Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Những cuộc chiến ý thức hệ sắp tới của Trung Quốc


Trong kỷ nguyên của cải cách, tăng trưởng kinh tế chi phối tất cả. Nhưng giờ đây, sự hồi sinh của những tín điều đối chọi nhau đã chia rẽ xã hội Trung Hoa.


Với phần lớn người Trung Quốc, thập niên 1990 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa thực dụng vật chất. Phát triển kinh tế là mối quan tâm chính trị – xã hội quan trọng nhất, trong khi những hệ tư tưởng nhà nước đa dạng vốn là nhân tố định hướng chính sách trong những thập niên đầu tiên của nền Cộng hoà Nhân dân lại lui dần vào hậu trường. Những cuộc đấu tranh ý thức hệ khốc liệt từng đánh dấu sự kết thúc của thập niên 1970 cũng như thập niên 1980 đã khiến dân chúng kiệt quệ, khiến họ chỉ còn háo hức chú tâm vào những cơ hội kinh tế mà trước đấy họ chưa từng biết đến.

Giờ đây, xu thế lại thay đổi. Xã hội Trung Hoa rõ ràng là đang tái khám phá, hay ít nhất là tái xếp đặt thứ tự ưu tiên, những khát vọng về đạo đức và ý thức hệ. Vài năm qua, các lực lượng cũng như sự chia rẽ ý thức hệ đã quay trở lại vị trí trung tâm trong đời sống chính trị và xã hội ở Trung Quốc, và có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tình trạng căng thẳng về ý thức hệ trong giới tinh hoa Trung Quốc hiện đang cao hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ sau các cuộc biểu tình năm 1989. Hình ảnh về một nước Trung Hoa “hậu ý thức hệ” (post-ideological) đang trở nên ngày một lỗi thời.

Dù vậy, dường như khá ít nhà quan sát hay nhà hoạch định chính sách lại suy xét khả năng theo đó các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc là những tạo vật ý thức hệ, hoặc thậm chí là họ có thể đang ứng phó với một công chúng nhuốm màu ý thức hệ. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý với những liên đới sâu sắc dành cho công tác hoạch định chính sách. Chỉ một hay hai thập niên trước, nhiều nhà bình luận còn cảm thấy khó khăn khi phải thừa nhận rằng các chính trị gia Trung Quốc – hoặc thậm chí là những người Trung Hoa có học vấn – hoàn toàn không phải là những người theo tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đầu thập niên 2000, ý tưởng theo đó các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc không còn tin chủ nghĩa cộng sản vẫn là một ý tưởng mới mẻ, đôi khi dẫn đến thái độ hoài nghi và phản ứng trái ngược. Để so sánh, bất kỳ ai hiện nay khăng khăng cho rằng lý tưởng cộng sản vẫn chi phối quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc đều có nguy cơ huỷ hoại danh tiếng của mình như một người am hiểu Trung Quốc nghiêm túc.

Ý tưởng về một Trung Quốc hậu ý thức hệ ra đời như thế nào? Cách diễn giải khoan dung – và có lẽ đúng – về sự thay đổi này là nó chỉ đơn thuần phản ảnh một sự thay đổi chung về quan điểm trong xã hội Trung Hoa. Cuộc đàm luận về chính trị và xã hội ở Trung Quốc đã chuyển hướng từ những luận điểm mang màu sắc ý thức hệ sang thứ chủ nghĩa thực dụng mềm dẻo mà các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân thường cổ vũ. Ở đây vẫn còn một cách diễn giải ít khoan dung hơn: sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là sự tăng trưởng bền vững của nó trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã tạo ra một ý thức về tính dễ tổn thương và, do đó, một tâm tính hoang mang trong nhiều nhà phân tích phương Tây, những người vội đi đến – và vẫn tiếp tục tin vào – cái kết luận rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là những kẻ tối đa hoá tính hiệu dụng (utility) một cách tàn nhẫn và hiệu quả, những kẻ chuyên kiếm chác từ cái thế giới phát triển vốn mềm mại hơn, duy tâm hơn và phải chịu những ràng buộc dân chủ.

Dù với lý do gì đi nữa thì cái hình ảnh rập khuôn về thứ chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc có lẽ cũng đã hết thời hạn sử dụng. Ở Trung Quốc ngày nay, những dấu hiệu về sự hồi sinh ý thức hệ xuất hiện khắp nơi. Rõ ràng nhất là hiện tượng một số biểu tượng, mà từ lâu người ta nghĩ là đã chết, đã hồi sinh một cách nổi bật, và trong một số trường hợp còn rất thành công, qua những phát ngôn chính trị trên bình diện quốc gia. Đầu tiên là việc khôi phục lại hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông như là thành tố cốt lõi của câu chuyện huyền thoại về sự ra đời của Đảng CSTQ cùng tính chính danh lịch sử của nó. Như một số học giả và nhà bình luận đã ghi nhận, trong vài bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã coi Mao không chỉ là người cha sáng lập Đảng mà còn là một biểu tượng về cam kết của Đảng đối với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân tuý. Điều này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng từ lối đối xử xem nhẹ và gần như miễn cưỡng mà dường như những người tiền nhiệm của Tập, đặc biệt là Hồ Cẩm Đào, từng dành cho Mao. Thật đáng tò mò, trong khi những tín hiệu ngôn từ của Tập được bình luận ngay lập tức thì những hàm ý chính sách tiềm tàng của chúng lại phần lớn không được nghiên cứu, nếu không muốn nói là bị phủi bỏ ngay như thể chúng chẳng có gì quan trọng cả.

Mao không phải là nhân vật duy nhất được phục hồi về mặt ý thức hệ. Khổng Tử cũng đã trở thành một nhân vật ngày càng nổi bật trong những phát ngôn chính trị ở Trung Quốc. Và các nhà lãnh đạo Đảng thì thường xuyên trích dẫn các triết gia cổ đại, như Mạnh Tử, Trang Tử hay Hàn Phi. Bản thân Tập thường lập luận rằng, “để giải quyết những vấn đề của mình… [Trung Quốc cần] khai thác triệt để kho tàng minh triết vĩ đại mà đất nước Trung Hoa đã tích luỹ được trong suốt 5.000 năm qua”. Sự ủng hộ của nhà nước đối với các dự án như Học viện Khổng Tử mới ở Quý Dương (tỉnh lỵ Quý Châu, khai trương từ năm 2013) khiến những phát ngôn chính trị như thế hàm chứa một mức độ nghiêm túc nhất định và điều này đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động tân Khổng giáo. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm truyền sức sống mới cho tư tưởng Trung Hoa cổ đại cũng khiến những bộ phận khác, mang xu hướng tự do chủ nghĩa nhiều hơn, trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc lên tiếng báo động và bày tỏ sự khinh thị. Họ có xu hướng coi các quy tắc đạo đức xã hội của Nho giáo là lạc hậu và hẹp hòi.

Người ta dễ dàng, và có lẽ là thèm muốn, phủi bỏ những sáng kiến này như thể đó là sự tuyên truyền ý thức hệ đầy toan tính do một chính thể độc tài vốn đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về kinh tế, xã hội và chính trị chưa có tiền lệ tiến hành. Chắc chắn ở đây có một sự thật nào đó; chỉ có điều là nó lại quá ư đơn giản. Thực ra, người ta cũng có thể lập luận một cách thuyết phục như thế rằng, Đảng CSTQ đã đóng một vai trò thụ động, chứ không phải chủ động: các chiến dịch ý thức hệ nhằm hồi sinh những nhân vật như Mao và Khổng phản ánh những trào lưu tư duy trí tuệ và văn hoá đã nhanh chóng giành được ảnh hưởng trong tầng lớp người Trung Hoa có học vấn cao trong năm đến bảy năm qua. Xét chiều sâu và động năng của những trào lưu này, Đảng hoàn toàn có thể sẽ tìm cách bắt kịp. Bản thân Tập dường như cũng đã thừa nhận như thế qua bài phát biểu nổi tiếng ngày 19/8/2013, trong đó ông ta cho rằng Đảng đang đối mặt với một làn sóng thách thức nghiêm trọng về ý thức hệ, và cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn.

Hai diễn biến quan trọng nhất trong địa hạt tư duy trí tuệ ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1990 có lẽ là sự trỗi dậy của khuynh hướng Tân Tả (“New Left”) hùng mạnh và sự phục hồi của một trào lưu tân Khổng giáo tuy thiếu tổ chức song ngày càng giành được ảnh hưởng. Khuynh hướng Tân Tả kết hợp những cảm tính dân tộc chủ nghĩa – như một bài xã luận tháng 1/2010 trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuyên bố, “chúng ta không muốn trở thành một thuộc địa của lối tư duy trí tuệ phương Tây” – cùng sự bất mãn rộng khắp với tình trạng bất bình đẳng kinh tế để đi đến lời kêu gọi mạnh mẽ về một cuộc “tái thiết chủ nghĩa xã hội”, và điều này sẽ dẫn tới sự phục hồi của nhiều chính sách kinh tế kế hoạch hoá thập niên 1980 cũng như việc tăng cường kiểm soát ý thức hệ đối với Internet và truyền thông. Nếu tìm hiểu thế giới tư duy trí tuệ Trung Quốc hiện nay thì những nhân vật ảnh hưởng nhất – và là những người có quan hệ gần gũi nhất với sự lãnh đạo của Đảng – thường là những nhân vật tả khuynh. Trong số này có hai nhà kinh tế học nổi bật là Wang Shaoguang (Vương Thiệu Quang) và Justin Yifu Lin, nhà khoa học chính trị Cui Zhiyuan (Thôi Chí Nguyên), và triết gia Liu Xiaofeng (Lưu Hiểu Phong).

Trái lại, các nhân vật tân Khổng giáo nhìn chung ủng hộ cả sự hồi sinh của các quy tắc đạo đức Nho giáo, chẳng hạn như sự hiếu thảo, lẫn việc phục hồi một số thiết chế chính trị truyền thống, đặc biệt là chế độ khoa cử. Mặc dù họ có xu hướng kém chính thống, song chính tính chất dễ khơi mào của thuật ngữ “Khổng giáo” trong cuộc đàm luận chính trị và trí tuệ ở Trung Quốc lại đem đến cho họ một tần suất xuất hiện khác thường trên các phương tiện truyền thông. Từ cuối thập niên 1990, những lời kêu gọi nhằm hồi sinh Khổng giáo dần dần trở nên mạnh mẽ và phổ biến; chúng tiến triển từ một trào lưu ngoài lề chịu nhiều sự chế nhạo thành một xu thế dù vẫn bị chế nhạo nhưng chắc chắn đã trở nên mạnh mẽ trên bình diện quốc gia, đặc biệt là ở cấp giáo dục tiểu học. Ví dụ, Jiang Qing (Tưởng Khánh), một nhà lãnh đạo buổi đầu của trào lưu và hiện đang điều hành Viện Nho học Dương Minh (Yangming Confucian Academy) nổi tiếng, đã trở thành một nhân vật mà gần như ai ai trong giới trí thức cũng biết đến.

Cả hai diễn biến nêu trên đều có gốc rễ từ chủ nghĩa dân tộc bài phương Tây. Từ đầu thập niên 1980 đến thập niên 2000, dân chủ, pháp trị và cải cách thị trường tự do là thứ ngôn ngữ chính trị chung không chỉ của phần lớn các nhà trí thức Trung Quốc mà còn của phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp, và thậm chí cả một số quan chức, những người chí ít cũng bày tỏ sự ủng hộ bằng lời nói – và có lẽ nhiều hơn thế – dành cho những lý tưởng cháy bỏng đó. Trong giai đoạn này, các nhóm tinh hoa ở Trung Quốc dường như cùng chia sẻ sự đồng thuận rằng Trung Quốc cần Tây hoá. Cả Tân Tả lẫn tân Khổng giáo chủ yếu đều là những phản ứng tư duy trí tuệ trước sự đồng thuận đó, được thúc đẩy một phần bởi sự bất tương thích mà người ta cảm nhận được giữa tư tưởng phương Tây và thực tiễn kinh tế – xã hội – chính trị của Trung Quốc, một phần bởi sự thất vọng trước thái độ thù địch và sự phân biệt đối xử về ý thức hệ mà phương Tây dành cho Trung Quốc, và một phần bởi những tham vọng dân tộc chủ nghĩa vốn xuất hiện một cách tự nhiên cùng với sự cất cánh về kinh tế.

Gần đây hơn, các trào lưu này đã cho thấy những dấu hiệu của sự hội tụ. Tân Khổng giáo dường như đang gắn chặt với Tân Tả, và không phải là thiếu sự tương hỗ từ giới Tân Tả. Một số học giả nổi bật, đặc biệt là Gang Yang từ Đại học Tôn Dật Tiên, hiện tự coi mình vừa tả khuynh vừa theo Khổng giáo. Yếu tố then chốt của cái “nhân dạng” chung đó chính là thứ chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ mà cả hai phái ý thức hệ cùng chia sẻ, vốn cho phép các học giả này lập luận rằng các nguồn lực từ “văn hoá truyền thống” cần đóng một vai trò nổi bật trong cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây – nếu không phải như một thành tố cần thiết của cái “phương diện quốc gia” thì ít nhất cũng là một lựa chọn về mặt ý thức hệ thay cho sự khuynh loát của trí tuệ phương Tây.

Những nghiên cứu thống kê gần đây cho thấy các xu thế này vượt xa ra ngoài những ranh giới được che chắn của các trường đại học hàng đầu cũng như các trung tâm quyền lực ở Trung Quốc. Một bản phúc trình thường được trích dẫn của các nhà nghiên cứu Harvard và MIT năm 2015, chẳng hạn, chỉ ra rằng người sử dụng Internet ở Trung Quốc chủ yếu tập trung xung quanh hai thái cực: một cực “tả khuynh – Khổng giáo” vốn chủ trương hình thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa rộng khắp, hạn chế các quyền dân sự, áp dụng chính sách đối ngoại hung hăng, và phục hồi văn hoá truyền thống; và một cực “tự do phương Tây” – hay “hữu khuynh” – ủng hộ các nguyên lý thị trường tự do, chế độ dân chủ lập hiến, các quyền tự do dân sự, hợp tác quốc tế và sự chống đối văn hoá truyền thống. Ngoài ra, mức độ đồng nhất cao trong hai phái này còn cho thấy nhận thức và cam kết về ý thức hệ đã khá sâu sắc, và ngày càng sâu sắc, ai cũng như ai.

Hiện nay, những xung đột tự do chủ nghĩa – tả khuynh dường như đang tạo sắc thái và định hình việc hấp thụ thông tin của cộng đồng mạng đối với bất kỳ tin tức phổ biến nào, từ những chủ đề địa chính trị quan trọng – chẳng hạn như chính sách ngoại giao quyết đoán mới của Trung Quốc ở Biển Đông – cho đến những vụ lùm xùm trong công chúng, như vụ xung đột hành chính gần đây tại trường Đại học Tôn Dật Tiên, trong đó một giảng viên trẻ tố cáo Gan Yang trù dập anh ta và hành hung ông.

Dĩ nhiên là ở đây có những cách giải thích khả dĩ khác về việc tại sao các trào lưu dân tộc chủ nghĩa này lại giành được ảnh hưởng. Một số người có thể lập luận rằng chúng đã lợi dụng những vấn đề kinh tế – xã hội ngày càng trầm trọng của Trung Quốc trong thập niên qua, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng. Một cách diễn giải đồng cảm hơn có thể là, chúng thực sự đem đến những giải pháp tiềm tàng cho một số những vấn đề này – bằng cách thúc đẩy, chẳng hạn, một tập hợp quy tắc đạo đức xã hội định hướng nhóm (group-oriented) nhằm giúp giảm bớt sự thiếu hụt rõ ràng về độ tin cậy xã hội của nền kinh tế đô thị. Số khác có thể lập luận rằng chúng thể hiện hình thức tự phản ảnh và âu lo về mặt tư duy trí tuệ (intellectual self-reflection & anxiety) vốn xuất hiện tự nhiên sau khi xã hội đạt tới một mức độ cơ bản về thịnh vượng kinh tế, và do đó chúng là một hình thức của chủ nghĩa dân tộc tầng lớp trung lưu.

Bất kể căn nguyên của nó là gì, bức tranh ý thức hệ hiện hành cũng có thể đem đến những hệ luỵ nghiêm trọng cho quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc: sự hồi sinh ý thức hệ làm biến đổi rất mạnh môi trường xã hội và chính trị mà ở đó Đảng và Nhà nước hoạt động. Nguồn gốc của sự chính danh trong xã hội duy vật chủ nghĩa thực dụng rất khác so với trong một xã hội mang màu sắc và bị phân cực bởi ý thức hệ. Trong khi tăng trưởng kinh tế năng động là chìa khoá để giành được sự ủng hộ của dân chúng ở hình thái xã hội thứ nhất thì điều đó lại có thể không đủ, và có lẽ còn không cần thiết, trong hình thái xã hội thứ hai. Ở thời điểm hiện tại, người ta rất không chắc chắn là bên nào – các nhà tự do chủ nghĩa, các nhà tả khuynh, hay các nhà bảo thủ văn hoá – rốt cuộc sẽ giành được thế thượng phong trong những cuộc đấu tranh ý thức hệ như thế. Nếu một phái lên ngôi, chính phủ có thể nhận thấy mình bị buộc phải (hay ít nhất là được thúc đẩy mạnh mẽ để) tìm kiếm sự chính danh chính trị – xã hội thông qua các chính sách tái phân phối, cải cách các quyền dân sự, hoặc có thể là sự chuyển hướng triệt để sang một ý niệm mới về những giá trị văn hoá truyền thống. Điều này có thể hoặc là hoạ hoặc là phúc: nó có thể đẩy đảng và nhà nước vào những vị thế ý thức hệ không lấy gì làm thoải mái, nhưng nó cũng có thể đem đến những nguồn ủng hộ xã hội trong giai đoạn có biến động về kinh tế hay địa chính trị.

Xin lấy ví dụ, chẳng hạn, phản ứng của Đảng trước phong trào Chiếm Trung Tâm năm 2014 ở Hồng Kông. Trong giai đoạn đó, một phong trào chủ yếu do sinh viên lãnh đạo đã kêu gọi tổ chức bầu cử dân chủ và độc lập chính trị nhiều hơn với Bắc Kinh. Bất chấp một số đề xuất ban đầu rằng chính phủ cần bày tỏ thái độ hoà giải chừng mực với người biểu tình vì nhiều lý do thực dụng – nhằm hạn chế tối thiểu việc gián đoạn hoạt động tài chính, sự mất uy tín trong cộng đồng quốc tế, và tổn hại trong quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan – người ta sớm phát hiện ra rằng Đảng lại quan ngại về phản ứng ở trong nước đối với chiến lược của họ ở Hồng Kông nhiều hơn rất nhiều so với phản ứng của quốc tế. Tuy nhiên, phản ứng trong nước đó đôi khi lại gần như nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến. Bị khích động bởi một số ít vụ phân biệt đối xử theo lối bài đại lục của cư dân Hồng Kông, nhiều, có khi là phần lớn, cư dân đại lục có học vấn cao lại nhiệt thành ủng hộ một chính sách cứng rắn chống người biểu tình. Điều này cho phép Đảng áp dụng một lập trường phi hoà giải, song đồng thời cũng giới hạn sự lựa chọn của Đảng một cách nghiêm trọng, đưa họ đi đến một lập trường thô bạo hơn so với mức mà một số nhà hoạch định chính sách cảm thấy thoải mái.

Giống như bất kỳ hệ tư tưởng chính trị đặc thù nào, chủ nghĩa dân tộc cũng là một con dao hai lưỡi.

Trong ngắn hạn, và đặc biệt là trong những giai đoạn suy thoái kinh tế, ban lãnh đạo Đảng có thể thấy thuận tiện khi sử dụng trào lưu tả khuynh hoặc tân Khổng giáo để giành được sự ủng hộ của công chúng – mà những ngôn từ chính trị gần đây cho thấy Đảng đang nỗ lực thực hiện điều đó. Tuy nhiên, điều này lại không chắc chắn là một giải pháp dài hạn dễ chịu. Người ta chỉ cần nhìn lại sự thăng trầm ngoạn mục của Bạc Hy Lai để dẫn ra một ví dụ quan trọng mà ban lãnh đạo Đảng đã tỏ ra rất khó chịu với sự cuồng tín ý thức hệ của một số trí thức tự nhận là theo chủ nghĩa Mao. Các hệ tư tưởng tả khuynh không phải lúc nào cũng là đồng minh đáng tin cậy hơn các hệ tư tưởng tự do chủ nghĩa.

Rốt cuộc, liệu bản thân các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có quan tâm sâu sắc đến ý thức hệ, hay ít nhất là ngày càng quan tâm sâu sắc hay không? Đúng là những quan điểm gần đây của Tập về Mao, về truyền thống văn hoá Trung Quốc và về nhu cầu thay đổi văn hoá trong giới chức chính quyền tỏ ra rất nhất quán với quan điểm của một nhà kỹ trị thực dụng. Tuy nhiên, chúng cũng rất nhất quán với cách ứng xử của một nhà bảo thủ XHCN và văn hoá đích thực, người theo đuổi các mục tiêu ý thức hệ của mình một cách chừng mực và thận trọng. Bất chấp những gì người ta nghĩ về ban lãnh đạo hiện hành, hy vọng là cái ý niệm của phương Tây theo đó nền chính trị Trung Quốc thuần tuý bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dụng sẽ sớm biến mất.

Tác giả: Taisu Zhang
Dịch giả: Lê Anh Hùng
Foreign Policy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình đốp chát với Obama về Biển Đông


Tổng Thống Barack Obama hội đàm riêng với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31 Tháng Ba. (Hình: Dennis Brack-Pool/Getty Images)
WASHINGTON - Bắc Kinh nhất quyết theo đuổi chủ trương hiếp đáp các nước nhỏ phía Nam để nuốt trọn Biển Đông, người ta đọc thấy điều này trong cuộc gặp mặt của Tập Cận Bình với Tổng Thống Obama.

Hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Tư, 2016, Tòa Bạch Ốc phổ biến bản thông cáo báo chí về cuộc gặp riêng giữa Tổng Thống Barack Obama với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề cuộc họp thượng đỉnh với một số nước về vấn đề hạt nhân ở Hoa Thịnh Đốn. Ông Obama đã thảo luận với ông Tập Cận Bình một loạt nhiều vấn đề từ đóng góp đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác về các vấn đề an ninh hạt nhân, đối phó với chương trình phát triển võ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn, và cả vấn đề tranh chấp Biển Đông.

“Tổng thống đã thúc giục Trung Quốc giải quyết những khác biệt với các nước láng giềng về các vấn đề trên biển một cách hòa bình và dựa trên luật lệ quốc tế cũng như ông nhấn mạnh đến lợi ích của Hoa Kỳ trên thế giới khi khẳng định quyền tự do hải hành và bay qua không phận” mà luật lệ quốc tế cho phép. Bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc chỉ viết có một câu về vụ việc.

Đối chọi lại quan điểm của tổng thống Mỹ, Tân Hoa Xã thuật lại dài dòng lời của Chủ Tịch Tập Cận Bình đáp trả trong một bản tường thuật, lập lại quan điểm của Trung Quốc không hề thay đổi từng được nói trong nhiều dịp khác nhau những năm gần đây.

“Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Chủ Tịch Tập Cận Bình cả quyết Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào nhân danh tự do hải hành mà vi phạm chủ quyền lãnh thổ của mình cũng như làm tổn hại lợi ích an ninh của mình.” Tân Hoa Xã viết tường thuật.

“Trung Quốc, Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhất quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan trên Biển Đông cũng như bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực. Đồng thời, bám chặt nguyên tắc các tranh chấp nên được giải quyết bằng phương cách hòa bình giữa các nước tranh chấp xuyên qua đàm phán và tiếp xúc trực tiếp.” Tân Hoa Xã kể.

Tân Hoa Xã còn thuật lời ông Tập Cận Bình kêu gọi Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên quan điểm là không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực Biển Đông cũng như đóng vai trò xây dựng để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đảo nhân tạo Đá Thập ở Trường Sa với phi trường và các cơ sở quân sự được Trung Quốc xây dựng nhằm khống chế Biển Đông. (Hình: CSIS)
Hoa Kỳ từng nhiều lần đả kích Bắc Kinh là cậy thế nước lớn, hùng mạnh về quân sự để hiếp đáp các nước nhỏ ở Đông Nam Á. Hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và mở rộng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, biến những nơi này trở thành những căn cứ quân sự khổng lồ để Trung Quốc khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông, không những tạo bất an cho các nước Đông Nam Á mà còn động đến an ninh hàng hải của các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Úc.

Hoa Kỳ không công nhận cái “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gồm luôn trong đó các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Bắc Kinh cướp của Việt Nam. Chính vì vậy, một số chiến hạm, máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã chạy vào bên trong hay bay trên phạm vi 12 hải lý của một số đảo tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự đả kích, đe dọa của Bắc Kinh.

Hai ngày trước cuộc gặp mặt của Tổng Thống Obama với ông Tập Cận Bình, ông Robert Work, phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với báo chí rằng Hoa Kỳ không công nhận “vùng đặc quyền” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông.

Ngày 30 Tháng Ba, 2016, báo New York Times thuật lại cuộc tuần tra của tuần dương hạm USS Chancellorsville mấy ngày trước đó tại khu vực gần đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef) tại quần đảo Trường Sa. Chiến hạm của Hoa Kỳ đã bị một khu trục hạm của Trung Quốc bám theo canh chừng suốt cả thời gian nó quanh quẩn ở khu vực.

Giới chuyên viên phân tích thời sự nhiều lần báo động là sau khi hoàn tất kế hoạch xây dựng và trang bị võ khí trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ tiến đến tuyên bố “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông. Nếu điều này xảy đến sẽ làm gia tăng căng thẳng an ninh khu vực rất nhiều. (TN)

Người Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Diễn biến Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú của ứng cử viên Đỗ Anh Tuấn


Ứng cử viên độc lập Đỗ Anh Tuấn. Nguồn: FB Tuấn Đỗ
Diễn biến Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú phường Xuân Hòa – thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc:
1. Bác Ngòi tổ trưởng tổ dân phố:
Anh Tuấn không có mặt tại nơi cư trú, không tham gia hệ thống chính trị, không có đóng góp cho tổ dân phố, không có quan hệ mật thiết với người dân địa phương, đang bị CA quận Hai Bà Trưng xử phạt 35 triệu đồng. Không thể đại diện cho nhân dân được.
2. Chú Hải chủ tịch MTTQ tổ dân phố:
Nhất trí với ông Ngòi. Anh Tuấn không có thành tích, không giúp đỡ người dân, vi phạm hành chính, chưa chấp hành xong quyết định cưỡng chế. Không đồng ý, không tín nhiệm anh Tuấn là đại biểu quốc hội.
3. Ông Thoảng:
Trên facebook của anh Tuấn có nhiều ảnh không thích đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam là tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Anh Tuấn không thích đảng cộng sản thì không thể vào quốc hội được. Anh Tuấn có dám làm như Cù Huy Hà Vũ, làm như Điếu Cày không?
4. Ông Cù Tiến Tuất:
Lớp trẻ phải tu dưỡng, rèn luyện. Đất nước có được như ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ. Không thể thay đổi hiến pháp vì đó là kết quả đấu tranh của bao nhiêu thế hệ. Tôi không đồng ý cho anh Tuấn làm ĐBQH.
5. Em Lan Anh của đoàn thanh niên:
Cùng sử dụng mạng facebook, tôi thấy anh Tuấn viết nhiều bài nói xấu, nói bậy về đảng và nhà nước của ta. Không thể thay thế được hiến pháp. Anh Tuấn không thể là đại diện cho tầng lớp thanh niên.
6. Ông An:
2 năm làm CA thì anh tự xin ra hay bị buộc ra khỏi ngành. Đảng và nhà nước đã đào tạo anh tốn tiền. Trước khi ứng cử anh đã làm được gì cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Ông cảm thấy bị xúc phạm khi đọc bài viết của anh Tuấn có nói rằng “Nếu sống mà không để lại gì cho những người xung quanh thì sống để làm gì?”
Nếu không vào quốc hội thì hãy cứ là công dân tốt đi đã.
Biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống để có được hiến pháp như ngày hôm nay. Viết lại hiến pháp là không được. Anh Tuấn nhận thức chính trị non nớt, tự mãn, tự kiêu.
Mình đáp:
1. Nhà cháu chuyển toàn bộ gia đình khỏi Xuân Hòa về Phúc Thắng từ 2010 để chăm sóc bà nội thì làm sao mà có quan hệ mật thiết hay có đóng góp gì cho Xuân Hòa, tuy nhiên vẫn có đóng góp cho Phúc Thắng. Hơn nữa MTTQ tỉnh vẫn bắt phải chuyển nơi lấy ý kiến cử tri về phường Xuân Hòa.
2. Việc bị xử phạt 35 triệu là do tuyên truyền về quyền con người. Và quyền con người nằm ở chương 2 của hiến pháp.
3. Việc thách thức người khác dám làm như Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày thì đó là những người tốt hay xấu?
4. Hiến pháp là thứ có thể thay đổi. Hiến pháp của Pháp đã thay đổi 9 lần trong 10 năm. Và hiến pháp Việt Nam đã thay đổi 5 lần. Miễn là hiến pháp đảm bảo đời sống người dân thì việc thay đổi bao nhiêu lần không quan trọng.
5. Việc nói bậy có thể là do cách hiểu. Ví dụ như chữ “Đổi mới cuộc sống” mà được viết tắt thì người đọc hay hiểu sang nghĩa bậy bạ, linh tinh.
6. Ông An:
Làm CA 2 năm thì tự ra khỏi ngành. Còn lý do ra khỏi ngành là không cảm thấy đồng tiền có được từ nghề CA mang lại niềm vui. Hơn nữa số tiền kiếm được từ ngành CA cũng chẳng dám khoe với ai.
Việc học là từ tiền thuế của nhân dân chứ không phải là từ tiền của đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước không làm ra tiền. Họ chỉ sử dụng tiền thuế của nhân dân mà thôi.
Trước khi ứng cử thì tôi cũng đi làm và kinh doanh để kiếm tiền như bất kỳ ai. Tôi cũng đã có góp ý sửa đổi hiến pháp mà mọi người quan tâm có thể lên google và gõ “Đỗ Anh Tuấn” + “Hiến pháp” là ra. Bản góp ý này được đăng trên nhiều trang, trong đó có tranghienphap.net của giáo sư Ngô Bảo Châu.
Câu “Nếu sống mà không để lại gì cho những người xung quanh thì sống để làm gì?” mang ý mong muốn mọi người hãy làm cái gì đó cho quê hương, đất nước.
Hình minh họa: Ông Đinh Quang Trung – chủ tịch MTTQ phường Xuân Hòa. Người luôn tìm cách chặn không cho mình phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Thanh chủ tịch UBND phường Xuân Hòa. Người thực sự đạo diễn toàn bộ sự việc ở phường Xuân Hòa (đương nhiên là có cả sự chỉ đạo từ trên)
Diễn biến có liên quan:
Khi mình nói tự ứng cử ĐBQH, chú Hải chủ tịch MTTQ tổ dân phố trước đó đã nói: “Liệu chúng nó có cho cháu vào không?”
Khi mình hỏi anh Hoàng bí thư đoàn thanh niên rằng anh sẽ phát biểu gì thế? Anh đáp: “Bị phân công rồi, anh đéo làm gì khác được đâu”. Nhưng cuối cùng thì em Lan Anh đã phát biểu phần của đoàn thanh niên.
Bác Chi, người bế mình từ khi mình còn bé tí, tối hôm trước còn đi vận động tranh cử với mình, sáng hôm sau bị CA đến nhà. Buổi chiều mình lên bác bảo bác ốm, bác gái đi họp thay được 5p thì bỏ về.
Những nhà hôm trước mình đến vận động tranh cử và đều tỏ ý ủng hộ thì hôm sau có người đến tận nhà nhắc nhở.
Kết quả giơ tay 70/71 người không đồng ý cho mình ửng cử ĐBQH.
Kính báo để cả nhà biết.
Vâng, dân chủ đến thế là cùng.
H1Ảnh: FB Tuấn Đỗ
H1____
Các bước tiến hành Hội nghị cử tri tại cơ quan:
1. Công ty mình có 104 người nhưng chỉ mời 15 người, mời các công ty khác 103 người. Thành phần mời chủ yếu là các đảng viên đảng cộng sản. Đa số là những người mình còn chẳng biết là ai, và họ cũng chưa biết mình là ai.
2. Mở đầu cuộc họp là ông chủ tịch công đoàn phát biểu về việc “tự ứng cử”. Việc phát lý lịch và chương trình hành động là việc riêng của anh Tuấn, không phải văn bản của tổ chức nào nên không thực hiện. Xem xong thì trả lại cho anh Tuấn.
3. Lấy ý kiến:
– Anh bí thư đoàn thanh niên phát biểu: “Anh Tuấn tự ứng cử mà không xin phép, không báo cáo tổ chức đoàn thanh niên, qua theo dõi facebook thì anh nói xấu đảng và nhà nước rất nhiều, anh Tuấn còn đang bị phạt 35 triệu và tháng nào cũng bị trừ lương”
– Anh giám đốc thứ nhất phát biểu: qua theo dõi facebook của anh Tuấn thì thấy anh Tuấn nói xấu đảng và nhà nước rất nhiều, anh Tuấn mong muốn sửa hiến pháp là một ước mơ ngông cuồng.
– Anh giám đốc thứ hai phát biểu: Qua thông tin mà những người trước nói thì tôi sẽ không ủng hộ anh Tuấn.
– Anh áo vàng phát biểu: Phải tìm hiểu kỹ về cách vận hành của Đảng và nhà nước thì mới ứng cử đại biểu quốc hội được.
Ngoài ra không thấy có phát biểu nào khác.
Mình đáp:
– Đã “tự” ứng cử thì không phải báo cáo hay xin phép.
– Mặt xấu thì nói là mặt xấu, mặt nhọ thì nói là mặt nhọ, tham nhũng thì nói là tham nhũng. Đấy là nói thật chứ không phải nói xấu.
– Bị phạt 35 triệu vì tuyên truyền về quyền con người. Và quyền con người nằm ở chương 2 của hiến pháp.
– Đương nhiên phải tìm hiểu kỹ về nhà nước thì mới có thể đưa ra các nhận định, nếu không thì là những người nói leo mà thôi.
Chủ tịch công đoàn kết luận:
Anh Tuấn có cho là mình hay, mình tài thì có thể áp dụng ở Singapore hay Mỹ hay nước khác, chứ đặc trưng của Việt Nam khác các nước.
4. Lấy ý kiến:
– Không sử dụng hình thức bỏ phiếu kín. Chỉ sử dụng hình thức giơ tay biểu quyết.
– Kết quả có 11/127= 8,6% người đồng ý (Có thêm 9 người của công ty mình)
Vậy kính báo để cả nhà rõ.
Quên mất 1 thông tin quan trọng là toàn bộ sự việc được đài truyền hình Bình Xuyên quay phim lại. Không biết để dùng vào việc gì.
anle20 | 02/04/2016 at 2:39 am | Categories: Uncategorized | URL: http://wp.me/pxlzY-c11
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố Trung Quốc là 'kẻ thù' - Dân Việt

Tờ Mirror của Anh ngày 31.3 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố Trung Quốc là “kẻ thù của Triều Tiên” và de dọa phát động “chiến tranh hạt nhân” với nước này.
Cụ thể, theo Mirror, Triều Tiên ngày 10.3 vừa phát hành một tài liệu trong đó lên án Trung Quốc gay gắt. Tài liệu này cáo buộc Trung Quốc là “kẻ phản bội” và lên án Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng gần đây.
Đồng thời, tài liệu này cũng đe dọa sẽ tấn công Trung Quốc bằng một lực lượng mạnh như “một cơn bão hạt nhân”.
Kim Jong-un bat ngo tuyen bo Trung Quoc la 'ke thu' - Anh 1
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) giám sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên.
“Chúng ta không mềm mỏng, dễ dãi đối với người Trung Quốc nữa mà thay vào đó, sẽ đối xử với họ bình đẳng nhằm thay đổi thái độ xem nhẹ chúng ta của họ”, Mirror dẫn tài liệu đang được Triều Tiên lưu hành.
“Tất cả công nhân viên và đảng viên phải tham gia và góp phần thúc đẩy các chiến lược gây sức ép đối với Trung Quốc bởi sự phản bội của họ”, tài liệu kêu gọi.
Theo Mirror, tài liệu nói trên do Đảng Lao động Triều Tiên phát hành và được trang tin tức Hàn Quốc Daily NK đăng tải lại.
Ngoài ra, một giáo sư tại Đại học Kansai tên là Lee Young Hwa cũng khẳng định, Triều Tiên đã công khai tuyên bố xem Trung Quốc là “kẻ thù” tương tự Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Ông Lee cho hay, tài liệu mà Triều Tiên phát hành cáo buộc, Trung Quốc “hăng hái tham gia” xử phạt họ vì “quan ngại địa vị thống trị Đông Bắc Á của nước này bị lung lay”. Ông Lee còn bình luận thêm rằng, thuật ngữ “cơn bão hạt nhân” mà Bình Nhưỡng sử dụng cho thấy, nước này đang đe dọa Bắc Kinh bằng tên lửa và hạt nhân.
Trung Quốc vốn là đồng minh và đối tác kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ “môi hở răng lạnh” giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt đáng kể bởi những vụ thử hạt nhân, tên lửa mà Triều Tiên thực hiện những năm gần đây bất chấp sự không bằng lòng của Trung Quốc.
Sự kiên nhẫn của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã bị thử thách nghiêm trọng những vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên thực hiện mấy năm gần đây.
Đầu tháng này, Bắc Kinh nhất trí ủng hộ đề xuất tăng cường và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này thử hạt nhân vào ngày 6.1 bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân Dân Chán Lắm Rồi Cán Bộ Cứ Nói Chỉn Chu Và Chau Chuốt....





  • Rứa là.."Dân chán lắm rồi...."
    -Rứa là đã có thống kê một seri thực phẩm ngậm hoá chất mà chúng ta vẫn ăn, vừa ăn vừa trợn mắt hỏi nhau, có ung thư không nhỉ? Hu hu.
    -Rứa là theo Mỹ nói, bắt nghệ sĩ hài Minh béo vì dấu hiệu quấy rối tình dục trẻ vị thành niên, ý là tội sờ mó lung tung lang tang, tội này ở Mỹ nặng, trước mắt chương trình lục lạc vàng nếu đã ghi hình lại phải bỏ.. lại nghe đồn Minh tham gia đóng phim nhiều tập đang quay dở, kiểu này nhân vật Minh đóng lại phải tạo tình huống "chết thẳng cẳng" vì trúng gió chẳng hạn, đại khái thế...
    -Rứa là nhiều lời phát biểu của các đại biểu quốc hội dù rất xót, cay, thẳng nhưng phát biểu cũng chỉ là để bàn giao khoá tới...
    -Rứa là lại phải vén một phát bí mật vì sao em công ty Xinxing trúng thầu...
    Rứa là Shop TIN hôm nay...





    Đọc nội dung ở đây: 
    Shop TIN 29/3: Nhân dân chán lắm rồi cán bộ cứ nói chỉn chu và chau chuốt....


    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    Quốc gia thất bại (Failed states)


    Tác giả: Lê Hồng Hiệp - Một quốc gia thất bại là một quốc gia không thể thực hiện được hai chức năng cơ bản của một quốc gia – dân tộc trong hệ thống thế giới hiện đại: Thứ nhất, quốc gia đó không thể thực hiện được quyền kiểm soát đối với lãnh thổ và dân cư và không thể bảo vệ được các đường biên giới quốc gia của mình. Thông thường, quốc gia đó sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, quyền lực nằm trong tay các băng nhóm tội phạm, các nhóm vũ trang, các lãnh chúa cát cứ… 

    Trong nhiều trường hợp, các quốc gia này sẽ lâm vào tình trạng nội chiến, gây nên những thảm họa nhân đạo cho người dân. Thứ hai, quốc gia đó có năng lực quản trị quá yếu kém đến mức không thể đảm nhiệm được các chức năng hành chính và tổ chức cần thiết nhằm quản lý dân cư và tài nguyên quốc gia và không thể cung cấp được các dịch vụ công tối thiểu. Chính vì vậy, công dân của quốc gia đó không còn tin vào tính chính đáng của chính phủ, và nhà nước của quốc gia đó cũng trở thành bất hợp pháp trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

    Đặc điểm điển hình của một quốc gia thất bại là thường có những thể chế yếu kém hoặc không hoàn thiện. Chính phủ không có năng lực, trong khi cơ quan lập pháp, tư pháp và lực lượng vũ trang năng lực yếu kém và thiếu tính độc lập. Bên cạnh đó, về kinh tế – xã hội quốc gia thất bại có cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các cơ sở y tế và giáo dục, dẫn tới các chỉ số phát triển con ngươi cơ bản như tuổi thọ trung bình, tỉ lệ người dân biết chữ… ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, tình trạng tham nhũng diễn ra tràn lan, kinh tế thường tăng trưởng ở mức âm và các hoạt động kinh tế lành mạnh không thể phát triển.

    Việc một quốc gia thất bại không chỉ gây tác động tới người dân sở tại mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia khác trong khu vực lân cận. Tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ trong các quốc gia này thường gây nên những dòng người tị nạn tràn qua biên giới sang các nước khác. Tình trạng xung đột vũ trang, nội chiến sau khi nổ ra cũng thường lan rộng và gây tác động bất ổn tới các nước láng giềng. Ví dụ như đầu những năm 1990, cuộc nội chiến ở Rwanda đã làm cho tình hình ở Zaire (bây giờ là Cộng hòa Dân chủ Congo) trở nên bất ổn. Các quốc gia thất bại cũng có thể trở thành nơi chứa chấp các phần tử tội phạm, khủng bố, mà trường hợp Afghanistan dưới thời chính quyền Taliban cung cấp nơi ẩn náu cho al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden là một ví dụ điển hình.

    Lý giải cho việc xuất hiện các quốc gia thất bại, các học giả cho rằng có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó chính là kết quả của quá trình phi thực dân hóa.Quá trình phi thực dân hóa chỉ mang lại những tác động tích cực khi mà người dân các xứ thuộc địa đã có đầy đủ khả năng trong việc tự quản lý quốc gia của mình. Tuy nhiên trong những năm 1950 và 1960, các quốc gia thực dân khi rút lui khỏi các xứ thuộc địa và trao trả độc lập cho các dân tộc, đặc biệt là ở Châu Phi, đã không có các chiến lược phù hợp nhằm giúp đỡ các quốc gia độc lập non trẻ phát triển thành những thực thể ổn định và có năng lực quản trị. Bối cảnh Chiến tranh Lạnh lúc đó giúp che dấu những bất cập này khi viện trợ từ các siêu cường được đổ vào một số các quốc gia này nhằm hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo ở đây. Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đi cùng với việc các nguồn viện trợ không còn thì sự yếu kém của các quốc gia này bắt đầu bộc lộ, dẫn tới tình trạng bất ổn và thậm chí sụp đổ.

    Thứ hai, đó là tiến trình dân chủ hóa, một tác động khác của việc Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các chính phủ dân chủ thường nhấn mạnh quyền của công dân được tham gia vào các quá trình ra quyết định chính sách, trong khi các chính phủ độc tài thường kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ và hạn chế các quyền tự do – dân chủ của người dân. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự ổn định được hỗ trợ bởi các chính phủ độc tài như vậy. Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đi cùng với quá trình dân chủ hóa và chuyển giao quyền lực, nhiều khi miễn cưỡng, từ các nhà độc tài sang các chính phủ dân chủ ở một số quốc gia là tình trạng hỗn loạn chính trị do xuất hiện các khoảng trống quyền lực hoặc tranh chấp quyền lãnh đạo giữa các bên. Chính những khoảng trống quyền lực này đã mang lại cơ hội cho các nhóm khác nhau tìm cách cạnh tranh lẫn nhau, đôi khi thông qua bạo lực, nhằm nắm quyền kiểm soát chính phủ.

    Cuối cùng, một vài nhân tố khác cũng có vai trò không kém phần quan trọng trong việc hình thành các quốc gia thất bại. Đầu tiên đó là tình trạng quản lý yếu kém và nạn tham nhũng tràn lan ở các chính phủ cầm quyền. Tiếp theo, đó chính là tác động của hệ thống tư bản toàn cầu dẫn tới gánh nặng nợ nước ngoài kéo dài, qua đó càng làm suy yếu hơn nữa khả năng phát triển của các quốc gia này. Những yếu kém kinh tế này góp phần cùng với các nguyên nhân chính trị – xã hội khác đã dẫn tới việc chính phủ các quốc gia này dần rơi vào tình trạng khủng hoảng, mất khả năng kiểm soát đất nước và biến các quốc gia này thành những quốc gia thất bại, thậm chí sụp đổ.

    Trong những thập kỷ qua thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp các quốc gia thất bại, như Haiti, Rwanda, Sierra Leone, Afghanistan, Sudan hay Somalia. Hiện nay phần lớn các quốc gia thất bại tập trung tại khu vực Châu Phi. Nhằm đối phó với các quốc gia thất bại và giúp đỡ các quốc gia này thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn, nội chiến, kém phát triển…, cộng đồng quốc tế đã đề cập và thảo luận nhiều biện pháp khác nhau, như cô lập các chính phủ độc tài và năng lực yếu kém, cung cấp viện trợ, chuyển giao một số chức năng quản lý quốc gia cho các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, thậm chí là làm hồi sinh thệ thống quản thác của tổ chức này. Trong nhiều trường hợp, các cuộc can thiệp nhân đạo đã được tiến hành, như ở Somalia đầu những năm 1990. Gần đây hơn, các cuộc tranh luận xung quanh khái niệm “Trách nhiệm bảo vệ” trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc mở ra một khả năng khác cho sự can thiệp “có cơ sở pháp lý” của cộng đồng quốc tế vào các quốc gia thất bại, với mục tiêu trước tiên là bảo vệ các thường dân vô tội trước bạo lực và các thảm họa nhân đạo.

    Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

    Xem thêm: Giải cứu các quốc gia thất bại

    http://nghiencuuquocte.org/2016/04/02/quoc-gia-bai-failed-states/#sthash.fkr8NDy8.dpuf

    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    Chiêu thâu tóm quỹ đất ‘thần tốc’ của đại gia bất động sản


    Các ông lớn ngành địa ốc: Vingroup, Sacomreal, Khang Điền, Thủ Đức House... đang đua nhau tạo lập quỹ đất lớn với tốc độ rất nhanh bằng con đường liên kết hoặc M&A.
    Mua cổ phần công ty sách
    Trung tuần tháng 3, thông tin Vingroup sắp mua cổ phần một công ty sách được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hé lộ. Doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội tiếp cận với quỹ đất lớn gồm 6 dự án của Công ty Sách Việt Nam (Savina) thông qua hình thức mua thỏa thuận trực tiếp 44 triệu cổ phần (65% vốn điều lệ) của doanh nghiệp này với giá 10.500 đồng. Nếu thương vụ hoàn tất, chỉ bỏ ra 463 tỷ đồng mua cổ phần công ty này, đại gia bất động sản đình đám nhất Việt Nam hiện nay sẽ tận dụng được lợi thế cực lớn về quỹ đất của đối tác để phát triển bền vững.
    Điều kiện là Vingroup phải cam kết gắn bó lâu dài với Savina, có dự án đầu tư khả thi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cải tạo nâng cấp toà nhà 44 Tràng Tiền làm trụ sở công ty và trung tâm kinh doanh phát hành sách. Đại gia địa ốc không được chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong 5 năm. Savina có trụ sở tại con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, ngay bên cạnh Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) và đang quản lý quỹ đất lên đến hàng chục nghìn m2 tại Hà Nội, trong đó có những vị trí đắc địa: 44 Tràng Tiền, 22A-B Hai Bà Trưng, Dịch Vọng (Cầu Giấy). Các dự án này đa phần đang sử dụng, cho thuê hoặc để trống, có những dự án chờ chuyển đổi công năng.
    chieu-thau-tom-quy-dat-than-toc-cua-dai-gia-bat-dong-san
    Quỹ đất của các doanh nghiệp địa ốc có thể tăng lên với tốc độ chóng mặt từ hàng chục nghìn đến hàng  trăm nghìn m2 chỉ sau một động thái thâu tóm cổ phiếu, mua bán sáp nhập toàn phần hoặc từng phần.
    Liên kết với đại gia bán lẻ 
    Ngày 29/3, tại Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập doanh nghiệp, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal đã công bố 20 đối tác chiến lược toàn diện thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài những đối tác quen thuộc với ngành địa ốc như Công ty cổ phần địa ốc Kinh Đô, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao và các nhà thầu, thiết kế, định chế tài chính, cá biệt xuất hiện hai thương hiệu bán lẻ là Công ty Auchan Retail Viet Nam - Simply Mart và Liên hiệp Hợp tác xã Co.op Mart.
    Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Đặng Hồng Anh tiết lộ, các đối tác bán lẻ đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển thị phần bất động sản thương mại phức hợp. Theo đó, các cao ốc đa chức năng do doanh nghiệp triển khai xây dựng có mặt bằng là khu mua sắm sẽ ưu tiên cho các đối tác này thuê mua. Ngược lại, quỹ đất của những nhà bán lẻ cũng chính là nguồn lực để Sacomreal khai thác. "Thay vì các nhà bán lẻ này chỉ xây dựng khu thương mại thấp tầng trên quỹ đất của họ, chúng tôi sẽ vào cuộc, cùng triển khai cao ốc, tận dụng khoảng không gian phía trên để phát triển bất động sản", ông Hồng Anh chia sẻ.
    Bắt tay với ông lớn ngành dệt và xây dựng
    Ngày 19/3, Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã hoàn tất thủ tục ký kết hợp tác cùng lúc với Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương, Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển đầu tư TP HCM (Fideco) và quỹ đầu tư Pavo Capital (Anh).
    Với 2 đối tác trong nước, Thuduc House bất ngờ gia tăng thêm 6 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng, khu đô thị, khu dân cư tại TP HCM, Nha Trang, Nam Định vào danh mục đầu tư tới với quy mô quỹ đất lên đến 56 hecta. Trong khi đó, quỹ đầu tư đến từ Anh đóng vai trò hỗ trợ Thuduc House cùng các đối tác giải quyết nhu cầu vốn lớn và dài hạn cho các dự án này. Bắt tay 3 bên đã giúp doanh nghiệp bành trướng quỹ đất với tốc độ cực nhanh so với cách làm truyền thống (mất tối thiểu 3-5 năm với nguồn vốn lớn mới chuẩn bị được quỹ đất "khủng" này).
    Thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp cùng ngành
    Cuối năm 2015, Khang Điền mua thỏa thuận 32 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 57,31%. BCI đang nắm quỹ đất lớn nhất nhì Sài Gòn với 24 dự án đang triển khai, tổng diện tích gần 400 ha tập trung chủ yếu ở Bình Tân, Bình Chánh. Động thái thu gom cổ phiếu BCI của Khang Điền được dự báo là không nằm ngoài mục tiêu tăng quy mô quỹ đất, duy trì và phát huy lợi thế này để mở rộng thị phần.
    Trong thông cáo báo chí do Khang Điền phát đi cũng xác định rõ chiến lược bám trụ khu Đông và lan tỏa về hướng Tây của doanh nghiệp trong thời gian tới. Đó là từng bước mở rộng quỹ đất, đầu tư các dự án mới tại khu vực Tây Nam TP HCM ở phân khúc nhà thấp tầng, chung cư, khu công nghiệp, bất động sản thương mại.
    Nhiều doanh nghiệp khác: Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII), An Gia, Hưng Thịnh, Đất Xanh... cũng đang dùng chiêu bắt tay với các doanh nghiệp cùng ngành để bành trướng quỹ đất, rút ngắn thời gian đầu tư cho một dự án bất động sản từ 5-6 năm xuống còn 18-24 tháng.
    Vũ Lê / VietnamExpress
    Phần nhận xét hiển thị trên trang