Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

TRANG THƠ NGƯỜI ĐẸP- THƠ BUỒN VỀ ĐẤT NƯỚC



BẠN FB THÂN MẾN. BIỂN VIỆT NAM ĐANG CHẾT. CON NGƯỜI ĐANG QUAY LƯNG LẠI VỚI BIỂN, GIẶC ĐẠI HÁN NGÀY ĐÊM XÂM CHIẾM BIỂN ĐẢO. NGUỒN SỐNG NGÀN ĐỜI CỦA DÂN TỘC ĐANG HỒI NGUY CẤP. NỖI ĐAU NÀY DÀY VÒ TÂM CAN NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ. VÀ TRỰC CẢM ĐÃ LÊN TIẾNG. TRỰC CẢM LÀ SỰ THỐT LÊN TỪ TRÁI TIM, KHÔNG THỂ CHI PHỐI, CHỈ ĐẠO ĐƯỢC. TRÊN FB GẦN ĐÂY NỔI LÊN 3 BÀI THƠ VIẾT VỀ ĐẤT NƯỚC RẤT DA DIẾT VÀ MẠNH MẼ. ĐỌC THƠ CỦA NHỮNG NGƯỜI NHAN SẮC NÀY, NHỮNG AI CÓ TRÁCH NHIỆM HÃY CÙNG CHIA SẺ VỚI TÂM TRANG NHỮNG NỮ THI SĨ, HÃY CỨU LẤY ĐẤT NƯỚC THÂN YÊU CỦA CHÚNG TA ĐANG LÂM NGUY!
NGÔ MINH
Hoàn Nguyễn (Ninh Bình)
TÔI ĐANG SỐNG NHỮNG NGÀY LUÔN PHẢI KHÓC
💧
Tôi đang sống những ngày bị bịt mắt
Mũ ni che tai
những trần trụi ươn hèn
Bội thực thơ ru ngủ lãng quên
Ai giấu nhẹm sự thực trong giả dối
💧
Tôi đang sống những ngày đen u tối
Biển lờ xanh - cái xanh giết chết người
Tôm , cá... không bơi - ngửa dạt trắng bờ - phơi
Sóng duyềnh thắt
quặn
đau thương
tang tóc
💧
Tôi đang sống những ngày luôn phải khóc
Không chiến tranh mà mất mát quá nhiều
Tinh mơ mong bình an đến cuối chiều
Đêm sờ ngực mới tin mình còn sống
💧
Bao tai ương rình rập buông thòng lọng
Trái tim người tự dìm chết đuối nhau
Lời nói thật bị dối đánh phủ đầu
Lòng vô cảm lên ngôi cùng độc ác
💧
Ai dắt tay kẻ thù về hoan lạc
Bắt gia đình coi chúng là bạn thân
Chúng toan tính và đã cướp dần dần
Gia tài quý ông cha hằng gìn giữ
💧
Ai bất hiếu hiến dâng cho quỷ dữ
của cải sắp hết rồi
Ôi đau đớn lắm thay!
Tôi đang sống mà lơ lửng từng giây
Lo ngộ độc , lo cướp giật , giết chóc
Lo biển cạn , rừng trơ , đói nghèo thêm đeo bọc
Lo mất nhà - đi ở đợ người ta
💧
Tương lai nào cho con tôi bay xa
💧
Ai ác quá
Tội chất chồng mọi nhẽ
Ai đẩy đưa trong cái vỏ tử tế
Đèn trời soi sao che nổi dã tâm ???
💧
Tôi đang sống những ngày trong âm thầm
Chờ gió nổi
Khấn thần linh tiên tổ
Hãy phù hộ phố xinh về với phố
Làng ôm làng , cây xanh mãi là cây
Biển bình yên , mây trắng nhởn nhơ bay
Cá lại sống nuôi người người khôn lớn
💧
Đất trời ơi xin làm cơn lốc cuốn
Mang ai đi nơi xám hối quy thiền
Cho tôi sống những ngày được an nhiên
Nhà mình giữ
láng giềng về nhà nó
💧
Sáng nay tôi ra tới ngoài đầu ngõ
Lóe trên cao
Sao đổi ngôi như cổ tích
Bất ngờ
*
Nguyễn Thị Thanh Yến ( Nghệ An)
THỜI ĐẠI TÔI ĐANG SỐNG
Thời đại tôi đang sống
Trẻ con học chữ cái không bắt đầu bằng chữ a
Tiếng gọi đầu tiên không phải là bà
và trên vai đã chất chồng khoản nợ
Thời đại tôi đang sống
Cứ mở mắt là thấy mình khó ở
Tháng tư vấn vương hoa sữa
Đông sang vẫn nóng như hè
Trẻ con không đón hè bằng những tiếng ve
mà bằng iphon, ipad
Thức ăn ngập tràn các market
Nhưng nuốt vào mồm là ngập hoá chất dư thừa
Thời đại bây giờ ai cũng như lừa
Chỉ biết phận mình, thản nhiên bịt tai còn mặc đâu thiên hạ
Vào trang các hót gơn hót boi like còm tung lả tả
Chuyện xã hội đau nhưng nhức lại im lìm
Thời đại bây giờ con người sống thiếu hẳn trái tim
Mượn gió bẻ măng, gắp lửa bỏ tay người đâu ra mà nhiều thế
Thượng tầng nát bươm hạ tầng lẽ nào không thể
Ngỡ các đấng nam nhi đang mặc váy thay quần
Xã hội bây giờ người chế tạo máy bay lại là nông dân
Ông tiến sĩ cất bằng đi nuôi lợn
Người hiền lành luôn thua người bặm trợn
Chân thực ngủ vùi cho xảo trá lên ngôi
Thời đại bây giờ thủ khoa là con hộ đói mà thôi
Nhưng tuổi trẻ tài cao đương nhiên là con xếp
Bài thơ thần ngàn đời bất diệt
Bỗng đâu tan vì cái mới lên ngồi
Thời đại bây giờ thiên hạ um xùm vì mất một con ruồi
Con voi lọt qua lỗ kim thì thản nhiên công nhận
Lấy hoạt động từ thiện nuôi thân còn mang lòng thù hận
Rắp tâm gieo tiếng ác cho người
Thời đại gì mà thương cái thân tôi
Bao chuyện trái ngang cứ vờ như không biết
Tai vẫn tinh mà như bị điếc
Miễn sao không vơi cơm vơi gạo nhà mình
Có những lúc trách mình rồi lại tự phân minh
Phận mình đàn bà biêt sinh con nuôi con là đủ
Những thứ lớn lao mang tầm vũ trụ
Xin nhường cho cánh đàn ông...
Đã thế rồi mà nhiều khi vẫn thấy lông bông
Ngơ ngác trước “Bụi Chương Mỹ, đĩ Đồ Sơn”
có khả năng trở nên thành ngữ
Niềm tin lung lay trước một xã hội hèn, mình cũng hèn đủ thứ
Dạy con thế nào đây trước bộn bề sóng gió cuộc đời
Tự thấy mình như kẻ dở hơi
Dẫu không còn trẻ vẫn muốn sinh thêm đứa nữa
Lại lo lúc ra đời trán con in dòng chữ
“Nợ ngân sách" mẹ ơi!!!
02/11/2015
Trần Thị Lam
TRẦN THỊ LAM
ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH ?
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...
Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHỐ TÀU, NGHIÊN CỨU SINH VÀ MỘT MƯU ĐỒ

CHINA TOWN - PHỐ TÀU


Thế giới gọi phố Tàu là China town, nhưng riêng ở Việt Nam thì không gọi như thế cho dù khu Chợ Lớn ở thành phố Hồ Chí Minh chính là China town ( phố Tàu). Với tôi, có lẽ danh từ “ phố Tàu” gần bản chất với những khu người Hoa sống và làm ăn tập trung như thế hơn cái tên China town nghe có vẻ như muôn vàn cái tên khác chẳng chết ai.

China town sinh ra từ bao giờ tôi không rõ. Các cuộc di dân trên thế giới đã bắt đầu diễn ra từ khi có lịch sử loài người. Nhưng riêng đối với người Tàu thì các cuộc di dân có những tính chất khác biệt. Người Tàu đi khắp thế giới. Ở đâu cũng có người Tàu từ một thị trấn nhỏ xa xôi đến những thành phố sầm uất. Và ở đâu, người Tàu cũng cụm lại với nhau và dựng lên khu vực riêng của họ mang tên China town - phố Tàu.

Các cộng đồng khác như Nhật, Nga, Đức, Pháp...và những người hồi giáo là những cộng đồng có những cuộc di dân lớn. Ở đâu, những người cùng chủng tộc hay tôn giáo cũng tìm cách sống cụm vào nhau do những yêu cầu về văn hóa và sinh sống. Nhưng không một cộng đồng nào có thể làm lên một thứ có tên là China town - phố Tàu.

Trước năm 1992, tôi không hiểu gì về China town - phố Tàu ngoài nghĩa “ một cộng đồng di dân người Trung Quốc sống tập trung”. Vào tháng 7 năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm Úc. Trong chuyến đi ấy, tôi đã đọc một cuốn sách nghiên cứu về China town của một nhà nghiên cứu Úc. Tôi xin tóm tắt những gì tác giả này viết về China town :

Khi China town được dựng lên, chúng ta ( người Úc ) đến đó với tinh thần đi thăm quan một cộng đồng di dân có một nền văn hóa khác biệt. China town lúc đầu giống như một hội chợ của người Trung Quốc tổ chức trên đất Úc. Chúng ta đến đó xem họ múa lân và thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Chúng ta thực sự thấy vui vẻ khi trên đất nước chúng ta có một cộng đồng đầy bản sắc bởi Úc là một đất nước đa bản sắc nên sự chấp nhận các cộng đồng khác không có gì quá khó khăn.

Rồi chúng ta lãng quên đi. Mười năm sau chúng ta trở lại China town. Chúng ta giật mình. China town đã phát triển quá nhanh. Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất là China town không phải là khu cộng đồng của người Trung Quốc định cư trên đất Úc hay là một hội chợ của Trung Quốc nữa mà nó đã biến thành một tiểu Trung Quốc trên đất Úc với sức ảnh hưởng không nhỏ của nó. China town này muốn mở rộng mãi mãi và muốn Trung Quốc hóa những khu vực mà China town lấn tới. Đến lúc này, niềm vui và tính tò mò của chúng ta về trò múa lân cùng với hương vị của ẩm thực Trung Quốc không còn mà thay vào đó là một nỗi lo sợ.

Nỗi sợ hãi của tác giả cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư và làm mọc lên những China town. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm của con bạch tuộc mang tên Trung Quốc. Và trrong cách nhìn của tôi thì các China town là những cái hang của con bạch tuộc đó.

Đọc trên trang web SOI, tôi thấy một bài viết rất hay về hội họa Kenya trong một triển lãm quốc tế. Điều bài báo nói đến là “ một triển lãm hội họa Kenya ( Châu Phi ) nhưng lại là tranh đặc Tàu của các họa sỹ người Hoa định cư ở đó. Một cú đánh trắng trợn và một cái chết thảm thương của nền hội họa của nước Châu Phi này.

Nhớ lại cuộc cải tạo tư sản sau năm 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh. Người ta có thể vẫn tranh luận về cuộc cải tạo này khi bàn đến lịch sử sau 1975 của Việt Nam và đặc biệt khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng một điều tôi muốn nói đến là việc “xóa” đi hệ thống tài phiệt người Hoa ở Chợ Lớn. Nếu không, nền kinh tế Việt Nam bây giờ sẽ chịu chi phối còn khủng khiếp hơn nhiều lần của những người Hoa ở cái quận 5 với diện tích khiêm tốn đó. Cuộc cải tạo tư sản lúc đó và sự ra đi khỏi Việt Nam của hàng trăm vạn người Hoa đã tháo đi một phần mối hiểm họa khổng lồ cho Việt Nam sau này. Nhưng chúng ta đâu ngờ, sau gần một nửa thế kỷ, người Trung Quốc đang trở lại Việt Nam với không ít thách thức và đe dọa về nhiều mặt như văn hóa, môi trường, kinh tế và cả an ninh.

Tôi đã nói khá kỹ về phần nghiên cứu về China town của nhà nghiên cứu xã hội Úc trên một tờ báo trong nước từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tất nhiên ý kiến về một nguy cơ có vẻ “xa xôi” này chẳng làm ai chú ý. Giống như khởi đầu của những China town - phố Tàu trong những ngày đầu xuất hiện.

NGHIÊN CỨU SINH

Trong một tài liệu nghiên cứu của của một tác giả Mỹ cho thấy : từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hàng năm Trung Quốc gửi từ 70 đến 80 ngàn nghiên cứu sinh, sinh viên đến Mỹ. Những nghiên cứu sinh này được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Trung Quốc. Họ học hành rất chăm chỉ. Sau khi kết thúc thời gian học của mình, họ tìm cách ở lại làm việc trong các cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu... của Mỹ rồi dần dần trở thành công dân Mỹ.

Tác giả đưa ra tài liệu này nói : việc các nghiên cứu sinh Trung Quốc ở lại Mỹ là chủ trương của chính phủ Trung Quốc. Tài liệu này cảnh báo về nguy cơ người Trung Quốc sẽ “ăn rỗng” các cơ quan của Mỹ. Đây thực sự là một chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong mưu đồ bành trướng của họ.

Nhiều người chúng ta không thể quên tư liệu về cố Tổng bí thư Lê Duẩn khi gặp Mao Trạch Đông. Lúc đó, Mao Trạch Đông đã công khai về chiến lược đưa người Trung Quốc trước hết đến các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam bằng nhiều hình thức. Chính cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã tìm mọi cách chống lại việc Trung Quốc đưa công nhân và lính Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian chiến tranh trên danh nghĩa giúp đỡ Việt Nam chống lại quân đội Mỹ. Nhưng thực chất lúc đó, Trung Quốc đã bắt tay Mỹ và phản bội lại người Việt Nam trong cuộc chiến tranh này.

Tôi đã từng viết về một thanh niên Trung Quốc bán trứng ở Australia. Anh ta kiên nhẫn ngày ngày sách một khay trừng đi bán. Sự kiên nhẫn của anh mà tôi nhìn thấy làm cho tôi nghĩ rằng sẽ không có gì có thể làm cho sự kiên nhẫn của anh ta gục ngã. Dù anh ta không nói nhưng tôi biết bên trong đôi mắt một mí kia là một tham vọng ghê gớm và một sự kiên nhẫn kinh hoàng. Đã có những người Trung Quốc nhẫn nại bán từng gói lạc rang húng lìu, từng chiếc bánh bao nhân thịt…trở thành những tỉ phú. Và người thanh niên bán trứng kia cũng mang tham vọng ấy.

Và lúc này, tôi muốn nói về Lou, một sinh viên Trung Quốc theo học ở Mỹ. Tôi gặp Lou ở nhà một giáo sư Mỹ. Người giáo sư bạn tôi thấy gia đình Lou khó khăn đã giúp đỡ cậu bằng cách đưa cậu về ở nhà mình. Lou ở trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Cậu nói bố mẹ cậu làm công nhân và thật khó để kiếm được số đô la cho cậu đóng tiền học ở mức thấp nhất trong một năm.

Nhưng sau một năm, cậu đã tìm cách xin được học bổng toàn phần. Cậu cứ lặng lẽ gặp từng giáo sư Mỹ dạy cậu và những người có liên quan ở trường và cuối cùng cậu đã “thắng” từng giáo sư dẫn đến “thắng” tất Hội đồng giáo sư và họ đồng ý trao học bổng toàn phần cho cậu. Và hàng ngày, cậu vẫn lặng lẽ lên xe của con cái chúng ta để đi nhờ đến trường trong tuyết lạnh.

Một buổi sáng tôi nhìn thấy cậu ăn mỳ tôm với sườn nướng mà chúng tôi nướng từ chiều hôm trước chưa ăn hết. Cậu ngồi ăn kiên nhẫn không để lại một chút thịt nào trên cái xương sườn đó. Đó là mỳ tôm Hảo Hảo mà chúng tôi mang từ Việt Nam sang và sườn nướng ướp theo kiểu Mỹ.

Có thể, mỳ tôm và sườn nướng kia không hợp với khẩu vị của cậu như há cảo, vằn thắn, màn thầu… Nhưng mỳ tôm của ai, sườn nướng ướp gia vị gì không quan trọng với cậu lúc này. Cậu cần phải ăn và cần phải đi tiếp con đường đã vạch trong đầu cậu và có thể cả những tham vọng phía sau đôi mắt một mí ấy.

Trong mấy ngày ở trong ngôi nhà người bạn giáo sư, tôi thấy cậu mang dáng vẻ của một cậu bé con nhà ngèo và yếu thế qua cách ăn nói, đi đứng. Nhưng có thể đến một ngày nào đó, cậu bỗng hiện ra là một người khác và mua một biệt thự sang trọng, giành lấy một trang trại… và đến lúc dựng lên một cái China town và biến nơi cậu ở nhờ thành vương quốc của người Trung Quốc và biến những người giúp đỡ cậu trở thành người làm thuê cho cậu chứ không phải ở trong một phòng dưới tầng hầm mà người ta giành cho cậu với sự chia sẻ và biến những người khác thành kẻ cầu xin mình. Nhưng bây giờ, cậu chỉ là một sinh viên như con cái chúng ta. Cậu đang cầu xin người khác hãy thương cậu, hãy giúp cậu. Và với lòng nhân ái, những người tốt đã đưa bàn tay về phía cậu. Đấy là một trong những tính cách của người Trung Quốc

Năm 2009, trên báo Vietnamnet, tôi đã chủ trì bàn tròn với các nhà nghiên cứu kinh tế là bà Chi Lan, ông Nguyễn Minh Phong và ông Thân Đức Việt về “cuộc xâm lăng của hàng giả, hàng độc hại Trung Quốc vào Việt Nam”. Sau đó, tham tán kinh tế - thương mại của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ông Hồ Tỏa Cẩm đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để phản đối nội dung của bàn tròn này. Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng thực tế đã phản lại những tuyên bố của ông ta về tình hữu nghĩ Trung Quốc - Việt Nam. Càng ngày, chúng ta càng nhận rõ những gì mà Trung Quốc đã và đang làm với Việt Nam đặc biệt vấn đề biển đông mà người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam thường xuyên lên tiếng phản đối.

Việc đưa người Trung Quốc đến các quốc gia trên thế giới để từng bước mở rộng “ biên giới” Trung Quốc trên thế giới là một chiến lược không thay đổi và càng ngày càng được thực hiện một cách quyết liệt mà một hình thức rất phổ biến là China town. Đã từ lâu, thế giới đã cảnh báo về điều này. Mối đe dọa của Trung Quốc mà tôi tạm gọi bằng một cái tên chung là China town không chỉ là mối đe dọa đối với các quốc gia nhỏ mà đối với cả những quốc gia lớn như Mỹ hay Úc.

( Bài in trên báo Pháp Luật & Cuộc Sống. Anh dưới : Phố Tàu. nguồn internet )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghị quyết 19 mới: Quy đến cùng trách nhiệm Bộ trưởng



>> Không cấm nhà báo viết trái ý cơ quan trên mạng xã hội
>> Hồ sơ Panama tiết lộ: Thành Long với những người siêu giàu Trung Quốc


Hà Chính 
(Chinhphu.vn) – Tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng là sẽ “làm đến cùng và quy trách nhiệm cụ thể” trong việc triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nghị quyết 19-2016/NQ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đã ghi rõ: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung trực tiếp chịu trách nhiệm nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết. Đây cũng là điểm đầu tiên trong phần nội dung về trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong Nghị quyết.

Có nơi “coi Nghị quyết như phong trào”

Thực tế, thực thi chính là vấn đề luôn được cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm khi các Nghị quyết số 19 liên tiếp được ban hành hằng năm từ 2014 đến nay.

Sau hai năm triển khai các Nghị quyết 19, Chính phủ ghi nhận một số Bộ, ngành và địa phương như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã tích cực triển khai, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nên ở những lĩnh vực này môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng.

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi (năm 2015 chỉ có 10 Bộ, cơ quan và 15 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo theo quy định). Người đứng đầu một số Bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, lãnh đạo chưa nắm được cụ thể mục tiêu và nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. 

“Phải trả lời đến nơi, đến chốn những kiến nghị của doanh nghiệp. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không”, Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra.

Thủ tướng yêu cầu sau khi Nghị quyết được ban hành, phải biến chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể của mỗi cán bộ, công chức thực thi công vụ. Thủ tướng cũng yêu cầu hàng loạt biện pháp quyết liệt, như các bộ ngành, địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết 19 cùng với Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sắp được ban hành. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hằng quý, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp, thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lập các Đoàn đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19.

Tất cả các thành viên Chính phủ phải vào cuộc

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là thuế, ngân hàng, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương mà rất nhiều bộ ngành như Y tế, KHCN, LĐTB&XH đều liên quan. 

Vì vậy, điểm mới đầu tiên của Nghị quyết 19 năm 2016 là yêu cầu tất cả các bộ, ngành, thành viên Chính phủ đều phải vào cuộc, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đồng thời, trước đây nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng mới chỉ dừng lại ở mức văn bản, bây giờ phải làm sao để không còn khoảng cách giữa văn bản, thông tư, nghị định với thực tế thực thi.

“Các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc, cùng nhau làm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chọn từng việc, làm đến cùng và quy trách nhiệm cụ thể”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, điểm quan trọng nhất trong Nghị quyết 19 năm 2016 là Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ tổ chức một diễn đàn tiếp thu mọi ý kiến từ doanh nghiệp  để xử lý rốt ráo từng vấn đề vướng mắc, các kiến nghị và giám sát việc thực thi cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp không có điều kiện phát biểu, “ngại nói” nên thông qua diễn đàn này, chúng tôi bảo đảm tiếp thu tất cả các ý kiến nhưng không làm phiền doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng “sau 2 năm triển khai Nghị quyết 19 vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “Bộ KHĐT cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mình trong những năm tới đây”, trước hết là triển khai tích cực các hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức nhà nước và cả nền hành chính.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban ngành và địa phương. Việc tăng cường giám sát sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lính Trung Quốc tập luyện ở Đà Nẵng???


AnNam Dương Lâm 12-5-2016 Hình ảnh được ghi lại lúc 7h00 sáng 12/5 tại đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng (đoạn trước Crowne plaza, khu phức hợp rộng lớn của Trung Quốc nằm sát biển). Theo một người dân sống gần đó cho biết thì những người mang quân phục trên đều nói tiếng TQ. Trước đây, thỉnh thoảng họ mới thấy họ xuất hiện. Nhưng thời gian gần đây thì diễn ra thường xuyên hơn.

Nguồn tin trên chưa được xác thực và mong được kiểm chứng cụ thể hơn. Cập nhật lúc 19h30p ngày 12/5/2016: Để có cái nhìn khách quan về sự việc trên, xin dẫn link từ tờ báo điện tử Infonet phản hồi về sự việc: Đà Nẵng: Chấn chỉnh nhân viên bảo vệ Crowne Plaza mặc quân phục rằn ri ra đường.
____

Infonet


Đà Nẵng: Chấn chỉnh nhân viên bảo vệ Crowne Plaza mặc quân phục rằn ri ra đường

Hải Châu, 12-3-2016 - Bà Nguyễn Thị Anh Thy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết đã yêu cầu Công an quận tiến hành kiểm tra ngay và chấn chỉnh triệt để việc nhân viên bảo vệ khách sạn Crowne Plaza mặc quân phục rằn ri chạy ra đường!

Ngày 12/5, một người có nickname AnNam Dương Lâm đưa lên mạng xã hội Facebook ảnh chụp một nhóm gồm 4 người mặc quân phục rằn ri đang chạy bộ trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp (đoạn trước khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng (có lãnh đạo là người Trung Quốc), kèm theo status: “Lính Trung Quốc tập luyện ở Đà Nẵng???”.

Tác giả status này viết: “Hình ảnh được ghi lại lúc 7h00 sáng 12/5 tại đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng (đoạn trước Crowne Plaza, khu phức hợp rộng lớn của Trung Quốc nằm sát biển). Theo một người dân sống gần đó cho biết thì những người mang quân phục trên đều nói tiếng Trung Quốc. Trước đây, thỉnh thoảng họ mới thấy họ xuất hiện. Nhưng thời gian gần đây thì diễn ra thường xuyên hơn”.

Và mặc dù tác giả status này đã “cẩn thận” ghi thêm câu “Nguồn tin trên chưa được xác thực và mong được kiểm chứng cụ thể hơn” nhưng chỉ sau 5 giờ đồng hồ status này được đưa lên FB đã có hơn 1.500 người like và hàng trăm lượt chia sẻ. Trong đó, một số người tỏ ra lo lắng, đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng sớm xác minh làm rõ vụ việc.

Trao đổi với PV Infonet chiều 12/5, Đại tá Trương Chí Lăng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng khẳng định: “Làm gì có chuyện đó (lính Trung Quốc tập luyện ở Đà Nẵng – PV)”. Tuy nhiên ông cũng cám ơn PV Infonet đã chuyển thông tin và cho biết sẽ chỉ đạo xác minh, làm rõ ngay.

Cùng ngày, PV Infonet liên lạc với ông Mai Văn Hòa, Tổng giám sát tài vụ, kế toán trưởng của Công ty Silver Shores (chủ đầu tư khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng), được giao nhiệm vụ “phát ngôn” với báo chí và các cơ quan chức năng Việt Nam, để tìm hiểu rõ thêm vấn đề này.

Ông Mai Văn Hòa xác nhận nhóm người mặc sắc phục rằn ri trong bức ảnh là các tổ trưởng phụ trách việc huấn luyện cho các nhân viên bảo vệ của Crowne Plaza và họ đang tập thể dục buổi sáng. Nhưng ông khẳng định đây đều là người Việt Nam, trong đó có một số bộ đội xuất ngũ.

“Nhân viên bảo vệ của Crowne Plaza có khoảng hai trăm mấy chục người, trong đó các tổ trưởng huấn luyện chiếm khoảng 5%. Toàn bộ họ đều là người Việt Nam, còn người Trung Quốc thỉnh thoảng mới qua hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của khách sạn. Làm gì có chuyện lính Trung Quốc tập luyện trước Crowne Plaza. Công an chộp cổ liền. Cả một hệ thống chính trị của mình, làm gì mà để xảy ra chuyện lạ kỳ như vậy được!” – ông Mai Văn Hòa cho hay.

Theo ông Mai Văn Hòa, nhân viên bảo vệ của Crowne Plaza khi tiếp cận với khách đều mặc đồng phục là áo xanh, quần đen; còn khi huấn luyện thì họ mặc bộ đồ rằn ri như đã thấy trong bức ảnh để “tăng thêm tính chuyên nghiệp trong thao tác, dễ vận động, chạy nhảy, lăn lê bò lết… khi huấn luyện về PCCC, bảo vệ an ninh…”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Anh Thy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay, sau khi được PV Infonet chuyển thông tin, bà đã cho xác minh ngay. Qua đó cho thấy những người trong bức ảnh nêu là nhân viên bảo vệ của Crowne Plaza, có giấy phép, hợp đồng lao động… Tuy nhiên họ chỉ có thể mặc quân phục rằn ri trong khuôn viên khách sạn chứ không được mặc như vậy ra đường.

“Mặc quân phục rằn ri chạy ra đường như vậy là không được phép. Trước đây Công an quận Ngũ Hành Sơn cũng đã phát hiện, chấn chỉnh việc này một lần rồi nhưng nay họ lại tiếp tục tái phạm. Tôi đã yêu cầu Công an quận tiến hành kiểm tra ngay và chấn chỉnh triệt để tình trạng này!” – bà Nguyễn Thị Anh Thy cho hay.

Và mặc dù cho rằng “đồ rằn ri đó nhiều nơi cũng mặc, đâu có ai cấm đâu” nhưng ông Mai Văn Hòa cũng thừa nhận việc các nhân viên bảo vệ của Crowne Plaza mặc quân phục chạy ra đường như vậy là “hơi nhạy cảm!”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng gì..Con khù khì ngày nào không gặp?


XIN ĐỪNG NÉM ĐÁ!
Tháng 3 vừa rồi nhà văn trẻ Đinh Phương dự trại Văn nghệ Quân đội tại Đà Lạt. Sau mấy ngày cặm cụi tỉa tót, Phương viết ra một cái bản thảo hí hửng đem khoe mọi người. Đọc xong, nhà văn Sơn Huy Hồ trừng mắt bảo "Có lẽ tao phải cắt đứt quan hệ với mày!" Hai nhà thơ Ngo Thanhvan vàTrần Ngọc Mỹ thì đột nhiên nhìn Phương bằng... "những đôi mắt hình viên đạn". Quá hoang mang, Phương gửi cho nữ sĩ Nguyễn Kim Hòa đọc giùm, và phản hồi của nhà văn Bình Thuận này là "Truyện đọc... zui. Nhưng mà nó cứ thiêu thiếu cái gì đấy". Quá buồn bã Phương đêm không ăn (sắn), ngày không hát karaoke, cứ đi ra đi vào như kẻ bị phụ tình. Gần cuối trại nhà thơ Phan Thành Minh mời toàn thể trại viên "đến nhà nhậu một bữa thiệt tình", ai cũng khoái chỉ mình Phương không khoái. Phương thoái thác ở nhà gặm nhấm nỗi buồn. Thấy thế Phó Trại trưởng Lý Hữu Lương hét lên: "Tới đây không nhậu thì tới làm gì?" và nhét Phương vào taxi, sập cửa, đuổi đi, còn Lương thì... ở nhà, hehe!
Bữa nhậu hôm ấy có nhiều văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Trong lúc cao hứng, một nhà thơ kể chuyện anh đi bán thơ khiến tất cả rưng rưng nước mắt. Chỉ có Đinh Phương là cười. Vì Phương đã chộp được chi tiết cực đắt cho cái truyện đang "thiêu thiếu cái gì đó" của mình. Đúng là được ăn được nói được... chi tiết mang về. Lợi ích của nhậu thật là to lớn. Kết quả là cái truyện của Phương "bừng sáng" ngay. Nó sẽ được in trên VNQĐ số cuối tháng 5 này cùng những tác phẩm của nhà thơ Bảo Sinh, nhà văn Đức Hậu, nữ sĩ Cao Nguyệt Nguyên... Mong mọi người đừng "ném đá Đinh Phương tới chết" như lời đe dọa của mấy nhà thơ dự trại nhé, hehe!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÕI LẶNG (*) CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM - YẾU DƯỚI MỨC TRUNG BÌNH

Đỗ Hoàng

Ảnh của Do Hoang. 
Ảnh Nguyễn Khoa Điềm

Tập Cõi Lặng của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2007.
Tập có 56 bài, 9 bài thơ viết theo hình thức truyền thống (có bài lỗi vận – Tắm bến Hà Khê, Đọc thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục, Người nằm bên Hồ Tây...), 44 bài viết theo “tân hình thức”, không vần không điệu, tức là Vô lối, 3 bài theo thể hiện đại – thơ tự do.
Tập Cõi Lặng ra được nhiều người tìm đọc. Người ta tò mò là chính. Họ xem ông nhà thơ làm quan to tột đỉnh khi hồi hưu có như những ông quan xưa hồi hưu, có khác gì thường dân đang quằn quại khổ đau dưới một sự toàn trị không. Hoá ra ông “quan to” hồi hưu lại hậm hực, ấm ức, tiếc rẻ, khẩu khí có khi còn quá đáng hơn cả dân thường, bài Vô lối sau:
“Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cạc vi- dít, nắm đấm mi – crô.
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường...
...Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ...”
(Bây giờ là lúc).
Ông quan to, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không giấu sự nuối tiếc, bực bội, cả căm tức khi mình bị buộc về hưu giữa chừng, đang lúc kiếm ra nhiều bỗng lộc. Tiếc không thay đổi được thời gian, thời gian đã đóng đinh lên thân thể; hối không làm được như gã quan Tàu trước đây đổi 83 tuổi ra 38 tuổi để tại vị nhiều thập kỷ nữa, để hốt vàng, hốt bạc. Bao nhiêu cái tiếc, bao nhiêu cái tức, cái căm.
(Nghĩ về mất chức mà đau
Từ nay thôi hết xe tàu vi vo
(Vè cụ Thượng mất chức – Dân gian)
Làm quan đời nay nó hái ra toàn ngọc tạ vàng tấn, chứ không phải chỉ ba đấu gạo như tri huyện, nhà thơ Đào Tiềm xưa, và 40 đô la/tháng như Phó tổng thống, nhà thơ Bungari - Đimitrôva... nên các quan khát chức, khát quyền điên dại, oán trách đồng liêu hảm hại, oán trách tạo hoá phôi pha tuổi tác. Sự hồi hưu ở quê là một sự đi đày, chứ không phải là từ quan về vui thú điền viên như quan xưa:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Mà:
“Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán
Đày anh về quê
Không thể chạy trốn số phận”
(Nhặt ghi)
Và như vậy hoá ra những bài thơ viết về quê hương, cố quận như: Làng Phao Võng, Cánh đồng buổi chiều, Thành phố sớm xuân, Viết cuối năm, Về quê đón tết... đều giả hết!
Nguyễn Khoa Điềm không giấu mình nỗi đam mê quyền lực, đam mê làm quan đến nỗi Huế và Hà Nội thời giao thông hiện đại, xe con đời mới chỉ đỉ 7 tiếng đồng hồ là đến nhà mà để lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông. Lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông không phải lo dân chống bão lụt, chống hạn hán, lo cầm quân đánh giặc ngoài biên thuỳ, mà lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông là cấm mạng, chặn tường lửa, cấm tư tưởng dân chủ, cấm những người " nhìn ra bốn phương trời rực rỡ văn minh, tức tối nước nhà cam đường hủ bại” lỡ vì:
“Đã lâu anh chưa về Huế
Hẹn vào thu rồi lỡ cả mùa đông
Anh mải mê trên đường hoạn lộ
Ngảnh về quê hư ảo một vầng trăng”
(Viết cuối năm)
Vì đam mê làm quan, đam mê quyền lực nên ông quan Nguyễn Khoa Điềm không giấu một thủ đoạn chính trị nào để đạt quyền chức:
“Nhiều khi đá đá dạy ta mềm mỏng”
(Hy vọng)
Đến đây chúng ta nhớ tích cũ tay quan Lưu Sử Đức cũng bên Tàu. (Làm quan thì phải học Tàu).
Ông bố muốn con làm quan to nên ra tình huống như nền giáo dục tiên tiến các nước hay ra tình huống cho sinh viên thực hành.
Ông bố nói:
- Nếu quan trên mắng mỏ nhổ nước bọt vào mặt con thì con phải làm sao?
Lưu Sử Đức thành thực trả lời:
- Con im lặng và sẽ lấy khăn lau đi!
Ông bố giật nảy mình như đỉa phải vôi:
- Không được! Không được! Hỏng hết bánh kẹo! Hỏng hết bánh kẹo! Cứ để vậy, cứ để vậy, cho nó tự khô!
Nếu Lưu Sử Đức sồng lại thì phải đến học ông quan “mềm mỏng” Việt Nam Nguyễn Khoa Điềm thêm mấy chiêu nữa!
Vì đam mê quyền lực, vì súng đẻ ra chính quyền (Mao Trạch Đông) nên tình thương con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm nhạt nhẽo, sống sượng, sáo rỗng, vô tình, không thật một chút nào. Những câu đại ngôn sau vừa kém thi pháp, vừa kém nhân đạo:
“Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống với người, chết vì người”
(Cõi lặng)
Nhiều nhà thơ ở Huế bình và chê Cõi Lặng là tình cảm vờ vịt. Thật không sai chút nào!
Nhiều bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết theo kiểu Vô lối dưới vè như: Anh đợi, Ngồi với cây long não nhà bạn, Hoa quỳ vàng...
“Vứt hết sách vở
Hai tay bụi trần
Núi cao anh trèo
Sông sâu anh lội...
(Anh đợi)
Cõi lặng có nhiều bài thua cả những bài ở các tập thơ trước như bài Tháng tư:
“ Tháng tư lá xà cừ xào xạc mặt đường
Dãy tường cổ nảy những chùm lá mới
Hà Nội thì thầm nghìn tuổi
Mừng Đảng qua một mùa đại hội”
(Tháng tư)
“Tháng tư dông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm, nỗi buồn cách xa
Phía em, phía của quê nhà
Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em!”
(Đất ngoại ô)
Trong Cõi Lặng Nguyễn Khoa Điềm lạm dụng từ Hán Việt chưa Việt hoá như: Vô ngôn, Hoạn lộ, Hư tự...
“Bao giờ, nơi nào anh đọc được mình
Qua nỗi đau nhân loại
Vô ngôn
Hư tự”
(Những quyển sách)
Khách quan mà nói thì những bài thơ mà Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết theo thể thơ truyền thống khá hơn một chút, có thơ hơn một chút không phải như các bài vô lối hủ nút, lởm khởm ...
“Ta ngồi như cội trúc
Gội mưa thu bốn bề
Nghĩ mình không lỗi hẹn
Với người đang xa quê
Chỉ mong em trở lại
Kịp hái chùm tóc tiên
Cắm lên bình lam ngọc
Mừng một ngày lãng quên”
(Mưa thu)
Cõi lặng là một tập sách yếu kém dưới mức trung bình.
Hà Nội ngày 1-2 – 2012
Đỗ Hoàng
(*) Nhà xuát bản Văn học năm 2007
Dịch VÔ LỐI CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM
CÕI LẶNG (*)
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch
Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống vì người, chết vì người
Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác
Đến những miền trong xanh...
Ngày 17.1.2003
--
(*) In trong tập Cõi Lặng – NXB Văn học năm 2007
Viết liền văn xuôi:
CÕI LẶNG
Cõi lặng. Anh soi thật mình với nỗi buồn trong sạch. Cõi lặng, không một tiếng động nào khác - Tiếng đập trái tim anh. Người ơi, tôi yêu người tha thiết. Tôi sống với người, chết vì người. Cõi lặng, tôi vượt qua ghềnh thác đến những miền trong xanh.
Nhận xét:
Đây là điển hình cho loại Vô lối đang thịnh hành. Nó tù mù, tờ mờ, chuột không ra chuột dơi không ra dơi. Nếu gọi là thơ thì là một sự xúc phạm rất lớn với thi ca!
Khi chuyển những bài Vô lối qua cách viết kiểu văn xuôi mới biết các bài Vô lối ấy thì thấy nó kệch cỡm, bệnh hoạn biết nhường nào. Đúng là một quái thai của văn chương.
Đấy là mới nhìn hình thức biểu hiện, chứ soi vào ý tứ, câu chữ và tu từ (hay là thi pháp) thì không biết gọi chúng là gì!
Riêng hai câu đại ngôn “Người ơi, tôi yêu người tha thiết/ Tôi sống vì người, chết vì người” thì giống như con sói hú lên: “Cừu ơi, ta yêu Cừu tha thiết/ Ta sống vì Cừu, ta chết vì Cừu!”
Dịcn sang thơ Việt:
CÕI LẶNG
Cõi lặng, anh soi thật mình
Nỗi buồn trong sạch, trắng trinh giữa trời.
Cõi lặng, không tiếng nào rơi,
Tiếng tim anh đập muôn đời nào yên!
Yêu người tha thiết, thiêng liêng,
Nguyện cùng sống chết, đảo điên vì người!
Cõi lặng, ghềnh thác vượt rồi,
Đến miền trong sạch, tuyệt vời xanh trong!
Đỗ Hoàng dịch
Hà Nội ngày 29 -1 – 2012
Nguyễn Khoa Điềm
Nguyên bản
ANH ĐỢI (*)
Đến sớm một ngày
Vượt trước thôi đường
Cao hơn thói thường
Anh đợi
Đánh đổ một đời
Cuối đất cùng trời
Anh đợi
Anh tìm em
Từ cõi hư vô
Đến phiên chợ trời
Âm dương xanh thẳm
Thương nhớ bồi hồi
Anh đợi
Vứt hết sách vở
Hai tay bụi trần
Núi cao anh trèo
Sông sâu anh lội
Anh đi tìm em
Mây chiều bạc tóc
Thương nhớ lao lung
Một thời trận mạc
Một thời cấy trồng
Anh là hạt thóc
Em là cánh đồng
Gieo bao thương nhớ
Vẫn còn mênh mông
Còn chăng điều tốt
Trong cuộc đời này?
Còn bao nông mặn
Em dành hai ta?
Ngàn năm, trăm năm
Anh mong, anh đợi
Một ngày xuôi tay
Đường xa để lại
Anh còn ngoái lại
Những lời hôm qua:
Anh đợi!
Ngày 27 – 9 -2006
Nhà thơ Vũ Quần Phương có bài Đợi
“Anh đứng một giờ
Đất lạ thành quen”
Một sự phát giác từ hiện thực, rất hay, ai cũng biết nhưng không ai nói được. Bài Anh đợi của Nguyễn Khoa Điềm vô duyên hết chỗ nói. Nó vừa quê, vừa cổ lỗ sỉ, không có phát hiện gì mới, lại dưới cả vè thì đọc giả làm sao chấp nhập được?
Đỗ Hoàng Tạm dịch qua vè truyền thống người Việt:
VÈ ANH ĐỢI
Vè vẻ, vè ve
Nghe vè anh đợi.
Đến sớm một ngày
Không thì trời tối.
Vượt trước thôi đường
Cao hơn thói thường
Anh chờ, anh đợi
Anh đi tìm em
Từ cõi hư vô
Đến phiên chợ trời
Âm dương sáng tối
Thương nhớ bồi hồi
Anh chờ, anh đợi.
Vở sách trôi nổi
Hai tay bụi trần
Núi cao anh lần
Sông sâu anh lội
Anh đi tìm em
Mây chiều tóc rối
Thương nhớ lao lung
Chiến trường lạc lối
Một thời cấy trồng
Anh hạt thóc thối
Em là cánh đồng
Gieo bao thương nhớ
Vẫn còn mênh mông!
Còn chăng điều tốt,
Trong cuốc đời này?
Còn bao nồng mặn
Dành ta, ai hay?
Ngàn năm, ngàn năm
Anh mong, anh đợi
Một ngày xuôi tay.
Đường xa để lại
Anh ngoái lần này,
Những lời hôm qua!
Vẫn còn chói lọi!
Vè vẻ, vè ve
Nghe vè anh đợi!
Hà Nội ngày 29 – 1 - 2012
Ngyễn Khoa Điềm
Nguyên bản:
NGỒI VỚI CÂY LONG NÃO NHÀ BẠN
Ngồi với tôi mỏi mê
Anh quay vào bếp
Xong nồi lục đục
Mỗi âm thanh dễ nhận ra
Củi – diêm - nước mắm
Và những gì gian khó
Không âm thanh
Tôi một mình
Một nình với cây long não
Cây long não già mà lá trẻ
Như ta giữa cuộc đời này
Cây long não lặng im
Cây long não trịu trần
Năm tháng bên nhau
Nhận lấy phấn bụi bặm
Trả ta hương lành
Và một chút gì sâu xa
Không rõ nữa nữa
Bây giờ cây tiếp chuyện tôi
Gác một chân lên hè phố
Chúng tôi nói về anh
Những trang chứa biết đến của một người cầm bút...
Bên cầu Phủ Cam, tháng 5 năm 1982
Đỗ Hoàng dịch:
VỚI BẠN
Ngồi với tôi mải mê
Anh lại quay vào bếp
Tiếng song nồi, nhôm thép
Âm thanh dễ nhận ra
Nước mắm, muối, diêm, cà...
Vì những gì gian khó
Chắng có một âm thanh!
Còn tôi chỉ một mình
Một mình với long não
Long não già lá trẻ
Như ta cuộc đời này.
Cây long não lặng im
Một thân hình trần trụi
Năm tháng ta bên nhau
Nhận lấy phần bậm bụi
Trả cho ta hương lành
Chút sâu xa vời vợi
Mà không còn rõ nữa.
Bây giờ cây tiếp tôi
Gác chân lên hè phố
Chúng tôi nói về anh
Trang sách còn viết dở!...
Hà Nội ngày 29- 1 – 2012
Nhà thơ Đỗ Hoàng
Nguyễn Khoa Điềm
Nguyên bản:
HOA QUỲ VÀNG
Thông đã mọc nghìn năm
Thành phố trăm năm
Anh đến một ngaỲ
Đà Lạt trẻ
Mà anh thì quá tuổi
Hoa quỳ vàng
Lặng im bên cửa
Hoa quỳ vàng
Ái ngại
Nở chờ anh
Đã sang thu?
Là hạ?
Vẫn là đông?
Không cao thấp
Sao chập chùng
Ẩn hiện
Hoa quỳ vàng
Nghiêng nghiêng
Cánh mỏng
Hồn cao nguyên
Nương náu đến bao dung
Em thanh xuân
Anh quá đỗi
Ngại ngùng với sương gió
Đượm buồm từng tấc cỏ
Đà Lạt
Anh có gì
Để nhớ
Sao âm thầm lưu luyến
Tôi muôn xưa
Hoa quỳ vàng
Em chợt đến
Sau mưa
Để chợt héo
Trước ngày đông
Tháng giá
Anh chợt đến
Và chợt về
Xa lạ
Chợt trăm năm
Một khoảnh khắc
Giao mùa
Hoa quỳ vàng
Hoa quỳ nở
Như mưa.
Ngày 22 .1. 1993
Nhận xét:
Một ông trên 70 tuổi mang danh nhà thơ, giữ trọng trách quốc gia mà viết như thế này thì hoạ là điên loạn.
Dịch dễ hiểu:
HOA QUỲ VÀNG
Thông đã nghìn năm
Phố thị trăm năm
Anh đến một ngày
Ơi! Đà Lạt trẻ.
Anh thì quá thể
Mà hoa quỳ vàng
Lặng im bên cửa
Là hoa quỳ vàng
Chút gì ái ngại
Nở chờ anh sang!
Là đã tới thu?
Hay là đang hạ?
Hay vẫn là đông
Mịt mùng sương giá.
Không cao, không thấp
Mà sao vẫn chập chùng!
Mờ mờ ẩn hiện
Ơi, hoa quỳ vàng
Nghiêng nghiêng cánh mỏng
Hớp hồm cao nguyên
Chút gì nương náu
Bao dung nhân duyên!
Em mãi thanh xuân
Anh thì quá đỗi
Ngại ngùng sương núi
Tấc có đượm buồm
Đà Lạt tơ vương.
Anh có gì nhớ
Mà sao âm thầm
Mà sao lưu luyến
Tới buồn muôn xưa!
Ơi hoa quỳ vàng
Và em chợt đến
Sau mưa mặn nồng
Và để chợt héo
Tháng giá ngày đông
Và anh chợt đến
Và lại chợt về
Xa lạ buồn không!
Bất chợt trăm năm
Trong một khoảnh khắc
Trời đất giao mùa
Hoa quỳ vàng nở
Rỡ ràng như mưa...
Hà Nội ngày 29 – 1- 2012
Đỗ Hoàng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

5 lý do kiến nghị Chính phủ xóa hẳn 'siêu dự án sông Hồng'



ĐẶNG TRUNG 
Pháp luật TP HCMThứ Năm, ngày 12/5/2016 - 11:36

(PLO)- Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) khẳng định quan điểm nhất quán không ủng hộ dự án giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng. 

Sáng nay (12-5), Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã ra thông cáo báo chí bác bỏ Dự án giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng. 


Dựa vào kinh nghiệm phản biện các dự án ngăn dòng chảy ở các con sông tại Việt Nam và trong khu vực sông Mekong, năm lý do đã được VRN đưa ra để đề nghị Chính phủ loại bỏ hoàn toàn dự án này. 


Thứ nhất về hiệu quả điện năng từ dự án này mang lại quá nhỏ (228MW, tương đương với 912 triệu KW/năm), đóng góp lượng điện chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia trong khi dự án có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi làm thủy điện bậc thang. 


Bên cạnh đó, dự án này không nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2013. Trong khi các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác đang còn bỏ ngỏ thì dự án này không thực sự cần thiết.


Thứ hai dự án gây ảnh hưởng lưu lượng dòng chảy, sạt lở bờ sông, chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và nhất là gây ra các hệ lụy ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. 


Dự án sẽ gây thiếu nước tưới cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng tới nguồn sinh kế hàng triệu người dân dựa vào dòng sông để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt.


Triển khai siêu dự án sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân ĐBSH. Ảnh: LĐ

Thứ ba, dự án ảnh hưởng đến đa dạng sinh học vùng sông Hồng. Thượng nguồn sông Hồng là sông Thao và sông Lô – Gâm là nơi có những bãi cá đẻ và duy trì nguồn gen cho thủy sinh. Nếu nạo vét làm âu thuyền cũng như đập thủy điện trên sông Hồng sẽ chặn đường di cư của cá và các loài thủy sinh khác vào mùa sinh sản. 


Ngoài ra, đáy sông Hồng hiện nay đã được cảnh báo tụt xuống 1m. Việc đáy sông tụt xuống càng sâu càng nguy hiểm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở dưới nước mà còn ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn. Vậy siêu dự án này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến đáy sông, hệ lụy ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, đa dạng sinh học vùng sông Hồng sẽ dần biến mất.


Thứ tư, đối tượng hưởng lợi chính của dự án không phải là các doanh nghiệp Việt Nam.Có thể thấy rằng việc phát triển dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thương ở các địa phương trong nước tại vùng đồng bằng sông Hồng và quốc gia láng giềng. 


Tuy nhiên, dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc bán hàng hóa tới các nước trong tiểu vùng Mekong, các quốc gia châu Phi thông qua Biển Đông, vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương, đồng thời, chở nguyên liệu thô từ châu Phi về Trung Quốc qua con đường này thay vì phục vụ các các doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa (logistics). 


Theo VNR, hiện Trung Quốc đang đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chạy qua một số tỉnh thuộc CHDCND Lào và kết nối cảng Sivihanoukvilla tại Campuchia để phục vụ mục đích trên. Dự án trên sông Hồng nói trên nếu được triển khai sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ châu Phi về qua đường Biển Đông tới các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Nam của Trung Quốc với thời gian ngắn nhất và chi phí rẻ nhất so với tuyến đường sắt xuyên biên giới kia. Như vậy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này.


Thứ năm, hệ lụy và rủi ro trong việc giao quyền sở hữu dòng sông cho một công ty tư nhân quản lý là vô cùng lớn. Không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ vào đường sông. Vì đường bộ chỉ phục vụ chức năng giao thông, trong khi sông ngòi còn nhiều chức năng quan trọng khác như đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, thoát lũ, duy trì và cân bằng hệ sinh thái. 


Hiện các nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, chưa có tiền lệ giao quyền sở hữu dòng sông, vốn thuộc quyền sở hữu chung của toàn dân cho một doanh nghiệp tư nhân thai thác và quản lý. 


VNR cũng đặt vấn đề nếu dự án trên được giao cho doanh nghiệp tư nhân triển khai, quản lý và thai thác, rõ ràng mục tiêu quản lý của nhà nước về tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển dân sinh sẽ khó đảm bảo thực thi và bị phụ thuộc mục tiêu chạy theo lợi nhuận của doanh nghiệp.


Bên cạnh đó, nếu tính tới bài toán rủi ro trong kinh doanh thì khi doanh nghiệp thua lỗ, theo Luật Doanh nghiệp, họ có quyền bán tài sản này hoặc nhượng quyền sở hữu, quyền khai tháccho đối tác hay một liên doanh khác nào đó, kể cả người nước ngoài để quản lý và khai thác. Như vậy, Chính phủ nên loại bỏ dự án này ngay từ đầu để tránh các hệ lụy về kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng đáng tiếc có thể xẩy ra.


Với các lý do trên về điện năng, ảnh hưởng sinh kế của hàng triệu người dân tại đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế các ngành nghề, hệ lụy phát sinh khi giao quyền khai thác sở hữu dòng sông cho doanh nghiệp tư nhân và an ninh quốc phòng, VRN một lần nữa kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cho ngân sách nhà nước. Có như vậy, chúng ta mới có thể giữ vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên của dòng sông Hồng cho các thế hệ mai sau.


Dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện đã được Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). 
Một trong những mục tiêu của dự án là nhằm cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải đường thủy xuyên Á trên tuyến sông Hồng an toàn, thông suốt, cung cấp được lượng điện năng đáng kể, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc. 
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng 6 đập dâng nước kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy diện nhỏ cung cấp điện lượng khoảng 912 triệu KWh/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng muốn xây dựng 7 cảng dọc tuyến. 
Dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện dự kiến bao gồm tuyến đường thủy Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có công suất 400-600 tấn, 6 đập dâng nước và âu tàu kết hợp 6 công trình thuỷ điện có công suất lắp máy khoảng 228 MW, xây dựng 7 cảng thủy dọc tuyến. 
Dự án sẽ nạo vét một đoạn sông dài 288 km từ Việt Trì lên Lào Cai, được xây dựng theo hình thức xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) với tổng chi phí ước tính khoảng 24.500 tỉ đồng (tương đương 1.1 tỉ USD) do công ty TNHH Xuân Thiện, Tập đoàn Xuân Thành đề xuất.

ĐẶNG TRUNG

Phần nhận xét hiển thị trên trang