Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Nỏ thần chớ để 
sa tay giặc…


02/04/2016 09:14 GMT+7
TTO - Đất nước chúng ta đang có ngoại xâm và nội xâm, đó là chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm; sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Vậy chúng ta phải làm gì?
Tôi nhất trí với quan điểm phát triển là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Trong quan điểm này, tôi muốn nhấn mạnh hai cụm từ quốc gia, dân tộc và người dân. Ông cha ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, phải xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Câu nói này như khẩu hiệu quen thuộc, nhưng vừa qua, nhận thức về nội hàm của nó có sự không nhất trí. Từ đó có những chủ trương, biện pháp gây tổn thương đến khối đại đoàn kết dân tộc, làm ly tán lòng người.
Một khi đã xác định tư duy phát triển lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích người dân là mục tiêu cao nhất thì cần phải lưu ý năm vấn đề để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên lòng yêu nước của đồng bào trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước.
Thứ nhất, phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi.
Hiện nay, không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài, không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết.
Thứ hai, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển.
Thứ ba, trong phát triển kinh tế và tiêu dùng hằng ngày phải động viên 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng, thanh niên chăm học, chăm làm, bớt nhậu nhẹt, tiêu xài phung phí, người dân ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam và ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho dù chưa bằng hàng ngoại.
Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận ích kỷ, dìm nhau, phá nhau trên thị trường. Chấm dứt các dự án gây ô nhiễm tàn phá thiên nhiên và đã hủy hoại môi trường sống của mình và con cháu mình.
Cán bộ, công chức giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, phải tăng cường thực chất khối đại đoàn kết của 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong, ngoài nước, hàn gắn các vết thương của quá khứ và không khoét thêm những vết thương mới.
Thứ năm, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta.
Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.
Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức.
Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc.
Xin nhắc lại câu thơ có ý nghĩa lịch sử sâu xa của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu”.
Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua. Cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Đất nước ta sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng.
TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (Đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắt giữ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam


Đôi lời: Báo Giao Thông đưa tin: “Sau hơn một ngày dẫn giải, đến tối ngày 1/4, Biên đội 1 – Hải đội 2 đã đưa người, phương tiện, tang vật về neo đậu tại cửa sông Bạch Đằng, bàn giao cho Phòng chống Ma túy – Tội phạm, Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ“. Tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, sau bắt nó lại giao cho Phòng Phòng chống Ma túy – Tội phạm, Bộ đội Biên phòng của một thành phố như TP Hải Phòng xử lý? Đây là chuyện xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia, không thể xem chuyện này là chuyện xâm phải chủ quyền TP Hải Phòng.
____
Tiến Thắng
2-4-2016
H1Chiếc tàu chở hơn 100.000 lít dầu DO của Trung Quốc đang bị cơ quan chức năng của Việt Nam tạm giữ do xâm phạm trái phép chủ quyền biển của Việt Nam – Ảnh: Biên phòng Hải Phòng cung cấp.
TTO – Ngày 2-4, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng TP. Hải Phòng cho biết đang tạm giữ một tàu chở dầu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam tại khu vực biển Vịnh Bắc Bộ.
Chiếc tàu chở theo hơn 100.000 lít dầu DO do thuyền trưởng là Đàm Thủy Dương, 38 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cùng với hai thuyền viên khác đều mang quốc tịch Trung Quốc điều khiển đã xâm phạm sâu vào vùng biển của Việt Nam.
Được biết, chiếc tàu này được dùng để cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh bắt thủy hải sản trái phép tại vùng biển của Việt Nam.
Thông tin từ Biên phòng Hải Phòng cho biết, vào chiều muộn ngày 31-3, tại vị trí có tọa độ 190 44’N 1070 20’ E, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 12 hải lý về phía Tây Nam, thuộc huyện đảo Bạch Long Vĩ, lực lượng biên phòng đã phát hiện chiếc tàu mang số hiệu 13056 của Trung Quốc do Đàm Thủy Dương làm thuyền trưởng điều khiển xâm phạm trái phép chủ quyền biển của Việt Nam, ngay lập tức Biên đội tàu 1, Hải đội 2 đã tiến hành truy đuổi và bắt giữ.
Bước đầu khai nhận với cơ quan chức năng của Việt Nam, thuyền trưởng người Trung Quốc cho biết con tàu chở hơn 100.000 lít dầu DO để phục vụ nhu cầu tiếp tế nhiên liệu cho các tàu cá đánh bắt trong khu vực.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng biên phòng Việt Nam phát hiện số dầu trên không có giấy tờ nguồn gốc, cả hai thuyền viên khác trên tàu đều không có chứng chỉ hành nghề.
Đến đêm 1-4, cả ba thuyền viên cùng phương tiện vi phạm đã được lực lượng Biên phòng Hải Phòng đưa về neo đậu tại cửa sông Bạch Đằng để tiếp tục điều tra làm rõ.
H1Thuyền trường Đàm Thủy Dương, người Trung Quốc điều khiển con tàu đã thừa nhận việc xâm phạm trái phép vào vùng biển của Việt Nam với mục đích cung cấp dầu cho các tàu cá khác trong khu vực – Ảnh: Biên phòng Hải Phòng cung cấp.
_____

Bắt tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam

Việt Hòa
2-4-2016
Bộ đội biên phòng Hải Phòng vừa bắt 1 tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam.
H1Tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền bị Bộ đội Biên phòng Hải Phòng bắt giữ, áp tải. Ảnh: báo GT
Đêm 1/4, sau hơn 1 ngày áp tải, Biên đội 1 thuộc Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã đưa 1 tàu Trung Quốc cùng các thuyền viên vi phạm chủ quyền biên giới biển Việt Nam từ khu vực đảo Bạch Long Vỹ về nội địa để tiến hành xử lý.
H1Tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền bị áp tải về Hải Phòng, neo đậu ở cửa sông Bạch Đằng chờ xử lý. Ảnh: báo Giao Thông.
Trước đó, hồi 15h30′ ngày 31/3, trong khi làm nhiệm vụ tại tọa độ 190 44’N 1070 20’ E, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ, Biên đội 1 – Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ.
Đây là tàu Trung Quốc có số hiệu 13056, công suất máy 221 kw, trên tàu có 3 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc do Đàm Thủy Dương, sinh năm 1978 ở Đông Bản, Liêm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc làm thuyền trưởng. Tàu này đã xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển Việt Nam.
H1Tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt nam còn chở theo 100 ngàn lít dầu để cung cấp cho các tàu Trung Quốc khác đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: báo Giao Thông
Qua kiểm tra, bộ đội biên phòng còn phát hiện tàu vận chuyển khoảng 100 ngàn lít dầu DO không có giấy tờ, thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn. Thuyền trưởng Đàm Thủy Dương khai nhận đã xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, số dầu trên chở để cung cấp cho các tàu Trung Quốc đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Sau hơn một ngày dẫn giải, đến tối ngày 1/4, Biên đội 1 – Hải đội 2 đã đưa người, phương tiện, tang vật về neo đậu tại cửa sông Bạch Đằng, bàn giao cho Phòng chống Ma túy – Tội phạm, Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ.
H1Kiểm tra tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền
Việc bắt giữ tàu  Trung Quốc vi phạm chủ quyền nêu trên nằm trong kế hoạch cao điểm tuần tra kiểm soát bảo vệ chủ quyền vùng biển, giám sát nghề cá vùng 2 – vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Hải Phòng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn lại ‘Lý thuyết tổng quát’ của Keynes sau 80 năm


Kinh tế học chính thống cũ đã được tái sinh. Mục tiêu toàn dụng nhân công đã được thay thế bởi mục tiêu lạm phát, và thất nghiệp được thả nổi để tự trở về tỷ lệ “tự nhiên”, bất chấp tỷ lệ đó là bao nhiêu. Đây chính là sự chuyển hướng sai lầm khiến các chính trị gia “đâm cật lực vào tảng băng trôi” hồi năm 2008.

Trong lá thư gửi cho George Bernard Shaw vào năm 1935, John Maynard Keynes viết: “Tôi tin là mình đang viết một cuốn sách về lý thuyết kinh tế nhìn chung sẽ cách mạng hóa – không phải ngay lập tức, nhưng có thể trong mười năm nữa – cách mà thế giới suy nghĩ về các vấn đề kinh tế của mình.” Và thực sự thì tác phẩm lớn của Keynes, “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest and Money) xuất bản vào tháng 2/1936 thực sự đã thay đổi kinh tế học và việc hoạch định chính sách kinh tế. Giờ đây, sau 80 năm, liệu lý thuyết của Keynes có còn phù hợp không?



Hai trong số các di sản của Keynes dường như vẫn còn trụ vững. Đầu tiên, Keynes phát minh ra kinh tế học vĩ mô – lý thuyết về đầu ra như một tổng thể. Ông gọi lý thuyết của mình là lý thuyết “tổng quát” để phân biệt với những lý thuyết trước đó, trong đó giả định một đầu ra duy nhất – trạng thái toàn dụng lao động.

Để cho thấy cách kinh tế học có thể bị mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động,” Keynes đã thách thức lập luận trung tâm của kinh tế học chính thống thời đó: đó là thị trường của mọi loại hàng hóa cơ bản, kể cả sức lao động, cùng lúc được giá cả làm cho cân bằng. Và thách thức của ông gợi ý một chiều hướng mới cho việc hoạch định chính sách: Chính phủ có thể phải chịu thâm hụt để duy trì toàn dụng lao động.

Những phương trình tổng gộp làm nền tảng cho “lý thuyết tổng quát” của Keynes vẫn rất phổ biến trong các sách giáo khoa kinh tế và định hình nên các chính sách kinh tế vĩ mô. Ngay cả những ai kiên quyết cho rằng kinh tế thị trường hướng tới toàn dụng lao động cũng buộc phải bảo vệ lập luận của mình trong khuôn khổ lý thuyết mà Keynes tạo ra. Các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất để đảm bảo sự cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu, bởi vì nhờ Keynes mà ta biết rằng trạng thái cân bằng có thể sẽ không tự động xảy ra.

Di sản lớn thứ hai của Keynes là quan điểm cho rằng các chính phủ có thể và nên ngăn ngừa tình trạng suy thoái. Việc quan điểm này đã được chấp nhận rộng rãi có thể được nhìn thấy trong phản ứng chính sách mạnh mẽ đối với khủng hoảng 2008-2009 và phản ứng thụ động trước cuộc Đại suy thoái 1929-1932. Như người đoạt giải Nobel Kinh tế – Robert Lucas, một người chống tư tưởng của Keynes – thừa nhận hồi năm 2008: “Có lẽ tất cả mọi người đều theo học thuyết của Keynes khi gặp khủng hoảng.”[1]

Tuy nhiên, lý thuyết cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động” của Keynes giờ đây không còn được chấp nhận bởi hầu hết các nhà kinh tế và hoạch định chính sách. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khẳng định điều này. Khủng hoảng phủ nhận phiên bản cực đoan của ý tưởng về “nền kinh tế tự điều chỉnh một cách tối ưu”; nhưng nó vẫn không khôi phục lại uy tín cho phương pháp tiếp cận của Keynes.

Chắc chắn là các biện pháp của Keynes đã giúp dừng đà lao dốc của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng cũng tạo ra gánh nặng thâm hụt lớn cho các chính phủ, và điều này nhanh chóng được xem là trở ngại cho sự phục hồi – trái ngược với những gì Keynes đã nói. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nên các chính phủ đã quay lại với kinh tế học chính thống trước Keynes, cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách – và làm giảm sự phục hồi của nền kinh tế trong quá trình đó.

Có ba lý do chính lý giải cho sự trở lại này. Đầu tiên, niềm tin vào sức mạnh của giá cả trong việc cân bằng cung cầu thị trường lao động trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều xem tình trạng thất nghiệp dai dẳng như là một trường hợp khác thường, chỉ phát sinh khi tình hình đã rất tồi tệ, và nó chắc chắn không phải là trạng thái bình thường của nền kinh tế thị trường. Việc bác bỏ khái niệm “bất định cực đoan” (radical uncertainty) của Keynes nằm ở trung tâm nguyên nhân khiến họ quay trở lại với các lý thuyết trước Keynes.

Thứ hai, các chính sách “quản lý cầu” (demand-management) của Keynes thời hậu chiến vốn tạo ra thời kỳ bùng nổ sau năm 1945 đã dẫn đến rắc rối lạm phát vào cuối những năm 1960. Nhận thấy sự đánh đổi ngày càng tồi tệ giữa lạm phát và thất nghiệp, các nhà hoạch định chính sách theo Keynes đã cố gắng để duy trì sự bùng nổ kinh tế thông qua chính sách về thu nhập – kiểm soát chi phí lương bằng việc ký các thỏa ước quốc gia với các công đoàn.

Chính sách thu nhập đã được thử nghiệm ở nhiều nước từ những năm 1960 đến cuối những năm 1970. Dù đã có những thành công tạm thời, nhưng chính sách này luôn gặp thất bại. Khi đó, Milton Friedman đã đưa ra một giải thích phù hợp cho sự thất vọng ngày càng tăng về khả năng kiểm soát lương và giá cả, và tái khẳng định các quan điểm trước Keynes về cách hoạt động của nền kinh tế thị trường. Lạm phát, theo Friedman, là kết quả từ nỗ lực của các chính phủ theo Keynes nhằm buộc thất nghiệp xuống dưới tỷ lệ “tự nhiên”. Chìa khóa để ổn định lại giá cả là từ bỏ các cam kết toàn dụng lao động, làm các công đoàn yếu đi, và bãi bỏ việc điều tiết hệ thống tài chính.

Và do đó, kinh tế học chính thống cũ đã được tái sinh. Mục tiêu toàn dụng nhân công đã được thay thế bởi mục tiêu lạm phát, và thất nghiệp được thả nổi để tự trở về tỷ lệ “tự nhiên”, bất chấp tỷ lệ đó là bao nhiêu. Đây chính là sự chuyển hướng sai lầm khiến các chính trị gia “đâm cật lực vào tảng băng trôi” hồi năm 2008.

Lý do cuối cùng khiến chủ nghĩa Keynes không còn được quan tâm là sự thay đổi về ý thức hệ sang cánh hữu, bắt đầu với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Sự chuyển đổi này không hẳn là do các chính sách của Keynes bị phản đối, mà phần lớn là vì thái độ thù địch đối với vai trò mở rộng của nhà nước nổi lên sau Thế chiến II. Chính sách tài khóa của Keynes đã mắc kẹt giữa hai làn đạn,và nhiều người thuộc cánh hữu đã lên án nó như là biểu hiện của sự can thiệp “quá mức” của chính phủ vào nền kinh tế.

Hai lý do cuối cùng gợi lên một vai trò mới, dù khiêm tốn, cho kinh tế học Keynes. Đối với kinh tế học chính thống trước 2008, cú sốc còn lớn hơn vụ khủng hoảng chính là việc phát giác ra quyền lực hủ bại của hệ thống tài chính và mức độ mà các chính phủ sau khủng hoảng đã cho phép các ngân hàng chi phối chính sách của mình. Kiểm soát thị trường tài chính nhằm hướng đến toàn dụng lao động và công bằng xã hội chính là truyền thống của kinh tế học Keynes.

Thứ hai, đối với các thế hệ sinh viên mới, sự phù hợp của Keynes có thể ít nằm trong những biện pháp cụ thể mà ông đề ra nhằm giải quyết thất nghiệp, mà nằm trong nhưng chỉ trích của ông đối với kinh tế học vì mô hình hóa nền kinh tế dựa vào các giả định không thực tế. Những sinh viên kinh tế mong muốn thoát khỏi thế giới ma của những tác nhân tối ưu hóa để bước vào một thế giới của những con người bằng xương bằng thịt thực thụ, gắn với lịch sử, văn hóa, và thể chế của họ, sẽ có cảm tình với kinh tế học Keynes. Đó là lý do tại sao tôi mong rằng Keynes sẽ tiếp tục hiện diện thêm 20 năm nữa kể từ bây giờ, đến ngày kỷ niệm 100 năm của “Lý thuyết tổng quát”, và còn lâu hơn thế nữa.

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Keynes’s General Theory at 80

[1] Nguyên văn: “I guess everyone is a Keynesian in a foxhole”. Foxhole là hầm trú ẩn cá nhân trong chiến tranh. Có một câu nói nổi tiếng là “There are no atheists in foxholes”, nghĩa là khi ngồi trong hầm cá nhân thì không ai còn là kẻ vô thần, ngụ ý khi đối mặt với sự sợ hãi và cái chết, ai cũng sẽ cầu mong chúa trời hay các lực lượng bề trên sẽ giúp che chở, bảo vệ cho họ, và vì vậy không còn ai là kẻ vô thần trong tình huống đó. Câu nói của Lucas hàm ý tương tự, khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ai cũng sẽ nghĩ tới lý thuyết của Keynes, không còn ai không tin vào nó nữa (NBT).

http://nghiencuuquocte.org/2016/03/07/nhin-lai-ly-thuyet-tong-quat-cua-keynes-sau-80-nam/#sthash.0LS2d3Kw.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Nhà văn An Nam khổ như..."



S.N.M: "... Nhà văn An nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết... Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!" Đó là 1 đoạn trong bài thơ "Gửi Trương Tửu", của nhà thơ Nguyễn Vỹ.
Bây giờ nhà văn vẫn khổ, nhưng khổ cách khác. Nhà thơ Vương Tâm vừa bóc "củ hành Sương Nguyệt Minh" trên tờ An Ninh Thế Giới (cuối tháng) từng lớp, từng lớp... Bao giờ thì đến lõi, mà hành thì có lõi bao giờ đâu?!
DẤN THÂN VÀ BÙNG NỔ
(Bài viết của Vương Tâm)
Đọc tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh tôi luôn có cảm giác hồi hộp chờ đợi một cơn lốc tâm hồn chợt đến. Đó là trường cảm xúc dồi dào, lay động, cuốn hút người đọc chăm chú đến nút kết cuối cùng của câu chuyện. Ngỡ như anh là người trầm tĩnh suy tư, nhưng khi gặp mặt tôi mới hay, anh đôn hậu và chân tình. Anh bộc bạch đủ mọi chuyện, kể cả những ví von hài hước, châm biếm ngay chính mình. Tôi lại bị thu hút đúng như khi đọc truyện của anh. Lúc ngạc nhiên, lúc lại bật cười...
1. Bán nước trước khi bán chữ
Sự nghiệp văn chương chưa đâu vào đâu, Nguyễn Ngọc Sơn (tên thật của nhà văn Sương Nguyệt Minh) đã lấy vợ năm 1986 và quyết dấn thân vào con đường buôn bán kiếm tiền. Thuở chế độ bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên như anh chàng Sơn 28 tuổi ngày đó, còn nhiều cam go lắm. Cho dù đã ở cấp thượng úy làm tuyên huấn tại Học viện Quân y, nhưng đâu có đủ tiền nuôi vợ, khi ấy còn là sinh viên năm thứ nhất. Đến khi có con trai đầu lòng, chẳng còn cách nào khác phải lén ngầm đi buôn bán kiếm tiền mua sữa cho con.
Đầu tiên là nuôi gà giống tại nhà, nhưng không biết cách nuôi chết cả đống, mất cả chì lẫn chài. Sau về tận quê Ninh Bình buôn trứng vịt lộn, cũng sôi hỏng bỏng không, vì đâu có biết gì. Hàng trăm quả trứng, bọc giấy nhét cả vào thùng sắt thế là đi tong. Xe nó xóc cho đến người cũng nôn ọe nữa là trứng. Hai vợ chồng cùng khóc trong đêm tối không dám cho bà con tập thể biết. Tờ mờ sáng đem cả thúng trứng vỡ đổ xuống ao. Toi mất hết số vốn để dành cả năm trời. Ngẫm thấy kiếm tiền nuôi vợ con sao mà khó. Nhưng không nản, chàng thượng úy Sơn lại dấn thân một chuyến buôn nữa, vào tận “Sè Gòn” chơi một quả toàn tập: quần, áo lót đàn bà. Một cây vàng làm vốn chứ đâu ít của. Đóng liền hai thùng chật ních hàng.
Sơn ta nghĩ phen này quyết làm giầu, không một vốn bốn lời, thì cũng phải một bung thành hai. Đúng là trời không có mắt chẳng ủng hộ người nghèo. Hai vợ chồng khênh hàng đi đâu cũng chẳng ai mua. Vì sao không biết. Mẫu mã ư? Không rất đẹp mà. Chất liệu ư? Đâu có, toàn vải xịn bóng mượt. Hay là giá cả? Hạ lấy vốn cũng chẳng ai thèm. Thế mới chết. Sau cùng mới vỡ nhẽ vì kích cỡ bé quá. Mua nhầm hàng. Thế là muốn khóc không còn nước mắt. Vì nó ức! Chẳng lẽ đấm ngực mà chết!? Vỡ mộng làm giầu lại quay về làm cái anh thượng úy đủ tiền mua tem phiếu như ngày nào. Sơn ta chỉ biết thở dài ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nhưng vẫn chưa hết nhé. Dù sao trời cũng không phụ lòng người. Có gan làm giầu. Thua keo này bày keo khác. Phút lóe sáng trong một thời cơ mà chỉ có thượng úy Sơn mới nghĩ ra. Đó là việc đào giếng khoan nước bán cho các hộ dân ở khu tập thể của Học viện Quân y. Bởi ngày ấy cả khu hỏng nguồn nước máy. Nghe chừng không biết bao giờ có nước trở lại. Sớm tối, đêm hôm mọi người thay nhau đi hứng nước và đi xin nước ở tận xa. Trong cơn cồn cào khát nước ấy, Sơn ta có ý tưởng mới lạ, khoan giếng bán nước. Giếng sâu cả trăm mét mới có nước sạch. Hai trăm rưỡi hộ dân trong khu tập thể của Học viện kìn kìn đến mua. Thế là ông chủ máy nước Nguyễn Ngọc Sơn nổi lên như một hiện tượng tài ba. Nhưng rồi cuối cùng lộc đến cũng chẳng được là bao khi nguồn nước chính được khôi phục. Thôi thì cứ gọi là một chuyến làm ăn thành công duy nhất trong đời của mình cũng an ủi phần nào cho anh chàng chuyên trách tuyên huấn nghèo rớt mùng tơi...
Nhưng sau những vụ làm ăn đổ bể, lại quá vất vả, chàng thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn bỗng nhận ra mình phải quẳng mọi bon chen, xô đẩy, quay về với ước mơ từ thời trai trẻ. Đó là mộng văn chương. Thế là anh rũ hết mọi chuyện mưu sinh chạy chợ cò con. Quả không ngờ Nguyễn Ngọc Sơn đã trở về với chính mình. Những con chữ cuồn cuộn tuôn chảy. Ngay những đêm đầu tiên cầm bút, mọi chuyện trùng điệp trở về, với những hình ảnh làng quê, hay ký ức của một thời cầm súng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường Cam Pu Chia. Nóng bỏng và quyết liệt. Đó là những đêm thức trắng không còn biết mệt mỏi. Cuộc dấn thân mới bắt đầu từ đây.
2. Sự bùng nổ bất ngờ
Ngay tác phẩm đầu tiên Nguyễn Ngọc Sơn đã gặp sự cố kỳ lạ với cái bút danh bị biến hóa. Đó là truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, ban đầu với cái tên tác giả là Sơn Nguyệt Minh, trong bản thảo. Bút danh được ghép bởi ba cái tên Sơn (tác giả) với tên vợ là Nguyệt và con là Minh. Nhưng không hiểu sao khi in ra lại thành Sương Nguyệt Minh. Ngay ở một số bài báo in ở báo Quân đội nhân dân, hay vài nơi khác cũng bị người đánh máy sửa thành Sương Nguyệt Minh. Thậm chí có nơi còn in sai hẳn thành Sương Nguyệt Ánh. Nói mãi không được, cái tên Sương Nguyệt Minh được in đi in lại thành danh xưng, thôi đành chịu. Thế là nhà văn trẻ quân đội lúc đó mang tên Sương Nguyệt Minh ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Cho đến tận bây giờ vẫn không hay cái tên ấy bị thay đổi từ đâu và do ai gây ra.
Nhưng cái bút danh đầy trắc trở ấy cũng gắn với những sự cố ngay sau khi truyện “Nỗi đau dòng họ” in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (5-1992). Dân quê anh ở Yên Mỹ xôn xao về truyện ngắn này kể về sự mâu thuẫn giữa hai dòng họ trong làng. Một dòng họ đối địch còn cử người đại diện lên tận Hà Nội kiện tác giả vì cho là đã bêu xấu họ trên báo chí. Họ còn lùng tìm và điều tra ai là tác giả. Khi biết chính cái tên Nguyễn Ngọc Sơn, người làng Yên Mỹ là tác giả Sương Nguyệt Minh, họ còn đe dọa nếu anh về làng sẽ ăn no đòn, không tha. Đúng là sau đó phải ba năm sau, nhà văn trẻ Sương Nguyệt Minh mới dám về làng, dưới sự bảo vệ của những thanh niên trai tráng thuộc dòng họ Nguyễn nhà anh. Nhưng vẫn chưa hết vận hạn. Cũng bởi sự kiện tụng đó mà truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, tuy được đánh giá là hay, nhưng không được đưa vào diện xét giải cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm ấy. Có thể nói truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” mở đầu cho sự nghiệp văn học của Sương Nguyệt Minh. Cho dù trước đó từ những năm từ 1975 đến 1978, anh đã từng viết không ít cho báo chí, nhưng đúng là khi dấn thân vào lĩnh vực văn chương anh đã nổi lên như một hiện tượng, với sự cố bất ngờ. Đồng thời truyện ngắn này là sự khích lệ sau đó cho một loạt truyện ngắn và những tập sách ra đời của Sương Nguyệt Minh. Năm 1998, anh được chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên. Sau đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh làm Trưởng ban Văn xuôi, với quân hàm đại tá. Đến năm 2007, anh viết đơn xin thôi chức để chuyển sang ban Sáng tác của tạp chí cho đến nay.
Nói về những hệ lụy văn chương, Sương Nguyệt Minh còn kể đến cuộc tấn công ghê gớm khác vào tác phẩm của anh. Đó là dư luận dồn dập tranh luận về tập truyện ngắn Dị Hương, khi được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010. Có những bài viết khảo luận về tập truyện ngắn Dị Hương, với những thẩm định chủ quan và có phần suy luận sai lệch, được một tờ báo mạng in đúng ngày mùng một tết 2011. Cả nhà anh sửng sốt với dư luận ồn ào nói về “Dị Hương” đã bôi nhọ lịch sử, sai lệch về tư tưởng, không đáng được giải thưởng... Không khí đượm buồn trong ngày xuân làm cả nhà không vui. Bạn bè đồng nghiệp có người còn nghi kị, hay lo sợ nhà văn Sương Nguyệt Minh sụp đổ tinh thần. Nhưng anh vẫn tỏ ra bình tĩnh với một bản lĩnh kiên cường của người lính. Bởi anh biết họ, những người gây sóng gió cho anh, không hề khách quan mà còn có những sai lệch trong những quy kết chụp mũ. Thậm chí có người còn đọc không kỹ lưỡng đã phát ngôn thiếu trách nhiệm nên anh cùng những người thân trong gia đình giữ vững tinh thần và im lặng không nóng vội cãi vã hay đăng đàn tranh luận. Mọi chuyện dần tắt sau hai tháng ồn ào, nhưng dù sao cũng để lại dư âm, vang vọng nỗi sầu nhân thế.
Không ngờ hai năm sau sóng gió lại nổi lên, khi Sương Nguyệt Minh đưa tiểu thuyết đầu tay của mình dự Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014. Đó là cuốn “Miền Hoang” nói về cuộc sống chiến tranh của những người lính về cả hai phía địch ta. Tác giả đã có nhiều tìm tòi nghệ thuật biểu hiện tâm lý nhân vật, với con mắt tinh tế, khi soi sáng số phận và tính cách đối kháng của những nhân vật đầy phức tạp. Họ sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, phải dựa vào nhau, khi bị lạc trong một miền rừng núi, hoang vu. Mỗi người là một câu chuyện, với những số phận đưa đẩy họ vào cuộc chiến. Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng. Vậy mà dư luận lại nổ bùng với nhiều sự soi sét khác nhau trên văn đàn. Đặc biệt cuốn sách còn được mổ xẻ kỹ đến mức Hội đồng chấm giải phải luận bàn đến mấy buổi. Cuối cùng “Miền Hoang” không được vào giải. Quả là một sự kiện văn học còn phải khám phá nếu cần thiết.
3. Khắc khoải những dư chấn
Nhưng thật bất ngờ sau đó tiểu thuyết “Miền Hoang” lại được nhận Giải sách hay năm 2015 do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng. Đúng là đường đời muôn nỗi. Những hệ lụy của tác phẩm văn học khá khách quan, khi thuận, khi nghịch không thể ngăn cản. Sự dấn thân là một quá trình lao động khổ sai. Mọi ý tưởng đôi khi trượt khỏi những biến hóa của đời sống nhân vật, nếu bản lĩnh nghệ thuật của tác giả không vững vàng. Hơn nữa, giữa muôn vàn lớp sóng của đại dương dư luận, nếu con tầu văn học không bị chòng trành mới là chuyện lạ. Nhưng con tầu vẫn hướng tới chân trời. Đó mới chính là đời sống văn học. Và, những tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chính vì thế mà trở thành hiện tượng đáng được bạn đọc quan tâm.
(Nhà thơ Vương Tâm)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quốc Hội nước Đức thời Hitler và bài học cho nước Việt.


>> "Không ai cứu được Minh Béo, luôn cả Obama"
>> Giá như Thủ tướng mạnh tay hơn…!
>> Khi dân biết thì mọi sự đã rồi
>> Nhiều người tàn ác, trục lợi trên sự sống chết của đồng bào
>> Cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp đang ‘chết lâm sàng’


FB Nguyễn Văn Thạch
Trong thế giới loài người, không có gì sinh ra là hoàn hảo. Các dân tộc mà hiện nay được đánh giá là văn minh, họ cũng đã từng đi qua những sai lầm kinh khủng. Hơn nhau là ở chỗ biết rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Nước Đức, trước thời Hitler đã là một nước dân chủ. Khi đó, người dân đi bầu đại diện của mình để lập nên nghị viện (QH) đại diện cho ý chí người dân Đức.

Nhưng rồi, trong thời gian Hitler cầm quyền, Nghị viện nước Đức đã làm một việc rất tùy tiện và sai trái. Đó là: vào tháng 3 năm 1933, Nghị viện thông qua Đạo luật trao quyền, cho phép Hitler và nội các của ông ta thông qua các bộ luật mà không cần đến sự đồng thuận của tổng thống hay Nghị viện.

Dựa trên đạo luật này, Hitler mặc sức tự tung, tự tác nhưng vẫn "hợp pháp". Và tai họa kinh hoàng đã đến với người dân Đức cũng như thế giới như ta đã biết.

Thời nay, với lý thuyết dân chủ bầu cử, Quốc Hội được trao cho quyền tối cao đại diện cho toàn dân. Do vậy nhân dân phải quan tâm, chú ý trước mỗi hành động của QH.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện quái gì đang diễn ra trong giới trẻ?


   Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Mâu thuẫn trên Facebook: chém! Va chạm trong giao thông: đâm! Gây gổ trong phòng trọ: tạt a xít… Chuyện quái gì đang xảy ra trong “một bộ phận không nhỏ” giới trẻ vậy, khi “ai làm trái ý chúng là chúng muốn giết ngay người đó”, như lời thoại của một vở tuồng cải lương…?
Nói “một bộ phận không nhỏ” trong chuyện bạo lực và phạm tội của giới trẻ hiện nay thì không phải là cách nói vơ, nói tránh nữa, mà sự thực là vậy. Theo một thống kê vào năm ngoái, có đến 75% số tội phạm hình sự đang thuộc về giới trẻ, có nghĩa là cứ có 4 kẻ phạm tội thì có 3 kẻ là những người còn trẻ.
Một “tương lai” u ám, bận rộn cho các ngành hình luật, bởi theo các nhà tội phạm học, khi trẻ em sớm phạm tội thì nhiều khả năng khi trưởng thành sẽ trở thành những tên tội phạm chuyên nghiệp.
Tội phạm trẻ đang nhiều đến mức… thiếu cả nhà tù để giam giữ. Cũng theo thống kê năm ngoái, cả nước thiếu hàng chục ngàn chỗ để giam giữ. Cụ thể là tạm giam thiếu 14.000 chỗ, tạm giữ thiếu 12.000 chỗ.
Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Hẳn phải có chuyện gì, một nguyên nhân sâu xa gì đó ở trong đầu óc, tư tưởng để những kẻ phạm tội trẻ tuổi kia suy nghĩ và chuyển sang hành động phạm tội một cách dễ dàng, hung hãn, tàn bạo thế kia.
Có thể so sánh các thời kỳ để tìm ra nguyên nhân của các “chuyện quái” đó. Như thời chiến tranh với những chuyện bắn giết lan tràn, giới trẻ đa số vẫn là những người mang trong người những lý tưởng cao đẹp. Rồi thời bao cấp khó khăn muôn vàn, những người trẻ vẫn là những người xung phong ra chiến trận, đi đầu trong công cuộc khai hoang phục hoá.
Phải chăng khi cuộc sống đã “no cơm ấm cật” thì còn người lại “rậm rật rững mỡ”? Cái lý tưởng chung, nơi tập hợp mọi con người, đã phai nhạt? Thật dễ có cảm giác con người ngày nay tan rã thành những nguyên tử, thành những “con sói đối với những con sói” như nhà triết học Thomas Hobbes đã từng đề cập, mà vụ án My “Sói” là khá điển hình.
Trẻ con ngày trước có rất nhiều “góc sân và khoảng trời” để chơi những trò chơi dân gian hồn nhiên và hát những bài đồng dao. Ngày nay, chúng chẳng còn lại gì cả ngoài những khoảng trống trước những màn hình trò chơi điện tử hay truyền hình.
Ngày xưa, bà mẹ của Mạnh Tử đã ba lần phải dời nhà để tránh cho con bị ảnh hưởng bởi những bãi tha ma, những phiên chợ hay lò sát sinh. Ngày nay, các bậc cha mẹ không thể dời nhà đi đâu mà tránh được các “lò sát sinh”, vì nó hiện diện ngay trong mỗi căn nhà.
Đó là màn hình trò chơi và điện ảnh. Theo một báo cáo từ nước Mỹ, đất nước cái gì cũng có thống kê, thì một trẻ em Mỹ khi sống đến 18 tuổi trung bình chứng kiến khoảng 200.000 cảnh bạo lực trong đó có 40.000 vụ giết người. Nửa trong số 10 trò chơi bán chạy nhất ở Mỹ có nội dung “Bắn ngay kẻ bạn gặp lần đầu tiên”!
Nước ta chưa có con số thống kê đó và có người sẽ cho là không đúng nếu đổ thừa cho việc giới trẻ bạo hành là ảnh hưởng từ phim ảnh và trò chơi. Nhưng nhà nghiên cứu nổi tiếng về phân tích tác động của bạo lực và phân tích xung đột Jan Arnow cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có thói quen huấn luyện trẻ nhỏ phải biết căm thù và sợ hãi.
Nghiên cứu ở Cuba, bà đã nhận được lời khẳng định ảnh hưởng của màn hình đối với giới trẻ. Những nhà sư phạm của hòn đảo tương đối biệt lập này nói: “Chúng tôi yên bình cho đến khi người ta nhập vào đất nước những trò chơi điện tử chứa đầy bạo lực. Họ giờ đã có thể chứng kiến bạo lực leo thang, bắt nạt và xung đột khó giải trong môi trường sư phạm của mình”.
Làm sao để giải những thai đố nan giải trên? Xây dựng, phát triển những gì đây, thay vì phải xây thêm nhà tù và nâng tuổi trẻ em lên để dễ bề trừng phạt?
Đó là câu chuyện của các nhà sư phạm, các nhà văn hoá, xã hội, tâm lý, hình luật, quản lý…
Chuyện đã đến mức trầm trọng mà các vị đã biến đi đâu mất rồi, sao không thấy xuất hiện…?
Đoàn Đạt 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Mất Hoàng Sa có nhiều lý do, trong đó có lý do 'tin bạn mất bò''


   Theo đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), tham nhũng không không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà còn cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, trở thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, quá nguy hiểm cho quốc gia.
Thủ tướng cần tuyên thệ chống tham nhũng
Ngày 1.4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị cần phải đặt nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu. Theo ông Hùng, Quốc hội đã thông qua luật phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này nhưng thực tế tham nhũng ngày càng tinh vi, lan rộng.
“Tham nhũng không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, nguy hiểm cho quốc gia”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề suy thịnh của quốc gia. Ông Hùng cho rằng, cách dùng từ "chú trọng, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí" lâu nay Chính phủ dùng là chưa đủ mạnh.
Đại biểu Hùng đề nghị tân Thủ tướng cần có tuyên thệ về chống tham nhũng, lãng phí. Hãy coi chống tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm, chống lại như chống giặc ngoại xâm.
"Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí. Do vậy cần có biện pháp, giải pháp đồng bộ, thực hiện với quyết tâm cao hơn”, ông Hùng nói.
Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, một khi cơ chế xin cho còn đất sống thì dân còn bị nhũng nhiễu. Vì đã xin thì phải có cái gì đó cho mới xin được. Ông Tiến đánh giá nhiều người thi hành công vụ chưa xem mình là công bộc của dân.
“Cái gì cũng chạy. Chạy chức chạy quyền, chạy cả luân chuyển, chạy ai, ai chạy? Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến không cần phải chạy”, ông Tiến nói.
Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cũng đưa ra một số nhận định tại phiên họp, đó là bộ máy chính trị cồng kềnh, hàng năm ngốn ngân sách hàng triệu tỉ đồng. Theo ông Tiến, cần nhất thể hóa một số bộ máy Đảng và Nhà nước. Về công tác cán bộ thì một số trường hợp nên đưa về gần dân, sát dân, hiểu dân trước khi làm cán bộ.
Không quên bài học Hoàng Sa
Trước tình hình Biển Đông đang ngày một nóng, đại biểu Vũ Công Tiến cũng đã bày tỏ quan điểm trước vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội.
“Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng trong đó có lý do “tin bạn mất bò”. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng”, ông Tiến nói.
Đồng thời, ông Tiến cũng hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.
Trong khi đó đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Theo đại biểu này, cần tập trung xây dựng thế trận các tỉnh thành, ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực, tăng cường phòng thủ biển đảo.
“Cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển. Tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị rằng cần thể chế hóa hơn nữa để tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, nhất là quốc phòng kết hợp với làm kinh tế.
Trí Lâm
Phần nhận xét hiển thị trên trang