Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Biển Đông: Trung Quốc chống Mỹ bằng "khổ nhục kế" với ASEAN?

Biển Đông: Trung Quốc chống Mỹ bằng "khổ nhục kế" với ASEAN?
(Ảnh minh họa)

Học giả người Trung Quốc cho rằng, nếu "nhượng bộ" các nước Đông Nam Á thì dù ASEAN ủng hộ Mỹ hiện diện ở biển Đông về sau, phản ứng của Bắc Kinh cũng "danh chính ngôn thuận".

Những năm gần đây, mức độ quan tâm của xã hội quốc tế đối với vấn đề biển Đông tăng cao, cùng với đó là tình hình phức tạp trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trong bài viết trên tạp chí China and World Affairs (Trung Quốc), học giả Đặng Duật Văn cho rằng điểm khác biệt lớn trong tình hình biển Đông năm nay là sự "bước ra ánh sáng" rõ rệt của các quốc gia bên ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ.
Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này chính là hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa (trái phép-PV) ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam-PV).
Theo Washington, Trung Quốc đã thay đổi trái phép hiện trạng các đảo, đá ở biển Đông với tốc độ đáng lo ngại, tổng diện tích các đảo nhân tạo hiện vào khoảng hơn 1.200 hecta.
Nếu duy trì tốc độ cải tạo phi pháp này thì chỉ trong vài năm tới, biển Đông sẽ trở thành phạm vi thế lực của Bắc Kinh.
Thêm vào đó, Mỹ cũng nhận thấy từ hoạt động bành trướng của Trung Quốc, rằng sức mạnh của nước này đã không còn như xưa, cả về kinh tế, với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), hay quân sự.
"[Trung Quốc] bành trướng quá nhanh. Nếu không ngăn chặn [Trung Quốc] ngay lúc này thì về sau [Mỹ] sẽ không còn cơ hội nữa," tác giả Đặng Duật Văn viết.
Dù vậy, ông Đặng cho rằng tình hình biển Đông vẫn chưa đến mức tồi tệ, khi Mỹ và Trung Quốc vẫn còn duy trì các cơ chế chuyên nghiệp để xử lý mâu thuẫn. Một số diễn biến cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa bế tắc.
Một là, dự đoán trước đây của dư luận quốc tế rằng Mỹ, đồng minh cùng đối tác ở biển Đông sẽ cùng "bao vây" Trung Quốc vẫn chưa hình thành.
Thứ hai, nhận thức chung mới nhất của ASEAN đã khẳng định "không nghiêng về bên nào", khiến Bắc Kinh ít nhất có thể bớt lo bị tầm ảnh hưởng của Washington lấn át.
Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, các diễn biến này chỉ là tạm thời và chưa đủ để họ "thở phào".
Đặng Duật Văn nhận định: "Có thể tình hình hiện nay là dấu hiệu Mỹ đang ấp ủ một 'cơn bão' lớn hơn.
Kinh nghiệm đối đầu Trung-Mỹ trên biển Đông vài năm qua cho thấy nửa đầu năm thường căng thẳng, nửa cuối năm dịu hơn. Nhưng trong mọi tình huống, Mỹ chắc chắn không từ bỏ thách thức Trung Quốc trong vấn đề này."
Mỹ muốn "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" thì biển Đông là điểm nhấn trọng yếu để kiềm chế Trung Quốc.
ĐẶNG DUẬT VĂN
Thạc sĩ Luật, Ủy viên Ủy ban pháp chế và xã hội trung ương (thuộc Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc), cựu Phó Tổng biên tập tờ Thời báo Học tập của Trường đảng trung ương Trung Quốc
Biển Đông có thể là "Waterloo" của Trung Quốc
"Biển Đông thực sự có khả năng trở thành một 'Waterloo (nơi chứng kiến thất bại năm 1815 của Đại quân Pháp do Napoleon Bonaparte chỉ huy-PV)' đối với Trung Quốc, nếu như xử lý không tốt," ông Đặng chỉ ra.
Theo ông này, kể từ 2016 Bắc Kinh phải nhìn nhận các vấn đề trên biển Đông như sau:
Thứ nhất, phán đoán về thời cơ chiến lược của Bắc Kinh thúc đẩy Trung Quốc đặt mục tiêu theo đuổi môi trường hòa bình ở khu vực và quốc tế làm ưu tiên ngoại giao, không cho phép "manh động" sử dụng vũ lực, phá hoại cục diện ổn định.
Thứ hai, một số tình trạng bất ổn trong nước buộc các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đặt vấn đề quốc nội lên trên tham vọng bành trướng ra ngoài.
Thứ ba, sức mạnh quân sự của Trung Quốc dù có tăng lên trong vài năm qua, nhưng lực lượng vẫn chưa đủ để "bảo vệ thành quả (đạt được bằng hoạt động bành trướng phi pháp-PV)".
Thứ tư, dù đòi hỏi giải quyết mâu thuẫn biển Đông với từng quốc gia cụ thể, nhưng Trung Quốc không thành công với yêu cầu này và phải giải quyết với khối ASEAN đoàn kết.
Hiện nay, Bắc Kinh chưa có biện pháp nào để "ngăn sự can thiệp của ASEAN trong vấn đề biển Đông".
Thứ năm, các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Australia ngày càng nhận thức được sự nguy hiểm trong hành động của Trung Quốc và trở nên nghiêm túc hơn trong hoạt động tuần tra, gìn giữ tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông.
Từ 5 điểm trên, Đặng Duật Văn chỉ ra, Trung Quốc đang đơn độc ở biển Đông, trong khi "đối thủ" là một xu thế liên kết sức mạnh giữa khối ASEAN và các cường quốc như Mỹ.

Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên vùng biển quốc tế ở biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 11/5/2015. (Ảnh: U.S. NAVY)
Tàu USS Fort Worth của Mỹ tuần tra trên vùng biển quốc tế ở biển Đông, gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 11/5/2015. (Ảnh: U.S. NAVY)
"Khổ nhục kế": Trung Quốc lùi 1 bước?
"Muốn giải quyết vấn đề biển Đông, Bắc Kinh cần có quy hoạch cụ thể, biết mình cần đạt mục tiêu gì về ngắn, trung và dài hạn, từ đó hoạch định phương án. Các 'đối tượng' khác nhau cần biện pháp khác nhau," Đặng viết.
Ông này cho rằng, trong ngắn hạn, Trung Quốc cần phải "quản lý và khai thác biển Đông cùng các đảo trong đó".
Trung Quốc "đã đâm lao thì phải theo lao", đặc biệt là hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng (trái phép-PV) trên đá Gạc Ma và đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp-PV).
Đặng cảnh báo, nếu không thành công, Bắc Kinh sẽ thể hiện một hình ảnh chiến lược yếu đuối và không thể chống lại sức ép từ Mỹ, phải dừng các hoạt động phi pháp.
Về trung hạn, Trung Quốc phải ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như một hành động hòa dịu, bởi đây là mối quan tâm bức thiết nhất hiện nay của ASEAN.
Tuy nhiên, đánh giá của ông này thể hiện rõ toan tính nham hiểm của Bắc Kinh: "COC dựa trên cơ sở thực trạng chiếm hữu của các nước ở biển Đông. Đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc không vội vàng ký kết.
Dù vậy việc ký COC cũng không được để quá chậm. Thời gian thích hợp nhất chính là khi Trung Quốc đã hoàn tất hoạt động xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV)."
Trong khi đó, Đặng Duật Văn phân tích, các mục tiêu ngắn và trung hạn của Trung Quốc nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn, đó là "đẩy Mỹ khỏi biển Đông" thông qua con đường "cung cấp dịch vụ, hàng hóa công cộng cho xã hội quốc tế, đặc biệt là các nước ở biển Đông".
"Chiến lược xoay trục của Mỹ trên thực tế đặt mục tiêu áp chế không gian chiến lược của Bắc Kinh, mà biển Đông là trọng điểm.
Hiện nay Trung Quốc không đủ khả năng [đuổi tàu chiến, máy bay Mỹ/đồng minh khỏi biển Đông], nhưng một khi đủ sức mạnh, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đẩy Mỹ ra.
Mà mục tiêu 'đuổi Mỹ', bên cạnh sức mạnh quốc gia, đặc biệt cần sự phối hợp của ASEAN," Đặng viết trên tạp chí China and World Affairs.

Ảnh vệ tinh chụp hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Ảnh vệ tinh chụp hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc tiến hành trên đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)
Vấn đề đặt ra là, ASEAN có "phối hợp" với Trung Quốc hay không?
Theo ông Đặng, Bắc Kinh có thể tích cực thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc tế, cung cấp dịch vụ dự báo khí tượng, cứu hộ trên biển, chống hải tặc cho các nước Đông Nam Á.
Đồng thời, Trung Quốc còn có thể đề xuất thành lập lực lượng chấp pháp chung với các quốc gia quanh biển Đông để "bảo vệ an ninh hàng hải".
Đặng Duật Văn đánh giá: "Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cộng cho quốc tế thực chất là trách nhiệm của Trung Quốc như một nước lớn đang trỗi dậy. Nếu Bắc Kinh thực thi những điều này thì ASEAN có thể sẽ không còn lý do níu kéo Mỹ ở lại.
Trung Quốc đã 'lùi một bước' thì dù ASEAN có cố gắng ủng hộ Mỹ hiện diện ở biển Đông, những phản ứng của Bắc Kinh khi đó cũng là 'có tình có lý', mức độ phản ứng cũng quyết liệt hơn."
theo Thế giới trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có cách để Mỹ vừa chế ngự TQ, vừa tránh Thế chiến trên Biển Đông


Có cách để Mỹ vừa chế ngự TQ, vừa tránh Thế chiến trên Biển Đông

Viết trên tạp chí National Interest, học giả Van Jackson đã đề xuất một chiến lược dài hơi có thể giúp Mỹ chế ngự Trung Quốc mà vẫn tránh được giao tranh trên Biển Đông.

Trong trật tự thế giới hiện tại, các cường quốc trên thế giới hiểu rằng, giải pháp chiến tranh chỉ nên được áp dụng trong trường hợp bất khả kháng, khi không còn lựa chọn nào khả thi hơn. Cái được từ chiến tranh gần như chắc chắn sẽ không thể bù đắp nổi cái mất.
Trên Biển Đông, có lẽ Mỹ cũng hiểu điều này.
Do đó, theo ông Jackson, để có thể vừa kiểm soát sự hung hăng của Trung Quốc mà vẫn tránh được kết cục chiến tranh trên Biển Đông, thì tăng cường minh bạch hóa các hoạt động phải là ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay đối với Washington.
Chuyên gia này chỉ ra rằng, bản chất mơ hồ, thiếu thông tin ở vùng biển này đã và đang tạo ra một môi trường "lý tưởng" cho các viễn cảnh giao tranh bùng phát.
Với sự thiếu minh bạch trong các hoạt động trên Biển Đông, ông Jackson nhấn mạnh một "kẻ cơ hội" như Trung Quốc luôn có cách để lợi dụng điều này, thể hiện qua những hành vi xây dựng và cải tạo bất hợp pháp, đánh bắt cá trái phép, hay thậm chí "bắt nạt" tàu thuyền các nước khác trên biển.

Tàu cá Trung Quốc luôn có cách lợi dụng sự thiếu minh bạch trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Tàu cá Trung Quốc luôn có cách lợi dụng sự thiếu minh bạch trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, ngay cả đối với các nước không có ý định trục lợi, thì việc không nắm bắt được tình hình một cách thấu đáo cũng sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra hiểu nhầm không đáng có, dẫn đến những tính toán sai lầm giữa các nước có khu Đặc quyền Kinh tế (EEZ) chồng lên nhau.
Lầu Năm Góc cũng hiểu được độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm ngoái, họ đã cho ra mắt văn bản Chiến lược An ninh Hàng hải châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đề ra những phương án xây dựng hệ thống giám sát hàng hải cho các đối tác Đông Nam Á.
Chưa dừng lại ở đó, bộ Quốc phòng Mỹ còn đề ra Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) - một gói chi ngân sách trị giá hơn 400 triệu USD nhằm cải thiện an ninh cho các nước xung quanh Biển Đông. Có thể nói, an ninh hàng hải đã trở thành một từ khóa "cửa miệng" tại Washington.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo chuyên gia Jackson, là cả chiến lược cũng như gói chi ngân sách nói trên của Mỹ đều chưa đưa ra được một đường hướng cụ thể, sao cho Washington có thể khiến các hoạt động trên Biển Đông trở nên minh bạch hơn.
"Giờ là lúc phải có những hành động minh bạch hóa Biển Đông. Mỹ không thể cứ dựa vào việc cung cấp vũ khí cho đồng minh hay tăng cường tuần tra hàng hải. Đương nhiên những bước đi này là cần thiết, nhưng chúng cần nhiều thời gian và tốn nhiều tiền của" - ông nhận định.
Phương án được ông Jackson và các cộng sự tại Trung tâm An ninh Mỹ trong Thời đại mới (CNAS) đề ra, đó là lấp đầy "lỗ hổng ISR" của các nước Đông Nam Á có lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
ISR là viết tắt của các từ Intelligence (tình báo), Surveillance (theo dõi), và Reconnaisance (trinh sát), một dây chuyền hệ thống thu thập, phân tích, và xử lý thông tin về một đối tượng hay khu vực nhất định, nhằm hỗ trợ việc hoạch định chiến lược của người đứng đầu.
Song song với các chương trình cải thiện khả năng ISR của từng nước, ông Jackson cho rằng Mỹ có thể "đốt cháy giai đoạn" bằng 3 cách: tận dụng chất xám của Sillicon Valley, kêu gọi các thế lực Thái Bình Dương hỗ trợ, và tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin.
Tận dụng chất xám của Silicon Valley
Chuyên gia Jackson chỉ ra rằng, một số công ty khởi nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận tại Sillicon Valley đang dẫn đầu trong lĩnh vực mô phỏng hình ảnh cập nhật vị trí tàu thuyền và máy bay trên bản đồ, cũng như phân tích giá trị của các thông tin họ thu thập được.
Một số ví dụ có thể kể đến Spire, Skybox, Vùng biển Quanh ta (SEU), hay Tổ chức Giám sát Đánh bắt cá Toàn cầu (GFW), tất cả đều có thể phân tích dữ liệu để chỉ ra một con đường an toàn trên biển, cũng như phát hiện dấu hiệu của các hành vi đánh bắt cá trái phép.

GFW cung cấp thông tin thời gian thực về các hoạt động đánh bắt cá trên toàn cầu.
GFW cung cấp thông tin thời gian thực về các hoạt động đánh bắt cá trên toàn cầu.
Đây đều là những điều Biển Đông cần. Nhưng cho đến thời điểm này, năng lực của Sillicon Valley vẫn chưa được Mỹ tận dụng trong các vấn đề Biển Đông. Washington có khả năng, và cần phải thay đổi điều đó.
Ông Jackson nhận định, để sở hữu các hệ thống ISR sẽ rất tốn kém, đó là chưa kể thời gian cần để huấn luyện sử dụng.
Do đó, một giải pháp đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, và đem lại hiệu quả tức thì, đó là thuê các công ty công nghệ tại Sillicon Valley trực tiếp thu thập, phân tích, và báo cáo lại thông tin cho mỗi nước.
Đương nhiên, phương án lý tưởng nhất vẫn là để mỗi nước tự phát triển khả năng ISR của riêng mình, nhưng trong lúc chờ huấn luyện xong, thì "thuê chất xám" cũng là một lựa chọn tình thế không tồi.
Vận động các thế lực Thái Bình Dương hỗ trợ
Hiện nay, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc đều đang ít nhiều tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh Đông Nam Á, qua việc bán vũ khí, phối hợp tập trận, và thậm chí cả tuần tra chung với một hoặc nhiều nước ASEAN.

Nhật Bản và Philippines tập trận chung trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Nhật Bản và Philippines tập trận chung trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Nhưng theo ông Jackson, sự phối hợp giữa 4 nước này, cũng như giữa họ với Mỹ, chỉ gói gọn trong các động thái song phương đơn thuần. Trong khi đó, cả 4 đều có nguồn lực và mạng lưới ảnh hưởng có khả năng cải thiện đáng kể năng lực ISR của các nước Đông Nam Á.
Do đó, trách nhiệm của Mỹ là phải làm sao để Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc có thể trở thành một "dàn hợp xướng", tạm gác lại các tranh chấp, để tận dụng điểm mạnh của mỗi nước và cùng nhau đáp ứng các nhu cầu ISR của khu vực.
Hợp tác chia sẻ thông tin
Rõ ràng, dù năng lực ISR của một nước có siêu phàm đến đâu, thì họ cũng không thể đơn phương, ngày qua ngày nắm bắt hết những gì diễn ra trên một vùng biển rộng lớn như Biển Đông.
Đáng mừng là hiện nay, đã có những bước đi tiên phong trong việc chia sẻ thông tin hàng hải tại Đông Nam Á, điển hình là Mạng lưới Tuần tra Eo Biển Malacca (MSPN) và Trung tâm Phối hợp Thông tin (IFC) tại Singapore.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu tương đối nhỏ lẻ, và sự hợp tác vẫn chưa thực sự rõ. Và nhiệm vụ của Washington, một lần nữa, là đóng vai trò đầu tàu thuyết phục các nước Đông Nam Á đẩy mạnh chia sẻ thông tin hàng hải vì lợi ích chung.
---
Ông Jackson kết luận, đã đến lúc biến vùng biển nhiều biến động nhất thế giới hiện nay trở thành một Biển Đông hoàn toàn mới, một Biển Đông của những hoạt động công khai, minh bạch, của sự ổn định.
Vậy nên trước khi lao đầu vào những hành động rõ ràng mang nhiều rủi ro hơn, chi bằng cứ thử phương án "lợi cả đôi đường" này một lần xem sao?
theo Trí Thức Trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bác Jim bàn về xứ cao bồi


Các ứng viên Tổng thống. Ảnh: Internet
Các ứng viên Tổng thống. Ảnh: Internet
Cuối tuần rồi bình về chiến tranh Việt Nam đang bị ném đá vì vài cụ trong hang không thích bị chê dù sống ở thiên đường tự do ngôn luận, nói người khác “thoải mái con gà mái” thì ok, nhưng người ta nói lại thì nhất định là…vi phạm nhân quyền.

Đầu tuần trước, bác Jim qua nhà mình chơi vì gửi xe ở đó để đi xem hoa anh đào ngoài DC. Lúc về, bác ở lại ăn tối. Trò chuyện về nước Mỹ, loanh quanh một hồi về hoa hoét, mùa xuân, cả hai quay sang bàn về bầu cử tổng thống Mỹ.
Hỏi bác đánh giá gì về Donald Trump. Bác Jim thở dài, trong hơn 70 năm qua, chưa bao giờ bác chứng kiến một cuộc bầu cử hề như thế này. Một anh cao bồi nói lảm nhảm mà chẳng hiểu anh định nói gì. Dân vẫn nghe vì hắn có tiền. Thằng cha nào không có tiền nói hay có ai nghe.
Nhưng Trump có lý khi định bắt Mexico xây tường dọc biên giới và tự thanh toán, bác Jim bảo. Câu chuyện có lịch sử từ thời chiến tranh biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ những năm 1912-1919.
Nhiều lần Hoa Kỳ đã can thiệp vào nội bộ chính trị của Mexico, ủng hộ người theo Mỹ, phản đối kẻ chống Mỹ, thậm chí đưa quân áp sát biên giới khi có bầu cử. Có lúc còn đem quân vào sâu biên giới, ra lệnh ném bom và chiếm đóng Veracruz mà ngày nay Hàn Quốc sản xuất xe hơi Hyundai cũng lấy tên cảng này của Mexico. Dân Mỹ vẫn mua xe ầm ầm.
Trong một lần đảo chính năm 1913 do đại sứ Mỹ tại Mexico giật dây, tổng thống được bầu dân chủ là ông Francisco I. Madero bị ám sát, gây ra 10 ngày thảm họa. Những bất hòa sau đó đã làm cho Mexico nổi giận và tịch thu tài sản của Mỹ tại Mexico.
Để trả đũa, nếu được chọn làm tổng thống, ông Jim bảo, Trump sẽ bắt Mexico xây tường dọc biên giới, nếu không sẽ tịch thu gia sản của Mexico tại Mỹ. Đại loại bố Trump này có tư tưởng thống trị thế giới, đơn cực nên sẵn sàng đồng ý cho Nhật và Nam Hàn có bom nguyên tử, giải tán NATO và UN, có khi đuổi hết người Việt về nước.
Hỏi bác Jim có thích Hillary không? Trời, nếu anh có công ty đang ăn nên làm ra, anh có định thuê một tổng giám đốc 70 tuổi vừa nói dối (email), vừa thất bại (trong đối ngoại), không quản lý gia đình tốt (Bill Clinton’s  affairs)? Jim hỏi lại tôi. Mình đành cười trừ vì Cua Times ủng hộ Hillary.
Thế ông Bernies Sanders thì sao. Trời, ông ấy cỡ tuổi tôi (trên 70), lụ khụ, vừa nói vừa thở. Sanders đòi giáo dục, y tế miễn phí và xây dựng CNXH  tại Mỹ, liệu có thành công chăng?
Xem trên tivi các ứng viên tổng thống toàn các cụ già sắp ra nghĩa địa. Được hai anh trẻ là Rubio và Cruz thì ăn nói lúng búng, đấu mồm thế nào với Trump và Hillary được. Nước Mỹ hết người tài rồi.
Mà anh có biết không? Ở nước Mỹ này, người thất bại mới chọn nhà nước làm nơi trú ngụ. Người giỏi đã chọn kinh tế tư nhân để phát triển. Anh thử so sánh Hillary Clinton với Bill Gates hay Zuckerberg xem ai được thế giới tôn trọng hơn. Một bên làm tiền (công ty) cho hàng tỷ người, một bên chỉ biết tiêu tiền (chính phủ).
Bên làm ra tiền bị sưu cao thuế nặng, bên tiêu tiền thuế coi tiền như rác. Cứ hỏi xem họ sản xuất tầu ngầm, tên lửa, B52 hay đưa quân sang Iraq có giá bao nhiêu, ai biết được chính xác. Bí mật quốc gia. Chả hiểu nước anh có thế không?
À, mà anh có biết bộ luật về thuế của Mỹ nó thế nào không? Đó là một chồng sách cao khoảng 1 mét, không có một human being (con người) nào có thể đọc, hiểu và làm theo. Thế mà chính phủ Mỹ bắt dân chúng phải nộp thuế theo từng điều luật trong chồng sách cao 1 mét đó. Mà không nộp đúng, nộp đủ, liệu mà bán nhà, khuynh gia bại sản, thậm chí đi tù.
Bên cộng sản dùng súng chia tài sản, bên tư bản dùng luật thế lấy tiền của dân, chả biết ai hơn ai. Mình cười, thế mới là phát triển kinh tế tư nhân cho các công ty khai thuế.
Bác Jim kể có lần bị sở thuế tới làm phiền. Có hai nhân viên gõ cửa và mang theo một chồng giấy tờ khoảng nghìn trang liên quan đến thuế của bác. Tất nhiên bác phải phục tùng, ngồi nghiên cứu với hai nhân viên kia, mất đứt hai ngày trọn, và họ tìm ra bác nộp thiếu 13 đô la. Nhìn nụ cười nhạo báng mình đoán cụ Jim định văng tiếng Đan Mạch.
Nhưng có lần khác cũng bị tương tự, bác lại tìm ra mình nộp thừa 390 đô la và được hoàn trả. Dưng mà công sức bỏ vào đó thì thôi rồi lượm ơi, thư đi từ lại, hết phone đến tranh cãi. Một ngày của bác sỹ như bác Jim có thể thu cả ngàn đô la.
Mà anh có biết dân sở thuế là gì không? Hầu hết tốt nghiệp trung học, theo vài khóa vài tháng về nguyên tắc thuế, rồi đi làm vài năm cho IRS (Internal Revenue Service – sở thuế). Khi nắm vững luật thuế rồi thì ra mở công ty tư nhân giúp dân khai thuế một cách…hợp lý. Nghĩa là giữ lại cho mình nhiều nhất, nộp cho nhà nước càng ít càng tốt.
Vì kiểu gì chính phủ cũng phình ra như Obama đang làm, có mà kho vàng cây khế cũng hết. Mới có chuyện cánh nhà giầu bảo, chẳng cần chính phủ to, chỉ cần chính phủ nhỏ dùng vào vài việc an ninh như quân đội, cảnh sát
Đại loại người kém và thất bại mới đi làm công ăn lương cho chính phủ hoặc là homeless (vô gia cư). Người giỏi đi làm cho tư nhân vì đó mới là chủ nghĩa tư bản. Đấy đấy, anh hiểu Mỹ chưa. Cho nên các ứng viên tổng thống hoặc ngớ ngẩn như Trump, hoặc ấp úng như Rubio, hoặc chống gậy như cụ Sanders hay Hillary Clinton. Thất vọng chưa từng thấy.
Mình bảo, chả bù cho bên Việt Nam, người tài giỏi mới vào nhà nước làm, thi vào trường công an, cảnh sát xếp hàng dài dài. Có vài năm mà mấy trăm tướng được phong, giỏi mới lên tướng được. Khóa học phổ thông của anh Cua có Thượng tướng CA chút xíu lên đại tướng, mấy đại tá, có giám đốc, có thứ trưởng, giáo sư tiến sỹ nhiều như đất, chẳng có ai tốt nghiệp phổ thông mà thành tỷ phú như Bill Gates hay Steve Jobs.
Cụ Jim cười và hỏi, sao anh lại đi làm cho World Bank. Dạ, nó là cái số rồi. Đã là cái số thì kiểu gì cũng không tránh được. Cái số của bác Jim là người da đỏ nhưng công dân Mỹ. Số của anh Cua là da vàng và công dân xứ Việt. Có trời mới thay đổi số phận được.
Một bạn đùa, hay bác Jim làm người Việt đi, anh Cua làm người Mỹ. Thôi thôi, ta nâng cốc chúc mừng mùa Xuân hoa anh đào, cứ như hai lão già lụ khụ sắp làm cách mạng hoa bên Hoa Kỳ.
HM 3-4-2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ VĂN PHẠM THÀNH BỊ AN NINH TRIỆU TẬP

 

Xuân Nguyên tại TỄU - BLOG - 9 giờ trước
Nhà văn Phạm Thành (áo vest xám nhạt, đứng giữa) trong vụ xử blogger Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh. Nhà văn Phạm Thành bị an ninh triệu tập *BBC tiếng Việt* 3.04.2016 *Một nhà văn, nhà báo và cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam nói ông đã bị an ninh Việt Nam triệu tập "làm việc" lần thứ tư vì có thể bị ghép vào điều 258 Bộ luật hình sự.* Nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe cho hay giấy triệu tập của an ninh điều tra, công an Thành phố Hà Nội với ông viết ''nội dung liên quan đến tin báo của Hội nhà văn và công ty điện toán, truyền số liệu'. Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 0... thêm »
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phì và..đùng!

Báo Anh tiết lộ bất ngờ về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un


(VTC News) - Theo Daily Star, không phải giảm cân, chính photoshop mới chính là bí quyết giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên có thân hình thon gọn hơn hẳn thời kỳ phát tướng hồi đầu năm.

Trước đó, từng có một số nguồn tin cho rằng ông Kim có một niềm đam mê bắt tận với phomai Thụy Sĩ do thời gian theo học ở quốc gia này. Đó chính là lý do ông khó có thể thể kiểm soát cân nặng của mình.

Hồi giữa tháng 5, những hình ảnh của “người thừa kế vĩ đại” thị sát trang trại trồng lúa mì ở ngoại ô Bình Nhưỡng được hãng thông tấn KCNA đăng tải cho thấy ông Kim dường như đã thất bại trong công cuộc giảm cân và ngày càng trở nên phát tướng.
Hình ảnh được cho là đã qua chỉnh sửa
Hình ảnh được cho là đã qua chỉnh sửa 
Tờ Chosun Ilbo thậm chí còn dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho rằng cân nặng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đã đạt tới con số 130 kg, tức là tăng 30 kg trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, trong những hình ảnh mới nhất của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên trong có vẻ gầy đi đôi chút so với thời gian “phát tướng” trước đó.

Mặc dù vậy, nhiều người lại cho rằng thân hình”mi nhon” này không đến từ nỗ lực giảm cân khủng khiếp của ông Kim mà lo do có bàn tay can thiệp vào trong từng khuôn hình hoặc các kênh thông tin của Bình Nhưỡng đã sử dụng lại những hình ảnh cũ của “người thừa kế vĩ đại”.
Thân hình phát tướng của ông Kim hồi giữa năm ngoái
Thân hình phát tướng của ông Kim hồi giữa năm ngoái 
Một số ý kiến nhận định rằng, Triều Tiên buộc phải chỉnh sửa hình ảnh của ông Kim bởi sẽ thật khôi hài nếu lãnh đạo nhà nước lại thông báo về nạn đói có thế giết chết hàng triệu người dưới một thân hình “đồ sộ” như vậy.

Mới đây, KCNA đã cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải trải qua những ngày gian khổ như thời kỳ những năm 1990 và thậm chí phải đối mặt với tình trạng ăn rễ cây để tồn tại một khi nạn đói xảy đến.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lỗ hổng lý luận của ông Tập Cận Bình

TTO - Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 31-3 ở Washington là một dịp để ông Tập tỏ rõ quan điểm liên quan tranh chấp ở Biển Đông. 
Lỗ hổng lý luận của ông Tập Cận Bình
Máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay USS Stennis của Mỹ trong đợt tuần tra ở Biển Đông - Ảnh: Reuters
“Nhật quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương ở biển Hoa Đông và Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe 
nói trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington
​Theo China Daily, ông Tập nói: “Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền cùng các quyền của mình ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông của Việt Nam) và sẽ không chấp nhận bất cứ hoạt động cùng hành vi nào vin vào cớ tự do hàng hải có thể gây hại đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc...
Trung Quốc và Mỹ nên xử lý các tranh chấp chưa có giải pháp này một cách xây dựng để tránh hiểu lầm và leo thang xung đột” .
Do đây là cuộc gặp giữa ông Tập và ông Obama, nên nghe qua dễ hiểu lầm rằng đây chỉ là việc giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nội dung các phát biểu trên là cho cả thiên hạ nghe, đầu tiên là các nước trên Biển Đông.
Đã qua rồi thời kỳ mà Trung Quốc úp mở gọi Biển Đông bằng cụm từ “lợi ích cốt lõi” như từng thấy vào đầu thập niên này.
Lúc đó, thiên hạ vò đầu bứt tai ráng tự giải thích xem cái mà Trung Quốc gọi là “lợi ích cốt lõi” đó cụ thể nghĩa là gì, ở đâu, ở Biển Đông hay ở biển Hoa Đông, ở Trường Sa hay ở Senkaku / Điếu Ngư...
Tại sao lần này ông Tập cảnh cáo “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền” trong cuộc gặp ông Obama, trong khi mới sáu tháng trước còn hứa “sẽ không quân sự hóa Nam Hải”?
Chẳng qua hứa cho có trong khi chờ đợi hoàn tất việc biến các thực thể mới bồi đắp, mở rộng thành căn cứ quân sự, đưa các vũ khí hiện đại ra đấy để biến khu vực này trở thành một vùng “cấm máy bay, cấm tàu bè”.
Tuyên bố “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền cùng các quyền của mình ở Nam Hải” từ Washington quá rõ ràng: Biển Đông là “của Trung Quốc”, đụng vào đó, héo lánh đến đó chính là “vi phạm chủ quyền cùng các quyền của Trung Quốc”, sẽ bị “nghiêm trị”, các phương tiện “nghiêm trị” đã đầy đủ và sẵn sàng!
Để minh họa cảnh cáo chung cho cả thiên hạ này và đặc biệt cho các nước có chủ quyền trên Biển Đông, hai tuần trước đó Trung Quốc đưa tàu hải quân và lùa tàu cá xuống tận Indonesia và Malaysia (khiến hai nước này nháo nhào phòng thủ) và gần đây nhất đưa giàn khoan Hải Dương 943 đến vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để phân định.
Thật ra, thông điệp trên của ông Tập, “kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, đã được người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc nêu ra trong báo cáo kế hoạch 5 năm ở kỳ họp quốc hội vừa qua và được bộ trưởng ngoại giao nước này phụ họa cùng lúc, cũng như đã được nêu lên trong “Sách trắng quốc phòng” 2015.
Nay chỉ là lặp lại trước ông Obama, sau gần bốn tháng phân vân chưa biết phản ứng sao trước việc tàu hải quân Mỹ đi vào Biển Đông thực thi tự do hàng hải, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa, vào tận bên trong lằn ranh 12 hải lý mà theo luật biển được xem là lằn ranh hải phận, qua đó gián tiếp phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc.
Thông điệp kèm theo, Mỹ thôi “nhân danh tự do hàng hải” và “Trung Quốc và Mỹ nên xử lý các tranh chấp chưa có giải pháp này một cách xây dựng để tránh hiểu lầm và leo thang xung đột”, dễ khiến cho rằng đây là việc của hai “ông lớn” này, nhằm che khuất cảnh cáo trọng tâm cho các nước trên Biển Đông nay phải nằm trong “đường lưỡi bò” 
của Trung Quốc.
Thế nhưng hai tuyên bố của ông Tập lại mâu thuẫn với nhau: đã quả quyết “sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền” mà vẫn còn phát biểu rằng “các tranh chấp chưa được giải quyết”? Đây chính là cái lỗ hổng lý luận.
Lỗ hổng đó là đương nhiên khi không có cơ sở gì để chứng minh chủ quyền của mình! Tất nhiên, thiên hạ đều thấy cái lỗ hổng đó, tỉ như Philippines đang “tham khảo” tòa The Hague và đâu phải ai cũng ngoan ngoãn khoanh tay. Malaysia và Indonesia nay đang tỏ rõ ý chí bảo 
vệ biển của mình!
Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra
Đầu tháng 4-2016, hải quân Mỹ có kế hoạch thực hiện chuyến tuần tra tiếp theo gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin đề nghị không nêu tên từ giới chức Mỹ cho biết đây là đợt tuần tra thứ ba.
Tuy nhiên, phía hải quân Mỹ chưa công bố chi tiết thời gian cụ thể cũng như tàu loại nào sẽ thực hiện chuyến tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo trên.
Hiện tại, hạm đội tàu sân bay USS Stennis của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhận định chuyến tuần tra sắp tới sẽ do một tàu cỡ nhỏ thực hiện, chứ không phải tàu sân bay Stennis.
Giới chuyên gia cũng dự đoán chuyến tuần tra có thể sẽ diễn ra ở gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đã bắt đầu dự án nạo vét, bồi đắp trái phép nhằm biến bãi đá này thành một hòn đảo nổi từ năm 2014 và đã xây trái phép một sân bay quân 
sự ở đây.
DANH ĐỨC
Phần nhận xét hiển thị trên trang