“Vòng tròn bất tử Gạc Ma” giữ vững Trường Sa
Như vậy đến tháng 3 năm 1988, lực lượng Hải quân ta đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên các đảo Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ và Đá Lớn, đưa tổng số đảo đóng giữ của ta lên 16, trong đó gồm 9 đảo nổi, 7 đảo chìm.
Trong thời gian đầu tháng 3, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9 đến 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn với ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Ngày 4 tháng 3 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp nhận định: Trung Quốc đã cho quân chiếm giữ Chữ Thập, Châu Viên, Ga ven, Xu Bi, Huy Gơ. Ta xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận.
Chúng ta xác định đối phương có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và kinh tuyến 115 độ đông. Các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại của ta tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Do đó, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ 3 đảo này. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương, bởi trong cùng một lúc hải quân ta phải triển khai đóng giữ cả 3 đảo trong điều kiện phương tiện, trang bị của ta cũ, thô sơ, lực lượng hạn chế.
Nhiệm vụ này được giao cho Lữ đoàn 125. Lúc 19h ngày 11 tháng 3, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88. Cùng lúc, tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.
Phối hợp với 2 tàu 505 và 604 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc trung đoàn công binh 83, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do đồng chí Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (người đeo quân hàm) và tập thể tàu HQ-505 anh hùng đã lao tàu lên giữ đảo Cô Lin
Ngày 12 tháng 3, tàu HQ-605 thuộc Lữ 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14 tháng 3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu 605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14 tháng 3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13 tháng 3, tàu HQ-604 và HQ-505 đến Gạc Ma, Cô Lin. Sau khi hai tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500m.
17h ngày 13 tháng 3, tàu Trung Quốc áp sát tàu 604 và dùng loa gọi sang. Bị địch uy hiếp nhưng 2 tàu 604 và 505 vẫn kiên trì neo giữ quanh đảo. Còn 2 tàu hộ vệ hạm, 2 tàu vận tải của Trung Quốc thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.
Trước tình hình căng thẳng do hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13 tháng 3, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.
Tiếp đó, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho lực lượng công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm ngày 13 tháng 3. Thực hiện mệnh lệnh, tàu 604 cùng lực lượng công binh trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.
Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước.
Ban chỉ huy tàu 604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.
Ngày 14 tháng 3, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam diễn ra khốc liệt tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao. Diễn biến của trận chiến đấu bảo vệ các đảo này chúng ta xem ở bài “Gạc Ma-1988: Gọi đúng tên
“Gạc Ma-1988: Gọi đúng tên 'cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc”.
Trong suốt khoảng thời gian sau đó, mặc dù Trung Quốc tăng cường lực lượng tối đa nhưng với tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và chiến thuật hợp lý, chúng ta đã ngăn chặn tối đa bàn tay xâm lược của Trung Quốc. Chúng chỉ chiếm đoạt được duy nhất 1 đảo nữa là Xubi vào ngày 23-3.
Trong khi đó, mặc dù chỉ sử dụng các tàu vận tải, cùng với các phương tiện thô sơ nhưng Quân chủng Hải quân đã vượt qua mọi thử thách, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CQ-88, đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo, đá mới, với 32 điểm đóng quân.
Năm 1975, Việt Nam mới đóng giữ 5 đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Khi đó, trong điều kiện khó khăn, chúng ta chủ trương phải đóng giữ trước hết là các đảo nổi, đảo chìm lớn có vị trí chiến lược, có điều kiện mới tiếp tục ở các đảo, đá khác.
Năm 1978, Việt Nam đóng giữ thêm 4 đảo: An Bang (10-3-1978), Sinh Tồn Đông (15-3-1978), Phan Vinh (30-3-1978), Trường Sa Đông (4-4-1978). Tổng cộng đến năm 1978 ta đóng giữ 9 đảo, đều là đảo nổi. Ngày 5-3-1987, Hải quân Việt Nam đóng giữ đá Thuyền Chài là đảo, đá thứ 10.
Trong chiến dịch CQ88, tính đến trước ngày 14-3-1988, Hải quân Việt Nam đóng giữ thêm 7 đảo: Đá Tây (2-12-1987), Tiên Nữ (25-1-1988), Đá Lát (5-2-1988), Đá Đông (19-2-1988), Đá Lớn (20-2-1988), Tốc Tan (27-2-1988), Núi Le (28-2-1988).
Ngày 14-3-1988, ta đóng giữ thêm đảo Len Đao và đảo Cô Lin. Ngày 15-3-1988, chỉ một ngày sau sự kiện Gạc Ma, ta đã chốt giữ thành công đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16-3, ta tiếp tục đóng giữ thêm đảo Đá Nam.
Tổng cộng trong chiến dịch CQ88, ta đã thể hiện chủ quyền và chốt giữ 11 đảo chìm, nâng tổng số đảo chúng ta đã đóng giữ được lên 21, trong đó 9 đảo nổi lớn).
Việt Nam cương quyết phá âm mưu cướp đoạt DK1
Ngày 31 tháng 3 năm 1988, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146; các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.
Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1, Vùng 3, Vùng 5, Trường sĩ quan Hải quân, Nhà máy Ba Son, X51 tiếp nhận 3 tàu của nhà nước, 3 tàu của Tổng cục Hậu cần và 2 tàu của Quân khu 5 đến phối thuộc hoạt động khi cần thiết.
Vào thời điểm đó, tên lửa bờ đối hải của Việt Nam đã sẵn sàng chiến đấu
Đồng thời, Việt Nam cũng huy động tối đa lực lượng không quân và tên lửa bờ đối hải để bảo vệ chủ quyền, sẵn sàng đáp trả những hành động phiêu lưu quân sự của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Giai đoạn trước đó, quân chủng không quân đã điều động một phi đội Su-22M thuộc Trung đoàn 923 vào sân bay Phan Rang để tăng cường bảo vệ Trường Sa, đồng thời triển khai huấn luyện bay thực tế cho phi công ra Trường Sa, trong điều kiện chúng ta không có thiết bị dẫn đường.
Một tháng sau trận đánh bảo vệ Gạc Ma, phát hiện hải quân ta cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc điều 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ uy hiếp, nhưng 7 máy bay chiến đấu Việt Nam đã bay ra ngăn chặn, khiến chúng phải bỏ chạy, giúp bộ đội ta xây dựng công trình vững chắc trên đảo.
Vào ngày 24-4, quân chủng không quân quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Ranh, nhằm tiếp tục tăng cường khả năng bảo vệ đảo trước âm mưu cướp đoạt bằng vũ lực của Trung Quốc.
Ngày 7-5-1988, tại quần đảo Trường Sa, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam - Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Nhận thấy sự cần thiết tăng cường lực lượng Không quân trong nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, ngày 10-6-1988, lực lượng không quân đã xây dựng lại kế hoạch triển khai nhiệm vụ bảo vệ và chi viện Trường Sa.
Quân chủng chủ trương sử dụng các lực lượng hiện có (gồm tiêm kích đánh chặn MiG-21Bis, cường kích Su-22M, vận tải cơ An-26 và trực thăng Mi-8/Ka-25) thực hiện 4 nhiệm vụ chính: bay trinh sát, vận chuyển đường không; tấn công các mục tiêu trên biển và đảo; bảo vệ đội hình chiến đấu không quân - hải quân; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và phòng không bảo vệ Trường Sa.
Từ ngày 24 đến 28-6 hai biên đội Su-22M, gồm 4 chiếc của trung đoàn 923 lần lượt bay ra ra đảo Trường Sa và An Bang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Cuối tháng 6, quân chủng không quân tiếp tục điều thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.
Từ tháng 6 năm 1989, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ thêm các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Dương, Ba Kè.
Ngày 5 tháng 7 năm 1989, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 180UT về việc xây dựng “Cụm dịch vụ Kinh tế - Khoa học Kỹ thuật” thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gọi tắt là DK1), khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa này.
Cũng vào ngày 5 tháng 7 năm 1988, Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định: Sau những hành động khiêu khích quân sự vừa qua, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những âm mưu cô lập hạn chế hoạt động của ta để mở rộng quyền kiểm soát, khống chế vùng biển Đông.
Đúng như dự đoán của ta, trên vùng biển và xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc thường xuyên duy trì một biên đội tàu từ 10-15 chiếc, trong đó có 4-6 tàu chiến.
Đầu tháng 9 năm 1988, Trung Quốc đưa tàu trinh sát vô tuyến điện xuống trinh sát 21 đảo ta đang đóng giữ, uy hiếp chiếm lại khi thời cơ thuận lợi và tuyên truyền về chiến lược biển và kinh tế biển, tập trung vào dầu khí thuộc khu vực thềm lục địa phía Nam của Việt Nam.
Trước tình hình đó, ta chủ trương xây dựng một cụm kinh tế, khoa học, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế đất nước tại khu vực thềm lục địa phía Đông Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân bảo vệ.
Ngày 17 tháng 10, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía nam (khu DK1), khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 26 tháng 10 năm 1988, Phó đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam (DK1) - vùng có ý nghĩa chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng-an ninh của đất nước.
Từ 24 đến 29-10-1988, Quân chủng Không quân tham gia đợt diễn tập chi viện quần đảo Trường Sa (mang tên CV-88), thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và thao luyện phương án đánh địch trên biển bằng mọi trang bị, vũ khí.
Mặc dù thời điểm đó rất khó khăn nhưng chúng ta đã chốt giữ chắc chắn ở các nhà giàn DK1
Địa điểm diễn tập là căn cứ Phan Rang, Cam Ranh và vùng biển hai tỉnh Phú Khánh - Thuận Hải. Lực lượng tham gia có máy bay tiêm kích-bom Su-22M (Trung đoàn 923), 2 trực thăng Mi-8 (Trung đoàn 917), 2 máy bay vận tải An-26 (Trung đoàn 918)…
Trong diễn tập, phi đội Su-22M thực hiện các phương án tấn công tiêu diệt và ngăn chặn đội hình hải quân địch trên biển, chi viện yểm hộ cho hải quân phản công chiếm lại đảo.
Đội hình tiêm kích đánh chặn MiG-21 yểm trợ bảo vệ đội hình tàu và máy bay Su-22M. Các đơn vị trực thăng Ka-28, Mi-8, vận tải An-26 làm nhiệm vụ trinh sát, chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 6 tháng 11 năm 1988, một biên đội hai tàu HQ-713 và HQ-688 thuộc Lữ đoàn 171, do các đồng chí Phạm Văn Thư, Nguyễn Hồng Thưởng chỉ huy đến vùng biển DK1 tiến hành đo đạc khảo sát, đánh dấu, xác định vị trí thả neo làm nhà trên vùng biển rộng 60.000 km2.
Ngày 25-11-1988, Tổng tham mưu trưởng ra mệnh lệnh bảo vệ Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa. Quân chủng Không quân và hải quân phải tích cực tham gia bảo vệ Trường Sa, khi tàu nước ngoài gây chiến phải phối hợp hai lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền của ta ở vùng biển quần đảo Trường Sa và khu vực DK1.
Ngày 26 tháng 11, Sở chỉ huy Quân chủng hải quân lệnh cho hai tàu HQ-713 và HQ-668, do trung tá Hoàng Kim Nông, Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị chỉ huy và hai tàu HQ-727, HQ-723 (Lữ đoàn 129), do trung tá Trần Xuân Vọng, Lữ đoàn trưởng chỉ huy trực sẵn sàng chiến đấu tại vùng biển này.
Sự xuất hiện của máy bay và tàu chiến Việt Nam trên quần đảo Trường Sa đã khiến Trung Quốc hiểu được quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ngăn chặn âm mưu đánh chiếm thêm các đảo ở quần đảo Trường Sa và DK1 của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề Liên Xô có thái độ như thế nào và hành động ra sao trong thời điểm Trung Quốc mở cuộc chiến xâm lược Trường Sa của Việt Nam.
Thiên Nam
(Giáo Dục)
Phần nhận xét hiển thị trên trang