Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Đọc mà thương quá đi!

'Nghề phóng viên là phải như con chó ấy'

Khi tôi mới tập tọng bước vào làm phóng viên, tôi đã được đọc một bài báo trong đó có dẫn lời ông chủ bút của tờ Bangkok Post nói rằng: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy…”. Rồi ông lý giải rất hay về nghề phóng viên và con chó.
 

nghe phong vien la phai nhu con cho ay
Phóng viên chầu chực chờ sự kiện.
Lại có một câu nữa cũng rất hay về nghề phóng viên, đó là của cố Tổng thống Mỹ Kennedy. Khi được hỏi, Tổng thống định nghĩa thế nào về nghề nhà báo, thì Kenney trả lời rằng: “Nghề nhà báo là nghề viết ra một nửa những điều mình biết và che giấu đi một nửa những điều mình biết”.
Sau hơn 35 năm làm báo, tôi càng ngẫm, càng thấy sao mà chí lý thế.
Trở lại chuyện ví nhà báo với con chó, thì trước hết phải nói đến những phẩm chất cao quý của con chó.
Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó.
Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối.
Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.
Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những chú chó nhịn đói ngồi chết bên mộ chủ; những chú chó lăn xả vào hiểm nguy để cứu chủ; những chú chó sẵn sàng tấn công lại kẻ địch để bảo vệ chủ. Và những chú chó sẵn sàng chờ đợi chủ về ngày này qua tháng khác ở một sân ga, hay một bến tàu. Rồi chó giúp đỡ những người tàn tật trong cuộc sống thường ngày, kể cả chuyện đi chợ cho chủ, đưa chủ đi chơi...
nghe phong vien la phai nhu con cho ay
Phóng viên chiến trường sát cánh cùng các các binh sỹ lực lượng gìn giữ hòa bình.
Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về.
Thế mới có câu “khuyển mã chi tình” và câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.
Chó có đôi tai cực thính, để phát hiện mọi tiếng động khả nghi và kể cả những tiếng động báo hiệu tin vui. Chó có cái mũi thính, để phát hiện ra có chất độc hay không, có thuốc nổ, có ma túy hay không, hay bất cứ điều gì bất bình thường trong một khối bừa bộn vật chất.
Chó phải biết sủa lên khi có tiếng động lạ, để cảnh báo cho chủ có sự bất thường sắp tới mà cảnh giác. Nó phải biết sủa lên ngăn cản chủ khi phát hiện ra món đồ ăn có chất độc, hay một túi đồ có ma túy hay có thuốc nổ… Và khi chủ có nguy cơ bị xâm phạm, nó phải lăn xả vào chống trả kẻ thù để bảo vệ chủ.
Chó là như vậy đó. Thử hỏi có con vật nào có được những phẩm chất cao quý như chó hay không.
Vậy còn nghề nhà báo thì như thế nào?
Đã làm phóng viên thì cũng phải có đôi tai thính, để phát hiện ra những sự kiện, những vấn đề đang được quan tâm, đang được cần giải đáp; phát hiện ra những sự kiện quan trọng có giá trị, để cung cấp thông tin cho bạn đọc. Phải có đôi tai thính để nghe ngóng tìm ra những chi tiết điển hình, những nhân vật điển hình, những hoàn cảnh điển hình… Nói nôm na là một bài báo muốn hay được thì phải có rất nhiều những chi tiết điển hình đó.
Rồi phóng viên cũng phải có cái “mũi thính”, nghĩa là phải biết phân biệt được: hay - dở; thật - giả; đúng - sai trong những mớ thông tin hỗn độn, dày dặc; trong những sự kiện lớn và trong những đống tài liệu mà rất có thể ở đó người cung cấp tài liệu đã gài bẫy, cho nhà báo ăn thông tin giả. Rồi cũng phải biết phân biệt được rằng nên như thế nào, có đáng viết hay không, có nên viết hay không, mà viết rồi có nên đăng hay không và nếu đăng thì liệu có làm ảnh hưởng đến sự tốt đẹp của xã hội hay thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc hay không.
Thế rồi, nghề làm báo là cũng phải đưa những thông tin để cảnh báo về một  nguy cơ nào đó sắp xảy ra mà để cho những người quản lý, điều hành biết mà lường trước, để cho nhân dân biết mà phòng tránh. Rồi người làm báo cũng phải biết dũng cảm bảo vệ cái đúng và phải dũng cảm đấu tranh với sai trái, những gì gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Người làm báo phải biết đấu tranh với kẻ địch bằng ngòi bút của mình…
Vậy nếu so sánh giữa nghề làm báo với những phẩm chất cao quý của con chó thì xem ra rất giống nhau.
Một con chó sẽ chẳng có giá trị gì nếu như chỉ biết ăn rồi làm cảnh cho chủ. Một nhà báo cũng sẽ chẳng có giá trị nếu viết theo kiểu “ăn theo nói leo” hoặc ngồi một chỗ nhặt nhạnh thông tin từ nơi này, nơi khác biến thành của mình. Một nhà báo, mà không biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ những cái đúng và dám đấu tranh với những điều sai trái thì cũng thật vô tích sự!
Chỉ có một điều rằng, muốn có được một chú chó hay, mang tất cả những phẩm chất cao quý của loài chó, thì ngoài tình thương yêu chăm sóc của chủ ra, nó cũng phải được dạy dỗ, chỉ bảo từng li từng tí. Nó cũng sẽ bị phạt như phạm lỗi và cũng sẽ được thưởng khi có công.
Nói đến đây, tôi nhớ lại trong lực lượng công an nhân dân cách đây 50 năm đã có một chú chó huyền thoại tên là Ruslan. Chú chó này nguyên là một con chó lai béc-giê của Pháp đời F3, 4 gì đó và hoàn toàn mang đặc trưng của chó ta là “đầu riềng tai húng”.
Ấy vậy mà khi vào tay huấn luyện Trần Đình Thảo thì Ruslan đã trở thành một con chó trinh sát, giám định vào loại độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đến nỗi, các chuyên viên nuôi cảnh khuyển của CHLB Đức ngày xưa sang nghiên cứu về khả năng đặc biệt của Ruslan. Nó giá trị đến mức mà Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ngày ấy đã có văn bản chỉ đạo, rằng chỉ được điều chó Ruslan đi làm nhiệm vụ khi có lệnh của Bộ trưởng. Nó đã được Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân Lê Hữu Qua ra lệnh cho tăng khẩu phần ăn. Từ một đồng hai, lên một đồng tám mỗi ngày. (Vào thời đấy, một bữa ăn của cán bộ, công nhân viên bình thường chỉ có ba hào).
nghe phong vien la phai nhu con cho ay
Chú chó này đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trong lực lượng đội quân cảnh khuyển của Công an Việt Nam và Bộ đội biên phòng cũng không có con chó nào được như nó.
Nhắc lại điều này là để bạn đọc thấy rằng, chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên, nhà báo muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế.
Và chó khôn nhờ chủ, muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin tâm sự với các bạn nhà báo đôi điều như vậy và mong rằng nếu như ai có chạnh lòng khi bị ví mình như… chó thì hãy nghĩ về những phẩm chất tuyệt vời của con chó.

Lại là bác Hoàng Quảng Uyên :

 "mặt trời Pác Bó" có kết là "chuồng gà"

Tự nhiên lại thấy "nổi lên" vụ xây chuồng gà của ông nhà văn Hoàng Quảng Uyên.

Cách đây khoảng 1 năm, vào tháng 5/2015, blog tôi đã bàn luận về việc sửa nhà của bác nhà văn này, ở đây. Khi đó, các bác Thợ Cạo, Salam, Đinh Rỉ và Thiên Lý rôm rả luận bàn. Chưa có kết luận về vụ đó. 

Nhưng vụ xây chuồng gà vào tháng 6 năm 2016 này, có thể xem là một kết luận cho vụ "mặt trời Pác Bó" lần trước.

Vẫn là vụ "mặt trời Pác Bó" kéo dài mà thôi.

Tôi đã nhìn thấy mối liên hệ giữa những chuyện chuồng gà như thế này của bác Hoàng Quảng Uyên với những gì bác viết về Nhật kí trong tù nhiều năm nay. Các cụ Phong Lê, Song Thành cũng đã có một số dự cảm từ trước (ví dụ ở đây).


"
Vụ mặt trời Pác Bó 2015 (ảnh của Hoàng Quảng Uyên trên trang Trần Nhương:



"


"
Vụ chuồng gà 2016 (ảnh trên TTO):



"


Dưới là nguyên văn tin trên TTO, về vụ chuồng gà, năm 2016.



---



12/06/2016 10:33 GMT+7
TTO - Bị chủ tịch phường Sông Bằng buộc phải làm thủ tục xin phép khi xây chuồng gà nhưng khi ông Hoàng Quảng Uyên làm đơn thì Phòng Quản lý đô thị không giải quyết.
Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép
Công văn của Phòng QLĐT TP Cao Bằng từ chối cấp phép xây dựng chuồng gà cho ông Uyên và bản vẽ xây dựng... chuồng gà
 
"Nghe đọc bài Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép"
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý, sống ở Cao Bằng) đang rất bức xúc về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không?
Trong khi đó, chính quyền sở tại yêu cầu xây một viên gạch có vữa đã phải xin phép, dẫn đến việc “công trình” bị ngưng trệ đến nay đã gần 2 tháng.
Xây tường gạch 25cm cũng phải xin phép
Trong thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hoàng Anh, bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Uyên cho biết ngày 13-4, ông xây một hàng gạch cao 25cm, dài 45m để giữ đất khỏi đổ ở thửa đất mà ông có giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Theo ý định ban đầu của ông Uyên, sau khi xây xong tường gạch sẽ làm một cái chuồng gà. Trong lúc thi công, ông Lê Hồng Hà - chủ tịch UBND P.Sông Bằng, TP Cao Bằng - dẫn cán bộ đến yêu cầu ngừng vì không có giấy phép.
“Tôi có thắc mắc xây một hàng gạch cao 25cm vẫn phải xin phép ư, ông chủ tịch phường cho biết dù là xây chuồng gà chuồng lợn hay một viên gạch có vữa đều phải xin phép. Tôi mới phải đi xin giấy phép xây một hàng gạch và cái chuồng gà” 
- ông Uyên nói.
Trong hồ sơ mà ông Uyên gửi tới Tuổi Trẻ có nhiều văn bản của Phòng quản lý đô thị (QLĐT) TP Cao Bằng và UBND P.Sông Bằng trao đổi về việc có cấp phép cho ông Uyên xây chuồng gà và hàng gạch hay không!
Đến ngày 
25-5, Phòng QLĐT có văn bản cho biết: “Quy định hiện hành không nêu rõ, không hướng dẫn cụ thể với loại công trình này.
Phòng QLĐT đã trao đổi và đề nghị Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng Cao Bằng kiểm tra thực tế hiện trạng và hướng dẫn Phòng QLĐT có cơ sở giải quyết. Trong thời gian chờ đợi đề nghị ông Hoàng Quảng Uyên không tự ý thi công công trình nêu trên”.
Xin xây hàng gạch, chuồng gà: 4 cơ quan giải quyết
Theo ông Uyên, khi gửi đề nghị đến UBND phường đề nghị cấp phép xây dựng hàng gạch và chuồng gà, ông đã nghĩ không thể nào có chuyện lạ kỳ này.
“Nhưng ông chủ tịch phường lại bút phê vào đơn xin cấp phép của tôi là chuyển Phòng QLĐT xem xét, tạo điều kiện. Phường cũng có văn bản cho rằng căn cứ Luật xây dựng năm 2014 thì “công trình” của tôi không thuộc diện được miễn cấp phép.
Văn bản cũng nói rằng một cá nhân/tổ chức đặt 1 viên gạch để xây dựng gắn liền trên đất cũng phải thông báo và xin phép chính quyền địa phương.
Tính từ khi tôi khởi công xây hàng gạch đến nay là gần hai tháng đã có bốn cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ xây dựng chuồng gà và hàng gạch này” - ông Uyên nói.
Ngày 7-6, Phòng QLĐT TP Cao Bằng có công văn trả lời ông Uyên rằng công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không đảm bảo cho công trình...”.
Ông Uyên cười chua chát: “Ông chủ tịch P.Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng Phòng QLĐT lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là không 
đủ điều kiện!?”.
LAN ANH
Phần nhận xét hiển thị trên trang

9 loài sen quý giúp ‘anh khùng’ kiếm trăm triệu mỗi tháng


Ngọc Thanh/VNExpress
Trồng nhiều loài sen hiếm kinh doanh dịch vụ tham quan đầm chụp ảnh, bán hoa..., người đàn ông ở Ninh Xá (Thường Tín, Hà Nội) thu nhập 5-7 triệu đồng mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, 47 tuổi, ở thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội) bị người dân quanh vùng gọi là "khùng" bởi 4 năm trước đã bỏ ra một đống tiền mua đầm lầy và tự khai phá. Ban đầu mặt nước đầm rộng gần 5.000 m2, sau khi được chủ nhân khai hoang thì lên đến 8.000 m2.
Yêu thích hoa sen, anh Hạnh sưu tầm các giống hoa từ mọi miền đất nước. "Sau 2 năm, sen bắt đầu lên mạnh, cho thu hoạch và đầm đi vào kinh doanh dịch vụ để lấy tiền quay vòng đầu tư", Hạnh chia sẻ. Hiện đầm có 9 loài hoa sen: 4 loài sen trắng, 4 loài sen hồng và một loài sen Nam Bộ.
Bông sen có đặc trưng viền hồng, cánh dày, hương thơm, thân nhiều gai... Ban đầu các loại sen được trồng riêng thành từng khu để tiện cho việc chăm sóc nhưng sau mỗi mùa, các loài sen lại đan vào nhau. Những năm trước, số loài nhiều hơn, theo thời gian, khả năng thích nghi và cạnh tranh khiến nhiều loài biến mất.
Hàng ngày làm việc từ 5h sáng đến tối muộn, nhiều hôm khách đặt hàng mua sen, anh phải lội lên lội xuống đầm nhiều lần. "Đầm của tôi là đầm duy nhất có nhiều loài sen mọc và nở cùng lúc, đây cũng là nơi có hoa sớm nhất tại miền Bắc nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt. Giữa tháng 4 đã có để thu hoạch", anh Hạnh khẳng định.
Trồng sen mất nhiều thời gian quan sát, cây sen khi được bón phân đạm, phân tổng hợp sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Bông sen Tịnh đế (hai hoa trên một cành) hiếm gặp.
Sen hai màu, nửa hồng nửa trắng cực kỳ hiếm trong tự nhiên.
Sen Bách Diệp (sen Quan âm) có nguồn gốc từ Thái Lan. Nụ sen hình cầu, khi nở bông to bằng chiếc bát ăn cơm, ngoài lớp cánh to, còn có hàng trăm cánh hoa nhỏ xếp bên trong. Loài hoa này nở khoảng nửa tháng mới tàn.
Sen Hồ Tây màu trắng và hồng đặc trưng của Hà Nội với cánh hoa dày, hương thơm, nhiều gai.
Hoa nở rải rác từ tháng 4 đến tháng 8. Khi thời tiết tốt hoa nở nhiều hơn và nhu cầu mua hoa tăng cao, có ngày anh bán được khoảng 600 bông với giá 3.000 đồng/bông.
Nhiều năm gần đây, sen cảnh trồng trong chậu rất được ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu đó, anh cũng đẩy mạnh việc nhân giống và trồng sen cảnh mini. Sau mỗi vụ, anh thu được khoảng 40 triệu đồng.
Trung bình một ngày đầm đón 50 khách (vé vào cửa 50.000 đồng/người). Cao điểm có hôm anh thu được 5 triệu đồng tiền bán vé.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng


10/06/2016 - Sử ghi nhận lần đầu tiên dưới thời vua Cao Tông, dù vua trễ nãi việc nước, siêng việc ăn chơi, nhưng trong việc cai trị, cũng đã chú ý đến vấn đề chọn kẻ làm quan.

Đứng trước mối nguy của nạn đục khoét tiền tài, vật lực nước nhà, sinh dân, các vua triều Lý phải dùng nhiều biện pháp khác nhau hòng mong ngăn chặn, giảm thiểu nạn tham nhũng ảnh hưởng tới sự thịnh suy của triều đại. 

Các biện pháp được thực hiện có hiệu lực khác nhau, đa phần mang tính chất răn đe, phòng ngừa hơn là chấn áp những kẻ tham quan, ô lại. Điểm qua các biện pháp phòng, chống và xử lý tham nhũng thời nhà Lý, ta thấy nổi lên một số hành động cụ thể. Xin được phép sơ lược qua cho bạn đọc tỏ tường.


1. Hiệu quả răn đe cao nhất đối với tội đục tiền, khoét của không đâu hơn bằng luật pháp. Bởi thế nên sang đời vua thứ hai nhà Lý, vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là luật Hình thư giúp cho việc xét xử được thuận tiện. Trong Việt sử diễn âm có đề cập đến sự ra đời của bộ luật này rằng:

Lại xem một sự luật hình,
Chọn người tài đức thánh minh hòa bàn.

Dù hiện luật Hình thư trải qua bao biến động lịch sử đã không còn, nhưng qua những việc xét xử, quy định luật lệ cụ thể của thời Lý còn để lại trong sử liệu, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định trong bộ luật này có đề cập tới vấn đề xét xử tội tham ô, hối lộ. Điều đó được chứng thực trong Đại Việt sử ký toàn thư khi việc được ghi chép vào năm Quý Mùi (1043), vua đã xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa) “ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”.

2. Sang thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), có một điểm cho thấy vua rất chú trọng tới việc phòng chống quốc nạn của nước khi đề xuất ra loại tiền đặc biệt, đó là “tiền dưỡng liêm” (tiền nuôi dưỡng sự liêm khiết) đối với quan giữ việc hình án. Sự kiện này diễn ra năm Đinh Mùi (1067), được Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Cho bọn Trọng Hòa mỗi người mỗi năm 50 quan tiền và 100 bó lúa để bồi dưỡng đức liêm khiết”.

Điều này xuất phát từ thực tế nắm bắt tâm lý quan lại của vua Lý, như lời bàn của nhà sử học Ngô Thì Sỹ có đoạn: “lo rằng quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, thì cấp thêm cho tiền lương và thức ăn để nhà được no đủ”. Biện pháp trên được Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử nhận xét là một biện pháp rất nhân văn khi các quan lại nhà Lý không được trả lương nhưng người làm ở lĩnh vực xét án lại có để phòng ngừa nguy cơ tham tiền mà nhận của đút.

3. Ở thời vua Lý Anh Tông trị vì, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lệ khảo khóa đối với quan lại được thực hiện để phân loại những kẻ thay mặt vua chăm dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi việc này diễn ra vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1162), còn Việt sử cương mục tiết yếu thì cho rằng việc diễn ra vào tháng 2: “Tháng 2, khảo xét thành tích các quan (9 năm một lần khảo xét. Các quan văn võ sau khi khảo xét đủ, không có tội lỗi thì được thăng cấp)”.

Từ thời điểm này về sau, nhà Lý trong việc khảo khóa đối với kẻ chăm dân đã có quy định 9 năm tiến hành một lần khảo khóa và lấy đó làm lệ thường. Sử còn ghi nhận vào năm Quý Sửu (1193) thời vua Lý Cao Tông lại “Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong quy chế khảo khóa của nhà Lý, mặc dù sử liệu để lại không nhiều, nhưng ta biết được, quan lại sau khi được khảo khóa sẽ chia làm 3 hạng khác nhau. Cứ điểm xét việc xét công quan lại vào năm Kỷ Hợi (1179) đời vua Lý Cao Tông thì rõ. Năm ấy, khi tiến hành khảo khóa, xét công trạng quan lại, triều đình đã lấy những người có tài về văn học làm một loại, những người có tài cao, nết tốt, thông hiểu việc xưa, việc nay làm một loại, và tiếp đó là những người không thông văn học nhưng bù lại siêng năng, có tài làm một loại. Ba loại này thực chất là những quan lại đạt cả. Họ sẽ được thay mặt nhà nước cai quản nhân dân. Nhờ đó mà hiệu quả khảo khóa đã góp phần cho việc trị nước của nhà Lý, như lời nhận xét của Phan Huy Chú là “Quan đều đáng tài, không có nhũng lạm”.

Dẫu vậy, xét về tính khách quan, thì việc khảo khóa 9 năm một lần xem ra là quá dài đối với kẻ làm quan. Sau này sang thời Lê sơ rút kinh nghiệm từ tiền nhân nên trong quy chế khảo khóa, cứ 3 năm tiến hành một lần cho kịp thời.

4. Nhà Lý trong việc xếp đặt quan chức cũng chú ý tới việc lấy được kẻ có tài, có đức, hạn chế quan tham. Sử ghi nhận lần đầu tiên dưới thời vua Cao Tông, dù vua trễ nãi việc nước, siêng việc ăn chơi, nhưng trong việc cai trị, cũng đã chú ý đến vấn đề chọn kẻ làm quan. Theo đó, vua đã có quy định đến phẩm hạnh, sự liêm khiết của người được lựa chọn vào hàng ngũ áo dài, đai rộng vào năm Kỷ Hợi (1179). Việc chú ý tới phẩm chất, tư cách của kẻ ăn lộc nước, thực ra đã có từ thời vua Lý Nhân Tông. Điều này được chứng thực bởi Lịch triều hiến chương loại chí: “Lý Nhân Tông, năm Thái Ninh thứ 5 (1076), lấy những người hiền lương có tài văn võ cho giữ việc quân việc dân”.

5. Nhà Lý trước khi có dấu hiệu bóng ngả về Tây vào quãng sau thời trị vì của Lý Cao Tông, thì ở thời vị vua này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay, lần đầu tiên Nhà nước có văn bản chính thức để cầu hiền: “xuống chiếu cầu người hiền lương”. Việc đó được thực hiện tháng Giêng năm Nhâm Dần (1182), chứng tỏ Nhà nước đã chú ý tới những kẻ thực tài giúp vua cai trị dân. Biện pháp này ở một chiều hướng khác, chính là góp phần để giảm thiểu, thải loại những quan viên năng lực kém, yếu.

Trần Đình Ba
http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/vua-sieng-an-choi-nhung-lai-doi-manh-tay-chong-quan-tham-nhung-35202.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHẾ LAN VIÊN

CHẾ LAN VIÊN
Đầu năm 1976, tôi đang dạp xe trên đường Trần Hưng Đạo thì Chế Lan Viên gọi giật lại, ông chỉ tay vào bó hoa tôi đang cầm, hỏi: “Ông đem hoa đi tặng ai thế?” Tôi bảo: “Đem hoa đi tặng một người làm thơ hay hơn Chế Lan Viên!” Tôi đi được mươi thước thì ông lại gọi lại. Hỏi: “Ai vậy?” Tôi trả lời: “Thanh Thảo”… Ngẫm nghĩ giây lát, ông bảo tôi: “Đúng đấy!”
Chế Lan Viên là một người như thế. Với những người làm thơ cùng thời, ông là một thi sĩ nổi tiếng vào bậc nhất. Vậy mà khi tôi nói kiểu “trêu ngươi” như thế, ông lại khen: “Đúng đấy!”
Số là thế này. Thanh Thảo tên thật là Công, anh làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam rồi đi B chiến đấu, và có làm thơ. Mấy năm trước hòa bình 1975, anh được ra Bắc điều dưỡng ở trại điều dưỡng Nam Sách Hải Dương. Anh hỏi bạn bè ở giới văn nghệ Hải Dương, biết tôi dạy học ở Cẩm Giàng và là người yêu văn nghệ, “chịu chơi”, nên “trốn trại” đến chơi với tôi vài ngày. Tại đây, anh đã đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ của anh, trong đó có bài Dấu chân trên trảng cỏ nổi tiếng sau này. Thơ Thanh Thảo được xem là táo bạo vào thời ấy. Anh tuyên bố: “Thế hệ chúng tôi bùng cháy ngọn lửa của chính mình. Không dựa dẫm những hào quang có sẵn”.
Tôi đã được đọc những vần thơ như thế trong cái xóm nhỏ nghèo nàn nơi trường tôi sơ tán tại Cẩm Giàng, trong lúc có nhà văn tên tuổi lại cho rằng mình là “hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng” (!) Người ta đã đặt câu hỏi: “Hào quang có sẵn” ám chỉ cái gì? Ai đã bắt thơ phải “dựa dẫm” trong một xã hội tự do như xã hội ta, vv và vv… Thế là thành chuyện. Chính vì thế tôi mới “trêu ngươi” Chế Lan Viên. Nào ngờ… Buổi sáng hôm đó chính là lúc tôi ra ga Hàng Cỏ tiễn Thanh Thảo về ở hẳn quê nhà Qui Nhơn.
Người ta thường bình luận trái ngược nhau về thơ và con người Chế Lan Viên. Nhưng sự sắc sảo “toàn trị” của ông thì ai cũng phải thừa nhận.
Tôi gặp nhà thơ lần đầu tiên vào năm 1966 tại Yên Mỹ Hưng Yên, nơi khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán bom đạn Mỹ. Năm đó là năm tứ ba, năm cuối cùng trước khi chúng tôi ra trường. Khoa Văn tổ chức buổi giao lưu, mời nhà thơ Chế Lan Viên đến gặp gỡ sinh viên… Cuộc giao lưu có tổ chức biểu diễn văn nghệ của sinh viên mừng khách mời. Thấy Chế Lan Viên không mặn mà với các tiết mục văn nghệ, thầy Chủ nhiệm Khoa Lê Trí Viên xuống ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Lê Phú Khải lên đọc bài thơ lúc ban chiều đi!” Thế là tôi hồi hộp bước lên sân khấu. Tôi đọc bài thơ mới làm ban chiều để tặng khách mời của Khoa mà thầy Viễn đã coi… Thật không ngờ… Tôi vừa dứt lời thì Chế Lan Viên đã bật dậy, lên sân khấu ôm lấy tôi và cầm lấy bài thơ đó… đút túi áo ngực của mình. Cả khoa vỗ tay, và đương nhiên là thầy Chủ nhiệm rất hài lòng. Bài thơ “con cóc” của tôi là cách chơi chữ, ghép tên các tác phẩm thơ của Chế Lan Viên thành vần điệu. Bài thơ khá dài ấy tôi còn giữ đến bây giờ. Đại để có những câu như câu kết này:
Cho gửi lời thăm đến người anh thương nhớ đầy vơi…
Đã cùng anh “gánh vác”
Cả trời “sao chiến thắng” đến hồn tôi…
“Gánh vác” là tên một tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Vũ Thị Thường, vợ vủa nhà thơ, lúc đó đang đi thực tế ở vùng biển Thái Bình, còn “Sao chiến thắng” là tên một bài thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên. Tôi biết nhà thơ rất nhớ vợ, vì ông đã viết bài “Cái rét đầu mùa” mà tôi đã được đọc. Một bài thơ tình bốn câu rất độc đáo và sáng tạo. Có lẽ vì tôi đã chạm vào “chỗ da non nhất của lòng người”, nói theo chính ngôn từ của Chế, nên ông cảm động. Từ đó, Chế và tôi đã trao đổi thư từ (chứ không phải email như bây giờ) cho nhau. Khi tôi thường trú ở Mỹ Tho, Chế Lan Vien đã vô ở hẳn Sài Gòn và rất hay xuống Tiền Giang, có lẽ vì ông là đại biểu quốc hội của tỉnh này. Một buổi tối – ở tỉnh lẻ người ta đi ngủ rất sớm nên đường vắng – tôi và Chế đi ven lòng đường một con phố không còn ai đi lại, dưới ánh đèn lấp loáng gió sông Tiền… Tôi bảo ông: “Thơ chống Mỹ của ông thì xuất sắc rồi, nhưng sau này người ta sẽ quên đi, vì thời điểm lịch sử sẽ đi qua… Nhưng ông có những bài thơ tình còn sống mãi, trong đó có một bài mang vóc dáng thiên tài mà chính ông cũng không biết”. Chế hỏi tôi: “Bài nào?” Tôi nói: “Thì tôi đã bảo chính ông cũng không biết, chỉ có người đọc biết thôi”. Chế càng sốt ruột giục tôi: “Nói đi”. Tôi đọc một hơi bài “Rét đầu mùa”:
Cái rét đầu mùa anh rét xa em
Đêm dài lạnh chia chăn thành hai nửa
Nửa đắp cho em ở miền sóng bể
Nửa đắp cho mình ở phía không em”
Rồi tôi bình: “anh rét xa em” và “ở phía không em”, đó là những sáng tạo xuất thần, chỉ có tình yêu mới tạo nên được những lời như thế. “Rét xa em” là rét thế nào? “Phía không em” là phía nào, không ai định nghĩa, giải thích nổi, nó trừu tượng và mông lung hư ảo quá. Cái không định nghĩa được chính là thơ. Thơ là học thuyết về… bầu trời, ông Chế ạ!”
H1Thủ bút Chế lan Viên
Chế chăm chú nghe tôi “tán” và ông tỏ ra hài lòng. Bỗng chai rượu đậu nành Chế đang xách rơi xuống ven lòng đường và vỡ làm nhiều mảnh. Số là, chiều hôm đó, có cuộc họp báo, tỉnh tặng mỗi đại biểu một cặp rượu đậu nành do Tiền Giang sản xuất. Hai chai rượu buộc vào nhau để xách. Tôi và Chế, mỗi người xách một cặp rượu. Có lẽ cặp rượu của Chế buộc không chặt nên mới rơi ra một chai. Tôi cúi xuống nhặt hai mảnh vỡ lớn đem để vào gốc cây bên đường. Chế vẫn ngồi nhặt tiếp các mảnh vỡ bé hơn. Nhặt mãi, nhặt mãi. Tôi sốt ruột kéo ông đi, Chế không chịu, ông bảo: “ Những mảnh nhỏ này sắc lắm, phải nhặt cho hết kẻo người ta dẵm phải thì khốn…” Tôi đứng dưới ánh đèn khuya nhìn một nhà thơ lớn ngồi chăm chú nhặt nhạnh từng mảnh thủy tinh bé nhỏ mà thấy nhân cách lớn lao của ông. Từ đó trở đi, nếu có ai phê phán gì ông, mà đã có rất nhiều người phê phán ông, tôi không tin nữa.
Cứ mỗi lần gặp Chế, tôi lại được nghe ông nói những suy nghĩ của mình về Thơ. Đó là những lý lẽ sâu sắc. Mặt này không thấy các nhà phe bình văn học nói tới. Có lẽ vì thế mà thơ Chế giàu chất trí tuệ, triết lý. Ông suy nghĩ để làm thơ, nếu có cảm hứng thì cũng là cảm hứng của suy nghĩ. Ông bảo tôi: “Thơ càng “pẹc” (personnel) càng hay. Càng “tôi” bao nhiêu càng hay, càng chủ quan bao nhiêu càng hay, càng vô lý bao nhiêu càng hay!” Rồi ông phân tích: “Còn gì chủ quan hơn khi nhà thơ viết “chắc nàng cũng có nỗi buồn giống tôi”? Còn gì vô lý hơn chỉ vì cái giậu mùng tơi mà ngăn cách được hai con người… Nêu viết báo như cậu mà lại nói “chắc ông chủ tịch đã tham ô” thì chết người ta. Nếu viết báo mà vin vào cái giậu mùng tơi thì lý do không chính đáng. Vạy mà những câu thơ vừa chủ quan, vừa thiếu khách quan của Nguyễn Bính lại được thiên hạ phổ nhạc để ca hát năm này qua tháng khác… Vì nó rất “pẹc”!”
Có lần ông lại bảo tôi: “nếu theo lô-gích của nhà toán học thì Hồ Xuân Hương là một con mụ dở hơi khi viết: “Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo…” Nói ngay ra là ba đèo có hơn không?” Ông kể, có cô giáo dậy văn hỏi: có từ nào là thơ và từ nào không thể đem vào thơ? Ông đã trả lời: “Mọi từ đều bình đẳng, không có từ nào thơ và từ nào không thơ. Đến từ “cứt” là xấu chứ gì? Vậy mà nó vẫn được đem vào thơ, và còn hay là khác. Ông dẫn chứng ca dao:
Thân em như đóa hoa hồng
Vớ phải anh chồng như bãi cứt trâu
Và ông đã dẫn ngay thơ Chế Lan Viên đã đưa “cứt” vào thơ:
Không gì cứu được loài bán nước
Không cứt nào cứu được bọ hung!
Đi thực tế nông thôn với Chế Lan Viên, tôi thấy ông vui vẻ tiếp nhận cả tờ bướm của trạm bảo vệ thực vật huyện phát cho nông dân… rồi cẩn thận cất vô túi xách. Tôi nghĩ là ông xã giao để vui lòng người cho mình. Đến khi về nhà khách, tôi thấy ông lấy các tờ rơi, báo cáo của trạm y tế xã, của hội chữ thập đỏ huyện ra… vuốt ngay ngắn rồi xếp cẩn thận vào túi xách trước lúc ra về. Tôi ngồi hút thuốc nhìn ông sắp xếp đồ đạc, thấy thế ông nói: “Người ta có tài năng, mình không có tài năng thì lo thu góp tài liệu vậy!”
Chế Lan Viên từng là một nhà báo. Ông làm báo Cứu Quốc trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 4 từ 1947 đến 1954. Có lẽ không ai nói về nghề báo như khi ông nhớ lại: “Ôi… còn gì mà ta không động tới, hỡi chúng ta, những người làm báo hàng ngày, hàng ngày hay hàng đêm cũng được, đêm nào dưới ánh đèn lù mù hay le lói, ta không trõ mắt ra mà viết bài hay đọc bản tin… Cho tôi tỏ lòng biết ơn cái nghề bạc bẽo mà chúng tôi rất trung thành, cái nghề hèn mọn mà lại cao cả đó. Xưa làm thơ, tôi bứt hương trên ngọn cây, giờ làm báo, tôi phải nếm cả rễ cây dưới đất” (Tựa cuốn Người và đất của Phan Quang, NXB Thuận Hóa 1988). Chỉ vài dòng thế thôi, nhưng toàn là những điều cốt tử của nghề báo. Cái nghề phải “nếm cả rễ cây dưới đất”. Để làm gì? Nếu không phải để lần đến tận gốc sự kiện và vấn đề đang nảy sinh và phát triển giữa vô vàn biến động của đời sống. Bây giờ, những lúc ngồi buồn, tôi giở lại đôi ba lá thư nhà thơ viết cho tôi đã bạc nét với thời gian, mà qua bao lần di chuyển, tôi vẫn cố mang theo… và cứ mỗi lần đọc lại, tôi càng thấy Chế Lan Viên là một bậc thầy của các nhà báo, xét từ góc độ trí tuệ – văn hóa, cái gốc của mọi nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật làm báo. Nhận xét về một bài ký của tôi trên báo Văn Nghệ (1985), ông viết: “… Thà làm việc kể chuyện, thông tin mà có văn chương, còn hơn là làm văn chương mà đánh mất hết hiện thực. Tôi rất ghét các loại lưới đẹp mà không cho ta ăn một con cá nào. Đầy xuồng = nghĩa là lượng thông tin lớn…”
Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, ông còn là một nhà báo tài năng. Thời gian làm báo liên tục của ông đến 8 năm (1947-1954). Tiếc rằng những bài báo của ông đến nay chưa có ai sưu tầm đầy đủ. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà báo Phan Quang, người có nhiều năm gần gũi và làm báo Cứu Quốc với Chế Lan Viên: “Anh sưu tầm tài liệu, chuẩn bị rất kỹ trước khi bắt đầu một bài viết, một buổi thuyết trình, một chuyến đi công tác. Đó là gì nếu không phải là phong cách báo chí” (Phan Quang, Tuyển tập, tập 2, tr.37 – NXB Văn Học 1999)
Viết thêm:
Trước 1975, có lần tôi từ Đài TNVN 58 Quán Sứ đi bộ sang trụ sở Hội Liên hiệp VHNT ở 51 Trần Hưng Đạo, gõ cửa phòng ông. Thấy Chế Lan Viên mặc quần áo giải phóng quân miền Nam, đầu đội mũ tai bèo đang ngồi làm việc. Trên bàn có một mảnh giấy quay ra phía ngoài, đề “Không tiếp khách quá 10 phút”. Thấy thế tôi chỉ ngồi đúng 10 phút rồi xem đồng hồ đứng dậy. Chế nói: “Đề thế thôi, để đề phòng có kẻ ngồi dai… Cứ ngồi chơi nói chuyện tiếp đi…” Tôi đem câu chuyện Chế mặc đồ giải phóng quân trong phòng làm việc kể với bạn bè. Có người nói: “Chế làm thế để tạo thi hứng làm thơ về… miền Nam, về quân giải phóng”.
Tôi đọc thơ Thanh Thảo, có mấy câu:
Đêm nay có người lội sình
Có người ngồi ở thủ đô viết những dòng thơ thông minh
Có người dắt tay nhau vào tiệc cưới…
Rồi Thanh Thảo kết luận, đại ý: Đất nước là như thế, thế mới là đất nước!
Vậy mà Chế lại đồng ý với tôi rằng Thảo thơ hay hơn thơ Chế!
Có lẽ vì thế mà cuối đời ông đã viết Di cảo nhận trách nhiệm về mình khi đã cổ vũ cho những người đi vào cái chết trong Tết Mậu Thân (1968).
Phần nhận xét hiển thị trên trang