Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Ngày suy ngẫm của dân tộc





Tác giả: Chris Tran
Tôi ước mong ngày này trở thành “Ngày suy ngẫm” của dân tộc. Suy ngẫm về chiến thắng, về hận thù, về hòa giải, về khoan dung với đồng tộc của mình, vượt lên trên vô thức và định kiến vốn đã đầy ắp trong mỗi con người, vượt lên trên bất đồng chính kiến.
Hà Nội, Chủ nhật, 26 tháng 4 năm 2015.
Ký ức về cuộc chiến
Tôi sinh ra trong một gia đình cha mẹ là những đảng viên cộng sản tập kết ra miền Bắc vào năm 1954. Những người như cha mẹ tôi là thiểu số trong đại gia đình hai bên. Đa số họ ở lại miền Nam. Và rồi Tổng tuyển cử không diễn ra như dự kiến do Hiệp định Geneva bị phá vỡ. Đất nước bị chia cắt thành hai miền, Bắc và Nam. Cơ hội thống nhất trong hòa bình đã bị bỏ lỡ.
Tuổi thơ của tôi trải qua toàn bộ thời kỳ chiến tranh mà đối với miền Bắc Việt Nam là hai giai đoạn Mỹ ném bom, lần thứ nhất là từ 1964 đến 1968, và lần thứ 2 là từ tháng 4 năm 1972 đến tháng 12 năm 1972, đánh dấu bằng thất bại của chiến dịch rải thảm B52 của Mỹ, với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Nixon “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Với những cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc và đưa một nửa triệu quân đổ vào miền Nam, Mỹ đương nhiên được coi là xâm lược Việt Nam, và bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối, với phong trào chống can thiệp của Mỹ vào Việt Nam diễn ra trên khắp thế giới.
Cha mẹ tôi không kể nhiều cho các con của mình về những người thân ở miền Nam, ngoại trừ một người cậu của tôi, một Việt Cộng ở Quảng Nam bị mù hai mắt vì trúng bom Mỹ, được đưa ra miền Bắc và có thời gian an dưỡng ở Trung Quốc. Sau năm 1975 tôi được biết rằng, tất cả những người khác trong gia đình hai bên cha mẹ tôi đều là những người phục vụ chính quyền Sài Gòn, dân sự hay quân sự.
Thế rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến…
“Đất nước hoàn toàn thống nhất, sạch bóng quân thù, non sông từ nay liền một dải…” – Đó là những gì mọi người luôn được nghe những ngày sau đó trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Sau ngày đầu tiên cùng nhà trường đi diễu hành mừng “miền Nam giải phóng” hô khẩu hiệu đến khản giọng, tôi trở lại cuộc sống bình thường với tâm trạng háo hức, tò mò của một thiếu niên về chuyến vào Nam gặp người thân họ hàng mà tôi chưa từng biết.
Thống nhất đất nước và hai phía của gia đình
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu thời kỳ “Đất nước thống nhất”. 
Thông tin tuyên truyền từ miền Bắc làm cho người ta phân biệt “nhân dân miền Nam” – những người được xem là sống dưới ách kìm kẹp của chế độ Sài Gòn, với “ngụy quân và ngụy quyền” – những người phục vụ trong bộ máy nhà nước và quân đội của chính quyền Sài Gòn, “tay sai” của đế quốc Mỹ.
Thông tin tuyên truyền từ miền Nam làm cho người ta khiếp sợ về một cuộc trả thù “tắm máu” của cộng sản, về chế độ “cộng vợ, cộng chồng”… nếu miền Bắc chiến thắng.
Bất chấp tuyên truyền từ hai phía làm cho người ta dễ dàng có những dự cảm tiêu cực về người thân trong một gia đình từ hai miền Nam và Bắc, các cuộc đoàn tụ với người thân cả hai bên nội ngoại của gia đình tôi đều chan chứa tình cảm ruột thịt.
Khi đó, tôi không thấy sự thấp kém của những người thân được coi là “ngụy quân, ngụy quyền” như tuyên truyền, và tôi tin những người thân của gia đình tôi cũng không coi chúng tôi, những người từ miền Bắc vào là “cộng sản man rợ”. Tình yêu thương gia đình trong dòng họ tràn ngập trong chúng tôi.
Không những thế, tôi còn chứng kiến sự ngưỡng mộ của những người thân từ miền Nam đối với cha mẹ tôi là những người thành đạt và có địa vị xã hội nhất định trong chính quyền miền Bắc Việt Nam, cũng như thấy cha mẹ tôi ngưỡng mộ những người thân thành đạt trong chính quyền miền Nam Việt Nam, từ sĩ quan quân đội đến nghị sĩ quốc hội.
Và tôi cũng thấy điều hoàn toàn tương tự ở những gia đình có người thân từ cả hai miền Bắc, Nam. Tuy nhiên, không ai biểu thị tình cảm đó một cách công khai, mà chỉ trong gia đình, với người thân mà thôi.
Sau này trưởng thành, xây dựng gia đình, tôi lại được chứng kiến mạnh mẽ một lần nữa bức tranh đó ở gia đình của vợ tôi, một gia đình có nhiều người thành đạt và có địa vị xã hội ở cả hai chính quyền miền Bắc và miền Nam.
Cải tạo, phân biệt đối xử 
Đó là trong gia đình, còn ở bình diện xã hội, mọi điều diễn ra rất khác. Có rất nhiều người thân của gia đình tôi thuộc “ngụy quân, ngụy quyền” phải trải qua những năm cải tạo khắc nghiệt, từ vài năm đến hàng chục năm.
Sau những cuộc cải tạo đó, không một ai cải tạo cả.
Cậu tôi, một trung tá tâm lý chiến của quân đội Sài Gòn khi chiến tranh chấm dứt, có nói với tôi sau khi đi trại cải tạo về: “Cải tạo gì? Chính họ được cậu cải tạo họ vì họ có biết gì đâu”. Nếu biết nội dung của những cuộc cải tạo đó là gì, chắc ngày nay người ta đều đồng ý với cậu tôi.
Rất nhiều người, sau những cuộc cải tạo đó đã lựa chọn định cư ở Mỹ.
Một người anh họ của tôi, chỉ là một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi, cũng bị sa thải, phải kiếm sống bằng nghề xe đạp ôm và không bao giờ trở lại sự nghiệp của mình nữa.
Con cái của những người thuộc chế độ Sài Gòn còn không được học hành như các bạn cùng trang lứa, như không thể vào trường đại học, không được du học… Khi tương lai mờ mịt, họ phải tìm đường di cư ra nước ngoài.
Trong hàng triệu người bỏ nước sau 1975, cho đến những năm 1990 có những người thân của tôi. Có người phải “vượt biên” tới bảy lần, vô cùng tốn kém và nguy hiểm, mới có thể định cư ở nước ngoài. Có trường hợp nhiều gia đình người thân của tôi tổ chức cùng vượt biên, và may mắn thành công. Sau này tôi mới được nghe về thảm họa “thuyền nhân” với hàng chục ngàn người Việt Nam mất mạng dưới biển hay vào tay cướp biển.
May mắn thay, thế giới đã dang tay đón nhận họ khi họ bị từ chối ở chính quê hương mình. Chỉ mới năm 2013, tôi mới được biết đất nước Israel nhỏ bé cũng từng đón nhận hàng trăm thuyền nhân từ Việt Nam, điều mà nhiều người Việt Nam không hay biết.
Tôi vẫn còn thắc mắc, vì sao một thảm họa nhân đạo quy mô toàn cầu như vậy lại không được ghi lại ở bất kỳ đâu trên thế giới, như những khu tưởng niệm về diệt chủng người Do thái của chủ nghĩa phát-xít tại nhiều nơi trên thế giới, để không bao giờ nó được lặp lại?
Ngày chiến thắng, ngày quốc hận và chia rẽ
Những ngôn từ cao sang nhất đã được giành cho chiến thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, với đỉnh cao là “Chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc” mà số người Việt Nam đồng ý hay không đồng ý có lẽ đều là hàng triệu.
Ở phía khác… Mãi đến năm 2000, kỷ niệm 25 năm ngày chiến tranh kết thúc, tôi mới được biết và chứng kiến lễ kỷ niệm “Ngày quốc hận” tại Washington DC. Và số người Việt Nam đồng ý hay không đồng ý về tên gọi của ngày này có lẽ cũng là hàng triệu. Tôi cảm thấy có lỗi khi biết về ngày này quá muộn để có thể chia sẻ về đau thương và mất mát của hàng triệu người Việt xa xứ, trong đó có những người thân của tôi, và hàng triệu người đã phải trải qua cơn ác mộng về cải tạo, về phân biệt đối xử, và trên tất cả, về thảm họa thuyền nhân.
Trong ngày lễ kỷ niệm đó, đi dọc theo Washington Mall, trong vô số biểu ngữ, tôi thấy có “Ở đâu có cộng sản, ở đó có chia rẽ”. Tôi dịch cho anh bạn Mỹ đi cùng, người đã từng phục vụ trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Anh ta nói: “Người Việt Nam các anh, ở đâu cũng chia rẽ”. Với hiểu biết của mình ở phía khác, miền Bắc, tôi không có gì khác hơn là đồng ý với anh bạn Mỹ đó.
Và tôi lại nhớ đến câu nói của người cậu trung tá tâm lý chiến: “Không có một dân tộc nào nói về đoàn kết nhiều, mà lại chia rẽ như dân tộc Việt Nam”.
Ông cũng là người nói với tôi sau khi đi cải tạo về, những năm 1980: “Đừng tưởng thắng nhau là vinh quang. Việt Nam chỉ là con bài trong ván bài của các nước lớn, là Mỹ, là Liên Xô, là Trung Quốc”.
Đó là điều chua xót, đáng suy ngẫm của người Việt Nam về sự chia rẽ bị lợi dụng của mình.
Bắc hay Nam, bên này hay bên kia 
Người ta có thể phân chia người Việt Nam một cách đơn giản là người Bắc và người Nam, cộng sản hay không cộng sản, thắng cuộc hay thua cuộc. Sự phân chia phiến diện từ tiềm thức này là cơ sở của sự chia rẽ người Việt Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, yêu quý thành phố tươi đẹp này, nhất là những năm tháng của tuổi thơ khi nó còn là đẹp nhất – Tôi là một “người Bắc”. Quê nội ngoại của tôi ở Quảng Nam, dù chỉ về thăm vài lần trong đời, nhưng cảm thấy thân thương, ruột thịt – Tôi là một “người Nam”. Cha mẹ tôi là đảng viên cộng sản. Mẹ tôi là một đảng viên mẫu mực với nhiều thành tích đóng góp cho xã hội, cha tôi là một đảng viên, mà theo lời ông, “chạy sang phía Việt Minh, vào đảng cộng sản vì sợ bị thủ tiêu” (cha tôi từng là một đảng viên của Quốc dân đảng) – Gia đình tôi là cộng sản.
Tôi từng có nhiều năm phấn đấu, nhưng rồi từ bỏ và không bao giờ là đảng viên cộng sản – Tôi vừa là cộng sản, vừa không phải là cộng sản. Tôi thuộc “bên thắng cuộc”, vào Nam với tâm trạng vui mừng khấp khởi và tò mò xem “bên thua cuộc” ra sao, rồi cảm thấy mình chính là “bên thua cuộc” khi chua xót thấy những người anh em họ hàng mình mất mát to lớn như thế nào khi thuộc về “bên thua cuộc”.
Tôi cảm thấy mình ở khắp nơi, Bắc, Nam, cộng sản, không cộng sản, bên thắng cuộc, bên thua cuộc, được hưởng những điều tốt đẹp mà nhà nước ban cho, nhưng cũng bị tước những quyền cơ bản hiến định.
Có hàng triệu người Việt như tôi, cảm nhận thấy mình thuộc cả hai bên của ranh giới hiềm khích và hận thù?
Và, hơn tất cả sự phân biệt “bên này, bên kia” đó, trong khi hàng triệu người bị cuốn vào xung đột “ý thức hệ” – cộng sản hay không cộng sản, thì cái cộng sản từng luôn cuốn hàng triệu người, trong đó có những công dân ưu tú, với lý tưởng độc lập tự do cao đẹp, không biết từ lúc nào đã trở thành công cụ đắc lực cho những kẻ xấu ngày càng đông đảo lợi dụng, trở thành quyền lực vô biên, đang hối hả củng cố vị thế ngự trị của mình với số đông đang sống trong sợ hãi, dốt nát và đói nghèo.
Lời kết, về hòa giải và hòa hợp dân tộc
Có lẽ tôi phải viết hàng trăm trang mới nói hết được những ý nghĩ của mình về nước Việt Nam và người Việt Nam vào giai đoạn lịch sử phức tạp này của dân tộc.
Qua câu chuyện cuộc đời của rất nhiều người mà tôi có dịp được biết đến về cuộc chiến, trước và sau đó, tôi thấy rằng có thể nhiều triệu trang cần phải được viết về giai đoạn lịch sử này đã chưa được viết, hoặc bởi bị cấm đoán, hoặc bởi người ta đã lãng quên trong lo toan của cuộc sống đời thường…
Với Internet, người ta tiếp nhận được nhiều thông tin hơn, có cơ sở để có nhận thức và phán quyết của riêng mình về lịch sử. Đối với tôi, những nhận thức và phán quyết cá nhân đó có những chuyển biến theo thời gian mà dường như ngày càng gần với thực tại khách quan hơn, làm chính tôi phải ngỡ ngàng.
Ông Võ Văn Kiệt, một lãnh đạo cao cấp của nhà nước thống nhất đã có một phát biểu nổi tiếng về ngày 30 tháng 4, tuy không được phổ biến rộng rãi: “Ngày có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Đó luôn là nhận thức của ông, từ 30 tháng 4 năm 1975, hay phải chăng chính ông sau này đã nhận được đủ thông tin hơn để thay đổi nhận thức và phán quyết của mình về lịch sử?
Tôi nghĩ, trên thực tế tâm trạng của những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới vào ngày này là phức tạp, là sâu sắc hơn là nỗi buồn hay niềm vui.
Phía những người vui… Nếu chỉ là vui, phải chăng đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy ngẫm? Có lẽ còn hơn cả niềm vui, họ còn kiêu hãnh về chiến thắng mà mình đóng góp. 
Với niềm tin là mình đóng góp xương máu cho nền độc lập, cho thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc… làm sao mà người ta không kiêu hãnh?
Phía những người buồn… Nếu chỉ là buồn, phải chăng đó là những người không có nhiều mất mát trong cuộc chiến để mà suy ngẫm? Có lẽ còn hơn cả nỗi buồn, họ còn có mối hận thù vì bị đối xử tàn tệ, bị cướp đi cơ hội có một cuộc sống bình thường.
Bị đầy đọa, bị mất người thân yêu, người ta khó có thể vượt qua được hận thù?
Ở phía được coi là hận thù, tôi còn thấy sự tiếc nuối về thất bại của một lý tưởng độc lập, tự do khác, bị vùi dập và quên lãng…
Đất nước Việt Nam đã thống nhất 40 năm, nhưng dân tộc vẫn còn chia rẽ trong những con sóng ngầm. Hòa giải và hòa hợp dân tộc dường như còn xa vời, bất chấp tuyên bố của ai về điều ngược lại.
Hòa giải và hòa hợp dân tộc, tiếc thay, chưa bao giờ được đặt ra như một chương trình dài hạn của quốc gia, trong khi nó không thể được phát động từ cộng đồng dân sự trong hoàn cảnh chính trị – xã hội hiện nay của Việt Nam.
Trong khi đó, hòa giải chưa được đưa ra bởi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các sáng kiến hòa giải từ bên ngoài Việt Nam ở bất kỳ một quốc gia nào, trớ trêu thay, dường như cũng luôn được coi là hành động thù địch, làm phương hại đến quan hệ của Việt Nam với quốc gia đó.
Ngày 30 tháng 4 đối với tôi ngày càng trở thành một ngày đem đến cảm xúc phức tạp. Cảm xúc về sự yếu thế của một dân tộc tự chia sẽ, tự chấp nhận sống trong lừa dối, tự chấp nhận sống trong vô thức của ngạo mạn hay hận thù, với chính đồng tộc của mình.
Các thế hệ sẽ dần qua đi, để không còn có ai đáng cho ai ngạo nghễ về chiến thắng, không còn có ai đáng cho ai hận thù vì tội ác đã gây ra.
Nước Mỹ đã hòa giải với Việt Nam sau nhiều tội ác điên rồ. Hình ảnh cựu chiến binh Mỹ ôm hôn cựu chiến binh Bắc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sự hòa giải. Họ đang tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh từ rà phá bom mìn, cứu giúp nạn nhân chiến tranh, xây dựng trường học, bệnh viện… Hai quốc gia Mỹ và Việt Nam đã trở thành những đối tác thân thiết về thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục.
Nhưng chúng ta còn chưa thấy được hình ảnh cựu chiến binh miền Nam và miền Bắc ôm hôn nhau, dù đã có nhiều cựu chiến binh Nam Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo tôi được biết, đã về nước tham gia làm từ thiện, tham gia xây dựng quê hương, trong lặng lẽ. Điều khác biệt của họ so với các cựu chiến binh Mỹ là, họ hành động với lòng yêu quê hương, đồng bào, chứ không phải từ mặc cảm tội lỗi trong chiến tranh.
Tôi ước mong ngày này trở thành “Ngày suy ngẫm” của dân tộc. Suy ngẫm về chiến thắng, về hận thù, về hòa giải, về khoan dung với đồng tộc của mình, vượt lên trên vô thức và định kiến vốn đã đầy ắp trong mỗi con người, vượt lên trên bất đồng chính kiến.
Suy ngẫm để cùng đối mặt với những sự thật phũ phàng, dù ở bất kỳ “bên” nào, để có được nhận thức và phán quyết tường minh về lịch sử cho mình và cho các thế hệ tương lai.
Suy ngẫm để cùng đưa ra được một chương trình nghị sự, từ ý chí của cộng đồng, chính trị và phi chính trị, về hòa giải và hòa hợp của người Việt Nam trên toàn Thế giới, như một dân tộc thống nhất, vĩ đại.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-4-15
--------------------------------
nguon:kimdung
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÔI TIN,NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG


 by kytrung
      TÔI TIN, NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG – Bình luận



      Về hưu, có điều kiện gần dân hơn, vừa rồi tôi có đi dự một cuộc họp tổ dân phố với nội dung: “ Lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp ( nhiệm kỳ 2016-2020) ”. Tôi vẫn hay suy nghĩ, người dân, nhất là những vùng xa, vùng khó hoặc ở nơi dễ kinh doanh… phần đông an phận, không quan tâm chính trị, chuyện bầu cử, ứng cử đối với họ là chuyện xa xỉ. Thậm chí đến ngay những quyền lợi cơ bản của con người được hiến pháp Việt Nam thừa nhận, họ cũng không biết. Nên thế, chuyện lấy ý kiến “ nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp” chỉ là chuyện cho có!!! Nhưng đến cuộc họp, tôi lầm! Một người trong những người ứng cử đại biểu HĐND qua vòng hiệp thương thứ hai, được HĐND và MTTQ phường giới thiệu gặp ngay sự phản đối quyết liệt, vì người dân quá rõ hoạt động của vị này. Nhiều ý kiến phân tích có tình, có lý của người dân để thấy rằng, không thể đưa một người cơ hội, thu vén cá nhân, biểu hiện tính ích kỷ  không quan tâm đến  lợi ý tập thể vào hàng ngũ lãnh đạo, dù đó là một phường. Một người dân nói: “ Các ông muốn đưa ai vào ứng cử thì trước hết phải lấy ý kiến người dân, phải cho người dân phát biểu. Chỉ có người dân mới đánh giá chính xác người đó có xứng đáng hay không ? Đằng này, đến vòng hiệp thương thứ hai rồi, mang danh là thế nhưng toàn từ trên ép xuống, bắt người dân phải chấp nhận. Cứ làm như vậy, vậy người dân có quyền gì? Lãnh đạo không phải do dân bầu, liệu dân có tin không ?”. Tôi hỏi một người ngồi cạnh: “ Lâu nay vẫn có ý kiến người dân khi bàn vấn đề này à!”. Người đó nói: “ Không phải anh ạ! Chỉ có mấy năm gần đây thôi, người dân biết phát biểu để bảo đảm quyền lợi của mình.”
        Tôi nghe như vậy thì mừng.
         Ý kiến của người dân trong một cuộc họp như trên  chỉ là một tia sáng nhỏ nhoi trong khu rừng rậm ken dày những tán lá già sắp rụng, nhưng cho ta hy vọng, ít nhất đã có người dân thức tỉnh về quyền lợi công dân. Vừa rồi tôi lại tiếp xúc với một cháu gái sinh viên, tuổi chỉ bằng con gái thứ hai của tôi. Ánh mắt cháu thể hiện sự năng động, lối nói chững chạc đàng hoàng, phong thái rất tự tin. Cháu nói với tôi: “  Đọc bài của các chú, các bác, chúng cháu biết các chú, các bác là người yêu nước nhiệt thành muốn đất nước có dân chủ thực sự. Nhưng chỉ hô hào mà không hành động, theo chúng cháu nghĩ, không được.  Mặt bằng nhận thức của người dân lúc này không phải ai cũng suy nghĩ như các chú, các bác…”. “ Thế theo cháu phải làm thế nào?”. Cháu gái sinh viên đó trả lời: “… Phải hành động cụ thể, trước hết là tổ chức, sau đó là vận dụng mọi khả năng, mọi phong trào hợp pháp để tuyên truyền về ý thức công dân, nhất là quyền của người dân được hoạt động trong  hiến pháp như thế nào? Rồi từ đó nhân rộng ra để người dân mạnh dạn thoát khỏi sự sợ hãi, đấu tranh xây dựng được một chính quyền đúng nghĩa với sự dân chủ, tự do…”. “Cháu không sợ bị quy chụp, đàn áp sao?”. “ Chúng cháu thực hiện đúng nghĩa vụ công dân, đúng hiến pháp nhà nước Việt Nam ban hành. Bên cạnh tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước nên không sợ…”. Tôi không đi sâu vào hoạt động của các cháu, sự thành, bại còn ở thì tương lai nhưng sự dấn thân, dám nghĩ dám làm, ở độ tuổi các cháu, chúng tôi không dám, chưa nghĩ tới thì bây giờ lứa tuổi thanh niên trưởng thành hơn lứa tuổi chúng tôi lúc đó rất nhiều.
        Nhìn rộng ra, có lẽ chưa khi nào, phong trào tự ứng cử vào Quốc Hội nhiều như bây giờ. Vẫn biết để đi đến một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, thật sự tự do là một quá trình đấu tranh không hề dễ dàng. Gần một trăm vị tự ứng cử, ai cũng biết, số trúng cử sẽ rất nhỏ. Dẫu vậy, chỉ cần đọc chương trình hành động của những vị tự ứng cử này, cũng gieo cho mọi người niềm hy vọng, chi ít đất nước đi vào con đường dân chủ, văn minh cần có một Quốc hội như thế nào? Đại biểu  Quốc hội như thế nào? Dễ gì có một cuộc tuyên truyền dân chủ, tự do đích thực sâu rộng đến như thế. Những điều trước đây chỉ là không tưởng! Sự phá bĩnh, như kiểu ném “mắm tôm”, “kiểm tra đột  xuất”. “phát tờ rơi…” nói xấu, tìm mọi cách để loại các vị tự ứng cử trúng cử… hãy cho chuyện đó là bình thường đi, là bởi, con đường đi đến một nhà nước pháp quyền, với hiện tình đất nước của chúng ta như hiện nay không hề dễ dàng. Nhưng trên thực tế, từ hành động đến lời nói, bài viết của những vị tự ứng cử thể hiện sự vững vàng, tin vào lẽ phải, tin vào chân lý làm cho những người dân như tôi, nhìn vào tiền đồ đất nước phần nào đó hy vọng, bớt bi quan.
       Có người nói với tôi, đừng mơ mộng, các triều đại phong kiến nước ta, khi lâm vào thời suy thoái cũng phải kéo dài cả trăm năm mới chịu sụp đổ, huống hồ…Tôi không đồng tình với ý kiến này. Thời đại bây giờ khác hẳn với thời đại trước kia. Thời này không ai có thể bưng bít được sự thật, không ai ngăn cấm được thông tin. Đây chính là lực đẩy, đẩy xã hội văn minh tiến lên phía trước mà không một thế lực phản động, lạc hậu nào cản lại được. Tôi vẫn tin, trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay, không phải là không có người nhận ra con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Không lẽ, bao nhiêu đất nước, dân tộc trên thế giới, họ cũng trải qua nhiều cuộc cách mạng đớn đau, hiện tìm ra đáp số đúng, duy nhất chỉ có con đường dân chủ tư bản, tam quyền phân lập, chấp nhận đa đảng, tranh cử một cách dân chủ, tự do mới có thể dẫn đất nước thoát khỏi khủng hoảng, gây dựng lại uy tính cho chính phủ, cho những người lãnh đạo, Việt Nam là ngoại lệ!!! Điều này tôi không tin. Tôi nhìn vào thành phần lãnh đạo của chính phủ mới, số người dưới sáu mươi tuổi, chiếm đa số, phần lớn trong số họ được đào tạo ở nước ngoài, có ngoại ngữ, giao tiếp rộng, thế hệ này, dứt khoát có chuyển biến, thúc đẩy xã hội Việt nam đi vào con đường dân chủ như các nước văn minh, thời gian nhanh hay chậm mà thôi.
       Cũng chưa khi nào, người dân được nghe những lời “gan ruột”của các bộ trưởng, ông nghị, bà nghị trước Quốc hội. Những lời nói có thể là dũng cảm, phản biện rất rõ ràng với ý kiến của những người đứng đầu chính phủ. Một điều tôi thấy hiếm,  so với những kỳ họp Quốc hội trước đây. Đây mới là dấu hiệu nhỏ, manh nha của một nghị trường tiến bộ, dân chủ. Dẫu thế, “có” còn hơn “ không”, thúc đẩy đến ý thức độc lập, giám sát thực chất của nhiều nghị sỹ quốc hội khóa tới, để tương lai không xa, Quốc hội phải thực thi được quyền bãi miễn thành viên chính phủ khi thành viên đó không hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội phân công.
         Tôi rất hy vọng điều này sớm trở thành hiện thực.
         Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách, với tôi, tôi cho rằng cơ hội vẫn nhiều hơn thử thách. Cơ hội lớn nhất là lòng dân thống nhất. Người dân đang đồng lòng muốn chính phủ phải mạnh tay với tham nhũng, bất cứ kẻ nào, quyền cao chức trọng đến đâu mà ăn tàn, phá hại đất nước bị đem ra xử trước công lý, người dân đều hoan nghênh, mát lòng, mát dạ. Rồi đến nữa, nếu như lãnh đạo đất nước cùng người dân tỏ rõ thái độ cương quyết với nhà cầm quyền Trung Quốc trước việc họ gây hấn, phá hoại chính trị, kinh tế, văn hóa Việt Nam. Chính phủ đó,  dân ủng hộ đến cùng. Rồi nữa, sự đoàn kết hòa hợp dân tộc trở nên một yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết. Hiện tại cho dù nhà nước Việt Nam chưa có nhiều chính sách cụ thể về hòa hợp, hòa giải, vẫn còn sự nghi ngờ, chưa thật lòng với đồng bào ở hải ngoại thì người dân tự giác không phân biệt kẻ nam người bắc, trong, ngoài nước bắt tay nhau, đón nhau trên tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lúc này ,nhất là gần đến ngày 30/ 4, ngày đất nước thống nhất (1), chỉ cần chính phủ có một chính sách nhất quán, chấp nhận sự khác biệt để hòa giải thật lòng. Sự đoàn kết dân tộc sẽ là một bức trường thành vững chắc không một thế lực ngoại bang phản động nào có thể phá vỡ nổi. Có hòa giải, hòa hợp thật lòng, khộng nặng nề nhắc lại quá khứ, đó cũng là liều pháp tốt nhất thu phục nhân tâm, tận dụng được những  ý kiến đóng góp của những nhà trí thức lớn, giúp cho những nhà lãnh đạo Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị.
          Còn một điều nữa, tôi muốn nhấn mạnh, với nhiệm kỳ chính phủ vừa rời chức, nhiệm kỳ đó để lại những bài học đau đớn về quản lý kinh tế, về  việc trấn áp những tiếng nói phản biện  của người yêu nước dưới sự truy chụp: “ phản động”, “thế lực thù địch”., “chống phá chế độ”… về một xã hội sa sút nghiêm trọng về mặt đạo đức, về giáo dục hết sức lạc hậu, về nạn tham nhũng tăng lên một cách khốc liệt phá hoại lòng tin của nhân dân vào chính phủ,  vào thực thi luật pháp, về khoảng cách giàu, nghèo độ giãn ngày càng rộng… Nhưng “trong cái rủi cũng có cái may” , nhiệm kỳ chính phủ mới, với những thành viên trẻ tuổi năng động, có hiểu biết… sẽ rút được những bài học cần thiết để không dẫm vào những sai lầm đớn đau đó, đưa đất nước tiến kịp với nền văn minh nhân loại.
     Tôi, một người dân bình thường còn có suy nghĩ đó, huống hồ những vị lãnh đạo, đang nắm vận mệnh quốc gia.
      Hãy lạc quan.
      Tôi tin, ngày mai trời lại sáng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng mong người khác cứu... Đừng mong người khác cứu



Khổ, khi nghe tin bên TQ họ "thông cảm" mở đập thượng lưu cho nước xuống hạ lưu sông Mê Công, nhiều dòng thông tin chính thống chạy tít, hưởng ứng viết tin - bài ra chiều hoan hỉ, thì tôi đã không một chút "lấy làm mừng". 

Vì sao tôi nghĩ vậy?

Là bởi vì đơn giản nghĩ rằng: Cái kẻ cho xây cả loạt đập trên ngọn nguồn để làm tắc nghẹn dòng sông lớn này là họ thủ đầy âm mưu hại người khác rồi!

Bây giờ, khi này rót một đợt nước, lúc khác bảo sẽ xem xét trợ giúp "bạn bè", rồi hàng xóm phía dưới dòng sông..., thì chính là bước vào thời đoạn họ biến việc dòng sông chảy một cách tự nhiên bao thế kỷ nay của các nước chung dòng chảy đó thành ra "các điều kiện" nhằm đổi chác, hoặc là gây sức ép chính trị - xã hội lên các nước láng giềng mất rồi.

Và đến khi đó, mình (tức các quốc gia cuối nguồn), chúng ta buộc phải nghĩ khác, phải hành động khác.Chứ tuyệt nhiên đừng ngồi đợi ban ơn!

ĐÓ LÀ PHẢI QUYẾT TÌM RA NHỮNG CÁCH "TỰ CỨU" LẤY MÌNH...

Vì thế tôi rất thích bài viết dưới đây của tác giả Lê Anh Tuấn đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay, 11/4/2016. Xin phép tác giử đưa lại lên đây để bạn bè chúng tôi đọc tham khảo.

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

11/04/2016 14:54 GMT+7

TTO - Sau loạt bài "Ngược dòng Mekong đang hấp hối" mà các phóng viên đã ghi nhận, Tuổi Trẻ đăng tải những ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề sông Mekong.


Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Ông Lê Anh Tuấn - Ảnh: Chí Quốc
“Đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong
Margaret Zhou


Hơn 10 ngày qua, bạn đọc đã theo dõi những bài viết “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” do bốn nhóm phóng viên Tuổi Trẻ phản ánh từ bốn quốc gia trên dòng sông Mekong là Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Mở đầu là bài viết của ông Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ. Dưới đây là nội dung bài viết.
Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Đỉnh lũ năm 2015 được xem là thấp nhất trong 90 năm qua (1926 - 2015) và đây là lời cảnh báo sớm cho Việt Nam


Cảnh báo sớm, 
ứng phó vẫn chậm

Khô hạn năm nay không phải là hiện tượng thiên tai không được cảnh báo sớm.
Kể từ mùa khô 2014-2015, nhiều nhà khoa học đã thông báo sự trở lại của El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Thái Bình Dương làm lưu vực sông Mekong mưa ít nắng nhiều.
Tiếp đến, cả mùa mưa năm 2015 lượng mưa quá ít. Bởi do ít mưa nên mùa lũ 2015 quá thấp, gần như lũ không đáng kể thì việc dự báo khô hạn tiếp theo cho mùa khô 2015-2016 là hoàn toàn dễ tiên đoán để có những cảnh báo cần thiết.
Bên cạnh chuyện ông trời là chuyện của con người, khi ai cũng biết thượng nguồn Mekong đã có hàng loạt thủy điện được xây dựng và góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề của thiên nhiên khắc nghiệt. Từ hai yếu tố vừa nêu, nước mặn có cơ hội xâm nhập sâu nội đồng.
Các nhà khoa học đã nói trước, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia có cảnh báo trước.
Tuy nhiên, gần như toàn đồng bằng và cả nước không có một chuẩn bị đối phó nào đáng kể để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Ngay từ khi dứt mùa mưa, qua mùa khô, diện tích trữ nước tự nhiên cho canh tác nông nghiệp và cả nước dự trữ cho sinh hoạt không có gia tăng, diện tích xuống giống vụ đông xuân vẫn không gia giảm bao nhiêu so với các năm trước, số trạm bơm, máy bơm cũng giữ ổn định với con số cũ.
Nói chung, không có một chỉ thị nào từ các ngành chức năng dàn xếp nguồn nước chia cho từng diện tích sản xuất ở các vùng canh tác nông nghiệp. Đến khi khô, mặn hoành hành, lúa màu khô cháy la liệt thì cả vùng mới nháo nhào lên.
Trong khi đó từ mùa khô năm 2014-2015, một số nước láng giềng đã có những điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất và cung ứng của họ trước những cảnh báo nguy cơ hạn hán: Trung Quốc và Lào chỉ đạo đóng cửa van, huy động gom nước từ sông suối trữ ở các hồ chứa thủy điện, hoàn toàn bỏ hoang các vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn ở Vân Nam của Trung Quốc, vùng miền trung và miền nam của Lào.
Chính phủ Thái Lan đã sớm phổ biến quyết tâm giảm lớn diện tích trồng lúa, người Thái sẵn sàng từ bỏ vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không gieo mạ cho vụ lúa chiêm xuân trên các ruộng lúa của họ, thậm chí có lúc phải huy động quân đội ngăn chặn việc bơm nước ở các con kênh và hồ trữ nước quan trọng.
Ngành thủy lợi hoàng gia Thái xúc tiến xây dựng thêm trạm bơm và chuẩn bị triển khai chuyển nước từ sông Mekong đến các vùng khô hạn phía đông bắc và dự kiến có thể qua cả lưu vực sông Chao Phraya.
Ở Campuchia, nước được dồn cho những vùng có nguồn cá tự nhiên hoặc cá nuôi thay vì dùng cho canh tác nông nghiệp.

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Xu thế suy giảm dòng chảy sông Mekong xuống ĐBSCL - Nguồn: Lê Anh Tuấn, 2016


Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Khi hạn hán bắt đầu gia tăng mức tác động vào trung tuần tháng 2-2016 thì Việt Nam yêu cầu Trung Quốc đáp ứng việc xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Jinghon) để cứu hạn, mặn cho vùng đồng bằng. Ngoài ra Lào cũng lên tiếng xả nước để giúp Việt Nam.
Tuy nhiên sau những lời có vẻ thiện chí đó, nhiều nhà khoa học đã có số liệu chứng minh việc Trung Quốc xả nước thủy điện từ Cảnh Hồng trong các tháng đầu năm đến hết tháng 3-2016 là bình thường, thậm chí ít hơn lượng xả nước của năm 2015 và 2014.
Một nhà vận động chính sách người Thái, bà Piaporn Deetes, thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, đã chỉ ra rằng việc Trung Quốc xả nước nhằm mục tiêu phát điện cho họ và nâng tạm thời mực nước sông phía dưới giúp thuận lợi cho thuyền chở hàng hóa của Trung Quốc xuống Thái Lan và Lào không bị mắc cạn do nước sông xuống quá thấp.
Một nhà hoạt động môi trường khác, cô Margaret Zhou, đã viết trên báo The Diplomat ngày 23-3-2016 rằng “đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong”.
Như vậy không cần phải yêu cầu, Trung Quốc vẫn phải xả nước qua tuôcbin để phát điện như một vận hành bình thường.
Rồi chưa kể nguồn nước ít ỏi từ thủy điện của Trung Quốc xả xuống sông để phát điện cũng bị Thái Lan - một nước nông nghiệp lớn nhất khu vực - vận hành hàng chục máy bơm công suất lớn thi nhau hút nước đưa vào những vùng đất trũng đang khô nứt.
Lào là nước vừa gom nước trên các sông suối dòng nhánh trữ trong các hồ thủy điện, vừa xả nước từ thủy điện ở vùng Bắc Lào xuống nhưng cũng tiếp tục lấy nước cứu hạn từ trên đổ xuống cho vùng Trung và Hạ Lào.

Campuchia nhận định có thêm chút nước từ thủy điện có thể giải hạn cho các khu trữ cá, nhưng cũng chẳng vui gì hơn nhiều. Trong khi đó ở Việt Nam, những dòng thông tin trái chiều không đầy đủ từ báo chí tạo ra những hệ lụy khác nhau.
Nông dân ĐBSCL nghe các quan chức tuyên bố trên báo chí là thủy điện Trung Quốc xả nước xuống cho Việt Nam đã vội vàng làm đất xuống giống vụ hè thu.
Người này thấy người kia chuẩn bị xuống giống thì cứ làm theo và không hề biết nước về đến ĐBSCL còn được bao nhiêu, đủ cho bao nhiêu hecta diện tích lúa!
Phải nói rằng mùa hạn, mặn năm nay là một bài học đắt giá cho Việt Nam!
  
LÊ ANH TUẤN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Seoul xác nhận sếp tình báo Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc

Hãng Yonhap đưa tin, Bộ quốc phòng Hàn Quốc ngày 11/4 xác nhận việc một quan chức cấp cao trong hệ thống đặc vụ của quân đội CHDCND Triều Tiên đào tẩu sang nước này.

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun không tiết lộ thêm thông tin về thân phận quan chức này.
Theo Yonhap, một đại tá phụ trách công tác đặc vụ đối với Hàn Quốc của Tổng cục trinh sát Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn từ năm ngoái.
Đây là sĩ quan có quân hàm cao nhất từng đào tẩu khỏi Triều Tiên và được cho là "nắm bắt tường tận" hoạt động của các đặc vụ của Bình Nhưỡng tại Hàn.
Hãng tin Hàn Quốc cho biết, chức vụ đại tá ở cơ quan nêu trên có quyền lực tương đương với cấp bậc Trung tướng trong quân đội phổ thông của Triều Tiên.
Trang Sina (Trung Quốc) cho hay, Tổng cục trinh sát trực thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Triều Tiên. Đây là cơ quan trọng yếu của quân đội nước này và có thể báo cáo trực tiếp công việc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Từ tháng 2/2009, Bình Nhưỡng sáp nhập Cục trinh sát Lực lượng vũ trang, Bộ tác chiến thuộc đảng Lao động và Văn phòng 35 thành "Tổng cục trinh sát", bổ nhiệm tướng Kim Yong Chol làm Cục trưởng.
Sau khi Kim Yong Chol thay thế ông Kim Yang Gon, người qua đời hôm 29/12/2015 vì tai nạn giao thông, giữ chức Bí thư trung ương đảng Lao động Triều Tiên và Bộ trưởng Chiến tuyến thống nhất, chức vụ của ông ở cơ quan tình báo vẫn bỏ trống.
Theo Sina, kể từ khi ông Kim Jong Un trở thành lãnh đạo, Triều Tiên đã siết chặt quản lý biên giới với Trung Quốc và Hàn Quốc, làm giảm số lượng người đào tẩu khỏi nước này, nhưng hiện tượng quan chức cấp cao "nhảy phe" vẫn có xu hướng gia tăng.
Seoul xác nhận sếp tình báo Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc
theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Quan hệ Lào – Campuchia đột ngột căng thẳng


Tình hình biên giới Lào – Campuchia những ngày gần đây đột ngột trở nên căng thẳng. Theo tờ The Cambodia Daily, nguyên nhân được cho là xuất phát từ giới chức tỉnh Stung Treng (Campuchia) cáo buộc Lào đang cố gắng xây dựng một căn cứ quân sự gần dải biên giới chưa được phân định giữa hai nước. Theo cáo buộc của chính quyền tỉnh Stung Treng, từ ngày 1/4, quân đội Lào đã bắt đầu đào hào cho căn cứ mới, cách khu biên giới chưa phân định nằm giữa vùng Thala Barivat, thuộc tỉnh Stung Treng (Campuchia) với tỉnh Champasak (Lào) khoảng 30 m.

Cửa khẩu biên giới Stung Treng - Champasak giữa Campuchia và Lào

Trước đó, hai địa phương đã thống nhất sẽ không xây dựng công trình mới tại khu vực trên cho đến khi đường biên được phân định rõ ràng.

Một đoàn cán bộ tỉnh Stung Treng trong tuần này đã đến gặp phía tỉnh Champasak nhằm tìm biện pháp giải quyết, song giới chức Lào đã từ chối đàm phán và đe dọa sử dụng vũ lực nếu Campuchia cản trở việc xây dựng.


http://congly.com.vn/the-gioi/tin-nhanh/tin-tuc-the-gioi-24-gio-quan-he-lao-campuchia-dot-ngot-cang-thang-146648.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con tàu Nosco “lâm nạn”: Gần 5.000 tỷ đồng gốc và lãi của các ngân hàng sẽ đi về đâu?


>> Bà Suu Ky sẽ thả toàn bộ tù nhân chính trị Myanmar
>> “Tập trung vào thách thức, đừng bàn cơ hội từ TPP nữa”
>> Thanh lý ụ nổi 83M: Mua 462 tỉ đồng, Vinalines chào giá 34,85 tỉ đồng



Kiến Khang - Theo Trí thức trẻ
Cafef - Trong giai đoạn 2007-2008, các ngân hàng Vietcombank, Seabank và Agribank đã cho Nosco vay với số tiền gấp 15 lần vốn chủ sở hữu để đầu tư đội tàu biển. Sau nhiều năm lỗ triền miên, vốn chủ của Nosco hiện đã âm hơn 2.800 tỷ đồng.

Bong bóng vận tải biển 2007-2008

Cuối năm 2007 đầu năm 2008, thị trường vận tải biển thế giới cũng như Việt Nam tăng nóng chưa từng thấy, giá cho thuê tàu tăng chóng mặt theo ngày. Các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam bỗng trở thành những công ty ăn nên làm ra, có tỷ suất sinh lời vượt trội so với các lĩnh vực khác.

Cổ phiếu vận tải biển bỗng dưng trở thành cổ phiếu “hàng hiệu”, các nhà đầu tư tài chính cũng như các ngân hàng đều mạnh dạn rót tiền vào các doanh nghiệp này để có thêm tiền đầu tư nhưng con tàu lớn hơn, thu lợi nhiều hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục con tàu có trọng tải lớn đã được mua về rồi cho thuê khai thác ngay. Tháng 5/2008, giá cho thuê những con tàu có trọng tải hơn 60.000 tấn lên đến 85.000 USD/ngày.

Nhưng đây cũng là thời điểm mà bong bóng vận tải biển đã phình to đến mức tối đa. Và rồi bong bóng vỡ, trong sự ngỡ ngàng của các chủ tàu, giá cho thuê đến cuối năm 2008 chỉ còn 3.000 USD/ngày! Chuỗi ngày vật lộn với thua lỗ của các công ty vận tải biển lớn như Vosco, Nosco, Vitranschart, VSP… kéo dài đến tận hôm nay. Không ít công ty đã bị âm vốn tới cả nghìn tỷ đồng, đã làm thủ tục phá sản hoặc cận kề nguy cơ phá sản như Falcon Shipping, Vinashinlines hay VSP.


Một trong những doanh nghiệp chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn còn đang hoạt động là CTCP Vận tải biển Bắc – Nosco (NOS), đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines. Do nóng vội trước cơ hội mười mươi của hoạt động vận tải biển lúc đó, Nosco đã dùng đòn bẩy tài chính quá lớn. Tại thời điểm cuối năm 2008, nợ phải trả của Nosco gấp 15 lần vốn chủ sở hữu: Với vốn chủ sở hữu hơn 200 tỷ đồng mà Nosco đã vay được hơn 3.000 tỷ đồng.

Đòn bẩy lớn, hậu quả nặng nề

Cầm cự được trong những năm đầu sau khi giá cước “sụp đổ”, Nosco bắt đầu lỗ lớn từ năm 2012. Tổng mức lỗ lên đến trên 3.000 tỷ trong bốn năm gần nhất. Đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu đã âm hơn 2.800 tỷ đồng.

Nợ phải trả đến cuối năm 2015 của công ty lên đến hơn 5.500 tỷ đồng, với 5.000 tỷ là nợ gốc và lãi vay chưa trả. Với lãi vay chưa trả ngày một nhiều lên thì các khoản nợ phải trả của Nosco cũng tăng lên theo thời gian.

Ba chủ nợ chính của Nosco là Vietcombank, Agribank và Seabank với dư nợ gốc vào khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng tại mỗi ngân hàng. Bên cạnh đó còn có Ngân hàng Phát triển VDB và Maritime Bank nhưng số nợ không lớn.



Các khoản vay mua tàu của công ty trong giai đoạn 2007-2008 đều có thời hạn vay khá dài, từ 9-10 năm nên phải đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017 áp lực trả nợ mới thực sự trở thành vấn đề. Với tình hình kinh doanh cũng như tình hình tài chính hiện tại, dường như chỉ có phép màu xảy ra thì Nosco mới giải quyết được số nợ này.

Tài sản chính của Nosco hiện là đội tàu vận tải có giá gốc đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, mới trích khấu hao được 1/3. Nếu muốn thu hồi lại một phần gốc còn lại thì các ngân hàng buộc phải bán tàu đi.

Những câu chuyện của VSP và Nosco sẽ trở thành những ví dụ kinh điển về việc lãnh đạo doanh nghiệp nôn nóng mở rộng doanh nghiệp quá nhanh, sử dụng đòn bẩy tài chính không hợp lý. Không chỉ các cổ đông của công ty phải gánh chịu thiệt hại mà bên gánh hậu quả nặng nhất chính là các ngân hàng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình: Hoàng Đế đỏ… cuối cùng???



Ls Nguyễn Văn Thân
Tập Cận Bình. Nguồn: internet
Trong tháng 3 vừa qua, một lá thư ngỏ được ký tên bởi “các đảng viên trung thành với Đảng Cộng Sản Trung Quốc” được phổ biến trên mạng kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức tất cả mọi nhiệm vụ vì quyền lợi quốc gia và cũng vì sự an toàn tính mạng của ông và gia đình ông. Bức thư nêu rõ chính vì ông Tập thu tóm quyền lực phản lại truyền thống lãnh đạo tập thể của Đảng nên Trung Quốc phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng thấy về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Về mặt kinh tế, ông Tập bị cáo buộc là đã lấn át quyền hành của Thủ Tướng Lý Khắc Cường mà theo truyền thống của Đảng có toàn quyền điều hành kinh tế quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của ông Tập, hàng trăm ngàn người dân lương thiện đã mất hết tài sản vì theo lời kêu gọi của nhà nước đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cải cách sản xuất dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng. Chính sách “Một Vành Đai, Một Con Đường” tiêu phí dự trữ ngoại tệ một cách khủng khiếp mà không mang lại lợi ích nào cả. Sự phá giá tiền tệ quá mức làm cho doanh nghiệp mất hết niềm tin đưa nền kinh tế quốc gia đang đến bờ suy sụp.
Tuy chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” có một ít hiệu quả nhưng tạo ra sự tê liệt trong hàng ngũ cán bộ vì ai cũng sợ hãi là sẽ tới phiên họ. Về mặt văn học, sự ủng hộ ra mặt của ông Tập đối với một hai blogger bài ngoại như Chu Tiểu Bình (Zhou Xiaoping) và Hoa Quân Phương (Hua Qianfang) thường hay ca ngợi Đảng Cộng sản và chỉ trích Hoa kỳ cùng với thế giới tự do làm cho nhiều nhà văn chân chính bất mãn. Ông Tập cũng bị cáo buộc là đặt áp lực với giới truyền thông không được nói lên nguyện vọng chính đáng của người dân. Ông đề cử em vợ là Bành Lệ Quân làm giám đốc Lễ Hội Trung Thu CCTV biến Lễ Hội văn hóa này thành công cụ tuyên truyền đánh bóng cá nhân (cũng có tin đồn đây là một trường hợp trùng tên chớ không phải em của bà Bành Lệ Viện). Ông đang mở cửa cho nạn sùng bái cá nhân làm cho nạn nhân của cuộc Cách Mạng Văn Hoá không khỏi lo âu là đất nước sẽ phải trải qua một thảm họa tương tự trong thập niên tới.
Đặc biệt là về mặt ngoại giao, bức thư cáo buộc ông Tập đã từ bỏ chiến lược “giấu mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình không chỉ đặt Trung Quốc vào thế bất lợi trên trường quốc tế mà còn tạo điều kiện cho Bằc Hàn thử nghiệm vũ khí nguyên tử thành công trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia và cho Mỹ có cớ để trở lại châu Á thành lập liên minh với Nam Hàn, Nhật, Phi Luật tân và Hiệp Hội Đông Nam Á chống lại Trung Quốc. Đối với Hong Kong, Macao và Đài Loan, ông đi ngược lại chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” của Đặng Tiểu Bình đã tạo điều kiện cho Đảng Dân Tiến thắng cử tại Đài Loan và dấy lên tinh thần độc lập tại Hong Kong. Đặc biệt là tại Hong Kong, các hình thức bắt bớ bất thường những nhà bán sách tại Hong Kong đưa về Trung Quốc đã phản lại quốc sách “một quốc gia, hai hệ thống” làm cho nhiều nhân tài, trí thức bất mãn và lo sợ. Do đó, những người ký tên trong bức thư cho rằng ông Tập không có khả năng lãnh đạo và nên từ chức Tổng Bí Thư và mọi chức vụ lãnh đạo khác ngay lập tức.
Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953 tại Bắc Kinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông, Tập Trọng Huân là cựu Phó Thủ Tướng Trung Quốc. Mẹ của ông là bà Tề Tâm, vợ thứ hai của Tập Trọng Huân. Ông Tập có hai người chị là Tập Kiều Kiều và Tập An An cùng với một người em trai là Tập Viễn Bình. Ông Huân bị giam tù trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa vào năm 1968 và cũng trong giai đoạn này một người chị của ông Tập cũng như hơn 30 triệu người dân Trung Quốc mất mạng trong cảnh hỗn loạn do Hồng Vệ Binh của Mao gây ra. Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1974 và ông tự hào là một trong những thái tử Đảng hiếm hoi chịu khó gầy dựng sự nghiệp từ vùng nông thôn ở Chính Định, Hà Bắc. Ông mau chóng thăng tiến qua nhiều chức vụ lãnh đạo và trở thành Tỉnh trưởng Phúc Kiến từ năm 1999 – 2002 và Bí Thư Chiết Giang từ 2002 – 2007. Tháng 10 năm 2007, ông được chọn làm ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị và Bí Thư Ban Bí Thư Trung Ương. Năm 2008, ông trở thành Phó Chủ Tịch nước và được chỉ định thừa kế Hồ Cẩm Đào. Ngày 14/3/2013, Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương chính thức trở thành người có nhiều quyền lực nhất của một quốc gia có dân số lớn nhất thế giới với 1.3 tỷ người.
Về gia thế, ông Tập kết hôn lần đầu vào năm 1979 với bà Kha Linh Linh (Ke Lingling) là con gái út của Kha Hứa cựu Đại Sứ Trung Quốc ở Anh Quốc. Họ ly dị năm 1982. Sau khi ly hôn, bà Kha di dân sang Anh sinh sống. Năm 1987, ông Tập tái hôn với Bành Lệ Viện, một ca sĩ dân gian nổi tiếng hiện đang giữ chức Viện Trưởng Viện Nghệ Thuật quân đội mang phong hàm Thiếu Tướng của lực lượng văn công Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa. Hai người có một đứa con gái là Tập Minh Trạch từng du học và tốt nghiệp Đại Học Harvard vào năm 2014.
Sau thời kỳ chuyên quyền, độc đoán cai trị theo kiểu Hoàng Đế của Mao Trạch Đông dẫn đến hậu quả thảm hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa giết chết hơn 30 triệu người dân Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách áp dụng cơ chế lãnh đạo tập thể và ngăn cản mọi nỗ lực vực dậy tệ nạn sùng bái cá nhân qua các thời đại từ Đặng Tiểu Bình đến Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình đã đảo lộn hình thức cai trị này. Năm 2013, Tập lập ra Ủy Ban An Ninh Quốc gia do chính ông chủ trì cùng với hai đồ đệ thân tín là Lệ Chiến Thư (Li Zhangshu) Chánh Văn Phòng Trung Ương và Thái Kỳ (Cai Qi) cựu Thị Trưởng Hàng Châu. Cả hai người này đều không có kinh nghiệm ngoại giao đáng kể cho một Ủy Ban quan trọng như vậy. Ngoài ra, Tập cũng lập ra một vài nhóm nhỏ tư vấn trực tiếp cho ông mà không thông qua các cơ chế của Đảng trong tiến trình phát triển quốc sách. Vì thế, nhiều viên chức cao cấp không biết được chính sách được xây dựng thế nào.
Về mặt ngoại giao, Tập đã giảm thiểu ảnh hưởng của Quốc Vụ Viện và Bộ Ngoại Giao cũng như quân đội trong các quyết định quan trọng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Tập đã thu tóm quyền lực dựa trên chiến dịch đánh tham nhũng để cứu Đảng. Tập sử dụng cánh tay phải là Vương Kỳ Sơn, một trong 7 Ủy Viên Ban Thường Vụ để trấn áp mọi tiếng nói đối lập. Sự kiện Chu Vĩnh Khang nguyên Bộ Trưởng Công An và Cựu Ủy Viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị bị bắt và tuyên án tù chung thân có nghĩa là không có ai có thể tránh khỏi chiến dịch chống tham nhũng. Chẳng những thế, Tập cũng nhắm tới và răn đe thành phần trong quân đội với việc càn quét các tướng tham nhũng gồm có Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Tập Cận Bình cho rằng với dòng máu “đỏ” trong mình, ông có thiên mệnh giải cứu và bảo đảm sự trường tồn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông không tin tưởng vào lòng trung thành với Đảng của những người có khả năng và trình độ học vấn cao leo lên tới bộ máy cầm quyền nhưng không xuất thân từ gia đình cách mạng hoặc có cha mẹ đã đổ máu cho cách mạng. Tập cho rằng hai mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của Đảng là tham nhũng và chủ nghĩa tự do. Ông khinh bỉ khối quan chức tham nhũng, trụy lạc và nghi ngại các giá trị tự do của phương Tây sẽ làm Đảng Cộng Sản Trung Quốc sụp đổ như ở Liên Xô. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Tập đã bắt giữ hơn 200,000 đảng viên trong chiến dịch chống tham nhũng và hàng ngàn luật sư cùng với các nhà tranh đấu cho nhân quyền và đại diện các tổ chức xã hội dân sự.
Rõ ràng Tập đang là một nhà lãnh đạo có nhiều quyền lực nhất so với các lãnh tụ trước đây trừ Mao Trạch Đông. Nhưng Tập cũng đang ở trong tình thế hiểm nguy nhất. Kinh tế Trung Quốc sau 3 thập niên tăng trưởng với tỷ lệ hơn 10% một năm đang trên đà đi xuống buộc chế độ phải hạ giảm mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6.5%. Các con số thống kê chính thức do nhà nước đưa ra đều không đáng tin cậy và có nhiều chuyên gia nhận xét tỷ lệ tăng trưởng thật sự chỉ khoảng 3% – 4%. Nếu vậy thì kinh tế Trung Quốc khó thoát khỏi một cảnh hạ cánh cứng. Tỷ lệ nợ xấu trong đó một phần lớn là của doanh nghiệp nhà nước lên tới 280% GDP theo ước lượng của McKinsey & Company, đe dọa toàn bộ hệ thống ngân hàng và tài chánh. Thị trường chứng khoáng đã mất hàng tỷ Mỹ kim. Trong năm 2015, số vốn chạy khỏi Trung Quốc lên tới 1,000 tỷ. Hàng năm có 8 triệu cử nhân tốt nghiệp đại học vất vả tìm việc làm. Kế hoạch di chuyển 100 triệu dân từ nông thôn vào thành thị trước năm 2020 trong lúc kinh tế và việc làm ngày càng khó khăn sẽ là một thách thức rất lớn với Tập. Vì Tập trực tiếp nắm quyền điều hành tất cả mọi việc nên chính bản thân ông phải gánh trách nhiệm với mọi hậu quả.
Cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trước đây đã từng phát biểu là kinh tế Trung Quốc cần tăng ít nhất 8% mỗi năm để giữ trật tự và ổn định xã hội. Trong 3 năm cầm quyền của Tập, kinh tế tăng trưởng thấp nhất so với những năm trước đây và ông sẽ không muốn người ta nhắc tới thành tích này. Trong quá khứ, khủng hoảng kinh tế thường dẫn đến tình trạng bất ổn trong xã hội gồm có giai đoạn 1986 và 1989, lôi xuống theo hai Tổng Bí Thư là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Trong thời gian tới, bất cứ sự thất bại nào dù lớn hay nhỏ cũng sẽ là vũ khí cho các đối thủ của Tập đang chờ trong bóng tối trong tư thế sẵn sàng phản đòn. Có lẽ vì vậy mà Tập đã phản ứng mạnh mẽ như thể bức thư ngỏ đánh chạm đúng vào huyệt. Đã có hơn 20 người bị bắt gồm có thân nhân của một vài nhà báo và nhà văn Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài trong cuộc truy lùng tìm tác giả của lá thư ngỏ.
Lý tưởng xây dựng một Đảng Cộng sản độc tài và độc quyền nhưng liêm chính của Tập thật ra chỉ có thể được đánh giá là mong muội và hoang đường. Cán bộ mà không tham nhũng thì làm sao có đủ tiền để sống và nuôi gia đình. Chính anh rể của Tập là Đặng Gia Quý (chồng của Tập Kiều Kiều) cũng như thân nhân của một số ủy viên và cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc có tên trong “hồ sơ Panama” sử dụng công ty ma để rửa tiền.
Từ khi Đặng Tiểu Bình tử bỏ lý thuyết cộng sản và tiến hành cải cách kinh tế thị trường, tính chính danh của Đảng Cộng Sản dựa trên hai yếu tố là kinh tế phát triển và chủ nghĩa dân tộc. Yếu tố thứ nhất có lẽ sẽ không giúp Tập. Vì vậy, ngày càng có nhiều nguy cơ là Tập sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc đẩy mạnh tham vọng chiếm Biển Đông để đánh lạc hướng quần chúng và giữ vững ngai vàng dựng trên huyết thống đỏ. Cũng trong tháng 3 khi Luỡng Hội Trung Quốc nhóm họp, Tân Hoa Xã, một tờ báo hàng đầu của Đảng đã phạm lỗi chính tả khi đăng ông Tập Cận Bình là lãnh tụ “tối hậu” thay vì “tối cao”. Không biết đây có phải là thiên ý hoặc có liên quan gì tới bức thư ngỏ hay không?
Tần Thủy Hoàng có thể đốt sách và chôn sống sử gia nhưng trong thời đại internet hiện nay, Tập Cận Bình cũng như các lãnh tụ  độc tài khác chỉ có thể dựng tường lửa ngăn cản người dân tiếp cận với sự thật nhưng không thể nào bịt miệng được hết cả thiên hạ.