góp, xây dựng
    Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào

Theo blogger này thì một số nguồn tiền để xây dựng ngôi Đền thờ tưởng niệm này là đóng góp do các cực chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Vị Xuyên-Hà Giang, một số nhà hảo tâm quan tâm tới cuộc chiến tại Vị Xuyên-Hà Giang "muốn xây dựng một ngôi đền để tưởng niệm sự hy sinh quả cảm của những đồng đội của mình trong cuộc chiến chống Trung Quốc lấn chiếm."

Nhà văn Phạm Viết Đào cho biết thêm:

"Theo số liệu ban đầu, các cựu chiến binh và các nhà hảo tâm đã quyên góp được trên 6 tỷ đồng. Chiều 18/6/2016, khi tôi đến thì ngôi đền đã xây xong điện thờ chính, hiện thợ thi công đang gấp rút khuôn viên bao quanh gồm 2 khu cách biệt…"

Khuôn viên của của ngôi đền được ông Đào mô tả là đặt trên điểm cao 468, liền kề với Cao điểm 685, nơi "cách con suối Thanh Thủy, nơi từng xảy ra những trận đánh ác liệt giai đoạn 1984-1988; Cao điểm này được mệnh danh là lò vôi thế kỷ…" - nhà văn nói:

"Liền kề với Cao điểm 685 là Cao điểm 772, lính Hà Giang mệnh danh là “Đồi thịt băn”, cao điểm này nối liền với Cao điểm 1509… Tên của điểm cao đặt theo chiều cao của cao điểm so với mặt biển."

'Khánh thành đợt một'
Phạm Viết Đào có em ruột là binh sỹ Việt Nam thiệt mạng trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Blogger Phạm Viết Đào cho hay ông đã hỏi chuyện một cựu chiến binh từng là bộ đội thuộc Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 của Việt Nam, đơn vị từng được giao một tổ đại liên 12 ly 7, bố trí tại điểm cao 468 'bắn yểm trợ' cho trận 12/7/1984.

"Anh Lưu Văn Trì cho tôi biết chi tiết đường đạn từ điểm cao 468 tới cao điểm 772 chỉ khoảng 400 m. Như vậy, từ Đền thờ này tại điểm cao 468, theo đường đạn. ước tính khoảng 1000 m sẽ tới điểm cao 1509…"

Theo ông Đào, ngôi đền được xây dựng thành 2 khu tách biệt nhau gồm có điện thờ chính:

"Đặt trên cao, hướng chính diện nhìn thẳng lên Cao điểm 1509, phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và hiện Trung Quốc đã xây dựng thành một căn cứ quân sự và địa danh du lịch. Phía dưới Đền thờ chính đã san xong mặt bằng, tại đây sẽ để xây một ngôi nhà làm nơi tụ họp cho các CCB và du khách khi lên thắp hương tưởng niệm có chỗ nghỉ ngơi…

    Dự kiến ngày 25/6/2016 Ban Tổ chức sẽ tổ chức Lễ khánh thành đợt 1, nhân dịp này sẽ tổ chức quyên góp xây dựng thêm các hạng mục khác
    Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào

"Dự kiến ngày 25/6/2016 Ban Tổ chức sẽ tổ chức Lễ khánh thành đợt 1, nhân dịp này sẽ tổ chức quyên góp xây dựng thêm các hạng mục khác. Đường từ Thanh Thủy lên nơi xây cất Điện thờ hiện đã được đổ bê tông để ôtô du lịch nhỏ có thể lên xuống và chiều 18/6/2016, khi tôi có mặt ở đó, thì những người thợ đang gấp rút hoàn thành khuôn viên đền thờ để chuẩn bị cho lễ khánh thành tổ chức vào cuối tuần, ngày 25/6/2016.

"Đây là một công trình có ý nghĩa và hoàn toàn do người dân phần lớn từng là những người chiến đấu tại các trận đánh ác liệt tại đây quyên góp, xây dựng…" ông Đào nói thêm.

Đường từ Thanh Thủy lên nơi xây cất Điện thờ hiện đã được đổ bê tông để ôtô du lịch nhỏ có thể lên xuống;Chiều18/6/2016,những người thợ đang gấp rút hoàn thành khuôn viên đền thờ để chuẩn bị cho lễ khánh thành tổ chức vào cuốc tuần, ngày 25/6/2016…

Trước đó, báo chí Việt Nam cũng đưa tin về việc nhà nước và chính quyền địa phương ở tỉnh Hà Giang đã có dự định xây dựng một số công trình tưởng niệm cuộc chiến Vị Xuyên.

"Ông Trương Tấn Sang, nay là cựu Chủ tịch Nước, đã hứa xây dựng cụm công trình 300 tỷ tại Vị Xuyên Hà Giang trong dịp gặp các Cựu chiến bình Sư 356 năm 2015; hiện công trình này chưa khởi công.

"Còn công trình này thì cơ bản hoàn thành xong điện thờ chính, và một vài công trình phụ trợ vì số tiền 6 tỷ đem xây dựng trên núi cao rất đắt, nên anh em tổ chức khánh thành đợt một để quyên góp thêm," nhà văn Phạm Viết Đào nói thêm với BBC từ Hà Nội.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đỗ Quyên trao đổi cùng Phan Thắng: Các lời thơ, câu văn cũng phải có lưỡi, có tâm tư của mình


Phan Thắng: Chào anh, cảm ơn anh đã nhận lời làm khách của Văn hóa Nghệ An. Thú thật, lúc mới nghe danh, tôi cứ tưởng Đỗ Quyên là nữ thi sỹ. Tôi không biết bút danh này là định mệnh văn chương của anh hay chính vì con đường văn chương của anh mà có cái danh rất nữ tính này?
Đỗ Quyên: Có lẽ cả hai. Cũng khối chuyện buồn vui quanh đó. Buồn, vì nó tôi nhận phận làm chim Đỗ Quyên. Như truyền thuyết vua Đỗ Vũ nước Thục thời Chiến Quốc, bị hóa thành chim cuốc kêu than, nhớ nhung quê hương khi phiêu bạt đất khách. Vui, vì nó dẫn tới sự bé cái nhầm của các chàng các ông, từ độc giả đến văn hữu mà nhiều nhất là các nhà nam biên tập. Hihi…
Dạo còn trong nước và sang Liên Xô/Nga, đã đam mê viết lách rồi nhưng tài tử, tôi dùng khi tên thật lúc bút danh loạn cào cào. Đến Đức, bài thơ đầu tiên mang bút danh mới là cốt gửi đến mẹ tôi để xin phép “cải danh”. “Đỗ Quyên con chọn để làm tênBên những dòng thơ đẫm ruột mềm/ Hè đó, một chiều… Con lạc bước/ Quê người lối khác rẽ sang bên…”

Phan ThắngĐã từng là giảng viên vật lý hạt nhân ở Đại học Bách khoa Hà Nội, không hiểu can cớ vì sao anh lại từ bỏ con đường khoa học đó để đến với văn chương?
Đỗ Quyên: Với đa phần người xa xứ; không kể những người xa xứ một cách bình thường và may mắn; thì tam đại sự (sự nghiệp, tài sản, gia đình) thường được/bị thay đổi vô cùng bất ngờ. Nếu không muốn bảo là… lộn tùng phèo – theo quan niệm trong trường phái Đảo ngược / Upsidedownism của họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên Mỹ.
Với riêng tôi, đó là thay đổi không tốt; không thành công nơi xứ người. Do không đủ tài năng để vừa theo đuổi làm vật lý hạt nhân – một loại nghề vốn rất khó, vừa làm văn chương báo chí – một nghiệp vốn rất nặng. Nhại lối phát ngôn gây sốc mấy ngày qua bởi đại diện doanh nghiệp Formosa họ Chu tên Phàm: “Chọn đi: muốn bắt cá, tôm hay là muốn xây cái nhà máy thép hiện đại!”. Một người làm đối ngoại như thế, cư xử kiểu nhị nguyên 0-1 là sai lè lè. Còn với những người viết văn tự đẩy mình xuống tàu / embarquement (như quan niệm nhà văn dấn thân của triết gia J.P. Sartre), tôi nghĩ mình không sai nhiều lắm khi chọn thơ văn trên bãi cát hành trình viễn xứ.
Phan Thắng: Anh thực sự sống với văn chương, nói cách khác là làm văn chương, hoạt động văn chương chuyên nghiệp từ khi ra nước ngoài. Sự hấp dẫn của văn chương hay là tình thế của cuộc đời mà có sự gắn bó này?
Đỗ Quyên: Sự mê hoặc bởi văn chương là chính, là tiềm năng; tình thế đổi đời là phụ, là môi trường.
Như bao con dân Việt có một đất nước thơ che chở, tôi sinh ra trong một gia đình yêu chuộng văn học. Hồi bé 7 anh chị em nhà tôi đều phải viết nhật ký. Kỷ luật thép: hàng ngày; không viết là ăn cơm muối, nặng hơn thì ăn đòn; viết bằng thơ được miễn 3 ngày. Có lẽ cha mẹ tôi – như đa số đấng sinh thành trên đời – không muốn con cái lấy văn nghệ làm nghề kiếm sống. Ông nội tôi là lương y, cha mẹ, chú cậu tôi đều hành nghề y dược. Chị cả tôi đã vào đại học Y rồi, các cụ chưa yên tâm, ép anh trai cả tôi để rồi anh tự ý đổi hồ sơ sang trường Tổng hợp khoa Toán, và đi bộ đội về lại hứng chí chuyển qua khoa Văn khiến song thân thêm một phen điên đầu!
Nếu vẫn ngon lành với nghề vật lý hạt nhân tại Việt Nam, hoặc ngoài này, thì chắc tôi vẫn viết, viết phong lưu là đằng khác. Nhưng nhiều đề tài và cách viết sẽ khó có được, hoặc có thì theo kiểu khác, khi mà đời tôi suôn sẻ.
Phan ThắngTheo tôi biết, anh từng sinh sống và làm việc ở nhiều nước, từ Liên Xô/Nga, Đức đến Úc, Canada….; lại từng làm báo nữa. Chắc anh đã có nhiều sự quan tâm và quan sát tìm hiểu về sự hiện diện, sự tồn tại của văn hóa Việt Nam nói chung và văn chương nghệ thuật nói riêng ở nước ngoài. Anh có thể cho chúng tôi biết những nhận xét của mình về sự tồn tại ngoài biên giới quốc gia của văn hóa, văn chương dân tộc Việt Nam?
Đỗ Quyên: Tôi cứ nghĩ, là đại phúc với bất cứ quốc gia nào khi ở ngoài biên cương xuất hiện, phát triển một dòng nhánh văn hóa, kéo theo là văn chương dân tộc. Đại phúc cho quốc gia đó (gọi là quốc gia thứ nhất). Song có là hồng phúc cho quốc gia thứ hai, nói rộng là cho phần thế giới còn lại, hay không tùy mục đích lan truyền văn hóa.
Về quốc gia thứ hai: Việt Nam với một ngàn năm Bắc thuộc là một ví dụ cực tồi theo quan niệm trên. Việt Nam qua một trăm năm Pháp thuộc, từ lâu vẫn là ví dụ tồi, và vài năm nay với cách nhìn thoang thoáng, có ý kiến bảo chỉ là hơi hơi tồi!? Nhưng văn hóa Anh và việc ra đời và phát triển của nước Mỹ hơn 200 năm lại là một ví dụ khác.
Có thể nói, văn hóa Việt ở ngoài Tổ quốc hình thành từ rất lâu. Còn văn học Việt ở ngoài nước, chỉ sau 30/4/1975, nó mới thật sự được coi là một thực thể văn học, bằng việc ra đời và phát triển nhanh của một cộng đồng mang tên hoàn toàn mới về nội hàm người-Việt-hải-ngoại, dù từ chữ vẫn cũ: người-Việt, hải-ngoại. Tất nhiên, cũng phải nói rằng, trước đó ở Pháp chẳng hạn cũng đã có sự hiện diện của văn học Việt Nam, tuy rằng chưa đủ mạnh để được xác định là một thực thể.
Phan ThắngAnh có rút ra các đặc điểm gì không về sự hiện diện, tồn tại của đời sống văn hóa Việt ở các nước mà anh biết?
Đỗ Quyên: Đặc điểm thì chỉ có một. Thế mà lại rất khác nhau về cách giải thích, dẫn chứng. Đúng là chuyện coi voi. Tất cả là bởi chính kiến. Ví dụ nóng hổi: tác giả Nguyễn Thanh Việt với tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm Tình Viên) vừa đoạt giải thưởng danh giá Mỹ Pulitzer năm nay.
Tôi sẽ nêu 5 đặc điểm của sinh hoạt văn hóa Việt đương đại ở ngoài nước.
Một, khi tiềm tàng lúc hiển lộ ý thức chính trị gần như chi phối các sinh hoạt chính của văn hóa cộng đồng qua tương quan miền Nam – miền Bắc, Công giáo – Phật giáo… Chưa hy vọng nhiều đặc điểm này mất đi, hoặc thay đổi theo hướng tốt, trong mươi năm tới.
Hai, bản chất bảo thủ bản sắc Việt tính khá rõ và chắc. Ngay ở các gia đình, cá nhân hội nhập nhất – “Mỹ nhất”, “Tây nhất” – thì bản sắc Việt tính vẫn ẩn hiện.
Ba, ngày càng hội nhập tốt đời sống văn hóa bản xứ, tuy không thể đứng vị trí hàng đầu.
Bốn, ngày càng lưu thông, dù giao lưu vẫn chưa thật dễ dàng với tất cả những gì mà văn hóa Việt trong nước đang sở hữu.
Năm, đây như một cái kho duy nhất có thể lưu giữ một số Việt tính mà văn hóa Việt nguồn, tức là trong nước, đã mất đi, mờ nhạt trong dòng thời gian.
Phan Thắng: Cụ thể hơn, anh hãy nói cho chúng tôi biết về sinh hoạt văn học của người Việt Nam ở những nước mà anh sinh sống, Canada chẳng hạn?
Đỗ Quyên: Cần nhắc đến tác giả của những bài tổng quan, giới thiệu đáng chú ý về văn chương tiếng Việt ở ngoài nước. Trong nước: Hoàng Ngọc Hiến, Huệ Chi, Lê Hoài Nguyên, Phạm Xuân Nguyên… Ngoài nước: Võ Phiến, Mai Kim Ngọc, Đặng Tiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Thụy Khuê, Nguyễn Hữu Nghĩa, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Vũ… Nước ngoài: Anatoli Soloklov…
Từ sau 1975 sinh hoạt văn học Việt ngoài nước có 3 đặc điểm lớn. Thứ nhất, về nguồn gốc, và không kể ở các nước Đông Âu, Liên Xô cũ, đó là kết quả từ dòng chảy tiếp văn chương miền Nam trước 1975; Thứ hai, về mục đích, viết để giải tỏa bức xúc, trăn trở về thời cuộc, nhất là về chính trị, rõ hơn cả ở những cây bút xuất xứ từ chính quyền VNCH cũ; gần đây là về bảo toàn lãnh thổ. Các tác giả viết vì lý do văn chương ngày càng tăng; Thứ ba, về cảm hứng, theo ý thức tự do và cá nhân.
Trong 10 năm qua dòng văn học này mang hình dáng rất đổi khác. Tác động của văn học tới đời sống tinh thần người Việt tại đây không còn như trước. Lượng và chất của công chúng độc giả và tác giả đến từ trong nước tăng mạnh, dường như trở thành nguồn nuôi chính.
Tính phân tán là điều dễ thấy nhất của văn chương Việt ngoài nước hiện nay; nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại là giải trung tâm.
Về địa – văn hóa: Tính chất của một nền “văn học lưu vong” giảm, ít nhất qua bề mặt, số lượng tác phẩm và tác giả và nhường chỗ cho sự trưởng thành nền “văn học di dân”. Hoa Kỳ không còn là trung tâm văn hóa đọc của người Việt hải ngoại.
Về nội dung: Không còn giới hạn ở 3 đề tài điển hình (nhớ quê hương, phận ly hương; nối dài văn học miền Nam; thích nghi, hội nhập) mà tất cả hòa vào nhau rồi được cộng thêm một số đề tài mới, tới mức khó định danh đề tài chính như trước; trừ đề tài muôn thuở là tình yêu. Rõ nhất là sự liên đề tài với các vấn đề nóng hổi Việt Nam: quan hệ Việt-Trung, biển Đông, đất đai, Ngày 30/4…
Về phong cách: cũng rất đa dạng. Sự đồng hành độc lập, ôn hòa của cả chục phong cách.
Về triển vọng: Bi quan về hiện tượng lão hóa của văn học Việt hải ngoại đang giảm, internet và tính nóng bỏng của tình hình nước nhà đã thành hai tác động chính.
Đây là các đóa hoa, cành lá dễ nhận diện trong hơn 20 năm qua trên nhánh văn chương Việt nơi Đất lạnh tình nồng – Canada.
Báo chí, nhà xuất bản: Ðất Việt, Làng Văn, Nắng Mới, Trăm Con, Người Việt Hải Ngoại, Việt Thường, Truyền Thông… Tác giả: Nam Dao, Nguyễn Ngọc Ngạn, Trang Châu, Vân Hải, Song Thao, Hoàng Chính, Hồ Ðình Nghiêm, Hạnh Nguyên… (Văn); Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Ðức Tùng, Ðỗ Quyên, Trân Sa, Lưu Diệu Vân… (Thơ); Lê Hữu Mục, Đỗ Khánh Hoan, Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Tiến Văn, Nguyễn Ước, Hà Vũ Trọng… (Khảo cứu, dịch thuật); Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Vy-Khanh… (Phê bình, lý luận); Phạm Hữu Trác, Việt Phong, Hải Triều, Lương Châu Phước, Nguyễn Hữu Nghĩa, Tư Ðồ Tuệ, Trịnh Ðộ… (Nhà báo).
Phan Thắng: Anh có nhận xét gì về đội ngũ các nhà văn, giới nghiên cứu khoa học xã hội, văn hóa, văn học ở những nước mà anh biết?
Đỗ Quyên: Tôi nói qua về giai đoạn hiện tại. Thú vị nhất, khác với cộng đồng chung, giới làm văn học, văn hóa ở đây khi cư xử khá giống nhau giữa các quốc gia. Nhiều năm qua ảnh hưởng chính trị giảm đi nhiều; ở một số báo chí, diễn đàn gần như không hiển lộ như trước. Tất nhiên ngầm bên trong vẫn khá mạnh. Giới văn nghệ sĩ chúng tôi có vẻ lớn khôn nhiều, đã biết nhìn nhau mà chơi, mà viết. Rất nhiều năm rồi, tôi chưa biết một xì-căng-đan nào đáng kể như thời hoàng kim của văn nghệ hải ngoại 1985-1995/2000.
Về phong trào, không còn phong phú như trước. Các diễn đàn chính chỉ còn các báo mạng, như Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, Gió-O, Thơ tân hình thức Việt (Mỹ), Tiền Vệ (Úc), Diễn Đàn (Pháp), Người Bạn Đường (Nga)… Tờ báo giấy văn học, văn hóa đáng kể còn lại có lẽ là Khởi Hành (Mỹ)?
Về thế hệ, chưa thấy nhiều tác giả mới ở tuổi 8X-9X. Nổi và mạnh nhất là cánh 6X-7X và vài bạn 8X. Văn: Phạm Thị Hoài, Lê Thị Thấm Vân, Lê Minh Hà, Thuận, Nguyễn Thị Hải Hà, Trần Vũ, Đặng Thơ Thơ, Hiệu Constant, Lưu Thủy Hương, Hoàng Ngọc Thư…; Thơ: Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Hoàng Nam, Lưu Diệu Vân, Khánh Phương, Như Quỳnh de Prelle, Đỗ Lê Anhdao, Phan Quỳnh Trâm…; Phê bình, biên khảo: Đoàn Cầm Thi, Đinh Từ Bích Thúy, Trịnh Thanh Thủy… Cũng như văn chương trong nước, giới nữ lấn át về số lượng.
Về địa lý: nhiều vị chuyển hẳn bàn văn về quê nhà (Thái Kim Lan, Nguyễn Tiến Văn) hoặc về trong các tháng năm cuối cùng mà vẫn hành nghề (Tạ Chí Đại Trường – vừa mất), rồi cũng không ít vị quay lại quốc gia định cư. Riêng giới nghiên cứu văn học, khoa học xã hội, thập niên qua tăng trưởng rất mạnh, phần lớn nhờ lớp người đến từ Việt Nam học tập rồi định cư.
Phan Thắng: Sự giao lưu, ảnh hưởng từ văn học của chúng ta tới văn học sở tại như thế nào?
Đỗ Quyên: Có thể mạnh nhất là ở Úc và Séc. Ở Mỹ, rõ ràng là hùng mạnh hơn tất cả các nước gộp lại. Nhưng cái nước đó tôi thấy quá là mênh mang, khó hiểu. Văn học hải ngoại bằng tiếng Việt là thiểu số không mạnh, nếu có ảnh hưởng thì ở điểm, không thể nào ở diện. Dường như tới nay, Nguyễn Thanh Việt là điểm son nhất mà văn giới gốc Việt đã vẽ trên bảng giá trị văn chương Mỹ, dù chàng vẽ bằng tiếng Mỹ, chưa bằng tiếng Việt! Cũng có thể nói thế với nước Pháp và Linda Lê.
Phan Thắng: Ngoài một số người mà anh vừa nhắc đến, có nhiều người Việt viết văn bằng tiếng nước ngoài không? Và có nhiều tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng của các nước sở tại?
Đỗ Quyên: Chắc có đến trên dưới 30 nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc tạo được ít nhiều tên tuổi. Linda Lê là nhà văn có tác phẩm mang nội dung và phong cách ít dính dáng đến vấn đề Việt Nam nhất. Việt Nam ở nữ tiểu thuyết gia ấy chỉ là cảm hứng, không là mục đích. Khác hẳn đa số các đồng nghiệp đồng “cố hương” ở Mỹ, Canada, Úc như Monique Trương, Lan Cao, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Thanh Việt, Kim Thúy, Kiên Nguyễn, Nam Lê… Còn có hai nhà văn viết tiếng Pháp, Anh khá nổi danh từ lâu là Kim Lefèvre và Andrew Pham.
Một số tay bút song ngữ Việt-Mỹ, Việt-Pháp mà tiếng Việt là chính, đã có tác phẩm từ các tạp chí, nhà sách uy tín như Đỗ Kh., Nguyễn Tiên Hoàng/Thường Quán, Đinh Linh…Với sáng tác tiếng Việt được dịch sang tiếng các nước sở tại để vinh danh, tôi chỉ biết thơ Du Tử Lê.
Phan Thắng: Thực trạng và khả năng quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài như thế nào, theo anh?
Đỗ Quyên: Điều này tôi được biết hầu hết là từ báo chí, bạn bè trong nước, nên xin không dẫn lại. Cũng có vài nhận xét riêng, nhưng có lẽ xin khất lần sau.
Phan Thắng: Theo quan sát và nhận định của anh thì văn học, các sinh hoạt văn chương, văn hóa đã có những đóng góp gì cho quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc?
Đỗ Quyên: Chúng ta vào “vùng nhậy cảm” nhất của cộng đồng Việt ở đây, mà văn học, văn hóa dễ trở thành trường văn trận bút! Để an toàn người ta thường ngại, nói khác sự thật, dối lòng. Tôi dành những đêm vừa qua để nghĩ sao hiệu quả. Trao đổi chân thành cùng anh, dù chưa đầy đủ như ý.
Là một trong các yếu tố quan trọng nhất của hoạt động tinh thần xã hội và đất nước trước và sau chiến tranh, lãnh vực văn chương, văn hóa đã không thể vắng mặt bằng ảnh hưởng đối ngẫu của mình cho công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngôn ngữ nhà binh gọi là vũ khí không tiếng súng, là con dao hai lưỡi. Còn các nhà vật lý thì bảo chúng có tác dụng lực và phản lực. Đây, những bài thơ làm hai con tim chụm lại; kia, những câu ca khiến tay phải chém tay trái…
Tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt Nam hiện nay ở giai đoạn mà các bên liên đới đã có khá đủ các thông tin về nhau, về cuộc chiến, về thời đại; và nhất là có nhiều chia sẻ, cộng tác sau thời gian dài “đắc nhân tâm” chờ đợi, cảm thông…
Và đang là khoảng thời gian thúc tiến hoặc xô lùi quá trình, các bên đều cần thẳng thắn và có thái độ nghiêm túc để cùng hướng tới sự hòa hợp. Về văn nghệ, theo tôi cần tôn trọng xu thế văn nghệ, văn hóa mang tinh thần và khuynh hướng “không quốc nội không hải ngoại” như các tạp chí, báo mạng Diễn Đàn, Hợp Lưu, Trăm Con, Talawas ở giai đoạn trước.
Phan Thắng: Anh có thể cho dẫn chứng về vai trò quan trọng của văn học, văn hóa trong công việc này?
Đỗ Quyên: Xin minh họa bằng 1 tác phẩm, 1 tạp chí, 1 sự kiện quen thuộc trong làng văn nghệ, văn hóa ngoài này và với cả phạm vi không nhỏ của văn giới quê nhà.
Năm 1990, tuyển tập Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương ra đời như một trái bom chữ nghĩa và quan điểm nổ giữa trung tâm tỵ nạn hải ngoại là quận Cam, Nam California, và sang chấn khắp thế giới Việt ngoài nước. “Đọc và viết về 79 tác giả trong nước” của “cao trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam”, cuốn sách của ”27 tác giả ngoài nước” đến từ hầu khắp các quốc gia lớn với nhiều chính kiến khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, dày tới 800 trang khổ to (mà các đoạn vừa dẫn là tiêu đề trang bìa 1 và bìa 4). Những dịp qua bên đó, khi gặp các chính chủ của cuốn sách, như Nhật Tiến, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ, Thân Trọng Mẫn, Lê Bi, Hoàng Khởi Phong, Phan Tấn Hải… tôi hay tra vấn họ về những gì trong-ngoài một ấn phẩm văn chương hiếm về thể loại, đẹp về nhân tình và lạ về thời cuộc đến thế!
Năm 1991 và khởi từ phần lớn các tác giả cuốn sách, Tạp chí Hợp Lưu với họa sĩ – nhà văn Khánh Trường trong vai chủ biên đã hiện diện cũng tại chính trung tâm tỵ nạn Việt trên xứ Mỹ.
Về sự kiện, trào lưu văn học. Kể từ mùa xuân năm 2000 đến mùa xuân này, cũng tại trung điểm của văn chương Việt hải ngoại là Quận Cam, nhóm thơ Tân hình thức Việt đã gây tiếng vang đáng kể từ ngoài nước rồi nhanh chóng lan vào trong nước. Từng lôi kéo được ngót trăm nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả toàn cầu, kể cả người ngoại quốc, vào cuộc thử nghiệm ngôn ngữ Việt, thơ Tân hình thức Việt, với Tạp chí Thơ là diễn đàn, chỉ là một khuynh hướng văn nghệ thuần túy, phi chính trị. Vậy mà cái nhóm thơ rời rạc về tổ chức ấy bằng tinh thần muốn cải tạo tận gốc thơ ca dân tộc, trên thực tế đã hồn nhiên ghé đôi vai mảnh mai vào sứ mệnh hòa hợp hòa giải của cả đất nước.
Kể từ sau 1975, khác với nhóm văn sĩ phản chiến từ Trung Tâm William Joiner Centre, Đại Học UMASS (Mỹ), do nhà thơ Kevin Bowen làm Giám đốc và nhà thơ Nguyễn Bá Chung làm Điều hành, người Việt hậu chiến chưa biết một nhóm văn học nào của chính người Việt có thể tập tụ được nhiều loại tác giả ở nhiều quá khứ khác nhau cùng làm một công tác văn học như thế! Tạp chí Sông Hương ở Huế với Tổng biên tập – nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc đã làm con thuyền trung chuyển dòng thơ lạ lẫm, có phần kỳ quặc này, làm cho nó giao lưu hai bờ đại dương trước khi vượt ngăn cách giữa hai bờ sông Bến Hải với các lớp tác giả và khó hơn cả là với độc giả, dư luận cùng giới quản lý văn nghệ.
Phan Thắng: Văn hóa, văn học Việt Nam ở nước ngoài cần sự tiếp sức như thế nào từ trong nước?
Đỗ Quyên: Theo tôi, với quan hệ trong – ngoài một quốc gia, khác với kinh tế, khoa học… văn học, hơn nữa là văn hóa, không cần hỗ trợ. Bởi đó là các hoạt động tinh thần tự giác và tự do của từng cá nhân hướng về cộng đồng. Cái cần thì lại ở ngoài tầm với của văn học, văn hóa. Không gì khác, ấy là chính trị. Một khi sự lưu thông, giao lưu, hợp lưu trong – ngoài dễ như trở bàn tay, tất cả sẽ đến. Mà điều đó, theo tôi là đã bắt đầu có rồi đó. Những đại sự bao giờ cũng cần tự giác và tự do.
Phan Thắng: Anh có đề xuất, kiến nghị gì không với tư cách là một người hoạt động văn hóa, văn học ở nước ngoài về vấn đề này?
Đỗ Quyên: Như từng trả lời phỏng vấn của nhà văn – nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập mươi năm trước, là một người viết, tôi chỉ nên thưa thốt với bạn đọc. Với bạn đọc trong nước bình thường, tôi mong hãy là những độc giả chân chính. Với bạn đọc trong nước cũng là người viết, tôi đâu thể nói gì. Với bạn đọc trong nước là người quản lý, lãnh đạo văn nghệ, văn hóa, tôi thực sự mong muốn những đối thoại này, cùng những sáng tác ở ngoài nước có thể tới đông đảo người đọc trong nước. Nếu những bức tường, tấm vách đã có tai – như trong thành ngữ dân gian – thì các lời thơ, câu văn cũng phải có lưỡi, có tâm tư của chúng. Chắc chắn, phải có…
Phan Thắng: Quan sát và nhận xét, nhận định của anh về Toàn cầu hóa về văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, một cái nhìn của một người Việt Nam từ ngoài nước?
Đỗ Quyên: Dùng lại ý tưởng của Joseph Brodsky – một người Nga lưu vong ở Mỹ, thi sỹ đoạt giải Nobel – về sự thay đổi vai trò ngôn ngữ nơi xứ người, tôi thấy trong công cuộc toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa dân tộc ở các quốc gia đang phát triển “trước kia là thanh kiếm, nay trở thành cái mộc”.
Dẫu ở thế bị động, khi mà chỉ nhóm G-7 mới có thể chủ động, với Việt Nam và người Việt khắp nơi, Toàn cầu hóa vẫn là một định mệnh khả ái. Không nên, vì không thể, cưỡng lại!
Cho tôi được dẫn lại đoạn kết từ bài “Văn học Việt Nam ở hải ngoại, những vấn đề của sự phát triển hiện nay” của một trong các nhà Việt Nam học uy tín và quen thuộc là A.A. Sokolov, PGS-TS sử học tại Viện Hàn lâm khoa học Nga:
Quá trình toàn cầu hoá về kinh tế và văn hoá vốn càng ngày càng có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải góp phần thúc đẩy việc bắc những nhịp cầu vững chắc giữa văn học ở trong nước và văn học ở ngoài nước, mà điều đó đến lượt nó, sẽ xúc tiến quá trình phục hồi sự công bằng lịch sử – đưa trả các nhà văn Việt Nam và những tác phẩm của họ ở hải ngoại về lại Tổ quốc lịch sử của mình.”
Phan Thắng: Cảm ơn anh đã làm khách của VHNA và đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi thú vị.
Vancouver – Nghệ An, 5/5/2016
Đỗ Quyên & Phan Thắng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện ít biết về hậu duệ nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu


Bài của Tạp chí Cộng sản, năm 2010.


Một cái ảnh gần đây, của các hậu duệ Phan Bội Châu tự chụp và tự đưa lên mạng, thời điểm các năm 2015-2016:




Dưới là chép nguyên xi bài cũ của TCCS.


---



10:52' 1/11/2010
(Dũng Minh (Nguồn: Hồ sơ Sự kiện chuyên san của Tạp chí Cộng sản, số 140 (5-11-2010))


Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu viết nhiều sách, để lại cho đời những tác phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, ông rất ít khi nói về gia đình, cả trong sách cũng vậy. Vì thế, hậu duệ của ông, đặc biệt là con, cháu của bà chánh thất (vợ cả), được ít người biết tới.

Buổi gặp mặt cảm động
Sáng 29-10, Hội đồng hương Nam Đàn và gia đình cụ Phan tại Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 70 ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (29-10-1940 - 29-10-2010). Tiết đông Hà Nội se lạnh, như được sưởi ấm hơn bởi không khí thân thiết của những người bà con quê Nam Đàn vốn đã quen biết từ lâu, của những người ở các địa phương khác ngưỡng mộ cụ Phan nên đến dự. Bởi ngoài kỷ niệm ngày giỗ, những người tham gia còn được nghe Giáo sư sử học Chương Thâu - “người sinh ra để nghiên cứu về Phan Bội Châu”, nói về những kết quả nghiên cứu về cụ Phan ở trong nước và thế giới. Mọi người bỗng dồn sự chú ý khi một người được ngồi ghế khiêng vào. Đó là cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu, ông Phan Viết Hồ, năm nay 70 tuổi, bị tai biến mạch máu não nên không thể tự đi lại được. Khi chiếu phim về cụ Phan Bội Châu, nhắc đến tên ông nội mình, ông Hồ cứ thế khóc, nước mắt thành dòng. Suốt sau đó, ông vẫn trào nước mắt, dù cho vợ ông, PGS.TS Phạm Thị Hoà Mỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, nguyên cán bộ giảng dạy ở bộ môn nội, Trường Đại học Y Hà Nội ngồi bên cạnh động viên.

Ông Phan Viết Hồ là con trưởng của ông Phan Nghi Huynh - con cả của cụ Phan Bội Châu. Ông Hồ là cháu đích tôn, nhưng ông không phải là người cháu lớn tuổi nhất của cụ Phan. Sở dĩ có sự này là bởi bà nội của ông Hồ, vợ cả của cụ Phan Bội Châu, là bà Thái Thị Huyên (1866-1936), sau tám năm chung sống với chồng mà chưa có con, bà muốn làm yên lòng bố chồng là Phan Văn Phổ đã 66 tuổi, nên đã tự đi tìm và hỏi cưới vợ hai cho chồng vào năm 1896, vì gia đình cụ Phan trước đó đã năm đời đều độc đinh. Chính vì vậy, vợ thứ của cụ Phan Bội Châu là bà Nguyễn Thị Em đã sinh hạ được người con đầu lòng cho cụ Phan. Thế nên, theo tôn ti trật tự, dù là người con sinh đầu tiên, nhưng cụ Phan vẫn đặt tên là Phan Nghi Đệ. Bốn năm sau khi bà thứ sinh con trai đầu, năm 1904 bà cả Thái Thị Huyên cũng sinh hạ được người con trai. Và cụ Phan đã đặt tên con trai cả là Phan Nghi Huynh. “Nghi huynh nghi đệ”, nghĩa là “anh xứng đáng ra anh, em xứng đáng ra em”.   Cách thức sắp đặt gia đình của Phan Bội Châu theo đúng đạo cương thường trong Nho giáo. Bà Thái Thị Huyên, qua lời kể của chính cụ Phan, có thể được xem là biểu tượng của thế hệ phụ nữ Việt Nam theo truyền thống Nho phong ngày xưa, âm thầm gian khổ gánh vác toàn bộ công việc gia đình, để chồng có thể dồn mọi nỗ lực lo việc nước. Chép về bà, trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” có đoạn: Năm 23 tuổi, bà kết duyên cùng Phan Bội Châu, hết lòng trọn đạo làm dâu nhà họ Phan. Nhà chồng nghèo, cha chồng bệnh tật, một tay bà tần tảo bán buôn, lo liệu vun quén giúp chồng nuôi chí lớn, bạn chồng tới lui nhiều, bà vẫn cần cù chăm lo tiếp đãi. Chồng đỗ giải nguyên, bà vẫn thản nhiên sống cuộc đời bình dị. Chồng xuất dương cứu nước, suốt mấy mươi năm bà vò võ nuôi con...


Phan Bội Châu (tên cũ là Phan Văn San), hiệu Hải Thụ, sau lấy hiệu là Sào Nam (và nhiều bút danh khác) sinh ngày 26-12-1867, quê ở làng Đan Nhiễm (nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Lúc nhỏ, cụ nổi tiếng thông minh. Năm 1900, cụ đỗ thủ khoa trường Nghệ và chính thức bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Đầu năm 1905, cụ sang Nhật Bản rồi quay về dấy lên một phong trào Đông Du vào năm 1905-1908. Khoảng tháng 3-1909, tổ chức Đông Du bị giải tán và cụ Phan bị Chính phủ Nhật trục xuất. Trở về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu, Phan Bội Châu sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Hơn một năm sau, khi cách mạng Tân Hợi (năm 1911) thành công, cụ Phan trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam Quang phục hội mà tôn chỉ duy nhất là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước “Cộng hòa dân quốc Việt Nam”. Sau những hoạt động yêu nước, cụ Phan bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam ngày 24-12-1913... Ngày 30-6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, Phan Bội Châu vừa đến ga bắc Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc đem về nước. Từ năm 1926 trở đi, Phan Bội Châu là người tù bị giam lỏng ở Bến Ngự. Mặc dù “Ông già Bến Ngự” phải sống cuộc đời “cá chậu chim lồng”, nhưng cụ vẫn làm thơ văn để nói nỗi khổ nhục của người dân mất nước, trách nhiệm của người dân đối với nước...


 Vì vậy mà khi nghe tin bà mất, từ Trung Quốc xa xôi, cụ Phan đã khóc bà qua câu đối bằng chữ Quốc ngữ như sau: “Tình cờ động khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ/ Khen khéo giữ nền bốn đức, gần bảy mươi tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con”.
- Ông Phan Nghi Đệ, sinh năm 1901, con trai thứ của cụ Phan bị địch bắt đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi ra tù, ông Đệ sống ở quê nhà, về sau vào sống với cha ngày hai buổi giúp cha cơm nước. Vợ ông làm nghề kiếm sống trên sông nước, thường dùng thuyền chở cụ Phan từ nhà ra Bến Ngự, sông Hương. Ông Đệ bị bệnh và mất vào năm 1946. Ông có bốn người con trai.
- Bà Phan Thị Cương sinh năm 1902, người con gái duy nhất của cụ Phan, cũng tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Chồng bà là ông Vương Thúc Oánh, đảng viên năm 1930. Bà Cương mất năm 1997. Con trai là Vương Thúc Cương, hiện đang ở Bình Dương.
Con trai cả của cụ Phan và cụ bà Thái Thị Huyên, ông Phan Nghi Huynh cũng từng bị địch bắt giam. Sau khi ra tù, ông về quê dạy học. Sau cách mạng Tháng 8-1945, ông Huynh giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban hành chính xã Lạc Hồng, Nam Đàn. Ông bị bệnh nặng và mất tháng 2-1946, ở tuổi 42. Ông Huynh lấy vợ là Đặng Thị Liệu, con gái của cụ Đặng Thúc Hứa - nhà hoạt động cách mạng hoạt động ở Thái Lan, bạn của cụ Phan Bội Châu. Ông Huynh sinh được hai con trai và bốn con gái, con trai đầu là Phan Viết Hồ, sinh năm 1941. Đáng chú ý, trước khi mất, cụ Phan Bội Châu đã dặn con trai cả rằng, nếu ông Huynh sinh con trai thì đặt tên là Phan Viết Hồ.

- Ông Phan Nghi Đệ, sinh năm 1901, con trai thứ của cụ Phan bị địch bắt đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Sau khi ra tù, ông Đệ sống ở quê nhà, về sau vào sống với cha ngày hai buổi giúp cha cơm nước. Vợ ông làm nghề kiếm sống trên sông nước, thường dùng thuyền chở cụ Phan từ nhà ra Bến Ngự, sông Hương. Ông Đệ bị bệnh và mất vào năm 1946. Ông có bốn người con trai.


- Bà Phan Thị Cương sinh năm 1902, người con gái duy nhất của cụ Phan, cũng tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Chồng bà là ông Vương Thúc Oánh, đảng viên năm 1930. Bà Cương mất năm 1997. Con trai là Vương Thúc Cương, hiện đang ở Bình Dương.


Tại buổi gặp mặt sáng 29-10 đầy cảm động ấy, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi những hình ảnh ông Hồ được mọi người khiêng vào, và những lúc ông khóc đầy cảm động. Những dòng nước mắt của cụ ông 70 tuổi bị liệt nửa người, nói không rõ tiếng đã khiến bao người chứng kiến không kìm nén được dòng lệ trào dâng.

Hậu duệ chưa nhiều người biết
Có hai vợ, nhưng thời gian ở nhà của cụ Phan rất ít, chính vì vậy, cụ cũng chỉ sinh hạ được ba người con. Các con của cụ là Phan Nghi Huynh (sinh năm 1904), Phan Nghi Đệ (sinh năm 1901) và bà Phan Thị Cương (sinh năm 1902). Cả ba con đều noi gương cụ Phan, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Tuy nhiên, con cháu của bà cả, cho đến nay, vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Trong buổi gặp mặt sáng 29-10 ấy, chắt nội của cụ Phan là chị Phan Thị Thu Hà, bác sĩ, tiến sĩ Y học tốt nghiệp tại Niu Óoc, Mỹ, đang giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Niu Óoc cũng về dự. Chị Hà cho biết, con trai đầu của ông Phan Nghi Huynh là bố chị, ông Phan Viết Hồ. Ông Hồ là kỹ sư cơ khí chế tạo máy khoá 5 của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học thiếu Sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc). Ông nguyên là phó giám đốc Công ty Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, giám đốc Công ty Lắp máy điện nước và Xây dựng (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội). Ông Hồ đã vinh dự được tặng thưởng huân chương Lao động hạng 3, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...

Chị Hà có người em trai là Phan Việt Huy (kém chị hai tuổi, sinh năm 1972), là kiến trúc sư, cử nhân luật. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động, chị Hà cũng mau mắn khoe một tin vui về con gái chị, cháu Lê Phan Hải Anh (sinh năm 1996 tại Hoa Kỳ, lấy tên là Anne Le), năm 2008 đã đoạt giải nhất kỳ thi văn ở bangNiu Óoc, giải khuyến khích toàn liên bang Hoa Kỳ và được bà Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton), lúc đó là Thống đốc bang, gửi thư chúc mừng.

Tại buổi gặp mặt, Giáo sư sử học Chương Thâu thông báo rằng, ngay từ năm 2005, tại một hội thảo khoa học về cụ Phan tổ chức tại Hoa Kỳ, đã có ý kiến đề nghị UNESCO vinh danh cụ Phan Bội Châu là danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến nay, đã có khá nhiều nhà nghiên cứu, những người ngưỡng mộ cụ Phan có sưu tập, nghiên cứu, làm luận án tiến sĩ... về cụ Phan. Bản thân ông, sau khi xuất bản cuốn Phan Bội Châu toàn tập, gồm 10 tập, đến nay ông đã nghiên cứu, viết thêm được hai tập, nhưng rất tiếc là dù đã gửi vào Nghệ An để in, nhằm kịp kính dâng lên cụ Phan nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày mất của cụ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đã không thực hiện được. Việc in thêm hai tập sách, bổ sung vào cuốn “Phan Bội Châu toàn tập” không chỉ là ước muốn của Giáo sư sử học Chương Thâu, mà còn là của nhiều người yêu mến nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc Việt Nam./.

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=5914&print=true
Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Là nhà văn” , “suốt đời hắn sẽ phải tự liếm vết thương của mình. Mãi mãi.. không bao giờ cầm máu...”

1
Anh ta đã đông cứng, nàng la lên. Hai cánh tay anh ta dang ra, như Thiên Chúa. Mắt nhắm. Tóc rối.
Ừ, vớt lên từ dưới nước mà, tôi nói.
Nàng đắp một cái mền lên người anh ta, để không ai còn nhìn thấy bất cứ điều gì.
Bạn cho rằng anh ta là ai?
Tôi không biết. Nhưng bây giờ gần như không còn ai mặc quần áo như thế nữa. Có lẽ là một thợ lặn.
Thợ lặn không ăn mặc như thế. Có lẽ đó một con cá.
Một con cá? Vậy bạn nghĩ gì nếu anh ta sống lại? Sẽ bơi chứ? Trong nước sốt và hành tây chiên à?
Tại sao không?
Bạn không thể. Đó chỉ là môn khoa học viễn tưởng.
Nhưng thật ra anh ta nằm trần truồng.
Một người chen vào: Anh chị ăn hành tây chiên chứ? Hết cá rồi. Chết hết rồi. Chết.
Ngay sau đó một cái gì rơi qua cửa sổ. Xanh và lạnh. Nặng như thép. Có lẽ nàng sợ, nàng gí khẩu súng vào tay tôi. Ánh thép của khẩu súng cũng rất lạnh. Nàng nói: Chàng đã sống như cừu, nói như vẹt và không lẽ bây giờ lại chịu chết như cá?
Tôi không thấy có gì liên quan khi nàng hỏi: Họ sẽ tăng thuế, in tiền hay tiếp tục vay nợ? Tôi vẫn nhìn vào ngọn lửa đang leo lét bên bờ biển, thú nhận rằng mình đang bị ám ảnh bởi hình ảnh của một con vẹt chết trong trang phục loài cá. Màu xanh. Rất lạnh. Và nhẹ tênh như ý nghĩ: Bao giờ thì nước lật thuyền, để còn có mồi cho cá rỉa?
Nàng nói với tôi: Chàng vẫn có thể làm ra lửa. Vấn đề là chàng đừng bóp một cái gì khác ngoài bóp cò.

 2
Con cá nằm rũ rượi trên sàn căn phòng, hai tay dang ra. Nó nghe tiếng động. Hình như có cái gì đó khá nặng, rơi xuống đất.
Nó biết đó là một vật bằng sắt hay thép.
Cảm giác một vật bằng sắt hay thép đang thò tay vào ngực mình làm con cá thở hổn hển. Nó dang tay rộng hơn để thở và ngạc nhiên khi thấy cái gì nhấp nhô trên người nó, như đám mây vẫn thường bay trong gió.
Có một con người bước vào phòng, dừng lại khi nhìn thấy con cá. Ánh đèn phản chiếu lên cặp kính trắng trông rất trí thức, che giấu đôi mắt của con người. “Con cá kìa,” con người nói. Sau đó, con cá thấy mình bị xé toạc. Nó dùng hai tay cố ôm chặt lấy thân mình, ép các xương sườn nằm ngay ngắn ở lồng ngực để tim và phổi khỏi tràn ra ngoài. Nó nhìn bàn tay của con người. Như thép. Cứng và lạnh.
Nó không nhìn thấy đôi mắt của con người vì cặp kính trắng trí thức đã che khuất. Nó nhìn quanh, đôi mắt con người chắc đang treo đâu đó trên tường, bằng những chiếc đinh. Nó cố gắng để nói gì đó với con người nhưng giọng của nó đã bị con người bóp nghẹt. Vì thế nó với tay lấy đôi mắt con người đang treo trên tường, nắm chặt, để làm con tin, như thể nó còn muốn giải thích điều gì đó. Nhưng con người nhanh chóng lấy ra một dụng cụ (bằng sắt hay thép) từ hộp đựng đồ nghề, cứa vào con cá. Con cá biết mình bị cắt nhỏ. Rồi nó thành một đống thịt xương tan nát trên sàn nhà.
Sau đó, con người cúi xuống và lấy lại đôi mắt từ tay con cá. Con người nhìn lại đôi mắt của mình, đặt nó một cách cẩn thận sau cặp kính trắng trí thức. Con cá nghe tiếng của con người: “Chúng ta sẵn sàng hy sinh cho đến con cá cuối cùng miễn là giữ được sự ổn định.”
Nó lại nghe tiếng động, từ hộp dụng cụ của con người, khá nặng, rơi xuống đất. Sau đó có tiếng chân con người đi ra khỏi phòng.
Căn phòng đã yên tĩnh trở lại, trừ âm thanh của những chiếc đinh, dùng để treo đôi mắt, vẫn còn rơi xuống.
Con cá nghe từng chiếc đinh, từng chiếc, từng chiếc một… rời khỏi tường. Mỗi chiếc đinh rơi tạo một âm thanh, nặng và lạnh khi chạm vào sàn nhà. Khi không còn chiếc đinh nào rơi, không còn ánh thép nào ngời lên, căn phòng mới hoàn toàn im lặng. Lúc này con cá mới chắc là không còn đôi mắt con người nào treo trên tường nữa.
Nó thở phào vì biết mình thoát chết.
 3
 Nắng nóng đến mức chúng tôi phải hoá thành nửa người nửa cá. Chúng tôi nhìn con suối xanh mướt, thèm thuồng và tranh nhau lao xuống.
Trong ánh vảy bạc, chỉ mái tóc vẫn còn màu nâu, nàng bơi vào vòng tay tôi, nũng nịu: “Mọi người nói chúng ta giống nhau. Kìa, ánh vảy của chàng cũng lấp lánh.” Nàng nói vậy, vì tôi là nhà văn, và giấc mơ trở thành nhà văn luôn ám ảnh nàng.
Hãy cẩn thận về những gì bạn muốn, văn chương không phải cái để bật ra dễ dàng như trong cổ tích.
“Có gì trong quyển sách em đang viết vậy?” Tôi hỏi nàng.
“Ồ, chàng biết không, nó thiêu đốt chúng ta.”
Hoá ra trong cuốn sách của nàng có câu chuyện người đàn bà bị phụ tình. Dù nàng đã rắc lông chim công làm dấu nhưng anh ta vẫn không quay lại. Nỗi uất hận khiến người đàn bà ấy mang một con cá đến lén thả vào bể nước trong nhà người tình xưa, với lời nguyền những đứa con của anh ta đẻ ra sẽ hoá thành cá. Chỉ như vậy mới có thể chuộc hết tội lỗi anh ta đã gây ra cho nàng.
Nhưng người vợ của anh ta biết, nên cô ta lén cho vào bể nước một ít nước thải từ nhà máy luyện thép ở gần nhà. Khi con cá chết, nổi lên lềnh phềnh, đứa con gái của anh ta thò ngón tay út thử chạm nhẹ vào con cá. Đứa con gái nói: “Mẹ ơi, con cá đã hết là cá rồi. Nó đã thành một thanh sắt, chìm xuống đáy bể.” Mẹ nói: “Làm gì còn cổ tích mà sắt biến thành cá. Gươm đao muôn đời là gươm đao. Chắc cha con muốn giấu chuyện cá chết mà thôi.”
“Gâu gâu.” Đứa con gái của anh ta nhại giọng chó sủa, gọi con cá. Sau tiếng sủa, thanh sắt lại trở thành con cá, nổi lên. Một con ếch khổng lồ hiện ra, đứng bên thành bể nước. Con ếch đội chiếc vương miện bằng vàng và khoác chiếc áo choàng đỏ thẫm, mỉm cười: “Đây vẫn là con cá, bằng sắt hay thép gì cũng vẫn là con cá.” Và con ếch há miệng, từ miệng con ếch bước ra là nàng, hai mắt nhắm chặt như đang ngấm nỗi đau phụ tình.
Tôi cảm thấy xương của mình cũng bắt đầu lạnh. Sao câu chuyện của nàng lại thành ra như vậy?
Con ếch ngậm miệng, nuốt nàng trở lại. Đứa con gái la lên: “Không được nuốt, đó là một nhà văn.” Con ếch cười: “Bạn nên nói với nàng đừng làm nhà văn nữa nếu nàng nhìn con cá đang hoá thành thanh sắt chìm xuống bể mà vẫn cứ mơ mộng chuyện phụ tình.” Đứa con gái lấy hết sức lực, dùng ngón tay út của mình chọc mạnh vào đôi mắt của con ếch. Trước khi ngã xuống, con ếch cố ôm lấy đứa con gái. Nhưng đứa con gái đã lấy tiếp ra khẩu súng và bắn vào ngực con ếch hai mươi mốt phát đại bác vang trời. Vua ếch ngã nhào, vương miện lật đổ, áo choàng đỏ rách tơi tả, rít lên hơi thở cuối cùng trước khi chìm xuống vũng bùn mà nó gọi là vũng áng. Khi chết, nó há cái miệng khổng lồ vẫn dùng để nuốt giấc mơ của nàng.
Nàng khóc khi biết mình không thể thành một nhà văn, chỉ vì nàng không thể cảm thấy nỗi đau của con cá, dù đó chính là lời nguyền trong câu chuyện của nàng. Nàng hay quên nhiều thứ khi viêt. Nàng nói khi ở trong trại viết nàng có nghĩ đến nỗi đau của con cá, nhưng không ai chịu tin, kể cả con ếch. Nàng hay ậm ừ cho đến khi ý nghĩ tan ra và tâm trí nàng trống rỗng, khiến cho con ếch chổng mông và con người vỡ mộng.
Người vợ của anh ta gần như khóc, vì cô ta biết không phải nàng, mà chính đứa con gái của cô ta, cuối cùng phải hoá thành một nhà văn.
“Là nhà văn,” người vợ của anh ta nói, “suốt đời con sẽ phải tự liếm vết thương của mình. Mãi mãi, không bao giờ cầm máu...”


 4

Khi con cá bước ra khỏi chiếc xe bọc thép màu trắng của sóng biển, nó bị bắn chết ngay lập tức. Con cá chỉ kịp kêu: “Chết tôi rồi,” và ngã nhào xuống đường.
Các nhân viên pháp y xuất hiện, ngao ngán nhìn mớ thịt xương nhầy nhụa. Nhân viên pháp y 1: “Tôi nghĩ nó giống con mèo. Bạn có nhin thấy hàng ria mép không?” Nhân viên pháp y 2: “Không, tôi nhìn thấy chiếc mũ trên hàng ria mép, đó là con người.” Nhân viên pháp y 3: “Chúng ta phải lau chiếc xe tăng màu trắng như sóng biển này sạch hết các vết máu cá. Và chúng ta sẽ trả lời là con cá bị bệnh.”
Sau đó, một tay bắn tỉa xuất hiện, nổ súng vào mớ thịt xương, làm mọi thứ nát tan thêm lần nữa.
Vẫn chưa ai biết lý do vì sao con cá bị bắn?
Cảnh sát xuất hiện, nấp ở xung quanh, có lẽ chờ thêm quân tiếp viện. Khi có thêm quân, cảnh sát bắt đầu gọi loa, kêu gọi người bắn tỉa ra đầu hàng. Người bắn tỉa rất tức giận, vì anh ta chỉ bắn vào đống thịt xương chứ không bắn con cá. Cha của con cá thậm chí còn cãi nhau với mẹ của nó, vì ông biết con của ông chết oan và mọi thứ đang đi vào bế tắc. Các phóng viên truyền hình và đám đông xuất hiện, nấp vào những gì họ cảm thấy còn an toàn.
Sáng hôm sau các bức ảnh về con cá bùng nổ trên báo, làm cho đám đông nhanh chóng tan rã thành một mớ hỗn độn như đống thịt xương đẫm máu của con cá. Điều này làm cảnh sát phải tiếp tục gọi loa nhằm giữ gìn trật tự.
Một ông sư xuát hiện, nâng cao khẩu hiệu: “Cần phải tìm ra kẻ đã giết con cá.” Tất nhiên ông nhanh chóng bị bắn chết. Cái chết của ông sư có tiếng vang còn hơn cả tiếng gọi loa của cảnh sát, làm cho mọi người hoảng sợ.
Có lẽ kẻ bắn con cá đã cảm thấy an toàn, vì bên cạnh đống thịt xương bây giờ đã xuất hiện một con khỉ, với nòng súng còn bốc khói. Một chiếc xe cảnh sát bị đốt vì đám đông tức giận khi con cá chết. Từ chiếc xe bị đốt, khói bốc lên thành đám mây bụi kim loại. Đám mây bằng thép. Khi khói tan, người bắn tỉa bước ra khỏi chiếc xe và tìm dấu vết con khỉ để hòng buộc tội. Nhưng không có gì.
Sau đó cảnh sát dẫn đám đông đi đến một nhà tù trên chiếc xe bị đốt. Cảnh sát vẫn hát vang bài hát về một tên cướp biển nào đó. Nhưng vì không có tên cướp biển nên bài hát cũng không có lời. Cảnh sát cũng không có môi, và lưỡi của họ đã bắt đầu tan chảy.
Người bắn tỉa vẫn đang đi tới đi lui bên ngoài nhà tù, khiến cho mọi người ở phòng đợi khá lo lắng. “Cho tôi xem khẩu hiệu,” người bắn tỉa nói với ông sư và giật lấy câu khẩu hiệu, xé tan. Ông sư quên mất rằng mình đã bị bắn, khoan thai bước vào nhà tù.
Mọi thứ cứ rối mù làm mọi người cuốn theo: anh cảnh sát, người bắn tỉa, câu khẩu hiệu, cái chết của ông sư... Họ quên mất con khỉ và tên cướp biển. Dường như não của mọi người đã tan chảy, tràn ra lênh láng.


Phần nhận xét hiển thị trên tran

Dưới giàn hoa


       Truyện ngắn của Ái Nữ

       Trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo có một giàn hoa giấy. Dưới giàn hoa giấy có một con chó. Con chó được xích vào một cái cột.
       Mọi người đều sợ con chó vì nó thuộc giống chó "béc" có bộ dạng hung dữ. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Con chó rất buồn vì không ai hiểu nó, kể cả ông chủ của nó nữa.
       Nhà ông trưởng phòng đào tạo ít khi có khách vì ông suốt ngày bận rộn với công việc của nhà trường. Cán bộ và sinh viên khi có việc đều đến tìm ông ở phòng đào tạo. Ông tiếp họ ở đấy. Khi về nhà là lúc ông cần được nghỉ ngơi nên ai cũng ý tứ không muốn làm phiền ông.
       Tuy vậy, thỉnh thoảng ông trưởng phòng đào tạo vẫn bị quấy rầy bởi những việc quan trọng gấp rút. Cuộc đời là thế, dẫu không muốn người ta vẫn cứ phải làm phiền nhau. Con chó thấy có người đến nhà thì vui lắm, khách lại là các anh chị sinh viên tươi trẻ thì nó càng thích. Nó muốn quấn lấy chân khách nhưng ông chủ kéo xích ghìm nó lại, động tác này làm cho khách sợ nó hơn. Vậy là nó đành bất lực.

        Cả ông chủ cũng không mấy khi quan tâm đến con chó của mình. Ông chỉ biết cho nó ăn, dắt nó đi vệ sinh, vỗ vỗ nó vài cái. Ông đâu hiểu tâm tư của nó.
       Cho nên nó cam phận quẩn quanh bên cái cột dưới giàn hoa giấy. Gắn bó với xích sắt, nó am hiểu các loại xích chó và nó biết càng ngày người ta làm xích càng dở hơn. Ngay như cái xích đang đeo cổ nó đây, dẫu trí khôn của nó không được như người cũng đủ giúp nó thoát ra dễ dàng. Nhiều lần nó toan tháo xích đi chơi nhưng lại thôi. Nó không muốn ông chủ phải lo lắng. Vả lại nó không biết người ta sẽ đối xử với nó ra sao khi thấy nó chạy ra đường.
       Những vòng sắt nối nhau cẩu thả không giữ được con chó, nhưng một sợi xích vô hình đã buộc nó ở trước cửa nhà ông trưởng phòng đào tạo.
       Một ngày nọ, con chó thấy một cô sinh viên đến nhà mình, trên tay cô cầm một tờ giấy - có lẽ là một lá đơn. Ông trưởng phòng đào tạo không có nhà. Con chó mừng rỡ nhảy xổ ra đón cô gái, suýt đứt tung cả xích. Cô sinh viên mặt tái xanh tái xám vì tưởng nó có ác ý. Cô giật lùi hai bước rồi...chạy. Con chó nhận ra sai lầm của mình, buồn nản quay về chân cột.
       Con người hay nói đến sự tự do mà họ gọi là "tự do trong khuôn khổ". Nó có tự do không? Nó không được tự do đi lại, không được tự do biểu lộ tình cảm. Nó chỉ được tự do suy nghĩ mà thôi. Nó sinh ra trên đời này để làm gì? Tại sao nó bị xích ở đây? Vì sao không ai thương nó?
       Chán chường, con chó nằm xoài ra ngẫm nghĩ. Nó mải nghĩ đến nỗi một cánh hoa giấy rơi lên mũi nó, nó cũng không buồn động đậy.

                                                                 Tháng 7 - 1999
Phần nhận xét hiển thị trên trang