Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

NGƯỜI ĐÀN ÔNG MANG TÓC GIẢ



Truyện ngắn của HG

Lần cuối cùng người ta thấy lão xuất hiện ở xóm Cây Bàng cách nay hai tháng. Hôm đó phải khó khăn lắm mới nhận ra lão. Không phải hôm đó tối trời hay mưa gió, bụi cuốn mu mít mỗi lần có xe chạy ngang qua làm ảnh hưởng đến tầm nhìn. Trời rất xanh và cao. Cái nắng đầu hè rực rỡ, tầm nhìn xa có khi hơn mười cây số. Lão ngồi ngay sát bờ đường, chỗ hành lang chỉ rộng hơn hai mét thì có gì mà khó nhìn?
Người ta khó nhận ra lão vì lần này mặt lão nom hốc hác, không béo tốt phương phi như mọi lần từ tỉnh Bắc sang đây. Cái áo phông mỏng cộc tay lại càng như phô diễn đám xương sườn rõ từng chiếc một. Không thấy mái tóc dày đen nhánh, bóng nhẫy trên đầu lão như mọi khi. Thay vào đó là mái tóc lưa thưa màu hung húc, hói từ trán lên đến đỉnh đầu, nom rõ từng sợi tĩnh mạch màu thâm thẫm.
Thì ra, mọi khi lão mang tóc giả, nhiều người cứ ngỡ là thật do nhuộm thuốc, nhất là với các ông bà già kém mắt của thị trấn này. Một thị trấn nhà cao tầng xây khá nhiều, mốt mới, rất hiện đại, nhưng dân trí thì vẫn như xưa, chả chịu nhúc nhích.
“Trong các mục tiêu “phấn đấu” xây dựng văn hóa, xã hội thì cái anh “dân trí” là cái khó thúc đẩy, khó “xây” nhất. Người ta không thể dùng sức người, sức của, “đốt cháy gian đoạn” mà nâng nó lên ngay được. Nó là cái tiệm tiếm, ngấm từ từ, cần có không gian và thời gian, cần có môi trường thích hợp nó mới khá lên dần dần và định hình được”- Có lần chuyện vãn, lão tâm sự với tôi như thế.
Tôi đánh giá cao “trình” của lão. Rõ ràng lão không phải con người bình thường. lão là người có lý luận, có trình độ, có hiểu biết hẳn hoi. Ít nhất là so với mặt bằng tri thức ở một nơi như thị trấn “Con Sóc” này!
Lúc đầu thấy người ta thì thào câu chuyện về lão, nói thực tôi không để ý. Ở nơi tôi ở thiếu gì chuyện kì lạ và kỳ cục?
Một cậu phó chủ tịch vừa lãnh bằng tốt nghiệp cao học ra, tiền đồ đang độ thăng hoa, hứa hẹn nhiều thành công lớn trong đời, bỗng dưng giở chứng, gặp chuyện chẳng ra làm sao. Cậu này kẻng trai, đẹp mã, nhà khá giả vợ dáng dấp như người mẫu thời trang. Không hiểu tại sao lại phải lòng một cô giáo đã có chồng, người ngắn một mẩu.
Chuyện chỉ thế thôi cũng chẳng đáng nói làm gì bởi sự đời dù cắc cớ đến đâu, mãi cũng thành quen.
Nhưng chuyện chàng phó này không như thế. Người ta có thể phải lòng gái bởi nhiều lý do. Cái này chỉ có giời mới biết, mới hiểu là vì sao?
Khi con người ta sẵn điều kiện, nhất là có nhiều tiền kiếm được một cách quá dễ dàng, quá vô lý, điều gì cũng có thể xảy ra. Vì một lẽ nông cạn, một ham muốn rồ dở nào đó vào những lúc những người nghiên cứu tâm lý xã hội cho rằng: “Có khi, có lúc con người tiết ra cái chất không ra người”..
Thời nay những chuyện đại loại như thế không hiếm, thậm trí tràn lan xứ sở, nơi nào cũng có thể gặp.
Thiên hạ bàn: Lòng thòng thì cứ lòng thòng, đạo lý và ngay cả đến luật lệ cũng không cho phép, vì lẽ bí hiểm, được che dấu, nó vẫn thường diễn ra. Ăn vụng phải biết chùi mép vv..
Nhưng lòng thòng kiểu tay phó này thì có một không hai ở đất này. Anh ả bàn nhau cho người chồng “lấp lỗ” bằng cách lén bỏ vào cốp xe cả một gói ma túy mấy mươi “tép”..Rồi báo nhà chức năng. Suýt nữa thì anh chồng mang họa lớn. Không dựa cột cũng chắc chắn ngồi tù không biết bao giờ mới ra?
May mà giời có mắt. Kẻ châm lửa đốt trời thì lửa lại rơi trúng mình. Thời nay những kẻ gắp lửa bỏ tay người khó thành được âm mưu. Những người lập kỷ cương, trật tự xã hội mau chóng tìm ra kẻ thủ ác. Anh phó vào trại và sau đó ra tòa..
Rồi chuyện một cô gái lấy ông chồng già hơn cô những bốn mươi tuổi, gần bằng tuổi của ông nội mình! Người ta lại bảo: “Ý chừng cô ả đón lõng, chờ ông lão về chầu tiên tổ rồi sau đó thừa hưởng cái gia sản to lớn mà nhiều năm lăn lộn quan trường ông này kiếm được nhờ vào có đăng ký kết hôn hẳn hoi”. Cũng có kẻ cho rằng cô gái ở vào tình cảnh quá khó khăn muốn nương tựa vào cuộc hôn nhân này để tìm lối thoát.

Óc suy diễn của thiên hạ thật vô cùng, chuyện gì cũng có thể nghĩ ra và có lý cả.
Nhưng áp vào hoàn cảnh của ông đại úy già này vẫn thấy khó giải thích. Ở tuổi của ông người ta coi trọng sự yên ổn thảnh thơi. Không ai lại mua thêm phiền phức, rắc rối về mình. Phải thế nào đấy ông ấy mới chịu kết hôn với bà Lan Béo. Một bà đã trải qua mấy đời chồng. Ông chồng thứ nhất bỏ nhau vì sự ghen tuông. Hai người chia tay một thời gian, sau khi bán hết cơ nghiệp chuyển ra phố ở. Ông này vẫn còn sống, đến bây giờ chưa lấy ai. Ông thứ hai là cán bộ ngành điện. Bà quen ông này lúc mở quán ăn sáng gần cổng cơ quan. Ông này “già nhân nghãi, non vợ chồng”. Bà vợ ông ấy chỉ tạm thời ly thân mà chưa ra tòa. Việc to việc nhỏ trong gia đình bà, ông này đều hết lòng. Ngay đến vợ chồng bằng thật chưa chắc đã được như thế. Căn nhà và miếng đất bà đang ở bây giờ là do ông ấy lo liệu. Bà chỉ việc đứng tên chứ không phải mất đồng nào.
Người tốt việc tốt thường không có nhiều và kéo dài lâu. Ông cán bộ ngành điện không may bị tai nạn thảm khốc trên đường. Tối hôm đó trời cuối tháng xe cộ chạy nhiều, ông từ thành phố chạy ngược lên thị trấn này bằng xe máy. Đến cua tay áo sát bờ sông bị lóa đèn hay do quán tính, xe chạy tốc độ cao, không làm chủ được tay lái, cả người và xe văng xuống bờ sông, nơi vực thẳng đứng.. Sáng ra người ta phát hiện thì ông này đã chết cỏng từ khi nào không ai biết!
Sau đận ấy người ta thấy bà Lan Béo đi ngược về xuôi với nhiều người. Đàn bà con gái khi còn trẻ son phấn đã đành. Nhưng bà ngoài năm mươi, tô son điểm phấn thì ngộ lắm. Nhất là thứ son phấn rẻ tiền ( có thể do tình hình tài chính đang khó khăn? ).
Dưới gầm trời này, hãn hữu mới có người muốn và có đủ can đảm  sống một mình, ngay cả khi con cái có cả đàn, đã ra ở riêng. Bà Lan cũng vậy.
Người ta xì xào một thời gian, chán rồi cũng thôi. Mà có phải có mình bà đâu? Ngay sát nhà bà cũng có một bà như vậy.
Có lẽ chưa có thời nào người ta hồi xuân kinh khủng như thời bây giờ. Bà gần nhà bà vừa nói đến cũng xấp sỉ tuổi bà, cháu nội cháu ngoại cả đống, vẫn tấp tểnh với đủ hạng đàn ông. Có người còn kém bà đến hơn chục tuổi, vẫn “anh anh em em” ngọt xớt.
Khi bà Lan dẫn được ông cựu đại úy về, bà này cũng đột nhiên có ông ôm quần áo cùng vài trăm triệu đến, rồi ở hẳn ở lại đấy.
Ông này cứ một hai đòi ra chính quyền đăng ký vì cả hai đều chết vợ, chết chồng không còn vướng mắc. Bà “số hưởng”, theo cách nói của dân xóm, xấu hổ hay có ý gì khác, ngại con cái phẫn nộ chẳng hạn, nhất định không chịu nghe.
Giá như mươi năm trước, chắc chắn thế nào người ta cũng hỏi hộ khẩu hộ tịch dù người lạ già hay trẻ. Bây giờ chính quyền việc tồn chất cao như núi, chả ai rỗi hơi hỏi đến những việc vớ vẩn như chuyện này.
Ông mới đến sau ông cựu, không chịu thua người đồng cảnh, chồng hờ của bà Lan. Ông khoe trước từng là đặc công. Gì chứ võ vẽ ông đầy mình. Ông đã từng có chức vụ cao trong ngành an ninh. Ông về nghỉ  một cục theo cái nghị định, nghị điếc gì đấy quy hoạch về bằng cấp trong chiến dịch “Chuẩn hóa” của cơ quan nhà nước.
Riêng chuyện vợ con ông im thin thít, không đả động gì. Nhưng cũng không giấu được lâu. Mắt, miệng thiên hạ tinh lắm và khó quản lý. Cuối cùng người ta cũng hay: Ông và bà vợ cũ vừa ra tòa li dị vì cái tội ông không đàng hoàng với con dâu. Số tiền ông mang đến đây là tiền “cưa đôi” tài sản với bà vợ cũ..
Hàng ngày ông đánh cái xe máy tàu chở cám đi, chở cám về bán cho khách tới tận nhà. Bà chủ tiệm bán tạp hóa kiêm cám lợn từ đó thôi không phải mướn xe ôm.
Ông cựu đại úy không ở lỳ như cái nhà ông thừa tiền mà lại thiếu tình cảm kia. Ông chỉ đi đi về về. Mỗi lần từ tỉnh bắc sang chỉ ở độ đôi ba ngày, sau đấy lại về.
Một bận sang nhà tôi chơi ông ấy bảo: “ Tôi không ở lâu bên này được vì vẫn có việc phải lo. Con cái đã riêng tây cả, tôi vẫn còn cái trang trại, vẫn phải thuê người làm. Mình ở lâu, người ta làm không đến nơi đến chốn, tiền công vẫn phải trả, nên phải về..”
Cả hai ông khách vãng lai này đều không uống rượu, không hút thuốc. Ngay cả nước trà cũng không.
Tôi thì bận nhiều việc, lại nghiện thuốc, nghiện trà chả có chung sở thích gì với các ông. Có ngồi với nhau cũng không có gì để nói. Chuyện chiến trường, chuyện B chuyện C nghe nói nhiều, nói mãi rồi cũng chả còn mấy hứng thú. Chuyện sách vở, viết lách các ông ấy lại không quan tâm. Vậy có chuyện gì để nói với nhau? Chuyện yêu đương trai gái nói vào tầm tuổi này là không được rồi. Hơn nữa, ông nào ông nấy cũng muốn tỏ ra trước người bạn khác giới của mình rằng mình đoan trang, đứng đắn không ưa chuyện gái gú, ướt át. Vậy thì cách tốt nhất, cơm ai nhà ấy ăn, việc ai người ấy lo. “Kính nhi, viễn nhi” cho nó lành!
Tuy nhà đối diện nhau, không xa nhưng có nhẽ hàng tháng nay chả ai đến nhà ai. Có gặp giữa đường cũng chỉ qua loa chiếu lệ.
Thôi thì “nửa quê nửa tỉnh” thế cũng có cái hay, đỡ mất thời giờ!

Dù cố tình tỏ ra không để ý, có một việc làm tôi bất ngờ và sửng sốt. Đó là một buổi sáng như mọi buổi sáng ở thị trấn này. Chỉ có khác ngồi trên chiếc ghế dựa có tựa lưng hình như không phải lão Cựu hàng ngày, mà là một con người khác? Nhác thấy tôi người ấy gọi, giọng lại quen quen:
- Bưu tá vừa đến gọi không thấy cậu. Anh ta đưa cho tôi cái công văn này, nói là khi nào cậu về đưa giúp.
Tôi không thể từ chối, bèn sang bên kia đường gặp lão. Đến gần tôi tá hỏa: Đầu lão trọc lông lốc, nhẵn bóng chả có sợi tóc nào. Nếu có cạo trọc đầu như mốt mới gần đây của một số người thì vẫn phải còn chân tóc chứ. Ai lại nhẵn nhụi như nhổ tóc tận gốc thế kia? Ngay cả mớ tóc lơ thơ hung húc ngày nào giờ cũng biến đâu mất?
Tôi hỏi. Thì ra trước nay lão mang tóc giả. Mà tóc giả làm theo mốt bao giờ chả đẹp hơn tóc bình thường? Tôi vẫn thường khen bộ tóc lượn sóng điệu nghệ của lão, mà lão cứ chỉ cười mỉm, không nói gì cả.
Bây giờ mới vỡ lẽ ra, từ lâu nay thỉnh thoảng lão có đi trị xạ ở viện K. Lần này lão nói người không được khỏe. Đeo thêm bộ tóc giả vào khó chịu, phát ốm lên, đành phải cất đi. Lão nói khi nào khỏe lại, sẽ mang tiếp. Tôi thì tôi nghĩ, lão có đeo hay không, không quan trọng. Tai tóc chỉ là hình thức bề ngoài. Tâm tính, tư cách không giả là được. Suýt nữa tôi buột miệng nói ra điều này. Người ta đang mang bệnh, không có lời an ủi thì thôi, nói ra điều chạm vào chỗ đau của người khác là việc rất, rất không nên!
**
Cái quán bán hàng ăn sáng của bà Lan béo đột nhiên đóng cửa. Cánh cửa kéo hàn bằng sắt sơn xanh của nhà bà móc khóa đến cả tuần nay. Ông Cựu thì cũng lâu không thấy sang.
Người ta đoán bên tỉnh Bắc đã vào mùa thu hoạch vải thiều, ông cựu có thể do bận không sang được. Nếu bà Lan béo không vào miền nam thăm ông bồ cũ có nhẽ bà ấy sang bên tỉnh Bắc cũng nên?
Ông chạy cám của chủ nhà có tiệm tạp hóa cũng đột nhiên biến mất. Hỏi bà chủ nhà chỉ nói: “Không rõ ông ấy đi đâu”. Có người ngờ rằng vào một đêm đã khuya có cái xe bít bùng đỗ trước cửa nhà bà Ninh bán tạp hóa này. Không phải xe chở hàng đến, hàng đi như mọi bận. Xe chở hàng ít ai đến vào những giờ như vậy. Người ta bán hàng ngay thẳng, chính đáng chứ có phải hàng buôn lậu đâu vào lúc đêm hôm như thế. Chỉ có một giả thiết thuyết phục: Sự xuất hiện của chiếc xe bịt kín đó có liên quan đến sự vắng mặt từ hôm ấy của ông chạy cám hàng bà Ninh! Ông ta “được” hay “bị” cái gì đến nay cả tôi và dân của thị trấn này đều chưa biết!
Thị trấn vắng đi hai người đàn ông đáng kể. Những người chẳng giống ai ở đất này. Người ta cũng chỉ xôn xao ít bữa, rồi quên hẳn. Không ai có đủ kiên nhẫn để quan tâm bàn luận mãi về người khác. Nhất là trong thời buổi thông tin loạn cào cào này. Ngay đến hạn hán miền Cao nguyên, ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm cá chết hàng loạt ngoài bể, người ta cũng chỉ bàn tán dăm ba bữa. Thì cái chuyện vặt vãnh của hai ông cựu quân nhân kia có đáng gì mà nói?
 Thờ ơ và lãnh đạm không biết từ khi nào đã ăn mòn trí não con người không trừ nơi nào. Ngay cả đến cái thị trấn heo hút này cũng không có ngoại lệ. Cuộc sống thực dụng, áp lực, ham muốn vì đồng tiền có lẽ là thứ dung môi thích hợp cho loại vi rút thờ ơ lãnh đạm sinh sôi nảy nở.
Ông chủ tịch thị trấn rất lấy làm lo ngại về việc này, nhưng chưa biết làm cách nào. Sự sa sút của ông phó cho ông làm ông thêm lúng túng. Biết nói thế nào với trên với dưới lúc này đây?
Một bận tình cờ gặp nhau ở nhà đám ông có “bật mí” với tôi tí ti. Không hiểu hôm ấy do thói quen giữ gìn hay do lo ngại cái gì tôi lại nói với ông: Chuyện vớ vẩn ấy tôi không quan tâm?
Không khéo ông ta sẽ không thích mình vì câu nói này. Mặc kệ, cũng chả tội tình gì, nghĩ như nào là việc của ông ta!
Bà Lan béo đột ngột trở về nhà, trên đầu chít khăn tang. Các cụ thân sinh quy tiên đã lâu, thân nhân quanh thị trấn này có ai mất? Hay ở dưới quê có chú bác họ hàng hang hốc vừa qua đời?
Tôi không phải thắc mắc quá lâu. Ngay chiều hôm ấy bà Lan béo qua nhà báo tin ông Cựu, chồng bà, hàng xóm của tôi vừa mất cách đây mấy ngày. Đó là lý do vì sao nhà bà cửa đóng then cài những ngày vừa qua. Vì quá gấp bà không kịp biến báo cùng ai, nhận được tin vội vã thuê xe sang tỉnh bắc, hy vọng gặp người chồng mới giây phút cuối cùng. Rất tiếc sang đến nơi, người nhà ông ấy đang bàn giờ giấc phát tang. Thi thể chưa nhập quan đã được trang điểm lại theo cung cách văn hóa mới thời bây giờ. Bà thấy người ta đã lại mang cho ông bộ tóc thật đẹp ngày nào, buổi bà gặp và làm quen với ông trên chuyến tàu từ nam ra bắc. Đôi môi ông khép vẻ nghiêm nghị, rất có dáng quân nhân, tuy có thoa chút son hồng. Hai mắt như người say ngủ..
Kể xong vài chi tiết như trên, bà Lan béo mời tôi vào sáng hôm sau sang nhà, cùng với gia đình bà và xóm làng làm lễ báo tang cho ông ấy. Dù sao thì ông cũng là dể của đất này, không thể ra đi âm thầm không ai hay biết. Bà có xin phép gia đình ông ấy bên tỉnh bắc để lập án thờ, lập bài vị vì lý do đường xá xa xôi không sang thường xuyên bên ấy được. Là bà nói vậy. Giả dụ bà có xin phép hay không người nhà ông ấy đâu có biết/ Dù có biết thì cũng không ai nỡ bắt bẻ.
Người ta chết là hết, nhiễu sự thêm để làm gì? Từ nay, sẽ chẳng còn ai được thấy người đàn ông mái tóc lượn sóng, mặc đồ quân nhân ngồi trước cửa quán cháo lòng. Cái ghế nhựa có lưng tựa không để bên gốc cây bàng như mọi khi. Nó đã được mang vào nhà, hay mang tới đâu, không ai biết?

Nước ngoài sông đang cạn, mây trời rối và mỏng, đang trôi.
Nắng và nóng hình như là cái còn lại dài lâu, mãi mãi ở đất này?
===============


Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Ngày này năm xưa"


- 12/5/1371: Chế Bồng Nga đánh vào Thăng Long.
Năm 1371, triều đình nhà Trần xảy ra nội loạn, hoàng tử Trần Phủ lật đổ Dương Nhật Lễ giành ngôi, tức là vua Trần Nghệ Tông. Mẹ của Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xin Chế Bồng Nga đánh Đại Việt trả thù và báo cáo tình hình biên giới và sự suy yếu của nhà Trần. Được dịp, vào tháng 3 âm lịch năm 1371, Chế Bồng Nga tập trung chiến thuyền tiến vào cửa Đại An tấn công Đại Việt. Quân Chiêm đánh đến đâu, quân Trần rút chạy tới đó. Ngày 27 tháng 3 âm lịch (tức 12/5 dương lịch), quân Chiêm tiến vào Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về.
Năm sau, vua Chiêm dâng biểu lên vua Minh đế kể tội Đại Việt, trong đó có câu:
"...Ngày nay người An Nam lại đem binh sang chiếm đất, cướp bóc dân chúng. Vì thế thần xin Bệ Hạ giúp cho vũ khí, nhạc khí và nhạc sư để người An Nam thấy Chiêm Thành là phiên thuộc của Đại Minh mà không quấy nhiễu nữa."
Tuy nhiên theo sử Việt, nhà Trần không hề động binh trong thời kỳ này và đây là một sự vu cáo trắng trợn của Chế Bồng Nga, chỉ cốt sao nhà Minh để yên cho người Chiêm Thành lộng hành.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
"Bấy giờ thái bình đã lâu ngày, thành quách biên cương không có phòng bị, giặc đến không có quân nào ngăn được. Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy sạch không. Nước ta từ đó sinh ra nhiều chuyện."
Sử gia Ngô Sĩ Liên sau bình luận rằng:
"Không có nước địch làm mối lo bên ngoài thì nước hay bị mất, đó là điều răn từ xưa đến nay. Chiêm Thành với ta, đời đời là cừu thù, triều Trần chả lẽ lại không biết mà phòng bị trước hay sao? Chỉ vì lòng người sinh biếng trễ, phép nước bị buông lơi, đã qua nhiều năm tháng, việc phòng thủ biên cương bị triệt bỏ, nên đến nỗi ấy"
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trần Ngọc Nga: TRÀ C2 VÀ RỒNG ĐỎ NHIỄM ĐỘC CHÌ RẤT NẶNG !



URC VN và Bộ Y tế bắt tay trong bóng tối 
để chối bỏ trách nhiệm đầu độc chì hàng triệu người!!!

Posted by adminbasam on 11/05/2016

10-5-2016
Được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông và đông đảo người dân VN, tôi xin tiếp tục cung cấp thông tin về sự việc vô cùng nghiêm trọng này!
Cho dù URC VN và Bộ Y tế đang cố gắng dùng mọi chiêu trò ma mãnh để hòng chối tội thì chỉ có một sự thật duy nhất: “Trà C2 và Rồng đỏ của URC bị nhiễm độc chì rất nặng. Độc tố này đến từ hàng trăm tấn Acid Citric bị nhiễm độc chì do Công ty Weifang, Trung Quốc – nhà cung cấp nguyên liệu cho URC từ nhiều năm nay cung cấp.” Lô hàng acid này đã được URC đưa vào sử dụng từ tháng 11/2015, trung bình mỗi tháng 40-50 tấn, hiện lô hàng này đã được sử dụng hết để pha chế hàng triệu chai C2 và Rồng đỏ. Với tốc độ tiêu thụ C2 và Rồng đỏ trên thị trường hiện nay, thì chỉ 30 ngày sau khi sản xuất, hàng chục triệu chai nước giải khát chứa độc tố chì này sẽ đi vào cơ thể hàng triệu người Việt Nam, trong đó phần lớn là trẻ em, học sinh.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của Công ty URC Việt Nam đã xác nhận phiếu kiểm nghiệm nói trên và cho biết đây chỉ là kết quả kiểm nghiệm nguyên liệu, không phải kết quả kiểm nghiệm sản phẩm.”
Vậy thưa bà Hương, bà giải thích ra sao với kết quả kiểm nghiệm dưới đây ký ngày 16/03/2016 của NIFC đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2 thuộc lô sản xuất ngày 04/02/2016 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ thuộc lô sản xuất ngày 19/02/2016 đều có hàm lượng chì cao hơn gần gấp đôi lượng cho phép (vùng khoanh đỏ). Các mẫu này được URC VN gửi cho NIFC ngày 22/02/2016:
H1
H1
H1H1
H1
H1Kết quả kiểm tra ngày 16/03/2016 cho thấy hàm lượng Chì trong Rồng đỏ là 0,08 mg/l, hàm lượng Chì trong C2 là 0,079 mg/l cao bất thường so với quy định
Cho rằng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia – Bộ Y tế (NIFC) không chính xác, URC gửi mẫu lần 2 cho NIFC vào ngày 24/03/2016. Kết quả kiểm nghiệm ký ngày 05/04/2016 cho thấy hàm lượng chì trong các sản phẩm này còn cao hơn lần trước :
H1
H1Kết quả kiểm tra ngày 05/04/2016 cho thấy hàm lượng Chì trong Rồng đỏ là 0,085 mg/l, hàm lượng Chì trong C2 là 0,087 mg/l còn cao hơn lần kiểm tra đầu tiên
Cần phải nói thêm, URC VN là một doanh nghiệp Philippines đầu tư vào VN, phần lớn các máy móc, dây chuyền công nghệ của công ty này đều là đồ second hand rất lạc hậu từ Trung Quốc, nhập về VN từ các nhà máy cũ của tập đoàn URC tại Philippines. Để giảm giá thành, URC luôn nhập các nguyên liệu, hương liệu kém chất lượng từ Trung Quốc, đặc biệt là các lô hàng nguyên liệu sắp hết hạn sử dụng giá rẻ như bèo. Đây là nguyên nhân các sản phẩm của URC rất kém chất lượng, độc hại và không thể tiêu thụ ở các thị trường cao cấp mà chỉ nhằm vào các thị trường mà năng lực quản lý lỏng lẻo, cán bộ dễ mua chuộc và nhận thức của người tiêu dùng không cao như Việt Nam, Campuchia, Philippines,…
Để “xử lý” kết quả thử nghiệm rất xấu này, URC VN lần thứ 3 gửi mẫu của lô hàng trên lên cho NIFC ngày 15/04/2016, đồng thời Lãnh đạo URC VN giao bộ phận QA mang quà đến cho ông Sơn và cô Hồng của NIFC mỗi người 1 tỷ đồng nhét vào 02 thùng sản phẩm C2 và Rồng đỏ trước ngày có kết quả xét nghiệm.
H1
Không biết có phải vì uống C2 và Rồng đỏ “nặng mùi tiền” của URC hay không mà kết quả kiểm tra lần 3 ngày 21/04/2016 thành công rực rỡ, mọi chỉ số trở về mức bình thường một cách kỳ diệu.
H1
H1Kết quả kiểm tra ngày 21/04/2016 cho thấy hàm lượng Chì trong Rồng đỏ là 0,048 mg/l, hàm lượng Chì trong C2 là 0,049 mg/l vừa đạt tiêu chuẩn 0,05 mg/l
Vậy còn các kết quả đạt của các Trung tâm khác thì sao? Sự thật là trong ngành thực phẩm, nước giải khát ai cũng biết, các trung tâm này vừa không đủ năng lực xét nghiệm vừa có năng lực thực hiện “xét nghiệm theo yêu cầu khách hàng” rất kinh khủng, thích kết quả đẹp thế nào cũng có chỉ cần có phong bì đủ tiêu chuẩn về độ dày là được hết. Ăn cơm của URC quanh năm, nên họ xét nghiệm năm này qua năm khác không bao giờ thấy chì trong các sản phẩm của URC là điều đương nhiên!!!
Tất cả các mẫu đang được URC đưa đi xét nghiệm đều không phản ánh bản chất bị nhiễm độc chì của các sản phẩm đã được hàng triệu người tiêu dùng VN đưa vào cơ thể từ tháng 2/2016, nên cho dù có gửi đi Tây hay đi Tàu để xét nghiệm cũng sẽ chẳng bao giờ thấy có chì. Vài ngày tới, URC sẽ công bố kết quả xét nghiệm từ nước ngoài để chứng minh là sản phẩm của họ không nhiễm chì, đây là một chiêu trò mà Lãnh đạo URC cố công dàn dựng mấy ngày qua vì mẫu đem đi thử không phải là mẫu nằm trong lô hàng bị nhiễm độc chì! Chiêu trò đánh lận con đen này chỉ có thể che mắt người dân chứ không thể qua mặt cơ quan chức năng nếu họ làm việc nghiêm túc!
Vậy các cơ quan chức năng của VN làm việc nghiêm túc thế nào?
Về phía Bộ Y tế, ngay sau thông tin bị công bố thì có một loạt các động thái “rất quyết liệt” và “rất nghiêm túc” như kiểm nghiệm độc lập các mẫu trên thị trường và tại URC (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế), hay chuẩn bị tiến hành thanh tra (Thanh tra Bộ Y tế). Thật ra các hoạt động này chỉ làm mục đích xoa dịu dư luận, lấy lại hình ảnh cho Bộ Y tế và câu giờ cho URC VN giở các chiêu trò che tội, còn các kết quả xét nghiệm hay thanh tra đều sẽ là không có vấn đề gì, không có sai phạm.
Vì nếu có sai phạm lần này thì có nghĩa là hàng trăm cuộc thanh tra kết thúc ở quán nhậu với những phong bì dày cộp, những biên bản kết quả “đẹp như mơ” trước đây không lẽ lại là dối trá ??!
Dư luận vẫn chưa quên cuộc thanh tra “cưỡi ngựa xem hoa” lạ kỳ và đạt kỷ lục thế giới về độ thần tốc chỉ diễn ra trong 1 tiếng 35 phút (kể cả thời gian đọc quyết định và viết biên bản) ngày 15/09/2015 của Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP đã tiến hành đợt kiểm tra đối với công ty URC VN
Nếu họ làm việc nghiêm túc thì URC VN có thể xây trái phép nguyên một nhà máy 38 triệu USD ngay tại Hà Nội không?
Nếu họ làm việc nghiêm túc thì tại sao mâm cơm của người Việt lại ra nông nỗi này, nhìn đâu cũng thấy độc?
Xin khẳng định, trong số 5 mẫu Bộ Y tế thu thập trên thị trường là hàng sản xuất trong tháng 3, tháng 4/2016 – đây không phải là những mẫu bị nhiễm độc chì, các sản phẩm nhiễm độc chì này đã được tiêu thụ và thâm nhập vào cơ thể hàng triệu người Việt Nam từ đầu năm 2016. Các biên bản xét nghiệm trên cho thấy Bộ Y tế biết rất rõ sản phẩm của URC nhiễm độc chì từ rất sớm nhưng bị “tê liệt vì tiền” nên vẫn để URC bình chân như vại tiếp tục sản xuất và gieo rắc chất độc chết người lên đầu dân VN.
Muốn xét nghiệm hàm lượng Chì thì các ông Bộ Y tế nên đem các cháu học sinh thường xuyên uống C2, Rồng đỏ để kiểm tra, Chì đang nằm trong cơ thể các cháu, vượt nhiều lần cho phép và sẽ gây ra hậu quả vô cùng tàn khốc như đã xảy ra ở Quảng Bình và sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước trong thời gian tới!
Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?
Câu trả lời là sẽ không có ai chịu trách nhiệm gì hết vì bằng mọi giá họ sẽ nguỵ tạo, tiếp tục che giấu và trốn tránh để tiếp tục trục lợi trên sức khoẻ và tính mạng người dân.
Hôm nay, URC đã lên tiếng bằng một câu trả lời không thể dối trá hơn được nữa của bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của URC VN trên báo Tri thức trẻ nói: “Nếu ngay từ đầu kiểm tra nguyên liệu mà phát hiện nhiễm độc chì thì chúng tôi sẽ không sản xuất C2. Nguyên liệu này được kiểm tra sau khi đã sản xuất” Câu trả lời này đã bôi một vết nhơ vĩnh viễn lên bộ mặt uy nghi của Bộ Y tế. Trách nhiệm của họ ở đâu khi để một doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của họ gây ra hậu quả thảm khốc lên hàng triệu người VN.
Chúng ta không chấp nhận để họ bắt tay trong bóng tối bịt miêng, thao túng và gieo rắc tai ương lên đầu con cháu chúng ta. Hãy giúp chúng tôi chia sẻ rộng rãi thông tin này!
Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng!
Trần Ngọc Nga 
Đại diện những người Vn còn có lương tri tại URC VN.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ ỨNG CỬ TẠI ĐIỂM NÓNG


Vợ chồng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử ĐBQH: Hiếm nhưng bình thường

Nguyên Khôi 
Dân Việt
Thứ Tư, ngày 11/05/2016 10:13 AM (GMT+7) 
Tễu Blog: Vợ chồng anh chị Vương Đình Huệ thật là "song kiếm hợp bích". Cả hai vợ chồng đều trúng cử thì không biết sắp xếp thời gian việc nhà thế nào, "sinh hoạt" thế nào nữa! Mà chắc là trúng cả thôi! hi hi...

Không biết thì thôi, nhưng hôm nay bọn em biết anh ứng cử ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh, là nơi có Formosa rồi! Từ hôm cá chết, biển chết, Vũng Áng là nơi phát ra nguồn thải độc, chưa thấy anh nói câu nào về chuyện này, thì còn thông cảm được. Nhưng giờ, cho đến ngày bầu cử là anh phải về, phải lên tiếng đó nha! À, mà anh phải lên tiếng ở tầm Phó Thủ tướng, chứ đừng tắm biển, ăn hải sản như mấy anh chàng quêkệch quan chức miền Trung nghe anh! 
(Dân Việt) Việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và vợ là bà Nguyễn Vân Chi, cùng ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV là rất hiếm. Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng không nhiều. Tuy nhiên, việc này, hoàn toàn được pháp luật cho phép, không hề vi phạm các quy định về bầu cử... 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và phu nhân Nguyễn Vân Chi

Theo danh sách niêm yết ứng viên ĐBQH khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ ứng cử tại địa bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thị xã Hồng Lĩnh. 


Còn theo danh sách niêm yết ứng viên ĐBQH tại Nghệ An, bà Nguyễn Vân Chi, phu nhân của ông Vương Đình Huệ sẽ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 địa bàn huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò. Bà Nguyễn Vân Chi sinh năm 1966, quê xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Bà Chi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Praha - Cộng hòa Séc, chuyên ngành Thông tin Kinh tế ngoại thương Nghề nghiệp. Hiện bà đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). 

.
Sáng nay 11.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Mão- Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ năm 1992- 2002, nguyên Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Quốc gia nhiều khóa cho biết, việc 2 ứng cử viên là vợ chồng, cha con cùng ứng cử ĐBQH là rất hiếm. Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng không nhiều. Phổ biến hơn chỉ là chồng ở nhiệm kỳ trước, vợ ở các nhiệm kỳ sau. Các quy định nêu ở Luật Bầu cử ĐBQH và Hội đồng Nhân dân các cấp, cùng các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về việc không cho phép 2 vợ chồng cùng được ứng cử ĐBQH hay đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Do đó, nếu hai vợ chồng đáp ứng được điều kiện về tuổi và các tiêu chuẩn của ĐBQH đều có thể trở thành ứng cử.

"Ông Vương Đình Huệ và bà Nguyễn Vân Chi dù là vợ chồng nhưng đều bình đẳng với nhau. Chồng ứng cử được thì vợ cũng ứng cử được miễn phù hợp và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đối với một ứng cử viên ĐBQH. Ngoài ra, 2 người đều ứng cử ở 2 địa bàn khác nhau nên cũng không ảnh hưởng gì đến nhau"- ông Vũ Mão nói.

Cũng theo ông Mão, việc này dù hiếm nhưng chúng ta cũng sẽ dần phải làm quen thêm nhiều điều phát sinh mới trong cuộc sống, trong đời sống nghị trường.

Trong trường hợp 2 ứng cử viên này trúng cử ĐBQH, liệu có khả năng xảy ra trường hợp vợ chất vấn chồng trên nghị trường, ông Vũ Mão nói, ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ... Nếu bà Chi có chất vấn ông Vương Đình Huệ cũng là điều bình thường. Nhưng có chất vấn hay không đó lại là vấn đề khác, phụ thuộc vào bản lĩnh của ĐBQH đó...

Theo tìm hiểu của Dân Việt trong lịch sử của Quốc hội nước ta cũng có một số trường hợp vợ chồng là ĐBQH, chẳng hạn như ông Nguyễn Trung Hậu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VIII (nhiệm kỳ 1987-1992), khóa IX (nhiệm kỳ 1992-1997), vợ là bà Đỗ Thị Gái, ĐBQH khóa VI (nhiệm kỳ 1976-1981)... 

Ông Vương Đình Huệ năm nay 59 tuổi, quê xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông có học hàm, học vị GS.TS, Cao cấp lý luận chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X,XI,XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII và ĐBQH khóa XIII. 

Còn phu nhân là bà Nguyễn Vân Chi sinh năm 1966, quê xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Bà Chi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Praha - Cộng hòa Séc, chuyên ngành Thông tin Kinh tế ngoại thương Nghề nghiệp. Hiện bà đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin NÓNG: BÌNH THUẬN - CÁ CHẾT HÀNG LOẠT Ở ĐẢO PHÚ QUÝ


Chưa thể kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt 
ở đảo Phú Quý 

VOV
Thứ 4, 12:00, 11/05/2016

VOV.VN - Hiện chưa thể kết luận nguyên nhân khiến cho cá nuôi ở đảo Phú Quý chết hàng loạt, vì không có dụng cụ phân tích nước biển.

Liên quan đến tình trạng cá nuôi lồng bè ở khu vực biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận chết hàng loạt, sáng nay (11/5), bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Trưởng Trạm khuyến ngư huyện đảo Phú Quý cho biết: Sau khi nhận thông tin từ các hộ nuôi cá, những ngày qua Trạm Khuyến ngư đã cử cán bộ xuống hiện trường ghi nhận tình hình. 

.
Cá mú phìn mang chết phơi bụng (Ảnh: Tam Thanh)

Tuy nhiên, bà Phượng cho hay cơ quan khuyến ngư địa phương không thể kết luận nguyên nhân khiến cho cá nuôi ở đây chết hàng loạt, vì không có dụng cụ phân tích nước biển. Để biết nguyên nhân chính xác cần có các nhà khoa học vào cuộc. 


Cũng theo người đứng đầu Trạm Khuyến ngư Phú Quý, tình trạng cá nuôi lồng bè ở đảo chết hàng loạt trong mùa nắng không chỉ diễn ra trong năm nay, mà những năm trước cũng từng xảy ra hiện tượng này.

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào năm 2002, nặng nhất là vào năm 2007. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, ở khu vực nuôi trồng thủy sản đảo Phú Quý đã ghi nhận có 3 đợt cá chết, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi. 
.
Cá chết hàng loạt làm các hộ nuôi cá lồng bè điêu đứng (Ảnh: Tam Thanh)

Hiện nay, để cứu số cá còn lại, Trạm khuyến ngư huyện đảo Phú Quý đã hướng dẫn các chủ nuôi di chuyển lồng bè ra xa hơn vị trí cũ, tránh nguồn nước không an toàn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Sáng nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý thống kê số lượng cá chết và tổng thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này./. 
Việt Quốc/VOV-TP HCM 
___________________

Xin chờ cái Hội đồng quốc gia này, xem họ kết luận thế nào?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thiên đường và địa ngục


VƯƠNG TRỌNG (nhà thơ)
Ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai người con trai. Người anh ngoan ngoãn, siêng năng, kính yêu bố mẹ và rất mực thương em; còn người em lười biếng, hỗn xược, khi rựợu vào thì không chỉ đánh anh mà choảng cả bố mẹ. Tất nhiên khi chết thì anh lên thiên đường còn em xuống địa ngục.
Ở thiên đường ít lâu, thương nhớ em nên người anh xin phép ban quản lý để xuống địa ngục thăm em. Cánh cửa địa ngục mở, người anh hết sức ngạc nhiên vì quang cảnh tuyệt đẹp, chim kêu hoa nở, người đi lại vui tươi, ai cũng béo tốt, Căn phòng gần cổng ra vào có mấy chàng trai vừa đánh bài vừa uống bia, nói cười rôm rả. Người anh từ tốn hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Chính thế! Một chàng trai trả lời.
Người anh suy nghĩ: địa ngục thế này thì chẳng thua kém gì thiên đường, vậy ta nên xin phép xuống hẳn đây để được gần em. Anh trở về thiên đường xin phép ban quản lý và được đồng ý sau khi khuyên suy nghĩ cẩn thận.
Cánh cửa địa ngục vừa mở ra thì khói đen mù mịt bốc lên mùi khét lẹt và trước mắt anh một cảnh tượng hãi hùng: quỷ Sa tăng cao lớn, mặt mày dữ tợn đang dùng đinh ba đẩy từng người một xuống vạc dầu đang sôi. Anh nhẹ nhành hỏi:
- Đây là địa ngục phải không ạ?
- Thấy rồi sao còn hỏi? Sắp đến lượt mày đấy!
Sa tăng nói như quát và hất hàm cho một tên quỷ khác trói anh lại và đẩy vào hàng sắp bị hành quyết. Biết kêu khóc cũng vô ích, anh chỉ xin hỏi một câu:
- Sao hôm trước tôi xuống thăm thấy địa ngục khác hẳn thế này?
- Đó là phòng TUYÊN TRUYỀN của địa ngục đấy con ơi! Sa tăng trả lời và đẩy anh xuống vạc dầu.
Thì ra nếu tuyên truyên tốt, địa ngục có thể lừa được người thiên đường và khi biết được sự thật thì đã quá muộn.!
TB: Chuyện này không phải do tôi sáng tác, mà viết lại câu chuyện cách đây trên 35 năm mà nhà thơ Thanh Tịnh đã kể trên xe ô tô khi đi dự đám tang vợ một người trong cơ quan từ Văn Điển trở về.

Vương Trọng
(theo Facebook của nhà thơ Vương Trọng)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hậu duệ họ Lý về với Trường Sa


"Tôi không nghĩ đây là chuyến tham quan hay đi du lịch Trường Sa, mà là một chuyến đi để tìm hiểu thực tế ở Trường Sa. Sau khi trở về tôi sẽ truyền tải thông tin đúng và đầy đủ cho người Hàn Quốc, để hai chữ Việt Nam thêm lan tỏa ở đất nước Hàn Quốc”...
 >> Dòng họ Lý và sợi dây kết nối với quê hương

Đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc (ông Lý Thừa Vĩnh, thứ ba từ trái sang và ông Trần Hải Linh, thứ ba từ phải sang) trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc (ông Lý Thừa Vĩnh, thứ ba từ trái sang và ông Trần Hải Linh, thứ ba từ phải sang) trên quần đảo Trường Sa.
... Ông Lý Thừa Vĩnh (Lee Soung Young), Chủ tịch Hội hậu duệ thứ 28 của dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc chia sẻ như vậy khi tham gia hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK mới đây. Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài- Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức.
“Hoàng tử Việt Nam” về Trường Sa
Ông Lý Thừa Vĩnh có thể lẫn trong hơn 200 thành viên người Việt tham gia chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK lần này khi vóc dáng của ông rất Việt. Thế nhưng, ông luôn nổi bật với chiếc áo phông đỏ có in hình ngôi sao vàng trước ngực, sau lưng là tấm bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là chiếc mũ quấn dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”.
Ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ, ngay từ khi đi học ông đã biết có sự tồn tại của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng hầu như không quan tâm lắm. Đến khi cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có những cuộc đấu tranh, biểu tình ôn hòa phản đối sự xâm chiếm trái phép tại quần đảo Trường Sa, ông mới bắt đầu quan tâm, hỏi thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và xem thông tin trên Internet để hiểu hơn về tình hình biển đảo ở quê hương.
Ông Vĩnh tâm sự, từ lâu nhiều người bạn Hàn Quốc vẫn gọi ông là “Hoàng tử Việt Nam” vì họ biết ông là con cháu Hoàng tử Lý Long Tường. Vì thế bạn bè ông mỗi khi xem truyền hình Hàn Quốc có thông tin liên quan đến Việt Nam đều gọi điện cho ông và nói “thông tin về Việt Nam nhà ông đấy”.
Tranh thủ ghi lại những hình ảnh chiến sĩ canh gác trên đảo Nam Yết, ông Vĩnh xúc động nói: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia chuyến đi ý nghĩa này. Lẽ ra tôi đã về Đền Đô - Bắc Ninh để tham gia giỗ tổ dòng họ Lý, nhưng tôi quyết định đi Trường Sa bởi từ sâu thẳm trong tôi, hai chữ này luôn có một ý nghĩa đặc biệt. Là người con mang dòng máu Việt, tôi tham gia chuyến đi để có cơ hội được khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Tôi muốn có những hình ảnh cụ thể, chân thực nhất để chia sẻ với các bạn Hàn Quốc về vấn đề này”.
Ông Lý Thừa Vĩnh cho biết, cách đây 22 năm ông cùng những người trong họ đã về Bắc Ninh làm lễ cúng tổ tiên nhận họ. Ông nói đó là một niềm vinh dự khi người ta tìm được nguồn cội của mình cũng là lúc họ sống có gốc gác, có hiện tại và có mục tiêu cho ngày mai.
“Trong một xã hội khá khép kín như Hàn Quốc trước đây, việc tự nhận là một người gốc Việt không phải là một điều dễ dàng. Từ sự lạ lẫm đến quen thuộc, bây giờ ai cũng tỏ ra thú vị với gốc gác Việt của tôi”, ông Lý Thừa Vĩnh kể.
Trong cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam do Hội người Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức tại Seoul năm 2015, ông Lý Thừa Vĩnh là một “gương mặt thân quen”. Một số tờ báo Hàn Quốc hỏi ông tại sao tham gia các cuộc biểu tình đó, ông khẳng khái trả lời rằng ông là người Việt Nam nên có nghĩa vụ tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa.
Cũng từ dịp đó, nhiều người Hàn Quốc biết ông nhiều hơn, phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam càng có thêm tiếng nói ủng hộ từ xứ sở kim chi.
Làm nhiều hơn cho đất nước
Trong hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK lần này, ông Lý Thừa Vĩnh cũng như các thành viên trong đoàn đại biểu kiều bào Hàn Quốc đã để lại nhiều tình cảm với các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau chuyến đi đầu tiên vào năm ngoái, năm nay anh Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như các thành viên trong Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc rất cẩn thận trong việc lựa chọn những món quà thiết thực với tổng trị giá 28 nghìn USD để dành tặng các chiến sĩ trên đảo.
Giữa cái nắng chói chang trên đảo Cô Lin, anh Linh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu Hàn Quốc tranh thủ thời gian để lắp đặt một bộ máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt; một máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và một giàn trồng rau thủy canh hồi lưu.
Mồ hôi ướt đầm trên áo, anh Linh vừa lắp máy vừa chia sẻ về ý tưởng trao tặng những món quà này: “Qua chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK trong Đoàn công tác số 6 năm 2015, chúng tôi nhận thấy có thể áp dụng những kiến thức chuyên môn của mình và những ứng dụng phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc để góp phần nâng cao, cải thiện đời sống thực tế của cán bộ chiến sỹ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, trong đó có 2 vấn đề quan tâm là nước ngọt và rau xanh. Vì thế, chúng tôi đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc nghiên cứu máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Đây là thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh, nước được nối với bộ phận làm mát và làm nóng để đầu ra có thể là nước lạnh mát 5 độ C hoặc nước nóng 85 độ C và kết cấu chung của máy giống như các máy lọc nước hiện đại khác mà các nước phát triển đang sử dụng. Quy mô 1 máy có thể cho ra 20 lít nước ngọt/ngày ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như những đảo của ta ở Trường Sa và Nhà giàn DK. Tôi thiết nghĩ 20 lít nước này sẽ góp thêm một phần quan trọng vào khẩu phần nước ngọt hiện còn thiếu thốn trên các đảo chìm và nhà giàn DK. Nguồn này có thể giúp cán bộ chiến sỹ dùng để nuôi trồng thêm rau xanh hàng ngày”.
“Tôi thật cảm phục với những gì mà các bạn trẻ Việt Nam xa nhà luôn đau đáu tìm cách đóng góp cho Trường Sa. Chuyến đi này thúc giục tôi cần phải làm nhiều hơn cho đất nước”, ông Lý Thừa Vĩnh nói.
Ông Lý Thừa Vĩnh cho biết sau chuyến đi này, ngoài việc kể lại những gì mắt thấy tai nghe ở Trường Sa cho các thành viên trong dòng họ, gia tộc, ông còn phối hợp với Hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hàn Quốc lên kế hoạch các dự án truyền thông về Hoàng Sa, Trường Sa, để vấn đề bảo vệ chủ quyền lan tỏa hơn không chỉ với người Việt mà càng nhiều người Hàn sát cánh với người Việt càng tốt.
“Những việc này với tôi không phải là do ai kêu gọi hay thúc giục gì cả. Tôi là người Việt thì những việc đó là chuyện từ trái tim, để không thẹn với tổ tiên khi nói rằng mình là hậu duệ của dòng họ Lý”, ông nhấn mạnh.
Theo Tuấn Minh
Đại đoàn kết
Phần nhận xét hiển thị trên trang