Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

New York Times: Tiến về hướng Việt Nam, nhưng nhớ đến các bài học của Việt Nam


Khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam, chúng tôi bị tác động do một sự kiện là hầu hết người dân của cả hai nước không có ký ức sống động của một cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 58.000 người Mỹ và trên hằng triệu người Việt.
TNS John Kerry và TNS John McCain trong một phiên điều trần về VN tại Quốc hội
Khi những người Mỹ đã chiến đấu trong cuộc chiến, chúng ta thường xuyên được hỏi về bài học của cuộc chiến. Có vài câu trả lời dễ dàng, một phần vì mọi xung đột là có nét đặc thù và vì chúng ta đã học được rằng các cố gắng để áp dụng những bài học trong quá khứ cho các cuộc khủng hoảng mới đôi khi làm hại nhiều hơn lợi. Nhưng một vài điều là rõ ràng.

Bài học đầu tiên không phải là chuyện cá nhân cho chúng ta, nhưng là một nguyên tắc áp dụng cho tất cả những người mặc quân phục: Một lần nữa chúng ta không bao giờ nhầm lẫn giữa một cuộc chiến tranh với các chiến binh. Các cựu chiến binh Mỹ xứng đáng được chúng ta kính cẩn tôn trọng, tri ân và hỗ trợ bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào mà họ phục vụ.

Bài học thứ hai là các nhà lãnh đạo của chúng ta cần phải trung thực với Quốc Hội và người dân Mỹ về các kế hoạch, các mục tiêu và chiến lược khi sinh mạng của các nam nữ chiến binh đáng gặp nguy cơ. (Nhiệm vụ của quân chiến đấu Mỹ đầu tiên được triển khai tại Việt Nam được mô tả là “cứu trợ lũ lụt.”)

Bài học thứ ba là thể hiện sự khiêm tốn khi tự cho mình là hiểu biết về văn hoá ngoại quốc. Trong cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á, không phải các đồng minh của Mỹ và cũng không phải các đối thủ của chúng ta đã hành động phù hợp với sự mong đợi của chúng ta.

Bài học thứ tư và cuối cùng của các cuộc xung đột Việt Nam đang phơi bày trước mắt chúng ta: sự khác biệt dường như không thể hàn gắn được, nhưng với nỗ lực và ý chí đầy đủ có thể hoà giải được. Thực tế là ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp đến thăm Việt Nam là bằng chứng cho thấy những kẻ thù cũ có thể trở thành các bạn đối tác mới.

Là các cựu chiến binh, những người đã may mắn phục vụ trong công quyền, chúng tôi rất tự hào về những đóng góp của chúng tôi để nối lại các quan hệ ngoại giao bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tiến trình khôi phục các quan hệ là khó khăn và đòi hỏi sự hợp tác đầy đủ của Hà Nội trong việc phát triển thông tin về người Mỹ mất tích từ cuộc xung đột – một nỗ lực còn tiếp tục đến nay.

Nhưng hơn 20 năm sau khi bình thường hoá, chúng ta đã đạt đến cao điểm, khi chương trình nghị sự của chúng ta với Việt Nam là nhìn về phía trước và trên phạm vi rộng. Các cuộc thảo luận của ông Obama với người Việt Nam sẽ bao gồm các vấn đề từ hợp tác an ninh, thương mại và đầu tư đến giáo dục, và từ môi trường đến tự do tôn giáo và nhân quyền.

Chương trình nghị sự rộng lớn hơn này phản ánh những thay đổi trong mối quan hệ đang triển khai tốt. Hai mươi năm trước đây, hàng năm đã có ít hơn 60.000 du khách người Mỹ đến Việt Nam. Ngày nay, có gần nửa triệu. Hai mươi năm trước, thương mại song phương về hàng hoá của chúng ta với Việt Nam chỉ là 450 triệu. Ngày nay, nó gấp 100 lần. Hai mươi năm trước đây, đã có ít hơn 1.000 sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ngày nay, có gần 19.000.

Đáng kể hơn, trong Bộ Chính trị Việt Nam có hai người đạt được trình độ đại học Mỹ khi họ theo chương trình học bổng Fulbright. Do đó, trong tuần này, một tổ chức mới cho chương trình cao học sẽ mở ra tại thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Fulbright Việt Nam, đó là chuyện thích hợp. Một người trong chúng tôi, Thượng nghị sĩ Kerry tự hào phục vụ trong chức vụ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường.

Gần nửa thế kỷ trước, khi chúng tôi đã phục vụ ở Việt Nam, chúng tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng đất nước của chúng ta sẽ một ngày nào đó làm việc với chính phủ Hà Nội để giúp họ giữ đồng bằng sông Cửu Long bằng cách tạo ra một sáng kiến để quản lý hệ sinh thái và đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng rằng hai nước chúng ta sẽ là đối tác trong một thỏa thuận về mẩu mã trong thương mại, trong các đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với mục đích là nâng cao tiêu chuẩn lao động và môi trường, đồng thời mở rộng sự thịnh vượng ở nước ta và các nước dọc theo vòng cung Thái Bình Dương.

Sẽ khó khăn hơn để tưởng tượng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ hợp tác về các vấn đề an ninh. Hoa Kỳ đã giúp thành lập một trung tâm đào tạo mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các vùng ngoại ô của Hà Nội, nơi những người lính trẻ Việt sẽ chuẩn bị để phục vụ trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc tài trợ.

Hoa Kỳ và Quân đội Việt Nam đang tiếp xúc thường xuyên, và các nhà ngoại giao của chúng ta tham khảo ý kiến thường xuyên về những tranh cãi xung quanh tranh chấp chủ quyền hàng hải ở Biển Đông. Chính phủ của chúng ta không đứng về phía nào trong cơ sở pháp lý của các yêu sách, nhưng chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng họ nên được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp theo với luật pháp quốc tế và không được đơn phương theo bất kỳ quốc gia nào tìm cách khẳng định quyền bá chủ trên các nước láng giềng.

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ và Việt Nam có hệ thống chính trị khác nhau và phương sách khác nhau đối với một số vấn đề. Nhưng nhân quyền là phổ quát, và chúng ta đã làm rõ ràng để các nhà lãnh đạo Hà Nội tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ đạt được đầy đủ tiềm năng chỉ nếu và khi người dân có quyền thể hiện một cách tự do trong phạm vi chính trị, lao động, các phương tiện truyền thông và tôn giáo. Trong cuộc viếng thăm Việt Nam, chúng tôi đã rất ấn tượng bởi sự háo hức của người dân Việt khi họ tận dụng lợi thế của công nghệ và cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu. Chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam không có gì để mất, và đạt được nhiều bằng cách tin tưởng người dân Việt.

Nhìn về tương lai, trên hết, chúng ta biết rằng lợi ích hỗ tương sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác của chúng ta với Việt Nam. Cũng như vậy, nhưng khi nó được củng cố do tình cảm thu hút tự nhiên giữa các xã hội của chúng ta. Tình cảm này bao gồm các mối quan hệ gia đình, một xu hướng lạc quan, lòng mong muốn mãnh liệt cho tự do và độc lập và khi am hiều một cách khó khăn rằng hòa bình là được yêu chuộng nhiều hơn là chiến tranh.

John Kerry là Ngoại trưởng Hoa Kỳ. John McCain là Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona, Chủ tịch của Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Bob Kerrey là cựu Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ bang Nebraska, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam.

John Maccain, John Kerry  Bob Kerry | New York Times
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ba người khác của Tô Hoài

Hà Văn Thùy
Nghe nhiều người khen cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài, tôi cố tìm đọc. Đọc xong thì hoang mang…

Nói cho ngay, đấy là cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ …
Từng đọc Don Quichotte, từng đọc Tội ác và trừng phạt, Chiến tranh và Hòa bình, Vụ án, Trăm năm cô đơn rồi Số đỏ, Nỗi buồn chiến tranh, Hồ Quý Ly… người đọc khó lòng chấp nhận Ba người khác là tiểu thuyết! Nếu không phải lập lờ đánh lận con đen thì điều này chứng tỏ nhà văn lớn của chúng ta thiếu kiến thức sơ đẳng về thể loại văn chương.
Tiểu thuyết (novel) là truyện kể nhưng không phải mọi truyện kể đều là tiểu thuyết. Phẩm chất chân chính của tiểu thuyết là hư cấu (fiction), là tưởng tượng, là sự khát quát. Do thiếu hư cấu tưởng tượng mà cuốn truyện trở nên manh mún, vụn vặt thậm chí nhảm nhí trước hiện thực lớn lao của cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất. Do thiếu tính khái quát nên hiện thực dù sống động trong cuốn sách cũng chỉ là một nửa sự thực, làm cho thực tế đất nước bị bóp méo, xuyên tạc đến thảm hại. Thực chất cuốn sách chỉ là một thứ tự truyện (non-fiction) trá hình…
Không, Cải cách không đơn giản như vậy. Không phải bỗng dưng mà “ba thằng lăng nhăng” làm đảo lộn được xã hội. Nó có nguyên nhân sâu xa từ những cuộc chỉnh quân chỉnh cán, từ phát đạn bắn vào Người Mẹ Việt Nam yêu nước là bà Nguyễn Thị Năm. Nông thôn Việt Nam cũng không hèn hạ khiếp nhược như vậy. Nếu không phải là sự cố đẫm máu Ba làng An thì cũng có hàng nghìn “địa chủ” “phản động” viết thư tuyệt mệnh gửi cho Đảng, cho Bác “xin cứu con, cứu các đồng chí, cứu đất nước” và có hàng nghìn người trước khi chết thảm miệng còn hô:“Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”
Hậu Cải cách cũng không như tác giả mô tả. Dù cho ông cam đoan là sự thực thì cái sự thực được mô tả một cách tự nhiên chủ nghĩa hóa ra lại quá chừng dối trá! Hàng nghìn “ông đội” trung kiên sau Cải cách được đề bạt. Hàng nghìn cốt cán bần cố nông do tố điêu được kết nạp Đảng, khi sửa sai bị nông dân săn đuổi, đã được điều lên huyện lên tỉnh, được chuyển vùng. Họ trở thành nòng cốt trong đội ngũ cán bộ, là những chủ thể của hợp tác hóa, rồi cải tạo công thương nghiệp tư bản sau này. Cái tàn hại của Cải cách ruộng đất không phải là cơn bão đổ nhà gẫy cây mà là di hại lâu dài trong suốt hành trình của đất nước từ những cốt cán đó!
Nếu văn là người thì phải hiểu thế nào đây về tư cách công dân, tư cách nhà văn của Tô Hoài? Những người chính trực đi cùng cách mạng nửa thế kỷ nay thường nói: mình là nạn nhân mà cũng là tội phạm của hiện tình đất nước. Nguyễn Minh Châu sám hối bằng “Lời ai điếu…” Chế Lan Viên sám hối trong Di cảo thơ… Nhưng với Tô Hoài thì không thế. Ông không hề là nạn nhân vì trong những năm tháng hiểm nghèo nhất cho hàng triệu người thì ông là đội phó cải cách, trên cả trời, có toàn quyền luận tội, kết án, đêm ôm gái quê.
Sau Cải cách, khi văn học cách mạng là thống soái, ông có Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc để hóa thân thành một trong vài ba người vai vế nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, cái hội sang trọng và hưởng nhiều ơn mưa móc. Miệng thế gian có cả câu vè về ông: “Đảng đoàn là đảng đoàn Hoài, chỉ đi nước ngoài thực tế thì không!”. Vì những cống hiến đó, ông “ẵm” Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, giải văn chương Giao Chỉ danh giá bậc nhất và nghe đâu ông còn được bằng khen về công trạng bảo vệ Đảng! Khi đất nước đổi mới, ông có Cát bụi chân ai, Chiều chiều rồi bây giờ là Ba người khác… Trước vấn nạn của dân tộc, ông xoa hai bàn tay như người vô can, “hò lơ hò lờ”, tưng tửng kể chuyện đời xưa, chuyện của người khác! Một tuần chay nữa ông có nước mắt: được suy tôn là người can đảm, dám nói sự thật!
Dù có thực lòng nghĩ thế thì tôi cũng buộc phải nghi ngờ mình, bởi lẽ nhiều nhà văn uy tín và không ít người tử tế ngợi ca tác phẩm của ông.
Vì sao, tôi tự hỏi?
Một dịp may khiến tôi giác ngộ. Đấy là Tết Đinh Hợi, tôi đến thăm người bạn thân, là nhà văn “có môn bài”. Câu chuyện của chúng tôi tâm đắc êm xuôi xướng tùy trong mọi đề tài cho tới khi đụng vào Ba người khác. Tôi vừa hé lộ suy nghĩ của mình thì bị dằn mặt:
“Tôi kính phục Tô Hoài.” Bạn ngắt lời tôi khá thô bạo. Sau Dế mèn phiêu lưu ký thì đây là tác phẩm quan trọng nhất của ông ta.
Thấy bạn “lên cơn”, tôi đấu dịu:
“Nhưng đấy đâu phải là tiểu thuyết!”
“Vậy ông bảo phải thế nào mới là tiểu thuyết?” Bạn tôi vặc lại. Mỗi nhà văn là người tạo ra phong cách! Mà cần gì phải là tiểu thuyết hay không tiểu thuyết? Miễn dám nói những điều người khác không dám nói là quý rồi. Ông xem, cuộc cải cách như vậy mà mới chỉ có Sắp cưới của Vũ Bão gãi gãi bên ngoài như gãi ghẻ. Đến bây giờ Tô Hoài dám nói lên tất cả! Đảng căm Tô Hoài lắm mà chưa tìm cách nào trị được! Ông cứ viết đi. Tô Hoài đang chờ được “đánh” đó! Bất kỳ kẻ nào đụng đến Tô Hoài cũng là nịnh Đảng, là chống lại tâm linh, nguyện vọng của nhân dân…
Nghe giọng nói mang vẻ gây hấn dữ dằn chưa từng thấy nơi người bạn thân thường ngày vốn hiền lành, tôi lặng im ngơ ngác. Chợt tôi nhận ra…. Bạn tôi như lò lửa ngùn ngụt hận thù, là nỗi uất ức như chiếc lò so bật tung lên thỏa thuê sau bao năm tháng bị kìm nén!
Tôi hiểu bạn, hiểu nỗi đau nỗi hận vẫn âm thầm chứa chất trong lòng người.
Cuộc Cải cách ruộng đất là vết dao phản trắc đâm sâu vào lòng dân tộc. Do chưa được sửa sai thỏa đáng mà sau năm mươi năm vẫn còn nung mủ và rỉ máu! Công việc bây giờ là phải lý giải một cách thuyết phục nguyên nhân của biến cố bi thảm này để tránh lặp lại trong tương lai và hơn hết là hóa giải nỗi thù hận chưa nguôi. Nhà văn đảng viên phải thay mặt Đảng của mình nhỏ những giọt nước mắt sám hối trước dân tộc! Trong hoàn cảnh đảo điên của xã hội hiện tại, có lẽ hơn cả tài năng, chính nhân cách nhà văn làm nên phẩm giá của văn chương!
Ba người khác của Tô Hoài không phải là như vậy!
Có thể như bạn tôi nói: Ba người khác là tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn Tô Hoài. Nếu vậy thì cái quan trọng chính là ở chỗ nó chôn vùi nhà văn cả về văn chương cả về nhân cách?
Khai bút Xuân Đinh Hợi
[:-/] Trích điểm tin của ABS 18/7/2014 phần liên quan NV Tô Hoài:
– Thanh Thảo: Một nhà văn Việt Nam tầm cỡ thế giới (Diễn Đàn). – Tầm cỡ thế giới! (FB Nguyễn Đình Bổn). “Tôi chả có gì tự ti nhưng tôi tin chắc trừ những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, ông Tô Hoài chả có tầm cỡ thế giới nào! Ngay cả trong nước, những người biết Tô Hoài cũng chỉ nhớ con dế mèn thì trông mong gì thế giới! (Ông Thanh Thảo này có vẻ rất thích tầm cỡ, như ông từng ca ngợi Thiên thai của Văn Cao được đưa vào vũ trụ mà không cần biết rằng đó là chuyện bịa của nhà báo Phan xi păng!)“.
– Nhà văn Nhật Tuấn bình luận trên Facebook: “Ngày nay đọc lại ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ mới giật mình, sao chú dế oắt ‘khôn lỏi’ thế ? Mới nứt mắt chú đã: ‘Ngày nào cũng vậy, suốt buổi, tôi chui vào trong cùng hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp việc nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được…Bởi ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…’
Từ thủa ấu thơ đã ‘phòng thân’ kỹ lưỡng vậy trách gì khi trưởng thành chẳng rút ngay bài học ‘chui tọt’ vào hang sau khi lớn giọng trêu chị Cốc ‘vặt lông cái Cốc cho tao, tao nấu tao nướng, tao xào tao ăn’ để mặc thằng Dế Choắt bị chị Cốc ‘giận cá chém thớt’ mổ cho đến chết, trong lúc đó Dế Mèn ta ‘lên giường nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ’, thây kệ thằng Dế Choắt ăn đòn thay mình…
Sau này thây kệ ‘chị Cốc’ cứ ‘mổ’ la liệt các ‘chàng Dế Choắt’: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán… đuổi đi đào đất, vác than, chàng Dế Mèn chui tọt ngay vào cái hang ‘đề tài miền núi’ viết toàn chuyện ‘quan thống lý Pá Tra’ đàn áp , bóc lột ‘vợ chồng A Phủ’ tức ‘người Mèo ta khi chưa có Đảng’, tránh xa mọi chuyện hiểm nguy nơi phố thị, tha hồ cho ‘chị Cốc’ hoành hành, chàng cứ ung dung ‘toạ hưởng kỳ thành’, vắt chân chữ ngũ lâu lâu lại ‘cưỡi con dế mền’ bay đi tham quan nước bạn“.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dự án khổng lồ của General Electric vừa ký kết với Việt Nam trong chuyến thăm của ông Obama


General Electric, một tập đoàn đa quốc gia Mỹ có tầm ảnh hưởng toàn thế giới, vừa ký kết đáng nhớ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo với Việt Nam nhân chuyến đi của ông Obama.
Sơ lược lịch sử tập đoàn General Electric (GE)
Tập đoàn General Electric (GE) là một tập đoàn đa quốc gia Mỹ thành lập ở Schenectady, New York và trụ sở chính tại Fairfield, Connecticut, Mỹ.
Công ty hoạt động thông qua bốn phân đoạn: Năng lượng, Công nghệ, Cơ sở hạ tầng, Vốn Tài chính và tiêu dùng công nghiệp.
Ban đầu chỉ là một công ty nhỏ sản xuất quạt, thiết bị nấu nướng sưởi ấm… thành lập từ cuối thế kỷ 19.
Thế nhưng, định hướng phát triển, sự đột phá và cải tiến không ngừng của công ty nhanh chóng giúp công ty trở thành một tập đoàn hùng mạnh, trở thành tập đoàn đi đầu trong công nghệ hàng không.
Công ty hoạt động thông qua bốn phân đoạn: Năng lượng, Công nghệ, Cơ sở hạ tầng, vốn Tài chính và tiêu dùng công nghiệp. Ảnh Internet.
Tập đoàn General Electric (GE) và dự án cung cấp điện cho 1,8 triệu hộ dân tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới
Uớc tính năm 2025 công suất điện gió của dự án sẽ đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới. Ảnh minh họa.
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam ngày 23/5 tại Hà Nội, t ập đoàn General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam vừa ký kết ghi nhớ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Uớc tính năm 2025 công suất điện gió của dự án sẽ đủ cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
Ông Jeffrey R. Immelt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của General Electric (GE) cho biết GE mong muốn được hợp tác trên cả các lĩnh vực khác như điện khí hóa, y tế và hàng không tại Việt Nam.
Tuabin công suất lớn nhất thế giới của tập đoàn GE
Năm 2013, tập đoàn GE cho ra mắt tuabin có hiệu suất lớn nhất thế giới mang tên “Brilliant” 2.5-120, có thể cung cấp điện ngay cả khi ít gió nhất, tăng 25 % hiệu suất và 15 % năng lượng so với loại tuabin sử dụng trước đó của công ty này.
Ngoài ra, công ty còn xây dựng một hệ thống tuabin khí lớn và mạnh mẽ nhất thế giới mang tên 9HA Harriet được thử nghiệm lần đầu tiên tại Pháp.
Khi kết hợp với máy phát điện hơi nước, Harriet có thể tạo ra 600 MW điện năng, đủ để cung cấp cho 600.000 hộ gia đình và hiện đang được đặt hàng từ nhiều nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Phát minh mới nhất của phòng Nghiên cứu và Phát triển của công ty General Electric (GE) là tuabin CO2 siêu hạng , có kích thước gọn nhẹ ấn tượng, có thể cung cấp đủ điện năng cho 10.000 hộ gia đình.
Tuabin CO2 mang lại giải pháp tối ưu cho vấn đề lưu trữ năng lượng cho lưới điện cũng như tính gọn nhẹ, dễ sử dụng (bật tắt dễ dàng) và thân thiện với môi trường khi thải ra khí carbon thấp hơn hẳn (gần bằng 0) so với các tuabin khác.
Chỉ mất một vài phút để vận hành tuabin CO2, điều này khiến thiết bị này trở thành giải pháp hoàn hảo trong các tình huống khẩn cấp như giờ cao điểm với nhu cầu điện năng tăng lên đột ngột.
Tập đoàn GE là tập đoàn năng lượng lớn hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa.
Hơn nữa, loại tuabin này có thể tận dụng lượng khí thải CO2 để sản xuất điện năng và có thể thay thế cho các thiết bị thu khí thải carbon. Vừa làm sạch môi trường vừa tạo ra năng lượng, một thiết bị tuyệt vời cho giải pháp tái tạo năng lượng.
Cuối cùng, tuabin carbon này là một công nghệ hoàn hảo cho động cơ chuyển động của tàu hoặc những phương tiện khác có trọng lượng hạn chế, do đó tiềm năng mà nó mang lại là vô cùng to lớn.
Tập đoàn General Electric (GE) và giá trị thương hiệu
Năm 2011, tạp chí Fortune xếp hạng GE là công ty lớn thứ 6 ở Mỹ cũng như lợi nhuận cao thứ 14. Tạp chí Business Week đánh giá GE là thương hiệu có giá trị thứ 4 trên toàn thế giới.
GE có mặt trong một vài hạng mục tại Shorty Awards, giải thưởng tôn vinh những thương hiệu, agency và chuyên gia xuất sắc nhất trong mảng truyền thông xã hội.
Công ty này đã giành giải thưởng Thương hiệu xuất sắc nhất (Best Brand) trên Vine, được đề cử trong danh sách 500 thương hiệu tốt nhất của Best Fortune ở hạng mục Truyền thông xã hội, Twitter và Instagram.
@Thoibao Today
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng thống Obama nói gì khi gặp một số đại diện của XHDS VN?


FB Binh Le
Cuộc gặp kéo dài trên dưới một tiếng, thảo luận về nhân quyền, xã hội dân sự, và hợp tác Việt-Mỹ. Obama đúng là tổng thống của một nền dân chủ, nơi lãnh đạo có thói quen và động lực để lắng nghe người dân. Ông cũng là một người hoạt động xã hội, tổ chức cộng đồng trước khi tham gia hoạt động chính trị. Chính vì vậy, cuộc nói chuyện rất cởi mở, thực chất, và thân tình hơn là một cuộc tiếp xúc ngoại giao.
– Tổng thống Obama khẳng định sự quan tâm và cam kết của chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân ông với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do. Đó chính là lý do dù ông đi đâu cũng muốn tiếp xúc với xã hội dân sự và người dân. Việc ông gặp với XHDS Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
– Ông khẳng định tự do, dân chủ và nhân phẩm phải do nhân dân và chính phủ của mỗi quốc gia thúc đẩy và kiến tạo. Chẳng có ai bên ngoài mang được điều đó cho nước khác. Kinh nghiệm của ông cho thấy khi người dân lên tiếng, khi chính phủ thấy được lợi ích của tự do sáng tạo, tự do hội họp, tự do kinh doanh thì khi đó xã hội mới thay đổi và phát triển.
– Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác, và luôn luôn hỗ trợ để mở rộng không gian cho xã hội dân sự hoạt động và phát triển. Ông tin rằng một quan hệ sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đối thoại về nhân quyền, tự do và dân chủ hơn với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
– Ông biết và thất vọng vì một số đại diện của xã hội dân sự không thể đến cuộc họp này vì bị ngăn cản. Đây cũng là bằng chứng cho những hạn chế còn tồn tại, và những khó khăn của các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự hoạt động ở Việt Nam.
– Ông cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi với chính phủ Việt Nam về những ý kiến của các đại diện xã hội dân sự về quyền tự do hiệp hội, tự do biểu tình, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do thông tin…Ông tin tưởng rằng ngoài quan hệ về thương mại, an ninh thì việc chia sẻ giá trị cũng quan trọng cho một mối quan hệ lâu bền.
TÁI BÚT
Tái bút 1: Nói chung cuộc gặp rất nhẹ nhàng làm cho mình không hiểu tại sao an ninh lại phải ngăn cản một số đại diện XHDS tham gia cuộc họp này. Rõ ràng cuộc họp này mang tính biểu tượng rất lớn và sự ngăn cản một số nhà hoạt động dân sự hàng đầu tham gia giống như việc bỏ một hạt sạn vào bát cơm mời khách!
Tái bút 2: Mình nói nhiều đến công việc và mối quan tâm của mình. Có một kiến nghị mình muốn phía Hoa Kỳ hỗ trợ nếu có thể là hợp tác với Bộ công an để đào tạo về kỹ năng quản lý biểu tình một cách ôn hòa và phi bạo lực đúng theo chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ tốt cho người dân mà cho cả Bộ công an.
Tái bút 3: Mình đồng ý với Tổng thống Obama rất nhiều đó là tự do, dân chủ và bình đẳng chỉ có thể có được khi nhân dân và chính phủ quốc gia đó muốn có nó. Chẳng ai có thể mang lại, dù đó là Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc hay Liên minh châu Âu. Đối thoại là quan trọng, và đối thoại chỉ xảy ra khi chúng ta lên tiếng, lắng nghe và minh bạch trong hoạt động của mình.
Tái bút 4: Mình khẳng định tay Tổng thống Obama rất ấm đúng như bạn nữ sinh trao hoa đã nói. Ấm đến mức nào xin mời mọi người đến bắt tay mình.
Tái bút 5: Mình chạy sô nên giờ mới họp xong và có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Coi như chia sẻ thông tin ở đây để các bạn báo chí, hoặc an ninh ở các A và PA không phải mời mình đi café nữa. Những điều mình có thể chia sẻ thì cũng như cái status này mà thôi!
____
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhiều khả năng không bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội

TTO - Thông tin kết quả kiểm phiếu sơ bộ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho thấy nhiều khả năng sẽ không bầu đủ 500 đại biểu như dự kiến.
Trước thông tin này, trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết “vấn đề này Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định”.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 23-5, tổng thư ký Quốc hội, chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết:
“Có một số nơi sau khi kiểm phiếu bầu đại biểu HĐND, đến sáng nay 23-5 mới bắt đầu kiểm phiếu bầu đại biểu Quốc hội.
Trong ngày hôm nay văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chủ yếu nắm thông tin qua trao đổi điện thoại, phần lớn các ủy ban bầu cử chưa báo cáo bằng văn bản chính thức”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích nếu xảy ra việc bầu thiếu đại biểu ở đơn vị bầu cử nào thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ quyết định có hay không cho phép đơn vị đó bầu thêm.
“Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho ủy ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.
Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.
Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn” - ông 
cho hay.
Cũng trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về nội dung này, ông Trần Văn Túy cho biết trong những ngày tới, khi nhận được báo cáo chính thức của ủy ban bầu cử các địa phương, Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ họp và có ý kiến chính thức, trình Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định.
Phân tích tình huống này, một chuyên gia về bầu cử nhận định: “Thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng bầu cử quốc gia và họ sẽ căn cứ vào tình hình tổng thể của Quốc hội cũng như tình hình cụ thể của đơn vị bầu cử xảy ra việc bầu thiếu đó.
Ví dụ, luật quy định Quốc hội có 500 đại biểu, nếu bầu thiếu số lượng ít, chỉ vài người thì không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của Quốc hội.
Nhưng nếu việc bầu thiếu xảy ra ở những đơn vị bầu cử chỉ được ấn định hai đại biểu, mà một người trúng cử duy nhất lại đảm nhiệm cương vị trọng yếu, thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đó, tức là ảnh hưởng đến tính đại diện cho cử tri thuộc khu vực bầu cử chỉ có một đại biểu hoạt động, Hội đồng bầu cử có thể phải xem xét việc bầu thêm”.
LÊ KIÊN
Phần nhận xét hiển thị trên trang