Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Nhìn lại ‘Lý thuyết tổng quát’ của Keynes sau 80 năm


Kinh tế học chính thống cũ đã được tái sinh. Mục tiêu toàn dụng nhân công đã được thay thế bởi mục tiêu lạm phát, và thất nghiệp được thả nổi để tự trở về tỷ lệ “tự nhiên”, bất chấp tỷ lệ đó là bao nhiêu. Đây chính là sự chuyển hướng sai lầm khiến các chính trị gia “đâm cật lực vào tảng băng trôi” hồi năm 2008.

Trong lá thư gửi cho George Bernard Shaw vào năm 1935, John Maynard Keynes viết: “Tôi tin là mình đang viết một cuốn sách về lý thuyết kinh tế nhìn chung sẽ cách mạng hóa – không phải ngay lập tức, nhưng có thể trong mười năm nữa – cách mà thế giới suy nghĩ về các vấn đề kinh tế của mình.” Và thực sự thì tác phẩm lớn của Keynes, “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest and Money) xuất bản vào tháng 2/1936 thực sự đã thay đổi kinh tế học và việc hoạch định chính sách kinh tế. Giờ đây, sau 80 năm, liệu lý thuyết của Keynes có còn phù hợp không?



Hai trong số các di sản của Keynes dường như vẫn còn trụ vững. Đầu tiên, Keynes phát minh ra kinh tế học vĩ mô – lý thuyết về đầu ra như một tổng thể. Ông gọi lý thuyết của mình là lý thuyết “tổng quát” để phân biệt với những lý thuyết trước đó, trong đó giả định một đầu ra duy nhất – trạng thái toàn dụng lao động.

Để cho thấy cách kinh tế học có thể bị mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động,” Keynes đã thách thức lập luận trung tâm của kinh tế học chính thống thời đó: đó là thị trường của mọi loại hàng hóa cơ bản, kể cả sức lao động, cùng lúc được giá cả làm cho cân bằng. Và thách thức của ông gợi ý một chiều hướng mới cho việc hoạch định chính sách: Chính phủ có thể phải chịu thâm hụt để duy trì toàn dụng lao động.

Những phương trình tổng gộp làm nền tảng cho “lý thuyết tổng quát” của Keynes vẫn rất phổ biến trong các sách giáo khoa kinh tế và định hình nên các chính sách kinh tế vĩ mô. Ngay cả những ai kiên quyết cho rằng kinh tế thị trường hướng tới toàn dụng lao động cũng buộc phải bảo vệ lập luận của mình trong khuôn khổ lý thuyết mà Keynes tạo ra. Các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất để đảm bảo sự cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu, bởi vì nhờ Keynes mà ta biết rằng trạng thái cân bằng có thể sẽ không tự động xảy ra.

Di sản lớn thứ hai của Keynes là quan điểm cho rằng các chính phủ có thể và nên ngăn ngừa tình trạng suy thoái. Việc quan điểm này đã được chấp nhận rộng rãi có thể được nhìn thấy trong phản ứng chính sách mạnh mẽ đối với khủng hoảng 2008-2009 và phản ứng thụ động trước cuộc Đại suy thoái 1929-1932. Như người đoạt giải Nobel Kinh tế – Robert Lucas, một người chống tư tưởng của Keynes – thừa nhận hồi năm 2008: “Có lẽ tất cả mọi người đều theo học thuyết của Keynes khi gặp khủng hoảng.”[1]

Tuy nhiên, lý thuyết cân bằng “dưới mức toàn dụng lao động” của Keynes giờ đây không còn được chấp nhận bởi hầu hết các nhà kinh tế và hoạch định chính sách. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khẳng định điều này. Khủng hoảng phủ nhận phiên bản cực đoan của ý tưởng về “nền kinh tế tự điều chỉnh một cách tối ưu”; nhưng nó vẫn không khôi phục lại uy tín cho phương pháp tiếp cận của Keynes.

Chắc chắn là các biện pháp của Keynes đã giúp dừng đà lao dốc của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng cũng tạo ra gánh nặng thâm hụt lớn cho các chính phủ, và điều này nhanh chóng được xem là trở ngại cho sự phục hồi – trái ngược với những gì Keynes đã nói. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nên các chính phủ đã quay lại với kinh tế học chính thống trước Keynes, cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách – và làm giảm sự phục hồi của nền kinh tế trong quá trình đó.

Có ba lý do chính lý giải cho sự trở lại này. Đầu tiên, niềm tin vào sức mạnh của giá cả trong việc cân bằng cung cầu thị trường lao động trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều xem tình trạng thất nghiệp dai dẳng như là một trường hợp khác thường, chỉ phát sinh khi tình hình đã rất tồi tệ, và nó chắc chắn không phải là trạng thái bình thường của nền kinh tế thị trường. Việc bác bỏ khái niệm “bất định cực đoan” (radical uncertainty) của Keynes nằm ở trung tâm nguyên nhân khiến họ quay trở lại với các lý thuyết trước Keynes.

Thứ hai, các chính sách “quản lý cầu” (demand-management) của Keynes thời hậu chiến vốn tạo ra thời kỳ bùng nổ sau năm 1945 đã dẫn đến rắc rối lạm phát vào cuối những năm 1960. Nhận thấy sự đánh đổi ngày càng tồi tệ giữa lạm phát và thất nghiệp, các nhà hoạch định chính sách theo Keynes đã cố gắng để duy trì sự bùng nổ kinh tế thông qua chính sách về thu nhập – kiểm soát chi phí lương bằng việc ký các thỏa ước quốc gia với các công đoàn.

Chính sách thu nhập đã được thử nghiệm ở nhiều nước từ những năm 1960 đến cuối những năm 1970. Dù đã có những thành công tạm thời, nhưng chính sách này luôn gặp thất bại. Khi đó, Milton Friedman đã đưa ra một giải thích phù hợp cho sự thất vọng ngày càng tăng về khả năng kiểm soát lương và giá cả, và tái khẳng định các quan điểm trước Keynes về cách hoạt động của nền kinh tế thị trường. Lạm phát, theo Friedman, là kết quả từ nỗ lực của các chính phủ theo Keynes nhằm buộc thất nghiệp xuống dưới tỷ lệ “tự nhiên”. Chìa khóa để ổn định lại giá cả là từ bỏ các cam kết toàn dụng lao động, làm các công đoàn yếu đi, và bãi bỏ việc điều tiết hệ thống tài chính.

Và do đó, kinh tế học chính thống cũ đã được tái sinh. Mục tiêu toàn dụng nhân công đã được thay thế bởi mục tiêu lạm phát, và thất nghiệp được thả nổi để tự trở về tỷ lệ “tự nhiên”, bất chấp tỷ lệ đó là bao nhiêu. Đây chính là sự chuyển hướng sai lầm khiến các chính trị gia “đâm cật lực vào tảng băng trôi” hồi năm 2008.

Lý do cuối cùng khiến chủ nghĩa Keynes không còn được quan tâm là sự thay đổi về ý thức hệ sang cánh hữu, bắt đầu với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Sự chuyển đổi này không hẳn là do các chính sách của Keynes bị phản đối, mà phần lớn là vì thái độ thù địch đối với vai trò mở rộng của nhà nước nổi lên sau Thế chiến II. Chính sách tài khóa của Keynes đã mắc kẹt giữa hai làn đạn,và nhiều người thuộc cánh hữu đã lên án nó như là biểu hiện của sự can thiệp “quá mức” của chính phủ vào nền kinh tế.

Hai lý do cuối cùng gợi lên một vai trò mới, dù khiêm tốn, cho kinh tế học Keynes. Đối với kinh tế học chính thống trước 2008, cú sốc còn lớn hơn vụ khủng hoảng chính là việc phát giác ra quyền lực hủ bại của hệ thống tài chính và mức độ mà các chính phủ sau khủng hoảng đã cho phép các ngân hàng chi phối chính sách của mình. Kiểm soát thị trường tài chính nhằm hướng đến toàn dụng lao động và công bằng xã hội chính là truyền thống của kinh tế học Keynes.

Thứ hai, đối với các thế hệ sinh viên mới, sự phù hợp của Keynes có thể ít nằm trong những biện pháp cụ thể mà ông đề ra nhằm giải quyết thất nghiệp, mà nằm trong nhưng chỉ trích của ông đối với kinh tế học vì mô hình hóa nền kinh tế dựa vào các giả định không thực tế. Những sinh viên kinh tế mong muốn thoát khỏi thế giới ma của những tác nhân tối ưu hóa để bước vào một thế giới của những con người bằng xương bằng thịt thực thụ, gắn với lịch sử, văn hóa, và thể chế của họ, sẽ có cảm tình với kinh tế học Keynes. Đó là lý do tại sao tôi mong rằng Keynes sẽ tiếp tục hiện diện thêm 20 năm nữa kể từ bây giờ, đến ngày kỷ niệm 100 năm của “Lý thuyết tổng quát”, và còn lâu hơn thế nữa.

Robert Skidelsky, Giáo sư hưu trí chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài ba tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về các vấn đề Ngân khố trong Thượng Nghị viện, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Keynes’s General Theory at 80

[1] Nguyên văn: “I guess everyone is a Keynesian in a foxhole”. Foxhole là hầm trú ẩn cá nhân trong chiến tranh. Có một câu nói nổi tiếng là “There are no atheists in foxholes”, nghĩa là khi ngồi trong hầm cá nhân thì không ai còn là kẻ vô thần, ngụ ý khi đối mặt với sự sợ hãi và cái chết, ai cũng sẽ cầu mong chúa trời hay các lực lượng bề trên sẽ giúp che chở, bảo vệ cho họ, và vì vậy không còn ai là kẻ vô thần trong tình huống đó. Câu nói của Lucas hàm ý tương tự, khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ai cũng sẽ nghĩ tới lý thuyết của Keynes, không còn ai không tin vào nó nữa (NBT).

http://nghiencuuquocte.org/2016/03/07/nhin-lai-ly-thuyet-tong-quat-cua-keynes-sau-80-nam/#sthash.0LS2d3Kw.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Nhà văn An Nam khổ như..."



S.N.M: "... Nhà văn An nam khổ như chó!/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết... Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!" Đó là 1 đoạn trong bài thơ "Gửi Trương Tửu", của nhà thơ Nguyễn Vỹ.
Bây giờ nhà văn vẫn khổ, nhưng khổ cách khác. Nhà thơ Vương Tâm vừa bóc "củ hành Sương Nguyệt Minh" trên tờ An Ninh Thế Giới (cuối tháng) từng lớp, từng lớp... Bao giờ thì đến lõi, mà hành thì có lõi bao giờ đâu?!
DẤN THÂN VÀ BÙNG NỔ
(Bài viết của Vương Tâm)
Đọc tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh tôi luôn có cảm giác hồi hộp chờ đợi một cơn lốc tâm hồn chợt đến. Đó là trường cảm xúc dồi dào, lay động, cuốn hút người đọc chăm chú đến nút kết cuối cùng của câu chuyện. Ngỡ như anh là người trầm tĩnh suy tư, nhưng khi gặp mặt tôi mới hay, anh đôn hậu và chân tình. Anh bộc bạch đủ mọi chuyện, kể cả những ví von hài hước, châm biếm ngay chính mình. Tôi lại bị thu hút đúng như khi đọc truyện của anh. Lúc ngạc nhiên, lúc lại bật cười...
1. Bán nước trước khi bán chữ
Sự nghiệp văn chương chưa đâu vào đâu, Nguyễn Ngọc Sơn (tên thật của nhà văn Sương Nguyệt Minh) đã lấy vợ năm 1986 và quyết dấn thân vào con đường buôn bán kiếm tiền. Thuở chế độ bao cấp, đời sống cán bộ công nhân viên như anh chàng Sơn 28 tuổi ngày đó, còn nhiều cam go lắm. Cho dù đã ở cấp thượng úy làm tuyên huấn tại Học viện Quân y, nhưng đâu có đủ tiền nuôi vợ, khi ấy còn là sinh viên năm thứ nhất. Đến khi có con trai đầu lòng, chẳng còn cách nào khác phải lén ngầm đi buôn bán kiếm tiền mua sữa cho con.
Đầu tiên là nuôi gà giống tại nhà, nhưng không biết cách nuôi chết cả đống, mất cả chì lẫn chài. Sau về tận quê Ninh Bình buôn trứng vịt lộn, cũng sôi hỏng bỏng không, vì đâu có biết gì. Hàng trăm quả trứng, bọc giấy nhét cả vào thùng sắt thế là đi tong. Xe nó xóc cho đến người cũng nôn ọe nữa là trứng. Hai vợ chồng cùng khóc trong đêm tối không dám cho bà con tập thể biết. Tờ mờ sáng đem cả thúng trứng vỡ đổ xuống ao. Toi mất hết số vốn để dành cả năm trời. Ngẫm thấy kiếm tiền nuôi vợ con sao mà khó. Nhưng không nản, chàng thượng úy Sơn lại dấn thân một chuyến buôn nữa, vào tận “Sè Gòn” chơi một quả toàn tập: quần, áo lót đàn bà. Một cây vàng làm vốn chứ đâu ít của. Đóng liền hai thùng chật ních hàng.
Sơn ta nghĩ phen này quyết làm giầu, không một vốn bốn lời, thì cũng phải một bung thành hai. Đúng là trời không có mắt chẳng ủng hộ người nghèo. Hai vợ chồng khênh hàng đi đâu cũng chẳng ai mua. Vì sao không biết. Mẫu mã ư? Không rất đẹp mà. Chất liệu ư? Đâu có, toàn vải xịn bóng mượt. Hay là giá cả? Hạ lấy vốn cũng chẳng ai thèm. Thế mới chết. Sau cùng mới vỡ nhẽ vì kích cỡ bé quá. Mua nhầm hàng. Thế là muốn khóc không còn nước mắt. Vì nó ức! Chẳng lẽ đấm ngực mà chết!? Vỡ mộng làm giầu lại quay về làm cái anh thượng úy đủ tiền mua tem phiếu như ngày nào. Sơn ta chỉ biết thở dài ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nhưng vẫn chưa hết nhé. Dù sao trời cũng không phụ lòng người. Có gan làm giầu. Thua keo này bày keo khác. Phút lóe sáng trong một thời cơ mà chỉ có thượng úy Sơn mới nghĩ ra. Đó là việc đào giếng khoan nước bán cho các hộ dân ở khu tập thể của Học viện Quân y. Bởi ngày ấy cả khu hỏng nguồn nước máy. Nghe chừng không biết bao giờ có nước trở lại. Sớm tối, đêm hôm mọi người thay nhau đi hứng nước và đi xin nước ở tận xa. Trong cơn cồn cào khát nước ấy, Sơn ta có ý tưởng mới lạ, khoan giếng bán nước. Giếng sâu cả trăm mét mới có nước sạch. Hai trăm rưỡi hộ dân trong khu tập thể của Học viện kìn kìn đến mua. Thế là ông chủ máy nước Nguyễn Ngọc Sơn nổi lên như một hiện tượng tài ba. Nhưng rồi cuối cùng lộc đến cũng chẳng được là bao khi nguồn nước chính được khôi phục. Thôi thì cứ gọi là một chuyến làm ăn thành công duy nhất trong đời của mình cũng an ủi phần nào cho anh chàng chuyên trách tuyên huấn nghèo rớt mùng tơi...
Nhưng sau những vụ làm ăn đổ bể, lại quá vất vả, chàng thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn bỗng nhận ra mình phải quẳng mọi bon chen, xô đẩy, quay về với ước mơ từ thời trai trẻ. Đó là mộng văn chương. Thế là anh rũ hết mọi chuyện mưu sinh chạy chợ cò con. Quả không ngờ Nguyễn Ngọc Sơn đã trở về với chính mình. Những con chữ cuồn cuộn tuôn chảy. Ngay những đêm đầu tiên cầm bút, mọi chuyện trùng điệp trở về, với những hình ảnh làng quê, hay ký ức của một thời cầm súng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường Cam Pu Chia. Nóng bỏng và quyết liệt. Đó là những đêm thức trắng không còn biết mệt mỏi. Cuộc dấn thân mới bắt đầu từ đây.
2. Sự bùng nổ bất ngờ
Ngay tác phẩm đầu tiên Nguyễn Ngọc Sơn đã gặp sự cố kỳ lạ với cái bút danh bị biến hóa. Đó là truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, ban đầu với cái tên tác giả là Sơn Nguyệt Minh, trong bản thảo. Bút danh được ghép bởi ba cái tên Sơn (tác giả) với tên vợ là Nguyệt và con là Minh. Nhưng không hiểu sao khi in ra lại thành Sương Nguyệt Minh. Ngay ở một số bài báo in ở báo Quân đội nhân dân, hay vài nơi khác cũng bị người đánh máy sửa thành Sương Nguyệt Minh. Thậm chí có nơi còn in sai hẳn thành Sương Nguyệt Ánh. Nói mãi không được, cái tên Sương Nguyệt Minh được in đi in lại thành danh xưng, thôi đành chịu. Thế là nhà văn trẻ quân đội lúc đó mang tên Sương Nguyệt Minh ngay từ truyện ngắn đầu tiên. Cho đến tận bây giờ vẫn không hay cái tên ấy bị thay đổi từ đâu và do ai gây ra.
Nhưng cái bút danh đầy trắc trở ấy cũng gắn với những sự cố ngay sau khi truyện “Nỗi đau dòng họ” in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (5-1992). Dân quê anh ở Yên Mỹ xôn xao về truyện ngắn này kể về sự mâu thuẫn giữa hai dòng họ trong làng. Một dòng họ đối địch còn cử người đại diện lên tận Hà Nội kiện tác giả vì cho là đã bêu xấu họ trên báo chí. Họ còn lùng tìm và điều tra ai là tác giả. Khi biết chính cái tên Nguyễn Ngọc Sơn, người làng Yên Mỹ là tác giả Sương Nguyệt Minh, họ còn đe dọa nếu anh về làng sẽ ăn no đòn, không tha. Đúng là sau đó phải ba năm sau, nhà văn trẻ Sương Nguyệt Minh mới dám về làng, dưới sự bảo vệ của những thanh niên trai tráng thuộc dòng họ Nguyễn nhà anh. Nhưng vẫn chưa hết vận hạn. Cũng bởi sự kiện tụng đó mà truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ”, tuy được đánh giá là hay, nhưng không được đưa vào diện xét giải cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm ấy. Có thể nói truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” mở đầu cho sự nghiệp văn học của Sương Nguyệt Minh. Cho dù trước đó từ những năm từ 1975 đến 1978, anh đã từng viết không ít cho báo chí, nhưng đúng là khi dấn thân vào lĩnh vực văn chương anh đã nổi lên như một hiện tượng, với sự cố bất ngờ. Đồng thời truyện ngắn này là sự khích lệ sau đó cho một loạt truyện ngắn và những tập sách ra đời của Sương Nguyệt Minh. Năm 1998, anh được chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên. Sau đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh làm Trưởng ban Văn xuôi, với quân hàm đại tá. Đến năm 2007, anh viết đơn xin thôi chức để chuyển sang ban Sáng tác của tạp chí cho đến nay.
Nói về những hệ lụy văn chương, Sương Nguyệt Minh còn kể đến cuộc tấn công ghê gớm khác vào tác phẩm của anh. Đó là dư luận dồn dập tranh luận về tập truyện ngắn Dị Hương, khi được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010. Có những bài viết khảo luận về tập truyện ngắn Dị Hương, với những thẩm định chủ quan và có phần suy luận sai lệch, được một tờ báo mạng in đúng ngày mùng một tết 2011. Cả nhà anh sửng sốt với dư luận ồn ào nói về “Dị Hương” đã bôi nhọ lịch sử, sai lệch về tư tưởng, không đáng được giải thưởng... Không khí đượm buồn trong ngày xuân làm cả nhà không vui. Bạn bè đồng nghiệp có người còn nghi kị, hay lo sợ nhà văn Sương Nguyệt Minh sụp đổ tinh thần. Nhưng anh vẫn tỏ ra bình tĩnh với một bản lĩnh kiên cường của người lính. Bởi anh biết họ, những người gây sóng gió cho anh, không hề khách quan mà còn có những sai lệch trong những quy kết chụp mũ. Thậm chí có người còn đọc không kỹ lưỡng đã phát ngôn thiếu trách nhiệm nên anh cùng những người thân trong gia đình giữ vững tinh thần và im lặng không nóng vội cãi vã hay đăng đàn tranh luận. Mọi chuyện dần tắt sau hai tháng ồn ào, nhưng dù sao cũng để lại dư âm, vang vọng nỗi sầu nhân thế.
Không ngờ hai năm sau sóng gió lại nổi lên, khi Sương Nguyệt Minh đưa tiểu thuyết đầu tay của mình dự Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014. Đó là cuốn “Miền Hoang” nói về cuộc sống chiến tranh của những người lính về cả hai phía địch ta. Tác giả đã có nhiều tìm tòi nghệ thuật biểu hiện tâm lý nhân vật, với con mắt tinh tế, khi soi sáng số phận và tính cách đối kháng của những nhân vật đầy phức tạp. Họ sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, phải dựa vào nhau, khi bị lạc trong một miền rừng núi, hoang vu. Mỗi người là một câu chuyện, với những số phận đưa đẩy họ vào cuộc chiến. Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng. Vậy mà dư luận lại nổ bùng với nhiều sự soi sét khác nhau trên văn đàn. Đặc biệt cuốn sách còn được mổ xẻ kỹ đến mức Hội đồng chấm giải phải luận bàn đến mấy buổi. Cuối cùng “Miền Hoang” không được vào giải. Quả là một sự kiện văn học còn phải khám phá nếu cần thiết.
3. Khắc khoải những dư chấn
Nhưng thật bất ngờ sau đó tiểu thuyết “Miền Hoang” lại được nhận Giải sách hay năm 2015 do Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng. Đúng là đường đời muôn nỗi. Những hệ lụy của tác phẩm văn học khá khách quan, khi thuận, khi nghịch không thể ngăn cản. Sự dấn thân là một quá trình lao động khổ sai. Mọi ý tưởng đôi khi trượt khỏi những biến hóa của đời sống nhân vật, nếu bản lĩnh nghệ thuật của tác giả không vững vàng. Hơn nữa, giữa muôn vàn lớp sóng của đại dương dư luận, nếu con tầu văn học không bị chòng trành mới là chuyện lạ. Nhưng con tầu vẫn hướng tới chân trời. Đó mới chính là đời sống văn học. Và, những tác phẩm của Sương Nguyệt Minh chính vì thế mà trở thành hiện tượng đáng được bạn đọc quan tâm.
(Nhà thơ Vương Tâm)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quốc Hội nước Đức thời Hitler và bài học cho nước Việt.


>> "Không ai cứu được Minh Béo, luôn cả Obama"
>> Giá như Thủ tướng mạnh tay hơn…!
>> Khi dân biết thì mọi sự đã rồi
>> Nhiều người tàn ác, trục lợi trên sự sống chết của đồng bào
>> Cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp đang ‘chết lâm sàng’


FB Nguyễn Văn Thạch
Trong thế giới loài người, không có gì sinh ra là hoàn hảo. Các dân tộc mà hiện nay được đánh giá là văn minh, họ cũng đã từng đi qua những sai lầm kinh khủng. Hơn nhau là ở chỗ biết rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Nước Đức, trước thời Hitler đã là một nước dân chủ. Khi đó, người dân đi bầu đại diện của mình để lập nên nghị viện (QH) đại diện cho ý chí người dân Đức.

Nhưng rồi, trong thời gian Hitler cầm quyền, Nghị viện nước Đức đã làm một việc rất tùy tiện và sai trái. Đó là: vào tháng 3 năm 1933, Nghị viện thông qua Đạo luật trao quyền, cho phép Hitler và nội các của ông ta thông qua các bộ luật mà không cần đến sự đồng thuận của tổng thống hay Nghị viện.

Dựa trên đạo luật này, Hitler mặc sức tự tung, tự tác nhưng vẫn "hợp pháp". Và tai họa kinh hoàng đã đến với người dân Đức cũng như thế giới như ta đã biết.

Thời nay, với lý thuyết dân chủ bầu cử, Quốc Hội được trao cho quyền tối cao đại diện cho toàn dân. Do vậy nhân dân phải quan tâm, chú ý trước mỗi hành động của QH.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện quái gì đang diễn ra trong giới trẻ?


   Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Mâu thuẫn trên Facebook: chém! Va chạm trong giao thông: đâm! Gây gổ trong phòng trọ: tạt a xít… Chuyện quái gì đang xảy ra trong “một bộ phận không nhỏ” giới trẻ vậy, khi “ai làm trái ý chúng là chúng muốn giết ngay người đó”, như lời thoại của một vở tuồng cải lương…?
Nói “một bộ phận không nhỏ” trong chuyện bạo lực và phạm tội của giới trẻ hiện nay thì không phải là cách nói vơ, nói tránh nữa, mà sự thực là vậy. Theo một thống kê vào năm ngoái, có đến 75% số tội phạm hình sự đang thuộc về giới trẻ, có nghĩa là cứ có 4 kẻ phạm tội thì có 3 kẻ là những người còn trẻ.
Một “tương lai” u ám, bận rộn cho các ngành hình luật, bởi theo các nhà tội phạm học, khi trẻ em sớm phạm tội thì nhiều khả năng khi trưởng thành sẽ trở thành những tên tội phạm chuyên nghiệp.
Tội phạm trẻ đang nhiều đến mức… thiếu cả nhà tù để giam giữ. Cũng theo thống kê năm ngoái, cả nước thiếu hàng chục ngàn chỗ để giam giữ. Cụ thể là tạm giam thiếu 14.000 chỗ, tạm giữ thiếu 12.000 chỗ.
Những vụ án kinh hoàng liên tiếp xảy ra vừa qua có lẽ đã khiến cho hầu hết các nhà xã hội, nhân văn, những người trưởng thành quan tâm đến giới trẻ hẳn phải đau đầu tự hỏi: Có chuyện gì đang xảy ra cho giới trẻ?
Hẳn phải có chuyện gì, một nguyên nhân sâu xa gì đó ở trong đầu óc, tư tưởng để những kẻ phạm tội trẻ tuổi kia suy nghĩ và chuyển sang hành động phạm tội một cách dễ dàng, hung hãn, tàn bạo thế kia.
Có thể so sánh các thời kỳ để tìm ra nguyên nhân của các “chuyện quái” đó. Như thời chiến tranh với những chuyện bắn giết lan tràn, giới trẻ đa số vẫn là những người mang trong người những lý tưởng cao đẹp. Rồi thời bao cấp khó khăn muôn vàn, những người trẻ vẫn là những người xung phong ra chiến trận, đi đầu trong công cuộc khai hoang phục hoá.
Phải chăng khi cuộc sống đã “no cơm ấm cật” thì còn người lại “rậm rật rững mỡ”? Cái lý tưởng chung, nơi tập hợp mọi con người, đã phai nhạt? Thật dễ có cảm giác con người ngày nay tan rã thành những nguyên tử, thành những “con sói đối với những con sói” như nhà triết học Thomas Hobbes đã từng đề cập, mà vụ án My “Sói” là khá điển hình.
Trẻ con ngày trước có rất nhiều “góc sân và khoảng trời” để chơi những trò chơi dân gian hồn nhiên và hát những bài đồng dao. Ngày nay, chúng chẳng còn lại gì cả ngoài những khoảng trống trước những màn hình trò chơi điện tử hay truyền hình.
Ngày xưa, bà mẹ của Mạnh Tử đã ba lần phải dời nhà để tránh cho con bị ảnh hưởng bởi những bãi tha ma, những phiên chợ hay lò sát sinh. Ngày nay, các bậc cha mẹ không thể dời nhà đi đâu mà tránh được các “lò sát sinh”, vì nó hiện diện ngay trong mỗi căn nhà.
Đó là màn hình trò chơi và điện ảnh. Theo một báo cáo từ nước Mỹ, đất nước cái gì cũng có thống kê, thì một trẻ em Mỹ khi sống đến 18 tuổi trung bình chứng kiến khoảng 200.000 cảnh bạo lực trong đó có 40.000 vụ giết người. Nửa trong số 10 trò chơi bán chạy nhất ở Mỹ có nội dung “Bắn ngay kẻ bạn gặp lần đầu tiên”!
Nước ta chưa có con số thống kê đó và có người sẽ cho là không đúng nếu đổ thừa cho việc giới trẻ bạo hành là ảnh hưởng từ phim ảnh và trò chơi. Nhưng nhà nghiên cứu nổi tiếng về phân tích tác động của bạo lực và phân tích xung đột Jan Arnow cho rằng chúng ta đang sống trong một xã hội có thói quen huấn luyện trẻ nhỏ phải biết căm thù và sợ hãi.
Nghiên cứu ở Cuba, bà đã nhận được lời khẳng định ảnh hưởng của màn hình đối với giới trẻ. Những nhà sư phạm của hòn đảo tương đối biệt lập này nói: “Chúng tôi yên bình cho đến khi người ta nhập vào đất nước những trò chơi điện tử chứa đầy bạo lực. Họ giờ đã có thể chứng kiến bạo lực leo thang, bắt nạt và xung đột khó giải trong môi trường sư phạm của mình”.
Làm sao để giải những thai đố nan giải trên? Xây dựng, phát triển những gì đây, thay vì phải xây thêm nhà tù và nâng tuổi trẻ em lên để dễ bề trừng phạt?
Đó là câu chuyện của các nhà sư phạm, các nhà văn hoá, xã hội, tâm lý, hình luật, quản lý…
Chuyện đã đến mức trầm trọng mà các vị đã biến đi đâu mất rồi, sao không thấy xuất hiện…?
Đoàn Đạt 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Mất Hoàng Sa có nhiều lý do, trong đó có lý do 'tin bạn mất bò''


   Theo đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), tham nhũng không không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà còn cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, trở thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, quá nguy hiểm cho quốc gia.
Thủ tướng cần tuyên thệ chống tham nhũng
Ngày 1.4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị cần phải đặt nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu. Theo ông Hùng, Quốc hội đã thông qua luật phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này nhưng thực tế tham nhũng ngày càng tinh vi, lan rộng.
“Tham nhũng không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế mà cả tham nhũng chính sách, tham nhũng cán bộ. Tham nhũng không chỉ một ngành mà nhiều ngành, thành thông lệ, bình thường ở một số ngành, nguy hiểm cho quốc gia”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề suy thịnh của quốc gia. Ông Hùng cho rằng, cách dùng từ "chú trọng, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí" lâu nay Chính phủ dùng là chưa đủ mạnh.
Đại biểu Hùng đề nghị tân Thủ tướng cần có tuyên thệ về chống tham nhũng, lãng phí. Hãy coi chống tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm, chống lại như chống giặc ngoại xâm.
"Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí. Do vậy cần có biện pháp, giải pháp đồng bộ, thực hiện với quyết tâm cao hơn”, ông Hùng nói.
Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, một khi cơ chế xin cho còn đất sống thì dân còn bị nhũng nhiễu. Vì đã xin thì phải có cái gì đó cho mới xin được. Ông Tiến đánh giá nhiều người thi hành công vụ chưa xem mình là công bộc của dân.
“Cái gì cũng chạy. Chạy chức chạy quyền, chạy cả luân chuyển, chạy ai, ai chạy? Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến không cần phải chạy”, ông Tiến nói.
Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cũng đưa ra một số nhận định tại phiên họp, đó là bộ máy chính trị cồng kềnh, hàng năm ngốn ngân sách hàng triệu tỉ đồng. Theo ông Tiến, cần nhất thể hóa một số bộ máy Đảng và Nhà nước. Về công tác cán bộ thì một số trường hợp nên đưa về gần dân, sát dân, hiểu dân trước khi làm cán bộ.
Không quên bài học Hoàng Sa
Trước tình hình Biển Đông đang ngày một nóng, đại biểu Vũ Công Tiến cũng đã bày tỏ quan điểm trước vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội.
“Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng trong đó có lý do “tin bạn mất bò”. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền, vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng”, ông Tiến nói.
Đồng thời, ông Tiến cũng hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình.
Trong khi đó đề cập tới vấn đề an ninh quốc phòng, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị trong 5 năm tới, Chính phủ cần quan tâm, tăng cường xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Theo đại biểu này, cần tập trung xây dựng thế trận các tỉnh thành, ưu tiên xây dựng thế trận phòng thủ các tỉnh biên giới, ven biển kể cả về nhân lực, vật lực, tăng cường phòng thủ biển đảo.
“Cần xây dựng các nghiệp đoàn có tàu lớn, lấy dân quân biển, dự bị động viên làm nòng cốt và cùng với các lực lượng xây dựng các thế trận liên hoàn biển đảo để bảo vệ vững chắc trên biển. Tăng cường trang bị cho các đồn biên phòng ven biển, nhất là các loại tàu ở vùng khơi, vùng gần bờ”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị rằng cần thể chế hóa hơn nữa để tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng, nhất là quốc phòng kết hợp với làm kinh tế.
Trí Lâm
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ quyết tâm giành lại Hoàng Sa


Dân trí Đánh giá báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chính phủ, đại biểu Quốc hội hài lòng về quan điểm, thái độ mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thể hiện rõ hơn quyết tâm kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma…
 >> Đại biểu Quốc hội trăn trở việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa

Trước phiên thảo luận tại hội trường ngày hôm nay (29/3) về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, các đại biểu Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận tại tổ về nội dung này. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ thể hiện quan điểm đánh giá trên.
Không kéo dài tình trạng quan hệ hiện nay với Trung Quốc
Đối với phần công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các ý kiến khái quát, Thủ tướng cũng như Chính phủ đã thể hiện quan điểm, thái độ rất mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, kịp thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ ngư dân, ứng phó có hiệu quả đối với tình hình biển Đông giữ được môi trường hòa bình để phát triển ổn định nên được người dân và đồng bào đánh giá cao.
Có ý kiến đề nghị trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn quyết tâm kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma – chủ quyền của Việt Nam, thể hiện rõ cho người dân yên tâm về công tác ngoại giao, đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam, không để hiểu lầm báo cáo lướt nhanh qua về vấn đề này.
Cụ thể hơn, đại biểu góp ý, cần cân nhắc nhận định liên quan đến bảo vệ được “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, nhất là tình hình biển Đông từ sau 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái lấn chiếm Trường Sa, Hoàng Sa.
Các đại biểu Quốc hội cũng góp ý, quan hệ với Trung Quốc là quan hệ lâu dài nên cần phải khéo léo, khôn ngoan nhưng kiên quyết, không nên kéo dài tình trạng như hiện nay. Một số vấn đề về chủ quyền biển đảo họp kín, truyền thông không tiếp cận được, tạo nên thắc mắc trong nhân dân, đề nghị cần công khai minh bạch thông tin để nhân dân yên lòng. Cần đề ra các giải pháp chiến lược về chủ quyền quốc gia trong thời gian tới.
Tham nhũng tiếp tục tràn ra
Một vấn đề khác trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ nhận nhiều ý kiến “mổ xẻ” của đại biểu là việc phản ánh tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. Như thẩm tra trước đó của UB Pháp luật thì nội dung này chưa được báo cáo đầy đủ, tham nhũng không chỉ là chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông trao đổi băn khoăn về nạn tham nhũng không được đẩy lùi và vẫn tràn lan (ảnh: Việt Hưng).
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông trao đổi băn khoăn về nạn tham nhũng không được đẩy lùi và vẫn tràn lan (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Lê Minh Thông – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội trao đổi, rất nhiều đại biểu băn khoăn là nạn tham nhũng không những chưa bị chặn đứng và đẩy lùi mà còn tiếp tục tràn lan ra nhưng cả báo cáo và xử lý đều không phản ánh rõ nên có lẽ tiếp tục cần có khảo sát đánh chân thực hơn bức tranh về tham nhũng hiện nay.
Ông Thông chỉ rõ, có địa phương nói không phát hiện được tham nhũng nhưng không thuyết phục được dư luận, người dân vẫn cứ băn khoăn. “Tôi nghĩ là dân sáng suốt lắm, cảm nhận của người dân là có căn cứ lắm, chỉ có điều là họ không bắt tận tay không day tận mặt được mà thôi” – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật nói.
Đại biểu của tỉnh Thanh Hoá phân tích, tình hình tham nhũng, nếu chỉ phân tích qua kết quả xử án tham nhũng, người dân đặt câu hỏi, đó phải chăng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo đó, báo cáo thẩm tra cho rằng tham nhũng ngày càng hiện hữu là phản ánh một thực tế rất nhiều người cảm nhận thấy nhưng không có bằng chứng cụ thể, vì với người dân thì họ không có điều kiện lôi ra những bằng chứng cụ thể.
P.Thảo
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TƯỚNG LẠ


Ngày trước có vua mới thường đại xá thiên hạ.
Đinh Bộ Lĩnh vớ được viên ngọc đế vương, tiếc rằng va vào mạn thuyền bị mẻ 1 miếng, thành ra vương nghiệp sau đó đứt gánh giữa đường, cả 2 cha con chết tức tưởi dưới tay 1 kẻ phong tình nhưng anh hùng.
(Truyện ngắn)
Thời Hồng Đức, phủ Thanh Hoa có quan thừa tuyên sứ họ Lê tuổi ngoại tứ tuần, thê thiếp hàng đàn mà tuyệt không người nào chịu sinh cho ngài một mụn con nối dõi. Một hôm buồn tình, ngài bèn tổ chức một cuộc đi săn trong núi, dắt theo đàn thê thiếp có đến mấy chục cô son phấn má đào.
Đoàn người ngựa tiền hô hậu ủng, cung tên, dáo mác bời bời vừa đi vừa ngoạn cảnh, mấy ngày mới lên tới một vùng núi cao, những ngọn núi chập trùng, cây cối rậm rạp phủ một màu xanh biếc. Một hôm, đoàn người ngựa đang đi bỗng nhiên dừng lại, lúc bấy giờ ngài còn đang mải hoan lạc với mấy người thiếp trong kiệu loan, chợt thấy cái nhịp nhịp dập dình đang cộng hưởng với lạc thú bỗng dừng tắp lại bèn vạch màn ra hỏi vì sao. Chúng bẩm trước mặt có một cái hồ lớn như thể vừa thình lình hiện ra chắn mất lối đi. Thấy lạ, ngài bèn chỉnh lại y phục rồi thong thả bước xuống. Quả nhiên là một hồ nước lớn trải rộng vào tít phía những ngọn núi xa xa. Mặt hồ xanh ngắt in rõ bóng mây, những làn hơi nước bảng lảng vật vờ làm cho phong cảnh như đượm màu bồng lai, tiên cảnh. Cao hứng quá, ngài bèn ra lệnh cho quan quân tản vào rừng tha hồ săn bắn, còn ngài lập trại ngay tại đó để cùng các thê thiếp thù tạc vui vầy và thưởng ngoạn cảnh hồ…
Sau chuyến đi ấy, một người thiếp của ngài bỗng nhiên thụ thai. Ngài mừng lắm, cho là vì gặp được cảnh lạ thần tiên nên mới có sự kì diệu tình cờ này. Tai sao ngài lại quả quyết rằng mình đã gặp cảnh lạ thần tiên? Bởi vì sau mấy ngày lập trại bên hồ, trên đường trở về, ngài có sai gọi người địa phương tới hỏi thì tuyệt không ai biết trong vùng lại có cái hồ ấy. Vậy là thần tiên đã có ý giúp cho mình có con nối dõi, ngài bèn quyết định xa lánh hết thảy mọi cô khác, suốt ngày chỉ quấn quýt người thiếp ấy mà thôi. Đủ chín tháng mười ngày, người thiếp quả nhiên sinh hạ một đứa bé trai kháu khỉnh. Ngài mừng lắm, đặt ngay tên con là Lê Cực Kì, có ý muốn nói đến chuyến đi săn cực kì quái lạ và thú vị của mình.
Lê Cực Kì lớn lên trong nhung lụa và sự quan tâm đặc biệt của cha. Đúng ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi, bấy giờ mới xuất hiện một điều… cực kì nữa. Số là vào một đêm nọ, đang ngủ say, ngài bỗng giật mình thức giấc, cảm thấy có một luồng ánh sáng xanh lè không biết từ đâu phát ra loang loáng ngoài khe cửa. Nhẹ bước ra khỏi phòng, ngài phát hiện luồng ánh sáng đó xuất phát từ bên trong phòng ngủ của cậu quý tử. Thận trọng mở cửa bước vào, đứa trẻ vẫn ngủ ngon lành trong lòng người vú già. Và thứ ánh sáng đó đúng là từ chỗ nó phát ra. Vừa ngạc nhiên vừa hồi hộp, ngài bước tới bên cạnh, lấy tay lật tấm lụa đắp trên mình thằng bé. Ngài phát hiện thấy phía dưới bụng nó, hình như có dấu một viên ngọc đang phát ra ánh sáng. Tiếp tục vạch bụng thằng bé để xem cho kĩ, bấy giờ ngài mới kinh ngạc thật sự. Cái bìu dái xinh xắn nhỏ xíu của nó, bình thường nhăn nhăn và đỏ hỏn là thế, mà bây giờ bỗng trong veo, nhìn rõ hai hòn dái cũng trong biếc, nom hệt như hai viên ngọc đang chiếu ra những tia sáng lấp lánh, xanh lè…
Quá đỗi ngạc nhiên không thể lý giải, ngài cứ đứng trân trân ngắm mãi cảnh tượng đó. Một, rồi hai canh giờ trôi qua. Tới gần sáng thì ánh sáng xanh đó từ từ yếu dần rồi tắt hẳn. Tới sáng ra thì trở lại bình thường, vẫn là cái bộ phận nhỏ nhắn xinh xinh và đỏ hỏn mọi khi. Ngài bắt đầu theo dõi, những đêm sau cũng có ánh sáng nhưng độ dài cứ giảm dần, vài hôm sau thì hết hẳn. Sau đó khoảng một tháng, hiện tượng đó lại lặp lại y như tháng trước. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái chỗ ấy của công tử rõ ràng có tướng lạ kì, nó theo tuần trăng mà biến đổi, nhưng đó là quý tướng hay tiện tướng thì ngài không biết, xưa nay ngài chưa hề nghe các sách tướng nói đến bao giờ. Ngài linh cảm đây là việc hệ trọng, liên quan đến dòng giống sau này nên ngài hết sức giữ kín, chỉ vài người tâm phúc biết đến mà thôi.
Trong đám sư gia thân tín của quan thừa tuyên có gã họ Du, vốn xuất thân áo vải lưu manh, nhưng được cái tài cao học rộng vẫn được ngài tin dùng. Biết tâm tư của ngài về chuyện cái tướng lạ ấy của công tử, bèn dốc chí đọc sách, tìm tòi tra cứu, song mãi vẫn không tìm ra điều gì. Một hôm thong thả cưỡi ngựa ra ngoài thành, ghé vào một quán nước chè gọi một bát, vừa uống vừa ngẫm nghĩ. Chợt có một vị sư nón tơi áo lá cũng ghé vào quán. Chủ quán rót ngay một bát nước đưa cho vị sư, tựa như hai người đã quen biết từ trước. Cầm bát nước trong tay song chưa vội uống, vị sư bỗng buột mồm ngâm mấy câu thơ:
“Nhân duyên dựng một góc trời
Non cao, nước biếc là nơi hữu tình
Rõ ràng long mạch rành rành
Đế vương từ chỗ ngọc hành mà ra”
Đọc xong, vị sư đưa bát nước lên miệng uống một hơi cạn sạch rồi đặt bát xuống, khẽ chào ông chủ quán một tiếng rồi đứng dậy đi thẳng. Sư gia họ Du nghe mấy câu ấy bỗng cảm thấy ngay có gì quái lạ, chưa kịp hỏi thì vị sư đã đi mất rồi, bèn hỏi ông chủ quán:
“Chẳng hay ông có biết vị sư này là ai, ở đâu không?”
Ông chủ quán nước trả lời:
“Dạ bẩm, tôi chỉ biết ông ta tục danh họ Phạm, còn pháp danh là gì thì chẳng ai biết. Ông ta vốn người vùng ngoài, nghe nói gần sáu mươi tuổi mới xuất gia, tình cờ xuất hiện ở vùng này cách đây chưa lâu, hiện tu ở một cái am nhỏ trong núi, thỉnh thoảng có ghé qua đây uống nước, nói đôi ba câu chuyện, vì thế mà tôi biết.”
Sư gia họ Du nghe nói thế thì càng lấy làm lạ, bụng cứ ngẫm nghĩ mãi về mấy câu thơ kia. Bỗng như chợt ngộ ra điều gì, bèn đứng phắt dậy, chào ông chủ quán rồi lên ngựa trở vào trong thành. Về đến nơi, ông ta lập tức vào ra mắt quan thừa tuyên ghé tai nói nhỏ:
“Bẩm quan lớn, nô tài đã tìm đọc đủ các loại sách tướng cổ kim, song tuyệt không sách nào nói đến cái tướng lạ ấy. Hôm nay tình cờ gặp một người tu hành, hành tung có vẻ bí ẩn, ông ta tự dưng vô cớ đọc mấy câu như có ý ám chỉ… Biết đâu đây là người ta cần tìm để hỏi cho ra về chuyện cái tướng lạ của công tử…”
Quan thừa tuyên nghe người sư gia của mình đọc lại mấy câu đó cũng cảm thấy nghi ngờ. Thế là chủ tớ bàn nhau sắm sửa lễ vật, bí mật cải trang, lên ngựa ra ngoài thành hướng vào trong núi, tìm đến chỗ vị sư nọ. Rẽ cây vạch cỏ, khúc khuỷu gần nửa ngày trời, hai người mới thấy một am cỏ hiện ra dưới chân một ngọn núi, bên cạnh có một dòng suối nhỏ. Không có tiếng gõ mõ tụng kinh, cũng chẳng có tượng Phật. Trong am cỏ, vị sư già đang ngồi tĩnh tọa, mặt quay vào vách dường như không biết có khách đến sau lưng… Cuối cùng, bằng sự kiên trì của 2 con người trần tục kia, cuộc nói chuyện rốt cuộc cũng diễn ra. Quan thừa tuyên kể lại câu chuyện của mình từ lúc đi săn gặp hồ nước, sinh con trai, đến lúc phát hiện tướng lạ của công tử… Nhà tu hành nghe xong nói:
“Vậy thì có lẽ đúng là cái hồ ấy. Vào thời lâu lắm rồi, nó vốn ở tít trong núi sâu, cách biệt hẳn với những bản làng cao nhất nên người thường không ai có thể tới được. Đó là nơi các thiên nữ ở cung trời Dạ Ma thường hay xuống tắm. Các thiên nữ cách ngày tắm một lần, nhưng một ngày đêm trên cung trời Dạ Ma bằng hơn hai trăm năm hạ giới, nên ở hạ giới thì phải hơn bốn trăm năm mới thấy một lần. Cách đây vào khoảng sáu trăm năm, có người họ Cao là thuật sĩ phương Bắc, thấy vùng này núi non hùng vĩ, cho rằng tất sẽ có nhiều long mạch quý bèn tìm đến. Lặn lội khắp vùng hàng năm trời, họ Cao không thấy có long mạch nào đáng kể thì lấy làm lạ. Cuối cùng bắt gặp cái hồ ấy, nom thấy có tiên khí bốc lên rất mạnh thì nghĩ rằng, nếu tạo được nhân duyên, để tục dương kết hợp được với tiên khí ắt sẽ xảy ra nhiều chuyện lạ. Phải cái là hồ nằm giữa một vùng núi non hiểm trở, người thường còn không ai biết đến sự có mặt của nó, nói chi đến chuyện bén mảng đến đó để mà gặp gỡ với tiên khí…
Họ Cao vốn là người rất giỏi thuật phong thủy, có phép hô sấm gọi sét, lại có thuật dời cơ rút đất. Nghĩ tới cả một vùng núi non hùng vĩ hiếm có dưới trời Nam này, mà không có lấy một long mạch đế vương thì cũng uổng phí, nay thử dùng kiến thức phong thủy mà tạo lập cơ trời một phen, biết đâu những đời sau, có kẻ sẽ nhân đó mà chuyển được mạng giời… Bèn làm thuật rút đất, dời cả một vùng dân cư tới gần bên chiếc hồ đó mà không một ai cảm thấy có điều gì khác lạ. Cứ thế đến mấy trăm năm, khi ấy họ Cao từ lâu đã trở thành người thiên cổ, các thiên nữ cung trời Dạ Ma không hề biết hiện đã có nhiều bản làng người phàm trần sống xung quanh hồ nên cứ tự nhiên xuống tắm. Và điều tiên liệu của thuật sĩ họ Cao ngày trước đã xảy ra. Có rất nhiều trai làng vùng ấy đã tình cờ được hưởng những cuộc hoan lạc ái ân tuyệt đỉnh với các nàng thiên nữ.
Sự cố ấy làm kinh động các tầng trời, suốt từ trời Dạ Ma xuống đến trời Tứ thiên vương gồm 3 tầng trời. Và đã kinh thiên thì tất nhiên động địa. Các thiên vương tức giận đã gây ra một cuộc động đất, phế bỏ tuyệt tích cái hồ đó. Việc xảy ra đã hơn hai trăm năm nay, vì thế dân ở đó không còn ai biết đến cái hồ ấy nữa. Không hiểu vì nhân duyên gì, mà cho tới tận ngày nay, khi quan thừa tuyên đến, cái hồ ngày trước lại hiện ra?
“Nhưng ngay sau đó, tôi có sai người đến đúng chỗ ấy tìm thì tuyệt không thấy một cái hồ nào cả. – quan thừa tuyên vội nói với vị sư – Đúng là một cái hồ tiên. Chẳng hay câu chuyện tiếp theo thế nào, xin sư phụ kể tiếp cho biết?”
Vị sư ngừng lại một lát rồi thong thả kể:
“Các thiên vương chỉ xóa bỏ cái hồ, chứ không trừng phạt những trai tráng kia. Về phần những anh chàng may mắn gặp được cái duyên kì ngộ ấy, kể từ đó, trên người anh nào cũng xuất hiện tướng lạ, đúng hệt như của công tử nhà ta, nghĩa là cứ mỗi tháng một lần, hai quả cà nằm trong cái túi da ấy lại biến thành ngọc, phát ra ánh sáng màu xanh, vài ngày thì hết… Chuyện đồn ra đến tận kinh thành. Bấy giờ nước ta vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của người phương bắc, quan thái thú lúc ấy là Sĩ Vương thấy việc lạ kì thì tỏ ra thích thú lắm, bèn đặt tên vùng đất ấy là Ngọc Cặc.
Tại sao lại có cái tên nửa chữ nửa nôm, lại nửa thanh nửa tục như vậy? Nguyên lúc ấy, quan thái thú ngài mới bắt đầu đem chữ của người Hán sang giáo hóa người phương Nam ta, công cuộc truyền bá mới được non nửa, vậy nên vẫn phải dùng một nửa là tiếng tục của dân bản địa thì mọi người mới hiểu. Quan thái thú ngài còn bảo trước: “Đợi khi nào giáo hóa xong, đời sau tất có kẻ sẽ tìm chữ khác để thay thế cho cái chữ đứng sau kia. Nhưng việc này mà không đặt tên ngay, sợ không ghi nhớ được cái sự kiện không tiền khoáng hậu ấy…”
Câu chuyện của vị sư đến đây làm hai người khách đã sáng tỏ phần nào. Song việc quan trọng nhất là cái tướng lạ ấy, rốt cuộc là quý tướng hay tiện tướng? rằng nó có liên quan gì đến hậu vận sau này? Chừng như biết được những lo lắng sốt ruột ấy trong đầu khách, vị sư thong thả nói tiếp:
“Đó là chỗ sinh ra tinh khí của đàn ông, gọi là huyệt “dương lai âm thụ”, do hình dáng đặc biệt của nó mà mọi khí dương của trời đất được hấp thụ vào đó, tụ lại ở đó để chờ dịp sản sinh ra tinh khí. Hình dạng của mặt đất gọi là “Địa cơ”, thì huyệt “dương lai âm thụ” chỉ “kết” trên những long mạch quý, đó là long mạch đế vương. Hình dạng con người gọi là “Nhân cơ”, tuy cũng chẳng khác gì Địa cơ, song huyệt dương lai âm thụ trên con người chỉ dùng trong việc nam nữ giao hợp, làm cái duyên cho nghiệp dẫn để sinh con đẻ cái thông thường mà khó tác động đến việc chuyển nghiệp đột biến…”
Nói đến đây, vị sư dừng lại một lát như thể cân nhắc điều gì rồi tiếp tục:
“Trường hợp của công tử nhà ta có cái tướng ấy thì cũng giống những trai tráng vùng ấy hơn hai trăm năm về trước. Điều này cực hiếm, sách cổ gọi là “nhân cơ sinh đế huyệt”. Đó là một quý tướng, một “huyệt đạo” đế vương nằm trên cơ thể con người. Tướng ấy không những sinh quý tử, mà còn có thể từ đó sinh ra bậc đế vương…”
Quan thừa tuyên nghe đến đây thì trong lòng bừng bừng cảm động, sung sướng quá không kìm được, buột mồm hỏi ngay:
“Thưa sư phụ, vậy chẳng lẽ… bao nhiêu trai tráng hai trăm năm về trước kia sinh ra… đế vương cả hay sao?”
“Họ tuy tự dưng vớ được tướng quý – vị sư bình tĩnh giải thích – song không phải là tướng bẩm sinh cho nên chỉ sinh ra những hạng trưởng giả mà thôi. Duy trong số đó, nếu có chàng trai nào ngẫu nhiên có sự trùng hợp với tử vi thì cái ngọc hoàn ấy mới đích thị là một huyệt đạo đế vương…”
Quan thừa tuyên và người sư gia của mình hết sức hài lòng về chuyến đi. Sau khi tặng lễ vật, hai người chào nhà sư để quay về. Trước khi đi, nhà sư còn căn dặn một điều cuối cùng, rằng cái tướng ấy tuy là đại quý, song vẫn có chỗ độc. Đó là người mang cái tướng ấy và cả những con cháu sau này thường rất ham dâm loạn, nên phải hết sức giữ mình thì “lộc” mới kéo dài được…
Trên đường trở về thành, chủ tớ bàn nhau dấu kín việc này, bởi nếu triều đình biết việc con cháu nhà mình sau này sẽ thành đế vương thì họa ắt tới nơi. Gã sư gia họ Du còn cẩn thận hơn, ấy là không để câu chuyện này qua vị sư kia mà bị lọt ra ngoài. Thế là về đến dinh, quan thừa tuyên lập tức sai dựng một ngôi chùa khang trang ngay trong phủ đệ của mình, đặt tên là chùa Thiên Ứng, mời nhà sư họ Phạm kia về làm trụ trì, vừa lấy tiếng công đức xây chùa độ sư, vừa như giam lỏng nhà sư, không để câu chuyện lọt ra ngoài.
Nói về công tử Lê Cực Kì, càng lớn càng tỏ ra là con nhà thế phiệt học hành sáng dạ, đọc đâu thông đấy. Năm hai mươi tuổi lên kinh đô thi. Quan thừa tuyên lúc này tuy đã già, song vẫn định bụng cho chàng kiếm chút khoa cử rồi lấy vợ sinh con quý tử hoặc đế vương cũng chưa lấy gì làm vội. Trên đường trẩy kinh, công tử cùng mấy người theo hầu vào nghỉ đêm ở một ngôi đình của làng nọ. Hôm đó lại đúng vào thời kì mà cái ngọc hoàn của chàng nó phát quang. Vào lúc mọi người, kể cả chàng đã ngủ say, thứ ánh sáng xanh kia bỗng phát ra le lói. Thành hoàng làng ấy nom thấy thế thì giật nảy mình, song vốn là một bậc có tâm cơ, ngài nghĩ ngay rằng đất nước hiện đang thái bình, may có được một vị minh quân trị vì. Nay nếu người này sinh con đế vương thì chẳng bao lâu, trăm họ sẽ lại lâm vào cảnh tranh ngôi đoạt vị, loạn lạc dấy lên thì không phải phúc cho dân lành. Âu là ta phế béng cái tướng quý này đi là xong.
Nghĩ thế rồi vị Thành hoàng bèn thò tay vào móc hai hòn dái ngọc đang rực sáng của chàng ra mà bỏ vào… nồi đun chừng nửa canh giờ. Khi lấy ra khỏi nồi thì cái ánh sáng xanh kia giờ đã tắt lịm. Ngài lại bỏ hai hòn dái vào vị trí cũ rồi dùng tay thoa thoa, miệng hà thần khí, giây lát cái chỗ đó trở lại đen ngòm như bình thường mà chàng cũng không hề cảm thấy gì.
Khoa thi ấy chàng trượt ngay từ vòng sơ khảo. Chẳng hiểu sao kinh sử rơi đâu mất sạch. Quan thừa tuyên chưa kịp buồn vì chuyện đó thì bỗng phát hiện cái tướng đại quý kia của chàng cũng tự dưng biến mất, chờ mấy tháng tuyệt chẳng thấy tăm hơi gì, công tử hiện nguyên hình là một chàng trai ngốc nghếch, tầm thường như bao chàng trai cùng lứa tuổi. Chẳng lẽ nhà sư kia nói sai? Quan thừa tuyên bèn tức tốc sang chùa gặp nhà sư kể lại chuyện ấy. Nhà sư nghe thấy cũng hơi ngẩn ra một lát rồi bảo:
“Chẳng lẽ lại có chuyện đó… Quan lớn có thể gọi công tử sang đây cho tôi hỏi kĩ lại có được không?”
Lê Cực Kì lập tức được gọi tới trước mặt nhà sư và quan thừa tuyên. Nhà sư hỏi:
“Chẳng hay trên đường đi, công tử ngủ qua đêm ở những đâu?”
Lê Cực Kì cứ theo hành trình mà kể lại cho nhà sư nghe. Đến chỗ ngủ qua đêm ở một ngôi đình làng nọ, nhà sư bỗng ngắt lời:
“Công tử có nhớ tên cái làng có ngôi đình ấy không?”
“Bạch sư phụ, làng ấy có tên là Cung Hỉ…”
“Thôi phải rồi – vị sư ngắt lời chàng rồi quay sang phía quan thừa tuyên – Bẩm quan lớn, làng ấy bần tăng cũng đã từng qua. Nó vốn có tên là Cung Thỉ, chỉ vì ngày trước, trong làng có người đỗ đạt, thấy chữ “Thỉ” xấu, mới thay bằng chữ “Hỉ”. Thành hoàng làng ấy vốn xuất thân làm nghề hoạn lợn. Đó là một làng chuyên nghề thiến hoạn súc vật. Ngày trước, bần tăng đã dặn quan lớn về chuyện dâm loạn, song quên dặn rằng cái tướng ngọc hoàn này rất kị gần những người làm nghề thiến hoạn. Nếu không bị nó triệt mất tướng quý thì cũng dễ gặp tai họa, nửa chừng đứt gánh… Âu cũng là mệnh trời…”
Thế là tan giấc mộng đế vương. Quan thừa tuyên buồn bã, thở dài ngao ngán. Song ngài bỗng dừng phắt lại chú ý vì nhà sư đã tiếp tục cất tiếng:
“Nhưng quan lớn cũng chớ có buồn vội. Kẻ chuyên nghề thiến hoạn kia tuy triệt được cái tướng hiển lộ ra trong một đời, song không thể triệt được gốc “căn” của nó. Đời này, công tử tuy không sinh được quý tử nữa, song trải những đời sau, khi nào hội đủ duyên, cái tướng quý ấy sẽ lại hiển lộ. Dòng dõi quan lớn sau này tất có đời sẽ làm đến đế vương. Chỉ cần quan lớn ghi rõ trong gia phả, dặn con cháu đời sau rằng bất luận thế nào, thì cũng phải tránh xa những người từng làm nghề thiến hoạn, tuyệt đối không kết bạn, giao du hay cùng cộng tác…”
Câu chuyện về cái tướng đại quý của Lê Cực Kì xin kết thúc tại đây. Quả có một lời chúc lụy rằng con cháu sau này phải tránh xa những người từng làm nghề thiến hoạn trong gia phả nhà họ Lê. Đó là một lời chúc lụy kì lạ và bí ẩn nhất trong những bản gia phả mà người viết đã từng xem qua. Chừng sáu mươi năm sau, khi tất cả những nhân vật trên đây đều đã trở thành người thiên cổ, bấy giờ vào đời Uy Mục Đế thì phải. Một hôm có viên quan thái bốc dâng sớ bạch rằng:
“Thần trộm nghĩ bảo vệ cái uy của mình thì không tiếc hình phạt, tiêu diệt kẻ khinh lờn. Lo cho cái ngôi của mình thì phải đề phòng có kẻ tranh cạnh… Nay xứ Thanh Hoa vượng khí chói lọi, tất có long mạch đế vương ở đó. Xưa vua Trần đã từng nghe lời thày địa lý bên Tàu mà đào sông nhằm phế bỏ long mạch của tiên Tổ ta (trỏ Lê Lợi), việc không thành là do mắc mưu gian của bọn người phương bắc. Tiên tổ ta mới nhân đó mà nổi lên. Việc trước tuy như thế, song ngẫm lại, vẫn có chỗ phải theo, huống chi nay ta có Tả Ao là một người tài giỏi việc phong thủy, lại là một bậc trung thần. Dám xin bệ hạ xuống chiếu sai Tả Ao đi phá long mạch xứ ấy, để phòng có kẻ tiếm vị sau này thì cơ nghiệp của tiên đế để lại sẽ mãi mãi vững bền. Thần tin rằng với kiến thức và lòng trung của mình, Tả Ao tất sẽ vì bệ hạ mà không lặp lại cái sai lầm của vua Trần ngày trước…”
Uy Mục Đế xem sớ bỗng rùng mình rợn gáy, lập tức xuống chiếu, cấp cho Tả Ao mười vạn quan tiền, phong làm Khâm sai trạch địa, sai ngày đêm đi gấp vào xứ Thanh, tìm bằng được long mạch để phá cho tiệt những mầm mống đế vương nếu có.
Tả Ao tiên sinh là một bậc thần cơ diệu toán. Kiến thức phong thủy của ngài ở nước Nam thì cổ kim chưa ai có thể so sánh. Có lẽ cũng chẳng kém thuật sĩ họ Cao người phương bắc ngày trước. Nhận chiếu chỉ, ngài chỉ mang theo một chú tiểu đồng cắp tráp theo hầu rồi theo đường trạm đi gấp vào Thanh Hoa.
Lại suốt nửa năm trời trèo đèo, lội suối khắp các vùng núi non Thanh Hoa, cũng giống như thuật sĩ họ Cao ngày trước, thầy trò Tả Ao cũng không phát hiện được một long mạch nào đáng kể. Trong khi cái vượng khí đế vương kia thì cứ xông lên bời bời như trêu ngươi. Chẳng lẽ kiến thức phong thủy của mình còn có chỗ khiếm khuyết? Tả Ao tiên sinh băn khoăn trăn trở. Không có lẽ như thế. Bởi phong thủy dẫu có trầm (lặn), có phù (nổi), song nó là “ngôn ngữ” của cái khí ngũ hành vốn là nguồn năng lượng bất tận tạo nên mọi sự sinh, diệt trên thế gian này. Tuy không thể “bắt” được nó, song nó luôn thể hiện thông qua sự uốn lượn của địa hình, có khi nổi lên thành gò đống, có khi thụt xuống thành vực sâu… Người biết thuật phong thủy thì chỉ cần nhìn cây cỏ cũng biết bên dưới đang ẩn chứa điều gì… Một hôm đang trên đường tìm kiếm, thầy trò bắt gặp một ngôi chùa, ngẩng nhìn thấy ba chữ: “Thiên Ứng Tự”. Bỗng nghe bên trong có tiếng người ngâm nga mấy câu sau:
“Chặn dòng đóng cọc yểm bùa
Đem ba việc ấy ra đùa thế gian
Cơ trời khi hợp khi tan
Biết đâu ẩn dưới một màn nhung y”
Tảo Ao tiên sinh nghe lấy làm quái lạ, mấy câu đó nghe như muốn ám chỉ đến việc trấn yểm long mạch mà mình đang theo đuổi. Nếu vậy thì trong chùa ắt có kì nhân. Lúc ấy trời cũng gần tối, bèn gõ cửa chùa xin vào ngủ qua đêm.
Vị sư trụ trì ngôi chùa ấy là người cũng đã có tuổi, chính là người vừa ngâm mấy câu đó. Nom tướng mạo Tả Ao tiên sinh thì biết ngay không phải người tầm thường, bèn mời vào phương trượng pha trà tiếp đãi, hầu chuyện rất mực cung kính. Tả Ao tiên sinh lòng đang nóng như lửa đốt, bèn hỏi ngay:
“Chẳng hay mấy câu mà hòa thượng vừa ngâm là có ý gì chăng?”
Vị sư dường như cũng biết tâm trạng của khách nên trả lời ngay:
“Đó là mấy câu kệ của sư phụ tôi truyền lại ngày trước. Trước khi viên tịch, sư phụ tôi có dặn rằng có khi nào thấy ngài dừng chân trước cổng chùa thì đọc cho ngài nghe…”
Tả Ao tiên sinh nghe thấy thế thì càng giật nảy mình. Không ngờ nơi đây có bậc chân tu đắc đạo, đã biết trước cả việc mình sẽ dừng chân trước cổng chùa này. Bèn hấp tấp hỏi dồn:
“Sư phụ của ngài là ai, tại sao Ngài biết tôi sẽ tới đây? Ngài có dặn gì nữa không…”
Vị hòa thượng trụ trì – chính là đệ tử truyền thừa của nhà sư họ Phạm ngày trước thong thả kể lại toàn bộ câu chuyện của quan thừa tuyên sứ và công tử Lê Cực Kì ngày trước cho Tả Ao tiên sinh nghe rồi nói:
“Sự phụ tôi, Ngài có bảo rằng trong tam tài, Thiên cơ, Địa cơ và Nhân cơ, thì phong thủy xứ này thịnh về Nhân cơ. Luận về Thiên, Địa, thì sở học của quan Khâm sai có thể nói đã đạt tới bậc tuyệt kĩ rồi. Song về Nhân cơ thì ngài còn có chỗ chưa chú ý lắm.”
“Hèn nào mà tôi lặn lội suốt từ đó đến nay, không tìm ra một long mạch nào đáng kể, trong khi đó cái vượng khí thỉnh thoảng cứ xông lên ngùn ngụt. Té ra đế huyệt nó “kết” trên thân người. Vậy chẳng hay Ngài có truyền bảo cách để trấn yểm cái Nhân cơ ấy hay không?” – Tả Ao tiên sinh hỏi.
Vị hòa thượng lắc đầu:
“Thiên cơ và Địa cơ là do nghiệp chung của cả một cộng đồng kết lại nên có thể dùng lòng người mà cảm hóa, hoặc dùng bùa ngải, dùng sức người lấp dòng, đóng cọc… để trấn. Song Nhân cơ vì nó kết theo nghiệp riêng của từng người nên không có cách gì trừ cho tiệt nọc, chẳng qua chỉ làm cho nó lặn đi vài ba đời, rồi nó sẽ lại hiển lộ ở một đời nào đó…”
“Một vài đời cũng được – Tả Ao tiên sinh mừng rỡ ngắt lời – chẳng dấu gì hòa thượng, tôi nhận chiếu chỉ của đương kim hoàng thượng, nếu không nhất thời trừ được cái vượng khí này thì có lẽ mất đầu… Vậy phải làm thế nào xin hòa thượng ra ân chỉ bảo cho biết.”
Vị hòa thượng tủm tỉm nói:
“Thì… cứ theo cách của thành hoàng làng Cung Hỉ ngày trước ấy mà làm. Nhưng tôi chắc rằng ngài cũng không phải lo đến điều đó đâu.”
Câu nói của vị hòa thượng hình như còn ẩn giấu một điều gì. Song Tả Ao tiên sinh lúc ấy thì như người đã vén được đám mây mờ. Bụng nghĩ dẫu có phải hoạn hết dái của trai tráng xứ này, để trừ cho được cái mầm mống đế vương, thì một ông vua như Uy Mục Đế cũng sẵn sàng dám làm. Âu là ta cứ về tâu lại rồi tùy ý nhà vua định đoạt.
Quả nhiên Tả Ao tiên sinh cũng chẳng phải lo đến điều đó nữa. Bởi khi ngài vừa về tới kinh thành, chưa kịp viết xong bản tấu phúc trình về chuyến đi thì Uy Mục Đế Lê Tuấn đã bị Giản Tu Công Danh (Lê Tương Dực sau này) nổi lên lật đổ và ép phải tự sát. Việc trấn áp vượng khí xứ Thanh Hoa thế là được xếp lại.
Xứ Thanh Hoa không bị trấn áp vượng khí nữa. Và nơi đó tuy không có long mạch, song do cái sự kì duyên tục dương tiên khí từ thuở xa xưa ấy mà đã tạo ra cả một vùng Nhân cơ kì bí. Đó vẫn là nơi đã từng sinh ra nhiều bậc đế vương, trưởng giả… Truyền mãi cho đến tận ngày nay, vẫn nổi tiếng là nơi phát tích của nhiều hạng đế vương. Và đặc biệt, các loại trưởng giả thì đời nào cũng nhiều không kể xiết.
Về phần Tả Ao tiên sinh, ông buồn vì tưởng mình đã học hết cái chỗ tinh diệu của thuật phong thủy, vậy mà té ra chỉ biết có Thiên cơ, Địa cơ, còn cái Nhân cơ kia thì không hề biết đến. Sau chuyện đó, ông hầu như không màng gì đến phong thủy nữa. Và đó hình như cũng là nguyên do, khiến ông không truyền lại sở học của mình cho bất kì ai, khiến cho thiên hạ từ đó đến nay vẫn không hết ngạc nhiên, cứ đoán già đoán non, lại còn đưa ra hết giả thuyết này đến giả thuyết nọ…
2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang