Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Chuyện bà Ba Sương - người phụ nữ 'không thể chết được


“Có những hợp đồng người ta “trả ơn” vài tỷ đồng, nhưng tôi không lấy. Vì lấy thì tôi hưởng riêng nhưng nông trường sẽ nợ họ, nông dân nợ họ thứ khác. Bởi vậy khi tôi bị ra tòa, tôi biết mình không thể chết được”.
Trong lễ động thổ dự án nhà máy đóng hộp rau củ trị giá hơn 700 tỷ đồng ở Vĩnh Long, các đối tác nước ngoài cũng như chủ đầu tư dự án dành sự ưu ái đặc biệt đối với bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương - Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH); người hỗ trợ, tư vấn cho dự án). Cũng tại buổi lễ này, lãnh đạo địa phương và các sở ngành đều đến chào hỏi bà Ba Sương với thái độ đầy kính trọng.
Anh hùng... không nhà
Ít ai biết là, cho đến giờ, bà Ba Sương - Anh hùng Lao động, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên nhận danh hiệu Người phụ nữ tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là người đang “ở đậu” ở TP.HCM vì không có nhà cửa. Bàn thờ của cha bà - Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, vẫn còn nằm ở đất NTSH, những công nhân hằng ngày hương khói thay bà.
Bà Ba Sương, nông trường Sông Hậu, Trần Ngọc Hoằng, Trần Ngọc Sương
Bà Ba Sương.
Trước khi vụ án NTSH bị đình chỉ vào năm 2012 thì căn nhà công vụ mà bà đang ở đã bị đòi lại. “Sức tàn lực kiệt, trong túi không tiền, tôi phải ở nhà thuê. Có lúc, đang ở thì chủ nhà sửa nhà, có khi bán nhà, hoặc làm kinh doanh nên tôi phải dọn đi. Già rồi, 5 năm mà 7 lần dọn nhà, lần nào dọn cũng mệt bơ phờ. Lần này, tôi đang ở đậu nhà một người quen. Người ta thương mình, nên không tốn tiền” - bà Ba Sương kể.
Hơn nửa thế kỷ trước, khi mới 16 tuổi, bà Ba Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu (1965), giỏi giang từ chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa... Mới 16 tuổi, trường cao đẳng này đã nhận bà vào học. Ra trường, bà đi làm giáo viên. Sau giải phóng, thấy nông dân còn lạc hậu, bà Ba Sương bỏ việc nhẹ nhàng phù hợp với thiên chức phụ nữ, đi học khóa đầu tiên Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.
“Cả nhà tôi đều là nông dân. Cha tôi đã truyền cho tôi tình yêu với mảnh ruộng, bờ ao. Vì thế sau một thời gian về công tác ở NTSH, tôi đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành nông trường kiểu mẫu” - bà Ba Sương nhớ lại.
“Tiền sạch nên tôi nhận”
Nhờ có nghề nấu nướng, mỗi lần NTSH mở tiệc đãi công nhân, nữ giám đốc thành nữ đầu bếp, đích thân nấu nướng phục vụ cấp dưới của mình. Cũng nhờ cái tài lẻ này mà mấy năm nay, bà đi nấu ăn cho các đám tiệc. Bà bảo bà không ngại danh phận anh hùng phải vào bếp. Nghề nào cũng quý nên Ba Sương không ngại gì cả. Bà nói, vì bà có một đứa con nuôi đang học năm cuối nên phải cố để lo cho con.
Bà Ba Sương, nông trường Sông Hậu, Trần Ngọc Hoằng, Trần Ngọc Sương
Anh hùng chân đất Trần Ngọc Hoằng - người nông dân lội sình nhiều đến mức bàn chân xòe ra, không thể mang giày dép. Đón Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm NTSH vào năm 1996, ông Năm Hoằng mặc áo bỏ vào quần, nhưng vẫn đi chân đất (ảnh của bà Ba Sương).
“Hồi tôi đương chức, mỗi năm nông trường xuất khẩu vài trăm ngàn tấn gạo, rồi nhiều nông sản khác. Có những hợp đồng người ta “trả ơn” vài tỷ đồng, nhưng tôi không lấy. Vì lấy thì tôi hưởng riêng nhưng nông trường sẽ nợ họ, nông dân nợ họ thứ khác. Bởi vậy, khi tôi bị ra tòa, tôi biết mình không thể chết được. Giờ thì vẫn có người cho tiền tôi, mỗi lần vài triệu. Đó là tiền sạch nên tôi nhận. Tôi còn phải lo cho con gái nuôi của mình” - bà Ba Sương nói.
“Tới giờ tôi vẫn đau đáu chuyện nông dân phải giàu, nông sản phải sạch. Mà nói nhà báo đừng cười, tiền làm thương hiệu khoảng 200 triệu đồng, tôi cũng phải chắt bóp lương hưu, rồi đi nấu ăn để dành mà vẫn chưa đủ. Mình cứ cố hết sức thôi”.
Bà Ba Sương
Ở tuổi 67, bà Ba Sương đang nỗ lực gây dựng thương hiệu Ba Sương - Long Mỹ. Bà nói, đã đi qua hàng chục nước nông nghiệp phát triển để học hỏi và rút ra kết luận: Nông dân Việt không thể sản xuất lớn vì đất đai manh mún. Bà muốn cùng nông dân thực hiện những mô hình nhỏ - vừa, phù hợp vơi thực tế Việt Nam.
“Nông trường Sông Hậu từng là mô hình kiểu mẫu, không chỉ trong nước mà nhiều đoàn khách quốc tế cũng đến trao đổi kinh nghiệm. Nhưng mô hình quốc doanh thì không còn phù hợp nữa. Tôi và các cộng sự của mình đang cố hết sức để làm thương hiệu nông sản sạch với những người nông dân. Già rồi nhưng tôi vẫn đau đáu chuyện nông dân phải giàu, nông sản phải sạch. Mà nói nhà báo đừng cười, tiền làm thương hiệu khoảng 200 triệu đồng, tôi cũng phải chắt bóp lương hưu, rồi đi nấu ăn để dành mà vẫn chưa đủ. Mình cứ cố hết sức thôi”, bà Ba Sương nói.
Bà Ba Sương tâm sự, bà nặng nợ với nông dân và sẽ cố gắng làm. “Nông nghiệp sạch tôi làm chưa xong thì các anh em cùng chí hướng sẽ làm tiếp. Tôi còn món nợ riêng khác, buộc phải trả chứ không ai có thể làm thay. Đó là cha con tôi không có nhà cửa gì, vì cứ nghĩ sống ở nông trường thì chết cũng ở nông trường. Cha chết rồi, bàn thờ vẫn ở nông trường, nhưng nơi đó không thuộc về mình. Trước khi nhắm mắt, tôi phải mua cho được một cái nhà nhỏ, đặt bàn thờ của cha tôi vào và đốt nhang cho cha” - bà Ba Sương nói.
Có lẽ cha con bà Ba Sương là trường hợp duy nhất ở Việt Nam - khi cả hai đều là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng đến cuối đời chỉ dám mơ nơi đặt bàn thờ cho tử tế.
(Theo Dân Việt)
Phần nhận xét hiển thị trên trang


Vì sao nhiều đại biểu 'lưu luyến' Bộ trưởng Bùi Quang Vinh?
08/04/2016 (VTC News) – Nhiều đại biểu tỏ ra nuối tiếc khi phải bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Chiều 8/4, Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm 20 thành viên của Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu cho thấy Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có nhiều phiếu không đồng ý miễn nhiệm nhất.
Ông Bùi Quang Vinh (Ảnh: Tuổi trẻ) 
Theo đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh có 403 phiếu đồng ý miễn nhiệm, 76 phiếu không đồng ý miễn nhiệm trên tổng số 479 đại biểu có mặt. Như vậy, có 81,58% đại biểu Quốc hội đồng ý miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đối với ông Bùi Quang Vinh, 15,36% đại biểu không đồng ý miễn nhiệm.

Đây cũng là tỷ lệ đại biểu không đồng ý cao nhất trong số 18 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ trong danh sách miễn nhiệm lần này. Điều này cũng là phù hợp bởi vì nhiều đại biểu tỏ ra lưu luyến với vị Bộ trưởng này.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 8/4, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng rất ấn tượng với cách điều hành và những tâm tư của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

“Bộ trưởng Bùi Quang Vinh luôn luôn lo lắng về vấn đề cải cách thể chế. Điều đó tôi cũng rất chia sẻ”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét.

Đại biểu Khánh cũng nhớ lại khi đề xuất cần có “Luật hành chính công”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã rất chia sẻ và ủng hộ mạnh mẽ. Ông Vinh cũng cho rằng cần phải làm “Luật hành chính công” như gợi ý của đại biểu Khánh.

“Băn khoăn về cải cách thể chế của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là rất rõ ràng”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh rất ấn tượng với ông Bùi Quang Vinh trên cương vị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

Ngay trong ngày làm việc cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng, ông Vinh cũng không thôi trăn trở về những cải cách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Năng suất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay kém hơn so với các doanh nghiệp khác. Tôi sẽ nghỉ, nên trăn trở khi bàn giao”, ông Vinh nói tại cuộc họp với Ban soạn thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 6/4.

Nhớ lại vào thời điểm cuối tháng 1/2016, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh từng chia sẻ dự định sau khi về hưu sẽ làm ruộng. Ông thẳng thắn từ chối mọi lời mời làm Chủ tịch các Hiệp hội mà muốn “về quê”.

“Không, về làm ruộng thôi! Không làm chuyên gia gì cả. Có quá nhiều Hiệp hội mời về làm Chủ tịch Hiệp hội nhưng mà không thích”, ông Vinh trả lời phóng viên báo Dân trí.

Clip: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sau lễ tuyên thệ

Được bổ nhiệm giữ cương vị tư lệnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể từ tháng 8/2011, một nhiệm kỳ không phải là dài nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã tạo nên những bước ngoặt đáng kể trong tư duy lập kế hoạch, quản lý đầu tư từ trung ương tới địa phương.

Sau nhiều năm gắn bó với địa phương, với cộng đồng doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vinh cho biết có rất nhiều kỷ niệm.

Nhưng có thể nói kỷ niệm lớn nhất trong đời ông Vinh đó là những năm tháng công tác tại tỉnh Lào Cai. Nơi đó, ông Vinh đã dốc hết toàn bộ tuổi thanh xuân, trí tuệ, sức lực và tinh thần đổi mới để cùng với tập thể ở đó đưa một tỉnh bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh và lạc hậu (65% là người dân tộc thiểu số), trở thành một trong những điểm sáng ở vùng Tây Bắc.

Bây giờ mọi người lên Lào Cai có thể thấy, bên cạnh những vùng dân tộc là những đô thị phát triển, giao thoa kinh tế quốc tế và đang có những bước khởi sắc, tăng trưởng rất mạnh.

Với tình cảm của những cán bộ, con người đã từng cộng tác, ông Vinh ấn tượng nhất khi trở về sau nhiều năm đã làm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người dân, doanh nghiệp, cán bộ ở đó vẫn đón chào đón ông như một người lãnh đạo thân thiết nhất, yêu quý nhất.

“Và về Bộ KHĐT cũng vậy, tôi được làm việc với một tập thể rất trí tuệ. Có thể nói, để đổi mới được không chỉ riêng tư tưởng Bộ trưởng mà phải có sự đồng lòng của anh em. Anh em đã đồng lòng, đã sát cánh cùng Bộ trưởng để đổi mới. Đấy là điều mà tôi vui nhất trong cuộc đời của mình và tôi không ân hận bất kỳ điều gì!”, ông Vinh tâm sự.

Ông Vinh chia sẻ cảm thấy tự hào vì mình đã làm được những điều mình muốn.

Theo danh sách đề cử được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc chiều 8/4, ông Nguyễn Chí Dũng – Uỷ viên Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư được đề cử thay vị trí của ông Bùi Quang Vinh.

http://vtc.vn/vi-sao-nhieu-dai-bieu-luu-luyen-bo-truong-bui-quang-vinh.2.603671.htm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đã có 76 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, tỷ lệ này tương đương 15,38%.


Chiều 8/4, Quốc hội đã bỏ phiếu kín miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 16 Bộ trưởng và 2 thành viên khác của Chính phủ.
Theo kết quả kiểm phiếu được Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí công bố, có tới 15,38% ĐBQH không đồng ý miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh. Đây cũng là tỷ lệ đại biểu không đồng ý cao nhất trong số 18 Bộ trưởng và thành viên Chính phủ trong danh sách miễn nhiệm lần này. Có nghĩa, nhiều ĐBQH vẫn "luyến tiếc" Bộ trưởng Bùi Quang Vinh?
Có tới 76 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Ông Bùi Quang Vinh nằm trong số 13 vị Bộ trưởng không tái cử Uỷ viên Trung ương và tới tuổi nghỉ hưu.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội trước đó, nhiều ĐBQH tỏ ý tiếc khi ông Bùi Quang Vinh thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư và cho rằng, người kế nhiệm Bộ trưởng Vinh sẽ giữ trọng trách khá nặng nề khi giữ “vai” tham mưu cho Chính phủ trong đột phá, cải cách.
Trong thời gian giữ chức trưởng ngành kế hoạch, ông Vinh được đánh giá là “bộ trưởng phát triển thể chế ấn tượng”. Trong nhiệm kỳ của mình, ông ghi dấu ấn với nhiều đạo luật mang tính đột phá, cải cách như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi....
Ngay trong ngày làm việc cuối cùng của mình trên cương vị Bộ trưởng, ông cũng không thôi trăn trở về những cải cách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Năng suất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay kém hơn so với các doanh nghiệp khác. Tôi sẽ nghỉ, nên trăn trở khi bàn giao” – ông Vinh nói tại cuộc họp với Ban soạn thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 6/4.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm một số Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, với tỷ lệ tán thành 88,26%. Có 5 ĐBQH không tán thành (tỷ lệ 1,01%) và 6 ĐBQH không biểu quyết (tỷ lệ 1,21%).
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc tờ trình Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ mới. 
Theo danh sách này, ông Nguyễn Chí Dũng – Uỷ viên Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư được đề cử thay vị trí của ông Bùi Quang Vinh.
Kết quả bầu thành viên Chính phủ mới sẽ được Quốc hội công bố vào sáng mai, 9/4.
Nguyễn Hoài
Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIỖ LẦN THỨ 60 BA NGÔ MINH BỊ BẮN TRONG CCRĐ



Bạn FB thân mến. Ngày thứ Hai 11/4/2016( tư ngày 5 tháng 3 âm lịch) là ngày giỗ lần thứ 60 của ba Ngô MInh, người đã bị quy sai địa chủ và bị bắn trong CCRĐ. Đây là nỗi đau không bao giờ thành thành sẹo trong hồn NM. Ông tên là Ngô Văn Thắng, sinh năm 1903, là người đánh cá có chữ.Ông nuôi hàng trung đội bộ đội trong nhà. Ông mua ủng hộ du kích xã Hưng Đạo (ba xã Ngư THủy, Sen Thủy, Hưng Thủ hiện nay), 2 khẩu cối 60 ( móc-chê) để đánh Pháp. THế mà ông bị phản bôi. Bọn Đội cải tịch thu rồi đốt hết ảnh của ông. 50 năm nay không có ảnh của ông để thờ! Mời các bạn đọc bài thơ của NM viết bên mộ ba 25 năm trước...
Ngô Minh
KHUYA BÊN MỘ BA
chi chít sao trời cát rắc
hồng hoang thập thửng oan hồn
giờ ni Ba lang thang hành khất
hay nằm dài đáy huyệt oan khiên ?
35 rằm tháng bảy
mộ ba thành ngọn hải đăng
soi chân dung sự thật
con tìm
buổi sáng xưa con vừa biết khóc
mười hai phát đạn cắm vào ngực Ba
biển đỏ ngầu máu dựng
buổi sáng xưa con vừa biết khóc
may sao biển mặn tới giờ
may sao trong hoàng hôn đời Mạ
hồn Ba về chắp nối câu ru
Ba ơi
từ buổi Ba mang uất hận xuống mồ
con mang vết đạn xoáy tim ba
đi tìm giặc cho đến ngày bạc tóc !
buổi sáng xưa con vừa biết khóc
bao giờ khô nước mắt
bao giờ…
biển lập lòe lửa nhang sám hối ?
con về tay trắng tay
thơ làm sao cứu rỗi
tháng Bảy ngôi rằm mộ mới
nỗi đau đâu dễ khoả bằng
con lại về chân dò lối cát
nước mắt mồ côi
và biển song hành…
Làng Thượng, 5-3 âm lịch, 1991
Ảnh: Mộ ông ở lăng, mạ NM, chị gái Ngô Thị Vương ( mất năm 1968), 4 anh em trai Ngôi Văn Khương, Ngô Tấn Ninh, Ngô Minh Khôi, Ngô Minh Phục ( đã mất 2013)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng nóng ông A ơi!

KINH NGẠC

Nguyễn Quang A

Cuộc hội nghị cử tri ở Viện Hán Nôm, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đối với Ts. Nguyễn Xuân Diện có nhiều điều khiến người ta kinh ngạc, chỉ nêu 3 chuyện.
1. Ông viện trưởng Ts. Nguyễn Tuấn Cường chủ trì hội nghị và tự đề ra nội quy: “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm”. Ông tiến sĩ này đã vi phạm quyền con người rành rành và đã lạm quyền vô độ, tức là tham nhũng quyển lực và phạm pháp.
2. Chỉ có 58 phiếu (đếm đồng ý hay không), một việc mà bất cứ học sinh lớp 3 nào cũng có thể làm trong vòng 5 phút, thế mà 3 người trong ban kiểm phiếu là bà Trương Thị Thủy, ông Thái Trung Sử và ông Nguyễn Ngọc Thanh đã mất cả 30 phút để đếm. Hay ở VHLKHXH nhân viên không được học đếm?
3. Có thể kiểm phiếu công khai (tất cả các cuộc kiểm phiếu bầu cử đều thế; người có liên quan có thể giám sát việc kiểm phiếu vào tối 22/5/2016) nhưng ở Viện Hán Nôm người ta kiểm phiếu kín.
Không nhẽ các nhân viên của Viện Hán Nôm, các “đại trí thức” lại kém đến mức đó? Tôi không tin. Nhưng các anh chị phải cất lên tiếng nói của mình, nếu không sẽ bị toàn xã hội coi là lũ khốn nạn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHÊ BÌNH CÓ DÁM NÓI SỰ THẬT?


NGUYỄN TRỌNG TẠO
Trước hết, phải khẳng định Phê bình văn học là gì? Đấy là sự thẩm định, phân tích, nhận xét và đánh giá văn học nói chung hay tác phẩm văn học nói riêng. Khác với người đọc đơn thuần chỉ thưởng thức văn học, nhà phê bình văn học phải có kiến thức uyên bác về văn học, văn hoá và xã hội, cộng với khả năng tiếp cận văn học hết sức nhạy cảm để kiến giải được cái hay, cái dở của đối tượng phê bình và chỉ ra tính hệ thống của nó.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Không thể tồn tại một nền văn học mà không có phê bình. Nhưng phê bình cũng có thể giết chết hoặc làm thui chột sự phát triển văn học. Vì thế mà nổ ra tranh luận văn học, tranh luận giữa nhà sáng tác và nhà phê bình, tranh luận giữa nhà phê bình với nhà phê bình. Trong tranh luận, thường thì chân lí thắng, nhưng cũng có khi chân lí thua (tạm thời) hoặc bị đánh tráo. Vì vậy mà có sự “giải oan” cho nhiều vụ án văn chương trong lịch sử.
Hiện tượng tranh luận văn học ở ta nhiều năm gần đây thường bị dừng lại nửa vời, là hiện tượng bất bình thường. Bất bình thường ở chính nhà phê bình và bất bình thường ở những nhà quản lý văn nghệ, báo chí, nó làm ách tắc sự phát triển của lý luận văn học nói riêng và văn học nói chung. Thậm chí có những tác phẩm văn học bị thu hồi mà không được tranh luận. Thủ tiêu tranh luận là một hiểm hoạ đối với tự do sáng tác và tự do phê bình, khiến cho nhà văn và cả nhà phê bình cảm giác là chân lí bị độc quyền chiếm giữ ở đâu đó mà không thuộc về mình, còn độc giả thì hoang mang dẫn tới sự tò mò thiếu định hướng. Nếu những cuốn sách bị thu hồi được tranh luận công khai thì cái hay lẫn cái dở sẽ được phơi bày, công chúng sẽ nhận thức được cái sai cái đúng của nhà văn, và dân trí văn học sẽ được nâng cao; mặt khác, công luận sẽ giúp cho những nhà quản lý xử lý vấn đề  một cách khách quan, đúng với luật pháp hiện hành. Nhà văn phải chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước công chúng và trước pháp luật, vậy thì tại sao nhà văn lại không được thay luật sư để “tự bào chữa” cho tác phẩm của mình khi bị thu hồi? Thực tế thì có cuốn sách bị thu hồi lại được những kẻ khác lợi dụng nhân bản, bán lén lút với giá cắt cổ, làm thiệt hại cho nhà văn và gây hoang mang trong công chúng. Tôi nghĩ rằng, nếu được công khai tranh luận, thì vấn đề sẽ sáng tỏ hơn, nó sẽ tác động đến tiến trình phát triển của văn học tích cực hơn.
Tôi biết một số tổng biên tập báo rất muốn mở tranh luận văn học trên báo mình, không chỉ để bán báo, mà còn nhằm nâng cao dân trí văn học, nhưng lại sợ đụng “trần”. Chính vì thế mà những biến động của văn học ta những năm gần đây không được phản ánh một cách trung thực, sâu sắc và toàn diện, khiến công chúng có cảm giác là văn học có vẻ mờ nhạt. Thực ra không phải như vậy. Có nhiều tác phẩm thơ kể cả “thơ khó đọc” đã xuất hiện, nhưng vẫn bị các nhà phê bình làm ngơ. Có những tiểu thuyết xì xầm ngoài lề mà không thấy nhà phê bình nào động bút. Nhà phê bình ta “khéo” quá, “khôn” quá, “ma lanh” quá. Thiếu tài hay thiếu tâm? Thiếu nghề hay thiếu dũng? Xu phụ và cơ hội không phải là bản chất của phê bình, mà đấy là nguy cơ khiến phê bình bị thủ tiêu, và văn học trở nên què quặt, chỉ đi bằng một chân với cái nạng gỗ phê bình mục rữa. Thiết nghĩ, những nhà phê bình biết tự trọng và có tài sẽ dám nói lên sự thật, và dám nghe những điều nói thật.                                       
Phần nhận xét hiển thị trên trang

500.000 USD... một chiếc 'thẻ xanh'


07/04/20163 - Hiện tượng các “đại gia Việt” tìm cách đầu tư mua nhà tại Mỹ ngày một nhiều. Hôm qua, ngày 6/4, trong một khách sạn sang trọng tại Hà Nội, một công ty của Mỹ chuyên về đầu tư định cư tại Mỹ, Canada, EU tổ chức một cuộc hội đàm về chương trình đầu tư định cư Mỹ EB-5 với lời mời hấp dẫn: Chỉ cần đầu tư 500.000 USD vào Mỹ sẽ được cấp “thẻ xanh”.

Một website quảng cáo đầu tư để nhận “thẻ xanh” định cư tại Mỹ. 
Nhà giàu Việt đăng ký đầu tư định cư vào Mỹ đứng… thứ hai thế giới! Lâu nay, tất cả đã quen với khái niệm người Mỹ, doanh nghiệp Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thế nhưng thời thế vẻ như đang thay đổi, chính nước Mỹ đang “mời gọi” các nhà giàu Việt.

Theo một giám đốc một công ty bất động sản (BĐS) ở quận 7 (TP HCM), chuyên về dịch vụ môi giới mua nhà đất tại Mỹ, trong thời gian qua nhu cầu tìm hiểu, mua nhà ở Mỹ tương đối nhiều, bởi vì khi đã có nhà ở Mỹ, thủ tục xin visa vào nước này sẽ đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, theo người này, nếu không hiểu rõ quy định khắt khe của luật, nhà đầu tư mua nhà sẽ thất bại và không còn cơ hội đầu tư.

Chẳng hạn như mua nhà ở Mỹ có thể đơn giản, nhưng mua là phải ở, nếu không ở sau một thời gian nhất định ngôi nhà ấy sẽ bị thu hồi. Nếu đầu tư chờ “lướt sóng” như ở Việt Nam thì cũng không ổn, vì khi bán nhà bất luận thắng - thua trong kinh doanh, người bán phải nộp tiền thuế.

Anh Nguyên Ninh - Giám đốc một công ty kiến trúc ở quận Tân Phú, cho biết: “Tôi cũng từng có ý định mua nhà bên Mỹ để cho con ở. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thấy kênh đầu tư này có nhiều cái cần phải hiểu kỹ như tiền thuế hằng năm rất đắt. Phải mua nhiều loại bảo hiểm và chi phí bảo trì... Nói chung là không đơn giản như ở Việt Nam”.

Tại cuộc hội đàm về đầu tư định cư Mỹ diễn ra hôm qua, con số do công ty tư vấn USIS (công ty tư vấn cho cá nhân và công ty Việt Nam đầu tư vào thị trường Mỹ) đưa ra khiến nhiều người giật mình: Năm 2015, chỉ riêng với loại hình EB-5 tăng chóng mặt so với các loại hình khác như EB-1, EB-2. Cụ thể EB-5 được dành riêng cho các nhà đầu tư và các doanh nhân đầu tư vốn đáng kể vào nền kinh tế Mỹ, từ 6.418 suất năm 2014, đến năm 2015 đã tăng vọt 17.662 suất.

Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc, và Việt Nam hiện đang đứng thứ hai, và bỏ xa hàng loạt các nước khác như các nước ASEAN hay Ấn Độ…


Giấc mơ Mỹ của người Việt và những rủi ro

Đầu tư EB-5 là đầu tư 500.000 USD hoặc 1 triệu USD vào dự án EB5. Mỗi suất đầu tư phải tạo ra được tối thiểu 10 việc làm cho người lao động Mỹ. Nhà đầu tư và gia đình được cấp thẻ xanh Mỹ vĩnh viễn.

Về vấn đề chuyển ngoại tệ từ Việt Nam qua Mỹ để mua nhà bằng cách nào, theo tìm hiểu của phóng viên thì tại một số công ty môi giới cho dịch vụ này cho hay có nhiều phương thức thanh toán và rất an toàn. Với cách thanh toán thẳng qua Mỹ, bên môi giới sẽ tìm công ty xuất nhập khẩu còn hạn ngạch để chuyển ngoại tệ đi.

Cách thức này cũng giống như chuyển tiền từ ngân hàng Việt Nam qua ngân hàng bên Mỹ chứ không phải chuyển lậu ngoại tệ. Mức phí cho dịch vụ này dao động 1% - 1,5%. Đối với cách thanh toán tại Việt Nam, tức là thanh toán bảo đảm qua ngân hàng tương tự như mở tín dụng thư L/C.

Tuy nhiên, theo lời khuyên của vị giám đốc công ty môi giới mua BĐS ở Mỹ nói trên thì nên suy xét kỹ vì luật chống rửa tiền của Mỹ rất chặt chẽ. Nếu không chứng minh được nguồn tiền mang vào Mỹ có thể mất trắng như chơi. Đặc biệt, việc chuyển tiền trót lọt với số lượng lớn không dễ.

Về diện đầu tư mua nhà ở Mỹ theo diện EB-5, chị Hằng - giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ nhập cư tại Mỹ - cho biết, thời gian gần đây, nhiều công ty và các diện dự án ở Mỹ tới Việt Nam quảng bá, tổ chức hội thảo tư vấn về những chương trình đầu tư và định cư Mỹ theo diện EB-5 với lời mời chào hấp dẫn. Thậm chí, nhiều công ty còn hứa hẹn với nhiều người rằng chỉ cần có từ 500.000 USD vốn đầu tư là có thể tham dự chương trình, đảm bảo hồ sơ đầu tư thành công 100%…

Tuy nhiên, các khách hàng cần hiểu rằng, các chương trình đầu tư định cư EB-5 ẩn chứa các rủi ro. Trong đó, rủi ro thường đến từ việc làm sao để chứng minh 500.000 USD vốn đầu tư ban đầu là số tiền có được từ nguồn hợp pháp theo điều kiện của chương trình.

Nhiều người cứ tưởng là chỉ cần thông báo nguồn gốc của số tiền 500.000 USD, chẳng hạn như có được số tiền này là do bán nhà. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Sở Công dân và Di trú Mỹ (USCIS) thì việc chứng minh nguồn gốc không chỉ dừng ở đó.

Đây là một quá trình phức tạp mà nếu không cẩn trọng có thể dẫn đến tình trạng hồ sơ bị kéo dài thời hạn, thậm chí bị bác bỏ. Nếu hồ sơ bị bác bỏ vì việc không chứng minh được nguồn gốc số tiền đầu tư thì nhà đầu tư có đôi khi mất luôn luôn chi phí quản lý khoảng 50.000 USD - tương đương 10% tổng số tiền cần phải đầu tư.

Có một cách khác nhiều người chọn, đó là các dịch vụ chuyển tiền “đen”, hay kiều hối chui. Chị H (Hà Nội) có nhu cầu chuyển một khoản tiền lớn gửi cho con gái đang sống tại Mỹ để mua nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nếu chuyển tiền qua ngân hàng, chị H phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục phức tạp và khó khăn. Vì vậy, chị H và nhiều người Việt chọn cách chuyển “đen”, cách thức như sau, tại Việt Nam giao số tiền mặt cần chuyển cộng với phí (50.000 USD mất khoảng 0,4% tiền phí) cho người chuyển. Sau đó, người gửi tiền làm thủ tục sang Mỹ (hoặc ủy quyền cho người khác) nhận tiền tại Mỹ.

Có trường hợp chính các công ty môi giới bất động sản ở Mỹ giới thiệu cho người ở Việt Nam địa chỉ trong nước để chuyển tiền.

Với loại hình kiều hối chui, mặc dù chi phí bỏ ra không quá cao nhưng độ rủi ro lại cao. Chị H cho biết, rủi ro nhất là có thể chuyển tiền qua các công ty “ma” hoặc công ty đang trong quá trình phá sản thì người gửi tiền có nguy cơ mất trắng tiền tỉ mà không biết kêu ai. Trong trường hợp rủi ro nhất, người gửi tiền kiều hối chui thậm chí còn bị khai tên tại tòa án tại Mỹ nếu chẳng may đường dây chuyển tiền đen bị bắt.

Từ một số thông tin, được biết, đa số mục đích chuyển tiền mà người Việt chuyển tiền sang Mỹ thường là phân tán tài sản, mua nhà cho con, đầu tư kiếm lợi nhuận ở thị trường khác...

Cái khó là làm thế nào chuyển tiền sang Mỹ. Pháp luật Việt Nam không cho phép chuyển các khoản ngoại tệ lớn ra nước ngoài để kinh doanh, mua tài sản... Hầu hết các khoản ngoại tệ lớn chuyển ra nước ngoài qua con đường chính thống là ngân hàng thì người gửi tiền phải chứng minh được mục đích thanh toán cho chi phí học tập; Chi phí chữa bệnh; Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; Đi công tác; Du lịch…

Đối với các trường hợp trên, người gửi tiền phải xuất trình được đầy đủ các giấy tờ chứng minh cho mục đích chuyển tiền của mình ví dụ như thông báo học phí; thư chấp nhận của trường; giấy tiếp nhận khám chữa bệnh - giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh của cơ sở trong nước.

Có một cách chuyển tiền hợp pháp, nhưng ít người làm được, đó là chuyển tiền thừa kế. Chỉ những người Việt đã có thẻ xanh (quyền cư trú lâu dài) mới được nhận tiền thừa kế từ trong nước gửi sang. Vì vậy không ít gia đình ở Việt Nam tự dưng hoàn thiện mọi thủ tục hồ sơ chia thừa kế cho con ở nước ngoài. Từ đó các gia đình sẽ chuyển tiền hợp pháp cho con để mua nhà.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người Việt đang lo chính sách thuế với tài sản thừa kế của Việt Nam có thể thay đổi theo hướng tăng lên như Mỹ. Hiện tượng nhà giàu Việt tìm đường sang Mỹ mua nhà, tính chuyện định cư cũng cần phải được xem xét, thay vì để dòng chảy ngược này hút khoản ngoại tệ khổng lồ từ Việt Nam ra nước ngoài.

http://news.zing.vn/500000-usd-mot-chiec-the-xanh-post640098.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang